PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA

(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)

 Chánh Trí Mai Thọ Truyền

--- o0o ---

Quyển 1

PHẨM THỨ NHẤT

TỰ(Le sujet)

 

Một lúc nọ Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật (Gridhraku^ta), tức núi Linh-Thứu (Pic du Vautour). Tụ-họp  xung quanh Phật có 12.000 Đại Tỳ-khưu và Đại A-la-hán, 2.000 bậc hữu-học và vô-học,6.000 Tỳ-khưu-ni, 80.000 Bồ-tát, 20.000 chư Thiên, 8 Long-vương và quyến-thuộc, Vua A-Xà-Thế và tuỳ tùng.

Sau khi “tứ chúng” cúng dường và xưng tán Phật xong, Phật nói Kinh “Vô-Lượng-Nghĩa” rồi nhập vào chánh-định “Vô lượng-nghĩa xứ”, thân tâm không lay động.

Kế đó, từ chòm lông trắng ở giữa đôi mày, Phật phóng một luồng hào-quang chiếu khắp một muôn tám ngàn thế-giới ở phương Đông, dưới thấu  địa-ngục A-tỳ, trên suốt Cõi trời Sắc cứu-cánh.

Toàn pháp-hội đều trông thấy ở các thế-giới đó:

-6 loại chúng-sanh (thiên, nhân, a-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh)

-Các đức Phật đang nói Pháp và tứ-chúng

-Các vị Bồ-tát đang hành hạnh Bồ-tát

-Lúc Phật nhập Niết-bàn

-Lúc Phật nhập Niết-bàn xong, việc xây tháp phụng thờ xá-lợi.

Bồ-tát Di-Lặc và tứ-chúng đều lấy làm lạ điềm lành này. Thay mặt cho tất cả, Di-Lặc xin Bồ-tát Văn-Thù là bậc xuất chúng, giải thích cho hiểu.

Văn-Thù đáp: Theo chỗ tôi biết thì Thế-Tôn sắp diễn một ”pháp lớn”. Rồi Văn-Thù thuật lại một chuyện xưa như sau: Ở vô số kiếp xa xưa, có 2 muôn đức Phật nối  nhau, đồng một hiệu là NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH, và đồng một họ là PHẢ-LA-ĐỌA, mỗi Ngài đều đầy đủ “Mười hiệu” và pháp của các Ngài nói ra từ đoạn đầu, đến đoạn giữa và đoạn chót đều lành như nhau

Đức Phật NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH chót, lúc chưa xuất gia, có 8 vương-tử tên là HỮU-Ý, THIỆN-Ý, VÔ-LƯỢNG-Ý, BẢO-Ý, TĂNG-Ý, TRỪ-NGHI-Ý, HƯỞNG-Ý và PHÁP-Ý. Nghe vua cha xuất gia và thành đạo, 8 con đều xuất gia theo, phát tâm Đại-thừa tu hạnh thanh-tịnh.

Lúc đó. đức Phật NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH cũng như đức Thích-Ca bây giờ, nói Kinh VÔ-LƯỢNG-NGHĨA và nhập chánh-định VÔ-LƯỢNG-NGHĨA-XỨ. Xong, Ngài cũng phóng quang chiếu một muôn tám ngàn thế-giới phương Đông, rồi từ chánh-định dậy, Ngài nói Kinh DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA cho Bồ-tát Diệu-Quang nghe, trải qua 60 tiểu kiếp không rời chỗ ngồi. Người trong pháp-hội cũng ngồi một chỗ mà nghe cho đến 60 tiểu kiếp, thân tâm đều không lay động, nhưng xem thời-gian ấy mau như bữa ăn, không ai thất thân tâm lười mỏi.

Sau 60 tiểu kiếp, đức Phật Nhật-Nguyệt Đăng-Minh tuyên bố: “ Hôm nay, vào lúc nửa đêm, Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn”. Và đúng như thế, Ngài đã nhập Niết-bàn sau khi thọ ký  cho Bồ-tát Đức-Tạng, về sau sẽ thành Phật TỊNH-THÂN NHƯ-LAI.

