...... ... .

 

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

 

TOÀN TẬP

 

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

 

 

TẬP 3

HIỆP CHÚ

CHƯƠNG MỞ ĐẦU

TỰA THUYẾT GIỚI

 I. KỆ TÁN:

i. QUY KỈNH:

1. Cúi đầu lễ chư Phật,

Tôn Pháp, Tỳ kheo Tăng;

Nay diễn pháp tỳ ni,

Để Chánh pháp trường tồn.

LƯỢC GIẢI:

Từ đây trở xuống, gồm 12 bài tụng, riêng biệt của luật Tứ phần, khác hẳn với các bộ luật khác. Xem phần phụ chú sau.

Trong bài tụng này, hai câu đầu, nói lời quy kỉnh Tam bảo; hai câu tiếp theo, nói mục đích thuyết giới. Sự thuyết giới là biểu hiện tính thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng, tức bản thể tồn tại của Tăng. Chừng nào các Tỳ kheo không hòa hiệp thuyết giới, bấy giờ bản thể của Tăng bị vỡ. Bản thể của Tăng bị vỡ, tức không có sự tồn tại của Tăng. Tăng không tồn tại, Chánh pháp không được thực hành như thật; nghĩa là, Chánh pháp không tồn tại. Do đó, tụng nói: “Nay diễn pháp tỳ ni, để Chánh pháp trường tồn”.

ii. NỘI DUNG THUYẾT GIỚI:

2. Giới như bể không bờ;

Như báu, cầu không chán,

Muốn hộ tài sản Thánh,

Chúng họp nghe tôi tụng.

 

3. Muốn trừ bốn tội khí,

Và diệt tội tăng tàn,

Ngăn ba mươi xả đọa,

Chúng họp nghe tôi tụng.

LƯỢC GIẢI:

Hai bài tụng này thừa tiếp ý nghĩa trong nửa cuối bài tụng 1 ở trên, tức nói rõ nội dung của mục đích thuyết giới.

+ Giới như bể không bờ: Cũng như biển cả không dung nạp tử thi; trong biển Phật pháp cũng vậy, người phá giới bị loại trừ, không thể thành tựu các đạo quả của Niết bàn. Ý nghĩa này được nói rõ trong hai bài tụng thứ 15 và 16 trong phần mở đầu cho Quảng luật của Tứ phần.

+ Như báu, cầu không chán: Người trì giới sẽ thành tựu các thiện pháp thế gian và xuất thế gian, các đạo quả của Niết bàn.

+ Tài sản Thánh: Chỉ 37 Bồ đề phần, Thánh đạo 8 chi, các môn thiền định, tam muội, giải thoát. Văn ý ở đây thừa tiếp câu 2 ở trên.

+ Bốn tội khí: Tức 4 pháp ba la di, xem Chương I: Tội tăng tàn: hay 13 pháp tăng già bà thi sa, xem Chương II. - 30 xả đọa: hay 30 ni tát kỳ ba dật đề, xem Chương IV.

iii. THỨ TỰ TƯƠNG THỪA:

4. Tỳ Bà Thi, Thi Khí,

Tỳ Xá, Câu Lưu Tôn,

Câu Na Hàm Mâu Ni,

Ca Diếp, Thích Ca văn.

 

5. Các Đại đức, Thế Tôn,

Vì tôi dạy sự này,

Tôi nay muốn nhắc rõ,

Các ngài thảy cùng nghe.

LƯỢC GIẢI:

Bảy Đức Như Lai đều có truyền thọ Giới kinh, dưới hình thức gọi là lược thuyết Giáo giới; xem Chương kết, đoạn sau.

+ Vì tôi dạy sự này: đây là lời của vị kết tập Luật Tứ phần, xem lược giải ở cuối bài tụng 12 đoạn sao. Sự: tức thể tài. Sự gồm có lược và quảng. Lược, tức Giáo giới lược thuyết của bảy Đức Thế Tôn. Quảng, tức chi tiết gồm các Thiên và Tụ của Giới kinh do Đức Thích Tôn quy định; nghĩa là các ba la di sự, tăng già bà thi sa sự v.v...

