Mục Lục
Lời Giới Thiệu Về Tác Giả
Lời Mở
Phần Một: Sự Nhiệm Mầu Của Giây Phút Hiện Tại
Phần Hai:  Trái Tim Của Sự Tu Tập
Phần Ba:  Tinh Thần Chánh Niệm
c
NƠI ẤY CŨNG LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ÐÂY 
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are. 
Tác giả: Jon Kabat-Zinn -  Dịch giả: Nguyễn duy Nhiên. 
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày" 
Nhà Xuất Bản Sinh Thức
PHẦN HAI 
TRÁI TIM CỦA SỰ TU TẬP 
Trang 01
Trang 02
1.- THIỀN TỌA 

Tư thế ngồi có gì đặc biệt không? Không, nếu ta nói về tư thế ngồi thông thường của mình. Nó chỉ là một cách tiện lợi để thân ta tạm trút gánh nặng khỏi đôi chân. Nhưng trong thiền tập, tư thế ngồi rất là quan trọng. 

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được việc đó, chỉ cần nhìn qua hình tướng bên ngoài thôi. Ví dụ, ta không thể biết rằng một người nào đó đang hành thiền, nếu ta thấy người ấy đang nằm, đứng hoặc đi. Nhưng ta có thể nhận biết được ngay, nếu người ấy đang ngồi, nhất là trên sàn nhà. Nhìn từ bất cứ góc cạnh nào cũng vậy, tư thế ngồi thiền lúc nào cũng biểu tượng cho một sự tỉnh thức, mặc dù đôi mắt đang nhắm và gương mặt có nét tĩnh lặng và an lạc. Tư thế ngồi ấy rất vững vàng và hùng tráng như một ngọn thái sơn. Sự vững chãi ấy mạnh mẽ lắm, tỏa sáng vào bên trong và lan rộng ra chung quanh ta. Nhưng khi ta bị hôn trầm và thất niệm xâm chiếm, thì ngay giây phút ấy, tất cả những đức tính đó sẽ tiêu tan mất. Tâm ta bị sụp đổ bên trong và ngoài thân sẽ biểu lộ cho thấy tình trạng ấy. 

Ngồi thiền đòi hỏi một tư thế ngay thẳng và trang nghiêm, thường thường kéo dài trong một thời gian. Nhưng có được một tư thế vững vàng còn tương đối dễ, đó chỉ là giai đoạn đầu của một tiến trình khai mở liên tục nhiều thử thách này. Có thể bạn đã sẵn sàng để "đậu lại" chiếc xe thân của mình rồi, nhưng tâm bạn thì sao, giờ này bạn có biết nó đang làm gì và ở đâu không? Thiền tọa không phải chỉ có nghĩa là ngồi trong một tư thế đặc biệt, mặc dù việc ấy có một tác dụng rất lớn. Nó còn có nghĩa là tiếp nhận một tư thế đặc biệt cho tâm của mình nữa. Thiền tọa tức là tâm tọa. 

Một khi bạn ngồi xuống rồi, sẽ có rất nhiều đường lối để tiếp xúc với giây phút hiện tại. Tất cả đều đòi hỏi một sự chú ý có chủ định và không phán đoán. Chỉ có sự khác biệt là ta chọn đề mục gì và bằng cách nào. 

Phương pháp hay nhất và đơn giản nhất là bắt đầu với hơi thở của bạn, cảm nhận sự ra vào của hơi thở mình. Rồi từ đó, bạn có thể nới rộng ý thức của mình ra, để quan sát sự đến và đi của mọi việc, tính cách lòng vòng và máy móc của tư tưởng, cảm thọ, tri thức, cảm hứng, cũng như của thân và tâm. Nhưng muốn năng lực của định và niệm được phát huy đúng mức, nó cũng cần phải mất một thời gian. Và chừng ấy, ta sẽ có thể quán sát mọi đề mục mà không bị lạc hoặc dính mắc vào bất cứ một đối tượng đặc biết nào, hoặc bị chúng khống chế. Ðối với đa số chúng ta, nó đòi hỏi nhiều năm tu tập và còn tùy thuộc vào nhiệt tâm cũng như nghị lực của mình nữa. Vì vậy, lúc đầu ta nên ở với hơi thở của mình, xử dụng đó như là một mỏ neo đem ta trở về hiện tại những khi mình bị trôi dạt vào thất niệm. Bạn hãy thử thực tập trong vài năm xem sao! 

Thực tập: Mỗi ngày bạn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để ngồi thiền. Năm phút cũng được, hoặc là mười, hai mươi, ba mươi phút nếu bạn muốn. Ngồi xuống và quan sát giờ phút hiện tại phô bày, bạn không có một mục đích nào hết ngoài việc xử dụng trọn vẹn trong giây phút này. Xử dụng hơi thở như một dây neo giữ ta lại trong hiện tại. Tư tưởng của ta sẽ trôi dạt đó đây, tùy theo dòng nước và ngọn gió tâm, cho đến một lúc nào đó, sợi dây neo sẽ bị căng thẳng và kéo ta trở về. Chuyện này sẽ xảy ra rất thường. Ðừng nản lòng. Mau mắn đem sự chú ý của mình trở về với hơi thở mỗi khi nó lang thang. Bạn nên nhớ giữ cho thân mình ngay thẳng nhưng không phải là cứng đơ. Tưởng mình như là một ngọn núi vững vàng. 

2.- NGỒI XUỐNG CHỖ CỦA MÌNH 

Mỗi khi bạn bước đến tọa cụ của mình, bạn nên có một ý niệm về hành động ngồi xuống chỗ của mình. Việc ấy sẽ giúp bạn rất nhiều trong sự tu tập. Ngồi thiền rất khác với hành động ngồi xuống thông thường hàng ngày của ta. Khi ta ngồi thiền, hành động ngồi xuống chỗ ấy của mình, tự nó có một năng lượng rất lớn, cả trong việc chọn lựa chỗ ngồi cũng như chánh niệm về thân. Tư thế ấy biểu tượng cho một sự cứng rắn, vươn thẳng, mặc dù là ta đang ngồi xuống. Nó mang một ý thức tôn trọng về nơi chốn cũng như sự sắp xếp của thân và tâm trong giây phút hiện tại. 

Mỗi khi chúng ta ngồi xuống chỗ của mình, mặc dù ý thức được năng lượng của nó, nhưng ta cũng đừng bao giờ để quá bận tâm về nơi chốn cũng như thư thế ngồi của mình. Thật ra, trong nhà hoặc ở ngoài trời, chúng cũng có những "địa điểm năng lực" đặc biệt. Nhưng với một thái độ ngồi xuống chỗ của mình, ta có thể ngồi xuống ở bất cứ một nơi nào, với bất cứ một tư thế nào, ta vẫn có thể cảm thấy an ổn. Khi nào ta có thể duy trì chánh niệm về thân, tâm, nơi chốn cũng như tư thế của mình, và vẫn giữ được một sự bình thản, không mong ước, chừng ấy và chỉ có chừng ấy, ta mới thực sự là ngồi thiền. 

3.- NHÂN PHẨM 

Khi diễn tả về tư thế ngồi thiền của mình, tôi nghĩ danh từ thích hợp nhất là nhân phẩm. 

Mỗi khi ngồi xuống thiền, tư thế của ta thường nói với ta một việc gì đó. Nó có một sự phát biểu riêng của nó. Ta có thể nói rằng,tư thế ngồi thiền tự chính nó là thiền tập. Nếu ta ngồi xiêu vẹo, nó phản chiếu một sự thiếu năng lượng thụ động và không được trong sáng. Nếu chúng ta ngồi thẳng cứng đơ, là ta đang bị căng thẳng, dụng công hoặc cố gắng quá sức. Trong những khóa tu thiền, mỗi khi tôi xử dụng danh từ "nhân phẩm" để nhắc nhở các thiền sinh, như là "ngồi sao cho biểu lộ được nhân phẩm của mình", tôi để ý thấy mọi người lập tức sửa lại tư thế người cho được thẳng hơn. Nhưng họ không hề gồng cứng người. Gương mặt họ thoải mái, hai vai xuôi xuống, đầu, cổ và lưng cùng nằm trên một đường thẳng. Xương sống đứng thẳng ra từ xương chậu, biểu lộ năng lượng. Ðôi khi những người ngồi trên ghế có khuynh hướng nhích tới trước,tách ra khỏi lưng dựa một cách tự nhiên, khi nghe lời nhắc nhở của tôi. Mọi người dường như ai cũng lập tức ý thức được cảm nhận về nhân phẩm trong họ, và làm sao để biểu lộ nó. 

