NSGN - Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam ngay từ những năm đầu Tây lịch thông qua các nhà sư và các nhà buôn từ Ấn Độ.

Về giá trị đạo đức của lòng từ đạo Phật trong văn hóa Việt Nam

NSGN - Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam ngay từ những năm đầu Tây lịch thông qua các nhà sư và các nhà buôn từ Ấn Độ. Phật giáo cũng du nhập và phát triển ở Trung Hoa và truyền bá vào Việt Nam một lần nữa.

Qua hơn 20 thế kỷ phát triển và hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam, ngày nay chúng ta có thể nhận thấy rằng trong văn hóa của người Việt có nhiều dấu ấn của Phật giáo, đặc biệt là về quan niệm đạo đức của người Việt Nam. Bàn về giá trị đạo đức Phật giáo trong văn hóa của người Việt, hẳn là phải cần đến một vài quyển sách chuyên luận. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về lòng từ như một giá trị tiêu biểu nhất của đạo đức Phật giáo trong văn hóa Việt Nam.

PGVN.jpg
Nhắc đến hệ giá trị đạo đức Phật giáo chúng tôi muốn đề cập những giá trị cơ bản
như lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, những giá trị đạo đức của năm giới, mười thiện - Ảnh minh họa

Nhận thức về giá trị đạo đức lòng từ của đạo Phật

Khi nhắc đến giá trị (values) là nhắc đến cái vốn có của một vật gì đó đáng giá và trước hết là theo nghĩa giá trị trao đổi về mặt vật chất trong tương quan so sánh với các vật khác dưới cái nhìn chủ quan của một chủ thể mà nó có thể đem trao đổi, đem lại lợi ích thiết thực, khả dụng đối với chủ thể. Như vậy, giá trị của một vật ban đầu mang tính chủ quan, cái mà người này xem là giá trị, người khác có thể thấy không có giá trị. Khi được đem ra cộng đồng trao đổi thì nó lại có giá trị theo quy ước và được cộng đồng công nhận. Như vậy chúng ta có thể tạm hiểu “giá trị” là thứ được “chúng ta xem là đáng giá và có tầm quan trọng tương đối so với những thứ khác” theo cách hiểu của Chris Barker trong The sage dictionary of Cultural studies (Từ điển minh triết về nghiên cứu Văn hóa)1.

Giá trị đạo đức của các tôn giáo nói chung, giá trị đạo đức Phật giáo nói riêng luôn hướng con người đến cái chân, cái thiện, cái mỹ mà từ đó nó bồi đắp và nâng cao bản chất NGƯỜI (viết hoa). Khi hội nhập vào văn hóa Việt Nam, hệ giá trị đạo đức Phật giáo luôn ẩn tàng trong những chuẩn mực ứng xử giữa người và người trong xã hội. Chính vì vậy mà hệ giá trị đạo đức Phật giáo góp phần điều tiết sự phát triển của xã hội loài người, nó luôn hướng con người đến những cái đích như chân, thiện, mỹ và nâng xã hội loài người lên một tầm cao mới.

Nhắc đến hệ giá trị đạo đức Phật giáo chúng tôi muốn đề cập những giá trị cơ bản như lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, những giá trị đạo đức của năm giới, mười thiện v.v… Những giá trị đạo đức Phật giáo hội nhập vào hệ quan niệm về giá trị đạo đức của mỗi dân tộc hoặc quốc gia theo những cấp độ và khía cạnh riêng. Đạo đức Phật giáo ngay từ đầu du nhập vào Việt Nam đã được người Việt Nam chấp nhận vì nó phù hợp với những quan niệm về đạo đức của người Việt Nam, mà không chỉ ở người Việt Nam, chúng ta thấy rằng những giá trị đạo đức của Phật giáo như đã đề cập ở trên (lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, năm giới, mười thiện…) rất phù hợp với những nguyên tắc đạo đức làm người, do đó chúng được xã hội loài người chấp nhận nhưng chấp nhận ở mức nào là tùy thuộc vào mỗi cộng đồng dân tộc, tộc người, quốc gia. Những giá trị đạo đức Phật giáo thấm sâu vào tiềm thức, vào văn hóa của người Việt.

