Mục Lục.
Quyển Thượng.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
1.  Đệ tử đến tay không.
Một lần, có một vị khách đến tham phỏng Triệu Châu. Vị khách không mang theo lễ vật, cảm thấy bất an, nên nói:
- Đệ tử đến tay không. 
Triệu Châu đáp:
- Bỏ xuống đi! 
Vị khách không hiểu hỏi:
- Đệ tử không mang gì đến, làm sao bỏ xuống được? 
- Vậy ngươi hãy mang đi!
(Thiền Viên)
Ý của Triệu Châu là: ngươi không mang theo lễ vật có gì là quan trọng đâu! Hãy buông bỏ cái tâm chấp trước của ngươi đi. Bỏ tất cả, vượt lên tất cả chấp trước là có thể thành Phật.

2.  Lão tăng hiếu sát.
Có ông tăng theo Triệu Châu ra vườn rau, thấy một con thỏ hoảng sợ chạy trốn.
Ông tăng hỏi:
- Thiền sư là người tu, vì sao con thỏ trông thấy lại sợ? 
- Vì lão tăng hiếu sát. 
 (Thiền Cơ)
Ông Tăng thấy thỏ hoảng sợ bỏ chạy là lạc vào hiện tượng giới mà không tự biết. Câu đáp của Triệu Châu có ý bảo ông  phải cắt đứt mọi trói buộc.

3.  Cây cờ.
Trong thiền viện có một cây cờ bị gió thổi gẫy. Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Cây cờ đi về phàm hay đi về thánh? 
- Không phàm, không thánh.
- Vậy đi về đâu? 
- Rơi xuống đất. 
(Thiền Cơ)
Câu hỏi của ông tăng còn phân phàm thánh là còn có sai biệt, vì vậy Triệu Châu bảo không phàm, không thánh.

4.  Con lừa kêu.
Duy Chính nhân có việc phải đến kinh thành, trên đường gập một viên quan lại. Ông này mời thiền sư thọ trai. Bỗng nhiên một con lừa hí lên, viên quan lại kêu "Thiền sư.” Duy Chính ngẩng đầu lên, viên quan lại bèn chỉ con lừa. Thiền sư bèn chỉ viên quan lại. 
   (Thiền Cơ)
Ở hiện tượng giới, con lừa, thiền sư, viên quan lại có sai biệt, nhưng ở bản thể giới thì chỉ là một

5.  Chín chín tám mốt.
Một ông tăng hỏi Ba Tiêu:
- Ẩn thân ở Bắc Đẩu là ý gì? 
- Chín chín tám mốt.
Ngưng lại một lát, Ba Tiêu lại hỏi:
- Ngươi hiểu không? 
- Không hiểu. 
- Một, hai, ba, bốn, năm...
(Thiền Cơ)
Ẩn thân ở Bắc Đẩu chỉ trụ ở bản thể giới. 81 là chung điểm của 9x9.
1, 2, 3, 4, 5...  sẽ dẫn đến vô cực.

6.  Hét, đánh.
Có ông tăng hỏi Thủ Sơn:
- Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, cứu cánh là ý nghĩa gì?
- Ngươi thử làm coi.
Ông tăng bèn hét một tiếng. 
- Đồ mù! 
Ông tăng lại hét một tiếng nữa. 
- Đồ mù hỗn, còn ra thể thống gì?
 Ông tăng nghe rồi bèn hướng Thủ Sơn hành lễ. Thủ Sơn đánh ông một gậy. 
(Thiền Viên)
Đánh và hét đã làm nhiều thiền sinh khai ngộ là do áp dụng đúng thời cơ; nhưng cái cơ duyên đó nhìn không thấy, cảm không được, nếu ta cứ đánh hét một cách máy móc thì chẳng khác gì nói chuyện với người câm, điếc.

7.  Nhất tự quan.
 Có ông tăng hỏi Đầu Tử :
- Thế nào là Phật? 
- Phật. 
- Thế nào là Đạo? 
- Đạo. 
- Thế nào là Thiền?
- Thiền. 
 (Thiền Viên)
Nhất Tự Quan là loại công án mà lời đáp chỉ bằng một tiếng. Những câu trả lời của Đầu Tử dường như là không trả lời, nhưng xét kỹ lại thì đó lại là những câu trả lời hoàn toàn nhất.

8.  Trăng lặn hướng Tây.
Một ông tăng hỏi Như Mẫn:
- Thiền sư bao nhiêu tuổi rồi? 
- Ngày nay sanh, ngày mai mất. 
- Vậy sao? Sanh ở đâu vậy?
- Mặt trời mọc phương Đông, mặt trăng lặn phương Tây. 
                              (Thiền Cơ)
Ở hiện tượng giới có sai biệt về thời gian (nay, mai) về không gian (Đông, Tây) nhưng ở bản thể giới chỉ là một.

9.   Muốn ngủ thì ngủ.
Một ông tăng hỏi Chiêu Hiền:
- Thế nào là tâm bình thường? 
- Muốn ngủ thì ngủ, muốn ngồi thì ngồi.
- Đệ tử không hiểu. 
- Nóng thì tìm chỗ mát, lạnh thì lại gần lửa.
                                                                                (Thiền Cơ)
Tâm bình thường là chỉ cảnh giới an nhiên, tự tại.

10.  Làm lừa, làm ngựa.
Một ông tăng hỏi Chiêu Hiền (đệ tử của Nam Tuyền):
- Nam Tuyền mất rồi đi đâu? 
- Đến nhà phía Đông làm lừa, hoặc đến nhà phía Tây làm ngựa.
- Nghĩa là sao? 
- Muốn cưỡi thì nhẩy lên, không muốn thì nhẩy xuống.
                                                              (Thiền Cơ)
Lừa, ngựa chỉ hiện tượng giới; cưỡi hay không cưỡi chỉ phàm, thánh là một.

11.  Ngươi thiếu gì?
Một ông tăng hỏi Linh Mặc:
- Thiền sư không có pháp nào tiếp dẫn người sao?
- Đợi ngươi thỉnh cầu, ta sẽ tiếp dẫn. 
- Thỉnh thiền sư tiếp dẫn. 
- Ngươi thiếu gì? 
(Thiền Cơ)
Tự tánh ai cũng có, việc gì  phải cầu xin ở bên ngoài?

12.  Cửa thiên đường.
Một vị tướng quân hỏi Bạch Ẩn:
- Có thật là có Thiên Đường và Địa Ngục không?
- Ngươi làm gì? 
- Thưa, là một vị danh tướng. 
- Ha! Ha! Đồ ngu ngốc nào mời ngươi làm tướng, trông ngươi giống như một tên đồ tể!
Vị tướng quân gầm lên: “Nói cái gì? “và rút phắt kiếm ra. 
Bạch Ẩn nói:
- Cửa địa ngục đã mở ra rồi đấy!
Vị tướng quân bừng tỉnh, vội đút kiếm vào vỏ và tạ tội. 
- Đó! Cửa thiên đường đã mở rồi! 
 (Thiền Thuyết)
Địa ngục và thiên đường không phải sau khi chết rồi mới có, mà ngay trong hiện tại, ngay trong một niệm, tùy thiện hay ác mà cửa mở.

13.  Gà vàng chưa gáy.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử:
- Gà vàng chưa gáy thì sao?
- Không có tiếng. 
- Gáy rồi thì sao? 
- Mọi người tự biết thời khắc.
(Thiền Cơ)
Gà vàng chỉ tự tánh, chưa gáy chỉ chưa ngộ, gáy rồi chỉ đã ngộ. "Mọi người tự biết thời khắc" chỉ tự tánh phải tự mình thể hội.

14.  Người đắc đạo.
Một ông tăng hỏi Như Nột:
- Thế nào là người đắc đạo?
- Đi không lưu dấu chân, đứng ngồi không người biết. 
                                                              (Thiền Cơ)
Câu đáp mô tả cảnh giới kiến tánh.

15.  Dao Giang Tây.
Tư Minh thưa :
- Đệ tử không mang đến lễ vật gì tốt, chỉ tại Hà Nam mua một con dao Giang Tây để tặng thiền sư!
Bảo Ứng đáp :
- Ngươi từ Hà Nam lại, mua dao ở đâu?
Tư Minh nắm lấy tay Bảo Ứng bóp một cái.
Thiền sư nói :
- Thị giả! Mau nhận lấy dao. 
 (Thiền Cơ)
Giang Tây chỉ dòng thiền của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Hà Nam chỉ dòng thiền của Thanh Nguyên Hành Tư. Dao chỉ phương cách kiến tánh. Câu hỏi của Bảo Ứng  "Ngươi từ Hà Nam lại, mua dao ở đâu?" là hỏi Tư Minh giác ngộ do phương pháp của Hoài Nhượng, Hành Tư hoặc từ phái khác? Tư Minh bóp tay thiền sư biểu thị không phải do phái ngoài. Do đó, thiền sư gật đầu kêu thị giả nhận dao.

16.  Sanh tử trật tự.
Có một vị phú ông nhờ Tiên Nhai viết chữ. 
Tiên Nhai viết:"Cha chết, con chết, cháu chết.”
Phú ông nổi giận :
- Đệ tử nhờ thầy ban cho những lời tốt lành, sao lại giỡn cợt như vậy? 
- Đây là những lời tốt lành đó nha! Nếu như con ông chết trước ông, có phải là ông đau khổ không? Lại nữa nếu cháu ông chết trước con ông thì hai cha con ông đau khổ biết chừng nào? Nếu gia đình ông cứ theo như lời ta viết thì có phải là thực sự hưng vượng không nào?
(Thiền Thuyết)
Sống gửi, thác về; chết ví như kẻ du tử về nhà. Nếu cứ theo trật tự mà chết chẳng phải là có phúc sao!

17.   Đại Thừa,  Tiểu Thừa.
Có một lần Hoàng Bá lên chơi Ngũ Đài Sơn, trên đường gập một vị quái tăng. Hai người vừa đi vừa chuyện vãn, tâm đầu ý hợp. Gập một con suối, sức nước rất mạnh. Vị tăng bảo Hoàng Bá:
- Chúng ta qua bờ bên kia đi! 
Hoàng Bá nói:
- Ngươi muốn qua thì cứ tự mình qua đi.
Vị tăng không nói một lời vén quần chạy qua suối như chạy trên đường lộ, còn quay đầu lại kêu Hoàng Bá:
- Lại mau! Lại mau!
Hoàng Bá đáp :
- Nếu ta biết ngươi như vậy ta đã chặt chân ngươi rồi!
Vị tăng nghe rồi tán thán rằng: “Ngươi thật là một vị đại thừa pháp khí, ta thật không bằng!”, nói rồi biến mất. 
(Thiền Viên)
Tiểu thừa là tự độ; Đại thừa là tự độ rồi độ tha. Do đó vị quái tăng biểu thị cho tiểu thừa phải biến mất.

18.   Không rửa mặt.
Một ông tăng hỏi Đạo Hạnh:
- Thế nào là đường tu chánh?
- Sau niết bàn sẽ có.
- Sau niết bàn sẽ có là ý gì?
- Không rửa mặt
- Đệ tử không hiểu!
- Không mặt để rửa! 
(Thiền Cơ)
Mặt chỉ tự tánh, vì tự tánh không bẩn, không sạch nên không cần rửa.

19.  Nơi sanh.
Một ông tăng hỏi Huệ Hải :
- Thiền sư có biết nơi mình sẽ sanh không?
- Chưa chết làm sao biết nơi sanh? 
                             (Thiền Cơ)
Chết chỉ ngộ, sanh chỉ tự tánh.

20.  Nước vẩy không tới.
Một ông Tăng hỏi Đạo Khuông:
- Một trận mưa pháp, có nơi nào không thấm nhuần không?
- Có
- Là nơi nào vậy?
- Nước vẩy không tới! 
(Thiền Cơ)
Câu trả lời của Đạo Khuông có nghĩa là tự tánh phải tự mình tự chứng. 

21.  Văn Thù.
Văn Hỷ có lần lên Ngũ Đài Sơn, trên đường gập một ông lão. 
Văn Hỷ hỏi ông lão: 
- Nơi đây, Phật pháp như thế nào? 
- Rồng rắn hỗn tạp, phàm thánh giao tham.
- Có bao nhiêu người?
- Trước 33, sau 33.
Tới hôm sau không thấy ông lão đâu nữa, chỉ thấy bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hiện trên không. Sau Văn Hỷ tu tập ở Ngưỡng Sơn mà ngộ, làm việc ở nhà bếp. Một hôm, nhân mở vung nồi cơm, trong hơi nóng bốc ra lại thấy Văn Thù hiện ra. Văn Hỷ vơ lấy đồ vụt Văn Thù và nói: "Văn Thù tự Văn Thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ, hôm nay không thể cảm hoặc ta được đâu!"
                                                                (Thiền Viên)
Người tu Thiền thấy cảnh lạ: Phật, Thánh sinh lòng sợ hãi hoặc kính ngưỡng đó là vì tâm chưa thanh tịnh. Ngộ rồi, thì đó chỉ là hiện tướng, là mê hoặc mà thôi.

22.  Giả Thiền.
Trong đám đệ tử của Bạch Ẩn có một ông tăng có vẻ đã khai ngộ. Ông không lễ Phật, không dâng hương, thậm chí còn xé kinh Đại Niết Bàn làm giấy đi cầu, nói rằng: “Ta chính là Phật, kinh văn là ghi lại những lời Phật nói. Đã có Phật ở đây rồi, thì kinh văn chỉ là mớ giấy lộn làm việc vệ sinh lại chẳng đuợc sao?”
Bạch Ẩn biết chuyện, gọi ông tăng lại bảo rằng: “Nghe nói ngươi đã thành Phật! Đáng mừng! Đáng mừng! Nhưng mà đít Phật cũng đáng tôn quý, dùng giấy lộn làm vệ sinh thì không xứng chút nào, sau này ngươi nên dùng giấy trắng thanh khiết thì hơn.”
 (Thiền Viên)
Ông tăng nghe Bạch Ẩn nói "đít Phật cũng đáng tôn quý" mà không có phản ứng gì, đủ biết đó là giả ngộ. Sau ông tăng đó hướng Bạch Ẩn mà sám hối.

