Thắp sáng Hương Sen
Chưa có ngày nào nắng đến thế, ngày 8 tháng 4 âm lịch năm nay. Ve đã đàn ca tưng bừng từ khi giọt nắng đầu tiên rơi trên chùm hoa khế, ấy thế mà phượng năm nay chưa rộ hoa, vô cảm ngậm nắng trong lòng, đắng nghét màu xanh trong mê ngủ.
Tháng Năm tây là mùa của phượng Huế - năm nay e phượng mất mùa - lòng như còn đợi chờ, hy vọng mùa phượng chưa qua, một nỗi mong ngóng như đã từ lâu, từ thuở học trò… Vẫn còn nao dạ bóng phượng hàng năm… vẫn nung nấu những trang giấy nhòe mực tím giấu cánh phượng đỏ trong cuốn lưu niệm học trò một thuở.
Con đường Trần Hưng Đạo bỗng như nghèo đi một nửa khi thiếu màu đỏ say đắm vần vũ trên cao vào những ngày cực dương của mặt trời xích đạo. Buổi chiều không một chút gió, cổ họng rát bỏng mơ một giọt nước mưa tình cờ rơi vào. Xe chưa ngớt vun vút trên đường khi chúng tôi băng qua để đến Phú Văn Lâu.
Tôi đi đến buổi lễ với chút hờ hững trong lòng. Ngoài nỗi mong ngóng mơ hồ mùa hoa học trò chưa đến, mà thời gian qua đi qua đi, còn lưa không chút đợi chờ điều chi mầu nhiệm có thể xảy ra trong một ngày nóng bức thế này. Đàng kia loáng thoáng áo vàng, áo lam, áo nâu trên bục lầu Nghinh Lương Đình, nghe như có một thời xênh xang tư mã bên bờ sông Hương.
Buổi lễ hình như đã bắt đầu, lời giới thiệu quý vị trong chính quyền, trong giáo hội đang vọng đến sân đá nơi tôi đang bước. (Buổi lễ hôm nay sẽ trực tuyến cho cả nước xem). Tôi đến muộn rồi, e không còn chỗ… Tôi nhủ thầm vừa như tự trách mình, vừa nhẹ nhõm vì thoát được những phút nghi lễ khuôn sáo.
Khung trời Phú Văn Lâu, trước cửa Ngọ Môn, có một thứ ánh sáng lạ, bảng lảng nỗi hoài mong sóng nước cổ kim.
Lại khuôn sáo, nếu tôi nói tiếng vang của chiếc giày tôi mang đang phá vỡ nhịp hò “Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu…” thuở nào đang ngân bên tai trái còn nghiêng dĩ vãng.
Bóng chiều chạy dài trên sân đá…
Tôi lẻn vào đám quan khách đang ngồi dự. Buổi lễ thắp sáng bảy đóa sen cúng dường Phật Đản như biểu tượng 7 bước chân của Đức Phật lần đầu tiên chạm cõi trần, đã khai mạc. Loay hoay tìm một chỗ ngồi khuất có thể nhìn rõ cảnh tượng trên sông… lại được anh S. nhường cho cái ghế, thật may… Tôi có dịp tự do âm thầm nhìn, ngắm.
Chuyện làm những đài sen này đã cũ, trước đây hai năm, do thầy Tâm An chùa Hải Đức phát tâm cùng với các Tăng Ni và Phật tử tạo dựng thật công phu. Ý tưởng nên thơ, hơi có vẻ ngây thơ (thoạt tiên tôi nghĩ), hóa ra công việc kết cấu lại không đơn giản. Mỗi đóa sen lớn gần bằng một gian phòng cá nhân, với cánh hoa bằng vải màu hồng đều do các Ni và nữ Phật tử cặm cụi ngày đêm khâu may. Đặt nó trên đất đã khó mà đặt nó trên nước là cả một công trình. Tôi dốt kỹ thuật, nhưng nghe nói đã là một công trình dày cộm công phu nghệ thuật và kỹ thuật. Thầy Tâm An và anh KTS. Mạnh Tường trải qua nhiều vất vả thử thách.
Lần đầu mùa Phật đản 2008, như từ trên trời xuống, những đóa sen khổng lồ, màu hồng nhạt xuất hiện trên sông Hương đã làm kinh ngạc khách qua cầu khi nhìn sông. Tưởng ngạc nhiên một lần rồi thôi, ai ngờ mỗi lần bắt gặp cái đóa sen bồng bềnh trên sông là cứ mỗi lần giật mình. Cái giật mình lạ lẫm, không phải vì bị ai la hét vào tai, cái giật mình đến từ sự thầm lặng của những cánh sen hồng an nhiên đang mặc định trên dòng chảy, đến từ sự yên lặng được tô đậm hơn một lần nơi dòng sông so với cảnh náo nhiệt bức tử của xe cộ hỗn loạn trên cầu.
