Góc phố đời người

 

(Phóng sự)

 

 

Kỳ 6: Tỷ phú ve chai

 

TT - Tên chị là Nguyễn Thị Hoa, nhưng người ta vẫn quen gọi theo tên con gái đầu chị là Hạnh. Hai mươi năm trước, khi chị ra sống bám vào góc phố Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh (TP.HCM), “vốn liếng” của chị chỉ là chiếc xe ba gác rách và bốn đứa con nheo nhóc.

Vượt qua nỗi truân chuyên của hôn nhân và những khó khăn ở chốn thị thành, một tay chị đã nuôi đàn con khôn lớn. Từ một góc phố, bây giờ chị đã xây dựng cho mình được một cơ ngơi có tiếng trong giới mua phế liệu, ve chai ở TP.HCM. Người ta vẫn thường gọi chị là tỉ phú ve chai.

 

“Chẳng có đau khổ nào mà tôi chưa nếm trải!”

Chị sinh năm 1951 tại Đà Nẵng. Năm 14 tuổi chị đi theo cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên. Năm 19 tuổi chị bị bắt. Đến bây giờ nhớ lại, chị vẫn rùng mình trước đòn roi tra tấn: “Chúng bắt giam và tra tấn tôi suốt bốn tháng liền. Dụ dỗ không được, chúng dùng roi điện tra tấn nhưng tôi vẫn không hé một lời. Bởi khai ra thì chết cả nhà, cả nhà tôi đều theo cách mạng mà”. Không có bằng chứng để buộc tội, chúng đành thả chị và rắp tâm theo dõi. Biết rằng nếu ở lại thì sớm muộn gì cũng vạ lây cha mẹ, họ hàng, chị giã biệt cha mẹ rồi ra đi.

Sau những năm làm mướn, ở đợ giữa đất Sài Gòn, chị lập gia đình ở tuổi 24. Với nguồn thu nhập ít ỏi của chồng không thể nuôi nổi cả gia đình, chị phải kiếm kế sinh nhai. Thấy người ta bán cháo lòng, chị cũng tập tành mở quán ở góc phố. Bán cháo lòng không sống nổi, chị lại quay qua bán rau củ. Những đồng vốn ít ỏi ngày càng cạn dần theo những cơn bệnh của con, chị lại chuyển qua lượm ve chai. Thương đứa nhỏ còn chưa dứt sữa, chị đành gạt nước mắt đặt con vào đôi quang gánh mà quảy đi. Từ góc phố này đến ngã tư kia.

Khó khăn về vật chất chưa có lối thoát thì chị như gục ngã trước lá đơn ly dị của chồng. Năm ấy chị mới 33 tuổi. “Chia tay chồng, gia tài của tôi chỉ có mỗi một bộ đồ và bốn đứa con nheo nhóc. Lúc đó tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng nhìn bốn đứa con tội nghiệp tôi không đành”, chị nói. Chẳng còn cách nào khác, chị gượng dậy để nuôi con. “Hằng ngày tôi dậy thật sớm, đi chợ nấu cơm cho con rồi quảy gánh rảo bước khắp mọi góc phố lượm ve chai đến tối mịt mới về. Suốt nhiều năm liền, bữa cơm của tụi nhỏ chỉ là rau muống luộc và nước tương qua ngày. Nhiều hôm không đủ gạo, tôi phải nhường hết cho con rồi nhịn đói mà ngủ”, chị vừa kể vừa khóc. Trong căn nhà lá xơ xác ở ven ngoại ô Sài Gòn lúc đó, chị đã không thể nhớ nổi bao nhiều đêm mình lịm đi vì cơn đói.

Từ đôi quang gánh, tích cóp mấy năm, chị mua được chiếc xe ba gác để “lên đời” cho nghiệp ve chai của mình. Từ đó mới có cảnh sáng chiều chị đưa đón con đến trường trên chiếc xe ba gác chất đầy rác rưởi. “Mỗi lúc đưa đón con, tôi phải dừng xe cách cổng trường một đoạn. Sợ bạn bè con biết mẹ chúng là một người sống bằng nghề lượm ve chai rồi chê cười thì tội nghiệp cho con. Nhiều lúc chiếc xe chất nặng cả tấn hàng nên tôi không thể đón con đúng giờ, nhìn con ngơ ngác đợi mẹ khi phố đã lên đèn mà ruột tôi như bị ai xát muối”, chị kể. Nhưng nỗi đau vẫn chưa chịu buông tha chị, người đàn bà ấy lại một lần nữa ngã quị trước sự ra đi của đứa con trai thứ hai khi mới 17 tuổi. Vốn đã gầy gò, chị lại càng hao gầy thêm.

 

Làm giàu từ những thứ bỏ đi

Sau nỗi đau mất con, chị nỗ lực để lo cho ba đứa còn lại. Càng lớn, chi phí học hành cho con ngày một nhiều hơn, nỗi lo cơm áo lại đè nặng thêm trên đôi vai gầy của chị. Những ngày tiếp theo vẫn là kỷ niệm buồn: “Nhiều lần không nhịn được đói, tôi phải vô năn nỉ ăn thiếu đĩa cơm ven đường. Hay có lần bị bệnh, mua xong thuốc là không còn đủ mấy trăm đồng bạc để mua nước mà uống”.

