MỤC LỤC.
1. Tâm Ấn Chư Phật
2. Tâm Ấn: Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên
3. Giải Thoát Sanh Tử
4. Thực Tại Trước Mắt
5. Hiện Tại Vĩnh Cửu
6. Cái Chính Mình : Bốn Mắt Nhìn Nhau
7. Hành Động: Từ Tự Do Đến Tự Do
8. Nền Tảng Của Đời Sống
9. Con Đường Của Sự Rõ Tâm
10. Tiếp Xúc Với Thực Tại
Lời kết
.
THỰC TẠI THIỀN
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRONG RỪNG THIỀN VIỆT NAM
Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2003

1. Tâm Ấn Chư Phật

Bài kệ của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền cho đệ tử Pháp Hiền vào thế kỷ thứ 6 là bài kệ truyền dòng đầu tiên của Thiền tông Việt Nam. Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi đóng góp rất lớn cho sự khai sinh triều Lý, cho đến đời thứ 12 với Thiền sư Vạn Hạnh thì triều Lý được thành lập với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Cơ duyên ngộ đạo của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi được Thiền Uyển Tập Anh chép lại như sau :

“Đời Trần Đại Kiến thứ 6, năm Giáp Ngọ (574), Sư đến Trường An. Gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật giáo, Sư muốn sang đất Nghiệp. Bấy giờ đệ tam tổ Tăng Xán đi tỵ nạn, mang y bát ở ẩn trong núi Tư Không. Sư đến gặp Tổ, thấy cử chỉ phi phàm, trong lòng phát niềm kính mộ, bèn đến trước mặt, chấp tay đứng ba lần. Tổ vẫn ngồi yên không nói. Trong lúc đứng suy nghĩ, hoát nhiên như có chỗ đắc, liền sụp lạy ba lạy. Tổ gật đầu ba cái mà thôi. Sư lùi lại ba bước, thưa : “Đệ tử bấy lâu chưa có cơ hội, xin hòa thượng đại từ bi, cho con theo hầu hạ hai bên.” Tổ nói : “Ngươi nên mau về phương Nam giao tiếp, không nên ở đây lâu.”

Đến tháng 3 năm Canh Tý, Sư đến nước ta, dịch kinh Tổng trì, một quyển.”

Như thế, Thiền Tông đã truyền vào Việt Nam vào thời Tam tổ, trước thời của ngài Lục tổ Huệ Năng và năm phái Thiền về sau này.

Ở trên sở dĩ nói bài kệ của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là bài kệ truyền dòng không chỉ vì nó là bài kệ đầu tiên từ một vị sơ tổ, mà chính vì nội dung nó chứa tất cả tinh túy, ý nghĩa, sự nhìn thấy chân lý, tu hành và chứng đắc chân lý của Thiền Tông. Hơn 200 năm sau, với Thiền sư Vô Ngôn Thông, Thiền Việt Nam cũng có một bài kệ truyền dòng tương tự như vậy.

Tất cả những Thiền sư của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đều được nuôi dưỡng bởi, tu hành trong và chứng ngộ được cái thực tại – ở đây ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi gọi là tâm ấn chư Phật – mà bài kệ ấy muốn chỉ ra, nhắn gửi và trao truyền, cho đến chúng ta ngày nay. Bài kệ tâm ấn chư Phật đã được nói ra cho chúng ta, một lần cho mãi mãi. Bài kệ ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi nói cho đệ tử Pháp Hiền, thế hệ thứ nhất dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, trước khi thị tịch là như sau :

Phàm tâm ấn chư Phật
Tất không lừa dối
Tròn đồng thái hư
Không thiếu không dư,
Không đi không đến
Chẳng một chẳng khác
Chẳng thường chẳng đoạn,
Vốn không chỗ sanh
Cũng không chỗ diệt
Cũng chẳng lìa xa
Chẳng không lìa xa,
Vì đối vọng duyên
Mà giả lập tên.
Bởi thế chư Phật ba đời
Cũng y[1}* như thế
Tổ sư nhiều đời
Cũng y như thế đắc
Ta cũng y như thế đắc
Ngươi cũng y như thế đắc
Cho đến hữu tình vô tình
Cũng y như thế đắc.
Vả Tổ ta Xán công
Ấn cho ta tâm đó
Bảo ta mau về Nam giao tiếp
Không nên ở lâu
Rồi mới đến đây
Bèn cùng ngươi gặp
Quả hợp huyền ký
Ngươi khéo giữ gìn
Giờ ta đi đã đến.

* * *

Tâm ấn mà ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi muốn khai thị và truyền lại cho đời sau ở đây là gì ? Đó là thực tại được nói trong nhiều kinh điển. Nó là Pháp thân, là Tri Kiến Phật, là Phật tánh mà chúng sanh đều có, là Thật tướng của tất cả các pháp, là cái Bổn Lai Thanh Tịnh, là bản tánh của tâm, là cái để Khai Thị Ngộ Nhập, là tánh Không…

Nhưng điều quan trọng nhất không phải là những mô tả về Tâm Ấn ấy : ‘tròn đầy thái hư, không thiếu không dư, không đi không đến, không được không mất, chẳng một chẳng khác…’ Điều quan trọng nhất không phải là Tâm Ấn ấy không lệ thuộc không gian thời gian, mà chính bởi vì Tâm Ấn ấy vốn ‘tròn đầy thái hư, không thiếu không dư, không đi không đến, không được không mất…’ nghĩa là không lệ thuộc thời gian và không gian mà sự kiện quan trọng nhất là Nó đang hiện tiền trước mặt mỗi chúng ta. Như đức Phật đã nói trong nhiều kinh, ở đây chỉ trích ra một câu nói của đức Phật với ngài Tu Bồ Đề trong kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (phẩm Vô Tác và những phẩm khác) về điều quan trọng nhất ấy :

Vì dù Phật có ra đời hay không, thật tướng các pháp vẫn luôn thường trụ không khác, vì pháp tướng pháp trụ pháp vị thường trụ duy nhất một tướng chẳng sai chẳng mất vậy.

Tâm ấn hay thực tại ấy là Pháp theo nghĩa tinh túy nhất của từ này. Tâm ấn của chư Phật hay ‘thật tướng các pháp’ vẫn thường trụ chẳng sai chẳng mất như vậy. Tâm ấn của chư Tổ vẫn ‘tự cổ thường nhiên’ như vậy. Thực tại xưa nay vẫn như vậy, pháp nhĩ như thị, pháp vốn như vậy.

Bởi vì nếu không như thế thì Thiền tông nói riêng và Phật giáo nói chung có ăn nhằm gì đến mỗi chúng ta, khi mỗi chúng ta hằng ngày phải kiếm sống, phải lo toan đủ chuyện, và rộng ra cả xã hội, phải tăng trưởng kinh tế, bài trừ những tệ nạn xã hội, phải sống trong một thế giới với biết bao nhiêu vấn nạn của nó ? Và rồi mỗi người của chúng ta phải giã từ thế giới ấy để đi theo cái chết của riêng mình ? Nếu không như thế thì chẳng lẽ Thiền tông, tinh túy của dòng sống tâm linh của đất nước chúng ta, đời sống tâm linh của lịch sử chúng ta, lại chỉ dành cho những người biết Hán-Nôm, những người hoài cổ và chẳng có một ảnh hưởng nào vào sinh hoạt xã hội, vào sự sống của con người, vào những đổi thay lớn lao trên bề mặt của thời đại ? Trong khi đó, với Thiền sư Chân Nguyên, một Thiền sư lỗi lạc thế kỷ 17, nghĩa là sau Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi hơn một ngàn năm, người làm hưng vượng phái Thiền Trúc Lâm – một phái Thiền chú trọng đến đời sống quốc gia đất nước – thì chúng ta thấy thực tại Thiền, tâm ấn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi hay là cái ‘chân không vô tướng’ có ảnh hưởng như thế nào đến con người và thế giới :

“Đó là Chân Không vô tướng, là cha mẹ của trời đất muôn vật, làm nền tảng cho thế giới sanh linh, suốt cả xưa nay chẳng sanh chẳng diệt… Ẩn hiển cùng bày, sắc không chẳng hai, trời đất muôn vật chỉ một thể nguyên thần, vô trụ vô vi. Chợt lộ mặt thật xưa nay, lìa danh lìa tướng, mở toang then chốt trên đảnh môn hướng thượng, đèn tâm của Phật, Tổ truyền sáng mãi không cùng. Lúc hiển mà nói thì có tám vạn pháp môn, khi mật mà ngộ, thì chỉ bốn mắt nhìn nhau.

Tôn kính chúc rằng :

Quốc gia vĩnh cửu, ngôi báu kim luân và trời đất trường tồn.
Phật đạo không cùng, nối Tổ truyền Tông cùng Thứu Phong chẳng mất.”

Thực tại đó ảnh hưởng tới con người và xã hội, đơn giản bởi vì khi con người sống không có nền tảng, mà chỉ trôi dạt theo ảo tưởng và phiền não, nó chỉ làm rắc rối thêm cho mình và cho người. Và khi xã hội hoạt động không có nền tảng, mà chỉ chạy theo những mốt, những trào lưu, nó làm sao tiến bộ cho đúng hướng để trở thành một xã hội phát triển trong mọi mặt vật chất và tâm linh ?

* *

Tâm ấn ấy, thực tại ấy vẫn như vậy trước mắt chúng ta, bất chấp sự hưng vong của lịch sử, bất chấp sanh già bệnh chết của mỗi chúng ta, bất chấp những cái thấy bị biến dạng vì thành kiến, vì tham sân si của chúng ta. Bởi vì, Nó thì ‘Trước trời trước đất vẫn trong trắng hoài’, như lời Thiền sư Nhẫn Tế, vị Thiền sư Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20, đã đi học pháp ở Tây Tạng vào những năm 30 của thế kỷ. Lại một dòng Thiền khác, từ một hướng khác, được truyền vào ở một thời điểm khác, nhưng cũng vẫn chỉ là một tâm ấn ấy, tâm ấn của chư Phật Tổ.

Như người xưa nói, ‘Ngồi trong nồi cơm mà chết đói ê hề, ở trong biển nước mà chết khát ê hề.’ Đức Phật đã nói, ‘Tất cả chúng sanh đều có Tri Kiến Như Lai, thế mà vì chạy theo vọng tưởng để oan uổng trôi lăn trong khổ đau, sanh tử.’ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng nói :

Vốn không chỗ sanh
Cũng không chỗ diệt
Cũng chẳng lìa xa
Chẳng không lìa xa.

