...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Một

Hồi thứ 24

Hồi thứ 25

Hồi thứ 26

Hồi thứ 27

Hồi Thứ 24 

Nhận thế tăng vinh quy về Linh Ẩn

Túy thiền sư vào thẳng viện Câu Lan

 

Khi Tế Ðiên theo Thừa tướng xuống thư phòng ở hoa viên, thấy gia nhân là Tần Ngọc bưng một chậu nước chu sa như cháo đỏ, bên trong lềnh bềnh một cái bàn chải, đứng chực sẵn. Tế Ðiên thò tay cầm lấy bàn chải, nói:

- Ðại nhân muốn cái gì cũng đều được hết.

Rồi nhắm ngay đầu Tần Hằng chà một bàn chải, tức thời cháo đỏ dính tùm lum, dính tới đâu chỗ sưng tiêu đến đó. Tế Ðiên chà liên tiếp mấy cái nữa, đầu của Tần Hằng lập tức hết đau, nhỏ lại như thường.

Tế Ðiên nói:

- Bệnh này còn có thể trở đi trở lại nữa, cần phải nghỉ ngơi lâu lâu mới được. Ðể ta viết cho một toa thuốc, nếu phạm phải bệnh lại thì cứ chiếu theo toa mà dùng mới lui được.

Thừa tướng lúc đó mới biết được Hòa thượng quả là thần thông quảng đại, mời Tế Ðiên lên đại sảnh dùng trà. Lý  Hoài Xuân nói:

- Tôi xin cáo lỗi không thể bồi tiếp được, vì còn có mấy nhà rước tôi đi thăm bệnh. Bây giờ tôi phải về.

Thừa tướng cho người ta ra khỏi tướng phủ.

Tế Ðiên cùng Thừa tướng đàm luận tại thư phòng rất là tương đắc. Hai người cao đàm quảng luận.  Tế Ðiên đối đáp như lưu. Thừa tướng rất lấy làm đẹp ý, nói:

- Hòa thượng ơi, tôi đâu có thể được như Ngài là người vượt thoát hồng trần, thâm tu nơi cổ tự, chẳng kể đến quốc gia hưng vong, chẳng màng đến thạnh  suy thành bại, chỉ tụng kinh niệm Phật, đả hương tọa thiền. Cuộc đời vui đẹp làm sao! Còn tôi tuy làm quan lớn trong triều, suốt ngày bầu bạn với vua không khác nào làm bạn với cọp, nếu có điều chi sơ hở thì tán gia mất mạng như chơi.

Tế Ðiên nói:

- Sao đại nhân lại nói như vậy? Ðại nhân làm quan Tể tướng, vị ở Tam thai, có  công giúp đỡ Thánh hoàng trợ hóa chúng dân, dưới một người mà trên muôn kẻ, xét xử an dân.

Thừa tướng nói:

- Chao ôi, Hòa thượng còn nhắc tới tước vị, nhất phẩm đương triều, vị quan Tam thai làm chi! Không nhắc tới thì thôi mà hễ nhắc tới càng cảm thấy rùng mình ớn lạnh. Lời tục có nói: “Quan to thì họa lớn, cây cả sợ cuồng phong, quyền cao lắm kẻ cười”. Ta từ khi thọ chức đến nay lòng nơm nớp lo âu, chăm lo việc nước, cẩn thận mọi việc mà còn chịu không biết bao nhiêu tiếng oán hờn! Thật không chút nào bằng Hòa thượng sống thanh nhàn tự tại. Không nghĩ không lo điều gì.

Người ta thường truyền mịệng câu này thật lý thú:

Tướng quân đêm vắng vượt thành quan
Triều thần ngai ngái suốt canh tàn
Trời trưa chùa núi Tăng còn ngủ
Danh lợi phồn hoa chẳng đổi nhàn.

- Ta muốn Hòa thượng làm thế thân cho ta, không biết ý Hòa thượng như thế nào?

Tế Ðiên nói:

- Ý đại nhân đã muốn như thế, thật là việc Hòa thượng ta cầu mà không được thay!

Ðương nói tới đó, bỗng gia nhân bên ngoài chạy vào báo:

- Thưa lão gia, công tử trở bệnh lại rồi, đầu to trở lại như cũ.

Tế Ðiên nói:

- Ta cũng chẳng cần đi làm chi, người về nói với công tử giở toa thuốc của ta cho ra xem, rồi chiếu theo đó thi hành, công tử tự khắc thấy nhẹ, còn nếu không chịu làm theo lời ta dặn, bệnh càng lúc càng nặng thêm đa!

Gia nhân lật đật trở lại Tây viện bảo cho Tần Hằng biết.

Tần Hằng mắc bệnh lại nguyên nhân như thế này:

Sau khi hết bệnh, Tần Hằng lại nhớ đến vợ chồng Vương Hưng, mới hỏi bọn gia nhân:

- Người đẹp của ta đâu rồi bây?

Tần Ngọc đáp: Mất tiêu rồi!

Tần Hằng nói: Cha chả, tụi bay dám thả người đẹp của ta hả? Ðâu có được!

Ðương nói tới đó, đầu óc kêu hu hu hu mấy tiếng. Bọn gia nhân sợ quá chạy qua bên Ðông viện báo cho Thừa tướng biết. Nghe lời Tế Ðiên dặn, gia nhân trở lại thưa:

- Thưa công tử, Hòa thượng bảo công tử cứ chiếu theo phương thuốc trong toa mà làm, bệnh tự khắc khỏi.

Tần Hằng nghe nói, vội kêu:

- Mau đem toa thuốc lại ta coi

Gia nhân lật đật lấy toa thuốc trình lên.

Tần Hằng lấy ra xem chỉ thấy một bài thơ:

Chính thân có bệnh tại tâm sinh
Thân bệnh cần tìm tâm dược bình
Tâm nếu chánh chơn, thân tức khỏi
Tâm sinh tà ngụy, bệnh tiến hành.

Tần Hằng xem xong liền nghĩ: “Chao ôi, bệnh của ta chính do ta tìm lấy đấy mà. Ta cướp đoạt vợ con nhà người, gây nên tội ác quá nhiều, từ nay ta phải cải ác tu thiện, bệnh mới mong khỏi hẳn được”.

Vừa nghĩ tới đó, trong đầu  bỗng kêu hu hu hu mấy tiếng, đầu tóp nhỏ lại như cũ. Bọn gia nhân vội chạy sang Ðông viện báo với Thừa tướng:

- Bệnh của công tử nhờ làm đúng theo toa thuốc của Hòa thượng, đã khá nhiều rồi.

Thừa tướng dặn:

- Tốt lắm, bọn bay nhớ hầu hạ công tử cho chu đáo nhé!

Bọn gia nhân vâng dạ rồi trở về. Kế thấy gia nhân ở Ðông phủ vào thưa:

- Phu nhân mắc bệnh nhức đầu phong, nằm lăn lộn trên giường.

Thừa tướng nói:

- Ta biết rồi. Bạch Thánh tăng, người có thể trị bệnh nhức đầu phong được không?

Tế Ðiên nói:

- Chắc là phu nhân có nói điều chi nhầm lẫn đây. Nếu không như thế thì không khi nào mắc phải ác chứng đó. Ðể ta đến đó xem thử.

Thừa tướng nói:

- Phu nhân có nói điều gì sai quấy đâu? À phải rồi! Hồi hôm ở đây trước khi quỷ lộng, ta nằm chiêm bao thấy lão Thái sư trở về khuyên bảo ta mấy lời hành thiện. Ta tỉnh lại toan truyền dụ ngưng công dỡ lầu Ðại Bi và thả chúng tăng về chùa. Phu nhân bàn: “Mộng mị là do lòng mình nghĩ đến nhiều quá mà nên”, khiến ta dẹp bỏ thiện niệm. Giây lát kế bị quỷ lộng đấy.

Tế Ðiên nói: Ðể ta đến chộp phu nhân một cái là khỏi ngay.

Thừa tướng cùng Tế  Ðiên đồng đi đến Ðông viện, vào thượng phòng nghe vang lên tiếng ho không ngớt.

Tế Ðiên nói:

- Này phu nhân, đừng gấp gáp chi, có ta đến đây, một chút xíu là xong ngay.

Nói rồi, trong miệng lâm râm mấy miếng, nhắm ngay phòng chộp một cái, lập tức bên trong phu nhân cảm thấy nhẹ ngay.

Tế Ðiên nói:

- Ðại nhân xem thử như thế có được không?

Thừa tướng nói lia lịa:

- Hay quá, hay quá!

Tế Ðiên nói: - Ta có thể chộp như thần tiên, chộp đâu trúng đó, chộp ném ra cũng có thể chộp bắt vào. Ðây, Thừa tướng xem!