Tôi nghĩ, thỉnh thoảng chúng ta phải cần được nhắc nhở rằng, mình bao giờ cũng có nhân phẩm, tư cách và xứng đáng. Nhiều khi chúng ta quên mất điều ấy, có lẽ vì những thương tích trong quá khứ, hoặc vì sự bất định trong tương lai. Tôi không tin rằng, mình cảm thấy không xứng đáng vì tự ở mình. Chúng ta đã được giúp đở rất nhiều trong việc gầy dựng cái mặc cảm tự ty ấy. Từ thuở còn thơ, ta đã được dạy bằng trăm ngàn cách khác nhau và chúng ta học rất nhanh. 

Vì vậy, mỗi khi ta ngồi xuống tọa cụ và tự nhắc mình ngồi với nhân phẩm, là chúng ta đang trở lại với một tự tánh nguyên vẹn. Hành động đó tự nó là một lời tuyên bố sấm sét. Bạn có thể tin chắc rằng nội tâm bạn sẽ lắng nghe. Còn bạn thì sao, bạn có biết lắng nghe không? Chúng ta có sẵn sàng tiếp nhận những kinh nghiệm trực tiếp của giây phút hiện tại này không? 

Thực tập: Hãy ngồi xuống sao cho biểu lộ nhân phẩm của mình trong chừng ba mươi giây. Ghi nhận những cảm giác của bạn. Hãy thử đứng với nhân phẩm. Ðôi vai của bạn như thế nào? Xương sống và đầu của bạn ra sao? Ði một cách có tư cách, có nhân phẩm nghĩa là đi như thế nào? 

4.- TƯ THẾ 

Khi ta ngồi với một chủ định vững vàng, tự thân ta sẽ biểu lộ được một nghị lực và niềm tin rất sâu sắc. Chúng tỏa chiếu vào bên trong lẫn bên ngoài ta. Một tư thế ngồi vững vàng đầy nhân phẩm, tự nó chính là một sự xác nhận của giải thoát, của tính chất hòa hài, của vẻ đẹp và sự phong phú của cuộc sống. 

Có khi bạn cảm nhận được những điều ấy, và cũng có khi là không. Những lúc ta cảm thấy buồn nản, mệt nhọc và bối rối, ngồi thiền cũng có thể giúp ta tiếp xúc được với sức mạnh cũng như giá trị của cuộc đời ta đang sống. Trong những giai đoạn khó khăn, nếu bạn có thể gom góp nghị lực lại để ngồi xuống thiền, cho dù trong một khoản thời gian ngắn, nó có thể giúp bạn lấy lại được cái cốt tủy của con người mình, nó nằm ngoài phạm trù của những sự thăng và trầm, giải thoát và trói buộc, sáng tỏ và mù mịt. Cái cốt tủy này có một liên hệ mật thiết với chánh niệm, nó không hề bị giao động theo tâm thức hoặc hoàn cảnh chung quanh ta. Nó giống như một tấm gương sáng, vô tư phản chiếu những gì xảy ra trước mắt. Nó ý thức được thực tại một cách sâu sắc, những gì đang làm cho đời ta xao động hoặc khống chế ta. Biết rằng mọi việc rồi sẽ thay đổi, nó tĩnh lặng như một tấm gương sáng trong giờ phút hiện tại - quan sát việc gì đang xảy ra, ôm ấp sự có mặt của chúng, cỡi ngọn sóng của một thực tại đang biểu lộ như những ngọn sóng của hơi thở mình. Và vững tin rằng, không chóng thì chầy, ta cũng sẽ tìm được phương cách đối phó, hòa giải và vượt thoát ra được hết. Ta không có một cố gắng nào khác hơn là chỉ quan sát chúng, để cho mọi việc như là, và sống thật trọn vẹn trong mỗi phút mỗi giây. 

Thiền quán không phải là một cố gắng đi trốn tránh những khó khăn hoặc vấn đề của cuộc sống, không phải là ta đi tìm một trạng thái dững dưng hoặc chối bỏ nào hết. Trái lại, ta lúc nào cũng biết duy trì chánh niệm và sẵn lòng trực diện với những đau đớn, bối rối và mất mát, nếu chúng là những gì đang chi phối thực tại. Chúng ta tìm hiểu vấn đề bằng một đường lối rất đơn giản, là để cho nó có mặt trong tâm, cùng với hơi thở và giữ một tư thế ngồi thật vững chãi. 

Trong truyền thống Zen, thiền sư Shunryu Suzuki có nói: "Trạng thái tâm có mặt khi bạn ngồithiền vững vàng tự nó là giác ngộ... Tư thế ngồi không phải chỉ là một phương tiện để ta đạt đến một trạng thái chân thật của tâm. Ngồi trong tư thế ấy tự nó chính là một trạng thái chân thật của tâm". Vì vậy, khi ngồi xuống thiền là ta đã tiếp xúc được với chân tánh của mình rồi. 

Thế cho nên, khi ta tập ngồi thiền, điều tiên quyết là phải ngồi sao cho thân được vững vàng, tỏa sáng, nói lên được sự có mặt của mình, rằng ta sẵn sàng tiếp nhận bất cứ một sự việc gì xảy ra trong giây phút hiện tại. Ðó là một thái độ vô trước và một sự vững vàng không lay chuyển, như một tấm gương sáng, chỉ biết phản chiếu, hoàn toàn trống không, tiếp nhận và cởi mở. Thái độ nằm trong tư thế của ta, ngay trong cách ngồi của ta. Tư thế ấy chính là hiện thân của thái độ. 

Vì vậy, nhiều người thấy rằng, hình ảnh một ngọn núi giúp họ rất nhiều trong sự phát triển định và niệm trong thiền tập. Nó khơi dậy những đức tính như là hướng thượng, to tát, hùng tráng, không lay chuyển và có gốc rễ, giúp ta mang những đức tính ấy trực tiếp vào tư thế và thái độ của mình. 

Chúng ta nên nhớ luôn luôn mời gọi những đức tính ấy vào trong sự thiền tập của mình. Sự kiên trì thực tập sẽ giúp ta thể hiện được nhân phẩm, sự tĩnh lặng và an lạc trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Nó có thể mang lại cho ta một nền tảng vững chắc, xác thực để duy trì chánh niệm và bình lặng, ngay cả trong những giờ phút căng thẳng và xáo động nhất. Nhưng chỉ khi nào ta thật sự thực tập, thực tập và thực tập. 

Bạn nên nhớ một điều này, ta không nên nghĩ rằng mình biết thế nào là có chánh niệm, và chỉ để dành để đối phó với những biến cố quan trọng mà thôi. Vì khi những biến cố lớn xảy ra, với một năng lượng rất mạnh, chúng sẽ lập tức tràn ngập và lấn áp ta, luôn cả những ý tưởng ngây ngô, thơ mộng về tĩnh lặng, vế thế nào là có chánh niệm. Thiền tập là một tiến trình từ tốn, chậm rãi và nhiều tự chủ, như là trồng cây, san bằng núi, tát cạn biển. Nó là công việc của giây phút này và cũng là của trọn một đời người, tất cả chỉ là một mà thôi. 

5.- TA LÀM GÌ VỚI ÐÔI BÀN TAY 

Trong thân ta có những luồng năng lượng rất tinh tế. Chúng đã được kẻ vạch, học hỏi và xử dụng trong những truyền thống tu tập như là thiền định và Du già (Yoga) từ hàng mấy ngàn năm nay. Bằng trực giác, chúng ta biết rằng mỗi tư thế của mình biểu lộ một trạng thái đặc biệt, và chúng tỏa chiếu vào bên trong cũng như ra bên ngoài ta. Ngày nay người ta thường gọi đó là "ngôn ngữ của thân". Nhìn bề ngoài một người, ta có thể đọc được thứ ngôn ngữ ấy, ta có thể biết được người ấy nghĩ gì về chính họ. Chúng ta lúc nào cũng truyền phát đi các tin tức ấy cho bất cứ những ai biết tiếp nhận chúng. 

Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến giá trị của việc ý thức được ngôn ngữ của chính bản thân mình. Ý thức ấy có một khả năng xúc tác, làm phát triển sự chuyển hóa cũng như sự tăng trưởng của ta. Trong truyền thống Du già, bộ môn có liên quan đến những tư thế đặc biệt của thân được gọi là Ấn, tức là Mudra. Nói chung mọi tư thế của thân đều có thể là Ấn, vì mỗi cái đều có mang một biểu tượng và một năng lượng đặc biệt. Nhưng Ấn thường được dùng để nói đến những gì tinh tế hơn là tư thế của toàn thân. Chúng được dùng để diễn tả vị thế của đôi bàn tay, và còn được gọi là thủ ấn. 

