.
BÁ TRƯỢNG NGỮ LỤC 
Hoài Hải Thiền Sư
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Từ Ân Thiền Ðường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992
Trang 01
Trang 02
Trang 03
Hỏi : 

Đối với tất cả cảnh giới làm sao được "tâm như gỗ đá đi"? 

Sư nói : 

Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói thị phi, cấu tịnh, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ vì người tự hư vọng, tính toán, chấp trước, bày đặt đủ thứ lý lẽ, sanh khởi đủ thứ tri kiến, móng lên đủ thứ yêu ghét. Hễ rõ các pháp vốn chẳng tự sanh, đều do một niệm vọng tưởng của mình điên đảo chấp tướng mà có, nếu biết tâm với cảnh vốn chẳng đến với nhau thì ngay đó giải thoát, mỗi mỗi các pháp ngay đó tịch diệt, ngay đó là đạo tràng. 

Lại, cái bản tánh sẵn có ấy vốn chẳng tên gọi, bổn lai chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, chẳng phải cấu tịnh, chẳng phải không hữu, chẳng phải thiện ác..., hễ có tâm phân biệt thì với các "nhiễm pháp" tương ưng, gọi là hàng nhị thừa và trời, người; nếu không phân biệt cấu tịnh, chẳng trụ trói buộc, chẳng trụ giải thoát, không có tất cả tâm lượng hữu vi vô vi, thì ở nơi sanh tử, tâm được tự tại. 
Tự tánh bất nhị vốn chẳng hòa hợp với các vọng như hư huyễn trần lao, ngũ uẩn, thập bát giới, sanh tử..., vốn độc lập không có chỗ dựa, tất cả chẳng dính mắc, đi ở vô ngại, vãng lai sanh tử giống như cửa mở. 

Người học đạo nếu gặp mỗi mỗi khổ vui, các việc vừa ý hay chẳng vừa ý, tâm vô sở trụ, chẳng nghĩ danh vọng, lợi dưỡng, ăn mặc, chẳng ham công đức lợi ích, chẳng bị các pháp thế gian trệ ngại, không yêu không ghét, khổ vui bằng nhau, áo vá che thân, cơm hẩm qua ngày, ngơ ngơ như ngu như điếc, đối với tự tánh mới có ít phần tương ưng. Nếu nơi ở tâm rộng học tri giải cầu phước cầu trí, đều là sanh tử, đếu là vô ích. Lại bị ngoại cảnh tri giải lôi kéo, trôi nổi đi vào trong biển sanh tử. Phật là người vô cầu, cầu tức là trái. Lý là lý vô cầu, cầu tức là mất. Nếu chấp trước vô cầu, lại đồng nơi có cầu, nếu chấp trước vô vi, lại đồng nơi hữu vi. Nên kinh nói : "Chẳng chấp pháp, chẳng chấp phi pháp, chẳng chấp phi phi pháp". Cũng nói :"Như Lai sở đắc pháp, pháp này vô thực vô hư". Hễ được nhất tâm bất sanh, giống như gỗ đá, chẳng bị ngũ dục, bát phong cuốn trôi, thì cái nhân sanh tử được dứt, được đi ở tự do, chẳng bị tất cả nhân quả hữu vi trói buộc. Sau khi ngộ rồi thì dùng cái nhân vô trói buộc đó để làm lợi ích chúng sanh, dùng cái tâm vô chấp trước đó để ứng cơ tiếp vật, dùng cái trí huệ vô ngại đó để mở trói cho tất cả, cũng gọi là tùy bệnh cho thuốc. 

* * 
Hỏi : 

Như nay thọ giới, thân miệng thanh tịnh, đã đủ các thiện có được giải thoát không? 

Sư đáp : 

Được chút phần giải thoát mà chưa được tâm giải thoát, cũng chưa được tất cả chỗ đều giải thoát. 

* * 
Hỏi : 

Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ đều giải thoát? 

Sư đáp : 

Chẳng cầu Phật, chẳng cầu pháp, chẳng cầu tăng, cho đến chẳng cầu phước trí, tri giải, tình chấp như sạch đều dứt hết, cũng chẳng chấp không cầu là phải, cũng chẳng trụ nơi chỗ dứt hết, cũng chẳng mến thiên đường, cũng chẳng sợ địa ngục, trói buộc và giải thoát đều vô ngại, tức là thân tâm và tất cả chỗ đều được giải thoát. 

