.
BÁ TRƯỢNG NGỮ LỤC 
Hoài Hải Thiền Sư
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Từ Ân Thiền Ðường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992
Trang 01
Trang 02
Trang 03
Hỏi : 

Chặt cây, cuốc cỏ, khai mương, đào đất, có tướng tội báo không? 

Sư đáp : 

Không thể nhất định nói là có tội hay không tội. Việc có tội hay không tội là do nơi người đó. Nếu tham nhiễm tất cả pháp có không, có tâm lấy bỏ, không thấu suốt nghĩa ba câu, thì nói người này nhất định có tội. Nếu thấu suốt nghĩa ba câu, tâm như hư không, cũng chẳng có cái nghĩ tưởng hư không, thì người này nhất định là không tội. Lại nữa, nếu tội đã tạo rồi mà nói là không thấy có tội thật là vô lý. Nếu không tạo tội mà nói là có tội thì cũng là vô lý. Như trong luật nói : "Người hôn mê giết người và trong chiêm bao giết người còn không bị tội giết", huống là sự truyền thừa của Thiền tông, chẳng trụ một pháp nào, tâm như hư không, cũng không có tướng hư không, thì tội đặt để ở chỗ nào? 

* * 
Xưa nếu có nay thì nay cũng có xưa, nghĩa là ngày xưa có Phật thì ngày nay cũng có Phật. Hiện tại nếu được một niệm chẳng bị tất cả pháp có không quản nhiếp, thì thẳng đến tận vị lai cũng được như vậy. Xưa cũng như nay, Phật chỉ là người, người chỉ là Phật, cũng là chánh định, chẳng cần đem định nhập định, chẳng cần đem thiền tưởng thiền, chẳng cần đem Phật tìm Phật, như nói : "Pháp chẳng cầu pháp, pháp chẳng đắc pháp, pháp chẳng hành pháp, pháp chẳng thấy pháp, thì tự nhiên đắc pháp, chẳng nhờ đắc để đắc thêm". Cho nên Bồ tát cần phải chánh niệm như vầy : Đối với pháp rỗng không độc tồn, cũng không biết cái pháp độc tồn, thì chí tánh tự như như, chẳng phải do nhân làm ra, cũng gọi là thể kết, cũng gọi là thể tập, chẳng phải là trí biết, chẳng phải là thức biết, bạch chỗ suy lường, tột cái thể ngưng tịch, sự suy nghĩ dứt hẳn như nước biển cạn sạch, sóng không còn sanh khởi nữa. 

Cũng nói : Như nước biển lớn không có gió mà lượn sóng lăn tăn, bỗng biết lượn sóng lăn tăn ấy là cái biết thô trong tế, quên cái biết nơi biết vẫn còn là cái tế trong tế. Nói cảnh giới Phật là từ cái biết đầu tiên này sanh ra tất cả tam muội, cũng gọi là đảnh tam muội, cũng gọi là vua tam muội, cũng gọi là nhĩ-diệm-trí (trí sở tri), dùng những tam muội này tưới trên đảnh đầu của các vị pháp vương tử, khiến cho ở nơi tất cả cõi nước (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều thành Đẳng Chánh Giác, khi ấy trong ngoài thông đạt chẳng gì ngăn cách một sắc một trần, một Phật một sắc, tất cả Phật tất cả sắc, tất cả trần tất cả Phật, do đến tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi mỗi cùng khắp tất cả cõi nước cũng đều như thế. Đây là thô trong tế, là cảnh giới thiện, trong cảnh giới này kiến văn giác tri là tất cả thượng lưu, xuất sanh nhập tử độ tất cả "có, không" cũng là thượng lưu, Niết bàn cũng là thượng lưu, Vô Thượng Đạo, Vô Đẳng Đẳng Chú cũng là thượng lưu.... Phàm sở thuyết của thượng lưu là cái thuyết đệ nhất, ở trong các thuyết rất là thâm sâu, không người nào có thể đến được. Nói chư Phật hộ niệm nghĩa là khéo nói cái dụng thâm sâu quảng đại của tất cả nước trong và đục nên mới được chư Phật hộ niệm. 

