Trong suốt hai ngàn năm trăm năm, sau khi Đức Phật giác ngộ, thiền Vipassana đã được áp dụng và đem lại giải thoát cho hàng ngàn người. Thế nhưng mãi cho đến gần đây, các thiền sư vẫn ngại ngùng không dám đưa liều thuốc giải thoát đến những người bị bệnh tâm thần.
Sự e ngại bắt nguồn từ cảm giác là thiền quá khó, người bị bệnh tâm thần không đủ sức tập.
Thật ra, thiền là hơi thở, là nước uống, là cái gì rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, thiền là sự chú tâm không mong cầu. Theo người viết, điều duy nhất cần để tập thiền là một động cơ thật mạnh. Nỗi khổ đau do bệnh tật và sự chết là động cơ mạnh nhất và là đối tượng giải thoát của thiền. Do đó, người bị bệnh tâm thần có một điều kiện không phải người tập thiền nào cũng có được: đó là một động cơ rất mạnh.
Động cơ mạnh sẽ dẫn đến sự kiên trì bền bỉ, điều kiện duy nhất cần để đạt những tuệ giác khi hành thiền. Một tỷ lệ nào đó của những bệnh nhân tâm thần, sau khi ổn định bằng thuốc sẽ sáng suốt đủ để tập thiền một cách kiên trì bền bỉ. Không ai có thể đạt được sự an lạc từ thiền nếu chỉ thỉnh thoảng tập thiền một lần như một hành vi trang sức, một cái gì đó thêm vào cho cuộc sống đã quá đầy đủ của mình.
Cơ sở lý luận
Có một cơ sở lý luận vững chắc để nhận định rằng việc tập thiền Vipassana sẽ đóng góp một phần vào quá trình điều trị bệnh tâm thần. Thiền Vipassana là một phương pháp thiền có tính khoa học. Người tập thiền Vipassana đóng vai trò của một nhà quan sát, không phải bằng mắt hay bất cứ một dụng cụ kỹ thuật nào khác, mà bằng cái tâm chú ý của mình trong chánh niệm, các hiện tượng vật lý và tâm lý xảy ra trong cơ thể và chung quanh. Các hiện tượng vật lý này có thể là một cam giác xúc giác, thính thị giác, sự đau nhức hay một ý nghĩ sinh khởi, nhất là các phản ứng của tâm đối với các hiện tượng đó.
Sau một thời gian kiên trì quan sát trong chánh niệm như vậy, khả năng sau đây sẽ phát sinh một cách từ từ: người tập sẽ nhận biết và có khả năng quán sát cái tâm của mình một cách khách quan, nhận ra sự sinh khởi và diệt đi của các ý nghĩ trong từng khoảnh khắc của thời gian, một cách khách quan mà không đồng hóa mình với các ý nghĩ đó.
Chính sự nhận biết này (tức là chánh niệm) có tác dụng tạo sự an lạc, cô lập các ý nghĩ ra khỏi sự phản ứng của tâm và các ý nghĩ đó sẽ biến đi sau khi bị nhận diện; tương tự như vậy, sự nhận biết sự trầm cảm sẽ tạo ra một cảm giác an lạc bên cạnh sự trầm cảm giúp khả năng chịu đựng sự trầm cảm tăng lên và sự trầm cảm cũng tan đi mau hơn.
Diễn tiến này là căn bản của việc ứng dụng thiền để cải thiện nội quan (insight) góp phần vào việc điều trị bệnh tâm thần. Đây cũng là căn bản rất tốt, rất lành mạnh để xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ năng đối trị với các hoang tưởng, các cơn trầm cảm sẽ xảy ra sau này cho các cá nhân trẻ tuổi chưa phát bệnh trong các gia đình mà bệnh tâm thần đang xảy ra cho các thành viên khác. Đối với các hồi tuởng kinh hoàng của quá khứ (flashback trong bệnh post traumatic stress disorder) thì sự kiểm soát có thể dễ hơn.
Dù mang nhiều tên gọi khác nhau: schizophrenia, manic depressive disorder, post traumatic disorder, obsessive compulsive disorder... các bệnh tâm thần có một điểm chung: tâm rời khỏi trạng thái an bình để phản ứng với hoặc là những ý nghĩ, hoặc những đối tượng của giác quan. Phản ứng này có thể dẫn đến một tác ý làm khởi phát hành động hoặc làm thay đổi tính tình của bệnh nhân đưa đến các cơn trầm cảm (depression), hoặc sợ hãi... Phản ứng của tâm là có điều kiện.
