Tránh những bệnh khi trời nắng nóng
Dùng điều hoà nhiệt độ hay quạt máy khi trời nóng?
Tình trạng viêm họng, sốt khi dùng điều hoà dài ngày như gia đình chị Bình rất hay xảy ra ở các gia đình trong thành phố. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc dùng máy điều hòa nhiệt độ rất có hại cho đường hô hấp, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, bác sĩ Võ Thanh Quang, Quyền Giám đốc Viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết: “Những ngày nóng thường đi kèm với độ ẩm cao, làm giảm sức đề kháng khiến cơ thể rất khó tự cân bằng nên dễ sinh ra mệt mỏi. Trẻ em sẽ kém ăn, toát mồ hôi và cũng dễ bị viêm họng (chứ không cứ gì dùng điều hoà mới bị viêm họng)”.
Ho là bệnh thường thấy ở trẻ em khi trời nóng
Việc dùng máy điều hòa vào những ngày quá nóng là tốt. Tuy nhiên, nếu dùng điều hòa không hợp lý là yếu tố gây viêm đường hô hấp. Để tránh hiện tượng này, cần thiết kế chỗ lắp đặt điều hoà hoặc điều chỉnh chỗ ngủ sao cho nơi luồng không khí lạnh ở máy điều hoà nhiệt độ không phả trực tiếp vào người. Bên cạnh đó, nhiệt độ chỉ nên để ở mức 24 - 27oC. Các gia đình nên lưu ý tạo ra một "không gian đệm" trước cửa phòng, để cơ thể không bị kích thích đột ngột trước sự chênh lệch nhiệt độ khi bước ra khỏi phòng có sử dụng máy lạnh. Để không khí được lưu thông, thoáng đãng cần mở cửa phòng khi không bật máy.
Bác sĩ Quang cũng giải thích hiện tượng nhiều gia đình không dùng máy điều hoà nhưng trẻ vẫn hay bị viêm họng là do bố mẹ để quạt với tốc độ cao, thốc thẳng vào người trẻ, với mục đích giúp trẻ không bị toát mồ hôi. Tuy nhiên đây là cách hiểu khá sai lầm, bởi vào những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao, dù có thốc thẳng quạt máy vào người, trẻ vẫn bị ra mồ hôi. Gió quạt chỉ khiến trẻ thêm khô họng dẫn đến viêm họng. Vì vậy tốt nhất chỉ nên dùng quạt với cường độ vừa phải, đồng thời dùng khăn lau mồ hôi thường xuyên cho trẻ.
Bên cạnh đó, khi cơ thể nóng bức, cả người lớn và trẻ nhỏ đều thích uống nước đá bởi cảm giác mát lạnh, khoan khoái do nước đá đem lại. Thế nhưng quá trình uống nước lạnh đột ngột khiến nhiệt độ ở vùng họng bị giảm quá nhanh sẽ gây đau rát và dẫn đến viêm họng. Lời khuyên của các bác sĩ là chỉ nên uống nước mát và uống từ từ từng ngụm nhỏ. Khi đó, cảm giác khát và háo sẽ giảm đi đáng kể.
Không dùng kháng sinh khi viêm họng, ho do nắng nóng?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: Trong những ngày nắng nóng, số trẻ phải nhập viện do viêm đường hô hấp kéo dài tăng đột biến. Đáng lưu ý là rất nhiều trẻ trong số này đã được bố mẹ tự động cho uống kháng sinh. Trong khi đó, có đến 90 - 95% trường hợp viêm đường hô hấp khi nắng nóng là do vi rút, chỉ 5 - 10% do vi khuẩn. Vì vậy với đa số bệnh nhi, việc dùng kháng sinh là vô ích, thậm chí làm tăng nguy cơ nhờn thuốc trong những lần ốm sau.
Lời khuyên của BS Lộc là trong thời kỳ ban đầu, chỉ nên tăng sức đề kháng bằng chế độ ăn và bổ sung sinh tố, dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt nếu sốt cao, siro ho hoặc các loại thuốc nam chữa ho nếu ho nhiều. Sau vài ngày không đỡ, nên đến bác sĩ để được chỉ định kháng sinh nếu cần.
BS Lộc cũng cho hay, trong mùa hè, nhiều gia đình thường chọn phương án nghỉ mát là tắm biển. Đây là cách chống nóng rất tốt, nhưng cũng cần lưu ý đến chứng ngạt mũi, sổ mũi do cảm lạnh hoặc do dị ứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Với trẻ lớn hoặc người lớn khi bị cảm lạnh có thể cho ít nước muối vào lòng bàn tay và hít vào mũi làm chất nhầy loãng ra. Động tác hít hơi nuớc nóng cũng giúp làm thông mũi. Với trẻ nhỏ, khi bị cảm lạnh hay chảy nước mũi, cần làm sạch chất nhầy mũi bằng cách dùng bơm tiêm (không có kim tiêm) hút sạch chất nhờn trong mũi, không nên dùng khăn, giấy lau gây đau rát cho trẻ. Tuyệt đối không tự mua kháng sinh cho trẻ uống mà phải có chỉ định sau thăm khám của bác sĩ.
Phạm Thanh (theo DT)
Ngọc Sương (Tuvien.com)