VIỆN TRIẾT LÝ VIỆT NAM VÀ TRIẾT HỌC THẾ GIỚI

Tái bản lần thứ nhất

2544-2000

 

HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Nguyên Tác: THE WAY TO FREEDOM

 

Tác giả: HIS HOLINESS THE DALAILAMA

Dịch giả: NGUYỄN THÚY PHƯỢNG

---o0o---

 

SANH

Nghiệp (Karma) có thể được hiểu như sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả;khá giống như lối hiểu biết của các nhà vật lý học về mỗi tác động đều có một phản ứng tương đồng hay trái ngược. Đối với vật lý học,không phải bao giờ ta cũng tiên đoán được hình thức nào mà phản ứng sẽ sanh ra.Nhưng đôi khi ta có thể tiên liệu được phản ứng và có thể làm một chút gì để dịu bớt kết quả.Khoa học ngày nay đang cố gắng dùng đủ mọi phương thức để thanh lọc hoàn cảnh môi sinh đã từng bị ô nhiễm.Có nhiều khoa học gia đang tìm cách ngăn chặn để tránh tiếp tục ô nhiễm thêm nữa.Cùng thế ấy,những kiếp sống vị lai của ta cũng được định đoạt bởi những hành vi trong hiện tại cũng như trong tiền kiếp và trong nhiều kiếp quá khứ.Việc tu hành Phật pháp được hiểu là để làm dịu bớt kết quả của những hành nghiệp[1]của ta và để ngăn chận mọi ô nhiễm chồng chất thêm từ những ý tưởng và hành vi tiêu cực bất thiện.Nếu không,những tư tưởng và hành vi tiêu cực ấy sẽ đưa dẫn ta đến sự chuyển sinh trong đau khổ kịch liệt.Sớm muộn gì ta cũng sẽ chết và sớm muộn gì ta cũng sẽ tái sanh luân hồi.Cảnh giới mà ta đầu thai vào được chia làm hai loại: loại ưa thích và loại không ưa thích.Nơi chốn tái sanh của ta tùy thuộc vào nghiệp thức.

Nhiệp được tạo tác từ một tác giả-con người hay sinh vật.Chúng ta không gì khác hơn là tự ngã, được tác thành dựa vào liên tục tánh của ý thức[2].Bản tánh của ý thức là sáng sủa,rõ ràng (linh minh giác tri).Nó là chủ tể của linh minh giác tri,là nguyên nhân cho mọi hành vi được khởi lên bởi ý thức trước đó trong một sát na.Nếu ta bắt đầu hiểu rằng liên tục tánh của ý thức không thể tiêu hao hết được trong vòng một đời sống thì ta sẽ khám phá rằng sự khả dĩ có một mạng sống sau khi chết hợp với luân lý học.Nếu ta không thể được thuyết phục để tin vào tánh liên tục của ý thức thì ít ra,ta cũng biết không có chứng cớ gì có thể bài bác lý thuyết có đời sống sau khi chết.Ta không thể chứng minh,nhưng ta cũng không thể phủ định được.Có rất nhiều trường hợp,con người nhớ rõ ràng những tiền kiếp của họ. Đây không phải là hiện tượng chỉ giới hạn cho riêng Phật giáo đồ.Có những người có những trí nhớ như vậy mà ngya cả cha mẹ của họ cũng không tin có đời sống sau khi chết hoặc có tiền kiếp.Tôi đã từng thấy ba sự kiện trong đó,trẻ con có thể nhớ rành rẽ tiền kiếp của chúng.Trong một trường hợp, sự hồi tưởng lại tiền kiếp quá sống thực mà thậm chí song thân của chúng trước kia không tin là có đời sống sau khi chết.Vì sự hồi tưởng quá rõ ràng và chính xác của đứa trẻ,kết quả là hiện nay họ đã bắt đầu tin tưởng. Đứa bé này không những có thể hồi tưởng lại rõ ràng và nhận ra thôn làng phụ cận mà một thời nó từng trú ngụ.Nó còn có thể nhận diện được song thân đời trước mà nó chưa hề có dịp quen biết trong hiện đời.Nếu không có đời sống sau khi chết hoặc không có tiền kiếp thì ta phải bắt buộc tìm cho ra một câu giải đáp khác cho những sự hồi tưởng kia.Có rất nhiều trường hợp mà cha mẹ đã nuôi dưỡng hai đứa trẻ trong cùng một phương cách,cùng một xã hội và cùng một bối cảnh như nhau.Nhưng đứa này thành công hơn đứa kia.Ta phát hiện những dị biệt như vậy xảy ra do kết quả của nhiều dị biệt trong những hành nghiệp quá khứ mà chính ta đã làm.