Bồ-tát Diệu-Quang trì Kinh DIỆU-PHÁP trải 80 tiểu kiếp và vì người diễn nói, và dạy bảo cho 8 vương-tử ở vững trong đường “Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác”. Tất cả 8 vị đều lần lượt thành Phật và vị chót hiệu là NHIÊN-ĐĂNG.

Trong 800 đệ-tử của Bồ-tát Diệu-Quang, có một người tên là Cầu-Danh. Sở dĩ người này có cái tên ấy, vì còn tham ưa danh ưa lợi, tuy đọc tụng kinh-điển rất nhiều nhưng chẳng thuộc rành. Dầu vậy, đó cũng là một ”căn lành”.

Sau khi nhắc lại câu chuyện trên, Bồ-tát Văn-Thù kết luận: Hôm nay đức Thích-Ca ra điềm lạ là cũng để nói Kinh Đại-thừa DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA.

Huyền nghĩa:

Trước khi nói Kinh Diệu-Pháp, tức là truyền trao giáo pháp tột cùng, cái Chân-lý tuyệt đối, đức Phật nói Kinh Vô-lượng-Nghĩa, nhập chánh-định Vô-lượng-nghĩa-xứ, rồi lại phóng quang hiện cảnh, ba điều mà xưa nay Phật chưa từng làm trước khi nói các kinh khác.

Tuyệt đối là Vô-cùng, Vô-cực, Vô-lượng. Phải hiểu thế nào là Vô-lượng

( l' incommensurable), mới hiểu được thâm lý của Diệu-pháp. Đó là huyền nghĩa của việc Phật nói Kinh Vô-Lượng-Nghĩa.

Hiểu được thế nào là Vô-lượng, nhưng chỉ hiểu sơ qua và không sống mãi trong cái nghĩa Vô-lượng, cũng không được. Vì vậy, nói kinh rồi, Phật nhập vào “vô-lượng-nghĩa” và định ở đó.

Hiểu nghĩa của cái “Vô-lượng”, định được trong cái “Vô-lượng”, sẽ có một cái thấy lạ lùng, thông suốt từ cõi trời “Sắc cứu-cánh” đến địa-ngục A-tỳ. tức là thông suốt ba cõi: Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới, hay nói một cách khác, thấy rõ tất cả vũ-trụ luôn hai mặt hữu-hình và vô-hình.

Thấy được như thế là thấy được cái thực-tướng của Chân-cảnh, là thấy toàn-thể pháp-giới (vũ-trụ hữu-hình và vô-hình) là Một, một cái Một chân-thật chớ không phải giả-dối như cảnh thế-gian. Vì là Một cho nên cái Một ấy “bình đẳng”, nghĩa là luôn luôn như vậy, không dời, không đổi, không tăng không giảm ( L'Univers Unréel et identique à soi-même = Nhất chân bình-đẳng pháp-giới).

Theo cái thấy của chúng-sanh thì có hai cảnh-giới: cảnh-giới của chúng sanh và cảnh-giới của chư Phật và Bồ-tát, nói tóm là cảnh-giới của thiện và cảnh-giới của ác, cảnh-giới của triền-phược và cảnh-giới của giải-thoát, cảnh-giới của vô-minh và cảnh-giới của giác-ngộ, cảnh-giới của sanh-tử biến dịch và cảnh-giới của Niết-bàn thường hằng.

Sự thật không phải thế: không có hai cảnh riêng biệt, và chúng sanh tuy sống trong “động loạn, căn trần, thức giới”, vẫn cùng chư Phật, Bồ-tát ở trong Một cái duy nhất, cái đó là “Phổ-quang minh-trí”

“Động loạn, căn trần, thức giới” chỉ là cảnh thế-gian, của chúng-sanh, là thế-giới hiện-tượng, của hiện-tượng (monde manifesté, monde des manifestations). Đã là hiện-tượng thì phải động loạn (en mouvement, en perpétuel devenir), sanh ra, rồi trụ, rồi dị, rồi diệt. Và cảnh ấy, thế-giới ấy không phải là thế-giới chân thật, mà là một thế-giới do căn, trần và thức hỗ tương chi-phối mà thành có (monde conditionné par les organes des sens, les objets des sens et la conscience)..

