Dấu ấn của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 trong dòng lịch sử dân tộc nói chung cũng như Phật giáo Việt Nam nói riêng có thể lý giải bằng nhiều lập luận khác nhau, song điều quán xuyến, xuyên suốt và cốt lõi là ở chỗ phong trào đã vận dụng tối đa phương pháp bất bạo động trong suốt quá trình đấu tranh chống chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm - “một chế độ mà kẻ thù của nhân dân đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của chúng dám đả động đến” (1) - trong đó nổi bật nhất chính là ngọn lửa Thích Quảng Đức được thắp lên giữa đường phố Sài Gòn ngày 11-6-1963. Bài viết này góp phần tìm hiểu giá trị đích thực của “Sức mạnh bất bạo động nhìn từ ngọn lửa Thích Quảng Đức”.