Chết không gì khác hơn là sự tách rời của ý thức khỏi thân thể.Nếu bạn không thể tiếp nhận cái hiện tượng gọi là ý thức này, tôi cho là rất khó để thuyết minh chính xác sinh mạng là gì.Khi ý thức nối liền vào thân xác và sự quan hệ này nối tiếp thì ta gọi là “đời sống”.Và khi ý thức chấm dứt sự quan hệ của nó với một thân xác đặc biệt nào đó thì ta gọi là “chết”.Cho dù thân thể ta là một tổng hợp của các cơ cấu tạo từ một loại linh xảo của thuần nhiên quang minh[3].Vì không phải là vật chất,ta không thể đo lường được nhưng điều này không có nghĩa là nó không hiện diện.Ta đã từng tiêu pha quá nhiều thì giờ, sức lực trong công cuộc nghiên cứu hay thăm dò thế giới ngoại tại.Nhưng nay,nếu ta thay đổi cách thức và trực hướng mọi phám phá,nghiên cứu và tinh lực của chúng ta quay về với nội tại và bắt đầu phân tích thêm; tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta có đủ khả năng thấu triệt bản tính của ý thức-sự trong sáng, sự linh minh này-ngay chính từ trong tự thân của ta.

Theo lối giải thích của Phật giáo,tâm thức được cho là không hề bị trở ngại và cũng không có tính cách vật chất.Tất cả mọi tình tự cảm giác,mọi phiền não,mọi lỗi lầm của con người đều khởi nguồn từ những hành vi của tâm thức.Tuy nhiên,cũng vì bản chất cố hữu của tâm thức này mà con người có thể loại trừ tất cả những sai quấy và phiền  não ấy hầu mang lại một nền hòa bình vĩnh cửu và niềm an lạc thường hằng.Bởi vì ý thức là nền tảng của mọi hiện hữu và của sự giác ngộ nên còn có rất nhiều bài khảo thuyết uyên áo bàn luận về vấn đề này.

Cho chính kinh nghiệm bản thân,ta biết rằng ý thức hay tâm thức rất dễ biến hóa, điều này cũng có nghĩa là chúng tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên đã thay đổi, biến hóa và ảnh hưởng chúng: những điều kiện và nhân duyên của đời sống chúng ta. Để cho tâm thức có thể khởi phát,nó cần phải có một nguyên nhân khả dĩ to lớn tương đồng với thể tính của chính nó.Không có một sát na ý thức trước đó thì không thể có bất cứ ý thức nào cả.Nó không thể xuất phát từ hư vô và cũng không thể chuyên trở lại thành hư vô.Vật chất không thể chuyển thành ý thức được.Do vậy,chúng ta có thể quay lại để truy nguồn tìm gốc về sự quan hệ tương tục nhân quả của sát na ý thức nầy…

Kinh điển Phật giáo đề cập đến cả trăm tỉ thể hệ thế giới; vô lượng vô biên thể hệ thế giới và ý thức đã hiện diện từ vô thỉ đến nay.Tôi tin rằng còn có sự hiện hữu của nhiều thế giới khác nữa.Nghành vũ trụ luận ngày nay cũng nói rằng còn vô số hình thức thể hệ thế giới khác nhau.Tuy khoa học chưa quan sát thấy được có đời sống trên những hành tinh khác; nhưng quả tình không hợp lý để luận định chỉ có tinh cầu duy nhất dựa vào thái dương hệ này chứ không thể có bất cứ hành tinh nào khác có thể có những đời sống hiện diện.Kinh Phật đề cập đến dấu tích sanh mạng hiện diện trên nhiều thể hệ thế giới khác nhau cũng như trên nhiều thái dương hệ khác nhau và vô lượng vô biên vũ trụ thế giới.