23.  Không cho mọc rễ.
Dược Sơn thấy một ông tăng đang trồng rau, bèn chạy lại nói:
- Trồng thì cứ trồng nhưng đừng cho nó mọc rễ.
- Nếu không cho nó mọc rễ thì đại chúng ăn cái gì?
Dược Sơn hỏi:
- Ngươi còn dùng miệng sao?
Ông tăng không trả lời được. 
 (Thiền Cơ)
"Rễ" trong câu nói của Dược Sơn là chỉ căn trần không phải là rễ cây.

24.  Quay đầu.
Linh Mặc vào phòng phương trượng thấy Thạch Đầu đang ngồi thiền bèn hỏi:
- Nếu nói một câu khế hợp, thì ta ở lại, bằng không thì ta đi!
Thạch Đầu ngồi yên không nói. Linh Mặc bèn đi ra. Thạch Đầu theo ra đến ngoài cửa hét:  "Hòa thượng!"
Linh Mặc quay đầu lại. 
Thạch Đầu nói:
- Từ sanh đến tử, chỉ là cái đó, quay đầu lại làm gì? 
 (Thiền Cơ)
Cái đó chỉ tự tánh, quay đầu chỉ sự hướng ngoại.

25.  Địa Tạng gập trộm.
Lý Sùng nhân đi tuần phương Nam, vào thăm thiền viện Văn Thù thấy tượng bồ tát Địa Tạng bèn hỏi:
- Vì sao Địa Tạng giơ tay?
Viên Minh đáp:
- Hạt châu trong tay bị trộm lấy mất.
- Đã là Địa Tạng sao còn gập trộm?
- Hôm nay bắt được rồi. 
(Thiền Cơ)
Châu chỉ tự tánh, trộm chỉ trần ai.

26.  Một đám mây trong không.
Đường Túc Tông hỏi Huệ Trung đã đắc pháp Phật nào?
- Bệ Hạ có thấy đám mây trong không?
- Thấy.
- Lấy đinh sắt mà đóng nó lại. 
 (Thiền Cơ)
Phật pháp lưu động như mây, cố định một chỗ là không phải.

27.  Phí công khoác cà sa.
Một ông tăng nói :
- Dộng chuông rồi, thỉnh thiền sư thượng đường.
Dược Sơn bảo:
- Ngươi mang giúp ta y bát.
- Thiền sư không có tay bao lâu rồi?
- Uổng cho ngươi khoác áo cà sa! 
                                                                                   (Thiền Cơ)
Ông tăng còn phân biệt ta, người nên bị Dược Sơn mắng.

28.  Cho ta một đồng.
Tòng Thần thấy một ông tăng đang đếm tiền bèn nói:
- Cho ta một đồng.
- Thiền sư vì sao tới nước này?
- Ta tới nước này!
- Nếu đã tới nước này, cầm lấy một đồng.
- Ngươi vì sao tới nước này? 
(Thiền Cơ)
Tiền là vật ngoài thân. Thiền sư muốn ám chỉ phải quay vào trong để ngộ tự tánh; ông tăng không hiểu tưởng thiền sư nghèo quá nên phải xin tiền thật.

29.  Rau sống, rau chín.
Triệu Châu hỏi ông tăng coi vườn rau:
- Hôm nay ăn rau sống hay rau chín?
Ông tăng lấy một nắm rau đưa cho thiền sư. 
Triệu Châu nói:
- Ngươi biết ơn ít, ngươi phụ ơn nhiều! 
                                                                                  (Thiền Cơ)
Muốn biết rau sống hay chín, phải tự mình ăn mới biết, đưa cho thiền sư làm gì?

30.  Tới số.
Nhất Hưu từ nhỏ đã rất thông minh. Sư phụ ông có một cái tách để uống trà là một đồ cổ rất hiếm quý. Một hôm ông vô ý đánh vỡ, trong lòng cảm thấy khốn đốn. Ngay lúc đó ông nghe tiếng bước chân sư phụ đến nơi ông liền hỏi:
- Sư phụ! Con người vì sao phải chết?
Sư phụ ông đáp:
-  Đó là chuyện tự nhiên, ở trên thế gian này, tất cả mọi sự vật có sanh thì có tử!
 Lúc đó Nhất Hưu đưa mảnh tách vỡ ra và nói:
- Tách trà của sư phụ đã tới số rồi!
                                                                       (Thiền Thuyết)
Nếu đã hiểu được sanh tử của con người thì cũng hiểu được sự thành hoại của sự vật.

31.   Không biết gã này.
Khế Xung là một vị đại sư ở thời Minh Trị, trụ trì Đông Phúc Tự nhiều năm. Một hôm đại tướng quân Bắc Viên là Tổng Đốc Kinh Đô đến thăm viếng. Thị giả đưa danh thiếp có mấy chữ  "Tổng Đốc Kinh Đô Bắc Viên" trình lên.
Thiền sư nói:
- Ta chẳng có quan hệ gì với gã Tổng đốc này, bảo gã hãy đi đi.
Thị giả đưa trả danh thiếp.
Bắc Viên ngỏ lời xin lỗi : 
- Đó là lỗi của ta, (bèn lấy bút xóa bốn chữ Tổng Đốc Kinh Đô), phiền thầy trao lại.
Thiền sư đọc danh thiếp nói:
- A, thì ra là Bắc Viên, ta tiếp gã này. 
(Thiền Thuyết)
Danh lợi, địa vị, của cải, thành tựu thường làm che mất chân ngã, làm chúng ta mê man như du tử lạc lối về nhà.

32.  Đại ý Phật Pháp.
Có ông tăng hỏi Thạch Sương:
- Đại ý Phật pháp là thế nào?
- Ngày xuân, gà gáy.
- Đệ tử không hiểu.
- Trung thu, chó sủa. 
(Thiền Viên)
Đạo là do tham cứu những sự vật tầm thường mà ngộ.

33.  Con lừa.
Quang Dũng là truyền thừa của Ngưỡng Sơn, một hôm về thăm Ngưỡng Sơn.
 Ngưỡng Sơn hỏi:
- Đến làm gì?
- Đến tham bái hòa thượng. 
- Còn thấy lão tăng không?
- Thấy!
Ngưỡng Sơn lại hỏi:
- Thấy lão tăng giống con lừa không?
- Lão tăng cũng không giống Phật.
- Vậy giống cái gì?
- Nếu giống cái gì thì đối với con lừa có gì là khác biệt đâu?
Ngưỡng Sơn nghe rồi khen rằng:
- Ta dùng câu này 20 năm rồi để khảo nghiệm mà chỉ có con là đáp được, thật là phàm thánh tận tình hộ trì! 
(Thiền Viên)
Câu đáp của Quang Dũng chỉ rằng ông đã thể hội Tánh, Tướng là một.

34.  Trời đất cùng cười.
Một tối, Dược Sơn lên núi kinh hành, đột nhiên mây tan, lộ vầng trăng sáng, thiền sư bỗng phá lên cười. Kết quả là dân dưới núi trong vòng 10 dậm đều nghe thấy tiếng cười, không biết ở đâu tới. Ngày hôm sau, mọi người đều hỏi nhau, tin tức lan truyền tới núi, chúng đệ tử nói rằng:"Đó chính là sư phụ chúng tôi đêm qua tại đỉnh núi cười đó."
                                    (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Dược Sơn đã vong ngã, hòa cùng trời đất thành một thể mà cười lớn vậy. Lý Cao có làm một bài thơ tặng Dược Sơn nói về chuyện này:

選 得 幽 居 合 野 情
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình
終 年 無 送 亦 無 迎
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
有 時 直 上 孤 鋒 頂
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
月 下 披 雲 叫 一 聲
Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh
Chọn  chốn  cô  liêu  thỏa  dạ  quê
Quanh  năm  nào  biết  đón  đưa  gì
Có  khi  lên  tận  đầu  non  vắng
Điểm  nguyệt  khơi  mây  lớn  giọng kỳ.
 (Tuệ Sĩ dịch) 
Hòa Sơn cũng đã từng nói qua  "Lạ thật! Lạ thật! Giả như ta cười thì trời cũng cười, đất cũng cười!"

35.  Tạp dịch.
Một hôm Tây Viên đun nước để tắm, một ông tăng thấy nói rằng:
- Những việc tạp dịch này, thiền sư để các chú tiểu lo được rồi!
Tây Viên không nói, chỉ phủi tay.
 (Thiền Viên)
Thiền phải do tự mình thể hội, không thể nhờ kẻ khác.

36.  Hai rồng tranh châu.
Một ông tăng hỏi Thủ Sơn :
- Hai rồng tranh châu, con nào được?
- Con được, thua.
- Con không được, thì sao?
- Châu ở đâu?
(Thiền Cơ) 
Châu chỉ tự tánh; được, thua chỉ sai biệt là hiện tượng giới. Không thể tìm tự tánh trong sự sai biệt.

37.   Mới vào cửa Thiền.
Ông tăng hỏi :
- Đệ tử mới vào cửa Thiền, xin thiền sư chỉ dậy. 
Trần Tôn Túc đáp:
- Ngươi không biết cách hỏi.
- Vậy sao, ý của thiền sư là gì?
- Tha cho ngươi 30 gậy, hãy tự mang đi. 
                                                                                 (Thiền Cơ)
Đừng hỏi người, hãy tự hỏi mình.

38.  Thế nào là giải thoát.
Một ông tăng hỏi Thạch Đầu:
- Thế nào là giải thoát?
- Ai trói ngươi?
- Thế nào là Tịnh Độ?
- Ai làm bẩn ngươi?
- Thế nào là Niết Bàn?
- Ai làm ngươi, sống, chết? 
(Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Câu trả lời của Thạch Đầu chỉ mình tự trói, tự ô uế, tự gây ra sanh, tử.
(Thiền Cơ)

39.  Gà mẹ ấp trứng.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử:
- Đệ tử hỏi một câu, thiền sư liền đáp ngay; nếu bỗng nhiên hỏi ngàn vạn câu thì thiền sư làm sao? 
- Giống gà mẹ ấp trứng. 
       (Thiền Cơ)
Phương pháp có nhiều nhưng không ngoài mục đích kiến tánh.

40.  Ta có thể đánh trống.
Có ông tăng hỏi Hòa Sơn:
- Thế nào là chân quá?
- Ta có thể đánh trống!
- Thế nào là chân đế?
- Ta có thể đánh trống!
- Tức tâm tức Phật không thể hỏi, nhưng phi tâm phi Phật là sao?
- Ta có thể đánh trống!
- Đối với bậc thượng nhân, làm sao mà giáo hóa?
- Ta có thể đánh trống!
 (Thiền Viên)
Chân là chân thật, quá là độ quá; chân quá nghĩa là đã giác ngộ. Trong Phật học, tu tập học vấn gọi là văn; học tận học vấn gọi là  "lân" đã tiếp cận đạo, là hàng xóm của Phật. Đã thông quá "Văn" và "Lân" là đạt tới cảnh giới tối cao gọi là "Chân Quá.” Ngôn ngữ không truyền đạt được sự thật, nếu bị lời nói làm cho khốn quẫn thì càng ngày càng đi sâu vào mê lộ, không tìm ra được chân lý. 

41.  Mắt thấy như cục đất.
Một ông tăng hỏi Lệnh Siêu:
- Hai rồng tranh châu con nào được?
- Châu ở khắp nơi, mắt thấy như cục đất.
(Thiền Cơ)
Châu chỉ tự tánh.

42.  Một đám mây trắng.
Một ông tăng hỏi Nguyên An:
- Kinh Phật nói cúng dường cho trăm ngàn vị Phật chẳng bằng cho một người phàm tục ăn cơm, không biết trăm ngàn vị Phật có tội lỗi gì, còn người phàm tục có công đức gì?
- Một đám mây trắng ngang cửa hang, biết bao chim lạc lối về tổ. 
                      (Thiền Cơ)
Mây trắng chỉ sự chấp Phật, càng chấp càng xa lìa tự tánh.

43.  Thế nào là siêu Phật, vượt Tổ?
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Thế nào là siêu Phật, vượt Tổ?
- Ma Hoàng Bồ Châu, Phụ Tử Ích Châu! 
(Vân Môn Lục)
Câu hỏi hãy còn chấp Phật, pháp; Câu đáp đả phá mọi trói buộc để tiến tới cảnh giới tối cao.
 (Long Mãn)

44.  Không nói.
Đạo Ngô dẫn đệ tử Tiệm Nguyên đến tang gia phúng điếu. Tiệm Nguyên vỗ quan tài mà nói:
- Sống ư? chết ư?
Đạo Ngô nói:
- Ta không nói sống, cũng không nói chết.
- Tại sao không nói?
- Không nói! Không nói!
Khi về tự viện, Tiệm Nguyên nói:
- Lão sư nói mau, nếu không con sẽ đánh.
- Muốn đánh, cứ đánh, ta không nói.
Tiệm Nguyên bèn đánh sư phụ. Khi Đạo Ngô mất Tiệm Nguyên đến Thạch Sương và kể lại câu truyện trên. Thạch Sương nói:
- Ta không nói sống, cũng không nói chết!
- Tại sao không nói?
- Không nói, không nói.
Tiệm Nguyên nghe rồi liền ngộ. Một hôm, tại pháp đường Tiệm Nguyên vác cuốc đi từ Đông sang Tây. Thạch Sương hỏi:
- Ngươi làm gì đó?
- Tìm linh cốt của tiên sư.
- Ngươi chẳng thấy nước lớn mênh mông, sóng bạc ngập trời, tìm linh cốt tiên sư cái gì?
- Vậy, con đã phí công rồi! 
(Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Đạo Ngô và Thạch Sương không nói sống, không nói chết vì sống chết là những ý niệm đối đãi, còn ở trong hiện tượng giới. Câu của Thạch Sương "ngươi chẳng thấy nước lớn mênh mông, sóng bạc ngập trời" chỉ Phật tánh sung mãn khắp trời đất. Câu đáp của Tiệm Nguyên hàm ý "Đúng vậy! Đó là điều con muốn nói!" 
(Long Mãn)

45. Người có Nam, Bắc; Phật Tánh vốn không Bắc, Nam.
Huệ Năng lúc mới đến gập Ngũ tổ Hoàng Nhẫn, Hoằng Nhẫn hỏi:
- Ngươi là người ở đâu, đến đây cầu việc gì?
- Đệ tử người Lãnh Nam đến vái sư phụ, chỉ cầu làm Phật, không cần gì khác.
- Người Lãnh Nam còn dã man sao thành Phật được?
- Người có Nam, Bắc, Phật tánh vốn không Bắc, Nam
                          (Pháp Bảo Đàn Kinh)
Phật tánh ai cũng có, làm gì có phân biệt!