Theo đạo Phật, lòng từ là sự đối đãi từ ái với tất cả mọi chúng sinh trên cõi Ta-bà, lòng từ của đạo Phật được ví von như là tình thương, tấm lòng của bà mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình. Lòng từ là tâm trạng đẹp nhất của con người trong cuộc sống. Lòng từ của đạo Phật luôn gắn với lòng bi. Phật và Bồ-tát thương yêu tất cả chúng sinh như con một, đó là lòng từ. Thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của chúng sinh, đó là lòng bi. Lòng từ bi của Phật và Bồ-tát là hoàn toàn vị tha, vô ngã, mọi tư tưởng “của mình” đều xóa sạch. Theo đạo Phật, những người tu tập lòng từ, được tám lợi ích như: “Ngủ yên vui, thức dậy yên vui, không ác mộng, được người khác yêu quý, được loài phi nhân quý trọng, được loài Trời bảo vệ, không bị hại bởi thuốc độc, sau khi mệnh chung, tái sinh lên cõi Trời Phạm thiên” [Kinh Bộ Tăng chi II, III]2.

Đạo Phật luôn khuyến khích con người làm Mười điều thiện, pháp thiện (thập thiện) như: Không sát sinh mà phóng sinh, không trộm cắp mà bố thí, không tà dâm mà sống trong sạch, không nói dối mà nói lời thực, không nói ác mà nói dịu hiền, không nói chia rẽ mà nói đoàn kết, không nói vô nghĩa mà nói lời có ích, không tham mà biết từ bỏ, hay bố thí, không sân mà có lòng từ, không si mà sáng suốt, có trí, tỉnh giác3. Trong đạo Phật còn có phép tu gọi là từ bi quán, tức phép tu bao quát hết tất cả mọi chúng sinh khắp 10 phương trong lòng từ bi rộng lớn vô biên của mình. Từ Thị, một danh hiệu chỉ Đức Phật Di Lặc là Đức Phật vị lai ở cõi Ta-bà này. Các Đức Phật biểu thị một lòng từ vô biên đối với tất cả chúng sinh. Sách Phật thường gọi Đức Phật là đấng Từ phụ, tức người cha có lòng từ.

Trong các kinh kệ Phật giáo có nói về sức mạnh lòng từ của Đức Phật Thích Ca đã thu phục được rất nhiều chúng sinh quay đầu, hướng thiện như trường hợp của tên tướng cướp khét tiếng Angulimala giết người không gớm tay ở xứ Taxila, hay trường hợp của dâm nữ Ambapāli ở thành Vaisali, hoặc trường hợp Đức Phật thu phục con voi điên do Đề-bà-đạt-đa xua đến để hãm hại Ngài v.v… Nhiều kinh kệ khác cũng kể đến lòng từ của các vị Phật, Bồ-tát đã hóa độ cho chúng sinh nói chung, loài người nói riêng như kinh Từ Bi (một đoạn kệ ngắn trong phẩm Con rắn (Uraga Vagga) thuộc Kinh Tập (Sutta Nipata), là một bộ phận của Tiểu bộ kinh (Khuddaka) trong hệ thống Nikaya).

Sự vận dụng lòng từ của đạo Phật qua một số trường hợp trong lịch sử Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam còn lưu lại những tấm gương về lòng từ của các nhà lãnh đạo Việt Nam tha chết cho những kẻ phản loạn, hay thậm chí là kẻ thù thâm độc của mình. Chúng ta có thể kể đến vụ dấy binh khởi loạn của Nùng Trí Cao (1025-1055), thủ lĩnh địa phương ở Cao Bằng, cầm đầu một nhóm người Tày, Nùng chống trả quyết liệt vua Lý Thái Tông. Lý Thái Tông sai các tướng đi đánh dẹp, bắt được Nùng Trí Cao nhiều lần nhưng sau đó, nhà vua lại tha chết cho y. Đó chỉ có thể là lòng từ của vua Lý Thái Tông, một ông vua Phật tử thuần thành, và cũng chính vì thế mà thời Lý được nhà sử học Hoàng Xuân Hãn xem là “triều đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam”4.

Ở thế kỷ thứ XV, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược Đại Việt trong hơn 10 năm, trải qua bao phen nguy hiểm, cuối cùng của quân Lê Lợi đã đánh bại bọn xâm lược nhà Minh, vây chúng trong thành Đông Quan (Thăng Long) đến bước nguy khốn. Nếu vua Lê Lợi tiếp tục tiến công thì không bao lâu sau sẽ đánh bại chúng, nhưng ngài không làm vậy. Ngài mở con đường sống, tha chết cho chúng bằng Hội thề Đông Quan (1427). Lòng nhân từ của vua Lê Lợi đã thu phục kẻ thù, khiến chúng từ bỏ ý định báo thù, xâm lược Đại Việt và đồng thời cũng đem lại thái bình cho đất nước, tránh cảnh can qua, lầm than cho dân chúng nước nhà và âu đó cũng là một chiến lược của một ông vua có tầm nhìn sâu sắc!