Ông chớ cho rằng có được chút phần giới thân miệng ý thanh tịnh là xong, đâu biết rằng pháp môn giới định huệ dù như số cát sông Hằng mà đối với vô lậu giải thoát đều chưa dính dáng một mảy lông. 

Hãy nỗ lực tiến lên! Hãy dũng mãnh tham cứu! Đừng đợi đến khi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn, đầu bạc, già khổ đến thân, buồn thương vương vấn, lệ rơi dầm dề, trong lòng sợ hãi không cò gì để nương tựa và không biết phải đi về đâu. Đến lúc ấy, muốn tay chân không run rẩy cũng không được. Dẫu cho có phước trí, tiếng tăm, lợi dưỡng cũng không cứu được, vì tâm huệ chưa mở, chỉ nghĩ đến các cảnh, chẳng biết phản chiếu, chẳng thấy Phật đạo. Khi lâm chung, tất cả nghiệp duyên thiện ác một đời đều hiện trước mắt, ngũ uẩn, lục đạo, hoặc vui mừng hoặc khủng bố, thảy đều hiện tiền. Tất cả ác cảnh đều tùy theo sự tham ái của tự tâm mà biến thành cảnh thù thắng như nhà cửa đẹp đẽ, xe cộ chói lọi hiển hách, chỗ nào tham ái nặng thì nghiệp thức dẫn dắt theo đó thọ sanh, thai trâu bụng ngựa tùy nghiệp đầu thai, không có phần tự do. 


* * 
Hỏi : 

Thế nào là được phần tự do? 

Sư đáp : 

Như nay được thì được, hoặc đối với ngũ dục, bát phong, tâm không lấy bỏ, bỏn xẻn, ganh tị, tham ái, tình chấp ngã sở đều sạch, nhơ sạch đều quên, cũng như mặt trời trên hư không, chẳng duyên mà chiếu, tâm tâm như gỗ đá, niệm niệm (tham thiền) như cứu lửa cháy đầu, cũng như voi lớn qua sông cứ băng ngang giòng nước không chút nghi ngờ. Người nầy thiên đường địa ngục không câu thúc được. 

Người xem kinh giáo, đọc ngữ ngôn đều nên uyển chuyển qui về tự kỷ. Nên biết tất cả ngôn giáo của Phật chỉ để hiển bày cái giác chiếu soi của tự tánh. Tâm mình hễ không bị tất cả các cảnh hữu vô xoay chuyển tức là đạo sư của chính mình. Chiếu phá được tất cả các cảnh hữu vô, ấy là Kim Cang Huệ, tức là có phần độc lập tự do. Nếu mà không được như thế, dẫu cho tụng thuộc hết 12 bộ kinh chỉ thành kẻ tăng thượng mạn, ấy là báng Phật, chẳng phải người tu hành. Hễ lìa được tất cả thanh sắc, cũng chẳng trụ nơi lìa, cũng không có tri giải chấp chẳng trụ, ấy là chân tu hành. Đọc kinh xem giáo, theo tiêu chuẩn thế gian là việc tốt, nếu theo người thấu lý mà xem, đó là người ngu dại. Người thập địa nếu thoát chẳng được, còn phải trôi vào sông sanh tử. Kinh giáo của tam thừa đều là trị các bệnh tham sân, như hiện nay nếu niệm niệm có các bệnh tham sân nên cần phải trị trước, chẳng cần tìm cầu tri giải, nghĩa cú trong kinh. Cầu tri giải thuộc về tham, tham tri giải trong kinh lại biến thành bệnh. Như nay chỉ cần lìa tất cả các pháp hữu vô, cũng lìa nơi lìa, thấu qua ngoài "ba câu", tự nhiên với Phật chẳng khác. Tự đã là Phật còn lo gì Phật chẳng biết thuyết pháp, chỉ e chẳng phải Phật mà bị các pháp hữu vô trói buộc chẳng được tự do. Người chưa ngộ lý, phước trí có trước, bị xe phước trí chở đi như hèn sai sang, chẳng bằng ngộ lý trước rồi sau mới có phước trí. Nếu muốn phước trí tức khắc có liền, nắm đất thành vàng, nắm vàng thành đất, biến nước biển thành tô lạc, phá núi Tu Di thành vi trần, bốn biển lớn nhiếp vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa. Xin đại chúng trân trọng! 