46.  Làm trâu.
Phổ Nguyện lúc sắp mất, một ông tăng hỏi:
- Thiền sư mất rồi đi đâu?
- Xuống núi làm trâu. 
(Thiền Cơ)
Tự tánh ở khắp mọi nơi, không vì sanh tử mà tăng hay giảm.

47.  Xanh, vàng, đỏ, trắng.
Một ông tăng hỏi Huệ Chân:
- Thế nào là tùy sắc ma ni châu?
Ngộ Chân đáp:
- Xanh, vàng đỏ, trắng.
- Thế nào là không tùy sắc ma ni châu?
- Xanh, vàng, đỏ, trắng. 
(Thiền Cơ)
Tùy sắc ma ni châu chỉ tướng; không tùy sắc ma ni châu chỉ thể. Câu đáp của Ngộ Chân chỉ thể tướng là một.

48.  Lão Tăng đau lưng.
Một ông tăng thưa với Đầu Tử:
- Đệ tử từ ngàn dậm lại, thỉnh cầu thiền sư tiếp dẫn.
- Hôm nay lão tăng đau lưng. 
(Thiền Cơ)
Câu đáp của Đầu Tử ám chỉ ông tăng tự tiếp.

49.  Dụng tâm liền sai.
Một ông tăng hỏi Thủy Lục:
- Đệ tử dụng tâm chỗ nào?
- Dụng tâm liền sai.
- Khi không khởi một niệm thì sao?
- Là một gã vô dụng. 
(Thiền Cơ)
Dụng tâm là có sai biệt, là còn ở trong hiện tượng giới; không khởi một niệm là bước vào bản thể giới, "là một gã vô dụng" là lại quay về hiện tượng giới.

50. Xá  Lợi.
Một hôm Đơn Hà đến Huệ Lâm Tự ở Lạc Dương. Hôm đó trời rất lạnh. Đơn Hà bèn lên điện Phật lấy tượng Phật bằng gỗ xuống, đốt để sưởi ấm. Chính lúc đó viện 
chủ tới, bèn hét lên:
- Sao ngươi lại đốt tượng Phật vậy?
Đơn Hà lấy gậy bới trong đống tro mà đáp:
- Ta tính đốt tượng Phật này để tìm xá lợi.
Viện chủ kinh ngạc hỏi:
- Phật gỗ làm sao có xá lợi?
- Không có sao? Vậy ta xin thỉnh hai vị nữa, đốt để sưởi ấm được không? 
(Thiền Thuyết)
Đạo nhân vô tâm, nên mọi hành động đều tự do, tự tại không bị hình thức trói buộc.

51.  Ngươi tên chi?
Tam Thánh là đồ đệ của Lâm Tế đến gập Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi:
- Ngươi tên chi?
- Huệ Tịch.
- Huệ Tịch là tên của lão nạp.
- A! Đúng rồi, đệ tử là Huệ Nhiên.
Ngưỡng Sơn ha hả cười lớn. 
                                                                              (Bích Nham Lục)
Khi vượt lên khỏi cá thể thì Huệ Tịch tức là Huệ Nhiên, Huệ Nhiên tức là Huệ Tịch.

52.  Thùng nước thủng đáy.
Ni cô Như Đại mới đầu theo Tổ Nguyên học thiền, sau lại theo Thánh Nhất quốc sư, phụ trách bửa củi, gánh nước. Một hôm, ni cô đội thùng nước trên đầu mà đi, bỗng đáy thùng rơi ra. Ni cô do đó tỉnh ngộ, bèn làm bài kệ:
頂 頭 桶 底
Đính đầu dõng để
忽 脫 落 
Hốt thoát lạc 
水 已 不 留
Thủy dĩ bất lưu
月 不 宿 
Nguyệt bất túc. 
Trên  đầu  đội  thùng  nước
Đáy  thùng  bỗng  vỡ  tung
Không  còn  nước  trong  thùng
Không  còn  trăng  trong  nước! 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Bài kệ cho thấy Ni cô đã đạt được tâm cảnh chân không vô tướng.

53.  Chết đứng.
Có một lần Ẩn Phong đi đường gập hai đoàn quân đang giao chiến chưa phân thắng bại. Thiền sư lấy tích trượng ném lên không. Hai đạo quân đang đánh nhau, bỗng thấy một vị hòa thượng bay qua bèn ngưng đánh nhau mà xem sự kiện lạ lùng ấy. Ẩn Phong hiển lộ thần thông rồi, sợ người nói mình thi hành yêu thuật hoặc chúng bèn về Ngũ Đài Sơn mà nhập diệt. Ẩn Phong hỏi chư tăng:
- Ngoài chết ngồi, chết nằm, có ai chết đứng chưa?
Mọi người đáp có.  Lại hỏi:
- Có chết đứng rồi, nhưng có lộn ngược đầu mà chết chưa?
Chư tăng đáp:
- Chưa thấy qua.
Ẩn Phong bèn lộn ngược đầu mà hóa. Chúng tăng rất phục, muốn đem đi hóa nhưng đẩy thế nào cũng không được. Thiền sư có một em gái là Tỳ khưu ni, nghe vậy chạy đến nói rằng:
- Sư huynh sống tác quái, chết rồi còn tác quái!
Nói rồi đẩy một cái, thây liền ngã. 
 (Thiền Viên)
Thiền có chỗ không thể nghĩ bàn, đây chính là một trong những truyền kỳ của Thiền vậy.

54.  Chẳng đi đêm.
Triệu Châu hỏi Đầu Tử:
- Kinh nghiệm của người tu Thiền “chết đi sống lại” như thế nào?
- Đêm tối chẳng đi, đợi trời sáng hãy đi.
 (Nhất Nhật Nhất Thiền)
Người tu Thiền tham công án đến mức hòa với công án là một, lúc đó là đạt tới mức Chân Không Vô Tướng, từ cái không đó lại tạo ra cái có (Chân Không Diệu Hữu). Đó là từ u ám (đêm) mà dẫn tới sáng (trời sáng) vậy.

55.  Bán một cân thịt thượng hạng.
Có một lần Bàn Sơn đi đường, thấy một người khách mua thịt heo, nói với người bán thịt rằng:
- Bán cho ta một cân thịt thượng hạng.
Người bán thịt bỏ dao xuống, khoanh tay trước ngực, nói rằng:
- Thớt thịt này chẳng phải toàn là thượng hạng sao?
Bàn Sơn nghe câu nói đó bỗng nhiên tỉnh ngộ. 
 (Chánh Pháp Nhãn Tạng)
Bàn Sơn vì vấn đề thiện ác đối lập làm cho phiền não, nghe được câu nói của người bán thịt rồi liền nhập vào cảnh giới Bình Đẳng Vô Sai Biệt, không còn ác cũng không còn thiện. 
 (Long Mãn)

56.  Hành cước tăng.
Có một ông tăng tới tham kiến, Trần Tôn Túc hỏi:
- Ngươi là một vị hành cước tăng phải không?
- Phải.
- Lễ Phật chưa?
- Lễ Phật đất đó làm gì?
Ngươi hãy tự mình mang đi!
(Thiền Cơ)
Đã biết Phật đất, vậy hãy tự mang Phật thật đi.

57.  Tường Đông đánh tường Tây.
Một ông tăng hỏi Lũng Chân:
- Thế nào là ý của Tổ sư từ Tây sang?
- Tường Đông đánh tường Tây. 
(Thiền Cơ)
Phải phá bỏ sai biệt (Đông, Tây) mới thấy được tự tánh.

58.  Đinh một tấc.
Một ông tăng hỏi Thẩm Triết:
- Thế nào là chỗ thăm thẳm?
- Lấy đinh một tấc đóng vào gỗ, tám con trâu kéo chẳng ra! 
                             (Thiền Cơ)
Chỗ thăm thẳm chỉ tự tánh.

59.  Thả trâu.
Một hôm Tuệ Tạng đang làm việc ở nhà bếp. Mã Tổ hỏi:
- Làm gì vậy?
- Thả trâu.
- Thả làm sao?
- Khi trâu vào bụi cỏ, buông liềm, kéo mũi lôi ra.
- Ngươi thực biết thả trâu!
                      (Thiền Cơ)
Trâu chỉ tự tánh.

60.  Chỉ có ta thôi.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử:
- Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn cả, cái ta đó là gì?
- Đẩy ngã lão Hồ đó!
      (Thiền Cơ)
Lão Hồ chỉ Phật Thích Ca; câu đáp của Đầu Tử là để phá cái chấp Phật của ông tăng.

61.  Ngón tay trỏ mặt trăng.
Ni cô Vô Tận Tạng thưa với Huệ Năng rằng:
- Con tụng kinh Niết Bàn đã nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều chỗ chưa hiểu, nhờ thầy chỉ dậy.
- Ta không biết chữ, ngươi cứ tụng đi ta sẽ giải nghĩa cho.
- Chữ thầy còn chẳng đọc được thì làm sao giảng chân lý?
- Chân lý và chữ viết có liên quan gì với nhau đâu! Chân lý ví như mặt trăng ở trên trời, chữ viết ví như ngón tay. Ngón tay có thể chỉ cho biết mặt trăng ở chỗ nào, nhưng ngón tay không phải là mặt trăng, muốn ngắm trăng đâu cần thiết phải nhờ ngón tay.
(Thiền Thuyết)
Lời nói, chữ viết chỉ là công cụ để diễn tả chân lý; tưởng lầm lời nói, chữ viết là chân lý cũng như tưởng lầm ngón tay là mặt trăng vậy.

62.  Kẻ cướp giác ngộ.
Một buổi chiều Thất Lý đang tụng kinh, bỗng có một tên cướp xông vào dí dao vào người Thất Lý:
- Đưa tiền ra đây, nếu không ta sẽ lấy cái mạng già của ngươi.
- Tiền ở trong ngăn kéo, ngươi tự tiện mà lấy nhưng để lại một ít để ta mua thực phẩm.
Nói rồi lại tiếp tục đọc kinh. Tên cướp lấy tiền rồi định đi, Thất Lý nói:
- Lấy tiền của người ta mà không nói một tiếng cám ơn sao?
Tên cướp bèn nói "Cám ơn" rồi bỏ đi. Về sau tên cướp còn cướp giật nhiều nơi, nhiều người nữa và cuối cùng bị bắt. Thất Lý được kêu ra làm chứng. Thất Lý nói:
- Người này không phải là cướp, như ta biết, ta cho hắn tiền và hắn còn cám ơn ta nữa.
Tên cướp vẫn bị phán có tội và bị giam vào ngục. Hết hạn tù gã tìm ngay đến Thất Lý và xin được làm đệ tử. 
 (Thiền Thuyết)
Câu nói "Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật" thật khó làm được. Cái động lực khiến cho phải "buông dao đồ tể" chính là lòng từ bi vậy. 

63.  Số mạng trong tay mình.
Một vị võ tướng Nhật Bản tên là Tín Trưởng, một lần ông quyết tâm đánh bại địch thủ có số quân nhiều gấp mười lần quân số của ông. Ông rất tin tưởng là mình sẽ thắng nhưng bộ hạ của ông thì lại tỏ vẻ nghi ngờ. Khi dẫn quân đi ngang một tòa miếu, ông dừng lại bảo bộ hạ rằng:
- Ta muốn vào để bói một quẻ xem sao. Nếu mặt chính ở trên, chúng ta sẽ thắng, bằng ngược lại chúng ta sẽ thua, vận mạng của chúng ta nằm trong tay thần vậy!
Tín Trưởng vào trong miếu, yên lặng cầu nguyện một lúc. Sau dó quay mình ra trước mặt ba quân, tung đồng tiền lên. Kết quả mặt chính ở trên. Do đó, bộ hạ ông đều đòi đi đánh trận ngay. Đánh thắng trận rồi, một bộ hạ nói:
- Ai cũng không thể cải biến được số mạng.
Tín Trưởng không nói giơ đồng tiền ra: hai mặt đều là mặt chính cả. 
(Thiền Thuyết)
Trời đất chẳng tư vị ai, phải tự mình cứu mình.

64.  Vô Ngôn Đồng Tử Kinh.
Quy Sơn hỏi một ông tăng:
- Xem kinh gì vậy?
- Vô Ngôn Đồng Tử Kinh
- Có mấy cuốn?
- Hai cuốn.
- Đã vô ngôn sao lại chỉ có hai cuốn 
Ông tăng không trả lời được.
   (Thiền Cơ)
Vô ngôn tức có thể là 1 cuốn, 2 cuốn, vạn cuốn?

65.  Đánh vào đầu.
Tòng Triển thấy một ông tăng chạy lại, bèn giơ thiền trượng đánh vào đầu, ông tăng kêu đau. Tòng Triển nói: 
- Cái đó vì sao không đau? 
 (Thiên Cơ)
Cái đó chỉ tự tánh.

66.  Giết trâu.
Có người hỏi Huệ Giác:
- Tôi thường thích giết trâu, có tội không?
- Không tội.
- Vì sao không tội?
- Giết một, trả một. 
 (Thiền Cơ)
Có và không là sai biệt vì vậy thiền sư bảo phải bình đẳng.

67.  Gia phong của La Hán.
Một ông tăng hỏi La Hán:
- Gia phong của La Hán là gì?
- Không nói với ngươi.
- Tại sao không nói?
- Đó là gia phong của ta. 
(Thiền Cơ)
Gia phong chỉ tự tánh.

