Mục Lục
Lời Dịch Gỉa
Luận Tổng Quát: Thế Nào Gọi Là Thiền
Chương I: Cội Nguồn Truyển Thừa, Trang 01-1
Trang 01-2
Chương II: Yếu Chỉ Thiền Tông, Trang 02-1
Trang 02-2
Trang 02-3
Trang 02-4
Chương III: Thỉnh Ích (Hỏi Đạo)
Phụ Lục: Nguyệt Khê Pháp Sư Cao Ngoạ Xứ Bi Văn
.
CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA &
Phương Pháp Tu Trì Của Thiền Tông
Nguyên Tác: Nguyệt Khê Thiền Sư - Dịch giả: Thích Duy Lực
Từ Ân Thiền Đường, Anaheim, California Hoa Kỳ Xuất Bản 1991 PL 2535
33/ Lầm Nhận “Ngồi Nhập Định Như Cây Khô” Thành Bệnh:

Nói “nhập định” là pháp dụng công của người Tiểu thừa, ngồi lâu như cây khô để đoạn dứt suy nghĩ của lục căn, dụng công của Đại thừa chẳng trụ tâm, chẳng khán tịnh, chẳng trầm không, chẳng nhập định. Nay thường có một số người xuất gia hoặc tại gia, ngồi không như cây khô, mười hôm, tám hôm chẳng ăn cơm, giống như ông Địa, gọi là nhập định, cho dụng công như thế thì được thành Phật, ấy là sai lầm lớn.

Xưa kia Trí Hoàng thiền sư ngồi mãi trong am 20 năm, Huyền Sách thiền sư đến am hỏi: Ông ở đây làm gì?
Hoàng nói: Nhập định.
Sách nói: Ông nói nhập định là có tâm nhập hay vô tâm nhập? Nếu vô tâm nhập thì tất cả vô tình, cây cối, ngói đá đều được đắc định; nếu có tâm nhập thì tất cả chúng sanh hữu tình cũng phải đắc định.
Hoàng nói: Khi tôi đang nhập định chẳng thấy có tâm hữu hay vô.
Sách nói: Chẳng có tâm hữu hay vô tức là thường định, đâu có xuất nhập? Nếu có xuất nhập thì chẳng phải đại định.
Hoàng chẳng thể trả lời, giây lâu nói: Sư nối pháp ai?
Sách nói: Thầy tôi là Tào Khê Lục Tổ đại sư.
Hoàng hỏi: Lục Tổ lấy gì làm thiền định?
Sách nói: Thầy tôi nói “Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, ngũ uẩn vốn không, lục trần phi hữu, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền vô trụ, lìa trụ nơi thiền định, tánh thiền vô sanh, lìa sanh có thiền tưởng. Tâm như hư không, cũng chẳng có số lượng của hư không”.
Bởi sau khi kiến tánh, tự tánh như như bất động, đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, tất cả đều ở trong định mới là đại định.

Hoài Nhượng thiền sư ghi trong Truyền Đăng Lục rằng: 
Có Sa môn Đạo Nhất ở viện Truyền Pháp suốt ngày tọa thiền, Sư (Hoài Nhượng) đến hỏi: Đại đức tọa thiền muốn làm gì?
Nhất nói: Muốn làm Phật.
Sư lấy cục gạch mài trước cửa am.
Nhất hỏi: Mài gạch làm gì?
Sư nói: Mài gạch làm gương.
Nhất nói: Mài gạch đâu thể làm gương!
Sư nói: Mài gạch chẳng thể làm gương thì tọa thiền đâu thể thành Phật!
Nhất nói: Vậy phải làm thế nào?
Sư nói: Như bò kéo xe chẳng chịu đi, đánh xe phải hay đánh bò phải?
Nhất không đáp được.
Sư nói: Ông học ngồi thiền hay học làm Phật? Nếu học ngồi thiền thì thiền chẳng phải ngồi, nằm; nếu học làm Phật thì Phật chẳng có tướng nhất định, nơi pháp vô trụ, chẳng nên thủ xả. Ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi thì chẳng đạt lý đạo.
Nhất nghe sư dạy bảo như uống nước đề hồ.

