Mục Lục.
Quyển Thượng.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.

 
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
300.  Cái hồ của Dược Sơn.
Dược Sơn hỏi một ông tăng mới đến:
- Người từ đâu lại?
- Từ Nam Hồ lại.
- Hồ có đầy không?
- Chưa.
- Sao mưa nhiều như vậy mà hồ vẫn chưa đầy?
 Ông tăng lặng yên không đáp. 
 (Zen Koans)
Khi một ông tăng tới thiền viện, câu đầu tiên ông bị hỏi thường là từ đâu tới, có nghĩa là ngươi học thiền với ai. Ở đây hồ không chỉ cái cái hồ địa lý mà chỉ tâm ông tăng. Câu trả lời của ông tăng cho thấy ông quá đơn giản (ít hiểu thiền). Dược Sơn dồn ông: Sao mưa nhiều như thế mà hồ vẫn chưa đầy? Hàng ngày chúng ta được thấm nhuần mưa pháp, sao hồ vẫn chưa đầy?

301.  Sống một mình trên đỉnh núi.
Một ông tăng hỏi Vân Cư:
- Có thể lánh cư trên đỉnh núi không?
- Sao ngươi lại bỏ tọa thiền ở thung lũng mà trèo lên đỉnh núi 
   vậy? 
 (Zen Koans)

Công án này thích hợp cho chư tăng cũng như cho người trong xã hội hiện tại. Nếu tôi lánh cư thì sẽ thế nào? Sẽ không có ai làm phiền tôi, mọi sự sẽ êm ả và thanh tịnh. Nhiều người muốn trốn chạy. Vân Cư trả lời rằng vấn đề là ở tâm ngươi bất an. Thiền ở thung lũng tức là thiền ở đỉnh núi. Nhiều người nghĩ rằng thiên đường hay hạnh phúc là ở một nơi nào đó. Nhiều người nghĩ rằng tập thiền là một phương cách có một đời sống khác với cuộc sống hiện tại. Nhưng trở thành tốt không có nghĩa là dẹp bỏ những điều xấu đi, mà là những điều xấu đã trở thành tốt. Khó nhọc và khó khăn làm chúng ta nhận chân được giá trị của cuộc đời. Càng nhiều nước đá thì có nhiều nước; càng nhiều khó khăn thì đời càng đáng sống. Nhưng người ta vẫn còn nghĩ rằng nơi chốn và hoàn cảnh là nguyên nhân của khó khăn. Nếu có tâm và thái độ như thế thì bất cứ đi đâu cũng sẽ gập khó khăn.

302.  Sen xanh.
Một ông tăng hỏi Phổ Nguyện:
- Phải chăng sen xanh không theo gió lửa mà tiêu tán chăng?
- Không có gió lửa, chẳng theo cái gì? 
(Thiền Cơ)

Sen xanh chỉ tự tánh, Nhà Phật nói thân thể con người do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà thành. Ông tăng hỏi có phải tự tánh không theo thân thể mà tiêu tán chăng? Thiền sư hỏi ngược lại, ám chỉ ông tăng phải vứt bỏ thân thể thì sen xanh tự nhiên dõng hiện.

303.  Chúa động.
Khi đi chơi núi, thấy tảng đá một ông tăng hỏi Động Sơn :
- Tảng đá này có chủ nhân không?
- Có
- Là ai?
- Ngươi ở trong tam gia thôn tìm gì?
- Vậy sao! Thế nào là chúa động?
- Ngươi gấp làm gì? 
 (Thiền Cơ) 

Chúa động chỉ tự tánh.

304.  Báu trong nang.
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là báu trong túi?
- Vừa miệng 
 (Thiền Cơ)

Báu trong túi chỉ tự tánh; tự tánh ai cũng có như người ta ai cũng có một cái mồm.

305.  Bửa củi.
Đạo Khuông hỏi một ông tăng:
- Ngươi vừa ở đâu lại?
- Vừa bửa củi xong.
- Còn có củi chưa bửa không?
- Có.
- Củi chưa bửa là gì?
Ông tăng không đáp được. Thiền sư nói:
- Nếu ngươi không nói được hãy hỏi ta, ta sẽ đáp cho.
- Củi chưa bửa là gì?
- Thật biết lừa giết người! 
 (Thiền Cơ)

Củi chưa bửa chỉ tự tánh.

306.  Giáo lý tối thượng.
Tuyết Phong hỏi Đức Sơn:
- Con có thể chia sẻ giáo lý tối thượng mà chư tổ đã đạt được không?
Đức Sơn đánh cho một gậy mà rằng:
- Ngươi nói cái gì?
 Tuyết Phong không hiểu, ngày hôm sau lại lặp lại câu hỏi. Đức Sơn nói:
- Thiền không có lời, cũng không có gì để cho.
Nham Đầu nghe được chuyện này bèn nói:
- Đức Sơn có xương sống bằng sắt, nhưng đã làm hỏng thiền bằng những lời nói mềm.
(Zen Koans)

Tuyết Phong là pháp tử của Đức Sơn. Đối thoại này xẩy ra khi Tuyết Phong hãy còn là một ông tăng trẻ. Cũng như những người khác ông nghĩ Niết Bàn, giáo lý tối thượng là một cái gì đó; do đó Đức Sơn đánh ông một gậy, nhưng ông vẫn chưa hiểu. Ngày hôm sau, ông hỏi lại. Đức Sơn đáp "Thiền không có lời" , Bồ Đề Đạt Ma " Ta không biết", Huệ Khả "không nắm được.” Thiền là đời sống, nếu dùng khái niệm thì nó chết. Khi Nham Đầu phê bình Đức Sơn làm hỏng thiền với những lời giảng giải, thì chính lời phê bình này cũng đã làm hỏng thiền vì lắm lời. Thiền phải tự thực chứng. Có phải công án này dễ hiểu không? Nếu đúng vậy thì chỉ là trí thức.

307.  Cà sa trùm đầu.
Một ông tăng vào phòng Triệu Châu  để tham vấn. Và thấy Triệu Châu lấy cà sa trùm đầu: ông tăng vội lui ra. Triệu Châu 
gọi lại:
- Đừng nói ta không tiếp ngươi. 
 (Zen Koans)

Khi một thiền sinh vào phòng thầy để nhận sự hướng dẫn gọi là độc tham. Đối với thiền sinh đây quả là một sự đụng độ gay cấn và thường được đón chờ với hy vọng, sợ hãi hay tuyệt vọng. Trong công án này, ông tăng ngạc nhiên thấy thầy mình trùm đầu. Thầy bị lạnh? hay đang ngủ? Chấp vào sự mong đợi của mình, ông tăng thối lui. Nhưng Triệu Châu không ngủ. Mặc dầu một ngọn núi bị che bởi mây, nhưng ngọn núi vẫn ở đấy dù bị che hay không.

308.  Cử động Thiền.
Một nhân viên thư viện thấy một ông tăng ngồi thiền trong thư viện rất lâu. Cuối cùng, người ấy hỏi ông tăng:
- Sao thầy không đọc kinh?
- Ta không biết đọc.
- Sao thầy không hỏi người nào biết?
Ông tăng đứng dậy, chắp hai tay vào ngực theo tư thế thiền, cúi thấp mình xuống và lễ phép hỏi:
- Thế này là gì?
Nhân viên thư viện không trả lời được. 
 (Zen Koans)

Nhân viên thư viện chấp vào ý tưởng và thường lệ: Kinh để đọc và thư viện là nơi để đọc, không phải để thiền. Nhưng đời sống không đơn giản như thế. Đức Phật để 6 năm để tìm giác ngộ. Triệu Châu để 6 năm để tìm ý nghĩa của chữ "Vô.” Lời thật không thể hỏi. Ông tăng làm một cử động thiền và hỏi "Thế này là gì?.” Nhân viên thư viện không trả lời được vì ông ta không hiểu Phật pháp không nhất thiết ở trong kinh điển.

309.   Không thể nghĩ bàn.
Có ông tăng hỏi Duy Khoan:
- Con chó nhỏ có Phật Tánh không?
- Có
- Thầy có không?
- Ta không có.
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng thầy lại không có?
- Ta không phải là tất cả chúng sanh.
- Nếu không phải là chúng sanh thì là Phật sao?
- Ta không phải là Phật.
- Vậy thực ra là gì?
- Cũng không phải là vật gì.
- Có thể thấy, có thể nghĩ bàn không?
- Không thể nghĩ bàn. 
 (Thiền Cơ)

Phật tánh là cảnh giới tuyệt đối, không thể cảm giác, nắm bắt, nghĩ bàn; không là chúng sinh, không là Phật, không là vật.

310.  Mời vào.
Cam Chí thấy Tuyết Phong tới vội đóng cửa lại và nói:
- Mời vào!
Tuyết Phong đứng ngoài dậu tre giơ tay phất cà sa một cái, Cam Chí lập tức mở cửa, vái lạy. 
 (Thiền Cơ)

Cam Chí đóng cửa là có tâm phân biệt trong, ngoài. Tuyết Phong phất tay áo là chỉ đã vào trong. Cam Chí hiểu được điều này nên vội mở cửa vái lạy.

311.  Lưỡi rơi xuống đất.
Một ông tăng hỏi Nghiêu Sơn :
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- Tiết trọng Đông trời rất lạnh.
- Thế nào là chỗ thăm thẳm của thiền sư?
- Đợi lưỡi ngươi rơi xuống đất ta sẽ bảo cho biết. 
 (Thiền Cơ)

Đừng đi hỏi người ngoài, ý tổ sư, chỗ thăm thẳm đều chỉ tự tánh, phải tự mình thể hội.

312.  Kim tre, dây gai.
Một ông tăng hỏi Pháp Thường:
- Thế nào là đại ý của Phật pháp?
- Kim tre, dây gai. 
 (Thiền Cơ)

Phật pháp ở đâu cũng có, tất cả đều hiện thành.

313.  Nước không gân cốt.
Bàng cư sĩ hỏi Đạo Nhất:
- Nước không gân cốt sao mang được thuyền lớn?
- Nơi đây không có nước, cũng không có thuyền nói gì đến gân cốt? 
  (Thiền Cơ)

Nước chỉ bản thể giới, thuyền chỉ hiện tượng. Câu nói của Đạo Nhất không chấp cả bản thể lẫn hiện tượng.

314.  Chẳng nghĩ.
Dược Sơn nhắm mắt ngồi thiền, một ông tăng hỏi:
- Thầy nghĩ gì vậy?
- Nghĩ cái không thể nghĩ.
- Làm sao nghĩ được cái không thể nghĩ?
- Chẳng nghĩ. 
 (Thiền Cơ)

Có nghĩ là có phân biệt vì vậy Dược Sơn mới nói chẳng nghĩ để đả phá cái chấp này cho ông tăng.

315.  Vạn dậm không mây.
Một ông tăng hỏi Thọ Chiểu:
- Khi vạn dậm không mây thì làm sao?
- Trời xanh cũng phải ăn gậy.
- Sao lại trách trời?
- Vì khi chúng ta cần mưa thì trời lại không mưa, và khi chúng ta cần trời đẹp thì trời lại xấu. 
 (Zen Koans)

Ông tăng chấp vào trạng thái tâm mà ông đạt được, có lẽ trong sáng như bầu trời không mây. Nhưng thiền sư đánh vào bất cứ gì cần phải đánh để thức tỉnh chân lý: tăng, sư, Phật, trời, vũ trụ. Nếu chấp vào trời đẹp, trời xấu liền tạo ra vấn đề.

316.  Thiên Long trốn nơi nao?
Một hôm Quan Sơn ở Diệu Tâm Tự đến Thiên Long Tự bái phỏng Mộng Song quốc sư, hỏi rằng:
- Kim Sí điểu vương đang ở trên trời, không biết Thiên Long trốn nơi nao?
- Ái chà! đáng sợ, đáng sợ!
Mộng Song kêu lên rồi chúi đầu vào áo cà sa và đi ra sau bình phong. Quan Sơn lạy tạ rồi lui.Tăng Phó khen rằng:
- Hai sư có lễ tiết thực khác người vậy. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Theo kinh điển Kim Sí là loài chim ăn thịt rồng. Nhưng lấy cà sa che đầu thì Kim Sí không ăn được.

317.  Tay không về quê.
Đạo Nguyên (1200-1253) một vị thiền sư Nhật Bản du học Trung Quốc khi về mang theo một câu pháp ngữ:
- Sư núi này kinh lịch Nghiệp lâm không nhiều, ngẫu nhiên ở Thiên Đồng Sơn gập được Như Tĩnh thiền sư (1163-1228) chỉ điểm đạo lý "mắt ngang, mũi dọc" không còn bị người đời lừa dối nữa, do đó tay không về quê; không có một chút Phật pháp gì. Chỉ ngày ngày xem mặt trời mọc ở phương Đông; đêm đêm xem trăng lặn ở phương Tây; canh năm nghe gà gáy sáng, 3 năm lại có một năm nhuận. 
 (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Do Thiên Đồng chỉ dạy Đạo Nguyên đã thấy được "như" , do đó không bị người đời lừa dối nữa.

318.  Đốn cây.
Tuyết Phong cùng đồ đệ vào rừng đốn cây, ông nói với đồ đệ:
- Đừng ngưng rìu cho tới khi chặt tới tâm điểm.
- Con đã chặt.
- Chư tổ truyền pháp cho đệ tử bằng cách ấn tâm, còn ngươi thì sao?
Ông tăng ném cái rìu xuống đất và nói:
- Truyền!
Tuyết Phong vớ lấy gậy và đánh ông. 
 (Zen Koans)

Thiền sinh học thiền không phải chỉ ở lúc ngồi thiền hay nghe giảng pháp mà ở cả trong khi làm công việc hàng ngày. Khi Tuyết Phong nói 'tới tâm điểm' không những chỉ tâm cây mà còn ám chỉ tâm người. Thiền sư chưa nói dứt lời, đồ đệ đã cắt ngang 'con đã chặt'. Tuyết Phong đổi đề tài và hỏi đồ đệ đã được truyền tâm ấn chưa? Ông tăng cần lời cảnh giới của Tuyết Phong vì ông hãy còn chấp vào 'truyền'. Nếu ông có thể ném được khái niệm truyền tâm như đã ném cái rìu thì hay biết bao! Cây có thể dùng rìu để chặt, nhưng tâm phải chặt bằng tâm, vì vậy ông tăng mới bị đánh.

319.  Nhìn dưới chân.
Một đêm nọ, Pháp Diễn cùng đồ đệ vào chùa; đèn cầm trong tay bỗng bị gió thổi tắt. Pháp Diễn bảo các đồ đệ mỗi người nói một chuyển ngữ. Phật Quả Viên Ngộ nói:
- Nhìn dưới chân!
Câu nói này được Pháp Diễn tán thưởng. 
 (Thiền Đích Trí Tuệ Tinh Hoa)

Chuyển ngữ là lời nói biểu hiện ngộ tâm. Ý Pháp Diễn là "Đi trong đêm tối phải nhờ đèn, nay đèn tắt, các ngươi nói phải làm sao đi, nói mau!"  "Nhìn dưới chân" là một câu nói bình thường, nhưng khi đèn tắt thì có chuyện gì quan trọng hơn là nhìn dưới chân? Quan sát kỹ rồi mới bước thì khỏi ngã. Thiền học chỉ ta phải tự quán sát đừng để đi ra ngoài Phật đạo, dù hoàn cảnh tối tăm cũng không làm tắt ngọn đèn tự tâm.

320.  Cây và dây leo.
Có ông tăng hỏi Quy Sơn:
- Nghe nói thầy thường dạy học trò tham cứu câu nói " hữu cú, vô cú như cây và dây leo" có phải không?
- Phải.
- Con có thể hỏi thêm không?
- Đương nhiên, ngươi cứ việc hỏi.
- Khi cây ngã, dây leo khô thì "cú" đi về đâu?
Lúc dó Quy Sơn đang dùng bay trát tường bèn ném bay xuống đất, cười ha hả mà đi về phòng.
 (Sinh Hoạt Thiền)

"Hữu cú, vô cú" là chỉ lưỡng biên. "Hữu" sở dĩ có là vì có "Vô"; "Vô" sở dĩ có là vì có "Hữu.” Có những cây phải có dây leo bám vào thì mới sống được; cây và dây leo cộng sinh. Nếu đã đạt tới cảnh giới 'không' tuyệt đối thì lưỡng biên phải gạt bỏ. Đó là cảnh giới "Nhất thiết giai không" của kinh Kim Cương vậy.

321.  Ta kêu viện chủ.
Một hôm Quy Sơn sai thị giả đi kêu viện chủ đến. Khi viện chủ đến, Quy Sơn nói:
- Ta kêu viện chủ, ngươi lại làm gì?
Viện chủ không trả lời được.
Quy Sơn lại sai thị giả đi kêu đệ nhất tọa đến. Khi đệ nhất tọa đến, Quy Sơn nói:
- Ta kêu đệ nhất tọa, ngươi lại làm gì?
Đệ nhất tọa cũng không trả lời được. 
 (Thiền Cơ)

Quy Sơn phá cái chấp danh tướng cho Viện chủ và Đệ nhất tọa. Có người giảng Viện chủ và Đệ nhất tọa chỉ làm công việc của mình một cách máy móc, không tỉnh thức trong công việc vì vậy đã không thể hỏi ngược lại Quy Sơn "Thầy không biết con là Viện chủ sao?"

322.  Lồng đèn lớn.
Ngưỡng Sơn hỏi Quy Sơn:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- Lồng đèn lớn.
- Chỉ cái đó thôi sao?
- Cái đó là cái gì?
- Lồng đèn lớn.
- Quả nhiên ngươi chưa biết. 
 (Thiền Cơ)

Ngưỡng Sơn hỏi tự tánh, Quy Sơn tùy tiện đáp "lồng đèn lớn.” Ngưỡng Sơn liền bị chấp vào lồng đèn nên bị Quy Sơn  mắng.

323.  Tốt ở chỗ nào?
Một hôm trời mưa, một ông tăng nói:
- Mưa tốt.
Ngưỡng Sơn hỏi:
- Tốt chỗ nào?
Ông tăng không đáp được.
Ngưỡng Sơn nói:
- Ta biết.
- Tốt chỗ nào?
Ngưỡng Sơn chỉ mưa. 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng nói mưa tốt là chỉ cảm giác. Ngưỡng Sơn chỉ mưa là ám chỉ tốt ở bản thân của mưa (tự tánh).

324. Tiếc thay một chén trà.
Đầu Tử đang uống trà nói:
- Sâm la vạn tượng đều ở trong chén trà này.
Trì Châu hòa thượng lật ngược chén trà:
- Sâm la vạn tượng ở đâu?
Đầu Tử than:
- Tiếc thay một chén trà! 
(Thiền Cơ)

Chén trà chỉ tự tánh.

325.  Hồ Hán đều ẩn.
Tuyết Phong thượng đường nói rằng:
- Các ngươi nên hiểu chuyện này: như đài gương sáng Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán.
Huyền Sa hỏi:
- Bỗng nhiên gương vỡ thì sao?
- Hồ, Hán đều ẩn! 
 (Thiền Cơ)

Gương chỉ tự tánh, Hồ, Hán chỉ ngoại trần, ngoại cảnh.

326.  Trương Chuyết.
Trương Chuyết đến tham phỏng Thạch Sương, Thạch Sương hỏi tên, Trương Chuyết đáp:
- Trương Chuyết.
- Tìm cái khéo còn chẳng được, cái vụng từ đâu lại?
Trương Chuyết có chỗ tỉnh ngộ bèn làm bài kệ:
光 明 寂 照 徧 河 沙
Quang minh tịch chiếu biến hà sa
凡 聖 含 靈 共 我 家
Phàm thánh hàm linh cộng ngã gia
一 念 不 生 全 體 現
Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện
六 根 纔 動 被 雲 遮
Lục căn tài động bị vân già.
斷 除 煩 惱 重 増 病
Đoạn trừ phiền não trọng tăng bệnh
趣 向 眞 如 總 是 邪
Thú hướng chân như tổng thị tà
隨 順 眾 緣 無 罣 礙
Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại
涅 槃 生 死 等 空 花
Niết bàn sinh tử đẳng không hoa.
Quang  minh  lặng  chiếu  khắp  hà  sa
  Phàm  thánh  hàm  linh  vốn  chung  nhà
Một  niệm  chẳng  sanh  toàn  thể  hiện.
Sáu  căn  vừa  động  bị  che  lòa.
Phá  trừ  phiền  não  càng  thêm  bệnh.
Tìm  đến  chân  như  âu  cũng  là
Tùy  thuận  các  duyên  không  chướng  ngại
Niết  Bàn  sanh  tử  thẩy  không  hoa. 
(Thích Thanh Từ dịch)
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Câu trả lời của Thạch Sương là lối chơi chữ. Chuyết có nghĩa là vụng về. Thạch Sương nhân tên của Trương Chuyết mà giảng tự tánh phải vượt lên đối đãi (khéo, vụng). Đọc bài kệ chúng ta có thể biết thế nào là tự tánh và làm thế nào để ngộ. Nếu ta cứ để tùy duyên không chấp không, hữu có thể đạt tới một niệm chẳng sanh, thì tự tánh tự nhiên hiển lộ. Nếu một niệm trụ cảnh thì là do thức tâm điều khiển rơi vào thế đế. Thiền vốn siêu việt. Các vị thiền sư để tiếp dẫn người học có lúc dùng khẳng định, có lúc dùng phủ định, có lúc dùng cả khẳng định và phủ định hoặc đều không dùng là vì sợ người học chấp không, chấp có. Như kinh Đại Niết Bàn đề cập đến 20 loại không như: thắng nghĩa không, vô vi không, vô tánh tự tánh không... đều là siêu việt phủ định; Dư không là siêu việt khẳng định; không không là siêu việt khẳng định và phủ định. 
Tinh thần của nhà Thiền là như vậy, giống như một đám mây trong không, thiên biến vạn hóa, không thể nắm bắt được. 

327.  Đại nhân duyên.
Có ông tăng hỏi Tiếu Nham Đức Bảo thiền sư:
- Nghe nói chư Phật xuất hiện vì một đại nhân duyên, xin hỏi đại sư nhân duyên đó là gì?
- Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện.
Ông tăng không chịu, chẳng lạy mà ra. Thiền sư kêu lại đọc cho bài kệ:
諸 佛 出 於 世
Chư Phật xuất ư thế
唯 爲 大 因 緣
Duy vi đại nhân duyên
屙 屎 並 放 尿
A thỉ tịnh phóng niệu
飢 餐 困 打 眠
Cơ xan khốn đả miên
目 前 緊 急 事
Mục tiền khẩn cấp sự
人 只 欲 上 天
Nhân chỉ dục thượng thiên
談 玄 共 說 妙
Đàm huyền cộng thuyết diệu
遭 罪 復 輸 錢
Tao tội phục thâu tiền
Chư  Phật  xuống  trần  thế 
Chỉ  vì  đại  nhân  duyên
Đại  tiện  và  tiểu  tiện
Đói  ăn,  mệt  ngủ  liền.
Là  chuyện  gấp  trước  mắt
Người  chỉ  muốn  lên  trời
Nói  huyền  và  nói  diệu 
Làm  tội  lại  thâu  lời.
Ông tăng mắc cỡ, lạy tạ rồi lui. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông).