Tâm ấn ấy, thực tại ấy chưa hề lìa xa chúng ta. Hơn thế nữa, tất cả chúng ta từ vô thủy đến nay, dù khổ đau hay hạnh phúc, dù đi đúng đường hay lạc đường, dù biết hay không biết, dù suy nghĩ có lý hay suy nghĩ bậy bạ, dù lên cao hay xuống thấp, dù sống nơi cõi Ta Bà này hay về Tịnh Độ… tất cả đều không ra ngoài Cái Ấy. Tất cả chúng ta vẫn hằng ở trong Cái Ấy, trong Thực Tại ấy, trong Tâm Ấn ấy, từ vô thủy đến vô chung. Bởi vì, ‘Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’, tất cả chúng sanh đều là Phật tánh. Đó mới là điều quan trọng nhất của Con Đường, của Thiền. Nói theo ngôn ngữ của Đại thừa Ấn Độ và Tây Tạng, thực tại tâm ấn ấy là Nền Tảng của Thiền, Con Đường của Thiền và Quả của Thiền. Thực tại ấy là cái Thấy (tri kiến) của Thiền, Thiền Định của Thiền và Hạnh của Thiền.

Không có sự cứu độ nào bằng khi biết rằng chúng ta vẫn đang ở trong Thực Tại ấy, dù chúng ta có chú ý đến điều đó hay không, dù chúng ta nói hay hoặc nói dở, dù chúng ta nói hoặc nín, dù chúng ta làm hay không làm, dù chúng ta đi hay đứng, dù chúng ta thức hay ngủ… Dù chúng ta nói một điều gì, sai hay đúng, cũng không ra ngoài Cái Ấy, cũng vẫn là Cái Ấy, dù chúng ta có văn minh hay cổ điển, dù chúng ta mở mắt hay nhắm mắt, tinh tấn hay giải đãi, vô minh hay hết vô minh… chúng ta cũng không ra ngoài Cái Ấy, cũng vẫn là Cái Ấy, vô thủy vô chung.

Bởi thế chư Phật ba đời
Cũng y như thế
Tổ sư nhiều đời
Cũng y như thế đắc
Ta cũng y như thế đắc
Ngươi cũng y như thế đắc
Cho đến hữu tình vô tình
Cũng y như thế đắc.

Có cái gì có thể ra ngoài cái Như Thế này đâu ? Có một hành động nào của thân, khẩu, ý có thể lọt ra ngoài cái Như Thế này đâu ? Tin được như vậy, thấu hiểu được như vậy, sống trong mọi mặt của sự sống mình được như vậy, gọi là (chỉ ‘gọi là’, bởi vì ‘vì đối vọng duyên, mà giả lập tên’) sống Thiền. Và sống được như vậy thì ‘cho đến hữu tình vô tình’ cũng đều vốn ở trong Niết bàn, vốn đã thành Phật, vì xưa nay vẫn hằng ở trong cái ‘Như Thế mà đắc’.

* * *

Cho nên chúng ta không ai có thể từ chối Tâm Ấn, từ chối Pháp, từ chối Thiền, khi Nó vẫn muôn đời ở đó. Chúng ta có thể lấy lý do tôi đang bận làm giàu, tôi đang bận tiến vào thời đại thông tin, tôi đang lo cho những khám phá mới…, chúng ta có lo hay không lo, có chánh niệm hay thất niệm, có nhìn hay không nhìn, có biết hay không biết, Nó vẫn ở đó, bao trùm lấy toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Từ chối Tâm Ấn, từ chối Pháp, quay lưng với Thực Tại, chúng ta chỉ càng lúc làm hạn hẹp cuộc đời mình, càng lúc càng kẹt nghẽn trong thời gian và không gian hữu hạn, càng điên đảo trong một thế giới vọng tưởng do mình phân chia lắp ghép và ‘tự mua bán lấy’. Còn Pháp thì chẳng hề hấn gì bởi thế giới loạn thần của chúng ta, chẳng tương can gì đến cuộc đời và thái độ của chúng ta, nó muôn đời ở đó, dù chư Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không.

“Vâng, tôi thấy hình như điều đó đúng. Bởi vì từ gần hai ngàn năm nay, các Thiền sư trong các dòng Thiền khác nhau đều ‘như cùng một miệng, nói cùng một lời’ về Thực Tại ấy, về Tâm Ấn ấy. Thế thì tại sao người ta vẫn không biết đến Thực Tại ấy, để sống trong Nó để có hạnh phúc thật sự và bình an toại nguyện thật sự, để có Nền Tảng, Con Đường và Quả cho cuộc đời phù du của mình ?” Bởi thế, đó chính là nhiệm vụ của các Thiền sư từng thế hệ, của các Phật tử đang đồng hành với con người và thời đại của họ. Bởi thế mà có cái được đặt tên là Thiền, ‘vì đối vọng duyên mà giả lập tên’ : vì có sự mê mờ không thấy được cái thật của chính mình trong khi mình vẫn là cái đó, đây là một nhân duyên hư vọng (vọng duyên) cho nên có cái gọi là Thiền tông (giả lập tên) để Khai Thị Ngộ Nhập cho người. Nhưng dù có làm việc Khai Thị Ngộ Nhập này, dù đó là công việc công đức nhất, thì đó cũng chỉ là ở về mặt chân lý tương đối mà nói. Ở trong chân lý tuyệt đối, việc làm công đức ấy cũng chỉ là giả lập, vì mỗi người đều có Phật tánh, có ai đem Phật tánh cho ai đâu.

Bởi thế chúng ta chớ lầm mà nghĩ rằng Phật tánh, Tâm là cái gì mà vị Thầy nào ban cho chúng ta. Mỗi chúng ta đều có sẵn Tâm, chỉ là chúng ta không nhận biết nó do mãi chạy theo các tư tưởng, nhớ nghĩ, khi có khi không ; chúng ta không thấy nó là đời sống thật của mình, sử dụng nó sai lầm để rồi cuộc đời chỉ là sự trôi dạt theo vọng tưởng triền miên, nắm bắt hoa đốm không dứt. Vị Thầy không ban cho chúng ta cái đó, vị Thầy chỉ ‘ấn’ lại ‘tâm’ ta cho đúng, nghĩa là đưa nó nhìn thấy lại bản tánh của chính nó, để cho nó không còn sai lầm, hoạt động theo cách bị ràng buộc trong những trò chơi thêu dệt vẽ vời của chính nó. Khi tâm nhìn ra ‘bộ mặt thật’ của nó, nhìn ra ‘bản tánh’ của nó, toàn bộ vận hành tạo ra tư tưởng của nó sẽ thay đổi : thay vì sự vận hành để tạo ra khổ đau sanh tử, thì đây là sự vận hành trong giải thoát, tự do. Và như vậy tâm phát huy đầy đủ khả năng diệu dụng của nó.

Không ai cho chúng ta tâm cả, sự thật này là ‘dân chủ’ tuyệt đối, nếu nói theo chữ nghĩa ngày nay. Chỉ là chúng ta vẫn sống trên đất tâm mà chúng ta không biết, không biết làm gì, và có làm gì là do phiền não xui khiến, nên chúng ta không thấy nó, không biết nó, không sống được với nó. Công sức của vị Thầy ‘ấn cho ta tâm đó’ không có nghĩa là ban cho chúng ta tâm đó, mà ấn định, xác định, gom nó lại vào trong thực chất của nó, trong cái ấn của chính nó, không cho nó vương vãi. Như thế vị Thầy chỉ ra cho chúng ta tâm thật sự là gì, ấn định cho cốt lõi tinh túy của đời sống của chúng ta là gì ; khi chúng ta đã được ấn định, xác định cái thật từ bao đời nay vẫn là nền tảng của cuộc sống chúng ta thì có dại gì mà chúng ta không sống với tâm ấy, muôn đời mãn kiếp. Khi đã tự mình xác định, xác quyết tâm ấy rồi, chúng ta sống với tâm ấy, với toàn thể thực tại của nó, toàn thể hoạt dụng của nó, đó gọi là ‘ngươi khéo giữ gìn’.

Cho nên Thiền (hay thực tại) là muôn đời xưa cũ và muôn đời mới mẻ, trẻ trung. Muôn đời xưa cũ vì nó đã có từ trước khi chúng ta tự nhận mình là một cá thể tách lìa với toàn thể để đi mãi trong cuộc sống chết luân hồi và nó vẫn là chúng ta trong suốt cuộc hành trình lang thang đơn độc không biết khi nào chấm dứt ấy. Muôn đời vẫn mới vì nó là không gian và thời gian vô tận cho bất kỳ một biến cố nào, bất kỳ một xuất hiện phát minh nào của lịch sử. Hơn thế nữa, muôn đời vẫn mới vì nó không có chỗ trụ, nghĩa là không có sự cứng đọng và già chết. Trong nó không có một tiến trình sanh trụ dị diệt thô sơ, một tiến trình sanh để rồi tiếp theo một tiến trình chết. Trong nó mỗi khoảnh khắc là vô hạn cái sanh và vô hạn cái diệt, nghĩa là không có một cái diệt tách biệt với một cái sanh, một cái chết tách biệt với một cái sống. Trong ánh sáng của tâm tất cả đều chết đi và sống lại trong khoảnh khắc. Khi không có cái diệt, cái chết tách biệt với cái sanh, cái sống, thì cái diệt, cái chết theo nghĩa thường tình không còn nữa.

Đó là cái Toàn Thể hay cái Thực Tại mà Thiền đề nghị với mỗi chúng ta.