Nếu có dịp bước vào một tu viện Phật giáo và quan sát những hình tượng Phật và các vị Bồ tát, bạn sẽ nhận thấy rằng trong hàng trăm tư thế thiền định khác nhau, đứng, nằm hoặc ngồi, đôi bàn tay của các ngài cũng còn được đặt trong những vị thế khác nhau. Trong tư thế ngồi thiền, đôi khi hai bàn tay được đặt trên đầu gối, lòng bàn tay úp xuống; đôi khi một bàn tay hoặc cả hai bàn tay ngửa lên; đôi khi có một ngón tay chạm xuống đất, trong khi bàn tay kia đưa lên. Cũng có khi hai bàn tay để trong lòng bắp vế, bàn tay này ngửa lên, nằm trong lòng bàn tay kia, hai đầu ngón tay cái khẽ chạm vào nhau, làm thành một hình bầu dục như quả trứng, đó được gọi là vũ trụ ấn. Có khi hai bàn tay được chấp vào nhau để trước ngực như hình một đóa sen. Tư thế này được dùng để chào nhau, ta kính nhận được Phật tính ở nơi người đối diện. 

Những thủ ấn này, mỗi cái đều mang một năng lượng khác nhau. Bạn có thể tự thử nghiệm lấy việc ấy trong sự thiền tập của mình. Bạn hãy thử ngồi với đôi bàn tay úp xuống để trên đầu gối. Ghi nhận tính chất tự chế của nó. Ðối với tôi, tư thế này biểu lộ rằng ta không tìm kiếm thêm một việc gì nữa, mà chỉ tiêu thụ những gì mình đã có. 

Nếu bạn thử xoay lòng bàn tay lên trời, lẽ dĩ nhiên là trong chánh niệm, bạn có thể sẽ cảm nhận được một sự thay đổi nơi vùng năng lượng trong thân. Ðối với tôi, tư thế này biểu tượng cho một sự tiếp nhận, cởi mở với năng lượng từ bên trên. Những năng lượng ấy là của trí tuệ, thanh tịnh và từ bi. 

Mọi vị thế của đôi bàn tay ta đều là những thủ ấn, vì chúng đều mang theo một năng lượng, dù tinh tế hay là hiển lộ. Ví dụ năng lượng của một nắm tay chẳng hạn. Mỗi khi ta tức giận, bàn tay ta thường có khuynh hướng nắm chặt lại. Có một số người thực hành thủ ấn này một cách vô ý thức, rất nhiều lần trong đời sống của họ. Nó tưới tẩm cho những hạt giống giận dữ và bạo động trong ta mỗi khi ta làm việc ấy. Và rồi mỗi ngày cây sân hận của ta càng lúc sẽ trở nên xanh tươi hơn, mạnh mẽ hơn. 

Lần tới, nếu bạn thấy mình nắm chặt bàn tay lại vì một cơn giận nào đó, bạn hãy giữ chánh niệm và chú ý đến thái độ của ta được biểu lộ trong cái nắm tay ấy. Cảm nhận được sự căng thẳng, căm giận, khích động và sợ hãi đang có mặt nơi đó. Rồi trong cơn giận của mình, như là một thử nghiệm, nếu người làm cho ta giận có mặt nơi đó, bạn hãy mở rộng đôi bàn tay mình ra, chấp lại trước ngực làm thành hình một đóa sen. Lẽ dĩ nhiên người ấy sẽ ngẩn ngơ, chẳng biết bạn dang làm trò gì! Ghi nhận chuyện gì xảy đến cho cơn giận và nổi đau của bạn, trong khi bạn giữ tư thế này, dù chỉ trong giây phút. 

Tôi nhận thấy rằng, mỗi khi thử làm việc ấy, tôi không thể nào duy trì cơn giận được nữa. Việc đó không có nghĩa là cơn giận của ta không bao giờ là chánh đáng. Nhưng vì sẽ có nhiều cảm xúc khác tham dự vào, giúp ta kiểm soát và hòa giải được cơn giận ấy - như là lòng từ bi, thương hại đối với người kia, và có lẽ nhờ một sự hiểu biết minh triết hơn. Ta ý thức được rằng, mọi việc đều có liên hệ chằng chịt với nhau, cái này dẫn đến cái kia, có thể một nguyên nhân vô tư nào đó đưa đẩy đến một kết quả bị hiểu lầm là có ác ý. Và rồi từ đó si mê cộng thêm vào si mê, tham sân cộng thêm với tham sân, ta không còn thấy đâu là ánh sáng nữa. 

Khi thánh Gandhi bị ám sát vì một phát súng kề sát bên, ngài đã chấp hai tay lại và hướng về kẻ giết ngài, thốt lên một câu thần chú rồi nhắm mắt. Những năm dài tu tập thiền định và Du già, được hướng dẫn bởi bộ kinh Bhagavad Gita, đã đem lại cho thánh Gandhi một thái độ vô trước, không dính mắc vào bất cứ một việc gì, ngay cả chính sự sống của mình. Nó đã cho phép ngài được tự do chọn bất cứ một thái độ nào ngài muốn, ngay cả trong lúc mạng sống của mình đang bị cướp đoạt đi. Thánh Gandhi không chết trong sự giận dữ hoặc là bất ngờ. Ngài bao giờ cũng ý thức rằng mạng sống mình luôn luôn đang bị đe dọa. Nhưng ngài dám làm theo chí hướng và niềm tin của mình. Thành Gandhi là một biểu tượng cho đức từ bi. Ngài sống cho lý tưởng tự do của cả chánh trị lẫn tôn giáo. Sự an ninh cá nhân, ngài không bao giờ lấy đó làm trọng. Bao giờ ngài cũng dám hy sinh. 

Thực tập: Hãy tập ý thức được những phẩm tính của các cảm xúc tinh tế khác nhau, ta có trong một ngày và trong suốt thời gian ngồi thiền. Ðặc biệt chú ý đến đôi bàn tay của bạn. Vị thế của chúng có tạo nên một sự khác biệt nào không? Ghi nhận rằng, khi ta có chánh niệm về thân thì ta cũng sẽ có chánh niệm về tâm. 

Khi bạn thực tập tiếp xúc với đôi bàn tay của mình trong lúc ngồi thiền, ghi nhận xem nó ảnh hưởng đến sự xúc chạm của bạn trong đời sống hằng ngày ra sao? Mọi việc, từ mở một cánh cửa cho đến ôm hôn một người thân, đều đòi hỏi sự xúc chạm. Trong ngày, biết bao nhiêu lần bàn tay ta đã mở một cánh cửa mà không hề có ý thức, không có một cảm giác nào hết. Lần tới, nếu bạn có ôm hôn một người thân, đừng để cho nó trở thành một hành động máy móc, phải biết có mặt trọn vẹn và thật lòng. 

6.- XẢ THIỀN 

Những giây phút chót trong giờ ngồi thiền, cũng có những khó khăn riêng của chúng. Chánh niệm của ta có thể trở nên dễ duôi, và mong chờ cho đến hết giờ. Thái độ của ta trong lúc này rất là quan trọng. Chính những giai đoạn chuyển tiếp này là một sự thử thách cho ta, làm sao giữ cho chánh niệm được sâu sắc hơn và nới rộng được phạm vi của nó. 

Vào lúc cuối giờ ngồi thiền, nếu bạn không cẩn thận và thiếu ý thức, có thể bạn sẽ bắt qua làm chuyện khác mà không hề biết giờ thiền của mình đã chấm dứt ra sao, hoặc như thế nào? Giai đoạn chuyển tiếp ấy đối với bạn sẽ chỉ là một bóng mờ. Bạn có thể dùng ngọn đèn chánh niệm soi sáng tiến trình này, bằng cách tiếp xúc với những ý nghĩ và sự thúc đẩy là đã đến giờ xả thiền. Dù bạn đã ngồi yên một giờ đồng hồ hoặc chỉ dăm ba phút, có thể sẽ có một cảm giác thật mạnh nói với bạn rằng: "Thôi! bấy nhiêu đó đủ rồi". Hoặc là bạn hé mắt nhìn đồng hồ và thấy rằng đã đến giờ xả thiền. 

