Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Chí Tín (1922-2013)
Trưởng lão HT.Thích Chí Tín
- Thành viên Hội đồng Chứng minh T.Ư GHPGVN
- Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa
- Trụ trì Sắc tứ Long Sơn - Nha Trang
Thân thế
Trưởng lão Hòa thượng Thích Chí Tín họ Lê, húy Văn Dụ, sinh ngày 16-2-Nhâm Tuất (1922), tại làng Trâm Bái, thôn Dương Xuân Thượng, xã Xuân Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Ngài xuất thân trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam bảo, thân phụ là cụ ông Lê Văn Trác, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sâu. Gia đình Hòa thượng có năm anh chị em, ngài là người con thứ 4 trong gia đình.
Thời kỳ xuất gia học đạo và thọ giới
Vốn sẵn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi, chí xuất trần đủ mạnh, ngài được song thân cho đầu sư học đạo với Hòa thượng Thích Chánh Hóa tại tổ đình Từ Hiếu, được Hòa thượng ban cho Pháp danh Tâm Nhẫn, tự Hành Từ. Hai năm sau, Hòa thượng bổn sư nhận lời thỉnh cầu của Hội Phật học Khánh hòa làm trú trì chùa Long Sơn đời thứ 2; từ đó, ngài được theo hầu bổn sư về nơi đây tu học.
Năm 26 tuổi (1947), ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn chùa Thiên Bửu Hạ, huyện Ninh Hòa, do Hòa thượng Phước Huệ chùa Hải Đức Nha Trang làm Đàn đầu và ngài được Hòa thượng bổn sư phó pháp với pháp hiệu Chí Tín, nối dòng Lâm tế pháp phái Liễu Quán đời thứ 43.
Thời kỳ hành đạo
Năm 36 tuổi (1957 - Đinh Dậu), Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài được Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh kế thế trụ trì chùa Long Sơn đời thứ 3.
Trải qua hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Long Sơn, qua các thời kỳ ngài đã cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội duy trì cơ sở, phát triển đạo tâm, gieo trồng hạt giống Bồ-đề cho Tăng Ni, Phật tử.
Năm 1952, hưởng ứng lời kêu gọi của chư tôn túc Hòa thượng trong Giáo hội Tăng già Trung Việt, Trưởng lão Hòa thượng Thích Chí Tín đã cùng chư tôn Hòa thượng vận động Tăng tín đồ xây dựng Tăng học đường Trung Việt trong khuôn viên chùa Long Sơn - Nha Trang, là một trong những cơ sở đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, tạo tiền đề cho cuộc vận động thành lập Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau trở thành Trường Trung học tư thục Bồ Đề, nay là Trường Trung học cơ sở Phan Sào Nam. Đây là cơ sở giáo dục của Phật giáo đầu tiên ra đời nhằm đáp ứng việc giáo dục, nâng cao dân trí và đạo tâm của tín đồ. Đồng thời, ngài cũng là người cùng với Trưởng lão Hòa thượng Thiện Minh thành lập các Khuôn hội tại tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1956, Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang ra đời trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Đỗng Minh thừa hành các bậc tôn túc Trưởng lão như Trưởng lão Hòa thượng Giác Nhiên, Trưởng lão Hòa Thượng Trí Quang, Trưởng lão Hòa thượng Huyền Quang, Trưởng lão Hòa thượng Huyền Tân, Trưởng lão Hòa thượng Thiện Minh, Trưởng lão Hòa thượng Trí Nghiêm… chăm lo giáo dục và đời sống cho Tăng chúng. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc kỳ túc cho Đạo pháp.
Năm 1963, phong trào tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đối với chế độ độc tài Ngô Đình trị, ngài là một trong những bậc tôn túc nhiệt tâm tham gia.
Năm 1964, với ý nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, ngài cùng Thượng tọa Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Phật giáo Khánh Hòa xây dựng tượng Kim thân Phật tổ tại đỉnh đồi Trại Thủy. Và cũng trong năm này, ngài đã cho xây dựng Hội trường văn phòng Tỉnh Giáo hội bên cạnh chánh điện của chùa.
Với tâm nguyện hoằng truyền Phật pháp, để có nơi cho Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu tập, năm 1970, ngài cùng Hòa thượng Thích Thiện Bình phát tâm đại nguyện trùng tu ngôi chánh điện chùa Long Sơn trang nghiêm và quy mô như ngày hôm nay.
Năm 1982, sau khi thống nhất các hệ phái Phật giáo, thành lập BTS Phật giáo Khánh Hòa, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Phú Khánh, ngài được cung thỉnh làm Ủy viên Nghi lễ của Tỉnh Giáo hội.
Năm 1990, Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa ra đời, sau đó được sự hoan hỷ của Hòa thượng, trường được xây dựng trong khuôn viên chùa Long Sơn với sự đóng góp rất lớn về tinh thần và vật chất của Hòa thượng, bây giờ là Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa. Đặc biệt, Hòa thượng là người luôn lân mẫn, chăm sóc sự tu học và đời sống cho học Tăng, ngài là chỗ dựa vững chắc cho đàn hậu bối.