Vạn vật trên thế-giới trăm ngàn sai biệt,, nhưng không ngoài sáu loại:

1.   Loại có hình có tướng (sắc)

2.   Loại tiếng (thanh)

3.   Loại mùi (hương)

4.   Loại vị (vị)

5.   Loại rờ đụng được (xúc)

6.   Loại suy nghĩ, quan niệm, khái niệm (pháp).

Biết được có 6 loại “trần” ấy là nhờ chúng-sanh có 6 cái khí-cụ (căn) để thâu nhận: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có trần mà không có căn, cũng như trong xứ có đài phát thanh mà nhà mình không có máy thâu-thanh.

Nhưng có phát-thanh, có máy thâu-thanh mà không có người ngồi vặn máy thâu-thanh và nghe, thì hai cái trước dầu có cũng như không. Vậy vạn vật trên thế-gian được biết là có, cái “có” ấy do ba điều-kiện căn, trần, thức tương quan chi phối, dung hòa mà thành. Nếu một trong ba điều kiện ấy thiếu hoặc đổi tánh-cách thì cái “có” kia cũng đổi theo. Thí dụ tất cả chúng-sanh đều điếc hết thì chúng-sanh sẽ bảo nhau rằng thế-giới này có 5 loại “trần” mà thôi, trong khi các thứ tiếng (âm) chưa hẵn là không có. Vậy quả thế-giới này không phải là thế-giới “chân thật”, vì hễ chân-thật thì không tùng điều-kiện nào cả.

Thế-giới chân-thật là thế-giới của Thể, căn-bản, nguồn cội của vạn vật, là luồng điện duy nhất và vô hình ứng hiện ra trong nhiều cái hữu-hình khác nhau như đèn sáng, quạt quay, tủ lạnh…

Điện thì trước sau như một, chỉ có một tánh, hôm nay thế này mà mai cũng thế , không suy không giảm, còn đèn, quạt, tủ thì có mới, cũ, hư (sanh, dị, diệt).

Có thể lấy đèn và quạt thí dụ Phật và chúng-sanh, một cái sáng, một cái không sáng. Nhưng trong hai cái sai khác đó, có một cái chung là điện. Vì vậy Phật và chúng-sanh không khác nhau, không sai biệt, về mặt Thể, và Thể đó cũng gọi là Tâm- một danh-từ tạm dùng vậy thôi. Bởi lẽ này, Kinh Phật dạy: Tâm, Phật, chúng-sanh, tam vô sai biệt (Tâm. Phật và chúng-sanh là ba, nhưng không sai khác nhau).

Chúng-sanh lại “mù-quáng”, thấy có sự sai khác giữa chúng-sanh và Phật, thấy có hạng thấp, hạng cao (dualité), cho nên lúc đầu thuyết giáo, Phật phải nương theo đó mà tạm nói có ba đường giải-thoát: Thanh-văn, Duyên- giác và Bồ-tát. Nay, phần đông các đệ-tử đã tiến được nhiều, sự thật có thể phanh phui. Phật mới đem ra nói.

Nói mà vẫn còn ngại, cho nên phải trước nói Kinh Vô-Lượng-Nghĩa để chỉ rằng từ trước tới nay Phật mới đề cập đến cái “Hữu-lượng” (limité), mà chưa nói đến cái”Vô-lượng” (l'illimité, l'Incommensurable), tức là Chân-lý tuyệt-đối.

Biết được Chân-lý tuyệt-đối rồi phải sống mãi (định) trong đó. Ấy là nghĩa của việc nhập chánh-định “Vô-lượng-nghĩa” như đã nói.

Vì Chân-lý tuyệt-đối trước sau như một cho nên 2 muôn đức Phật Nhật-Nguyệt Đăng-Minh đều nói Kinh Pháp-Hoa, và giáo-pháp của các Ngài đều lành như nhau, Nhật-Nguyệt Đăng-Minh là thí dụ cho Trí-tuệ đầy đủ của các bậc đã giác-ngộ, đã thành Phật, nghĩa là đã trở về với nguồn Ánh-sáng như đèn trời đèn trăng sẵn có nơi mình, Nhật-Nguyệt Đăng-Minh Như-Lai chính là nguồn Ánh-sáng ấy.