Kinh nói : "Đi đứng nằm ngồi nếu được như thế, lúc ấy Ta liền hiện thân thanh tịnh quang minh". Lại nói : "Như ngươi thân bằng, ngữ bằng, Ta cũng bằng như thế, cho đến một Phật sát (l) thanh, một Phật sát hương, một Phật sát vi, một Phật sát xúc, một Phật sát sự, thảy đều như thế. Từ đây lên đến thế giới Liên Hoa Tạng cao rộng thảy đều như vậy". 

Nếu giữ lấy cái biết đầu tiên làm tri giải, gọi là đảnh kết (phiền não cao tột), cũng gọi là đọa đảnh kết, là căn bản của tất cả trần lai. Vô cớ tự sanh tri kiến gọi là không dây mà tự trói. Tại sao vậy? Vì có sở tri nên bị cái sở tri ấy ràng buộc trong tam giới. Lại nữa cái biết đầu tiên nầy có thể làm tan tất cả cửa phiền não trói buộc, Nhị thừa gọi là nhĩ-diệm-thức (thức sở tri), cũng gọi là vi tế phiền não, hàng Nhị thừa biết được lập tức dứt trừ. Đã dứt trừ xong, gọi là đem thần tánh trở về cái hang không, cũng gọi là bị rượu tam muội làm say, cũng gọi là bị ma giải thoát trói buộc. Thế giới thành hoại, định lực Nhị thừa có thể duy trì, nhưng vẫn bị lọt vào quốc độ khác mà chẳng hay biết, nên gọi là chỗ hầm sâu giải thoát đáng sợ hãi. Còn hàng Bồ tát thì xa lìa hết thảy. 

GHI CHÚ : 

(l) Một Phật sát : Một tam thiên đại thiên thế giới. 
  
* * 
Sư nói : 

Phát nguyện cầu vô thượng Niết Bàn còn là tà nguyện. Nơi thân ngũ ấm của mình bị người mổ xẻ, không cảm thấy phiền não, cũng không một niệm sanh tâm nhân ngã, nếu y trụ cái không một niệm đó cho là phải, gọi là pháp trần cấu. Người thập địa thoát chẳng được còn trôi vào sông sanh tử, huống là những kẻ đuổi theo danh lợi, cống cao ngã mạn, nói "ta được tất cả vô ngại", ấy chỉ là tự dối thôi. 

* * 
Sư nói : 

Tổ Đạt Ma nói : "Tâm cho là có chỗ đúng ắt phải có chỗ sai". 

Nếu quý một vật thì bị một vật mê hoặc, nếu tin thì bị tin mê hoặc, nếu không tin lại thành phỉ báng. Vậy chớ nên quý chớ nên không quý, chớ nên tin chớ nên không tin. 

* * 
Hỏi : 

Thế nào là "hữu tình không Phật tánh" và "vô tình có Phật tánh"? 

Sư đáp : 

Từ người đến Phật là tình chấp thánh, từ người đến địa ngục là tình chấp phàm. Như nay đối với hai cảnh phàm thánh có tâm ái nhiễm thì gọi là "hữu tình không Phật tánh". Còn như đối với hai cảnh phàm thánh và tất cả pháp có không đều không có tâm lấy bỏ, cũng không có cả cái tri giải về không lấy bỏ thì gọi là "vô tình có Phật tánh". Do vì không bị tình chấp ràng buộc nên gọi là vô tình, chứ không phải đồng với các loại vô tình như gỗ, đá, hư không, hoa vàng, trúc biếc, mà cho là có Phật tánh. Nếu nói vô tình có Phật tánh, tại sao trong kinh không thấy thọ ký cho chúng thành Phật? Chỉ như hiện nay cái giác chiếu soi không bị loài hữu tình ảnh hưởng mà biến đổi, nên dụ như trúc biếc; tịch mà thường chiếu, sẵn sàng ứng cơ, chẳng phải không biết thời tiết, thời tiết đến thì hoa nở, nên dụ như hoa vàng. 

