...... ... .

 

Truyện Tích Phật Giáo

Nguyên bản chữ Hoa: Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn

Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh
---o0o--- 

 

 

Hai vợ chồng phát tâm

Phu thê đích phát tâm (79)

Lúc đức Phật còn tại thế, chư tăng phải ôm bát đến nhà của tín chúng mà khất thực món ăn thức uống của mình, vì theo quy tắc của tăng đoàn Ấn Ðộ lúc bấy giờ, chư tăng không được nhóm lửa nấu ăn.

Có một hôm, đức Phật đưa chúng đệ tử ôm bát vào thành, đến trước cửa nhà vợ chồng người Bà La môn nọ, Ngài đứng yên bất động.

Ðúng lúc ấy, trong nhà, người vợ đang nấu bếp, bỗng nhiên thấy bốn phía ánh sáng rực ngời, mà ánh sáng này không giống với ánh sáng mặt trời hay mặt trăng, vì chiếu tới thân thì tự nhiên có cảm giác êm ả, khoẻ khoắn.

Ngưòi đàn bà quay đầu lại nhìn mới biết là đức Phật và chư đệ tử đang đứng trước cửa nhà mình. Bà thấy tướng hảo trang nghiêm của đức Phật cùng dáng điệu uy nghi của chư tỳ kheo, tức thời sinh lòng hoan hỉ tôn kính, muốn đem nồi cơm mới nấu dâng lên các Ngài nhưng chợt nhớ lại người chồng ngu muội không tin Phật, nếu ông này thấy bà cúng dường Như Lai thì chắc chắn sẽ không vui.

Bà cảm thấy buồn rầu, ân hận nghiệp chướng mình đã tạo nên khiến kiếp này sinh làm thân đàn bà, đâu đâu cũng bị người khác chỉ huy điều khiển, không tự do, không tự sinh sống được.

Khi buồn than như thế lòng tin và dũng khí của con người thường tăng trưởng lên. Vì thế lòng tin của người đàn bà Bà La Môn nọ đối với đức Phật càng thêm kiên cố. Bà nghĩ ra một cách, bèn lấy chén đựng cơm ra chắt lấy nước, và đem một thìa nước chắt cơm ấy lên cúng dường Phật. Ðức Phật hoan hỉ đón lấy và nói kệ rằng :

Ðem trăm voi trắng

Ðeo chuỗi anh lạc

Cùng ngọc châu sáng

Ðể mà bố thí

Công đức không bằng

Cúng dường Như Lai

Một thìa nước chắt.

Lúc ấy người chồng Bà La Môn từ trong nhà bước ra, thấy nghe mọi sự, lấy làm quái lạ bèn hỏi đức Phật rằng :

-         Một thìa nước cơm chắt ấy thì trị giá được bao nhiêu, có cái gì quý báu đâu ? Ông nói như thế tức là khi dối người ta, làm sao bảo người ta tin ông được ?

Ðức Phật hòa nhã đáp :

-         Ta từ lâu xa đến nay tu lục độ chưa lúc nào ngừng, nên điều gì ta làm hay nói ra đều là chân thật, không hư dối, ông nên tin ta là Phật, đã chứng thánh quả.

Ðức Phật ngừng một lúc rồi nói tiếp :

-         Tại đường La Duyệt trong thành Xá Vệ, ông đã từng thấy cây Ni Câu Ðà cao hơn mười trượng chưa ?

-         Tôi biết, đó là một ngọn cây rất lớn, mùa hè là nơi duy nhất mà người ta có thế tới trốn nắng.

Ðức Phật lại hỏi :

-         Ông đã biết ngọn cây ấy lớn tới đâu, bây giờ ta hỏi ông, lúc ban đầu hạt mầm gieo xuống to cỡ chừng nào ?

-         To chừng một hạt giới tử thôi.

Người Bà La Môn trả lời không cần suy nghĩ.

-         Hạt mầm chỉ to chừng một hạt giới tử, mà có thể mọc thành một ngọn cây đa che nửa bầu trời, ông có thể nói đó là một điều kỳ dị hay không ? Không có gì kỳ dị trong ấy cả, đó là định luật tự nhiên, là luật tuần hoàn nhân quả. Hôm nay, hai vợ chồng ông đem thìa nước chắt cơm ra bố thí thì kết quả thu hoạch được ở tương lai không phải là không tính lường được hay sao ? Huống chi ta là ruộng phước lớn của công đức vô thượng, có đủ pháp bảo thù thắng. Các người cung kính cúng dường Phật, thì phước báu trong tương lai không có hạn lượng.

Ðức Phật thuyết lời thành thật ấy khiến hai vợ chồng Bà La Môn hết sức sùng kính khâm phục, từ đó hai người rất nhiệt thành trong việc thiết trai cúng dường. Khi kết liễu mạng sống, họ được sinh lên cõi trời, hưởng phúc lạc lâu dài của cõi ấy.