Nghề lượm ve chai ngày càng khó, vì những thứ có thể bán được thì người ta đã giữ lại để bán chứ không còn vứt bỏ như xưa. Không thể như thế mãi, chị âm thầm lên kế hoạch và quyết tâm vượt qua khó khăn. Chị nghĩ: “Dù là ve chai thì cũng phải có vốn mới sống được”. Nghĩ là làm, để mỗi tháng có thể dành dụm được vài chục ngàn bạc, chị đã phải ăn cơm với muối ớt suốt một quãng thời gian dài. Lúc nào xót ruột quá không chịu được, chị mới cho phép mình mua bó rau về nấu canh, còn nước mắm là thứ ưu tiên đặc biệt cho tụi nhỏ. Ròng rã hơn một năm, chị cũng tích cóp cho mình được vài trăm ngàn đồng làm vốn. Đó là năm 1987, khi chị về bám trụ ở góc đường Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh mở vựa ve chai.

Với đồng vốn ít ỏi, chị chỉ có thể mua được vài chục ký giấy vụn, một vài mớ đồng nát. Nhưng nhờ chịu khó, ai kêu bán vài ký báo cũ chị cũng đến nhà, dần rồi khách quen của chị cũng nhiều lên. Ngoài việc mua đi bán lại, chị còn quanh quẩn trong vùng móc từng bịch rác để nhặt lấy những thứ có thể bán được. Nhờ tằn tiện nên đồng vốn của chị cũng được sinh sôi nảy nở, những món hàng chị mua cứ lớn dần. “Ngày tôi mang cái tivi về nhà là ngày mà các con tôi vui nhất, vì từ nay chúng không còn bị mắng chửi mỗi khi xem ké nhà người ta nữa”, đó là món quà đáng giá đầu tiên mà chị dành tặng con sau bao năm lao động khó nhọc.

Khi các khách sạn, cao ốc quanh vùng mọc lên, chị lại nhận thầu dọn rác cho họ. Nói là thầu, nhưng thật ra mọi việc cũng chỉ một tay chị. Hằng ngày chị vẫn phải bới móc trong từng thùng rác đủ thứ tạp chất mà người ta thải ra để nhặt lấy những thứ có thể bán được, tích cóp từng đồng lẻ. Rồi khi đồng vốn đã nhiều lên và các con đã có thể phụ mẹ, chị lại kiêm luôn cả việc mua xác nhà cũ, đấu thầu hàng hết hạn sử dụng của các công ty, thương lượng về những hợp đồng hàng trăm triệu đồng. Mỗi khi nhớ lại bản hợp đồng ve chai đầu tiên trong đời, chị cười: “Lần đầu tiên bước vô thang máy của tòa cao ốc, tim tôi đập mạnh hơn cả đạp xe ba gác lên dốc. Cả đời tôi chỉ biết cái xe ba gác và hè phố, ai bán thì tôi mua chứ có biết đến hợp đồng là gì đâu! Sau khi xem xong hàng, thấy giá được là tôi ký cái rẹt. Làm riết thành quen chứ có ai dạy bảo đâu”.

Tuy bây giờ đã có các con và hàng chục nhân công đảm đương công việc, nhưng hằng ngày chị vẫn ra ngồi ở góc phố ấy như những ngày gian nan. Ngoài cương vị như một giám đốc, chị còn phụ con thu lượm từng miếng giấy vụn, gom từng mẩu rác. Chị tâm sự: “Ở nhà chịu không nổi. Cả đời tôi đã gắn với góc phố này và cái nghiệp ve chai, ở nhà một ngày là thấy nôn nao, nhớ lắm!”. Trong câu chuyện hằng ngày, chị vẫn thường nhắc nhở các con: “Không được phí phạm dù đó chỉ là một tờ báo cũ, các con đã lớn lên nhờ chính những thứ người ta bỏ đi đó!”.

THẾ ANH

 

 

--- o0o ---

 

Mục Lục > Kỳ 1 > Kỳ 2 > Kỳ 3 > Kỳ 4 > Kỳ 5 > Kỳ 6

 

--- o0o ---
Nguồn: http://www3.tuoitre.com.vn

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7 /2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

thủy nái Đạm thực vật giúp no lâu hơn đạm Là i bộ Để gió cuốn đi Mẹo Aspirin giúp giảm nguy cơ tái phát đột Món chay mùa Vu Lan Giọt mồ hôi con trong lòng tay mẹ Các thực phẩm giúp tạo máu HT Thi çŠ nhân xin dung ca ngoi duc phat ma quen di giao phap sống trong tỉnh thức ón Húy duc thien la biet cach lam chu than khau y trên Là lại về ơi gió heo may khÃƒÆ chuong iv vua a duc va dai thien Tổ sau cảm niệm ngày phật thành đạo Ä Đi hái chua dieu vien ngôi chùa có 100 tượng phật bằng chua lien phai Vì sao nên kiểm tra huyết áp vào buổi テス chuyen ve hoang de tran thai tong không có sự nỗ lực nào mà không Mui từ bi hỷ xả Mì xào chay BÃo Thức ăn vặt có thể gây hại cho não vÃÆ Khói bếp chiều qua đông Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhút nhát Giải Món chay dễ làm Bún lứt trộn bạc hà O Củ quả màu cam ngừa ung thư Khá Ăn chay theo phong cách Tây Tạng giữa Sài houn HVPGVN tại Hà Nội tưởng niệm cố テス