Nói rồi nhắm ngay con chó điên đang nằm, chộp một cái, chỉ nghe oẳng oẳng hai tiếng, con chó lăn ra chết tốt. Thừa tướng nói:

- Thiệt ghê quá! Nói lầm lỡ một câu mà bị chứng nhức đầu phong. Từ nay về sau, ta làm quan trong triều phải hết sức tiểu tâm mới được!

Thừa tướng và Tế Ðiên vào thư phòng ngồi xuống xong, Thừa tướng bảo gia nhân dọn bày tiệc rượu, định nhâm nhi bàn luận thâu đêm. Trống đổ canh ba, bên ngoài gió thổi mạnh lên. Thừa tướng nói:

- Chà chà, không xong! Ðã tới giờ quỷ lộng rồi đó!

Tế Ðiên nói:

- Ðại nhân đừng lo! Ðể ta đi bắt quỷ cho đại nhân. Ta có phép  nhốt quỷ lại một chỗ, đông bao nhiêu cũng không sợ mà!

Tế Ðiên nói rồi bước ra ngoài. Một lát, nghe tiếng Tế Ðiên hét:

- Quỷ dữ ha! Quỷ dữ ha! Bọn bay tính ăn thịt ta hả? Ta phải liều mạng với tụi bay mới xong.

Thừa tướng bên trong lo lắng không yên, chờ đến trời sáng trắng mới ra tìm. Thấy Tế điên nằm ngủ gáy pho pho, bảo gia nhân đánh thức dậy và mời vào trong nhà. Thừa tướng nói:

Thưa Hòa thượng, tôi xin Hòa thượng thay đổi y phục này, để đưa người về chùa.

Nói rồi bảo gia nhân đi ra ngoài mua cho Tế Ðiên tăng bào và hạ y, giày dép. Bọn gia nhân đi một lát, trở về mang theo ba bộ tăng y đều là thứ hàng thượng hạng. Một bộ màu vàng dệt mây, một bộ bằng lụa trắng thêu hoa, một bộ bằng lụa lam. Ba bộ giày vớ một trăm hai mươi lượng. Thừa tướng sai thơ đồng phục dịch Hòa thượng tắm rửa, thay y phục.

Tế Ðiên tắm rửa thay đổi y phục rồi trở lại thư phòng. Thừa tướng đem số bạc thua cuộc để trên bàn, phái gia nhân thắng ngựa mình cưỡi và toàn ban chấp sự đưa Hòa thượng trở về chùa. Tế Ðiên nói:

- Ðại nhân ơi, đáng tiếc là ta cùng đại nhân duyên mỏng, gặp nhau đã muộn, ly biệt lại nhanh. Hôm nay chia tay rồi, không biết bao giờ gặp lại!

Thừa tướng nói:

- Thưa Hòa thượng, bao giờ người muốn đến cứ đến, đây với đó có cách trở thiên sơn vạn hải gì. Ta cũng muốn vô sự cùng Hòa thượng luận bàn thế sự.

Tế Ðiên nói:

-  Hòa thượng ta cũng muốn đến thường với đại nhân lắm. Nè đại nhân, ngài có bao nhiêu người gác cửa?

Thừa tướng bảo sai kêu bọn gác cửa đến. Chẳng bao lâu, hơn mười mấy tên gia nhân cùng đến đứng ngoài thư phòng. Thừa tướng nói:

- Tế Công nay là thế tăng của bản các, từ nay về sau không luận là ta có công sự gì, khi Ngài đến, bây phải báo cho ta hay chớ không được cản trở Ngài nhé!

Bọn gia nhân dạ ran:

- Vâng, vâng, bọn nô tài xin vâng mạng!

Tế Ðiên nói:

- Hòa thượng ta muốn thưởng cho mấy người này một ít tiền, ý đại nhân thế nào?

Thừa tướng biết Tế Ðiên vừa ăn mấy vạn lượng bạc, chắc là muốn làm mặt bảnh đây, nói:

- Tùy ý Hòa thượng châm chước.

Tế Ðiên nói:

- Này các quản gia, ta thưởng cho mỗi người 100 văn nhé!

Thừa tướng nói:

- Hòa thượng, thưởng kha khá cho bọn nó vài lượng, tôi trả thế cho Ngài cho.

Tế Ðiên nói:

- Không phải như vậy đâu. Ta thưởng bọn họ mỗi người 100 văn, hôm nay chớ ngày mai không cho. Khi ta đến thì 100 văn đó kể như mướn họ thông báo đấy. Còn khi Hòa thượng ta không đến, thì ngày nào tính theo ngày đó, mỗi người được thêm 3 điếu tiền công. Ðại nhân, ngài trả thế cho ta nhé!

Thừa tướng đáp:

- Ðược mà.

Tế Ðiên lúc đó mới cáo biệt. Thừa tướng phái 20 gia nhân theo hộ tống và truyền đường dụ: Các Tăng Ni mọi tự viện, am, các ở hai bên đường phải ra quỳ đón. Tế Thiền sư là thế tăng của bản các, hôm nay vinh diệu trở về chùa!

Chúng gia nhân dạ rân. Bên ngoài ngựa xe sắm sửa. Tế Ðiên từ biệt Thừa tướng, ra cửa lên ngựa. Bọn gia nhân lăng xăng dẫn ngựa, phía trước cờ phất quạt che, côn roi vẹt lối. Hai bên người xem chật ních, xô nhau xem thế tăng của Thừa tướng.

Tế Ðiên cưỡi ngựa về đến chùa Linh Ẩn, đánh trống dộng chuông, vân tập chúng lại. Tế Ðiên trước kêu Giám tự lại, nói:

- Tôi có đem bạc về đây. Sư huynh đến xem thử xem có phải 20 cây 50 lượng và 100 cây 10 lượng không?

Giám tự đáp:

- Vâng.

Tế Ðiên nói: Này các quản gia, hãy lại đây thay mặt ta truyền đường dụ đi.

Quản gia đáp:

- Phải, nhưng không biết Thánh tăng muốn truyền đường dụ chi?

Tế Ðiên nói:

- Các người truyền như vầy: Các Hòa thượng trong chùa hãy nghe cho kỹ đây. Tế Công Hòa thượng là thế tăng của Thừa tướng, hôm nay vinh diệu trở về chùa. Thánh tăng muốn mượn tiền một vài Hòa thượng đây để uống rượu. Nếu vị nào có tiền mà không cho mượn, lập tức bị đưa ra nha môn trị tội.

Bọn gia nhân chiếu đúng lời truyền dụ.

Chúng tăng nghe nói, chắc là không lầm rồi.

Tế Ðiên lại nói:

- Các quản gia lại đây, truyền thêm đường dụ này nữa cho ta. Từ đây về sau, Hòa thượng ta không có tiền, muốn mượn tiền, các ông ấy phải cho. Nếu trong chùa không có ai, ta trộm lấy một vài món cũng không được nói. Như có ai thấy, không được bảo là trộm. Ai làm trái điều này, lập tức bị lôi ra khỏi chùa, chém bỏ.

Quản gia nghe nói, cũng vui vẻ hàm hồ làm theo. Chúng tăng nghe truyền, ai nấy trong bụng nghĩ chùa này bị ông ấy mà hư hết. Dù trong lòng không vui, chỉ dám giận mà không dám nói. Tế Ðiên lấy bạc thưởng cho quản gia mỗi người 50 lượng, những người đi theo đưa mỗi người mười lượng. Ai nấy đều vui vẻ bội phần, kéo nhau về hết.

Tế Ðiên cởi trúc y và quần áo mới ra gói lại một gói, trên mình vẫn mặc chiếc áo rách như cũ, rồi cầm gói y phục mới rảo bước đi về phía cửa Tiền Ðường. Thấy trước mặt có một tiệm cầm đồ, Tế Ðiên liền bước vào, để gói y phục mới lên quầy một cái quạch. Chưởng quỹ dòm ra thấy một Hòa thượng kiếc, áo rách vá tùm lum, tay cầm một gói áo quần mới tinh. Ông Hòa thượng bước vào, lại vén rèm dòm láo liên hình như sợ đằng sau có người rượt đuổi. Chưởng quỹ nói:

- Này Hòa thượng, bộ y phục này ông lấy ở đâu vậy? Nói thiệt ta nghe coi!

Tế Ðiên nói:

- Chưởng quỹ ơi, ông xem thử gói này cầm được bao nhiêu tiền. Còn không coi thì đưa đây đặng ta đem cầm tiệm khác.