Ngài Lâm Tế nói: “Ta nói bên ngoài chẳng có pháp, người học chẳng hội, lại hiểu lầm cho là bên trong, liền hướng vách ngồi không, lưỡi để hàm trên, trạm nhiên chẳng động, cho đó là Phật pháp của chư Tổ, rất là sai lầm”.

Một số người lầm nhận tham thiền phải lúc tĩnh tọa mới tham, ấy là sai lầm. Tham thiền chẳng phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi. Mã Tổ nói: “Tham thiền chẳng chấp ngồi, chấp ngồi tức bị dính mắc”. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Kẻ mê kẹt nơi pháp tướng, chấp Nhất hạnh Tam muội, cứ nói thường ngồi chẳng động, vọng tâm chẳng khởi tức là Nhất hạnh Tam muội, hiểu như thế này tức đồng như vô tình, lại thành nhân duyên chướng đạo”.

34/ Chấp “Bất Đảo Đơn” Thành Bệnh:

Trong Tùng lâm có một số hành giả ngồi mãi chẳng nằm, gọi là bất đảo đơn. Dù nói bất đảo đơn, lại ngồi có ngủ gục, cho đó là công phu nổi bật, sai lầm biết bao!

Theo giới luật của Phật, Tỳ kheo tu hành bốn việc đầy đủ là: quần áo, ăn uống, ngọa cụ, y dược, vậy chứng tỏ Phật chẳng dạy người bất đảo đơn. Nếu ngồi không ngủ gục, sao chẳng nằm xuống ngủ một giấc ngon, cho tinh thần đầy đủ rồi công phu lại! Có người chê cười kẻ bất đảo đơn là nhập định bí đao, chưa nhập định đã biến thành bí đao, dù thành Phật có ích lợi gì!

Ngài Lâm Tế nói: “Dẫu cho ở cô độc trên đỉnh núi, ngày ăn một bữa, ngồi mãi chẳng nằm, suốt ngày hành đạo, đều là người tạo nghiệp, cho đến đem đầu, mắt, tủy, não, gia tài, vợ con, voi, ngựa, thất bửu thảy đều bố thí, có kiến giải như thế đều là tự làm khổ cho thân tâm, lại tự chiêu cảm quả khổ, chẳng bằng người vô sự chẳng làm việc gì, thuần nhất chẳng nhiễm, như Thập Địa Mãn Tâm Bồ tát đều cầu đạo này, tìm dấu tích trọn bất khả đắc, cho nên chư Thiên hoan hỷ, Địa Thần ôm chân, mười phương chư Phật cùng nhau tán thán. Tại sao như thế? Vì đạo nhơn này chỗ dùng chẳng dấu tích”. 

Phật Nhãn thiền sư nói: Gần đây có người chỉ ham ngồi, ban sơ thì tĩnh bơ, ngồi lâu thì ngủ gục, mười người có chín người ngồi ngủ gục, luôn luôn chẳng chịu hạ thủ công phu tham cứu, đạo này đâu thể trong ngồi ngủ mà ngộ được! Những người như thế làm sao hội được. Đơn Hà dựng phất trần, Bàng cư sĩ giơ cây búa, Đơn Hà quăng phất trần, cư sĩ buông cây búa xuống! Lại nói: “Công án hôm qua như thế nào? Đơn Hà nằm xuống, cư sĩ liền ra đi, việc này chẳng phải người tri âm chơn thật, đâu thể cho ông chú giải bậy bạ được!”

Lại ngài Nham Đầu nói: “Bậc Sa môn tất cả đều nên mỗi mỗi từ trong lòng mình lưu xuất, che thiên ngập địa mới được, đâu thể do tĩnh tọa suy nghĩ mà được đâu!” Tiên sư (Pháp Diễn thiền sư) nói: “Lúc ngủ lúc ngủ tham cứu, lúc ăn cơm lúc ăn cơm tham cứu”. Lại người xưa nói: “Lúc ngồi có đạo lý lúc ngồi, lúc đứng có đạo lý lúc đứng”, há chẳng thấy Đầu Tử hỏi Thúy Vi rằng: Mật chỉ từ Ấn đến, có thể cho nghe chăng?
Thúy vi đứng đó ngó nhìn, Đầu Tử nói: Đem mai nói nữa, xin sư tái chỉ.
Thúy Vi nói: Còn muốn thêm gáo nước độc thứ hai chi nữa!
Đầu Tử liền ngộ.
Thế thì các ngươi chẳng được thọ dụng là tại ngày đêm ngồi không, bỏ qua việc tốt biết bao!