+ Nhắc rõ: văn hán: thiện thuyết, tức đọc tụng rõ ràng và mạch lạc; không đọc thiếu sót; không đọc quá nhỏ khiến người khác nghe không rõ; không đọc giọng ngâm nga như hát.

iv. HẬU QUẢ PHÁ GIỚI:

6. Ví như người què chân,

Không thể đi đâu được,

Người phá giới cũng vậy,

Không thể sanh trời, người.

 

7. Muốn được sanh lên trời,

Hoặc sanh vào cõi người,

Thường phải giữ chân giới,

Đừng để bị thương tổn.

 

8. Như xe vào đường hiểm,

Lo hư chốt, gãy trục,

Phá giới cũng như vậy,

Khi chết lòng sợ hãi.

LƯỢC GIẢI:

+ Chân giới, văn Hán: giới túc, giới như hai chân của người; thừa tiếp ý nghĩa các câu tụng trên. Trong tụng 8, giới được dụ như cỗ xe.

v. Ý NGHĨA THUYẾT GIỚI:

9. Như người tự soi kiếng,

Đẹp, xấu sanh vui, buồn,

Thuyết giới cũng như vậy,

Vẹn, hỏng sanh mừng, lo.

 

10. Như hai trận xáp chiến,

Gan, nhát có tiến, thối,

Thuyết giới cũng như vậy,

Tịnh, nhiễm sanh vui, sợ.

LƯỢC GIẢI:

Nghe thuyết giới cũng giống như tự soi kiếng. Người soi kiếng thấy mình đẹp nên vui, cũng vậy, người thấy mình trì giới toàn vẹn thì vui mừng. Soi kiếng thấy xấu thì buồn; trì giới không toàn vẹn, sanh lo sợ.

Sự thuyết giới cũng như hai trận xáp chiến: người trì giới thanh tịnh cũng như người dũng cảm, tiến thẳng tới, người trì giới bị ô nhiễm, như kẻ khiếp nhược, chỉ muốn tháo chạy.

vi. TÁN THÁN GIỚI KINH:

11. Thế gian, vua là lớn,

Sông ngòi, biển rộng hơn,

Các sao, trăng sáng nhất,

Các Thánh, Phật trên hết.

 

12. Trong tất cả các luật,

Giới kinh là tối thượng,

Như Lai lập cấm giới,

Nửa tháng tụng một lần.

LƯỢC GIẢI:

Mở đầu Quảng luật của Tứ phần gồm 46 bài tụng, trong đó chỉ tụng 1 đồng nhất với tụng 1 trên đây. Lời ghi chú ở cuối 46 tụng ấy nói chúng là sáng tác của các vị biên tập Luật tạng của bộ phái Đàm Vô Đức chứ không phải có từ sự kiết tập của ngài Ca Diếp. Còn 12 bài tụng trên đây coi như là rút gọn ý nghĩa của 46 tụng của Quảng luật Tứ phần. Về tác giả của chúng, theo cước chú của luật sư Đạo Tuyên trong Tỳ kheo hàm chú giới bản, là do Tôn giả Pháp Hộ. Pháp Hộ là tên của Sơ tổ phái Đàm Vô Đức ([1]). Bộ phái ấy được gọi tên theo đó. Hán âm là Đàm Vô Đức, và dịch là Pháp Tạng, hoặc Pháp Mật, hoặc Pháp Hộ.

PHỤ CHÚ:

Giới bản của các bộ khác, gồm Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng thảy đều mở đầu với 7 bài tụng hoàn toàn đồng nhất nhau về cả văn lẫn nghĩa.

Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da mở đầu bằng 32 bài tụng thể thất ngôn, tiếp theo là 5 tụng ngũ ngôn, nội dung khác hẳn các bộ khác.

Biệt giải thoát Giới kinh mở đầu bằng 2 bài tụng; nội dung cũng khác hẳn các bộ khác.

Dưới đây trích dịch 7 bài tụng từ Thập tụng để tham khảo.

Trước các bài tụng, có đoạn văn cảnh sách, và một đoạn vấn đáp tiền phương tiện của yết ma.