2. Tâm Ấn : Thực Tại Thanh Tịnh Bản Nhiên

Khoảng 300 năm sau Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền sư Vô Ngôn Thông người Việt Nam đắc pháp với Tổ Bách Trượng ở Trung Hoa và lập ra dòng Thiền thứ hai của Việt Nam. Ngài nói với đệ tử Cảm Thành, thế hệ thứ nhất dòng Thiền Vô Ngôn Thông rằng :

“Xưa đức Thế Tôn vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, duyên giáo hóa xong, ngài vào Niết bàn. Chân tâm vi diệu này gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng, tam muội pháp môn, tự ngài trao truyền cho đệ tử là tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm sơ tổ, đời đời truyền nhau, đến tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang, trải bao nguy hiểm, để truyền pháp này cho đến Lục tổ Tào Khê, đắc pháp nơi Ngũ tổ. Khi Tổ Đạt Ma mới đến, vì người đời chưa tin, nên lấy việc truyền y để làm rõ việc đắc pháp. Nay đức tin đã chín muồi, thì y bát là đầu mối của tranh chấp. Ngũ tổ dặn : “Phải dừng lại ở nơi ông, không nên truyền nữa.” Từ đó lấy tâm truyền tâm, không truyền y bát…

Ta nhờ ở Bách Trượng mà đắc tâm pháp đó. Đã lâu nghe phương này, hâm mộ Đại thừa cũng nhiều, nên ta về Nam để tìm thiện tri thức. Nay gặp được ngươi, ấy bởi duyên xưa. Hãy lắng nghe ta nói kệ :

Các nơi đồn đãi
Dối tự rao truyền
Rằng thủy tổ ta
Gốc từ Tây thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Gọi đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên
Ngầm hợp lời mật
Muôn ngàn có duyên
Đều gọi tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.
Tây thiên cõi này
Cõi này Tây thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên (núi sông)
Chạm, tô thành trệ
Phật, Tổ thành oan
Sai nó mảy may
Mất nó trăm ngàn
Ngươi khéo quan sát
Chớ lừa cháu con
Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn.

Nghe xong lời đó, Sư (Cảm Thành) liền lãnh ngộ.
Có vị tăng đến hỏi Sư : Thế nào là Phật ?
Sư đáp : Khắp tất cả chỗ.
Lại hỏi : Thế nào là Phật tâm ?
Sư đáp : Chẳng từng che dấu.
Lại hỏi : Người học không hiểu.
Sư nói : Lầm qua rồi vậy.”

* * *

Tại sao lại : ‘Các nơi đồn đãi, dối tự rao truyền’ ? Chẳng phải trước đó ngài Vô Ngôn Thông đã thuật lại cho Cảm Thành về lịch sử trao truyền của Thiền tông cho đến ngài là tổ thứ mười kể từ Bồ Đề Đạt Ma đó sao ? Chẳng phải Tổ Đạt Ma ‘gốc từ Tây thiên, truyền pháp nhãn tạng, gọi đó là Thiền, một hoa năm cánh, hạt giống liên miên’ là một sự thật lịch sử đó sao ? Tại sao ngài Vô Ngôn Thông lại cho rằng chuyện đó chỉ là chuyện đồn đãi hư vọng (vọng tự huyên truyền) ?

Đứng về mặt sự thật hay chân lý tương đối (tục đế) thì tạm nói là có sự trao truyền xảy ra trong dòng lịch sử. Nhưng đứng về mặt sự thật tuyệt đối, tâm ấn (mà ở đây ngài Vô Ngôn Thông gọi là ‘pháp đó’ hay ‘chánh pháp nhãn tạng’) đâu phải là một vật để có thể trao truyền từ vị này sang vị khác, và sự trao truyền đó đâu phải là một sự việc lập đi lập lại xảy ra trong thời gian. Tâm ấn đó, pháp đó ‘gọi là chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng’ vốn hằng hằng trước mắt, đâu phải là một vật để trao truyền, đâu thuộc ngôn ngữ định danh phân biệt để có thể nói là có người trao và người nhận, có hành động trao nhận diễn tiến theo thời gian. Tâm ấn đó, cái thật tướng vô tướng đó chỉ có thể ‘khai thị’ thì đúng hơn là ‘trao truyền’. Cái ‘khắp tất cả chỗ’, cái ‘chẳng từng che dấu’ há đâu phải là một vật để có thể chuyển giao theo dòng lịch sử.

Chính vì cho chuyện đó là sự đồn đãi hư vọng mà ngài Vô Ngôn Thông đưa đệ tử Cảm Thành từ sự thật tương đối vào sự thật tuyệt đối. Và do đó mà Sư Cảm Thành ‘lãnh ngộ’, thấu hiểu ra được sự thật tuyệt đối tức là tâm ấn này.

Nhưng nếu Thiền sư Cảm Thành biết ơn ngài Vô Ngôn Thông bao nhiêu, thì chúng ta, những kẻ sống sau Sư hơn ngàn năm cũng biết ơn ngài không kém. Biết ơn vì ít ra chúng ta cũng được ngài Vô Ngôn Thông bốc lên khỏi những thăng trầm mai một của lịch sử khiến chúng ta có thể tin được rằng cái thực tại ấy vẫn thường trụ với mỗi chúng ta. Cái ‘khắp tất cả chỗ, chẳng từng che dấu’ ấy vẫn không bị những chuyển dời của lịch sử mà đã đi khỏi mất với chúng ta. Nó đã không vì lịch sử điêu tàn mà hao mòn già cỗi, cũng không vì tiến bộ, phát triển mà tăng thêm trẻ trung, đẹp đẽ. Nó vẫn có đó, ở ‘khắp tất cả chỗ’ và ‘chẳng từng che dấu’ với mỗi chúng ta. Nó vẫn chờ đó – sự chờ đợi của vĩnh cửu – đến một lúc nào, có một vị nào sẽ chỉ thẳng nó cho chúng ta như ngày xưa tổ tiên chúng ta đã làm thế. Hay một lúc nào, những che chướng (phiền não chướng và sở tri chướng) của chúng ta mỏng bớt, tự thân chúng ta sẽ thấy nó. Nhưng hiện giờ, bất chấp những che chướng tạm thời và tự tạo của chúng ta, nó vẫn không hề che dấu, ngăn ngại chúng ta, nó vẫn có đó trước mắt chúng ta, bởi vì nó ‘khắp tất cả chỗ và chẳng từng che dấu’.

* * *

Những người ‘có duyên’ với nó, nghĩa là đã tiếp xúc, đã tương ưng với nó ‘đều gọi’ đó là ‘tâm tông’. Tâm tông là gì ? Tâm ở đây là bản tánh của tâm, thực tại tối hậu nơi mỗi chúng ta, và khi chúng ta kinh nghiệm được Tâm này thì tất cả vũ trụ đều là Tâm. Thí như tất cả vũ trụ làm bằng cùng một chất là vàng, thế thì khi chúng ta thể nghiệm được chất vàng đồng nhất trong tất cả này, chúng ta thấy toàn thể thế giới là vàng ròng. Không còn sự phân biệt ta người, đây kia, tốt xấu, thích ghét… do đó mà không còn phiền não, do đó mà an vui. Chúng ta là vàng, nghĩa là chúng ta là tất cả, và vàng đó ‘khắp tất cả chỗ’ nên vàng không hạn cuộc vào một chỗ nào, không vì một chỗ nào, một hiện tượng nào sanh diệt mà vàng sanh diệt theo, do đó mà giải thoát. Vàng là tất cả, nhưng vàng không riêng là một vật gì cả.

Thực tại đó thì ‘thanh tịnh bản nhiên’, nghĩa là nó chưa từng bị ô nhiễm bởi những phiền não của chúng ta, chưa từng bị ô nhiễm bởi thế giới tạo thành bằng không gian hạn hẹp, chia cắt và thời gian một chiều bó buộc của chúng ta. Nó vẫn hằng hằng như vậy và bởi vì hằng hằng thanh tịnh như vậy, nó luôn luôn mới mẻ, trẻ trung, sung mãn. (Chỉ những cái gì nhiễm ô, đóng khung chết cứng trong tâm, những cái ấy mới nằm trong phạm trù cũ.) Khi chứng ngộ được thực tại đó, chúng ta mới thấy mình chưa từng nhiễm ô, chưa từng có một tư tưởng nào sanh khởi và lưu lại, chưa từng có một ngày bì bõm trong sanh tử, hay nói theo kinh Viên Giác, “mới hay sanh tử Niết bàn chỉ là giấc mộng hôm qua”.

Đứng trong thực tại, nghĩa là ở trong cái ‘thanh tịnh bản nhiên’ này, trong ‘chánh pháp nhãn tạng’ này, mới thấy những sự đến đi, những sự truyền vào, nối tiếp hay đứt đoạn, những sự kiện lịch sử ‘gốc tự Tây thiên, truyền pháp nhãn tạng’… đều chỉ là mộng huyễn bọt ảnh, ‘dối tự rao truyền’. Bởi vì xưa nay đều gồm đủ trong đó, Tây thiên hay Đông thiên đều gồm đủ trong đó, một hoa năm cánh (không phải riêng quốc độ nào) đều gồm đủ trong đó, tất cả không gian đều gồm đủ trong đó, tất cả thời gian đều gồm đủ trong đó :

Thanh tịnh bản nhiên
Tây thiên cõi này
Cõi này Tây thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên

Thiền chỉ là chứng ngộ cho được cái hiện tại vĩnh cửu rõ ràng trước mắt này mà thôi vậy.

* * *

Bởi vì thực tại vốn thanh tịnh như vậy (thanh tịnh bản nhiên), nó không cần tư tưởng của chúng ta nâng đỡ, tô vẽ, thêm bớt gì cho nó cả. Trái lại càng xúc chạm đến nó, càng tô điểm cho nó bằng những ý niệm thì cái thấy nguyên sơ của chúng ta về nó lại càng méo mó, hư giả, ngưng đọng, vướng mắc. Ở mức độ cao hơn, nó không cần quán tưởng, định tâm gì với nó cả. Quán tưởng, tập trung chỉ làm cho nó ngưng đọng, vướng mắc. Tất cả những tạo tác của tâm thức chỉ tạo thêm những màn che, những méo mó giả tạo giữa chúng ta và Nó. Đây là điều mà câu nói, ‘Ngay trên cái nhìn thấy trần trụi mà giải thoát’, hay câu kinh trong kinh Kim Cương ‘thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai’ diễn tả.

Nếu xúc chạm, tô điểm, tạo tác với Nó, những cái trung gian vô ích đó sẽ làm cho Pháp méo mó, và do đó mà hiểu lầm cái mà Phật, Tổ muốn chỉ bày : ‘Phật, Tổ thành oan’. Nói có Pháp (để ý chữ Pháp ở đây viết hoa) để tu, có Pháp để chứng đó là nói oan cho Phật, Tổ. Cái không sanh diệt vốn là không sanh diệt. Nó chẳng dính dáng gì đến những cái sanh diệt. Thế mà khởi lên tư tưởng tu, tu thế này tu thế nọ, rồi cho cái không sanh diệt là cái này cái nọ, kết quả của cái này cái nọ. Tất cả những tư tưởng khởi diệt đó chẳng tạo ra được cái vốn vô sanh, trái lại chỉ đưa hành giả vào trong rừng rậm của sanh diệt. Cái gì có sanh, cái đó phải diệt. Cái không sanh diệt thì cần gì phải có tư tưởng nào sanh, phương pháp nào sanh để rồi những thứ ấy sẽ diệt ? Nếu ở nơi sanh diệt mà tu, thì những cái sanh diệt chỉ có ý nghĩa : cái gì đã hư vọng sanh, phải đưa chúng về diệt ; cái gì sanh diệt đã hư vọng sanh, phải “tu” cho chúng thành tịch diệt để cái không sanh diệt lộ bày. Nếu cứ tạo tác trong sanh diệt để làm ra cái không sanh diệt, đó là : “Sai Nó mảy may, mất Nó trăm ngàn”.

