PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA

(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)

 Chánh Trí Mai Thọ Truyền

--- o0o ---

Quyển 7

PHẨM THỨ 24

DIỆU-ÂM BỒ-TÁT

  (Le Bodhisattva Gadgadasvara) 

Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích-Ca, từ nơi nhục-kế phóng một làn ánh sáng, lại từ giữa đôi mày phóng một đạo hào-quang, khắp soi một trăm tám muôn ức na-do-tha Hằng-hà sa thế-giới chư Phật ở phương đông. Xa hơn số thế-giới này, có một thế-giới tên là Tịnh-Quang Trang-Nghiêm. Tại nước ấy, có Phật hiệu Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí đang thuyết pháp cho vô lượng vô biên Bồ-tát cung kính vây quanh nghe. Hào-quang lông mày của Đức Phật Thích-Ca soi khắp nước Tịnh-Quang.

Bây giờ trong nước Nhất-Thế Tịnh-Quang Trang-Nghiêm có một Bồ-tát tên là Diệu-Âm, từ lâu đã trồng cội đức, cúng dường gần gũi vô lượng chư Phật, cho nên đã thành tựu trí-huệ rất sâu và được nhiều thứ tam-muội (chánh-định) là: diệu-tràng, pháp-hoa, tịnh-đức, túc-vương-trí, vô duyên, tập-nhất-thế công đức, thanh-tịnh, thần-thông du-hí, huệ-cự, trang-nghiêm-vương, tịnh-quang-minh tịnh-tạng, bất-cộng và nhật-triền. Bồ-tát Diệu-Âm được trăm ngàn muôn ức Hằng-hà sa đại tam-mưội như thế. Thân tắm trong ánh-sáng Đức Phật Thích-Ca, Bồ-tát Diệu-Âm liền bạch với Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí: “Thế-Tôn! Tôi sẽ sang thế-giới Ta-bà, lễ bái, gần gũi, cúng dường Phật Thích-Ca cùng ra mắt các Bồ-tát Văn-Thù, Dược-Vương, Dõng-Thí, Tú-Vương-Hoa Thương-Hành-Ý, Trang-Nghiêm-Vương và Dược-Thượng”.

Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí nói với Bồ-tát Diệu-Âm: “Ngươi chẳng nên xem rẻ nước kia (thế-giới Ta-bà) mà tưởng là thấp yếu. Này thiện-nam-tử, thế-giới Ta-bà cao thấp không bằng-thẳng, dẫy đầy núi đất, núi đá và những nhơ xấu, thân Phật thấp nhỏ, hình các Bồ-tát cũng nhỏ như vậy, còn thân ngươi cao đến 4 vạn 2 ngàn do tuần, thân ta đến 6 trăm 8 mươi vạn do tuần, thân ngươi (còn) đoan chánh bậc nhất, được trăm ngàn muôn phước làm cho hết sức sáng rỡ. Vì vậy sang đến Ta-bà, chớ nên khinh nước này, đừng sanh lòng cho Phật, Bồ-tát cùng tất cả nước này là thấp thỏi, yếu đuối”.

Bồ-tát Diệu-Âm bạch: Thế-Tôn! Con nay qua cõi Ta-bà là do sức thần Như-Lai, do thần-thông du-hí của Như-Lai, do công-đức trí-huệ trang-nghiêm của Như-Lai”.

Lúc ấy, Bồ-tát Diệu-Âm không rời khỏi chỗ ngồi, thân chẳng lay động, nhập chánh-định, dùng sức mạnh của chánh-định, tại núi Kỳ-xà-quật, cách chỗ Bồ-tát ngồi không xa, hoá ra 8 muôn 4 ngàn hoa sen báu, cộng bằng vàng diêm phù đàn, cành bằng bạc, nhụy bằng kim-cương và đài bằng báu chân-thúc-ca.

Bồ-tát Văn-Thù thấy vậy mới bạch với Đức Phật Thích-Ca: “Thế Tôn! Do đâu mà có điềm tốt này?”. Đức Phật đáp: “Đó là điềm Bồ-tát Diệu-Âm, từ nước của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí muốn cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đến cõi Ta-bà, để cúng dường, gần gũi, lễ lạy ta và cũng muốn cúng dường nghe Kinh Pháp-Hoa”.

Bồ-tát Văn-Thù bạch: “Thế-Tôn! Bồ-tát đó trồng cội lành gì, tu công-đức gì mà đặng sức đại thần-thông như thế? Tu tam-muội gì? Cúi xin Thế-Tôn nói cho chúng con biết tên tam-muội đó vì chúng con muốn tu tam-muội ấy để thấy được sắc tướng và oai nghi tới, dừng của Bồ-tát Diệu-Âm. Khi Bồ-tát tới, cúi xin Thế-Tôn dùng sức thần-thông làm cho chúng con thấy được Bồ-tát”. Đức Thích-Ca đáp: đức Đa-Bảo Như-Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ngươi mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát Diệu-Âm”.

Tức thời Phật Đa-Bảo bảo Bồ-tát Diệu-Âm: “Thiện-nam-tử hãy đến đây, Văn-Thù muốn thấy thân của ngươi đây”.

Lúc ấy, Bồ-tát Diệu-Âm đang ẩn mặt ở nước kia, bèn cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đồng qua cõi Ta-bà. Trải qua các nước, đâu đâu đất cũng chuyển động 6 cách, hoa sen bảy báu rưới như mưa, trăm ngàn nhạc trời chẳng trỗi tự kêu, mắt của Bồ-tát như cánh hoa sen xanh rộng lớn, diện mạo tốt đẹp hơn trăm ngàn muôn mặt trăng hợp lại, thân sắc vàng ròng trang-nghiêm bằng vô lượng công-đức, oai đức rất thạnh, ánh sáng chói rực, đầy đủ các tướng như thân bền chắc của Na-la-Diên.

Bồ-tát Diệu-Âm vào đài bảy báu, bay lên hư-không cách mặt đất bảy cây đa-la và cùng chư Bồ-tát vây quanh đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà. Tới nơi rồi, Bồ-tát xuống đài, lấy chuỗi ngọc giá trị trăm ngàn cúng dường Đức Phật Thích-Ca mà bạch rằng: :”Thế-Tôn! Đức Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí có lời hỏi thăm Thế-Tôn ít bệnh, ít buồn, đi đứng thơ thới và hoạt-động trong sự an-lạc không? Bốn đại (thân) có điều hoà chăng? Việc đời nhẫn được chằng? Chúng-sanh dễ độ chăng? Không có nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn, phải vậy chăng? Không còn điều bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, tà kiến, tâm chẳng lành, chẳng nhiếp năm tình chăng? Thế-Tôn! Chúng-sanh có năng hàng phục các ma oán chăng? Đa-Bảo Như-Lai diệt độ từ lâu và ở trong tháp bảy báu, có đến nghe pháp chăng? Đức Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí lại dặn tôi hỏi thăm Đa-Bảo Như-Lai có an ổn, ít buồn, hay chịu đựng và ở lâu được chăng? Thế-Tôn! Tôi muốn thấy thân Phật Đa-Bảo, cúi xin Thế-Tôn chỉ cho con được thấy”.

Lúc đó Đức Phật Thích-Ca nói với Phật Đa-Bảo: “ Bồ-tát Diệu-Âm muốn ra mắt Ngài”. Đức Phật Đa-Bảo liền nói với Bồ-tát Diệu-Âm: “Hay thay! Hay thay! Để cúng dường Phật Thích-Ca, cùng nghe Kinh Pháp-Hoa và thấy Văn-Thù .v.v… ngươi lại đến đây?”.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Hoa-Đức bạch Phật Thích-Ca: “Thế-Tôn! Bồ-tát Diệu-Âm trồng cội lành gì, tu công-đức nào mà có sức thần-thông như thế?”.

Đức Phật đáp: Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi-Âm-Vương, nước tên Hiện-Nhất-Thế Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Suốt một muôn hai ngàn năm, Bồ-tát Diệu-Âm dùng mười muôn thứ kỷ nhạc cúng dường Phật Vân-Lôi-Âm cùng dưng tám muôn bốn ngàn bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó mà nay được sanh tại nước  của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí và có sức thần như thế. Này Hoa-Đức, ngươi nghĩ sao? Diệu-Âm Bồ-tát thuở xưa đó, chính nay là  Bồ-tát Diệu-Âm đây. Bồ-tát Diệu-Âm này đã từng cúng dường, gần gũi, vô lượng đức Phật, từ lâu trồng đức, lại gặp Hằng-hà sa đức Phật. Này Hoa-Đức, ngươi chỉ thấy thân hình của Diệu-Âm ở tại đây, chẳng dè Bồ-tát ấy hiện các thứ thân hình, nơi nơi đều vì chúng-sanh nói kinh-điển này.Diệu-Âm có thể hiện thân Phạm-Vương, Đế-Thích, Tự-tại-thiên, Đại-tự-tại-thiên, Thiên-đại-tướng-quân, Tỳ-sa-môn-thiên-vương, Chuyển-luân-thánh-vương, Tiểu-vương, Trưởng-giả, cư-sĩ, tể-quan bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc hiện thân vợ tể-quan, bà-la-môn, hoặc hiện thân con trai, con gái, trời, rồng, dạ-xoa….người cùng không phải là loài người, v.v…, mà  nói Kinh này. Bao nhiêu địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh và ở đâu có tai nạn, Diệu-Âm đều có khả năng cứu giúp, thậm chí đến trong hậu cung vua chúa, Bồ-tát cũng biến làm thân người nữ mà nói kinh này.

Hoa-Đức, Bồ-tát Diệu-Âm này hay cứu hộ các chúng-sanh trong cõi Ta-bà, hiện các thứ thân ở cõi Ta-bà vì chúng-sanh mà nói Kinh Pháp-Hoa, tuy thần thông biến hoá như thế mà trí-huệ không hề hao-bớt. Bồ-tát dùng ngần ấy trí-huệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng-sanh, mỗi mỗi đều đặng sự hiểu biết của mình còn trong Hằng-hà sa thế-giới mười phương cũng đều được như vậy. Nếu phải dùng hình Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát hay Phật để độ thoát chúng-sanh thời Diệu-Âm liền hiện ra hình ấy mà nói Pháp. Thậm chí phải diệt độ để độ thoát chúng-sanh thời cũng thị hiện diệt độ”.

Bồ-tát Hoa-Đức bạch Phật: “ Thế-Tôn! Bồ-tát Diệu-Âm ở trong tam muội nào mà có thể hiển hiện ở các nơi mà trong nhiều hình thức như thế? Phật đáp: “Tam-muội đó gọi là “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.

Lúc nói phẩm: “Diệu-Âm Bồ-tát” này, 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát cùng đi với Bồ-tát Diệu-Âm, đều đặng tam-muội “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.

Khi Bồ-tát Diệu-Âm cúng dường Đức Phật Thích-Ca và tháp Đa-Bảo xong rồi trở về nước mình, các nước của Bồ-tát trải qua đều chấn động, trên có mưa hoa sen báu, nhạc trời tự trổi như lúc đi. Về đến nước rồi, Bồ-tát cùng 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát vây quanh đến trước Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí bạch rằng: “Thế-Tôn! Con đã đến cõi Ta-bà làm lợi ích cho chúng-sanh, đã ra mắt lễ lạy, cúng dường Đức Phật Thích-Ca, ra mắt tháp Phật Đa-Bảo, lại gặp các Bồ-tát Văn-Thù, Dược-Vương, Đắc-Cần Tinh-Tấn-Lực, Dõng-Thí, và cũng đã làm cho 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát này đặng tam-muội “Hiện-nhất-thế-sắc-thân”.

Lúc nói phẩm: “Bồ-tát Diệu-Âm tới lui” này, 4 muôn hai ngàn người cõi thiên được vô-sanh-pháp-nhẫn, còn Bồ-tát Hoa-Đức được tam-muội Pháp-Hoa.

*

*  *

Huyền nghĩa

Diệu-âm là tiếng huyền diệu (Voix mysté rieuse). Tiếng ấy phát xuất ở  đâu? Ở thế-giới Tịnh-quang trang-nghiêm, tức là ở tâm đã được thanh-tịnh và sáng-suốt, có một trí-huệ sáng hơn các vì tinh-tú (Tú-vương: reine des constellations).

Tiếng huyền-diệu ấy chỉ trổi lên ở những tâm, ở những người đã từ lâu trồng cội lành, gần gũi, hy-sanh cho Chân-lý (Phật) và đang sống vững trong Chánh-định.

Nhưng đừng tưởng chúng-sanh Ta-bà không có tiếng huyền-diệu ấy. Tuy họ còn sống trong xao-xuyến, trong nhơ xấu, họ vẫn có ánh sáng nơi lòng, họ vẫn có các công-đức, chỉ hềm ánh-sáng lòng của họ còn nhỏ, chưa khắp chiếu (thân Phật nhỏ) và các công-đức của họ cũng còn ít oi (thân Bồ-tát nhỏ).

Tiếng huyền diệu ấy ở cõi Ta-bà này mà trổi lên được (Bồ-tát Diệu-Âm qua cõi Ta-bà) là khi nào con người dùng được sức mạnh của tâm (sức thần của Như-Lai), khi nào con người không còn một trở ngại nào trong tâm (thần thông du hí của Như-Lai), khi tâm đã được công-đức và trí-huệ trang-nghiêm.

Phải có chánh-định, tiếng ấy mới phát xuất. Tuy nói phát xuất, thật ra không rời khỏi tâm (Bồ-tát Diệu-Âm không rời khỏi toà) và tuy chưa thật đúng là tiếng của Chân-lý tuyệt đối (cách pháp toà chẳng xa), vẫn là tiếng của cái phàm đã thành thánh, cái dơ đã thành trong sạch (84.000 hoa sen báu).

Ai nghe được tiếng ấy (khi Diệu-Âm qua đến cõi Ta-bà) phải trải qua nhiều cuộc thay đổi chấn động trong tâm hồn (các nước trải qua đều chấn động 6 điệu, mưa hoa, nhạc trời), những chấn động tốt đẹp, êm ái. Tiếng đó là tiếng của Ánh-Sáng (trăm ngàn muôn mặt trăng không bằng), là tiếng của cái Thường-tồn([1])(thân sắc vàng ròng), của cái Bất hoại (như thân Na-la-diên bền chắc), nói trắng là của Tâm.

Sau đây, là những điều-kiện làm phát sanh tiếng huyền diệu ấy:

_ Ít bệnh, ít lo, thơ thới an vui trong mọi trạng thái, trong mọi việc làm

_Thân tứ đại điều hoà

_nhẫn được việc đời, không nóng nảy, bực dọc

_chế ngự dễ dàng tư-tưởng của mình (chúng-sanh dễ độ)

_không có nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn

_không trái đạo hiếu, không thất lễ với người xuất gia, không còn tà kiến, không còn tâm chẳng lành, không còn thu nắm những gì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cảm xúc ( 5 tình)

_hàng phục được tất cả các thù oán

_thích nghe biết sự thật (nghe pháp) và dám chịu mệt nhọc, an vui mà nghe pháp.