Đại đức, xin lắng nghe. Mùa đông này, thiếu một đêm nữa là qua hết một tháng, còn lại một đêm và ba tháng. Già và chết gần kề, Phật pháp sắp diệt. Các Đại đức, vì để đắc đạo, hãy nhất tâm cần tinh tấn. Vì sao? Chư Phật do nhất tâm cần tinh tấn mà chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, huống nữa là các thiện đạo pháp khác.

Hỏi: - Người chưa thọ Cụ túc đã ra,

- Tăng nay hòa hiệp, trước hết phải làm gì?

Đáp: - Bồ tát thuyết giới.

- Thưa các Đại đức, các Tỳ kheo không đến thuyết dục và thanh tịnh.

1. Chắp bàn tay mười ngón,

Cúng dường Thích Sư tử,

Tôi nay muốn thuyết giới,

Tăng nên nhất tâm nghe.

 

2. Nhẫn đến trong tội nhỏ,

Hãy sanh tâm lo sợ,

Có tội, nhất tâm hối,

Về sau chớ tái phạm.

 

3. Ngựa tâm ruổi đường ác

Buông lung khó kềm chế,

Vâng giữ giới Phật dạy,

Như cương vàm bền chắc.

 

4. Lời răn dạy của Phật,

Người thiện hay tín thọ,

Người ấy ngựa đã thuần,

Hay dẹp giặc phiền não.

 

5. Nếu không vâng giáo sắc,

Cũng không yêu kính giới,

Ngưòi ấy ngựa không thuần,

Ngã trước giặc phiền não.

 

6. Nếu người thủ hộ giới,

Như trâu mao tiếc đuôi,

Buộc tâm, không buông lung,

Cũng như vượn bị xích.

 

7. Ngày đêm hằng tinh tấn

Vì cầu thật trí tuệ,

Người ấy trong Phật pháp,

Sống đời sống thanh tịnh.

Tiếp theo là đơn bạch thuyết giới và tựa thuyết giới.

II. YẾT MA THUYẾT GIỚI:

1. TIỀN PHƯƠNG TIỆN

A.CHÁNH VĂN:

Hỏi: - Tăng họp chưa?

Đáp: - Tăng đã họp.

Hỏi: - Hòa hiệp không?

Đáp: - Hòa hiệp.

Hỏi: - Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?

Đáp: - Người chưa thọ Cụ túc đã ra.

Hỏi: - Các Tỳ kheo không đến có thuyết dục và thanh tịnh không?

Đáp: (Nếu không thì đáp Không. - Nếu có, thì thuyết dục như được nói trong Yết ma yếu chỉ, Chương V, tiết 2.V).

Hỏi: - Có ai sai Tỳ kheo Ni đến thỉnh giáo giới không?

Đáp: - (Xem Yết ma yếu chỉ, Chương V, tiết 22. VII).

Hỏi: - Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

Đáp: - Thuyết giới yết ma.

B. LƯỢC GIẢI:

Tất cả các pháp yết ma đều có tiền phương tiện như nhau. Ý nghĩa các vấn đáp của tiền phương tiện, cùng các vấn đề lien hệ, xem Yết ma yếu chỉ, Chương I, tiết 2, VI và trọn Chương V.

2. ĐƠN BẠCH THUYẾT GIỚI

A. CHÁNH VĂN:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe, hôm nay là bạch (hay hắc) nguyệt, ngày thứ mười lăm (hoặc mười bốn) chúng Tăng thuyết giới, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hiệp thuyết giới. Đây là lời tác bạch (hoặc: tác bạch như vậy).

B. LƯỢC GIẢI:

+ Bạch nguyệt, ngày thứ mười lăm: Ngày thứ 15 của tháng trắng tức phần nửa của tháng trong thời kỳ mặt trăng phát triển dần đến chỗ tròn đầy, ngày thứ 15 của phần này tức ngày rằm theo lịch ta, Hắc nguyệt tháng đen, phần nửa của tháng trong thời kỳ mặt trăng giảm khuyết dần, ngày thứ 15 của phần này tức ngày 30, và ngày thứ 14 tức ngày 29 theo lịch ta, hay nông lịch.