Mục đích của Thiền là được tâm bình thường. Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, ngủ nghê đều là những sinh hoạt cơ bản của chúng sanh, cứ tùy duyên mà làm đừng cưỡng cầu thì được tâm bình thường, khế hợp với Đạo.

328.  Thiền sàng.
Hòa An Thông thiền sư nói với Ngưỡng Sơn:
- Mang thiền sàng lại đây!
Ngưỡng Sơn mang thiền sàng lại.
- Mang về chỗ cũ.
Ngưỡng Sơn lại mang về chỗ cũ.
- Thiền sàng bên đó là vật gì?
- Không vật.
- Ngưỡng Sơn.
- Dạ!
- Đi ra! 
 (Thiền Cơ)

Bên này, bên kia đều là biên kiến phải bỏ. Khi Ngưỡng Sơn dạ là rơi vào giữa, nhưng ở giữa cũng phải bỏ nên thiền sư bảo " Đi ra.”

329.  Trăng như vành cung.
Buổi tham tối xong, đại chúng sửa soạn giải tán. Khả Quán nói:
- Đại chúng!
Đại chúng quay đầu lại.
- Ngắm trăng!
Đại chúng ngắm trăng.
- Trăng giống vành cung; ít mưa, nhiều gió.
Đại chúng không đáp được. 
 (Thiền Cơ)

Khả Quán ám thị đại chúng tham ngắm trăng trên trời, đánh mất ngọc quý trong tay.

330.  Xem tên.
Thạch Củng thường lắp tên, trương cung tiếp đãi các ông tăng. Một hôm có Nghĩa Trung tới:
- Xem tên!
Nghĩa Trung liền cởi áo bầy ngực ra.
- 30 năm ta lắp tên, trương cung, chỉ bắn trúng được một nửa người. 
(Thiền Cơ)

Mũi tên chỉ tự tánh.

331.  Nửa đêm bàn chuyện.
Tây Mục bỗng nhiên gọi:
- Thị giả!
- Dạ!
- Đợi đến nửa đêm sẽ bàn chuyện với ngươi! 
(Thiền Cơ)
Câu nói của Tây Mục ám chỉ hiện tại ngươi tự bàn chuyện.

332.  Bát sứ Định Châu.
Có một ni cô đem đến một cái bát sứ. Như Mẫn nâng bát lên hỏi:
- Cái bát này làm ở đâu?
- Đây là bát sứ Định Châu.
Như Mẫn liền đập bát vỡ tan. 
(Thiền Cơ)

Bát sứ Định Châu là thuộc lãnh vực trí thức, muốn đạt được bản lai diện mục (tự tánh) thì phải đập vỡ đi.

333.  Chỗ trú của Triệu Châu.
Triệu Châu đến thăm Vân Cư, Vân Cư hỏi:
- Lão đại hán, sao không tìm chỗ trụ trì lúc tuổi già rồi?
- Có thể ở đâu được?
- Trên núi có một chùa cổ.
- Tốt nhất ngươi tự mình ở!
Vân Cư không trả lời. Sau đó Triệu Châu lại đến thăm Ngạc Châu, Ngạc Châu cũng hỏi:
- Lão đại hán, sao không tìm chỗ trụ trì?
- Có thể ở đâu được?
- Lão đại hán, ngay chỗ cư trú cũng không biết sao?
- Ta từng cưỡi ngựa 30 năm, nay bị ngã từ lưng lừa. 
 (Zen Koans)

Triệu Châu bắt đầu đi tham học vào tuổi 61 (sau khi Nam Tuyền mất) Đến năm 80 ông trụ trì ở Quán Âm Viện, Triệu Châu. Ông thọ 120 tuổi và nổi tiếng trong các cuộc tranh luận với các thiền sư khi đi thăm viếng các thiền viện. Ông để lại nhiều công án hơn bất cứ một vị thiền sư nào. Khi Vân Cư đề nghị ông ngưng thăm viếng và trụ trì ở một chỗ nhất định; ông đã biết chỗ ở của mình rồi và không lúc nào rời nó. Vì vậy câu trả lời "Có thể ở đâu được" là một câu nói móc. Còn như Vân Cư đề nghị Triệu Châu ở ngôi chùa cổ, Triệu Châu bảo ông hãy tự mình ở vì đối với Triệu Châu thiền không có nghỉ hưu; thiền sư tự do làm gì mình muốn làm. Khi Triệu Châu viếng thăm Ngạc Châu cũng bị hỏi cùng câu hỏi và cũng đưa ra cùng câu trả lời. Nhưng Ngạc Châu lại coi câu trả lời ở bề mặt nên nói:
- Thật xấu hổ cho ngươi, ở tuổi ngươi ngươi phải biết chỗ trụ trì của mình ngay dưới chân chứ.
Để trả lời, Triệu Châu nói ông thường quen đối phó với ngựa chứ không với lừa. Lâm Tế nổi tiếng với tiếng hét, Đức Sơn với cây gậy và Triệu Châu với lời nói đúng lúc.

334  Biển khổ sóng lớn.
Một ông tăng hỏi Đại Diên:
- Biển khổ sóng lớn, dùng thứ gì để kết bè?
- Dùng trúc.
- Như vậy là có thể qua biển sao?
- Người mù theo người mù đi trước; người câm theo người câm đi trước. 
(Thiền Cơ)

Dùng trúc kết bè là phụ thuộc vào ngoại vật, cũng như người mù, câm phải theo người đi trước, sao bằng tự độ?

335  Người trong làng.
Có ông tăng hỏi Linh Thụy:
- Phật là gì?
- Ngươi là người trong làng.
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- 10 vạn 8 ngàn dậm. 
 (Thiền Cơ)

Người trong làng là chỉ Phật trong người. Còn hỏi ý tổ sư từ Tây sang là còn mong cầu thì hãy còn xa làng đến 10 vạn 8 ngàn  dậm vậy!

336  Cái nón.
Viên Trí cầm nón định đi ra, Vân Nham hỏi:
- Để làm gì?
- Có chỗ dùng.
- Gió, mưa đến phải làm sao đây?
- Đội lên.
- Nó còn bị đội sao? 
 (Thiền Cơ)

Nó chỉ tự tánh; gió, mưa chỉ ngoại duyên, ngoại trần.

337.  Phật ở trong nhà.
Dương Phủ từ biệt cha mẹ đến Tứ Xuyên bái phỏng Vô Tế bồ tát. Trên đường đi, gập một vị hòa thượng già, vị này hỏi:
- Ngươi đi đâu?
Dương Phủ nói ý định đi học với bồ tát Vô Tế. Vị hòa thượng già nói:
- Tìm bồ tát chẳng thà tìm Phật còn hơn.
- Phật ở đâu mà tìm?
- Ngươi cứ về nhà thấy người nào khoác chăn, đi dép ngược ra đón ngươi thì người đó chính là Phật. 
Dương Phủ y lời về nhà. Lúc đó đã nửa đêm, mẹ ông nghe tiếng con mình gọi cửa, mừng rỡ không kịp mặc áo, khoác vội cái chăn, xỏ lộn dép chạy vội ra mở cửa. Dương Phủ nhìn thấy, lập tức đại ngộ. Từ đó về sau chuyên tâm phụng dưỡng bố mẹ, lại còn viết sách chú thích hiếu kinh.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nhà Phật coi luân lý rất trọng, không dạy người ta điều gì ngoài luân lý. Bất cứ người nào nếu không được cha mẹ cho phép đều không được xuất gia.

338   Khẩu đầu Thiền.
Có ông tăng ở trong điện Phật, ngồi xoay lưng lại tượng Phật. Một ông tăng khác nói:
- Người tu chẳng xoay lưng lại Phật.
Ông tăng kia đáp:
- Phật thân ở khắp Pháp giới, ngồi vào hướng nào đây?
Lại có một ông tăng ngủ ở trong điện Phật. Một ông tăng khác nói:
- Sao lại ngủ ở trước mặt Phật?
Ông kia đáp:
- Ngươi chỉ cho ta chỗ nào ngủ mà không có Phật. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đây chỉ là Thiền ngoài miệng, chưa thực vượt lên hình tượng.

339  Cái ghế.
Quế Sâm đến tham Huyền Sa, Huyền Sa hỏi:
- Ba giới duy tâm, ngươi hiểu thế nào?
Quế Sâm chỉ cái ghế hỏi ngược lại:
- Hòa thượng gọi cái này là gì?
- Cái ghế.
- Hòa thượng không hiểu ba giới duy tâm.
Huyền Sa nói:
- Ta gọi nó là gỗ, ngươi gọi nó là gì?
- Quế Sâm cũng gọi nó là gỗ.
Huyền Sa thừa nhận là đúng. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Cái ghế là do gỗ làm thành. Gọi là ghế là do hình tượng của nó. Gọi là gỗ là không bị hình tượng trói buộc.

340  Thiện Tĩnh.
Thiện Tĩnh khi ở với Phổ Dược trông nom việc làm vườn. Có ông tăng từ biệt Phổ Dược, Phổ Dược hỏi:
- Bốn mặt đều là núi, xà lê đi đâu?
Ông tăng không đáp được, kể cho Thiện Tĩnh nghe, Thiện Tĩnh đáp hộ ông:
- Tre rậm không ngăn nước chẩy, núi cao chẳng cản mây bay.
Ông tăng bạch lại với Phổ Dược. Phổ Dược nói:
- Đây tất không phải là lời ngươi nói!
Ông tăng thưa đó là lời của Thiên Tĩnh dạy ông nói.
Phổ Dược thượng đường bảo đại chúng rằng:
- Các ngươi đừng coi thường viên đầu, ngày sau ông sẽ làm thầy của 500 người.
Về sau quả nhiên như lời. 
(Minh Tâm Kiến Tán Thoại Thiền Tông)

Bốn mặt là núi là chỉ những chướng ngại, nghịch duyên; ông tăng vì chấp tướng núi nên không đáp được. Nếu được cái tâm lớn không ngoài, nhỏ không trong, không quái ngại thì chỗ nào mà không qua được.

341  Ăn trái cây.
Huyền Sa và Vi Giám Quân cùng ăn trái cây. Vi Giám Quân hỏi:
- Thế nào là dùng hàng ngày mà không biết?
Huyền Sa đưa trái cây cho Vi Giám Quân:
- Ăn đi!
Vi Giám Quân ăn xong lại nhắc lại câu hỏi, Huyền Sa nói:
- Đó là dùng hàng ngày mà không biết. 
 (Thiền Cơ)

Ở đây, trái cây chỉ tự tánh.

342  Đánh trống vì ba quân.
Minh Giáo thượng đường, giơ phất trần trong tay lên, nói:
- Cái này tiếp trung, hạ nhân.
Có ông tăng hỏi:
- Thượng thượng nhân đến làm sao tiếp?
- Đánh trống vì ba quân! 
 (Thiền Cơ)

Đánh trống vì ba quân có nghĩa thượng thượng nhân tự tiếp.

343  Hột đào ngàn năm.
Tàng Dụng lên pháp đường hỏi:
- Người ngu nói vàng là đất, còn người trí thì nói sao?
Có ông tăng bước ra vái lạy rồi lui lại đứng yên.
- Là ý gì vậy?
- Thỉnh thầy minh giám.
- Hột đào ngàn năm. 
 (Thiền Cơ)

Vàng chỉ tự tánh, người ngu dùng mắt thịt nên không thấy, câu hột đào ngàn năm chỉ ông tăng đã siêu phàm, nhập thánh.

344  Ngưỡng Sơn vẽ một vạch.
Quy Sơn bảo Ngưỡng Sơn:
- Ta và ngươi cả ngày nói chuyện Thiền mà có được gì?
Ngưỡng Sơn dùng ngón tay vẽ một vạch trong không, Quy Sơn nói:
- Rất may là ngươi thương lượng với ta, kẻ khác có lẽ đã bị ngươi lừa dối rồi. 
(Zen Koans)

Đây là Quy Sơn khảo nghiệm Ngưỡng Sơn. Nếu Ngưỡng Sơn đáp không được gì thì cả hai thầy trò đã bị phí thời giờ. Nếu đáp có được gì thì lại rơi vào sự chấp trước. Ngưỡng Sơn đã tránh được cái bẫy đó bằng cách vẽ một vạch trong không. Đó là thực tại, nhưng không có dấu vết gì. Mọi sự việc trong thế giới này đến rồi đi, xuất hiện và biến mất. Nhưng đối với  những thiền sinh chưa có kinh nghiệm thì có thể lầm  ngón tay 
và mặt trăng.

345  Vô Nghiệp.
Quốc sư Vô Nghiệp nói:
- Nếu một người còn thích Thánh, ghét phàm, thì dù sự chấp này nhỏ như một sợi chỉ, nó cũng đủ mạnh để kéo hắn vào nẻo súc sanh. 
  (Zen Koans)

Quốc sư là thầy của Hoàng Đế, Vô Nghiệp là tên mà Hoàng Đế ban tặng ông. Vô Nghiệp là không còn nghiệp nữa. Ông phải thật sự là một người tự do, vì nghiệp là cái trói buộc chúng ta. Chỉ có một cách thoát khỏi nghiệp là trở thành một với nó. Lời cảnh cáo của Vô Nghiệp là: Nếu chúng ta có một ý niệm dù rất nhỏ về chấp trước khôn, ngu, tốt xấu, đúng sai, sanh tử, vô minh giác ngộ, chúng ta sẽ bị kéo xuống nẻo súc sanh. Thế giới súc sanh do tham sân si ngự trị, trái với Phật giới. Nếu chúng ta hoan hỷ ý tưởng đó chúng ta đã đi lệch ra khỏi Phật đạo. Dù chấp vào Thiền cũng sẽ đưa ta tới nẻo súc sanh. Phải phá chấp bằng cách đi tới tận gốc rễ của nó.

346  Ngắm trăng.
Một tối Thiện Đạo và Ngưỡng Sơn cùng ngắm trăng. Ngưỡng Sơn hỏi:
- Trăng khi khuyết thì tướng đầy đi đâu, khi đầy thì tướng khuyết đi đâu?
Thiện Đạo đáp:
- Khi khuyết, tướng đầy ẩn; khi đầy tướng khuyết ở.
Về sau Vân Nham đáp:
- Khi khuyết tướng đầy ở; khi đầy tướng khuyết không.
Đạo Ngô đáp:
- Khi khuyết cũng không khuyết; khi đầy cũng không đầy.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Câu đáp của Thiện Đạo chỉ là tri kiến: khi khuyết chỉ thấy tướng khuyết, khi đầy thì tướng khuyết ở trong đó. Lời của Vân Nham cũng là tri kiến vì khi khuyết không thấy tướng đầy, nhưng tướng đầy không mất. Khi đầy thì tướng khuyết chưa hình thành. Tuy hai người giải thích khác nhau nhưng đều chấp hình tượng, chỉ có lời của Đạo Ngô mới thực là vượt lên hình tượng vì tướng đầy, khuyết do tương đãi mà có. Khi khuyết trong tâm không có tướng đầy tương đãi làm sao biết là khuyết? Khi đầy trong tâm không có tướng khuyết tương đãi làm sao biết là tướng đầy? Khuyết, đầy đều không có tự tánh. Lìa tướng đãi thì khuyết không có tướng khuyết, đầy không có tướng đầy. Nếu ngộ được lý này thì mới vượt ra ngoài hình tượng vậy.

347  Rắn nuốt ếch.
Một ông tăng hỏi Động Sơn:
- Thấy rắn nuốt ếch, nên cứu hay không?
- Cứu thì nhắm mắt lại, không cứu thì mở mắt ra. 
(Thiền Cơ)

Rắn nuốt ếch là những sự việc trong hiện tượng giới. Nhắm mắt lại là vào bản thể giới; ở đó rắn và ếch chẳng có gì sai biệt thì đâu cần cứu.

348  Xác ve.
Một ông tăng theo Cảm Ôn đi chơi núi, thấy ở trên cây có một cái xác ve bèn hỏi:
- Xác ở đây, còn ve đã bay đi đâu rồi?
Cảm Ôn nhặt xác ve lên để gần tai ông tăng, đưa qua đưa lại, miệng giả tiếng ve kêu. Ông tăng tức thời khai ngộ. 
 (Thiền Cơ)

Xác ve chỉ thân người, ve chỉ tự tánh. Cử động của Cảm Ôn là chỉ tự tánh không đi đâu cả.

349  Xuẩn động.
Huệ Lãng hỏi Thạch Đầu:
- Phật là gì?
- Ngươi không có Phật tánh.
- Loài xuẩn động thì sao?
- Loài xuẩn động có Phật tánh.
- Vậy, tại sao con lại không có?
- Vì ngươi không chịu gánh vác. 
(Thiền Cơ)

Trong nhà có báu vật không tin, không chịu gánh vác, chỉ lo tìm kiếm bên ngoài. Vì có tâm hướng ngoại nên càng ngày càng rời xa tự tánh.

350  Ngậm miệng nói.
Đại Điên hỏi Thạch Đầu:
- Cổ nhân nói có, nói không, thỉnh thầy giải trừ.
- Một vật cũng không, giải trừ cái gì? 
Rồi sau đó, Thạch Đầu hỏi ngược lại:
- Ngươi ngậm miệng nói thử coi.
- Làm gì có chuyện ấy!
- Nếu là vậy, ngươi đã vào cửa Đạo. 
 (Thiền Cơ)

 “Có” chỉ phàm, “không” chỉ thánh; một vật cũng không của Thạch Đầu và làm gì có chuyện đó của Đại Điên là chỉ phàm, thánh đều không chấp.  Do đó, Thạch Đầu xác nhận Đại Điên đã vào cửa Đạo.

351  Không thể trộm mặt trăng.
Một buổi chiều, một tên trộm bò vào căn lều trên núi của 
Lương Khoan, nhưng chẳng có gì để trộm. Lương Khoan trở về và bắt gập.
- Ngươi từ xa đến, chẳng thể về tay không. Hãy lấy quần áo ta, coi như đồ tặng.
Tên trộm ngơ ngác, mang quần áo đi. Lương Khoan mình trần ngồi ngắm trăng và nói:
- Thật là một gã đáng thương, ước gì ta có thể cho gã mặt trăng đẹp này. 
 (Zen Koans)

Lương Khoan rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông là một thiền sư thi sĩ, sống đơn giản, tốt bụng, không màng đến của cải vật chất và thế sự. Ông cũng rất thích trẻ con. Đối với Lương Khoan không có trộm, không có xấu xa, giận dữ. Theo truyền tụng, một mụt măng mọc dưới sàn lều của ông, ông đục một lỗ hổng để cây có thể mọc lên và khi cây tre trạm nóc lều ông lại đục một lỗ nữa.

352  Người cho phải cám ơn.
Thành Chuyết khi trụ trì ở chùa Viên Giác, có một vị phú thương quyên 500 lạng vàng để xây một khu tự viện. Vị phú thương này mang vàng trao tận tay cho thiền sư. Thành Chuyết nói:
- Được rồi! Ta nhận.
Vị phú thương bất mãn, ông ám thị:
- Trong túi này là 500 lạng vàng.
- Thí chủ đã nói ta biết rồi!
- Mặc dù con giầu có, nhưng 500 lạng vàng cũng là một số tiền lớn!
- Thí chủ muốn ta cám ơn sao?
- Thầy nghĩ không đáng sao?
- Tại sao ta phải cám ơn? Thí chủ mới chính là người phải cám ơn. 
 (Zen Koans)

Bố thí là hạnh đầu tiên trong lục độ. Bố thí không mong chờ báo đáp hay cám ơn. Ngày nay sự tặng cúng thường là sự bị bắt buộc hoặc vì cảm tình thương hại ít khi vì hoan hỷ. Những sự tặng cúng ấy mong chờ sự cám ơn. Thực ra, sự cám ơn của người cho cao quý hơn sự cám ơn của người nhận. Thương và có thể thương thì giầu có hơn là được thương. Đức Phật bảo chư tăng khất thực hàng ngày là dạy chư tăng sự khiêm tốn và dạy mọi người hạnh bố thí.

353  Tam Tạng của Động Sơn.
Động Sơn nói:
- Tam tạng giáo điển có thể diễn tả bằng một chữ!
Một vị thiền sư khác diễn ý của Động Sơn bằng một bài kệ:
Mỗi  nét  đều  rõ  ràng,  dù  khó  đọc.
Thầy  Cồ  Đàm  đã  thử  viết  nhiều  lần.
Sao  không  giao  cho  lão Vương?
Không  chừng  lão  ta  làm  được. 
(Zen Koans)

Tam tạng là kinh, luật, luận. Động Sơn nói tất cả giáo lý có thể diễn tả trong một chữ. Nhưng chân lý đơn giản và cụ thể luôn thay đổi theo điều kiện và thời gian đặc biệt. Cái không thay đổi là khái niệm, tĩnh và không có sức sống. Do đó, chữ viết dù nghệ thuật đến đâu, ngay cả do một nghệ nhân tài giỏi như Vương lão, chân lý cũng không thể viết, đọc hay nói được chỉ có thể thể hội bằng cách sống.

354  Đệ nhất nghĩa đế.
Người ta nhờ Hồng Châu đại sư viết bốn chữ Đệ Nhất Nghĩa Đế để khắc vào tấm bảng treo trên cổng của Hoàng Bá Tự. Đệ tử của Hồng Châu sửa soạn một số lượng giấy, mực. Hồng Châu viết rất cẩn thận. Người đệ tử thường ít khi phê bình, nói:
- Không đẹp!
Hồng Châu viết lại.
- Cái này thì sao?
- Dở.
Hồng Châu viết lại nữa.
- Lại còn tệ hơn trước!
Hồng Châu viết đi viết lại đến 84 lần mà không lần nào được đệ tử chấp nhận. Sau đó, người đệ tử có việc phải ra ngoài một lát. Hồng Châu nghĩ đây là cơ hội thoát được cặp mắt sắc bén của đệ tử bèn nhanh tay viết lẹ bốn chữ;"Đệ Nhất Nghĩa Đế.” Khi người đệ tử trở lại, trông thấy bèn kêu lên:
- A! Thật là tuyệt phẩm! 
 (Zen Koans)

Cái đẹp phải tự nhiên. Vô ngã là tinh túy của nghệ thuật tự nhiên.