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của Việt Nam trong thời hiện đại là người có tinh thần Phật học, thấm nhuần tư tưởng lòng từ, tính nhân bản của đạo đức Phật giáo sâu sắc. Người có “gen Phật giáo chăng?” theo nhận định của học giả Minh Chi5 (người đã từng công tác tại Phủ Thủ tướng của ngài Phạm Văn Đồng và được gặp và làm việc với Bác nhiều lần). Chúng ta cũng biết rằng thân sinh ra Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà Phật học uyên thâm. Trước hết, chúng ta thấy rằng Hồ Chủ tịch trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và phát-xít Nhật từ những ngày đầu, ông đã không chủ trương dùng bạo lực để khắc chế bạo lực.

Ngay từ lúc mới thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc đó có tên là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào 22-12-1944, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là chỉ thị của Hồ Chủ tịch, người muốn lấy mục đích chính của đội quân này là tuyên truyền để giải phóng chứ không phải là sử dụng vũ lực, bạo lực. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những tuyên ngôn của Người trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và nhiều tuyên bố trong đăng tải trên các phương tiện truyền thông về sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thực chất, dân tộc Việt Nam không có con đường nào khác phải lựa chọn cho nên mới đứng lên, dùng bạo để đánh đuổi kẻ thù.

Giáo sư William J. Duiker khi viết quyển Hochiminh, A life (Hồ Chí Minh, Một cuộc đời) xuất bản năm 2000 đã dẫn lại lời của Hồ Chủ tịch trả lời viên sĩ quan tình báo Mỹ là Charles Fenn, năm 1945 về quan điểm đấu tranh giải phóng dân tộc của mình: “Trước hết ông phải hiểu rằng giành được độc lập từ một cường quốc lớn như Pháp là một nhiệm vụ rất nặng nề nó chỉ có thể thành công với một sự hỗ trợ nào đó từ bên ngoài, không nhất thiết là bằng vũ khí, mà còn là trong các lĩnh vực như là lời khuyên, các cuộc giao tiếp. Trên thực tế, người ta không thể giành được độc lập bằng cách ném bom, đàn áp v.v…

Đó là lỗi lầm mà các nhà cách mạng trước đây thường mắc phải, người ta phải giành độc lập qua các khâu tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện và kỷ luật. Người ta cũng cần một loạt những niềm tin, một Phúc âm (a Gospel), một sự phân tích thực tiễn, ông có thể nói một Kinh thánh (a Bible). Chủ nghĩa Mác-Lênin cho tôi tất cả những bộ phận đó”6. Với tư tưởng trên, Hồ Chủ tịch với chủ trương không dùng bạo lực để giành độc lập khi còn có những khả năng và đường lối hòa bình khác, nhưng cuối cùng người dân Việt Nam bất đắc dĩ phải dùng bạo lực cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Đó là một sự thật.

Năm 1946, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa có ký với Pháp Tạm ước Mồng 6 tháng 3 nhằm hòa hoãn với thực dân Pháp, tránh chiến tranh nổ ra sớm, giảm thương vong cho nhân dân và đồng thời cũng có thời gian cho nhân dân ta chuẩn bị lực lượng kháng chiến về sau. Chúng tôi cho rằng đó là một chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời với tình hình đất nước phức tạp, việc để cho quân đội Pháp ra Bắc đóng quân ở một số tỉnh nhằm thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch lúc đó đang ăn vạ, lấy cớ nằm lỳ ở Việt Nam với nhiều yêu sách. Đó là sự tính toán của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ hết sức đúng đắn để cuối cùng đuổi được quân đội Tưởng Giới Thạch về nước. Chúng ta thấy Bác đã làm mọi thứ để tránh cuộc chiến tranh gây thương vong cho hai nước Việt-Pháp nhưng về sau vẫn không tránh khỏi, do thực dân Pháp quyết tâm muốn quay lại đô hộ Việt Nam.