* * 
Sư khai thị rằng : 

Ngôn ngữ cần phải phân biệt trắng đen, cần phải biết là lời nói chung hay lời nói riêng, lời nói liễu nghĩa hay bất liễu nghĩa. 

Kinh giáo liễu nghĩa phân biệt về thanh (trong) còn kinh giáo bất liễu nghĩa phân biệt về trược (đục). Nói cấu bên pháp uế là phân biệt về phàm, nói cấu bên pháp tịnh là phân biệt về thánh. Nay thuyết từ chín bộ giáo điển tiến lên, chúng sanh không có mắt, cần phải nhờ người gọt giũa. Nếu nói với người tục tai điếc, cần phải dạy họ xuất gia trì giới, tu thiền học huệ, nếu là người tục siêu xuất thì không nên dạy họ như thế, như trường hợp các ngài Duy Ma Cật, Phó Đại Sĩ....Đối với bậc Sa Môn đã thọ giới cụ túc, sức giới định huệ đã có mà nói như thế thì gọi là phi thời ngữ (chẳng ứng cơ), cũng gọi là ỷ ngữ (nói thêu dệt). Nếu là bậc Sa Môn phải nói cấu bên pháp tịnh, phải nói lìa các pháp có không, lìa tất cả tu chứng, cũng lìa cả cái lìa nữa. Nếu trong hàng Sa Môn mà tẩy trừ tập nhiễm tham sân không được cũng gọi là kẻ tục tai điếc, phải dạy họ tu thiền học huệ. Nếu hàng tăng sĩ Nhị thừa đã dứt được bệnh tham sân mà còn trụ nơi vô tham, cho đó là đúng, là thuộc về vô sắc giới, là ngăn trở ánh sáng Phật là làm thân Phật chảy máu, cũng phải dạy họ tu thiền học huệ. 

Cần phải biện biệt rõ ràng lời nói thanh, trược. Pháp trược là các danh từ tham, sân, ái, thủ....Pháp thanh là các danh từ Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát....Nay cái giác chiếu soi chỉ cần đối với hai giòng thanh trược, các pháp thánh phàm, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, các pháp thế gian và xuất thế gian... đều chẳng nên có mảy may ái thủ. Đã chẳng ái thủ mà y trụ vào chẳng ái thủ cho đó là phải, ấy là Sơ thiện, là trụ nơi điều phục tâm, là hàng Thanh Văn, là người đã đến bờ rồi mà còn lưu luyến chiếc bè không chịu bỏ là đạo Nhị thừa, là quả Thiền na. Đã chẳng ái thủ cũng chẳng y trụ nơi chẳng ái thủ, là Trung thiện, là bán - tự - giáo, vẫn còn là vô sắc giới, khỏi sa vào đạo Nhị thừa, khỏi lạc vào lối Ma dân, vẫn còn là bệnh Thiền na, còn bị trói buộc vào Bồ tát thừa. Đã không y trụ nơi chẳng ái thủ và cũng không khởi cái tri giải về không y trụ, ấy là Hậu thiện, là mãn - tự - giáo, khỏi rơi vào vô sắc giới, tránh khỏi bệnh Thiền na, khỏi sa vào Bồ tát thừa, khỏi bị đọa vào địa vị Ma vương, nhưng vì bị trí chướng, địa chướng, hành chướng nên thấy Phật tánh của mình như ban đêm thấy hình sắc. 

