Có thể thấy văn học Phật giáo Lý Trần hiện diện tương đối phong phú các thể loại văn học trung đại và ở đó có những thể loại đạt đến đỉnh cao, có giá trị về mặt học thuật lẫn nghệ thuật văn chương
Từ thể loại văn bản kinh Phật ở Ấn Độ đến hệ thống thể loại văn học Phật giáo Việt Nam

Có thể thấy văn học Phật giáo Lý - Trần hiện diện tương đối phong phú các thể loại văn học trung đại và ở đó có những thể loại đạt đến đỉnh cao, có giá trị về mặt học thuật lẫn nghệ thuật văn chương.
Do vị trí địa lý của đất nước nằm ở ngã tư giao lưu quốc tế nên dân tộc ta trong quá trình sinh tồn và phát triển đã sớm có sự giao lưu và tiếp biến văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự tiếp biến văn hoá (acculturation) đó cũng đồng thời tạo nên bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc. Lịch sử đã chứng minh trong quá trình giao lưu với bên ngoài, ta đã tiếp xúc với văn hoá – tư tưởng Ấn Độ trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá – tư tưởng Trung Hoa.

Tiếp xúc với văn hoá – tư tưởng Ấn Độ, dân tộc ta chủ yếu là tiếp thu tư tưởng và giáo lý Phật giáo. Hồi ấy, văn hoá Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm bằng con đường truyền giáo (văn hoá bác học) và bằng con đường di dân (văn hoá bình dân).

Đối với cư dân Việt tại Giao Châu thì tiếp thu văn hoá Ấn Độ chủ yếu là tiếp thu văn hoá tư tưởng giáo lý và nghi lễ cúng dường của nhà Phật; còn đối với cư dân Chăm pa, Phù Nam, Lâm Ấp, Thuỷ Chân Lạp (tức khu vực miền Trung và Nam bộ ngày nay) thì tiếp thu văn hoá tư tưởng Ấn Độ không chỉ bằng con đường truyền giáo mà còn cả con đường di dân.

Ngay trong khi tiếp thu văn hoá Phật giáo thì cư dân nơi đây còn tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu đậm sinh hoạt tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, Bà la môn giáo nữa, và văn hoá Ấn Độ đã in dấu ấn sâu đậm qua kho tàng văn hoá dân gian, qua những chứng tích lịch sử như thành quách, đền đài, chùa tháp, bia ký nơi vùng đất này mà hiện nay chúng ta đang tôn tạo gìn giữ.

Riêng ở Giao Châu, Phật giáo bằng đường biển qua các nhà sư Ấn Độ đi theo thuyền buôn truyền vào nước ta từ rất sớm vào khoảng cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên tại Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

Từ trung tâm Luy Lâu, Phật Giáo truyền sang trung tâm Bành Thành rồi trung tâm Lạc Dương ở Trung Quốc. Điều này, sách Thiền uyển tập anh có nhắc đến, rồi sau đó các nhà nghiên cứu Phật học, Phật giáo sử ở Việt Nam như Thích Mật Thể, Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát ... đã chứng minh trong các công trình viết về Phật giáo Việt Nam và chính các học giả Trung Quốc như Nhiệm Kế Dũ, Hồ Thích, Phùng Hữu Lan (1)... cũng đã thừa nhận trong các công trình nghiên cứu của các vị.

Sử sách xưa cũng cho biết từ thế kỷ thứ II, rồi thứ IV, thứ V đã có nhiều đoàn truyền giáo ở ta sang Trung Quốc giảng đạo và cũng khoảng thời gian này, các vua chúa Trung Quốc đã mời các danh tăng tại Giao Châu sang nước họ để thuyết pháp giảng kinh truyền đạo như Khương Tăng Hội, Đạo Thanh, Huệ Thắng v.v..

Sự tiếp xúc lớp văn hoá tư tưởng Phật giáo này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hoá Việt Nam lúc bấy giờ không nhỏ. Phật giáo hồi ấy chỉ chú trọng thực hành nghi lễ với sự lan toả ảnh hưởng đến mạch sống của cư dân bản địa hơn là thành lập, tổ chức giáo đoàn, tông phái và có sách vở ghi chép như lớp văn hoá sau, tức lớp văn hoá Phật giáo từ phương Bắc theo đường bộ truyền xuống vào thời nước ta bị Bắc thuộc.

Bên cạnh tiếp thu văn hoá tư tưởng Phật giáo, ngày ấy, cha ông ta còn tiếp thu những thành tố văn hoá khác như âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc, điêu khắc, ẩm thực v.v.. Văn hoá Phật giáo cùng các thành tố văn hoá khác của Ấn Độ đã thâm nhập vào văn hoá Việt Nam và trở thành một lưc lượng đối trọng, như là một thứ vũ khí chống lại thống trị phong kiến phương Bắc.

Trong khi đó, lớp văn hoá Phật giáo từ Trung Quốc truyền xuống lần sau được chính quyền phong kiến trung ương Trung Quốc cùng các quan Thứ sử, Thái thú cai trị ở các địa phương bảo trợ, ủng hộ nên có điều kiện mở rộng, lấn át những gì ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo lớp trước.

Lớp văn hoá sau chủ yếu là Đại thừa Phật giáo Thiền tông, có sự kết hợp với Mật tông và Tịnh độ tông với hệ thống kinh điển Hán tạng, một ngôn ngữ đơn âm, gần gũi và thích hợp với ngôn ngữ Việt hơn, nếu so sánh với kinh sách viết bằng chữ Pali, Sancrit đa âm.

Do vậy, lớp văn hoá sau dần dần xoá mờ tất cả những gì của văn hoá đạo Phật lớp trước truyền sang.

Trong quá trình giao lưu với Ấn Độ, dân tộc Việt Nam ta đã tiếp thu tư tưởng – giáo lý Phật giáo chủ yếu là qua các nghi lễ cúng tế và qua hệ thống kinh văn, trên cơ sở những gì phù hợp với mình, có lợi cho dân tộc mình góp phần làm phong phú thêm văn hoá – tư tưởng của dân tộc.

Ở đây, bài viết này chỉ bước đầu điểm qua dù rất sơ lược hệ thống thể loại kinh văn Phật giáo Ấn Độ, để từ đó tìm hiểu mối quan hệ tương hỗ giữa thể loại kinh văn ấy với thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời khi tìm hiểu thể loại của một bộ phận văn học có một hình thức đặc thù và một nội dung uyên áo này, không thể không nhắc đến các thể loại văn học của Trung Quốc mà bộ phận văn học này ở nước ta đã tiếp thu.

