.
LAI QUẢ THIỀN SƯ
THIỀN THẤT KHAI THỊ LỤC 
Việt Dịch: THÍCH DUY LỰC
Tiểu Sử 
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
KHAI THỊ
Ngày 2 tháng 11 (thất thứ ba ngày thứ ba)

Về người dụng công có câu rằng: "một người địch với muôn người", câu nói nầy đối với người xưa thì thật là đúng, nhưng đối với người nay thì không hợp. Tại sao vậy? Vì đạo tâm người xưa sung mãn, trăm lần gãy đổ chẳng trở lui, một lần bạo gan nhảy tới có thể vượt qua được ngay, người nay đạo tâm không vững, cứ một lần gãy đổ thì phải lùi lại ngay, nhiều lần bạo gan nhảy tới cũng chẳng vượt qua được. Mà không bạo gan đối địch thì còn tốt chứ bạo gan đối địch thì trái lại phải đầu hàng. Như vậy làlẽ làm sao? Đó là vì một người chúng ta sức lực thì hữu hạn, muôn người khác mỗi mỗi đèu có sức lực rất lớn. Muôn người là ai? Là tham, sân, si, mạn, nghi và các thứ phiền não vô minh. Muôn niệm nầy thì đã quen thuộc từ lâu không cần các ông đến gần nó, nó cũng tự nhiên tùy thuận các ông. Cái niệm tùy thuận tự nhiên nầy có sức lực vô lượng, muôn niệm thì sức lực lại càng lớn không kể được. Hôm nay một niệm dụng công tham thoại đầu từ lâu chẳng thấy qua cũng như chưa từng làm qua, như vậy làm sao nó tùy thuận các ông mà lại còn muốn các ông đi tìm nó, thuận nó nữa. Rõ ràng cái niệm tìm nó cực nhỏ mà cực lạ, sức lực rất nhỏ. Thí dụ như một gia đình trai gái cháu con cùng với quyến thuộc đều tự nhiên đoàn kết nhất trí, bỗng nhiên có người lạ mặt ở đâu bên ngoài đến nói rằng: "các người hãy đi ra, nhà nầy là của ta". Các ông xem đấy, thế gia đình đó có chịu nhường người ấy không? Hay là muốn địch lại người ấy? Một mình ông có muốn đuổi họ như thế thì cả gia đình họ sẽ địch lại ông, thế liệu ông có địch lại họ không? Chúng ta một niệm địch muôn niệm cũng như vậy. Muôn niệm vọng tưởng đã quen thuộc là trong nhà saün sàng. Một niệm dụng công phu nầy là còn lạ còn mới, với muôn niệm thì nó không đồng lõa. Các ông nghĩ xem, như một người cùng với cả gia đình đấu tranh thì làm sao một người địch được cả gia đình người ta? Đó cũng là một lý cả. Vậy nếu địch không nổi thì phải có cách nào lo liệu? Không tùy thuận nó được thì bỏ sao? Biện pháp thì có, trước hết cần các ông thấy rõ được nguyên nhân không địch lại họ được là nguyên nhân ở đâu? Rõ được nơi đó thì đương nhiên mới có biện pháp. Nhân vì một người các ông muốn địch lại muôn người. Các ông có niệm địch lại thì ở ngoài mặt tự nhiên sẽ có trạng thái muốn địch lại. Các ông đã có trạng thái muốn địch lại biểu thị ra đương nhiên đó là vì có địch nhân mới có. Kẻ địch thấy ông muốn địch lại họ thì đương nhiên họ muốn địch lại các ông. Tỷ như một người dự bị cùng người khác đánh nhau, nhất định trên tay phải mang dao, đầu đội nón sắt, mình mặc giáp, đứng chỗ đất rộng. Các ông đã có dự định nầy thì đối phương cả vạn người cũng muốn đến để đánh nhau. Bọn họ cũng cần phải cầm dao, cầm súng xúm lại, các ông một khi đã thấy vậy thì còn có dám đánh nữa không? Có phải khi thấy đã muốn đầu hàng rồi không? Thứ nữa, các ông có dự bị cầm dao cầm súng đánh người, không những muôn người muốn đến đánh các ông mà một người hai người thấy được cũng muốn đánh ông nữa. Tại sao vậy? Ông đương đầu với họ thì đương nhiên họ cũng xem ông là đối phương, há có lý nào lại không đánh nhau? Đúng không? Tất cả lời nói trên đều là ví dụ, chúng ta hãy học các ví dụ. Các ông nghĩ rằng: vọng tưởng đến rồi thì mau chóng lấy câu thoại đầu đánh lui nó. Như vậy đánh với nó ba