Nói tóm, muốn cho tiếng của cõi lòng thanh-tịnh xuất phát, phải biết hy-sanh cho Sự Giác-ngộ (cúng dường Phật Thích-Ca), phải nghe Pháp (Kinh Pháp-Hoa), phải thấy cho được, nghĩa là hành Trí-huệ (Văn-Thù) phải thực hiện các phương thuốc trừ tâm bệnh (kiến Dược vương), phải mạnh dạn bố-thí xả bỏ mọi của cái thế-gian (kiến Dõng-thí), v.v….

Tâm ai cũng có, vì bởi ai cũng có Tiếng huyền diệu. Gom các tiếng ấy lại thành tiếng sấm trên mây (Vân-Lôi-Âm). Vậy mỗi tiếng chia rẽ cần phải góp phần vào cái Tiếng chung kia, bằng cách hy-sanh cho cái chung ấy (cúng dường Lôi-Âm Như-lai). Có cúng dường (hy-sanh) là được Thanh-tịnh Trí-huệ (sanh tại nước của Phật Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí).

Vì ai cũng có tâm, do đó mà có luôn tiếng huyền diệu của “lương tâm”. Kinh bảo Diệu-Âm có khả năng hiện trong các thân hình và ở mọi nơi, trong hàng phú quí, cũng như trong hàng bần cùng hạ tiện, trong nam cũng như trong nữ, trong người lớn cũng như trong con trẻ. Ai nói được lời nói đạo đức, ai nghe được tiếng thúc dục lành sạch của chân tâm, Bồ-tát Diệu-Âm đã hiện trong thân người ấy. Thậm chí trong những kẻ quá ác, quá nhiều tội lỗi (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), hay trong chỗ trác táng xa hoa, dâm dục (trong hậu cung), tiếng nói diệu huyền cũng có thể trổi lên để thức tỉnh những con người sa ngã.

Tuy nhiên, vì trình độ của mỗi người mỗi khác, cho nên tiếng ấy có khi trổi lên như tiếng hoặc của giáo pháp Thanh-văn, hoặc của Duyên-giác, hoặc của Bồ-tát, hoặc của Phật. Nhưng có khi lại không trổi (diệt độ) mà cũng vẫn có hiệu nghiệm giải-thoát, như người mắng mình mà mình làm thinh chấp nhận chịu. Cái làm thinh đó đủ làm tỉnh kẻ mắng mình.

Vì tiếng diệu huyền ấy ở trong mọi thân. Kinh quyền nói Bồ-tát Diệu-Âm ở trong tam-muội “Hiện-nhất-thế sắc-thân”, nghĩa là thân nào, người nào cũng có thể làm trổi dậy tiếng của tâm mình, nếu mình giữ tâm chánh-định (tam muội)

*

*  *

Ý kinh ở đây dạy phải cố-gắng nghe cho được tiếng của nội tâm. Tiếng đó huyền diệu lạ lùng vì không phải dùng hai lỗ tai phàm và trong cảnh bất thanh-tịnh mà nghe được. Phải có những điều kiện như trên, tiếng ấy mới nói và chúng ta mới nghe được. Và tiếng ấy có thể phát ra ở những người mà “Phật và Bồ-tát còn nhỏ”. Nói một cách khác, dầu thấp kém đến đâu về mặt đạo-đức, sáng-suốt, thanh-tịnh, vị-tha, con người đều có thể nghe được tiếng của cõi lòng chân-tịnh cả.


 

PHẨM THỨ 25

QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT PHỔ-MÔN

  (Le récit parfaitement heureux)

 

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Vô-Tận-Ý lễ Phật bạch rằng: “Thế-Tôn! Do nhân-duyên nào mà Bồ-tát Quán-Thế-Âm có tên là Quán-Thế-Âm?”

Phật bảo: “ Vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng-sanh đang bị khổ-não mà nghe (nói đến) Bồ-tát Quán-Thế-Âm  rồi “nhất tâm” xưng niệm danh hiệu của Bồ-tát, thì Bồ-tát xem thấy tiếng xưng niệm và tất cả chúng-sanh ấy đều được giải-thoát khổ não.

Người nắm giữ danh-hiệu của Bồ-tát Quán-Thế-Âm, thì nhờ oai thần của Bồ-tát mà:

1)vào lửa, lửa chẳng cháy.

2)trôi dưới nước, đặng vào chỗ cạn

3)đi thuyền tìm châu báu trong biển lớn, bị giông trôi tấp vào nước quỉ La-sát, thoát đặng nạn quỉ La-sát.

4)sắp bị người dùng dao gậy chém đánh, thời dao gậy bị gãy từng khúc.

5)khỏi bị Dạ-xoa và La-sát làm hại, vì chúng không dám ngó người xưng hiệu Bồ-tát Quán-Thế-Âm.

6)bị xiềng xích gông cùm. dầu có tội, dầu không bị tội, thời xiềng xích gông cùm ấy thảy đều đứt rã.

7)gặp đường hiểm trở, đặng thoát khỏi và không lòng sợ sệt.

Lại nữa, chúng-sanh nào nhiều dâm-dục,nhiều giận hờn, nhiều ngu si, mà thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán-Thế-Âm thời liền đặng lìa sân, lìa si.

Này Vô-Tận-Ý, Bồ-tát Quán-Thế-Âm oai thần mạnh lớn như thế, cho nên chúng-sanh phải một lòng tưởng nhớ.

Người nữ nào lễ bái, cúng dường Bồ-tát Quán-Thế-Âm để cầu con trai thời đặng con trai phước đức trí-huệ; còn muốn cầu con gái thời đặng con gái hình tướng xinh đẹp, tâm nhiều cội phước, người người kính mến.

Phước đức cung kính lễ bái Quán-Thế-Âm không bao giờ mất và nhiều như phước đức của người niệm danh hiệu và cúng dường sáu mươi hai ức Hằng-ha sa Bồ-tát.

Vô-Tận-Ý bạch: “Thế-Tôn! Bồ-tát Quán-Thế-Âm làm thế nào mà dạo khắp Ta-bà? Sức mạnh phương-tiện của Bồ-tát như thế nào?”

Phật bảo: “Nếu có chúng-sanh quốc-độ nào mà cần phải dùng một thân Phật mới độ thoát họ được, thời Bồ-tát Quán-Thế-Âm liền hiện thân Phật mà thuyết pháp cho họ nghe. Nếu phải cần thân Duyên-giác, thân Thanh-văn, thân Phạm-vương, thân Đế-Thích, thân Tự-Tại-Thiên, thân  Đại-Tự-Tại-Thiên, thân Thiên-Đại-Tướng-Quân, thân Tỳ-sa-môn, thân Tiểu-vương, thân Trưởng giả, thân Cư-sĩ, thân Tể-quan, thân Bà-la-môn, thân Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-ba-di, thân của vợ Trưởng-giả, Cư-sĩ, Tể-quan, Bà-la-môn, thân con trai con gái, thậm chí đến thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, thân loài người cùng không phải loài người, để độ thoát chúng-sanh của một quốc độ nào đó, thì Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tuỳ trường hợp mà hiện thân ấy.

Vô-Tận-Ý, Bồ-tát Quán-Thế-Âm thành tựu công đức như thế, dùng các thứ thân hình, dạo cùng các nước mà độ thoát chúng-sanh, vì vậy chúng ngươi phải “nhất-tâm” cúng dường. Bồ-tát Quán-Thế-Âm còn được cõi Ta-bà gọi là “Người bố-thí vô-uý” vì trong hoàn cảnh sợ hãi tai nạn nguy-cấp, Bồ-tát có khả năng làm cho hết sợ”

Vô-Tận-Ý bạch Phật: “Thế-Tôn! Con xin cúng dường Bồ-tát Quán-Thế-Âm” Nói xong, liền mở xâu chuỗi ngọc đeo nơi cổ, giá trị trăm ngàn lượng vàng, đem dưng cho  Bồ-tát Quán-Thế-Âm mà nói rằng: “Xin Ngài nhận món pháp-thí bằng châu báu này”.

Bồ-tát Quán-Thế-Âm không chịu nhận. Vô-Tận-Ý lại thưa: “Xin Ngài thương xót chúng tôi mà nhận cho”.

Bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Quán-Thế-Âm: “ Ông nên thương xót Vô-Tận-Ý và hàng tứ chúng cùng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, loài người và không phải người .v.v… mà nhận chuỗi ngọc.

Tức thời Bồ-tát Quán-Thế-Âm thương xót hàng tứ chúng, Trời, Rồng.v.v….nhận xâu chuỗi ngọc và chia làm hai phần: một phần dưng Đức Phật Thích-Ca, một phần dưng cúng tháp của Phật Đa-Bảo.

Vô-Tân-Ý đọc một bài kệ hỏi Phật:

“Bạch Thế-Tôn, con xin hỏi lại: Vì nhân-duyên nào mà Phật tử có tên là Quán-Thế-Âm?”.

Đức Phật cũng dùng kệ đáp lại: Ngươi đã nghe những hạnh của Quán-Thế-Âm và sự ứng hiện ở các nơi của Bồ-tát, ấy là vì Quán-Âm đã phát thệ sâu như biển cả và không thể nghĩ bàn được dầu có trải qua nhiều kiếp. Lời thệ ấy là hầu hạ nhiều ngàn ức đức Phật và đạt đến sự thanh-tịnh tuyệt đối. Hãy nghe đây, ta sẽ vì ngươi mà nói sơ lược cho nghe danh hiệu và thấy thân Quán-Âm.

Ai không phạm cái lỗi trong tâm trống rỗng (nghĩa là không tưởng nhớ đến Bồ-tát), thời có khả năng trừ diệt các thứ khổ não.

Thí dụ ý muốn làm hại nổi lên, làm cho mình rơi xuống hầm lửa, nhờ sức mạnh của sự tưởng nhớ Quán-Âm mà hầm lửa biến thành ao. Hoặc trôi giạt biển cả, bị nạn quỉ cá rồng, nhờ sức tưởng nhớ Quán-Âm mà không bị sóng nhận chìm. Hoặc từ chót núi Tu-di bị người xô rớt xuống, nếu tưởng niệm Quán-Âm, thời như mặt trời treo giữa hư-không (không rớt). Hoặc bị người dữ rượt đuổi, rơi khỏi núi Kim-cang, nhờ sức niệm Quán-Âm, mà chẳng mất một mảy lông. Hoặc gặp kẻ thù bao vây, tay cầm dao quyết hại, nhờ sức niệm Quán-Âm mà những kẻ thù liền sanh lòng lành, hoặc gặp nạn phạm phép vua, khi sắp bị hành hình,nhờ sức niệm Quán-Âm, dao chém gãy từng đoạn. Hoặc bị xiềng trong tù, tay chân mang gông cùm, nhờ sức niệm Quán-Âm, đương nhiên được giải thoát. Hoặc bị trù ếm hay thuốc độc, nhờ sức niệm Quán-Âm mà bùa chú, thuốc độc kia trở lại làm hại người muốn làm hại. Hoặc gặp các loài quỉ, nhờ sức niệm Quán-Âm, các quỉ không dám hại. Hoặc bị thú dữ bao vây, nanh vuốt nhọn đáng sợ, nhờ sức niệm Quán-Âm mà chúng vội vàng bỏ chạy. Khi độc của rắn, bò cạp, dầu có bốc lên như khói lửa , nhờ sức niệm Quán-Âm mà theo tiếng niệm bỏ đi. Hoặc gặp cơn sấm sét, mưa to, mưa đá, nhờ sức niệm Quán-Âm mà tất cả đều tiêu tan.

Chúng-sanh thời bị vô lượng khổ-não bức bách thân thể, còn Quán-Thế-Âm thời trí-huệ diệu-huyền cho nên hay cứu thế-gian, lại thêm đầy đủ sức thần-thông và rộng tu trí phương-tiện, cho nên khắp cõi nước mười phương, không nước nào chẳng hiện, và lần hồi làm cho dứt hết những khổ não sanh, già, bệnh, chết, của chúng-sanh trong ba đường dữ là địa-ngục, ngạ-quỉ và súc-sanh.

Quán-Âm xem xét đúng với  Chân-thực (Chơn-quán)

Quán-Âm xem xét đúng với lòng trong sạch (Thanh-tịnh-quán)

Quán-Âm xem xét đúng với trí-huệ rộng lớn (quảng-đại trí-huệ-quán)

Quán-Âm xem xét đúng với lòng từ-bi (Bi quán cập từ-quán)

Vì vậy cần phải hết sức chiêm ngưỡng.

Quán-Âm là Ánh-sáng trong sạch, không nhơ, là mặt trời Huệ có khả năng phá trừ mọi hắc-ám, hàng phục mọi tai nạn khói lửa và khắp soi sáng thế-gian.

Quán-Âm là lòng Đại-bi ngăn cấm sự sấm sét.

Quán-Âm là đám mây lành che chở cho ý Đại-bi kết thành.

Quán-Âm rưới mưa pháp cam-lồ làm dứt trừ lửa phiền-não.

Dầu kiện thưa chỗ công đường hay giữa trận chiến dễ làm sợ sệt, sự tưởng niệm Quán-Âm làm cừu oán đều lui tan.

Tiếng xét thấy khắp thế-gian là Tiếng Diệu-huyền, là Tiếng của vua cõi Trời (Phạm âm), là tiếng của sóng biển, không tiếng thế-gian nào bằng, vì vậy phải thường tưởng nhớ.

Trong mỗi niệm, chớ sanh nghi: “Quán-Thế-Âm là Thánh của Thanh-tịnh, là nơi nương tựa của đời khổ não, chết chóc. Đầy đủ mọi công đức, trong chúng-sanh với đôi mắt lành, Quán-Thế-Âm là biển phước lớn khôn lường, vì vậy phải nên quì lạy.

Bấy giờ Bồ-tát Trì-Địa đứng dậy lễ Phật bạch: “Thế-Tôn! Chúng-sanh nào mà nghe được phẩm Quán-Thế-Âm này là phẩm nói về đạo nghiệp tự-tại và sức thần-thông ứng hiện khắp cửa, thời nên biết công-đức người ấy chẳng phải ít”.

Đức Phật nói phẩm Phổ-môn này, trong đại chúng có tám muôn bốn ngàn chúng-sanh đều phát tâm cầu Vô-thượng-giác.

 

*

*  *

Huyền nghĩa

Tuy chữ (chữ Hán) có thể đọc Quan hay Quán, tôi tưởng ở đây đọc Quán đúng hơn. Trong Hán-văn có danh-từ “Quán-đài” là cái đài cao để trông xa. Lại nữa, trong Phật-học có danh từ “Quán tưởng” là xét thấy trong tư-tưởng, bằng tư-tưởng (voir par l'imagination).

Thế là thế-gian. Âm là tiếng.

Vậy Quán-Thế-Âm là xét thấy, xét nghe tiếng của thế-gian đau khổ, lo sợ.

Huỳnh-Bá Thiền-sư, trong sách Truyền-tâm Pháp-yếu nói: “Quán-Âm tiêu biểu cho Đại-bi”. Vậy tuy nói Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tựu trung Kinh muốn đề cập đến đức Đại-từ Đại-bi của Phật. Như thế niệm Quán-Thế-Âm, là niệm Phật nhưng đứng về khía cạnh Đại-từ Đại-bi.