Giật mình rồi vui, nhẹ nhõm ưu phiền. Nếu những bông sen ở trên đất liền, có lẽ nó sẽ không cho ta cái cảm giác im lặng, thanh tịnh “sống” động như ở trên nước. Ở trên nước những đài sen ấy nói nhiều hơn bất cứ một bài diễn văn, xin lỗi tôi viết nhầm, những đóa sen không nói, chúng gây chấn động… yên lặng như nụ cười mỉm của Đức Phật sau 45 năm thuyết giảng.
Trên dòng bèo giạt mây trôi ấy, 7 đóa sen tượng trưng 7 niềm “thanh tịnh” mà Đức Phật gieo xuống thế gian: bước thứ nhất, Giới thanh tịnh, bước thứ hai, Tâm thanh tịnh, bước thứ ba, Kiến thanh tịnh, bước thứ tư, Đoạn nghi thanh tịnh, bước thứ năm, Đạo phi đạo thanh tịnh, bước thứ sáu, Đạo tri kiến thanh tịnh, bước thứ bảy, Tri kiến thanh tịnh.
Nơi mỗi bước đi, mà thanh tịnh mọc mầm, trổi lên, khó có thể hình dung bằng mắt trần, nếu không có sông Hương chảy qua Huế, nếu không có con mắt “Tâm An” nhìn thay người trần như tôi, tìm ra biểu tượng… con đường bước sen là dòng sông…
Phật đản năm nay, nhân kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, 7 đóa sen lại được tái tạo để mừng Đức Bổn Sư và cúng dường Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Một ý nghĩ cũng lạ, ngồi ở Huế, không gửi bằng… bưu điện món quà, mà lại gửi… bằng cách… không đi, bằng cách cho “bảy bước hoa sen” không bước mà “nổi” trên sông Hương, đòi sông Hương vói tới con rồng đang bay trên sông Hồng? Bằng gì? Bằng cánh hoa hay hương của Hương giang, của sen Hồ Tịnh? Có vọng động không? Có ảo tưởng không? Ảo vọng cuộc đời đang mắc cửi chằng chịt trên thế gian này. Một niệm khởi lên một ngàn thứ vọng. Nhưng vọng 7 đóa sen này chỉ thoảng lên khoảnh khắc như một thứ hương mà không hương, hương của nước, nước của Hương giang cái thời còn là ý niệm nguyên sơ của sông nước… như tấm lòng vô thủy ấy… Vọng ấy làm hiển hiện vẻ đẹp của “thanh” của “tịnh” như thật như không, như một thoáng mơ xa gọi chân tình gần lại… Không cần phải đến Thăng Long, không cần phải bon chen so đo tính toán thiệt hơn, thì Thăng Long hay Huế chẳng khác. Nếu vọng ấy là nỗi khát khao tìm chân trong mỹ… Vọng ấy, tịnh ấy rốt cùng tuy hai mà một.
Hoà tấu của ban thính phòng quốc gia âm nhạc đã xướng lên, giọng ca lảnh lót của cô nữ ca sĩ phá cách tiếng niệm “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” theo nhịp điệu bài ca Sen trắng, Đêm Khánh đản vút lên như phá vỡ bóng chiều đang giăng mau, kêu gọi ánh sáng. Âm thanh của đàn violon réo rắt. Ban tốp ca Nhạc viện Huế sang trọng và mỹ miều đứng trên những tầng cấp bến Văn Lâu, cùng với tốp ca áo lam của các em trong Gia đình Phật tử. Tiếng hát vang rền. Tôi hơi bỡ ngỡ vì âm thanh chấn động, tôi thầm nghĩ hay ước ao giá được nghe đoàn 200 Tăng Ni, mặc áo nâu và áo lam, ngồi xếp bằng trên bờ cỏ tụng kinh Đại Từ Bi và Bát Nhã Ba La Mật, thật trầm thật sâu. Có lẽ âm hưởng trên sông sẽ bát ngát huyền vi… đến vô cùng… Và giá như không có cái “đại” lư đồng bóng loáng đứng hoành tráng nơi bàn thờ trên sông!
Nhưng tôi chỉ bỡ ngỡ một giây. Trên sông, hai chiếc thuyền rồng đơn sơ (may mà không lòe loẹt!) đứng chầu hai bên Phú Văn Lâu bắt đầu chuyển nhẹ. Mờ xa trong màn đêm vừa buông, bóng bảy đóa sen đang âm thầm “nổi” trên khúc sông giữa hai cầu Phú Xuân và Bạch Hổ.