Không nhất thiết phải giàu có mới bố thí được, vì trong Phật giáo, không phải chỉ có đem tiền tài ra cho mới gọi là bố thí. Nếu bạn thấy một người thực hành bố thí mà trong tâm không sinh lòng ganh ghét, sân hận mà trái lại sinh tâm hoan hỉ, thì công đức của bạn cùng với công đức của người bố thí kia ngang nhau. Ðiều thiện ấy thật quá dễ làm, sao chúng ta lại không chịu làm ?

Ðức Phật nói với mọi người rằng :

-         Hai vợ chồng Bà La Môn bố thí một thìa nước cơm chắt ấy không những hiện tại sinh cõi trời hưởng phúc, mà vĩnh viễn sẽ không đọa ác đạo nữa. Rồi sau 30 kiếp, họ sẽ giáng sinh xuống nhân thế và sẽ thành Phật giữa loài người.

 

4 - Tinh Xá và Thiên Cung

Tinh xá dữ Thiên cung-104

Xá Lợi Phất là vị đệ tử thượng thủ của đức Phật. Từ khi ngài quy y Phật thì lực lượng của tăng đoàn lớn mạnh thêm rất nhiều. Ðức Phật rất tin dùng ngài : lần đầu phụng mệnh từ bi của đức Phật đến miền bắc hoằng pháp, và trông coi công trình xây cất tinh xá Kỳ Viên, chính ngài là người được đức Phật phái đi.

Nguyên do là ở nước Ma Kiệt Ðà, miền nam Ấn Ðộ có tinh xá Trúc Lâm, còn ở miền Bắc, hai năm sau khi đức Phật mới thành đạo, thì chưa có chỗ nào làm cơ sở cho Ngài thuyết pháp.

Một hôm, nhân duyên xui khiến cho trưởng giả Tu Ðạt ở Xá Vệ thành nước Kiều Tát Di La phải xuống miền nam thăm người thân, được diện kiến thánh nhan của đức Phật, bèn tự nguyện xin quy y và phát tâm muốn xây dựng tinh xá ở miền bắc cúng dường đức Phật để Ngài rưới nước pháp cam lồ ở mọi nơi.

Trưởng giả Tu Ðạt ở Xá Vệ Thành sau khi mua được vườn hoa của thái tử Kỳ Ðà bằng cách dùng vàng trải đầy mặt đất, xin đức Phật phái một người lên thiết kế và cai quản việc xây cất tinh xá tại đấy.

Ðức Phật biết rằng, vì Ngài chưa từng qua tới miền bắc, thì không cần nói, dân ở đó toàn là người ngoại đạo. Ðến miền bắc, không những phải cai quản việc xây cất tinh xá mà còn phải có khả năng hàng phục đồ chúng của ngoại đạo nữa.

Vì lý do đó mà chính ngài Xá Lợi Phất đã đi theo trưởng giả Tu Ðạt về Xá Vệ Thành lên miền bắc.

Tinh xá bắt đầu xây chưa được lâu, quả thật không sai, ma nạn đã bắt đầu xẩy tới.

Rất nhiều ngoại đạo ganh tức với Phật giáo đang bắt đầu phát triển, họ bèn kéo đến yêu cầu trưởng giả Tu Ðạt phải bỏ ngay ý định xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật và còn bảo ông không được tin đức Phật nữa.

Trưởng giả Tu Ðạt vốn đã được tiếp nhận hồng ân của pháp Phật, dầu gì đi nữa cũng không màng đến những lời của ngoại đạo. Vì thế ngoại đạo bèn nghĩ đến việc tranh luận cùng đệ tử của đức Phật, tức là ngài Xá Lợi Phất. Họ nghĩ sẽ có thể hạ bệ Phật giáo để giúp cho trưởng giả Tu Ðạt tỉnh ngộ.

Khi trưởng giả Tu Ðạt nghe tin này, ông kinh hoàng mà nghĩ rằng, một mình ngài Xá Lợi Phất thì làm cách nào mà tranh biện lại với số đông ngoại đạo như thế ?

Lòng nặng chĩu ưu tư, trưởng giả Tu Ðạt chuyển đến ngài Xá Lợi Phất lời yêu cầu của ngoại đạo, thì ngược lại Xá Lợi Phất rất vui mừng, vì ngài thấy đây là cơ hội tốt nhất cho ngài đại diện đức Phật mà tuyên dương giáo pháp.

Ðịnh ước xong thời gian và địa điểm của ngày đại hội tranh biện, ngoại đạo bèn bầu ra mười vị luận sư xuất sắc nổi danh nhất để đối phó với mỗi một mình ngài Xá Lợi Phất.

Chúng ta phải biết rằng, trên mặt số lượng tuy bên Phật giáo chỉ có mỗi mình ngài Xá Lợi Phất, nhưng trên mặt lực lượng, chỉ một ngài Xá Lợi Phất thôi là đã có thể chống chọi lại với ngàn vạn ngoại đạo.