*

*  *

Xưng tán đức Đại-từ Đại-bi trong phẩm 25 Kinh Diệu-Pháp, chư Tổ thường nhắc đến 3 điểm đặc biệt sau đây: 1) Thất nạn, 2) Nhị cầu, 3) Tam thập nhị ứng.

Thất nạn là bảy nạn của thế-gian: lửa, nước, sát hại (la-sát), đánh chém, vô minh (ma quỉ), mất tự-tại (gông cùm) và thù cướp.

Nhị cầu (2 sự cầu) là cầu con trai và cầu con gái.

Tam thập nhị ứng là 32 lối hiện thân để độ thoát chúng-sanh, như trong Kinh có nói.

Về huyền nghĩa trong thất nạn, xin xem chi-tiết ở đoạn sau. Đây xin sơ lược:

1)Vào lửa mà lửa không thiêu là như thế nào?

Người đời lầm lạc, khổ não là tại cái “thấy biết” (tri kiến); thấy thuộc về mắt, biết thuộc về tâm. Thấy biết tánh nóng, vì hay xúi giục, thúc đẩy con người làm theo sự càn-dở của vọng tưởng, cho nên ví như lửa.

2)Tam Tạng Pháp Số viết: “Quán thình tánh động tắc thuộc ư thuỷ”: thấy nghe tánh động cho nên thuộc nước. Giọng quyển tiếng đàn có thể lôi cuốn người như nước.

3)La-sát là loài quỉ ăn thịt người, thí dụ cho những tai nạn gặp kẻ hung bạo muốn giết mình.

4)Về nạn dao gậy, Tam Tạng Pháp Số viết: “Lục căn hại nhân, bình nhẫn vô dị”: Sáu căn hại người chẳng khác binh khí. Vậy tuy nói dao gậy, thực ý kinh muốn nói đến những cái hại của “lục-căn”.

5)Nạn ma quỉ ám chỉ sức cám dỗ của tham, sân, si, mạn, nghi.

6)Nạn gông cùm ám chỉ những trói buộc do mê lầm tạo nên.

7)Thù cướp chỉ những sự thù oán mà vì vô-minh, ta đã kết tạo và những sự cướp giựt mà kẻ tham mong làm.

Tất cả những nạn ấy, dầu thuộc thân, dầu thuộc tâm, đều có thể diệt trừ được bằng pháp-môn niệm danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-tát một cách “nhất tâm”.

Niệm mà đi đến chỗ “nhất tâm” (cũng như niệm Phật A-Di-Đà) mà lòng trở thành thanh-tịnh (Kinh bảo Quán-Thế-Âm là Thánh của Thanh-tịnh:Quán-Thế-Âm Tịnh Thánh). Có thanh-tịnh là có định, có định là có huệ, có huệ là có Từ-bi, mà từ-bi là Chân-thể (vraie essence) của con người, là đức chính của Phật-tánh. Vậy niệm Quán-Thế-Âm là tưởng nhớ độc nhất đến cái Chân-thể, đến vị Phật ở nơi mình, nhờ đó mà lần hồi mình bỏ được cái lối  sống theo vọng tưởng vô minh, mà mình sống theo lối mới của Chân-thể thanh-tịnh và từ-bi, trí-huệ. Có những đức này thì được giải-thoát các nạn nói trên.

Cầu nam thời được con trai phước đức trí-huệ, cầu gái thời được con gái đoan-chánh. Hai sự cầu xin này là lấy sự cầu xin của thế-gian mà thí dụ, chớ người tu hành mà còn cầu con cái làm gì? Vậy ý Kinh dạy: muốn cầu phước đức, trí-huệ, đoan chánh là được như sở nguyện. Ấy là nhờ sức mạnh của sự niệm Phật, niệm Bồ-tát mà tâm trở nên thanh-tịnh, chánh-định…như đã nói, rồi làm phát sanh những kết quả trên, chẳng khác con là do sự thai nghén của mẹ.

Quán-Thế-Âm đã là tiêu-biểu cho đức Đại-từ Đại-bi của Phật tức của Tâm, mà tâm thời ai cũng có, cho nên đức ấy có thể hiển hiện bất luận trong một chúng-sanh nào, từ cõi thiên xuống tới cõi người và a-tu-la (ba cõi thiện) để độ thoát những chúng-sanh trong ba nẽo dữ (địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh).

Thật ra chúng-sanh của ba cõi chót cũng có tâm, nghĩa là cũng có từ-bi, nhưng vì quá bị vô-minh, vọng tưởng che áng, nên có của báu mà không biết đem dùng tự độ, hà huống đi độ người.

Tam thập nhị ứng còn có nghĩa đức từ-bi thị hiện mà có hiệu quả, là khi nào hợp với hoàn-cảnh. Nếu là trường-hợp của người đại trí, thí dụ, thì phải một người đại trí mới khuyến hoá được. Do đây nói, nếu cần phải hiện thân Phật để thuyết pháp, thì hiện thân Phật. Ở các giai cấp khác cũng vậy, thậm chí gặp cảnh của nữ nhân, thì cũng phải một người nữ mới nói cho nhau nghe.

*

*  *

Mấy câu trong đoạn chót của bài kệ,bắt từ câu “Chân quán, thanh tịnh quán” cho đến hết, cần phải suy gẫm nhiều. Ta xem đời, xử sự với đời như thế nào? Xem đúng với sự Chân-thực hay theo vọng-tưởng?Ngó với đôi mắt thanh-tịnh hay dơ dục bởi lục-dục thất-tình? Xét một cách sáng suốt (trí-huệ) hay một cách đen tối? Có lấy lòng thương xót mà đãi người đãi vật hay với một tấm lòng ác độc? Có thương xót mới ngăn được những cơn giận sấm sét của mình (Bi thể giới lôi chấn), chỉ có lòng từ-bi mới tạo cho mình một vầng mây lành che chở cho mình (Từ ý diệu đại vân), chớ đừng tưởng tường cao chó dữ mà được an ổn…

Ba tiếng Quán-Thế-Âm đã có thần lực đem nhiều sự lợi-ích cho ta như thế, thì ở thế-gian có tiếng nào bằng mà không bỏ những tiếng này để tai chỉ nghe tiếng kia mà thôi? Đó là tiếng của Tâm ta (Diệu âm), đó là tiếng của cái Chí-Thiện (Phạm âm), đó là tiếng của Pháp (hải triều âm), đó là tiếng của Phật (Giác-ngộ).

Vì tiếng ấy có thể xuất phát mọi nơi, phát nơi kẻ lành để cho người dữ nghe, nên nói là thị hiện ở khắp các cửa, các nhà (phổ môn).

*

*  *

Những công-đức thường được xưng tán ở Bố-tát Quán-Thế-Âm là: Thất nạn, nhị cầu, tam thập nhị ứng, thập tứ vô-uý.

Trước đã nói về ba cái đầu, nay xin nói về cái chót là Thập tứ vô-uý (14 cái “không sợ”)

Theo sách Tam-Tạng Pháp-Số thì tên và nghĩa của Thập tứ vô-uý như sau:

1.Bất tự quán âm, dĩ quán quán dã.- Bất tự quán âm giả, vị bất tuỳ thanh trần sở khởi tri kiến dã.-Dĩ quán quán giã, vị phản chiếu tự tánh dã- Bất khởi tri kiến, tắc vô sở vọng; phản chiếu tự tánh, tắc nhất thế chân tịch, vô phục khổ não, cố linh thọ khổ chúng sanh mông thử chân quán, tức đắc giải-thoát, thị vi vô uý.

Bất tự quán âm là nói không để cho cái “thấy biết” tuỳ theo cảnh vật (trần) và tiếng tăm (thanh) bên ngoài làm phát lên.-Dĩ quán quán là nói dùng cái tánh thấy quay lại soi xét tự-tánh mình.- Thấy nghe bên ngoài mà không khởi lên một “tri kiến” nào thì không có vọng (illusion); quay lại soi sáng tự-tánh, thì tất cả ắt phải chân-thực và vắng-lặng (chân tịch). Như thế thì không khổ não trở lại. Chúng-sanh thọ khổ vâng chịu lối xem xét chân-chánh này (chân quán) ắt được giải-thoát, vì vậy nên gọi là Vô-uý.

Nói tóm: không ngó ra ngoài mà cứ ngó ngược vào trong để thấy cái giá-trị và chân-tướng của sự vật. Thấy rõ rồi thời không còn phân biệt tốt xấu, hay dở, ngọt đắng,.v.v…(tri-kiến), làm cho mình bị mê hoặc, lầm lạc(vọng tưởng). Hết vọng tưởng tức không còn say đắm cảnh giả dối của thế-gian, và  như thế là giải-thoát. Đã giải-thoát thì đâu còn sợ thiếu ăn ngon, không mặc đẹp, thậm chí đến không còn sợ cái chết nữa. Không sợ là vô-uý. Kinh nói: “Quán kỳ âm thanh, tức đắc giải-thoát”, là nghĩa này.

2.Tri-kiến triền phược.-Tại tâm viết tri, tại nhãn viết kiến. Tri kiến tánh nhiệt, tắc thuộc ư hoả. Vị Bồ-tát năng triền chuyển tri kiến, dĩ phục chân-không, năng linh chúng-sanh, thiết nhập hoả nạn, tư bất năng thiêu, thị vô uý.

Cái biết (tri) thuộc về tâm; cái thấy (kiến) thuộc về mắt. Tính của “thấy biết” là nóng, vậy là thuộc về lửa. Đây Kinh muốn nói Bồ-tát có khả năng xoay đổi cái “thấy biết”, đã tùng phục “chân không” khiến chúng-sanh (bắt chước làm theo) để có gặp lửa, tự mình không để cho lửa thiêu.

Nói tóm không để cho ngọn lửa “tri-kiến” nung đốt lòng mình. Ngọn lửa ấy là ngọn lửa tham muốn do cái thấy nhóm lên. Đây là chỗ trong Kinh nói: “Thiết nhập đại hoả, hoả bất năng thiêu”. Không còn sợ (vô úy) lửa tham dục đốt là vậy.

3.Quán thính triền phục.- Quán thính  tánh động, tắc thuộc ư thủy. Vị Bồ-tát năng triền chuyển quán thính, dĩ phục chân-không, năng linh chúng-sanh, thiết vi đại thủy sơ phiêu, tự bất năng một, thị vi vô uý.

Nghe thấy tánh động, vì vậy thuộc nước (tỷ như nước). Ở đây Kinh muốn nói Bồ-tát có khả năng xoay đổi cái nghe, bắt nó tuân theo chân-không (Réalité-Vacuité),vì vậy khiến được chúng-sanh, dầu có trôi dạt trong nước “nghe thấy” cũng không tự mình nhận chìm mình. Do đây nói là không sợ.

Vắn tắt, chuyển được cái nghe, không còn để cho nó chạy theo âm thanh giả dối của thế-gian và bắt nó quay lại nghe cho được cái tiếng bề trong của con người, là tiếng của cái Chân cái Không, thì khỏi còn sợ sự lôi cuốn, nhận chìm của “nước nghe biết”.

4.Đoạn diệt vọng tưởng, tâm vô sát hại.- Vọng tưởng tác nghiệp, dĩ sát vi thủ. Vị Bồ-tát chứng ngộ Thực-tánh, đoạn diệt vọng-tưởng, đại từ tâm phát, vô sát hại niệm, năng linh chúng-sanh, nhập bỉ La-sát quỉ quốc, quỉ tự diệt ác, thị vi vô úy.

Vì vọng tưởng mà sanh hành động (tác nghiệp) mà trong các hành động, sự sát sanh đứng đầu là trọng nhất. Ý kinh muốn nói rằng, nhờ chứng ngộ Thực-tánh, Bồ-tát diệt được vọng-tưởng và tâm thương xót phát khởi, vì vậy mà có khả-năng khiến chúng-sanh gặp phải kẻ ác (La-sát), thì kẻ ác tự chúng hết ác. Đây là cái “không sợ” thứ tư.

Vọng tưởng hết, từ tâm sanh, không còn những tư-tưởng sát hại đối với người khác, loài khác, thì đâu còn ai là kẻ thù mà tất cả đều là bạn, là thân với ta, vì vậy không còn sợ “quỉ” sát hại.

5.Huân văn thành văn, lục căn sảo phục, đồng ư thanh thính.- Vị huân văn thuộc tư, tư ký sở văn vô tánh khả đắc, tắc thành Chân-văn. Lục căn hại nhân, binh nhẫn vô dị. Bồ-tát lục căn, ký giai tiêu diệt, dĩ phục Chân-không, nhất thế trần cảnh, đồng ư thanh thính, năng linh chúng-sanh, đương bị hại giả, đao nhẫn sở gia, đoạn đoạn chiết hoại, thị vi vô úy.

Hun chất cái nghe (cái học. cái biết) thuôc về suy gẫm; suy gẫm những tiếng tăm mình nghe không phải thực có (vô tánh), nhờ vậy mà cái nghe sai trước kia trở thành cái nghe chân-tánh (Chân-văn). Sáu căn hại người (trong đó cái nghe là một) không khác gì binh khí. Nay sáu căn ở Bố-tát đã tiêu diệt và tuân theo Chân-Không, thì tất cả ngoại cảnh đều như những tiếng nghe kia (nghĩa là bị nhận là không thực có, không có giá trị gì), nhờ vậy mà Bồ-tát có khả năng khiến chúng-sanh tránh khỏi nạn “binh khí” nói trên, như chúng ta tự gãy ra từng đoạn. Không sợ là vậy.

Đây là đoạn trong Kinh nói: Lâm đương bị hại, đao đoạn đoạn hoại.

Lóng nghe được tiếng của tâm thanh-tịnh (Văn), nghe cho lâu ngày (huân), tức phải có suy gẫm (tư) và nhờ suy gẫm mà thấy âm-thanh và tất cả tiền-trần là giả dối (vô tánh khả đắc). Cái nghe do đó chỉ còn nghe cái chân-thục (tâm) không còn nghe cái giả-dối nữa cho nên “không sợ” sự cám dỗ của lục căn nữa.

6.Văn huân tinh minh, minh-biến pháp giới

-Vị Bồ-tát tùng văn huân-tập, sở thành huệ-tánh. Ký đắc tịnh minh, minh chiếu thập phương, chu biến pháp-giới, u-ám tức tiêu, năng linh chúng-sanh, tuy bị Dạ-xoa chư ám giả lai cận kỳ trắc, tự thọ minh đạt, tự bất năng thị, thị vi vô-úy.

Cái nghe thành chân, tức là có định; có định rồi là phát huệ, sáng xét, sáng thấy sự thật trong cả mười phương pháp-giới, thì bao nhiêu u-ám dù có đến gần, đều bị cái sáng ấy làm tan, như gặp quỉ mà quỉ không dám ngó, đừng nói làm hại. Lại một cái “không sợ” khác mà người tu hành đạt đến.