1. TỪ HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN BẢN KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ:

So với tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới như Bà la môn giáo, Hindu giáo (Ấn Độ giáo), Hồi giáo, Kitô giáo v.v.. thì Phật giáo là một tôn giáo có hệ thống Tam tạng kinh điển vĩ đại nhất. Tìm hiểu tư tưởng – triết lý nhà Phật, trước hết phải xuất phát từ hệ thống tác phẩm kinh điển này.

Hệ thống Tam tạng kinh điển ấy được ghi chép lại dù bằng ngôn ngữ Pali (Pali tạng) hay Sancrit (Sancrit tạng) đi chăng nữa thì chúng cũng đều sử dụng một hệ thống thể loại tương ứng. Cho nên, tìm hiểu thể loại văn bản cũng là cách để giải mã và góp phần tiếp cận hệ thống tư tưởng uyên áo và uẩn súc được thể hiện trong những văn bản ấy.

Qua các thời kỳ kết tập bởi các vị đại đệ tử của đức Thế tôn, kinh sách nhà Phật được chia thành ba loại hình: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng mà sử sách quen gọi là Tam tạng kinh điển hoặc Tam tạng thánh điển. Hệ thống kinh sách này thì nhiều vô kể, khó có thể đếm hết và luận bàn được.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước đã căn cứ vào nội dung và hình thức thể hiện ở mỗi văn bản nên đã phân định hệ thống thể loại các tác phẩm đó. Theo các bộ từ điển Phật học hiện hành như Phật Quang đại từ điển, Phật Quang xuất bản xã, 1989, 08 quyển;

Phật học đại từ điển, Thượng Hải thư cục, 1970, 02 quyển; Từ điển Phật học Hán Việt, Hoà thượng Kim Cương Tử chủ biên, Phân viện Nghiên cứu Phật học – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, 02 tập; Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, Phật học tùng thư, Sài Gòn, 1968, 03 tập, thì hệ thống tác phẩm kinh điển Phật giáo gồm 12 thể loại như sau: Khế kinh, Trùng tụng, Phúng tụng, Thụ ký, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sinh, Bản sự, Phương quảng, Vị tằng hữu, Tự thuyết, Luận thuyết.

Còn trong Kinh Xà dụ, một quyển kinh thuộc Trung Bộ kinh (Hoà thượng Thích Minh Châu dịch) thì lại nêu lên 09 thể loại là: Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bản sinh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng.

Qua tra cứu, chúng tôi nhận thấy tuy cách gọi tên có khác nhau ở hai nguồn tư liệu nhưng xét đến cùng lại là một vì có sự xuất nhập, gộp tách thể loại hoặc nêu tên gọi khác của thể loại. Chẳng hạn thể loại Như thị ngữ là cách gọi khác của thể loại Bản sự, cũng thế Trùng tụng là cách gọi khác của thể loại Ứng tụng và Phúng tụng là cách gọi khác của Kệ tụng v.v.. Những thể loại này cũng chính là những thể cách thuyết giảng của đức Thế tôn về các pháp tướng cho các đệ tử nghe. Sau này các đệ tử ghi lại trong 09 hoặc trong 12 bộ kinh, tương ứng với 09 hoặc 12 thể thuyết pháp.

Có lẽ cũng cần nêu ra đây dù có dông dài đôi chút, nội hàm thuật ngữ các thể loại trên để có thể hiểu rõ hơn hình thức và nội dung tư tưởng chính của các thể loại tác phẩm kinh điển đó (những nội hàm thuật ngữ này, chúng tôi tổng hợp nghĩa của chúng từ vài bộ từ điển Phật học nêu trên).

1.1. Kinh: Phạn ngữ là Sutra, dịch âm Hán Việt là Tu-đa-la, Tô-đát-lãm, Tô- đát-la, dịch nghĩa là Khế kinh, Chính kinh, Quán kinh, Kinh bản... Hệ thống Thánh điển Phật giáo gồm ba tạng là: Kinh, Luật, Luận thì Kinh tạng là một trong ba tạng ấy.

Trong loại hình cơ bản của hệ thống kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ thì Kinh là một trong chín bộ kinh, hoặc một trong mười hai bộ kinh. Về danh nghĩa, kinh bao hàm các nét nghĩa sau: Một là, Kinh là giáo lý mà đức Thế tôn diễn thuyết. Thuật ngữ Tu-đa-la vốn là thuật ngữ của Bà la môn giáo, về sau được Phật giáo sử dụng, để chỉ cái ý xuyên suốt, không phân tán.

Hai là, theo bộ Du-già-sư-địa luận, quyển 25 thì nguyên ý của Tu-đa-la (Kinh) là Tuyến; Điều; Ty (tức sợi tơ) với nét nghĩa quán xuyến nhiếp trì. Tất cả chúng sinh do được giáo lý nhiếp trì nên không để tâm lưu tán vào nẻo ác. Còn theo A- tỳ-đàm tâm luận, quyển 8 thì Tu-đa-la có 5 nghĩa: Xuất sinh (nảy sinh các nghĩa);

Tuyền dũng (nghĩa lý là vô tận); Hiển thị (hiểu rõ các nghĩa); Thằng mặc (biện rõ tà chính); Kết man (quán xuyến các pháp). Và tại lời chú giải các bộ kinh như Duy-ma-cật kinh chú, quyển 1; Đại bát Niết-bàn kinh tập giải, quyển 1; Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, quyển thượng ... thì Kinh gồm các nghĩa: quán xuyến, nhiếp trì, hằng thường, tức là quán xuyến chư pháp, trải suốt cổ kim mãi mãi không dứt. Về đại thể, Kinh thường được hiểu theo hai nét nghĩa: rộng và hẹp.

Với nghĩa rộng, Kinh là hết thảy những giáo pháp được đức Thế tôn giảng thuyết. Giáo lý mà kinh xiển dương thì gọi là kinh pháp, kinh giáo. Thư tịch ghi chép kinh giáo được gọi là kinh điển. Với nghĩa hẹp, Kinh mà Phật điển thông dụng mang 2 nét nghĩa hẹp : Một là, Kinh là một trong Tam tạng Kinh, Luật, Luận.

Kinh được chia thành hai loại: Kinh Đại thừa và Kinh Tiểu thừa. Kinh Đại thừa chia thành: Bát-nhã, Bảo tích, Đại tập, Hoa Nghiêm. Niết-bàn, Trùng dịch, Đơn dịch; Cao ly tạng chép in trong 521 bộ và 264 quyển. Kinh Tiểu thừa chia thành: A-hàm và Đơn dịch; Cao ly tạng chép in trong 240 bộ và 614 quyển. Theo Đại Chính tân tu đại tạng kinh thì chia kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa thành 10 bộ: A-hàm, Bản duyên, Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo-tích, Niết-bàn, Đại tập, Kinh tập, Mật giáo.