Lại nói : "Nếu bước lên nấc thang Phật là vô tình có Phật tánh, còn chưa bước lên nấc thang Phật là hữu tình không Phật tánh". Lúc chưa ngộ gọi là mẹ, ngộ rồi gọi là con, cũng không có tri giải về ngộ và chưa ngộ gọi là mẹ con đều mất. 

* * 
Sư nói : 

Tất cả ngôn giáo chỉ là trị bệnh. Vì bệnh chẳng đồng nên thuốc cũng chẳng đồng, do đó có lúc nói có Phật, có lúc nói không Phật, mục đích chính là trị bệnh. Bệnh nếu được lành, mỗi lời đều là lời thật, nếu trị bệnh không lành, mỗi lời đều là hư vọng. Cho lời thật là lời hư vọng là vì sanh khởi kiến chấp, cho lời hư vọng là lời thật là vì muốn đoạn dứt tưởng điên đảo của chúng sanh. Kỳ thật bệnh vốn là hư vọng thì phải dùng thuốc hư vọng để đối trị mà thôi. 


* * 
Sư nói : 

Nơi thánh địa học tập nhân phàm, là Phật vào trong chúng sanh để dẫn dắt dạy bảo đồng loại. Cũng như vào đạo ngạ quỷ cùng họ chịu khổ, mới có dịp thuyết Bát Nhã Ba La Mật cho họ khiến họ phát tâm, nếu cứ ở thánh địa mãi thì làm sao có dịp đến thuyết pháp cho họ. Phật vào các loài chúng sanh làm ghe thuyền cho họ, cùng họ chịu khổ, lao nhọc biết bao! Phật vào chỗ khổ cũng đồng như chúng sanh chịu khổ, Phật chỉ là đi ở tự do chẳng đồng với chúng sanh thôi. Phật chẳng phải hư không, chịu khổ đâu thể không khổ, nếu nói không khổ là không đúng. 

Bình thường chớ nên nói Phật có thần thông tự tại hay không tự tại. Người biết hổ thẹn thì không dám nói Phật là hữu vi hay là vô vi, không dám nói Phật là tự do hay không tự do. Ngoài sự tán thán phương thuốc hay, không được hiển lộ sự tương đối. Kinh nói : "Nếu người đem Phật, Bồ đề đặt bên chỗ đúng thì người ấy bị tội lớn". Cũng nói : "Nếu ở trước người không biết Phật pháp mà nói với họ như thế thì không lỗi". Thí dụ sữa bò vô lậu hay trị bệnh hữu lậu, bò ấy không ở trên cao nguyên, không ở dưới ẩm thấp, thì sữa bò này nên làm thuốc. Cao nguyên dụ cho Phật, ẩm thấp dụ cho chúng sanh. Cũng như nói : "Thật trí của Pháp Thân Như Lai biện tài vô ngại, đi ở tự tại, bất sanh bất diệt, gọi là sáng, còn sanh lão bệnh tử, đau khổ mọi thứ, gọi là tối, như ăn canh nấm trúng độc mà chết ấy là tối. Nếu tiêu diệt dấu tích, sáng tối đều lìa vô thủ vô y thì chẳng sáng chẳng tối". 

Nói Phật sanh nơi cung vua, lấy vợ Da Du Đà La, cho đến trải qua tám giai đoạn thành Phật, ấy là sự vọng tưởng chấp thật của hàng Thanh Văn và ngoại đạo. Tự tánh bất nhị, chẳng một chẳng hai, người mắt sáng cần phải đủ hai con mắt để chiếu soi, chiếu phá diệt hai đầu (tương đối). Nếu chỉ có một con mắt thiên hướng một bên thì phải bỏ mất bên kia. Người xưa nói : "Dù Công Đức Thiên, Hắc Ám Nữ đi theo, người chủ có trí thì cả hai đều chẳng nhận". Người học đạo nên tâm như hư không, sở học mới được thành tựu. 