Sóng cũng thôi dập dềnh. Đóa sen im lặng. Nước im lặng, sao trên trời chưa mọc… phăng phắc như tờ…
Mọi người như nín thở, đợi chờ. Vòm trời trông như một mảnh lưới đen, như thể mảnh trăng bán nguyệt vừa rơi rụng, chìm trong nước, thả bóng tối mênh mông. Nước xao xuyến không lời.…
Nỗi hồi hộp đợi chờ ánh sáng trỗi lên từ đóa sen thứ nhất làm cho tai tôi không còn nghe tiếng hát đang bay xa, thị giác mờ đi trong thoáng giây. Người và vật hai bên tôi như nhòa đi, chỉ còn vòm đen phía trước mở ra khối nước đen lấp lánh, như được focus từ một ống viễn kính. Và nếu không có chuỗi tràng hạt bồ đề của vị sư ngồi đàng trước chậm rãi xoay từng hạt tình cờ rơi vào ống kính thị giác của tôi, kiềm lại sự hồi hộp đang muốn vỡ tung, thì tôi đã ngỡ mình bay lên cao...
Chính trong giây phút ấy, đóa sen thứ nhất bừng sáng. Hình như mọi người đều reo lên trong cổ họng không thoát ra lời “đẹp quá” như nỗi toại nguyện ước mơ tìm được ngọc. Hàng nghìn con mắt đổ dồn về hướng sông. Bóng đêm lay động trên nước tạo nên vẻ huyền hoặc bí ẩn cho sự bừng sáng của từng đóa sen. Tôi bỗng dưng thấy mình trẻ lại, nhớ một thời nào đi xem trò ảo thuật và nỗi đợi chờ trẻ thơ tưởng như không dứt, một đóa sen, rồi một đóa sen…
“Sen hồng một độ
Em ngồi một thuở xuân xanh…
Có vui cùng sầu…”*
Trái tim đong đưa vừa thở vừa đếm theo bước chân sáo nhảy. Này đi canh một… này sang canh hai, đi chợ về chợ**, đi canh một về canh một, cho đến canh năm… Đi hết năm canh, cho đến sen hồng một nụ chúm tay trên chân. Nhảy qua một sen búp, nhảy về một sen nở. Thở gấp trong tiếng cười, đi qua đi về…
Sen hồng một nụ… Em ngồi bốn bề… bát ngát hương trầm*
Chờ đợi đóa sen thứ hai… Bóng nước hòa với bóng đêm đen như mực tàu càng làm cho ánh hồng của hoa sen rực sáng. Cái sân khấu sông Hương này mầu nhiệm khôn lường. Ánh sáng từ hai đóa sen vừa bừng lên chao lượn trên sóng như chuyền tia sáng cho đóa thứ ba, thứ tư, rồi đóa thứ năm. Hàng nghìn con mắt rực sáng trước vẻ đẹp thánh thiện đang bừng dậy trước mắt, long lanh dưới bầu trời chuyển dần từ đen sang xanh thẳm lấm tấm những vì sao vừa xuất hiện. Gió lồng lộng trên sông…
Nhưng rồi… đến phiên đóa sen thứ sáu, bỗng lặng lờ, đóa sen thứ sáu chưa chịu sáng lên. Đợi thêm một chút… rồi đợi thêm. Không ai nói một lời than vãn, chỉ chờ, kiên nhẫn mà chờ…. không can chi. Rồi hoa sẽ sáng.
Trong đêm nay, có lẽ sự khác biệt với nỗi nung nấu mong mùa phượng nở trên kia chỉ ở nơi một chữ ấy: chữ nhẫn! Thong dong trong tự tính “chờ”, như khi những bà mẹ nhai trầu chờ, bất cứ chờ ai, chờ gì, bao dung mà chờ, như khi chiếc quạt phe phẩy trong rạp hát bội bà Tuần, các bà các mẹ đợi màn thứ hai của vở tuồng. Thuở ấy ngồi trong lòng mẹ chờ nghe hát, tôi thở được hương thơm của tâm nhẫn đầy từ bi ấy.
May sao sen bừng sáng. Sự chậm rãi (có thể là lỗi kỹ thuật, bao dung mà nói, một lỗi thẩm mỹ có tính “hậu hiện đại”) như kéo dài đợi mong, làm tăng nỗi vui khi đóa thứ bảy được viên thành!
Mọi người còn ngồi như bị thôi miên bởi vẻ đẹp thanh cao thoát tục của những đóa sen đang điểm thần cho dòng sông mê mãi.
Rồi như cùng sinh ra trong ánh sáng ấy, những chấm sáng xanh vàng đỏ lũ lượt kéo nhau trẩy hội trên sông. Thuyền ai trên nguồn đang phóng hoa đăng về phố. Những chiếc hoa đăng màu ngũ sắc chập chờn quanh những đóa sen, cảm giác như huyễn như mộng, như có ngàn sinh linh ẩn hiện trên từng cơn sóng nhỏ.
