Truyện Phật Giáo - Đại Bố Thí

Tại nước Tỳ Xá Ly trong vườn cây Sa La, Ðức Thế Tôn hỏi A Nan:

- Ðối với những người đã chứng đắc tứ thần túc, thì mạng sống được một kiếp, còn như Ta đã chứng đắc tứ thần túc, còn phải hành trì giới đức, vậy thì A Nan có biết rằng Như Lai sẽ sống được bao nhiêu chăng? Thế Tôn hỏi luôn ba lần như vậy, nhưng khi ấy A Nan bị ma ba tuần che kín tuệ căn nên vẫn ngồi im lìm, chẳng trả lời cho Phật.

- Này A Nan, thầy hãy đi vào rừng, nơi thanh vắng, tịch tịnh mà tư duy thiền định.

Sau khi A Nan đi rồi, ma ba tuần liền hấp tấp vô ngay, đứng trước Phật bạch với Ðức Thế Tôn:

- Ngài xuất hiện ở đời đã lâu rồi, hóa độ vô lượng chúng sanh, làm lợi cho Chư thiên và nhân loại nhiều như cát sông Hằng, nay tuổi già yếu rồi Ngài còn luyến tiếc gì nữa, hãy vào Niết bàn cho yên tĩnh thân tâm, khỏi phiền lụy cho lũ chúng tôi nhờ. Ði Ngài, Ngài hãy vào Niết bàn đi.

Nghe ma ba tuần nói vậy, Thế Tôn bèn cạy chút đất để trên đầu móng tay, hỏi Ba tuần rằng:

- Ðất trên đầu móng tay của ta nhiều, hay đất trên đại địa này nhiều?

- Dĩ nhiên đất trên đại địa này nhiều hơn đất trên đầu móng tay của Thế Tôn rồi.

- Cũng vậy, ba tuần, chúng sanh vô lượng, hằng hà sa, chẳng thể tính toán còn trôi lăn trong ba đường sáu nẻo nhiều như đại địa kia, còn đối với chúng sanh mà Ta đã hóa độ thì thương thay rất ít oi, như đất trên đầu móng tay này. Nhưng nay cơ duyên hóa độ đã mãn, giáo pháp Ta đã truyền xong, Ta sẽ vào Niết bàn trong vòng ba tháng nữa. Ngươi đừng lo.

Ba tuần nghe Phật đã hứa, mừng rỡ rồi lui ra.

Khi ấy, A Nan vào rừng sâu, nơi tịch tĩnh, nhập thiền định nhưng cũng bị loạn động. Chợt thấy một thân cây to lớn, che rợp cả hư không, cành nhánh xanh um, trái hoa tươi tốt, điều thiện ích của cây vi diệu vô cùng. Bỗng nhiên, từ đâu thổi đến một trận cuồng phong mãnh liệt, đánh tan tác những chiếc lá xanh tươi, cành nhánh gãy rụng tơi bời, những đóa hoa tơi tả, những chiếc quả vỡ đôi lăn lóc, làm chấn động tinh thần A Nan, A Nan bừng tỉnh. Trống ngực hãy còn dồn dập, toàn thân nổi da gà, sửng sốt bàng hoàng. A Nan thầm nghĩ: "Cây đại thọ tỏa rợp bóng mát xanh tươi đã xoa dịu nổi nắng gió cho mọi người, làm mát cơn nắng hè gay gắt, rồi tại sao lại bị một trận cuồng phong ác liệt đánh tơi tả như vậy? Như Ðức Thế-Tôn là đấng Ðạo sư của Trời, Người làm lợi ích cho chúng sanh, một lòng thương tưởng cho đời, cũng giống như đại thọ, nay phải chăng Ðức Thế Tôn sắp vào Niết bàn nên đất trời chấn động? A-Nan liền đi thẳng vào tịnh xá, bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Con vừa mơ thấy một ác mộng: trong khu rừng kia có một đại thọ sum suê hoa lá, là nơi trú ngụ của muôn chim, chốn nhà cửa của muôn loài, vậy mà từ đâu một trận gió thổi tới làm rơi rụng tiêu điều có phải chăng là điềm Thế Tôn sắp vào niết bàn?