Lục Tổ nói : "Thiện ác đều chớ suy nghĩ". 

Mã Tổ nói : "Như người mê chẳng phân biệt phương được hướng". 

Tăng Triệu nói : "Bế tắc trí huệ thông minh, độc giác mênh mông". 

Văn Thù nói : 

Vì tâm đồng hư không 

Kính lễ vô sở quán 

Kinh điển rất thâm sâu 

Chẳng nghe chẳng thọ trì.

Chỉ như nay đối với các pháp có không chẳng thấy chẳng nghe, lục căn đóng bít, nếu học được như thế, trì kinh như thế, mới có phần tu hành. Lời này đắng miệng nghịch tai, nếu người nào thực hành được thì đến kiếp thứ nhì hoặc kiếp thứ ba ắt được ở chỗ không có Phật mà tọa đạo tràng, thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, biến ác thành thiện, biến thiện thành ác, dùng pháp ác giáo hóa thập địa Bồ tát, dùng pháp thiện giáo hóa địa ngục ngạ quỷ, gặp chỗ sáng thì khéo mở trói cho sáng, gặp chỗ tối thì khéo mở trói cho tối. Cũng nói : "Từ sắc giới trở lên, bố thí là bệnh, bỏn xẻn là thuốc, từ sắc giới trở xuống, bỏn xẻn là bệnh, bố thí là thuốc". Cũng nói : "Từ người đến Phật là đắc, từ người đến địa ngục là thất, thị phi cũng vậy". Tam Tổ nói : "Đắc thất thị phi, nhất thời buông bỏ". Nắm vàng thành đất, nắm đất thành vàng, tự do biến hóa, tất cả đều làm được. Ngoài hằng sa thế giới có kẻ cầu cứu, Phật liền hiện ra ba mươi hai tướng tốt trước mặt người ấy, dùng tiếng nói của họ thuyết pháp cho họ, tùy cơ cảm ứng, tùy loại biến hóa, mà hiện hình khác nhau, lìa ngã và ngã sở. Làm những được việc này vẫn chỉ là tiểu dụng, cũng còn nằm trong cửa Phật sự. Nếu là đại dụng : đại thân ẩn nơi vô hình, đại âm dấu nơi hy thanh (âm thanh ngoài tần số nghe), như lữa ở trong gỗ cây, như tiếng ở trong chuông trống, khi chưa đủ nhân duyên chẳng thể nói đó là có hay không. Đối với quả báo cõi trời, bỏ nó như nhổ nước miếng, đối với lục độ vạn hạnh của Bồ tát như nhờ tử thi làm bè qua sông, cũng như chui lỗ cầu tiêu để ra khỏi tù. Phật đắp ba mươi hai tướng tốt gọi là đắp cái y cáu bẩn. 

* * 
Sư nói : 

Chẳng thiện trói, chẳng ác trói, chẳng Phật trói, chẳng chúng sanh trói, cho đến chẳng tất cả số lượng trói. Nên nói : "Phật là người ở ngoài trói buộc". 

Những người tham đắm tri giải nghĩa cú như mẹ thương con, chỉ biết cho con ăn nhiều tô lạc, tiêu hay không tiêu đều không màng đến. Lời này dụ cho : 

Hàng thập địa thọ sự cúng dường của trời người là tôn quý phiền não.  

Thiền định sanh vào sắc giới, vô sắc giới, là phước lạc phiền não.  

Được thần thông tự tại bay đi ẩn hiện khắp tịnh độ mười phương chư Phật, là nghe pháp phiền não.  

Học từ bi hỷ xả là nhân duyên phiền não.  

Học lý không, bình đẳng, là trung đạo phiền não  

Học tam minh lục thông là tứ vô ngại phiền não.  