Các khoa học gia ngày nay sẽ có nhiều giải đáp khi được hỏi đến nguyên nhân phát sinh và sự hình thành của vũ trụ.Nhưng nếu được hỏi tại sao phát sinh loại tiến hóa này thì họ sẽ không có câu trả lời thích đáng.Thông thường, họ không giải thích sự kiện này như là do Thượng đế sáng tạo ra; bởi vì họ là những quan sát viên khách quan có khuynh hướng tin tưởng vào vũ trụ vật chất.Có người nói vũ trụ ngẫu nhiên được tạo thành.Thế thì quan điểm này tự nó không hợp lý; bởi vì nếu sự vật nào cũng hiện diện bởi tình cờ thì cũng tương đương như ta đang nói là mọi sự mọi vật đều không có căn nguyên.Nhưng ta lại thấy trong sinh hoạt thường ngày thì mọi vật đều có nguyên nhân của nó:mây là nguyên nhân làm mưa,gió thổi tung bay các hạt giống để sanh ra cây cỏ.Không có sự vật nào tồn tại mà không có nguyên nhân.Nếu sự tiến hóa nguyên nhân của nó thì khả dĩ có hai lối giải đáp.Bạn có thể chấp nhận rằng vũ trụ do Thượng Đế sáng tạo.Trong trường hợp như vậy sẽ có rất nhiều mâu thuẫn; chẳng hạn như sự khổ đau và tàn ác cũng tất nhiên là do Thượng Đế sáng tạo.Một chọn lựa khác để giải thích rằng:vô số chúng sanh với tiềm lực của nghiệp thức tích chứa đã tạo ra toàn thể vũ trụ vạn hữu này thành một môi trường cho chính họ.Thế giới mà ta đang sống được tạo ra bởi chính những dục vọng và hành vi của chúng ta Đó là tại sao ta hiện diện nơi đây Điều này, ít ra cũng hợp lý.

Vào giờ phút chết,ta sẽ bị lôi kéo bởi sức mạnh của các hành nghiệp của chính chúng ta.Kết quả của những nghiệp bất thiện là chuyển sinh xuống cảnh giới thấp hơn. Để tự bảo vệ mình không phạm vào các hành vi bất thiện,chúng ta thử tưởng tượng xem liệu mình có chịu đựng nổi với biết bao thống khổ ở các cảnh giới thấp hơn không? Nhận chân được niềm an vui hạnh phúc là kết quả tất yếu của các hành vi lương thiện thì ta sẽ hăng say vui vẻ trong việc vun bồi phước đức.Cân bằng kinh nghiệm tự thân và kinh nghiệm của tha nhân, bạn sẽ phát khởi tâm từ bi dõng mãnh;bởi vì bạn sẽ cảm thông được niềm đau nổi khổ của người không khác chi với niềm đau nỗi khổ của chính bản thân mình; bởi vì họ cũng đồng thời mong muốn đạt được cứu cánh giải thoát vậy. Điều quan trọng là hãy tư duy về nỗi khổ sở của các loài súc sanh và nỗi khổ sở của cảnh giới địa ngục.Nếu chẳng chịu nỗ lực cầu tiến trong đời sống tâm linh thì những hành vi xấu ác sẽ đưa đường ta đến đó.Nếu cảm thấy không thể nhẫn chịu nổi cái khổ phỏng cháy hoặc buốt giá hoặc đói khát triền miên thì động cơ tu hành của ta sẽ tăng trưởng vô hạn.Thời điểm trước mắt,mang được thân người đã cung cấp cho ta cơ hội và điều kiện để tự cứu thoát.

