khác.
Có một chú bé hay ngỗ nghịch, phá phách, nên thường xuyên bị mẹ chỉ dạy và khiển trách. Một ngày nọ, vì giận mẹ quá, cậu chạy đến hang đá trong khu rừng gần nhà. Đang trong cơn hậm hực, cậu ta lấy hết sức mình hét lớn, “tôi ghét người”, nhưng từ trong khu rừng có tiếng vọng lại, “tôi ghét người”. Cậu bé sợ quá, hoảng hốt chạy nhanh về nhà, tìm đến mẹ mà khóc nức nở, nghẹn ngào. Cậu bé cảm thấy hốt hoảng và sợ sệt, nên ôm chầm lấy đôi vai mẹ, mong được che chở. Cậu bé lại nghĩ rằng, “tại sao nơi rừng sâu lại có người ghét mình?”.
Thấy con đang lo lắng và sợ hãi, người mẹ an ủi, vỗ về và đưa con trở lại khu rừng. Bà nói, “này con thân yêu của mẹ, bây giờ con hãy bình tĩnh hét thật to, tôi thương người”. Cậu bé nghe theo lời mẹ, dùng hết sức bình sinh hét lớn lên, “tôi thương người”. Mầu nhiệm thay, cậu vừa dứt lời thì có tiếng vọng lại vang dội hết cả rừng xanh, “tôi thương người”.
khác.
Cậu bé trong lúc bực bội nên cảm thấy ghét ai làm phiền mình, may mà cậu ta có được người mẹ hết sức tuyệt vời, biết bao dung và độ lượng. Bà chẳng những không giận con, mà còn tìm cách dạy dỗ để cậu ý thức được sự sống của mình cần có hiểu biết và yêu thương. Nhờ vậy, cậu bé sau này lớn khôn sẽ biết sống tốt hơn để không làm người khác phiền muộn, khổ đau, mà có sự thương yêu, sẻ chia và nâng đỡ.
Để chỉ cho con mình có thêm hiểu biết chân chính và sâu sắc về đạo lý nhân quả, người mẹ giải thích cho con hiểu thêm, “con à, đó là định luật vay trả công bằng trong cuộc sống của chúng ta. Con cho ai điều gì, con sẽ nhận được điều đó. Ai làm lành thì được hưởng phước, ai gieo gió thì gặt quả, ai làm ác thì chịu khổ đau, nhân quả rất công bằng và không biết thiên vị một ai. Khi ta đã gieo nhân, dù trăm kiếp, ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên, quả báo hoàn tự hiện.
Con à, nếu con biết sống yêu thương và san sẻ với mọi người, thì mọi người cũng sẽ biết sống yêu thương và an ủi con trở lại. Nếu con thù ghét ai thì người cũng thù ghét con trở lại; và cứ như thế, ân oán, hận thù, vay trả không có ngày thôi dứt. Vậy con phải biết khôn ngoan sáng suốt, chọn lựa nhân nào dẫn đến an vui, hạnh phúc mà ứng dụng, hành trì; nhân nào dẫn đến sa đọa khổ đau thì chúng ta dứt khoát không làm”.
Thương và ghét là hai điều kiện làm cho con người khổ đau hay hạnh phúc, thương quá cũng khổ, ghét quá càng khổ hơn. Ta muốn được người thương thì ta phải biết thương người. Người dễ thương là người lúc nào cũng ngọt ngào, êm dịu, nhẹ nhàng và sống khiêm tốn trước mọi người. Trong mối quan hệ tình yêu, ta thương yêu người ấy vì người ấy biết lo lắng, thương tưởng đến mình.
Đúng ra ta rất khó thương một người chưa từng thương mình, có khi họ thù ghét mình và đã làm cho mình đau khổ. Thương yêu là bản chất của con người, nhưng đa số chỉ thương yêu trong sự ích kỷ, hẹp hòi và có điều kiện, nên không bao giờ có lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông và tha thứ. Chính vì sự thương yêu hẹp hòi đó mà dẫn đến ghen tuông, ganh ghét mà làm hại lẫn nhau.
