Cái chữ của mạ
Mạ không đọc được chữ, không tụng được kinh nhưng cuộc đời của mạ là trang kinh về cuộc sống - Ảnh minh họa |
Nói như dân
gian thì số mạ tôi khổ. Mạ sinh ra lúc đất nước khó khăn, quê hương nghèo đói,
cuộc sống vất vả, thiếu cái ăn cái mặc. Mạ kể hồi đó toàn ăn sắn ăn khoai. Ông
bà ngoại thường gánh khoai đem sang làng bên - làm nghề biển để đổi lấy mắm, lấy
ruốc. Lúc lên 7 lên 8, mạ đã phải đi chăn bò, chăn trâu thuê cho những nhà
giàu. Tuổi thơ của mạ qua đi cùng đàn trâu đàn bò, với cánh đồng xanh cỏ.
Ông
bà ngoại nghèo, không đủ ăn nên mạ không được đi học. Mạ ở mướn, làm thuê cho đến
năm 16 tuổi, ít lâu sau thì được gả cho ba.
Ba mạ cưới nhau, sinh được anh trai đầu, mạ mới được đi học chữ i chữ tờ. Mạ nói hồi đó đi chợ cũng phải biết chữ, không đánh vần được tên mình thì không thể đường đường chính chính đi vào cổng chợ. Chính vì thế mà tối tối mạ tham gia lớp bình dân học vụ. Đánh vần được cái tên cái họ, viết ngoằn nghèo cái chữ Trương Thị Hường. Mạ nói trình độ mạ chỉ có thế. Đi khai sinh cho con hay có việc gì ở Ủy ban thì mạ chỉ có thể dùng tay để “điểm chỉ”, trong khi người ta cầm cây bút ký cái roẹt. Cũng vì vậy mà mạ ngại viết-ký giấy tờ. Việc gì mạ cũng đùn đẩy cho ba.
Mạ nói đời mạ khổ nhiều nhưng không gì khổ bằng việc không biết chữ. Có lẽ thế mà mấy anh chị em tôi đều được đi học. Học để biết đọc biết viết, để bằng bạn bằng bè, để sáng lòng sáng dạ, để sống với đời. Tôi may mắn, được học nhiều hơn anh chị của tôi. Tôi được học nhiều trường, nhiều lớp, nhiều cấp, cũng gọi là xứng mặt với bạn với bè.
Tôi vẫn nhớ,
trước mỗi kỳ thi của tôi, mạ thường nấu đĩa xôi, chén chè để cúng ông bà tổ
tiên. Rồi bắt tôi phải đi thắp hương quanh tất cả các ban thờ. Đi thi thì mạ
nói bình tĩnh để làm, có ông bà phù hộ rồi. Những năm sau này khi không ở chung
cùng gia đình, bắt đầu một kỳ thi nào tôi cũng đều gọi cho mạ. Không biết mạ
còn nấu xôi chè nữa hay không nhưng mạ luôn nhắn tôi hãy cố lên. Để rồi sau mỗi
kỳ thi, mỗi bậc học, khi nhận được giấy báo trúng tuyển thì mạ nói chúc mừng
con, cố gắng lên.
Mạ không biết tôi thi những cấp bậc nào, những trường nào, nhưng chỉ cần nói con đậu rồi thì mạ rất vui. Mạ nói lời chúc mừng một cách rụt rè. Có lẽ mạ rụt rè vì mạ không quen nói, cũng có thể mạ quá vui mà không nói nên lời và cũng có khi vốn liếng chữ nghĩa của mạ không có để nói lời hoa mỹ.
Mặc cảm chữ
nghĩa trong mạ nhiều chừng nào thì niềm vui, hãnh diện vì tôi càng nhiều chừng ấy.
Nói mạ mặc cảm bởi khi đi chùa, mạ chỉ ngồi ở đằng sau, chắp tay và niệm Phật
trong khi những Phật tử khác lật từng trang kinh để tụng vang vảng, đều tắp. Mạ
nói nhiều khi thấy đạo hữu tụng kinh mà mạ “ốt dột”, chẳng dám đi chùa tụng
kinh. Tôi khuyên mạ rằng, không tụng được thì mạ nghe, mạ hiểu, mạ niệm Phật,
như thế cũng sinh ra công đức rồi.
Mạ không đọc được chữ, không tụng được kinh nhưng cuộc đời của mạ là trang kinh về cuộc sống. Tụng kinh là để hiểu lời Phật - Tổ dạy. Mạ không tụng được nhưng mạ nghe và hiểu được ý nghĩa thì còn tốt hơn nhiều. Tụng kinh để hiểu để tu chứ không phải tụng kinh để đem ra so bì, phân biệt và tính toán với mọi người. Tụng kinh không phải để tính công với Phật.
Phật Tổ dạy Tam tạng kinh điển cuối cùng chẳng phải là để hướng dẫn chúng sanh sống cuộc sống chân thiện mỹ hay sao. Chữ nghĩa làm tròn chức năng của nó cũng là chiếc thuyền để qua sông, là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Giờ mạ không còn nhớ tên của mạ viết như thế nào nhưng tôi biết mạ đã viết những điều thiện lành lên tâm hồn mạ, lên tâm hồn của anh chị em chúng tôi và cả cháu chắt nữa.Tản văn Fan Thạnh
Ngọc Sương (Tuvien.com)