* * *

Thực tại không thể làm ra, chỉ có thể quán sát Nó, thấy Nó. Ở đây bài kệ cho chúng ta thấy cách thực hành của Thiền sau khi ngộ được thực tại : ‘ngươi khéo quán sát’. Công thức ‘khéo tự hộ trì’ là một câu nói thường thấy của các Thiền sư dặn dò đệ tử sau khi đã ngộ được Tâm. ‘Khéo tự hộ trì’ hay ‘Ngươi khéo quán sát’ nói lên một điều : sau khi đã thấy được Nó, công việc còn lại không phải là thêm thắt gì vào Nó, mà cứ để nó nguyên trạng, không làm nó biến dạng bởi những tư tưởng ý niệm của mình, và khéo léo hộ trì Nó, quán sát Nó. ‘Ngươi khéo quán sát’ nghĩa là hãy thường thấy Nó. Và ở đây chúng ta thấy vẫn là một nguyên lý của đạo Phật : chúng ta thấy cái gì thì chúng ta là cái đó. Chúng ta thường thấy cái gì thì chúng ta thường là cái đó.

Nếu như trong một niệm chúng ta tương ưng được với Nó (nhất niệm tương ưng) thì sau đó bèn là “niệm niệm tương ưng” cho đến khi nó hoàn toàn tự tại, thoát khỏi mọi che chướng do chúng ta tạo ra mà hiển lộ toàn vẹn. Công phu sau ngộ chỉ là khéo hộ trì, khéo quán sát, thường thấy này.

Nếu ngộ chính là cái Thấy, thấy được Nền Tảng không có tự tánh hay Thật Tánh của tất cả các pháp (hiện tượng) thì Con Đường là hộ trì cái Thấy này, hộ trì nền tảng này, và Quả chính là cái Thấy đó đã thanh tịnh và mở suốt trọn vẹn, Nền Tảng đó đã hiển lộ trọn vẹn. Như vậy, Con Đường và Quả đều nằm trọn trong cái Thấy, cái Nền Tảng. Nhưng vì nghiệp che chướng và cản trở của chúng ta mà rất ít người trong nhân loại có thể chứng đắc cái Thấy, Con Đường và Quả trong một lần, mặc dù chúng rốt ráo chỉ là một. Thế nên trong mức độ chung, bình thường, chúng ta chia ra làm ba : cái Thấy (Nền Tảng), Con Đường (Thiền Định) và Quả. Thiền định hay tham thiền ở đây là khéo tự hộ trì, khéo quán sát, thường thấy vậy. Tóm lại, một khi đã thấy hay nhận biết hay xác quyết Nền Tảng, tất cả sự tu hành, sinh hoạt của chúng ta đều dựa trên Nền Tảng hay cái thấy này, và chính là sống trong Nền Tảng hay cái Thấy này mà cuộc đời chúng ta nở hoa, kết quả.

Nếu khéo quán sát, nếu không lìa khỏi Nền Tảng này – đây là sự tu hành – chúng ta mới khỏi ‘chớ lừa cháu con’. Và kết thúc bài kệ Thiền sư Vô Ngôn Thông đã dùng chính tên mình để chỉ thẳng thực tại :

Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn.

Thực tại chính là sự tịch diệt của mọi tư tưởng, mọi hý luận : sự im lặng tối hậu của tất cả danh tướng cho mọi sự tùy ý biểu lộ tùy theo duyên nghiệp của chúng. Đó là cái chúng ta gọi là giải thoát.


3. Giải Thoát Sanh Tử

Khi một trong những vấn đề chính của Phật giáo là giải thoát khỏi sanh lão bệnh tử, hay nói gọn là sanh tử, thì Thiền tông là một con đường của Phật giáo, chủ đề chính của Thiền phải là giải thoát khỏi sanh tử.

Nguyên nhân nào khiến có sanh tử ? Tại sao có sanh tử ?

Trong Nói Rộng Về Bốn Núi (Phổ thuyết tứ sơn), tức là giảng về bốn núi Sanh, Lão, Bệnh, Tử, vua Trần Thái Tông có bài kệ về núi Sanh như sau :

Trời đất nấu nung vạn tượng thành
Xưa nay không móng cũng không manh
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm
Liền trái vô sanh nhận có sanh
Mũi lưỡi đắm tham hương lẫn vị
Mắt tai mờ mịt sắc cùng thanh
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày cách quê hương muôn dặm trường.
(HT. Thanh Từ dịch)

(Châu tể luân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh
Tỵ trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.)

Sanh mở đầu cho tiến trình sanh, lão, bệnh, tử. Nhưng sanh khởi đầu bằng cái gì ? Đó là do tâm sanh vậy (tâm khởi đầu tất cả các pháp, tâm làm chủ – kinh Pháp Cú). Thế giới có đầy đủ muôn hình tượng, tùy theo nghiệp mà có hình thể, có quá trình sanh trụ hoại diệt. Nhưng ở trong Nền Tảng, chúng có đó mà thật là không, động đó mà thật là không động. Trong thật tế hay thật tướng, trong cái bản lai thì “không móng cũng không manh”, chưa từng có một hạt bụi dấy lên, sóng chưa từng tách lìa khỏi nước. Kinh Pháp Hoa nói : ‘Các pháp từ xưa nay, thường tự tịch diệt tướng.’ Chỉ vì tâm động cho nên có thế giới chỉ toàn là chuyển động, vì tâm phân biệt khởi lên nên có thế giới phân chia. Vì tư tưởng phân biệt khởi lên nên có thời gian cách biệt, không gian cách biệt.

Quá trình sanh tử chỉ là quá trình của tâm chuyển động thành tư tưởng phân biệt sai lầm. Nói theo Kinh, Luận thì chỉ do ‘một niệm bất giác’, hoặc nói như ngài Trần Thái Tông, chỉ vì sai khác một cái bèn có niệm và như vậy là quên đi, lìa ngoài cái vô niệm. Chỉ một niệm sai khác bèn lìa khỏi Nhất Tâm để xoay chuyển, khúc xạ thành muôn ngàn thứ tâm, muôn ngàn sai biệt, muôn ngàn hình tướng, muôn ngàn vọng tưởng. Chỉ một niệm sai khác ‘liền trái vô sanh nhận có sanh’. Từ tâm sai khác một niệm, bèn có ý thức phân biệt chia cắt, và rồi đi xa thêm trong việc sử dụng lầm lạc các giác quan. Một khi đã lìa khỏi vô niệm, vốn là bản tánh của tâm, vốn là thực tại nền tảng, lạc vào trong bộ máy nghiệp của tư tưởng và tri giác giác quan, thì mỗi ngày mỗi cách xa quê nhà, tức là thực tại ‘xưa nay không móng cũng không manh’ vốn hằng hằng vô niệm, nghĩa là không bị vọng niệm làm ô nhiễm. Và bởi vì ‘xưa nay không móng cũng không manh’ cho nên xưa nay không lìa khỏi đương niệm, nghĩa là vẫn muôn đời trước mắt.

Như thế, Thiền tông cũng như những tông phái khác của đạo Phật, cho rằng khổ (sanh tử) và nguyên nhân của khổ chỉ là tâm sai lầm. Sanh tử khổ đau này không ai tạo ra cả, chỉ do chính mỗi chúng ta mà thôi, chỉ do chúng ta tự làm biến dạng tâm nguyên sơ của mình để thành trùng trùng vọng tưởng phân biệt. Có điều Thiền luôn luôn nhấn mạnh là chúng ta không lạc xa đến ‘vạn dặm trường’ mà chúng ta lạc ngay trên đất thật mà mỗi chúng ta đang đứng, lạc ngay trên tâm địa của chúng ta. Chúng ta không cách xa quê nhà đến muôn ngàn dặm, mà chúng ta ‘xưa nay’ vẫn ở quê nhà, có điều vọng tưởng vô tình và cố tình làm cho chúng ta lạc lõng không thấy, không nhận biết điều đó mà thôi. Tất cả chúng sanh luôn luôn ở trong Niết bàn của chư Phật. Có điều chúng sanh chúng ta luôn luôn chuyển hóa Niết bàn thành sanh tử bằng cái thấy sai lầm của mình, còn các Bồ tát thì chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn cũng bằng cái thấy đúng của cácvị. Có lẽ chính vì quá gần như vậy cho nên Thiền tự nhận là Đốn giáo.

Thế thì giải thoát sanh tử chỉ là xóa bỏ, điều chỉnh sự sai khác của tâm. Tâm đã sai khác thì vặn nó về chỗ cũ của nó, chỗ bổn lai xưa nay của nó. Đưa tâm trở lại nguyên vị chưa méo mó của nó thì thấy ngay thực tại : ‘Pháp ấy trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ’ (Kinh Pháp Hoa). Nó có trái đi mà nhận có sanh thì đưa nó về chỗ không trái của nó, chỗ vô sanh của nó, chỗ bản tánh vô sanh của nó. Đã lỡ ‘dụi mắt thấy quái’ (xem hai bài tụng của Thượng sĩ Huệ Trung và vua Trần Thánh Tông đối đáp với nhau) thì thôi dụi đi, để cho mắt trở lại trạng thái cũ mà thấy ‘rỡ ràng thường tự tại’ (minh minh thường tự tại).

* * *

Ở một phương diện khác, chúng ta thấy rằng các Thiền sư Việt Nam thường đi thẳng vào vấn đề sanh tử và tìm ra giải đáp ở chính trong đó. Mặc dù giải đáp là chung, nhưng mỗi người tùy theo cá nhân, cơ cấu tâm sinh lý đặc thù của mình mà có một lối tiếp cận riêng.

“Vân Phong hỏi thầy mình là Thiền sư Thiện Hội : Khi sống chết đến làm sao tránh khỏi ?