35/ Tham Thiền Lầm Nhận “Chăn Trâu” Là Dụng Công:

“Chăn trâu” là sau khi đã kiến tánh dùng để tẩy trừ tập khí, điều chỉnh tánh tình, chẳng phải là tu hành. Bởi khi đã kiến tánh, nhất ngộ vĩnh ngộ, chẳng cần tu nữa, nhưng vẫn còn tập khí chưa dứt sạch, nên cần phải điều chỉnh lại. Qui Sơn hòa thượng nói: “Các ngươi nếu đã hoát nhiên thông suốt thì tu với chẳng tu là lời hai đầu, chỉ cần trừ bỏ tập khí gọi là tu”.

Xưa kia trong hội Qui Sơn có Đại An thiền sư nói: “Ta ở Qui Sơn 30 năm, ăn cơm Qui Sơn, ỉa cứt Qui Sơn, mà chẳng học thiền Qui Sơn, chỉ chăn một con trâu, nếu lạc đường vào đám cỏ liền kéo ra, nếu phạm lúa mạ của người liền lấy roi điều phục, như thế lâu ngày, nay biến thành con lộ địa bạch ngưu (Chơn như Phật tánh), thường ở trước mắt, suốt ngày luôn luôn hiển lộ rõ ràng (Phật tánh hiện hành), đuổi cũng chẳng đi”. Phổ Minh Thiền Sư Mục Ngưu Đồ, lấy vọng niệm dụ con trâu, Phật tánh dụ cho người chăn trâu, vọng niệm khởi như con trâu chạy bậy, đem vọng niệm sửa thành chánh niệm, như cỡi trâu về nhà, nói trở về bản nguyên, ấy là sai lầm. Con trâu dụ cho vọng niệm thì không sai, người chăn trâu dụ cho Phật tánh thì sai, người chăn trâu nên dụ cho kiến, văn, giác, tri, chẳng phải Phật tánh, Phật tánh chẳng khởi vọng niệm.

36/ Tham Thiền Lầm Nhận Tệ Đoan Của Thiền Là Dụng Công:

Cổ Đức có luận về tệ đoan của thiền rằng: “Từ đời Tống đến nay, tệ đoan của thiền đặc biệt nhiều, nay thử đề ra có loại gọi là xướng họa tọa thiền, công án tọa thiền, niệm Phật tọa thiền, ông địa tọa thiền, điều phục tọa thiền…”

Nói xướng họa tọa thiền là: người thầy lấy một câu thoại đầu truyền thọ cho người học, người học vừa ngồi vừa xướng, ví như truyền cho một chữ vô của Triệu Châu, thì tất cả chúng người học cũng xướng lên “vô, vô, vô, vô, vô…”, giống con tú hú kêu mưa vậy. Nếu truyền cho núi tu di của Vân Môn, thì bọn chúng cùng nhau xướng lên “núi tu di, núi tu di…”, giống như con ve kêu. Nếu như thế được khai ngộ thì con tu hú với con ve cũng được khai ngộ.

Còn công án tọa thiền thì người thầy truyền cho một công án, bảo người học làm công phu, làm rồi lại đến trình thầy, thuật lại cảnh giới của mình thấy, nếu hợp với ý thầy thì được ấn khả chứng minh, rồi truyền cho một công án khác. Từ công án này qua công án kia, gọi là “Thấu công án”, ngoài ra còn bày đặt việc kỳ dị, dùng lời nói tỏ vẻ quái lạ, như trong mộng nói mơ, chẳng biết hổ thẹn, cũng như con khỉ vượn chụp trăng nước. Nếu làm như thế mà đắc đạo thì con khỉ vượn cũng đắc đạo.