Học tâm đại thừa là phát tứ hoằng thệ nguyện phiền não.  

Sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa là minh giải phiền não.  

Ngũ địa, lục địa, thất địa là chư tri kiến phiền não.  

Bát địa, cửu địa, thập địa là song chiếu nhị đế (chân đế và tục đế) phiền não. 

Cho đến học Phật quả là bá vạn A tăng kỳ chư hạnh phiền não. 

Lược giải : 

Các thứ phiền não kể trên có thể khiến người đọc nghi ngờ nên chúng tôi luợc giải : 
Bản năng của tự tánh vốn đầy đủ, cùng khắp không gian và thời gian, nếu được phát hiện (kiến tánh) thì tùy duyên cảm ứng chẳng thiếu sót. Nay còn học thêm làm thêm cũng như trên đầu mọc thêm đầu, chỉ tự thêm lao nhọc, cho nên nói là phiền não. 

Lược giải hết. 

Chỉ biết tham đắm nghĩa cú tri giải chẳng biết đó là trói buộc phiền não, nên nói : "Giòng sông kiến chấp hay cuốn trôi hương tượng (loài voi lớn ở Hi Mã Lạp Sơn, dụ cho hàng Bồ tát)". 

* * 
Sư nói : 

Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là thiền đạo, có kiến giải này, tức thuộc về phái ngoại đạo tự nhiên. 

Nếu chấp nhân duyên tu thành, chứng đắc, tức thuộc về phái ngoại đạo nhân duyên. Chấp có tức thuộc về phái ngoại đạo thường kiến. 

Chấp không tức thuộc về phái ngoại đạo đoạn kiến. 

Chấp cũng có cũng không tức thuộc về phái ngoại đạo biên kiến. 

Chấp chẳng có chẳng không tức thuộc về phái ngoại đạo không kiến, cũng gọi là ngoại đạo ngu si. 

Hiện nay chớ cho là kiến (thấy) Phật, kiến Niết bàn, kiến tất cả pháp có không..., cũng không phải là vô kiến, mới được gọi là chánh kiến. Không có tất cả văn (nghe), cũng không phải là vô văn, mới được gọi là chánh văn. 

Văn Thù là Tổ Sư của bảy Phật, cũng là Bồ tát bậc nhất trong cõi Ta Bà, vô cớ nổi lên cái tưởng kiến Phật, cái tưởng văn pháp, nên bị sức oai thần của Phật đày đi núi Nhị Thiết Vi. Ngài chẳng phải là không hiểu, chỉ vì đặc biệt muốn làm mô phạm cho người hậu học, kiến người đời sau chớ nên móng khởi những kiến văn như thế. Hễ không chấp tất cả các pháp hữu vô, hữu kiến vô kiến... mỗi mỗi thấu suốt ngoài ba câu, ấy gọi là Như Ý Bảo, cũng gọi là Bửu Liên Hoa hứng chân. Nếu sanh khởi Phật kiến pháp kiến và tất cả các kiến hữu vô, gọi là con mắt bị nhặm vì có năng kiến sở kiến, nên gọi là kiến ràng buộc, cũng gọi là kiến che khuất, cũng gọi là kiến nghiệp. Như nay niệm niệm đối với tất cả kiến văn giác tri và tất cả trần cấu được tẩy sạch hết thì một trần một sát trọn là một Phật. Hễ khởi một niệm "trọn là một Phật", niệm niệm tương tục trong tam thế ngũ ấm không có số lượng, ấy gọi là Phật đầy khắp hư không, cũng gọi là phân thân Phật (Sư từng nói : "Hễ có cử tâm động niệm đều gọi là phá giới". Tại sao niệm này lại được gọi phân thân Phật? Vì thiên ma Ba Tuần muốn tìm chỗ một niệm khởi của Bồ tát để khuấy phá, nhưng chỗ khởi niệm nầy có thể tìm được chăng? Nếu chẳng thể tìm thì tại sao Văn Thù kiến Phật, văn pháp bị đày đi núi Nhị Thiết Vi). 