Sự thương yêu mà không cần đền đáp lại chỉ có nơi bậc cha mẹ, hay các vị tu hành chân chính, đạt đến trình độ không còn thấy ta, người, chúng sinh. Sự thương yêu ấy không còn hơi hướm của lòng vị kỷ, nên lúc nào cũng đem lại niềm an lạc, hạnh phúc đến với tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết.
Tình thương yêu chân thật được hiến tặng bởi trái tim hiểu biết, nên không phải là thái độ lăng xăng của những kẻ lấy vải thưa che mắt Thánh. Nếu ta không biết mở lòng để bao dung và độ lượng, thì ít ra mình cũng có chút tình thương mà không cần sự đền đáp lại. Đó mới chính là tình yêu thương chân thật. Trong cuộc sống, khi con người không có tình yêu thương chân thật với nhau, mà chỉ sống trong căm ghét, hận thù, thì thế gian này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu, vì ai cũng muốn tranh danh, đoạt lợi, mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau.
Thật ra, sống để yêu thương có hiểu biết và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau mới là tình người trong cuộc sống. Vậy chúng ta hãy theo lời Phật dạy mà sống biết yêu thương, kính trên nhường dưới, vui vẻ, thuận thảo với nhau, quý kính, tôn trọng nhau.
Trong cuộc sống, sự thất bại trong giao dịch làm ăn có thể làm con người ta dễ buồn phiền, chán nản, nhiều khi dẫn đến cô đơn, buồn tủi, tuyệt vọng. Bởi trong hoàn cảnh đó, họ mất hết sự yêu thương từ gia đình, người thân, bạn bè và xã hội, nên họ cảm thấy đau thương, buồn tủi, mà dễ dàng sa ngã vào vòng tội lỗi.
Tình yêu thương chân thành luôn đem đến niềm an vui, hạnh phúc và sẻ chia, nâng đỡ sẽ làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Làm người ai cũng có thể vướng vào bất hạnh, khổ đau, nhưng họ sẽ bớt đau thương, buồn tủi, bớt cô đơn, tuyệt vọng khi bên cạnh họ vẫn có người san sẻ và an ủi. Nhờ vậy, họ có thêm ý chí và nghị lực để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời mà vươn lên làm mới lại chính mình.
Nếu ta không có tình thương chân thật thì không thể giúp họ thoát ra vũng bùn đau khổ, nhưng ít ra mình phải có chút tấm lòng động viên, an ủi, sẻ chia, để họ có thêm niềm tin mà từng bước vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Nhưng trớ trêu thay, khi ta yêu thương mà chịu sự chia lìa, ta sẽ buồn, sẽ khóc, sẽ thở than vì người đó lo cho ta quá nhiều. Người đó giờ không còn nữa, vậy ai sẽ lo cho mình đây? Chính vì thế mà nhiều người cảm thấy lạc loài, chơi vơi, vì mất đi phần nương tựa vật chất lẫn tinh thần, nên tiếc nuối, nhớ thương mà sinh ra buồn khổ.
Đi ngược lại với thương yêu là sự thù hằn, ghét bỏ. Không có gì đau khổ bằng thù ghét mà gặp nhau hoài. Thương và ghét là hai vế đối nghịch nhau, đã thương thì không ghét, đã ghét thì không thương; nhưng vì ta hay ích kỷ, hẹp hòi, nên khi thương không được thì sinh ra thù hằn, ghét bỏ và từ sự ganh ghét đó mà mình có thể hãm hại người kia bằng mọi cách.
Thù ghét sẽ làm cho ta xấu xí, khổ đau hơn, vì tâm niệm ích kỷ, oán giận, hờn mát trong lòng, nên lúc nào cũng mong muốn người ấy bị hại, bị khổ, bị mất mát, bị đau thương, thậm chí còn muốn người đó mau chết đi càng sớm càng tốt. Khi ta thù ghét ai, trước tiên ta khổ trước, vì thái độ bực tức không bằng lòng với hiện tại.