Theo quan niệm của thế gian thì có hai loại ý nghĩ: ý nghĩ bình thường được xã hội chấp nhận, và ý nghĩ không bình thường, không được cộng đồng chấp nhận gọi là hoang tưởng, cần được điều trị. Đức Phật Thích Ca, người đã tìm ra thiền Vipassana không có một lời nào phân biệt ý nghĩ bình thường hoặc không bình thường cả, ý nghĩ là một hiện tượng có điều kiện sinh khởi trong tâm rồi sẽ diệt đi.
Trước sự sinh khởi của một ý nghĩ, điểm khác biệt giữa người có tập thiền Vipassana và một người không tập là người không tập sẽ đồng hóa mình với ý nghĩ đó (nghĩ rằng mình nghĩ), miên man theo sự dẫn dắt của ý nghĩ, chịu ảnh hưởng tác động của ý nghĩ đó ma vui, buồn, tức giận, biết ơn v.v... và sau cùng là hành động theo chỉ đạo của ý nghĩ đó.
Người tập thiền Vipassana có kinh nghiệm sẽ quán và thấy sự sinh khởi của ý nghĩ đó rất sớm, nhìn ý nghĩ đó như một hiện tượng khách quan, do nó tự đến, không có ai nghĩ cả (như tiếng chim hót, mưa rơi, tiếng động), không bị ý nghĩ đó ảnh hưởng làm vui buồn... có thể kiểm soát không hành động theo, và ý nghĩ đó sẽ tự động diệt đi.
Cần phải xác định một vài điểm như sau:
1 - Chúng ta chỉ sử dụng kỹ thuật của thiền Minh sát để cải thiện nội quan (insight), góp phần vào việc điều trị bệnh tâm thần, tạm thời gác qua một bên mục tiêu giác ngộ giải thoát. Các mục tiêu này qua xa và quá khó, hơn nữa còn bị vướng mắc với vấn đề tôn giáo và không phải mục tiêu của bài viết này.
2 - Nếu không nhắm mục tiêu giác ngộ thì sự tập thiền Vipassana sẽ tương đối dễ dàng như học đánh máy, học đàn. Có điều gì khó khi chỉ cần ngồi xuống đặt sự chú ý vào hơi thở của mình, khi sự chú ý đi nơi khác thì nhận ra và đem nó về lại nơi hơi thở. Có một điều cần được làm rõ vì đây là lý do nhiều người chán nản và bỏ tập: khi ngồi thiền cứ bị suy nghĩ vẩn vơ. Cái trí con người được tạo ra để suy nghĩ và nó suy nghĩ liên tục. Có khi ta nhận ra sự suy nghĩ có khi không nhận ra. Do đó không nên bức xúc khi thấy mình suy nghĩ nhiều quá.
Nhiệm vụ chính là tập tỉnh thức để nhận ra mình đang suy nghĩ và đem sự chú ý về lại nơi đề mục chính của giờ tập thiền đó là hơi thở. Chính sự liên tục suy nghĩ và nhận biết đó tạo nên sự cảm nhận cái tâm và sự sinh diệt của các ý nghĩ. Nếu ví dụ có một người ngồi xuống là không còn ý nghĩ nào nữa thì cảm nhận sinh diệt sẽ không phát sinh. Tương tự như một người rất tốt nhưng không bao giờ vay nợ và trả nợ thì không có tài khoản tốt được (good credit).
Nhiều người nghĩ rằng tập thiền quá khó vì họ có cái tâm mong cầu quá lớn, chờ mong một kết quả gì đó sẽ xảy ra ngay bù đắp cho thời gian bỏ ra. Trong lúc thiền là một quá trình tập luyện để xóa bỏ cái tâm mong cầu (một hình thức của tham ái ). Không mong cầu, chỉ kiên trì tập luyện đều đặn thì kết quả sẽ đến, ngoài mọi sự mong chờ
Điều duy nhất cần là một động cơ thật mạnh. Không một thiền sư hay một người tập thiền nào có được động cơ manh bằng một bệnh nhân bị tâm thần phân liệt (schizophrenia) mới phát bệnh lần đầu, tương lai bị đóng lại, tập để kiểm soát con bệnh, để hy vọng giảm liều thuốc, để hy vọng không làm phiền người thân v.v... hay một người bệnh trầm cảm bị các cơn buồn hành hạ đến muốn tự sát... Vấn đề là chỉ ngồi xuống tập, đều đặn, kiên trì, dù tin, dù không tin, đừng mong chờ gì cả.