Trong giờ thiền tọa, thử xem bạn có thể ghi nhận được ý nghĩ đầu tiên thức đẩy mình đi nghĩ không. Và tiếp theo đó sẽ có nhiều ý nghĩ tương tự khởi lên, càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Mỗi khi ghi nhận được chúng, hãy thở vài giây và tự hỏi: "Ai là người đã đủ rồi?" Hãy cố gắng nhìn sâu vào những gì nằm đằng sau những tư tưởng ấy. Có phải chúng chỉ là những mệt mỏi, buồn chán, đau đớn, bồn chồn, nóng nảy; hay thật sự là lúc ta nên đi nghỉ? Nhưng dù gì đi nữa, thay vì máy móc đứng dậy đi làm việc khác, bạn hãy quán chiếu câu hỏi ấy, và có chánh niệm về những cử động xả thiền của mình, như bất cứ một đề mục nào khác trong giờ thiền tập. 

Sự thực tập này còn có thể giúp ta phát huy chánh niệm trong bất cứ một hoàn cảnh nào đòi hỏi một sự hoàn tất, chấm dứt và bắt đầu khởi sự một công việc mới. Nó có thể đơn giản và ngắn ngủi như là tiếp xúc với cử động đóng cửa của mình, hoặc phức tạp và đau đớn như một đoạn đời nào đó của ta vừa đi qua. Ta rất dễ đóng cửa một cách máy móc, vì hành động ấy tầm thường quá, không nghĩa lý gì so với những đại sự khác. Nhưng cũng chính vì nó tầm thường mà khi ta thực tập đóng cánh cửa trong chánh niệm, nó lại có tác dụng phát khởi và làm sâu sắc thêm sự bén nhạy, khả năng tiếp xúc với thực tại, cũng như hóa giải những thói quen vô ý thức của ta. 

Trong đời sống cũng thế, sự thất niệm cũng có thể len lỏi vào những giây phút chuyển tiếp nghiêm trọng nhất trong đời ta, như là tuổi già hoặc giờ phút hấp hối. Và trong lãnh vực này chánh niệm cũng có một năng lượng chữa trị rất lớn. Vì không dám trực diện với những cảm xúc đau đớn - cho dù đó là buồn nản, tủi hổ, thất vọng, sân hận, hoặc có thể là vui sướng, thỏa mãn - ta có thể vô tình đi lẫn trốn trong đám mây mù của sự tê lặng. Nơi đó, ta không cho phép mình được cảm giác một cái gì hết, hoặc ý thức được những gì mình đang cảm xúc. Như một vầng mây mù, thất niệm trùm phủ những giây phút quan trọng nhất, sâu sắc nhất, trong cuộc đời chúng ta. Nó che mờ hết những cơ hội có thể giúp ta thấy được sự vận hành của luật vô thường, tiếp xúc được với tự tánh vô ngã, với điều bí mật của sự nhỏ nhoi, mong manh và tạm thời của hiện hữu, cũng như giúp ta được bình thản trước những đổi thay không thể nào tránh được. 

Trong các thiền viện theo truyền thống Zen, những giờ thiền đường được chấm dứt bằng một tiếng động lớn, do hai thanh gỗ đánh mạnh vào nhau. Không có một tiếng chuông thanh nhẹ, dịu dàng báo hiệu giờ xả thiền. Thông điệp ấy ở đây là sự cắt ngang - đã đến lúc chúng ta tiếp sang việc khác. Nếu bạn đang mơ mộng gì đó khi tiếng gõ vang lên, dù một chút thôi, âm thanh ấy sẽ làm bạn giật mình và giúp bạn thấy rằng mình đã không thật sự có mặt trong giờ phút hiện tại. Nó nhắc nhở ta giờ phút ngồi thiền đã qua rồi, và bây giờ là một giây phút mới, ta phải đối diện lại từ đầu. 

Trong những truyền thống khác, một tiếng chuông êm nhẹ thường được dùng để báo hiệu vào cuối giờ hành thiền. Âm thanh trầm ấm của tiếng chuông cũng có khả năng mang ta trở về với hiện tại và nhắc nhở nếu ta đang sống trong thất niệm. Vì vậy, vào cuối giờ ngồi thiển, một âm thanh êm nhỏ cũng tốt, mạnh cũng tốt. Cái nào cũng chỉ để nhắc nhở ta phải có mặt trọn vẹn trong giây phút chuyển tiếp này, sự chấm dứt nào cũng phải là một sự bắt đầu, điều đó mới thật sự là quan trọng, như trong kinh Kim Cương có nói: "Giữ một tâm không chấp trước vào bất cứ một cái gì hết" (Tâm vô sở trụ). Và chỉ đến chừng ấy, chúng ta mới có thể thấy được chân tướng của mọi vật, và tiếpxúc với chúng bằng một cảm xúc và một tuệ giác trọn vẹn. 

Thị dĩ thánh nhân, 
Xử vô vi chi sự. 
Hành bất ngôn chi giáo, 
Vạn vật tác yên nhi bất từ. 
Lão Tử, Ðạo Ðức Kinh 

Dịch: 

Vậy nên, thánh nhân, 
Dùng vô vi mà xử sự. 
Dùng bất ngôn mà dạy dỗ, 
Ðể cho vạn vật nên mà không cản. 

Thực tập: Hãy giữ chánh niệm, chú ý đến việc bạn chấm dứt giờ ngồi thiền của mình như thế nào. Dù trong bất cứ một tư thế nào - đi, đứng, nằm, ngồi - "Ai là người xả thiền", bằng cách nào, ra sao và vì sao? Ðừng bao giờ phán xét nó hoặc chính bạn - chỉ quan sát thôi và cố gắng tiếp xúc với sự chuyển tiếp từ việc này sang việc khác. 

7.- NÊN NGỒI THIỀN BAO LÂU? 

Hỏi: Tôi nên ngồi thiền bao lâu? 
Ðáp: Làm sao tôi biết được. 

Câu hỏi người ta hỏi tôi nhiều nhất là họ nên ngồi thiền trong bao lâu! Lúc tôi mới khởi sự đem thiền tập áp dụng vào áp dụng cho những bệnh nhân trong nhà thương, chúng tôi đã cảm thấy rằng, điều quan trọng là họ cần phải được thực tập ngồi thiền trong một thời gian tương đối dài, ngay từ lúc mới bắt đầu. Vì tôi tin vào nguyên tắc là, nếu bạn đòi hỏi nhiều ở người ta, hoặc là yêu cầu họ tự đòi hỏi họ nhiều, thì bạn sẽ thu gặt được nhiều. Còn ngược lại, nếu bạn đời hỏi một chút thôi, bạn sẽ chẳng thu lượm được bao nhiêu. Chúng tôi yêu cầu mọi người phải thực tập khoảng bốn mươi lăm phút mỗi ngày ở nhà. Tôi nghĩ là bốn mươi lăm phút lâu đủ để cho ta có thể tĩnh lặng xuống và giữ chánh niệm, và có lẽ ít nhất cũng kinh nghiệm được mùi vị của một sự buông thả hoàn toàn và một cảm giác lành mạnh. Và thời gian ấy cũng lâu đủ để cho ta có cơ hội tiếp xúc lại với những cảm thọ mà ta muốn trốn tránh. Vì trong cuộc sống hàng ngày, chúng thường khống chế đời ta và cướp đi khả năng tĩnh lặng và chánh niệm của ta. Chúng là những sự buồn chán, bất an, nóng nảy, sợ hải, lo lắng, mơ mộng, tưởng nhớ, đau đớn, mệt mỏi và đau khổ. 

Và kết quả là quyết định ấy của chúng tôi rất đúng! Hầu hết những người tham gia chương trình của chúng tôi đều sẵn sàng thay đổi nếp sống của họ, và chuyện ấy không phải dễ, để ngồi thiền mỗi ngày bốn mươi lăm phút, ít nhất là trong vòng tám tuần liên tiếp. Và đa số người vẫn còn tiếp tục giữ được lối sống mới ấy. Sau một thời gian, không những nó trở nên dễ dàng hơn, mà còn cần thiết hơn, nó trở thành một sợi dây cấp cứu của họ. 

Những khuôn mẩu đó cũng có bề trái của nó. Những gì là thử thách nhưng có thể thực hành được đối với một người vào giai đoạn này của cuộc đời, có thể gần như là bất khả trong một giai đoạn khác, cũng cùng với một người ấy. Ý niệm về "dài" và "ngắn", chúng tương đối vô cùng. Một người mẹ với những đứa con nhỏ, chắc chắn là không thể nào có được bốn mươi lăm phút để làm bất cứ một việc gì. Nhưng có phải là nó có nghĩa bà ta sẽ không thể thực hành thiền được hay chăng? 