lần, hai lần, bất tri bất giác tùy vọng tưởng mà đi mất đến nửa ngày, biết ra rồi lại cho là: "lạ lùng thay, ta tham thoại đàu muốn hàng phục vọng tưởng ai dè vọng tưởng nổi lên cả nửa ngày mà cũng còn chưa biết", lại tham thoại đầu nữa, một khắc sau nghiệp chướng nổi dậy, ông vẫn theo như trước mà địch lại, ba lần địch, hai lần địch, bất tri, bất giác lại tùy nghiệp chướng mà đi mất, nổi nghiệp chướng lên cả nửa ngày mới biết. Các ông suốt ngày như thế mà địch với nó, bất tri, bất giác tùy thuận nó, tức là các ông dụng công "một người địch muôn người", thực ra người đời nay không thể dụng công được. Cần phải làm sao cho muôn người bỏ ác làm lành, tất cả đều đầu hàng, chúng ta chỉ cần chuyện chú giữ lấy câu thoại đầu không rõ ràng cứu cánh là ai? Cũng chẳng biết rốt ráo là thế nào? vọng tưởng đến ta không hỏi, nghiệp chướng đến ta không hỏi. Nói tóm lại, không rời câu thoại đầu. Phật là người nào niệm? Dầu cho nổi tình yêu, nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng đủ thứ nhiều đến đâu ta cũng không hỏi. Ta vẫn còn giữ lấy câu thoại đầu để khởi nghi tình. Nghi tình phải rõ ràng, mạch lạc, cứ ung dung, ngay thẳng mà tham đi. Vậy thì vọng tưởng nổi lên mặc kệ nó, ta cứ tham câu thoại đầu của ta, mỗi người làm lấy việc của mình, các ông nổi vọng tưởng cũng được, không nổi vọng tưởng cũng được, ta cứ tham thoại đầu mà thôi, cứ giữ cái nghi tình không hiểu mà thôi. Để vọng tưởng nổi cho đã đi, nổi đến hết rồi thì không nổi nữa. Ta vẫn còn tham như thế lâu ngày rồi nó phải đầu hàng ta. Làm cho nó chí tâm quay về, thế không phải là phản vọng quy chân sao? Tỷ như ta mặc chiếc áo vá, đắp chiếc y, đầu đội mũ ngồi xếp bằng một bên đường, cho dù thiên quân vạn mã cầm đao súng đi ngang qua chỗ ta, ta có quan hệ gì đâu? Phải chăng nó đi đường nó, ta không phải là kẻ địch của nó thì làm sao nó lại đánh ta? Lâu ngày nó đi tới, đi lui, đi quen mãi rồi nó còn đến thỉnh giáo, thỉnh ta nói về tâm rất là thân thiện, có phải là quy thuận ta chăng? Các ông tất cả hãy nghĩ xem có đúng không? Ta với nó làm địch tất nó sẽ liều mạng với ta, ta không cùng nó làm địch nó sẽ thân cận ta, tùy thuận ta thôi. Các ông thử nghĩ ta chỉ với câu thoại đầu mà không minh bạch gặp vọng tưởng nào cũng chẳng hỏi, không lấy nó làm bạn xấu, cũng chẳng lấy nó làm bạn tốt, không đến gần nó cũng chẳng xa nó, dụng công tham thiền như thế thì còn gì tốt hơn. Rõ ràng câu thoại đầu nầy mà nhận chân tham cứu không cùng với tát cả vọng tưởng, nghiệp chướng làm bạn, không cùng với thiên, nhơn, A-tu-la làm bạn, cũng không cùng với Chư Phật, Bồ Tát, lịch đại Tổ sư làm bạn. Các ông e sợ mà còn mối hoài nghi mới hỏi: "Nói câu thoại đầu không cùng vọng tưởng, nghiệp chướng làm bạn còn có thể được không cùng Chư Phật, Bồ Tát làm bạn tôi có chỗ không tin". Đúng đấy! Không tin thì không lạ gì ông, ta muốn hỏi ông: Có tham câu thoại đầu hay không? Giả sử không có tham thì hãy tin lời ta. Hãy tham câu thoại đầu đến rốt ráo xem là ai, cứu cánh là ai? Các ông từ sáng đến tối cứ như thế không gián đoạn, liền không có kẽ hở, chính vào lúc nghi tình đắc lực, các ông hãy mở mắt ra mà xem, Phật có còn không? Tổ có còn không? Đấy, ấy phải là tự các ông đi đến nơi đó thì mới thấy được. Tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 3 tháng 11 (thất ba ngày thứ ba)