68.  Rùa đá nói rồi
Một ông tăng hỏi Cư Độn:
- Thế nào là ý của tổ sư từ Tây sang?
- Đợi rùa đá nói, ta sẽ bảo!
- Rùa đá nói rồi!
- Nói gì với ngươi vậy? 
 (Thiền Cơ)
Tự tánh không thể dùng lời để diễn tả được

69.  Trời, trăng chưa sáng.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử:
- Trời, trăng chưa sáng, Phật và chúng sanh ở đâu?
- Thấy lão tăng giận nói giận, thấy lão tăng vui nói vui.
 (Thiền Cơ)
Ông tăng còn phân biệt Phật và chúng sanh là còn sai biệt, Đầu Tử phàm thánh vô ngại, thấy giận nói giận, thấy vui nói vui, tùy duyên mà điểm hóa đại chúng.

70.  Thiền lý của tách trà.
Nam Ẩn là một thiền sư Nhật Bản sống dưới thời Minh Trị (1868-1912). Một hôm, có một vị giáo sư đại học đến hỏi thiền. Thiền sư lấy trà ra đãi khách. Ông rót nước trà vào tách của khách cho đến khi tách đầy mà vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư trợn mắt trừng trừng, nhìn nước trà tràn khỏi tách cho đến khi không giữ yên lặng được nữa, thưa rằng:
- Tách đã tràn rồi, xin đừng rót nữa.
 Nam Ẩn trả lời:
- Ông cũng giống như tách trà này. Trong óc ông đầy những tư tưởng, nếu ông không đổ hết tách trà của ông đi thì tôi làm sao mà nói chuyện Thiền cho ông nghe được. 
(Thiền Thuyết)
Nếu đã có thành kiến thì khó lòng chấp nhận ý kiến của người khác.

71.  Ta chẳng vào địa ngục thì ai vào?
Có người hỏi Triệu Châu:
- Thiền sư mất rồi đi đâu?
- Làm lừa, làm ngựa.
- Sau đó thì sao?
- Ta vào địa ngục.
- Có thể nào một vị thánh tăng như sư phụ sa địa ngục?
- Chính ta là người đầu tiên đi vào!
- Một vị đại thiện tri thức sao vào địa ngục được?
- Nếu ta không vào thì làm sao gập mà cứu con được?
      (Thiền Thuyết)
Nếu chỉ cúng Phật ở chỗ thanh khiết, vậy ở nơi ô uế không có Phật sao? Phật không đâu không có: thiên đường dĩ nhiên là có Phật, nhưng địa ngục lại chẳng là nơi cần Phật hơn sao?

72.  Trên trời, dưới trời chỉ có ta là đáng tôn quý.
Theo truyền thuyết Phật giáo, đức Phật khi được sanh ra, liền bước đi bẩy bước, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất nói rằng: "Trên trời, dưới trời chỉ có ta là đáng tôn quý.”
 (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Cái ta ở đây là chỉ tự tánh.

73.  Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước.
Có ông tăng hỏi Ba Lăng:
- Tổ ý và giáo lý là cùng hay là khác?
- Gà lạnh lên cây, vịt lạnh xuống nước. 
 (Nhất Nhật  Nhất Thiền Ngữ)
Gà vịt đều tìm cách trốn lạnh, nhưng phương pháp thì khác.

74.  Cầu đá Triệu Châu.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Từng nghe tiếng Cầu Đá Triệu Châu, tới nơi nhìn mới thấy nguyên lai chỉ là cầu gỗ.
- Ngươi chỉ mới thấy cầu gỗ chứ chưa thấy Cầu đá Triệu Châu.
- Cầu đó như thế nào?
- Lừa, ngựa đều qua được. 
(Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Cầu gỗ hữu hình, chỉ độ người một thời, cầu đá vô hình do lòng từ bi của bồ tát độ tất cả chúng sanh.
 (Thái Chí Trung).

75.  Bạch Cư Dị và Điểu Sào Thiền Sư.
Thiền sư Đạo Lâm trú trên cây tùng, do đó người đời gọi là Điểu 
Sào thiền sư. Một hôm thi sĩ Bạch Cư Dị hướng Đạo Lâm  thỉnh giáo:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
- Không làm các điều ác, nguyện làm mọi điều lành.
Bạch Cư Dị nghe rồi bảo thiền sư rằng:
- Nói vậy thì đứa trẻ lên ba cũng biết.
- Tuy là đứa trẻ lên ba cũng biết, nhưng ông lão tám mươi cũng chưa làm được!
 (Thiền Thuyết)
Chúng ta đều biết câu "biết khó, làm dễ" nhưng quên mất câu "biết dễ, làm khó"; làm được như thế phỏng được mấy người?

76.  Tiếng mưa.
Cảnh Thanh hỏi:
- Có tiếng gì ngoài cửa?
Một ông tăng đáp:
- Tiếng mưa rơi!
- Chúng sanh điên đảo mê chạy theo vật. 
   (Thiền Cơ)
Câu nói của Cảnh Thanh chỉ: chớ chạy theo ngoại vật, ngoại cảnh, ngoại duyên, ngoại trần.

77.  Sừng trái, sừng phải.
Thường Quán hỏi một ông tăng:
- Ngươi thấy trâu không?
- Có thấy.
- Thấy sừng trái hay sừng phải?
Ông tăng không đáp được. Thường Quán nói:
- Thấy không phân phải, trái. 
 (Thiền Cơ)
Trâu chỉ tự tánh, phải thấy cả con trâu chứ không thể chỉ thấy sừng trái hay sừng phải.

78.  Cây gậy hóa rồng.
Vân Môn cầm cây gậy hướng về các đệ tử, nói rằng:
 - Cây gậy này biến thành rồng, nuốt cả càn khôn, sơn hà đại địa làm sao mà có đây? 
 (Bích Nham Lục)
Gậy chỉ tâm, rồng chỉ sự giác ngộ. Khi ngộ rồi thì thấy thân tâm và vũ trụ đều cùng một thể.
(Long Mãn)

79.  Tuyết rơi về đâu?
Bàng cư sĩ đến bái phỏng Dược Sơn, lúc cáo từ Dược Sơn sai mười thiền khách tiễn ra cửa. Bàng cư sĩ chỉ tuyết trong không trung mà nói:
- Tuyết đẹp thay! Từng bông, từng bông rơi tới chỗ.
Lúc đó có một vị thiền khách tên là Tố Toàn hỏi rằng:
- Vậy sao! Rơi về đâu vậy?
Bàng cư sĩ bèn tát ông một cái. Tố Toàn hỏi:
- Sao lại ra tay đánh người?
- Ngươi như vậy mà cũng dám xưng là thiền khách, thiệt Diêm Vương cũng không dám cứu.
Tố Toàn hỏi:
- Vậy còn cư sĩ thì sao?
Cư sĩ lại tát Tố Toàn một cái nữa, nói rằng:
- Có mắt như mù, có lời như câm.
Tuyết Đậu bình rằng:
- Như quả là ta, thì khi Bàng cư sĩ hỏi, ta lấy một nắm tuyết ném vào người cư sĩ nói rằng:
- Rơi xuống chỗ này! 
(Bích Nham Lục)
Thiên hạ vạn vật chẳng kể to nhỏ, quý tiện đều có công dụng, chỗ đứng của nó. 
                      (Thái Chí Trung)

80.  Quan lớn ngốc.
Hai thiền sư Đại Ngu và Ngu Đường được một vị quan to mời đến tiếp kiến. Đến nơi, Ngu Đường nói với vị quan to rằng:
- Ngài vốn thông mẫn có thể học thiền được!
Đại Ngu mắng:
- Nói bậy! Tên quan ngốc này tuy có địa vị cao nhưng biết quái gì về thiền!
Kết quả, viên quan này xây tự viện cho Đại Ngu và theo ông học thiền.
(Thiền Thuyết)
Đại Ngu không bị ngoại cảnh mê hoặc, trong tâm không phân biệt thiện ác, nên tiếp cận với Thiền.

81.  Ngay trước mắt.
Nam Tuyền đang giẫy cỏ trên núi, có vị du tăng muốn đến tham phỏng Nam Tuyền bèn hướng về Nam Tuyền hỏi đường:
- Xin hỏi muốn đến Nam Tuyền thì đi đường nào?
- Cái liềm này ta mua 30 đồng đấy!
- Ta không hỏi cái liềm của lão mà muốn biết đường đến Nam Tuyền.
- Cắt cỏ vừa nhanh vừa sắc. 
                                                                                     (Thiền Viên)
Chuyện đời thường giống như vậy, có lúc người mình muốn gập ở ngay trước mắt mà mình không biết. Câu đáp một của Nam Tuyền chỉ thể, câu 2 chỉ dụng.

82.  Chủ nhân ông.
Thụy Nham mỗi ngày đều tự gọi "Chủ nhân" và tự trả lời "Dạ" rồi lại nói "Hãy tỉnh thức" và tự đáp  "Dạ!"   "Đừng bao giờ để kẻ khác lừa dối!"  "Dạ!" 
 (Thiền Thuyết)
Con người thường bị hoàn cảnh chi phối, vì vậy phải tỉnh thức để làm chủ lấy mình.

83.  Ngồi lâu sanh mệt.
Có ông tăng hỏi Hương Lâm:
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Ngồi lâu sanh mệt.
 (Bích Nham Lục)
Khi ngồi thì biết là mình ngồi, khi mệt thì biết là mình mệt. Đó là sự tỉnh thức trong mọi quán niệm.
 (Long Mãn)
84.  Cây Hoàng Dương.
Đại Tuệ, một bữa cơm chiều, mải tham công án tới mức vong ngã, cầm đũa mà quên cả ăn.
Viên Ngộ nói:
- Người này đã tham được Hoàng Dương Mộc Thiền.
 (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Cây hoàng dương là cây cứng nhưng không mọc cao, theo truyền thuyết thì càng mọc cao gỗ càng kém nên tỷ dụ cho thiền cảnh "chết đi nhưng chưa sống lại.”

85.  Tre cao,  tre thấp.
Thanh Bình hỏi Thúy Vi:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- Đợi lúc không người ta sẽ nói cho ngươi biết. 
Đợi một lúc Thanh Bình nói:
- Không có ai rồi, mời thầy nói.
Thúy Vi xuống thiền sàng, dẫn Thanh Bình ra vườn tre và nói:
- Ngươi xem chỗ này tre cao, chỗ kia tre thấp.
 (Thiền Thuyết)
Người có trí, ngu; tre có cao, thấp. Trí, ngu, cao, thấp không tuyệt đối tốt hay xấu. Cao có cái tốt của cao, thấp có cái khéo của thấp.

86.  Tre đen, tre đỏ.
Có người nhờ một họa sĩ vẽ một bức tranh Tre. Tranh vẽ xong, ông ngắm nghía bức tranh và nói:
- Đẹp lắm! Đẹp lắm! Nhưng dùng mầu không đúng, tre sao lại vẽ đỏ?
- Vậy phải dùng mầu gì?
- Đương nhiên là mầu đen.
Họa sĩ hỏi lại:
- Có ai thấy tre đen bao giờ chưa? 
 (Thiền Thuyết)
Mặc dầu chúng ta có thể chỉ ra những chỗ sai lầm của người khác, nhưng những quan niệm của chúng ta cũng có thể sai lầm mà chúng ta vẫn cứ tưởng là đúng.

87.  Trích Thủy Hòa Thượng.
Nghi Sơn một hôm đi tắm, vì nước nóng quá bèn gọi một đệ tử nhỏ tuổi sách một thùng nước lạnh vào pha. Người đệ tử này vâng lệnh mang thùng nước lạnh đến đổ vào bồn tắm, chỗ nước thừa đem đổ ngay trên mặt đất. Nghi Sơn mắng:
- Đồ ngu! Sự việc lớn nhỏ đều có công dụng, sao không mang nước thừa mà tưới cho cây cỏ? Ngươi đã làm lãng phí giọt nước của chùa.
Nghe lời nói đó người đệ tử hoát nhiên khai ngộ bèn đổi pháp hiệu thành Trích Thủy. 
(Thiền Thuyết)
Vạn vật đều có công dụng, dù xuất xứ thấp hèn đến đâu cũng có một vị trí trong trời đất.

88.  Pháp Thân.
Một ông tăng hỏi Đại Long:
- Sắc thân bị hủy hoại, còn thế nào là pháp thân kiên cố?
- Hoa núi nở đẹp như gấm, nước suối trong xanh.
   (Bích Nham Lục)
Hoa nở để rồi tàn, nhưng hoa không hề ngưng nở bao giờ; mặt suối bình lặng, nhưng nước vẫn lưu chuyển không ngừng. Ý nghĩa của cuộc đời có thể tìm trong quá trình của cuộc sống, trong đó biến dịch là chân lý không dời đổi.

89.  Cái gì chẳng phải là Phật Pháp?
Đời Đường Đức Tông, Hội Thông một vị lục quan sử 11 tuổi thọ 5 giới, 22 tuổi từ quan, xuất gia, được Điểu Sào thiền sư thế phát. Ngày đêm chuyên cần học tập, tụng đọc kinh điển đại thừa, tu tập an ban tam muội. Một hôm bỗng cáo từ ra đi.
Thiền sư hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Vân du thiên hạ, học tập Phật Pháp.
- Nói đến Phật Pháp ở đây ta cũng có chút ít.
- Phật Pháp của hòa thượng là gì?
Thiền sư rút một sợi tơ từ áo ra giơ lên nói:
- Đây chẳng phải là Phật Pháp sao? 
 (Thiền Thuyết)
An Ban Tam Muội: phương pháp quán sát hơi thở đưa tới định.
Nguyên lý của vạn vật không phải ở chốn xa xôi không thể đến được, nó ở ngay trong tâm chúng ta. Vạn vật đều có Phật tánh, cái gì chẳng phải Phật pháp?

90.  Cha ngươi tên gì?
Một ông tăng hỏi Minh Chân:
- Làm sao để thoát khỏi vòng sanh tử?
- Mang sanh tử ra!
- Người đã tới, làm sao nói không được?
- Cha ngươi tên gì? 
 (Thiền Cơ)
Còn sanh, tử là còn ở hiện tượng giới, "mang sanh tử ra" thì vào được bản thể giới. Đốn ngộ là một loại kinh nghiệm tự tu, tự chứng làm sao nói ra được? "Cha ngươi tên gì " là hỏi bản lai diện mục của ngươi ở đâu?