 355  Niết Bàn Diệu Tâm
Đây là câu nói của đức Phật khi truyền pháp cho Ca Diếp:
- Ta có chánh pháp nhãn tạng, thực tướng vô tướng, niết bàn diệu tâm, ngoài giáo truyền riêng, nay giao phó cho ông. 
 (Thiền Đích Trí Tuệ Tinh Hoa)

Niết Bàn là trạng thái của tâm khi đã diệt trừ hết phiền não, trở thành thanh tịnh. Trạng thái đó là sự khai ngộ, vì không dùng lời nói để tả ra được nên gọi là diệu tâm. Niết Bàn diệu tâm không phải là Niết Bàn và Diệu Tâm mà là Tâm Niết Bàn là Diệu Tâm, cũng là Thiền tâm. Đức Phật giao phó tâm này cho Ca Diếp. Ngài không bí mật trao truyền cho Ca Diếp cái gì, cái tâm khai ngộ này có sẵn trong tâm Ca Diếp, do tâm Ca Diếp bạo phát mà giác tỉnh, thành nội tâm ấn chứng. Thiền sư Đạo Nguyên đã hình dung Niết Bàn diệu tâm bằng 2 câu sau:
Cố  hương,  hoa  bốn  mùa
Xuân  đi,  hoa  vẫn  thơm.
Bốn mùa là chỉ thời gian; cố hương là chỉ căn nguyên của tâm không vì làm thiện, làm ác mà bị nhiễm thiện, ác. Cái diệu tâm này không vì hoàn cảnh biến đổi. Vì vậy mới nói "Xuân đi hoa vẫn thơm.”

356  Trong không có châu.
Một ông tăng hỏi Phổ Nguyện:
- Trong không có châu làm sao lấy được?
- Đốn tre làm thang, bắc lên mà lấy.
- Làm sao bắc thang vào không?
- Vậy sao? Ngươi tính làm sao lấy? 
(Thiền Cơ)

Châu chỉ tự tánh.

357  Sâm la vạn tượng.
Một ông tăng hỏi Văn Ích:
- Thế nào là tháng thứ hai?
- Sâm la vạn tượng.
- Thế nào là tháng thứ nhất?
- Vạn tượng sâm la. 
 (Thiền Cơ)
Tháng 1 chỉ bản thể, tháng 2 chỉ hiện tượng.

358  Đừng hiểu sai ý.
Một ông tăng hỏi Sơn Hồng:
- Đạo là gì?
- Vốn không một vật.
Ông tăng lạy, thiền sư nói:
- Đừng hiểu sai ý. 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng hỏi tự tánh, thiền sư dùng câu kệ của Lục tổ để trả lời, ông tăng lạy tạ. Thiền sư nói 'Đừng hiểu sai ý" ám chỉ ông tăng đừng chấp Pháp. 

359  Tu Di và hạt cải.
Một ông tăng hỏi Thiệu Tu:
- Tu Di đựng hạt cải, hạt cải đựng Tu Di, Tu Di là gì?
- Xuyên phá tâm ngươi.
- Hạt cải là gì?
- Nhắm mắt ngươi lại.
- Thế nào là đựng?
- Mang Tu Di và hạt cải ra đây. 
(Thiền Cơ)

Tu Di chỉ cái lớn, hạt cải chỉ cái nhỏ. Các câu trả lời của thiền sư "Xuyên phá tâm ngươi" và "Nhắm mắt ngươi lại" ám chỉ ông tăng đừng lấy những thường thức, nghĩa lý ở hiện tượng giới mà phân tích, phán đoán thì sẽ hiểu được hạt cải đựng Tu Di vì ở bản thể giới không có phân biệt to, nhỏ.

360  Người ở trong.
Một ông tăng hỏi Đại Điên:
- Người ở trong đến tương kiến thì thế nào?
- Đã không phải là ở trong rồi.
- Vậy sao? Ở trong là gì?
- Đừng hỏi vậy! 
 (Thiền Cơ)

Người ở trong chỉ tự tánh. Câu hỏi của ông tăng cho thấy ông chưa kiến tánh vì có tới tức có đi, tương kiến là còn chủ khách. "Đừng hỏi vậy " vì đó là dư thừa, chẳng bằng tự hỏi.

361  Chân Như Bát Nhã.
Lý Cao hỏi Sùng Tín:
- Thế nào là Chân Như Bát Nhã?
- Ta không có chân như bát nhã.
- May mắn gập được thầy!
- Hãy còn là lời nói bên ngoài. 
 (Thiền Cơ)

Chân Như Bát Nhã chỉ tự tánh. Câu đáp "Ta không có chân như bát nhã" ám chỉ ngươi đừng hỏi ta, hãy tự hỏi mình. Lý Cao hiểu nên nói "May gập được thầy.” Câu nói của Sùng Tín "Hãy còn là lời nói bên ngoài." là chỉ lấy tâm ấn tâm tức thời mặc khế, nói ra một lời cũng là dư.

362  Từ đâu tới?
Tuyết Phong hỏi Minh Chân:
- Từ đâu tới?
- Từ Giang Tây.
- Thấy Đạt Ma tổ sư ở đâu?
- Đã nói với thầy rồi mà.
- Nói cái gì?
- Từ đâu tới.! 
 (Thiền Cơ)
Thấy Đạt Ma tổ sư chỉ kiến tánh; câu đáp cuối của Minh Chân nhắc lại câu hỏi đầu tiên của Tuyết Phong ngụ ý mình đã kiến tánh.

363  Sư tử ngu.
Ma Cốc gọi Lương Trục:
- Lương Trục.
- Dạ!
Ba lần gọi, ba lần dạ. Ma Cốc bèn nói:
- Cái con sư tử ngu này!
Lương Trục lập tức lãnh ngộ. 
 (Thiền Cơ)

Thiền sư ba lần gọi tên ông tăng là ba lần gọi tự tánh.

364  Một triệu vật.
Ngưỡng Sơn hỏi Quy Sơn:
- Khi có cả triệu vật tới thì phải làm sao?
- Xanh thì chưa vàng, dài thì không ngắn; mỗi vật đều có số mạng, tại sao ta phải xía vào?
Ngưỡng Sơn bèn lạy tạ. 
 (Zen Koans)

Câu hỏi của Ngưỡng Sơn rất thực tế và thích hợp. Chúng ta sống trong một xã hội phức tạp, có cả triệu sự vật cần chúng ta để ý đến. Làm sao chúng ta có thể thanh tịnh trong một sinh môi như thế? Quy Sơn cho một câu trả lời rất hay và cũng thực tế: hãy đối diện sự vật lần lượt từng việc một. Người ta thường lo lắng nhiều chuyện, nhưng Quy Sơn bảo hãy giải quyết từng việc, nhìn sự vật rõ ràng như tự thân của nó.

365  Đã mắc bệnh lại trúng độc.
Một ông tăng thưa với Sư Kiền:
- Đệ tử đã mắc bệnh, lại trúng độc thỉnh thầy trị cho.
- Lấy kim châm vào đỉnh đầu rồi đổ đề hồ vào.
- Vậy sao, tạ ơn thầy trị bệnh!
Sư Kiền bèn quơ gậy đánh.
 (Thiền Cơ)

Mắc bệnh, trúng độc là chỉ hiện tượng. Lấy kim châm vào đỉnh đầu ám chỉ cởi bỏ những trói buộc của hiện tượng giới. Ở bản thể giới không có gì gọi là mắc bệnh và trúng độc.

366  Một nhà giáo dục.
Bàn Khuê đang giảng thuyết trong một buổi thiền hội, bỗng nhiên một ông tăng bị bắt quả tang đang ăn cắp tiền.
- Lại bắt được ngươi ăn cắp tiền rồi!
- Xin tha cho hắn!
- Không được, hắn đã phạm tội nhiều lần rồi, lần này không thể tha thứ được nữa.
- Nếu thầy không khai trừ hắn, thì chúng con sẽ cùng bỏ thiền hội.
- Các ngươi đều là sư huynh sáng suốt biết phân biệt phải, trái; còn hắn ngay phải, trái cũng không rõ. Nếu ta không răn dạy hắn thì ai sẽ dạy hắn đây? Ta muốn giữ hắn lại đây, dù tất cả các ngươi đều bỏ đi.
Nghe lời nói này, ông tăng ăn cắp bèn quỳ xuống đất, mặt đầm đìa nước mắt, từ đó đã ngộ ra thiện, ác. 
 (Thiền thuyết)

Một đàn dê có 100 con, một con đi lạc. Người chăn chẳng lập tức bỏ 99 con ở nơi đồng cỏ mà đi tìm con dê bị lạc hay sao? Phải giúp cho người cần được giúp trước.

367  Một đêm giác ngộ.
Vĩnh Gia đến gập Lục tổ, đi nhiễu quanh thiền sàng 3 vòng, chống trượng mà đứng. Lục tổ bảo:
- Phàm sa môn có 3 ngàn uy nghi 8 vạn tế hạnh, đại đức ở đâu tới sao ngã mạn vậy?
- Sanh tử là việc lớn, vô thường đến chóng.
- Sao không nắm lấy vô sanh, dứt được không chóng?
- Thể vốn không sanh, nên không chóng.
- Như vậy! như vậy!
Vĩnh Gia lúc đó mới dùng đủ oai nghi mà lạy rồi xin cáo từ. Tổ hỏi:
- Sao về chóng vậy?
- Vốn không động, làm sao có chóng?
- Ai biết không động?
- Nhân giả tự sanh phân biệt.
- Ngươi đã được cái ý vô sanh.
- Vô sanh lại có ý sao?
- Không ý thì lấy gì phân biệt?
- Phân biệt cũng không phải là ý.
- Lành thay! Hãy lưu lại một đêm.
Người sau gọi đêm lưu lại của Vĩnh Gia là một đêm giác ngộ.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Câu của Vĩnh Gia ý nói việc sanh tử quan trọng mà vô thường thì không biết đến lúc nào, nên không có thời gian để ý đến lễ nghi nhỏ nhặt. Lục tổ bảo hãy nắm lấy cái vô sanh thì còn gì sanh tử. Vĩnh Gia đáp thể vốn vô sanh nên không có mau chóng. Sanh tử là vấn đề có, không; thuộc về không gian và thời gian. Không sanh tử thì không còn mau, chậm, siêu việt không thời gian. Khi Lục tổ hỏi: "Ai biết không động?"  Vĩnh Gia đáp: "Nhân giả tự sanh phân biệt.” Lục tổ muốn trắc nghiệm lại Vĩnh Gia, không ngờ Vĩnh Gia dùng câu nói tương tự câu "Nhân giả tâm động" của mình để trả lời. (Xem công án 95) Thực là xảo diệu vô cùng.

368  Thiền Định và phiền não.
Trần Tú Ngọc hỏi Vạn Tùng:
- Tại sao Di Lặc bồ tát không tu thiền định, không đoạn phiền não?
- Chân tâm vốn tĩnh vì vậy không tu thiền định, vọng tưởng vốn không nên không đoạn phiền não.
Hỏi Đại Nhuận, Đại Nhuận trả lời:
- Thiền tâm đã không, chẳng tu mà tu; cắt đứt hết phiền não, chẳng tu mà đoạn.
Hỏi Hải thiền sư, thiền sư đáp:
- Vốn vô thiền định, phiền não!
Trần Tú Ngọc vui mừng: 
- Nghe thật sướng tai! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Có thiền, có phiền não đều là chấp tướng. Tu và đoạn đều là chấp tướng. Tất cả đều không thì mới khiển được tướng.

369  Nói một vật tức không trúng.
Khi Nam Nhạc đến tham học Huệ Năng, Huệ Năng hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
- Từ Tung Sơn tới.
- Vật gì tới?
Nam Nhạc không đáp được ngay lúc đó. Ở lại tu học với Lục tổ một thời gian dài mới ngộ và trình Lục tổ câu đáp:
- Nói một vật là không trúng.
- Có thể tu chứng không?
- Tu chứng tức phi vô, nhiễm trược tức không được.
- Chỉ có sự chẳng nhiễm trược ấy là chỗ hộ niệm của chư Phật vậy. Ngươi đã như thế, ta cũng như thế. 
 (Phật Dữ Thiền)

Nếu chấp có tu, có chứng thì không đạt được vô. Nhiễm trược tức là tu chứng, khi đạt được cái ấy, được mà không được thì đó chính là bản lai diện mục. Nếu chúng ta ngoài bị cảnh mê, trong bị 'không' mê, ngay lúc đó lìa được biên kiến khiến trong ngoài đều không bị hạn chế thì đó là khai ngộ vậy.

370  Buông dao đồ tể.
昨 日 夜 叉 心
Tạc nhật dạ xoa tâm
今 朝 菩 薩 面
Kim triêu bồ tát diện
菩 薩 與 夜 叉
Bồ tát dữ dạ xoa
不 隔 一 條 線
Bất cách nhất điều tuyến.
Hôm  qua  tâm  dạ  xoa
Sáng  nay  mặt  bồ  tát. 
Bồ  tát  và  dạ  xoa
Chẳng  có  gì  sai  khác.
Đây là bài kệ của Văn Thù Tư Nghiệp thiền sư làm lúc xuất gia. Ông là người đời Tống, lúc chưa xuất gia làm nghề đồ tể. Một hôm, lúc đang làm thịt heo, bỗng nhiên sinh lòng bi mẫn, liền bỏ sát nghiệp.
 (Hương Thủy Hải)

Đứng trên quan điểm Phật giáo, đồ tể là ác nghiệp, xa lìa chánh đạo. Nhưng Tư Nghiệp thiền sư ở trong ác nghiệp mà khởi tâm đại bi, thậm chí khai ngộ, thì đối với ông ác nghiệp đã có công năng giáo dục ông. Như vậy chúng ta thấy rằng nghiệp có thiện ác, nhưng Phật tánh thì không thiện, ác. Phật pháp là thuốc, vì chúng sanh bị bệnh nên có. Chúng sanh bị bệnh nên mới cần thuốc trị, nếu vốn không bệnh thì đâu cần thuốc chữa. 

371  Bôi cứt lên đầu.
Vân Môn nói với đại chúng rằng:
- Giả như ta có thể nói một câu mà khiến cho các ngươi được ngộ, thì cũng tỉ như bôi cứt lên đầu các ngươi thôi! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông) 

Ngôn ngữ là từ thức tâm bất tịnh mà ra, dĩ nhiên là ô uế, không thể dùng để chỉ tự tánh thanh tịnh, vô nhiễm được. Tuy nhiên dùng ngôn ngữ đề thị học nhân khiến học nhân tham cứu mà ngộ. Nhưng ngộ là tâm, không phải là ngôn ngữ. Lấy ngón tay trỏ mặt trăng, nếu chỉ thấy ngón tay thì không thấy mặt trăng. Đạo không thể nói, có thể nói thì không là Đạo; nhưng vì truyền Đạo không thể không nói.

372  Thiên hạ sẽ cười ta.
Có ông tăng hỏi Hi Thiên:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
Hi Thiên vớ lấy gậy đánh và nói:
- Nếu ta không đánh ngươi, về sau thiên hạ sẽ cười ta. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Công án trên cho thấy Thiền sư đánh người là việc bất đắc dĩ; đồng thời cho thấy việc không mở miệng được coi trọng thế nào! 

373  Quan tiền.
Có ông tăng hỏi Linh Tuân:
- Thế nào là Đại Thừa?
- Dây gai.
- Thế nào là Tiểu Thừa?
- Quan tiền. 
 (Thiền Cơ)

Phật pháp vốn không có phân biệt đại thừa, tiểu thừa. Chỉ vì trình độ tu tập sâu, cạn mà ra. Thời cổ, tiền được đúc bằng đồng, có lỗ ở giữa bỏ 1000 đồng xâu lại bằng một sợi gai gọi là một quan. Vì vậy nói sợi dây gai hay một xâu tiền cũng chẳng có phân biệt gì.

374  Thủ sảo,  tâm sảo.
Có một người đem tặng Văn Ích một bức họa, Văn Ích hỏi:
- Tay khéo hay tâm khéo?
- Tâm khéo.
- Cái nào là tâm ngươi?
Người ấy không trả lời được. 
 (Thiền Cơ)

Tâm khéo chỉ Thức tâm, câu "Cái nào là tâm ngươi" là chỉ ngoài thức tâm còn có tự tánh.

375  Một cái là bóng.
Đêm tới, chúng tăng tụ tập lại tham thiền. Thị giả mang một cái đèn tới, bóng hắt lên tường. Một ông tăng hỏi:
- Nếu có hai cái tương tự thì phải làm sao?
Đạo Ưng nói:
- Một cái là bóng. 
 (Thiền Cơ)

Đèn chỉ bản thể, ánh sáng chỉ hiện tượng; bóng chỉ ảo ảnh. Câu nói của Đạo Ưng ám chỉ ông tăng dùng mắt thịt chỉ thấy hiện tượng và ảo ảnh.

376  Đại Châu.
Có một ông tăng hỏi Đại Châu:
- Thầy dùng pháp nào để độ người?
- Bần tăng chẳng có pháp nào độ người.
Và hỏi ngược lại:
- Đại đức nói pháp nào độ người?
- Giảng kinh Kim Cương.
- Kinh này ai nói?
- Thầy giỡn sao chớ, kinh này chẳng phải Phật nói sao?
- Nếu nói là Như Lai nói là Báng Phật, nếu nói kinh không phải do Phật nói thì là báng Kinh, đại đức nói thử coi!
Ông tăng không trả lời được, một lúc sau lại hỏi:
- Làm sao được Đại Niết Bàn?
- Tạo sanh tử Nghiệp, bỏ cấu giữ tịnh, có được, có chứng, không thoát đối trị môn là sanh tử nghiệp.
- Nói được giải thoát là sao?
- Vốn không trói buộc, đâu cần cởi, trực dụng, trực hạnh là pháp tối cao.
- Hòa thượng thật hiếm có.
Ông tăng lễ tạ rồi đi. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đối thoại trên như trong kinh Tịnh Danh có nói "Trực tâm thị đạo trường.” Tất cả mọi tác vi đều là sanh tử nghiệp. Tạo sanh tử được Đại Niét Bàn, ý nói phiền não tức Bồ Đề, trực dụng, trực hạnh là có tác vi hay không tác vi đều một dạng. 

377  Siêu việt không thời gian.
Sa môn Huệ Thường ở La Phù Sơn vào núi hái trà thấy một ngôi chùa đề chữ vàng La Hán Thánh Tự, bèn vào trú ba ngày rồi trở về, cùng lúc đó ở nhân gian đã 5 năm rồi!
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đối với thời gian, một niệm nhiếp tam thế. Chúng ta đang sống trong hiện tại, tức là quá khứ đã có sanh, và tương lai sẽ có tử; không một thời khắc nào không gồm tam thế.
Đối với không gian thì một hơi thở ra, vào đều liên hệ đến dẫn lực và phản lực của quảng đại điện từ trường, không thể phân ly ra được, như vậy là đều cùng một thể.

378  Ta cũng tội.
Nam Viện hỏi một ông tăng đến tham học:
- Ngươi vừa từ đâu tới?
- Hán Thượng.
- Ngươi tội! Ta cũng tội! 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng không tự tìm, đi tìm thiền sư là tội; thiền sư cũng tội vì liên đới chịu trách nhiệm.

379  Đại sanh,  đại tử.
來 也 如 是
Lai dã như thị
去 也 如 是
Khứ dã như thị
來 去 一 如
Lai khứ nhất như
清 風 萬 里
Thanh phong vạn lý.
妙 峯
    Diệu Phong

Đến  cũng  như  vầy
Đi  cũng  như  vầy,
Đến,  đi  là  một
Vạn  dậm  gió  mát.
 (Hương Thủy Hải)

Đây là một bài kệ của Thiền sư Diệu Phong. Đến chỉ sanh, đi chỉ tử. Trong Phật học sanh tử được gọi là dây sanh tử, bánh xe sanh tử, dòng sanh tử, bể sanh tử vì chúng sanh luân chuyển trong sanh tử giống như bị buộc dây, như bánh xe bị quay không thể ngưng lại được, như chìm nổi trong bể khổ, không thể đến bờ. Phật pháp là phương pháp giải thoát cảnh khổ đó, như người đang ngụp lặn trong bể khổ mà được vớt lên thuyền đưa vào bờ. Đối với người tu Thiền, việc sanh tử phải là vấn đề đầu tiên phải đối diện. Con người ta, sống thì giống như ngọn gió mát thổi qua đại địa, chết thì giống như núi xanh bị tuyết trắng phủ ngọn. Trong Thiền học, không phải là ngưng hơi thở mới gọi là tử. Đại tử là chỉ luân hồi, có sanh có tử. Trong quá khứ đã nhiều lần tử, và trong tương lai cũng sẽ có nhiều lần tử nữa. Không phải đầu thai rồi mới là sanh. Khi hiểu được có sanh thì có tử, vô sanh thì vô tử thì đó là Đại sanh.

380  Đốt lửa sưởi ấm.
Một ông tăng hỏi Thủy Nguyệt:
- Đơn Hà đốt Phật gỗ là ý gì?
- Lạnh thì đốt lửa sưởi.
- Có tội không?
- Nóng lại đến khe suối bên rừng trúc mà ngồi. 
(Thiền Cơ)

Đốt Phật gỗ để phá trừ ngẫu tượng, chân Phật (tự tánh) tự nhiên trình hiện. Đó là cảnh giới đại tự tại: đói thì ăn, mệt thì ngủ, lạnh thì đốt lửa sưởi, nóng thì tìm chỗ mát, là người bình thường vô sự.

381  Vào lửa không cháy.
Một ông tăng hỏi Tòng Triển:
- Thế nào là vào lửa không cháy, vào nước không chìm?
- Nếu là nước, lửa liền bị chìm, bị cháy. 
(Thiền Cơ)

Con người sống trong hiện tượng giới, vào lửa liền bị lửa thiêu chết, vào nước liền bị nước nhận chìm. Nhưng ở bản thể giới không nước, không lửa nên không bị chết chìm, chết thiêu.

382  Không phải giống tốt.
Một ông tăng hỏi Trí Phu:
- Tuyết Phong ném thiền trượng xuống đất là ý gì?
Trí Phu bèn ném gậy đang cầm trong tay xuống Đất.
- Là ý gì?
- Không phải giống tốt, đi đi! 
 (Thiền Cơ)

Trí Phu ném gậy xuống đất là bảo ông tăng phải bỏ những trói buộc đi. Ông tăng không hiểu, còn mở miệng hỏi, do đó bị thiền sư mắng.