Trình tự của việc tham thiền, đại khái từ đa tâm đến thiểu tâm, do thiểu tâm mà đến nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, liễu tâm. Đa tâm của các ông bây giờ nhất định chẳng có đâu. Đa tâm là sao? là tất cả cảnh giới bên ngoài, hoặc Thượng Hải, Bắc Bình, hoặc Tô Châu, Nam Kinh cho đến tất cả mọi nơi đều là đa tâm cả. Đa tâm chẳng có thì còn có thiểu tâm, thiểu tâm lại là cái hình sắc thấy được, âm thanh nghe được ở chốn thiền đường, cho đến chỗ thiểu tâm nầy, đại khái là có vậy. Hôm nay nói câu thoại đầu nầy, ngày mai cũng nói câu thoại đầu nầy, lâu ngày rồi sẽ tự biết do thiểu tâm đến nhất tâm, nhất tâm lại là cái tâm tham thoại đầu, còn cái gì khác nữa cũng chẳng có: đi, đứng, nằm, ngồi cũng là cái tâm nầy; mặc áo ăn cơm cũng là cái tâm nầy. Với cái tâm nầy đã quen thuộc rồi thì đối với vô tâm, liễu tâm đều có thể tiếp tục đạt đến được. Đây cũng là trình tự dụng công tham thiền trong thiền tông cũng không phải là giáo môn nói theo lục thức, nhất thức, bát thức, trần sa vô minh. Thiền tông chỉ là: từ nhiều đến ít, từ ít đến không. Nhiều nhất chỉ là nói thô hay tế, đó là phương tiện cùng cực. Lại nữa, câu thoại đầu nầy, các ông thực không ưa nghe "ngày nào cũng nói, nhiều quá đi rồi, chán nãn quá! Mà có cái gì nói đâu, câu thoại đầu ấy một chút mùi vị cũng chẳng có". Các ông đã không thích nghe mà tại sao ta còn cứ muốn nói câu nhạt nhẽo nầy? Vậy thì ta muốn hỏi các ông: muốn hay không muốn tham thiền? Các ông là người làm việc gì? Nếu là người tham thiền muốn liễu sanh thoát tử, vậy thì sanh tử muốn liễu thoát đó, thiền thì nhất định phải tham. Đa tâm thì người nào cũng có, các ông dùng phương pháp nào mà có thể làm cho đa tâm thành thiểu tâm, làm cho thiểu tâm thành nhất tâm cho đến vô tâm, liễu tâm? Trình tự tham thiền không trải qua con đường nầy tất không thể nào được liễu tâm. Cái pháp tham thoại đầu nầy thì rất xứng đáng, thâu đa tâm thành thiểu tâm, từ thiểu tâm mà đến nhất tâm, vô tâm, liễu tâm. Các ông không tin vào cái pháp nầy, thế các ông có thể tin vào cái pháp nào nữa? Nếu các ông thực không tin, chẳng thèm nghe, ta cũng chẳng cần nói. Câu thoại đầu cũng không có gì là phạm vi lớn cả, chỗ của nó rất nhỏ, một tấc, một phân cũng chẳng có. Nói cho gọn thì có thể nói thật là nhỏ, bỏ nó vào tay cũng được, bỏ xuống chân mà đạp lên cũng được, đặt lên đầu lông mày cũng được. Các ông xem đó mà cho là một việc không đáng kể. Tiếc thay! Tất cả chúng ta đều ở trong căn phòng nhỏ bé nầy, các ông ở trong đó ta cũng ở trong đó, thập phương Chư Phật, lịch đại Tổ sư cũng đều ở trong đó. Các ông còn có một người nào không ở trong đó không? Còn có thể ra khỏi phạm vi bé tí ti nầy không? Ta hỏi các ông: có ra được hay không ra được? Không ra được, đầu thai thành trâu cũng từ nơi nầy ra, ngựa cũng từ nơi nầy ra. Các ông còn có người đứng ra nói: "Tôi không ở trong, tôi đã ra ngoài rồi". Các ông còn có người nào đứng ra nói như thế không? Đại khái các ông không có người nào như vậy. Giả sử các ông có một người nói:

"Ta đã ở bên ngoài rồi" cũng còn chưa đúng, ông ở bên ngoài, ta ở bên trong, đem bên trong bên ngoài quăng bỏ đi hết thì mới đúng. Nếu trong ngoài đều không vứt bỏ thì chưa được kể là liễu sự. Câu thoại đầu mà các ông không chịu nghe nó không có mùi vị thì kết quả vẫn còn ở trong bụng nó, không ra khỏi phạm vi của nó được một bước. Có bản lĩnh lớn nhất cũng không làm gì nỗi nó. Các ông còn phải tin nó không? Nếu không tin nó thì các ông có bản lĩnh gì ra khỏi phạm vi của nó không? Tại sao muốn nói câu thoại đầu làm cho ta tất cả đều ở trong phạm vi của nó? Bởi vì một câu thoại đầu nầy là ai, rốt ráo không rõ được vì bị nó nhốt lại đến chặt cứng. Cái cửa nầy phá không được tất nhiên thiên đường, địa ngục, thai trâu bụng ngựa cũng không phá được. Chung qui bị nó nhốt lại, nếu muốn phá cửa nầy thì cần phải tham câu thoại đầu. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 4 tháng 11 (thất ba ngày thứ năm)