Còn niệm Phật tọa thiền thì người thầy xưa nay thật chẳng tham thiền, lại chưa hiểu Phật pháp, nhờ có phước si được làm trụ trì; hoặc thầy có theo qui tắc ngồi thiền mà chưa dạy bảo người học một việc gì, chỉ thỉnh Di Đà, Quan Âm, Văn Thù, Di Lặc, chư Phật, chư Bồ tát để làm bản tôn, ngồi im niệm danh hiệu hoặc niệm chú nói nhờ tha lực, kiếp này ngộ đạo, kiếp sau sanh Tịnh độ, tự lầm và dạy người, chùm đầu mà ngồi, giống như con sứa nhờ mắt tôm để tìm món ăn. Nếu làm như thế mà được ngộ thì người đá, người gỗ, ông Địa cũng phải đại ngộ.

Còn nói điều phục tọa thiền, ví như ngựa rừng gắn yên; rắn rừng vào ống tre, chỉ biết giữ theo lời dạy của thầy, dùng công phu tọa thiền để hàng phục phiền não vọng tưởng. Nếu làm như thế mà khai ngộ thì ngựa rừng, rắn rừng cũng phải khai ngộ.

Những tệ đoan của loại thiền này hiện nay vẫn còn giữ trong tùng lâm, như niệm thoại đầu, đả ngạ thất (ngồi luôn bày ngày đêm nhịn đói), bất đảo đơn… Thậm chí có người đặt ra thần thoại, nói là mười ngày, tám ngày chẳng ăn, thì được nhìn thấu qua vách tường mà thấy sự vật bên ngoài thấy thần thấy ma… Sự bày đặt ma quái ngày càng tăng thêm để làm hại cho người học.

37/ Lầm Nhận “Một Đường Hướng Thượng, Ngàn Thánh Chẳng Truyền” Là Pháp Môn Để Dụng Công:

Người xưa nói: “Một đường hướng thượng, ngàn Thánh chẳng truyền”, ý là phàm nói được, truyền được thì chẳng phải chơn như, chơn như Phật tánh phải tự chứng lấy, chẳng thể nói cho người. Nay người ta hiểu lầm rằng pháp tham thiền chẳng thể truyền thọ, chỉ có thể tự mình đi tìm tòi, ấy là sai lầm lớn. Phật tánh dù chẳng thể ngôn truyền, nhưng pháp dụng công tham thiền thì do ngàn Thánh sở truyền, Phật Phật tự tay thân thọ nhau. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, hoặc quyền hoặc thật, hoặc đốn hoặc tiệm, đời đời kế thừa nhau, Thánh Thánh nối tiếp nhau, Tổ sư hét, gậy, chửi mắng, dựng phất trần, giơ cây chỉa đều là thân thiết bảo cho người, nhưng phải xem người ấy có thể thừa đương hay không, chớ đâu phải chẳng truyền!

38/ Lầm Nhận “Dẫu Cho Biển Xanh Biến Thành Ruộng Dâu Cũng Chẳng Vì Ông Nói Trắng Ra” Là Pháp Môn Dụng Công:

Người xưa nói: “Dẫu cho biển xanh biến thành ruộng dâu cũng chẳng vì ông nói trắng ra”, ý nói Phật tánh chơn như chỉ có thể tự chứng ngộ, chẳng thể dùng ngôn ngữ nói cho người biết.

Xưa khi khi Hương Nghiêm chưa ngộ, cứ xin Qui Sơn nói trắng ra, Qui Sơn nói: “Ta nói là của ta, chẳng dính dáng với ngươi”, sau ở Nam Dương đang cuốc đất quăng miếng ngói trúng nhầm cây tre phát ra tiếng, mới phát minh Tâm địa. Còn Phái Nguyên Phù thượng tọa giảng kinh Niết Bàn, tỏ bày diệu lý của Pháp thân, có thiền khách nghe xong nói: “Ông dù giảng hay, nhưng thật thì chẳng biết”. Bèn ngưng giảng, tham cứu, nửa đêm nghe tiếng trống mới ngộ Pháp thân. Người đời nay hiểu lầm ý chỉ rằng “Dẫu cho biển xanh biến thành ruộng dâu, cũng chẳng vì ông nói trắng ra” là sự bí mật truyền thọ của tông môn, chẳng thể dạy người, ấy là sai lầm lớn. Há chẳng nghe Lục Tổ nói: “Ngươi nếu phản chiếu, mật ở bên ngươi” sao!