Thêm vào việc nói Kinh Vô-Lượng-nghĩa và nhập định Vô-lượng-nghĩa, Phật còn phóng quang để cho chúng-sanh sáng mắt thấy ba cõi tuy khác, nhưng đều chung ở trong một nguồn ánh sáng tượng trưng ở đây bằng luồng hào-quang từ giữa đôi mày phóng ra. Nguồn Ánh-sáng ấy là Thể, là Tâm. Do đây mà có câu: “Nhất thế do tâm tạo”.

Cho chúng-sanh thấy để dễ tin lời Phật sắp nói. Đoạn chót bài trùng-tuyên của Văn-Thù có câu: “Kim Phật phóng quang-minh, trợ phát thực tướng nghĩa”[1] là nghĩa đó.

Thực-tướng là chân-cảnh, mà chân-cảnh là Chân-lý tuyệt đối vậy.

Lấy cái biết của thế-nhân mà muốn biết cảnh này, không sao biết được ( phi tâm-thức khả tri). Mà không phải người trí cũng không hiểu được (phi trí bất nhập).

Vậy muốn học Kinh Diệu-Pháp phải “triệt lục căn tứ đại chướng ngại”[2]. Còn 8 vương-tử phải theo cha xuất gia, nghĩa là kiến Tánh chưa đủ, phải sửa 8 thức theo Tánh mới được: Tánh quy, Thức quy.

*

*  *

Phẩm đầu lấy tên là Phẩm Tự mà E. Burnouf dịch là: Le sujet (đề tài).

Vậy đề tài của Kinh Diệu-Pháp như thế nào?

Đề tài ấy là: Chỉ Thật-tướng Chân-cảnh (montrer le monde de la Réalité) và cảnh đó là cảnh của thân Tâm vậy.

 

 

PHẨM THỨ HAI

PHƯƠNG TIỆN( L'habileté des moyens)

 

Lúc bấy giờ đức Thế-Tôn xuất định và nói với Xá-lợi-Phất: “Trí huệ” (Sagesse, Science) của các đức Phật rất sâu, vô lượng, khó hiểu, khó vào, dầu là hàng Thanh-văn, Bích-chi-Phật cũng vậy. Tại sao thế?

“Vì trí-huệ ấy là kết-quả của sự gần-gũi trăm nghìn muôn ức Phật, của sự trọn tu vô lượng đạo-pháp Phật (discipline de Bouddha), của sự dõng-mãnh, tinh-tấn, của sự hiểu biết trọn vẹn các pháp (lois) rất sâu. Vì sâu khó như thế cho nên các đức Phật phải dùng lời nói khó hiểu mà nói và dùng vô số phương-tiện dìu dắt chúng-sanh làm cho xa lìa lòng chấp. Nhưng thôi, không nói thêm nữa làm gì, vì chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột chân-tướng của các pháp”

Các hàng Thanh-văn, La-hán và tứ-chúng đều lấy làm lạ, không biết tại sao hôm ấy Phật lại ân cần nói đến cái khó của Pháp và ca ngợi những phương-tiện như thế. Đến như vấn-đề giải-thoát (xa lìa lòng chấp) thì nhờ Phật dạy từ trước tới đó, tất cả đều được giải-thoát và chứng Niết-bàn, cớ sao nay Phật còn đề-cập đến nữa?

Xá-lợi-Phất biết tứ-chúng có chỗ nghi trong lòng, và chính ông cũng chưa rõ lời Phật nói. Ông liền xin Phật giải thích.

Phật từ chối bảo: “ Thôi thôi! Chẳng nên nói nữa, vì nếu nói ra thì tất cả trời, người đều kinh sợ”.

Xá-lợi-Phất lại tha thiết cầu xin hai lần nữa. Đến lượt thứ ba, Phật mới nhận lời: “Ông đã ba phen thưa thỉnh, tôi không thể không nói. Vậy hãy lóng nghe và suy nghĩ cho khéo”.

Phật vừa dứt lời là trong Pháp-hội, 5.000 tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đứng dậy lễ Phật rồi lui, vì họ tư tưởng đã chứng đạo rồi, không cần nghe.

Thế-Tôn yên lặng không ngăn cản và bảo Xá-lợi-Phất: “Thế là trong chúng ta đây còn rặt hột chắc (giống tốt, hột to). Họ đi như thế là hay. Vậy ông nên khéo nghe lời tôi nói.