"Chỗ lạ chuyển thành quen, chỗ quen chuyển thành lạ" nói chung là pháp thế gian và xuất thế gian đều như thế cả. Tỷ như có người ở Chùa Kim Sơn các ông thì sự việc trong Chùa đều biết, không những là nhà cửa, cột kèo, ngói gạch các ông cũng đều đếm qua từng cái, cũng có thể nói là thông thuộc lắm vậy. Ngày nay đến Chùa Cao Mân một chỗ cũng chẳng thông, cái gì cũng không hiểu được, đây hoàn toàn là lạ vậy; đây cũng là cái lý thông thường thôi và mọi người đều thấy được cả. Tuy nhiên Chùa Cao Mân là lạ, Chùa Kim Sơn là quen, các ông được ở Chùa Cao Mân một ngày thì đương nhiên sẽ quen được một ngày. Người mới bắt đầu tuy ở Chùa Cao Mân, nhưng tâm vẫn ở Chùa Kim Sơn, đợi đến khi ở được một năm thì mới quen được một năm, ở cho đến hai mươi năm, ba mươi năm thì đương nhiên Chùa Cao Mân cũng quen thuộc cùng cực. Cao Mân quen được một ngày thì Kim Sơn lạ đi một ngày, Cao Mân quen được một năm thì Kim Sơn lạ đi một năm, ba mươi năm cực quen thuộc Cao Mân rồi thì Kim Sơn cũng cực lạ rồi, đây cũng là lẽ thường. Đối với chúng ta thì dụng công cũng như vậy. Câu thoại đầu từ vô lượng kiếp đến nay chưa thấy qua, lại cũng chưa làm qua, nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng quen thuộc lắm rồi từ vô lượng kiếp đến hôm nay, chẳng mảy may có giây phút nào lìa khỏi nó. Sống trong vọng tưởng đã rồi nổi nghiệp chướng, nghiệp chướng nổi đã rồi lại khởi tình ái, tình ái khởi đã rồi đi đến chỗ nổi giận, như thế suốt ngày, suốt năm, đời nầy đến đời kia, kiếp nầy đến kiếp kia, không phút nào ngừng nghỉ, tất cả những điều nầy đều quen thuộc cả rồi. Hôm nay muốn các ông tham câu thoại đầu, một chút hình ảnh đều không thấy, một câu thoại đầu mới đề lên vọng tưởng đã nhanh chóng lôi nó đi, gắng sức đề lên một lần nữa, hai lần nữa nhưng tâm vẫn còn ở trong vọng tưởng. Các ông muốn suốt ngày không rời câu thoại đầu, rốt cuộc lại bị vọng tưởng nghiệp chướng dắt đi. Tại sao vậy? Đó tất là vọng tưởng nghiệp chướng thì hoàn toàn quen thuộc còn câu thoại đầu thì xa lạ hoàn toàn, cũng giống như Chùa Kim Sơn thì quen mà Chùa Cao Mân thì lạ vậy. Giả sử như nếu có vọng tưởng thì cũng còn là câu thoại đầu, không có vọng tưởng cũng là câu thoại đầu, nổi nghiệp chướng cũng là câu thoại đầu, chẳng nổi nghiệp chướng cũng là câu thoại đầu, lạ cũng là câu thoại đầu, quen cũng là câu thoại đầu, đề lên được cũng là câu thoại đầu, không đề lên được cũng là câu thoại đầu. Chung qui có thể không ăn cơm, không ngủ nghỉ, nhưng không có câu thoại đầu thì không được. Hôm nay thì lạ, ngày mai cũng lạ, lâu ngày đương nhiên sẽ thành quen, cho đến mỗi năm lại càng thêm quen, hai mươi năm, ba mươi năm chắc chắn sẽ quen thuộc hoàn toàn thôi. Câu thoại đầu từ lạ mà dần dần chuyển thành quen, vọng tưởng nghiệp chướng từ quen mà dần dần chuyển ra lạ. Câu thoại đầu đã quen thuộc rồi thì vọng tưởng nghiệp chướng, thế sự đều sẽ thành xa lạ thôi. Như quen thuộc Chùa Cao Mân xa lạ Chùa Kim Sơn vậy, các ông có một chút tri thức ta nói như thế thì các ông sẽ hiểu được sự quan hệ giữa lạ và quen, thì có phải là cần khổ công tham cứu không? Cần tham cứu lâu dài không?