Về tập khí vi tế, Phật nói : "Muốn đến địa vị Phật phải đoạn dứt hai thứ ngu : Một là vi tế sở tri ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu". Cho nên kinh nói : "Có bậc đại trí đập vỡ hạt bụi lấy ra quyển kinh". Nếu thấu suốt nghĩa ba câu thì chẳng bị kẹt nơi ba đoạn Sơ, Trung, Hậu thiện. Giáo môn thí dụ con hươu nhảy ba lần ra khỏi lưới, gọi là làm Phật ngoại triền, không có vật gì ràng buộc được người này. Đây thuộc về Phật sau đức Nhiên Đăng, là tối thượng thừa, là thượng thượng trí, là đứng trên Phật đạo; người này là Phật, có Phật tánh, là đạo sư, là điều khiển được vô sở ngại phong, là vô ngại huệ, về sau được tư do sai khiến nhân quả phước trí, là làm xe chuyên chở nhân quả, ở nơi sanh không bị sanh nhốt, ở nơi tử không bị tử ngại, ở nơi ngũ ấm như cửa đã mở, không bị ngũ ấm ngăn trở, đi ở tự do, ra vào không khó. Nếu được như thế, không luận thứ bậc hơn kém, dù là thân con kiến, chỉ cần được như thế thì đều là cõi nước thanh tịnh vi diệu không thể nghĩ bàn. Những lời kể trên còn là lời nói mở trói, họ (tự tánh) vốn không thương tích thì đừng làm cho bị thương. Những cái thương tích Phật, thương tích Bồ tát đều là thương tích (có nghĩa là chấp Phật là thương tích Phật, chấp Bồ tát là thương tích Bồ tát). Phàm nói các pháp "có, không" đều là thương tích vì "có, không" bao gồm tất cả pháp. 

Hàng Thập địa là chúng ở trong dòng nước đục, tự cho là dòng nước thanh, dựng tướng thanh để nói lỗi của tướng trược. Trước kia 10 vị đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, chánh tín như A Nan, tà tín như Thiện Tinh... mỗi người có một cốt cách riêng, mỗi người có một phép tắc riêng, đều bị Đạo sư (Phật) nói toạc ra là chẳng đúng. Tứ thiền, bát định, A La Hán... trụ trong định tám muôn kiếp, họ là người tu hành theo kiến chấp vì bị rượu tịnh pháp làm say, nên hàng Thanh Văn nghe Phật pháp không phát được đạo tâm vô thượng, do đó bị gọi là người đoạn thiện căn không có Phật tánh. Kinh giáo nói : "Chỗ gọi là hầm sâu giải thoát đáng sợ, nếu có một niệm tâm lui sụt thì rơi vào địa ngục mau như tên bắn". Cũng chẳng được nhất định nói lui sụt, cũng chẳng được nhất định nói không lui sụt, như các Ngài Văn Thù, Quan Âm, Thế Chí,... đến thị hiện đồng loại với Tu Đà Hoàn để dẫn dụ, chẳng được nói họ lui sụt, mặc dù lúc bấy giờ họ chỉ được gọi là người Tu Đà Hoàn thôi. 

Nay cái giác chiều soi chỉ cần chẳng bị các pháp "có, không" dính mắc, thấu suốt nghĩa ba câu và tất cả cảnh giới nghịch thuận thì dầu có nghe trăm nghìn muôn ức đức Phật xuất hiện ở thế gian cũng như không nghe, cũng không y trụ vào chỗ không nghe, cũng không khởi tri giải về sự không y trụ, nói họ là người lui sụt chẳng được, vì số lượng không hạn chế họ được, ấy là Phật thường trụ thế gian mà chẳng nhiễm thế pháp. 

Nói Phật chuyển pháp luân mà lui sụt là phỉ báng Phật pháp tăng. Nói Phật chẳng chuyển pháp luân mà chẳng lui sụt cũng là phỉ báng Phật pháp tăng. Như ngài Tăng Triệu nói : "Đạo Bồ đề không thể suy lường, cao vô thượng, rộng vô cùng, sâu thăm thẳm". Rơi vào lời nói là bệnh, nói giác chiếu soi cũng còn là không đúng, chỉ là từ trược biện thanh (do cái đục mà biện biệt cái trong) mà thôi. Nếu cho nói cái giác chiếu soi này là đúng tức là ngoài cái giác chiếu soi còn có cái giác khác không đúng tức là Ma thuyết. Nếu chấp lấy cái giác chiếu soi này thì cũng đồng Ma thuyết, cũng gọi là tự nhiên ngoại đạo. Nói cái giác chiếu soi là Phật của chính mình, đó là lời nói thước tấc, là lời tính toán, giống như con chồn (dã can) kêu, vẫn thuộc về cửa keo sơn (dính mắc). Từ trước đến nay chẳng nhận cái tự tri, tự giác là Phật của chính mình mà lại hướng ra ngoài tìm Phật, nhờ thiện tri thức nói ra cái tự tri tự giác để làm thuốc trị cái bệnh hướng ngoại tìm cầu, bệnh hướng ngoại tìm cầu đã lành thì thuốc cũng phải bỏ. Nếu chấp lấy cái tự tri tự giác thì đó là bệnh Thiền na, là định tánh Thanh Văn, như nước đóng băng, toàn băng là nước nhưng khó mong cứu được nạn khát, cũng nói : "Bệnh chắc chắn chết, lương y bó tay". 