91.  Nắm bắt hư không.
Thạch Củng hỏi sư đệ Tây Đường Trí Tạng:
- Ngươi có thể nắm bắt hư không chăng?
- Được.
- Ngươi làm thử coi.
Tây Đường lấy tay chộp không khí. 
Thạch Củng nói:
- Làm vậy có bắt được gì!
- Vậy sư huynh bảo phải làm sao?
- Phải như thế này.
Vừa nói Thạch Củng vừa bóp mũi Tây Đường. Tây Đường kêu toáng lên. 
                           (Thiền Thuyết)
Vì "Sắc tức thị không, không tức thị sắc", thay vì nắm không khí chi bằng bóp mũi đối phương lại gần hiện thực hơn.

92.  Không thể thay thế.
Một người kia hỏi một thiền sư:
- Thế nào là ý nghĩa của Thiền?
- Ta cũng muốn bảo ngươi, nhưng hiện ta mắc đi tiểu; ngươi thử nghĩ coi, ngay việc nhỏ mọn như vậy ta cũng phải tự làm. Xin hỏi, ngươi có thể thay thế ta đi tiểu được không? 
                              (Thiền Thuyết)
Muốn ngộ được việc lớn sanh tử, phải do chính mình, không thể nhờ ai được. Ỷ lại vào những kiến giải của kẻ khác thì chẳng khác gì con vẹt học nói tiếng người, tuy là nói được nhưng chẳng hiểu lời nói đó có ý nghĩa gì. 

93.  Vì ta ở đó.
Vân Nham đang đun nước pha trà, sư huynh Đạo Ngô bước vào hỏi:
- Ngươi đun nước cho ai vậy?
- Có người cần uống.
- Hắn muốn uống sao không tự đun?
- Vì đệ ở đây. 
 (Thiền Thuyết)
Người hiểu được không có sự phân biệt giữa chủ và khách có thể phân biệt được chủ khách; có thể biến khách thành chủ.

94.  Thiền không thể giảng.
Dược Sơn đã lâu không lên đàn giảng pháp. Viện chủ đến gập thưa rằng:
- Đệ tử chúng con hy vọng được nghe sư phụ giảng pháp.
- Được! Hãy đánh chuông kêu mọi người lên đại điện nghe pháp.
Đại chúng tụ tập đầy đủ rồi, thiền sư bèn trở về phòng phương trượng.
Viện chủ chạy theo hét lên:
- Sư phụ, vì sao không nói một lời đã bỏ đi rồi?
- Viện chủ, kinh có kinh sư, luật có luật sư, luận có luận sư, sao lại trách cứ ta?
 (Tổ ĐườngTập)
Thiền không thể giảng, có giảng ra cũng vô dụng.
 (Thái Chí Trung)

95.  Tâm động.
Một ngày kia, tại Pháp Tánh Tự, gió thổi, cờ bay. Có hai ông tăng tranh luận. Một người nói cờ động, một người nói gió động; không ai chịu ai.

 Huệ Năng nói:

- Không phải gió động, không phải cờ động, mà là tâm các ông động.

Mọi người nghe thấy đều kinh ngạc. Câu chuyện trên đã trở thành một giai thoại trong chốn Thiền môn.

Câu chuyện đến đây vẫn chưa hết. Về sau, trong các đệ tử của Ngưỡng Sơn có một ni cô tên là Diệu Tín, sử sự mọi việc rất thông minh, nhanh nhẹn. Ngưỡng Sơn biết  ni cô có tài bèn giao cho toàn quyền phụ trách tiếp đãi những khách bên ngoài đến. Một ngày kia có 17 vị hành cước tăng người Tứ Xuyên đến thăm chùa, chuẩn bị hỏi pháp Ngưỡng Sơn. Sau bữa cơm chiều, các vị hành cước tăng không có chuyện gì làm, bèn tranh luận về Phật pháp. Khi đề cập đến gió động, cờ động thì 17 vị có 17 ý kiến, tranh cãi náo loạn, âm thanh lọt đến tai Diệu Tín. Diệu Tín lập tức hét lớn lên:

- 17 ông tăng kia, ngày mai trước khi đi phải thanh toán tiền phòng, tiền cơm cho rõ ràng.

Thái độ uy nghiêm khiến các ông hành cước tăng bỗng im bặt không biết làm sao cho phải. Diệu Tín lại ra lệnh:

- Không được tranh cãi, hãy đến trình diện ta, ta sẽ nói cho các ông nghe.
17 người bất giác chạy đến trước mặt Diệu Tín. Diệu Tín nói:

- Nếu đã không phải gió động, cũng không phải cờ động làm sao tâm động?
Các ông tăng hoát nhiên khai ngộ, đều thấy không cần phải nghe Ngưỡng Sơn 
giảng pháp nữa. Ngày hôm sau, toàn thể đều từ biệt Diệu Tín mà đi.
 (Nhất Vị Thiền)

Hai ông tăng chấp vào ngoại cảnh (gió, cờ). Câu nói của Lục tổ là chấp vào Tâm. Thực ra thì ngài đã vượt lên tâm và cảnh. Ở đây ngài chỉ đơn giản chỉ cho hai ông tăng chấp vào cảnh là sai lầm. Câu nói của Diệu Tín phá cả Tâm và Cảnh mới là hoàn toàn không chấp. Những gì khái niệm hóa thì không phải là thực tại. Thiền dạy chúng ta nhìn và hiểu sự vật như chính nó, chứ không bằng sự phân tích hay khái niệm hóa. 
(Kubose)

96.  Vượt lên lời nói.
Một thiền sư bảo các đồ đệ:
- Hai người đi dưới mưa, trời mưa không làm ướt một người. Các ngươi giải thích chuyện này thế nào? 
Các đệ tử đua nhau trả lời:
- Vì một người mặc áo tơi, một người không.
- Vì mưa cục bộ nên người bị ướt, người không.
- Vì một người đi giữa đường, một người đi dưới hàng hiên.
Thiền sư nói:
- Các ngươi chấp vào câu  "không làm ướt một người" , vì vậy nên không tìm ra ý nghĩa. Thực ra câu  "không làm ướt một người" chẳng phải là chỉ cả hai người đều bị ướt hay sao?
 (Thiền Thuyết)
Ngón tay trỏ mặt trăng, nhưng mặt trăng không ở đầu ngón tay. Lời nói để diễn tả  chân lý, nhưng chân lý không nằm trong lời nói.

97.  Thiết Nhãn in Kinh.
Thiết Nhãn là một vị thiền sư Nhật Bản. Ông có tâm nguyện là khắc bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Nhật, vì lúc đó bộ kinh đang dùng là bộ kinh chữ Hán. Bộ Đại Tạng Kinh gồm 7000 cuốn, vì vậy tâm nguyện của ông quả là một hoằng nguyện (lời nguyện lớn). Để trả phí dụng cho việc in kinh ông bắt đầu lạc quyên. Một số ít đồng tình cho ông tiền vàng, còn đa số chỉ cho những bạc vụn. Ai tặng cúng ông cũng cảm kích tạ ơn như nhau. Sau 10 năm quyên góp, ông chuẩn bị để khắc bản in. Bỗng nhiên Vũ Trị Xuyên Hà ngập nước. Thủy tai xẩy ra. Trước cảnh đói khổ của nạn dân, Thiết Nhãn mang hết tiền quyên góp để in kinh ra phát chẩn. Nạn đói qua khỏi Thiết Nhãn lại bắt đầu quyên góp. Vài năm sau, Nhật Bản lại có bệnh truyền nhiễm lan truyền khắp nước. Thiết Nhãn lại đem hết tiền khổ công quyên góp ra giúp đỡ mọi người. Sau đó Thiết Nhãn lại bắt đầu quyên góp lần thứ 3. Ông không sợ khổ sở, đắng cay, khó khăn, dòng dã 20 năm, cuối cùng ông đã hoàn thành được tâm nguyện. (Nhất Vị Thiền, Quyển Phong)

Ngày nay những bản khắc gỗ dùng để in kinh của Thiết Nhãn được tàng trữ ở Hoàng Bá Tự ở Đông Kinh và được coi là bảo vật của chùa. Thiết Nhãn chỉ khắc bộ Đại Tạng Kinh một lần, nhưng người đời đều biết ông khắc 3 lần, 2 lần trước tuy không thấy hình nhưng so với lần thứ 3, đã đi sâu vào trong lòng người.

98.  Tri Thánh Thiền Sư.
Như Mẫn ở Linh Thụ Viện dòng dã 20 năm trường mà không chọn người nào làm thủ tọa. Một lần, thiền sư nói với chư tăng rằng :
- Thủ tọa của chúng ta đã sinh ra rồi.
Lại nói thêm:
- Hiện đang chăn trâu.
Một lần khác nói:
- Thủ tọa của chúng ta đang vân du.
Nói rồi rất cao hứng. Một hôm, thiền sư sai người đánh chuông, nói rằng :
- Mọi người trong chùa mau tập hợp, cuối cùng vị thủ tọa của chúng ta đã đến.
Do đó, mọi người đều tập hợp ở sơn môn để nghinh đón, trong lòng nghi hoặc không biết thật hay giả. Chẳng bao lâu Vân Môn quả nhiên xuất hiện. Thiền sư lập tức thỉnh vào phòng Thủ Tọa. Do đó, về sau mọi người đều gọi Như Mẫn là Tri Thánh thiền sư.
 (Thiền Viên)
Hiện đang chăn trâu: chỉ Vân Môn đã ngộ rồi, còn đang tu tập.

99.  Đại Đạo.
Có người hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là Đạo?
- Ở ngoài tường ấy!
- Không hỏi cái đó.
- Ngươi hỏi cái nào?
- Đại Đạo.
- Đại Đạo dẫn đến Trường An. 
(Thiền Viên)
Phật pháp không lìa thế gian pháp: thiền đạo là bình thường đạo.

100.  Cách ngôn.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Câu cách ngôn tối trọng yếu của sư phụ là gì?
- Đến nửa câu cách ngôn ta cũng chẳng có.
- Sư phụ chẳng phải là phương trượng ở nơi này sao?
- Đúng! Nhưng đó là ta, chẳng phải cách ngôn. 
 (Nhất Vị Thiền, Quyển Nguyệt)
Cách ngôn là lời nói có thể dùng làm phép tắc được. Thiền đâu có thể cố định, công thức hóa được?

101.  Ngoại cảnh mê hoặc.
Có người hỏi Dược Sơn:
- Làm thế nào để không bị ngoại cảnh mê hoặc?
- Mặc ngoại cảnh đến đi, có quan hệ gì?
- Chẳng hiểu.
- Ngoại cảnh nào làm ngươi bị mê hoặc.
 (Nhất Vị Thiền, Quyển Nguyệt)
Chúng ta bị ngoại cảnh chi phối vì tâm chưa được thanh tịnh. Đối với người có định lực cao thì ngay núi thái sơn đổ cũng không biến sắc, trái lại với người kém thì làn gió nhẹ làm lay động cỏ thôi cũng ngồi chẳng yên.

102.  Chổi và phất trần.
La Hán thấy một ông tăng đi tới bèn giơ phất trần lên. Ông tăng trông thấy bèn lạy và nói :
- Tạ ơn thiền sư chỉ thị.
- Ngươi thấy ta giơ phất trần lên thì lạy, còn người giơ chổi lên thì sao?
 (Nhất Vị Thiền, Quyển Nguyệt)
Chổi và Phất trần đều để quét bụi, giơ chổi hay phất trần lên không có gì sai khác, chỉ cần quét sạch những đám mây hắc ám trong tâm thì sẽ thấy trời tạnh vạn dậm.

103.  Con chim phóng uế.
Thôi tướng quốc vào đại điện, thấy một con chim nhỏ đang phóng uế trên đầu tượng Phật, liền hỏi Như Hội :
- Chúng sanh đều có Phật tánh, vì sao con chim nhỏ lại phóng uế trên đầu tượng Phật?
- Xin cứ yên tâm, nó không phóng uế trên đầu chim Diêu đâu!
(Nhất Vị Thiền, Quyển Nguyệt)
Phật và tượng thường bị chúng ta đồng hóa là một, nên thấy chim phóng uế trên đầu tượng Phật là bất kính, nhưng đối với con chim, thì tượng Phật hay khúc gỗ nào có khác gì.

104.  Hạ cây phướn xuống.
A Nan hỏi Ca Diếp:
- Sư huynh, đức Thế Tôn truyền y bát cho sư huynh rồi, còn truyền gì nữa không?
Ca Diếp gọi :
- A Nan.
- Dạ!
- Hạ cây phướn trước chùa xuống!
A Nan hốt nhiên đại ngộ.
 (Vô Môn Quan)
Tâm bình thường là Đạo, chẳng cần phải đi đâu để tìm chân lý, chỉ cần chú ý những sự việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày mà thể hội. 
 (Thái Chí Trung)
 (A Nan là em họ của Phật, nhỏ tuổi hơn Phật khoảng 30 tuổi. Ông có một trí nhớ đặc biệt; vào năm 20 tuổi ông bắt đầu làm thị giả cho Phật cho đến khi Phật tịch diệt. Trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, dưới sự chủ tọa của Ma Ha Ca Diếp, ông đã thuật lại đầy đủ những gì đức Phật đã giảng dậy. Tuy nghe nhiều nhưng thiếu tu dưỡng cho nên đến khi Phật tịch diệt rồi mà ông vẫn chưa giác ngộ.)

105.  Nắm bắt hiện tại.
Đức Phật hỏi các đệ tử :
- Cuộc đời dài ngắn thế nào?
- 60 năm.
- Sai!
- 70 năm.
- Sai!
- 80 năm.
- Sai!
- Vậy là bao lâu?
- Chỉ trong một hơi thở. 
 (Thiền Thuyết)
Đừng chìm đắm trong quá khứ, đừng mơ mộng trong tương lai, hãy nắm bắt hiện tại, hãy cảm nhận những sự việc đẹp đẽ quanh ta.

