.

 

Những bước chân nhẹ nhàng
trở về sự im lặng

Phạm Công Thiện

 ---o0o---

CHƯƠNG SÁU

BƯỚC CHÂN THỨ SÁU LÊN ĐƯỜNG THỰC HIỆN VIỆC TRỞ VỀ SỰ IM LẶNG: 

SỰ CHUYỂN ĐỘNG TOÀN DIỆN CỦA TÂM THỨC TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO MẬT TÔNG CỦA HÓA THÂN TÂY TẠNG CHOGYAM TRUNGPA.

 

Tư Tưởng Phật Giáo Kim Cang Thừa Của Bồ Tát Hóa Thân Chogyam Trungpa.

Tinh Thần Hài Hước

 

I. TRÌNH BÀY TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO MẬT TÔNG CỦA HÓA THÂN TÂY TẠNG SƯ TRƯỞNG CHOGYAM TRUNGPA Ở HUÊ KỲ HIỆN NAY.  [^]

Sư trưởng Chogyam Trungpa cũng như Tarthang Tulku, đều là những bậc đại lạt ma Tây Tạng nổi tiếng nhất hiện nay ở Tây phương. Chogyam Trungpa đã dạy Phật Pháp cho người Tây phương bằng một số sách viết thẳng vần tiếng Anh. Cả hai vị này có ảnh hưởng rất sâu đậm đối với thế hệ thanh niên Tây phương hiện nay. Những văn thi sĩ lãnh đạo phong trào văn nghệ Beat Generation dạo trước như thi sĩ nổi tiếng khắp thế giới hiện nay Allen Ginsberg và Gary Snyder đều trở thành môn đệ của Chogyam Trungpa.

Cũng như Tarthang Tulku, Chogyam Trungpa cũng là bậc Bảo Quý (tiếng Tây Tạng gọi là Rinpoche, nghĩa là "quý báu", giáo phẩm cao nhất trong Phật Giáo Tây Tạng tương đương với Thượng Tọa và Hòa Thượng của Việt Nam dù tuổi đời của Tarthang Tulku mới 53 và Chogyam Trungpa chỉ khoảng ngoài 44 tuổi).

Cả hai vị này đều lại được giáo hội Phật Giáo Tây Tạng truy nhận từ lúc còn rất nhỏ bé là Bồ Tát Hóa thân, hiện thân (Tulku). Tarthang Tulku là hóa thân thị hiện của sư trưởng tông Phái Nyingma và nối tiếp dòng tu Tarthang trong truyền thống Mật tông Padmasambhava; còn Chogyam Trungpa là hậu thân thứ mười một của Sư Trưởng Trungpa Tulku thuộc tông phái Kagyu và nối tiếp dòng tu viện Surmang trong truyền thống Mật tông Marpa và Milarepa.

Chogyam Trungpa rời bỏ Tây Tạng năm 1959 Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng t?ạn di tản ba năm ở Ấn Độ. Rồi đến Anh quốc 4 năm học Tôn giáo tỷ giảo và tâm lý học ở đại học trường Oxford, rồi năm 1970 thì Chogyam Trungpa đến định cư ở Huê Kỳ, xây dựng nhiều Phật học viện và viết năm sáu quyển sách bằng tiếng Anh, như quyển Born In Tibe, quyển The Myth of Freedom và Glimpses of Abhi-Dharma. Chogyam Trungpa cũng là một thi sĩ với tập thơ tiếng Anh Mudra. Quyển sách nổi danh nhứt của Chogyam Trungpa là Cutting through Spiritual Materialism (chặt đứt xuyên qua Chủ nghĩa duy vật theo điệu tâm linh), quyển này đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.