Tham không được, không có bệnh nào khác, bởi vì quá lạ nên vọng tưởng nghiệp chướng không đánh lui được, không dằn xuống được, muốn được lạ chuyển thành quen, quen chuyển thành lạ đương nhiên cần phải khổ công tham cứu câu thoại đầu, lâu rồi cũng đến một ngày phải thành công thôi. Công phu không dụng được đó là vì ông không triệt để tin vào pháp tham thoại đầu nầy. Tại sao vậy? Bởi vì câu thoại đầu đề lên cũng như núi bạc, vách sắt, kêu ông đi thì ông phải bước chân vào chỗ nào? Chẳng những không có được đường đi mà ngay cả nơi nghỉ chân cũng chẳng có, mở mắt xem thì không thấy đồ vật, lắng tai nghe cũng không nghe được âm thanh, mắt thấy không được, tai nghe không được, chỗ để chân cũng không có, bảo ông đi thì làm sao ông đi được? Ông không đi được ông còn tin được sao. Nhất định là không tin rồi, vì từ vô lượng kiếp đến nay nơi đi đều có hình sắc thấy được, có âm thinh nghe được, có đường đi được. Ngày nay dạy các ông tham câu thoại đầu, cái chỗ nầy không giống như nó đâu: xem không được, nghe không xong, chân không có chỗ đặt xuống thì hình như khổ muốn chết đi. Các ông cho là: "Từ trước nơi nào cũng đến qua rồi, cái chỗ tham câu thoại đầu không đầu không đuôi, chẳng có đông tây, nam bắc, chẳng tư duy trên dưới nầy, không những chẳng có người nào mà ngay cả ta cũng không có được. Chỗ nầy chưa có đến qua làm sao có thể dạy ta tin được, tin cái gì? Có cái gì hãy đưa ta xem, có âm thanh gì hãy cho ta nghe mới được chứ, thì bây giờ tôi mới có thể tin được, thí dụ có một cô gái mặc áo đỏ xanh, mặt mày thật đẹp đẽ, mở miệng nói tiếng nghe rất hay, ông bảo tôi tin thì tôi nhất định tin, bởi vì nhìn thấy sắc đỏ xanh, nghe được tiếng êm dịu, tự mình mắt thấy tai nghe thì phải tin thôi. Hôm nay tham câu thoại đầu rỗng không, cái gì đâu cũng chẳng thấy, lại còn bảo người tin làm sao được, thực là làm cho người ta thấy khó chết đi thôi!" Cũng giống như dạy các ông đi trên hư không vậy, chẳng đi thì không qua được, muốn đi lại đi không đến, không đi cũng buộc phải đi, hôm nay cũng buộc, ngày mai cũng buộc, buộc cho tới không có cách nào thì phải đề câu thoại đầu mà tham. Không có chỗ để chân cũng phải bỏ một chân, không thấy được vật gì, nghe chẳng được âm thanh nào thì chẳng quản gì nó lại cũng từ nơi nầy hướng tới trước mà đi xem, đợi đến khi ông bước một bước hình như có một chỗ để chân xuống, chẳng quản gì nó lại đi thêm một bước nữa, à! có thể đi được rồi, lâu dần đi, từng chút từng chút một bước về phía trước, cứ như thế thì có thể bước ra đến một con đường sáng sủa, cũng như bảo ông đi trên hư không không nơi đặt chân. Cần phải buộc ông đi, hôm nay cũng buộc, ngày mai cũng buộc, cứ buộc tới không có cách nào cũng phải hướng tới trước mà đi từng tí từng tí một. Lâu dần đi thì đi trên hư không cũng có thể đi được, đi quen rồi cũng không thấy quái lạ gì, muốn lăn người, muốn nhào lộn cũng có thể cho ông tự do. Đó là lẽ làm sao? Chẳng có gì khác cả, chỉ là quan hệ giữa lạ và quen. Lạ là không động, nếu quen rồi thì cái gì cũng làm được hết. Tham câu thoại đầu cho quen thuộc rồi lại còn lý gì mà không dụng công phu được nữa đâu. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 5 tháng 11 (thất ba ngày thứ sáu)

Người muốn liễu thoát sanh tử thì phải siêng dụng công phu, người không biết sự sanh tử thì tối ngay sống trong sự khổ cực. Đối với người ở chốn tòng lâm thường tình đều như thế cả, người có chút đạo tâm biết hai chữ sanh tử là lợi hại đương nhiên không liễu thoát nó không được. Việc thế gian có thể ngưng lại một bước nhưng việc sanh tử thì gấp lắm, không cho chậm trể được. Người muốn hành đạo thấy được đả thiền thất họ sẽ mừng lắm, phấn khởi tinh thần tham gia, bởi vì lúc thường thì có nhiều sự phá rối việc công phu, mặc dù phục vụ nhà Chùa là vun trồng cội phúc đối với bổn phận của mọi người thì nói vun trồng cội phúc cũng được, nói là việc quấy rối công