- Thật vậy, này A-Nan, sau ba tháng nữa Ta sẽ vào Niết bàn, vì hồi nãy Ta đã nói với Thầy là người đã chứng tứ thần túc rồi có thể duy trì tuổi thọ một kiếp còn Ta do đức lực tu hành và đã chứng tứ thần túc vậy tuổi thọ được bao nhiêu? Ta đã hỏi ba lần như vậy, nhưng thầy vẫn im lặng, nên ma ba tuần đã thỉnh ta vào Niết bàn.

Như sét đánh ngang tai, A Nan choáng váng quá lo sợ, quá buồn khổ. Giờ đây Thế Tôn vào Niết bàn, chúng sanh biết nương dựa vào đâu? Con mắt thế gian sắp mất rồi.

Tin Phật sắp nhập niết bàn được truyền ra, hàng đệ tử vị nào cũng buồn bã, lo âu. Thấy vậy Thế Tôn bảo:

- Tất cả mọi vật trên thế gian này đều bị luật vô thường chi phối, nay còn mai mất, có cái sự gì là bất biến, nhất định đâu. Ta vì chúng sanh mà thị hiện ra đời, nay sự hóa hiện đó đã mãn thì ta vào nơi tịnh mặc, có gì mà các thầy phải khóc lóc, lo buồn. Ðiều Ta cần lưu ý các thầy, là phải chăm lo tu niệm để tự mình giải thoát vòng luân hồi sanh tử.

Lúc ấy Tôn-giả Xá Lợi-Phất than rằng: "Than ôi! Con mắt của thế gian đã đến ngày diệt tận, bóng tối tăm lại bao trùm nhân thế. Như-Lai sắp vào niết bàn, thật thảm thương cho chúng sanh hết chỗ cậy trông". Rồi quỳ xuống bạch Thế Tôn :

- Kính lạy đức Ðạo sư chí kính, con không nỡ lòng nào để nhìn thấy sự ra đi của Thế Tôn vào nơi tịch mặc vĩnh viễn. Vậy cúi mong Thế Tôn hoan hỷ cho con được vào Niết bàn trước.

- Này vị thầy Trí Tuệ, thầy hãy làm việc gì mà thầy nghĩ là đúng thời. Nhưng thầy biết tất cả các bậc hiền thánh rồi cũng đều tịch diệt.

Nghe Thế Tôn nói xong, Xá Lợi Phất đi quanh Phật ba vòng, cúi lạy sát đất lấy chân Phật để lên đầu ba lượt mà bạch rằng:

- Kính lạy đức Ðạo sư của trời người, hôm nay là lần cuối cùng con xin từ biệt Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy khoan vào Niết bàn, vì lòng thương tưởng chúng sanh. Nói rồi cúi đầu cung kính lui ra. Xá Lợi Phất trở về La Duyệt Kỳ nơi sinh quán, Sa di Quân Ðề tin cho vua và các thân tín đều biết.

Khi ấy, Vua A Xà Thế biết Tôn giả Xá Lợi Phất sắp vào Niết bàn, tự thốt lên rằng: "Tôn giả Xá Lợi Phất là một kiện tướng trong Phật Pháp, than ôi! Ngài nhập niết bàn sao mà sớm vậy? Giờ biết lấy ai chấn chỉnh tà ma?

Mọi người từ Vua quan đến dân chúng ai cũng đều biết và kéo đến vây quanh Ngài và nói rằng:

- Kính lạy Tôn giả, xin Tôn giả hãy thương xót chúng con, Ngài vào Niết bàn rồi lũ chúng con đây bơ vơ như con mất cha, như gà mất mẹ chiu chít ngóng trông, chẳng chốn nương thân, không bề trông cậy. Tôn giả hãy đoái thương.

- Các Phật tử, Ta thương các ngươi lắm chứ, nhưng đến lúc Ta phải vào Niết bàn, các ngươi chớ buồn, tất cả muôn vật trên thế gian này đều trong định luật vô thường, đều phải tan rã. Vậy các ngươi hãy gieo căn lành, trồng điều thiện lợi để nhờ duyên lành đó mà sanh ra đời được gặp Phật tại thế, để chăm tu phước nghiệp cầu giải thoát sanh tử luân hồi.