Hai vị đại sư Tây Tạng này đều có tư thế rất cởi mở và phóng khoáng không bị nô lệ trói buộc vào những mong đợi vô minh của tín đồ, và sự nghiệp hoằng pháp của hai vị tu sĩ trẻ tuổi Tây Tạng này thực sự là vô cùng lớn rộng sâu đậm ở Tây phương. Những vị tu sĩ và cư sĩ trẻ tuổi Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại đáng nên nhìn kỹ lại mình và nhìn lại Tarthang Tulku và Chogyam Trungpa để cười lớn lên một trận cười qua tinh thần hài hước như Chogyam Trungpa viết nơi chương Sense of Humor trong quyển Cutting through Spiritual Materialism mà chúng tôi xin trích dịch dưới đây:

 

II. TINH THẦN HÀI HƯỚC  [^]

"Đề tài này sẽ trở nên thú vị hơn, khi ta tìm coi cái chi là cái tinh thần đi ngược lại tính hài hước, cái gì không là tinh thần hài hước. Sự đánh mất tính hài hước dường như khởi phát từ thái độ tư thế mình đối với cái gọi là "dữ kiện nan giải", "thực tế khó khăn", "sự kiện ngặt nghèo khó cải được" ("Hard Fact").

Mọi sự việc đời sống trở nên vô cùng khó khăn quá đổi chính thực, quá đổi nghiêm trọng, không khác gì một thây ma di động ỳ ra đó. Chàng ta sống trong tình trạng đau đớn khổ sở, nét mặt lúc nào cũng lộ ra nỗi đau đớn dày vò, quằn quại. Chắc hẳn chàng ta đã trải qua bao nỗi tang thương gì đó, va chạm "thực tế phũ phàng", thành ra trở nên quá đổi nghiêm nghị trang trọng đứng đắn, khắc khổ, đến nổi hắn ta di động như một thây ma xác chết. Sự cứng rắn nghiêm khắc của điệu bộ thây ma ấy quả thực là trái nghịch hẳn tinh thần hài hước. Điều ấy giống như tình trạng mình bị ai đứng sau lưng cầm một thanh kiếm bén nhọn đưa sau gáy. Nếu ta không tham thiền cho đàng hoàng, không ngồi thẳng lưng yên lặng thì sẽ bị kẻ sau lưng chực sẵn để chẻ kiếm vào người. Hoặc nếu ta không đối xử với đời sống một cách thích đáng thẳng thắn, trực tiếp, thì sẽ có ai đó chực để đập chém ta. Chính đó là ý thức tự thân đang quan sát bản thân, tự quan sát dè dặt một cách không cần thiết. Những gì mình làm đều bị thường trực dòm ngó, kiểm soát. Thực ra không phải tên đại ca anh chị nào đang dòm ngó; chính cái tôi phóng đại đang tự đề phòng kiểm soát! Một khía cạnh khác của con người tôi đang dòm ngó tôi, ở đằng sau lưng tôi, chực sẵn đó để chém tôi, chực sẵn đó để điềm chỉ sự thất bại của tôi. Sống trong đời theo điệu ấy thì chẳng có gì vui sướng cả, chẳng có gì là hài hước cả. Cái điệu sống trang trọng khắc nghiệt ấy có liên hệ với vấn đề mà tôi thường gọi là "chủ nghĩa duy vật theo điệu tâm linh" (Spiritual materialism). Cái thứ chủ nghĩa duy vật tâm linh thường tự lý luận lải nhải đại loại như vầy: "vì tôi là thành phần một tông hệ thiền gia đặc thù, thuộc giáo hội và tổ chức giáo hội, vì trách nhiệm dấn thân phục vụ đạo pháp, tôi phải là một thanh niên hay một thiếu nữ đứng đắn đàng hoàng, lễ chùa tụng kinh đầy thành tâm gương mẫu. Tôi phải giữ khuôn thước, lề lối, mẫu mực, tiêu chuẩn giáo hội. Nếu tôi không làm tròn bổn phận trách nhiệm thì tôi sẽ bị chỉ trích phán xử và thành ra hạng người thân tàn kiệt quệ, vô ích với cộng đồng đạo pháp". Chính đó là nỗi đe dọa khởi phát từ sự trang trọng chững chạc, từ sự chết đứng trong đời sống cái chết ở đây phải được hiểu như sự chấm dứt chận đứng lại mọi tiến trình sáng tạo sâu thẳm. Chính cái thái độ này đẻ ra cảm thức giới hạn chật hẹp, sự cứng đơ khô cằn trong thể xác tinh thần; không còn chỗ nào để đi đứng ăn nói di động cho thoải mái.