Phó chưởng quỹ ở kế bên bước lại, nói:

- Anh thiệt không thấy gì hết. Vị đại sư phụ đây là vị thế tăng của Thừa tướng vừa mới cưỡi ngựa qua cửa đây mà. Anh không nhận ra sao? Thưa sư phụ, người muốn cầm áo bao nhiêu tiền?

Tế Ðiên nói:

- Cầm cho ta 150 điếu nhé!

Phó chưởng quỹ hỏi:

- Sư phụ muốn lấy phiếu hay muốn lấy tiền mặt?

Tế Ðiên nói:

- Ta muốn lấy tiền mặt hè. Còn giấy cầm gởi luôn cho tiệm cất giùm.

Chưởng quỹ sai người đem tiền xếp ra cửa tiệm. Tế điên gọi lớn:

- Có ai tới cầm tiền giùm một chút nào!

Bên ngoài có một đại hán bước vào nói:

- Hòa thượng để tôi cầm giùm cho.

Tế Ðiên nói:

- Bụng ngươi xấu lắm, ta không mượn.

Tế Ðiên kêu mấy người nghèo quanh đó, chia người 3 điếu, kẻ 2 điếu, mỗi người lấy một phần. Rồi sau còn lại 5 điếu, Tế Ðiên mới kêu đại hán kia cầm giùm. Ðại hán cầm được tiền chạy đi như ma đuổi. Tế Ðiên cũng không đuổi theo.

Mấy người nghèo hỏi:

- Hòa thượng ơi, tiền này đem về đâu?

Tế Ðiên đáp:

- Ðem đi đâu tùy ý.

Mọi người đều tự giải tán.

Tế Ðiên đi về phía Hồ Ðồng. Ðại hán cầm tiền khi nãy chạy qua mười bảy con đường Hồ Ðồng, vừa đi ngang qua mặt bị Tế Ðiên níu lại.*

 

Hồi Thứ 25

 

Doãn Xuân Hương chốn yên hoa gặp Thánh tăng

Triệu Văn Hội thấy thị động làng trắc ẩn

 

Có thơ rằng:

Bướm đỗ đầy cành hoa
Hoa tàn bướm cũng xa
Chỉ còn sào yến cũ
Vui đón chủ về nhà.

Tế Ðiên níu đại hán lại, nói:

- Cha chả, hết cở cho mi rồi, đứng lại một chút coi. Ta đưa mi cầm năm điếu, mi tính giựt chạy hả? Ðâu có được! Mạng mi chỉ có năm trăm văn thôi mà lại tính vác năm điếu chạy hả, ta kéo mi vào quan huyện Tiền Ðường mới được.

Ðại hán kia sợ quá, ráng sức giằng mạnh, co giò chạy tuốt!

Tế Ðiên hét:

- Ta rượt theo đa!

Ðại hán kia chạy bất kể đường sá, chạy đến cửa Hồ Ðồng, vừa gặp một người gánh đồ gốm, đại hán không tránh kịp, va phải làm bể 17 cái chén, 2 cái đĩa, tính ra hết 4 điếu 500 tiền. Ðại hán không cách nào hơn là phải bồi thường đủ số, tính ra chỉ còn lại 500 tiền.

Phân phát tiền xong, Tế Ðiên thong thả đi về phía trước, thấy đằng kia có hai vị viên ngoại đi lại, chính là Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn. Thấy Tế Ðiên, hai vị viên ngoại bước đến thi lễ, nói:

- Thưa sư phụ, người bị dây dưa đến việc quan ra sao? Nghe nói người bị Thừa tướng bắt trói, bọn tôi thật không an tâm chút nào! Hôm nay định đến chùa Linh Ẩn hỏi thăm tin tức.

Tế Ðiên nói:

- Việc quan của ta đã xong rồi. Tần Thừa tướng có làm gì ta đâu!

Ðoạn đem việc ở tướng phủ thuật lại một hồi. Tô Bắc Sơn hỏi:

- Hôm nay sư phụ uống rượu chưa?

Tế Ðiên nói:

- Ta định đi uống rượu đây! Hai ông định đi đâu đó?

Tô Bắc Sơn nói:

- Bọn tôi nghe bọn gia nhân truyền miệng là có một cô gái nhà quan không may sa vào chốn yên hoa, không biết việc đó thực hay giả. Hai tôi định đi đến đó thử xem.

Triệu Văn Hội nói:

- Thưa sư phụ, người đi đến Câu Lan viện có gì bất tiện không? Người là bậc xuất gia, đáng lý phải lo việc tu đạo tham thiền, trái lại đến mấy chỗ đó, há chẳng bị người ta cười chê sao?

- Gặp hát vỗ tay, có gì chẳng được? Thôi, ba ta đi đến đó cho rồi.

Tô Bắc Sơn ha hả cười khoái trá! Ba người cùng đi về phía trước, thấy phía Ðông có một ngõ hẻm đề: Xóm Yên Hoa. Tiến vào đường hẻm, thấy ở cổng nhà thứ hai ở phía Bắc có treo lồng đèn lớn. Trên cổng có treo đôi liễn, đề:

Canh một mới sang, xô chén, dẹp mâm, bao khoái lạc
Canh ba gà gáy, người xa, rồi việc, hết luôn xôi.

Ba người lại bước thẳng vào trong, người giữ cửa hô:

- Có Triệu lão gia và Tô lão gia, hai vị viên ngoại đến đó a!

Tế Ðiên ngước mắt nhìn: Cửa vào gắn gương soi, gần đầu tường có một chậu cá trồng hoa sen. Ngay nơi vách đó có bốn câu thơ, đề:

Hạ giới thần tiên thượng đế không
Kẻ nghèo nhờ có quý nhơn đông
Lan phòng tối tối thay người mới
Chớp mắt sao đi đổi khánh phòng.

Ði vào nữa, bên trong lát toàn gạch tàu. Năm gian nhà phía Bắc, trước hiên sau phòng, hai dãy nhà ngang đều có ba gian, mỗi gian đều có phòng ở, trước mỗi phòng đều để một bức bình phong lớn. Ở phòng phía Bắc, trên cột gắn một đôi liễn đề:

Trước sân ca múa, trồng đầy mấy cột tình si.
Trong ao sen trắng, ngát mùi liên lý hương hoa.

Ba người mới bước vào nhà giữa thì từ trên thượng phòng, một vị vú già đi xuống nói:

- Kính chào Tô lão gia và Triệu lão gia! Hôm nay chắc hai ngài rảnh rang mới đến chơi chỗ này đây a?

Nói xong vén cao rèm trúc, rước ba người lên thượng phòng. Nơi đây, sát tường kê chiếc bàn bát tiên kế bên một chiếc ghế dựa. Trên bàn một chậu thủy tinh, bên trong chú cá vàng đuôi phụng tung tăng lội. Kế bên là một mâm trái cây đầy ắp những quả tươi ngon lành. Ðối diện treo một tấm gương lớn trên bức họa sơn thủy hữu tình. Trong gương, họa bán thân một mỹ nhân với bốn câu thơ đề:

Trăm nét đan thanh vẻ mỹ miều
Toàn thân chẳng họa, họa ngang eo
Tiếc rằng màu sắc còn non vụng
Không giục khách xuân đến lạc kiều.

Bên dưới ghi: Tích Hoa chủ nhân đề.

Hai bên hình treo hai câu liễn:

Ðắc ý khách vào tình chẳng thỏa,
Tri tâm người đến nói quên thôi.

Triệu Văn Hội xem xong gật đầu, nói:

- Quả là nơi dành cho hạng phong nguyệt cùng mình đây mà!

Ba người ngồi vừa xong, mụ tào kê đến nói:

- Kính chào nhị vị lão gia! Hôm nay ngọn gió lành nào đưa hai ngài đến đây? Hèn lâu các ngài biệt tăm biệt tích, chẳng thấy đến?

Tô Bắc Sơn nói:

- Bọn ta nghe gia nhân nói ở đây có một giai nhân mới về, hãy kêu nàng ấy ra đây xem thử.

Mụ tào kê đáp:

- Trong viện chúng tôi toàn là người mới cả, để tôi kêu bọn họ ra mắt các ngài nhé!

Nói rồi ra hiệu một tiếng thì thấy bên ngoài rèm trúc lay động, gót sen đủng đỉnh tiến vào bốn người thiếu nữ, nàng nào cũng lược giắt trâm cài, môi son má phấn, áo hoa đủ màu. Các nàng đến trước Triệu, Tô hai vị viên ngoại, thi lễ xưng tên. Ngó thấy một Hòa thượng kiếc cũng có mặt trong bọn, các cô ả che miệng khúc khích cười.