7.Âm tánh viên tiêu, quán thính phản nhập.- Vị thọ hư-vọng thanh trần hệ phược, bất di cấm hệ già toả. Bồ-tát dĩ động tĩnh, chi tánh cu diệt, tắc kỳ quán thính phản vọng nhập chân, thanh trần giải-thoát, năng linh chúng-sanh, cấm hệ đẳng sự, bất năng trước thân, thị vi vô-úy.

Để cho ngoại cảnh sắc thanh giả dối cám dỗ thì con người bị dính níu với chúng có khác nào bị trói buộc giam cầm. Bây giờ cái nghe biết đã bỏ vọng về Chân, con người giải-thoát với tiếng tăm của đời, như người thoát khỏi gông cùm xiềng xích “không sợ” sự lôi cuốn, cột trói nữa. Đây là chỗ Kinh nói: Cấm hệ già tỏa, sở bất năng trước.

8.Diệt âm, viên văn, biến sanh từ-lực.- Vị Bồ-tát tiêu diệt âm thanh, viên thanh văn huệ, tắc biến sanh từ-lực, năng dĩ đại lợi, linh bỉ đắc lạc, thị dĩ chúng-sanh kinh ư hiểm lộ, như hành thản đồ, hoặc ngộ ác khẩu, tự bất năng kiếp, thị vi vô-úy.

Chẳng những sửa đổi cái nghe mà còn làm cho sức mạnh của lòng Từ lan rộng khắp cùng, thành ra đi đường nguy hiểm cũng như đi đường rộng rãi, còn gặp quân cướp ác, tự chúng bỏ ý định cướp giựt. Đây là cái “không sợ” do lòng từ bủa khắp ban cho và chỗ trong Kinh nói: Kinh quá hiểm lộ, tặc bất năng kiếp.

9.Huân văn ly trần, sắc bất năng kiếp.- Vị Bồ-tát dĩ tư (tư duy) huệ huân văn thành Tánh, ly chư trần vọng, bất bị sắc trần sở kiếp, năng linh nhất thể tánh đa dâm nhân, tham dục bất sanh, thị vi vô úy.

Cái sáng suốt (huệ) đã hun đúc thành Tánh rồi, ắt phải vĩnh viễn xa lìa những vọng-tưởng của trần-thế, không để cho sắc đẹp cướp đoạt cái sáng- suốt của mình, cho nên tham dục không sanh, “không sợ” sắc đẹp nữa.

10.  Thuần âm vô trần, căn cảnh viên dung.- Vị Bồ-tát âm tánh thuần tịnh, ly chư vọng trần, căn cảnh tương nhập, viên dung vô ngại, năng linh hoài phẩn hận nhân, sân khuể bất sanh, thị vi vô úy.

Ý Kinh nói: Tâm đã thuần tịnh, xa lìa vọng tưởng của tiền-trần, thì ý và cảnh nhập lại làm một, ta là người, người là ta, ta là cảnh, mà cảnh cũng là ta. Thì không còn nuôi lòng giận hờn nữa. Như vậy là “không còn sợ” cái giận nữa.

11.  Tiêu trần, triền minh.- Vị Bồ-tát trừ ám tiêu trần, triền phục tinh minh, năng linh nhất thể hổn-độn vô thiện tâm nhân, si ám viễn ly, thị vi vô-úy.

Bố-tát đã trừ khử mọi đen tối (trừ ám), tiêu diệt mọi thứ bụi đời (tiêu trần), chuyển biến tánh tối thành sáng, hoá ra xa lìa được si-mê. Nhờ đó mà “không sợ” bệnh Si nữa.

12.Dung hình phục văn.- Vị dung hình, tắc ngại diệt, phục văn, tắc tánh chân, cố thiệp thập thế-gian, nhi bất hoại thế-gian chi tướng, năng biến thập phương cúng-dường vi-trần số Phật, bẩm thừa kỳ pháp, các vi pháp-tử, dĩ thử vô-úy, thí chư vô tử chúng-sanh, dục cầu nam giả, linh đắc sanh nam.

Ý nói: Các hình tướng đã nấu cháy hết thành một chất loãng duy-nhất, thời sự sai khác trước kia làm trở ngại bị tiêu diệt, lại nghe được tiếng của Tâm thì Tánh trở thành chân, hết vọng. Bởi cớ, giao tiếp với thế-gian mà không làm hỏng các tướng của thế-gian, năng đi khắp mười phương, cúng dường vô số Phật, vâng chịu giáo pháp và làm con của Pháp. Do đó mà sanh lòng “không sợ”, thí như người không con trai, cầu được con trai thời được con trai.

Theo thiển ý tôi, cầu con trai ở đây là ý Kinh nói cầu phúc-đức và trí-huệ, vì Kinh nói: Đắc sanh phước-đức trí huệ chi nam.

13.  Lục căn viên thông, minh chiếu vô nhị.- Vị Bồ-tát lục căn viên dung, thông đạt vô ngại, hàm nhiếp pháp-giới, như Đại-Viên cảnh, minh chiếu vô nhị, do thử cố, năng thừa thuận pháp-môn, thọ lãnh vô thất. Dĩ thử vô-úy, thí chư vô tử chúng-sanh, dục cầu nữ giả, tức đắc sanh nữ.

Sáu căn đã hoàn-toàn, suốt thông không ngại, bao gồm pháp-giới như một chiếc Gương to, sáng soi tất cả như một vật một, do đó có khả năng xuôi theo cửa pháp, nhận lấy đầy đủ không rơi không mất. Đây là một cái “không sợ” khác. Thí như người không con, cầu con gái, được con gái.

Theo ngu ý, cầu con gái ở đây là cầu sự đoan-chánh (đoan-trang, nghiêm chánh).

14.  Ngã nhất danh dữ lục thập nhị Hằng hà-sa danh đẳng vô hữu dị.-Vị Bồ-tát đắc chân viên-thông, năng linh cầu phúc chúng-sanh, đản trì ngã chi danh hiệu, dữ bỉ câu trì vô số Bồ-tát danh hiệu chi nhân, giảo lượng sở đắc phúc đức, đẳng vô hữu dị, thị vi vô úy.

Ý Kinh nói: Bồ-tát đạt đến cảnh Chân một cách thông-suốt trọn vẹn, thì có thể khiến những chúng-sanh cầu phước được phước đồng như người cùng cầu phước mà trì hiệu của vô số Bồ-tát.

Đây là đoạn Kinh nói: Năng linh chúng-sanh, trì ngã danh-hiệu, dữ bỉ cọng trì lục thập nhị Hằng-hà-sa chư pháp-vương tử, nhi6 nhân phước huệ, chánh đẳng vô dị.

 

*

*  *

TỔNG LUẬN

Trước chúng ta đã học phẩm “Diệu-Âm” tiếng nói huyền diệu, tức là tiếng của Tâm thanh-tịnh.

Nghe được tiếng ấy chỉ có những người thanh-tịnh, mà thanh-tịnh được là vì có định, càng định lại càng thanh-tịnh. Định có là huệ phát sanh rồi cùng với huệ là Tâm từ-bi.

Trước muốn nghe “tiếng diệu” phải gần như bịt tai với tiếng đời, xoay cái nghe bề ngoài vào trong để nghe bề trong. Nay nghe bề trong xong rồi, phải quày trở ra mà nghe tiếng đời (quán-thế-âm) để mà cứu vớt chúng-sanh trong đau khổ. Đó là thể hiện Tâm Đại-Từ Đại-Bi mà Bồ-tát Quán-Thế-Âm là tượng trưng. Đại-Từ Đại-Bi là Phật, hay nữa là đức tướng căn-bản của Phật.

“Thất nạn” và “nhị cầu” nêu rõ những hiệu lực của việc “trì niệm” danh hiệu Quán-Thế-Âm, tức Đức Đại-Từ Đại-Bi. Pháp-môn trì-niệm này đồng một tánh chất với pháp-môn “trì-niệm” A-Di-Đà Phật chẳng hạn nhưng có chỗ đặc biệt là đứng hẳn về phương diện Từ-bi.

“Tam thập nhị ứng”, chỉ Từ-bi có thể xuất phát ở mọi chúng-sanh, trừ ba hạng địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh là hạng vô-minh sâu dày.

Thập tứ vô-úy là cốt nói: chúng-sanh nào mà tâm đã thanh-tịnh, giác-ngộ, sáng-suốt và từ-bi phát khởi thì không còn sợ vọng tưởng, tham, sân, si lôi cuốn, thiêu đốt hay đắm chìm, cũng không còn sợ kẻ oán người thù.

Trì A-Di-Đà đắc thanh-tịnh. Trì Quán-Thế-Âm vừa đắc thanh-tịnh vừa đắc Từ-bi.

 

 

 

PHẨM THỨ 26

 

ĐÀ-LA-NI

  (Les Formules Magiques)

 

Lúc bấy giờ Bồ-tát Dược-Vương đứng chắp tay hướng Phật bạch rằng: “Thế-Tôn! Nếu có trai lành gái tốt thọ trì được Kinh Pháp-Hoa này, hoặc đọc tụng thông suốt hiểu mau, hoặc biên chép thành quyển, họ được bao nhiêu phước đức?”

Phật đáp: “Nếu có thiện nam-tử, thiện nữ-nhân cúng dường tám trăm ức na-do-tha Hằng-hà sa Phật, ý ông nghĩ sao, họ đặng phước đức nhiều chăng?

-   Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

Phật nói: “Nếu có trai lành gái tốt nào đọc tụng, giải nghĩa và tu hành đúng như lời, thời dầu chỉ là một bài kệ bốn câu trong Kinh này, công-đức của họ còn nhiều hơn (những người trước kia).

Lúc đó, Bồ-tát Dược-vương bạch Phật: “Thế-Tôn! Con nay sẽ cho người nói Kinh Pháp-Hoa một bài đà-la-ni để làm chú giữ gìn họ, Bồ-tát liền đọc chú: “An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, giá lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ chuyên đế…”

Bồ-tát tiếp nói: “Thế-Tôn! thần chú này là của sáu mươi hai ức Hằng-ha sa Phật nói. Ai xâm phạm huỷ hoại Pháp-sư này (người đọc chú), thời là xâm hủy các đức Phật rồi đó”.

Lúc đó, đức Phật Thích-Ca khen Bồ-tát Dược-Vương “Hay thay! Hay thay! Dược-Vương, vì thương tưởng muốn ủng hộ Pháp-sư ấy mà nói bài chú, ngươi sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng-sanh”.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Dõng-Thí bạch Phật: “Thế-Tôn! Con cũng xin vì người đọc tụng thọ trì Kinh Pháp-Hoa mà nói đà-la-ni. Đặng  chú này rồi, thời Pháp-sư không bị Dạ-xoa, La-sát hoặc Phú-đơn-na, Kiết-giá, Cưu-bàn-trà, ngạ-quỉ tìm thấy chỗ dở của mình nữa. Nói xong, Bồ-tát đọc bài chú: Toa lệ, ma ha toa lệ, úc chỉ…” Rồi nói tiếp: “Thế-Tôn! Thần chú này là của Hằng-hà-sa Phật nói và cũng đều tuỳ hỷ. Ai xâm phạm Pháp-sư tức xâm phạm chư Phật rồi vậy”.

Bấy giờ Thiên-vương Tỳ-Sa-Môn là vị Thiên che chở cho thế-gian, bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Tôi cũng vì lòng thương chúng-sanh mà ủng hộ Pháp-sư bằng đà-la-ni này. Liền nói bài chú: “A lê, na lê, a na lư, na lý, câu na lý”. Lại bạch: “Thế-Tôn! Đã dùng thần chú ủng hộ Pháp-sư, thời con  cũng tự ủng hộ người trì Kinh này, làm cho họ được, trong khoảng trăm do-tuần khỏi điều tai nạn”.

Bấy giờ, Thiên-vương Trì-Quốc ở trong Pháp-hội cùng với ngàn muôn ức na-do-tha Cán-Thát-bà chắp tay bạch Phật: “Thế-Tôn! Chúng con cũng dùng thần chú đà-la-ni ủng hộ người trì Kinh Pháp-Hoa. liền nói chú: “A dà nể, dà nể, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đẳng kỳ thường cầu lợi, phù lầu tá nỉ, ác đế”. Lại nói: “Thế-Tôn! Thần chú này là của bốn mươi hai ức Phật nói, ai xâm huỷ Pháp-sư là xâm hủy các đức Phật rồi đó”.

Bấy giờ mười La-sát cùng với bầy quỉ, cả mẹ lẫn con, đều đồng bạch Phật: :Thế-Tôn, chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng thọ trì Kinh Pháp-Hoa và trừ sự khổ hoạn cho họ, còn nếu có kẻ rình tìm chỗ dở của Pháp-sư, thời khiến cho đừng tìm được”. Nói xong liền đọc bài chú: “Y đề, y đề vẫn, y đề lý, a đề lý….” Lại tiếp: “Các Dạ-xoa, La-sát, Ngạ-quỉ….hoặc quỉ làm bệnh nóng, từ 1 tới bảy ngày, hay làm bệnh nóng luôn, các nam nữ, con trai con gái, thà trèo lên đầu chúng con, chớ không có thể làm hại Pháp-sư dầu là trong giấc chiêm bao”. Mười La-sát và bầy quỉ liền trước Phật nói bài kệ:

Ai chẳng thuận chú ta,

Não loạn người nói Pháp

Thời đầu vở bảy phần 

Như nhánh cây A-lê

Như tội giết mẹ cha

Cũng như hoạ ép dầu([2])

Như lường cân tráo đấu

Như Điều-Đạt phá Tăng,([3])

Kẻ nào phạm Pháp-sư

Sẽ mắc hoạ như thế.

Nói kệ xong, các nữ La-sát bạch Phật: “Thế-Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng-hộ người thọ trì, đọc tụng Kinh này, làm cho họ đặng an ổn, xa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc”.

Phật bảo các La-sát: “Hay thay! Hay thay! Chỉ ủng hộ người thọ trì tên Kinh Pháp-Hoa, chúng ngươi đặng phước chẳng thể lường được, huống là ủng hộ người thọ trì toàn bộ và dùng mọi thứ hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc… cúng dường Kinh. Này Cao-Đế([4]) các ngươi cùng quyến thuộc phải nên ủng hộ các Pháp-sư như thế”.

Lúc Phật nói phẩm Đà-la-ni này, có sáu muôn tám ngàn người đặng “vô-sanh pháp-nhẫn”.

*

*  *

Huyền nghĩa

1.Lời giải của Ngài Hải-Ấn:

Đà-la-ni là tâm ấn của Phật, có một thần lực “gia-trì” không thể nghĩ bàn, thí như bí-phù của vua, một khi trao cho vị đại tướng thì không kẻ nghịch nào mà đại tướng không khắc phục.

Người tu hành, tuy đã tập diệu hạnh (chỉ quán, diệu âm, quán-thế-âm), vẫn chưa đầy đủ điều-kiện để chống vững định, huệ. Vì sao? Vì tạng-thức sâu kín (hay tiềm thức) nhiễm huân đã nhiều kiếp, tập-khí tiềm phục nhiều đời, nếu không có một định lực thật kiên cố thì không sao khắc phục những ác chủng tiềm phục trong thức A-lại-da, tức Tạng-thức.