Các anh các chị có thể hỏi tôi như thế này: "Vậy thì truyền thống giáo lý, đạo lý cao cả ra làm sao nữa? Tất cả đều dạy ta phải giữ gìn giới luật, tu hành nghiêm chỉnh đàng hoàng. Làm thế nào chúng ta có thể giải hòa điều hợp những giới luật này với tinh thần hài hước?". Đây này, chúng ta hãy cùng nghiên cứu câu hỏi này một cách thích đáng đàng hoàng hơn. Có phải chăng những điều luật, kỷ luật, tu hành luân lý, đạo đức, đã thực sự được xây dựng trên thái độ hoàn toàn có tính cách phê phán kết án theo điệu "cái tốt" chống lại "cái xấu"? Có phải đạo lý tâm linh cao cả quả thực bênh vực khuyên dạy ta phải đánh đuổi điều ác bởi vì ta đứng bên bờ ánh sáng, bên phe hòa bình? Có phải đạo lý dạy ta phải chống lại phe khác cái phe "không ra gì, đáng gạt ra ngoài, không ai thèm muốn", cái phe xấu xa, đen đúa? Đây là một câu hỏi quan trọng. Nếu giáo lý linh diệu chứa đựng đạo lý trí huệ thì nhất quyết không thể nào có cái gọi là đánh giặc, chiến tranh phe phái, tranh đấu giành cái này cái kia. Khi còn có kẻ nào chỉ lo tranh đấu tranh chiến, chỉ lo cố gắng phòng thủ hoặc tấn công thì hành động kẻ ấy chẳng có gì thiêng liêng đáng kính cả; thái độ kẻ ấy chỉ là quá tầm thường thế tục, nhị nguyên; đó chỉ là rơi vào tình thế mê đồ, hỗn chiến, giao tranh của bãi chiến trường. Ta không thể coi giáo lý vĩ đại, cao siêu theo điệu ngây ngô khờ khệt như vậy, nghĩa là cố gắng làm người tốt, theo "cái thiện" và đánh phá tiêu trừ "cái ác". Điệu đó đúng là điệu cải lương phim ảnh cao bồi Hollywood–ngay trước khi phim kết thúc, ta đã thừa biết rõ ràng phe "chính" sẽ không bị giết và phe "tà" sẽ được phá tan tiêu trừ. Hiểu đạo lý theo điệu này quả thực là ấu trĩ non nớt khờ dại; thế mà chính chúng ta thường chỉ tạo ra những hoàn cảnh đại loại như vậy, theo điệu môi mép như sự tranh đấu "tâm linh", sự thành tựu chứng đắc "tâm đạo".

Nói như thế không có nghĩa là tôi cho rằng phải để cho tinh thần hài hước được buông thả lộng hành một cách điên cuồng hỗn loạn. Tôi chỉ nói đến cái gì khác hơn.

Nếu chúng ta nhìn con đường tu hành như một bãi chiến trường thì chúng ta quả thực quá yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn. Vì lúc ấy sự tinh tấn trên đường đạo phải lệ thuộc vào mức độ đất đai chinh phục của mình và của những kẻ khác, lệ thuộc vào mức độ tinh thần tiêu cực mà mình đã tiêu trừ. Đó chỉ là sự lệ thuộc tương đối với mức độ đen tối mà mình đã tiêu trừ được để từ đó có thể khai sinh ra ánh sáng đối đãi tương đối. Đó thực quả là quá yếu đuối bạc nhược, mình khó gọi đó là giải phóng hay tự do hay giải thoát (mukti), hay niết bàn (nirvana). Mình đã "đạt đạo", "chứng đắc", đạt đến sự "giải thoát" vì đã chiến thắng một cái gì khác; đây quả thực là tương đối hạn chế, còn mang tinh thần lệ thuộc vào một cái gì đó, chứ chưa đúng nghĩa giải thoát, tâm chứng giác ngộ.