Sư đáp : Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh.
Hỏi : Thế nào là chỗ không sống chết ?
Đáp : Ngay trong sống chết nắm lấy nó mới được.
Hỏi : Làm sao mà hiểu ?
Đáp : Ngươi hãy đi, chiều nay rồi đến.

Buổi chiều Vân Phong lại vào, Sư bảo : Đợi đến sáng mai tất cả chúng sẽ chứng minh cho ngươi.

Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.”

Hoặc một câu chuyện khác về vấn đề sống chết :

“Sư Quảng Nghiêm một hôm nghe Thiền sư Trí Thiền giảng Tuyết Đậu ngữ lục đến chuyện hai vị tôn túc Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến chỗ người chết điếu tang và nói về việc sống chết. Sư bèn có chỗ đắc, hỏi rằng : Một câu thoại đầu này, cổ nhân nói ở trong sanh tử lại có lý ấy không ?

Thiền sư Trí Thiền nói : Ngươi thể nhận được lý ấy chăng ?
Sư thưa : Thế nào là lý không có sanh tử ?
Đáp rằng : Chỉ ở trong sanh tử mà hiểu lấy nó.
Sư thưa : Bèn vô sanh rồi vậy.
Thiền sư nói : Tức tự hiểu.
Ngay câu nói sư được triệt suốt, bèn hỏi : Làm sao bảo nhậm (giữ gìn) ?
Thiền sư nói : Rõ rồi lại sống như chưa rõ.
Sư sụp lạy. Từ đó tiếng tăm vang khắp rừng Thiền.”

Qua hai đoạn hỏi đáp trên, chúng ta thấy các Thiền sư không giải thoát sanh tử bằng cách tránh nó, mà bằng sự nhìn thấy thật tướng hay bản tánh của nó. Ở đây chúng ta xem sự tiếp cận của Trí Bảo khi ở với Thiền sư Đạo Huệ :

“Sư Trí Bảo (?-1190) nghe tiếng Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) đang giáo hóa ở núi Tiên Du, bèn đến bái kiến, hỏi rằng : Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu ?

Thiền sư Đạo Huệ đáp : Sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu.
Hỏi : Thế chẳng rơi vào chỗ hư vô ư ?

Đạo Huệ nói : Chân tánh viên diệu, thể tự không tựa, vận dụng tự tại chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu.

Trí Bảo nghe xong lãnh ngộ, nói :

Chẳng nhân gió cuốn mây bay sạch
Sao thấy trời xanh muôn dặm thu.”

Dĩ nhiên những gì chúng ta nói bàn ở đây chỉ là ý niệm, ngôn ngữ chứ không phải là thực tại. Còn cái gì sư Trí Bảo lãnh ngộ, đó là kinh nghiệm ngộ, một kinh nghiệm vượt khỏi ý niệm và ngôn ngữ, nghĩa là vượt khỏi sanh tử. Nhưng chúng ta có thể thấy mơ hồ bằng ý niệm rằng sư Trí Bảo đã lãnh ngộ tánh Không, cụ thể là tánh Không trong sự việc ‘Sanh không có từ đâu đến, chết không có đi về đâu’. Tánh Không ấy không phải là hư vô mà là ‘chân tánh tròn đầy mầu diệu, thể tự không tịch, vận dụng tự tại chẳng đồng với sanh tử’.

* * *

Như thế, một trong những giải quyết vấn nạn sanh tử của Thiền là ở ngay trong sanh tử để thấy bản tánh của sanh tử chính là tánh Không, do đó không có ai để tìm cách tránh và không có cái để phải tránh đi đâu cả. Từ đây mà có những bài ca giải thoát như Sanh tử nhàn mà thôi (Sanh tử nhàn nhi dĩ) của Huệ Trung thượng sĩ.

Thiền sư Giới Không, Thế hệ thứ 15, dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một hôm không bệnh, Sư nói kệ dạy chúng :

Ta có một việc kỳ đặc
Chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng, đen
Thiên hạ tại gia, xuất gia
Yêu sanh, ghét tử là giặc
Không biết (nên) sanh tử khác đường
Sanh tử chỉ là được mất.
Nếu cho sanh tử khác đường
Lừa cả Thích Ca Di Lặc.
Nếu biết sanh tử sanh tử
Mới biết lão tăng ở đâu
Các người môn nhân, hậu học
Chớ nhận vòng vo phép tắc.

Nói kệ xong, Sư cười lớn một tiếng, chấp tay mà mất.

Chúng ta đọc thêm một bài kệ của Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) cũng về chuyện sanh tử :

“Ngày mồng một tháng tám năm Nhâm Thìn, Sư hiện bệnh, than rằng :

Loạn lạc tứ tung
Do đâu mà đến ?

Nói kệ rằng :

Đất, nước, gió, lửa, thức
Nguyên lai thảy cả Không
Như mây tan rồi hợp
Phật nhật chiếu không cùng.

Lại nói :

Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng hợp chẳng phân ly
Nếu ai muốn rõ biết
Trong lò (lửa) một cành hoa.

Đến canh ba, Sư im lặng mà hóa.”

Ở đây chúng ta lại thấy tánh Không là cách và cái giải quyết thực sự cho sanh tử : “Đất nước gió lửa thức, nguyên lai thảy cả Không’, nghe như bài Bát Nhã Tâm Kinh : ‘Quán Tự Tại Bồ tát khi hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt tất cả khổ ách’. Và ‘sắc thân cùng diệu thể, chẳng hợp chẳng phân ly’, ‘chẳng hợp chẳng lìa’ này là một câu nói gặp rất nhiều trong kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Có điều hình như Thiền Việt Nam không chỉ nói một mặt Chân Không mà luôn luôn nhấn mạnh mặt Diệu Hữu kia : ‘Phật nhật chiếu không cùng’, ‘Trong lò (lửa) một cành hoa’.

Khi nói Chân Không Diệu Hữu, ấy là nói đến một cái Không đang hiện tiền, đang có mặt ; không phải là một cái Không do các sắc tiêu tan, biến mất rồi mới có Không. Khi nói sắc tức thị Không nghĩa là nói sanh tử tức là giải thoát, không phải sanh tử tiêu tan mới có giải thoát.

Có lần một vị tăng hỏi Tổ Vô Ngôn Thông : ‘Thế nào là Phật ?’ Tổ đáp : ‘Khắp tất cả chỗ.’ Khi Phật là khắp tất cả chỗ, thì giải thoát cũng khắp tất cả chỗ. Bởi thế mà khi vua Lý Thái Tông hỏi Thiền sư Thiền Lão : ‘Hàng ngày hòa thượng làm việc gì ?’ Sư đáp :

Trúc biết hoa vàng phi (chẳng phải là) 
ngoại cảnh
Trăng trong mây bạc lộ toàn chân.
Đó là tất cả sanh tử và tất cả giải thoát của một Thiền sư.

* * *

Một khi một người chứng ngộ được thật tướng của sanh tử là Niết bàn, thì đồng thời vị ấy đầy đủ lòng đại bi khi thấy tất cả chúng sanh đang quay cuồng trong nhà lửa sanh tử, mỗi phút giây đều tạo nghiệp khổ đau cho chính họ và cho người khác. Toàn thể cuốn Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông đều được viết ra với động cơ là lòng bi này, bởi thế đoạn nào cũng biểu lộ một tấm lòng nồng nhiệt muốn thúc bách người khác vượt qua sanh tử khổ đau mà thật ra là không thật có ấy. Ở đây chúng ta trích ra một đoạn trong Khuyến phát Bồ đề tâm để cho thấy mặc dù ít nói về lòng bi, nhưng động cơ sống của một thiền sư là lòng bi, toàn bộ ngôn ngữ của một thiền sư là hừng hực thiết tha vì mục tiêu giải thoát khổ đau cho người khác :

“Đã nghe lời này, phải nên chăm học, chớ có chần chừ. Kinh nói : ‘Một phen mất thân người, muôn kiếp khó được lại.’ Cho nên Khổng tử nói : ‘Người không chịu làm thì ta biết làm thế nào.’

Rõ ràng thay, ngày tháng trăm năm chỉ là phút chốc, thân huyễn bốn đại đâu thể lâu dài. Càng ngày càng đắm trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận. Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái thế có chút gì cũng là một trường đại mộng, phú quý kinh người cũng khó khỏi vô thường hai chữ. Tranh ta tranh người, rốt cuộc thành không ; khoe giỏi khoe hay, rốt cùng chẳng thật.

Gió lửa tan có chi già trẻ
Núi khe tiêu tận mấy anh hung

Đầu xanh chưa mấy lúc, tóc bạc đã sớm pha, ngày vui vừa qua thì ngày điếu cũng tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình, bảy thước xương khô mặc sức tham lam tiền của. Thở ra không hẹn thở vào, sáng nay không chắc giữ được sáng mai.

Sông ái nổi chìm bao giờ dứt
Nhà lửa đốt thiêu thuở nào xong

Chẳng nguyện vượt thoát lưới nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Diêm vương bỗng chốc kêu đòi, sứ giả há cho triển hạn. Ngoảnh lại người thân đâu thấy, rốt rồi nghiệp báo tự mang theo… Mười hai giờ cam chịu đắng cay, năm trăm kiếp thấy đâu hình bóng. Chịu đủ tội nghiệp, lại tiếp luân hồi. Bỗng mất thân hình thuở trước, đổi ra lấy vóc ngày nay. Khoác lông mang sừng, đeo yên da ngậm hàm sắt, lấy thịt nuôi người, dùng mạng trả nợ. Sanh thì bị nạn chày nện dao bằm, sống thì gặp khổ nước sôi lửa bỏng. Gây thù tích oán, xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ dù có biết hối, học đạo cũng không đường.

Chi bằng gánh vác lấy ngay, đừng để kiếp này lỡ bước. Đức Thích Ca bỏ hoàng cung đi thẳng vào Núi Tuyết. Bàng cư sĩ đem gia tài đổ ngoài biển cả… Lục tổ mới gặp khách, nghe kinh liền tỉnh ngộ. Đạo Thiền nếu không ban cho mùi vị, hiền thánh sao chịu quy y… Đây là nguyên do để nghiệm biết, chớ sanh chán nản thối lui…

… Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm ? Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc tu hành lầm đường mà chẳng tỉnh ra ý ấy. Đâu biết tánh giác Bồ đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát Nhã người người sẵn đủ. Chẳng cứ đại ẩn tiểu ẩn, bất kể tại gia xuất gia, chẳng nề tăng tục, chỉ cốt rõ tâm. Vốn không nam nữ, nào cần chấp tướng. Người chưa hiểu dối chia tam giáo, hiểu được rồi đồng ngộ Nhất Tâm. Nếu hay hồi quang phản chiếu, đều được kiến tánh thành Phật.