Vậy trì chú là một phương chỉ-quán “vô phân biệt”.

2.Lời giải của Ngài Minh-Chánh:

Tu thấy được bổn-lai thanh-tịnh tâm thể, nên biết rằng tâm ấy vốn đầy đủ Hằng-sa công-đức, vô lượng pháp-môn. Y theo đó tu hành thì viên cụ lục độ vạn hạnh, Nay thêm việc đọc chú sẽ có thần-lực giúp sức mau chóng nhập A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề.

Trì đà-la-ni thì tâm “vô phân biệt”, không còn vọng-tưởng, thì ắt bỏ vọng về Chân. Mà Chân thì vốn vắng-lặng (trạm-tịch) cho nên không còn thấy ba cõi (tam giới), bảy thú (thất thú) và tất cả những tướng hữu-vi nữa. Bởi vậy chư Bồ-tát, chư Thiên, quỉ thần đều đọc Đà-la-ni.

Vậy trì Đà-la-ni là để đạt đến tâm “vô phân biệt” là cái tâm không thể đo lường, so sánh và bàn luận được, tâm ấy vượt khỏi vòng ngữ-ngôn, văn-tự, nghĩa-lý.

Kinh Kim-Cang có câu: “Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng”, duy linh linh yên, tịch tịch yên, đà đà bất biến. Cố vô hữu năng diễn giải chú trung chi nghĩa giả. Đản tín thọ trì, thần lực mạc trắc.

3.Lời giải của dịch giả.  Đã đành đà-la-ni có công-năng “vô phân biệt” như thế, nhưng nếu theo mạch Kinh mà nói thì chúng ta có thể hiểu như thế này: Ai thực hành được Kinh Pháp-Hoa (Pháp-sư) hoặc chỉ đọc tụng đi nữa, đều được tăng tiến như có sức thần ủng hộ. Sự ủng hộ ấy tuỳ trường hợp:

o Nếu đọc tụng, giải nghĩa, y như lời Kinh mà tu hành, thì đắc pháp, thâm nhập được lời Phật, tự nhiên tâm bệnh được trừ, như người bệnh được thuốc hay (đây là đoạn Dược-Vương đọc chú).

o Nếu đọc tụng, thọ trì, thì không còn chỗ hở để cho các loài quỉ (lục dục) xâm chiếm vào tâm. (Đoạn Dõng-Thí Bồ-tát).

o Ai trì được Kinh Pháp-Hoa thì được chư Thiên ủng hộ, nghĩa là tránh được áp lực của những niệm ác. (đoạn Tỳ-Sa-Môn và Trì-Quốc Thiên-Vương).

o Ai trì được Kinh Pháp-Hoa thì trừ được dâm dục (đoạn mười La-sát nữ và bầy quỉ mẹ quỉ con).

Thọ trì, đọc tụng, theo Kinh Pháp-Hoa thì đâu còn vương vấn với thế-sự, nhờ vậy mà lần hồi tâm được  thanh-tịnh, trí-huệ phát sanh (Dược-vương) từ-bi đột khởi (Dõng-thí), thiện căn được trồng (Thiện-vương), ác thú (mauvaises tendances) được trừ, nhờ vậy mà cái ác không còn xâm nhập mà cái thiện ngày lại thêm, như có sức gia-hộ, Lại nữa, nếu suy theo việc đời, thì sự gia-hộ ấy rất có thể có, tỷ như có người nghèo nhưng chân-chính, lo làm ăn. Thì thường được người cảm mến mà giúp đỡ, mà kẻ dữ cũng không nỡ làm hại.

 

PHẨM THỨ 27

 

DIỆU-TRANG-NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ

(Ancienne méditation du Roi Cubhavyûha)

 

Lúc bấy giờ Phật bảo đại-chúng: “Thuở xưa, cách đây vô lượng vô biên kiếp, có đức Phật hiệu Vân-Lôi-Âm Tú-Vương Hoa-Trí, tại nước Quang-Minh Trang-Nghiêm, vào kiếp có tên là Hỷ-Kiến.

Tại Pháp-hội của đức Phật đó, có một nhà vua tên là Diệu-Trang-Nghiêm, phu nhân tên là Tịnh-Đức và hai con tên là Tịnh-Tạng và Tịnh-Nhãn.

Hai người con đó có sức thần-thông lớn về phước-đức và trí-huệ, từ lâu tu tập mười phép ba-la-mật, thậm chí rành cả 37 phẩm trợ đạo, lại đặng các môn Tam-muội của Bồ-tát, như: Nhật-tinh-tú, Tịnh-quang, Tịnh-sắc, Tịnh-chiếu, Trường-trang-nghiêm, Đại-oai-đức.

Lúc đó vì muốn dẫn đường cho vua Diệu-Trang-Nghiêm và cũng vì lòng thương chúng-sanh, Phật Vân-Lôi-Âm nói Kinh Pháp-Hoa này.

Bấy giờ, Tịnh-Tạng và Tịnh-Nhãn đến chỗ mẹ ở, chắp tay thưa: “Xin mẹ đến chỗ Phật Vân-Lôi-Âm ngự, chúng con cũng sẽ theo hầu để gần gũi và cúng dường Phật. Vì sao? Vì Phật đang vì Trời, Người nói Kinh Pháp-Hoa, nên phải nghe và tin nhận”.

Phu nhân bảo hai con: “Cha chúng con tin theo ngoại đạo, sâu nhiễm pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa với cha chúng con để cùng nhau đi”.

Tịnh-Tạng, Tịnh-Nhãn  thưa: “Chúng con là con của Vua-Pháp, sao lại sanh vào nhà tà-kiến?”.

Phu nhân dạy: “Các con nên thương tưởng cha các con mà hiển phép thần-thông biến hoá, thấy đặng phép ấy, ắt lòng cha con thanh-tịnh, hoặc nghe lời chúng ta mà qua đến chỗ Phật ở”.

Ngay lúc đó, hai người con, vì tưởng nhớ đến cha, bay vọt lên hư-không cao bằng bảy cây đa-la, hiện các món thần-thông, như đi, đứng, ngồi, nằm trong hư-không, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn choán hết hư-không rồi hiện lại nhỏ, nhỏ lại hiện ra lớn, ẩn mất trong hư-không rồi bỗng hiện ra trên đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất.

Thấy thần-lực của con như vậy, vua cha lòng rất vui mừng, như đặng vật chưa từng có, bèn chắp tay hướng về con mà nói rằng: “Thầy của các con là ai? Các con là đệ-tử của ai?”.

Hai con thưa: “Đức Phật Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí kia, hiện đang ngồi trên pháp-toà dưới cây bồ-đề bằng bảy báu, trong đám trời, người trên thế-gian, rộng nói Kinh Pháp-Hoa, là thầy của chúng con đó; chúng con là đệ-tử của Ngài”.

Vua cha nói: “Ta nay cũng muốn ra mắt thầy các con, vậy chúng ta cùng đi”.

Khi đó hai người con, từ hư-không xuống, đến chỗ mẹ ở, chắp tay thưa: “Phụ-vương nay đã tin hiểu, có thể kham phát tâm Vô-thượng-giác. Chúng con đã vì cha mà làm xong Phật-sự rồi, vậy mong mẹ bằng lòng chúng con xuất gia tu hành nơi chỗ đức Phật Lôi-Âm”. Nói xong, hai người con lại đọc bài kệ:

Xin mẹ cho các con,

Xuất gia làm Sa-môn,

Các Phật rất khó gặp,

Cho con theo Phật học.

Gặp hoa Ưu-đàm khó,

Gặp Phật còn khó hơn,

Khỏi các nạn cũng khó,

Nên cho con xuất gia.

Mẹ liền bảo: “Cho các con xuất gia, vì Phật khó gặp vậy”.

Hai con liền thưa: “Thưa cha mẹ, như thế thì hay lắm! Chúng con xin liền qua chỗ Phật Vân-Lôi-Âm để gần gũi cúng dường. Khó cho người gặp hoa Linh-thoại, khó cho rùa một mắt gặp bộng cây nổi ([5]), gặp được Phật cũng khó như thế. Chúng ta phước đức đời trước sâu dày nên mới sanh đời này gặp Phật-pháp, bởi vậy xin cha mẹ nghe chúng con mà xuất gia. Các đức Phật khó gặp, thời kỳ gặp Phật cũng khó có”.

Lúc đó, nơi hậu cung vua Diệu-Trang-Nghiêm, có 8 muôn bốn ngàn người đều có thể thọ trì được Kinh Pháp-Hoa này. Còn Bồ-tát Tịnh Nhãn và Bồ-tát Tịnh-Tạng, vì muốn làm cho tất cả chúng-sanh xa lìa các đường dữ, nên Tịnh-Nhãn đã từ lâu thông-đạt nơi “Pháp-Hoa tam-muội”, và Tịnh Tạng từ vô lượng kiếp đã thông-đạt môn “Ly chư ác thú tam muội”.

Phu nhân của vua đặng môn “Chư Phật Tập tam muội”, năng biết tạng bí-mật của chư Phật.

Nhờ hai con dùng sức phương tiện khéo hoá độ như thế, lòng vua tin hiểu, ưa mến  Phật-pháp.

Bấy giờ, nhà vua với quần thần quyến thuộc, Tịnh-Đức phu-nhân với thể nữ nơi hậu cung, hai vương-tử với 4 muôn 2 ngàn người đồng một lúc đi qua chỗ Phật Lôi-Âm ở. Đến nơi rồi, tất cả đều làm lễ rồi đứng qua một bên. Phật vì vua nói pháp, chỉ dạy điều lợi ích, vui mừng, nhà vua lấy làm vui đẹp.

Bấy giờ, vua Diệu-Trang-Nghiêm cùng phu-nhân mở chuỗi trân châu giá trị trăm ngàn đang đeo ở cổ, tung rải trên đức Phật. Trong hư-không, chuỗi ấy hoá thành đài báu bốn trụ, trên đài có giường báu lớn, trăm ngàn muôn thiên-y phủ lên, trên đó có Phật ngồi kiết-già, phóng hào quang-sáng lớn. Nhà vua mới nghĩ rằng: “Thân Phật ít có, đoan-trang, nghiêm chỉnh hết sức đặc biệt, thật là một sự thành-công vi diệu bậc nhất về mặt hình-tướng!”.

Bấy giờ Phật Lôi-Âm bảo bốn chúng: “Các ngươi thấy Diệu-Trang-Nghiêm chắp tay đứng trước ta đó chăng? Nhà vua, ở trong pháp ta, làm tỳ-kheo siêng ròng tu tập các pháp trợ Phật-đạo, sẽ đặng làm Phật, hiệu là Ta-La-Thọ-Vương, nước tên Đại-Quang, kiếp tên Đại-Cao-Vương. Phật Ta-La-Thọ-Vương có vô lượng Bồ-tát và vô lượng Thanh-văn, nước đó bình chánh, công-đức như vậy”.

Vua Diệu-Trang-Nghiêm tức thời giao nước cho em, rồi cùng phu nhân, hai người con và quyến thuộc, ở trong Phật-pháp xuất gia tu hành.

Xuất gia rồi, trong 8 muôn 4 ngàn năm, thường siêng tinh-tấn tu hành Kinh Diệu-Pháp, sau đó đặng tam-muội “Nhất-thế Tịnh-Công-đức Trang-Nghiêm”. Đặng tam-muội xong, liền bay lên hư-không cao bảy cây đa-la mà bạch Phật: “Thế-Tôn! Hai người con của con đây đã làm Phật-sự, dùng thần-thông biến hoá, xoay tâm tà của con, khiến con an trụ trong Phật-pháp, được thấy Thế-Tôn. Hai người con ấy là thiện-tri-thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước, làm lợi ích cho con, nên đến sanh vào nhà con”.

Phật Vân-Lôi-Âm bảo nhà vua: “Đúng thế! Đúng thế! Quả như lời ông nói, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào trồng cội lành, thời đời đời được gặp hàng thiện-tri-thức hay làm Phật-sự, chỉ dạy cho sự lợi ích vui mừng, khiến vào đường Vô-thượng-Giác.

“Đai-vương nên biết: Nhân-duyên lớn nào mà giáo hoá, dìu dắt làm cho đặng thấy Phật, phát tâm Vô-thượng-giác, thời đó là thiện-tri-thức.

“Đại-vương! Đại-vương thấy hai người con này chăng? Hai người ấy đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn muôn ức Hằng-hà-sa đức Phật, thân cận cung kính chư Phật, nơi chỗ chư Phật ở, thọ trì Kinh Pháp-Hoa thương tưởng những chúng-sanh tà-kiến mà khiến cho họ trụ trong chánh-kiến”.

Vua Diệu-Trang-Nghiêm, từ trên hư-không xuống tán thán công-đức Như-Lai xong, liền bạch Phật “Thế-Tôn! Thật là chưa từng có, Pháp của Như-Lai đầy đủ những vi-diệu công-đức xây dựng (thành-tựu) không thể nghĩ bàn, dạy răn việc làm, khiến được an ổn rất hay.Từ nay, con nguyện không còn theo “tâm-hành” của mình nữa, chẳng sanh lòng tà-kiến, ngạo-nghễ, giận-hờn”.

Thưa xong, vua làm lễ rồi lui ra.

Phật bảo đại chúng: “Ý các ngươi nghĩ sao? Vua Diệu-Trang-Nghiêm đâu phải người nào lạ, chính nay là Bồ-tát Hoa-Đức hiện ở trước Phật đó. Hai người con là Bồ-tát Dược-Vương và Dược-Thượng vậy. Hai Bồ-tát này đã thành tựu các công-đức lớn như thế, ai mà biết danh tự của hai Bồ-tát đó, thời đáng cho nhân dân lễ lạy”.

Lúc Phật nói phẩm “Diệu-Trang-Nghiêm Vương Bổn-Sự” này có 8 muôn bốn ngàn người xa trần lụy, rời cấu nhiễm, ở trong các pháp, đặng pháp “nhãn-tịnh”.

*

*  *

Huyền nghĩa

Trước xin nhắc hai lời giải của:

1.Hải-Ấn Đại-sư

Diệu-Trang-Nghiêm là Như-Lai tại triền, tiêu-biểu cho bát thức tâm vương.

Tịnh Tạng (Ý-thức), Tịnh-Nhãn (Mạt-na-thức) tiêu-biểu cho “chuyển nhiễm thành tịnh”.

Phu-nhân nhu thuận nội trợ, tiêu-biểu cho “Chỉ-quán nội huân” (Tịnh trị Vô-minh, cố danh Tịnh-Đức).

Hai con xin xuất gia trước, tiêu-biểu cho điều-kiện phải bắt đầu chuyển đệ-lục và đệ-thất thức nhiên hậu mới làm cho Bổn-giác xuất triền (Cha xuất gia đi tu).

Tóm: Dùng chỉ-quán lực để đặng “vô-phân-biệt-tâm”, có “vô-phân-biệt-tâm” thời cùng với chư Phật có một trí dụng tương ưng. Y-pháp-lực tu hành, Chân-như huân tập, diệt vô-minh, nên kêu là Pháp-lực-gia trì, còn phẩm trước là “thần-lực gia-trì”.