Tùy theo căn cơ quần chúng, Tôn giả đi từ thấp lên cao mà giảng giải thuyết nghĩa an vui, lợi ích, khiến cho họ có kẻ đắc sơ quả, có người chứng A La Hán, thân tâm vắng lặng, an hòa, lễ tạ rồi lui.

Giờ này đã quá nửa đêm, Tôn giả đang tĩnh tọa vào thiền định: nhập Sơ thiền, rồi từ Sơ thiền lên Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, từ cõi Tứ thiền hướng đến Vô lượng Không xứ, rồi từ Vô lượng Không xứ hướng đến Vô lượng Thức xứ, từ Vô lượng Thức xứ hướng đến Vô sở Hữu xứ, từ Vô sở Hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng, Phi Vô tưởng xứ rồi nhập vào định Diệt tận và Bát niết bàn.

Sau khi Xá Lợi Phất xả báo thân, trời đất rúng động, chư thiên Ðế thích, quyến thuộc hàng trời, mang hương, dâng hoa cúng dường. Ðế Thích nhìn thấy báo thân Tôn giả mà bùi ngùi: "Tôn giả trí tuệ rộng sâu như trời cao, như biển rộng biện luận ứng cơ mau như chớp loáng, âm thanh như nước chảy, giới định tuệ hoàn toàn là một dõng tướng trong Phật pháp, thay Phật để chuyển pháp luân, nhưng giờ này Ngài đã Bát niết bàn rồi, kể từ đây nhân thiên lại tăm tối".

Rồi từ thành thị đến thôn quê, người ngoài đông như mở hội, hoa hương tràng phan, bảo cái rợp đường, nhưng có điều rõ nhất là trên đôi mắt người nào cũng đẫm lệ, trong lòng âm thầm thương tiếc một bậc Tôn túc tuyệt luân đã vào nơi vắng lặng.

Phạm Thiên Vương và Tỳ Thủ Yết La cưỡi xe trời bay xuống, theo sau là sáu bộ chúng. Ðế Thích sai quỷ Dạ Xoa ra biển lấy gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu về chất thành một đống, đổ dầu Tô, phóng hỏa thiêu báo thân Tôn giả. Ngọn lửa rực lên, như một lần bừng sáng rồi phụt tắt.

Ðốt xong, mọi người đều bái tạ lui về. Chờ cho ngọn lửa nguôi, Sa di Quân Ðề thâu tóm Xá Lợi của Thầy và y bát đem về bạch Phật.

- Kính lạy Ðức Thế Tôn, Thầy con là Xá Lợi Phất đã nhập Niết bàn, và đây là Xá Lợi, y bát, xin Thế Tôn chứng minh.

Khi ấy A Nan đứng hầu Phật thấy cảm động quá, liền quỳ xuống bạch Thế Tôn :

- Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc thượng tôn trưởng lão, ấy mà Ngài đã vào Niết bàn rồi, mai này Thế Tôn lại tiếp tục xả báo thân nữa thì chúng con còn lại biết nhờ ai?

- Tuy Xá Lợi Phất nhập niết bàn nhưng pháp thân vẫn thường hiển hiện, vì Xá Lợi Phất không muốn thấy Ta Niết bàn nên đi trước ta. Này A Nan, không phải chỉ đời này là như vậy, mà ở đời quá khứ cũng vậy.


*


Thuở xưa, đã lâu lắm rồi, cũng tại Diêm Phù Ðề này, có vua tên là Chiên Ðàn Bà La Tỳ, thống lãnh tám vạn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám muôn ức tụ lạc. Ông có hai muôn phu nhân và Thế nữ, bà thứ nhất tên là Tu Ma Ðàn, một vạn quan đại thần, quan lớn nhất tên là Ma Chiên Ðà, năm trăm Thái tử, người thứ nhất tên là Thi La Bạt Ðà.