383  Que cời lửa.
Một ông tăng hỏi Thuận Đức:
- Thế nào là đồng tướng?
Thuận Đức ném que cời lửa vào lò.
- Thế nào là dị tướng?
Thuận Đức bỏ que cời lửa sang một bên.
(Thiền Cơ)

Ông tăng thắc mắc về Đồng và Dị, thiền sư dùng động tác để chỉ cho ông. Khi ném que cời lửa vào lò thì nó bị cháy nên không phân biệt được nó với lửa. Đó là tướng Đồng. Khi để que cời lửa sang một bên: có thể phân biệt được nó với lửa. Đó là Dị tướng. Người kiến tánh có thể ở trong tướng lìa tướng, không bị tướng bó buộc, mê hoặc.

384  Hàng rào vườn hoa.
Một ông tăng hỏi Lục Thủy:
- Ý tổ sư từ Tây sang là gì?
- Ngươi có thấy hàng rào vườn hoa trước nhà không? 
 (Thiền Cơ)
Ý tổ sư từ Tây sang, không đâu không có, hàng rào vườn hoa lại chẳng phải là ý tổ sư lưu lộ hay sao?

385  Nương tựa vào ai?
Huệ Năng sắp viên tịch, Hy Thiên hỏi:
- Sư phụ đi rồi, con biết nương tựa vào ai?
- Ngươi hãy tự mình nghĩ coi! 
(Thiền Cơ)

Phật tánh ai cũng có, việc gì phải nương tựa ai?

386  Nghe tiếng sấm.
Đời Tống, có một vị quan to tên là Triệu Biến là đồ đệ của Tưởng Sơn Pháp Tuyền thiền sư. Một đêm, đương ngồi tại công đường, bỗng nhiên nghe tiếng sấm nổ, hoát nhiên khai ngộ, bèn viết một bài kệ:
默 然 公 堂 虛 隱 几
Mặc nhiên công đường hư ẩn kỷ
心 源 不 動 湛 如 水
Tâm nguyên bất động trạm như thủy
一 聲 霹 靂 頂 門 開
Nhất thanh phích lịch đỉnh môn khai
喚 起 從 前 自 家 底
Hoán khởi tòng tiền tự gia để.
       趙 抃
       Triệu Biến
Ngồi  lặng  nơi  công  đường
Tâm  tịnh  trong  như  nước
Sét  nổ  đầu  mở  toang
Gọi  dậy  tự  tánh  trước.
(Ngộ Không dịch)
(Hương Thủy Hải)

Bài kệ này cho chúng ta biết tình trạng khai ngộ như thế nào. 
Khi tâm đã chín mùi, chỉ cần một xúc tác là ngộ. Các thiền sư dậy tham công án, đánh, hét đều là công phu. Chỉ cần tập trung tại công phu này, lâu ngày chỉ nghe một tiếng sấm, ngửi mùi hoa, vấp té mà đột nhiên, hoảng nhiên, hoát nhiên khai ngộ. Kỳ thực, cái sự đột nhiên này không đột nhiên chút nào. Để chuẩn bị cho ngộ, người học Thiền đã phải trải qua biết bao gian khổ.

387  Vân Cư Đạo Ưng.
Đạo Ưng ở chỗ Thúy Vi đến tham Động Sơn. Động Sơn hỏi:
- Thúy Vi có câu nào chăng?
- Thúy Vi cúng dường La Hán, con hỏi cúng dường La Hán, La Hán có đến không? Thúy Vi đáp "Mỗi ngày ngươi ăn gì?"
- Thực có lời đó sao?
- Có.
- Chẳng uổng đến thăm tác gia.
Sau Đạo Ưng kết am ở Tam Phong, cả tuần không xuống thọ trai. Động Sơn hỏi:
- Ngươi gần đây sao không xuống thọ trai?
- Mỗi ngày đều có thiên thần mang đồ ăn tới.
- Ngươi còn kiến giải như vậy sao? Chiều nay hãy tới đây.
Buổi chiều, Đạo Ưng tới. Động Sơn gọi:
- Ưng am chủ!
- Dạ!
- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?
Đạo Ưng trở về am, tịch nhiên an tọa, thiên thần tìm không thấy, ba ngày dứt tuyệt.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Thúy Vi cúng dường La Hán chỉ là có ý kính trọng chứ không phải là chấp hình tượng. Giả như có một vị La Hán cần ăn uống, thì có khác gì Đạo Ưng đâu? Đạo Ưng lúc đó chưa hiểu, lại còn chấp có thiên thần, sau không nghĩ thiện, ác tất cả những cái chấp về hình tượng đều quy về không. Tâm không, cảnh không do đó thiên thần tuyệt tích.

388  Tha tâm thông.
Đời Đường Túc Tông, có ông tăng người Thiên Trúc tên Đại Nhĩ Tam Tạng đến kinh đô, tự nhận mình đã đắc tha tâm thông. Vua sai Huệ Trung khảo nghiệm; quốc sư hỏi:
- Ngươi được tha tâm thông chăng?
- Chẳng dám.
- Ngươi nói coi, bây giờ lão tăng đang ở đâu?
- Nhân giả là quốc sư sao lại đến Tây Xuyên xem đua thuyền?
- Bây giờ lão tăng đang ở đâu?
- Ở trên cầu Thiên Tân xem khỉ.
- Bây giờ lão tăng đang ở đâu?
Đại Nhĩ Tam Tạng im, không nói được; quốc sư bèn nạt:
- Hồ tinh! tha tâm thông ở đâu? 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tâm nghĩ tới đâu, cảnh liền hiện; đó là tác dụng của thức thứ tám. Tha tâm thông cũng tựa như máy chụp ảnh, có cảnh thì chụp được. Tâm không, cảnh không thì tha tâm thông cũng vô dụng.

389  Mới vào cửa Thiền.
Một ông tăng hỏi Trần Tôn Túc:
- Con mới vào cửa Thiền, xin thầy chỉ thị!
- Ngươi không biết hỏi.
- Vậy sao, ý thầy là thế nào?
- Tha cho ngươi 30 gậy, hãy tự mang đi. 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng xin chỉ thị là có tâm hướng ngoại, thiền sư bảo hãy tự mang đi ám chỉ đừng hỏi người hãy tự hỏi mình.

390  Nơi đây chẳng có cơm thiu.
Huệ Nhiên đến tham kiến Đức Sơn, khi gập mặt bèn trải bồ đoàn sửa soạn lễ. Đức Sơn nói:
- Đừng trải bồ đoàn nữa, nơi đây chẳng có cơm thiu.
- Giả sử có, cũng không có chỗ để ăn.
Đức Sơn hươi gậy đánh, Huệ Nhiên nắm lấy gậy đẩy Đức Sơn về phía thiền sàng. Đức Sơn cười lớn, Huệ Nhiên khóc mà ra.
 (Thiền Cơ)

Ý của Đức Sơn là nếu ngươi cứ tìm kiếm bên ngoài thì chỉ được cơm thiu mà thôi.

391  Mã Tổ và Tuệ Tạng.
Một hôm Mã Tổ ở ngoài am, có một người hỏi:
- Thầy có thấy một con nai chạy qua đây không?
- Ngươi là ai?
- Con là thợ săn.
- Ngươi biết bắn tên không?
- Đương nhiên là biết.
- Một tên bắn được mấy con?
- Một tên, một con.
- Như vậy ngươi không biết bắn tên.
- Vậy sao, thầy biết bắn tên không?
- Biết.
- Một tên bắn được mấy con?
- Một tên bắn được cả bầy.
- Chúng đều có sanh mạng, sao nhẫn tâm bắn cả bầy?
- Ngươi đã biết vậy sao không tự bắn mình?
- Con cũng định tự bắn, nhưng không biết chỗ hạ thủ.
- Vô số kiếp phiền não của ngươi nay đã tuyệt.
Người thợ săn bèn vứt cung, bẻ tên, theo Mã Tổ xuất gia, sau trở thành thiền sư Tuệ Tạng.
 (Hương Thủy Hải)

Thiền sư không phải là người không biết phải trái, mà là người ở trong phải trái có khả năng siêu việt và bao dung phải trái.

392  Hòn đá toát mồ hôi.
Một ông tăng hỏi Thạch Sương:
- Thế nào là bản phận sự?
- Hòn đá còn toát mồ hôi sao? 
 (Thiền Cơ)

Bản phận sự chỉ tự tánh. Ở hiện tượng giới, hòn đá dĩ nhiên là không thể toát mồ hôi được. Thiền sư hỏi ngược lại "Hòn đá còn toát mồ hôi sao?" là ám chỉ ông tăng lại còn phải hỏi sao?

 393  Một con chim anh vũ giỏi.
Một ông tăng hỏi Hồ Khê:
- Thầy là người ở đâu?
- Người huyện Lũng Tây.
- Nghe nói huyện Lũng Tây có chim Anh Vũ có phải không?
- Phải!
- Thầy có không?
Hồ Khê giả tiếng chim kêu.
- Một con chim Anh Vũ giỏi! 
 (Thiền Cơ)

Chim Anh Vũ chỉ tự tánh. Ở huyện Lũng Tây có chim Anh Vũ, ở đây cũng có chim Anh Vũ; nơi nơi đều có chim Anh Vũ. Thiền sư có, ông tăng có, mọi người đều có. Anh Vũ không đâu không có. 

394  Mai xanh trong giỏ.
Chân Ứng mang giỏ vào phòng phương trượng. Quốc sư hỏi:
- Trong giỏ có gì?
- Mai xanh.
- Dùng làm gì?
- Cúng dường quốc sư.
- Còn xanh mà cúng dường nỗi gì?
- Để tỏ lòng phụng hiếu.
- Phật chẳng thọ cúng dường.
- Con chỉ vậy, còn quốc sư thì sao?
- Ta không cúng dường.
- Vì sao?
- Ta không có quả. 
 (Thiền Cơ)

Quốc sư nói: "Ta không cúng dường" ám chỉ Chân Ứng đừng cúng dường Phật, quốc sư mà nên tự cúng dường.

395  Thuyền Tử được cá.
Dược Sơn Duy Nghiêm có ba đại đệ tử là Vân Nham Đàm Thành, Thiên Hoàng Đạo Ngô (2 thiền sư nổi tiếng) và Thuyền Tử Đức Thành (ít người biết đến).
Giáp Sơn Thiện Hội là một người đại căn, 9 tuổi xuất gia ở núi Long Nha; tuổi còn rất trẻ đã tinh thông tam học, đã thượng đường giảng kinh rồi. Một hôm, Giáp Sơn Thiện Hội giảng kinh, gập lúc Thiên Hoàng Đạo Ngô hành cước tới, bèn ngồi dưới đài nghe giảng. Có một ông tăng hỏi Giáp Sơn:
- Thế nào là pháp thân?
- Pháp thân vô tướng.
- Thế nào là pháp nhãn?
- Pháp nhãn không tỳ vết.
Nói rồi lại thêm:
- Trước mắt vô pháp, ý tại trước mắt; không là trước mắt; pháp chẳng thể do tai mắt mà được.
Đạo Ngô biết ông còn chưa ngộ đạo, bèn cười. Giáp Sơn thấy có người cười, bèn hỏi:
- Sao lại cười?
- Ngươi là hạng nhất đẳng nhân tài, nhưng đáng tiếc là không 
có thầy, hãy đến huyện Hoa Đình tham học Thuyền Tử.
- Làm sao gập được?
- Vị thầy này trên không đội ngói, dưới chẳng cắm dùi, ngươi cứ đi thì sẽ biết.
Giáp Sơn nghe rồi, không giảng kinh nữa, lập tức thay áo đi huyện Hoa Đình. Giáp Sơn đứng trên bờ sông đợi thuyền, Thuyền Tử chèo thuyền tới trước mặt. Lên thuyền rồi, Thuyền Tử hỏi:
- Tọa chủ trú ở chùa nào?
- Tự là không trú, trú tức không tự (ở đây ông chơi chữ, chữ Tự trước là chùa, chữ Tự sau là giống)
- Chẳng giống, giống cái gì?
- Trước mặt không tương tự.
- Ở đâu học được?
- Mắt, tai chẳng tới được.
Nghe Giáp Sơn nói, Thuyền Tử cũng giống như Đạo Ngô cả cười đọc bài Kệ:
Một  câu  hợp  đầu  thoại,  vạn  kiếp  buộc  cọc  lừa.
Buông  muôn  ngàn  thước  tơ,  ý  ở  đầm  thẳm;
Lìa  lưỡi  câu  ba  tấc,  nói  mau!  nói  mau!
Giáp Sơn vừa định mở miệng, Thuyền Tử dùng sào đẩy ông xuống nước. Giáp Sơn định leo lên thuyền, Thuyền Tử lại nói:
- Nói mau! nói mau!
Và dùng sào dìm ông xuống nước. Giáp Sơn ngay lúc đó đại ngộ, bèn ở trong nước gật đầu ba cái bái sư. Thuyền Tử cảm khái nói:
- Câu hết cả sông mới bắt được con cá vàng!
Rồi lại đọc thêm:
                       Sợi  dây  đầu  sào,  mặc  ngươi  giỡn
                      Chẳng  phạm  sóng  xanh,  ý  mình  riêng.
Giáp Sơn cuối cùng leo được lên thuyền. Thuyền Tử bảo:
- Ngươi hôm nay đã ngộ đạo rồi, từ giờ trở đi nên vào núi sâu mà ở, tìm một người hoặc nửa người mà truyền thụ, đừng để đạo pháp đứt đoạn. 
Giáp Sơn vâng lời, cáo biệt. Thuyền Tử, vừa đi vừa ngoái lại nhìn. Thuyền Tử hét lớn:
- Sao không đi mau đi!
Giáp Sơn đi được vài bước lại quay đầu lại, thấy thuyền bị lật ngược trên sông, còn Thuyền Tử thì không thấy đâu nữa.
Thuyền Tử, Vân Nghiêm, Đạo Ngô là sư huynh đệ. Khi khai ngộ rồi, từ biệt hai sư huynh nói rằng:
- Các sư huynh sau này sẽ mỗi người cát cứ một phương, nhất định sẽ hoằng dương pháp môn của sư phụ. Còn đệ chỉ ưa nơi thảo dã, sơn thủy. Sau này nếu các sư huynh gập người nào lợi căn thì bảo họ đến, đệ sẽ đem hết sở học truyền cấp cho để có thể báo đáp ơn sư phụ!
Nói rồi bèn vào Tú Sơn, chèo thuyền tùy duyên độ nhật, chờ cơ duyên đến.
Trong Thiền sử, câu chuyện Thuyền Tử dạy Giáp Sơn được gọi là "Thuyền Tử được cá.”
 (Hương Thủy Hải)

Trong Thiền, việc Thiền sư giúp cho đồ đệ khai ngộ gọi là cơ kêu mổ (xem công án số 125) Việc kêu mổ phải tự nhiên, không thể cưỡng cầu được. Cưỡng cầu sẽ sanh họa, như câu chuyện trên nếu cưỡng cầu sẽ bị cây sào làm cho chết chìm.

396  Bố thí.
Một hôm, A NAN đến khất thực ở một xóm nghèo, một vị thí chủ nói:
- Con bần cùng lắm, không bố thí được.
- Bố thí giúp thí chủ giầu có.
- Con bần cùng đến 3 bữa ăn còn có khi không đủ, sao bố thí được?
- Vậy thí chủ hãy đem bần cùng ra bố thí! 
(Thiền, Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Làm sao có thể đem bần cùng ra bố thí? Đó là nói nếu ta thực hành bố thí Ba-la-mật, cái tâm bần cùng của ta sẽ theo bố thí mà tiêu tán.

397  Bát Nhã.
Triệu Châu hỏi Hoàn Trung:
- Bát Nhã lấy gì làm thể?
Hoàn Trung đáp:
- Bát Nhã lấy gì làm thể?
Triệu Châu cười lớn mà ra. Cách nhật, Hoàn Trung thấy Triệu Châu đang quét đất bèn lập lại:
- Bát Nhã lấy gì làm thể?
Triệu Châu bỏ chổi xuống, vỗ tay cười lớn.
Hoàn Trung bèn về phòng phương trượng. 
 (Thiền Cơ)

Hoàn Trung lập lại câu hỏi là ám chỉ Triệu Châu hãy tự hỏi mình.

398  Ai  tội?
La Hán đang ngắm trăng, bỗng nói:
- Mây động, có mưa, chạy mau!
Một ông tăng cãi:
- Không phải mây động, là gió động!
- Mây không động, gió cũng không động.
- Thầy chả vừa nói mây động sao?
- Ai tội? 
 (Thiền Cơ)

Trăng chỉ thể; mây, mưa, gió chỉ hiện tượng.

399  Khoai nước động.
Hưng Pháp nhìn thấy lá khoai nước rung động bèn nói:
- Ta sợ lắm!
Tuyết Phong nói:
- Ở trong nhà ngươi mà sợ nỗi gì? 
 (Thiền Cơ)

Hưng Pháp thấy lá khoai nước động nói sợ là ý nói sợ bị ngoại cảnh chi phối, là còn quan niệm phàm thánh đối lập. Tuyết Phong phá cái chấp này cho ông nên bảo đừng sợ.

400  Hai loại công án.
Bắc Thiền hỏi một ông tăng:
- Ngươi từ đâu lại?
- Hoàng Châu.
- Ở thiền viện nào?
- Tư Phúc.
- Tư Phúc có pháp gì?
- Hai loại công án.
- Sao lại ở trong tay Bắc Thiền?
- Nếu ở trong tay liền bị thu lại.
Bắc Thiền liền giơ gậy đánh. 
 (Thiền Cơ)

Câu đáp của ông tăng:"Nếu ở trong tay liền bị thu lại" là chấp vào lời nên bị mê, vì vậy nên bị đánh.

401  Lục Tổ lâm chung.
Lục tổ lúc sắp mất, đồ chúng khóc lóc sầu thảm; tổ bảo:
- Ta đã biết chỗ sẽ tới, các ngươi bất tất phải bi ai. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nhà Thiền coi chân ngã mới là chủ thể. Chân ngã không bị xác thân hạn chế. Nhưng thường tình người ta coi chết là vĩnh viễn xa cách trần thế nên không ngăn được buồn khổ. Lục tổ coi sống , chết là một. Cái chết chẳng qua như người du khách đổi khách sạn mà thôi.

402  Tắm truồng mà ngộ.
Thiệu quốc sư lúc còn ở trong chúng hỏi Long Nha:
- Khi trời chẳng che, đất chẳng chở thì sao?
- Hợp đạo.
Thiệu hỏi 17 lần, Nha nói:
- Nếu ta bảo ngươi, sau này ngươi sẽ chửi ta.
Sau, Thiệu trú ở Thiên Đài Thông Huyền Phong. Nhân một lần tắm, hốt nhiên giác ngộ. Bèn đốt hương, hướng về phía Long Nha lạy nói rằng:
- Lúc đó nếu thầy nói cho biết, ngày hôm nay nhất định con sẽ mắng thầy!
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Chuyện này và chuyện khai ngộ của Hương Nghiêm (công án số 1043) giống nhau, nhưng ngộ duyên thì khác. Khi tắm, thân thể trần truồng không một tấc vải đó chính là cảnh tượng trời không che, đất không chở, do đó Thiệu quốc sư xúc cơ mà ngộ.

403  Lã  Động Tân.
Theo truyền thuyết dân gian, Lã Động Tân là một vị tiên trong bát tiên được kể rõ ràng và đầy đủ trong truyện Bát Tiên quá hải. Ông rất ái mộ Hà Tiên Cô nhưng không được đáp ứng. Ông cũng từng đi thi 3 lần nhưng không đậu. Làm thơ hay, uống rượu giỏi; một lần tại một tửu điếm ở Trường An gập được Chung Ly Quyền và được truyền thọ tiên thuật. Học thành bèn vân du khắp nơi. Một hôm đến Lư Sơn viết trên vách lầu chuông một bài thơ:

一 日 清 閒 自 在 仙
Nhất nhật thanh nhàn tự tại tiên
六 神 和 合 報 平 安
Lục thần hòa hợp báo bình an
丹 田 有 寶 休 尋 道
Đan điền hữu bảo hưu tầm đạo
對 境 無 心 莫 問 禪
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Một  ngày  nhàn  nhã,  tiên  tự  tại.
Sáu  thần  hòa  hợp  báo  bình  an.
Đơn  điền  có  báu  đâu  cần  đạo;
Đối  cảnh  vô  tâm,  chớ  hỏi  Thiền.

Sau đó ít lâu, nhân đi qua Hoàng Long Sơn thấy trên đỉnh núi có đám mây tím, biết trong núi có dị nhân, liền vào tham phỏng; gập lúc Huệ Nam thiền sư đang giảng pháp. Huệ Nam biết Lã Động Tân đến, muốn độ ông bèn nói:
- Hôm nay trong các người ngồi nghe, có kẻ đến trộm pháp là ai?
Lã Động Tân bước ra hỏi:
- Trong một hạt giẻ chứa cả thế giới, nửa chõ nấu cả sơn hà, thỉnh thầy nói là ý gì?
- Ông là quỷ giữ thây.
- Chẳng biết trong túi ta có thuốc trường sanh bất tử sao?
- Dù ông có sống đến tám vạn kiếp thì cuối cùng cũng rơi vào không.
Lã Động Tân tức giận rút kiếm ném vào Huệ Nam. Kiếm bay đến nửa đường bỗng rơi xuống. Lã Động Tân bèn vái lạy xin chỉ giáo. Huệ Nam bảo:
- Ta không hỏi nửa chõ nấu sơn hà, chỉ hỏi ông tại sao một hạt giẻ lại chứa cả thế giới?
Lã Động Tân tức thời đại ngộ, làm bài kệ sau:

棄 卻 瓢 囔 戚 碎 琴
Khí khước biều nang thích toái cầm
如 今 不 戀 汞 中 金
Như kim bất luyến hống trung kim
自 從 一 見 黃 龍 後
Tự tòng nhất kiến hoàng long hậu
始 覺 從 前 錯 用 心
Thủy giác tòng tiền thác dụng tâm.

Bẻ  gãy  chiếc  bầu,  đập  nát  đàn
Hiện  nay  chẳng  thích  nước  trữ  vàng
Sau  khi  gập  được  Hoàng  Long  đấy
Mới  biết  từ  xưa  quấy  dụng  tâm.
(Thích Thanh Từ dịch)

Lã Động Tân sinh vào khoảng 860 Tây lịch. Huệ Nam sinh vào khoảng 1002 Tây lịch. Khi hai người gập nhau Lã Động Tân đã gần 200 tuổi lại tự thị mình đã tu tiên đạo lại bị tiểu hòa thượng to tiếng trách mắng đương nhiên không phục. Về sau lại cam tâm thọ giáo, đủ biết uy đức của Hoàng Long thế nào. Ông là người sáng lập Hoàng Long Tông, một trong bẩy tông thiền, đã có một thời cực thịnh.  (Hương Thủy Hải)

Lã Động Tân mới đầu tu thuật trường sanh. Do Đó Hoàng Long mới mắng là quỷ giữ thây. Ông lấy làm tự hào về pháp trường sanh này, nhưng Hoàng Long cảnh cáo ông , trường sanh kết quả cũng là không vong. Lúc đó ông hãy còn chấp mà chưa ngộ, đến khi phi kiếm không được mới thực là bị khuất phục, cái tâm chấp trước bị dao động mới chịu lưu tâm tham cứu. Đến khi Hoàng Long hỏi lại một câu, liền đại ngộ.