* * 
Sư nói : 
Không có ma phàm phu đến là đại thần chú, không có ma Nhị thừa đến là đại minh chú, không có ma Bồ tát đến là vô thượng chú, không có ma Phật đến là vô đẳng đẳng chú. 

Một biến chúng sanh là siểm-khúc tu-la (l), hai biến Nhị thừa là siểm-khúc tu-la, ba biến Bồ tát là siểm-khúc tu-la. Đó là tam biến tịnh độ (2). Tất cả pháp có không, phàm thánh,... dụ như quặng vàng, tự mình đúng lý dụ như vàng. Vàng với quặng tách rời nhau thì vàng thật lộ ra. Nếu có người muốn tiền thì liền biến vàng thành tiền cho người ấy dùng. Cũng như bột mì thật, nếu có người đến xin bánh liền làm thành bánh cho người đó. Cũng như viên quan hầu cận có trí, khéo hiểu được ý nhà vua, vua lúc muốn đi, kêu "Tiên đà bà", liền đem ngựa đến; lúc vua muốn ăn, kêu "Tiên đà bà", liền đem búa đến. Những việc trên dụ cho người học huyền chỉ, khéo được thông đạt thì ứng cơ chẳng sai lầm, nên cũng gọi là lục tuyệt sư tử (tự tánh). Ngài Chí Công nói : "Tùy người tạo tác, trăm sự biến hóa". Hàng Bồ tát Thập địa chẳng đói chẳng no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy, nhưng nếu muốn cháy cũng chẳng thể cháy, vì các vị ấy còn bị số lượng hạn chế. Phật thì chẳng phải như thế, vào lửa chẳng cháy, còn như muốn cháy liền cháy, vào nước chẳng chìm, muốn chìm liền chìm. Ngài xử dụng tứ đại được tự do, tất cả sắc là sắc Phật, tất cả thanh là thanh Phật, cặn bã nhơ uế của tâm siểm khúc sạch hết, thấu suốt nghĩa ba câu mới được nói lời nầy : Bồ tát thanh tịnh, đệ tử sáng suốt, có nói ra điều gì cũng chẳng chấp có không, tất cả chiếu dụng chẳng lạc vào thanh hay trược. 

Người có bệnh mà không uống thuốc là người ngu. Người không bệnh mà uống thuốc là hàng Thanh Văn. Người chấp quyết định vào một pháp gọi là định tánh Thanh Văn. Người luôn luôn đa văn gọi là tăng thượng mạn Thanh Văn. Người ham biết các pháp ngoài tâm gọi là hữu học Thanh Văn. Người trầm không trệ tịch và tự biết mình gọi là vô học Thanh Văn. 

Tham sân si là độc, mười hai phần giáo là thuốc, độc chưa tiêu hết, thuốc không được bỏ, không bệnh mà uống thuốc, thuốc trở thành bệnh. Bệnh hết mà thuốc không bỏ nên mới nói : "Bất sanh bất diệt là nghĩa vô thường". Kinh Niết Bàn nói : "Tu sĩ có ba điều ác dục : Một là muốn được tứ chúng vây quanh, hai là muốn mọi người làm môn đồ mình, ba là muốn mọi người biết ta là thánh nhân (có trí huệ cao)". Kinh Ca Diếp nói : "Có bốn điều ác dục : 

Một là muốn cầu thấy Phật vị lai, hai là muốn cầu làm Chuyển Luân Vương, ba là muốn cầu vào dòng Sát Đế Lợi, bốn là muốn được vào hàng Bà la môn nhẫn đến chán sanh tử cầu Niết Bàn". Những điều ác dục như vậy trước hết phải dứt trừ. Hiện tại hễ có dấy niệm đắm nhiễm đều gọi là ác dục, đều thuộc về sáu cõi trời dục giới, bị ma Ba Tuần cai quản. 
  