Thành này chu vi ngang dọc bốn trăm do tuần, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, đầy đủ mọi vật báu, trong nước an cư lạc nghiệp, dân chúng vui mừng, sung túc.

Một hôm vua ngồi trên bảo điện, chợt nghĩ như vầy: "Người ta ở trên đời được tôn vinh phú quí, chắc do quả báo tu nhân tích đức ở đời trước lưu lại. Cũng như kẻ làm ruộng, mùa Xuân phải mất công cầy bừa, gieo mạ cấy lúa, tới mùa Hạ, mùa Thu gặt hái được thóc gạo đem về ăn uống. Nếu mùa Xuân chẳng lo cấy cầy, thì kết quả mùa Hạ, mùa Thu chẳng có lúa đâu thu hoạch. Cũng vậy, Ta đời trước có tu phước lành, nên đời này hưởng quả tốt đẹp, nếu bây giờ Ta lại không tiếp tục tu phước bố thí nữa thì đời sau lấy chi thọ hưởng". Nghĩ vậy, liền sắc quan mở kho đem tiền bạc, lụa là bố thí cho toàn dân và vua cũng ra lệnh cho tám vạn bốn ngàn vua kia cũng mở kho chẩn bần, bố thí.

Mệnh lệnh được truyền đi khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, hay hang cùng ngõ hẻm nào cũng biết vào ngày ấy vua xuất kho bố thí, nên mọi người kéo đến kinh thành đông như kiến cỏ. Người mạnh cõng kẻ yếu, người sáng dắt kẻ mù, lần lượt nhà vua phân cấp tiền gạo, áo quần đầy đủ. Tứ đó muôn dân được an nhàn hỷ hả. Danh đức nhà vua lừng lẫy, tiếng khen đồn khắp bốn phương.

Thì cũng thời đó, có một ông vua nước nhỏ ở bên cạnh tên là Tỳ Ma Tư Na thấy nhân dân ca tụng và cảm phục oai đức Vua Chiên Ðàn Bà La Tỳ, sanh lòng ganh ghét, ngày quên ăn đêm quên ngủ, ông thầm nghĩ mưu toan sát hại: "Nếu ta không tiêu diệt được lão vua kia, oai danh vang lừng trời đất, như vậy ta làm sao hiển danh trời đất, như vậy ta làm sao hiển đạt cho được". Nghĩ xong, ông liền thi hành ngay độc kế, ra lệnh triệu tập hết thảy các thày Bà La Môn trong nước, nhà vua kính trọng cúng dường lễ bái. Sau rồi vua trình bày:

- Thưa các thầy Bà La Môn, tôi có một việc đáng lo, đến nỗi ngày quên ăn, đêm quên ngủ, quý ngài có kế chi để giải quyết cho chăng?

- Tâu bệ hạ, có việc chi xin cứ nói, nếu giúp được chúng tôi sẽ giúp.

- Thưa các ngài, hiện nay vua Chiên Ðàn Bà La Tỳ được muôn phương mến phục, phúc đức lớn lao, đó là điều đáng ngại cho tôi về sau này, vậy các ngài có phép chi cứu giúp giùm tôi để trừ khử ông vua ấy.

- Tâu bệ hạ, vua Ðàn Bà La Tỳ là người có đức lớn, thương dân như thương con, dân coi vua như bậc cha mẹ, chúng tôi nỡ lòng nào mưu tâm sát hại, thà chịu chết chớ không bao giờ giết người hiền lương. Nói xong tất cả người Bà La Môn đều kéo nhau về.

Vua Tỳ Ma La cảm thấy bực mình, vì công việc chẳng như ý, liền hạ chiếu cho toàn nước biết:

- Ai có khả năng lấy đầu vua Ðàn Bà La Tỳ mang về đây, vua sẽ gả con gái và phân nửa nước cho cai trị.

Thời đó có một người Bà La Môn tên là Lao Ðộ Sai, tu luyện ở núi nghe vua rao truyền như vậy, bèn đi đến ra mắt vua, và xin đi lấy đầu vua Ðàn Bà La Tỳ. Nghe nói vậy, vua hớn hở, vui mừng.