106.  Ta không nói cho ngươi biết.
Có một lần Quy Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đều đứng hầu Bách Trượng.
Bách Trượng hỏi Quy Sơn :
- Miệng ngậm làm sao nói pháp?
Quy Sơn đáp :
- Thỉnh sư phụ nói đi!
- Ta không nói cho ngươi biết sợ tuyệt con cháu.
Bách Trượng lại hỏi Ngũ Phong.
Ngũ Phong đáp:
- Hòa thượng câm miệng lại!
Bách Trượng nói :
- Cơ phong của ngươi sắc bén quá, sợ người tu đạo không giám thân cận, kính phục nhưng mà xa lánh vậy!
Bách Trượng lại hỏi Vân Nham. 
Vân Nham đáp :
- Sư phụ có pháp đó thật sao?
Bách Trượng nói :
- Cứ như cách nói của ngươi, ta sẽ không còn người thừa kế.
(Bích Nham Lục)
Câu hỏi của Bách Trượng có nghĩa là làm sao để diễn tả chân lý? Nếu người đã ngộ thì chân lý và người chỉ là một, đi đứng, nằm, ngồi, mở miệng hay ngậm miệng đều là đạo. Quy Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đều ngộ Đạo, nhưng khác biệt ở thô và tế. 
(Long Mãn)

107.  Mẹ trâu đến rồi.
Ni cô Thiết Ma ở gần am Quy Sơn, một hôm đến thăm. 
Quy Sơn thấy ni cô đến, nói rằng :
- Mẹ Trâu đã đến!
Ni cô nói :
- Ngày mai Ngũ Đài Sơn có cung ứng trai phạn, lão sư có đi không?
Quy Sơn nghe rồi, nằm xuống mà ngủ. Ni cô không nói một lời, bỏ đi.
(Bích Nham Lục)
Quy Sơn ở Hồ Nam, Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây, có muốn đến thọ trai ngày mai cũng không thể được. Quy Sơn nằm ngủ có ý nói đã ăn no rồi, không cần đi Ngũ Đài Sơn thọ trai nữa.
 (Long Mãn)

108.  Tất cả đều không.
Thiết Chu đi khắp nơi tham phỏng danh sư. Một hôm tới chùa Tướng Quốc gập Độc Viên. Để biểu thị ngộ cảnh của mình Thiết Chu đắc ý nói :
- Tâm, Phật, chúng sanh đều không. Chân tánh của mọi hiện tượng là không, nên không có ngộ, mê, thánh, phàm, cho, nhận.
Độc Viên lấy gậy gõ vào đầu Thiết Chu.
Thiết Chu hét lên :
- Vì sao thầy đánh đệ tử?
- Tất cả đều không, sự tức giận của ngươi từ đâu tới vậy?
 (Thiền Thuyết)
"Không thiện, không ác, không khổ, không vui, tất cả đều không.” Câu nói này không phải ai cũng hiểu được. Những lời của Thiết Chu chỉ là thiền ngoài miệng.

109.  Giới Ngữ.
Có bốn học tăng ước hẹn nhau ngồi thiền 7 ngày không được nói chuyện. Ngày đầu tiên 4 người ngồi thiền không nói, tới khuya, cây nến lập lòe lúc sáng lúc tối. Một ông tăng bỗng mở miệng:
- Cây nến sắp tắt kìa!
Ông tăng thứ hai:
- Chúng ta đã hẹn không nói mà!
Ông tăng thứ ba:
- Các ngươi vì sao lại nói?
Ông tăng thứ tư:
- Ha! Ha! Chỉ có ta là không nói! 
 (Thiền Thuyết)
Rất nhiều người chỉ trích những sai lầm của kẻ khác mà không biết chính mình cũng sai lầm nốt.

110.  Cho và nhận.
Vô Nan chỉ có một đồ đệ thừa kế là Chánh Thọ. Một hôm Vô Nan bảo Chánh Thọ: 
- Ta đã già rồi, nay giao cho ngươi cuốn sách này làm chứng tích cho sự thừa kế.
- Con đã tiếp nhận thiền chẳng lập văn tự của sư phụ rồi và con rất thỏa mãn, cuốn sách này sư phụ hãy tự giữ lấy.
- Cuốn sách này đã được lưu truyền 7 đời rồi, và ta cũng có thêm thắt những kiến giải của ta nữa. Ngươi hãy cầm lấy như một biểu tượng tiếp thụ y bát.
- Dạ, được!
Lúc đó trời rất lạnh, bên ngoài tuyết rơi tơi bời, trong phòng có nhóm một hỏa lò để sưởi. Chánh Thọ cầm cuốn sách quẳng ngay vào lò. Vô Nan nổi giận hét lên:
- Ngươi làm gì vậy?
Chánh Thọ cũng hét lại:
- Sư phụ nói gì?
Vô Nan nhìn Chánh Thọ đột nhiên tâm ý bình hòa trở lại, trong khoảng khắc cuốn sách đã thành tro. 
(Thiền Thuyết)
Tri và hành phải hợp nhất, giảng học mà không thực hành thì chỉ là thiền ngoài miệng.

111.   Lên Ngũ Đài Sơn đi đường nào?
Gần Quán  âm Tự của Triệu Châu có một quán trà của một bà lão. Trước quán có đường phân ngả. Các du tăng lên Ngũ Đài Sơn bái phỏng đều hỏi đường bà lão:
- Lên Ngũ Đài Sơn, đi đường nào?
Bà lão đều trả lời:
- Cứ đi thẳng.
Họ đi được vài bước lại nghe bà lão nói :
- Lại có hòa thượng tốt đi đường đó!
Có ông tăng đem chuyện này mách Triệu Châu. 
Triệu Châu nói :
- Nếu vậy để ta đi thăm bà lão coi sao.
Ngày hôm sau Triệu Châu cũng hỏi đường, và bà lão cũng trả lời như vậy. Triệu Châu không nói cúi đầu mà về, hướng đại 
chúng nói rằng:
- Lão nạp đã vì các ngươi đi khám phá bà lão đó rồi! 
 (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục)
Một câu trả lời cố định không thích hợp cho mọi trường hợp, chân lý của đời sống là biến dịch.
 (Thái Chí Trung)

112.  Không gì không là thuốc.
Một hôm, bồ tát Văn Thù kêu Thiện Tài đồng tử đi hái thuốc, bảo rằng:
- Ngươi đi hái bất cứ thứ gì không là thuốc đem về đây!
Thiện Tài tìm không thấy trở về nói :
- Không gì không là thuốc!
- Vậy ngươi hái bất cứ cái gì là thuốc đem ra đây!
Thiện Tài ngắt một cọng cỏ đưa cho Văn Thù. Văn Thù cầm lấy cọng cỏ bảo đại chúng rằng: 
- Cái này có thể giết người, nhưng cũng có thể cứu người!
 (Bích Nham Lục) 
"Không gì không là thuốc", nói cách khác là phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết Bàn. Vô minh và phiền não có thể giết người, nhưng cũng có lúc có thể cứu người.
(Long Mãn)

113.  Ba giới không Pháp, cầu Tâm ở đâu?
Bàn Sơn nói với đệ tử rằng:
- Thế giới này cái gì cũng không có, các ngươi đi đâu mà cầu tâm? 
Tuyết Đậu có bài kệ rằng :
三 界 無 法 
Tam giới vô pháp 
何 處 求 心 
Hà xứ cầu tâm 
白 雲 爲 蓋 
Bạch vân vi cái 
流 泉 作 琴 
Lưu tuyền tác cầm 
一 曲 兩 曲 無 人 會
Nhất khúc lưỡng khúc vô nhân hội
雨 過 夜 塘 秋 水 深
Vũ quá dạ đường thu thủy thâm
Tam giới không pháp
Chỗ  nào  tìm  tâm
Mây  trắng  làm  lọng
Dòng  Suối  khảy  đàn
Một  bản,  hai  bản  không  người  hiểu
Mưa  xuống  hồ  đêm  nước  thu  sâu.
(Thích Thanh Từ dịch)
(Bích Nham Lục)
Câu 1: ba giới là: dục giới, sắc giới, vô sắc giới; không pháp: phải thăng hoa mọi khái niệm, dùng trực giác mà thể hội.
Câu 2 - 3: Trời đất giao hòa tạo ra nhạc điệu nhưng ít người hiểu được.
Câu 4: khi đã vào được định rồi thì sẽ thể nghiệm được vô pháp, vô tâm bằng kinh nghiệm chứ không phải bằng suy luận.
 (Sekida)

114.  Cây kiếm của Hoàng Sào. 
Nham Đầu hỏi một ông tăng:
- Ngươi từ đâu tới?
- Từ Tây kinh tới.
- Sau loạn Hoàng Sào không nghe nói đến cây kiếm của hắn, ngươi có được thanh kiếm đó không?
- Có mang theo đây.
Nham Đầu đến gần ông tăng nghểnh cổ lên và kêu: ối! 
- Lão sư đã rơi đầu rồi!
Nham Đầu ha hả cười lớn. 
Ông tăng lại đến tham bái Tuyết Phong. 
Tuyết Phong hỏi :
- Từ đâu tới?
- Từ Nham Đầu tới.
- Nham Đầu nói cái gì?
Ông tăng kể lại câu chuyện. Tuyết Phong đánh ông tăng 30 gậy và đuổi đi.
 (Bích Nham Lục)

Theo truyền thuyết, một cây kiếm từ trên trời rơi xuống, trên kiếm có khắc hàng chữ  "Trời ban cho Hoàng Sào.” Hoàng Sào liền đó tự xưng là Xung Thiên đại tướng quân mà làm loạn. Đánh phá Trường An, vua phải bỏ chạy. Câu nói của Nham Đầu chỉ Kim Cương Vương bảo kiếm mà ai cũng có. Câu đáp của ông tăng "có mang theo đây" chỉ trỏ được thể, không trỏ được dụng, hãy còn khiếm khuyết. Câu nói của ông tăng "Lão sư rơi đầu rồi" chỉ là khẩu đầu thiền nên bị Nham Đầu cười và Tuyết Phong đánh. 
(Long Mãn)

115.  Rợ Hồ không râu.
Hoặc Am khi xem một bức tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma rậm râu bèn phàn nàn rằng: "Sao tên rợ Hồ này lại không râu?" 
 (Vô Môn Quan)
Lời nói và khái niệm đều do tâm tạo, chỉ làm che lấp chân lý; phải nắm bắt chân lý, chứ đừng khư khư chấp vào cái bóng của nó.
 (Sekida) 

116.  Tới Giang Bắc hoặc Giang Nam Hỏi Lão Vương.
Có ông tăng hỏi Trí Môn : 
- Hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào?
- Là hoa sen.
- Khi ra khỏi nước rồi thì sao?
- Là lá sen.
Tuyết Đậu có bài kệ: 
蓮 花 荷 葉 報 君 知
Liên hoa hà diệp báo quân tri
出 水 何 如 未 出 時
Xuất thủy hà như vị xuất thời
江 北 江 南 問 王 老
Giang bắc giang nam vấn vương lão
一 狐 疑 了 一 狐 疑
Nhất hồ nghi liễu nhất hồ nghi.
Hoa  sen  lá  cọng  bảo  anh  tri
Khỏi  nước  sao  bằng  chưa  khỏi  thì
Giang  Bắc,  Giang  Nam  hỏi  Vương  lão
Một  hồ  nghi,  lại  một  hồ  nghi.
 (Thích Thanh Từ dịch)
 (Bích Nham Lục)

Hoa sen chỉ thể, lá sen chỉ dụng. Thể, dụng là một. Nếu chẳng hiểu thì có thể đi Giang Bắc hoặc Giang Nam mà hỏi lão Vương (chỉ Nam Tuyền hoặc bất cứ một người nào đó). Đừng đi hỏi một người nào khác vì  thắc mắc sẽ vô tận khi mình chưa tự giác. 
Dã Hồ tính rất đa nghi, khi qua sông đóng băng thường lắng nghe tiếng nước chẩy dưới băng. Nếu thấy băng dầy thì mới chịu đi qua, từ đó mà có từ ngữ hồ nghi. (Long Mãn)

117.  Tuyết đầy chén bạc. 
Một ông tăng hỏi Ba Lăng:
- Đề Bà Tông là thế nào?
- Tuyết đầy chén bạc.
 (Bích Nham Lục)
Ba Lăng là đệ tử của Vân Môn;  Đề Bà là tên của Cana Đề Bà tôn giả, là đệ tử của ngài Long Thọ, là một người rất giỏi biện luận.
Tuyết chỉ Đề Bà Tông, chén bạc chỉ Phật giáo. 
(Sekida)
Câu hỏi của ông tăng trong công án này có nghĩa là “Thiền là gì?” Tuyết đầy chén bạc, chúng cùng mầu trắng rất khó phân biệt, nhưng chúng khác nhau. Thiền có thể mô tả dưới 3 khía cạnh: thể, tướng, dụng. Nhưng nếu chỉ nhìn từ một khía cạnh thì không thấy Thiền mặc dù mỗi phương diện đều là Thiền. 
 (Kubose)
118.  Trường Sa đi dạo.
Một hôm, Trường Sa lên núi tản bộ. Khi về đến cổng chùa, thủ tọa hỏi rằng :
- Lão sư đi đâu vậy?
- Lên núi tản bộ.
- Đi tới đâu mới về?
- Trước, theo lối cỏ thơm mà đi; sau theo lối hoa rụng mà về!
- Rất giống xuân ý.
- Còn hơn sương thu rơi trên hoa sen. 
(Bích Nham Lục)
Câu hỏi của thủ tọa "Lão sư đi đâu vậy?" là hỏi lão sư đã đạt tới cảnh giới nào?
Câu đáp của Trường Sa "Trước, theo...  mà về" là nói "vô tâm" đi chơi núi thì còn có cảnh giới nào mà đạt. 
Câu nói của thủ tọa  "Rất giống xuân ý" là một cái bẫy giương ra, nếu Trường Sa trả lời thẳng thì "vô tâm" sẽ biến thành "hữu tâm.”
Trường Sa đáp "Còn hơn sương thu rơi trên hoa sen.” Sương thu là phiền não, hoa sen là mê hoặc, ý nói vô tâm đã thắng phiền não và mê hoặc.
 (Long Mãn)

119.  Ngồi một mình trên đỉnh núi Đại Hùng.
Có ông tăng hỏi Bách Trượng:
- Thế nào là kỳ đặc?
- Bách Trượng ngồi một mình trên đỉnh núi Đại Hùng. 
Ông tăng bèn lạy tạ. 
 (Bích Nham Lục) 
Sự kỳ đặc chỉ sự giác ngộ. Câu đáp của Bách Trượng có nghĩa là khi Thân và Tâm hợp nhất.
            (Long Mãn)