Nếu cuộc đời bạn đang ở giữa một cơn khủng hoảng bất tận, hoặc bạn đang sống trong một xáo trộn về xã hội và kinh tế, có lẽ bạn sẽ không có tâm thần đâu mà ngồi thiền lâu, cho dù có thì giờ chăng nữa. Sẽ có chuyện này chuyện nọ xảy ra làm ngăn trở, nhất là khi bạn nghĩ rằng mình phải bỏ bốn mươi lăm phút mỗi ngày để không làm gì hết. Và sống trong một gian nhà chật chội, đông người ở, cũng có thể là một chướng ngại cho sự tu tập hàng ngày của mình. 

Ta không thể hy vọng rằng các sinh viên y khoa có thể đều đặn bỏ ra một khoảng thời gian dài nhàn rỗi mỗi ngày, cũng như những người phải làm việc trong các hoàn cảnh hoặc tình trạng khẩn cấp. Và đối với những người chỉ tò mò nhưng không hề cương quyết thực tập, không muốn hy sinh những tiện nghi, an nhàn và thời giờ của mình, thì cũng vậy thôi. 

Vì vậy, đối với những ai muốn đạt được một sự quân bình trong đời sống, thì sự linh động không những là hữu ích mà còn rất cần thiết. Ta nên nhớ rằng, thiền tập không có dính dáng gì đến thời giờ. Năm phút ngồi thiền cho đúng đắn cũng có thể thâm sâu bằng hoặc hơn bốn mươi lăm phút. Sự tinh chuyên của bạn quan trọng hơn vấn đề thời gian. Vì khi ngồi thiền là chúng ta bước ra khỏi giờ phút thông thường và thể nhập vào giây phút hiện tại, nơi đó không có kích thước của không gian và thời gian. Vì vậy, nếu bạn có ý muốn thực hành, dù một chút thôi, việc đó cũng đủ là quan trọng. Ta cần phải nhen nhúm và nuôi dưỡng chánh niệm cho thật cẩn thận. Nó cần phải được bảo vệ khỏi những ngọn gió lớn của cuộc sống xô bồ, của một tâm hồn bất an và đau khổ. Cũng như là một ngọn lửa nhỏ cần phải được che chở, trú tránh những cơn mưa to và gió lớn. 

Nếu lúc đầu bạn có thể thực tập chánh niệm được trong năm phút hoặc một phút thôi, cũng là tốt đẹp lắm rồi. Nó có nghĩa là bạn đã ý thức được giá trị của sự dừng lại, của việc chuyển từ hoạt động sang sinh động. 

Khi chúng tôi hướng dẫn thiền tập cho các sinh viên y khoa, để giúp họ đối phó với sự căng thẳng và đôi khi là những thương tích gây ra bởi nền giáo dục y khoa hiện đại, hoặc cho những thể thao gia muốn luyện tâm cũng như thân để đạt được một thành quả cao, hoặc cho những bệnh nhân trong các y viện, còn cần phải tập nhiều thứ khác ngoài thiền tập, hoặc cho những nhân viên trong các lớp cấp tốc, chúng tôi không bao giờ nhấn mạnh về việc phải ngồi bốn mươi lăm phút mỗi ngày. Chúng tôi chỉ đòi hỏi việc ấy với những bệnh nhân của mình, hoặc những ai đã sẵn sàng thay đổi lối sống của họ vì một lý do riêng nào đó. Vì vậy, chúng tôi chỉ khuyên họ thực tập mỗi ngày mười lăm phút, hoặc là mỗi ngày hai ba lần nếu họ có điều kiện. 

Nếu nhìn kỹ một chút ta sẽ thấy rằng, trong chúng ta rất ít có ai - cho dù làm nghề gì hoặc đang ở trong hoàn cảnh nào - mà lại không thể bỏ ra mười lăm phút mỗi ngày được. Nếu mười lăm phút không được thì mười phút, năm phút. 

Bạn nhớ không, trong toán học, một đường thẳng dài một thước có vô số những điểm, và trong một đường dài một tấc cũng có vô số bấy nhiêu điểm. Nếu vậy thì có bao nhiêu là những phút chốc trong khoảng thời gian mười lăm, hoặc năm, mười hay bốn mươi lăm phút? Chúng ta sẽ có rất nhiều thời giờ, nếu ta chỉ cần biết thực tập chánh niệm trong những phút chốc này thôi. Bạn hãy luôn duy trì ý muốn thực tập và nắm lấy cơ hội - vào bất cứ thời điểm nào - và tiếp xúc nó với thật trọn vẹn bằng một ý thức sáng tỏ. Thời gian thực tập dài hay ngắn cũng đều tốt cả, nhưng đôi khi ngồi "lâu" cũng chẳng đem lại lợi ích gì, nếu ta có những khó khăn hoặc sự bực bội lớn trong sự tu tập của mình. Tốt hơn ta nên tiến bước một cách thật từ tốn theo khả năng của mình, còn hơn là sẽ không bao giờ nếm được mùi vị của chánh niệm và tĩnh lặng, chỉ vì những chướng ngại quá to tát. Hành trình ngàn dặm thật sự bắt đầu bằng một bước của ta. Khi chúng ta quyết định cất bước đầu tiên ấy - hay trong trường hợp này là ngồi xuống trong chốc lát - ta sẽ có thể tiếp xúc được với thời gian vô tận trong ngay giây phút này đây. Mọi quả trái tu tập của ta bắt nguồn từ một hành động đó, và chỉ từ đó mà thôi. 

Khi người thật sự muốn tìm tôi, người sẽ thấy tôi ngay tức thì - tôi hiện hữu trong căn nhà nhỏ bé nhất của thời gian. 
Kabir. 

Thực tập: Bạn hãy thử ngồi trong những thời gian dài, ngắn khác nhau. Xem chúng có ảnh hưởng gì đền sự thực tập của mình. Sự tập trung của ta có bị suy giảm theo thời gian không? Bạn có bị mắt kẹt trong việc "phải" còn cố gắng bao lâu nữa không? Sự bất an có bao giờ khởi lên không? Tâm ta có phản ứng hoặc quan tâm quá đáng không? Ta có cảm thấy mệt mỏi? Lo âu? Buồn chán? Thúc hối? Buồn ngủ? Nếu bạn mới tập ngồi, bạn có thấy những thắc mắc như là "Cái này thiệt là vô ích" hoặc "Mình làm như vầy không biết có đúng không đây?" hoặc là "Không biết mình có những cảm giác như vậy là đúng không?" 

Những cảm thọ ấy, chúng khởi lên ngay tức thì hay là sau khi bạn ngồi một thời gian? Bạn có thể xem chúng như là những trạng thái khác nhau của tâm thức không? Bạn có thể quan sát chúng mà không phán xét, không phản ứng, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn không? Nếu bạn có thể trải chiếu ra đón mời chúng, quan sát chúng, để cho chúng được như là, bạn sẽ có thể học được những gì là chân thật và không thay đổi trong bạn. Và những gì vững vàng sẽ càng thêm vững vàng, khi chúng được nuôi dưỡng bằng sự bền vững và tĩnh lặng trong ta. 

8.- KHÔNG CÓ MỘT LỐI DUY NHẤT 

Ði cấm trại với gia đình ở một vùng rừng núi Teton, trong khi leo trèo lúc nào tôi cũng thấy khâm phục khả năng giữ thăng bằng của chúng ta. Mỗi bước chân ta đặt xuống đều cần phải có một nơi nào đó để nương tựa. Khi trèo lên hoặc leo xuống những tảng đá to, những triền dốc cao, những con đường mòn khúc khuỷu, bàn chân ta lúc nào cũng phải lập tức quyết định cho ta về những chi tiết như là phải bước xuống nơi đâu, bằng cách nào, ở góc cạnh nào, mạnh hay nhẹ, bằng đầu hay gót chân, nghiêng hay thẳng. Mấy đứa con tôi không bao giờ đứng lại hỏi: "Ba ơi! con phải đặt chân nơi đâu? Con nên bước lên tảng đá này hay tảng đá kia?" Chúng nó chỉ cứ việc làm mà thôi. Và tôi nhận thấy chúng khám phá ra lối riêng của chúng - chúng biết phải đặt chân xuống nơi nào và không nhất thiết là phải giống hệt như tôi. 