Giải thích của Luật nhiếp 1 ([2]): Tháng đen hoặc tháng trắng, trong mỗi ngày cần phải ghi nhận số của ngày rồi bạch cho chúng biết. Hoặc Thượng tọa bạch, hoặc Duy na bạch, hoặc bất cứ người nào, bạch rằng: “Bạch các Đại đức, hôm nay là bạch (hoặc: hắc) nguyệt, ngày (mấy)... (báo cáo công tác sẽ làm)”.

+ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng: Hán: nhược tăng thời đáo; nơi khác cũng nói: nhược tăng thời chí. Luật nhiếp 1: đây là thời gian để tác pháp bố tát, không bị trở ngại bởi các việc khác.

III. TỰA GIỚI KINH:

A. CHÁNH VĂN:

Thưa các Đại đức, nay tôi sẽ tụng giới ba la đề mộc xoa. Các Tỷ kheo cùng tập họp tại một chỗ. Hãy lắng nghe, suy nghiệm kỹ. Nếu ai tự biết có phạm, hãy tự phát lộ. Ai không phạm thì im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh, như một người được kẻ khác hỏi riêng điều gì thì như thật mà trả lời. Cũng vậy, Tỳ kheo nào ở trong chúng, sau khi đã 3 lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không phát lộ, vị ấy mắc tội cố ý vọng ngữ. Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ kheo nào nhớ nghĩ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, hãy tự phát lộ. Do phát lộ mà được an lạc.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong tựa Giới kinh, nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (hỏi 3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

B. LƯỢC GIẢI:

+ Ba la đề mộc xoa, xem phần giới thiệu.

+ Các Tỳ kheo cùng tập họp tại một chỗ, câu này không có trong Tứ phần luật Tỳ kheo giới bổn, bổn tập của Hoài Tố([3]). Tứ phần Tăng giới bổn([4]), văn có khác “chúng tập hiện tiến”. Ở đây, theo bản của Đạo Tuyên, Tứ phần luật Tỳ kheo hàm chú giới bổn ([5]).

+ Hãy tự phát lộ văn Hán: ưng tự sám hối. Các từ sám hối trong Tứ phần, ở các nơi khác đều dịch là phát lộ, nghĩa là tuyên bố hay bày tỏ. Luật nhiếp 1([6]) có nêu ba hạng người nghe tụng giới: Như cái chậu để ngửa và sạch có thể chứa đựng các vật dụng. Nếu lật úp hoặc dơ, không thể chứa đựng. Đại ý, người có tội mà che giấu không bày tỏ, như cái chậu dơ lật úp.

+ Như một người được kẻ khác hỏi... mà trả lời: Định nghĩa tội cố ý vọng ngữ. Như một người: dẫn thí dụ, bất cứ người nào, trong bất cứ trường hợp nào, ở đây không chỉ giới hạn một Tỳ kheo. Được kẻ khác hỏi riêng điều gì: được người khác hỏi thẳng mình, và mình cần trả lời thẳng vấn đề cho người ấy. Như thật mà trả lời: sự thật thế nào thì trả lời như vậy; nếu khác đi, tức là cố ý vọng ngữ.

+ Cũng vậy, Tỳ kheo nào... mắc tội cố ý vọng ngữ: Giải thích rõ tội cố ý vọng ngữ trong trường hợp Tăng thuyết giới. Ở trong chúng: chỉ Tỳ kheo hiện diện giữa Tăng khi Tăng thuyết giới. Ba lần hỏi: cuối mỗi thiên của giới bổn đều có hỏi ba lần (Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không?”). Sau khi hỏi, Tỳ kheo nào nhớ nghĩ mình có phạm điều nào trong thiên vừa tụng thì phát lộ, không phạm thì im lặng. Trái lại, có phạm mà im lặng là cố ý vọng ngữ. Đây là loại vọng ngữ đặc biệt không do biểu nghiệp của ngữ, chỉ xảy ra trong khi Tăng thuyết giới. Trong các trường hợp khác, có tội mà không nói là phú tàng, tức che giấu. Trong trường hợp thuyết giới, im lặng không nói là cố ý vọng ngữ. Các bộ phái có những giải thích khác nhau về bản chất của tội vọng ngữ này, ở đây không cần thiết phải nêu chi tiết ([7]).