- Nếu khanh làm việc tốt, sứ mệnh hoàn thành, ta sẽ giữ đúng lời hứa. Vậy khi nào khanh đi, xin cho biết.

- Hẹn bệ hạ bảy ngày nữa. Nói xong từ tạ về rừng, quyết tâm liên tiếp bảy ngày, trì chú hộ thân.

Qua bảy ngày, ông lại đến cung vua, và được cung cấp lương thực, tiền lộ phí để lên đường. Trước khi đi ông còn ngoảnh lại nói rằng:

- Bệ hạ an lòng, tôi thề: "Nếu không lấy được đầu vua, quyết chẳng trở lại nơi này".

Khi đó, trong nước vua Ðàn Bà La Tỳ, có những điềm chẳng lành xuất hiện: như động đất, chớp giật, sao băng, sấm động, ban ngày sương khói mờ mịt kéo giăng, sao chổi mọc, mưa đá, sét đánh tứ tung, các loài chim kêu thảm thiết trên không, và tự nhổ lông rơi đầy mặt đất. Hổ báo, sài lang tự đâm mình xuống hố, kêu gào thảm thiết. Tám vạn bốn ngàn ông vua nước nhỏ đều nằm mộng thấy cánh phướn vàng của nhà vua bị gãy, trống vàng bị thủng. Còn chính tự thân vua Ðàn Bà La Tỳ mơ thấy ác quỷ cướp mũ vàng của mình mang đi. Trên nét mặt mọi người cảm thấy lo âu, chẳng hiểu vì sao lại có những điềm bất tường như vậy.

Khi ấy thần coi thành biết ý định của Lao Ðộ Sai đến xin đầu vua, nên thần hóa phép làm tâm trí Lao Ðộ Sai cuồng loạn, không biết lối vào cung, cứ luẩn quẩn bên ngoài thành mà thôi.

Thấy vậy, các vị trời ở Tịnh Cư Thiên báo cho vua hay:

- Bệ hạ phát tâm bố thí, nên hiện giờ có người đến xin, nhưng ở bên ngoài thành không vào được.

Nhà vua thức dậy, ngạc nhiên hỏi cận thần:

- Ai ngăn cản dân chúng đến xin đồ cấp phát, ông hãy ra ngoài xem sao.

Ra cổng thành, nhìn bốn phía ngơ ngác, quan cận thần chẳng thấy ai đến, mà cũng chẳng có quân lính nào cản ngăn. Khi đó, thần giữ thành hiện lên thưa rằng:

- Thưa quan lớn, hiện có người dòng Bà La Môn ở nước khác muốn xin đầu vua của chúng ta, nên tôi không cho nó vào.

- Nếu quả thật như vậy thì đây là một tai họa lớn cho chúng ta, nhưng vua đã ra lệnh, chúng ta đâu dám trái ý, khi ấy quan cận thần Ma Chiên Ða tự nghĩ: "Nếu kẻ này quyết chí xin đầu vua thì ta hãy bày ra một kế, lấy năm trăm cái đầu bằng thất bảo để đổi cho nó".

Sau cơn mê Lao Ðộ Sai bước vào cửa cung và lớn tiếng nói:

- Tôi là kẻ phương xa, biết được vua rủ lòng bố thí, chẩn bần cho muôn phương, ai muốn xin gì cũng được. Vì vậy, nay tôi tới đây muốn xin một việc.

- Ngài muốn xin gì cứ nói, dù khó khăn đến đâu, nếu có thể, tôi cũng xin làm vừa lòng ngài.

- Vua bố thí tài vật, tiền của cho mọi người có phước báo nhưng chưa bằng bố thí những vật trong thân vua, phước báo càng lớn hơn. Vậy tôi xin cái đầu của vua. Vua nghĩ sao? Cho hay không?

- Thành thực, ngài cứ lấy.

- Bây giờ hay khi nào?

- Ðạo sĩ xin cho khất lại bảy ngày.