Huống chi thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Nếu muốn vượt vòng luân hồi sáu nẻo, chỉ có con đường tắt Nhất Thừa. Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư. Ngộ rồi mới là vào đạo, hành được mới có thể thoát tục. Bước bước dẫm lên đất thật, đầu đầu đều đội hư không. Khi dùng thì muôn cảnh rỡ ràng, buông xuống thì một mảy bụi chẳng lập. Đó là địa vượt sanh tử chẳng tương can, cơ liễu ngộ chỗ quỷ thần nhìn chẳng thấu.

Là phàm là thánh đồng vào một đường này, hoặc oán hoặc thân đều cùng chung một lỗ mũi. Thật ngộ như thế, còn trệ nửa đường. Hãy thôi nói ba huyền hướng thượng, cốt rõ một cái tối hậu mà thôi. Hãy nói, nay thế nào là một cái tối hậu ?

Núi xanh nơi thấy trời lồng lộng
Sen đỏ khi bừng, nghe nước thơm.”


4. Thực Tại Trước Mắt

Thiền là thấy thẳng Thực Tại. Thực tại đó không phải là không có cái gì cả, như một vòng tròn trống không của bức tranh Thiền tông số Tám, ‘Người, trâu đều quên’, hay bức tranh Đại thừa số Mười, ‘Hết cả hai’, mà là bức tranh Thiền tông số Chín, ‘Trở lại nguồn gốc’ (Phản bổn hoàn nguyên) : đầy đủ nước biếc non xanh, chim chóc cây lá…

Thiền không phải là và cũng không nhắm đến những cảnh giới của định (mà chúng ta thường gọi là Bốn thiền Tám định) như là cứu cánh. Những cấp độ định chỉ là những trạng thái, dù vi tế hoặc cùng cực vi tế, của tâm. Chúng có thể dùng để huấn luyện cho tâm thức, chúng là những trạng thái, những biểu lộ vi tế của tâm, nhưng chúng không phải là bản tánh của tâm thức, chúng chưa phải là Tâm.

Người xưa thường nói, bình thường tâm là Đạo. Cái tâm bình thường này là nguyên trạng của tâm, bản tánh của tâm, nền tảng của tâm và nó có mặt ở trong bất kỳ trạng thái nào của tâm, trong bất kỳ không gian thời gian nào. Như nước có mặt trong bất kỳ hình tướng biểu lộ nào của nước, trong bất kỳ làn sóng nào. Thiền chính là bản tánh của tâm, cái tâm bình thường, nguyên trạng không khúc xạ, méo mó này.

“Thiền sư Đạo Hạnh (?-1115) nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, sư thân đến tham vấn, trình hỏi chân tâm bằng bài kệ :

Lâu trộn bụi phàm chửa biết vàng
Chẳng biết nơi đâu ấy chân tâm ?
Cúi mong chỉ thẳng khai phương tiện
Thấy trọn như như hết khổ tìm.

Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ :

Trong ngọc bí thanh diễn diệu âm
Trong đây đầy mắt lộ thiền tâm
Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh
Nghĩ tới, Bồ đề cách vạn tầm.”

Phần đời trước của sư Đạo Hạnh, cũng giống chúng ta hiện giờ, ‘lâu nay trộn lẫn với bụi phàm’ nên dù nghe những vị chứng ngộ nói rằng ‘thế giới này toàn bằng vàng ròng’ thì cũng chưa biết vàng đó như thế nào. Chúng ta chẳng biết ‘chân tâm ấy ở đâu’, nên xin ngài ‘chỉ thẳng, mở bày phương tiện’, để ‘thấy trọn như như’ hết dứt khổ đau khao khát kiếm tìm.

Thiền sư Trí Huyền đáp : Trong thế giới này là viên ngọc pha lê trong vắt, có âm thanh bí mật diễn diệu âm, có âm thanh không âm thanh, có âm thanh im lặng, diễn bày tất cả sự sống. Trong cái ở đây và bây giờ, Tâm Thiền (Thực Tại) lộ bày đầy mắt, có chỗ nào mà không là ánh sáng, có chỗ nào chẳng phải là Nó. Hà sa cảnh là cảnh Bồ đề (Giác Ngộ) : tất cả tư tưởng ngôn ngữ đều vô ích, dư thừa. Chân tâm ấy vốn tự lộ bày như vậy, thế mà vừa khởi tư tưởng (động niệm tức quai, động niệm liền sai), nghĩ ngợi toan tính đi tới Nó, thì chính sự động niệm khởi tưởng tham cầu loạn động ấy lại che mất Nó ; chính cái tư tưởng tìm kiếm ấy lại làm cho cách xa mấy vạn tầm.

Thế thì, chân tâm vốn hiện bày trước mắt, cái thực tại nền tảng của tâm hằng hiện diện ở đây, chiếu soi ra qua các giác quan thông suốt không ngăn ngại, thế mà do so đo phân biệt, tính toan đủ thứ bèn tự làm nhiễu loạn, che lấp chính mình. Muốn thấy Nó, hãy thôi trụ chấp vào những hình tướng đặc thù để khởi lên tham ghét loạn xạ. Hãy để cho tâm tự là chính nó, tự ở nơi địa vị vốn thật của nó, không có tư tưởng làm cho méo mó biến dạng, không có tham lam nắm bắt làm cho nó trở nên hình này tướng nọ. Khi ấy căn và cảnh suốt thông trong một sự thanh tịnh, cảnh nào chẳng phải là cảnh Bồ đề ? Khi ấy như hai tấm gương sáng đối nhau, tâm cảnh thông suốt nhất như, cái gì chẳng phải là Bồ đề ?

“Sư mù mịt không hiểu mới tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân, hỏi rằng : Thế nào là chân tâm ?

Thiền sư Sùng Phạm nói : Cái gì chẳng phải là chân tâm ?

Sư hoát nhiên tự nhận được, lại hỏi : Làm sao gìn giữ (bảo nhậm) ?

Sùng Phạm nói : Đói ăn khát uống.

Sư lễ tạ từ giã ra đi. Từ đấy thêm pháp lực, duyên thiền càng thuần thục, có thể sai rắn núi, thú rừng họp nhau đến thuần phục. Sư cầu mưa, chữa bệnh, không gì không tức khắc ứng nghiệm.

Có vị tăng hỏi : Đi đứng nằm ngồi đều là tâm Phật, thế nào là tâm Phật ?

Sư dạy kệ rằng :

Cho có, mảy may có
Là không, thảy cả không
Có không, trăng trong nước
Chớ vướng có không không.”

Với Thiền sư Sùng Phạm sư không hiểu, cũng như chúng ta mịt mờ không hiểu, chỉ bởi vì sau một đoạn đời loạn lạc khổ đau, vừa mới nghe có cái hằng hằng tịch lặng bình an thì cái tâm thức loạn lạc ấy vội vàng truy tìm nắm bắt. Có biết đâu rằng tâm vừa khởi tư tưởng nắm bắt tìm cầu thì cái tuyệt không chủ thể đối tượng lại thành ra đối tượng chủ thể. Tâm vừa khởi ý tìm cầu thì tâm liền lìa khỏi địa vị của nó mà thành ra tướng, đại dương vừa nổi gió tìm kiếm thì thành ra sóng. Với người chưa thấy bản tánh của tâm là gì, tánh nước của đại dương là gì thì chỉ lạc thêm vào trong tư tưởng, vào trong những làn sóng, càng thêm rối loạn mịt mù. Đó là sự việc hỗn loạn mà người xưa nói là cưỡi trâu tìm trâu, trên đầu lại chồng thêm đầu, trên tuyết lại pha sương…

Cho nên đến khi tâm ý hết đường, tâm ở yên trong chánh vị của nó, không tạo tác, không biến đổi, không khúc xạ méo mó, ngay lúc đó hỏi rằng, ‘Thế nào là chân tâm ?’ Thiền sư trả lời : ‘Cái gì chẳng phải là chân tâm ?’, bèn khoát nhiên tự nhận được. Cũng vẫn một chỉ thẳng, một cách nói mà với thầy trước thì nhận không được, vì tâm thức chưa chín muồi, chưa đủ thanh tịnh. Khi đủ thanh tịnh thì nhận ra ngay : cái gì cũng là chân tâm, từ các tướng cho đến các tưởng. Lúc đó chính tâm ấn lên tâm, chính nó ấn lấy nó, chẳng sai trệch mảy may, như một tấm gương soi trọn một tấm gương…

* * *

Cũng cái thực tại trước mắt này, Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) nói trong hai bài kệ :

Ở đời làm thân người
Tâm là tạng Như Lai
Chiếu ngời khắp phương cõi
Tìm đó càng bặt bóng.

Và bài kệ thị tịch :

Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài đại thiên sa cõi
Nơi đâu chẳng phải nhà.

Chung quy của Phật pháp là cái thực tại hiện ở trước mắt này. Trong kinh Pháp Hoa (phẩm Hóa Thành Dụ) đức Phật kể :

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức triệu kiếp, đức Phật đó khi ngồi nơi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước mắt (hiện tiền). Như vậy hết một cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng, thân và tâm đều không động mà Phật pháp vẫn chẳng hiện ra trước mắt (hiện tiền)…

Các Tỳ kheo ! (Như vậy) đức Đại Thông Trí Thắng Phật trải qua mười tiểu kiếp rồi, các Phật pháp mới hiện ra trước mắt (hiện tiền) mà thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phật pháp ở đây trong ngữ cảnh của kinh Pháp Hoa nói riêng và Đại thừa nói chung, là Phật tánh hay Như Lai tạng hay Pháp thân v.v… Thực tại ấy không còn bị vướng mắc bởi phiền não chướng và sở tri chướng mà xuất hiện một cách trọn vẹn trước mắt, thì đó gọi là Giác Ngộ.

Phật pháp đó là Trí Huệ Như Lai (trong kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật) trong lời nói của Thiền sư Trường Nguyên (1110-1165). Sư thường bảo mọi người :

“Lạ thay ! Lạ thay ! Tại sao các chúng sanh đây có đầy đủ trí huệ của Như Lai mà ngu si mê lầm chẳng thấy chẳng biết. Ta thường đem đạo dạy dỗ, khiến họ vĩnh viễn lìa vọng tưởng chấp trước ở trong tự thân mà được thấy trí huệ rộng lớn của Như Lai, lợi ích an lạc.”