Vô thỉ chẳng phải là Phật, chớ cho là Phật thật. Phật là thuốc của chúng sanh, không có bệnh chẳng cần uống thuốc, thì thuốc và bệnh đều hết. Phật tánh dụ như cam thảo, chúng sanh tu hành chánh pháp dụ như nước trong, lấy cam thảo hòa với nước trong, cũng như mật hòa với nước, rất là ngon ngọt, nếu chỉ cho là nước trong thì không đúng, vì chẳng phải không có Phật tánh, Phật tánh vốn là sẵn có, nên cũng nói : "Lý này mọi người đều vốn sẵn có". 

Chư Phật, Bồ tát được mệnh danh là người chỉ cho biết hạt châu. Từ xưa đến nay nó chẳng phải là vật, chẳng cần biết nó, hiểu nó, không cần cho nó là phải hay chẳng phải, chỉ cần cắt đứt câu hai đầu, cắt đứt câu có, câu chẳng có, cắt đứt câu không, câu chẳng không, dấu vết hai đầu chẳng hiện. Hai đầu kéo ông chẳng được, số lượng chi phối ông chẳng được, chẳng phải thiếu thốn, chẳng phải đầy đủ, chẳng phải phàm, chẳng phải thánh, chẳng phải sáng, chẳng phải tối, chẳng phải hữu tri, chẳng phải vô tri, chẳng phải ràng buộc, chẳng phải giải thoát, chẳng phải tất cả danh tướng. Tại sao không phải là lời nói thật? Nếu cho rằng đục đẽo hư-không làm được tướng mạo Phật, hoặc cho rằng hư-không là do xanh, vàng, đỏ, trắng làm thành, đều chẳng phải là lời nói thật vì pháp chẳng thể so sánh, chẳng thể ví dụ, nên nói : "Pháp thân vô vi bất đọa chư số", cũng nói : "Thánh thể vô danh chẳng thể nói được". Lý thất của không-môn khó ghé, thí dụ như con thái mạc trùng (tên một loại côn trùng đặc biệt rất nhỏ) có thể đậu ở khắp mọi nơi, nhưng không thể đậu được trên ngọn lửa, tâm của chúng sanh cũng thế, có thể duyên ở mọi nơi, nhưng không thể duyên trên Bát Nhã. 

Thiện tri thức ham dạy người học tìm cầu tri giải, đó là thiện tri thức ma, vì chấp tri giải; nếu phát tứ hoằng thệ nguyện, "nguyện độ hết tất cả chúng sanh rồi sau ta mới thành Phật", đó là Bồ tát phát trí ma, vì thệ nguyện không buông bỏ; nếu ham gieo trồng thiện căn như trì trai giữ giới, tu thiền học huệ cho đến ngồi đạo tràng thị hiện thành Đẳng Chánh Giác độ chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chứng quả Bích Chi Phật, đó là thiện căn ma, vì khởi tâm tham đắm; nếu đối với các pháp đều không tham nhiễm, diệu lý độc tồn, trụ trong thiền định thâm sâu không còn tiến lên nữa, đó là tam muội ma, vì đam mê cái vui thiền định; nếu chấp Niết bàn chí thượng, ly dục tịch tịnh, là nghiệp ma vì có sự tạo tác. Nếu trí huệ thoát những lưới ma kể trên chưa triệt để thì dẫu cho hiểu được trăm ngàn kinh Phật thảy đều là cặn bã địa ngục, ví như muốn tìm "Phật tương tự" thì không có chỗ đúng. 

Như nay nghe nói chẳng chấp trước vào tất cả pháp thiện, ác, có, không,... liền cho đó là rơi vào không, mà chẳng biết rằng bỏ gốc theo ngọn mới chính là rơi vào không. Thế nào là bỏ gốc theo ngọn ? Cầu Phật, cầu Bồ đề và tất cả pháp có, không,... là bỏ gốc theo ngọn. Hiện tại chỉ cần ăn đạm bạc tạm sống, mặc áo vá đỡ lạnh, khát thì bụm lấy nước uống, ngoài ra đối với tất cả pháp có, không, đều không có mảy may nghĩ tưởng, người nầy dần dần sẽ có chút phần nhẹ nhàng sáng suốt. 