  
GHI CHÚ : 

(l) Siểm-khúc tu-la : 
A-tu-la có ba nghĩa : 
l.- Vô đoan : xấu xí (đoan = đoan trang). 
2.- Vô tửu : quả báo không có rượu. 
3.- Phi thiên : giống thiên (trời) mà hạnh không bằng thiên. Giống thiên, tánh hay sân, mạn, nghi, tâm chấp trước rất mạnh, dầu được giáo hóa tâm cũng không động (tự không biết quấy), dầu nghe lời hay cũng không được chứng ngộ, lại rất đố kị Phật thuyết pháp. Phật nói tứ niệm xứ thì nó nói ngũ niệm xứ, Phật nói ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì nó nói ba mươi tám phẩm, đó là bị cái tâm co khúc che lấp. 
Như vậy siểm-khúc tu-la là xấu xí (mặt) cong queo (tâm). 

(2) Tam biến tịnh độ : 
Phẩm Bảo - tháp trong kinh Pháp Hoa, có việc như vầy : 
"Mười phương phân thân Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni, mỗi mỗi thân phân Phật này đều dắt theo một Bồ tát đi cúng dường tháp Đa Bảo, khi đến núi Linh Khứu, Phật Thích Ca dùng thần lực biến uế độ thành tịnh độ : 
Ban đầu biến một thế giới ta bà thành tịnh độ.  
Kế đó biến hai triệu ức cõi nước thành tịnh độ.  
Sau biến hai triệu ức na do tha cõi nước thành tịnh độ. 
Theo đó gọi là tam biến tịnh độ. 

* * 
Sư nói : 

Tin thật có tất cả pháp gọi là lòng tin chẳng đủ, cũng gọi là tin chẳng viên tròn, cũng gọi là tin thiên lệch một bên, nên gọi là Nhất Xiển Đề. Như nay muốn được thẳng đến giác ngộ cần phải nhân pháp đều quên, nhân pháp đều tuyệt, nhân pháp đều không, thấu suốt nghĩa ba câu, gọi là người chẳng đọa chư số, ấy mới được gọi là kẻ tin pháp. 

* * 
Sư nói : 

Phật là người ở ngoài ràng buộc, chẳng có mảy may ái thủ, cũng chẳng có không ái thủ, cũng không có tri giải vế ái thủ hay không ái thủ, gọi là đầy đủ lục độ vạn hạnh. Nếu cần đồ trang nghiêm thì mỗi mỗi đều sẵn có, nếu không cần thì cũng không mất. Luôn luôn tự do điều khiển nhân quả phước trí. 

* * 
Hỏi : 

Chư Tổ từ xưa đều có mật ngữ trao truyền cho nhau là như thế nào? 

Sư đáp : 

Không có mật ngữ. Như Lai không có tạng bí mật. Vì cái giác chiếu soi này, lời nói rõ ràng mà tìm hình tướng chẳng thể được, nên nói là mật ngữ. Từ Tu Đà Hoàn trở lên cho đến Thập địa hễ có ngữ cú đều thuộc về pháp trần cấu, hễ có ngữ cú đều thuộc về bên phiền não, hễ có ngữ cú đều thuộc về giáo bất liễu nghĩa, hễ có ngữ cú đều chẳng cho. Giáo liễu nghĩa vẫn là sai lại còn đòi mật ngữ gì nữa! 

* * 
Sư nói : 

Kẻ chân cúng dường chẳng trụ tam nghiệp : tiền tế (quá khứ) không phiền não để đoạn, trung tế (hiện tại) không tự tánh để giữ, hậu tế (vị lai) không Phật để thành, đó là tam tế đoạn, là ba nghiệp thanh tịnh, là tam luân thể không, là tam đàn (l) không. 

Tại sao nói tỳ kheo hầu hạ nơi Phật? Nghĩa là người lục căn vô lậu, cũng gọi là "trang nghiêm KHÔNG, vô chư lậu", "Rừng cây trang nghiêm KHÔNG, vô chư nhiễm", "Hoa quả trang nghiêm KHÔNG, vô Phật nhãn". 