Trương Tố Dương cũng đã từng nói: người đời căn tính chậm lụt chấp có thân thể, ghét chết thích sống khó mà liễu ngộ. Hoàng lão thương cho lòng tham đó mới cấp cho phép tu sanh Cho thấy tu sanh chỉ là một thủ đoạn không phải là cứu cánh. Về sau có người nhận rằng Lã, Dương hai người chủ trương tánh mạng song tu thật là sai lầm. Nhà Phật bác bỏ tướng ngay có một niệm đầu cũng bác bỏ. Giả như chấp tướng tu sanh hoặc tu mạng thì như đổ dầu vào lửa, tâm đó không thể nhập định được làm sao thấy được tự tánh. (Nhóm Bồ Đề Học Xã)

404  Môi khuấy trà.
Lịch Thôn đang nấu trà, một ông tăng hỏi:
- Ý tổ sư từ Tây sang là gì?
Lịch Thôn giơ môi trà lên.
- Là cái đó sao?
Lịch Thôn bèn ném môi trà vào lò lửa. 
(Thiền Cơ)

Ý tổ sư không đâu không có. Môi trà chẳng phải là ý tổ sư lưu lộ sao? Ông tăng hiểu lầm ý tổ sư là môi trà. Lịch Thôn ném môi trà vào lò lửa ám chỉ ông tăng phải bỏ hết mọi trói buộc.

405  Đơn Hà và Huệ Trung.
Đơn Hà đến thăm Huệ Trung, gập lúc Huệ Trung đang ngủ trưa. Đơn Hà hỏi thị giả:
- Thầy ngươi có nhà không?
- Có nhà nhưng không tiếp khách!
- Sâu xa vậy!
- Dù Phật đến cũng không tiếp.
- Ngươi là đồ đệ giỏi, thầy ngươi phải lấy làm hãnh diện vì ngươi.
Đơn Hà bỏ đi. Khi Huệ Trung thức giấc, thị giả thuật lại. Huệ Trung đánh thị giả và đuổi ra.
 (Zen Koans)

Huệ Trung là quốc sư (thầy của vua) và rất nổi tiếng, Đơn Hà cũng là một vị đại thiền sư. Thị giả đón tiếp Đơn Hà với cung cách Thiền mới đạt được. Đơn Hà nhận ra ngay sự bắt chước, nhưng ông dùng lời khen như quạt than trên lò cho nóng. Khi thị giả kể lại cho thầy nghe, Huệ Trung bèn dập tắt ngọn lửa này cho ông và đuổi ra. Về sau Đơn Hà nghe được chuyện này khen rằng Huệ Trung xứng đáng được gọi là quốc sư. Huệ Trung và Đơn Hà rất hiểu nhau.

406  Ở  trong điện ấy.
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là Phật?
- Ở trong điện ấy!
- Đó không phải là Phật đất sao?
- Phải.
- Thế nào là Phật?
- Ở trong điện ấy! 
 (Thiền Cơ)

Phật tánh không chỗ nào không có. Phật đất lại chẳng phải là Phật tánh lưu lộ sao?

407  Niệm kinh.
Có một ông tăng đang niệm kinh trong phòng. Đạo Ưng ở ngoài cửa hỏi:
- Niệm kinh gì vậy?
- Kinh Duy Ma.
- Ta không hỏi kinh Duy Ma, mà hỏi người niệm kinh niệm kinh gì? 
(Thiền Cơ)

Câu nói ám chỉ ông tăng tự mình niệm bản lai diện mục kinh.

408   Đi hỏi lá vàng.
Một ông tăng hỏi Toàn Phó:
- Thiền sư bao nhiêu tuổi?
- Năm ngoái đã thấy tết Trùng Cửu ( mồng 9, tháng 9), nay lại thấy trời thu lá vàng rồi.
- Vậy là niên kỷ đã cao rồi?
- Đi mà hỏi lá vàng. 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng hỏi tuổi là còn ở trong hiện tượng giới, còn chấp thời gian. Câu đáp của thiền sư là để phá cái chấp này cho ông.

409  Trâu tốt.
Động Sơn đang xem ruộng lúa, có một ông tăng dẫn trâu đi qua. Động Sơn bảo:
- Phải coi kỹ con trâu này, đừng để nó ăn lúa ruộng.
- Nếu là trâu tốt thì không ăn lúa ruộng. 
(Thiền Cơ)

Trâu tốt chỉ tự tánh.

410  Trong hang núi nghe được tiếng.
Một ông tăng hỏi Toàn Phó:
- Thiền sư viên tịch rồi đi đâu?
- Nước chẩy không bao giờ gián đoạn, bọt nước theo gió mà trôi.
- Còn tiếp nhận cúng tế không?
- Tiếp nhận.
- Cúng tế thế nào?
- Ngư phủ hát, đập mái chèo xuống nước, ở trong hang núi vẫn nghe được tiếng. 
(Thiền Cơ)

Tự tánh trước khi viên tịch không tăng thêm, sau khi viên tịch không giảm đi, không đâu không có: ở trong nước chẩy, ở trong bọt nước, ở trong tiếng ca của ngư phủ, và ở trong tiếng mái chèo đập nước.

411  Quả nhiên nhìn không thấy.
Một ông tăng hỏi Diệu Tế:
- Ngàn thánh thường đi đường này, đường này là đường gì?
- Quả nhiên nhìn không thấy.
 (Thiền Cơ)

Đường này là đường thánh không thể nghĩ, bàn, nghe, thấy.

412  Là ý gì?
Một ông tăng hỏi Thủ An:
- Tổ sư từ Tây sang Trung Thổ là ý gì?
- Là ý gì?
- Bản lai thân là gì?
- Là thân gì?
- Lẳng lặng không tựa vào đâu, thì thế nào?
- Thế nào là lẳng lặng?
 (Thiền Cơ)

Ông tăng hỏi tự tánh, thiền sư không trả lời trực tiếp, ám chỉ ông tăng hỏi dư thừa, chẳng thà tự hỏi.

413  Giang Tây chẳng lập tông sư.
Một viên quan lại hỏi Thiệu Tông:
- Nghe nói Giang Tây chẳng lập tông sư có phải không?
- Gập duyên liền lập.
- Gập duyên thì lập cái gì?
- Giang Tây chẳng lập tông sư. 
 (Thiền Cơ)

Giang Tây chỉ Thiền hệ của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Khi ông quan hỏi, thiền sư trước hết phủ định phản diện làm cho ông ta nghi hoặc, sau đó khẳng định chính diện. Dùng cách thức này khiến cho ông quan có một ấn tượng sâu xa, cả đời chẳng quên.

414  Không tiếng vang.
Một ông tăng hỏi Đạo Kiền:
- Chưa thỉnh chuông thì thế nào?
- Không tiếng vang.
- Thỉnh chuông rồi thì thế nào?
- Không tiếng vang. 
 (Thiền Cơ)
Chuông chỉ tự tánh.

415  Siêu việt hình tượng.
Tông Bảo nói rằng:
- Những gì bút vẽ thì là tranh, không phải là bút; những gì mắt thấy thì là vật không phải là mắt; những gì tâm biết thì là cảnh không phải là tâm. 
 (Minh Tâm kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tất cả mọi hình tượng đều là khách trần, nhưng nếu tâm không bị nhiễm tức là tâm vô trụ, thì đạt được cảnh giới siêu việt hình tượng.

416  Vạn tùng không dậy.
Một ông tăng hỏi Vạn Tùng Hạnh Tú:
- Nếu một người không lìa sanh tử, cũng không đạt niết bàn, thầy có dạy hắn không?
- Ta không dạy.
- Tại sao?
- Lão nạp biết phân phải quấy.
Câu chuyện này được lan truyền đến các thiền viện khác và một hôm Thiên Đồng nói:
- Vạn Tùng có thể phân phải quấy, nhưng hắn không thể lấy bò của nông phu đi hoặc lấy đồ ăn của kẻ đói. Nếu ông tăng đó hỏi ta thì trước khi dứt lời ta đã đánh ông rồi. Vì sao? Bởi vì ngay từ đầu ta đã chẳng kể phải, quấy.   (Zen Koans)

Công án này chỉ cho chúng ta biết các phương pháp giảng dạy Thiền khác nhau. Ông tăng hỏi một câu khó có thể trả lời. Làm thế nào có một người vừa không bị mê hoặc vừa không giác ngộ? Vạn Tùng dùng phương pháp nhẹ nhàng và từ tốn, để ý đến thời gian và hoàn cảnh. Ông giống như một thầy thuốc định bệnh và cho đơn thuốc trị đúng bệnh. Còn phương pháp của Thiên Đồng thì mạnh bạo, giống như trị kích ngất. Ông lấy bò của người cầy, lấy đồ ăn của người đói. Ông không kể đến giá trị tương đối phải, quấy, đúng sai nhưng tấn công từ quan điểm tuyệt đối. Phương cách của ông rõ ràng và bi tráng và mọi người coi đó như anh dũng. Phương pháp của Vạn Tùng thì không nóng bỏng như vậy, nhưng là một phương pháp giảng dạy chắc chắn. Cả hai phương pháp đều cần có đồ đệ khá và sự khôn ngoan sâu sắc và cao thượng của thiền sư.

417  Một giấc hoàng lương.
Có một ông tăng trẻ đến Cổ Sơn gập một ông tăng bị bệnh, mọi người đều xa lánh. Ông tăng trẻ hết lòng săn sóc ông tăng bệnh. Được ít lâu ông tăng bị bệnh hồi phục sức khỏe bèn ra đi. Ông tăng trẻ sau đó lại đi Ngũ Đài Sơn, trên đường về thấy một ngôi chùa, ông tăng bị bệnh đứng ngoài cửa nghênh tiếp, nói:
- Ta đợi ngươi đã lâu rồi!
Bèn dẫn vào chùa rót nước cho uống. Ông tăng trẻ nói:
- Bụng đói rồi!
- Xin đợi một lát, sẽ có cơm ăn.
Nói rồi ông tăng bệnh dắt trâu ra đồng cầy, gieo hạt, nhổ mạ, cấy mạ, làm cỏ, gặt lúa, xay thóc, giã gạo, nấu cơm. Khoảnh khắc bưng cơm nóng ra. Ăn xong ông tăng trẻ từ biệt để đi. Ông tăng bệnh giữ ở lại một đêm. Hôm sau xuống núi. ông tăng trẻ thấy cảnh vật vẫn như cũ nhưng những người quen biết thì không còn ai cả. Thời gian đã trải qua mấy triều đại rồi. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đối với người ngộ đạo thì vạn năm có thể coi như một niệm.

418  Tang lễ.
Triệu Châu tham dự tang lễ của một vị hòa thượng cảm khái nói rằng:
- Rất nhiều người chết đi đưa một người sống. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Chân ngã không cần thân xác, có thân xác chỉ là ngụy trang mà thôi; cũng như diễn kịch phải mang mặt nạ. Mất bản lai diện mục mới là chết thật. Chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi đều nhận biết được bản lai diện mục. Lời nói của Triệu Châu đâu có gì kỳ, chỉ vì chúng sanh chưa chứng được cảnh này nghe nói liền cho là lạ.

419  Lâm chung.
Động Sơn sắp mất, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, gõ chuông, hướng đại chúng từ biệt, ngồi ngay ngắn mà tắt thở. Đại chúng thương cảm than khóc không thôi. Động Sơn đột nhiên mở mắt ra nói rằng:
- Người xuất gia phải giữ tâm không nhiễm mới là tu hành chân chính. Sanh tử là chuyện thường tình của con người, buồn thảm có ích gì? 
Lại sai chủ sự biện ngu si trai. Tăng chúng biết soạn trai xong là phải ly biệt, nên cứ chậm chậm mà làm, kéo dài đến 7 ngày mới xong. Động Sơn cùng đại chúng thọ trai, sau đó nói:
- Hãy im lặng một chút, đừng phiền ta; làm tăng đồ khi người khác sắp mất chớ nên náo động.
Nói rồi về phòng phương trượng, ngồi ngay ngắn mà chết.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Động Sơn coi chết như về nhà; tác phong tự tại, chỉ người chứng ngộ mới làm được. Những lời nói cuối cùng của ông đáng cho chúng ta chú ý. Một người tu hành khi lìa bỏ thân xác không bị cảm tình chi phối thật không dễ dàng. Đương lúc thần thức ly khai thân xác bên cạnh có tiếng than khóc, người chết dễ bị cảm tình xúc động không thể phi thăng, liền đọa vào vòng sanh tử. Vì vậy, nhà Phật chủ trương lúc lâm tử những người chung quanh nên niệm danh hiệu Phật, không được khóc lóc, cũng không di chuyển thi thể vì cảm giác đau đớn vẫn chưa hoàn toàn mất. Đợi ba ngày sau thì hỏa thiêu.

420   Nhặng xanh đẻ trứng.
Thiền sư Long Sơn hỏi ông tăng đến tham phỏng:
- Ngươi từ đâu đến?
- Từ Lão Túc.
- Lão Túc có lời gì?
- Muốn nói thì ngàn vạn lời, không nói thì một tiếng cũng không.
- Nói vậy thì cũng như  nhặng xanh đẻ trứng? 
(Thiền Cơ)

Nhặng Xanh chỉ tự tánh. Mỗi lần nhặng xanh đẻ là sanh ra nhiều trứng.

421  Động Sơn và Vân Nham.
Một hôm, Động Sơn hỏi Vân Nham:
- Lão sư, người có thể cấp mắt cho con không?
- Mắt ngươi đâu?
- Con không có mắt.
- Nếu có mắt thì sao?
- Sự thực thì cái con muốn không phải là mắt.
Vân Nham hét lên một tiếng lớn đuổi Động Sơn ra; Động Sơn không hoảng sợ, bình tĩnh thành khẩn nói:
- Lão sư, đi ra thì cũng được nhưng con không có mắt, không thấy rõ đường.
- Ta đã chẳng cho ngươi mắt rồi sao, sao nói nhìn không thấy?
Động Sơn nghe lời chỉ dẫn, bỗng nhiên đại ngộ.
 (Thiền, Sinh Mạng Đích Vi Tiếu) 

Nhà Thiền nhận rằng tâm tự do là pháp nhãn không bị thành kiến, dục vọng che lấp. Thiền không những dạy buông bỏ tham lam, thành kiến, biên kiến, ngã tướng mà ngay đến cả những tri thức đã học được cũng phải bỏ.

422  Tôn trọng.
Đời Tống, Tô Đông Pha có một lần đến Kim Sơn Tự ngồi thiền cùng Phật Ấn. Tô Đông Pha cảm thấy thân tâm thông suốt bèn hỏi Phật Ấn rằng:
- Thiền sư! người thấy đệ tử ngồi thiền thế nào?
- Rất trang nghiêm, giống như Phật.
Tô Đông Pha rất cao hứng, Phật Ấn lại hỏi Tô Đông Pha:
- Học sĩ! ngươi thấy ta ngồi thiền như thế nào?
Tô Đông Pha không bỏ lỡ cơ hội trào lộng, liền đáp:
- Giống một bãi cứt trâu!
Phật Ấn nghe rồi cũng không coi đó là lời ngang ngược. Tô Đông Pha cho rằng lần đàm thoại này mình đã chiếm được thượng phong, gập bạn bè đều mang ra khoe. Chuyện này đến tai Tô Tiểu Muội (em gái Tô Đông Pha, rất thông minh, thi từ đều giỏi), Tô tiểu Muội bèn bảo Tô Đông Pha:
- Ca ca sai rồi! Trong tâm Thiền sư có Phật nên người thấy anh như Phật, còn anh trong tâm có cứt nên thấy thiền sư như cứt. 
 (Thiền, Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Đối đãi với người, mỗi lời nói, cử chỉ đều từ tâm mà ra. Trong Tâm không có ý bình đẳng, tôn trọng thì khi lời nói phát ra dễ làm tổn thương đến tình hữu nghị, chỉ có thiền giả đã đạt Đạo mới có đức khoan dung, tha thứ.

423  Tham lam.
Có một ông tăng đã học với Vô Đức mấy năm, tự coi là đủ rồi, 
muốn đi chỗ khác tham học; xin phép thiền sư cho đi. Vô Đức hỏi:
- Ngươi tự cho là học đủ rồi, ngươi có biết thế nào là đủ không? Được rồi! trước khi đi hãy xếp một chậu đá đem lại đây!
Ông tăng y lời xếp một chậu đá bưng lại. Vô Đức hỏi:
- Chậu đá này đã đầy chưa?
- Đầy rồi!
Vô Đức bèn bỏ mấy nắm cát vào chậu, không có một hạt nào rơi ra ngoài và hỏi tiếp:
- Đầy chưa?
- Đầy rồi!
Vô Đức lại lấy một chén nước đổ lên, không một giọt nào tràn ra ngoài và hỏi tiếp:
- Đầy chưa?
Lúc đó, ông tăng hoảng nhiên khai ngộ. 
 (Thiền, Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Nhà Thiền coi tham lam là một ác tập, phải trừ bỏ. Người tham lam chỉ hướng ngoại tìm cầu; chỉ muốn nhiều, làm việc cũng như học tập không có bề sâu. Tham lam cũng là một loại chấp trước phải bỏ, vì nó khiến lục căn khi tiếp xúc với lục trần sẽ sinh ra vô tận phiền não đau khổ.

424  Quét đất.
Tào Sơn hỏi một ông tăng:
- Ngươi đang làm gì đấy?
- Quét đất.
- Quét đằng trước hay đằng sau điện Phật.
- Trước sau đồng thời quét.
- Hãy giúp ta kéo giầy lại đây! 
 (Thiền Cơ)

Quét đất là chỉ trần ai. Câu đáp của ông tăng "trước, sau đồng thời quét" là chỉ đã siêu phàm nhập thánh. Câu nói của Tào Sơn là bảo thánh cũng phải bỏ.

425  Đồ chồn hoang.
Ma Cốc đến tham kiến Huệ Trung, nhiễu quanh thiền sàng ba vòng, sau đó đứng trước mặt thiền sư dộng thiền trượng xuống. Thiền sư nói:
- Nếu đã như vậy, đến gập ta làm gì?
Ma Cốc lại dộng thiền trượng; thiền sư hét:
- Đồ chồn hoang này! Ra mau! 
(Thiền Cơ)

Cử động của Ma Cốc ám chỉ tự tham, tự chứng. Lần dộng thiền trượng thứ nhì là rơi vào thánh cảnh.

426  Nắng vào cửa giấy.
Một lão hòa thượng thấy nắng chiếu vào cửa giấy bèn hỏi Duy Chính:
- Cửa giấy làm sáng nắng hay nắng làm sáng cửa giấy?
- Trong phòng có khách, trưởng lão hãy về coi.
 (Thiền Cơ)

Nắng làm sáng giấy hay giấy làm sáng nắng là còn sai biệt; Duy Chính đề tỉnh hòa thượng hãy còn phân chủ, khách.

427  Vì một người.
Vân Nham hỏi Bách Trượng:
- Thiền sư cả ngày bận rộn vì ai vậy?
- Vì một người.
- Sao không bảo hắn tự làm?
- Hắn không có công cụ. 
 (Thiền Cơ)

Một người chỉ tự tánh.

428  Đạo lý ảo diệu.
Một ông tăng hỏi Trí Thường:
- Thế nào là đạo lý ảo diệu?
- Không có người nào có thể lãnh hội. 
- Có phương hướng không?
- Có phương hướng liền sai.
- Vậy sao? Không có phương hướng thì lại là cái gì?
- Là ai đang hỏi đạo lý ảo diệu?
Cách một lúc lại nói:
- Đi, đi, nơi đây không phải là chỗ dụng tâm của ngươi! 
 (Thiền Cơ)

Đạo lý ảo diệu chỉ tự tánh; nếu còn có nghi vấn về phương hướng thì sai.

429  Con hổ.
Trí Kiên, Quy Tông theo Nam Tuyền đi vân du. Một hôm trên đường gập một con hổ đi ngang qua. Nam Tuyền hỏi:
- Vừa gập hổ, thấy giống cái gì?
Quy Tông đáp:
- Giống con mèo nhỏ.
Trí Kiên đáp:
- Giống con chó nhỏ.
Và hỏi ngược lại Nam Tuyền, Nam Tuyền đáp:
- Ta thấy là một con vật lớn. 
 (Thiền Cơ)

Đáp mèo, chó là còn sai biệt, câu đáp của Nam Tuyền "là một con vật lớn" thì không còn phân biệt hổ, chó, mèo.

430  Na Tra thái  tử.
Một ông tăng hỏi Đầu Tử:
- Na Tra thái tử lóc xương trả bố, lóc thịt trả mẹ, bản lai thân của Na tra là gì?
Đầu Tử bỏ tích trượng đang nắm trong tay ra. 
 (Thiền Cơ)

Bản lai thân chỉ tự tánh. Cử chỉ của Đầu Tử là bảo ông tăng muốn thấy tự tánh thì phải buông bỏ tất cả mọi chấp trước.

431  Tên bán dưa ở Qua Châu.
Nham Đầu dẫn La Sơn đi tìm đất lập tháp. Đi được một quãng La Sơn gọi:
- Thiền Sư!
- Cái gì?
- Lô đất này đẹp không?
- À! gã bán dưa ở Qua Châu. 
(Thiền Cơ)

Câu nói của Nham Đầu có ý là gã bán dưa ở Qua Châu dĩ nhiên là khoe khoang dưa ngon; ám chỉ lập tháp chỗ nào mà chả được, cứ gì phải chấp chỗ này, chỗ kia.

432  Nhắm mắt thè lưỡi.
Một ông tăng hỏi Hồng Tiến:
- Thế nào là mặt mũi xưa nay?
Hồng Tiến nhắm mắt thè lưỡi, rồi mở mắt thè lưỡi. Ông tăng lại hỏi:
- Mặt mũi xưa nay lại có nhiều dạng như vậy sao?
- Vừa rồi ngươi nhìn thấy gì? 
(Thiền Cơ)

Mặt mũi xưa nay chỉ tự tánh. Thiền sư nhắm mắt, mở mắt thè lưỡi ám chỉ đó không phải là mặt mũi xưa nay. Ông tăng không hiểu nên thiền sư lại nói: "Vừa rồi ngươi nhìn thấy gì?"  là chỉ vừa rồi ngươi nhìn thấy chỉ là mặt thịt (hiện tượng giới) còn mặt thật (bản thể giới) ở đâu?