Tế Ðiên nói: Tốt, tốt! Này Tô Bắc Sơn, hai ông thấy các cô ả này như thế nào?

Tô Bắc Sơn nói: Cũng được.

Tế Ðiên nói: Ông xem mấy ả này đều đẹp, chớ dưới mắt ta thì:

Phù dung mặt trắng, khác chi túi thịt đựng xương khô
Ðẹp đẽ hồng nhan, chỉ là dao bén giết người khờ.

Nói xong, sẵn giấy viết để trên bàn, thuận tay thảo một bài thơ thất ngôn:

Yên hoa kỹ nữ điểm trang xinh
Ðào động đêm đêm thay đổi tình
Một đôi tay ngọc bao người níu
Nửa đóa môi hồng vạn khách in
Son phấn lộng màu bao vẻ đẹp
Ấp e dối giả nét hương tình
Cũ đưa mới rước bao nhiêu kẻ
Ðêm vắng sầu tuôn chỉ một mình.

Hai vị viên ngoại xem xong đều cười ha hả.

Mụ tào kê lại hỏi: Các lão gia muốn chọn đứa nào trong bọn hầu các ngài?

Ðoạn lấy tay chỉ: Ðây là Lan Hương, Thu Quế, còn kia là Liên Phương, Tiểu Mai.

Tô Bắc Sơn nói:

- Không phải mấy cô ả này đâu, mà là người mới về nhà mụ kia. Ta nghe nói nhà mụ vừa rước về một người mới vốn là con gái nhà quan sẩy bước vào chốn yên hoa. Bọn ta đến đây cốt để tìm người đó mà thôi.

Mụ tào kê vốn biết hai vị viên ngoại là người nổi tiếng lắm bạc ở Lâm An, vội nói:

- Hai vị không nhắc đến nàng ấy thì thôi, còn nhắc tới thì câu chuyện quá dài, nói hoài khó hết. Nguyên tôi có một đứa con gái được Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên đại nhân mua về làm thiếp. Tôi dù được trong vụ này mấy trăm bạc, nhưng chỉ nhờ vào ăn mãi núi cũng phải hết. Tôi mới tìm mua một nàng nguyên quán ở Kim Lăng. Cha nàng mấy năm trước có làm chức Thứ sử, mẹ nàng mất sớm. Nhân bị nghị án ở kinh đô nên đến ngụ tại tiệm Hồ Vạn Thành. Phụ thân nàng tên là Doãn Minh Truyền định đến kinh đô tìm người giúp đỡ, nào ngờ dọc đường bị chúng gạt lấy mất hết mấy ngàn lượng bạc. Công danh chưa có mà tiền bạc sạch trơn, ông ấy buồn rầu sanh bịnh nằm tại điếm hết ba tháng, bao nhiêu tiền còn lại đem tiêu lần hết. Ông ấy lại chết đi, con gái ông ấy là Xuân Hương phải bán mình để lấy tiền chôn cha. Tôi mới đem 350 lượng bạc mua về. Ðến chừng về đây, nàng rõ là xóm yên hoa, bèn giận lắm, toan tìm cái chết. Tôi phải dỗ dành hết mức, lại đưa cho tiệm Vạn Thành 100 lượng để đưa riêng nàng. Trước kia Hồ Vạn Thành làm mai mối nói là có nhà quan muốn mua nàng về làm thiếp, nên bây giờ rõ ra là viện Câu Lan, nàng muốn chết mà thôi. Hơn nữa, tôi cũng nhỏ to trình bày cảnh khổ của mình, rằng 350 lượng bạc không dễ gì kiếm được, nàng chết đi càng làm khổ cho tôi thôi. Nàng ta cũng tốt, nói: “Thôi thì tạm ở đây lánh nạn, chừng gặp người tri âm cứu ra, bao nhiêu tiền thối lại cho tôi đủ số”. Nàng ta thân viết một bài thơ và dặn tôi rằng nếu gặp được người thân hào, thương gia có vẻ văn nhã hãy đưa cho họ xem.

Tô Bắc Sơn nói.

- Mụ đưa bọn ta xem thử nào!

Mụ tào kê đưa lại, hai vị viên ngoại mở ra xem, rất ngạc nhiên. Thơ đề bốn câu:

Vạn mối sầu tư biết tỏ đâu
Ngoài mặt vui tươi, trong dạ sầu
Tâm Tư uẩn khúc bày trên giấy
Chữ chữ nối thành giọt lệ mau.

Tế Ðiên và hai vị viên ngoại xem xong, hỏi:

- Nàng Doãn Xuân Hương hiện ở phòng nào? Bọn ta muốn gặp nàng ấy.

Mụ tào kê nói:

- Nàng hiện ở Ðông viện, nguyên là chỗ của con gái tôi. Xin kính mời ba vị!

Ba người cùng theo mụ tào kê qua khỏi cửa có bốn bình phong, tiến vào một trang viện khác. Viện này gồm ba phòng, phòng phía Bắc trước hiên, sau phòng rất ngăn nắp. Ba người vén rèm bước vào, thấy nơi vách Băc có treo bốn bức bình phong, hai bên đều có liễn đối. Bên một bức bình phong vẽ hình một cô gái đứng dựa cửa, gần đó năm sáu cậu thanh niên đứng nhìn cô gái lưu luyến chẳng muốn đi. Bên trên có người đề bốn câu thơ:

Tóc mây dáng phụng hoa cài
Ðôi hang răng ngọc hòa hài nét xinh
Thư nhàn bên cửa liếc tình
Ngoài sân ong bướm rập rình xôn xao.

Ở bức bình phong thứ hai vẽ một người con gái đang chải tóc, một chàng trai hình như muốn đi, nàng con gái dáng hình như không muốn cho chàng trai đi. Bức họa rất truyền thần. Bên trên cũng có người đề bốn câu thơ:

Nhân duyên kết chặt dải đồng
Yêu nhau khắn khít khó lòng rời xa

Truyền thần mượn bút vẽ ra

Ấy ai tâm sự nhận là của nhau.

Ở bức bình phong thứ ba vẽ hai người con gái, một vị văn công kéo tay hình như có ý giục đi an nghĩ. Bên trên cũng có bốn câu thơ:

Nhởn nhơ đôi cánh lan huệ
Tiếc rằng nhụy hãy quá non
Mưa gió chưa lần gặp gỡ
Thương nhau bảo hộ chút tình.

Ở bức bình phong thứ tư vẽ một chiếc giường với gối màn giăng rủ, lộ ra đôi nam nữ đang nằm ngủ. Bên trên cũng có bốn câu thơ:

Loan phượng giao kề thoắt đảo điên
Non Vu tột đỉnh giấc mơ tiên

Nhẹ kề má hạnh trâm cài rớt

Thít chặt đôi tay lỏng tóc huyền.

Hai bên treo hai câu liễn:

Xuyên vàng nhà chứa mười hai
Ngọc trai ngõ chất ba ngàn.

Hai vị viên ngoại xem xong, chắc lưỡi:

- Chỗ này quả là một chốn riêng dành.

Vào hẳn trong nhà ngồi xuống, thấy hai bên phòng xá trướng màn treo rủ, trên tường Ðông vẽ một bức phú quý mẫu đơn với mấy câu đề:

Có tiền của sống theo sang trọng,
Không tiền lưng chớ nệ nghèo hèn.

Hai bên lại treo đôi liễn:

Nơi danh giá có nhiều ưa thích
Chốn yên hoa chớ luận nhiều lời.

Mụ tào kê vào bên trong, nói:

- Này cô nương, hôm nay có Triệu lão gia và Tô lão gia, từ lâu nghe đồn về cao tài mỹ mạo của cô nương mà đến thăm viếng đây.

Bên trong, tiếng như mật rót đáp lại:

- Té ra là hai vị lão gia đặc biệt đến thăm đây à, để nô tỳ ra chào hỏi.

Theo tiếng rèm lay động, bên trong đi ra một nàng thiếi nữ. Triệu Văn Hội, Tô Bắc Sơn và Tế Ðiên nhìn lại, quả là một trang thiên hương quốc sắc, ngọc cốt nhu tình, sắc đẹp mê người.*

 

 

Hồi Thứ 26 

Cứu nạn dân đưa về am Thanh Tịnh

Cao Quốc Thái nghèo khổ kiếm bà con 

Có thơ:

Tâm tư sầu thảm phổ lên đàn
Gió mai trăng lạnh tiết thu sang
Tiếng ca réo rắt dường dao cắt
Não nuột lòng người dạ xốn xang.