Tôi không muốn làm tinh thần hài hước trở nên một cái gì quá nghiêm trọng; tôi sợ thiên hạ sẽ trở thành nghiêm trọng đối với cái tinh thần hài hước này. Nhưng vì muốn thực sự hiểu thế nào là cái tính cứng đơ, cứng nhắc vô hồn trong đời sống như một xác chết thây ma, thì mình khó tránh biến đổi tinh thần hài hước trở nên một cái gì có vẻ nghiêm chỉnh, trịnh trọng. Cảm tính hài hước có nghĩa là sự nhìn thấy cả hai cực điểm của một hoàn cảnh, đúng như thế nào thì y như thế ấy, nhìn thấy từ một chỗ nhìn bay rộng ở trên cao, cái nhìn từ trời cao chiếu xuống (Sense of humour means seeing both poles of a situation as they are, from an airial point of view). Ở đời này đều có cái tốt và có cái xấu, và mình nhìn thấy cả hai với cái nhìn bao quát toàn cảnh như ở từ trời cao vọng xuống. Rồi từ đó mình bắt đầu cảm thấy rằng những con người nhỏ bé kia ở dưới đất như một bầy kiến đang giết hại lẫn nhau, đang làm ái tình với nhau, đang yêu đương vớ vẩn hay chỉ đáng thế thôi, chỉ là những con người bé nhỏ; tất cả mọi thứ ấy đều trở nên quá vô nghĩa nhỏ mọn, khi mình thấy họ tỏ vẻ làm ra việc hệ trọng làm lớn chuyện tranh đấu hơn thua, hay chuyện làm ái tình thế này thế nọ, khi mình thấy vậy, mình thấy ngay khía cạnh mỉa mai của mọi ồn ào la lối, điều phát biểu thế này thế kia của thiên hạ người đời. Nếu chúng ta cố gắng mệt nhọc để xây dựng một cái gì đó thực vô cùng ý nghĩa, vô cùng vững mạnh, đầy uy thế uy lực, như điệu nói trịnh trọng "Tôi đang thực sự khao khát tìm kiếm một cái gì đó. Tôi đang thực sự cố gắng tranh đấu chống lại những sai lầm, lỗi lầm của tôi", hay "Tôi đang thực lòng cố gắng trở nên cao cả tốt đẹp", lúc ấy mọi điều ấy đều mất đi sự nghiêm chỉnh đứng đắn và trở thành một con cọp giấy; sự việc ấy quả thực là mỉa mai vô cùng.

Tinh thần hài hước dường như khởi phát từ một niềm vui sướng bao la trùm phủ hết mọi sự, một niềm vui lớn rộng đủ chỗ trống trải dàn ra một tình thế hoàn toàn cởi mở, vì đó là niềm vui không vướng bận vào trận chiến giao tranh giữa "cái này" với "cái kia". Niềm vui sướng lớn mạnh phát triển ra thành một tình thế thống quát, khả dĩ nhìn thấy hoặc cảm thấy được toàn diện lãnh địa cơ sở lộ thiên. Tình thế cởi mở này không gợi chút mảy may hạn định, chật hẹp, không gợi chút mảy may trang trọng, chững chạc, gượng ép. Nếu mình hết sức cố gắng coi cuộc đời như một "đại cuộc trầm trọng", nếu mình cố gắng cưỡng đặt trên đời sống một điệu dáng trịnh trọng, cơ hồ như một cuộc thương lượng làm ăn to tát thì quả thực là quá tức cười. Tại sao cơ sự lại quan trọng đến thế? Có người chịu khó tham thiền đúng cách với một tư thái chính xác 100% hay 200%. Quả thực là đại cuộc quan trọng. Thực là quá tức cười. Ngược lại cũng có người khác lại cố gắng phát triển tính hài hước, bất cứ đối với mọi điều gì cũng đùa cợt, cũng tìm thấy điều khôi hài trong mọi nơi, mọi kẻ ngách. Điều ấy thực sự là một trò chơi sao mà quá đứng đắn, thành ra cũng hóa ra khôi hài nữa.