Tất cả in trong 1460 bộ, gồm 4225 quyển. Chư kinh phần lớn là lời đức Phật nói ra, trong đó có một số là lời đệ tử nói. Những văn bản kinh bắt đầu bằng cụm từNhư thị ngã văn" " là do sau khi đức Phật nhập diệt ít lâu, các đệ tử kết tập mà thành; 


Hai là, chỉ Khế kinh, một trong 9 bộ kinh hoặc trong 12 bộ kinh, tức giáo pháp ghi thẳng lời đức Phật nói ra bằng tản văn. Kinh điển hiện nay được ghi lại trong Đại tạng kinh là Hán dịch (Hán tạng) và Phạn ngữ (Pali tạng, Sancrit tạng).

Đại tạng kinh tuy gồm Kinh, Luật, Luận nhưng phần Kinh là nhiều nhất nên nhà Phật gọi Đại tạng kinh la Nhất thiết kinh.

Khế kinh (Ũtras) còn gọi là Khế phạm, Khế tuyến. Kinh văn hợp với căn cơ của con người với cái lý của pháp nên gọi là khế (khế cơ, khế lý).

Vì thế, khế kinh còn gọi là hợp kinh. Đó là các khế kinh mà đức Phật đã giảng thuyết được ngài A Nan nhớ lại hết và nói ra trong kỳ hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất, phù hợp với mọi căn cơ của tất cả mọi hạng người, ai nghe cũng đều được lợi ích.

1.2. Ứng tụng (Trùng tụng): Ứng tụng Phạn ngữ là Geya, phiên âm là Kỳ dạ. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là Trùng tụng, Trùng tụng kệ, dùng để chỉ một trong 9 và trong 12 bộ kinh. Hình thức của loại kinh điển này là lặp lại nội dung chủ yếu của phần tản văn đã được trình bày ở trên bằng vận văn (văn vần) để người nghe, người học Phật dễ nhớ.

Trùng tụng, Trùng tụng kệ (Geya): Trùng: lặp lại; tụng: đọc ca, dùng để chỉ hình thức vừa thuyết giảng bằng văn xuôi ở trên , lại vừa dùng kệ tụng bằng văn vần ở dưới để kết luận. Đây là một trong 12 thể thuyết pháp của đức Phật.

1.3. Kệ tụng (Phúng tụng): Phạn ngữ là Gathà, phiên âm Hán Việt là Già-tha, Già-đà, dịch là Kệ tụng hay Phúng tụng. Hình thức vận văn, mỗi bài thường có 4 câu với số chữ nhất định trong một câu (thường lấy 3 đến 8 chữ làm thành một câu, lấy 4 câu làm thành một bài). Lời của kệ tụng thường đẹp đẽ, bởi tụng là mỹ ca, dùng nhiều mỹ từ để ngợi ca công đức của chư Phật, Bồ tát, nhằm tóm tắt (đại ý) của một thời kinh, một cuộc thuyết pháp, hay bày tỏ lòng cảm mến, tin tưởng đối với tam bảo.

Thuật ngữ Kệ còn có tên dịch khác là Kiệt, chỉ loại kệ bằng văn vần, có tính giáo huấn, thâu tóm hết ý nghĩa của Kinh. Trong các văn bản của nhà Phật, về ý nghĩa, có nhiều loại Kệ: Kệ tụng, Kệ ngộ giải (trình bày điều tỏ ngộ chân lý của người học đạo bằng lời thơ với 4 câu, mang ý sâu sắc, uẩn súc); Kệ tán (dùng câu kệ để tán thán công đức của người khác); Kệ biệt (từ chỉ thơ văn nhà Phật nói chung, làm thơ gọi là ke, làm văn gọi là biệt).

Về hình thức tuỳ theo số chữ trong câu mà có những tên gọi (định danh) khác nhau, gồm Ngũ chủng kệ và Nhị chủng kệ. Ngũ chủng kệ (5 loại kệ) mang 5 hình thức: Một là, chỉ câu ngắn từ 2 chữ đến 5 chữ làm thành một câu, lấy 4 câu làm thành một bài; Hai là, chỉ bài kệ 4 câu, có mỗi câu 6 hoặc 7 chữ;

Ba là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu có 8 chữ; Bốn là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu 9 chữ đến 26 chữ; Năm là, chỉ bài kệ 4 câu, mỗi câu rất dài có từ 26 chữ trở lên. Nhị chủng kệ (2 loại kệ) mang hai hình thức: Thông kệ và Biệt kệ.

Thông kệ là loại kệ tthường gặp trong các văn bản kinh; còn Biệt kệ chỉ loại kệ đặc biệt, dùng để chỉ một bài kệ tuy lấy 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ v.v.. làm thành một câu và cứ 4 câu hợp thành một hàng dài, nhưng tối đa chỉ đến 32 chữ làm thành một bài kệ. Đây là phép đếm kinh của người Thiên Trúc, Ấn Độ ngày xưa.

Mặc dù Trung Quốc đã dùng thuật ngữ Kệ tụng, Phúng tụng để dịch thuật ngữ Gathà (Già-đà) trong Phạn ngữ, nhưng bên cạnh nét nghĩa trên, Phúng tụng còn có nghĩa rộng hơn, dùng để chỉ những câu chữ (thường là văn vần) nhằm phúng vịnh, tán thán nghĩa lý thâm diệu và ca tụng công đức Tam bảo.

1.4. Như thị ngữ: còn có tên gọi khác là Như thị thuyết; Bản sự, là một trong 12 bộ kinh. Hai chữ "Như thị" là lời mở đầu của tất cả các bộ kinh Phật do các đại đệ tử đọc tụng trong ba lần hội nghị kết tập kinh điển, sau khi đức Phật nhập diệt, nó có nghĩa là "như vầy", "như thế này" nhằm trình bày và xác tín điều có thực, bày tỏ sự tin tưởng và thuận theo.

Trong Phật giáo nếu tin theo thì nói "như thị", còn không tin thì nói "bất như thị". Chính vì thế, cụm từ mở đầu các văn bản kinh thường là "Như thị ngã văn"(Chính tôi nghe như vầy / Chính tôi nghe như thế này).