120.  Cơm trong bình bát, nước trong thùng.
Có ông tăng hỏi Vân Môn :
- Thế nào là trần trần tam muội?
- Cơm trong bình bát, nước trong thùng. 
(Bích Nham Lục)
Trần trần là rất nhỏ, tam muội là định. Nếu có thể đem quán niệm tập trung vào một vi trần thì đạt được định. Câu đáp chỉ cảnh giới Tâm Vật hợp nhất. 
 (Long Mãn)

121.  Hoa Dược Lan. 
Có ông tăng hỏi Vân Môn :
- Thanh tịnh pháp thân là thế nào?
- Hoa Dược Lan.
- Nếu đệ tử cứ hiểu như vậy thì sao?
- Là sợi lông vàng của sư tử. 
 (Bích Nham Lục)
Hoa Dược Lan : là hàng cây trồng quanh nhà cầu để át đi mùi hôi thối. Câu đáp của Vân Môn phá chấp Phật là phải thanh tịnh, để diễn ý bình đẳng. Ông tăng muốn chắc nên hỏi lại. "Sợi lông vàng của sư tử" là chỉ đừng để bề ngoài mê hoặc. Trong kinh Báo Ân có kể câu chuyện một con sư tử hay đến nghe các ông tăng tụng kinh. Một người thợ săn muốn bắn con sư tử này để lột da mang dâng vua. Ông ta cạo đầu, khoác áo cà sa giả làm tăng, và bắn được con sư tử. Sư tử muốn vồ lại ông, nhưng nghĩ ông là tăng nên thôi và chịu chết. Câu nói của Vân Môn có nghĩa là "Ngươi chưa đạt tới cảnh giới tịnh, uế bất nhị đâu, hãy còn xa lắm!"     (Viên Thông)

122.  Mù, câm, điếc.
Huyền Sa bảo đệ tử rằng :
- Các thiền sư đều muốn phổ độ chúng sanh. Nay có người mù đến, giơ phất tử lên, hắn không thấy. Có người câm đến, kêu hắn nói, hắn không nói được. Có người điếc đến, bảo hắn hắn chẳng nghe. Vậy làm sao mà phổ độ? Nếu không cứu độ được, vậy Phật pháp chẳng là không linh nghiệm sao? 
Có ông tăng đem chuyện trên đi hỏi Vân Môn. Vân Môn nói :
- Ngươi lạy đi.
Ông tăng lạy rồi đứng đó. Vân Môn giơ gậy như muốn đẩy ông tăng, ông tăng bèn thối lui. 
Vân Môn nói :
- Ngươi chẳng mù.
Lại nói :
- Ngươi lại đây.
Ông tăng lại gần.
Vân Môn nói:
- Ngươi chẳng điếc!
Lại hỏi :
- Ngươi hiểu chưa?
- Chưa hiểu.
- Ngươi cũng chẳng câm.
Lúc đó, ông tăng hốt nhiên đại ngộ. 
 (Bích Nham Lục)
Ông tăng coi mình như người bàng quan, đem trường hợp 3 người bệnh mà hỏi Vân Môn. Do Vân Môn chỉ điểm mới biết chính mình là 3 người bệnh đó: có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng mà câm. 
(Viên Thông)

123.  Thể dụng của Bát Nhã.
Có ông tăng hỏi Trí Môn:
- Thể của Bát Nhã là gì?
- Trai ngậm trăng sáng.
- Dụng của Bát Nhã là gì?
- Con thỏ mang thai.
 (Bích Nham Lục)

Bát Nhã là Trí Huệ khai ngộ. Trí huệ này khác với trí thức. Ông tăng lấy Bát Nhã phân ra Thể, Dụng để hỏi, nhưng Trí Môn trả lời đều cùng một dạng; chỉ thay trai bằng thỏ. Trai ngậm hạt trai, dưới ánh trăng chiếu xán lạn; thỏ mang thai cũng mỹ lệ. Ý của Trí Môn là trí huệ khai ngộ như trăng sáng chiếu khắp vạn vật. Trăng là chỉ Bát Nhã, chiếu khắp vạn vật là chỉ lòng từ bi của bậc bồ tát muốn độ tất cả chúng sanh. 
 (Viên Thông)

124.   Ba cân gai.
Có ông tăng hỏi Động Sơn:
- Thế nào là Phật?
- Ba cân gai.
Ông tăng không hiểu chạy đi hỏi Trí Môn :
- Phật tức ba cân gai nghĩa là sao?
Trí Môn đáp : 
- Trăm hoa nở đẹp như gấm thêu.
Ông tăng vẫn không hiểu, Trí Môn lại nói:
- Trúc phương Nam, mộc phương Bắc.
Ông tăng càng nghe càng không hiểu, quay trở lại Động Sơn và thuật lại đầu đuôi câu chuyện.
Động Sơn dậy ông:
- Nói không tỏ được sự, lời chẳng hợp cơ, chấp lời thì mất mạng, kẹt cú thì bị mê.
 (Bích Nham Lục)
Ngôn ngữ chỉ là công cụ để diễn tả chân lý. Nếu chấp vào ngôn từ thì là đánh mất chân lý vậy.
 (Thái Chí Trung)

125.  Cảnh Thanh kêu mổ.
Có ông tăng hỏi Cảnh Thanh : 
- Học nhân kêu, thỉnh thầy mổ.
- Còn sống chăng?
- Nếu chẳng sống sẽ bị người chê cười.
- Cũng chỉ là gã trong cỏ!
 (Bích Nham Lục)
Trong Thiền học có câu  "Cơ kêu mổ.” Gà con ở trong trứng muốn ra, dùng mỏ gõ vào vỏ trứng gọi là "kêu.” Gà mẹ ở bên ngoài giúp gà con mổ vào vỏ trứng gọi là "mổ.” Nếu gà con chưa trưởng thành, gà mẹ mổ thì gà con sẽ chết. Nếu gà con mổ nhưng gà mẹ ở bên ngoài không mổ thì gà con cũng chết. Kêu và mổ phải đồng thời. Quan hệ giữa thiền sư và đồ đệ cũng giống như gà mẹ và gà con. Thiền không phải là học vấn mà là kinh nghiệm, thiền sư không truyền gì cho đệ tử cả. Đệ tử phải tự cảm giác và linh tánh mà lãnh ngộ. Sư phụ chỉ có thể ám thị, nhưng nếu đệ tử chưa tới trình độ giác ngộ thì cũng vô dụng. Vì vậy sư phụ phải tùy theo tốc độ lãnh ngộ của đệ tử mà chỉ dậy, thời cơ đó gọi là "cơ kêu mổ.” 
 (Viên Thông)

126.  Củ cải to của Triệu Châu.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Từng nghe hòa thượng thân gập Nam Tuyền phải không?
- Trấn Châu sản xuất củ cải to!
 (Bích Nham Lục)
Nam Tuyền và Triệu Châu là 2 vị thiền sư danh tiếng. Nam Tuyền là sư phụ của Triệu Châu, ông tăng dĩ nhiên là biết điều đó, nên muốn qua Triệu Châu mà tìm hiểu thiền phong của Nam Tuyền. Triệu Châu biết thế nên mới trả lời  "Trấn Châu sản xuất củ cải to.” Trấn Châu là chỗ ở của Triệu Châu, không phải là chỗ ở của Nam Tuyền. Câu đáp của Triệu Châu có ý nói ta có thiền của ta. 
 (Viên Thông)

127.   Lông mày Thúy Nham.
Hạ an cư kết thúc rồi, Thúy Nham nói với đại chúng rằng:
- Từ đầu hạ đến nay vì huynh đệ nói pháp, lông mày Thúy Nham còn không?
Bảo Phúc đáp : 
- Làm cướp lòng rỗng.
Trường Khánh nói:
- Sinh vậy.
Vân Môn nói :
- Quan! 
 (Bích Nham Lục)
Tại Ấn Độ bắt đầu từ 15 tháng 5 trời mưa tầm tã trong 3 tháng, các ông tăng không thể đi ra ngoài vì sợ đạp trúng côn trùng vào mùa sinh sôi nẩy nở, nên ở trong chùa mà tu tập. Theo truyền tụng, hễ ai giảng pháp sai thì lông mày bị rụng. 
Câu hỏi của Thúy Nham có nghĩa là:"Ta giảng pháp đúng hay sai?" Cũng có nghĩa là "Các ngươi có hiểu không?".
Câu đáp của Bảo Phúc có nghĩa là "Nghe lời giảng chân chính của thiền sư, học nhân chúng tôi rất quý trọng.”
Câu của Trường Khánh có nghĩa là "Đây là giáo huấn chân thật, nên lông mày mọc ra!"
Câu của Vân Môn có nghĩa "Qua cửa rồi thì phải cẩn thận.” 
(Viên Thông)

128.  Trước sau ba ba.
Văn Thù bồ tát hỏi Vô Trước: 
- Vừa rời chỗ nào?
- Phương Nam!
- Phật pháp phương Nam thế nào?
- Thời mạt pháp, tỳ khưu ít giữ giới luật.
- Tăng chúng nhiều ít?
- Hoặc 300 hoặc 500.
Vô Trước hỏi lại Văn Thù: 
- Nơi đây Phật pháp thế nào?
- Phàm, Thánh cùng ở; rồng rắn lẫn lộn.
- Tăng chúng nhiều ít?
- Trước ba ba, sau ba ba! 
 (Bích Nham Lục)
Ngũ Đài Sơn là Đạo tràng của Văn Thù, cuộc đối thoại này là do Vô Trước khi lên núi gập Văn Thù mà có. 
Rồng sống ở trên trời chỉ Phật, rắn sống ở đất chỉ chúng sanh.
Trước chỉ cho đến nay. Sau chỉ vị lai. 3 chỉ số nhiều, 33 chỉ một con số rất nhiều.
Câu nói của Văn Thù có nghĩa là nếu chỉ kể chư tăng hộ pháp không thôi thì Phật pháp không bao lâu sẽ bị suy thoái, cho nên không nên phân tăng, tục, mọi người đều phải hộ pháp thì Phật giáo sau này vẫn hưng thạnh. 
 (Viên Thông)

129.  Tất cả mọi âm thanh đều là Phật thanh.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử :
- Tất cả âm thanh đều là Phật thanh có phải không?
- Phải.
- Hòa thượng đừng để con nghe người đánh rắm.
Đầu Tử nghe rồi bèn đánh. 
Ông tăng lại hỏi:
- Lời thô, tiếng tế đều quy về đệ nhất đế có phải không?
- Phải.
- Kêu hòa thượng là con lừa được không?
Đầu Tử nghe rồi lại đánh. 
 (Bích Nham Lục)
Ông tăng đặt câu hỏi chỉ thấy cái khuyết điểm của cá thể mà không nhìn thấy cái toàn thể. Đầu Tử đánh ông là để thức tỉnh ông đừng bị cá thể trói buộc tự ngã. 
                                                                    (Viên Thông)
130.  Lục bất thâu.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Pháp thân là thế nào?
- Lục bất thâu. 
 (Bích Nham Lục)
Câu đáp của Vân Môn có nghĩa là 6 căn chẳng thâu. 6 căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, là 6 giác quan của con người.
Muốn thành Phật thì phải từ bỏ "ngã" và "vọng.” 6 căn chính là ngã và vọng. Mắt thấy sắc thì muốn, tai nghe tiếng du dương liền động tâm, mũi ngửi thấy mùi thơm liền say, lưỡi nếm vị ngọt liền thích, thân cọ sát với người khác phái thì khoái. 
Phủ nhận 6 căn, hay vượt lên 6 căn đều còn bị 6 căn trói buộc.
Câu đáp của Vân Môn có nghĩa là:"Ngươi tu chưa đủ, cho nên mới hỏi Phật, hỏi Thiền, đó chỉ là tướng bên ngoài, nếu muốn khai ngộ thì cứ nhìn dưới chân mình, bước từng bước thật trên đường Đạo." 
(Viên Thông)

131.  Kinh Kim Cương khinh tiện.
Kinh Kim Cương nói: "Nếu một người bị người khinh là do đời trước tạo nghiệp nên phải đọa đường ác; đời nay bị khinh thì tội nghiệp đời trước sẽ tiêu diệt." 
                                   (Bích Nham Lục)
Tất cả mọi sự đều do nhân duyên mà sinh. Nhân là hành vi, duyên là điều kiện, 2 cái này kết hợp thành quả; vì vậy gọi là nhân quả sanh khởi, nói tắt là Duyên khởi. Vấn đề đặt ra là làm sao diệt nghiệp, muốn vậy phải trừ bỏ dục niệm vì ngu xuẩn. Người giác ngộ, tuy nghiệp tiền thế vẫn còn, nhưng không để cho nó thành nghiệp chướng, nghĩa là thọ nghiệp nhưng không khổ.
 (Viên Thông)

132.  Cổ Phật và lộ trụ.
Vân Môn nói với chúng đệ tử: 
- Cổ Phật và cây cột tương giao là cơ thứ mấy?
Đệ tử không ai đáp được. Vì vậy hòa thượng tự đáp: 
- Đó là núi Nam mây giăng, núi Bắc mưa rơi! 
                                                             (Bích Nham Lục)
Cổ Phật: là người giác ngộ; lộ trụ là cây cột ở ngoài cửa.
Câu nói của Vân Môn là để phá chấp quý (cổ Phật), tiện (cây cột) khiến thiền sinh có thể tiến vào tâm cảnh "vô ngã.”
Có mây thì tất phải mưa, không cần biết núi Bắc hay Nam. Dưới con mắt người đã khai ngộ mây, mưa là một, tự tha chẳng hai. 
 (Viên Thông)

133.  Một chậu nước.
Quy Sơn đang ngủ, Ngưỡng Sơn vào thỉnh an, Quy Sơn quay mặt vào vách.
Ngưỡng Sơn thưa: 
- Thầy sao bận vậy?
- Ta vừa nằm mộng ngươi thử đoán coi!
Ngưỡng Sơn bèn bưng một chậu nước rửa mặt lại.
Một lúc sau Hương Nghiêm cũng vào thỉnh an, Quy Sơn nói: 
- Ta vừa nằm mộng, Ngưỡng Sơn đoán trúng rồi, ngươi thử đoán coi!
Hương Nghiêm bèn bưng một tách trà lại.
  (Thiền Cơ)
Mộng là ảo ảnh. Ngưỡng Sơn mang chậu nước rửa mặt lại là để rửa mộng; Hương Nghiêm bưng trà lại cho Quy Sơn uống để tỉnh mộng. Cởi bỏ mọi trói buộc thì mới trực nhận được bản lai diện mục.