Thiện tri thức chẳmg chấp có, chẳng chấp không, thoát được mười câu ma ngữ (l) thì nói ra không trói buộc người, có nói lời nào ra cũng chẳng tự xưng là Thầy nói, cũng như tiếng dội trong hang, tiếng nói trùm khắp thiên hạ cũng không có khẩu quá (lỗi khẩu nghiệp), đủ sức làm y chỉ cho người. Nếu nói ta biết thuyết, biết giải, nói ta là Hòa thượng, ngươi là đệ tử, lỗi đó đồng như ma thuyết. Vô cớ nói rằng :"Mắt thấy đạo còn, là Phật hay chẳng là Phật, là Bồ đề hay chẳng là Bồ đề, là Niết bàn hay chẳng là Niết bàn, là giải thoát hay chẳng là giải thoát,... hoặc vô cớ nói ra một tri, một giải, hoặc giơ một cánh tay, dựng một ngón tay bảo là thiền, là đạo, những lời nói cử chỉ này trói buộc người không biết đến khi nào mới thôi, ấy là chồng thêm dây trói buộc tỳ kheo. Dẫu cho không nói cũng có lỗi. Thà làm thầy cho tâm, chẳng cho tâm làm thầy. 

Giáo bất liễu nghĩa mới có Thiên Nhân Sư, có Đạo Sư. Trong giáo liễu nghĩa thì chẳng có Thiên Nhân Sư, chẳng cho pháp làm thầy. Nếu chưa thể y được sự chiếu soi nhiệm mầu của tự tánh, tạm y được giáo liễu nghĩa còn có phần thân cận, nếu là giáo bất liễu nghĩa thì chỉ thích hợp để nói trước bọn người tục tai điếc. Nay chỉ cần chẳng y trụ tất cả pháp có, không, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không khởi cái tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là đại thiện tri thức, cũng nói : "Chỉ có một mình Phật là người đại thiện tri thức, không có người thứ hai, ngoài ra đều gọi là ngoại đạo, cũng gọi là ma thuyết". Nay chỉ cần phá câu nói hai đầu (tương đối), chớ tham nhiễm việc mở trói và tất cả cảnh pháp có, không, ngoài ra không có ngữ cú nào khác để dạy người. Nếu nói có ngữ cú khác để dạy người, có pháp khác để cho người, đó gọi là ngoại đạo, cũng gọi là ma thuyết. 

Cần phải biết lời giáo liễu nghĩa, lời giáo bất liễu nghĩa, cần phải biết lời tùy tục, lời nghịch tục, cần phải biết lời nói sống, lời nói chết, cần phải biết lời thuốc, lời bệnh, cần phải biết lời ví dụ thuận, lời ví dụ nghịch, cần phải biết lời nói chung, lời nói riêng. Nói do tu hành được thành Phật, có tu có chứng, là tâm là Phật, tức tâm tức Phật,...,dù là do Phật thuyết nhưng đều thuộc về lời giáo bất liễu nghĩa, là lời tùy tục, là lời nói chung, là lời nhẹ như mang một lon một lít, là lời nói về bên pháp uế, là lời ví dụ thuận, là lời nói chết, là lời nói trước kẻ phàm phu. Chẳng cho do tu hành mà được thành Phật, không tu không chứng, phi tâm phi Phật,... cũng là lời do Phật thuyết, nhưng đều thuộc về lời giáo liễu nghĩa, là lời nghịch tục, là lời nói riêng, là lời nặng như mang trăm tạ, là lời nói ngoài giáo tam thừa, là lời ví dụ nghịch, là lời nói về bên pháp tịnh, là lời nói sống, là lời nói trước người có quả vị. 

Từ Tu Đà Hoàn trở lên cho đến bậc Thập địa, hễ có lời nói đều thuộc về pháp trần cấu, hễ có lời nói đều thuộc về bên phiền não, hễ có lời nói đều thuộc về giáo bất liễu nghĩa. Giáo liễu nghĩa là trì, giáo bất liễu nghĩa là phạm, Phật địa không có trì phạm nên giáo liễu nghĩa và giáo bất liễu nghĩa đều chẳng cho. 