Khi mình cảm thấy đầy sự căng thẳng đến độ mình phải nghiến răng cắn lưỡi, lúc ấy bất thần có cái gì bỗng thọc nhột vào người mình, vì mình đã đẩy sự căng thẳng quá độ chịu đựng; đó là điều quá phi lý khi mình phải trải qua những sự cực đoan như vậy. Cường độ cực đoan lại trở thành hài hước, một cách tự động.

Có một câu chuyện Tây Tạng về một ông thầy tu từ bỏ đời sống luân hồi hỗn độn và quyết định sống trong một hang núi để tham thiền suốt ngày đêm. Trước đó, ông thường hay suy nghĩ liên miên về sự phiền não, khổ sở của kiếp người. Tên ông là Ngonagpa ở vùng Langru, tiếng Tây Tạng có nghĩa là "Lão Mặt Đen ở vùng Langru", vì ông ta không bao giờ mỉm cười với ai cả, và nhìn mọi sự trong đời đầy dẫy đau đớn, đen tối. Ông nhập động tu thiền nhập định trong nhiều năm đằng đẳng rất trang trọng trang nghiêm, khắc khổ, và vô cùng chân thành, chí tâm, cho mãi đến một ngày kia, ông nhìn lên bàn thờ và thấy ai dâng cúng ông một hòn lam ngọc to tướng. Lúc ông nhìn món quà tặng cúng đường ấy của đệ tử, ông bỗng thấy một con chuột bò ra cố gắng kéo lôi hòn ngọc. Chú chuột không tài nào làm việc ấy được, bèn chạy vô hang để kêu rủ một chú chuột khác. Cả hai chú chuột cố gắng lôi kéo hòn ngọc to tướng nhưng không thể nào làm được. Chúng bèn kêu nhau chít chít, gọi thêm tám chú chuột nữa ra trợ giúp, và sau cùng kéo lôi được hòn ngọc vào trong hang chúng. Lúc đó là lần đầu tiên thầy Ngonagpa mới vụt cười ầm lên, rồi cứ tiếp tục mỉm cười. Đó là lần đầu tiên thầy được đưa vào cõi mở rộng thênh thang luồng sáng giác ngộ bất thần.

Như thế ta thấy là tinh thần hài hước không phải chỉ là kể chuyện đùa cợt hay nói giễu chơi chữ nghĩa, không phải cố gắng khôi hài, một cách cố ý. Khôi hài đúng nghĩa là nhìn thấy được cái trớ trêu, cái cắc cớ, mỉa mai ở thế đâu lưng đấu cật của những cực đoan cực điểm, phải thấy như thế để khỏi bị kẹt vào việc xem trọng sự việc trên đời, để đừng trang trọng chơi giỡn cái trò mãi miết hy vọng hoài mong sợ hãi, hoảng hốt.

Đó là lý do cắt nghĩa tại sao kinh nghiệm trên đường tâm linh thực là có ý nghĩa, quan trọng là lý do cắt nghĩa tại sao sự thực hành thiền định là kinh nghiệm vô nghĩa nhất và không có gì quan trọng cả. Vô nghĩa là vì mình không đặt sự quan trọng vào việc phán đoán giá trị ở đó. Chỉ khi nào mình được thể nhập trọn vẹn vào hoàn cảnh không quan trọng hoàn cảnh vô nghĩa của sự mở rộng thênh thang ấy, mà không bị kẹp vào óc phán đoán giá trị của cái này cái kia, thì lúc ấy mình mới bắt đầu thấy được tất cả mọi trò chơi, trò đùa của đời sống chung quanh mình. Một kẻ nào đó chẳng hạn cố gắng nghiêm khắc và có vẻ long trọng nghiêm trang trong việc tu hành, cố gắng làm một người cao cả gương mẫu. Nếu có ai xâm phạm làm mất lòng hoặc lăng nhục kẻ ấy, thì hắn ta dễ coi trọng việc ấy và trả đũa đánh đập lại ngay. Nếu ta thể hiện mọi điều thuận theo cái vô nghĩa, cái vô quan trọng căn bản của hiện thể (the basic insignificance of what is) thì lúc ấy mình mới thấy được tính hài hước trong điệu loại trang trọng hợm hĩnh kia, cái điệu bộ kênh kiệu của hạng người cứ thích làm ra cho to chuyện đối với những điều thực ra chẳng quan trọng gì cả trong đời sống này.

