“ấn tống” - không bán; hoặc tung ra thị trường với giá cả rất dễ mua.
Còn nhớ có lần báo Tuổi Trẻ có bài phản ánh những nhầm lẫn kiến thức về lịch sử dân tộc trong nội dung thuyết giảng của một vị giáo phẩm qua một băng đĩa phổ biến trong cộng đồng Phật tử.
Thông thường các văn hóa phẩm chính thống đều qua sự thẩm định, biên tập của một cơ quan chức năng trước khi phát hành. Khâu này, về quy trình sản xuất, xem như góp phần biên tập, sàng lọc loại trừ lỗi không đáng có, hoặc nội dung không phù hợp, để các sản phẩm văn hóa khi đến tay người thụ hưởng, người sử dụng đạt được sự hoàn thiện. Ví dụ đối với các văn hóa phẩm hiện nay được xem là chính thống, được phép lưu hành thì phải qua sự thẩm định và cấp giấy phép của một nhà xuất bản, hoặc cơ quan chức năng trong lĩnh vực liên hệ được phân công theo pháp luật.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tổ chức có đủ tư cách pháp lý, pháp nhân, đại diện hàng chục triệu tín đồ, nhưng cho đến nay, sau gần tròn 37 năm thành lập, vẫn chưa có một nhà xuất bản, mà mọi quyền thẩm định, cấp giấy phép các văn hóa phẩm mang nội dung đặc thù đều thông qua Nhà xuất bản Tôn Giáo - thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ hoặc các nhà xuất bản khác.
Vấn đề đó Báo Giác Ngộ đã từng phản ánh hơn chục năm trước đây, tình trạng những bất cập trong quản lý cũng như chất lượng chuyên môn biên tập một lĩnh vực đặc thù.
Theo thông tin của Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, tính trong năm 2016 vừa qua, cả nước có hơn 56 ngàn lượt thuyết giảng tại 2.400 đạo tràng sinh hoạt tu tập ở các tỉnh thành. Đó là chưa kể những điểm thuyết giảng khác, ngoài sự quản lý, giám sát của Ban Hoằng pháp. Trong các hoạt động, phương hướng sắp tới - cụ thể là theo báo cáo của Ban trong năm 2016 không tìm thấy nội dung đề cập đến việc thẩm định chất lượng nội dung ở các buổi giảng, đặc biệt là băng đĩa thuyết giảng được phổ biến trong cộng đồng.
Tìm trong báo cáo của các ban ngành khác của Giáo hội cũng không thấy đề cập đến việc này. Vậy có thể hiểu rằng việc ấn hành các văn hóa phẩm, trong đó có băng đĩa thuyết giảng có nội dung Phật giáo hiện nay đang bị bỏ ngỏ. Nếu có, và số lượng rất ít so với thực tế, đều phó thác cho Nhà xuất bản Tôn Giáo trách nhiệm cấp phép thông hành.
Phải nói rằng, băng đĩa là phương tiện hoằng pháp rất tốt, hữu ích; nhưng với tình trạng vô kiểm soát như hiện nay cũng chứa nhiều nguy cơ tiêu cực, trong đó có cả việc tạo nên nhận thức lệch lạc về Phật pháp trong tín đồ, và những băn khoăn của bạn đọc phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ là một thí dụ.
Với điều kiện có đầy đủ tư cách pháp lý và có hệ thống các ban ngành, viện chuyên môn giúp việc, mong rằng vấn đề này sẽ được Giáo hội quan tâm, ít ra có tiếng nói trách nhiệm thể hiện qua việc thẩm định cho phép lưu hành, xác định tính chính thống đối với các văn hóa phẩm, trong đó có băng đĩa thuyết giảng.
Bài viết: "Băng đĩa thuyết giảng - Ai thẩm định?"
Hoàng Độ - Vườn hoa Phật giáo
Trúc Loan (Tuvien.com)