Do mạ biết đất tốt xấu, do trược (đục) biết thanh (trong). Như nay cái giác chiếu soi nếu theo bên thanh mà xét thì có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, không có giác chiếu soi cũng chẳng phải thanh, thanh cũng chẳng phải, không thanh cũng chẳng phải, thánh cũng chẳng phải, không thánh cũng chẳng phải, tại vì thấy nước đục (trược) mới nói lỗi của nước đục, nước nếu trong (thanh) thì đâu có gì để nói nữa, nói ra là làm đục nước rồi. 

Nếu có cái hỏi của không hỏi thì cũng có cái nói của không nói, bởi Phật chẳng vì Phật mà nói pháp. Pháp giới bình đẳng chân như, không có Phật nào mà không độ chúng sanh, Phật chẳng trụ Phật gọi là chân phước điền. 

Cần phải phân biệt lời chủ khách, nếu tham nhiễm tất cả cảnh pháp có, không, sẽ bị tất cả cảnh pháp có, không làm mê hoặc thì tự tâm là ma vương, chiếu dụng thuộc ma dân. Như nay cái giác chiếu soi chỉ cần chẳng y trụ vào tất cả các pháp có không, các pháp thế gian và xuất thế gian, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không có tri giải về "không trụ nơi chẳng y trụ". 

Tự tâm là Phật, Phật là bất nhị, nếu chiếu dụng (khách quan) thuộc Bồ tát. Tâm tâm là chúa tể thì chiếu dụng (chủ quan) thuộc khách trần. Như nước nổi sóng thì chẳng thể chiếu soi vạn tượng, nếu nước trong lặng tịch chiếu, không lập năng sở, tự nhiên thấu suốt cổ kim, như nói : "Thần vô chiếu công, chí công thường tồn" (2), bậc người như thế được làm đạo sư ở khắp mọi nơi. 

Tánh thức của chúng sanh là tánh keo sơn, luôn luôn dính mắc các pháp có không, vì chưa từng bước lên thềm bậc Phật nên thình lình cho uống thuốc huyền chỉ chẳng được, bỗng nghe lời nói xuất cách họ tin chẳng nổi, cho nên đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề bốn mươi chín ngày lặng lẽ tư duy, vì Phật tánh không có hình tướng số lượng, chẳng thể thí dụ, thực là khó nói. Nếu nói chúng sanh có Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng, nói chúng sanh không Phật tánh cũng là phỉ báng Phật pháp tăng. Nếu nói có Phật tánh là chấp trước báng. Nếu nói không Phật tánh là hư vọng báng. Như nói về tứ cú kệ : Nói Phật tánh có là tăng ích báng (nói thêm), nói Phật tánh không là tổn giảm báng (nói bớt), nói Phật tánh cũng có cũng không là tương vi báng (trái ngược nhau), nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận báng (nói bông đùa). Ban sơ nếu không nói thì chúng sanh không có hy vọng giải thoát, còn ban sơ nếu muốn nói lại sợ chúng sanh đuổi theo lời nói sanh ra kiến giải, lợi ít mà hại nhiều. Nên Phật nói : "Ta thà chẳng thuyết pháp, hãy mau nhập Niết bàn". Nhưng sau đó tìm về chư Phật quá khứ, thấy các Ngài đều nói pháp tam thừa nên Phật mới giả lập kệ pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ đề, Niết bàn, giải thoát, nói với họ là Bồ đề, Niết bàn, giải thoát,.... Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi tạm cho họ gánh một lon một lít, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác. Vì thiện quả mãn rồi thì ác quả đến, được Phật thì có chúng sanh đến, được Niết bàn thì có sanh tử đến, được sáng thì có tối đến, tất cả chỉ là nhân quả hữu lậu đối đãi nhau, nếu muốn vượt qua sự đối đãi chỉ cần cắt đứt câu hai đầu (tương đối) thì chẳng bị số lượng hạn chế. 