Chính những sự kiện trên mà Giáo sư William J. Duiker có những nhận định rất khách quan và đúng đắn về Hồ Chí Minh và đồng thời tác giả cũng đề cao vai trò lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong tác phẩm của mình: “Không những ông Hồ là người sáng lập Đảng và sau này là Chủ tịch nước, ông còn là chiến lược gia chủ yếu, và là biểu trưng của đất nước tạo ra cảm hứng mạnh mẽ nhất. Ông là một nhà tổ chức tài ba, đồng thời còn là một nhà chiến lược khôn ngoan và một người lãnh đạo hấp dẫn. Con người Hồ Chí Minh, một nửa là Lê-nin, một nửa là Gandhi7, và là sự kết hợp năng động của cả hai (các tác giả nhấn mạnh). Trong khi cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam là một sự kiện tất yếu không thể tránh, siêu việt lên trên số phận của những con người cá biệt, thì nếu không có ông Hồ thì sự kiện đó sẽ có một cục diện rất khác, những hậu quả rất khác...” [William J. Duiker 2000: 577].

Chúng ta biết rằng, Mahatma Gandhi mà dân tộc Ấn Độ kính trọng gọi là Thánh Gandhi, vị lãnh tụ giành độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh thông qua thuyết bất bạo động (ahimsa) và kiên trì theo đuổi con đường này cho đến ngày thắng lợi. Còn V.I. Lê-nin thì chúng ta cũng đã biết rồi. Hồ Chí Minh là sự kết hợp năng động giữa Mahatma Gandhi được biểu hiện cụ thể thành đức hiếu sinh và tính quyết đoán, cách mạng của V. I. Lê-nin để mang lại thành quả cách mạng cụ thể cho dân tộc Việt Nam. Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã phát biểu đâu đó: “Nhân dân Việt Nam lăn vào cái chết để tìm sự sống” là một cách nói nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu tới cùng của toàn dân tộc.

Học giả Minh Chi kể một câu chuyện khác về đức hiếu sinh - biểu hiện của lòng từ Phật giáo - của Hồ Chủ tịch như sau: “Vào những ngày đầu của cuộc Cách mạng tháng Tám, quân ta không tiến vào Hà Giang, vì tù trưởng người Mèo lúc bấy giờ là Vương Chí Sình không chịu khuất phục lại dựa vào địa hình hiểm trở mà kháng cự. Nếu quân ta tiến công thì rồi cũng thắng, nhưng cả hai phía Việt và Mèo đều sẽ có tổn thất. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh ngưng tiến công, cho vời Vương Chí Sình về Hà Nội, nhận làm em nuôi. Thế là cuộc nổi loạn của Vương Chí Sình được giải quyết tốt đẹp. Quân ta vào Hà Giang mà không tốn một viên đạn. Sau này, tôi (MC) không gặp Vương Chí Sình mà gặp em ông ta ở Hà Nội. Một người tầm thước, mặc Âu phục, nói tiếng Việt rất sõi, là lạ thay, không có dáng dấp gì là người Mèo cả. Ông ta rất tự hào anh mình là em của Chủ tịch Hồ Chí Minh”8.

Chúng ta có một vị lãnh tụ Hồ Chí Minh ứng xử rất nhân từ mà sâu sắc như thế đó!

Lòng từ là một trong những giá trị đạo đức tiêu biểu của hệ giá trị đạo đức Phật giáo đã được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam vận dụng và để lại những bài học đáng quý cho chúng ta noi theo.

Đôi điều cảm nhận về sự mở rộng lòng từ của đạo Phật trong cuộc sống

Trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc nho nhỏ trong gia đình, quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, nếu lòng từ của đạo Phật được vận dụng sẽ làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, có thể giải tỏa nhiều bức xúc dẫn đến xung đột. Bên ngoài xã hội, nếu lòng từ của đạo Phật được thực hành rộng rãi hơn thì sẽ hạn chế được những trường hợp con người vì chấp thủ, vì ích kỷ với nhau mà chém giết nhau chỉ vì một câu nói trái tai, một lời bình phẩm, hay một hành động ngớ ngẩn do vô tình hay cố ý nào đó.

Chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin nhan nhản hàng ngày, có nhiều sự việc xảy ra rất thương tâm dẫn đến mất mạng con người. Những vụ đau lòng như con giết bố, mẹ; chồng giết vợ con một cách tàn nhẫn hay ngược lại; hoặc anh em, người thân giết nhau, chưa kể rất nhiều vụ tàn sát lẫn nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi. Những sự việc thương tâm đó có thể tránh được nếu lòng từ của đạo Phật được nhận thức đúng đắn và vận dụng. Chúng tôi mong rằng, chúng ta hãy đối xử với nhau từ ái hơn, mở rộng lòng từ từ những việc nhỏ hàng ngày đến những việc lớn trong xã hội hay ở cấp quốc tế. Nếu được như vậy thì thế giới sẽ bình yên hơn, cuộc sống loài người trở nên nhân bản hơn, tốt đẹp hơn. Việc mở rộng lòng từ đòi hỏi phải có sự thực nghiệm, động viên, khuyến khích và tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội.

sen thom.jpg

Sự mở rộng lòng từ còn thể hiện ở khía cạnh ăn chay để tránh sát sinh của con người. Chẳng hạn, vị cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru có nhắc đến tập quán ăn chay trở nên phổ biến trong dân chúng Ấn Độ là do “Chính gương sáng của Asoka và sự truyền bá đạo Phật đã khiến cho tập quán ăn chay trở thành phổ biến trong dân chúng Ấn Độ”9. Như vậy, ăn chay cũng là một khía cạnh thể hiện lòng từ10. Chúng tôi mạnh dạn cho rằng tất cả các nước trên thế giới khi đạo Phật truyền bá đến đều chấp nhận những tín điều đạo đức của Phật giáo cơ bản nhất là nó phù hợp với quan niệm về đạo đức của nhân loại. Các tôn giáo chính thống khác trên thế giới cũng có những tín điều đạo đức mang tính nhân bản cao.

Một câu chuyện nhỏ của chúng tôi cảm nhận về lòng từ của đạo Phật. Một ngày gần đây, chúng tôi đưa khách du lịch đến Mỹ Tho tham quan. Đến giờ ăn trưa, anh lái đò đưa chúng tôi đến một nhà hàng địa phương để ăn trưa. Sau khi thu xếp cho khách ăn uống ổn thỏa, tôi ngồi vào bàn ăn với anh lái đò. Thấy anh ăn chay, chúng tôi hỏi: “Anh ăn chay trường hay chỉ mấy ngày trong tháng?” Anh lái đò trả lời rằng: “Trước đây tôi ăn mặn, nhưng nhiều lần nhìn thấy súc vật bị giết thịt, tôi thấy thương chúng quá! Kể từ ngày ấy tôi ăn chay trường!”. Câu chuyện làm chúng tôi xúc động và suy nghĩ nhiều về lòng thương súc vật của anh lái đò, một người rất bình thường nhưng có lòng từ rất chân thành! Anh không nghiên cứu tư tưởng Phật giáo một cách xa xôi nhưng anh thể hiện lòng thương cảm qua những con vật bị giết thịt để làm thực phẩm cho con người. Anh đang thực hành lòng từ của đạo Phật sâu sắc hơn chúng tôi, có thực nghiệm về đạo Phật tốt hơn chúng tôi.

Đạo Phật đã hòa nhập vào văn hóa Việt Nam như nước với sữa đến nỗi không phân biệt được đâu là nước, đâu là sữa như nhận định của GS. Minh Chi trong một số công trình nghiên cứu về Văn hóa Phật giáo Việt Nam11 và ông còn cho rằng tính độc đáo và sáng tạo của dân tộc Việt Nam chính là ở chỗ luôn luôn chủ động gạn lọc, phê phán, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở, từ đó sáng tạo ra một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế, có nhiều sinh khí12. Đạo Phật đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc Việt Nam đến nỗi nhà thơ Hồ Dzếnh có viết mấy câu đầy ý nghĩa: “Trang sử Phật, Đồng thời là trang sử Việt, Trải bao độ hưng suy, Có nguy mà chẳng mất…”.

Đạo Phật đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị đạo đức như lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, những giá trị đạo đức của năm giới, mười thiện v.v… trong đó lòng từ của đạo Phật như là một dấu ấn đặc biệt được các nhà lãnh đạo Việt Nam vận dụng một cách tốt đẹp nhất, đem lại nhiều lợi ích cho dân tộc. Chúng tôi nghĩ rằng, giá trị đạo đức của lòng từ đạo Phật nên được phát huy và vận dụng hơn nữa để chúng ta có một xã hội tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, hướng con người đến những cái đích của chân, thiện, mỹ và nâng xã hội loài người lên một tầm cao mới.

