Góc phố đời người

 

(Phóng sự)

 

 

Kỳ 1: Gánh chè của mẹ

 

 

TT - Ngày ngày đi qua những vỉa hè chốn đô hội, có ai để ý đến những con người cả đời gắn bó cùng góc phố tần tảo với những cuộc mưu sinh? Có những người một đời sớm hôm cùng góc phố để tồn tại. Có người cha vì con mà bám lấy chốn lề đường để cứu con. Có người mẹ một đời ngồi góc phố nuôi đàn con nên người. Và cũng có những người gầy dựng nên thương hiệu từ góc nhỏ ngã tư, ngã ba đường...

Đi qua góc đường Lý Tự Trọng và Chu Mạnh Trinh (TP.HCM), mọi người sẽ thấy một phụ nữ gầy nhỏ ngồi lọt thỏm giữa đôi quang gánh chè. Người đàn bà của phận đời nghèo khó ấy đã lặn lội với gánh chè ở góc phố để dìu những đứa con vào cổng trường đại học.

 

16 năm bán chè

Quê chị Lê Thị Kim là một miền đất nghèo khó ở Quảng Ngãi. Cái nghèo đã bám lấy chị từ đời ông qua đời cha, gia tài của vợ chồng chị khi ra riêng cũng chỉ là vài sào ruộng khô cằn. Chị Kim kể: “Làm quần quật quanh năm mà cũng không đủ ăn, lại thêm ba đứa con đến tuổi học nữa thì biết lấy chi mà bỏ vô miệng? Không lẽ để tụi nó thất học như cha mẹ nó?”. Và chị quyết định ra đi sau những đêm dài thao thức.

Nói là ra đi nhưng chị cũng chưa biết là sẽ đi đâu, tiền đâu mà đi? Chị chạy vạy, bán mấy luống rau trong vườn và vay thêm hàng xóm mấy trăm ngàn đồng để làm lộ phí. Đó là năm 1991, khi chị mới 30 tuổi. Đến bây giờ nhớ lại, chị vẫn không cầm được nước mắt: “Nhìn đứa con gái lớn mới 9 tuổi, thằng con trai út chỉ mới lên năm mếu máo vịn lấy quần mẹ mà ruột tui đau như cắt.

Nhưng nghĩ đến cảnh các con phải thất học, rồi quẩn quanh bởi cái nghèo, tui phải nén lòng mà đi”. Với vài bộ quần áo vá chằng chịt và vài trăm ngàn đồng, chị ra lộ đón xe vô Sài Gòn. Đã nghe nói nhiều về Sài Gòn - vùng đất hứa phương Nam, nhưng chưa bao giờ chị tưởng tượng ra được sự đông đúc và khắc nghiệt của nó. Có lúc chị tính quay về quê lại, nhưng rồi nghĩ đến tương lai của con, về món nợ mấy trăm ngàn đồng khó trả nổi, chị lại cố gượng bước. Chị tìm cho mình một chỗ trọ rẻ nhất và bắt đầu cuộc mưu sinh nơi xứ người.

“Lúc đầu tui cũng tính tìm chỗ làm thuê làm mướn, kiếm vài trăm ngàn gửi về cho tụi nhỏ, nhưng đi hoài cũng chẳng ai mướn. Người thì chê tui gầy yếu, người thì bảo quê mùa”, chị Kim nhớ lại những ngày đầu. Số tiền mang theo ngày một cạn, dù chị chỉ dám ăn cầm hơi, nỗi lo lắng trong chị lại càng chồng chất. Rồi những chiều nhớ con, chị lân la bên một ngôi trường, thẫn thờ ngồi nhìn những đứa trẻ hồn nhiên bên mâm chè. Chị lại khóc! Lau khô những dòng nước mắt nhớ con và tủi thân, nhưng rồi hình ảnh bọn trẻ xúm xít thích thú với món chè, chị như bừng tỉnh: “Hay là mình đi bán chè?”.

Đêm ấy, chị cứ đếm đi đếm lại mấy trăm ngàn đồng còn lại và lo lắng. Sáng hôm sau, tính ra cả gia tài của chị chỉ đủ mua một đôi quang gánh, bộ xoong nồi, vài cái ly, 2kg đường và một ít đậu. “Lúc đầu tui chỉ dám làm hơn chục ly bán thử. Gánh hết phố này mời chào rồi lại đảo qua phố kia, mỗi ngày đi bộ vài chục cây số là chuyện thường tình”, chị kể. Chị đưa cái nắp xoong cũ lên với những vết thủng mà cười như mếu: “Bộ đồ nghề của tui 16 năm nay rồi đó, chùi miết nó lủng hết mà chưa có tiền thay. Mà có cái mới tui cũng không vứt chúng đi đâu, tui sẽ giữ nó như một kỷ vật của đời mình!”.

“Mẹ đã không uổng phí đời mình”

Suốt 16 năm qua, sáng sáng chị Kim gánh chè từ nhà trọ ở đường Điện Biên Phủ đi một chặng đường dài đến ngồi ở góc phố trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trưa lại gồng lưng gánh về ngồi ở góc Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh. Tích cóp tiền lời từ những ly chè, hằng tháng chị gửi vài trăm ngàn đồng về cho con ăn học.

