Vĩnh Phúc: Lễ giỗ Tổ Khương Tăng Hội PL.2557
Tham dự lễ có chư tôn đức Tăng Ni thuộc các thiền viện: Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội), Trúc Lâm Tuệ Đức (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm An Tâm (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa), Trúc Lâm Phụng Hoàng (Bắc Giang), tịnh thất Tây Thiên và hơn 1.000 Phật tử thuộc các đạo tràng ở miền Bắc tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm tại các tỉnh thành.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên chọn ngày 15-9 Âm lịch hàng năm (ngày giỗ Tổ sư Khương Tăng Hội) để tưởng niệm công hạnh của chư vị Tổ sư Ấn Độ đã đến Tây Thiên tu tập và hành đạo mà đại diện là Tổ sư Khương Tăng Hội. Năm nay là lần giỗ thứ 1.733.
Chư tôn đức đã trang nghiêm cử hành
nghi thức cúng Phật, cúng Tổ. ĐĐ.Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm
Tây Thiên đã trùng tuyên lại tiểu sử và công hạnh của Tổ. Nhờ đó Tăng Ni, Phật
tử rõ biết công hạnh của Ngài và những công lao to lớn của Tổ, đóng góp cho Phật
giáo VN.
Về Thiền sư Khương Tăng Hội Thân phụ của Thiền sư Khương Tăng Hội là một thương gia người Khương Cư (Sogdiana) thuộc miền Bắc Ấn Độ, đã theo đường biển sang Giao Châu buôn bán và ở lại kết duyên với một cô gái Giao Châu. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai vào thập niên đầu của thế kỷ thứ III. Khi con được 10 tuổi thì cả hai ông bà đều qua đời, cho nên người con được nhận vào trung tâm Luy Lâu để làm chú tiểu, và đã trở thành một thiền sư danh tiếng, sơ tổ của Thiền tông Việt Nam. Chúng ta không biết ai đã nuôi dạy ngài Tăng Hội sau khi cha mẹ ngài mất. Ta cũng không biết bổn sư của ngài là ai, và trong số mười vị Tăng sĩ truyền giới cho ngài, có vị nào là người ngoại quốc hay không. Ngày nay có người nói Mâu Tử là thầy của Sơ Tổ Tăng Hội, nhưng chuyện đó là một nghi vấn, chưa được kiểm chứng. Chúng ta chỉ biết rằng Thiền sư Tăng Hội sinh trưởng ở Việt Nam, học Phật ở Việt Nam, dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán cũng tại Việt Nam, nghĩa là thầy là người Việt mang hai nền văn hóa Hoa, Ấn, thông thạo cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán. Ngài tinh thông về Phật học, Nho học, và cả Lão học. Ngài đã thành lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam ngày nay. Có những bằng chứng cho chúng ta thấy rằng kinh Lục Độ Tập, trong đó có bài Phương pháp đạt Thiền, đã được tổ Tăng Hội sáng tác trước khi viết Bài tựa kinh An Ban Thủ Ý. Lý do là trong Bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, tư tưởng Đại thừa của ngài thâm sâu hơn, rõ ràng hơn. Những tác phẩm có dính líu đến Sơ tổ Tăng Hội mà ngày nay ta biết được, gồm có: kinh An Ban Thủ Ý; kinh Pháp Cảnh; Đạo Thọ kinh; Lục Độ Yếu Mục; Nê Hoàn Phạm Bối; Ngó Phẩm (Đạo Hành Bát Nhã); Lục Độ Tập kinh. Truyền thống do ngài thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh tồn tại mãi cho đến đời nhà Lý và sau đó, vào đời nhà Trần thì hòa nhập cùng các thiền phái khác, vào thiền phái Trúc Lâm. Năm 247 ngài tới Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô, xây dựng trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức giới đàn, độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Quốc, người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn. Sự nghiệp của thiền sư Khương Tăng Hội rất lớn lao. Tư tưởng thiền của ngài là thiền Đại thừa, trước cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Căn bản thiền tập của ngài là sự thực tập An Ban Thủ Ý (tức là thực tập hơi thở có ý thức) và quán chiếu về Tứ Niệm Xứ (tức là bốn lãnh vực hiện hữu). Chúng ta có sử liệu ghi năm thị tịch của ngài là 280. |
Đức Hiếu
Ngọc Sương (Tuvien.com)