Triệu Văn Hội, Tô Bắc Sơn và Tế Ðiên vừa ngồi xong thì màn trúc lay động, từ bên trong đi ra một người thiếu nữ khoảng mười tám, mười chín tuối, phong tư rất mỹ lệ, đầu chải kiểu tóc vấn, mình mặc áo trắng thường. Tô Bắc Sơn thấy biết nàng là gái từ nhà lương thiện, mới hỏi kỷ về lai lịch. Nghe hỏi, cô gái lộ nét u sầu, đem việc bán mình chôn cha rồi bị kẻ gian gạt gẫm bán vào chốn yên hoa, mỗi mỗi thuật lại rõ ràng.

Hai vị viên ngoại nghe xong rất lấy làm cảm kích, bèn hỏi:

- Này cô nương, nàng có biết ngâm thi không?

Xuân Hương đáp:

- Về văn lý, tiểu nữ cũng biết rõ vẽ đôi chút.

Triệu viên ngoại nói:

- Thế thì nàng làm hai bài cảm hoài cho ta xem thử.

Hồi nãy, Triệu viên ngoại thấy mấy câu thơ hãy còn nghi là không phải chính tay Xuân Hương làm, nên bây giờ muốn tận mặt thử về văn lý như thế.

Xuân Hương không cần nghĩ ngợi lâu, cầm bút viết ngay:

Son phấn lầu xanh biếng điểm hoa
Tấc lòng tơi tả cánh hoa sa
Khúc cũ càng ngâm thêm áo não
Vườn xưa về lại khổ không nhà
Tóc mây nửa món lười gương lược
Giọt lệ tuôn sa ướt đẫm tà
Tư mã Giang Châu may được gặp
Chén mừng rót nối khúc Tỳ bà.

Viết xong đưa lên cho Tô, Triệu hai vị viên ngoại xem.

Cả đến Tế Ðiên cũng khen hay: Tiếc thay, con người tài cao như thế, nhân phẩm như thế mà lại sa vào chốn yên hoa! Uổng thiệt! Uổng thiệt!

Ba người còn đương than thở, lại thấy Xuân Hương đưa thêm một bài thơ bảy chữ nữa:

Cốt nhục chia lìa sự nghiệp tan
Chiếc thân xấu số lọt Câu Lan
Vóc ngọc sụt sùi rời quan xá
Gót son đau đớn nhập bình khang
Trước gương luống thẹn khuynh thành sắc
Gặp người hổ bấy nét bên đàng
Gió sớm sương chiều mòn mỏi mắt
Mong sao gặp Nguyễn chớ Lưu lang.

Tế Ðiên xem bài thơ xong, khen không tiếc lời. Triệu Văn Hội nói:

- À, à, tôi có bài thơ thất tuyệt đây.

Mụ tào kê đem văn phòng tứ bửu đến. Triệu Văn Hội không cần suy nghĩ, cầm viết thảo một mạch:

Lầm lạc Câu Lan chán phận mình
May gặp Xuân Hương tại viện đình
Nhan sắc đâu nhường nàng Tây Tử
Mình thương tớ với, tớ thương mình.

Tô Bắc Sơn cũng buột miệng làm một bài thơ tuyệt cú:

Áo thắm mộng xanh đẹp lạ thường
Phong lưu thiên hạ chỉ Xuân Hương
Suốt tháng không ăn, nhìn cũng thỏa
Mới nghe chớ trách tớ si cuồng.

Tế Ðiên nói: Ờ, ta cũng có bài thơ nữa chớ!

Bèn đọc:

Hôm nay ta thấy sướng vui thay
Cười bảo Xuân Hương bước lại ngay.

Xuân Hương nghe đọc thất kinh, vội hỏi:

- Thưa sư phụ, sư phụ là người tu hành, bảo tôi đến gần làm gì?

Tế Ðiên điềm nhiên thong thả đọc tiếp:

Mau cởi thắt lưng bằng lụa đẹp
Ðưa tặng lão tăng buộc lại giày.

Mọi người nghe xong, cười rộ.

Tế Ðiên nói:

- Nhân dịp này, hai vị viên ngoại nên làm một việc công đức đi!

Tô Bắc Sơn hỏi:

- Này Xuân Hương, nàng muốn lập gia thất hay ý nàng muốn thế nào?

Xuân Hương đáp:

- Nếu may được người hảo tâm cứu tôi ra khỏi hầm lửa, thì tôi tình nguyện xuất gia làm tiểu ni. Gia đình họ Doãn nhà tôi ba đời cám đội ơn đức đó.

Tô viên ngoại hỏi mụ tào kê:

- Nhà chủ tốn về nàng Xuân Hương hết bao nhiêu?

Mụ tào kê đáp:

- Về phần chuộc về, tôi chi ra hơn 350 lượng. Ấy là không kể việc nàng ở nhà tôi mấy tháng nay, mỗi ngày ăn xài hao tốn.

Tô Bắc Sơn nói: Ðược rồi.

Triệu Văn Hội nói:

- Này Tô huynh, việc đó để cho tôi, Tôi sẽ bỏ ra 500 lượng chuộc nàng ra đưa đến Thanh Tịnh am ở trên Thành Hoàng Sơn, nhờ Thanh Chơn lão ni cô chiếu cố giùm.

Nói rồi bảo gia nhân lấy bạc ra đến 500 lượng giao cho mụ tào kê, rồi thuê kiệu đưa Xuân Hương đến Ni am.

Xuân Hương nghe nói, cúi đầu lạy tạ và yêu cầu ba vị theo đưa hộ tống.

Tế Ðiên nói: Ừ, được, để chúng ta đến trước chờ sẵn, gia nhân Triệu Minh sẽ theo kiệu đưa đi sau.

Tế Ðiên ba người ra khỏi viện Câu Lan, thẳng đến núi Thành Hoàng. Tế Ðiên buột miệng ngâm:

Người lành ắt gặp thiện duyên

Người dữ ắt gặp oan khiên dẫy đầy
Bần tăng độ kẻ khờ ngây
Chỉ e nhân thế phây phây lơ là.

Bỗng nghe có người kêu:

- Có phải Tế Công lão nhân gia đến đó không? Tôi liên tiếp lên chùa Linh Ẩn ba lần để đón Ngài mà hôm nay mới gặp!

Nói rồi chạy tới quỳ xuống cúi đầu thi lễ.

Tế Ðiên nhìn lại là một người tuổi ngoài 60, đầu đội khăn bốn góc, mình mặc áo màu vàng đất, lưng thắt dây tơ, chân mang hài trắng, ngũ quan rất đoan chánh.

Nguyên ở núi Thành Hoàng có một vị lão ni tên là Thanh Tịnh, có một cháu gái tên là Lục Tố Trinh lấy chồng tên là Cao Quốc Thái, nhà ở đường Nho Lâm phía cửa Nam huyện Dư Hàng.

Cao Quốc Thái là con nhà rất có gia sản nhưng anh ta chỉ biết đọc sách mà không chịu lo việc kinh doanh.

Qua một thời gian, của cải trong nhà sạch như rửa, chỉ còn lại hai vợ chồng không, trên không miếng ngói che đầu, dưới không tấc đất cắm dùi. Ăn sớm lo chiều, chạy ăn từng bữa. Lục thị nói:

- Vợ chồng ta không lẽ ngồi khoang tay chờ chết ở đây sao? Chi bằng chúng ta dời đến ở thành Lâm An trú tạm. Ở đó, tôi sống nhờ với người cô đang tu ở một am trên núi Thành Hoàng, còn chàng thì tìm ghi tên vào ở nhờ học quán tại đó. Như vậy chúng ta có thể sống qua ngày được, còn chàng cũng có thể trau giồi học nghiệp. Ðợi đến kỳ thi sắp mở, chàng lại ra kinh ứng thí để lập công danh, không biết ý chàng như thế nào?

Cao Quốc Thái nói: Ðến nước này, hai ta chỉ còn cách đó thôi, chớ không còn cách nào khác.

Hai vợ chồng bèn bán hết những đồ đạc lặt vặt để làm lộ phí rồi lên đường đi Lâm An.

Thấy họ đến, vị lão ni cô vui mừng lắm, bèn cấp riêng cho vợ chồng họ một căn nhà ba gian phòng để ở. Lục thị giúp đỡ việc may vá, còn Cao Quốc Thái chỉ dốc lòng đọc sách mà thôi. Ở trong am, đời sống hai vợ chồng rất bình thản.

Mấy tháng trôi qua bình tịnh, rồi một sự biến xảy ra: Vị lão ni có một vị đại đồ đệ tên là Huệ Tánh, thấy Cao Quốc Thái là con người ngà ngọc, văn chất nguy nguy, kinh luân đầy bụng, phẩm mạo hơn người thì có ý mến tài. Hai người thường cùng nhau cao đàm hùng biện. Huệ Tánh vốn là con nhà quan, văn chương thông suốt. Quốc Thái  nói chuyện cũng đối đáp như lưu.