39/ Hiểu Lầm “Tâm Tịnh Thì Độ Tự Tịnh” Thành Bệnh:

“Tâm tịnh thì độ tự tịnh” là nói sau khi minh tâm kiến tánh, tất cả đều biến thành Phật tánh, trong Phật tánh chẳng cấu chẳng tịnh, nên uế độ tức là Tịnh độ. Người đời nay hiểu lầm ý này, nói đem ác niệm sửa lại thành thiện niệm, đem nhiễm duyên biến thành tịnh duyên, trong tâm trong sạch tự nhiên thế giới trong sạch gọi là tâm tịnh thì độ tự tịnh, ấy là sai lầm lớn.

Tâm niệm biến đổi vô thường, khởi diệt chẳng định, nếu trong tâm trong sạch một hồi thì là Tịnh độ, vọng niệm sanh khởi một hồi lại biến thành uế độ, như thế sáng tịnh, chiều uế, ngày thiện đêm ác, thay phiên tuần hoàn khi nào mới hết? Kỳ thật tâm tịnh tâm nhiễm là tác dụng của bộ não, chẳng liên quan đến Tịnh độ, nếu là Tịnh độ chơn chánh thì chẳng biến chẳng đổi, chẳng cấu chẳng tịnh, tức Thường Tịch Quang Tịnh Độ, cũng là Pháp thân của chư Phật. Nếu được đốn ngộ chơn như ngay đó liền sanh Thường Tịch Quang Tịnh Độ, với chư Phật cùng một Pháp thân thì vĩnh viễn siêu thoát sanh tử luân hồi, khi ấy tìm tâm tìm độ bất khả đắc, còn gì để nói tịnh hay uế ư!

40/ Lầm Nhận “Chẳng Sợ Vọng Khởi, Chỉ E Giác Chậm” Là Pháp Dụng Công:

Có người thường cho “Chẳng sợ vọng khởi, chỉ e giác chậm” là phương pháp tu hành, ấy là sai lầm. Nếu khởi giác niệm để phá vọng niệm thì giác đồng như vọng, cũng là nhất niệm vô minh. Huỳnh Bá thiền sư nói: “Nay khi ngươi giác biết vọng khởi, giác chính là Phật, nếu vốn chẳng vọng niệm thì cũng chẳng có. Tại sao? Vì ngươi khởi tâm chấp Phật mới nói có Phật tánh để thành, chấp chúng sanh mới nói có chúng sanh để độ, phàm khởi tâm động niệm đều là chỗ kiến chấp của ngươi, nếu không có tất cả kiến chấp thì Phật đâu có xứ sở! Cũng như Văn Thù vừa khởi kiến chấp có Phật liền bị đày nơi núi Nhị Thiết vi, cho nên nói “Chẳng sợ vọng khởi, chỉ e giác chậm!” Bổn lai chẳng vọng, nói chi là giác? Nếu lấy giác bỏ vọng, giác cũng thành vọng.

Kinh Viên Giác nói: “Tất cả thế giới, thủy, chung, sanh, diệt, trước, sau, có, không, tụ, tán, khởi, dừng, niệm niệm tương tục, tuần hoàn xoay chuyển, đủ thứ thủ xả đều là luân hồi, nếu chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt Viên giác, thì tánh Viên giác kia cũng đồng như luân hồi, vậy muốn khỏi bị luân hồi thì chẳng có chỗ đúng”.

