Lược sử Đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo
Đến tuổi trưởng thành, Thái tử
xuất gia và tu hành. Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn trở về hoằng hóa tại cố
hương. Trong lần này, Di Mẫu được Thế Tôn giáo hóa. Sau khi nghe thuyết pháp,
Kiều Đàm Di chứng đắc sơ quả Tu-đà-hoàn.
Năm năm sau, tại vườn Ni Câu Luật
(Nigrodha), Di Mẫu đã xin phép Đức Phật được xuất gia làm Sa-môn. Ba lần thưa
thỉnh, Đức Thế Tôn vẫn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca
Tỳ La vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly. Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung son điện
ngọc, cùng năm trăm Thích nữ hoàng tộc, tự xuống tóc, quyết tâm theo chân Phật.
Thấu hiểu sự quyết tâm của Di Mẫu và 500 nữ nhân dòng họ Thích, sau ba lần thưa thỉnh chính đáng của ngài A Nan, Đức Thế Tôn đã chấp nhận cho người nữ xuất gia với điều kiện phải tuân thủ Bát kỉnh pháp suốt đời.
Ngay sau khi thọ nhận Bát kỉnh
pháp, Đức Thế Tôn cho phép Tôn giả Đại Ái Đạo cùng 500 nữ nhân dòng họ Thích
thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong giáo đoàn của Đức Phật.
Cũng từ mùa hạ năm ấy, Ni đoàn được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tôn giả
Đại Ái Đạo, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư
Tăng.
Nhờ sự tổ chức khéo léo và trí tuệ của Đức Tổ Đại Ái Đạo mà Ni đoàn phát triển nhanh chóng và lớn mạnh. Kể từ đó, cánh cửa giải thoát đã mở rộng cho mọi thành phần, mọi giai cấp, giúp cho người phụ nữ vượt qua nhiều chướng ngại, tìm sự an tĩnh nội tâm.
Tôn giả Đại Ái Đạo luôn tinh tấn tu tập. Một lần, tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Thế Tôn xác nhận Đại Ái Đạo là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát Niết-bàn, chứng đắc quả vị A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích. Tôn giả Đại Ái Đạo thọ 120 tuổi đời, 40 tuổi đạo.
Tại Việt Nam, ngay từ thời Ni bộ Bắc tông thành lập, Sư trưởng Như Thanh cùng quý Ni trưởng, Ni sư đã họp bàn để chọn một ngày trong năm có ý nghĩa nhằm tưởng niệm Đức Thánh tổ Đại Ái Đạo, nhưng không tìm thấy một tư liệu nào đề cập đến thời gian ngài nhập Niết-bàn.Về sau, quý Ni trưởng nhất trí chọn mồng 8 tháng 2 là ngày Phật xuất gia để làm lễ tưởng niệm Đức Thánh tổ Đại Ái Đạo. Chư tôn đức Ni cũng đã dựa vào các tư liệu có được để phác thảo hình ảnh và tạc tượng của Tổ sư, tôn trí tại chùa Từ Nghiêm (TP.HCM).
Hàng năm, cứ đến ngày tưởng niệm Ngài, Phân ban Ni giới Trung ương lại chỉ đạo tổ chức Tưởng niệm Đức Thánh tổ Đại Ái Đạo ở một tỉnh thành khác nhau.
* Tin liên quan:
GN
Ngọc Sương (Tuvien.com)