Hình thức tồn hữu thấp hơn,là sự thác sanh vào loài súc sanh,thành ngạ quỷ hoặc thành chúng sanh trong cảnh giới địa ngục.Căn cứ theo kinh điển,các cảnh giới địa ngục nằm ở một vị thế nào đó ngay chính phía dưới của Bồ Đề Đạo Tràng[4]ở Ấn Độ,là nơi Đức Phật thành đạo(giác ngộ).Nhưng nếu bạn thật sự du hành đến khoảng cách đó,thì bạn sẽ tận cùng dừng ngay ở vùng Trung Mỹ.Do đó không nên xem từng chữ một các lời dạy trên đây.Các giáo nghĩa trên được dạy tùy theo tập tục đương thời hay tùy theo niềm tin của quảng đại quần chúng.Mục đích Đức Phật thị hiện xuống nhân gian không phải để đo đạt chu vi của thế giới và khoảng cách của điạ cầu và mặt trăng;nhưng hơn hết là để khai thị Phật pháp,giải thoát và cứu nguy những nỗi thống khổ của mọi loài chúng sanh.Nếu không thấu hiểu được tiến trình cơ bản của Phật giáo,ta sẽ nghĩ rằng, đôi lúc Đức Phật thuyết pháp một cách khó hiểu và mâu thuẫn.Nhưng trong từng loại quan điểm triết học khác nhau do Ngài giáo huấn đều có mục đích riêng biệt của nó.Và mỗi quan điểm đều giúp ích cho mọi chúng sanh với từng căn cơ khác biệt.Khi đề cập đến các cảnh địa ngục, ắt hẳn ngài muốn nhắm đến các tập tục và tín ngưỡng dân gian với mục đích rõ ràng muốn người nghe phát tâm tu hành Phật pháp.

Tôi tin rằng những loại trạng thái địa ngục nóng lạnh khác nhau đều có thật.Nếu có các cảnh giới cao tột nhất như Niết Bàn và Nhất Thiết Trí; tại sao không có các cảnh giới trái ngược hẳn,các cảnh giới của thống khổ trầm luân nhất, của tâm thái khó điều phục nhất chứ?Cho dù trong kiếp làm người cũng có đủ mọi hạng người khác nhau:làm người được an lạc hạnh phúc và vui hưởng đời sống;nhưng cũng lắm kẻ phải cam chịu hoàn cảnh khốn khổ khó khăn.Vậy,tất cả các kinh nghiệm sai biệt trên đây đều xảy ra do từ kết quả của các nhân tố dị biệt-đó là hành vi hay nghiệp lực.Nếu tiến xa hơn và so sánh loài người với nhiều hình thể động vật khác nhau; ta sẽ khám phá rằng trạng thái tâm linh của động vật càng khó điều phục hơn nữa và  sự khốn khổ, bấn loạn của chúng cũng càng hiển nhiên hơn.Chúng vẫn có khuynh hướng tự nhiên muốn sướng và tránh khổ.Có một vài loại thú rất thông minh:chúng rất cẩn thận nếu ta tìm cách bắt chúng bằng cách cho chúng thức ăn.Vừa ăn xong chúng tìm cách chạy trốn ngay.Nhưng nếu ta chân thành và kiên nhẫn cho chúng thức ăn thì chúng bắt đầu tin tưởng ta hoàn toàn.Ngay cả động vật như chó mèo,cũng biết cảm kích đối với lòng nhân từ,giá trị lòng chân thành và yêu thương.Nếu mục tiêu thành tựu tinh thần có những đẳng cấp khác biệt dựa vào mức độ tâm thức được điều phục thì cũng nên có những đẳng cấp khác nhau của tâm thức chưa điều phục được. Ở ngoài lãnh vực súc sanh còn có cảnh giới ngạ quỷ,chúng không thể ăn uống no đủ được. Địa ngục là cảnh giới mà các chúng sanh ở đó rất khó lòng dùng sức phán đoán hoặc trí huệ vì sự lầm than đau khổ cùng cực.Các khổ nạn nơi địa ngục thật cực nóng và cực lạnh.Chứng minh rằng các cảnh giới như vậy có thật vượt ra ngoài tầm luận lý thông thường của chúng ta.Nhưng ta có thể đi đến kết luận rằng các cảnh giới ấy thật có bởi vì Đức Phật đã chứng minh cho ta thấy nhiều vấn đề hệ trọng khác một cách quá chính xác,quá hợp lý và quá vững chắc; chẳng hạn như lý vô thường và sự tương quan nhân quả mà ta có thể xác chứng rằng rất hợp lý.Vì thế,ta có thể suy luận rằng đối với đẳng cấp khác nhau của sự tái sanh,Ngài cũng rất đúng. Động cơ khiến Đức Phật thuyết giảng về các cảnh giới địa ngục thuần túy do lòng bi mẫn và ý muốn dạy dỗ những gì xét ra hữu ích để mọi loài chúng sanh tự giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.Những điều sâu kín này bắt buộc phải tuyệt đối chân thật bởi vì Ngài chẳng có lý do gì để phải vọng ngữ.