2.Minh-Chánh Thiền-sư.

Khéo giữ tâm mình, biện minh tà chánh, chớ thấy được như vậy mà cho là đủ rồi sanh lười biếng. Vì vậy:

-   Diệu-Trang-Nghiêm là tiêu-biểu cho tâm của người tu hành.

-   Tịnh-Đức phu-nhân tiêu-biểu cho Chánh Trí-huệ.

-   Tịnh-Tạng tiêu-biểu cho Chánh-Trí.

-   Tịnh-Nhãn tiêu-biểu cho Chánh-kiến.

Tu hành mà năng theo Chánh-Trí-huệ, Chánh-Trí, Chánh-Kiến ấy và lấy đó làm thiện-tri-thức, thời đó là “khéo giữ tự tâm”, đả phá sự che đậy của thức (Tu hành nhân năng y thử Chánh Trí-huệ, Chánh-Trí, Chánh-Kiến, dĩ vi bổn hiện thiện-tri-thức, thử giả thiện hộ tư tâm phá thức âm)

Theo lối giải từ trước tới nay của tôi và cũng theo mạch Kinh , nghĩa huyền của phẩm 27 hình như sau đây.

Kinh bảo, hồi đời lâu xưa vô cùng vô tận, tại nước Quang-Minh, có Phật hiệu Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí. Nếu chúng ta phân-tách danh-hiệu này, chúng ta sẽ thấy có ba đoạn:

-   Vân-Lôi-Âm (tiếng của mây-sấm hay của sấm chập-chồng như mây đùn).

-   Tú-Vương (vua của các tinh-tú).

-   Hoa-Trí (tinh-hoa của các trí: fleur desintelligences, tức “bát-nhã-trí”

Vậy, theo phương-pháp tượng-trưng, chúng ta có thể hiểu đoạn đầu của Kinh như thế này: Tâm nào (nước) có Ánh-Sáng (Quang-Minh) thời ở đấy có Tiếng Sấm liên tục (Vân-Lôi-Âm), có một vì sao chúa các tinh-tú (Tú-Vương), có Hoa Trí-Huệ(Hoa-Trí). Đó là tâm-trạng, là đời sống tinh-thần của những người tu hành đã giác-ngộ, nói đúng hơn: đã trở về với bổn-tâm, bổn-tánh của mình. Tiếng sấm tiêu-biểu cho tiếng Pháp (Voix du Dharma) hay Diệu-Âm đã nói ở phẩm trước.

Còn sau đây là nghĩa ẩn của toàn phẩm.

Người “vua” nào mà lấy cái “diệu” (spiritualité) mà trang-nghiêm thân, thời trong có đức Tịnh, mà có Tịnh, là có sanh Tịnh-tạng,Tịnh-nhãn là hai hậu quả của Thanh-tịnh. Tịnh-tạng là Phước-đức; Tịnh-nhãn là Chánh-kiến, là Trí Bát-nhã.

Nhưng chưa đủ, còn cần phải đạt đến chỗ tiếng Sấm liên hồi, tức tiếng Pháp bất tuyệt.

Và muốn nghe được tiếng Pháp ấy, phải thấy cho được cái Vô-ngại (đi đứng ngồi nằm trong hư-không), cái Biến-hoá (trên nước dưới lửa, trên lửa dưới nước) cái Vô-cùng Vô-cực (lớn hiện ra nhỏ, nhỏ hiện ra lớn) cái Ẩn-hiện vô chừng (Ẩn là Non-manifesté, Hiện là Manifesté), và cái Khắp-cùng (vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất) của cái mà Kinh, ngay ở phẩm đầu đã chỉ, gọi là “Nhất-chân-pháp-giới” bình-đẳng-L'Univers-Un-Réel-Identique; Tâm-Sắc là Một.

Cái thấy ấy, không cần học với ai hơn là học với ông Phật Vân-Lôi-Âm của mình, với Tâm-Pháp của mình. Vậy mình là đệ-tử của mình.

Có 4 điều-kiện cần thực-hiện nếu muốn đến chỗ Vân-Lôi-Âm: toàn thân (vua và quần thần phải được “diệu-trang-nghiêm” (giữ  giới), toàn tâm (phu nhân và thể nữ) phải hoàn-toàn thanh-tịnh (tịnh-đức), toàn thức (ý-thức tức Tạng-thức và tiền ngũ-thức do Nhãn đại diện) phải được thanh-tịnh, và chót hết là cúng-dường tự Phật, tán thán tự Pháp. _Lễ Phật Lôi-Âm là lễ tự tâm, và muốn Giác-ngộ (thành Phật), phải ở trong Pháp-Phật (Tâm thanh-tịnh) mà tác sự, bao nhiêu việc thế đều xả (giao nước cho em), không theo những “hành” của tâm tà-kiến, ngạo-nghễ, giận hờn.

 

PHẨM THỨ 28

 

PHỔ-HIỀN BỒ-TAT KHUYẾN PHÁT

(Satisfaction de Samantabhadra)

 

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Phổ-Hiền dùng sức thần-thông tự-tại, cùng vô lượng vô số Bồ-tát và chư Thiên, Long…. đến núi Kỳ-xà-quật cõi Ta-bà, làm lễ và bạch Phật: Thế-Tôn! Con ở  nơi nước của Phật Bảo-Oai-Đức-Thượng-Vương, xa nghe ở cõi Ta-bà này có thuyết Kinh Pháp-Hoa, nên cùng vô lượng Bồ-tát đến nghe lãnh, cúi mong Thế-Tôn vì chúng con, nói Kinh cho nghe! (Lại nữa), sau khi Như-Lai diệt độ, các trai lành gái tốt làm thế nào mà đặng Kinh Pháp-Hoa?”

Phật bảo Bồ-tát Phổ-Hiền: “Sau khi Như-Lai diệt độ, thiện nam-tử, thiện nữ-nhân nào muốn đặng Kinh Pháp-Hoa thời trước phải thành tựu 4 pháp (hội đủ 4 điều-kiện) là:

1.đươc chư Phật hộ niệm

2.trồng các cội công-đức

3.vào trong chánh-định

4.phát tâm cứu tất cả chúng-sanh.

Bồ-tát Phổ-Hiền bạch Phật: “Thế-Tôn! Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, nếu có người thọ trì Kinh Pháp-Hoa, con sẽ bảo bọc họ, trừ các suy-tồn, hoạn hoạ, làm cho họ đặng an ổn và khiến các loài ma quỉ đều không có dịp tiện làm hại. Ai trong lúc đi đứng mà giữ đọc tụng Kinh này, thời con sẽ cỡi tượng trắng cùng chư đại Bồ-tát, hiện ra trước người đó để cúng dường, bảo bọc và an ủi tâm người đó, bởi lẽ phải cúng dường Kinh Pháp-Hoa. Nếu người đó ngồi suy gẫm nghĩa Kinh, thời con cũng cỡi voi trắng hiện ra cùng người ấy chung đọc tụng và làm cho họ thông thuộc, nếu có quên mất một câu hay  một bài kệ của Kinh. Người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp-Hoa mà đặng thấy thân con, thời lòng rất vui mừng lại thêm tinh-tấn và đặng tam-muội cùng các “triền đà-la-ni”, “pháp-âm đà-la-ni”, v.v…

Thế-Tôn! Năm trăm năm về sau, trong đời ác trược, trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, nếu có người cầu tìm, thọ trì, đọc tụng, biên chép Kinh này và mưốn tu tập, thời trong 21 ngày, phải một lòng tinh-tấn. Mãn 21 ngày rồi, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, hiện ra trước người đó để nói pháp chỉ dạy sự lợi ích vui mừng và cho chú đà-la-ni. Đặng chú này rồi, thời klhông có loài phi-nhân (ma quỉ) nào có thể phá hoại được, cũng không bị nữ-nhân hoặc loạn”.

Bạch xong, Bồ-tát Phổ-Hiền đọc bài chú và tiếp thưa “Thế-Tôn! Bồ-tát nào nghe đặng chú này, phải biết đó là sức mạnh thần-thông của Phổ-Hiền vậy. Ai thọ trì đặng Kinh Pháp-Hoa, thời đó là nhờ sức oai-thần của Phổ-Hiền. Ai thọ trì, đọc, tụng, ghi nhớ chân chính, hiểu nghĩa lý và thú hướng của Kinh và đúng theo lời Kinh mà tu hành thời người đó tu hạnh của Phổ-Hiền, ở nơi vô lượng Phật sâu trồng cội lành và sẽ được chư Như-Lai lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép không, thời khi mệnh chung, sẽ sanh lên trời Đao-lợi, được thiên-nữ trổi nhạc đón rước, vui chơi khoái lạc, đầu đội mũ bảy báu. Còn ai thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa, thời khi mạng chung, được ngàn đức Phật đưa tay (tiếp dẫn), khiến chẳng sợ sệt, chẳng đoạ vào nẽo dữ, liền lên cung trời Đâu-Suất chỗ Bồ-tát Di-Lặc ở, sanh vào hội của Bồ-tát Di-Lặc mà thành-phần là chư đại Bồ-tát và trăm ngàn muôn ức thiên-nữ.

“Thế-Tôn! Con xin đem sức thần-thông thủ hộ Kinh Pháp-Hoa, để sau khi Như-Lai diệt độ, tại cõi Diêm-phù-đề, làm cho kinh này được rộng lưu-truyền, không cho đoạn-tuyệt”.

Lúc bấy giờ, đức Thích-Ca khen: Hay thay! Hay thay! Phổ-Hiền! Ông có khả- năng hộ-trợ Kinh này, làm cho chúng-sanh đặng an vui lợi ích. Vì đã thành tựu nhiều công-đức không thể nghĩ bàn, vì tâm từ-bi của ông đã được sâu lớn, vì từ lâu xa ông đã phát tâm cầu Vô-thượng-giác, cho nên nay mới năng phát nguyện thần-thông, thủ hộ Kinh này. Ta sẽ dùng sức thần-thông mà bảo vệ người thọ trì danh hiệu của Bồ-tát Phổ-Hiền.

“Này Phổ-Hiền! Ai thọ trì, đọc tụng, sửa đổi những nhớ tưởng của mình cho chân chính, tu tập, biên chép Kinh Pháp-Hoa này, nên biết người ấy ắt thấy Phật Thích-Ca và nghe lời Kinh như tự miệng Phật Thích-Ca nói ra; nên biết người ấy cúng dường Phật Thích-Ca; nên biết người ấy được Phật khen ngợi; nên biết người ấy được Phật Thích-Ca lấy tay xoa đầu, nên biết người ấy được Phật Thích-Ca lấy áo trùm thân,. Người như thế thời không còn trở lại ham mê những vui sướng của thế-gian, chẳng ưa thích kinh sách của ngoại đạo, cũng chẳng còn vui gần-gũi ngoại đạo, kẻ ác, hàng thịt, người nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, kẻ buôn nữ sắc. Người đó tâm ý chân-chất, ngay thẳng, những nhớ tưởng đều chân-chính, có phước đức mạnh. Người đó chẳng bị ba món độc (tham, sân, si) làm não hại, cũng chẳng bị tật ganh-ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại. Người đó ít ham muốn, biết đủ, có khả-năng tu hạnh Phổ-Hiền.

“Phổ-Hiền! Năm trăm năm sau khi Phật diệt độ, thấy người thọ trì, đọc Kinh Pháp-Hoa, thời phải nghĩ rằng người ấy chẳng bao lâu sẽ đến đạo-tràng, phá các thứ ma, thành Vô-thượng-giác, chuyển pháp-luân, đánh trống pháp, thổi loa pháp, rưới mưa pháp, sẽ ngồi trên pháp-toà sư-tử trong đám trời người.

“Phổ-Hiền! Ở đời sau, ai thọ trì đọc tụng kinh này thời người đó chẳng còn ham ưa quần áo, giường nằm, ăn uống, nói tóm là không còn thiết-tha với những vật cần cho sự sống, còn có mong ước gì thời cũng không mong ước những việc hư huyễn, lại ngay trong hiện đời, đặng phước báo của những giải-thoát vừa nói.

“Thấy người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp-Hoa mà chê là làm việc điên cuồng rốt cuộc không lợi ích gì, ai phạm tội ấy sẽ có báo ứng là đời đời không mắt. Trái lại, ai cúng dường khen ngợi, thời ngay trong hiện đời được quả báo tốt.

Thấy người thọ trì đọc tụng mà vạch bày lỗi lầm của người ấy, dầu có  dầu không, thời ngay hiện đời phải mắc bệnh cùi,. Còn khinh cười thời đời đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chưn cong queo, mắt lé, thân thể hôi dơ, ghẻ độc máu mủ, bụng thủng, thở ngắn và các bệnh nặng khác. Vì vậy, này Phổ-Hiền, nếu thấy người thọ trì Kinh này thời phải đứng dậy ra xa tiếp rước, như kính đón Phật vậy”.

Lúc Phật nói phẩm “Phổ-Hiền Bồ-tát khuyến phát” này, có Hằng-ha-sa Bồ-tát muôn ức đà-la-ni, còn chư Bồ-tát đông như bụi trong ba ngàn đại-thiên thế-giới đặng đầy-đủ hạnh Phổ-Hiền.

*

*  *

Huyền nghĩa

Phổ-Hiền tiêu-biểu cho Đại-hạnh, như Văn-Thù tiêu-biểu cho Đại-trí. Có trí mà không hành- không có những hạnh tương xứng với trí- thì không đi đến đâu hết, huống chi có hành mới thâm nhập diệu nghĩa, diệu cảnh (acquérir la spiritualité).

Vì lẽ này mà Kinh mượn lời hỏi của Phổ-Hiền để cho Phật dạy cách “hành” khả dĩ giúp sự thâm nhập vào diệu nghĩa của kinh Pháp-Hoa (đắc Pháp-Hoa).

Muốn thâm nhập phải thực-hiện 4 điều kiện ( tứ Pháp):

1.giữ mãi Ánh-sáng trong lòng (được Phật hộ-niệm).

2.làm việc phúc-đức (trồng các căn lành).

3.tu cho được chánh-định, nghĩa là giữ tâm không tán loạn, không để ý ngoại cảnh làm xúc động.

4.phát tâm Đại-bi, nguyện cứu muôn loài.

Tóm lại, phải trau dồi trí bát-nhã, hành thiện, chánh-định và phát  đại -bi tâm.

Đó là nguyên tắc, bây giờ đến phương-tiện thực hành. Đại khái như sau:

a)Thọ trì (nắm giữ lời Kinh dạy)

b)Vừa thọ trì mà vừa đọc tụng trong lúc đi đứng (có như vậy mới nhập tâm)

c)Vừa thọ trì, đọc tụng mà còn suy gẫm để hiểu nghĩa Kinh.

