Sốt xuất huyết và Cúm A/H1N1
Tôi nghe nói lúc này bệnh Sốt xuất huyết đang gia tăng và cũng rất nguy hiểm, vậy làm sao phân biệt được sốt trong Sốt xuất huyết và sốt trong cúm A/H1N1?
ledungt4…@gmail.com
Câu hỏi của bạn thật đúng lúc. Trong lúc mọi người đang lo “bấn xúc xích” vì Cúm A/ H1N1, dễ bỏ qua những bệnh nguy hiểm khác, trong đó có sốt xuất huyết (SXH).Ta đang ở vào mùa dịch SXH, mùa mưa, mà đỉnh điểm là khoảng từ tháng 9-11 này, với tình trạng nước đọng triền miên sau mỗi cơn mưa như hiện nay làm chỗ cho muổi vằn sinh sôi nẩy nở thì SXH sẽ gia tăng nhanh trong thời gian tới!.
Như ta biết, sốt (nóng) là dấu hiệu của rất nhiều thứ bệnh chứ không riêng Cúm A/H1N1 và SXH. Từ bệnh sốt rét, sốt phát ban, sốt thương hàn… đến các bệnh lao, viêm màng não, viêm não, viêm phổi, cho đến viêm ruột thừa, viêm túi mật… đều có sốt cả. Sốt là một triệu chứng, không phải bệnh. Nó là một biện pháp chống đỡ của cơ thể đối với một tác nhân gây bệnh. Một người bệnh không có “khả năng”… sốt sẽ rất nguy hiểm. Nhưng sốt cao quá có thể đẫn tới làm kinh (co giật). Thân nhiẽt bình thường ở 37 độ C, có thể thay đổi chút ít trong ngày, nhưng trên 38 độ C thì đã gọi là sốt. Sốt đến 39-41 độ C là sốt cao, trên 42 độ C thì đã có thể gây tử vong. Ngựơc lại thân nhiệt xuống thấp, dưới 36 độ C là nguy hiểm, nếu dứơi 35 độ C cũng đã có thể gây tử vong. Vì thế mà các loại nhiệt kế- dùng để đo thân nhiệt- chỉ cần vạch từ 35 đến 42 độ C là đủ.
Câu hỏi phải đặt ra mỗi khi có sốt là bệnh gì ở đằng sau cái sốt đó? Chữa là chữa cái bệnh chứ không phải chữa sốt, Dĩ nhiên khi sốt cao thì phải tìm cách làm hạ sốt, nhưng cũng không đựơc làm hạ sốt quá nhanh, quá thấp. Thầy thuốc thường chỉ cần nghe mô tả sốt kiểu nào là có thể đoán ra bệnh gì. Chẳng hạn sốt “cách nhật” – ngày sốt ngày không – thì biết ngay là bệnh Sốt rét. Sốt mà sáng nóng ít, chiều nóng nhiều, càng ngày càng nóng thì đó là… Thương hàn.. Sốt âm ỉ vào mỗi buổi chiều, kéo dài nhiều tuần nhiều tháng thì có thể là Lao… Tóm lại, biết sốt cách nào, sốt kiểu nào là điều rất quan trọng để giúp thầy thúôc chẩn đoán bệnh. Chẳng những phải theo dõi kỹ cách sốt, kiểu sốt mà còn phải theo dõi sốt có kèm với triệu chứng gì khác nữa không! Thí dụ, sốt mà có ho, sổ mũi thì bệnh khác, sốt mà ói, tiêu chảy thì bệnh khác, sốt mà đau bụng, nhức đầu… thì bệnh khác nữa. Trở lại câu hỏi của bạn: Sốt trong Cúm A/H1N1 thường là sốt không cao lắm, chỉ trên 38 độ C, lại kèm với ho, ách xì, sổ mũi, đau nhức mình mẩy… nên cũng dễ nhận ra. Trái lại, sốt trong SXH thường là thứ sốt đột ngột, sốt cao, 39-40 độ C và sốt suông, nghĩa là không ho, không sổ mũi, ách xì… gì cả. Rất khó làm hạ sốt trong SXH- uống thúôc hạ sốt vẫn cứ nóng, hoặc chỉ hạ một chút rồi lại lên ngay. Sốt trong cảm cúm kéo dài chừng vài ba hôm thì khỏi –nếu không có biến chứng gì khác- còn trong sốt xuất huyết thì cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày tự nhiên hết, nhưng đó là thời điểm rất cần cảnh giác:nếu thấy khỏe ra, vui chơi thì không sao, nhưng thấy có vẻ mệt thêm, lừ đừ, đau bụng, ói mửa hoặc chảy máu cam, chảy máu nướu răng, nổi nốt đỏ trên da, vết bầm chỗ chích thì … đúng là SXH đang trở nặng, phải đưa ngay vào bệnh viện. Đừng chậm trễ vì mãi nghĩ đến Cúm mất thì giờ vô ích! .
BS Đỗ Hồng Ngọc (dohongngocbs@gmail.com)
Ngọc Sương (Tuvien.com)