Cố ý vọng ngữ trong các trường hợp khác, bằng biểu nghiệp của ngữ, phạm ba dật đề,Hàm chú giới bổn: khi Tăng thuyết giới, có tội mà im lặng, là cố ý vọng ngữ, phạm đột kiết la ([8]).

+ Pháp chướng hàm đạo, chú giới bổn: chướng ngại sự chứng đắc tứ thiền, tam không, tứ quả... Luật nhiếp 1: chướng ngại pháp, pháp gây chướng ngại trong hai thời: trong hiện tại, nó chướng ngại các pháp thiện; trong đời vị lai, nó chướng ngại sự tái sanh vào các cõi thiện ([9]).

+ Tựa Giới kinh: về Giới kinh, xem phần I (Chương mở đầu).

+ Tôi ghi nhận như vậy, văn Hán, các dịch giả Hán khác, giống nhau: thị sự như thị trì; riêng Nghĩa Tịnh: thị sự ngã như thị trì. Luật nhiếp 1([10]), trì nghĩa là liễu tri, tức biết rõ hay ghi nhận. Huyền Tráng, Câu xá 14, và các nơi khác, dịch trìức niệm, tức ghi nhớ hay ghi nhận.

+ Toàn văn đoạn kết này, Hán nói: Chư Đại đức thị trung thanh tịnh, mặc nhiên cố, thị sự như thị trì, có thể dịch thoát nghĩa như sau: Thưa các Đại đức, do sự im lặng ấy, tôi biết rõ các Đại đức trong đây thanh tịnh ([11]).


[1] Phạn: Dharmagupta

[2] Đại 24, tr. 529a

[3] Đại 22, tr. 1015b

[4] Đại 22, tr. 1023b

[5] Đại 40, tr. 430a

[6] Đại 14, tr. 530b

[7] Xem Câu xá 16, Thuận chánh lý 42

[8] Xem thêm, chương V: Ba dật đề 1

[9] Đại 24, tr. 530b

[10] Đại 24, tr. 530c

[11] Pàli: parisuddh Ûetth ûàyasmanto, tasmà tunhì, evam etamï dhàrayàmi, “Các Trưởng lão trong đây thanh tịnh, vì vậy nên im lặng, tôi ghi nhận sự việc ấy là như vậy”.

 

--- o0o ---

Mục Lục Toàn Tập

  Tập 1 |  1 2-0 | 2 | 3 | 4 |  5 |  6

  Tập 2 | 7 |  8 9-1 | 9-2 | 9-3 | 9-4 | 9-5 | 9-6 | 9-7 | 9-8 | 10

  Tập 3 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

--- o0o ---

 

Source: www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường -  Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày 01-06-2004

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

bà n hẠn cuoi va hanh phuc trong con loc khung hoang Sư bà Hải Triều Âm viên tịch thọ 94 khai niem can ban cua dao phat giao ly duyen cửa thơ mặc giang từ bài số 1331 đến số thức năm luáºt Những bóng hồng của dinh Độc Lập phật lội ruc ro co hoa pg tai le hoi vesak nguoi viet o san biệt Chè long nhãn hạt sen tinh hoa ẩm thực học phật 五痛五燒意思 妙蓮老和尚 願力的故事 放下凡夫心 故事 chet Nghi lễ đời người theo Phật giáo Phật giáo cong vinh dai tiec chay trong dam cuoi phi ca Dục Phở Aspirin kéo dài tuổi thọ bệnh nhân gởi 回向文 福智 đạo nau chay ca ri thai chay Chất xơ ngăn ngừa huyết áp cao Nên bún neu nghi nuoi duoc cha me la tron chu hieu thi hay hay song nhu ngay mai ta khong con duoc song nua van 49 Tại sao nên giặt khăn tắm thường xuyên mười Kham to thử Ấn tan Kẹo nhai nicotine không tốt cho sức khỏe