Đây là lời của ngài A-Nan đọc tụng lại nguyên văn lời đức Thế tôn giảng thuyết khi còn tại thế nhằm bày tỏ sự xác tín, tránh sự tranh luận trong giáo hội lúc bấy giờ. Bản sự là thuật ngữ chỉ một trong 12 bộ kinh, Phạn ngữ là Itivrttaka, Hán ngữ phiên âm là Y-đề-mục-đa-già, dịch Hán Việt là Bản sự (sự việc gốc), Như thị ngữ (nói như vầy), Như thị thuyết (thuyết như vầy).

Thuật ngữ này chỉ phần kinh văn mà đức Phật thuyết giảng về sự tích hạnh nghiệp của các đại đệ tử là Bồ tát, Thanh văn v.v.. trong đời quá khứ. Bộ luận Hiển Dương có nói rõ "Bản sự là chỉ phần Như lai nói về các việc đời trước của các thánh đệ tử".

Thuật ngữ này còn dùng để chỉ một bộ kinh gồm 07 quyển do ngài Huyền Trang đời Đường dịch từ Phạn ngữ gồm 3 phẩm : Nhất pháp phẩm, Nhị pháp phẩm, Tam pháp phẩm.

1.5. Bản sinh: Phạn ngữ là Taka, Trung Quốc phiên âm là Xà-đà-già, Hán Việt dịch là Bản sinh, là một trong 12 bộ kinh (Thập nhị bộ kinh). Nội dung kinh văn này do đức Thế tôn nói về hạnh nghiệp tu hành của ngài khi còn là Bồ tát.

1.6. Vị tằng hữu: Phạn ngữ là Adbhuta, Trung Quốc phiên âm là A-phù-đà, Hán Việt dịch là Vị tằng hữu, có khi nói cho đủ là Vị tằng hữu pháp (Adbhuta – dharma phiên âm là A-phù-đà Đạt-ma); Vị tằng hữu kinh, là một trong 12 bộ kinh với nội dung nói về Phật và Bồ tát thị hiện vô số thần lực bất khả tư nghì (không thể luận bàn được).

1.7. Phương quảng: là thuật ngữ, tên chỉ chung các bộ kinh Đại thừa Phật giáo. Đồng thời đây còn là tên riêng chỉ bộ kinh thứ 10 trong 12 bộ kinh. Bộ này gọi là Phương quảng kinh. Sách Thắng man bảo quật quyển trung có ghi "Phương quảng là tên chung của kinh Đại thừa". Nội dung kinh này ghi nhận lại những cuộc thảo luận của các vị thánh đệ tử được đức Phật xác nhận là phù hợp với nghĩa lý thâm diệu do Phật giảng thuyết.

1.8. Thụ ký: Phạn ngữ là Vyàkarana, phiên âm là Hoà-già-la, chỉ một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh văn này đức Phật ghi nhận đặc biệt cho chúng sinh nào đã phát tâm tu theo hạnh nghiệp của Phật sau này sẽ được thành Phật và thành Phật ở thế giới tương lai nào đó.

1.9. Tự thuyết (Cảm hứng ngữ): Đây là thuật ngữ chỉ một trong 12 bộ kinh. Tự thuyết kinh ghi chép lại lời đức Thế tôn nói ra trong trường hợp đặc biệt. Tự thuyết còn được gọi một tên khác là Cảm hứng ngữ.

1.10. Nhân duyên: Đây là thuật ngữ của nhà Phật, mang ba nét nghĩa: Một là, một vật sinh ra, cái gì đích thân cho nó cường lực thì gọi là nhân; cái gì thêm thắt nhược lực vào thì gọi là duyên. Ví dụ: hạt giống (chủng tử) là nhân; mưa móc, nhà nông ... là duyên.

Nhân và duyên này hoà hợp mà sinh ra lúa, thóc và từ thóc mới chế biến ra gạo. Nhân duyên là gốc của các pháp. Khi chú sớ Kinh Lăng Nghiêm, các vị luận sư đã viết: "Phật giáo lấy nhân duyên làm tông, vì Phật thánh giáo hoá từ cạn đến sâu thuyết về mọi pháp không ngoài hai chữ nhân duyên".

Ngài La Thập đã nói: "Lực mạnh là nhân, lực yếu là duyên". Ngài Tăng Triệu cũng nói: "Trước sau tương sinh, đó là nhân; hiện tướng trợ thành, đó là duyên. Các pháp cần phải có nhân duyên kết hợp lẫn nhau mới thành lập được".

Hai là, Nhân duyên còn là tên một trong 12 bộ kinh. Bộ kinh này Phạn ngữ là Nidana (Ni-đà-na), bởi trong các kinh thường có những phần mở đầu giống như lời tựa, nêu lý do vì sao đức Phật lại thuyết giảng về những vấn đề đó. Các phần này được gọi là Tự. Tự gồm có hai loại: Thông tự và Biệt tự.

Biệt tự chính là Ni-đà-na (Nhân duyên). Ba là, đây là một trong Tứ duyên. Ở đây nhân và duyên không tách biệt, xa rời nhau, nhân cũng tức là duyên. Tứ duyên gồm Nhân duyên (lục căn: nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý là nhân; lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là duyên ); Thứ đệ duyên còn gọi là Đẳng vô gián duyên (chỉ tâm, tâm sở pháp cứ theo thứ tự không hề gián đoạn mà phát khởi lên);

Duyên duyên còn có tên gọi khác là Sở duyên duyên (chỉ tâm, tâm sở pháp do mượn duyên mà sinh khởi, là sở duyên của tự tâm); Tăng thượng duyên (chỉ lục căn năng chiếu cảnh phát thức có lực dụng tăng thượng, lúc các pháp sinh chẳng sinh chướng ngại). Điều này các bộ luận như Trí độ luận, Duy thức luận đã có trình bày, lý giải rất rõ nghĩa.

1.11. Thí dụ: Phạn ngữ là Apadana (A-bà-đà-na), Hán dịch là Thí dụ. Đây là một trong 12 bộ kinh. Nội dung kinh này nêu ra những thí dụ, nhờ những thí dụ này đã giúp cho người học đạo, nghe kinh hiểu được rõ nghĩa của giáo lý. Thí dụ chính là lấy cái pháp mình đã biết để làm sáng tỏ cái pháp chưa được biết.

Kinh Pháp hoa văn cú có giải thích "Thí là so sánh, dụ là nói cho hiểu rõ, bằng cách dựa vào cái này để so sánh với cái kia, dùng cái nông cạn để nói cái sâu sắc... nói cây đang lay động để cho biết là có gió; làm quạt hình tròn để ví với mặt trăng. Cho nên gọi là thí dụ".