Trong công tác hoằng truyền Phật pháp, từ khi kế vị trụ trì chùa Long Sơn đến nay, ngài đã quy y cho hàng ngàn Phật tử tại TP.Nha Trang và kiều bào Phật tử khi có duyên về nước. Bên cạnh đó, ngài thường xuyên ấn tống kinh sách để biếu tặng và sách tấn Tăng Ni, Phật tử tìm cầu học hỏi giáo lý Phật-đà.
Năm 2003, với tâm nguyện tạo nên cảnh quang tâm linh, làm nơi chiêm bái cho du khách khắp nơi khi đến viếng cảnh chùa Long Sơn, ngài đã khởi công kiến tạo tôn tượng Thích Ca nhập Niết-bàn dài 17m trên đồi sau chánh điện chùa Long Sơn. Ngoài ra, ngài đã không ngừng sửa sang, tu bổ quần thể của chùa càng thêm trang nghiêm như ngày hôm nay.
Với đức tánh khiêm cung, từ hòa, ngài luôn được chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử khắp nơi kính trọng. Ngài đã từng gần gũi hầu cận chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Minh… và nhất là ngài đã đồng hành tùy duyên Phật sự cùng với Hòa thượng Thích Đỗng Minh hơn 50 năm tại chùa Long Sơn này.
Vào thời Pháp thuộc khi đất nước bị đô hộ, ngài đã cống hiến không ít tâm huyết sức lực cho công cuộc bảo vệ quê hương đất nước trong mạch sống trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc.
Một đời giản dị “khắc kỷ vị tha” và ẩn nhẫn, ngài luôn ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, đến những loài vật bé nhỏ như con sâu con kiến.
Ngài đã quên mình là bậc tôn túc trụ trì ngôi chùa trung tâm của tỉnh, cả đời ngài chưa sử dụng đến cái giường hay chiếc mùng.
Trong những năm đất nước đang còn khó khăn, với tinh thần vô ngã vị tha, “thương người như thể thương thân”, mặc dù lúc này tuổi đã cao, nhưng ngài vẫn đích thân thường xuyên đến thăm các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trao tặng từng hộp sữa, trái cam cho bệnh nhân ngay giường bệnh.
Suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì mọi người nhưng luôn chuyên tâm tu niệm, ngài đã dâng hết tấm lòng cho sự phát triển Đạo pháp của Giáo hội tỉnh nhà nói riêng và cho Phật giáo Việt Nam nói chung, nên vào tháng 11-1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IV (nhiệm kỳ 1997-2002), ngài được Đại hội tấn phong giáo phẩm Hòa thượng và được suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh T.Ư GHPGVN cho đến ngày viên tịch.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ IV, ngài được Đại hội cung thỉnh với ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự, qua các nhiệm kỳ IV, V, VI.
Viên tịch
Rằm Trung thu Quý Tỵ - 2013, buổi sáng chư Tăng về bố-tát, ngài vẫn an nhiên ngồi trên chiếc xích đu hoan hỷ thăm hỏi sách tấn Tăng tín đồ và ngài thường dạy câu: “Trẻ không chủ quan, già không buồn chán, phải nghĩ đến vô thường, để sống được an lac và chết được tự tại”.
Đến chiều tối, thân thể ngài khiếm an, thị giả đến chăm sóc và mời các bác sĩ đến khám, ngài đã từ chối không đi bệnh viện, ít phút sau sức khỏe ngài dần ổn định.
Đến 21giờ 45 phút ngày Rằm tháng 8 năm Quý Tỵ, ngài an nhiên xả báo thân trong tư thế ngồi, trụ thế 92 năm, 67 Hạ lạp.
Than ôi! Dép cỏ lối về còn lưu dấu,
Hoa đàm tuy rụng vẫn ngát hương.
Một mai thân xác tiêu tan,
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.
Pháp thân lồng lộng sáng ngời,
Chiếu soi pháp giới rạng ngời chân như.
Hoá duyên đã mãn, Hoà thượng đã trở về thế giới Vô tung bất diệt, nhưng gương sáng về đời sống phạm hạnh, khiêm cung, giản dị của Hoà thượng vẫn còn mãi với Đạo pháp, với Tăng Ni và Phật tử tỉnh Khánh Hòa.
Nam mô tân viên tịch Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Hội đồng Chứng minh Thành viên, Khánh Hòa tỉnh, Trị sự Ban Chứng minh, trùng kiến Sắc tứ Long Sơn tự, Húy thượng Tâm hạ Nhẫn, tự Hành Từ, hiệu Chí Tín Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Liên đài chứng giám.
Ban Tang lễ
----------------------------------------
Ngọc Sương (Tuvien.com)