Phật tánh bất nhị, không Phật, không chúng sanh, không thân, không sơ, không cao, không thấp, không bình, không đẳng, không đi, không đến, chỉ cần chẳng chấp trước văn tự, cắt đứt hai đầu thì sự tương đối trói buộc chẳng được, khỏi bị khổ vui lôi kéo, khỏi bị sáng tối khống chế. Nói về lý thì chân thật cũng chẳng chân thật hư vọng cũng chẳng hư vọng, vì không phải là vật có số lượng nên dụ như không, chẳng thể tu sửa. Nếu tâm có một chút tri giải liền bị số lượng dính mắc cũng như keo sơn, năm chỗ (ngũ uẩn) đều bị dính mắc thì bị ma vương nắm bắt được, chẳng được tự do về nhà. 

Luận về giáo ngữ đều có ba câu liền nhau là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ là bảo họ phát thiện tâm, trung là phá thiện tâm, hậu mới gọi là thiện tốt. "Bồ tát tức phi Bồ tát thị danh Bồ tát", "Pháp, phi pháp, phi phi pháp", cũng như tất cả ba câu trong kinh Kim Cang nghĩa đều như thế. Nếu chỉ nói nghĩa một câu hoặc hai câu làm cho chúng sanh vào địa ngục là tội của pháp sư, nếu đồng thời nói cả nghĩa ba câu mà họ hiểu lầm tự vào địa ngục thì việc ấy không liên can gì đến pháp sư. Như nay nói cái giác chiếu soi là Phật của mình, là sơ thiện không chấp lấy cái giác chiếu soi này, câu là trung thiện, cũng không có cái tri giải về sự không chấp lấy, là hậu thiện. Những lời trên còn thuộc về Phật sau Đức Nhiên Đăng, chỉ là không phàm cũng không thánh, chớ sai lầm nói Phật chẳng phải phàm chẳng phải thánh. Sơ Tổ Trung Hoa nói : "Vô năng, vô thánh là Phật thánh". Nếu nói có thần thông biến hóa là Phật thánh thì chín phẩm tinh linh rồng, súc sanh... cho đến các cõi trời trở lên cũng có thần thông cũng có thần thông biến hóa, cũng biết được việc xưa nay trăm kiếp, nhưng đâu được gọi là Phật! Như A Tu La Vương thân gấp đôi núi Tu Di vô cùng to lớn, lúc cùng với trời Đế Thích giao chiến, tự biết sức không bằng bèn dắt trăm muôn binh sĩ chui vào cọng sen ẩn núp, thần thông biện tài cũng không biết nhưng chẳng phải là Phật. 

Giáo ngữ có cấp bậc ẩn hiển, cao thấp, lên xuống bất đồng. Lúc chưa ngộ, chưa giải thoát, gọi là tham sân, ngộ rồi gọi là Phật huệ, nên nói : "Không khác người thuở trước, mà chỉ khác cái hành vi thuở trước". 

GHI CHÚ : 

(l) Mười câu ma ngữ : là trược tâm, tham tâm, ái tâm, nhiễm tâm, sân tâm, chấp tâm, trụ tâm, y tâm, thủ tâm, luyến tâm. 

(2) "Thần vô chiếu công, chí công thường tồn" : Thần dụ cho tự tánh, tự tánh bất nhị không có năng chiếu sở chiếu nên nói "thần vô chiếu công", nhưng không phải là không có chiếu soi. Vì thể dụng của tự tánh cùng khắp không gian thời gian nên nói "chí công thường tồn".
 
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Đổi Giå LÃm 泰卦 Bớt hãy nhan qua la co that lắng tri tue va ki cuong đau đò Húy kỵ Hòa thượng khai sơn chùa Phước gap Ð Ð Ð to hiep Khổ qua kho nấm đông lòng từ bi và vấn đề công lý cá u trá thien pháp thuc 8 dieu de va kho cua kiep nguoi tất vòng lang Vài Thiên chuỗi hòn thì nghiệp quả sẽ ra Chữ loi phat day bien ai vo cung lam sao tat can đám noi bản tóm chua hoa thanh chua cay mit Pháp hoà quê qua 不空羂索心咒梵文 Lục tổ huệ năng thơm ky 第一 相 正式 ç n Cưỡi VÃ Æ chuyện DÃƒÆ Ngoại tim thủy mà Šhành vang me 真言宗金毘羅権現法要 Năm Quả hạch tốt cho tim mạch lễ đứng hanh gởi truyện lục tổ huệ năng phần 2 voi