Tư liệu ít được đề cập trong thời kỳ Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan
Nhà sư Bình Lương chụp ảnh với bà con Việt kiều Thái Lan trước khi về nước (năm 1964) - Ảnh: tư liệu |
Trang 143 cuốn Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước của tác giả Hoàng Thanh Đạm, Nhà xuất bản Lý luận chính trị năm 2005, nêu với đại ý: Đầu tháng 6.1928, ông Nguyễn đáp tàu thủy của Nhật Bản qua Sri Lanka tới Bangkok, thủ đô của nước Xiêm (Thái Lan). Tháng 7.1928, các đồng chí Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Phichit, miền Bắc nước Xiêm, đã được gặp lại Nguyễn Ái Quốc, người thầy, người lãnh tụ của mình.
Liên quan tới nội dung trên, trang 55 cuốn Hồ Chí Minh, vị thánh sống của tác giả Sukprida Banomyong, xuất bản lần thứ nhất tại Thái Lan tháng 7.2009, nêu: khi tàu thủy cập bến Bangkok, ông Nguyễn Ái Quốc đến thẳng chùa Từ Tế nằm trên phố Rachavong. Ông Nguyễn chọn nơi đây làm địa chỉ đầu tiên ở Thái Lan vì đã có liên hệ với vị sư người Việt Nam trụ trì chùa Từ Tế (tên Thái Lan là Vắt Locanụkhrọ).
Vậy thực hư về chùa Từ Tế ở Bangkok và lai lịch vị sư người Việt Nam trụ trì ra sao? Câu hỏi này phần nào được giải đáp qua bài viết Bí ẩn về những ngôi chùa Việt Nam tại Bangkok đăng trên số 82 báo Thể thao&Văn hóa ngày 9.8.2005. Nội dung bài báo cho biết: Quả thật, Từ Tế tự là một trong số những ngôi chùa cổ Việt Nam ở giữa thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tên chùa ngày nay vẫn rành rành bằng tiếng Thái Lan có thể phiên âm là Vắt Locanụkhrọ. Diện mạo ngôi chùa ngày nay rất khó nhận ra dấu tích Việt bởi kết quả của đợt trùng tu hồi cuối năm 2000. Chứng tích hùng hồn lưu giữ trong chùa lưu lại trên một bia đá kích thước khoảng 1m x 1,5m. Tấm bia được khắc bằng ba ngôn ngữ, theo thứ tự từ trái sang phải: Việt - Thái - Trung Quốc. Đại ý phần tiếng Việt cho biết: Ngày 28.4.1952, khởi công dỡ bỏ chùa cũ đã hơn 100 năm để xây dựng chùa mới. Người chủ trì công việc là sư cả pháp danh Bình Lương, tên thật là Phạm Ngọc Đạt. Ông rời Việt Nam sang Thái lúc khoảng 22 tuổi. Năm 1914, ông quy tu tại chùa Khánh Thọ. Trụ trì chùa là Hòa thượng Hạnh Nhơn đã cho ông Đạt pháp danh Thượng Trương Thiệt Hạ Bình, tên chữ là Bình Lương. Năm 1937, sư Bình Lương được cử trông nom chùa Phổ Phúc Phong. Ông được các vị vua thứ 7 và thứ 9 của Thái Lan phong sắc vào các năm 1937, 1948. Nhờ vậy, sư Bình Lương đã đứng ra xin phép xây dựng lại chùa Từ Tế và cho khắc tấm bia này để đời sau biết.
Lai lịch của vị sư trụ trì mang tục danh Phạm Ngọc Đạt như thế nào?
Nép mình khiêm tốn bên Hồ Tây thơ mộng ở thủ đô Hà Nội có chùa Hoằng Ân, thôn Quảng Bá, xã Quảng An, quận Tây Hồ. Ngôi chùa được gắn biển “Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng”. Vị trí trang trọng trong khuôn viên tĩnh lặng của chùa đang treo tấm khung khổ A0, giấy trắng khiêm tốn, chứa đựng nét chữ rất điêu luyện với nội dung sau:
|
Ngay từ năm 1930-1935, ngôi chùa Hòa thượng Bình Lương trụ trì đã là nơi tiếp đón, nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt từ năm 1940 trở đi, chùa Từ Tế là nơi các cán bộ đi lại hội họp, đi về hoạt động trong nước và sang Lào giúp đỡ phong trào cách mạng Lào.
Từ năm 1945, giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch được toàn thể nhân dân đoàn kết chiến đấu. Nhiều Việt kiều ta ở Lào, Campuchia phải tạm lánh sang Thái Lan để tiếp tục chống Pháp.
Chùa Từ Tế lại là nơi không chỉ có cán bộ đi lại hội họp mà còn là nơi cán bộ chiến sĩ qua lại, đi từ trong nước hoặc qua Miên, qua Lào cùng tạm trú nơi này. Từ năm 1950, khi chính phủ phản động Thái Lan dồn ép Việt kiều, Hòa thượng vẫn kiên quyết giữ cho ngôi chùa là nơi đi lại hợp pháp của cán bộ ta để hoạt động.
Hòa thượng Bình Lương thấm nhuần sâu sắc đức tính từ bi của đạo Phật. Khi Việt kiều tản cư sang Thái Lan đã được giúp đỡ ở chùa, có nhiều người được nuôi nấng ăn học chu đáo.
Ngày 9.3.1963, do sức khỏe giảm sút và thể theo nguyện vọng thiết tha, hòa thượng Bình Lương đã được về nước sống những năm tháng cuối đời trên quê hương thân yêu và được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến.
Do sự thỏa thuận của ta và Hội Hồng thập tự Thái Lan, ta đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt đưa cụ từ Bangkok qua Vientiane đón cụ về và cũng từ ngày 9.3.1964 nhiều lần Bác Hồ vào thăm Hòa thượng tại Bệnh viện Việt-Xô.
Hòa thượng Bình Lương viên tịch ngày 20.4.1966, thọ 84 tuổi. Tang lễ được cử hành tại chùa Quán Sứ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ tịch đến đặt vòng hoa kính viếng.
Từ các tình tiết mà một số tư liệu lịch sử đã nêu, chúng tôi mạo muội suy luận: Hòa thượng Bình Lương chắc chắn có đóng góp vô cùng quan trọng cho công cuộc kháng chiến, đấu tranh giành thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác. Hơn thế nữa, nhân cách, đạo đức vĩ đại của Bác Hồ đã khiến vị chân tu đắc đạo, được hai lần phong sắc bởi các vị vua nắm ngai vàng của đất nước Thái Lan tôn sùng Phật giáo như Quốc đạo, nhất quyết rũ bỏ tất cả, trở về Hà Nội đang mịt mù khói lửa bởi niềm thôi thúc ước nguyện được gặp Bác.
Trường Giang (Thanh Niên)
Ngọc Sương (Tuvien.com)