134.  Một cỗ quan tài.
Một chú tiểu hỏi Đại Mai: 
- Thế nào là ý của tổ sư từ Tây sang?
- Không ý.
Tề An nghe rồi nói :
- Một cỗ quan tài, hai xác chết. 
 (Thiền Cơ)
Câu nói của Tề An có nghĩa là một câu nói chết làm khốn tử hai hòa thượng.

135.  Từ nơi nào tới?
Tuyết Phong hỏi Minh Châu: 
- Từ đâu tới?
- Từ Giang Tây.
- Thấy Đạt Ma tổ sư ở đâu?
- Đã nói với hòa thượng rồi mà!
- Nói gì?
- Từ đâu tới? 
 (Thiền Cơ)
Thấy Đạt Ma ở đâu: là hỏi đã ngộ chưa?  Câu đáp cuối trả lời đã ngộ rồi.

136.  Đứa trẻ Hoài Nam. 
Chân Giác bỗng nhiên hỏi một ông tăng:
- Có nhớ không?
- Nhớ!
- Nói cái gì?
- Nói cái gì?
- Đứa trẻ Hoài Nam vào chùa.
   (Thiền Cơ)
Đứa trẻ Hoài Nam chỉ tự tánh. Chân Giác hỏi ông tăng còn nhớ bản lai diện mục không? Ông tăng trả lời có.

137.  Dã Hồ quỷ.
Một ông tăng đang lạy, Tiên Thiên nói: 
- Dã Hồ quỷ! Thấy gì mà lạy?
Ông tăng đáp: "Lão nô hói, thấy gì mà hỏi?"
Tiên Thiên than: "Khổ rồi! Khổ rồi!" 
                                                                                (Thiền Cơ)
Ông tăng lạy bị Tiên Thiên mắng "Dã Hồ quỷ" ám chỉ tự lạy mình còn tốt hơn. Ông tăng không chịu kém cắn lại "Lão nô hói.” Tiên Thiên chỉ còn nước kêu khổ.

138.  Đến báo ơn.
Văn Ích hỏi một ông tăng: 
- Từ đâu đến?
- Đến báo ơn.
- Còn an tâm không?
- An tâm.
- Uống trà đi! 
 (Thiền Cơ)
"Uống trà đi " ám chỉ tự mình tham chứng, đó là báo ơn.

139.  Cửa đóng rồi. 
Huyền Sa và ĐịaTạng nói chuyện trong phòng phương trượng. Đêm khuya rồi, thị giả bèn đóng cửa phòng phương trượng.
Huyền Sa nói : 
- Cửa đóng rồi, xem ngươi làm sao mà ra?
Địa Tạng đáp:
- Cái gì gọi là cửa? 
 (Thiền Cơ)
Ở bản thể giới không có danh tướng nên không có cửa, không có trong ngoài, nên không có ra vào.

140.  Ba năm.
Dược Sơn hỏi một ông tăng đang thổi cơm:
- Ngươi ở đây bao lâu rồi?
- 3 năm.
- Sao ta không biết ngươi? 
(Thiền Cơ)
Câu hỏi của Dược Sơn ám chỉ tự tánh của ngươi ở đâu?

141.  Bò đực sanh bê.
Trong buổi tham chiều, không đốt đèn. Dược Sơn nói: 
- Ta có một câu, đợi khi bò đực sanh bê sẽ bảo cho các ngươi!
Có một ông tăng thưa:
- Bò đực sanh bê rồi!
Dược Sơn kêu: 
- Thị giả! Đốt đèn!
 (Thiền Cơ)
Ở hiện tượng giới chuyện bò đực sanh bê là không thể được; nhưng ở bản thể giới không có gì là được với không được.

142.  Vòng tròn của Nam Tuyền.
Nam Tuyền, Quy Tông, Ma Cốc, 3 người định đi tham bái Huệ Trung quốc sư. Giữa đường Nam Tuyền vẽ 1 vòng tròn trên đất nói rằng: "Nói được thì đi."
Quy Tông ngồi ngay vào vòng tròn, Ma Cốc hướng vào vòng tròn mà lạy như đàn bà. 
 Nam Tuyền nói: 
- Thế thì chẳng đi.
Quy Tông nói: 
- Là tâm hạnh gì vậy?
   (Bích Nham Lục)
Nam Tuyền vẽ 1 vòng tròn là chỉ Huệ Trung, vì Huệ Trung là người khởi xướng vẽ vòng tròn. Quy Tông ngồi vào trong vòng tròn chỉ mình và vòng tròn là một. Lạy như đàn bà, vì đàn bà sợ cúi xuống quá thì tóc bung ra thành ra chỉ gật đầu. Ma Cốc lạy tỏ ý kính trọng.
 (Viên Thông)

143.  Đức Sơn đến Quy Sơn.
Đức Sơn đến tham Quy Sơn, hành lý trên lưng còn chưa bỏ xuống, đã vào pháp đường đi từ Đông sang Tây xem xét, lại đi từ Tây sang Đông ngắm nghía rồi nói: "Không! Không!" rồi định bỏ đi, nhưng ra đến cửa lại chần chờ và nói: 
- Không được lạo thảo quá! 
Bèn sửa sang lại quần áo nhờ người dẫn vào gập Quy Sơn.
Quy Sơn ngồi trong đó, thấy Đức Sơn vào định nắm lấy phất tử. Lúc đó Đức Sơn bèn hét lên một tiếng lớn, phất tay áo mà đi.
Đến chiều Quy Sơn hỏi thủ tọa: 
- Người mới đến lúc nãy ở đâu?
Thủ tọa thưa: 
- Đã đi rồi!
Quy Sơn nói: 
-Gã này về sau lên đỉnh núi dựng am cỏ, quở Phật mắng tổ! 
                                      (Bích Nham Lục)
Đức Sơn vào pháp đường đi từ Đông sang Tây, rồi lại từ Tây sang Đông là tỏ ý xem xét thiền phong của Quy Sơn thế nào? Khi Đức Sơn vào gập Quy Sơn thì Quy Sơn đã có sẵn phất tử là sẵn sàng nghênh địch. Đức Sơn hét lớn là muốn chiếm tiên cơ. Quy Sơn vẫn ngồi yên. Đức Sơn phất tay áo bỏ đi là phủ nhận Quy Sơn. Nghĩ  kỹ lại thì cao thấp đã rõ, Đức Sơn bỏ đi vì trong 36 kế, bỏ chạy là hơn cả.
 (Viên Thông)

144.  Chết chìm suối  sâu.
Sư thượng đường nói:
- Ta ở nơi tiên sư Hoàng Bá 20 năm, 3 lần hỏi đại ý của Phật pháp, 3 lần bị ăn gậy, như bị cây ngải phết qua. Hôm nay còn muốn một trận nữa. Người nào vì ta mà ra tay?
Có một ông tăng từ chúng bước ra thưa: 
- Con làm được.
Sư đưa gậy cho ông, ông đưa tay nhận, sư bèn đánh.
Có ông tăng hỏi: 
- Thạch Thất giã gạo, đạp chân xuống mà quên nhấc chân lên, vậy ý hướng ở đâu?
Sư nói : 
- Chết chìm suối sâu?
 (Lâm Tế Lục)
Việc trên lưỡi kiếm: chỉ cảnh giới nhất tâm bất loạn; dẫn từ Truyền Đăng Lục: Phần Châu nói "như đi trên băng, như chạy trên lưỡi kiếm.”
Thạch Thất: Đường Võ Tông hạ chiếu chỉ diệt Phật giáo, ra lệnh tăng, ni phải hoàn tục. Đến khi Phật giáo được phục hồi Thạch Thất không mặc cà sa, chỉ làm người giã gạo để độ sinh.
Quên nhấc chân: chỉ cảnh giới vong ngã.

145.  Vân Môn có báu vật.
Một hôm Vân Môn nói với chúng đệ tử rằng:
- Trong càn khôn, giữa vũ trụ, có một báu vật, dấu ở hình sơn, đem lồng đèn vào điện Phật, đem cửa chùa lên lồng đèn.
 (Bích Nham Lục)
Vật báu chỉ tự tánh, điện Phật u tối chỉ mê vọng; ánh đèn chỉ trí tuệ. Đem đèn lên điện Phật: dùng trí tuệ mà phá trừ mê vọng.
Đem cửa chùa lên lồng đèn là chỉ một việc không thể làm được, câu nói khiến chúng đệ tử khởi nghi tình, nỗ lực tham cứu đưa tới ngộ. 
(Viên Thông)

146.  Một hạt bụi của Phong Huyệt.
Một hôm, Phong Huyệt nói với các đệ tử rằng: "Nếu lập một hạt bụi thì đất nước hưng thạnh, không lập một hạt bụi thì đất nước bị mất." 
 (Bích Nham Lục)
Trong Thiền giới, tất cả đều là không. Chỉ cần khởi một niệm là có chấp, là có nghiệp phiền não. Nếu không có niệm khởi thì không có phiền não, tất cả đều là không. Vì vậy sinh hoạt trong thế giới hiện tượng chúng ta phải lấy "vô tâm" mà ứng phó với hoàn cảnh.
 (Viên Thông)

147.  Ngoại đạo hỏi Phật.
Có một người Bà La Môn hỏi Phật: 
 - Không hỏi có lời, không hỏi không lời.
Đức Phật ngồi yên không nói. Bà La Môn tán thán rằng:
- Đức Thế Tôn đại từ đại bi, vẹt mây mù cho con, khiến con được vào.
Bà La Môn đi rồi, A Nan hỏi Phật rằng:
- Vị ngoại đạo này chứng được cái gì mà nói được vào?
Đức Phật nói:
- Như con ngựa hay, chỉ thấy bóng roi đã chạy.
 (Bích Nham Lục)
Khi đã ngộ rồi thì sống trong thế giới "không.” Không thể dùng lời để diễn tả được, vì như vậy là chủ quan, là chọn lọc, do đó bị trói buộc. Nhưng nếu không nói ra thì làm sao truyền bá Phật pháp. Ý của Bà La Môn là vậy. Để trả lời đức Phật chỉ ngồi yên lặng, chỉ rằng chỉ cần thiền định, thoát ly phiền não. Vị Bà La Môn này đã hành thâm sâu nên mới hiểu ý Phật. Câu đáp của Phật xác nhận sự xuất sắc của Bà La Môn.
Kinh tạp A Hàm có ghi 4 loại ngựa:
Thứ 1: thấy bóng roi đã chạy;
        2: roi quất vào đuôi đã chạy; 
        3: roi quất vào mình đã chạy; 
        4: phải đánh mạnh có khi đến chảy máu mới chịu chạy. 
 (Viên Thông)

148.  Hạt gạo của Tuyết Phong.
Tuyết Phong có lần nói với đệ tử :
- Cả trái đất tóm lại chỉ to bằng một hạt gạo.
Đại chúng không hiểu, do đó Tuyết Phong lại nói:
- Thùng sơn chẳng hiểu, đánh trống phổ thỉnh coi! 
 (Bích Nham Lục)
Lời nói của Tuyết Phong có nghĩa là phải bỏ tất cả mọi tạp niệm để tâm tĩnh lặng trong trẻo, lúc đó không phải tìm kiếm gì vì cái muốn tìm chính là cái tâm trong sáng đó. 
 (Viên Thông)

149.  Tên đầu rỗng.
Có một lần Mục Châu (780-877) hỏi một ông tăng đến tham học :
- Ngươi vừa từ đâu lại?
Ông tăng bèn hét. Mục Châu lại nói :
- Lão tăng bị ngươi hét một lần.
Ông tăng lại hét. Mục Châu nói:
- 3 hét, 4 hét rồi làm sao?
Ông tăng không lời đáp lại. Mục Châu bèn giơ thiền trượng cầm trong tay đánh và mắng rằng: 
- Tên cướp đầu rỗng này! 
 (Bích Nham Lục)
Ông tăng này chắc là mới tu, thấy các thiền sư hét có khí phách quá liền bị mê tưởng đó là thiền. Gập dịp liền hét để tỏ công lực của mình. Rất tiếc ông chọn lầm đối tượng. Mục Châu bị ông hét coi như muỗi đốt, nhưng mà con muỗi hung hăng quá thành thử ông phải ra tay đánh. Ông tăng đó không biết rằng muốn sử dụng được tiếng hét đó phải tốn biết bao công phu tu tập có khi đến mửa máu. 
 (Viên Thông)
 
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ðịnh luật của nghiệp lam the nao de khong tro thanh nan nhan tu nhung mai tho truyen 1905 vang vọng tiếng chuông chùa quyet dinh giai thoat dùng hôn Nhá tÃƒÆ bÃƒÆ Kinh A Di me tin hay khong me tin mot nen huong long tien dua huong linh nghe si kim Đậu om nấm hÓi phẩm tuÇ khúc đi ưu lâu tần loa ca diếp tuc anh Hạnh chữa bệnh bằng âm nhạc 9 lưu ý quan trọng cho người ăn chay toi xin dua em åº một Bài thuốc giảm béo của lương y Thích Tuà Phụ nữ cũng có nguy cơ tim mạch tương Phát du muon giáo lý vô ngã Chai nhựa gây hại cho răng của Chay hàng rong ban giao huong coi so tam minh asvaghosha duc phat day ve bay hang vo o doi Xuân có đi có đến Tu hành trong mùa Vu lan trầm cảm 9 loại thực phẩm giúp giảm cholesterol Mối hay song trong giay phut hien tai hành trì mật tông tây tạng tại việt Pho tượng như người thật ở chùa Quán phẠt vài nét suy ngẫm về đào tạo tăng kinh điển phật giáo và sự truyền bá Phòng bách bệnh nhờ đa dạng màu sắc khuc ca dao nho me Giấc Phiền buông Một nẻo về đắc nhân tâm quốc