Thí dụ có 8 cách thức là:

1. Thuận dụ (thuận theo lẽ thường ở đời, đi từ nhỏ đến lớn mà nói ra cho rõ ý);

2. Nghịch dụ (hình thức này trái với cách trên, tức đi từ lớn đến nhỏ để nói ý mình);

3. Hiện dụ (lấy việc thường thấy trước mắt để ví dụ, chẳng hạn nói tâm của chúng sinh như loài vượn, ý như loài khỉ (tâm viên ý mã) là ví dụ để chỉ tâm ý con người luôn động, không tĩnh tại); 4. Phỉ dụ (nêu giả thiết không có thật để thí dụ, chẳng hạn nêu 4 quả núi để chỉ 4 nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người);

5. Tiên dụ (nêu thí dụ trước, sau đó mới giảng giáo lý thích hợp, chẳng hạn nói có người thích hoa lan muốn hái lấy nên bị dòng nước cuốn đi. Chúng sinh cũng thế luôn mải theo lắm điều ham muốn nên bị dòng nước tử sinh dìm chết);

6. Hậu dụ (thuyết giảng giáo lý trước, sau mới dùng thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa của giáo lý đã nêu);

7. Tiên hậu dụ (trong khi giảng thuyết, cả trước lẫn sau đều dùng thí dụ, chẳng hạn nói: ví như cây chuối sinh quả rồi thì chết, người ngu được nuôi dưỡng sẽ cũng như vậy); 8. Biến dụ (từ đầu đến cuối đều dùng thí dụ để làm sáng tỏ điều muốn nói). Trong kinh tạng, hiện có 5 bộ kinh mang tên kinh thí dụ: Tạp thí dụ kinh, 01 quyển do Đạo Lược sưu tập; Chúng sinh tạp tuyển thí dụ kinh, 02 quyển, không rõ tên người dịch; Cựu tạp thí dụ kinh, 02 quyển, Khương Tăng Hội dịch; Tạp thí dụ kinh, 02 quyển, không rõ tên người dịch; Tạp thí dụ kinh , 01 quyển, Chi Câu La đời Hậu Hán dịch. Ngoài ra, còn một bộ kinh mang tên Phật thuyết thí dụ kinh do Nghĩa Tịnh đời Đường dịch. Nội dung kinh văn này ghi lại lời đức Phật giảng giải cho Thắng Quang Vương nghe, trong đó nêu ra các thí dụ về giếng cạn, rễ cây, hai con chuột, bốn con rắn, rồng dữ độc, giọt mật, ong đốt, lửa thiêu.

1.12. Luận thuyết (Giải thuyết): là sự ghi chép lại những điều luận giải về chính pháp của đức Phật và của các vị Bồ tát, A-la-hán và các vị Tổ sư. Đây là một tiểu loại của Luận tạng (một trong Tam tạng). Trong Tam tạng kinh điển thì Luận tạng là bộ kinh thứ 12 trong 12 bộ kinh (Thập nhị bộ kinh) và được gọi là Luận nghị kinh, Phạn ngữ ghi là Upadesa (Ưu-bà-đề-xá). Bản kinh này ghi lại lời của đức Phật vấn đáp biện luận về pháp tướng.

Còn phần kinh ghi lời của các vị đại đệ tử, các vị Bồ tát, A-la-hán sau khi đức Phật tịch diệt, các vị đã chuẩn theo đó mà giải thích kinh nghĩa, biện luận các pháp tướng thì được gọi là A-tỳ-đạt-ma tạng (Abhidharma). Trong Đại tạng kinh thì kinh Ưu-bà-đề-xá và kinh A-tỳ-đạt-ma tạng thuộc phần Luận tạng.

2. ĐẾN HỆ THỐNG THỂ LOẠI VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM:

Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam tiếp thu tư tưởng – giáo lý Phật giáo qua hệ thống kinh văn với các thể loại như trên, từ đó có sự tiếp biến và sáng tạo thêm thể loại mới. Hiện chúng tôi chưa có đủ tư liệu và cũng chưa có điều kiện để tiếp cận và thống kê đầy đủ các thể loại văn học Phật giáo Trung Quốc.

Có điều thú vị là văn học cổ Trung Quốc đã sáng tạo một thể loại văn học độc đáo mà thể loại này ở Ấn Độ có thể là không có, hoặc nếu có thì đó chỉ là hình thức kết hợp các lối văn trong các văn bản kinh khi đức Thế tôn giảng thuyết, chứ chưa thành một thể loại văn học riêng biệt, đó là thể loại Biến văn, Bảo quyển mà các nhà khảo cổ tìm thấy ở động Đôn Hoàng. Đây là thể loại đặc thù của văn học Phật giáo Trung Quốc.

Tình hình tư liệu hiện nay ở nước ta cũng chưa tìm thấy tác phẩm theo thể loại này, mặc dù vẫn có nhiều tác phẩm về hình thức có sự kết hợp ba lối văn: Tản văn, Biền văn và Vận văn trong các sách của nhà Phật, nhà Nho.

Điều đó có nghĩa, sự kết hợp ba lối văn trong một tác phẩm trong kinh Phật đã có từ lâu rồi. Khi sang Trung Quốc các nhà sư đã dùng hình thức này để giảng thuyết giáo lý tư tưởng vi diệu của kinh, làm cho những tư tưởng ấy dễ được rộng rãi Phật tử tiếp thu. Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc còn có giả thuyết rằng, chính Biến văn, Bảo quyển với sự kết hợp các lối văn đã ảnh hưởng nhiều đến thể loại Hý khúc, Tiểu thuyết dân gian Trung Quốc.

Riêng ở Việt Nam hiện chưa tìm thấy một tác phẩm nào thuộc thể tài Biến văn hay Bảo quyển, nhưng hình thức kết hợp ba lối văn thì được sử dụng nhiều trong các tác phẩm thuộc thể loại Ngữ lục, Luận thuyết, Tụng cổ, Niêm tụng kệ của nhà chùa như Thiền uyển tập anh,Tham đồ hiển quyết (Viên Chiếu), Khoá hư lục (Trần Thái Tông), Thượng sĩ ngữ lục (Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung); trong các truyện truyền kỳ của nhà Nho như Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) v.v..

Gần đây, có nhà nghiên cứu còn nêu giả thuyết, tuy ta chưa có tác phẩm viết theo thể Biến văn nhưng ít nhiều cũng đã chịu ành hưởng của thể loại này nhất là lúc nước ta chịu sự thống trị dưới thời nhà Đường, và phải chăng các thể loại như Vè, Truyện Nôm bình dân có thể có ảnh hưởng từ Biến văn Đôn Hoàng? (2). Có nhà nghiên cứu còn nói Thiền uyển tập anh là một dạng hình thức của Biến văn trong văn học Việt Nam (3).