Võ Văn Thành - Lê Thị Thanh Tâm (*)

_______________________________

(*) Võ Văn Thành, TT Nghiên cứu Tôn giáo, Viện KHXH vùng Nam Bộ; Lê Thị Thanh Tâm, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

(1) Xem thêm Phan Thu Hiền trong bài “Hệ giá trị đạo đức Phật giáo trong văn hóa Việt Nam (qua ca dao, tục ngữ)”, in trong kỷ yếu Hội thảo khoa học Hệ giá trị văn hóa truyền thống và sự chuyển đổi hệ giá trị trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, Biên Hòa, Đồng Nai, 9-2009.

(2) Dẫn lại Thích Minh Châu & Minh Chi 1991: Từ điển Phật học Việt Nam, NXB. Khoa học Xã hội, tr.621.

(3) Dẫn lại Thích Minh Châu & Minh Chi 1991: Từ điển Phật học Việt Nam, NXB. Khoa học Xã hội, tr.663.

(4) Xem ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt - Chính sách ngoại giao và tông giáo triều Lý in ở La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 2, từ trang 249-563, NXB.Giáo Dục 1998.

(5) Minh Chi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Xưa & Nay số 116, tháng 6-2002.

(6) William J. Duiker 2000 (Minh Chi dịch chương Từ con người đến huyền thoại, bản lưu tại gia đình).

(7) Có một trí thức Pháp là Jean Roux làm việc cho tời báo France Tireur cũng từng nhận định: “Ông (Hồ Chí Minh - VVT) luôn luôn là một thứ Gandhi Mác-xít… đại diện cho triết lý Á Đông” [Hữu Ngọc 2013: 30].

(8) Minh Chi: “Đức hiếu sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (bản thảo).

(9) Dẫn theo Minh Chi: “Hoàng Đế Asoka - Con người của hòa bình và tình nhân bản” (bản thảo).

(10) Xem thêm sự kiện Hoàng đế Asoka đã nêu gương ăn chay, hạn chế sát sanh trên dụ đá số 14 (được các nhà khoa học phương Tây phát hiện): “Trước đây, trong bếp nhà vua, mỗi ngày, hàng trăm ngàn súc vật bị giết thịt để làm món cà ri. Nhưng từ nay, sau khi đạo dụ thành tín này được khắc lên đá, thì chỉ còn giết thịt hai con công và một con nai mỗi ngày, nhưng đối với con nai thì không thường xuyên. Nhưng từ nay trở đi, thì cả ba súc vật đó cũng không bị giết thịt” (Nguyên văn dụ đá số 14, đoạn thứ 2 viết: “Formerly, in the kitchen of Beloved-of-the-Gods, King Piyadasi, hundreds of thousands of animals were killed every day to make curry. But now with the writing of this Dhamma edict only three creatures, two peacocks and a deer are killed, and the deer not always. And in time, not even these three creatures will be killed” [http://tuvien.com/img/www.cs.colostate.edu/~malaiya/ashoka.html#FOURTEEN].

(11) Xem thêm ý kiến của GS.Minh Chi trong “Về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Giao Điểm số 01/1996, in lại trong Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, NXB.Tôn giáo 2003, tr.196.

(12) Minh Chi 2003: Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, NXB.Tôn giáo, tr.112.


Về Menu

Về giá trị đạo đức của lòng từ đạo Phật trong văn hóa Việt Nam

suc khoe co tÕng 佛语不杀生 ปฏ จจสม 合祀墓と合葬墓の違い 佛法怎样面对痛苦 ด หน ง ส มมาอาช วะ CÒn bỏ cuộc vui chóng tàn Nỗi niềm tháng bảy สโตร ส รา vai dieu suy ngam ngay 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 vi sao thap huong bai phat lai khong linh nghiem рикна Các thực phẩm phụ nữ đang cho con bú phật giáo tôn giáo cho tất cả mọi chÙa 大学生申请助学金的申请理由怎么写 º æ Khi hoc phat tho mac giang tu bai so 1341 den so 1350 tuyen Tam bảo lực chuyển hóa nghiệp Giấc Bí quyết để sống vui sống khỏe Trà hương trà hoa 寺院早晚课 Ùng quà 白骨观危险性 hay de kho dau cua ban duoc tam mat Chuyến du lịch nhỏ của mẹ 村上市お墓 dương hang ngan ngon nen lung linh tuong nho ve cha va Thầy ơi con vẫn nhớ day å ƒè å ç å độ nhung chu y quan trong khi ngoi thien giới thiệu tượng phật giúp hạn chế chúng ta đi chùa để cầu xin hay để tu Nguyên nhân làm tiểu đường khó kiểm น ท ý nghĩa tuyển phật chuong iv phat giao duoi thoi nam bac trieu Tập BÃn