Biết bao lần con sông quẫy mình trong ánh sáng lung linh của hoa đăng đã đi qua đời những người Huế như tôi? Biết bao lần con sông quẫy khúc như ruột thắt vì đớn đau, vì gian truân sóng gió, vì cuồng nộ tham si? Biết bao lần con sông ấy bỗng hiện ra diễm lệ mà từ bi êm ái một đêm Phật đản như đêm nay? Bao nhiêu hờ hững trong lòng bỗng tiêu tan. Tôi ngồi bất động trong xúc động nhìn sông. Hình như mọi người đã đi hết mà tôi vẫn chưa nỡ rời, vẫn ngồi nhìn như thế. Trong tất cả lặng im, duy chỉ ánh sáng chập chờn, tôi nhẫm đọc cho mình bài kinh đã thuộc lòng
Tất cả pháp hữu vi… như mộng huyển bào ảnh… như sương như điển chớp…
Cùng một lúc nghe mơ hồ giọng mẹ cất cao như lời than vãn trong một ngày bão tuyết lạnh lẽo ở Muenchen “Chiều chiều trước bến Văn Lâu… ai thương ai cảm ai nhớ…”, mẹ không biết hát, mẹ chỉ hò, vọng từ bên kia sông. Trong vùng ánh sánh muôn màu tôi chợt nhận ra gương mặt của mẹ, của bà, của chị, của anh, của mọi chúng sinh đang về với tôi. Tôi như “tìm” thấy “trên sông… những dấu hài”…*
***
Mọi nguời đã rời xa buổi lễ từ lâu khi tôi gặp thầy Tâm An nơi bến Văn Lâu. Người thầy gầy tọp hẳn trong tấm áo nâu vốn đã rộng nay càng rộng thêm, giọng thầy khản đặc, mặc dù suốt cả Tuần lễ Văn hoá Phật giáo thầy chưa nói một lời tham luận nào. Chỉ duy hai con mắt sáng lấp lánh và nụ cười rộng còn tươi. Hoa sen và lồng đèn trái ú cắm sáng long lanh như muôn ngàn vì sao rơi xuống đậu trên bờ cỏ bao quanh vị tu sĩ nhỏ bé ấy, như trong một câu chuyện thần tiên khác. Đam mê của chú tiểu Ho Chi với cây đàn tì bà giải oan trong phim Nhật Bản Kwai Dam và của ông thầy thắp sáng hoa sen trên sông Hương mường tượng nhau vài điểm. Mê sáng tác còn hơn ngồi thảo luận, thầy đã bỏ tuần văn hóa để lăn lộn với những hoa sen. Có chút băn khoăn e rằng tác phẩm chưa tròn của một nghệ nhân đòi toàn bích tuyệt đối còn đọng nơi khoé mắt. Tôi xin thầy một vài đóa sen tươi còn sót lại trên thềm. Thầy vừa trao sen cho tôi vừa bảo, sen tươi thầy phải lặn lội đem từ Quảng Trị, (nào ai biết mỗi thứ là mỗi khổ công!), chơ năm nay Huế cũng mất mùa sen... n
Huế, Phật đản, ngày rằm tháng Tư năm Canh Dần 2010
*Trịnh Công Sơn, Đóa hoa vô thường
** Trò chơi đi chợ về chợ là trò chơi tập thể, gồm hai nhóm, một nhóm ngồi làm chợ, một nhóm đi chợ, ít nhất một nhóm có từ hai người trở lên. Nhóm làm chợ ngồi hai bên, để lối ra vào ở giữa. Nhóm kia đi qua nói, đi canh một, rồi trở lại nói về canh một. Lần thứ hai, nhóm ngồi đưa 1 chân gác ngang cổng, nhóm đi chợ phải nhảy qua, vừa nói, đi canh hai, rồi nhảy về, nhóm ngồi lại chồng một bàn chân lên chân canh hai, nhóm đi qua bảo đi canh ba… Cứ như thế nhóm ngồi lần lượt chồng bốn bàn chân dựng thẳng lên nhau, nhóm kia phải nhảy qua, nếu ai đụng phải là thua, thay phiên phải ngồi. Hết năm canh, nhóm ngồi bụm một tay làm búp sen đặt trên chân canh năm, nhóm kia phải nhảy qua nói đi sen búp, rồi nhảy về nói về sen búp. Tiếp theo nhóm ngồi xòe tay làm búp sen nở, nhóm kia phải nhảy qua nói đi búp sen nở, nhảy về nói về sen nở… Một trò chơi thể thao tập nhảy cao, sức khỏe, hồn nhiên, bao hàm cả nhân sinh quan về thời gian của đời người, với hình tượng đóa sen đầy chất thơ.
Thái Kim Lan (Nguyệt san Giác Ngộ số 182)
Ngọc Sương (Tuvien.com)