phu cũng có thể được. Trong thời kỳ đả thiền thất nầy việc gì cũng khỏi làm thì công phu mới xứng đáng. Một nén hương rồi một nén hương tự mình xem xét mình, nén hương nầy công phu còn đắc lực, nén hương kia nửa nén đắc lực, nửa nén thì không, tự mình xét mình tất cả, tự mình buộc lấy mình, nén hương trước không đến nơi đến chốn nén hương sau có được hơn nửa đắc lực, thì một nén hương nữa có thể đắc lực hoàn toàn. Từng bước từng bước tiến lên. Người muốn liễu thoát sanh tử cứ mãi lo sự tham cứu nầy, và người không có chút đạo tâm sẽ nghĩ rằng: "Ngày thường còn có chút việc để tiêu khiển, còn có thể mượn sự làm việc để giải buồn mà hôm nay đả thiền thất thì hỏng rồi, một chút việc cũng chẳng có, thật làm ta buồn muốn chết đi. Từ sáng đến tối chỉ đi đi, ngồi ngồi trong thiền đường, không thì đi cầu tiêu đại và tiểu tiện trong lúc khai tịnh, ngoài việc quả đường ra thì cũng chẳng thấy được cảnh giới bên ngoài, thực làm cho người ta thấy khổ muốn chết đi, một khắc thời gian cũng không có". Thế là lý lẽ làm sao? Bởi vì tâm của các ông không có giờ phút nào ngừng được. Ngày thường ngoài việc nổi vọng tưởng, làm công việc, làm rồi lại nổi nghiệp chướng nghiệp chướng nổi đã rồi thì đi ngủ. Mở mắt tỉnh dậy lại nổi vọng tưởng nữa. Hôm nay đả thiền thất không có việc gì để làm, muốn ngủ thì không cho nhưng ông nổi vọng tưởng thì không ai làm gì nổi cho ông được, không những ta mà ngay cả Phật Thích Ca cũng không làm gì được cho ông. Cho ông nổi vọng tưởng nhưng chỉ nổi vọng tưởng thôi thì còn thấy không vui. Ngoài nổi vọng tưởng tâm không còn vật gì để dựa vào. Lo cái tâm cực khổ, lo nén hương dài quá, lo lúc đánh bản thì không hiểu sẽ được ăn món gì hoặc là vị giám hương đánh bản quá mạnh. Tối ngày cứ lo việc nầy không còn việc gì khác. Các ông những người như vậy thì không ít. Nếu không sửa đổi thì ta nói thật, ta không khách sáo với các ông, các ông làm người như vậy tức là tội nhân. Các ông tưởng rằng không có phạm pháp chi thì làm sao gọi là tội nhân? Đúng đấy! Các ông cần phải hiểu tất cả hộ pháp trong ngoài nhà Chùa đều vì các ông dụng công hành đạo để liễu sanh thoát tử. Ai bảo ông là làm cho qua ngày? Ông làm như vậy, không dụng công, không hành đạo thì không phải là tội nhân hay sao? Ta nói đại đa số các ông không dụng công là tội nhân là ta còn ưu đãi các ông đó, các ông có tin không? Các ông cả ngày ba tuần trà, bốn bửa cơm, hai lần nước người ta làm saün sàng để thọ dụng, không dụng công đương nhiên là tội nhân. "Vậy đã nói là tội nhân sao còn ưu đãi chúng tôi?" Ta nói ưu đãi các ông là sao? Các ông cần phải biết: "Hào ly hệ niệm, tam đồ nghiệp nhân" (hễ mảy may niệm nổi lên thì tạo nhân ba ác đạo). Các ông thử nghĩ xem, các ông suốt ngày muôn ngàn niệm cũng có đâu phải mảy may thôi đâu? Một mảy may niệm thì tạo các nghiệp nhân đọa vào ba ác đạo, tương lai sẽ thọ quả ba ác đạo. Một niệm mà có nhiều quả báo như vậy mà các ông niệm nầy qua niệm kia muôn muôn ngàn ngàn không ngưng nghỉ thì chịu quả báo biết bao nhiêu. Vậy ta chỉ nói tội nhân là ưu đãi các ông rồi đó nhưng ta cũng hy vọng mọi người cần tham câu thoại đầu, tham cho đến thông suốt hết mới được. Chỗ nào là chỗ dụng công phu cho được, ta muốn hỏi: các ông có tham câu thoại đầu không? Các ông trả lời: có. Ta lại hỏi: Nghi tình có đắc lực không? Các ông nói đắc lực. Ta lại hỏi thêm: trong khi đắc lực còn có thiện niệm, ác niệm không? Còn có cái niệm thành Phật không, còn có cái niệm độ chúng sanh hay không? Nếu nói đều không có thì luôn cả hai chữ <B>không có <D>cũng không biết. Nói như thế thì được sự thực hành rồi. Muốn các ông tự mình hành đến chỗ nầy thì mới có sự thụ dụng. Các ông nếu thật có công phu như thế, quày đầu lại (ngộ) với câu "niệm Phật là ai?" lẽ nào không mở miệng được! Hôm nay ta hỏi ông: Niệm Phật là ai? các ông không mở miệng được. Ta hỏi nữa thì mặt các ông đỏ hết, không được hỏi