Trí huệ Như Lai này chính là ‘ở đời làm thân người, tâm là tạng Như Lai, chiếu ngời khắp phương cõi…’ Trí huệ Như Lai này mỗi chúng sanh chúng ta đều có đầy đủ, nghĩa là vẫn thường tự hiện tiền, nhưng chúng ta chẳng thấy chẳng biết vì bám chấp vọng tưởng ở trong tự thân. Và khi thấy được nó thì :

Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài đại thiên sa cõi
Nơi đâu chẳng phải nhà.

Thế nên thấy được thực tại trước mắt mà không nhiễm ô lẫn lộn với những hình tướng, với tư tưởng ý niệm thì đó là Thiền :

Pháp thân thanh tịnh Phật vô tướng
Sáng lặng trong đầy như hư không
Hình nghi chẳng mượn lấy thanh cầu
Dung mạo can gì với sắc pháp.
Muôn tượng đồng quy biển chân tánh
Mảy trần chẳng nhiễm vốn nguồn linh
Rõ ràng hiển hiện Phật chân thân
Lồ lộ Như Lai thường đối diện.
(Thiền sư Chân Nguyên)

* * *

Tất cả mọi sự đều quy về biển chân tánh này, thế nên tất cả mọi việc tu hành đều quy về cái thấy, nghe, hay, biết biển chân tánh này. Nhưng làm sao thấy biển chân tánh ấy ? Vì tất cả mọi sự đều ở trong biển chân tánh ấy nên sự nào cũng là cái ‘khai phương tiện’ cho chúng ta biển chân tánh ấy. Nói tóm, đối với Thiền tất cả mọi sự đều là phương tiện để thấy chân tánh, vì mỗi sự vật đều đang ở trong chân tánh ấy, đang là chân tánh ấy.

Mỗi chúng ta đều đang ở trong chân tánh, mỗi chúng ta đều đang tiếp xúc với chân tánh ấy, thế nên, nếu nói đến cách tiếp cận thì có vô số cách tiếp cận, vô số lối vào, vô số phương tiện. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một phương tiện, là sự tiếp cận chân tánh bằng con mắt thấy.

Thiền sư Cứu Chỉ (tịch vào khoảng 1059-1065) nói với môn đồ :

“Phàm tất cả pháp môn, vốn từ tánh ngươi. Tất cả pháp tánh vốn từ tâm ngươi. Tâm pháp nhất như, vốn không hai pháp. Phiền não trói buộc, tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không gì chẳng phải quả, chẳng phải nhân. Chẳng ở trong nghiệp mà phân biệt, chẳng ở trong báo mà phân biệt. Nếu có phân biệt nghiệp, chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không chỗ thấy. Tuy biết tất cả pháp mà không chỗ biết. Biết tất cả pháp, nhân duyên làm gốc. Thấy tất cả pháp, chánh chân làm tông. Tuy vào thật tế, hiểu rõ thế gian đều như biến hóa. Thấu rõ chúng sanh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng bỏ nghiệp cảnh, phương tiện thiện xảo, nơi hữu vi giới bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng của vô vi, là do tận dục tuyệt ngã, quên niệm so đo vậy.”

Ở đây chúng ta chỉ chú ý đoạn nói về cái thấy. Như thế nào để thấy được chân thân Phật, hay biển chân tánh, mà ngài Cứu Chỉ gọi là pháp tánh ? Chúng ta sống ở đây, trong thế giới này có đủ các hình tướng (các pháp) sai biệt do nghiệp báo mà thành, nghĩa là do nhân quả, tức là ‘nhân duyên làm gốc’. Đã do nhân duyên sanh, nên không có tự tánh, do đó mà ‘tất cả đều như huyễn’. Trong nghiệp báo không có tự tánh, như huyễn’ ấy mà phân biệt, tâm bèn trôi lăn theo các biến hiện của nghiệp, mất đi bản tánh vốn tự tại của nó. Thế nên ở trong gương mà phân biệt theo các hình bóng phản chiếu trong đó, thì chỉ thấy bóng chẳng thấy gương tự tại đâu. Còn nếu trong đó mà không phân biệt, thì toàn thể bóng là gương ; ở trong gương mà không phân biệt, thì tất cả hoàn lại nguyên trạng là gương, do đó mà được tự tại, dù các bóng có thế nào.

Thấy tánh, chỉ là ‘tuy thấy tất cả pháp mà không chỗ thấy’. Khi cái thấy không trụ vào một vài hình tướng riêng biệt nào, thì đây là toàn thể cái thấy, cái thấy toàn khắp, đó gọi là thấy tánh. Tất cả bóng đều ở trong gương nhưng vì gương toàn khắp không chỗ trụ nên chẳng bóng nào làm ngăn ngại được gương. Cũng một đường lối tiếp cận như vậy, kinh Kim Cương nói : Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai. ‘Chẳng phải tướng’ là không thấy các hình tướng riêng biệt, không trụ vào một vài hình tướng riêng biệt, không trụ vào sự sai biệt của các hình tướng. Nếu biết giải thoát cái thấy ra khỏi một vài hình tướng riêng biệt, thì đó là thấy tánh. Đó gọi là giải thoát ngay trên cái thấy.

‘Biết tất cả pháp mà không chỗ biết’ cũng như vậy : biết mà không phân biệt thì cái biết ấy là toàn thể tánh giác, là tất cả pháp tánh. ‘Thấy tất cả pháp, chánh chân làm tông’, ‘chánh chân’ ở đây nghĩa là ‘thấy rõ chúng sanh (và tất cả các pháp) chỉ là một pháp, không có hai pháp’. ‘Chánh chân’ như thế cũng là chánh kiến, nghĩa là cái thấy không bao hàm sự phân biệt, không lọt vào sự phân biệt của thức. Chánh chân là một cái thấy toàn thể, không bị phân hóa biến dạng thành chủ thể và những đối tượng. Ở trong một cái thấy như vậy, con mắt không còn ở một chỗ nào, mà ở khắp tất cả chỗ. Khắp tất cả chỗ đều là con mắt, đều là một con mắt vậy.

Tóm lại, thực tại trước mắt là cái không phải chuyện cũ cách đây hơn ngàn năm, cũng chẳng phải hôm nay mới có. Qua sự chỉ dạy tha thiết của các Thiền sư ngày xưa, chúng ta có thể lần vào để trực tiếp gặp nó, thể nghiệm nó, tìm thấy cho cuộc đời của mình cái nền tảng đích thật, hết trôi dạt tha phương, bất toại nguyện và khốn khổ :

“Tướng không là thật tướng, thân không tức Pháp thân, sạch trọi trơn, trần trụi tự nhiên không vướng mắc, không một vật, không thể nắm bắt. Nếu gọi là một vật, lại chẳng đúng lý.” (Thiền sư Chân Nguyên – Kiến Tánh Thành Phật.)


5. Hiện Tại Vĩnh Cửu

Vua Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh, vị vua đầu tiên của đời Trần thời thanh niên không mấy vui, nếu không nói là bi kịch. Trần Cảnh còn rất nhỏ đã được hầu cận Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của đời Lý. Trần Thủ Độ là chú Trần Cảnh đã bố trí cho Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và ít lâu sau nhường ngôi cho chồng. Lúc đó Trần Cảnh mới 8 tuổi. Chưa có con, Trần Thủ Độ lại ép Trần Cảnh lúc đó 19 tuổi giáng Lý Chiêu Hoàng làm công chúa để lập Thuận Thiên, vợ Trần Liễu, anh ruột của Trần Cảnh, lúc đó có thai đã ba tháng lên làm hoàng hậu.

Trong những năm làm vua có lần ông đã bỏ triều đình trốn lên núi Yên Tử gặp Quốc sư Trúc Lâm, rơi nước mắt và nói với Quốc sư : ‘Trẫm đương trẻ thơ, cha mẹ vội mất, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ sự nghiệp các vua thuở trước, hưng phế chẳng thường, cho nên tìm đến núi này, chỉ cầu làm Phật không cầu gì khác.’

Quốc sư nói : ‘Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay nơi tâm. Tâm tịch lặng mà biết, đó là Phật chân thật. Nếu bệ hạ ngộ được tâm này thì lập tức thành Phật, chẳng khổ công tìm cầu ở đâu khác bên ngoài.’

Sau đây là lời tự thuật của vua Trần Thái Tông : ‘Trẫm phải về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi rãnh việc lại hội họp các bậc cao đức để tham thiền hỏi đạo. Còn như các kinh điển thì không kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, một hôm đọc đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, vừa mới gấp sách lại ngâm tụng, khoát nhiên tự ngộ. Lấy chỗ ngộ đó làm bài ca này, đặt tên là Thiền Tông chỉ Nam…’

* * *

‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, hãy sanh khởi tâm không trụ vào đâu cả. Trước kia vua Thái Tông khổ đau nhiều vì tâm thức ngài đã trụ vào nhiều chuyện, nhiều biến cố, một dòng tư tưởng và thời gian bất như ý của nghiệp riêng của ngài. Sau một thời gian cầu đạo, tâm thức đã chín muồi, và khi tâm thức đó chạm đến câu ‘hãy sanh khởi tâm không trụ vào đâu cả’, nó bèn lọt vào cái không có chỗ trụ đó ; nó tức thì rơi vào cái không có thời gian, cái không có tư tưởng để tạo ra thời gian đó. Cái đó, cái không chỗ trụ, không có thời gian, nghĩa là không có nỗ lực để hướng đến một cái gì, là chỗ giải thoát cho những cái có sanh diệt, có thời gian, có nỗ lực. Đó là khoát nhiên tự ngộ…

An tâm là đặt tâm vào trong nền tảng, trong bản tánh của nó là vô tâm. An tâm là đưa tất cả những tư tưởng hoặc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai – nghĩa là những cái đã tạo ra dòng thời gian – vào trong nền tảng hay bản tánh của chúng là cái vốn không nhiễm ô gì bởi tư tưởng…

Thiền sư là một con người sống trong cái không có thời gian này, hay nói đúng hơn, vẫn sống trong thời gian quy ước thế tục, nhưng đồng thời cũng thể nghiệm thời gian quy ước thế tục ấy xảy ra trong cái không thời gian, xảy ra trong hiện tại vĩnh cửu.