41/ Lầm Nhận “Gót Chân Chấm Đất” Là Pháp Dụng Công:

“Gót chân chấm đất” là lời nói sau khi đã ngộ, người đã minh tâm kiến tánh, siêu xuất sanh tử luân hồi, đạt đến bản thể tuyệt đối thì việc lớn đã xong, gọi là gót chân chấm đất. Nay có người hiểu lầm ý này, cho là làm một ông Tăng chơn thật, siêng năng tu hành, bước chân vững vàng tức gót chân chấm đất ấy là sai.

42/ Dụng Công Lầm Nhận “Vô Tâm Là Đạo”:

Huỳnh Bá thiền sư nói: “Tức tâm là Phật, vô tâm là đạo”, Tổ sư nói: “Phật thuyết tất cả pháp, vì trừ tất cả tâm, ta chẳng tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp”, đây là lời sau khi đã ngộ, ý nói Phật phương tiện thuyết pháp độ người tam thừa, người thượng thượng căn tự minh tâm địa, tự thấy bản tánh thì đâu cần tất cả pháp. Ý chỉ đồng với kinh Kim Cang nói: “Biết ta thuyết pháp ví như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè, vậy pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!” với kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh tu tập tâm này nếu được thành tựu, mới biết ngay đó chẳng tu cũng chẳng thành tựu”. “Ngay nơi chứng ngộ chẳng năng chẳng sở, rốt cuộc chẳng chứng, cũng chẳng kẻ chứng” chính là đồng nhau. Mà người đời sau hiểu lầm ý này, cho là đem vọng tâm dừng nghĩ tư tưởng dứt sạch tức là vô tâm, tức là ngộ đạo, ấy là sai lầm lớn. Vọng tâm là nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh dừng nghỉ tức là cảnh giới đen tối của vô thỉ vô minh, cảnh giới này chưa phá tan thì chưa thể thấy Phật tánh, chẳng phải ngộ đạo. Nên người xưa nói: “Chớ cho vô tâm tức là đạo, vô tâm còn cách núi muôn trùng”, chính là chỉ ngay thứ hiểu lầm này.

43/ Dụng Công Lầm Nhận “Bình Thường Tâm Là Đạo”:

Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: Thế nào là đạo?
Tuyền nói: Bình thường tâm là đạo.
Châu nói: Có xu hướng chăng?
Tuyền nói: Tính hướng thì sai.
Châu nói: Chẳng tính sao biết là đạo?
Tuyền nói: Đạo chẳng thuộc biết, chẳng thuộc không biết; biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu chơn đạt đến cái đạo “chẳng tính” thì giống như không, mênh mông trống rỗng, đâu có thể cưỡng cho là đúng sai ư!
Châu ngay đó đại ngộ.

Lời “Bình thường tâm là đạo” của Nam Tuyền, ý nói sau khi kiến tánh, khởi niệm động niệm đều là Phật tánh, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, cuộc sống hằng ngày đều là chơn như, ấy là cảnh giới sau khi chứng ngộ. Nay người ta hiểu lầm câu “Bình thường tâm là đạo” tức là bình bình thường thường để qua ngày, bình bình thường thường làm một người tốt, chẳng làm thiện, chẳng tạo tác, mặc kệ tùy duyên uổng qua một đời tức là ngộ đạo, như vậy khác chi người lời biếng, ăn no suốt ngày chẳng làm việc gì! Thật đáng thương xót!

44/ Dụng Công Lầm Nhận “Trực Tâm Là Đạo Tràng”:

Kinh Duy Ma cật nói: “Trực tâm là đạo tràng”, ý nói sau khi kiến tánh, khởi tâm động niệm đều là Phật tánh hiện hành, chỉ một tâm ngay thẳng chẳng biến đổi. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nếu trong tất cả nơi, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ một tâm ngay thẳng, là đạo tràng chẳng động, là Tịnh độ chơn thật, gọi là Nhất hạnh tam muội”. Người đời sau hiểu lầm cho con người chỉ cần ngay thẳng tức là ngộ đạo, ấy là sai lầm.