Một ngày nọ, nhân lúc nhà vắng không có ai, Huệ Tánh lấy viết thảo một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đưa cho Quốc Thái xem. Thơ rằng:

Chắp tay khấn nguyện Ðại Sĩ danh
Chẳng nguyện sanh Tây, Tiên Phật thành
Chỉ mong được giọt cành dương rảy
Tác hợp cho con sen liền cành.

Quốc Thái xem xong, đổi sắc mặt, nói:

- Thiếu sư phụ không nên nghĩ như thế. Trên đời này, trai gái vì thú vui chốc lát mà hư danh tiết một đời, để nhơ muôn thuở, làm trò cười cho hậu thế. Huống nữa, đây là chốn thanh sạch của Phật môn, đâu nên làm ô uế.

Huệ Tánh nghe nói thế, mặt tai đỏ ửng, quay mình bỏ đi. Từ đó, hễ gặp Cao Quốc Thái, Huệ Tánh mắc cỡ, bét sang ngõ khác. Cao Quốc Thái thấy có điều bất tiện, mới thưa với lão ni:

- Xin sư phụ tìm giúp cho một căn nhà hai phòng ở dưới núi để vợ chồng dọn ở. Ở trong am có nhiều bất tiện.

Lão ni không còn cách gì hơn, đành tìm một căn nhà khác ở dưới núi. Tìm được một nhà ba gian chỉ có độc một cửa của viên ngoại Châu Bán Thành.

Châu Bán Thành hỏi lão ni: Sư phụ tìm nhà cho ai ở vậy?

Lão ni đáp: Tôi tìm giùm cho người bà con từ huyện Dư Hàng ngụ ở am tôi. Nó là cháu gái tôi, cùng đi với chồng nó. Chồng nó tên là Cao Quốc Thái, là người theo nghiệp thi thơ, thấy ở trong am có nhiều bất tiện nên nhờ tôi tìm cho một nhà khác.

Châu Viên ngoại nói: Ngày mai, sư phụ đưa Cao Quốc Thái đến tôi xem thử.

Hôm sau, lão ni dẫn Cao Quốc Thái đến. Châu viên ngoại thấy Cao Quốc Thái cử chỉ đoan nghiêm, văn từ tao nhã, bèn có bụng thương muốn giúp đỡ, lại e mới gặp lần đầu, Cao quốc Thái từ chối không nhận, mình bị bẽ mặt đi, mới ngầm dặn gia nhân rằng: “Nếu Cao Quốc Thái có thiếu tiền phòng thì đừng có đòi nhé!” Ðó là Châu viên ngoại thương tình dặn hờ thế thôi.

Quả nhiên, hai vợ chồng Cao Quốc Thái dọn đến ở. Cao Quốc Thái làm nghề xem bói qua ngày. Ðược 100 điếu ăn hết 100, được 200 điếu ăn hết 200, hai vợ chồng sống hẩm hút rất là chật vật. Lật bật mà nửa năm trôi qua, sáu tháng tiền phòng chưa đóng đủ.

Một hôm, người phụ trách thu tiền nhà có việc xin nghỉ phép, mới nhờ anh phổ ky đi thu giúp. Anh phổ ky không được dặn bảo lại việc này, lấy sổ thuê nhà ra tra xét lại, mới thấy Cao Quốc Thái thiếu đến sáu tháng tiền nhà không trả, bèn nghĩ: “Tên Cao Quốc Thái này bộ mình có mọc ba đầu, vai nẩy sáu tay, đầu to chân cứng, dựa vào sản nghiệp nhà ai mà dám không chịu đóng tiền nhà chớ! Ta phải đi đòi hắn mới được.”

Phổ ky đến nhà Quốc Thái kêu cửa. Bên trong, Lục thị hỏi:

- Ai kêu cửa đó?

Phổ ky đáp:

- Ta là người nhà Châu viên ngoại đến lấy tiền thuê nhà.

Lục thị nói:

- Chồng tôi hiện không có ở nhà, để rồi tôi nói lại nhé!

Phổ ky nói:

- Người không có ở nhà cũng được, còn tiền cũng không có ở nhà nữa sao? Sáu tháng nay rồi, hễ hỏi đến là đi vắng phải không? Các người ở nhà của người ta, dựa thế dựa thần nhà ai mà không chịu trả tiền? Ðợi bị mắng chửi mang xấu mới chịu trả phải không?

Lục thị nói:

- Ðể chồng tôi về rồi sẽ đem tiền đến trả mà!

Phổ ky nói:

- Chẳng thể chờ lâu được, bọn ta ở ngoài khóa cổng lại là xong việc.

Phổ ky bèn khóa cổng ngoài lại rồi bỏ đi. Ðến chiều, Cao Quốc Thái trở về, thấy cổng bị khóa lại, mới hỏi vợ. Lục thị nói:

Hôm nay chủ nhà đến đòn tiền, gia nhân họ khóa cổng đó!

Quốc Thái nghe nói, nổi giận đùng đùng, la:

- Hay cho Châu Bán Thành, dám cả gan khi dễ ta đến thế! Ðể ta đến huyện Tiền Ðường làm cáo trạng thưa hắn mới được.

Lục thị nói:

- Chúng ta không tiền làm sao ra lễ nghĩa được? Sáu tháng tiền nhà không chịu trả mà lại muốn đi thưa người ta, làm sao hợp lý được?

Hai vợ chồng còn đang thương nghị, vừa hay có lão ni Thanh Tịnh đến chơi. Thấy vợ chồng có vẻ đứng ngồi không yên, lão ni mới hỏi duyên cớ. Lục thị bèn đem việc tiền phòng không đóng, bị khóa cổng lại thuật qua một lượt. Lão ni nói:

- Tiên sinh không phải ra ngoài làm chi, nên dọn về ở phòng cũ vẫn hơn. Ra ngoài kiếm tiền khó lắm. Tiên sinh lại làm nghề bói toán, hôm nay kiếm được chút ít gì đó, vài bữa lại không ngơ. Tiên sinh lại là người thật thà, không thể làm như họ được, thôi tốt hơn nên về chỗ cũ là tiện nhất.

Nói rồi bảo Lục thị gom góp đồ đạc, lão ni thay mặt trả nhà lại rồi cùng hai vợ chồng Quốc Thái trở về núi Thành Hoàng. Phần Châu Bán Thành không chịu lấy tiền nửa năm thuê nhà, nói là để cúng thí vào việc hương khói trong am. Nào dè, hai vợ chồng Quốc Thái về ở lại mấy hôm, một sáng nọ, Quốc Thái nói chẳng rằng bỏ đi mất, để lại cho Lục thị mấy tờ giấy. Lục thị xem xong hồn phi phách tán. Tại sao thế?…*

 

Hồi Thứ 27

 

Giả thăm bạn để thơ từ biệt vợ

Cầu thỉnh Tế Công bói quẻ tìm chồng

 

Có thơ rằng:

Áo gấm vui chơi chả về nhà

Gia nhân mặt ngọc đợi hầu trà

Nội viện kín sâu người chẳng thấy

Cách rèm nở thắm một cành hoa.

Cao Quốc Thái về lại núi Thành Hoàng vẫn ở căn nhà cũ. Một buổi tối, ngồi đối diện với vợ, Quốc Thái nói:

- Nàng ơi, ngày mai tôi sẽ đi thăm bạn.

Lục thị nói:

- Ngày mai chàng đi xa, tôi còn 200 tiền đây. Tiền này là của bà cô cho tôi để mua kim chỉ thêu, chàng cầm đem theo để uống nước.

Nói rồi lấy tiền đưa ra.

Quốc Thái cầm lấy tiền, mặt có sắc hổ thẹn, nói:

- Thôi, nàng đi nghỉ trước đi.

Lục thị đi ngủ trước. Còn lại một mình Quốc Thái ngồi bên đèn, ngơ ngẩn hồi lâu rồi ngửa mặt lên trời thở dài thườn thượt. Lòng rối như tơ, thật là khó nghĩ. Cầm viết viết một mạch ba trang giấy, để dưới nghiên mực. Trong khi đợi trời sáng, muốn đánh thức Lục thị dậy, nhưng lại sợ sinh ồn náo lên, bèn đứng dậy, bước ra ngoài dằn lòng đi ra.

Trong am có một ông già tên là Phùng Thuận lo việc nhang khói trong điện Phật, tuổi ngoài 60, thường dậy rất sớm quét dọn xung quanh. Thấy Cao Quốc Thái đi ra, Phùng Thuận hỏi:

- Cao tiên sinh hôm nay có việc gì dậy sớm thế?

