Danh xưng Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát là một phần đức tính của mười phương ba đời chư Phật, vì thế đức tính Từ Bi này nơi mọi chúng sinh vốn sẳn cho nên ai cũng có thể thành đạt đức tính này.
Hằng năm những người con Phật khắp nơi trên thế giới đều làm lễ cúng vía đứcBồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày:
Ngày 19/02 kỷ niệm ngày Quán thế Âm Đản Sanh.
Ngày 19/06 kỷ niệm ngày Quán thế Âm Thành Đạo.
Ngày 19/09 kỷ niệm ngày Quán thế Âm Xuất Gia.
Đặc biệt năm nay lễ Kỷ niệm ngày Thành đạo của Bồ tát Quán Thế Âm ngay vào dịp Phật giáo Việt Nam tổ chức kính chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long 22.7-02.8.2010).
(16-22.6.Canh Dần).
Vào Triều Lý tôn Phật giáo Quốc đạo, dùng chủ nghĩa : TỪ BI hiện thực, lý tưởng Bồ Tát đạo làm kim chỉ nam, quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực :
Lý Thái Tổ xuất thân học Phật,
Lấy đức lành dạy bảo dân yên,
Lẫy lừng phạt Tống, bình Chiêm;
Mấy trăm năm Lý văn minh rạng ngời.
Như vậy triều Lý đã xây dựng nền tảng vững chắc trong việc dùng chủ nghĩa : TỪ BI hiện thực, lý tưởng Bồ Tát đạo làm kim chỉ nam, Quốc sách An Dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực, để triều đại nhà Trần phát huy ý thức Độc Lập Tự Cường :
Trần Thái Tôn dựa nơi Phật Pháp,
Dùng tu hành trị nước an dân,
Mấy lần đuổi giặc ngoại xâm;
Truyền ngôi kế vị mấy trăm năm liền.
Danh xưng Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát là một phần đức tính của mười phương ba đời chư Phật, vì thế đức tính Từ Bi này nơi mọi chúng sinh vốn sẳn cho nên ai cũng có thể thành đạt đức tính này.
Vào Triều đại nhà Lý nhiều vị Thánh vương đã thành đạt đức tính Từ Bi này vì vậy mà Quốc sách An dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực tuyệt vời như thế. Và Nhiếp chính Ỷ Lan cũng đã thể hiện đức tính Từ Bi này, nhiều sử liệu ghi chép cho là Nhiếp chính Ỷ Lan cũng là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện để trợ giúp cho Thánh vương Lý Thánh Tông thành tựu đạo nghiệp (Minh tâm kiến tánh, sáng lập dòng Thiền Thảo Đường, đệ nhị Tổ sư) đặt nền móng Giáo dục độc lập nước ta và góp phần Quốc sách an dân. . .
Nếu muốn biết đường lối thực hành theo Tông chỉ Bồ tát Quán Thế Âm thì chúng ta cùng nhau tham khảo bài yếu chỉ Phẩm Phổ Môn , phẩm thứ 25, kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực biên soạn :
PHẨM PHỒ MÔN
Thứ Hai mươi Lăm.
Phổ môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của Tự tánh.
Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật: "Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?"
Phật bảo: "Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng Tự tánh Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là Tự tánh tự độ".
Sức dụng của Tự tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.
VỀ PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH CỦA QUÁN THẾ ÂM CÓ NĂM THỨ QUÁN :
1. Chơn quán : là lập Chơn để phá Vọng. Trước tiên phải xoay cái Tánh nghe trở về Tự tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì Năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn (sáu giác quan) dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là "phản văn văn Tự tánh".
2. Thanh tịnh quán : là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng sở. Năng nghe Sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.
3. Từ quán : là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.
4. Bi quán : là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi.
Khi Từ bi thể hiện thì ngã chấp (cái tôi ích kỷ) đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong pháp giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được Hòa Quang Đồng Một (Nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) Nên năng - sở đều diệt.
5. Quảng đại trí huệ quán : là trí huệ chiếu khắp pháp giới, quảng đại siêu việt số lượng. Tất cả năng sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói : "Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng" vậy.
Phẩm này chỉ rõ sự diệu dụng của Tự tánh tự độ
"Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của Tự tánh)
Năng cứu thế gian khổ"
Là nghĩa này vậy.
(Trích Yếu chỉ Kinh Pháp Hoa của Thiền sư Thích Duy Lực)
Kính chúc mọi người chúng ta đều thành tựu đức tính Từ Bi của Bồ tát Quán Thế Âm để tự mình hóa giải hết tất cả những nổi khổ niềm đau và giúp tha nhân trần gian Ta bà, xây dựng niềm tin chơn chính và từng bước chân an lạc hạnh phúc trong cuộc sống.
Bích Ngọc (Tuvien.com)