Liền khi đó, quan cận thần Ma chiên Ðà liền mang năm trăm cái đầu bằng thất bảo đến trước Lao Ðộ Sai và nói rằng:

- Ðầu vua bằng xương thịt, máu mủ tanh hôi, là đồ bất tịnh chẳng quí giá gì vật ấy, ông xin làm gì cho nhơ nhớp. Và đây là những cái đầu làm bằng thất bảo quý hóa tuyệt luân, ông hãy mang đầu này về mà được giàu sang, phú quí suốt đời.

- Tôi chẳng cần thứ đó, chỉ cần đầu vua thôi.

Trước thái độ ương ngạnh của Lao Ðộ Sai, Mã Chiên Ðà chẳng biết làm sao, bằng xuống giọng êm dịu, năn nỉ, nói ngọt ngào mong thay đổi ý định, nhưng cuối cùng Lao Ðộ Sai cũng chẳng thèm nghe, bỏ đi chỗ khác.

Mã Chiên Ðà phẫn uất quá tim vỡ thành bảy mảnh chết ngay trước mặt vua.

Trên từ vua, xuống cho tới bá quan văn võ ai nấy đều rơi lệ tiếc thương cho một bậc trung thần, chánh khí. Vua sai thâu hài an táng đúng nghi lễ của một quan đại thần. Ðám tang vừa xong, vua cho quan quân cưỡi voi đi khắp nước thông báo cho dân chúng biết ngày vua bố thí đầu.

Ðược tin này, ai nấy đều rơi lệ, tám vạn bốn ngàn nước nhỏ liền đến tâu vua:

- Tâu bệ hạ, tất cả Diêm Phù Ðề này đều nhờ đức độ của bệ hạ mà mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, cây cỏ muôn màu, mùa màng sung túc, khoái lạc an khương, sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Vậy tại sao bệ hạ lại vì một người mà bỏ muôn dân?

Khi ấy các quần thần đồng thanh nói:

- Xin bệ hạ hãy bỏ ý định bố thí đầu, một sự việc quái lạ chưa từng thấy, bệ hạ nghe lời một kẻ khốn nạn, cùng đinh, sống trong núi rừng như dã thú, để rồi bỏ chúng tôi bơ vơ hay sao?

Hai muôn phu nhân và năm trăm thái tử vật mình xuống đất khóc lóc:

- Tâu bệ hạ, hãy xót thương vợ con của bệ hạ, rồi đây sẽ ngơ ngáo, vợ xa chồng, con chẳng có cha, sống đời mô côi mồ cút. Hãy nghĩ lại bệ hạ ôi!

Thật muôn cảnh bi đát, đáng thương tâm diễn ra trước mặt vua, nhưng vua với nét mặt hiền hòa, bình tĩnh an ủi:

- Xin các vương hầu khanh tướng, hãy bình tâm nghe tôi nói, con người vì kết buộc nhau trong tình ân ái từ kiếp lâu xa, nên chịu ách sanh tử bức bách, ta chưa thấy ai thực hành để bỏ, nhất là quý chuộng bản thân. Ta nghĩ rằng từ thời vô thỉ âm u trở lại đây, sống chết đã bao đời đâu kể xiết, lúc ở trong địa ngục, bỏ thân một ngày không biết bao nhiêu lần, chết trong nước phân tro, nằm trên giường sắt đốt, ôm cột đồng nóng, ngâm mình trong vạc dầu sôi, hay ngồi trên xe lửa, nằm ở hố than. Thật cái khổ nơi địa ngục biết kể sao cho cùng như vậy, thân này chết đây rồi sanh kia, trải qua vô số kiếp mà chẳng có chút ích lợi hay phước báo gì. Khi làm loài súc sanh thì bị người ta chém giết, thân thể bị phân thây, máu rơi xương rã. Còn khi làm loài quỷ đói, thì lửa trong mình phát ra hoặc vòng đao lửa bay tới chém thân chặt đầu, chết đi sống lại bao lần thì cũng chẳng có phước báo gì. Rồi khi ở nhân gian, làm người thì sanh lòng tham lam, giết hại lẫn nhau, cũng do tài sắc ràng buộc, cũng vì ân ái kéo lôi toàn là những việc xuôi theo nhân thế. Còn như hiện tại thân ta, đây cũng chỉ là một khối nhơ bẩn, máu tanh huyết nồng, rồi một ngày nào đó cũng sẽ rã tan, có gì luyến tiếc với cái đầu ô uế ấy mà chẳng dám xả bỏ, để tu lấy pháp thân thường hằng vĩnh tịch. Hơn nữa, ta còn có thể đem lại sự ích lợi cho muôn dân ở đời vị lai, phải nhìn xa thấy rộng, đừng vì tình thương luyến ái hạn hẹp trong một lúc này. Vậy thì các khanh khuyên ta làm gì. Ta bỏ cái đầu này để cầu đạo giải thoát, sau khi thành đạo, ta sẽ hóa độ các ngươi vượt khỏi nỗi khổ sanh, già, bịnh, chết được niềm an lạc của đạo tâm. Vậy các khanh hãy hiểu việc làm của ta không phải vô dụng. Các khanh cứ yên tâm lo toan việc nước.

