Tưởng nhớ Ni trưởng Thích nữ Diệu Trí
Giác Ngộ - Ni trưởng Thích nữ Diệu Trí, thế danh Hồ Thị Trâm, sinh năm Mậu Thân, tức năm 1907, tại làng Lâm Cao, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống nhiều đời tận tụy quy ngưỡng Phật pháp.
Năm 1932, Ni trưởng quyết chí xuất gia, tìm đến chốn tòng lâm để xuất gia học đạo với Hòa thượng Huệ Minh, trú trì Tổ đình Từ Hiếu - Huế. Sau khi được bổn sư hoan hỷ tiếp độ, Ni trưởng tinh tấn tu học, chuyên cần công phu theo thời khóa được chỉ dẫn, nghiêm giữ thanh quy của chốn thiền môn, chuyên tâm niệm Phật và trì tụng kinh Pháp Hoa.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một lần hội ngộ Ni trưởng Thích nữ Diệu Trí tại Việt NamNhờ sự tinh cần tu học như vậy mà một năm sau khi được xuất gia, Ni trưởng đã được bổn sư cho lãnh thọ Sa di ni giới, được ban pháp danh Trường Khương, đạo hiệu Thích nữ Diệu Trí, và hai năm sau, được trao truyền Thức xoa ma na giới. Năm 1939, bổn sư thế độ của Ni trưởng là ngài Huệ Minh viên tịch, Ni trưởng lại cầu xin Hòa thượng Chơn Thiệt, kế thế trú trì Tổ đình Từ Hiếu, làm bổn sư y chỉ để được tiếp tục nương tựa tu học. Đến năm 1944, Ni trưởng được sự hứa khả của bốn sư y chỉ đến cầu lãnh thọ Cụ túc giới với Đại lão Hòa thượng Giác Nhiên, trú trì Tổ đình Thiền Tôn lúc bây giờ. Cũng trong năm đó, sau khi đã lãnh thọ giới pháp đầy đủ, Ni trưởng được Bổn sư y chỉ chính thức làm lễ bổ nhiệm trú trì chùa Diệu Nghiêm.
Công hạnh của Ni trưởng trong chí nguyện thượng cầu hạ hóa, là bậc Thích nữ trì và hành Luật tạng nghiêm mật, Ni trưởng đã sớm tham gia vào công việc truyền trao giới pháp trong các Đại Fgiới đàn của Ni bộ Thừa Thiên Huế.
Do tuổi cao sức yếu, Ni trưởng đã an nhiên viên tịch vào lúc 19 giờ 15 phút, ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Dần (23-3-2010) tại chùa Diệu Nghiêm, thành phố Huế, hưởng thọ 103 tuổi – 65 hạ lạp.
Thiền sư Nhất Hạnh tại Pháp quốc hay tin Ni trưởng xả báo thân đã có thư về Việt Nam, trong thư có đoạn tâm tình đầy đạo vị, Thiền sư đã gọi Ni trưởng bằng “Chị” thân thương: “Chị em mình đã được sống những ngày tháng hạnh phúc ở tại tổ đình. Em nhớ hồi còn trẻ thường qua thăm chị bên Diệu Nghiêm, hồi đó còn là một mái chùa lá lụp xụp. Chị còn là một sư cô trẻ, em còn là một chú sa di mới thọ giới. Hồi đó chị ở một mình, không có vị đệ tử nào. Chị đã thương yêu chăm sóc mấy điệu bên Từ Hiếu như em ruột của chị.
Chúng ta có may mắn được tu dưới sự che chở của các bậc cao tăng của tổ đình. Em đã gánh nước, giã gạo, trồng sắn, giữ bò, ủ phân, trang trí bàn Phật và bàn tổ bằng những tràng hoa mỗi khi có ngày kỵ Tổ. Chị đã giúp chúng em, chỉ dẫn cho chúng em, làm việc chung với chúng em. Chị đã dạy em chắp tay thế nào cho đẹp, đừng nên uống aspirine để cho bụng khỏi bị cào, gọt mít như thế nào để cho mủ mít đừng dính vào tay áo, những giờ phút hạnh phúc vẫn như đang còn đó, và sẽ không bao giờ mất đi. Chị ở nhà, em đi lang thang trên thế giới. Nhớ chị, có một lần em đã gửi về cho chị một thẻ kẹo chocolate.
Em vẫn còn đi lang thang, chị vẫn còn ở nhà, dù chị đã trên 100 tuổi. Cô giáo ngày xưa vẫn còn đó. Chú điệu ngày xưa cũng còn đó, nhưng bây giờ chúng ta đã được tiếp nối. Con cháu chúng ta sẽ làm cho xong những gì hai chị em ta còn chưa làm xong.
Chị hãy nằm yên, để cho tiếng niệm Phật thấm vào cơ thể. Em đã từng nghe chị trì tụng bài Quy nguyện: “cùng tăng thân xin nguyền trở lại, nơi cõi đời làm việc độ sinh, giờ phút này sông núi chứng minh, cúi xin Đức Từ Bi nhiếp thọ...“. Lời nguyền còn đó, chị sẽ trở lại, làm một sư cô trẻ, một sư chú trẻ. Chúng ta phải tiếp tục chí nguyện ngày xưa”.
Theo Trang nhà Liễu Quán, Langmai.org
Ngọc Sương (Tuvien.com)