45/ Dụng Công Lầm Nhận “Đầu Sào Trăm Thước”:

Trường Sa Sầm thiền sư dẫn dụ lời Cổ Đức rằng: “Người trụ nơi đầu sao trăm thước, mặc dù đắc nhập chưa phải chơn, đầu sào trăm thước cần tiến tới, mười phương thế giới hiện toàn thân”. Đây là lời khẩn yếu của sự dụng công để khuyên bảo người hậu học, đầu sào trăm thước là dụ cho quá trình dụng công của người tu hành, được leo tới đầu sao trăm thước công phu đã khá rồi, hễ lên nữa tức là hư không, là việc rất khó tiến lên, nếu được tiến thêm một bước thì ngay đó kiến tánh thành Phật mà chứng đắc Pháp thân, nên nói “Đầu sào trăm thước cần tiến tới, mười phương thế giới hiện toàn thân”.

Chỗ đầu sào này dụ cho cảnh giới vô thỉ vô minh, người dụng công đến nơi cảnh giới trống rỗng đen tối chẳng có gì cả, tức là đầu sào trăm thước, cũng là vô thỉ vô minh, chớ nên lầm nhận cho cảnh giới này là Chơn như Phật tánh, đến đây cần phải tiến lên để phá tan vô thỉ vô minh mới được kiến tánh thành Phật. Nay có người hiểu lầm cho dứt trừ vọng niệm là đến đầu sào trăm thước, rồi luôn cả cái niệm dứt trừ cũng tiêu sạch tức là “Đầu sào trăm thước cần tiến tới” ấy là sai.

46/ Hiểu Lầm “Bất Nhị Pháp Môn” Thành Bệnh:

“Pháp môn bất nhị” là nói Phật tánh tuyệt đối, chẳng có năng sở đối đãi là bất nhị, xưa kia trong hội Tỳ Da, Văn Thù Bồ tát để ý chỉ bất nhị, khi ấy sở thuyết của ba mươi hai vị Hiền triết đều sai, chỉ có Duy Ma Cật im lặng chẳng nói, Văn Thù Bồ tát khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Đến chỗ chẳng có văn tự lời nói mới thật là nhập pháp môn bất nhị”. Nên biết tuyệt đối của Phật tánh chẳng phải văn tự lời nói có thể đến, nên nói ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Hiện nay các chùa chiền, trên cửa thường để bốn chữ “Bất Nhị Pháp Môn”, bắt chước nhau từ lâu, Kinh nói: “Vô môn là pháp môn”, thì cửa chùa làm sao so bằng được!

47/ Lầm Nhận “Tọa Vong” (Ngồi Quên) Trong Đại Tông Sư Thiên Của Trang Tử Là Phật Pháp:

Nhan Hồi nói: Hồi được ích rồi!
Khổng Tử hỏi: Là thế nào?
Hồi nói: Hồi đã quên nhân nghĩa rồi.
Khổng Tử nói: Được, nhưng còn chưa. 
Hôm khác Hồi lại trình: Hồi được ích rồi.
Khổng Tử nói: Là thế nào?
Hồi nói: Đã quên lễ nhạc rồi.
Khổng Tử nói: , Được rồi, nhưng còn chưa.
Hôm khác lại trình rằng: Hồi được ích rồi.
Khổng Tử hỏi: Là thế nào?
Hồi nói: Hồi tọa vong rồi.
Khổng Tử hỏi: Thế nào là tọa vong?
Hồi nói: Đọa cơ thể, bặt thông minh, lìa hình bỏ trí, dụng nơi đại đạo gọi là tọa vong.
Khổng Tử nói: Đồng thì chẳng hai, hóa thì vô thường, Hồi quả thật là bậc Hiền, ta xin theo sau.
Như thế lý đạo của tọa vong tức là cảnh giới vô thỉ vô minh của nhà Phật vậy.

48/ Dụng Công Lầm Nhận “Đại Thủ ấn”:

Đại thủ ấn tức là thể tánh của bản tâm của tất cả chúng sanh với chư Phật bình đẳng chẳng khác, bản tâm bình đẳng vốn trong sạch thường trụ, dù bị vô minh che khuất, nhưng thể tánh chơn tâm vẫn tự sáng tỏ trong sạch, dẫu ở nơi lục đạo luân hồi vẫn chẳng thêm chẳng bớt. Cái bản thể vi diệu này, có khi gọi là Bản giác Như lai, Phổ Hiền Như lai, Bổn kiến thanh tịnh… tên khác thể đồng, tức một tâm này là căn bản của Đại Thủ Ấn.