Ðiều ấy nói với tôi rằng, bàn chân của ta biết chọn lựa được đường lối cho nó. Quan sát mỗi bước chân của mình, tôi khám phá ra rằng bàn chân ta có thể đặt xuống theo không biết bao nhiêu là vị thế khác nhau và trong giây phút ngắn ngủi ấy, nó quyết định chọn một vị thế duy nhất rồi chịu hết sức nặng lên trên đó. Sau đó nó lập tức bỏ ngay, để cho bàn chân sau chọn lựa bước kế tiếp và ta tiến tới. Những sự việc ấy xảy ra không cần đến sự suy nghĩ của ta, ngoại trừ một vài địa điểm hiểm hóc, đòi hỏi chút kinh nghiệm và sự phán xét. Cũng có lúc tôi phải đưa tay ra nâng đở đứa con gái út. Nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ, chứ không phải là luật chung. Thông thường, ta không bao giờ cần phải nhìn xuống và suy nghĩ về mỗi bước chân của mình. Chúng ta chỉ cần coi chừng, nhìn tới trước và đầu óc ta sẽ ghi nhận hết tất cả, nó quyết định nhanh chóng, chỉ cho ta biết phải đặt chân xuống như thế nào để thích ứng với địa thế bên dưới trong ngay lúc đó. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có những bước sai trật. Lúc nào ta cũng phải thật cẩn thận và cảm nhận sự thăng bằng của mình. Mắt và óc ta rất tinh nhuệ, chúng có thể nhận định được tình hình trong nháy mắt và ra chỉ thị chi tiết cho toàn thân, tứ chi và bàn chân ta, khiến cho quá trình đặt một bước chân trên mặt đất lởm chởm là một cử động cân bằng vô cùng kỳ diệu, mặc dù với chiếc ba lô nặng nề trên lưng cũng như đôi giày bốt dưới chân. Trong ta lúc nào cũng sẵn có một năng lực của chánh niệm. Ðịa thế khó khăn đã khơi nó dậy trong ta. Và nếu bạn có leo trên cùng một con đường vài chục lần đi chăng nữa, mỗi lần những bước chân của bạn sẽ hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi bước chân của bạn sẽ khai mở được cái tính chất duy nhất đặc biệt của giây phút hiện tại. 

Thiền tập cũng tương tự như thế. Thật ra không có một "phương pháp đúng" nào duy nhất hết, mặc dù trên con đường này cũng có những địa thế nguy hiểm mà ta cần phải cẩn trọng. Ðiều hay nhất là ta nên đối diện với mỗi giây phút bằng một sự tươi mới, vì sự phong phú của nó tùy thuộc vào vào trình độ tỉnh thức của ta. Ta hãy nhìn cho thật sâu sắc và rồi buông bỏ, bước sang giây phút kế tiếp, không hề bám víu những gì đã qua. Nhờ đó mỗi giây phút đều có thể tinh khôi, mỗi hơi thở là một sự bắt đầu mới, một sự buông bỏ mới, một thực tại mới. Cũng như khi ta bước qua một địa thế gập ghềnh, nơi đây không hề có vấn đề ta "cần phải làm gì". Sự thật trên con đường tu tập này có biết bao nhiêu chuyện cho ta quan sát và học hỏi, nhưng điều đó không thể ép buộc được. Ta không thể bắt người khác phải tán thưởng cảnh mặt trời hoàng hôn trên đồng lúa vàng, hay ánh trăng trên núi. Tốt nhất là trong những giây phút đó ta không nên nói gì hết. Hãy thật sự có mặt trọn vẹn với sự to tát ấy, và hy vọng rằng người khác cũng có thể nhìn thấy được trong sự tĩnh lặng của giây phút hiện tại. Mặt trời hoàng hôn và ánh trăng non có thể tự chúng diễn tả được, bằng một ngôn ngữ riêng, trên một tấm phong riêng. Sự thinh lặng đôi khi tạo nên một khoảng không gian cho những gì sinh động được lên tiếng. 

Cũng vậy, trong thiền tập, tốt nhất là ta cứ giữ gìn và tôn trọng những kinh nghiệm trực tiếp của mình, và đừng lo nghĩ hoặc thắc mắc không biết những gì ta cảm nhận, nhìn thấy hoặc suy nghĩ có đúng không! Sao bạn không tự tin vào kinh nghiệm của mình trong giây phút này, như là bạn đã đặt niềm tin nơi bàn chân có thể giữ cho mình được thăng bằng khi leo trên những tảng đá cheo leo? Nếu bạn biết giữ một niềm tin khi đối diện với những hoàn cảnh bấp bênh, cũng như cái thói quen muốn được một thẩm quyền nào khác chứng nhận cho kinh nghiệm của mình, bạn sẽ thấy được một cái gì rất sâu sắc xảy ra trên con đường tu tập. Bàn chân và hơi thở sẽ dạy cho bạn biết đặt những bước chân cẩn trọng tiến tới trong chánh niệm, biết an trú trong mỗi giây phút, và dù đến một nơi nào ta cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Còn một ơn phước nào cao quý hơn nữa phải không bạn? 

Thực tập: Khi ngồi thiền bạn hãy chú ý đến những ý nghĩ khởi lên như là "Mình thực hành có đúng không?", "Không biết những cảm thọ này là đúng hay sai?" "Không biết có phải mình sẽ có những kinh nghiệm như vầy không?" Và thay vì tìm cách trả lời những câu hỏi ấy, bạn hãy nhìn sâu hơn vào giây phút hiện tại. Hãy nới rộng ý thức của bạn ra trong giây phút hiện tại này. Giữ câu hỏi của bạn dưới ánh sáng chánh niệm và theo dõi hơi thở của mình. Tin tưởng ở giây phút này. "Chỉ có vậy thôi" cho dù cái "như vậy" đó là bất cứ một sự kiện gì hoặc ở một nơi nào. Trong giây phút hiện tại này, bạn hãy nhìn cái "như vậy" đó cho thật sâu, và giữ được chánh niệm liên tục. Hãy để cho giây phút này khơi mở sang giây phút khác mà không phân tích, không phán xét, ghét bỏ hoặc nghi ngờ. Bạn chỉ cần theo dõi và ôm ấp nó, cởi mở ra, biết chấp nhận và để cho nó như là. Ngay bây giờ đây. Chỉ có một bước này thôi. Chỉ có giây phút này thôi. 

9.- BÀI THIỀN TẬP: CON ÐƯỜNG NÀO LÀ CỦA TÔI 

Chúng ta thường bảo những đứa con của mình, không phải là lúc nào nếu muốn gì là chúng sẽ được nấy, và đôi khi ta còn ngụ ý rằng việc chúng đòi hỏi là sai quấy. Và khi chúng hỏi "Sao vậy má" hoặc "Sao vậy ba?, sau một hồi giải thích loanh quanh, có lẽ chúng ta sẽ đáp: "Con không cần hiểu. Mai mốt chừng nào lớn lên con sẽ biết!" 

Nhưng bạn có thấy việc đó là hơi bất công không? Vì người lớn chúng ta nhiều khi cũng có một thái độ y hệt như những đứa con nít vậy! Ta có khác gì với chúng đâu mà lắm khi lại còn ít thành thật và cởi mở hơn chúng nữa. Giả sử ta có thể làm theo sở ý của mình thì sự việc sẽ ra sao? Bạn có nhớ những chuyện cổ tích, trong đó nhân vật chánh được ba lời ước, bạn có nhớ cuối cùng họ đã đau khổ vì chúng đến đâu không? 

Những người dân ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ, nổi tiếng với câu trả lời: "Bạn không thể nào đi đến chốn ấy từ nơi này được", mỗi khi có ai hỏi đường. Nói về phương hướng của cuộc sống thì ta có thể đổi câu ấy thành "Bạn chỉ có thể đi đến nơi ấy, nếu bạn đang thực sự có mặt ở nơi này", thì có lẽ chính xác hơn. Có bao nhiêu người trong chúng ta ý thức được sự thật ấy? Chúng ta có biết con đường của mình là gì không? Và giả sử ta có được bất cứ những gì mình muốn, chúng ta sẽ giải quyết được một vấn đề nào không? Hay chỉ là những ước muốn phát xuất từ thất niệm chỉ đem lại cho ta thêm những rối rắm và đau khổ mà thôi. 

Sự thật ở đây có một câu hỏi rất thú vị là: "Con đường của ta đó là gì?", vì chúng ta ít khi chịu ngồi lại chiêm nghiệm đời mình cho sâu xa. Có bao giờ bạn tự hởi mình: "Tôi là ai?", "Tôi đang đi về đâu?". "Tôi đang đi trên con đường nào?", "Hướng tôi đi đây, có đúng cho tôi không?", "Nếu bây giờ tôi có thể chọn một con đường thì tôi sẽ đi về hướng nào?", "Sự khao khát, hoài mong của tôi là gì?". "Tôi thật sự yêu thích những gì?" 