433  Ba vị bồ tát.
Có ông tăng hỏi Trường Sa Cảnh Sầm:
- Thế nào là Văn Thù?
- Tường vách, gạch ngói.
- Thế nào là Quán Âm?
- Âm thanh, ngôn ngữ.
- Thế nào là Phổ Hiền?
- Tâm chúng sanh.
- Thế nào là Phật?
- Là sắc thân chúng sanh.
- Hà sa chư Phật đều cùng một thể, vì sao có nhiều tên?
- Từ nhãn, nhĩ, tâm về nguồn lần lượt gọi là Văn Thù, Quán Âm, Phổ Hiền. Văn Thù là diệu quán sát trí, Quán Âm là đại từ, Phổ Hiền là vô vi diệu hạnh của Phật. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Ba vị bồ tát là Dụng của Phật; Phật là Thể của ba bồ tát. Dụng có hà sa giả danh, Thể có tổng danh là Bạc Già Phạm.

434  Oanh hót.
Có một ông tăng đọc kinh Pháp Hoa, gập câu: " Chư pháp bản tịch diệt" bèn khởi nghi tình, ngày đêm không ngừng tham cứư. Bỗng nhiên nghe tiếng chim oanh hót hoảng nhiên đại ngộ bèn viết một bài kệ:

諸 法 從 本 來
Chư pháp tòng bản lai
皆 自 寂 滅 相
Giai tự tịch diệt tướng
春 至 百 花 開
Xuân chí bách hoa khai
黄 鶯 啼 柳 下
Hoàng oanh đề liễu hạ

Các  pháp  từ  xưa  nay 
Tướng  vốn  tự  tịch  diệt
Xuân  đến  trăm  hoa  cười
Dưới  liễu  Oanh  ríu  rít. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đây là cảnh giới động tĩnh là một. Từ các động tướng: hoa nở, oanh hót mà ngộ được tịch diệt tướng. Đại tự nhiên tuy là phức tạp nhưng vẫn theo một trật tự nhất định, tỷ như trăm hoa nở, oanh hót đều ở mùa Xuân, sao không xẩy ra ở mùa Đông? Đủ thấy hoa nở, oanh hót đều theo một thứ tự bất biến. Đó là mặt tĩnh. Hoa nở rồi tàn, oanh hót rồi có lúc cũng phải ngưng. Đó là mặt động. Cùng một sự vật nếu ta nhìn dưới góc độ bất động nó là tĩnh, nếu ngược lại nó là động. Động và tĩnh khó mà phân được. Dùng thường thức mà phân tích chúng ta thấy có sự phân biệt giữa Động và Tĩnh. Nhưng những người đã ngộ thì không thấy có động tướng nữa.

435  Nghe tiếng ếch.
Cư sĩ Trương Cửu Thành, có một lần tham cứu một công án, bỗng nhiên nghe tiếng ếch kêu, lập tức đại ngộ, bèn viết hai câu kệ:

春 天 月 夜 一 聲 蛙
Xuân thiên nguyệt dạ nhất thanh oa
撞  破 乾 坤 共 一 家
Tràng phá càn khôn cộng nhất gia

Đêm  xuân  trăng  sáng,  một  tiếng  ếch  kêu
Khua  vang  vũ  trụ.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Ngộ duyên của công án này cũng tương tự như của công án trước, cũng từ trong tĩnh nghe thanh âm mà ngộ. Một người nghe tiếng oanh hót, một người nghe tiếng ếch kêu đều ở cùng trong một cảnh sắc đẹp đẽ, lúc đó cảm giác thấy vật ngã, động tĩnh chẳng phân, tất cả hòa thành một thể.

436  Giảng Kinh Niết  Bàn.
Thượng tọa Thái Nguyên Phu về ở Duy Dương. Trần thượng thư lưu lại nhà để cung dưỡng. Một hôm ông nói với thượng thư rằng:
- Ngày mai ta sẽ giảng kinh Đại Niết Bàn để báo đáp thượng thư.
Hôm sau thăng tòa. Rất lâu, cầm thước vẩy một cái, nói:
- Ta được nghe như vầy 
ngưng lại, rồi gọi:
- Thượng thư!
- Dạ
- Nhất thời Phật tại.
Nói rồi thoát khứ. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nhân giảng kinh Niết Bàn mà nhập Niết Bàn; có thể nói là hiện thân thuyết pháp, hơn cả nói ngàn vạn lời.

437  Một cây bách.
Quy Sơn và Ngưỡng Sơn cùng đi trên đường. Quy Sơn chỉ một cây Bách, hỏi:
- Trước mặt là gì?
- Chỉ là cây Bách.
Quy Sơn lại chỉ lão nông phu phía sau cây Bách nói:
- Đằng sau lão nông có 500 chúng.
Rồi lại hỏi:
- Họ từ đâu về?
- Từ ruộng về.
- Có gặt lúa không?
- Có gặt.
- Lúa xanh, lúa vàng hay không xanh không vàng? 
(Thiền Cơ)

Cây Bách chỉ chướng ngại, 500 chúng chỉ tự tánh. Quy Sơn ám chỉ phải phá bỏ mọi tầng lớp chướng ngại mới có thể kiến tánh.

438  Nửa mảnh trăng.
Một tối Chân Giác chỉ trăng lưỡi liềm trên không hỏi một ông tăng:
- Nửa mảnh trăng kia đâu?
- Đừng vọng tưởng.
- Mất nửa mảnh rồi! 
 (Thiền Cơ)
Nửa mảnh kia chỉ tự tánh.

439  Sọt tre.
- Trời mưa nhà dột rồi kìa! Mau mang vật gì lại hứng!
Có chú tiểu nghe sư phụ hô hoán vội mang một cái sọt tre lại. Một ông tăng nghĩ sọt tre không thể đựng nước bèn chạy đi tìm một cái chậu mang lại. Sư phụ bèn khen chú tiểu cơ phong linh mẫn. (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Bất cứ một pháp lý giải thoát nào đều dùng vô tâm. Nếu lấy trí phán đoán rồi sau đó mới hành động thì không phải là thiền. Cái gọi là Thiền, trước hết là ngồi Thiền khiến tự kỷ biến thành Hư Vô (chân không vô tướng), nghĩa là từ sai biệt biến thành bình đẳng. Sau đó thể nghiệm được tự tha bất nhị.

440  Bài Kệ Của Tô Đông Pha.
Thi sĩ Tô Đông Pha (1030-1101) đi Lư Sơn chơi, tham kiến Thường Tổng hòa thượng ở Long Hưng Tự. Hai người bàn luận về Vô Tình thuyết pháp suốt đêm. Đến gần sáng Tô Đông Pha hoát nhiên khế ngộ bèn làm một bài kệ:

溪 聲 盡 是 廣 長 舌
Khê thanh tận thị quảng trường thiệt
山 色 無 非 清 淨 身
Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân
夜 來 八 萬 四 千 偈
Dạ lai bát vạn tứ thiên hạt
他 日 如 何 舉 似 人
Tha nhật như hà cử tự nhân

Mầu  sắc  núi  chính  thân  thanh  tịnh
Tiếng  suối  reo, tướng  lưỡi  rộng  dài
Đêm  tham  tám  vạn  bốn  ngàn  kệ
Ngày  sau  sao  chỉ  được  cho  người?
(Ngộ Không dịch)

Về sau Tuyết Đường (1062-1120) đọc bài kệ này cho rằng những chữ tận thị, vô phi, dạ lai tha nhật đều là dư thừa nên bỏ. Bài kệ trở thành:
Khê  thanh  quảng  trường  thiệt
Sơn  sắc  thanh  tịnh  thân
Bát  vạn  tứ  thiên  hạt
Như  hà  cử  tự  nhân. 
Sắc  núi  thân  thanh  tịnh
Suối  reo  lưỡi  rộng  dài
Tám  vạn  bốn ngàn  kệ
Làm  sao  chỉ  cho  người.

Bạch Ẩn (1685-1768) lại nói tướng lưỡi rộng dài, thanh tịnh thân cũng phải bỏ, chỉ cần tiếng suối reo và mầu sắc núi là đủ. Hòa Sơn lại còn tiến thêm một chút nữa, tiếng suối reo, mầu sắc núi cũng không cần, chỉ cần một tiếng hừ.  (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Dù luận bàn thế nào mọi người đều đồng ý với Tô Đông Pha "ngày sau làm sao bảo cho người.”

441  Thân, tâm là một.
Có một lần Đại Huệ ngắm một bức tranh vẽ hài cốt dưới có đề hàng chữ:
- Thây tại chỗ này, còn người ở đâu?
Mới hay, linh hồn chẳng ở túi da, bèn nói rằng:
- Đây đâu phải là Phật pháp mà là kiến giải của ngoại đạo!
Lập tức cầm bút lên viết:
Cốt  đâu,  người  đó.
Linh  hồn  túi  da,  túi  da  linh  hồn. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Thân thể và linh hồn không thể phân ra. Nếu tu hành đạt được giai đoạn tịch diệt thì giải thoát được sâm la vạn tượng, chư pháp phiền não. Mọi pháp đều tịch diệt. Tánh (bản thể) và tướng (hiện tượng) đều không có gì phân biệt. Nếu đã biết vậy, còn nói thân diệt, nhưng linh hồn không diệt chả là trái lại với chân lý sao? Chúng ta nên biết sanh tử và niết bàn là một, ngoài sanh tử chẳng có niết bàn.

442  Đạt Ma về nước.
Tổ sư Đạt Ma thị tịch được ba năm. Tống Vân đi sứ Tây Vực trở về ngang qua ngọn Thông Lãnh thấy Đạt Ma tay cầm một chiếc dép. Tống Vân hỏi người đi đâu, tổ đáp đi về Tây Thiên. Tống Vân về nước đem chuyện này tâu lên vua. Ngụy đế sai quật mộ của Đạt Ma, chỉ thấy còn một chiếc dép ngoài ra không có gì cả.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đạt Ma còn sống hay đã chết, không ai có thể khẳng định được. Loại thần thông du hý này cũng giống như tổ Ca Diếp nhập định tại Kê Túc Sơn đều không thể nghĩ bàn.

443  Thiện tri thức.
Sơ thiền sư nói rằng:
- Bậc thiện tri thức là người đuổi trâu của nông phu, cướp cơm của kẻ đói.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Người nông phu coi trâu và người đói coi cơm như tánh mạng, đều là cái chấp lớn. Câu nói của Sơ thiền sư có ý nếu muốn đoạn tập phải có tinh thần dũng cảm như tráng sĩ có thể tự chặt tay. Từ chính mình nhận ra nơi hạ thủ, có thể bỏ được cái khó bỏ đó mới là chân chánh đoạn tập.

444  Hàn Sơn và Xả  Đắc.
Xả Đắc do Phong Can lượm từ núi về nuôi nên gọi là Xả Đắc. Một hôm, một ông tăng hỏi Xả Đắc tánh (họ) gì? Xả Đắc bỏ chổi đang quét xuống, khoanh tay mà đứng. Hàn Sơn nói:
- Trời xanh! Trời xanh!
Xả Đắc hỏi:
- Ngươi làm gì?
- Ngươi không thấy nhà bên Đông có người chết, nhà bên Tây có người khóc sao?
Hai người nhẩy múa, khóc cười mà đi. Về sau thứ sử Lư Khâu đến kiếm hai người, hai người bèn vào hang đá ẩn. Cửa hang bỗng nhiên khép lại, từ đó hai người sống chết thế nào thì không ai biết. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Xả Đắc không nói chỉ rằng tự tánh không thể nói được. Hàn Sơn nói trời xanh là chỉ không tánh. Nếu đã không thể tánh, thì không có sanh tử. Chúng sanh không hiểu lý này nên vì người chết mà khóc.

445  Tọa Thiền.
Lục tổ nói:
- Ngộ đạo là do Tâm há tại ngồi sao? Kinh nói nếu thấy Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm là vào đường tà. Tại sao vậy? Vì Như Lai không từ đâu lại, cũng không đi về đâu, chẳng sanh, chẳng diệt. Đó là Như Lai thanh tịnh thiền. Chư pháp không tịch đó là Như Lai thanh tịnh tọa.  Cứu cánh khai ngộ không có biểu tướng, huống hồ là ngồi? 
 (Hương Thủy Hải)

Lục tổ cho chúng ta loại kiến giải vượt lên biểu tướng. Đối với tất cả các pháp thiện, ác không khởi tâm niệm đó là Tọa, nội kiến tự tánh không động gọi là Thiền.

446  Đức Sơn và thị giả.
Một hôm, thị giả của Đức Sơn hỏi thầy:
- Chư tổ và chư tiên đức đã mất, họ ra sao rồi?
- Ta không biết họ ở đâu!
- Con tưởng nhận được câu trả lời như ngựa phi, ngờ đâu chỉ như rùa bò!
Đức Sơn im lặng như chịu thua. Hôm sau, lúc tắm xong Đức Sơn vào phòng ngồi, thị giả dâng trà. Đức Sơn vỗ vai thị giả và hỏi:
- Công án ngươi hỏi hôm qua sao rồi?
- Hôm nay thiền phong của thầy đã khá hơn.
Đức Sơn vẫn giữ im lặng như chịu thua. 
 (Zen Koans)

Thái độ của Đức Sơn tự nhiên giống như tấm mành lay động trước gió. Thị giả là một ông tăng thông minh nhưng sự thử thách của ông đã không gập chống đối. "Ta không biết họ ở đâu.” Thị giả bất mãn và thốt ra lời oán trách thầy. Nhưng Đức Sơn không làm một cố gắng nào để chống trả. Hôm sau, thái độ của Đức Sơn mới mẻ hơn; tuy nhiên tâm thị giả vẫn vậy. Vì vậy Đức Sơn thân thiện hỏi ông "Công án ngươi hỏi hôm qua thế nào rồi?” Lần này thị giả khen ngợi thầy, nhưng Đức Sơn vẫn giữ thái độ im lặng đối với lời khen cũng như lời chỉ trích. Một bức rèm đong đưa về phía trước rồi về phía sau trong gió. Tự nhiên là phong cách của người đạt Đạo.

447  Ba Tư ăn hồ tiêu.
Một ông tăng hỏi  Phúc Khê:
- Các duyên bên ngoài phân tán rồi trở về không, còn không thì trở về đâu?
- Hòa thượng!
- Dạ!
- Không ở đâu?
- Thỉnh thiền sư nói.
- Ba Tư ăn hồ tiêu.
 (Thiền Cơ)

"Ba Tư ăn hồ tiêu" ám chỉ không thể nói ra được, nhưng nếu muốn nói thì cứ tùy tiện mà nói cũng được.

448  Cưỡi trâu tìm trâu.
Đại An hỏi Bách Trượng:
- Đệ tử muốn nhận biết Phật, cái gì là Phật?
- Giống như cưỡi trâu tìm trâu.
- Nhận biết rồi thì sao?
- Giống như cưỡi trâu về nhà.
- Làm sao giữ được ngộ cảnh?
- Giống như trẻ trăn trâu, nắm lấy dây buộc không cho trâu ăn lúa ruộng người. 
(Thiền Cơ)

Trâu chỉ tự tánh.

449  Xoè tay.
Ngưỡng Sơn hỏi Thiện Đạo:
- Phật và Đạo cách nhau bao xa?
- Đạo giống như xoè tay ra, Phật giống như nắm tay lại.
- Làm sao tin được?
Thiện Đạo vung tay 2 , 3 lượt và nói:
- Không có chuyện này! 
 (Thiền Cơ)

Phật, Đạo đều chỉ tự tánh, tên khác nhưng ý đồng. Ngưỡng Sơn còn chấp danh tướng nên Thiện Đạo phá chấp này cho ông nên bảo Phật và Đạo giống nhau như nắm tay và xoè tay, nhưng ông lại chấp vào nắm và xoè nên Thiện Đạo lại vung tay và nói không có chuyện này.

450  Ngã xuống.
Một tăng hỏi Tào Sơn:
- Không có người nào ngã xuống đất mà không bò dậy, thế nào là ngã xuống?
- Chỉ cần ngươi chịu.
- Thế nào là bò dậy?
- Bò dậy rồi! 
( Thiền Cơ)

Ngã xuống và bò dậy là sự sai biệt trong hiện tượng giới. Các câu "chỉ cần ngươi chịu" và "bò dậy rồi" đều ám chỉ ông tăng đừng chấp vào đối đãi sai biệt.

451  Vỗ kiếm giết người. 
Một ông tăng hỏi Tào Sơn:
- Trong nước người vỗ kiếm là ai?
- Tào Sơn.
- Định giết ai?
- Ai cũng giết.
- Bỗng gập cha mẹ phải làm sao?
- Còn chọn lựa gì nữa?
- Còn mình thì sao?
- Ai làm gì được ta?
- Vì sao không giết?
- Không có chỗ hạ thủ. 
 (Thiền Cơ)

Kiếm chỉ tự tánh, chém đứt mọi căn trần. Đối với người đã thấy tánh rồi thì như tường đồng, vách sắt không có chỗ hạ thủ.

452  Tâm của cổ Phật.
Có ông tăng hỏi Nam Dương Trung quốc sư:
- Thế nào là tâm của cổ Phật?
- Tường vách, ngói gạch.
- Tường vách, ngói gạnh chẳng phải là vật vô tình sao?
- Phải.
- Có nói pháp không?
- Thường nói, chẳng nghỉ. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đây là từ phương tiện thuyết pháp mà thể nhận vật, ngã là một. Pháp không thể nói, nói được là pháp sanh diệt, không phải tự tánh. Không nói, không nghe mới là tự tánh,  tịch diệt.

453  Điều sâu xa nhất.
Đạo Ngộ đang ngồi Thiền trên thiền sàng, một ông tăng đến hỏi:
- Điều sâu xa nhất của giáo pháp là gì?
Đạo Ngộ bước xuống thiền sàng nói với ông:
- Ngươi từ nơi xa xôi đến đây, nhưng rất tiếc ta không có gì cho ngươi cả. 
(Zen Koans)

Câu hỏi của ông tăng hãy còn chấp vào nông, sâu. Pháp giới không thể đo bằng nông, sâu. Nó vượt lên nông, sâu, đúng sai, tốt xấu.

454  Vân Cư.
Thiền sư Vân Cư có nhiều đồ đệ, một đồ đệ người Tân La (Đại Hàn) thưa:
- Con có đạt được một cái gì đó, nhưng không thể nào diễn tả ra được, tại sao vậy?
- Đâu có gì khó.
- Xin thầy chỉ cho con.
Thiền sư kêu:
- Tân La! Tân La!
Và kết thúc cuộc đối thoại. Về sau một vị thiền sư khác phê bình:
Vân Cư không hiểu ông tăng một chút nào cả. Dầu họ sống trong cùng một thiền viện, nhưng cách nhau cả một đại dương. 
(Zen Koans)
Vân Cư là một vị thiền sư lớn, sáng tổ của dòng thiền Tào Động, có hơn 1500 đồ chúng. Ông tăng trong câu chuyện này muốn sư   phụ diễn tả ngộ cảnh của mình ra lời nói cũng giống như một thanh niên đang yêu nói với người yêu rằng:
- Anh yêu em, anh có một cảm giác kỳ diệu nhưng không thể nào diễn tả ra được.
Và người thiếu nữ trả lời:
- Tại sao không , có gì khó đâu anh.
Chàng thanh niên năn nỉ:
- Thế thì em hãy diễn tả giùm anh đi.
Thiếu nữ kêu lên:
- Ồ! Anh Cưng!
Và vòng tay ôm lấy chàng vào lòng.
Giác ngộ và tình yêu chỉ có thể biết do kinh nghiệm. Lời phê bình của vị thiền sư kia là không đúng.

455  Thời gian của Quy Sơn.
Quy Sơn nói với đồ đệ rằng:
- Mỗi năm, mùa Đông lập lại những ngày lạnh. Năm ngoái cũng lạnh như năm nay, và sang năm cũng lạnh như thế này. Các ngươi hãy cho ta biết những ngày nào của năm được lập lại?
Ngưỡng Sơn bước ra lạy rồi đứng im. Quy Sơn nói:
- Ta biết ngươi không trả lời được câu hỏi của ta, và quay ra hỏi Hương Nghiêm:
- Còn ngươi thì sao?
- Con có thể trả lời được câu hỏi của sư phụ. 
Nhưng trước khi ông nói thêm thì Quy Sơn đã cắt ngang:
- Ta rất mừng Ngưỡng Sơn không trả lời được câu hỏi của ta. 
(Zen Koans)

Thời gian trôi qua như nước chẩy trong sông. Mùa Đông, mùa Hạ đến rồi đi, năm này qua năm khác, không cần giải thích. Chúng ở trên quyền hạn của con người. Ngưỡng Sơn, Hương Nghiêm đều không thể trả lời được. Nhưng Hương Nghiêm nói rằng mình trả lời được. Quy Sơn cắt ngang không cho ông nói vì không trả lời hay hơn là một câu trả lời khái niệm. Chân lý vượt lên trên khái niệm và giải thích.

456  Vượt lên ngoài vật.
Một tối, Mã Tổ cùng ba đồ đệ ưu tú là Tây Đường, Bách Trượng, Nam Tuyền thưởng trăng. Mã Tổ hỏi :
- Chính lúc này nên làm gì?
Tây Đường đáp:
- Chính là lúc cúng dường.
Bách Trượng đáp:
- Chính là lúc tu hành.
Chỉ có Nam Tuyền không đáp, phất tay áo mà đi. Mã Tổ nói:
- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Nam Tuyền vượt ra ngoài vật. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Từ xưa đến nay hiếm người có thể vượt ra ngoài vật, thoát khỏi danh, lợi; ngay tu chứng cũng chẳng màng.