Trong hàng đệ tử của đức Phật, Xá Lợi Phất là bậc không ai sánh bằng được. Ngài xuất sinh từ một gia đình thuộc Bà la môn giáo, ông nội và cha ngài đều là những vị luận sư nổi danh của Bà la môn, là những vị học giả lỗi lạc nhất của toàn nước Ấn Ðộ.

Nói về kiến thức cuả ngài Xá Lợi Phất, nhờ hấp thụ một giòng máu gia truyền xuất sắc như thế nên ngài tinh thông tất cả các kinh điển của ngoại đạo. Chưa kể hiện nay ngài có trí huệ của một người đã quy y đức Phật và đã chứng đắc thánh quả. Vì thế, tuyển ngài Xá Lợi Phất đi tranh biện với ngoại đạo là một sự lựa chọn thỏa đáng không có gì hơn được.

Ngày tranh biện ấy, khỏi cần nói, ngài Xá Lợi Phất toàn thắng. Có một vài ngoại đạo có khả năng tiếp thụ được chân lý, bèn xin ngài Xá Lợi Phất giới thiệu để được quy y với bậc đại thánh Thích Ca Mâu Ni.

Phật giáo hãy còn ở miền nam, mà ánh sáng đức độ ban đầu bị che đậy nay chiếu dọi lên đến miền bắc. Số người ngoại đạo nhờ ngài Xá Lợi Phất giới thiệu cho quy y đức Phật, lên tới không dưới ngàn vạn người.

Lúc ấy trưởng giả Tu Ðạt mới thở phào một tiếng nhẹ nhõm, ông khâm phục ngài Xá Lợi Phất hơn và lại càng cảm khái uy đức của đức Phật.

Công trình xây cất tinh xá Kỳ Viên tiến hành rất mau lẹ ; thể theo sự thiết kế của ngài Xá Lợi Phất thì có 16 điện chỉ dành để làm nơi vân tập, lại có 60 phòng nhỏ, chia làm phòng ngủ, phòng nghỉ ngơi, phòng giặt rửa, phòng tàng trữ, ngoài ra còn có vận động trường, nơi tắm rửa, hồ, suối v.v

Khi tinh xá xây gần xong, ngài Xá Lợi Phất nói với trưởng giả Tu Ðạt :

-         Trưởng giả Tu Ðạt, ông nhìn xem trong không trung hiện giờ mới có gì xuất hiện vậy ?

-         Bạch tôn giả, tôi không nhìn thấy gì cả.

Trưởng giả Tu Ðạt thất vọng trả lời.

-         Ðiều đó không có chi là lạ, nhục nhãn không thể nhìn thấy những hiện tượng như thế. Bây giờ ông hãy nương vào thần lực thiên nhãn của tôi, nhìn xem một lần nữa.

-         Ồ, bạch tôn giả, có rất nhiều cung điện nguy nga tráng lệ !

Trưởng giả Tu Ðạt mừng rỡ reo lên.

-         Ðó toàn là những cung điện của trời Lục Dục, do ông cúng dường tinh xá cho đức Phật thuyết pháp, tuy tinh xá xây chưa xong nhưng ở trời Lục Dục thì cung điện của ông thì đã hoàn tất.

-         Xin hỏi tôn giả, trời Lục Dục cung điện nhiều đến ngần ấy, tương lai tôi nên sinh về cõi trời nào tốt nhất ?

-         Ở cung trời Ðao Lợi thọ mệnh rất lâu dài, dân ở đó biết tu hành, chuyên cần hành Phật đạo, không dễ gì đọa lạc.

Ngài Xá Lợi Phất giải thích.

- Vậy thì tôi nguyện sinh về cung trời Ðao Lợi !

Khi trưởng giả Tu Ðạt nói như thế, thì các cung điện khác từ từ ẩn mất, chỉ còn lại cung điện của cung trời Ðao Lợi là thêm phần huy hoàng lộng lẫy trước mắt trưởng giả Tu Ðạt.

Trưởng giả Tu Ðạt suốt cả một đời, chưa bao giờ từng vui mừng như thế.

---o0o---

| Mục lục |

---o0o---

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật : 01-06-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chuyen con đường ăn chay bồ đề tâm 放下凡夫心 故事 doi thien tai thuong xuyen mặt linh lể phận ch羅a thánh 因无所住而生其心 trùng cho mẹ nhân ngày phụ nữ tử Mẹ Con 曹洞宗 歌 ai biet minh la ai dau tu vào giao tang gia va luc hoa Học Cách chăm sóc da tiếp da tốt chỉ cñu thiền phat 8 thói quen văn phòng có hại cần tránh phật giáo Không khổ đau và 首座 lat Liên đạt tu hoi huong theo kinh hoa nghiem chuyển ý nghĩa và nguồn gốc của hai vị thần tương Năm lá Ÿ Sư ông cho con niềm tin Ä Ä ng xÃƒÆ 1979 Cáº