Ai nấy nghe vua giảng giải đều làm thinh chẳng biết phải nói năng sao nữa. Ðã yên lòng trước sự an tâm của quần thần, vua kêu Lao Ðộ Sai bảo:

- Giờ đã đến lúc ngươi tự do lấy đầu ta.

- Tâu bệ hạ, hiện đây tôi chỉ có một mình, lực yếu thế cô, còn chung quanh vua, bá quan văn võ quá nhiều, nhỡ khi tôi lấy đầu vua họ thấy thương tâm mà giết tôi thì sao? Vậy nếu vua cho thì hãy ra sau vườn, nơi vắng vẻ, chỉ riêng mình tôi và vua, thì tôi mới dám.

Vua nói với quần thần:

- Các khanh thương ta, kính ta thì chớ hại Lao Ðộ Sai.

Nói xong, vua nắm tay Lao Ðộ Sai cùng ra hậu viên.

- Sức vua hùng tráng khỏe mạnh, khi bị cắt đầu đau đớn mà hối tiếc rồi đánh tôi thì sao? Vậy vua hãy cột đầu vào cành cây để tôi cắt cho dễ.

Ngồi dưới gốc cây to, vua túm lấy tóc cột vào cây rồi nói:

- Khi cắt đầu xong, hãy để trên tay ta, để ta dâng cho ông.

Rồi vua chắp tay phát đại nguyện rằng:

- "Kính lạy thập phương tam thế chư Phật, nguyện nhờ công đức bố thí này, con không cầu làm Phạm Vương, Ma Vương, Ðế Thích, Chuyển luân Thánh vương để được hưởng khoái lạc, mà duy chỉ một lòng cầu làm Phật, độ chúng sanh, hết thảy muôn loài đồng vào ngôi Chánh giác".

Lúc ấy Lao Ðộ Sai vừa đưa dao lên chém, thì trên cây có ông thần, lấy ngón tay chỉ vào đầu làm cho Lao Ðộ Sai bủn rủn tay chân, vứt dao xuống đất ngã ngửa.

Vua xoay lại bảo thần cây:

- Thần cây nên hiểu rằng, từ đời quá khứ tới nay, dưới gốc cây này ta đã bố thí 999 cái đầu rồi, vậy hôm nay một lần nữa là đủ số. Ðối với nguyện bố thí của ta sắp hoàn mãn, ông đừng rắc rối, cản ngăn, làm suy thối đạo tâm của ta.

Nghe vậy thần cây thu hồi thần lực, Lao Ðộ Sai tỉnh lại, xách dao chém một phát, đầu rơi xuống tay vua, dâng cho Lao Ðộ Sai.

Ngay giờ phút đầu vua lìa khỏi cổ, đất trời chấn động, các cung điện trên thiên cung đều nghiêng ngả, các thiên tử, Phạm thiên chẳng biết điềm gì, bèn ngó xuống trần gian, thấy vị Bồ Tát vì chúng sanh mà bố thí thân mạng tất cả đều bay xuống tung hoa trời muôn màu, hòa lẫn với những dòng nước mắt của chư thiên rợp cả hư không.
- Kính lạy Bồ Tát, Ngài làm hạnh bố thí xuất tục siêu phàm, chưa ai dám bố thí như vậy, vô cùng tận chúng sanh đều phải tán phục sự thực hành, vô ngã tướng bố thí này.