nữa, hỏi nữa thì không đúng rồi. Như vậy tức là công phu à! Một người bị người ta hỏi một câu không mở miệng được, hỏi nữa cũng không trả lời được. Các ông làm người như vậy, nếu người có một tí ti học thức đương nhiên cần phải buông bỏ tất cả học vấn cùng tột của mình, chỉ chuyên giữ lấy câu thoại đầu thà chết chứ không buông. Muốn cái đầu của ta thì được, chứ muốn bỏ câu thoại đầu thì không được. Người chức sự bảo trải nệm ngồi, ta cũng không biết trải hay không? Cần nhất là chiếu cố đến câu thoại đầu, quá lắm chỉ là bị đánh hương bản thôi, chung qui bảo ta bỏ câu thoại đầu để đi trải nệm ngồi thì ta không làm, thà chịu hương bản, chúng tôi trước kia dụng công là vậy đó. Thà rằng phạm quy củ bị đánh hương bản chứ bảo ta bỏ câu thoại đầu thì không được. Trong các ông chưa có ai nói công phu là cần thiết hơn cả. Phạm quy củ bị đánh hương bản là việc không đáng kể, chỉ cần có công phu để dụng là được rồi, có được một người như thế chăng? Ta dám nói không có, vậy các ông là người như thế nào? Các ông muốn giữ cái mặt bề ngoài cho tốt, rất sợ mất mặt. Bị đánh hương bản là sự mất mặt rất khó chịu. Cái thứ mặt thối như cứt chó nầy mà giữ nó làm gì. Nhưng các ông muốn giữ cái mặt thúi đó không giám ruồng bỏ nó. Với các bổn lai diện mục rất qúy lại không nghe không hỏi, cho là không cần vì người ta không thấy mà chỉ muốn giữ lấy cái mặt thúi cho tốt là đủ rồi. Như vậy há chẳng đáng tiếc, đáng buồn sao? Các ông cam tâm làm thứ người vô dụng như vậy sao? Các ông còn biết các ông khổ não không? Hôm nay có duyên ta giảng cho các ông nghe, các ông còn không dễ gì nghe nhiều được. Các ông hãy gắng sức tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 6 tháng 11 (thất ba ngày thứ bảy)

Người dụng công phu thường ngày dụng còn khá. Dù có nổi vọng tưởng, đề lên câu thoại đầu thì vọng tưởng mất tiêu, công phu cũng còn dụng được, lúc tịnh dụng được, lúc động cũng dụng được, hình như niệm niệm cũng không bỏ trống. Hôm nay đả thiền thất thì trái ngược lại, thoại đầu đề không lên, vọng tưởng cũng nổi không được, thanh thanh tịnh tịnh, muốn đề lên không câu thoại đầu để dụng công phu. Đề lên một lần không được, hai lần không được, ba lần không được, đề đến tức ngực cũng đề không lên. Hình như đả thất đã hỏng rồi. Ngày thường tham rất tốt, tại sao đả thất lại dụng công không được? Thôi buông nó cho xong! Còn một thứ người thì đến chỗ nầy lại tưởng rằng: "Tốt lắm, thanh thanh tịnh tịnh, công phu mặc dù đề lên không được, vọng tưởng thì không có, vậy không có vọng tưởng thì đại khái như thế là đúng rồi, không cần dụng công phu nữa, nếu dụng công phu nữa há có phải là nhiều chuyện không?" Cho nên ở chỗ thanh thanh tịnh tịnh nầy hãy nghỉ ngơi đi thôi. "Thiểu số người có chút ít đạo tâm lần mờ trên sự công phu nhất định phải có một thiên sự thực nầy. Tại sao vậy? Chỗ nầy thì dụng công tất phải trải qua, ông muốn dụng công thì phải y theo đường lối nầy mà đi; con đường nầy là người dụng công tất phải đi qua, cũng không có việc lạ gì đáng kể. Mặc dù tất phải có, nhưng tri thức của hai loại người nầy đều không đúng: một loại là đề thoại đầu không lên, đề một lần nữa cũng không lên, đề năm lần, ba lần rồi bỏ luôn, một loại thì không muốn đề lên tưởng rằng đã đến nhà, nhưng sự thực nầy đối với bổn phận các ông thì còn xa lắm, cách xa như trời với đất. Hai loại nầy đều là sai lầm! Tại sao vậy? Lý do đề không lên và không muốn đề đều là do các ông đối với công phu nầy chưa thấy được thấu đáo. Nếu mà thấy được thấu đáo, tự nhiên không có sự đề không lên và không muốn đề rồi bỏ luôn nó. Người dụng công tại sao có con đường nầy? Cần phải hiểu rằng: lúc bình thường đều ở trên thanh sắc mà dụng công, không phải mắt thấy sắc thì tai nghe tiếng; và lúc ấy mặc dù đề câu thoại đầu lên được nhưng vẫn còn trên thô tâm để thấy sắc, nghe tiếng. Cái thô tâm nầy, vọng tưởng cũng có, hôn trầm cũng có, nghiệp