Hàng ngày ta thường chấp nhận một vài sự thể như là chân thật mà ta không có cách trực tiếp chứng minh.Tôi sanh ngày 6 tháng 7 năm 1935.Tôi biết được điều này chỉ đơn thuần vì mẹ tôi bảo cho tôi biết và tôi đã tin bà.Tôi không sao nhận hiểu trực tiếp hoặc chứng minh điều này hợp lý cả.Nhưng dựa vào một người mà tôi đặt để lòng thâm tín,lại cũng không có lý do để dối gạt tôi thì tôi biết rằng tôi sanh ngày 6 tháng 7 năm 1935.Những câu hỏi thâm áo hơn trên đây về đời sống sau khi chết và sự hiện hữu của những cảnh giới khác chỉ có thể được tiến gần đến bằng sự thâm tín và liễu giải tường tận kinh điển.Ta phải dẫn chứng rằng các kinh điển trên có giá trị bằng cách biện giải lý luận.Chúng ta không chỉ chiếu theo một đoạn trích dẫn dựa trên bề mặt,mà ta cần nghiên cứu học tập và ứng dụng vào đời sống thực tiễn.

Bao nhiêu mức độ đau khổ khác biệt trong cảnh giới thấp hơn đã được thuyết minh trong một số kinh điển khác.Có nhiều nỗi thống khổ cùng cực đến mức vượt xa tầm hiểu biết của ta.Làm sao bạn có thể chịu đựng nổi,nếu bị thác sanh xuống những cõi hạ đẳng đó? Hãy kiểm lại xem phải chăng bạn đã từng gây tạo nhân duyên và điều kiện cho sự thác sanh vào cảnh giới thấp hơn như vậy! Cho đến khi nào còn bị kềm kẹp bởi phiền não-những sức mạnh kinh khiếp của sân hận và tham dục-ta sẽ bị cưỡng bách để chìu thuận theo những hành vi tiêu cực xấu ác trái với ý muốn của mình; và đó chính thực là nguyên nhân gây ra đọa lạc.Nếu đúng là trường hợp này,thì ta sẽ phải tự gánh lấy những quả báo khổ đau.Nếu không muốn trải qua hoặc nghĩ rằng bạn chẳng bao giờ kham nhẫn nổi những đau khổ cùng cực như vậy thì bạn nên tìm cách chế ngự ba nghiệp thân,khẩu và ý của mình để khỏi sa đắm vào những hành vi tích tụ những tiềm lực có khả năng khiến bạn bị đọa lạc vào các cảnh giới đó.Những hành vi đã tích lũy cần được thanh lọc kỹ càng tương ứng với phương pháp tu hành thích đáng.Bởi vì mọi  sự mọi vật đều vô thường, không có sự độc ái nào mà không thể tịnh hóa được ( chuyển hoá để biến thành thanh tịnh).