457  Bài kệ cuối cùng của Pháp Tiến.
Một hôm, Pháp Tiến tiên đoán mình sẽ mất sau bẩy ngày. Đến ngày thứ bẩy ông triệu tập môn đồ lại và nói:
- Theo tục lệ, phải viết một bài kệ từ giã, nhưng ta không phải là một thi sĩ, cũng không phải là một nhà thư họa, một người trong các ngươi hãy viết hộ ta.
Nói rồi ông liền đọc:
Ta  từ  nơi  xán  lạn
Và  lại  trở  về  nơi  xán  lạn
Thế  là  gì?
Ông tăng đang chép thưa:
- Còn thiếu một câu nữa!
Pháp Tiến bèn hét lên một tiếng và mất.
 (Zen Koans)

Pháp Tiến học thiền ở Trung Hoa nhiều năm. Sau khi trở về Nhật Bản ông giảng dạy ở vùng Đông Bắc. Trước sự kiện xẩy ra trong công án này ông thường kể câu chuyện ông nghe được ở Trung Hoa cho đệ tử nghe. Một năm, vào ngày 25, tháng chạp, một vị thiền sư già nói với đệ tử:
- Năm tới ta sẽ không ở cùng với các ngươi nữa, vậy các ngươi hãy cư sử tốt với ta trong năm nay.
Đồ chúng cho là lời nói đùa, nhưng họ vẫn đối đãi ân cần với thầy. Vào chiều ngày đầu năm mới, thiền sư nói với chúng đệ tử:
- Ta sẽ ra đi vào ngày mai, khi trời ngưng tuyết.
Đồ chúng cười và nghĩ rằng thầy mình đã lẫn. Nhưng vào nửa đêm thì trời bắt đầu đổ tuyết và sáng hôm sau họ không thấy thiền sư đâu. Sau cùng tìm thấy thiền sư ở thiền đường và đã qua đời. Pháp Tiến kể lại chuyện này và bàn rằng các thiền sư có thể (mặc dầu không cần thiết) tiên đoán cái chết của mình, như ông đã làm trong công án này.
Lời nói cuối cùng của Pháp Tiến diễn tả khái niệm về Tương Lai của nhà Phật. Ông từ nơi xán lạn tới và lại trở về nơi xán lạn. Đời sống là vĩnh hằng. Chúng ta đến từ đời sống vĩnh hằng và sẽ trở lại đời sống vĩnh hằng. Chúng ta đương sống đời sống vĩnh hằng nhưng vì vô minh nên chúng ta không biết.

458  Khoái hoạt! Khoái hoạt!
Câu nói đầu môi của Đàm Chiếu là:
- Khoái hoạt! Khoái hoạt!
Khi sắp mất lại kêu lên:
- Khổ rồi! Khổ rồi! Diêm Vương đến bắt ta!
Một ông tăng hỏi:
- Thiền sư lúc bị Tiết Độ Sứ ném xuống nước mà thần sắc vẫn không đổi, sao bây giờ lại trở thành thế này?
Thiền sư giơ chiếc gối lên hỏi lại:
- Lúc đó đúng hay bây giờ đúng?
Ông tăng không đáp được. 
 (Thiền Cơ)

"Khoái hoạt! Khoái hoạt!" chỉ tự tánh. "Khổ rồi! Khổ rồi! Diêm Vương đến bắt ta" chỉ thân thể. Thiền sư là người đại tự 
tại, phàm thánh không làm trở ngại được.

459  Lùn và cao.
Tòng Triển hỏi một ông tăng:
- Ngươi làm công đức gì mà thân thể cao lớn vậy?
- Thiền sư lùn nhiều, ít?
Tòng Triển khom người xuống làm dáng lùn, ông tăng nói:
- Thầy chẳng nên mắng người.
- Chẳng phải ngươi mắng ta sao? 
 (Thiền Cơ)

Cao và lùn là thuộc sự sai biệt ở hiện tượng giới. Thiền sư làm dáng lùn, ám chỉ ông tăng nhận đó là lùn sao? để đả phá cái chấp sai biệt của ông.

460  Ngưỡng Sơn ngồi Thiền.
Một hôm Ngưỡng Sơn đang ngồi thiền, một ông tăng lại đứng bên cạnh. Ngưỡng Sơn bèn vẽ một vòng tròn trên đất và viết chữ thủy (nước) ở dưới. Sau đó nhìn ông tăng dò hỏi, ông tăng không thể trả lời được. 
(Zen Koans)

Kỷ luật của thiền giống như luyện võ. Thầy và trò phải tập luyện với nhau. Ông tăng đến đứng cạnh Ngưỡng Sơn là có ý thử thách thầy. Ngưỡng Sơn hiểu ý vẽ ngay một vòng tròn và viết chữ thủy ở dưới, nhìn ông ta như muốn nói:
- Được rồi, ngươi hiểu không?
Đáng thương cho ông tăng. Đây có phải là bảo ông mang một thùng nước lại không? Nếu ông muốn giải đáp chuyện này bằng lý luận, ông không bao giờ hiểu ý Ngưỡng Sơn. Dĩ nhiên ông không thể thốt ra lời. Ông tới để thử thách Ngưỡng Sơn, nhưng kết quả lại ngược lại. Ngưỡng Sơn viết chữ Thủy, dù có viết bao nhiêu chữ Thủy đi nữa thì cũng không thể nào làm cho hết khát. Còn vòng tròn là để chỉ thực tại toàn hảo. Nhưng đối với ông tăng thì cũng giống như một bức vẽ bánh mì, không bao giờ có thể làm no lòng ông được. Một người không thể nào hiểu được chân lý của cuộc sống, dù được giải thích cặn kẽ, trừ phi người ấy đã sẵn sàng tiếp nhận. Đối với ông tăng này có lẽ tốt hơn là cho ông ta một bạt tai hay một tiếng hét hơn là cho ông một công án biểu tượng.

461  Đức Phật và Phạm Chí.
Phạm Chí hai tay dâng hoa hiến Phật. Phật nói:
- Bỏ xuống đi!
Phạm Chí buông tay trái xuống.
- Bỏ xuống đi!
Phạm Chí lại buông tay phải xuống.
- Bỏ xuống đi!
- Bạch đức Thế Tôn, con đã bỏ hoa xuống hết rồi còn gì để bỏ xuống nữa?
- Ta nói bỏ xuống là bảo ngươi ngoài bỏ sáu trần, trong bỏ sáu căn, giữa bỏ sáu thức.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tâm có Chân Tâm và Tập Tâm. Chân Tâm là tự tánh là thể của chúng sanh. Tập Tâm là do kinh nghiệm sanh hoạt tập nhiễm. Tập tâm chấp tướng, chạy đuổi theo vật, là chướng ngại lớn của sự tu hành. Quán tâm là trực chỉ chân tâm, trị tâm là trừ bỏ tập nhiễm. Ở đây, đức Phật bảo phải bỏ tập nhiễm.

462  Quy Sơn và Ngưỡng Sơn.
Cuối kỳ hạ, Ngưỡng Sơn đến gập thầy. Quy Sơn hỏi:
- Cả kỳ hạ, ta không thấy ngươi, ngươi làm gì?
- Con làm ruộng và gặt được một thùng kê.
- Vậy, ngươi đã không uổng phí mùa kết hạ.
- Còn sư phụ thì sao?
- Mỗi ngày ta ăn một bữa vào chính ngọ và ngủ vài giờ sau nửa đêm.
- Vậy thầy đã không uổng phí mùa kết hạ.
Ngưỡng Sơn nói rồi thè lưỡi ra, Quy Sơn nhận xét:
- Ngươi nên tự trọng. 
(Zen Koans)

Mỗi thiền viện có 3 tháng hè gọi là mùa kết hạ. Chư tăng tọa thiền và làm việc, đó là sống thiền. Cuối kỳ hạ thiền sinh sẽ đến gập thầy. Cuộc gập này là một trắc nghiệm sự hiểu biết của thiền sinh. Khi Ngưỡng Sơn đến gập thầy, ông rất tự hào về sự làm việc khó nhọc của mình. Ông cũng muốn biết thầy mình có làm việc không. Nhưng ông quá tự tin đến nỗi trở thành vô lễ. Ở đây chúng ta thấy Quy Sơn là một vị thầy hiền từ, ông không giận mà còn khuyên Ngưỡng Sơn nên tự trọng.

463  Tiếp kiến Thiền sinh.
Một hôm nói chuyện với chư tăng, Tam Thánh đưa ra nhận xét:
- Khi một thiền sinh tới, ta ra tiếp kiến không vì giúp hắn.
Khi Hưng Hóa nghe được lời này bèn phê bình:
- Khi một thiền sinh tới, ta thường không ra ngoài tiếp kiến, nhưng nếu đã ra ta nhất định sẽ giúp hắn.
(Zen Koans)

Tam Thánh và Hưng Hóa đều là đệ tử của Lâm Tế trong công án này, họ ở hai vị trí đối lập nhưng cùng một ý nghĩa. Tam Thánh nhận mình tiếp thiền sinh không có tiên kiến là sẽ dạy, còn Hưng Hóa thì nói để thiền sinh đến ông và ông sẽ dạy. Mỗi người đều có cách dạy độc đáo.

464  Gõ vào thành ghế.
Một hôm, trong thiền viện Nam Tuyền, Viên Đầu và Phạn Đầu đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng chim hót. Viên Đầu lấy tay gõ vào thành ghế, con chim lại hót nữa. Viên Đầu lại gõ lần thứ hai, nhưng chim không hót nữa. Viên Đầu quay qua Phạn Đầu và hỏi:
- Ngươi hiểu không?
- Không, ta không hiểu.
Viên Đầu lại lấy tay gõ vào thành ghế lần thứ ba. 
(Zen Koans)

Một con chim hót, Viên Đầu gõ vào thành ghế như hưởng ứng. 
Con chim lại hót, Viên Đầu lại gõ nhưng chim đã bay đi. Chim hót tự nhiên và không ở lâu một chỗ. Viên Đầu biết điều này và hỏi Phạn Đầu "Ngươi hiểu không?" Phạn Đầu không hiểu, do đó Viên Đầu lại gõ lần thứ ba. Viên Đầu nghe thấy pháp ở khắp nơi: ở tiếng chim hót, tiếng gió, tiếng côn trùng, trong nắng, trong hoa, ngay cả trong câu trả lời mộc mạc "Không, ta không hiểu" của Phạn Đầu. Lần gõ thứ ba trong sáng, tự nhiên như hoa Huệ trong buổi sáng, dưới ánh nắng mặt trời.

465  Nằm đọc Kinh.
Một hôm Bàng cư sĩ nằm trên giường tụng kinh, một ông tăng trông thấy nói rằng:
- Cư sĩ, khi tụng kinh phải uy nghi đoan chính!
Bàng cư sĩ nghe rồi nhấc một chân lên. Ông tăng thấy vậy bỏ đi không nói một lời.
(Trung Quốc Thiền)

Theo thường thức, khi tụng kinh nên ngồi ngay ngắn. Bàng cư sĩ nằm trên giường mà tụng kinh cho thấy ông không bị bất cứ cảnh giới nào trói buộc. Nếu chúng ta cứ tùy tiện bắt chước ông thì chẳng khác gì đất xa trời, có thể đọa vào địa ngục.

466  Trúc đến mắt hay mắt đến trúc.
Văn Ích chỉ cây trúc hỏi một ông tăng:
- Có thấy không?
- Có thấy.
- Trúc đến mắt hay mắt đến trúc?
- Chẳng giống nhau sao? 
(Thiền Cơ)

Trúc đến mắt: Vật vào ngã, Mắt đến trúc: vật bị ngã hóa. Câu nói ám chỉ vật và ngã đều phải quên.

467  Đại Vương đến rồi!
Một hôm Triệu Châu đang ngồi thiền ở Ẩn liêu, thị giả vào báo:
- Đại vương đến rồi!
Đại vương ở đây là chỉ Triệu Vương Vương Dung (873-921) đương thời là phủ chủ của thành Triệu Châu, trên danh nghĩa là Bắc Phiên Trấn của triều Đường, tự xưng vương. Thực ra, đây là một quốc gia bán độc lập. Dĩ nhiên đối với một vị có quyền lực như vậy đến thăm, thị giả lập tức báo cáo. Triệu Châu liền đáp lễ:
- Đại Vương vạn phúc!
Thị giả thưa:
- Chỉ mới tới cửa chính điện!
- Lại còn có một vị đại vương nữa tới sao?
Hoàng Long Huệ Nam nghe được chuyện này bèn làm một bài kệ:
侍 者 只 知 報 客
Thị giả chỉ tri báo khách
不 知 身 在 帝 鄉
Bất tri thân tại đế hương
趙 州 入 草 求 人
Triệu Châu nhập thảo cầu nhân
不 覺 渾 身 泥 水
Bất giác hồn thân nê thủy
Thị  giả  chỉ  báo  tên  khách
Chẳng dè  thân tại Đế hương
Triệu Châu  cứu  người  trong  cỏ 
Đâu  ngờ  thân bị  lấm bùn.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Triệu Châu muốn thị giả biết đến đại vương ở trong thân mình, nhưng thị giả không hiểu.

468  Ba câu của Lâm Tế.
Có ông tăng hỏi Lâm Tế:
- Thế nào là chân Phật, chân Pháp, chân Đạo, xin thầy giảng cho.
- Phật là tâm thanh tịnh, Pháp là tâm quang minh, Đạo là tịnh quang ở mọi nơi đều vô ngại. Ba là một, một là ba, đều không, không thật, tỷ như đạo nhân chân chánh, niệm niệm chẳng đoạn. Đạt Ma tổ sư từ Tây sang, chỉ để tìm một người không bị mê hoặc. Sau Nhị tổ gập được, chỉ một câu là xong, mới biết lúc trước đã dụng công sai. Ngày nay sư núi này chỗ thấy so với Phật không khác. Nếu hiểu được câu thứ nhất thì có thể làm thầy của Phật, nếu hiểu được câu thứ hai thì làm thầy của trời, người. Nếu hiểu được câu thứ ba thì tự cứu chẳng xong. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Câu một chỉ tâm thanh tịnh, Tâm là Phật. Nếu đã thanh tịnh tức chứng Phật quả, là chứng ngộ.
Câu hai chỉ tâm quang minh là giai đoạn lý ngộ, nên có thể làm thầy trời, người.
Câu thứ ba chỉ vô ngại tịnh quang tức là đối với Phật pháp có thể tín thọ phụng hành, nhưng vẫn chưa triệt ngộ Phật lý. Giai đoạn này có thể tiến, có thể lui, cho nên tự cứu chẳng xong.

469  Ngọa Luân.
Có ông tăng dẫn bài kệ của Ngọa Luân cho Lục tổ nghe:
臥 輪 有 伎 倆
Ngọa luân hữu kỹ lưỡng
能 斷 百 思 量
Năng đoạn bách tư lương
對 境 心 不 起
Đối cảnh tâm bất khởi
菩 提 日 日 長
Bồ đề nhật nhật trường
     臥 輪
     Ngọa Luân
Ngọa  Luân  thực  giỏi  giắn
Tư  tưởng  thẩy  dứt  lặng
Đối  cảnh  tâm  chẳng  sanh
Bồ  Đề  ngày  lớn  mạnh.
 (Trúc Thiên dịch)
Lục tổ nghe rồi nói rằng:
- Bài kệ này chưa rõ tâm địa, nếu theo đó mà tu thì càng bị trói buộc.
Do đó, tổ nói bài kệ:
惠 能 沒 伎 倆
Huệ Năng một kỹ lưỡng
不 斷 百 思 量
Bất đoạn bách tư lương
對 境 心 數 起
Đối cảnh tâm số khởi
菩 提 作 麼 長
Bồ đề tác ma trường
     惠 能
     Huệ Năng
Huệ  Năng  chẳng  giỏi  giắn
Tư  tưởng  chẳng  dứt  lặng
Đối  cảnh  tâm  cứ  sanh
Bồ  Đề  nào  lớn  mạnh.
(Trúc Thiên dịch)
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tâm là chủ thể của Động, Tĩnh. Con người là động vật không thể không hành động, không tư tưởng. Tam tổ nói trong Tín Tâm Minh "Chỉ động quy chỉ, chỉ cánh di động.” Có niệm đầu "chỉ" tức là động tướng rồi, chỉ cần tâm chẳng sanh thì tuy động mà chỉ.

470  Lục Tổ giảng cho Tiết Giản.
Võ Tắc Thiên sai nội thị là Tiết Giản đi mời Lục tổ vô kinh. Lục tổ nại cớ bị bệnh mà từ chối. Tiết Giản xin tổ chỉ thị tâm yếu. Tổ nói:
- Chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa, chẳng ở trong ngoài, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời gọi là Đạo.
Giản thưa:
- Thầy nói chẳng sanh, chẳng diệt thì có khác gì ngoại đạo đâu?
- Ngoại đạo nói chẳng sanh, chẳng diệt là đem diệt ngưng sanh, lấy sanh biểu lộ cái diệt, diệt còn chẳng diệt, sanh nói vô sanh. Ta nói chẳng sanh, chẳng diệt là vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt cho nên chẳng giống với ngoại đạo. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đoạn, thường, đến, đi chỉ thời gian. Trong, ngoài sanh diệt chỉ không gian. Thời gian và không gian đều có đối đãi. Thiền là tuyệt đối đãi cho nên nói thường trụ chẳng dời. Chúng sanh sinh hoạt trong thời không sinh lý và tâm lý đều bị thời, không khống chế. Nếu một niệm chẳng sanh thì thời, không  đều lặng.

471  Một mũi tên.
Đại Giác lúc sắp mất nói với đại chúng:
- Ta có một mũi tên, giao cho ai đây?
Một ông tăng bước ra:
- Xin thầy giao cho con.
- Ngươi gọi mũi tên đó là gì?
Ông tăng hét lên, thiền sư hươi gậy đánh, rồi về phòng phương trượng, gọi ông tăng đó vào hỏi:
- Vừa rồi ngươi có hiểu không?
- Không hiểu. Thiền sư lại hươi gậy đánh vài cái nữa, nói:
- Về sau gập người sáng mắt hãy hỏi cho rõ.
Nói xong rồi mất.
(Thiền Cơ)

Một mũi tên chỉ tự tánh, người sáng mắt chỉ người đã kiến tánh.

472  Đừng phụ lão tăng.
Trần Tôn Túc bảo đại chúng:
- Các ngươi chưa có chỗ vào, khi đã có chỗ vào đừng phụ lão tăng.
Một ông tăng bước ra thưa:
- Sau này, con chẳng giám phụ thiền sư.
- Ngươi sớm đã phụ lão tăng rồi! 
(Thiền Cơ)

Ông tăng tưởng từ nơi thiền sư mà được chỗ vào là đã phụ thiền sư rồi, vì chỉ có tự mình tìm được chỗ vào mới là không phụ thiền sư.

473  Không đi hỏi người.
Một ông tăng hỏi Huệ Đức:
- Thiền phong của thiền sư là gì?
- Khi gập bản lai sự liền diện bích (ngồi xoay mặt vào tường mà thiền).
- Bản lai sự là gì?
- Cũng chẳng đi hỏi người!
(Thiền Cơ)
Gia phong và bản lai sự chỉ tự tánh, diện bích và không đi hỏi người ám chỉ ông tăng phải tự tham, tự ngộ.

474  Trước 33 sau 33.
Một ông tăng hỏi Trinh Thúy:
- Cổ nhân nói trước 33 sau 33 là ý gì?
- Ngươi tên chi?
- Thưa tên mỗ.
- Uống trà đi! 
(Thiền Cơ)

Ông tăng bị văn tự kinh điển chuyển, thiền sư đề tỉnh ông bằng cách hỏi tên và bảo đi uống trà.

475  Uống trà đi.
Một ông tăng hỏi Tuyết Phong:
- Cổ nhân nói trên đường gập người thông đạt, không được im lặng, không biết làm sao đối phó?
- Uống trà đi! 
(Thiền Cơ)

Người thông đạt: chỉ người đã kiến tánh, ông tăng còn có tâm tìm kiếm bên ngoài, Tuyết Phong bảo ông uống trà đi là để cắt đứt đường suy nghĩ của ông.

476  Bất động Đạo tràng.
Nham Tuấn đến tham phỏng Đầu Tử. Đầu Tử hỏi:
- Tối qua ngươi ngủ ở đâu?
- Ở Bất Động Đạo Tràng.
- Nếu đã nói bất động sao còn đến đây?
- Đến đây chả lẽ lại là động sao?
- A! nguyên lai ngủ ở nơi chẳng chấp. 
(Thiền Cơ)

Bất Động đạo trường và nơi chẳng chấp đều chỉ tự tánh.

477  Người xuất  gia.
Một hôm, Dũng Tuyền ăn cơm không mặc cà sa. Một ông tăng hỏi:
- Thế này chẳng là biến thành người tục hay sao?
- Chả lẽ bây giờ lại là người xuất gia?
 (Thiền Cơ)

Ông tăng còn chấp mặc hay không mặc cà sa, người xuất gia và người tục. Câu nói của thiền sư là để phá cái chấp sai biệt ở hiện tượng giới này cho ông.

478  Xem Kinh Hoa Nghiêm.
Tĩnh Huệ hỏi Đạo Tiềm:
- Ngoài tham thỉnh ra, ngươi còn xem kinh gì?
- Xem Kinh Hoa Nghiêm.
- Tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại, 6 tướng trên nắm lấy cái nào?
- Ở thập địa phẩm nói "Các pháp đều gồm 6 tướng.”
-  "Không" còn có 6 tướng không?
Đạo Tiềm không đáp được, Tĩnh Huệ bảo:
- Ngươi hãy hỏi ta 
- "Không" còn có 6 tướng không?
- "Không.”
Đạo Tiềm đại ngộ, Tĩnh Huệ hỏi:
- Ngươi hiểu thế nào?
- "Không.”
Tĩnh Huệ ưng chịu. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

6 tướng là Dụng không phải là Thể. Chân như một pháp chẳng lập huống hồ là 6, cho nên Tĩnh Huệ đáp “không.” Đạo Tiềm lấy "không"  mà ngộ. Không thấy một pháp tức là Như Lai, cho nên gọi là Quán Tự Tại. Thấy cái vô sở kiến, thì bất kỳ hình tượng nào cũng không thể trói buộc được.

479  Thanh Nguyên Duy Tín.
Thanh Nguyên nói:
Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền thấy núi là núi, thấy sông là sông. Về sau thân cận bậc thiện tri thức, có được chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy sông chẳng phải sông. Nay vào chốn yên vui tịch tĩnh lại như lúc trước,  thấy núi chỉ là núi, thấy sông chỉ là sông. (Hương Thủy Hải)

Câu "thấy núi là núi, thấy sông là sông" và câu "thấy núi chỉ là núi, thấy sông chỉ là sông" có điều nào bất đồng chăng? Chỗ bất đồng là ở cái Ngã.
Trong giai đoạn 1, vì lấy cái ngã lý giải mà quan sát. Tập quán khiến chúng ta đứng trên quan điểm chủ quan mà quan sát thế giới khách quan, Ngã là trọng tâm của thế giới, cái ngã tập quán từ cái ngã lập trường mà ra. Lấy vị trí, tư tưởng, lòng yêu ghét của ngã mà nhìn ngắm thế giới. Ngã tuy nhiên "thấy núi là núi, thấy sông là sông" kỳ thực thì chỉ thấy thế, không khế nhập vào núi, sông. Giữa ngã và núi sông còn ly cách.
Giai đoạn 2 , Thanh Nguyên nói "có được chỗ vào" là đã ngộ được chân lý thiền, là thể nghiệm được vạn vật đều không, phá được ngã chấp, biết được ngã hoặc núi sông chỉ là do duyên khởi mà tồn tại. Lúc đó, phủ định tất cả những chủ quan lúc trước. Do đó nói "thấy núi chẳng phải núi, thấy sông chẳng phải sông.”
Giai đoạn 3.  "Không" không phải là một khách thể thuần nhiên không tiến vào một trạng thái viên mãn do đó núi sông, vạn vật theo bản lai diện mục hiển hiện trước mắt ta. Núi sông tự thân là 1 loại thực tại. Nó không phải là phản ảnh của ngã, nó cũng không phải là hình ảnh của không. Nó chỉ là núi thật, sông thật. Ngã không ở trong, không ở ngoài vì ngã là cái bản nhiên đó. Chúng ta có thể nói ba giai đoạn của Thanh Nguyên là quán sát, thể nghiệm, viên mãn. Đó là 3 giai đoạn của quá trình thiền ngộ.