Phải nhận biết rằng đây là phương pháp lành mạnh, không có tác dụng phụ, không tốn kém, và là phương pháp duy nhất không dùng thuốc để góp phần vào việc điều trị, hay ít nhất cũng hỗ trợ giúp tránh việc phải tăng liều thuốc. Nên nhớ rằng hàng triệu người lành mạnh đã tập thiền và nhiều người đã đạt giác ngộ giải thoát.
3 - Đối với các thành viên trẻ tuổi của các gia đình có người bị bệnh tâm thần, đây là căn bản để thiết lập nền tảng cho việc huấn luyện để cải thiện nội quan (insight) giúp họ đối trị các triêu chứng, các cơn trầm cảm, các ý nghĩ thôi thúc (trong obsessive compulsive disorder) một cách hữu hiệu hơn.
Hiện nay trong các gia đình này, các thành viên trẻ tuổi chưa mắc bệnh chỉ tự quan sát mình một cách âu lo mà không co một biện pháp nào để mở một hướng đi tương đối lạc quan cả. Nói xa hơn, nếu một người trẻ tuổi với một động cơ mạnh mẽ, tự rèn luyện để có thể điều khiển tâm mình thì người đó đã có một kỹ năng tuyệt vời để có một cuộc sống an lạc hạnh phúc.
Hãy nhìn cuộc sống hiện tại của một bệnh nhân tâm thần phân liệt, lúc mới phát bệnh thì sống với gia đình cho đến khi gia đình không còn khả năng săn sóc thì được gởi vào các nhà săn sóc (board and care). Cuộc sống của họ là một chuỗi ngày vào ra bệnh viện.
Nếu được sống trong một thiền viện dành cho các bệnh nhân tâm thần, thuờng xuyên được nhắc nhở để giữ chánh niệm, giảm thiểu các tác nhân kích thích của xã hôi, dành nhiều thời gian hành thiền để giảm sự tái phát của bệnh thì không còn gì mong đợi hơn.
4 - Để đạt được các tuệ giác cần thiết, thời gian phải tính bằng năm với sự tập luyện đều đặn, chứ không phải tháng hay ngày, điều này người tập phải hiểu để chuẩn bị sự kiên trì. Động cơ mạnh và kiên trì là điều kiện cần và đủ để đạt đến thành công.
5 - Buớc kế tiếp: sau khi đã đạt được những tuệ giác cần thiết để có thể kiểm soát tâm độc lập với các ý nghĩ, người tập có thể chủ động gợi lại các ý nghĩ thường xảy ra trong con bệnh rồi tập kiểm soát các ý nghĩ đó. Tập đi, tập lại như vậy người tập sẽ đạt được một kỹ năng để kiểm soát các cơn kịch phát của bệnh mỗi khi chúng xảy ra.
* Cách tập:
Thời gian: mỗi ngày nên tập hai thời, sáng khi vừa thức dậy và tối trước khi đi ngủ. Mỗi thời độ 10 phút lúc mới khởi sự tập rồi tăng lên thật từ từ tùy mức thích nghi của mỗi người. Thời gian trung bình của mỗi thời tập là một giờ.
Một điều cũng rất quan trọng (nhưng không nên mong cầu nó xảy ra ngay) là ngoài giờ tập, người tập nên tập trung nhận biết từng việc mình đang làm (gọi là giữ chánh niệm). Sau một thời gian kiên trì giữ sự tỉnh thức, người tập sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc mà thấy rằng sự nhận biết (chánh niệm) sẽ ở với mình một cách dễ dàng hơn mình tưởng nhiều và an lạc hạnh phúc nằm ngay trong sự nhận biết đó.
Người tập sẽ nhận ra mình kiểm soát được mình nhiều hơn và như vậy các cơn bịnh bị đẩy lùi, ít xuất hiện hơn. Sự nhận biết đó là một phần của trí huệ (wisdom). Trong toàn bộ tiến trình tập luyện, người tập sẽ không bị cực khổ mệt nhọc gì mà còn thấy an lạc hạnh phúc càng ngày càng nhiều hơn.