GHI CHÚ : (l) Tam đàn : Người bố thí, người nhận bố thí và tài vật bố thí. 

* * 
Hỏi : 

Lời nói như cái mô đất để chịu tên bắn. Lời nói sanh ra không thể nào chẳng bị hại như cái mô đất kia (mô đất dụ như thân, chịu tên bắn dụ như bệnh, thân đã sanh rồi thì tất nhiên sẽ có bệnh). Tai hại đã đồng đúng sai làm sao biện biệt? 

Sư đáp : 

Như hai người bắn tên nhau, hai đầu mũi tên đụng nhau giữa đường, nếu như sai chệch một chút ắt có kẻ bị thương. Trong hang tìm tiếng, nhiều kiếp cũng không có hình, tiếng ở bên miệng. Đúng sai là ở nơi người đến hỏi. Nếu cái hỏi sai thì cái đáp theo đúng lời hỏi cũng phải sai, vậy cả hai phải bị trúng tên. 

* * 
Hỏi : 

"Đại Thông Trí Thắng Phật (Bích Chi Phật), mười kiếp ngồi đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng thể thành Phật đạo" là thế nào? 

Sư đáp : 

Kiếp nghĩa là mắc kẹt, cũng có nghĩa là trụ. Trụ nơi một điều thiện, mắc kẹt nơi thập thiện. Ấn Độ nói Phật, Trung Hoa dịch là Giác, cái giác chiếu soi của chính mình nếu bị kẹt nơi thiện gọi là người thiện căn không Phật tánh, nên nói Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng thể thành Phật đạo. 

Gặp ác trụ nơi ác, gọi là cái giác của chúng sanh, gặp thiện trụ nơi thiện, gọi là cái giác của thừa Thanh Văn. Chẳng trụ hai bên thiện ác mà cho sự chẳng trụ là đúng, gọi là giác của thừa Duyên Giác. Đã chẳng y trụ hai bên thiện ác và cũng chẳng khởi tri giải về chẳng y trụ, đó là cái giác của thừa Bồ tát. Đã chẳng khởi tri giải về chẳng y trụ cũng không có cái biết về khởi hay chẳng khởi mới được gọi là đại giác của Phật. 

Như nói Phật chẳng trụ nơi Phật, gọi là chân phước điền, nếu ở trong nghìn muôn người mà có được một người như thế thì gọi là của báu vô giá. Người ấy ở khắp mọi nơi làm đạo sư. Chỗ không có Phật nói là Phật, chỗ không có pháp nói là pháp, chỗ không có tăng nói là tăng, đấy gọi là chuyển đại pháp luân.
 
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chua bao lam ke Năm pháp khiến Chánh pháp không diệt ở mÙng Buffet chay 30 món tặng 1 phần cho nhóm 5 con vào dạ ma di tu Thiền Viện Sùng Phúc Cảnh đẹp Hà bà Thuốc lá và những căn bệnh ung thư gây tien si my chi ra 7 loi ich khi thien va yoga moi Nghĩ về vấn đề pháp hành của Phật Thuốc lá và những căn bệnh ung thư gây nuoc mat me gia nước mắt mẹ già tìm cách trị liệu khi trái tim đã bị giá trị bình yên tinh do trÃ Æ phần 1 phan 2 xuất thế gian tín truyện lục tổ huệ năng phần 1 chiếc Mối tu de tứ đế nu cậu tu de 1 Thử áp dụng thiền Vipassana trong điều tứ đệ 1 Tập luân hồi phần 2 Thịt đỏ tang chua giac lam ngoi chua lon tuoi nhat sai gon vai Dịch giả cuốn sách nổi tiếng mua thu ha noi bà Šo dung bao gio de nan au dam giet chet giac mo kiếp tu chanh can tứ chánh cần chẠthien chanh niem thiền chánh niệm lạy phật và những trải nghiệm của