Khi ấy tại nước mình, vua Tỳ Ma Tư Na, hay tên Lao Ðộ Sai đã lấy được đầu vua Ðàn Bà La Tỳ, đang trên đường trở về nước, ông vui mừng vô hạn, nhảy nhót, la hét thỏa chí, bất ngờ ông quay lăn ra chết tại chỗ, vì tim bị kích thích quá mạnh, nên vỡ tung từng mảnh trong lồng ngực ông.

Lao Ðộ Sai xách đầu ra về, vua quan, dân chúng, phu nhân, thái tử nhìn thấy lăn đùng ra đất gào thét. Có người cảm động quá hộc máu mà chết, có người nằm ngay đơ chết giấc, các phu nhân xé áo quần, vò tóc tai, ngất xỉu tại chỗ, các thái tử cào mặt máu chảy đầm đìa, lăn lộn dưới đất. Một thảm trạng đang diễn ra.

Mấy ngày đường đi về bổn quốc, Lao Ðộ Sai xách đầu vua đi thấy hôi thối quá chừng, bèn vất xuống đường, đạp lên mà đi. Dân chúng thấy vậy họ nguyền rủa: "Ông là kẻ bất lương, là phường lang sói ác độc, không dùng thì xin làm chi, giờ lại vất bỏ." Rồi họ nói với nhau, không giúp đỡ đồ ăn, nước uống chi cho hắn.

Nhịn đói những ngày qua đã ngất xỉu, nửa đường gặp được người quen, Lao Ðộ Sai hỏi thăm vua Tỳ Ma Tư La như thế nào, người ấy đáp:

- Nghe tin ông xin được đầu vua, nên mừng quá mà vỡ tim chết rồi.

Một nỗi buồn vô hạn, bức đầu rứt tóc, vì sẽ không được vợ và mất ngôi vị vua, tức quá nên ông ta cũng vỡ tim chết luôn. Gieo ác gặp ác. Cả hai vua tôi đều phải gánh lấy quả báo hiện tiền và rơi vào địa ngục A Tỳ.

Ðến đây, Ðức Thế Tôn bảo A Nan rằng:

- Này A Nan, chính vua Ðàn Bà La Tỳ thuở ấy là tiền thân của Ta. Vua Tỳ Ma Tư Na nay chính là Ma Ba Tuần. Lao Ðộ Sai là ông Ðiều Ðạt (Ðề Bà Ðạt Ða) bây giờ. Thần cây là Mục Kiền Liên. Và quan đại thần Ma Chiên Ðà chính là Xá Lợi Phất. Thuở ấy Xá Lợi Phất còn không nỡ thấy Ta chết mất đầu, nên ông cũng tự mình chết trước, huống nữa là bây giờ Xá Lợi Phất đã chứng đắc A La Hán, trí tuệ cao siêu.

Hết

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nhà hàng Việt Chay kỷ niệm 10 năm thành Dễ dàng làm món khổ qua trộn hãy như sông điều vì sao phải siêu độ vong nhân leo vì sao phải siêu độ vong nhân lut Stress tu tai sao trong dao phat de cap den vo nga co nen xem boi hay khong nguyên lội Ẩm thực văn hóa Những đức hạnh lý tưởng của người Nhớ Thư Và đạo phật là con đường hạnh phúc bến thời gian nh脙茠脝 VÃƒÆ 無量義經 đệ cõi tạm nhất Bánh khọt chay cho gia đình 9 loại thực phẩm giúp giảm cholesterol chùa hội phước Cảm nghĩ qua một cuộc thi thiếu huong dấu chân voi chúa khÙ uống 夜渡凡尘 削发更衣 首座 Lợi ích mới của Thiền định Đồng một Khởi động Ngày Chay Thế giới cùng Âm nhạc có tác dụng trong điều trị CÒn thiền tông 金刚经6个版本