Người kia chưa khổ, nhưng ta đã tự tàn phá sắc đẹp của mình, thậm chí có khi ta không dằn được cơn nóng giận, nên đánh đập, hành hạ người thân, vì không biết cảm thông và tha thứ. Ta cứ muốn người kia như bản sao của mình, khác đi một chút thì mình không chịu, mình bám víu, chấp trước, thậm chí nhiều khi mình còn ngoan cố, ép buộc người kia phải làm theo.
Ta bây giờ đâu phải như đứa trẻ khi còn tấm bé, ta đang lớn khôn và trưởng thành, nên khi mất mát hay bị tổn thất vấn đề nào đó, ta phải biết bình tĩnh để suy xét, nhận định. Nhờ vậy, mình không bị mê mờ bởi thói quen ích kỷ, hẹp hòi mà sinh ra thù ghét. Thế giới con người do không có tình thương chân thật, nên lúc nào cũng oán giận, thù hằn, ghét bỏ nhau mà sinh ra chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Có khi ta nhân danh đấng thần linh thượng đế để trừng phạt thiên hạ, tạo ra biết bao nỗi khổ, niềm đau,làm tổn hại cho nhau.
Vì ta thương yêu trong ích kỷ, hẹp hòi do không có hiểu biết, nên mình dễ dàng hành hạ, đánh đập người thân khi không làm chủ được cơn sân hận. Ai có tâm niệm thù ghét như thế sẽ không bao giờ tìm được sự an lạc nội tâm, vì trong lòng lúc nào cũng chất chứa bao phiền muộn, đau khổ.
Khi ta thương yêu, quý trọng lẫn nhau một cách chân tình, tình thương đó có sự bù đắp lâu dài, nên mình tìm cách bảo vệ và gìn giữ chúng, đến khi cảm thấy bị người phụ bạc, ruồng bỏ, tìm đến người bạn khác, mình cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời yêu thương, nên tiếc nuối, khóc lóc, hờn giận và cuối cùng dẫn đến thù hằn, ghét bỏ.
Một khi ai đã ôm cảm xúc đó vào lòng, thì giống như một lưỡi dao bén đang từ từ cứa vào thân thể, làm ta thất vọng, đau khổ đến tột cùng. Ta không còn sáng suốt nữa mà điên cuồng trong vô vọng. Nếu đã dùng hết cách mà không chuyển hóa được cảm xúc thù ghét, ta phải biết rằng, mình đang rơi vào hố sâu của ngục tù tội lỗi. Ai dại gì phải chịu như thế trong khi ta có trái tim biết yêu thương, hiểu biết, trái tim tha thứ, biết cảm thông.
Ta chỉ nhớ, biết mình như thế thì bao nhiêu cảm xúc oán giận, thù hằn, ghét bỏ không có chỗ ẩn núp. Như ta đã biết, mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình có trái tim hoàn hảo và đẹp nhất, tại sao phải tự trói buộc lấy nhau vì tâm niệm thù ghét đó, để làm cho gia đình, người thân, bè bạn không có cơ hội gần gũi, sống yêu thương nhau.
Người mẹ đó đã thật sự có tình thương chân thật, nên đã chỉ cho cậu bé hiểu được nhân nào quả nấy, để sau này lớn khôn trưởng thành, cậu biết chọn cho mình một hướng đi trong sáng bằng trái tim yêu thương, hiểu biết. Ai nắm được chiếc chìa khóa của sự yêu thương và ghét bỏ nhờ biết tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, sống thành thật, biết sẻ chia và quý kính, tôn trọng lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống, thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.
Bài viết: "Chìa khóa của sự yêu thương"
Thích Đạt Ma Phổ Giác - Vườn hoa Phật giáo
Đoan Trang(Tuvien.com)