Ba đứa con càng lớn thì chi phí học hành càng cao, gánh chè không thể nặng hơn, vậy là chị bớt phần ăn của mình để có thêm tiền gửi về quê. Chị kể: “Suốt bao nhiêu năm nay, buổi sáng tui chỉ ăn mỗi gói mì tôm, buổi trưa thì ăn tạm ly chè mình nấu, bán nhiều thì tối về có gì ăn đó, không thì nhịn luôn”. Và cũng có những hôm trời đổ mưa, vậy là bữa tối của chị chính là những ly chè dằn bụng. Ăn riết mà ngán vị ngọt luôn.

Chị không thể nhớ hết bao nhiêu lần mình đã khóc giữa đêm khuya vì nhớ con, nhưng chị không thể nào quên được những cái tết xa nhà: “Có lần tui gom hết tiền gửi về quê cho tụi nhỏ đóng tiền học. Nhưng nhìn người ta chở vợ con đi chơi, mua sắm ngày tết mà tui không cầm được nước mắt. Càng gần đến ngày 30 thì tui càng nóng ruột, chạy hết chỗ này chỗ kia cố vay cho được 50.000 bạc để về ăn tết với con mà cũng không ai cho vay”. Thế là chị chỉ biết ôm gối mà khóc trong những ngày tết nơi đất khách quê người. Đã có lần chị phải vào bệnh viện vì bị xe tông khi gánh chè qua đường. Vào viện được mấy hôm, tuy vết thương chưa lành nhưng chị cứ nằng nặc xin ra viện. Khi bác sĩ cản thì chị cắc cớ: “Tui nằm đây thì ai nuôi con tui?”.

Hơn mười năm, liên lạc giữa chị và những đứa con thơ chỉ là những lá thư. Mỗi khi nhận được thư, biết con ở nhà vẫn khỏe và học giỏi chị lại như được tiếp thêm sức mạnh. Nghe tin đứa con đầu tốt nghiệp cấp III loại giỏi mà chị bật khóc. Hà - con gái đầu của chị - tuy học rất giỏi nhưng đã không thi vào đại học vì cô thương mẹ, nghĩ rằng đường vào đại học là thêm gánh nặng trên đôi quang gánh của mẹ. Biết tin, nỗi giày vò không làm tròn bổn phận của người mẹ lại làm chị hao gầy thêm. Chị quyết định đón Hà vào Sài Gòn cho đi học nghề.

Rồi đến lượt Hương, đứa con gái thứ hai tốt nghiệp, chị bắt buộc con vào Sài Gòn thi đại học. Những ngày chờ kết quả thi đại học của Hương là những ngày đáng nhớ nhất trong đời chị: “Ngày đi thi, tui nói để nấu cho nó ly đậu đỏ lấy hên mà nó không chịu, nó bảo đã ăn ly chè đậu đen còn dư hôm qua rồi”. Rồi một buổi chiều, những người qua đường đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy hai mẹ con chị ôm nhau mà khóc bên gánh chè lúc biết tin Hương đậu đại học luật. Hai năm sau lại đến lượt Thương, con trai út, đậu đại học Giao thông vận tải. Những miếng vá trên vai áo chị lại phải đắp thêm những miếng mới. “Tui phải đi vay đi mướn khắp nơi để đóng tiền học cho tụi nó. Đến khi không vay người quen được nữa thì lại phải đi vay nóng để lo tiền học cho con”, chị kể.

“Thằng út nói đang cố học cho nhanh xong đại học, tìm được việc làm là bắt mẹ nghỉ bán chè liền. Thấy con biết nghĩ vậy tui mừng lắm, nhưng làm sao tui xa gánh chè và góc phố này được khi chính gánh chè này đã nuôi các con tôi khôn lớn”, chị Kim tâm sự. Khi nói đến các con, chị cứ luôn miệng nhắc tôi: “Chú đừng đưa tên con tui lên báo, bạn bè biết được rồi khinh khi thì tội nghiệp”. Nhưng khi nhìn cảnh các con sau giờ tan học đã vội vàng ùa ra góc phố phụ mẹ bán chè, chị cảm thấy thật hạnh phúc: “Mẹ đã không uổng phí đời mình”.

THẾ ANH

 

 

--- o0o ---

 

Mục Lục > Kỳ 1 > Kỳ 2 > Kỳ 3 > Kỳ 4 > Kỳ 5 > Kỳ 6

 

--- o0o ---
Nguồn: http://www3.tuoitre.com.vn

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7 /2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

từ bi chú om mani padme hung Tha phước báu hiện tiền việt nhớ tranh chăn trâu HẠnh chua long hue tính Gia 4 lưu ý để bạn có một ngày hoạt hom nay thay ve day Ä au giai thoat la chang co ai Ð Ð Ð ton giao cua bien chung va khoa hoc khói Vùng ký ức cha mẹ đừng lo thap đinh ý buddha cậu bé mù và câu chuyện về biết ơn tÃ Æ Quảng Nam Trưởng niệm cố Ni trưởng con đường chính đạo cao qúy có tám DÃƒÆ ngẫm 嫖妓 trÃÅ đổi bông hÓng nào cho cha 真言宗金毘羅権現法要 TP Ä n trÃ Æ cach xung ho trong phat giao cách xưng hô trong phật giáo mỗi bình đẳng nam Đi tam linh Nguyên su chua hong tu 首座 泰卦 メス dan bo va canh dong co hÓi hãy từ bỏ những gì không phải của nhĩ Mat TrÃƒÆ mac cai gi Chùa Thơ cái không biết sẵn giải nghi mê tình cai khong biet san giai nghi me tinh phat day ve 10 hanh lanh truyê n ngă n 7 bước đến miền cực 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả me khi nhung nguoi tre len nui song dep voi thanh Nhất