Vua Lý Thái Tông có lần đến chùa Thiền sư Thiền Lão và hỏi Sư rằng : “Hòa thượng ở núi này đến nay được bao lâu ?”

Sư đáp :

Chỉ biết ngày hiện tại
Ai hay xuân thu xưa.”

Cái ‘ngày hiện tại’ này, nói theo ngôn ngữ và ý niệm Tây phương cho dễ hiểu, là cái hiện tại vĩnh cửu. Hiện tại vĩnh cửu này theo Thiền, không phải là chờ đến khi thời gian chấm dứt, tư tưởng chấm dứt mới có mặt, mới hiện bày. Cái hiện tại vĩnh cửu này nằm ngay dưới mỗi khoảnh khắc thời gian, mỗi động niệm của tư tưởng. Hay ở một mức độ thể nghiệm cao hơn, mỗi khoảnh khắc thời gian, mỗi tư tưởng chính là sự biểu lộ của cái hiện tại vĩnh cửu không thời gian, không tư tưởng này. Như đại dương luôn luôn nằm dưới mỗi làn sóng, và ở mức độ thể nghiệm sâu hơn, mỗi làn sóng chính là nước, là đại dương.

Tham thiền là tương ưng, tham dự, sống với cái hiện tại vĩnh cửu đó. Trong đó ‘tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc’ (Kinh Kim Cương), nghĩa là không có thời gian :

Ai hay xuân thu xưa

Trong hiện tại vĩnh cửu này, hay trong thực tại, xưa, nay và mai sau, dù có biến đổi dâu bể thế nào, cũng vẫn là ‘không khác’ : ‘không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm’. Hay nói theo Tăng thống Huệ Sinh (?-1064) ‘ba ba lại ba ba’ trong bài kệ thị tịch của ngài :

Nước lửa (mỗi) ngày xen nhau
Do đâu chưa cần bàn
Báo (tin) anh không xứ sở
Ba ba lại ba ba(1)[2}

Lại nói :

Xưa nay đến tham học
Người người chỉ phía Nam(2)[3]
Nếu ai hỏi việc mới
Việc mới trăng mồng ba

Trong hiện tại vĩnh cửu này, có trước sau, cũ mới gì thì cũng ‘trước ba ba sau lại ba ba’. Có ‘việc mới’ thế nào nữa thì cũng là sự và việc ‘như thị’, nghĩa là cũ hơn tất cả quá khứ và mới hơn tất cả tương lai : ‘việc mới trăng mồng ba’.

* * *

“Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) thường trì kinh Viên Giác, hiểu rõ pháp Tam Quán. Một tối trong lúc thiền định, sư thấy Bồ tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột rồi dùng thuốc rịt vào. Từ đó những gì đã học trong lòng, trở thành rõ ràng như từng biết, rõ sâu ngôn ngữ tam muội, thuyết giảng lưu loát. Khi có vị tăng hỏi : ‘Chỉ có Phật với Phật mới biết việc đó (câu này lấy từ kinh Pháp Hoa : Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu rõ triệt để thật tướng của các pháp). Thế thì việc đó là thế nào ?’

Sư đáp :

Đường hẹp chi chít trúc
Gió thổi nhạc tự thành.”

Ai nói trong đó có thời gian ư ?

* * *

Một người đã mở được cánh cửa của thời gian để bước vào cái không có thời gian, cái cội nguồn vô sanh của thời gian là một người tự tại, như Thượng sĩ Huệ Trung trong Phóng Cuồng Ngâm :

Trời đất liếc trông, hề, sao mênh mang
Chống gậy rong chơi, hề, phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương
Đói thì ăn hề cơm tứ xứ
Mệt thì ngủ hề chẳng quê hương
Lúc hứng thổi, hề, sáo không lỗ
Chốn sạch đốt hề giải thoát hương
Mỏi nghỉ chút hề hoan hỷ địa
Khát uống đầy hề nước tiêu dao
(Làm) Láng giềng Quy Sơn hề chăn trâu tơ
Chung thuyền Tạ Tam hề hát Thương Lang
Thăm Tào Khê hề chào Lư Thị (Lục tổ Huệ Năng)
Viếng Thạch Đầu hề bạn lão Bàng
Vui ta vui hề cái vui Bố Đại
Cuồng ta cuồng hề cái cuồng Phổ Hóa
Chà chà giàu sang hề mây nổi
Ối ối tháng năm hề (bóng) ngựa qua
Chen chi hề đường quan gai góc
Chịu sao hề thói đời thất thường
Sâu thì lội hề cạn thì vén
Dụng thì ra hề bỏ thì ẩn
Buông bốn đại hề chớ nắm giữ
Xong một đời hề thôi ruổi rong
Thỏa nguyện ta hề được Ta xưa nay
Sanh tử bức nhau hề dính dáng gì ta !

Nhưng chúng ta chớ nghĩ rằng cái không có thời gian (sanh tử – thời gian – bức nhau hề dính dáng gì ta !), cái không có không gian (phương ngoài phương, chẳng quê hương…) là nằm ở một nơi ‘mênh mang’ nào đó, một chốn ‘vô sở hữu xứ’ nào đó, mà nó nằm ngay trong đời sống hàng ngày : ‘liếc trông’, ‘chống gậy’, ‘đói ăn’, ‘mệt ngủ’, ‘thổi sáo’, ‘đốt hương’…

Vẫn lấy lời của Thượng sĩ để làm rõ thêm vấn đề thời gian :

Khi tâm sanh hề sanh tử sanh
Khi tâm diệt hề sanh tử diệt
(Sanh tử nhàn mà thôi)

Khi tâm sanh thì sanh tử sanh, nghĩa là thời gian sanh. Khi tâm diệt thì sanh tử diệt, nghĩa là thời gian diệt. Như vậy thời gian hay không có thời gian đều ở trong tâm. Và khi tâm tự tại thì nó làm ra sanh tử, thời gian cũng được mà không làm ra sanh tử, thời gian cũng được. Nói cách khác, sanh tử hay thời gian là trò chơi của một tâm tự tại, và tâm tự tại đó chẳng dính dáng hề hấn gì với trò chơi của mình.

* * *

Khi nói rằng thời gian và tư tưởng biến mất trong cái ‘không chỗ trụ’, chúng ta dễ nghĩ rằng cái không có thời gian ấy, cái hiện tại vĩnh cửu ấy là một vĩnh cửu bất động. Nhưng với các Thiền sư thì không phải như vậy. Thiền sư Vạn Hạnh, người gắn bó hơn ai hết với thời gian lịch sử – cũng có nghĩa là thời gian quy ước – mà cụ thể là lịch sử triều Lý, đã nói rằng :

Ta không lấy chỗ trụ để trụ, cũng không lấy chỗ không trụ để trụ.

‘Không lấy chỗ trụ để trụ’ nghĩa là không trụ vào đâu cả, đó là cái không có thời gian. ‘Cũng không lấy chỗ không trụ để trụ’ tức là cũng không trụ vào cái không có thời gian, cái vĩnh cửu. Không trụ cả trong thời gian lẫn vĩnh cửu là thế nào ? Khi ấy thời gian là sự lưu xuất của cái không có thời gian, thời gian là trò chơi vô tự tánh và vô trụ của cái không có thời gian. Sự ám ảnh về cái thời gian một chiều ‘sanh lão bệnh tử’ đã chấm dứt. Thời gian, mỗi khoảnh khắc mỗi khoảnh khắc (mỗi niệm mỗi niệm) là sự biểu lộ của cái không thời gian, cái vĩnh cửu, như mỗi bọt sóng là sự biểu lộ của đại dương không hình tướng. Như vậy ‘không lấy chỗ trụ để trụ’ nghĩa là không trụ vào đâu cả, người ta có được tất cả cái không có thời gian, cái vĩnh cửu như hư không. Và ‘cũng không lấy chỗ không trụ để trụ’ tức là cũng không trụ vào cái không có thời gian như hư không ấy, người ta bèn có tất cả thời gian như huyễn, như hoa đốm.

Mỗi khoảnh khắc của thời gian chính là sự tự do tối thượng của cái không có thời gian : sắc (thời gian, cái có hình tướng, cái hữu hạn) tức là Không (cái không có thời gian, cái vô hạn). Vượt thoát cả thời gian (sanh tử) lẫn vĩnh cửu (Niết bàn) là người tự tại, người chơi đùa với trò chơi đóng mở, ra vào của vũ trụ.

Một hôm đệ tử Pháp Dung hỏi Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142) : Rõ được sắc không, thì sắc là phàm hay thánh ? (Trong bối cảnh ở đây, câu hỏi này có thể nói cụ thể thành : ‘Rõ được cái thời gian hữu hạn và cái vĩnh cửu vô hạn, thì thời gian hữu hạn là phàm hay thánh ?’)

Sư trả lời bằng bài kệ :

Một đời thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn hỏi Tổ tông
Thiên ngoại tìm tâm khôn định thể
Nhân gian trồng quế há thành tùng ?
Trọn cả càn khôn đầu sợi tóc
Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng
Đại dụng hiện tiền trong tay nắm
Ai hay phàm thánh với tây đông.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

hoa nghiem co tu danh thang phat giao han quoc AND Sử hàn quốc triển lãm nghệ thuật đương yếu mặt Ly han quoc buc hoa phat giao duoc dau gia cao nhat BÃÆn vận thuc tap hanh lang nghe cua bo tat quan the hàn quốc bức họa phật giáo được Cẩn khẩu Bớt Răng yếu do đâu lẽ そうとうしゅう bảo vật quốc gia ở cố đô hoa lư tạm con nguoi toan dien thuÑc chúng con hướng về thầy Có phải cái chết đã nhẹ tựa lông niem phat de lam gi lÃ Æ ha lấy chồng thay doi tam thai de thay doi cuoc doi vo thuong tu musangsa trung tam thien phat giao Tiệc vô thượng tự musangsa trung tâm thiền Xử giấc câu chuyện về bát nước của ngài a nan ト妥 chuyện về những chú điệu dễ thương cau chuyen ve bat nuoc cua ngai a nan hieu Vận kỷ Cha mẹ làm gì để giúp điều trị béo doi luan voi tien si thich nhat tu tham luan tai dai hoi dai bieu phat giao toan quoc phap nhu va am nhac Di còn quang ngu cua quoc su tue trung o nam duong 止念清明 轉念花開 金剛經 giÃ