* Cách ngồi:
Nếu khởi sự tập từ nhỏ, còn mềm dẻo, thì nên ngồi kiết già hoặc bán già vì đây là cách ngồi tạo ra sự vững chãi cho thân và tâm. Nếu thấy khó, có thể ngồi hai chân xếp lại chân trước chân sau, với một cái gối nhỏ để trên hai chân làm nơi tựa của hai bàn tay. Nếu không quen ngồi xếp bằng thì có thể ngồi trên ghế.
* Mô hình gợi ý:
Tổ chức một board and care cho người bệnh tâm thần trên một diện tích rộng độ vài acres ở một nơi thoáng mát yên tịnh và một thiền đường nhỏ. Ban Điều hành gồm những người có tập thiền. Có thể kết hợp với sự tập thiền của những ngươi bình thường để làm gương cho người bị bệnh.
* Điều kiện để tập:
1- Điều kiện đầu tiên là bệnh nhân phải ở trong trạng thái tinh thần ổn định khi khởi sự tập luyện. Do đó nếu bệnh nhân bị trầm cảm, hoặc bị tâm thần phân liêt (schizophrenia) thì phải ổn dịnh bằng thuốc và phải tiếp tục dùng thuốc thật đều đặn trong suốt quá trình tập luyện. Bệnh nhân chỉ giảm thuốc với sự cho phép của bác sĩ, tùy theo sự lượng định của chính bản thân theo kết quả luyện tập mà mình đạt được.
2- Đối với thành viên của các gia đình có người bị bệnh tâm thần thì cần khởi sự tập thiền từ lúc còn nhỏ tuổi. Cần giải thích rõ lý do tập để tạo ra một động cơ mạnh.
Kết luận
Mỗi loại thuốc thích hợp cho một số người này mà không hợp cho một số người khác. Tương tự như vậy, phương pháp này sẽ có thể thực hiện được bởi một số người này mà không thực hiện được bởi một số người khác. Bệnh tâm thần là bệnh của tâm. Thuốc uống vào trong thân trong một mức độ nào đó giúp điều trị cái tâm.
Sau hai ba mươi năm điều trị, tình trạng của người bệnh là sự phối hợp của sự tiến triển của bệnh theo thời gian và ảnh huởng của các tác dụng phụ của thuốc. Nếu trong một cơ may nào đó, thiền Vipassana góp được phần nào trong việc giúp ổn định bệnh mà không cần tăng liều lượng thuốc hay may mắn hơn giảm được liều thuốc để giảm các ảnh hưởng của tác dụng phụ thì Đấng Từ Phụ sẽ mỉm cuời vì có thêm nhiều đứa con đã nhận ra con đường mà Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm ra.
* Chữ "insight" thường dùng trong khoa tâm thần có nghĩa hơi khác hơn chữ insight dùng trong thiền Vipassana. Trong khoa tâm thần, "insight" dùng để diễn đạt ý một bệnh nhân nhận biết cái ý tưởng mà họ đang có là bệnh lý, là bất thường và như vậy họ không tin vào đó và như vậy xác suất để họ hành động theo lệnh của ý nghĩ đó sẽ giảm đi. Ví dụ: có bệnh nhân có ý nghĩ rằng mình là Đức Chúa Jesus. Nếu bệnh nhân này không có insight thì họ sẽ nghĩ đó là sự thật và họ hành động như họ là Chúa Trời thật sự.
Chữ insight dùng trong thiền Vipassana có nghĩa là tuệ giác. Tuệ giác là một cảm nhận mà từng cá nhân tập thiền có được sau một thời gian tập luyện kiên trì tinh tấn. Những tuệ giác này khó diễn tả bằng ngôn ngữ.
Tuệ giác cảm nhận được các ý nghĩ tự nó sinh khởi và tự nó sẽ diệt đi trong từng khoảnh khắc của thời gian là một tuệ giác quan trọng cần thiết cho bệnh nhân tâm thần; vì với tuệ giác đó tâm quán sát sẽ nhìn ý nghĩ một cách khách quan, không bị ý nghĩ chi phối chánh niệm, diễn đạt một cách cho dễ hiểu, là một tình trạng tỉnh thức trong đó tâm quán sát lấy công việc mà thân đang làm, làm đối tượng; hoặc nếu thân không làm gì thì lấy hơi thở làm đối tượng. Tùy theo tiến trình và kết quả của việc tập thiền, người tập sẽ có những cảm nhận sâu hơn từ cách tập này.
Bích Ngọc (Tuvien.com)