Thọ trì không thời tâm an ổn, xa lánh được sự cám dỗ của tình dục (ma quỉ). Thêm vào sự đọc tụng để ghi nhớ mãi thì được thêm nhiều công-đức (thấy Phổ-Hiền và chư Bồ-tát). Lại thêm vào sự suy gẫm thời thêm sáng suốt và trí nhớ, ngoài ra còn đặng sự vui sướng, thêm tinh-tấn và chánh-định.

Nhưng muốn tu tập cho đúng phép, thời phải tu tập liên tiếp trong 21 ngày, luôn luôn tinh-tấn, không một lúc nào giãi-đãi. Mãn 21 ngày sẽ thấy hiệu-nghiệm là kiên cố trong chỗ tu hành và nhờ kinh-nghiệm đó mà sẽ có những kinh-nghiệm khác, khiến cho mình tránh khỏi mọi sự nguy hiểm của tình dục và nữ sắc.

Đó là kết-quả của công phu bên ngoài. Còn sau đây là kết quả của công phu bên trong (Phật thủ hộ) nhờ sức bên ngoài làm phát sanh:

v     Tâm sáng thấy tánh (như thấy Phật, như nghe Phật thuyết pháp)

v     Trừ 3 độc, tật đố (ganh ghét), phách lối (ngã mạn), cố chấp những kiến giải sai lầm của mình (tà mạn), tu hành chưa đến đâu lại tự hào là đã chứng (tăng thượng mạn). Lại được bớt ham muốn, biết an phận thủ thường (tri túc: biết đủ).

v     Không lâu sẽ tu hành đắc Đạo (đến đạo tràng phá ma quân, thành chánh Giác)

Thọ trì Kinh Pháp-Hoa thời có nhiều ích lợi, lớn nhỏ tuỳ công-phu sâu cạn của mỗi người. Trái lại, ai khinh chê người thọ trì đọc tụng….thời có nhiều hoạ-hoạn, sống mãi trong đen tối (không mắt), trong bất chánh (tay chưn cong queo, mắt lé, mũi xẹp…).

 

 

TỔNG KẾT KINH PHÁP HOA 

Đứng về mặt văn-từ mà xét, Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa thuộc về loại Kinh Đại-thừa gọi là “Đại-phương-đẳng” hay “Đại-phương-quảng”. Sao gọi là “Đại-phương-quảng”? Sách Thám-Huyền-Nghĩa-Ký viết:….”Tuyên thuyết quảng đại thậm thâm pháp cố, danh vi phương quảng” ( Bày nói Pháp rộng lớn và hết sức sâu, bởi lẽ đó lấy tên là phương-quảng). Theo ông E.Burnouf, “Đại-phương-quảng” có nghĩa là “à grands développements” (giải rộng ra). Chúng tôi nghĩ ý kiến của ông E.Burnouf có lẽ đúng. Thật vậy, nếu “phương-quảng” có nghĩa là “bày nói Pháp rộng lớn và hết sức sâu” thì Kinh Đại-thừa nào không nhắm vào chủ-đích đó. Đặc-tính của Kihn Diệu-Pháp như chúng ta đã thất là lối trình-bày mà chúng tôi xin sám-hối nói là “trường thiên đại hải”, nghĩa là có thể trình bày vắn tắt, nhưng Kinh lại nói dông dài. Thí dụ, thay vì khuyên người đời đừng tự khinh khả-năng thành Phật của mình, Kinh lại đưa ra sự tích Bồ-tát Thường-Bất-Khinh, vừa dài vừa khó hiểu. Nhưng có dài có khó như thế này, người đọc học mới có cố-gắng tìm hiểu và khi đã hiểu được rồi, cái ghi nhớ mới thâm thuý và dẻo dai.

Lại nữa bao nhiêu chân-lý tuyệt vời trong Kinh thường  trình bày dưới hình thức những tỷ-dụ (paraboles), có giá-trị như những câu chuyện ngụ-ngôn (fables) mà người đọc cần phải nhận định và tìm hiểu cái nghĩa ẩn chứa đựng ở bên trong, chớ không nên tin theo mặt chữ. Những tỷ dụ, những ngụ ngôn ấy, Phật gọi là phương-tiện (moyens), mà phương-tiện thuộc về thế-gian. Vậy lối trình-bày trong Kinh Diệu-Pháp là lối “dĩ huyễn độ Chân”, dùng sự huyễn-hoặc (illusion) để đưa đến chỗ chân-thật (Réalité), gần như lấy việc đời mà giải lý Đạo. Tại sao thế? Tại vì Đạo “ly ngôn, tuyệt tướng”, hễ là Đạo thì tuyệt đối, là vô tướng, cho nên không thể lấy lời mà giải. vì lời là khí-cụ để diễn đạt cái tương đối và cái hữu hình hữu tướng. Để cho chúng-sanh có một khái-niệm về cái Chân-thật tuyệt đối ấy, không còn phương-pháp nào khác hơn là dùng những tỷ-dụ.

Đây là hai điểm quan-trọng mà thiết nghĩ người đọc Kinh Pháp-Hoa cần ghi nhớ và áp dụng trong công-phu tìm hiểu nghĩa huyền của Kinh. Không hiểu được Phật muốn nói gì, muốn chỉ gì trong những câu chuyện, sự tích….ghi trong Kinh thì dễ cho Kinh nói chuyện hoang-đường, hay dễ tin nhảm như tin những chuyện đấu phép trong tiểu thuyết xưa của Trung-Hoa. Trước khi nói Kinh, Phật đã dùng dằng và để cho Xá-lợi-Phất phải ba phen ai cầu mới chịu mở lời. Thái độ ấy chỉ rằng những gì Phật sắp nói thuộc về Chân-lý tuyệt đối khó nghe, khó hiểu, khó nhận, nói ra chỉ làm cho “tất cả Trời Người kinh sợ, còn hàng tu-sĩ tự hào sẽ sa vào hầm tội lỗi”. Khó hiểu, khó nhận vì cái “thấy biết” (tri-kiến) của Phật vượt lên khỏi cái tầm hiểu biết của thế-nhân (dépasser l'entendement humain). Nhưng rồi Phật cũng nói , sau khi cặn dặn: “Không phải lấy óc suy-lường và phân-biệt mà hiểu được Pháp, vì vậy phải dùng vô số phương-tiện như nhân-duyên, lời-lẽ, tỷ-dụ mà diễn nói”.  Đức Phật còn dặn: “Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, và suy-gẫm cho khéo léo”.

*

*  *

MỤC TIÊU CỦA KINH

Mỗi một bộ Kinh là một bài giảng của Phật, mà hễ là bài giảng thì phải có chủ-đích. Vậy chủ-đích của Kinh Diệu-Pháp (Le Dharma Sublime, Merveilleux) hay Pháp-Hoa (La Fleur du Dharma) là gì?

Là chỉ cái “Tướng-Thật và cái Cảnh-Chân” (Thật-tướng Chân cảnh) mà mắt phàm không thấy, ngược lại với cái tướng không-thật và cái cảnh không-chân trong đó thế-nhân đang sống và lầm tưởng là chân-thật. không chân-thật là “Irréel”; Chân-thật là “Réel” và cái Chân-thật là “la Réalité”.

Chúng ta chia có vật-chất tinh-thần, có sắc có tâm, có muôm loài sai biệt (trí phân-biệt; esprit discriminateur). Chúng ta lầm vì chúng ta không thấy được mọi mặt, mọi khía-cạnh của pháp-giới hay vũ-trụ vô biên. Chúng ta là những người mù rờ voi, ai rờ đâu biết đó mà thôi.

Phật đã đạt đến chỗ thấy hoàn-toàn, cho nên Phật nhận rằng phân-biệt như trên là sai. Đúng với sự thật, thời “ Tất-cả là Một, Một là Tất-cả, tinh-thần và vật-chất là Một, sắc và tâm là Một”.

Thấy được cái Một ấy, sẽ thấy rằng:

1.Toàn thể pháp-giới là Nhất, Chân, Bình-đẳng, nghĩa là toàn-thể vũ-trụ vô biên với tất cả những sự vật sai biệt, hữu hình vô hình, hữu tướng vô tướng chất chứa trong ấy, ngang nhau, là Một, và cái Một ấy chân-thật và luôn luôn như thế mãi, không biến đổi (l'Univers est UN, réel et identique à soi-même).

2.Toàn thể đã là Một thời chúng-sanh và Phật như nhau, vô minh và Giác-ngộ như nhau, không hai không khác (Sanh, Phật bình-đẳng vô nhị) (L'ignorance et

l' Eveil ne sont pas deux choses différentes)

Tuy chúng-sanh sống trong chỗ thân tâm động loạn bởi sự tiếp xúc giữa căn và trần gây ra (ngũ-quan và ngoại cảnh), chúng-sanh không hề tách ra và lìa khỏi cái “Sáng-Khắp-Cùng” (Phổ-Quang), Phổ-Quang này đồng thời cũng là cái “Trí-Sáng” (Minh-Trí). Đây là chỗ Kinh-điển Hán-văn nói: Chúng-sanh động loạn căn trần, bất ly Phổ-Quang Minh-Trí”. Cái Ánh-Sáng Trí-Huệ ấy (Lumière-Sagesse) là Tâm, là Phật-tánh, là Như-Lai, là Phật, là Đa-Bảo…

NHẤT, CHÂN, BÌNH-ĐẲNG PHÁP-GIỚI

Với cái trí-óc hữu hạn (intellect), với cái tâm luôn luôn dao-động (mental), với cái biết tầm thường hay Thức (conscience), chúng-sanh không bao giờ nhận thấy được cái “Pháp-giới nhất, chân, bình-đẳng” được . Muốn nhận thấy được, cần phải:

1.hướng trí mình về chỗ vô-lượng vô-biên, tức là chỗ tuyệt-đối (absolu), đó là nghĩa chỗ Phật nói Kinh Vô-lượng-nghĩa.

2.đứng vững trong chỗ tuyệt-đối mà ngó, mà xét, mà thấy, đó là nghĩa của chỗ Phật “nhập Vô-lượng-nghĩa xứ”;

3.phải dùng mắt trí-huệ (Eil de l'Intelligence ou de la Sagesse) mà chiếu soi (tượng trưng bằng sự phóng hào-quang).

Đây là nghĩa huyền của phẩm thứ nhất.

Cảnh giả thời có sanh, có diệt. Cảnh thật không sanh, không diệt, như Phật đã chỉ trong phẩm 11 (Hiện Bảo-Tháp); Trong Tháp có thân Phật Đa-Bảo, tuy tịch diệt từ lâu, nhưng còn nguyên vẹn.

Tất cả đã là Một, thời không có hai cảnh riêng biệt, một Tịnh, một Uế…-Ba phen biến Ta-bà thành Tịnh-độ và cho mắt phàm thấy mười phương chư Phật ngay đây (phẩm 11), đó là nghĩa của chân-lý: Uế là Tịnh, Tịnh là Uế.

Cũng vì Tất cả là Một, cho nên trong vũ-trụ vô biên, mọi sự mọi vật có một sự liên-hệ mật thiết, đây động là toàn pháp-giới đều động (Tằng-hắng và khảy móng tay là vang động 10 phương-phẩm 21: Như-Lai Thần-lực). Có biết rằng tất cả đều liên hệ với nhau dính chùm với nhau, con người mới thấu rõ cái lẽ không thể sống riêng tư, không thể làm hại người mà chẳng có sự phản-ứng lại cho tự-mình, luôn cả cái lẽ hễ làm vui cho người là làm vui cho mình.

SANH, PHẬT BÌNH-ĐẲNG, VÔ NHỊ

Tất cả là Một, thời tất cả đều bình đẳng như nhau. Bình đẳng trên nguyên-thể, ở chỗ nguồn-cội, trên Tánh, trên Tâm, trên cái Bất-sanh, Bất-diệt chung cho muôn loài. Vì vậy nên nói chúng-sanh và Phật là bình-đẳng. Nhưng đã là ngang nhau, tại sao lại chia có chúng-sanh và Phật? Trên bản-thể thời Một và bình-đẳng, nhưng trên hiện tượng, trạng thái, thời có hai, như cái tánh ướt thời có một cho cả nước và sóng, nhưng về mặt hình-tướng thì có hai cái mà mắt phàm thấy khác nhau là nước và sóng. Cũng thế, chỉ có một bản-thể, nhưng nếu bản-thể ấy ứng hiện trong Tịnh, Giác-ngộ, Giải-thoát thời gọi là Phật, ngược lại thời gọi là chúng-sanh.

Để chứng minh sự thật ai cũng có Tánh Phật và giàu công-đức như nhau, Kinh đã đưa ra cái tỷ-dụ người “Cùng tử” trong phẩm thứ 4. Cái lầm ở chúng-sanh là không biết và không dám tự nhận là con nhà giàu sang cao cả, như chàng cùng-tử, và cũng quên luôn rằng mình là một người “say trong vạt áo có hòn ngọc quí” (phẩm 8).

Vì tất cả chúng-sanh đều đồng một Tánh Giác như nhau, cho nên dầu có lạc loài ty-tiện đến đâu, một ngày kia nhất định phải trở về với quê cha đất tổ, với cái sự nghiệp to lớn của mình, nghĩa là tất cả, cuối cùng, sẽ thành Phật. Nếu không phải vậy, thời Phật đã không thọ ký cho Xá-Lợi-Phất (Phẩm 3), cho 4 đại đệ tử (Phẩm 6), cho 500 đệ-tử (Phẩm 8), cho hàng Thanh-văn đã hoặc chưa đắc quả La-hán (Phẩm 9). Thậm chí đến nữ-nhân cũng có phần thành Phật (Phẩm 13, thọ ký cho Kiều-Đàm và Da-Thâu), đến người trẻ tuổi cũng vậy (Phẩm 12-Long-nữ).

Nam, nữ, trẻ, già đều là cái tướng bề ngoài, còn cái thể trắng trong ở nội giới, thời ai cũng  như ai.

*

*  *

Trên đây là hai chân-lý tuyệt vời, khó nghe, khó hiểu mà Phật đã giãi bày trong Kinh Diệu-Pháp, vào lúc mà Phật thấy các hàng đệ-tử đã đủ điều-kiện thọ lãnh (Chư Phật Như-Lai đúng lúc mới nói Pháp mầu, như hoa Ưu-đàm, đúng tiết mới nở một lần).

 

NHƯNG THỰC-TƯỚNG CHÂN-CẢNH LÀ GÌ?

Là Tâm, là Như-Lai, .v.v… như đã nói.

Tuy biết tinh thần không lìa vật chất (la matière n'est pas différente de l'Esprit), sắc không khác tâm (sắc bất dị không) nhưng trong vòng tương-đối, tinh thần hay tâm vẫn siêu-việt, vì vậy nên ví mà nói Bảo-Tháp từ đất vọt lên và lững lơ trên hư-không (Phẩm 11). Tuy siêu-việt, nhưng không phải xa cách, riêng biệt cho nên nói từ đất (tâm) vọt lên; vì siêu-việt nên nói ở trên hư-không.

Tâm ngậm chứa tất cả, ngoài Tâm không có gì và phàm Thánh đều ở trong Tâm, do đây mà trong Phẩm 1, tất cả đều hiện ra trong ánh-sáng từ giữa đôi lông mày phóng ra (tượng-trưng cho Trí-Huệ).