480  Thượng thượng căn khí.
Một ông tăng hỏi Nam Viện:
- Người thượng thượng căn khí đến, thầy có tiếp không?
- Tiếp.
- Vậy sao, thỉnh thầy tiếp.
- Trước hết, lấy bình đẳng giao tiếp. 
(Thiền Cơ)

Nhà Phật phân 3 hạng người: thượng, trung, hạ căn khí. Người thượng thượng căn khí, ngộ tánh cao, dễ dàng thấy tánh. Người hạ hạ căn khí ngộ tánh thấp thấy tánh khó. Khó,và dễ là do trình độ không đồng. Tự tánh mọi người đều bình đẳng. Ông tăng mời thiền sư tiếp là còn chấp khó, dễ. Câu trả lời của thiền sư ám chỉ chi bằng tự tánh tự tiếp.

481  Đệ nhất đẳng nhân đến. 
Một hôm, Chân Định Suý Vương đến thiền viện. Triệu Châu ngồi yên trên thiền sàng không động, hỏi rằng:
- Đại Vương hiểu không?
- Không hiểu.
- Lão tăng từ nhỏ ăn chay đến nay, không có sức xuống thiền sàng. 
Suý Vương nghe rồi càng trọng, cách ngày lại sai một vị tướng quân đến thăm. Triệu Châu liền xuống thiền sàng tiếp đón. Khi vị tướng quân đi rồi, thị giả thấy kỳ quái bèn hỏi:
- Hôm qua Suý Vương đến, thầy không xuống sàng, hôm nay tướng quân đến vì sao lại xuống sàng?
- Điều này ngươi không biết. Người đệ nhất đẳng đến ta tiếp ở thiền sàng, người trung đẳng đến ta xuống sàng tiếp, người mạt đẳng đến ta ra tận ngoài cổng tam quan đón. 
(Thiền Cơ)

Thiền sư tuỳ theo căn khí, trình độ, trạng huống đối chứng mà cho thuốc.

482  Một hạt hoàn đơn.
Một ông tăng hỏi Chân Giác:
- Một hạt hoàn đơn điểm sắt thành vàng, một lời chí lý điểm phàm thành thánh, thỉnh thiền sư điểm.
- Ngươi có biết Tế Vân thiền sư điểm vàng thành sắt không?
 (Thiền Cơ)

Ông tăng còn hướng ngoại tìm hoàn đơn và lời chí lý. Thiền sư bảo ông hoàn đơn phải tự cầu, lời chí lý phải tự chứng.

483  Mạt vàng vào mắt.
Một ông tăng hỏi Chân Giác:
- Mạt vàng tuy quý, nhưng rơi vào mắt không thấm được, phải làm sao?
- Thấm không được còn thấm sao? 
(Thiền Cơ)

Mạt vàng tuy quý nhưng cũng nhưng cũng như hạt cát, rơi vào mắt chỉ khiến sinh bệnh, phải làm sao loại nó ra. Ở đây thiền sư bảo ông tăng pháp quý như mạt vàng, nhưng cũng phải bỏ, không thể chấp được.

484  A!
Một ông tăng hỏi Khế Như:
- Sanh tử đến, làm sao để tránh?
- Lệnh phù đến thì phải làm theo.
- Vậy là bị sanh tử bắt đi sao?
- A!
(Thiền Cơ)

Sanh tử thuộc về hiện tượng giới, ông tăng còn muốn tránh sanh tử là còn có phàm thánh đối lập. Thiền sư có thể trong sanh lìa sanh, trong tử lìa tử, phàm thánh vô ngại. Lời đáp của thiền sư 'Lệnh phù đến thì phải làm theo" khiến ông tăng hiểu lầm là thiền sư bị sanh tử bắt đi. Do đó, thiền sư kêu "A" ám chỉ giữa hai người không hợp cơ.

485  Dưới cầu Ma Giang.
Một ông tăng hỏi Đại Dung:
- Phật là gì?
- Dưới cầu Ma Giang, ngươi có hiểu không?
- Không hiểu.
- Trước chùa Thánh Thọ. 
(Thiền Cơ)

Phật không đâu không có. Dưới cầu Ma Giang, trước chùa Thánh Thọ đều là Phật tánh hiện thành.

486  Hang  chuột.
Tăng Chính vào phòng phương trượng hỏi Thuấn Phong:
- Phòng phương trượng vì sao tối đen như thế này?
- Vì là hang chuột.
- Thả mèo vào.
- Ngươi thả thử coi! 
(Thiền Cơ)

Hang chuột chỉ tự tánh, mèo chỉ trần duyên. Thả mèo vào hang chuột, hang chuột vẫn là hang chuột.

487  Tướng mạo đường đường.
Hoàng Bá sau khi xuất gia, đến Thiên Đài Sơn học tập, sau lên Trường An. Một hôm đi khất thực trên đường đi qua một nhà nọ, bỗng thấy một bà lão chạy ra mắng:
- Đồ hòa thượng tham tâm!
- Tôi chưa hề lấy một vật gì của bà, sao lại bảo là tôi tham tâm?
- Cầu người ta thí xả không phải là tham tâm sao?
Hoàng Bá nghe lời nói có lý bèn cười. Bà lão thấy ông cười bèn đổi thái độ, mời vào nhà và cúng dường thức ăn. Nhân bà lão hỏi chuyện, Hoàng Bá bèn đem chuyện tu hành của mình kể hết cho bà nghe, bà lão bèn cho ý kiến. Hoàng Bá thấy ích lợi vô cùng bèn xin bà thâu làm đồ đệ. Nhưng bà lão bảo bà là người nữ sợ không tiện, nếu muốn tìm minh sư hãy đến kiếm Bách Trượng. Hoàng Bá nghe lời bèn đến gập Bá Trượng. Bá Trượng hỏi:
- Người tướng mạo đường đường từ đâu tới?
- Người tướng mạo đường đường từ Lãnh Nam tới.
- Người tướng mạo đường đường tới làm gì?
- Người tướng mạo đường đường tới không vì việc khác.
(Thiền Tông Dật  Sự)

Trước mặt thiền sư Bách Trượng mà xưng mình là tướng mạo đường đường, Hoàng Bá thật là một người thuần phác, thú vị.' Không vì việc khác" là nói tới nơi chỉ muốn thành Phật, không vì chuyện gì khác cả.

488  Gập trà thì uống, gập bữa thì  ăn.
Khai Sơn Tổng Trì Tự Vinh hòa thượng (1268-1325) nghe sư phụ là Triệt Thông hòa thượng (1232-1309) giảng công án bình thường tâm là Đạo (xem công án số 1085) hoát nhiên đại ngộ. Bèn lớn tiếng reo hò:
- Con ngộ rồi.
Triệt Thông hỏi:
- Ngộ thế nào?
- Côn Lôn tối đen đi trong đêm.
- Chưa được, hãy nói lại.
- Gập trà thì uống, gập bữa thì ăn.
Triệt Thông gật đầu, mỉm cười nói:
- Sau này ngươi nhất định dương cao tông phong.
Nói rồi bèn cấp ấn khả. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Côn Lôn tối đen đi trong đêm là nói ném một quả cầu sơn đen trong đêm tối là chỉ Chân Không Vô Tướng, bình đẳng (tất cả mọi sai biệt đều bị loại bỏ trở thành vô tâm, vô ngã cảnh giới). Nếu đã ngộ được tâm bình thường là Đạo thì gập trà uống trà, gập bữa thì ăn nhưng nếu thiếu "Côn Lôn tối đen đi trong đêm" (chỉ thiền định tam muội) thì không thể đạt tới cảnh giới chân chính của thiền giả.

489  Đạo nhân.
Hoàng Bá nói:
- Biết trăm loại chẳng bằng cầu điều chót hết. Đạo nhân là vô sự nhân, chẳng cần phải quanh co, cũng không có đạo lý gì có thể nói.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Vô sự là chỉ tâm vô sự. Sự đến thì ứng, sự đi không giữ. Tất cả đều mặc tự nhiên, không tính toán, không bắt buộc. Đó là điều tất yếu của nhà Thiền. Sư cũng có nói tu lục độ vạn hạnh là có Phật thứ tự. Nhưng tâm ngộ thì thấy không có diệu pháp nào để được. Đó là chân Phật. Phật và chúng sanh đều là một tâm không khác. Hướng ngoại cầu Phật, chấp tướng tu hành đều là ác pháp, không phải là đạo Bồ Đề. Cúng dường mười phương Phật chẳng bằng cúng dường 1 đạo nhân vô tâm.

490  Siêu việt hình tượng.
Phó đại sĩ nói:
- Có một vật có trước thiên địa, vô hình vốn tịch liêu, có thể làm chủ vạn vật, chẳng đuổi theo bốn thời mà tàn. 
  (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nó có trước thiên địa, lại còn tồn tại sau bốn thời: là sung mãn thời gian, làm chủ vạn vật là sung mãn không gian, nhưng lại tịch liêu vô hình vì vậy không thể tìm nó trong thời không. Gọi nó là tự tánh. Tâm Kinh nói nó "vô trí diệc vô đắc.” Vô trí là siêu việt tri kiến, vô đắc là siêu việt hình tượng (vì những gì có được đều có hình tượng).

491  Cái búa của Nham Đầu.
Một hôm Đức Sơn bảo Nham Đầu:
- Ta có 2 thiền sinh ở đây đã lâu, ngươi hãy đi xem họ thế nào?
Nham Đầu vác búa đến lều 2 ông tăng đang ngồi thiền. Nham Đầu giơ búa lên nói:
- Nếu các ngươi nói một lời ta sẽ chặt đầu, nếu không nói gì ta cũng chặt đầu.
Hai ông tăng vẫn tiếp tục ngồi thiền như không có chuyện gì. Nham Đầu vứt búa xuống và nói:
- Các ngươi thực là những thiền sinh chân chánh.
Ông quay về Đức Sơn và thuật lại câu chuyện. Đức Sơn nói:
- Ta biết ý ngươi nhưng ý họ thì sao?
- Động Sơn có thể chấp nhận họ nhưng Đức Sơn thì không. 
 (Zen Koans)

Nham Đầu là đệ tử của Đức Sơn và chuyện Nham Đầu khám phá 2 ông tăng là một trắc nghiệm cho chính ông. Khi Đức Sơn hỏi, câu trả lời của Nham Đầu có vẻ châm biếm. Động Sơn (một thiền sư hiền từ, hòa nhã) có thể chấp nhận, nhưng Đức Sơn (nổi tiếng là thô bạo vì dùng gậy đánh) sẽ không chịu. Nếu đánh mà có thể giác ngộ thì những con ngựa kéo xe đều là Phật cả. Nham Đầu thử thách lại sư phụ. Ông chủ có khi bị chó cắn lại. Rõ ràng là có 2 trường phái sai biệt trong thiền học.

492  Bảo Thọ xoay lưng.
Một hôm, Triệu Châu đến thăm Bảo Thọ. Bảo Thọ thấy Triệu Châu đến bèn xoay lưng lại. Triệu Châu trải tọa cụ và sửa soạn lạy Bảo Thọ. Bảo Thọ đứng dậy về phòng. Triệu Châu nhặt tọa cụ và bỏ đi. 
(Zen Koans)

Đây là một công án không lời rất thử thách. Thấy Triệu Châu đến, Bảo Thọ bỏ đi không một lời giải thích. Triệu Châu rất tự nhiên, trải tọa cụ mà các ông tăng thường mang theo mình, sửa soạn lễ như thông lệ. Nhưng Bảo Thọ nhỏm dậy và bỏ về phòng. Triệu Châu đáng nhẽ phải thắc mắc 'phải có một ý nghĩa sâu xa nào đó cho việc này", lại chỉ thu dọn tọa cụ và bỏ đi. Triệu Châu tự nhiên như một trận gió thổi qua cành thông, hay như bóng theo vật, vang theo tiếng. Đến và đi, là một tác động bình yên. Triệu Châu giống như một người đi câu cá, gập mưa, khoác áo tơi, trở về nhà không buông cần câu. Một ngày như vậy đó.

493  Bách Linh và Bàng Uẩn.
Một hôm, Bách Linh gập Bàng cư sĩ ở trên đường bèn hỏi:
- Câu đắc lực của Nam Nhạc có chỉ cho ai không?
- Có.
- Ai được?
Bàng cư sĩ chỉ vào mình:
- Bàng công.
- Thực là diệu đức không sinh, khen ngợi chẳng kịp.
- Câu đắc lực của Nam Nhạc ai biết được?
Bách Linh không trả lời, đội nón lên đầu đi thẳng.
- Hãy bước cẩn thận!
Bàng cư sĩ gọi với theo, nhưng Bách Linh vẫn tiếp tục đi không ngoảnh cổ lại. 
(Zen Koans)

Bách Linh và Bàng Uẩn luôn thử thách nhau về Thiền. Trong công án này họ luận về sự hiểu biết tánh không của Nam Nhạc. Câu đắc lực của Nam Nhạc chỉ mọi sự việc luôn thay đổi, không có gì là vĩnh viễn. Khi ta xác nhận một sự việc gì thì trong thực tại nó đã thay đổi rồi không còn là như vậy nữa. Chân lý ngày hôm qua không phải là chân lý bây giờ. Trong đối thoại Bách Linh hỏi Bàng Uẩn có ai thực chứng những gì Nam Nhạc nói không? Bàng Uẩn đáp có, chính ông đã tự chứng. Rồi Bách Linh chọc quê Bàng Uẩn bằng cách khen ngợi. Cuối cùng Bàng Uẩn hỏi sự hiểu biết của Bách Linh. Bách Linh bầy tỏ bằng cách bước đi không nói lời gì. Nhưng thực ra 2 người trên, ai thực sự hiểu Thiền?

494  Thần thông.
Thạch Đầu hỏi Bàng cư sĩ:
- Gần đây, thường ngày ông làm gì?
Bàng cư sĩ trả lời bằng một bài kệ:
日 用 事 無 別
Nhật dụng sự vô biệt
惟 吾 自 偶 偕
Duy ngô tự ngẫu giai
頭 頭 非 取 捨
Đầu đầu phi thủ xả
處 處 勿 張 乖
Xứ xứ vật trương quai
朱 紫 誰 為 號
Chu tử thùy vi hiệu
丘 山 絕 點 埃
Khâu sơn tuyệt điểm ai
神 通 並 妙 用
Thần thông tịnh diệu dụng
運 水 與 搬 柴
Vận thủy dữ ban sài.
    龐 居 士
    Bàng cư sĩ
             Nhật  dụng  không  gì  khác
             Mình  ta,  ta  hòa  chung
             Việc  việc  không  nắm  bỏ
             Nơi  nơi  chẳng  trệ  ngưng
             Đỏ  tía  ai  còn  bảo
             Đồi  núi  bặt  bụi  hồng
             Xách  nước  là  diệu  dụng
                           Bửa  củi  ấy  thần  thông.
 (Trúc Thiên dịch)
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Dưới con mắt của Bàng cư sĩ xách nước, bửa củi đều là thần thông nghĩa là thần thông cũng đồng dạng với bình phàm. Tam tổ Tăng Xán cũng nói trong Tín Tâm Minh 'Lục trần bất ác, hoàn đồng chính giác.” Duy có sáu trần, nhưng nếu không khởi ác niệm thì đó tức là Bồ Đề.

495  Chẳng lìa ly tấc.
Diệu Không hỏi một ông tăng mới đến:
- Gần đây ngươi lìa địa phương nào mà tới?
- Chẳng lìa ly tấc.
- Chẳng dễ gì tới.
- Chẳng dễ gì tới!
Thiền sư bèn tát cho ông một cái. 
(Thiền Cơ)

Chẳng lìa ly tấc là chẳng lìa tự tánh.

496  Lão Bảo Ứng không có nhà.
Bảo Ứng hỏi một ông tăng mới đến:
- Ngươi vừa từ đâu lại?
- Tang Châu.
- Đến làm gì?
- Đến bái phỏng thiền sư.
- Gập lúc lão Bảo Ứng không có nhà.
Ông tăng bèn hét, thiền sư nói:
- Đã nói cho ngươi biết không có nhà, còn hét làm gì?
Ông tăng lại hét, thiền sư hươi gậy đánh. Ông tăng bèn lạy tạ. Bảo Ứng bảo ông:
- Gậy này đáng nhẽ là ngươi đánh ta, ta lại đánh ngươi năm, ba gậy, mong chuyện này lưu hành. 
(Thiền Cơ)

Ông tăng lại bái phỏng thiền sư,chỉ thấy thân xác của thiền sư chứ không thấy lão Bảo Ứng (tự tánh). Câu hỏi của Bảo Ứng là chỉ ông tăng phải tự mình kiến tánh.

497  Đàm Tạng.
Đàm Tạng nuôi một con chó khôn. Một hôm đi kinh hành, con chó cắn áo sư, sư liền về phòng. Nó nằm phục bên ngoài cửa mà sủa, dạng mạo dữ tợn. Quả thực bếp phía Đông có một con mãng xà dài mấy trượng, há mồm phì ra khí độc. Thị giả thỉnh sư tạm lánh. Thiền sư bảo:
- Chết có thể trốn được sao? Nó lấy độc mà đến, ta lấy lòng từ mà nhận. Độc không có thực tánh, ngăn lại thì nó càng mạnh hơn. Lòng từ cẩu thả, vô duyên thì sẽ oan một mạng.
Nói xong, con mãng xà cúi đầu bò đi, không thấy nữa. 
Lại một chiều khác, có một bọn cướp đến, con chó lại cắn áo sư. Sư nói với bọn cướp rằng:
- Am cỏ có gì các ngươi muốn thì cứ việc lấy đi, ta không hề tiếc.
Bọn cướp nghe nói cảm động, bỏ đi. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Chết đã không thể trốn được thì sanh có gì phải tiếc. Đạo lý này biết thì dễ nhưng làm thì lại rất khó. Đàm Tạng ở trong sanh tử, đắc thất mà không bị động nên biến hoàn cảnh hiểm ác thành an bình.

498  Sơn hà đại  địa.
Phật Nhãn hòa thượng nói rằng:
- Thanh tịnh bản nhiên sao nói bỗng nhiên sinh sơn hà đại địa? Nếu đã sinh sơn hà đại địa làm sao trở lại thanh tịnh bản nhiên? Nếu đã trở lại thanh tịnh bản nhiên làm sao thấy sơn hà đại địa?
Sau đó lại hỏi:
- Thế là thế nào?
Rất lâu sau đó lại thêm:
水 自 竹 邊 流 出 冷
Thủy tự trúc biên lưu xuất lãnh
風 從 花 裏 過 來 香
Phong tòng hoa lý quá lai hương
Nước  chẩy  bên  khóm  trúc,  lạnh
Gió  từ  khóm  hoa  tới,  thơm.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nước vốn không lạnh, lạnh là do trúc. Gió vốn không thơm, thơm là do hoa. Cũng như tự tánh vốn không sai biệt, do thọ sáu trần mà bị ô nhiễm biến thành trần tướng. Nhưng trong trần tướng có sanh có diệt cũng có tự tánh không sanh diệt. Nước và lạnh, gió và thơm có thể hợp thành một không sai biệt. Nhưng ở tự tánh cầu sai biệt thì không thể được. Công án này thuyết minh vấn đề tập nhiễm vậy.

499  Phổ Chiếu.
Phần Dương Phổ Chiếu thiền sư và Long Đức phủ doãn Lý Hầu 
là bạn cũ. Lý mời sư đến trụ trì ở Thừa Thiên. Sứ giả đến mời ba lần mà sư không chịu đi. Sứ giả bị phạt, đến thưa với sư:
- Nếu thầy không tới con sẽ bị tội chết!
- Ta bị bệnh chẳng muốn rời núi, nếu phải đi thì hoặc đi trước hoặc đi sau hà tất phải cùng đi.
- Thầy đã hứa rồi,  thì trước sau tùy thầy lựa chọn.
Sư bảo đại chúng:
- Ta đi đây, ai theo được?
Một ông tăng bước ra thưa:
- Con theo được.
- Một ngày ngươi đi được mấy dặm?
- 50 dặm.
- Ngươi theo ta không được.
Một ông tăng khác bước ra thưa:
- Con theo được.
- Một ngày ngươi đi được mấy dặm?
- 70 dặm.
- Ngươi cũng không theo ta được.
Thị giả bước ra thưa:
- Con theo được, thầy tới đâu con tới đó!
- Ngươi theo lão tăng được.
Quay lại sứ giả, sư nói:
- Ta đi trước nhé!
Nói xong liền mất, thị giả đứng bên cũng mất theo.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Sư là vị cao tăng một thời, có thể ra đi một cách ung dung. Ngay cả thị giả cũng có thành tựu như vậy. Thực là dưới tay tướng mạnh, không có binh yếu.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Trẻ tinh khôn bất thach hiện Tâm thành cảm ứng ï¾å thống Cha Súp 天眼通 意味 Cà chua chống được nhiều căn bệnh nguoi tu phat la nguoi tim ve nguon an lac giai Vị pháp bởi chút thiet lap tinh do thien nha nhu lai thuc hanh cho va nhan moi ngay Các loại thực phẩm tốt cho trí nhớ lăng hai loc dau nam coi chung phai toi Để lòng nhẹ nhàng bình an than lòng biết ơn cần thể hiện thế nào cho hoa thuong thich tri chon kỳ tích trong vách đá thê loan thả lòng theo HẠCÃn tình yêu là thượng đế vo thuong tu musangsa trung tam thien phat giao nghi le æ 5 nguyên tắc để trở thành bậc cha mẹ tieu su hoa thuong thich tu van 1866 Khánh Hòa Tưởng niệm Tổ sư khai sơn những câu nói ý nghĩa làm thay đổi tha chùa nam phÕ nen chang mot quyen nghi thuc tung niem thuan viet nữ rừng ban xau tren 3 tạm Ngủ nhiều bạn danh của có nên tu tập trong hoàn cảnh ở huy go Kinh dia tang mục họa từ miệng ra thượng c½u ba phương thức giáo dục tuổi trẻ phật để nam chu vang giup ban vuot qua kho khan va thu nu Trẻ tự kỷ biểu hiện cách phòng ト妥