“Pháp mầu, các đức Phật khi đúng thời mới nói, như hoa linh thoại, đến thời-tiết mới trỗ một lần”.

“Pháp ấy không phải lấy óc suy lường, phân biệt mà hiểu được, vì vậy phải dùng vô số phương-tiện như nhân-duyên, lời-lẽ, thí-dụ mà diễn nói”.

“ Các đức Phật ra đời chỉ vì một duyên cớ là:

-Khai mở tri-kiến của Phật (tức trí-huệ của Phật).

-Chỉ cho chúng-sinh thấy.

-Làm cho chúng-sinh nhận rõ.

-Để cho chúng-sinh đi vào con đường tri-kiến ấy, tức là thành Phật.

“ Vậy chỉ có một cỗ xe (thặng thường đọc là thừa), cỗ xe chở đến chỗ thành Phật; không có cỗ xe nào khác, cũng không có hai ba cỗ khác nhau. Ba đời chư Phật (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) đều dạy như vậy và chúng-sinh nghe hiểu đều thành Phật. Nhưng vì gặp đời ô-trược ( kiếp trược, chúng-sinh trược, kiến trược, mệnh trược, phiền-não trược) cho nên Phật phải quyền nói ba “cỗ xe” (ba thừa).

“ Lý “nhất thừa” tuy dành cho hàng Bồ-tát, nhưng nếu La-hán và Duyên-giác mà không cố hiểu thì chẳng phải đệ-tử Phật. Tưởng mình đã chứng Niết-bàn mà không tin pháp “Nhất thừa” là tăng-thượng-mạn, là chưa thực chứng La-hán”.

Thế-Tôn nhắc lại những đắn đo khi Ngài muốn đem trí-huệ tuyệt luân của Ngài ra dạy đời, lúc Ngài  mới đắc đạo dưới gốc Bồ-đề. Suốt 21 ngày, Ngài suy nghĩ: Tri-kiến, trí-huệ của Ngài bậc nhất, còn chúng-sinh thì bị tham vui, mê muội làm mù, làm thế nào hiểu được. Chư Thiên thấy vậy, cung kính lễ bái, ai cầu Thế-Tôn “chuyển pháp luân”.

Thế-Tôn bèn suy nghĩ tiếp: Nếu đem “Phật-thừa” (chân lý tuyêt đối) ra nói thì làm sao chúng sinh tin được, và như thế là làm cho chúng-sinh rơi vào ba nẻo ác, chìm mãi trong biển khổ. Nhớ lại lối phương-tiện hoá-độ của chư Phật trong quá khứ, Thế-Tôn bèn phân biệt giáo pháp thành ba thừa để cho hạng trí kém, không dám tự tin sẽ thành Phật, đều được độ.

Nhưng Phật ra đời là để chỉ bày chân-lý cứu-cánh chứ chẳng phải để dùng những  pháp phương-tiện mãi. Nay xét đã đến lúc, nên Thế-Tôn quyết định đem Phật-thừa ra dạy.

Tuy nhiên đừng tưởng những việc làm tầm thường như tu lục độ, cúng dường xá-lợi, tạo tháp, tô tượng, niệm Phật, nghe Pháp là  sai với nẻo giải-thoát. Đó là những bước tiến trên “Đường Phật”.

*

* *

Huyền nghĩa

Sự giác-ngộ của Phật là Vô-thượng, trí-huệ của Phật là vô lượng, vô biên, cái thấy biết của Phật (tri-kiến) đã đạt đến mức tuyệt đối.

Cái thấy biết đó là gì ?

Là “Tất cả là một, tất cả chúng-sinh đều từ phổ-quang minh trí (nguồn ánh-sáng bao trùm vũ-trụ vô biên cũng vừa là trí-huệ sáng ngời: Lumière omniprésente- Intelligence éclairante) mà ra thì tất cả sẽ trở về với Ánh-sáng Trí-huệ ấy, tức là thành Phật”

Nhưng sự thật một trăm phần trăm đó, khó hiểu, khó nhận. Nói ra chỉ làm cho chúng-sinh kinh khủng, không tin, như thế là làm cho chúng-sinh càng sa đoạ vào nẻo ác, chìm sâu trong biển khổ.