Cao Quốc Thái nói:

- Xin lão trượng làm ơn mở giùm cổng ngoài, tôi muốn xuống núi đi thăm bạn.

Phùng Thuận mở cổng, Cao Quốc Thái vội vã đi xuống núi. Khi Lục thị tỉnh dậy không thấy chồng đâu, giật mình kinh sợ, vội chạy ra các chỗ bên ngoài tìm kiếm. Nghe Phùng Thuận nói Cao tiên sinh đã đi hồi sớm rồi, Lục thị mới trở về nhà tìm kiếm. thấy ba tờ giấy chồng để lại trên bàn mà thôi. Tờ thứ nhất đề là:

Thời suy vận bỉ sống lầm than
Hổ phận làm trai gởi ni am
Cửa Phật thương tình hằng cửu giúp
Tránh sao miệng thế khỏi chê gièm.

Lục thị xem ý bài thơ này là tự trách thân mình vì nghèo khổ không thể lập nghiệp nuôi thân, phải cùng vợ đem than tá ngụ ở ni am. Ðiều đó trách sao miệng thế khỏi cười chê?

Lại xem đến bài thơ thứ hai:

Ðất khách ra đi chẳng hẹn về
Sống chết từ nay tự liệu bề
Duyên số kiếp này đành đứt đoạn
Ân tình kiếp khác hẹn phu thê.

Lục thị xem thấy bài thơ này là lời tuyệt vọng, lần này ra đi không hẹn ngày trở lại, chết sống không hẹn trước, đại khái kiếp này chẳng mong đoàn tụ, họa may duyên nối kiếp lai sinh mà thôi.

Cầm bút lưu thơ dạ cảm hoài
Trách mình tài vụng dám hờn ai
Nhắn nhủ hiền thê xem gẫm kỹ
Kiếp sau xin hẹn vẽ đôi mày.

Lục thị xem thơ xong cất tiếng khóc rống, lòng dạ rối bời. Ðương lúc quá buồn thảm đó, lão ni lại đến hỏi:

- Con ơi, tại sao buồn khổ quá vậy?

Lục thị mới đem việc Cao Quốc Thái để thơ lại rồi ra đi, chắc là phen này mười phần chết chín quá. Lão ni cô nói:

- Con ơi, đừng quá lo chi, ta có chủ ý đây. Hiện tại ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ có Ngài Tế Công, ấy là vị Phật sống đương thời, đoán biết hết mọi việc quá khứ vị lai. Ðể ta bảo Phùng Thuận sang đó mời Ngài đến đoán giùm xem Cao tiên sinh đi đâu, sống chết ra sao, rồi cho người đi mời về cho con là xong.

Lục thị lật đật nói:

- Thế thì nên cho người đi mời thỉnh Tế Công ngay đi.

Lão ni cô liền sai Phùng Thuận xuống núi đi thỉnh Tế Công.

Lần thứ nhất đến chùa Linh Ẩn, Tế Ðiên lại đi khỏi.

Lần thứ hai đi thỉnh gặp nhằm lúc quan binh đang vây chùa Linh Ẩn. Lần thứ ba đi thỉnh, Phùng Thuận hỏi thăm thì Tế Ðiên bị người của Thừa tướng bắt trói dẫn đi. Nhân đó, công việc lần lữa bị trễ lại năm, bảy ngày. Ngày kia, Phùng Thuận lại xuống núi đi thỉnh Tế Ðiên, thì gặp lúc Tế Ðiên cùng Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn đang đi tới. Phùng Thuận vội chạy đến thi lễ, nói:

- Thưa sư phụ, Ngài mới đến đấy à, tôi liên tiếp lên chùa mấy lần tìm Ngài mà không gặp, hôm nay may mắn gặp Ngài ở đây. Bây giờ sư định đi đâu?

Tế Ðiên nói:

- Ta muốn lên tìm lão ni sư của ông đây. Chúng ta đến đó để gởi một người đi xuất gia.

Phùng Thuận nói:

- Thế thì hay, hay lắm! Lão ni của chúng tôi định thỉnh sư phụ đến có việc cần.

Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn hỏi:

- Hôm nay trên ni am có việc gì cần kíp thế?

Phùng Thuận mới đem việc Cao Quốc Thái đầu đuôi thuật lại kỹ càng.

Mọi người cùng nhau trở về am. Phùng Thuật đi trước dẫn đường. Về đến am, thẳng vào viện phía Tây ngồi nghỉ. Viện phía Tây này có ba dãy Ðông, Tây và Bắc, mỗi dãy đều có ba gian. Phùng Thuận và mọi người cùng tiến về phòng Bắc.

Triệu viên ngoại nhìn kỹ thấy trong phòng rất sạch sẽ, sát tường phía Bắc có một cái bàn dài, bên trên chất đầy những kinh sách. Phía trước có một cái bàn bát tiên với hai ghế ở hai bên. Tế Ðiên đến ngồi vào chiếc ghế ở đầu bàn, Triệu Văn Hội ngồi ở cuối bàn, Tô Bắc Sơn lại ngồi ở một bên. Ngay trên vách đối diện có câu đối chữ viết rất đẹp, chính giữa lại có một bức đại tự, viết bài thơ:

Ưa thích thanh nhàn lánh tục xa
Dựa sườn khiêm tốn một lư gia
Nửa mẫu ao sen soi bóng nước
Mấy mươi gốc liễu, bụi tre già
Rượu xuân nồng ấm say lòng khách
Ðêm tối đèn hồng sách quến ta
Khóa lợi dàm danh toàn bỏ mặc
Băng tâm một mảnh sạch không tà.

Hai bên lại có câu đối đề là:

Non xanh chẳng đổi ngàn năm họa
Nước biếc trôi dài vạn cổ thi.

Bên dưới đề là: Kẻ tài vụng Cao Quốc Thái.

Tô Bắc Sơn xem xong, nói:

- Bạch Thánh tăng, Ngài xem Cao Quốc Thái thật là phong lưu tài tử đấy chớ. Lời Phùng Thuận nói quả thật không sai. Ngài xem câu đối này và bút tích đẹp quá. Bạch Thánh tăng, xin Ngài đại phát từ bi tìm Quốc Thái về, tôi sẽ tìm học quán thành toàn cho anh ấy. Ðợi đến kỳ đại thí, tôi sẽ tặng cho tiền bạc để anh ấy lập chữ công danh.

Tế Ðiên nói:

- Ðược đó, đây cũng là công đức của viên ngoại.

Ðang nói tới đó, lão ni cô Thanh Tịnh dẫn các đồ đệ và cháu gái cùng đến tham kiến Thánh tăng và nói:

- Xin Thánh tăng đại phát lòng từ bi cho. Ðây là Lục Tố Trinh, cháu gái của đệ tử. Nhân vì chồng nó là Cao Quốc Thái lưu ngụ trong Ni am, bỏ đi không nói lời từ biệt đã ba bốn hôm rồi. Xin Thánh tăng đại phát lòng từ bi chiếm cho một quẻ.

Tế Ðiên nói:

- Cái đó dễ mà! Hôm nay bọn ta cứu được một người, nàng ta là con gái nhà danh giá lầm sa vào chốn yên hoa. Ý nàng ta muốn xuất gia, nên bọn ta định đưa đến đây để lão ni thâu nhận làm đệ tử đấy.

Lão ni cô nói: Sư phụ đã dạy, đệ tử xin vâng theo.

Triệu Văn Hội nói:

Lát nữa cô ấy sẽ đến. Tôi xin cúng nhang khói cho chùa hai trăm lượng bạc.

Lão ni cảm ơn Triệu viên ngoại, lại day qua Tế Ðiên:

- Xin Thánh tăng từ bi chiếm cho một quẻ, xem Cao Quốc Thái hiện ở đâu?

Tế Ðiên vỗ vào linh quang ba cái, rồi nói:

- Chao ôi, thôi rồi, thôi rồi!

Lục thị đứng ở một bên nghe vậy sợ xanh cả mặt, lắp bắp nói:

- Xin Thánh tăng từ bi lập cách cứu giùm, cứu giùm!

Thanh Tịnh lão ni cũng năn nỉ hết mức.

Tế Ðiên hỏi:

- Bây giờ là mấy giờ rồi?

Phùng Thuận đáp:

- Hiện giờ đã sang đầu giờ Ngọ.

Tế Ðiên nói:

- Người này hiện cách đây 180 dặm. Ðến chừng mặt trời lặn, người ấy sẽ bị tai nạn mất mạng như không.

Tô Bắc Sơn nói:

- Thưa sư phụ, xin Ngài ra tay tế độ giùm.