Có thể nêu ra đây một số thể loại thường gặp trong văn học Phật giáo Việt Nam mà những thể loại này có nguồn gốc từ các thể loại kinh văn Ấn Độ như : Kệ (kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giải), Ngữ lục, Tụng cổ, Niêm tụng kệ, Luận thuyết, Phổ thuyết, Tự thuyết (Tự), Minh, Bi, Ký, Truyện truyền đăng, v.v..

Khi bàn về thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, chúng tôi chủ yếu là nói về thể loại văn học Phật giáo thời Lý – Trần, bởi lẽ Phật giáo thời Lý – Trần là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam và văn học Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa của văn học Phật giáo Việt Nam.

Hơn nữa, qua khảo cứu, chúng tôi nhận thấy văn học Phật giáo thời Lý Trần hiện diện đầy đủ các thể loại của văn học Phật giáo Việt Nam mà các giai đoạn văn học sau thời này không thể nào sánh bằng về chất lượng cũng như về hình thức nghệ thuật thể hiện.

Văn học Phật giáo Lý - Trần thuộc văn học trung đại nên hệ thống loại hình - thể loại của bộ phận văn học này cũng không thoát khỏi hệ thống loại hình - thể loại của văn học trung đại, mặc dầu nó cũng có vài đặc thù riêng bởi đây là văn học tôn giáo.

Trong bài Mấy vấn đề nghiên cứu văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình, B.L. Riptin đã viết "Muốn xác định văn học trung đại, cần phải đặt nó trong mối quan hệ với hai kiểu giáp ranh tức quan hệ với văn học cổ đại và văn học cận đại. Văn học trung đại là nền văn học nằm giữa hai nền văn học cổ đại và văn học cận đại" (4).

Có thể phát biểu cách khác, văn học trung đại là văn học tồn tại song song với sự tồn tại của chế độ phong kiến. Nền văn học đó mang nặng ý thức hệ phong kiến, chịu ảnh hưởng thế giới quan tôn giáo.

Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu văn học đã xác định cái mốc của văn học trung đại Việt Nam bắt đầu từ khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược vào mùa đông năm 938 để mùa xuân năm sau (939) thiết lập vương triều độc lập, tự chủ cho đến hết thế kỷ XIX. Cũng cần nói thêm đến giữa thế kỷ XIX (từ năm 1858) xã hội Việt Nam không còn thuần túy là xã hội phong kiến mà bắt đầu chuyển dần sang một hình thái xã hội khác : thực dân nửa phong kiến.

Tuy hình thái xã hội có thay đổi nhưng văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX vẫn sáng tác theo thi pháp văn học trung đại, với thể loại và ngôn ngữ của văn học trung đại ...

Nếu đi sâu vào từng giai đoạn cụ thể của văn học trung đại Việt Nam thì có thể thấy nếu giai đoạn đầu của văn học trung đại (sơ kỳ trung đại: thế kỷ X - XV), hệ thống thể loại có thứ bậc tôn ty, đậm tính chức năng, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thế giới quan tôn giáo và ý thức hệ chính thống, cơ chế mỹ học có tính quy phạm, ước lệ, tượng trưng thì văn học trung đại giai đoạn cuối (hậu kỳ trung đại: thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX và nửa cuối thế kỷ XIX) đã có sự chuyển hướng rõ rệt về loại hình tư tưởng, loại hình ngôn ngữ, loại hình hình tượng lẫn thi pháp.

Riêng về loại hình thể loại (type) của văn học Phật giáo Lý – Trần, theo chúng tôi thống kê thì nó tồn tại đầy đủ các loại vận văn, tản văn, biền văn với các thể tài tiêu biểu của văn học trung đại. Đa số những thể loại này mang tính chức năng rõ nét, bởi tính chức năng là sản phẩm tất yếu của văn học thời trung đại như trên đã nói.

Tính chức năng ấy có liên hệ chặt chẽ với ý thức hệ chính thống của giai cấp thống trị và mang nặng thế giới quan thần bí tôn giáo. Đây là thứ tôn giáo có tính chất cả vùng, cả khu vực. Ở Việt Nam thời bấy giờ chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật - Lão - Nho.

Ảnh hưởng Tam giáo này được phản ánh xuyên suốt trong các tác phẩm, ở các thể loại khác nhau của văn học trung đại Việt Nam, nhất là văn học trung đại giai đoạn đầu : thời Lý - Trần.

Những thể loại đó là những sản phẩm thành văn tuân theo quy luật văn - sử - triết bất phân. Hồi ấy, với tư duy tổng hợp, cha ông ta đã hiểu chữ "văn" với một nội hàm và ngoại diên rất rộng, chứ không như cách hiểu của thế hệ hiện đại hôm nay.

Các vị cho rằng mọi trước tác, trước thuật đều được gọi là "văn". Vì không phân biệt các loại nên đã dẫn đến thực trạng văn học mang hai loại chức năng :

- Chức năng hành chính gồm các thể tài: chiếu, chế, biểu, hịch, cáo, văn sách, kinh nghĩa ...

- Chức năng lễ nghi - tôn giáo gồm các thể tài: kinh, kệ, thơ Thiền, ngữ lục, tụng cổ, niêm tụng kệ, bi, minh, ký, văn tế, luận thuyết tôn giáo, truyện truyền đăng, truyện các thánh ...

Nếu những thể loại mang tính chức năng hành chính gồm những áng văn mang phong cách hoành tráng cao thượng (syblime) thì những thể loại mang tính chức năng tôn giáo lại mang đậm dấu ấn tư tưởng triết học Phật-Lão-Nho.

Văn học với hai chức năng trên, hiện các nhà lý luận văn học gọi đó là những thể loại có yếu tố phi văn học hay những thể loại có chức riêng ngoài văn học.

Theo B.L. Riptin, những thể loại này vào đầu thời trung đại ở vị trí trung tâm, rất được coi trọng, còn những thể loại mang tính chức năng yếu hoặc không mang tính chức năng như thơ trữ tình (thơ vịnh, thơ xướng họa thù tạc, thơ tả cảnh, thơ ngôn chí ...), truyện truyện kỳ, tiểu thuyết chương hồi, truyện thơ ... thì tồn tại bên ngoài rìa.