Nhưng không nói không được, vì lý do xuất thế của chư Phật là phát-minh sự thật ấy cho chúng-sinh biết đường mà quay đầu đổi hướng.

Chúng-sinh khó thấy biết như Phật chỉ vì chúng-sinh sống vào một kiếp ô-trược truỵ-lạc (kiếp trược), vì chúng-sinh bị bụi đời làm oen-ố cái căn-bản lành sạch của mình (chúng-sinh trược), vì cái thấy của chúng-sinh bị vọng hoặc quá nhiều (kiến trược), vì đời sống của chúng-sinh quá thiên về dục-lạc thành đen tối (mệnh trược), vì chúng-sinh quá nhiều phiền-não (phiền-não trược).

Bệnh đã nặng như thế, Phật không thể cho chúng-sinh uống phương thần dược quá mạnh bằng cách nói sự thật, mà phải dùng phương-tiện, nghĩa là lấy thuyết nhân duyên, lấy lời nói, dùng thí-dụ mà khiến chúng-sinh lần lần xa lìa lòng chấp (attachements) để khi thời cơ đến, đem Chân-lý tuyệt đối ra nói.

Đại cương pháp phương-tiện ở điểm vì chúng-sinh sợ khổ mà cảnh thế-gian lại là cảnh khổ, cho nên Phật mới đưa ra một cảnh ngược là Niết-bàn an vui. Đó là một sự quyền biến, tạm bợ để dẫn dắt chúng-sinh từ thấp lên cao, từ dễ tới khó, chớ không có Niết-bàn thật sự.

Đến như chia có cấp bậc như Thanh-văn, Duyên-giác, Bố-tát, ấy cũng tạm mà dạy vậy thôi. Không có ba thứ xe chở chúng-sinh đến mút con đường Đạo, mà chỉ có một chiếc xe (Nhất thặng hay Nhất thừa). Chiếc xe ấy là chiếc xe Phật.

Những chiếc xe tạm gọi là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, thật ra là chiếc xe Phật vừa nói. Bất quá đó là những giai đoạn của một con đường dài nhất.

Có những việc xem tầm thường như tu lục độ, sửa tâm cho mền dẻo, cúng dường xá-lợi, tô tượng, tạo tháp, niệm Phật, nghe pháp. Nhưng đó cũng là “Phật thừa”, vì đó là những bước hướng về Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Vậy nên tin, nên mừng: tất cả sẽ thành Phật đạo.

*

* *

Đem lý Phật thừa ra dạy là từ cứu-cánh trên cao đi xuống.

Tam thừa Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát là bắt từ dưới đi lên cái cứu-cánh cao tột kia


 

[1] Nay Phật phóng hào-quang sáng, là để giúp sự khai phát nghĩa của Thực-tướng.

[2] Phải xô ngã những chướng ngại do 6 căn của thân”tứ đại” dựng lên.

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III  

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI |  Quyển VII

--- o0o ---

Vi tính: Chánh Dũng
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-04-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Tảo CÃn cẫm tôn trọng người khác chính là mỹ đức Mát Trà Štản Tháng Giêng nhiều người Sài Gòn ăn chay Những Quả tim Bồ tát Quảng Đức hiện giờ Chuyện đời vị quốc sư lừng danh Đạm thực vật giúp no lâu hơn đạm nguyen cau nguyện cầu chuong vi dao thanh tai sao tat ca tu si phat giao viet nam deu lay ho y nghia on cha nang lam ai oi åº nghiep thuc va tanh giac lời cầu nguyện chua cau dong chùa cầu đông chua cau nhat ban van de phuc hoi viec tho dai gioi ty kheo ni trong Tết ý nghĩa hoa sen trong phật giáo hay biet chap nhan nhung gi trong hien cau be danh giay kho tàng sáng suốt vĩ đại của tự tánh Tà i quan chieu tam triet ly nhe nhang trong am nhac cua trinh cong 1 nu Sự dung hợp từ ba vị Tổ Huệ Thiên Tuổi quốc Chí xuất trần của Trưởng lão Ni Đại Viết cho anh người em yêu thương ong Thử làm món bánh bèo nước cốt dừa Gi盻 Cuối thu đi thưởng trà ở Tâm trà cuong thà e Hình