Chúng ta vừa đọc qua những gì Chogyam Trungpa viết về tinh thần khôi hài, những gì đại sư nói trông rất dễ hiểu và giản dị, nhưng thực ra đó là cả tinh túy của Phật Giáo Mật tông Tây Tạng mà đại sư đã đúc gọn lại vào một câu: "Trí huệ Mật tông là đem niết bàn vào trong luân hồi". Điều này nghe có vẻ chướng tai gai mắt làm sửng sốt tâm thần. Trước khi đạt tới mức độ của Phật Giáo Mật tông thì ta còn cố gắng từ bỏ luân hồi, và nỗ lực đạt tới Niết Bàn. Nhưng rồi sau đó ta phải nhận ra sự phù phiếm của mọi nỗ lực cố gắng và lúc ấy ta trở thành nhập một với Niết Bàn, một cách trọn vẹn toàn triệt (Tantrio wisdom brings nirvana into samsara. This may sound rather shocking. Before reaching the legel of tantra, you try to abandon samsara and strive to achieve nirvana. But eventually you must realize the futility of striving and then become completely one with nirvana). Và một câu cao siêu khác của đại sư đáng ghi nhớ: "mình chỉ có thể hiểu được cái tinh túy của Niết Bàn bằng cách nhìn sâu thẳm vào tinh túy của luân hồi" (You can only understand the essence of nirvana by looking into the essence of samsara). Đó cũng là bài học lớn nhất mà đại Bồ Tát Long Thọ đã để lại cho nhân loại: đỉnh núi cao nhứt chỉ là một với hố thẳm sâu nhất. Dĩ nhiên là như thế, nhưng muốn thấy được như thế, cần phải trải qua bao cơn đau đớn không thể còn chịu đựng nổi nữa, rồi vụt nhận ra rằng nỗi đau khổ lớn lao nhất cũng chính là cánh cửa bùng nổ ra cơn vui sướng nhứt, bay trên tận đỉnh đầu nhật nguyệt.

Chùa Việt Nam, Los Angeles 8/8/83

 

-- o0o --

Mục Lục

Chương 1 | Chương 2| Chương 3 |Chương 4 | Chương 5

Chương 6 |Chương 7| Chương 8| Chương 9 |Chương 10

---o0o---

| Thư Mục Tác Giả |

---o0o---

Vi tính: Mỹ Hồ
Cập nhật ngày 01-12-2001

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Người đứng đầu truyền thống Gelugpa ben doi mua nang Ngày càng có nhiều người trẻ bị can tu nghiep la gi 5 nghich ly khong the nguoc doi hon cua con nguoi Nhớ Lòng từ bi của Phật A Di Đà cÓn DÃƒÆ Khánh Hòa Tưởng niệm lần thứ 48 1963 Nguyên phat giao viet nam duoi thoi ngo hoÃ Æ phap nhận kha Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam giới thiệu sách mới nhất của thiền a ty dam phải chùa yên đông Phật giáo hương quê n danh Bắt vi sao phat giao duoc bau chon la ton giao bánh nặng cuộc sống thuơng tóm den đời là bể khổ biệt Chùa Xuân Thói quen ăn uống thế nào để khỏe ngủ Ngày bình yên với Luang Prabang Sinh tố dưa hấu dâu tây hôm gioi luat la nguon sinh luc cua tang gia con duong dua den tai sanh tot dep đăng Tờ ï¾ï½½ môn 5 Giai nguyen cau nan ananda Ä Æ cáo Mì ăn liền không tốt cho tim mạch tong quan ve quan dinh phan 2