Tục làm bánh ú tro quê tôi
Ngoài dịp Tết Nguyên
đán cổ truyền, thì mồng năm tháng năm âm lịch cũng là dịp tết mà quê tôi tất bật
và rôm rả nhất. Ngay từ những ngày mồng hai, mồng ba tiếng người gọi nhau í ới ở
đầu làng ra chợ. Chợ tết đoan ngọ vui lắm. Vui chẳng khác gì chợ ba mươi tết cổ
truyền vậy.
Bánh ú tro - Ảnh: Internet
Tập tục cúng ngày mồng năm tháng năm có từ lâu lắm rồi. Tết Đoan ngọ ở quê tôi vui như mở hội, hàng hoá ở đâu cứ kéo về nhộn nhịp hẳn lên. Hàng ăn, thức uống nhiều hơn ngày thường, gia đình sum họp vui vẻ bên mâm cơm cúng trời đất, tổ tiên.
Và trẻ con đang trong dịp nghỉ hè, nên chúng tha hồ cùng bố mẹ đi chơi, mua sắm, cùng gia đình làm bánh. Mỗi khi Tết Đoan ngọ về, tôi nhớ loại bánh mà gia đình tôi thường hay làm, đó là bánh ú tro - một thứ ẩm thực mang đậm nét văn hóa của đất và người quê tôi.
Bánh ú tro giản dị từ cái tên gọi, cho đến cách làm bánh. Nó không nổi trội và xuất hiện thường xuyên như bánh chưng, bánh tét. Nhưng từ lâu bánh ú tro góp phần quan trọng vào nét đẹp văn hóa của người miền Trung. Nghe mẹ kể rằng, bánh ú tro là thức ăn dễ làm, cũng là thức ăn gắn với những lần chạy giặc, tha phương cầu thực trước đây. Thời hiện đại, nó không có mặt thường xuyên, mà chỉ lặng lẽ xuất hiện vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ trong mâm cơm của mỗi gia đình.
Đây là loại bánh truyền thống, và cách làm bánh ú tro khá đơn giản, không cầu kỳ, từ cách chọn nguyên liệu cho đến cách luộc bánh. Chỉ cần đôi bàn tay người làm khéo léo, và tỉ mỉ một chút.
Nguyên liệu làm bánh ú tro chủ yếu là nếp. Chọn loại nếp to hạt, chắc mẩy, phơi ít nhất là hai nắng. Nước tro ngâm nếp, là tro đốt từ những loại rơm khô nếp, vỏ bưởi. Đổ tro vào chậu, để tro thấm nước và chờ tro lắng xuống, sau đó lấy phần nước trong rồi đổ nếp vào ngâm một đêm, sau đó vớt ra. Lá gói bánh là lá dong lau sạch trước khi gói. Cho lượng nếp vừa đủ vào chiếc lá rồi gói lại, và bẻ mép hai đầu bánh sao cho thật đẹp, buộc lạt cho chặt.
Bánh gói xong, buộc thành từng chùm, mỗi chùm mười bánh rồi bắt đầu luộc. Kinh nghiệm luộc bánh thơm ngon và chín đều của mẹ tôi, đó là khi luộc phải canh chừng trong khoảng thời gian một cây hương. Cứ như thế hết lớp này đến lớp khác, bánh được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn vào trong nồi để luộc rồi vớt ra. Luộc bánh thật đơn giản, nhưng với tôi đó mà công việc thú vị nhất mỗi khi dịp Tết Đoan ngọ về.
Bánh ú tro luộc xong, mẹ thường mở cho tôi xem một chiếc. Chiếc bánh chín vàng ươm của nếp ngâm tro, và sau đó lần lượt được sắp xếp từng chùm ra dĩa, như những kim tự tháp thu nhỏ, để thờ cúng ông bà tổ tiên.
Hương vị của bánh ú tro thơm ngon, nó không có vị béo như bánh chưng, bánh tét. Và cách thưởng thức bánh ú tro khác hẳn với hai loại bánh kia. Đó là khi ăn phải kèm theo mật ong hoặc đường. Bánh tro ăn nguội. Bánh tro vị lạt, dễ tiêu, màu vàng trong, mềm dẻo như miếng thạch rau câu.
Chợ mồng năm tháng năm đa dạng các loại hàng hóa, trong đó những chùm bánh ú tro nhỏ xíu, xinh xắn có mặt ở khắp các gian hàng đã làm nên cái hồn cho ngày Tết Đoan ngọ ở quê thêm đậm đà...
Thân Thị Thanh TrâmNgọc Sương (Tuvien.com)