Trong Tâm có đầy đủ khả năng tự giải-thoát (Phật từ khước sự giúp đỡ của Bồ-tát các phương khác - Phẩm 15). Bồ-tát các phương khác tượng-trưng cho tha-lực. Từ khước tượng-trưng cho tư-lực đầy đủ.

Trong Tâm cũng có đủ mọi công-đức, có vô số Bồ-tát (tượng-trưng cho các đức), do đây mà nói vô số Bồ-tát từ đất hiện lên (Phẩm 15).

Tâm cũng là Trí-Huệ vô biên, là Tự-tại vô ngại (Liberté absolue), là Thần-thông vô cùng (Pouvoirs illimités), là Vô-uý, can đảm vô hạn.

Tâm bất-sanh bất-diệt, không tới không lui, đâu cũng là Tâm, cho nên gọi là Như-Lai (không do đâu mà đến, cũng không hướng về đâu mà đi). Vậy Tâm là hiện-tại thường-hằng (le Présent éternel).

Tuy nói nhiều tâm, nhiều Phật, thật sự chỉ có Một. Mà Tâm, Phật cũng là Pháp, cho nên Hằng-hà-sa Phật chỉ nói có một Pháp. Lại nữa, tuy nói nhập Niết-bàn, Phật vẫn hằng ở thế-gian (Phẩm 15 và phẩm 16: Như-Lai thọ lượng), vì Pháp bất ly thế-gian-pháp, Chân-lý ở ngay trong mọi sự mọi vật của mọi thời-gian và mọi phương hướng.

LÝ DO LẬP BA THỪA

Sự-thật  là như trên, nhưng vì khó giải và nan lường cho nên lúc đầu, Phật phải tạm lập ra ba Thừa, để lần hồi khuyến-hoá, dắt dẫn chúng-sanh ra khỏi ba cảnh đời lửa đốt là: 1) cảnh đời của thân vật-chất (monde physique, matériel), 2) cảnh sống của tình-cảm, tham dục (monde sentimental, émotionnel), 3) là cảnh sống của lo nghĩ, tính toán, khái niệm (monde de la conscience, de la conceptualisation). Hán-văn gọi tam giới: dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới mà trong phẩm  2, Phật ví như nhà lửa, nhà bị cháy- tuy tạm chia có ba trình-độ, ba phương-thế Giải-thoát, thật ra chỉ có một, vì dầu nói đắc quả Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, tất cả những quả ấy đều như những trụ đá đánh dấu trên con đường duy-nhất là con đường dẫn đến mức cuối cùng Giác-ngộ và Giải-thoát, con đường Phật (Phật-đạo). Do đây, tuy hứa cho mỗi đứa con một chiếc khác nhau, rốt cuộc ông cha cho có một thứ xe vừa to, vừa đẹp. (Phẩm 2- Hoả-trạch).

Đường có Một, nhưng vì diệu viễn, sợ chúng-sanh chán-nản ngã lòng, cho nên lại quyền mà hứa Niết-bàn với hàng Thanh-văn. Nay đem sự thật tuyệt đối ra dạy, Phật phải điều chỉnh mà nói rằng Niết-bàn ấy chưa phải là mức cuối cùng (Phẩm 6).

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẤY SỰ-THẬT TUYỆT ĐỐI?

Phải: 1) Triệt lục căn, tứ-đại chi chướng ngại, nghĩa là phải dẹp bỏ tất cả những chướng-ngại do sáu căn và xác thịt xây dựng án Mắt-Trí. Phải bỏ cái “thấy biết” hữu hạn và cái sai lạc của “tâm-thức”, tức là cái thấy-biết tương đối (Phẩm 1: Phi tâm-thức khả tri);

2) Phải có đầy đủ sáng-suốt, nghĩa là phải có Trí-Huệ viên-mãn (Phóng-quang trong phẩm 1), vì “phi Trí bất nhập”

PHƯƠNG PHÁP HÀNH

Làm thế nào để triệt lục căn và phóng quang?

A.   Ngoài:  -    phải đọc tụng Pháp-Hoa, để lấy đức trang-nghiêm Phật mà trang-nghiêm tự thân,

-   phải sanh lòng kính tín (phẩm 10)

-   phải chọn nơi giao thiệp (phẩm 14- Thân-cận xứ, An-lạc hạnh).

B.   Trong:  -    phải vào nhà Như-Lai (có từ-bi)

-   phải mặc áo Như-Lai (có nhẫn nhục)

-   phải ngồi chỗ Như-Lai ngồi (đứng vững trong cái lý không (Pháp-Không)

-   phải diễn đạt Pháp trong tư-tưởng, lời nói, việc làm (Phẩm 19-Phápsư công-đức)

-   phải đừng khinh khả-năng thành Phật giải-thoát của mình (Phẩm 20)

-   phải luôn luôn hy-vọng và tin-tưởng ở bước huy-hoàng cuối –cùng, vì dữ cho mấy rồi cũng hoá hiền và mỗi hoàn-cảnh ngang trái là một bài học giác-ngộ, người thù ta là bạn ta (Phẩm 12- Đề-bà-đạt-đa)

-   phải cố-gắng luôn luôn (Phẩm 13- Trì)

-   phải hướng nội, đi sâu vào “Diệu-cảnh” để:

·  đắc Thanh-tịnh, vì Tịnh trị Vô-minh, phá ngã-chấp và pháp-chấp (Phẩm 23)

·  giải tất cả những lời nói của thâm tâm và theo đó mà làm (giải nhất thế ngữ ngôn, dĩ vô tác diệu lực tác chư Phật-sự-Phẩm 24: Diệu-âm)

·  phát đại-bi tâm, ứng hiện khắp cùng, cứu khổ cho mọi loài (Phổ môn thị hiện, tầm thanh cứu khổ-Phẩm 25: Quán-thế-âm)

TIN LÀM NHƯ THẾ CÓ LỢI ÍCH GÌ?

Tin làm như thế, sẽ đặng:

_ Nhẫn nại, nắm giữ tánh định, thích nói Pháp, biện-tài vô-ngại, giải-thoát, tinh-tấn, thanh-tịnh, sanh lòng cầu Chánh-giác.

_ Trí-huệ là công-đức to lớn hơn hết trong sáu Ba-la-mật.

_ Không thấy chúng-sanh mà thấy Phật, không thấy Ta-bà mà thấy Tịnh-độ.

 

KẾT LUẬN

Được như thế là đã “minh-tâm, kiến-tánh, thành Phật”, sống trong Ánh-Sáng thanh-tịnh và từ-bi của Tự-tâm. Và đến đây, chủ đích thuyết Kinh Pháp-Hoa (khai, thị, ngộ, nhập) của Phật cũng hoàn mãn.

 

HẾT

 

PHỤ CHÚ VỀ CHỮ TÂM

Chữ “Tâm” dùng trong Kinh Diệu-Pháp đồng nghiã với chữ Tuyệt-đối (Absolu) của triết-học.

Tâm ở đây không chỉ là một cái gì riêng biệt đang ẩn nấp trong mỗi xác thịt, mà chỉ một cái gì chung cho tất cả chúng-sanh. Tâm cũng không có nghĩa một chất gì đó hay một quyền-năng nào đó có tài uốn-nắn, hoá sanh muôn vật.

Tâm đã là Tuyệt-đối thời không thể nói Tâm là thế này hay là thế nọ được. Thí dụ, không được nói Tâm là vô cùng tận, vì hễ nói Tâm là vô cùng tận thì những cái gì có giới hạn phải bị gạt bỏ ra ngoài Tâm, trong khi chỉ có Tâm mới là cái Chân-thật (Réalité) duy-nhất; ta và ngoại cảnh (núi sông, cây cỏ, cầm thú…) mà ta tiếp xúc, nhận biết được nhờ ngũ-quan làm môi giới, tất cả những cái ấy không gì khác hơn là Tâm. Nếu bảo Tâm là vô cùng cực, tức là để Tâm ra một bên và những cái không phải vô cùng tận như sông, núi, cầm thú, thảo mộc….ra một bên khác, hai đàng không dính líu với nhau, thí như nói nước là riêng và sóng là riêng, trong khi nước tức là sóng, sóng tức là nước.

Lại nữa, luận đến Tâm mà nói “có”, nói “không” cũng là sai. Phải hiểu vấn-đề “hữu-vô” như thế này. Đứng về phương-diện tuyệt-đối mà xét thì tất cả là Một và Một đây là Tâm. Muôn vật mà chúng ta nhờ ngũ-quan nhân biết được, trong tuyệt đối, không thật có. Đó chẳng qua là những cái gì chất chứa, tổ hợp tạm thời trong một giai đoạn ngắn ngủi, để rồi tan rã như bọt nước, như sương mai. Thuyết “tương đối” và thuyết “vạn vật do nguyên tử hợp thành” của Khoa-học ngày nay chứng tỏ điều này. Sở dĩ có hợp, có tan là do nhân-duyên. Mỗi vật (pháp) là kết quả của vô lượng nguyên-nhân nối tiếp nhau như một dây chuyền mà không sao tìm ra đầu mối được. Vậy không có một vật nào thường còn mãi-mãi, hay tự hoá tự sanh mà không do một nguyên nhân nào đó. Vạn-vật chỉ có trong tương-đối và vì vậy mà Kinh sách Đại-thừa thường hay gọi là “phi hữu” (chẳng phải có) rồi tiếp ngay theo, lại nói “phi vô” (chẳng phải không).

Để cho dễ hiểu, chúng ta có thể nói thằng người (être humain) có ba phần: một là xác thịt, hai là cái “ta” hay “ngã” (le moi), ba là “chân ngã”, cái “ta thật” (le soi réel). Xác thịt không khác gì mọi vật xung quanh ta, không chân-thật, vì là một hiện-tượng giả tạm, do nhân-duyên cấu tạo. Cái gọi là “ta” cũng thế, là một trò huyễn thuật, do năm thứ tích-tụ mà thành (sắc, thọ, tưởng, hành và thức). Cái “chân-ngã” mới là Sự-thật tuyệt-đối, nó ở ngoài sự nhận biết của ngũ-quan, nó là Lý tuyệt-đối, trong đó không có sự phân-biệt, vì vậy cái “chân-ngã” ấy cũng là cái “Thực-Thể” chung của tất cả chúng-sanh. Chân-ngã ấy là Tâm. Ai bảo tôi có tâm tôi, anh có tâm anh, là sai. Chỉ có một Tâm mà thôi.

Không có cái giả riêng biệt và cái chân riêng biệt. Tất cả muôn sự muôn vật trước mắt ta đều là Tâm cả; tuy là hiện-tượng tương-đối, nhưng đều nằm trong cái Tuyệt-đối cả. Vậy cố tâm xô đuổi hay phá tan cái “vọng” là một việc làm không ăn thua vào đâu: làm sao tách sóng ra khỏi nước được?

Ta với Tâm (cái Tuyệt-đối) đã là một ngay trong lúc này rồi, cũng như anh cùng-tử và người con của ông nhà giàu là một chứ không phải là hai. Vì không tự nhận, tự biết minh là công tử nên phải sống đời sống cùi đày, dơ bẩn: chúng-sanh khổ não, bất tịnh, cũng chỉ vì không tự nhận là Phật, là Tâm, là cái Tuyệt-đối.

Nhận được là hết chúng-sanh, là thành Phật.

Nhưng nếu Phật không chỉ dạy (khai thị) cho thì làm sao chúng ta biết  được? Lại nữa, biết chưa đủ, còn cần phải nhận rõ cái sự thật chúng-sanh và Phật, không hai (ngộ) và đi ngay và sống trong cái sự-thật ấy (nhập).

 

SÁCH THAM KHẢO

 

Hán văn:

_ Diệu-Pháp Liên-Hoa Kinh Văn Cú (Trí-Khải)

_ Pháp-Hoa Huyền-Luận (Trạm-Nhiên)

_  Pháp-Hoa Nghĩa-Sớ (Kiết-Tạng)

_ Pháp-Hoa Du-Ý (Kiết-Tạng)

_ Diệu-Pháp Liên-Hoa Kinh Huyền Tán (Khuy-Cơ)

_ Pháp-Hoa Tông-Yếu (Ngươn-Hiểu)

_ Pháp-Hoa Tông-Chỉ Đề cương (Minh-Chánh Thiền-Sư)

 

Pháp văn:

_ Le Lotus de la Bonne Loi (E.Burnouf)

_ Le Bouddhisme (C. Humphreys)

_ Les Sectes bouddhiques japonaises (E.Steinilber Oberlin)

 

Việt văn:

_ Diệu-Pháp Liên-Hoa Kinh (T.Trí-Tịnh)

_ Diệu-Pháp Liên-Hoa Kinh (Đoàn-Trung-Còn).


 

[1]  Thường-tồn = Eternité

[2]  Yểm du = Ép dầu: người Ấn-Độ, muốn ép dầu, trước phải giã nhỏ mè, đậu….ủ cho sanh trùng rồi sau mới ép, như thế là sát hại nhiều sanh mệnh, nên phải bị hoạ ương (lời giải của TT. Trí Tịnh).

[3] Điu-Đạt là Đề-Bà-Đạt-Đa, mắc tội lớn vì phá Tăng, hãm hại Phật.

[4]  Cao Đế = Kunti, tên của một quỉ Dạ-xoa (Râkchasis).

[5] Để thí dụ những việc lâu xa khó gặp. Kinh nói: Biển rộng cây bộng 100 năm mới một lần trôi qua rùa mù lại 100 năm mới nổi lên 1 lần, chực chui được vào bộng cây, khó lắm.

 

--- o0o ---

Mục Lục | Quyển I | Quyển II | Quyển III  

Quyển IV | Quyển V | Quyển VI |  Quyển VII

--- o0o ---

Vi tính: Chánh Dũng
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-04-2004

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

nhân 因果回德 Chi 8 3 cua nhung vi bo tat giuacho doi nang luc vo bien cua vi tha chong đời hoa thuong thich hue phap Phật giáo Thiền tông thực tế đến Khoa nghi sáu thời sám hối muoi lam dieu dang de suy ngam trong cuoc hãy biết dừng lại trước khi quả báo N茫o NhÃÆ ï¾ ï¼ Con nhớ những xuân trước hap 即刻往生西方 chãƒæ Một ngày Thở và cười sac dep chung ta hoc duoc gi tu cuoc song tai sao tam chang duoc quy nhat khi niem phat nguyen cau tÃƒÆ vu Cây chùm bao lạc tiên chữa mất ngủ Chữa cảm nắng mùa hè năm chữ vàng giúp bạn vượt qua cảnh tuỳ tâm chuyển Thử vua lương vũ đế xuân về với nếp sống đạo đức của Phở chay Linh Tà i hai vi vua hai phương trơ i mô t ha nh tái 俱利伽羅劍用處 sự tĩnh tâm con duong di den thanh tuu chanh kien có cần đi xem phong thủy và vận mạng å thiện tri thức người đưa ta vượt quán chiếu ngũ uẩn gia tri dich thuc cua cuoc song de la Chọn vÙi tuÇ