Phái cũ của Mật tông có nói: Phổ Hiền Như Lai này là Phật nguyên thỉ, chẳng cần dùng sức tẩy trừ nghiệp chướng, ví như nước biển bị gió khơi động mà sanh khởi làn sóng, nếu còn khuấy động (dùng sức tẩy trừ) thì làn sóng không khi nào được dừng lại mà thành trong lặng. Cũng như mây mù trôi nổi trên không, khi mây mù tan rã thì trong sạch của hư không tự hiện; lúc mây mù che khuất hư không, tánh không vẫn là tánh không, chưa hề giảm bớt chút nào. Nếu tâm của con người vốn chẳng có thể tánh sáng tỏ trong sạch thì bất cứ dùng phương tiện nào cũng chẳng thể tẩy sạch, vì bản tâm vốn sẵn trong sạch diệu minh mới có thể dùng phương tiện tẩy trừ vọng niệm cho đến thành Phật”.

“Bản tâm vốn trong sạch” là Phật tánh, Phật tánh chẳng thể sanh khởi vô minh, sanh khởi vô minh là do linh tánh của kiến, văn, giác, tri; linh tánh chẳng phải Phật tánh, như nước biển kia vì bị gió khơi động mà sanh làn sóng, nước biển là dụ cho linh tánh của kiến, văn, giác, tri, nếu lầm nhận cho là Phật tánh thì tu cũng vô ích.

49/ Dụng Công Lầm Nhận “Minh Đế” Của Bà La Môn:

Các nhà Phật học Trung Quốc xưa nay rất nhiều Đại đức cao Tăng lầm nhận “Minh Đế” cho là Phật tánh, Minh đề phi không phi hữu, là bản tánh của thế gian, vì Minh Đế khởi một niệm sanh giác, do giác sanh hai mươi lăm đế, từ hai mươi lăm đế trở về bản thể Minh Đế, tức là vô thỉ vô minh, cũng là chỗ lầm nhận của một số cao Tăng Trung Quốc nói từ Phật tánh sanh khởi vô minh, đoạn dứt vô minh trở về Phật tánh, ấy là sai lầm từ căn bản, tu hành vô ích.

Kỳ thật Minh Đế của Bà La Môn tức là vô thỉ vô minh, sanh giác tức là kiến, văn, giác, tri sanh khởi một niệm, do một niệm này sanh ra tám mươi bốn ngàn niệm, cũng gọi là tám mươi bốn trần lao phiền não vậy.
 
 

Xem Tiếp: Chương III: Thỉnh Ích (Hỏi Đạo)

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Gần gũi thiên nhiên giúp giảm suy nghĩ dÑi Ngu hạt cơm này con xin dâng trải nghiệm không gian thờ cúng bằng Quen hạt say dam nhat thoi Làm sao biết chứng hiếu động thái quá Kẹo nhai nicotine không tốt cho sức khỏe Nhân sâm có tác dụng điều trị cảm già hay nhin sau vao cuoc song nhu no dang la Háºnh sau phap tao nen su hoa hop trong doi song cong đau Đèn huỳnh quang giúp tăng giá trị dinh phà phat tu va van de thien năng ceo vc corp thien de hanh phuc chan thuc c Đạo Chú đại bi GiÒ Chuyến nhung hinh anh dang nho tai khoa tu mua he 2013 Giai nhin thau la tri hue chan that phan 1 nhá lịch và  chùa long hòa Chư thien chanh niem nghiệp 10 nghiep lanh mang lai phuoc duc Món chay tháng giêng Chính thức khai trương Việt chay thien chua tri than tam 5 tan o thai lan mạt tức hương lá ƒ nguoi yeu rot cuoc la ai Hoạ Nguyện mừng Hãy những lời sám hối của con tới mẹ kho de Rau cải xào nấm nu dien vien tre xuat gia gieo duyen mot thang