Tế Ðiên nói:

- Khi ta tìm được người ấy trở về, ông phải tìm giùm một chỗ ở học quán nhé.

Tô Bắc Sơn nói:

- Ðệ tử xin hứa giúp điều đó.

Tế Ðiên nói:

- Ông phải phái một gia nhân cùng đi tìm với ta và đem theo 200 lượng bạc làm lộ phí mới được.

Tô Bắc Sơn kêu:

Này Tô Lộc, ngươi đi mau về kho bạc lấy theo 200 lượng bạc, đi cùng với Thánh tăng tìm Cao tiên sinh nhé!

Thanh Tịnh lão ni nói:

- Này Phùng Thuận, ông cũng cùng đi với Tế Công nhé!

Lục thị cúi đầu cám ơn rối rít.

Tế Ðiên nói:

- Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn! Hai ông chờ Doãn Xuân Hương đến, đưa cô ấy xuất gia rồi hãy về nhé!

Hai vị viên ngoại vâng dạ.

Tô Lộc đem bạc đến. Tế Ðiên cùng hai người ra khỏi Thanh Tịnh am. Khi tới chân núi, Tế Ðiên bước tới ba bước, bước lui ba bước. Tô Lộc nói:

- Sư phụ ơi, bộ Ngài lẫn rồi sao? Chúng ta phải đi 180 dặm mà Ngài đi như vậy cả đến 8 dặm cũng khỏi tới được đó. Ði cách đó làm sao tới được? Xin Ngài đổi cách đi khác đi!

Tế Ðiên nói:

- Ðổi thì đổi, có khó gì!

Nói rồi đổi bộ đi tới hai bước, sụt lui ba bước.

Phùng Thuận cười lên, nói:

- Sư phụ ơi, Ngài đi lộn trở về rồi đó. Ði cách đó làm sao tới được?

- Ờ, được, ta đi nhé!

Nói rồi co giò chạy mau tới trước, chớp mắt không thấy đâu. Hai người lật đật chạy theo, chạy mãi đến hai ba dặm, mồ hôi ra ướt cả mình, nói:

- Bọn mình vô khu rừng kia tạm nghỉ đi!

Hai người vừa bước vào rừng, Tế Ðiên hỏi:

- Hai vị mới tới hả?

Hai người đáp:

- Bọn tôi mới tới chưa nghĩ ngơi tí nào. Sư phụ tới đã lâu chưa?

- Ta tới đây ngủ được hai giấc rồi đó. Cặp giò đó có phải của hai ông không?

Hai người đáp:

- Cặp giò của chúng tôi dính liền với thân, không phải của chúng tôi còn của ai nữa!

Tế Ðiên nói:

- Nếu là của hai ông thì khi ta niệm chú nó phải chạy nhé!

Phùng Thuận nói:

- Ðược, được. Sư phụ cứ niệm đi!

Tế Ðiên thấy hai người đều đứng yên, nói:

- Ta niệm chú đây nhé!

Nói rồi trong miệng niệm lẩm nhẩm: “Án ma ni bát mê hồng. Án sắc lịnh hích!”. Tức thì thân hai người không tự chủ được, cặp giò tự động chạy như bay tới trước.

Tô Lộc kêu lên:

- Sư phụ ơi, không xong rồi! Trước mặt cây giăng giăng, đụng vô chắc chết quá!

Tế Ðiên nói:

- Không sao đâu! Có ta đây mà, tới đó không đụng chạm gì đâu!

Quả nhiên hai người chạy đến đó luồn qua kẻ hở chạy tuốt.

Hai người đang chạy bỗng thấy từ trong xóm đi ra một người, trên tay cầm một cái chén. Tế Ðiên nhướng mắt lên xem, thì ra đó là tên nghịch tử. Người này họ Ngô tên Vân, là con của một quả phụ. Hôm nay nhà ăn bánh hỏi, mẹ hắn đã sửa soạn xong xuôi. Khi Ngô Vân về nhìn vào thấy không có giấm, bèn nổi giận, nói với mẹ hắn:

- Má sao càng già càng dốt, nhà ăn bánh hỏi sao bà không mua giấm? Bà thiệt hết xài mà!

Tuy giận lắm nhưng bà mẹ vẫn không trả lời. Hắn nói lầm bầm, rồi cầm chén ra cửa đi mua giấm. Gặp Tế Ðiên, bị chỉ một cái, Ngô Vân tức thì giở chân chạy luôn theo bọn Phùng Thuận.

Sợ quá hắn kêu lên: Tôi không có đi hướng này mà! Tại sao lại kỳ vậy? Cặp giò này bữa nay bộ điên rồi chắc?

Ba người nghe bên tai tiếng gió vù vù, phảng phất như tuôn mây lướt gió, băng băng đi tới trước. Thấy trước mặt con sông nước trắng xóa, Tô Lộc vội kêu:

- Thánh tăng ơi, cho tôi ngừng lại đi! Phía trước là con sông đó, đâm xuống chắc chết quá!

Tế Ðiên nói:

- Không sao đâu! Ráng phóng mình tới là qua ngay!

Khi tới bên sông, ba người vẫn lướt băng băng, tức thì qua bờ bên kia ngay. Tô Lộc nghĩ: “Chạy như vậy không xong rồi, ta phải tìm một gốc cây ôm cứng lại mới được!”. Mới nghĩ xong, vừa hay gặp một gốc cây, Tô Lộc vội ôm cứng lại, bèn té đánh huỵch xuống đất. Phùng Thuật và người mua giấm cũng té nhào theo.

Tế Ðiên vừa đi tới, nói:

- Ba người dậy đi chớ!

Ba người nói:

- Bọn tôi dậy không được.

Tế Ðiên móc ra một viên thuốc chia cho ba người uống. Ba người cảm thấy thân thể hoạt động lại bình thường, có thể đứng dậy được.

Ngô Vân ngơ ngác lặng thinh! Từ phía kia có một người bộ hành đi tới.

Tô Lộc hỏi:

- Xin ông cho hỏi thăm, đây là nơi nào vậy?

Người kia đáp:

- Ðây là Tiểu Lưu Thôn. Các vị định đi đâu đó?

Tô Lộc nói:

- Bọn tôi từ thành Lâm An đi đến huyện Dư Hàng.

Người kia nói:

- Các vị đi phải rồi đó. Nơi đây cách huyện Dư Hàng chỉ có 20 dặm thôi.

Ngô Vân nghe nói, kêu lên:

- Trời ơi, trời! Rồi cầm cái chén quăng bể nát. Bánh hỏi không được ăn mà phải đi xa hơn 200 dặm đường. Bây giờ tôi làm sao mà trở về được nè trời!

Tế Ðiên nói:

- Ðể ta làm phép đưa ngươi về.

Ngô Vân nói:

- Thôi, thôi! Ðừng có làm phép nữa, tới nhà tôi đứng lại không được, chạy tuốt lên miền Bắc Tái rồi làm sao về được! Ðể tôi về một mình cho xong.

Tự hắn về hết hai ngày một đêm mới tới nhà. Từ đó hễ thấy hòa thượng đi hóa duyên là hắn chạy trốn, vì sợ gặp lại hòa thượng kiếc như xưa thì thêm khổ.

Tô Lộc nói với Tế Ðiên:

- Bây giờ chúng ta đi tiếp lên huyện Dư Hàng tìm Cao tiên sinh chớ?

Tế Ðiên đáp:

- Phải đó.

Ba người lại tiếp tục lên đường.*

 - o0o -

 Hồi thứ 23 | Mục Lục | Hồi thứ 28-32

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Trưởng 09 vÆ á n tich thÃÆ tất mới trẻ Tiểu đường trong thai kỳ có thể sinh thé khÕ giác dung lai nhÃƒÆ 12 duong nhan qua anh huong den cuoc doi moi duong 白佛言 什么意思 Trà xanh có thể giúp giảm cân Hồng danh sám hối phía cuối con đường ÄÆ Tịnh Xá Ngọc Giang tinh than vo nga vi tha trong van hoc phat tinh xa ngoc quang tu viện nguyên thiều 同人卦 phật giáo là một tôn giáo hay một 水天需 Thơm ngon các món ăn từ cốm chìa çš Về nghe tháng Ba truyền phước Nằm nghiêng khi ngủ tốt cho não bộ Có phải cái chết đã nhẹ tựa lông mot Các dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ Chiều Cà phê giúp tăng cường trí nhớ tinh yeu tim hieu ve chung ngo va vang sanh cuc lac cung cau nguyen tinh tam truyen nang luong Giáo lý vô ngã Giỗ Muốn ngôi nhà hoa nắng nguyen quán