Câu hỏi "Con đường của tôi là gì?" là một đề mục thiền tập rất tuyệt hảo. Chúng ta không cần phải tìm câu trả lời, hoặc nghĩ rằng phải có một câu trả lời duy nhất. Tốt nhất là đừng nên suy nghĩ gì hết. Thay vậy, cứ bền bỉ nêu lên thắc mắc ấy, và để cho câu trả lời tự chúng đến rồi đi. Cũng giống như mọi việc khác trong thiền tập, chúng ta chỉ cần theo dõi, lắng nghe, ghi nhận, để yên,buông bỏ và tiếp tục tự hỏi "Con đường của tôi là gì?". "Tôi là ai?" 

Mục đích ở đây là cởi mở ra với những gì mình không biết, cho phép mình được tự nhận rằng "Tôi không biết". Và thử hoà nhập vào cái không biết đó một chút, từ tốn, thay vì đi tự trách móc mình. Dù sao đi nữa thì ngay trong giây phút này, có thể đó là thực tại của ta, là mình không biết gì hết. 

Những câu hỏi thuộc loại này, tự chúng sẽ dẫn dắt ta đến những cánh cửa mới, đến những sự hiểu biết, viễn ảnh và hành động mới. Những thắc mắc ấy, sau một thời gian tự chúng sẽ có một sức sống riêng. Nó thấm nhập vào da thịt ta và thở ra một luồng sinh khí mới, nhiệt tình mới vào sự vô vị, nhàm chán và lề lối thường ngày của ta. Và câu hỏi ấy sẽ "hành xử" ta, thay vì ngược lại. Tôi nghĩ, đây là một phương cách rất hay để khám phá ra con đường nào thật sự nằm gần trái tim ta nhất. Dù sao đi nữa thì cuộc sống này bao giờ cũng là một hành trình của những bậc anh hùng, nhưng nó sẽ còn được cao thượng thêm bội phần nếu ta biết sống trong chánh niệm và dám hỏi, dám liều. Là một con người, bạn chính là nhân vật chánh, là vị anh hùng chánh cho hành trình huyền thoại của một câu chuyện thần tiên. Nam hay nữ gì cũng vậy thôi, hành trình này là đường bay giữa sanh và tử, là một kiếp người. Không ai có thể thoát ra khỏi cuộc mạo hiểm này được bao giờ? Có chăng là chúng ta chỉ hành xử khác nhau mà thôi. 

Chúng ta có thể tiếp xúc được với tiến trình khai mở của cuộc sống mình không? Ta có dám đối diện với những thử thách trên con đường đi tìm chúng để tự thử nghiệm mình, để trưởng thành, để hành động có trách nhiệm, để tự phán, để khám phá ra con đường nào là của mình, và trên hết, quan trọng hơn cả, là để thật sự sống. 

10.- THIỀN NÚI 

Là núi vững vàng. 
Nhất Hạnh. 

Trong thiền tập, núi có thể dạy ta rất nhiều. Hình ảnh về ngọn núi có một ảnh hưởng rất sâu đậm trong mọi truyền thống văn hóa. Những ngọn núi là những nơi chốn thiêng liêng. Từ ngàn xưa người ta thường đi vào những ngọn núi để tầm đạo, để tự nuôi dưỡng mình. Ngọn núi là một biểu tượng cho trục quay chính của quả đất (núi Meru), cho nơi cư ngụ của các vị thần (núi Olympus), cho nơi con người đã tiếp nhận những điều răn cũng như khế ước từ thượng đế (núi Sinai). Những ngọn núi thường được coi là thiêng liêng, chúng là hiện thân của một sự khiếp sợ và hòa hợp, khắc nghiệt và uy nghi. Nhô lên cao đồ sộ trên hành tinh này, những ngọn núi mời gọi và áp đảo ta, chỉ bằng mỗi sự hiện diện của chúng. Tự thể của núi vô cùng vững mạnh, cơ bản là đá. Ðá tảng, đá rắn chắc. Núi là một nơì ta có thể nhìn thấy bao quát hết tất cả. Ta có thể tiếp xúc được với sự rộng lớn của thế giới thiên nhiên, và giao điểm với cái gốc rễ, tuy mong manh nhưng rất kiên trường, của sự sống. Những ngọn núi đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử, cũng như thời tiền sử của con người. Ðối với những người dân lành, núi bao giờ cũng là mẹ cha, là thần bảo vệ, thần che chở và là đồng minh của họ. 

Trong thiền tập, đôi khi ta cũng có thể vay mượn những hình ảnh có tính chất kỳ diệu này của núi và xử dụng chúng để tăng cường sự chú tâm của ta, cũng như duy trì giây phút hiện tại trong một sự thanh thản và đơn sơ cơ bản. Hình ảnh một ngọn núi giữ trong tâm và thân có thể làm tươi mới lại con người của ta, nó nhắc nhở ta vì sao mình phải ngồi thiền, việc làm ấy có ý nghĩa gì, mỗi khi ta ngồi xuống và an trú trong thế giới của sự vô hành (non-doing). Núi là một biểu tượng tinh hoa cho một sự hiện hữu và tĩnh lặng vĩnh cửu. 

Bạn có thể thực tập thiền quán về núi như sau, hoặc sửa đổi một chút cho thích hợp với ý niệm cá nhân của bạn về núi và ý nghĩa của nó. Bài thiền tập này bạn có thể thực hành trong bất cứ một tư thế nào, nhưng tôi thấy hiệu quả nhất là khi tôi ngồi xếp bằng trên sàn nhà, lúc ấy thân tôi nhìn và cảm thấy giống như một ngọn núi vững vàng, bên trong lẫn bên ngoài. Sống trên một ngọn núi hoặc gần ngọn núi cũng hữu ích, nhưng không là cần thiết. Vì chính cái hình ảnh trong nội tâm mới thật sự là nguồn năng lượng. 

Hãy tưởng đến một ngón núi nào đẹp nhất mà bạn biết hoặc nghe nói, hoặc có thể tưởng tượng ra được, một ngọn núi rất thân thiết với bạn. Trong khi bạn tập trung vào hình ảnh hoặc cảm nhận về ngọn núi này trong tâm, hãy ghi nhận vóc dáng của nó, đỉnh núi kiêu hảnh, chân núi ăn sâu vào gốc rễ đất đá của mặt địa cầu, những triền núi thoai thoải hoặc có dốc cao. Bạn hãy ghi nhận tính chất đồ sộ của nó, sự bất động của nó, vẻ đẹp của nó khi đứng gần hoặc nhìn từ xa - một vẻ đẹp tỏa phát từ một dấu hiệu và hình tướng cá biệt, và cùng một lúc biểu hiện được tính chất "núi" của nó, quá vượt lên trên mọi hình tướng khác. 

Có thể ngọn núi của bạn có tuyết phủ trên đỉnh và cây xanh mọc trên những triền núi thấp. Có thể nó có một đỉnh nhô cao nổi bật, cũng có thể là một dãy nhiều chóp núi, hoặc một vùng cao nguyên chót vót. Dù có hình dạng nào cũng được, bạn hãy ngồi và thở với hình ảnh của ngọn núi ấy, quan sát nó và ghi nhận những đặc tính của nó. Khi nào cảm thấy sẵn sàng, bạn hãy thử mang thân bạn và hình ảnh ngọn núi trong tâm trở thành một. Ðầu của bạn là đỉnh núi cao, vai và hai tay là triền núi và hai chân là chân núi, trụ vững vàng trên tọa cụ. Bạn hãy kinh nghiệm trong thân một cảm giác nâng cao, cột trụ, sừng sững, những đặc tính của núi, sâu xa trong đường xương sống của bạn. Hãy tự trở thành một ngọn núi biết thở, không lay chuyển trong sự tĩnh lặng của mình, có mặt hoàn toàn - vượt ra ngoài ngôn ngữ và tư tưởng, một sự hiện diện vững vàng, có gốc rễ và an trụ. 

Và bạn cũng ý thức rằng trong ngày khi mặt trời đi ngang qua bầu trời, ngọn núi vẫn ngồi yên đấy. Ánh sáng, bóng tối và màu sắc thay đổi theo từng giây phút, trong sự tĩnh lặng bất động của núi. Một người bình thường cũng có thể nhận thấy được sự thay đổi ấy qua mỗi giờ. Sự kiện này đã tạo nên những kiết tác của nhà danh họa Claude Monet. Ông đã có sáng kiến dựng nhiều khung vải để vẽ và diễn tả sự sống của một tĩnh vật, theo mỗi giờ, từ khung vải này sang khung vải khác, khi ánh sáng, bóng tối và màu sắc chuyển hóa thành những ngôi thánh đường, dòng sông hoặc ngọn núi, đánh thức được cái nhìn của người xem. Ánh sáng thay đổi, ngày chuyển sang đêm, đêm chuyển sang ngày, và ngọn núi vẫn cứ ngồi yên đấy, đơn sơ hiện hữu. Nó giữ sự thinh lặng, bất động, trong khi bốn mùa chuyển tiếp nhau, thời thiết thay đổi trong từng phút giây, từng ngày tháng. Sự yên tĩnh bất chấp hết mọi đổi thay. 