Đến giai đoạn cuối của thời trung đại, nó được chuyển vào vị trí trung tâm, trở thành văn học hình tượng; trong khi đó, những thể loại mang tính chức năng lại đẩy ra ngoài rìa và sẽ tàn lụi hoặc mất hẳn ở thời cận hiện đại. Sở dĩ có sự phân biệt thứ tự tôn ty như trên là do người sáng tác xem các thể loại như là một thứ lễ tiết văn học (étiquette littérature), một quan niệm về sự lịch thiệp văn học (décence littérature)(5).

Việc phân loại và xác định ranh giới các thể loại văn học thời Lý - Trần là một việc không đơn giản bởi lẽ từ trước đến nay các nhà nghiên cứu đã có thể có những cách nhìn không thống nhất.

Có người coi thể loại văn học là tất cả những thể thức viết văn, tức chú trọng đến hình thức nghệ thuật của thể tài mà phân loại, và hình thức đó đã được thời đại quy ước bằng những cái tên thông dụng như chiếu, biểu, hịch, cáo...

Cũng có người chú ý đến phương thức phản ánh của thể loại, tức đặt tên cho một số thể loại bằng chính cái cách thức, cái chức năng mà thể loại đó đảm nhiệm như ai, điếu, tán, tụng ... Từ sự phức tạp trên, Nguyễn Huệ Chi đã quan niệm chỉ có thống kê tỉ mỉ tất cả mọi đặc điểm riêng và chung, về nghệ thuật cũng như về phương thức biểu hiện nội dung tác phẩm, của mọi thể thức viết văn mà thời đại Lý - Trần đã thông dụng thì mới phân định được thật hợp lý các thể loại văn học Lý - Trần.

Những đặc điểm chung nhất và bền vững nhất cho một số hình thức văn chương sẽ có tác dụng tập hợp các hình thức đó vào trong một loại. Những đặc điểm thấp hơn, riêng biệt hơn và cũng kém bền vững hơn, sẽ làm cho mỗi loại phân thành nhiều thể.

Và những đặc tính trung gian giữa từng loại, thể, lại có tác dụng nối các loại các thể lại trong một chỉnh thể với nhau (6).

Do xu thế phát triển của ngôn ngữ, do sự linh hoạt, uyển chuyển của người cầm bút và do mối quan hệ chặt chẽ giữa các thể, các loại thường tạo thành những quan hệ đan chéo phức tạp, những bước chuyển hóa đưa đến những thể loại có khả năng tổng hợp hơn. Dĩ nhiên, bước chuyển hóa từ loại này sang loại kia bao giờ cũng thay đổi về chất. Nó đòi hỏi có biến đổi sâu sắc trong hình thức nghệ thuật. Còn giữa thể này và thể kia trong cùng một loại thì nhiều khi mới là đổi thay về lượng, hoặc về phương thức phản ánh tác phẩm (7).

Từ đó, một số nhà nghiên cứu đã chia văn học Lý - Trần thành 5 loại, được xếp theo thứ tự tôn ty và theo chiều hướng diễn tiến hợp quy luật: thơ ca - biền văn - tản văn - tạp văn - truyện kể. Riêng Nguyễn Huệ Chi trong Khảo luận văn bản của bộ sách Thơ văn Lý – Trần , tập 1, trang 183-184 đã phân loại chi tiết theo sơ đồ về mối quan hệ giữa chúng như sau:
hư sau:

 

Thơ ca
    

            Thơ sấm vĩ

            Thơ suy lý

            Thơ trữ tình

           Thơ tự sự

Biền văn
    

             Phú

             Hịch, cáo

             Chiếu, chế

             Biểu, tấu

Tản văn
    

             Văn bình luận

             Văn thư  tín

             Văn ngữ lục

Tạp văn
    

        Luận thuyết tôn giáo

Truyện kể
    

             Truyện

              Sử

              Bia, ký

 

Có thể có người sẽ có băn khoăn ít nhiều về hệ thống phân loại chi tiết này, nhưng ở đây chúng tôi xin tạm chưa bàn thêm gì mà chỉ muốn nói rằng trong hệ thống thể loại đó, văn học Phật giáo Lý - Trần đã hiện diện gần như đa số các thể loại. Có điều, hệ thống thể loại từ đời Lý đến đời Trần đã có sự chuyển biến, phát triển cả về chất lẫn về lượng. Nếu hệ thống thể loại của văn học

Phật giáo đời Lý chưa hình thành đầy đủ, chỉ mới có một số thể loại chủ yếu như kệ, thơ Thiền, thơ tả cảnh, từ khúc, bi ký, minh, ngữ lục ... thì sang văn học Phật giáo đời Trần, bên cạnh những thể loại đã có, còn xuất hiện thêm phú, ca, tụng cổ, niêm tụng kệ, luận thuyết tôn giáo, các thể truyện, thơ trữ tình.

Dĩ nhiên, những thể loại trên cũng được phân định rạch ròi và sắp xếp có thứ bậc tôn ty theo quy luật Văn - Sử - Triết bất phân và theo quan niệm văn học thời trung đại.

Như trên có đề cập, những thể loại văn học Lý - Trần mang hai tính chức năng và nếu các thể loại văn học mang tính chức năng hành chính rất hiếm hoặc không được các tác giả của bộ phận văn học Phật giáo sử dụng thì ngược lại, những thể loại mang tính chức năng tôn giáo lại được các tác giả của bộ phận văn học này ưa chuộng, sử dụng rộng rãi, bởi nó gắn bó và phù hợp với nhà chùa nhiều hơn.

Có thể miêu tả một số thể loại tiêu biểu của văn học Phật giáo Lý - Trần như sau, những thể loại này cũng tiêu biểu cho hệ thống thể loại văn học Phật giáo Việt Nam, vì Phật giáo giai đoạn sau thời Lý – Trần không có thấy thêm thể loại mới nào:

2.1. Sấm vĩ .

Hình thức thể loại này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, ở các sách Dịch vĩ, Thư vĩ, Thi vĩ. Đó là những bài văn vần ngắn, dùng lối chiết tự để dự đoán, báo trước những hiện tượng chính trị, những sự kiện lịch sử sẽ xảy ra.

Thể loại này trước thời Lý - Trần đã xuất hiện với những bài văn vần ngắn của Định Không, La Quý (An) thuộc dòng Thiền Tỳ ni đa lưu chi mà trong một bài viết trên tạp chí Hán Nôm chúng tôi có dịp trình bày.

Có thể xem những bài tứ ngôn, ngũ ngôn này là hình thức phôi thai để sang thời Lý - Trần hoàn chỉnh hơn, nội dung súc tích mang nét huyền bí hơn.