Càng tư duy kỹ, bạn càng cảm nhận một cách sâu sắc rằng những khổ đau cùng tột như thế quả thật là điều không thể chịu đựng nổi;từ đó bạn sẽ tri nhận rằng những hành vi xấu tự nó là những nguyên nhân tiềm tàng sự hủy diệt đáng sợ.Khi quán tưởng đến các nổi khổ đau, bạn nên hình dung chính tự thân mình thác sanh vào các cảnh giới ấy và đang chịu đựng những nỗi thống khổ như vậy.Kinh điển dạy rằng:ví dụ,khi ngẫm nghĩ đến các loại đau khổ trong địa ngục nóng, bạn nên tưởng tượng thân thể đang bị bốc cháy; hoặc khi ngẫm nghĩ đến các loại đau khổ trong địa ngục lạnh, bạn nên tưởng tượng thân thể đang bị đông lạnh.Cũng nên làm giống như vậy khi ngẫm nghĩ đến nỗi thống khổ của các loài súc sanh.Thật đáng khuyến khích bạn nên ẩn dật một nơi biệt lập nào đó và thử bắt chước kinh nghiệm của các loại chúng sanh như vậy,thử hình dung chính mình đang nhẫn chịu cảnh khổ.Càng cảm thấy không thể chịu đựng được những nỗi khổ sở một cách mãnh liệt chừng nào thì sự kinh khiếp về các cảnh giới hạ đẳng càng lớn mạnh chừng đó.Nó sẽ dẫn đưa chúng ta nhận thức được sức hủy diệt của các hành vi bất thiện cùng những khổ đau do chúng gây ra.Dần dần khi bạn quán chiếu và tư duy bằng với một tâm đại bi thì pháp tu này sẽ giúp tăng trưởng tâm từ đối với những người bị sa đắm vào các hành vi cùng hung cực ác ấy.Tỷ như,khi người Tây Tạng nghỉ đến Trung Cộng với biết bao hành vi ác độc gồm cả công việc sát nhân diệt chủng.Thay vì phẫn nộ,chúng ta cố gắng phát triển một tâm từ bi rộng lớn đối với những người đã bị phiền não của mình khống chế một cách quá sức tưởng tượng.Dù những người này không tức khắc gặt hái những đau khổ một cách rõ rệt; nhưng chỉ là vấn đề của thời gian,vì sớm muộn gì họ vẫn phải đối diện với quả báo mà thôi.

Mang được thân người,nếu ta có thể phát triển ngay bây giờ nỗi sợ hãi bị đau khổ thì ta sẽ có tiềm năng,năng lực và cơ hội để phòng ngừa những nhân duyên gây nên đọa lạc cho chúng ta.Ta có thể tịnh hóa điều xấu và tích tập nhiều phước đức.Ta cũng có thể làm cho công đức tích lũy được tăng trưởng thêm, và mang công đức này hồi hướng trở lại để chúng không bị hủy diệt vì tâm phẫn nộ.Nếu mỗi ngày,chúng ta đều thực tập cách thức tu hành chánh đáng như vậy,ta sẽ có thể làm cho kiếp nhân sinh của mình đượm đầy  ý nghĩa.


 

[1] Hành nghiệp:karmic action

[2] Liên tục tánh của ý thức: continuity of consciousness

[3] Linh xảo thuần nhiên quang minh:subtle agent of pure luminosity.

[4] Bồ Đề Đạo Tràng: Bodh Gaya


 

---o0o---

 

Mục Lục > Chương 1 > Chương 2 > Chương 3 > Chương 4 > Chương 5

Chương 6 > Chương 7 > Chương 8  > Chương 9 > Chương 10

 

---o0o---

Ví tính: Kim Thư - Kim Chi
Trình bày: Anna
Cập nhật: 01-10-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

永代供養の墓じまいの見積もり 04 phan 1 song giả 若我說天地 hieu 寺院数愛媛県 阿修羅 唐安琪丝妍社 既濟卦 cáo Mẹ 心经 Phật giáo Đồng Tháp tưởng niệm chư Ï voi bởi 一念心性 是 Chay 正觉教团 lá Ÿ 班禅额尔德尼 hóa thân của lạt ma yeshe Hòa Thượng Võ Ngộ Thông lễ mÙc î ï Tập Đà Nẵng Tưởng niệm lần thứ 35 ngày 阿宗白洛仁波切 Ngà 正法眼藏 dem nhac ve chon binh yen cua ca sy quach tan 这次不再错过的作文题目开头 释迦牟尼佛弟子遇到特异功能人士拜师求法 Trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ nhìn rõ lẽ thật 河南有专属的佛教 chua bach hao bát nhã về Ä á ƒ việt hien Các loại đậu không phải là thực phẩm luan nhung Xuân nhật tức sự và phút giây สโตร ส รา Lợi