Vào mùa hè, núi không có tuyết, có chăng là trên đỉnh cao hoặc bên những tảng đá lởm chởm che khuất ánh mặt trời. Vào mùa thu, núi phủ một chiếc áo sặc sở đủ màu lá chín; vào mùa đông là một tấm mền của tuyết và băng đá. Ở mùa nào cũng vậy, có nhiều lúc ngọn núi bị khuất trong mây và sương mù, hoặc có những cơn mưa đá đổ trút xuống. Những khách du lịch ghé qua, đôi khi thất vọng vì không nhìn thấy rõ được ngọn núi, nhưng đối với núi thì không có gì khác biệt - dù thấy hay không thấy, nắng hay mưa, nóng cháy hay lạnh căm, nó vẫn ngồi yên đó hiện hữu. Những ngày có trận bảo dữ kéo ngang qua, không gian bị vùi dập trong tuyết, mưa và gió ở một cuồng độ kinh khiếp, dù vậy núi vẫn ngồi yên lặng trải qua tất cả. Rồi mùa xuân về, chim lại hót vang trên cây, những cành khô trổ màu xanh non, hoa nở rộ trên những đồng cỏ cao và bên triền núi, những dòng suối ngập tràn nước mát từ những khối tuyết đang tan. Trải qua hết mọi biến cố, núi vẫn tiếp tục ngồi yên, không hề lay chuyển bởi thời tiết, bởi những gì xảy ra trên bề mặt, bởi thế giới bên ngoài. 

Và khi ta ngồi yên với hình ảnh ấy trong tâm, chúng ta cũng sẽ là hiện thân của cùng một sự tĩnh lặng và vững chãi bất lay động, giữa những biến đổi của cuộc đời. Trong cuộc sống cũng như trong thiền tập, chúng ta sẽ luôn luôn kinh nghiệm được bản chất thay đổi của thân tâm và của thế giới chung quanh ta. Ta kinh nghiệm những giai đoạn sáng tỏ và tối tăm, cũng như những màu sắc rực rỡ cùng sự tẻ nhạt vô vị. Chúng ta sẽ kinh nghiệm những cơn bảo dữ với nhiều cường độ khác nhau, của thế giới bên ngoài cũng như trong đời sống và tâm hồn ta. Trong sự vùi dập của cơn gió lớn, sự lạnh căm của những trận mưa ào ạt, chúng ta sẽ chịu đựng những thời gian đen tối và đau đớn, cũng như sẽ nếm hưởng những giây phút an lạc và nâng cao. Và biểu hiện bề ngoài của ta cũng thay đổi luôn, cũng như một ngọn núi theo thời tiết của chính nó. 

Khi ta thực tập như một ngọn núi trong khi ngồi thiền, ta có thể nối liền được với sức mạnh và sự vững vàng của núi, cũng như tiếp nhận đó làm của mình. Ta có thể xử dụng những năng lượng đó để trợ giúp cho công phu tu tập, giúp ta tiếp xúc được mỗi giây phút bằng chánh niệm, tĩnh lặng và sáng tỏ. Chúng ta nên nhớ rằng, những ý nghĩ, cảm thọ, những trận bảo cảm xúc và sự khủng hoảng của mình, ngay cả bất cứ một biến cố nào xảy đến cho ta, chúng cũng chỉ giống như là thời tiết trên núi. Chúng ta thường hay có khuynh hướng quan trọng quá, nhận khổ đau là của mình, nhưng thật ra tự tính của chúng hoàn toàn không của riêng một ai. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên xem thường hoặc chối bỏ những thời tiết đổi thay trong cuộc sống. Chúng phải được đối diện tôn trọng, cảm nhận, và được soi sáng dưới ngọn đèn chánh niệm, vì nếu không cẩn trọng chúng có thể tiêu diệt ta. Ðược như vậy, ta sẽ có thể tiếp xúc được với một sự thinh lặng, an tĩnh và trí tuệ rất sâu sắc, ngay giữa những cơn giông tố của cuộc đời. Núi có thể dạy cho ta rất nhiều, nếu ta biết lắng nghe. 

Nhưng dù sao đi nữa, bạn cũng nên nhớ rằng, thiền tập về núi chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ hướng cho ta đi. Chúng ta cần phải nhìn, rồi đi tới. Mặc dù hình ảnh một ngọn núi có thể giúp ta được trở nên vững vàng hơn, nhưng con người bao giờ cũng phức tạp và thú vị hơn núi nhiều. Chúng ta là những ngọn núi biết thở, biết di động, biết hát ca. Chúng ta có thể cùng một lúc vừa cứng như đá, rắn chắc bất động, lại vừa mềm mại, dịu dàng và trôi chảy. Trong ta có sẵn một tiềm năng rất rộng lớn. Chúng ta có thể nhìn và cảm nhận. Ta có thể ý thức và hiểu. Ta có thể học hỏi, trưởng thành, và có thể chữa lành những vết thương, nhất là khi ta biết học cách lắng nghe sự hòa điệu của mọi vật và duy trì được tính chất vững vàng của núi qua mọi thăng trầm của cuộc sống. 

Chúng điểu cao phi tận, 
Cô vân độc xứ nhàn. 
Tương khan lưỡng bất yếm, 
Chỉ hữu Kính Ðình Sơn. 
Lý Bạch. 

Bầy chim cao bay mất, 
Thơ thẩn một áng mây 
Ngồi một mình với núi 
Chỉ còn Kính Ðình Sơn. 

Thực tập: Trong khi bạn ngồi thiền, hãy giữ hình ảnh ngọn núi này trong tâm. Thử khám phá công năng của nó, trong việc làm tăng gia khả năng giúp ta an trú trong tĩnh lặng, cũng như giúp ta ngồi thiền lâu hơn, hoặc có thể ngồi đối diện với những khó khăn, khổ đau, bảo tố hay sự tẻ nhạt trong tâm. Bạn hãy tự hỏi, ta đã học được gì từ những kinh nghiệm thiền tập này. Bạn có thể nhận thấy được một chút gì chuyển hóa nơi thái độ của bạn, đối với những sự thay đổi trong cuộc sống không? Bạn có thể giữ được hình ảnh ngọn núi với mình trong đời sống hằng ngày không? Bạn có nhận thấy được những ngọn núi nơi người khác không và cho phép chúng có được một hình tướng riêng, vì mỗi ngọn núi đều cá biệt. 
 

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

tinh xa ngoc quang Chè sữa đu đủ lạt ma Tiểu sử Hòa thượng Kesaravinayo Maha lòng thành bố thí thoát khỏi tai ác phat va moi sinh khi tang già o Gi Ăn gì để giảm viêm nhiễm hoi ve gioi thu sau va gioi thu nam trong bat quan Những loài hoa chữa bệnh trÃ Æ n 腳底筋膜炎治療 gói Thuốc lá là nguyên nhân gây ra 16 ÐÐÐ 9 lưu ý quan trọng cho người ăn chay ngoại Mẹ mÓ côi sự truyền thừa ni giới đắc pháp trong Quan điểm của Phật giáo và tâm lý nhung van nan trong dac thu biet truyen cua he Tản mạn về Trâu vai dieu suy ngam ngay tâm bố thí của cho không bằng cách cho Giữ gìn sức khỏe cho mắt của bạn món bánh bò cốt dừa Thi Táo có lợi cho sức khỏe Lễ tưởng niệm Tổ khai sơn chùa Sắc luật Bệnh càng tệ thêm do lo lắng nhiều Uống soda gây béo bụng và nhiều nguy cơ phap Ấn Hoại Văn Thành Khuôn in hoại rồi Vu lan nhìn lá thu rơi Đức tin mầu nhiệm Rau cải thực phẩm làm giảm tác hại Hoa bằng lăng tháng Năm Bông hồng cho tình mẫu tử Tổ đình Thiên Ấn tổ chức lễ húy Món chay cho những bữa cơm gia đình phat giao noi gi ve quyen cua dong テ Khánh Hòa Tưởng niệm lần thứ 47 ngày TT Huế Húy nhật Tổ khai sơn chùa Từ Những chùm chuông gió