Chẳng hạn, vào cuối đời Đinh đã xuất hiện Sấm thi (khuyết danh) tiên đoán việc Đỗ Thích giết hai vua nhà Đinh, rồi nhà Lê lên thay, tiếp theo là nạn cát cứ với mười hai sứ quân v.v... Hay như lời tiên đoán của sư Đỗ Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành về vận nước qua bài Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn (Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, tr. 204).

Cuối triều Lê, Thiền sư Vạn Hạnh (939? - 1018) tiên đoán người họ Lý ở hương Cổ Pháp đang giữ chức Thân vệ Tả Điện tiền chỉ huy sứ sẽ lên ngôi báu và hương Cổ Pháp sẽ đổi tên thành phủ Thiên Đức trong bài sấm Quốc tự :

Cái tam nguyệt chi nội, Trong vòng ba tháng nữa,

Thân vệ đăng trụ xã tắc. Thân vệ lên nối ngôi.

Lạc trà ấn quốc tự, Cây đa in chữ "quốc",

Thập khẩu thủy thổ khứ, Đất Cổ Pháp này thôi,

Ngộ thánh hiệu Thiên Đức. Gặp thánh hiệu Thiên Đức.

(Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 217)

"Thân vệ" là chức quan của Lý Công Uẩn: Thân vệ Tả Điện tiền chỉ huy sứ. "Thập khẩu thuỷ thổ khứ" được dùng theo lối chơi chữ, chiết tự, chữ "thập" (十) và chữ "khẩu" (口) ghép thành chữ "cổ" (古); ba chữ "thuỷ" (水), "thổ" (土), "khứ" (去) ghép thành chữ "pháp" (法), mà Cổ Pháp 古 法 là tên làng (hương) tức nơi chôn nhau cắt rốn của Lý Công Uẩn, sau này đổi tên thành Thiên Đức.

Hoặc bài Yết bảng thị chúng cũng của sư Vạn Hạnh dự báo họ Lý sẽ thay họ Lê trị vì thiên hạ, đem lại cảnh thái bình cho nhân dân (Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr. 217). Cũng xung quanh việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thời gian này còn xuất hiện một chùm thơ sấm mà bộ sách Thơ văn Lý - Trần tập 1, các soạn giả chỉ chọn 7 bài.

Những bài sấm vĩ này hiện chưa rõ tác giả nhưng theo các soạn giả thì phần lớn chúng đều có dính dáng đến tiểu sử các nhà sư như Vạn Hạnh, Đa Bảo và quan lại như Đào Cam Mộc ... Có thể đây là những sáng tác của một nhóm nhân vật tích cực trên nhằm mục đích ủng hộ cuộc đảo chính nhà Lê và tuyên truyền cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Ở đây cũng cần lưu ý là trong chùm thơ sấm này có một bài với nhan đề Đại Sơn, mà Thơ văn Lý - Trần tập 1, tr. 219 ghi là khuyết danh, nhưng theo Thiền uyển tập anh thì đó là bài kệ mang tính sấm vĩ của Thiền sư La Quý (An) đọc vào năm 936.

Thể loại thơ sấm vĩ ở văn học Phật giáo đời Lý, hiện chỉ còn 13 bài, còn văn học Phật giáo đời Trần thì hiện chưa tìm thấy sấm vĩ.

Nhìn chung, sấm vĩ là lời tiên đoán, dự báo việc sẽ xảy ra nhưng người đọc cũng có thể nghĩ rằng việc xảy ra rồi mới xuất hiện sấm vĩ vì nhằm khẳng định, đồng thời củng cố niềm tin trong tâm thức của quần chúng về vấn đề, sự việc đó.

2.2. Từ khúc .

Theo các nhà nghiên cứu, từ khúc là tên gọi chung cho tất cả những bài hát cổ của Trung Quốc, hoặc có tính chất dân gian, hoặc do văn nhân nghệ sĩ dựa theo các lối Sở từ, nhạc phủ mà sáng tác.

Sự thật từ và khúc có khác nhau. Từ gần với thơ hơn, từ thường theo lối câu dài câu ngắn, nhưng cũng có hạn định.

Bộ vần của từ có rộng rãi hơn. Riêng khúc, chỉ áp dụng cho hí khúc và số lượng chữ trong câu của bài khúc, không nhất định, có thể thay đổi do sự diễn xướng. Nói chung, người ta vẫn có xu hướng gọi chung là từ khúc vì xét về hình thức câu thơ thì cũng có những nét tương tự giữa từ và khúc.

Điều đó có nghĩa là phần lớn từ khúc ngày xưa thường phổ nhạc để ca, ngâm (bao gồm cả ca lời (ca từ) và nhạc). Về hình thức của thể loại, những từ khúc này thường làm theo thể trường đoản cú hoặc trúc chi từ .

Câu ngắn có thể ba, bốn hay năm chữ, câu dài có thể lên đến mười, mười một chữ. Vần và nhịp trong bài cũng không cố định, có thể gieo vần bằng hoặc trắc, hay bằng trắc xen kẽ nhau và thường là cước vận. Nhịp có thể là lẻ trước chẵn sau hoặc ngược lại. Trong văn học Trung Quốc, thể loại này thịnh hành vào đời Đường và đạt đỉnh
 

 

Về Menu

từ thể loại văn bản kinh phật ở ấn độ đến hệ thống thể loại văn học phật giáo việt nam tu the loai van ban kinh phat o an do den he thong the loai van hoc phat giao viet nam tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

เพรงดนต ฟ 大学生申请助学金的申请理由怎么写 新学期新展望内容怎么写 燃指供佛 hieu the nao cho dung PhÃp æ žä ç phat giao la tri tin chu khong me tin интервю с рептил 唐宋诗词在线 义云高世法哲言 生日快乐 生日祝福语 chua dong dai ï½ Quảng tot cung cua phat phap la an lac Là Æi 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 ä äºäåæ çæå¼æåç 栃木県寺院数 µ hạnh phúc được tạo dựng bằng những ä½åææ ä ƒäº ä nghin nam mot thuo ๆ ภขง å å Š 簡単便利戒名授与水戸 æµæŸçåŒçŽ 仏壇の線香の位置 DÃu 三年级老师对学生的评语 dat å å å¾ ç Ÿ æ Æå 楞嚴咒五大心咒 證嚴上人第一位人文真善美 ï¾ ï½ ব ল চদ già ba n お寺との付き合い 檀家 心经全文 หลวงป แสง 看完新闻联播的观后感 佛教中华文化