chướng cũng có; những cái nầy thường hiện ra, bởi vì thô tâm tất phải như thế. Hôm nay đả thiền thất, thanh sắc bên ngoài đều không được đến trước mắt ông, nghĩa là không cần các ông trừ bỏ thanh sắc, thanh sắc tự nhiên không có. Vì không có thanh sắc bên ngoài nên bên trong cũng không có tư tưởng phân biệt. Có thể gọi là ngoại vô thanh sắc, nội vô phan duyên, vì thanh sắc khởi lên phan duyên, vì phan duyên phân biệt mà nói thanh sắc, vì thanh sắc phan duyên thấy nhau mà nói một thô tâm. Hôm nay thanh sắc đã không thì phan duyên làm sao có được; phan duyên, thanh sắc đều không, thô tâm đương nhiên cũng không có; thô tâm đã không thì tất cả đương nhiên sẽ ngưng lại. Đề cũng đề không lên, dụng công dụng không được, vọng tưởng cũng nổi lên không được. Thanh thanh tịnh tịnh đường đường chánh chánh tức là cái chỗ nầy và cũng là cái thô tâm đã ngưng nghỉ. Thiền tông nói như vậy, không phải như giáo môn nói cái gì là kiến tư hoặc, cái gì là tiền ngũ thức. Thiền tông chỉ nói thanh sắc, thô tâm; thô tâm ngưng nghỉ rồi không phải là hết chuyện mà còn phải tiến tới trước mới đúng. Đã là thoại đầu đề không lên thì làm sao đi? Có cách nào không? Có! Cách nầy đối với hai thứ tri kiến của loại người trên đều có thể hợp dụng. Người mà đề không lên rồi bỏ luôn cũng cần cách nầy. Người không muốn đề tưởng rằng đến nhà, cũng cần cách nầy. Cách nầy là thế nào? Tức là chỗ các ông đề không được, nghĩ ra một phương pháp đó là: "hãy tham câu thoại đầu". Ông chưa nói tôi đã nói rồi: "đề không lên thì làm sao tham?" Vậy thì đề, buông xuống, lại niệm câu thoại đầu. Mọi người đều có thể niệm được một câu thì cứ ở chỗ niệm mà tham! Chiếu theo như vậy, ở nơi đề không lên nữa, hoặc không muốn đề, là niệm một câu thoại đầu nữa. Từ chỗ năng niệm hạ thủ tham, chỗ hạ thủ nầy nổi lên nghi tình. Ta cho các ông biết; ông không muốn tham nó cũng không nghe ông, nghi tình dâng lên thì tốt lắm! Nhưng mà ta nói tốt xấu là của ta, muốn cho các ông đi được tới chỗ nầy thì các ông mới hiểu được sự chân thật bất hư. Lúc ta ở Chùa Kim Sơn công phu dụng đến chỗ nầy cũng như các ông bây giờ vậy. Đề thì đề không lên, vọng tưởng chẳng cần nói, đương nhiên cũng không nổi được, bởi vì công phu của ta và các ông không giống nhau ở chỗ đó. Ta lúc mới dụng công ta tự mình từng nén hương một mà khảo cứu, mỗi khi gặp nén hương nào khai tịnh trước hết phải tự mình thẩm vấn mình: công phu nén hương nầy ra sao? Còn hôn trầm không? Còn vọng tưởng không? Nếu còn một tí hôn trầm hoặc một tấc hương vọng tưởng thì ngay lúc đó tự mình đánh mình một bạt tai; nén hương sau tự mình trách lấy mình, phải làm sao đốn đến hôn trầm vọng tưởng không còn một tí nào nữa mới được, câu thoại đầu thật ngay thẳng, thật rõ ràng thì ta mới chịu bỏ qua không tự trách mình nữa. Dụng công cho đến chỗ nầy, cho dù đề không lên ta cũng không giống với người, đối với chỗ nầy thì ta không trụ, biết là không phải cảnh giới tốt, cho là cảnh giới tốt ta cũng không trụ. Chỉ muốn tham cứu mới đúng, không có phương pháp thì kiếm một vọng tưởng quen thuộc để suy nghĩ, vừa mới kiếm được chưa nổi lên thì đã mất rồi... Nói Thượng Hải đại vũ đài tốt lắm, lấy nó làm vọng tưởng suy nghĩ thì không được. V-ong tưởng nầy nổi không lên sau đó lại thong thả niệm ra một câu thoại đầu, thử nghĩ xem cái câu thoại đầu nầy từ chỗ nào đến đây? Đã là năng niệm thì tại sao tham không được? Từ chỗ nầy mà hạ thủ, ngưng cho đến hai ngày sau đó lại từ chỗ nầy tham nữa; giống như ba ngày không ăn cơm, thấy được cơm thì có bỏ mạng cũng muốn ăn, thì mới cảm thấy công phu dụng được tốt, lại cứ thế tiến tới. Tình hình đó thì nhiều lắm, đợi các ông dụng công đến chỗ nầy, ta sẽ thương lượng với các ông nữa. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 7 tháng 11 (thất thứ tư ngày đầu)

Ngày trước Phù Thượng Tọa đả thất được 6 ngày thì khai ngộ. Ngài Triệu Châu đả được một thất thì khai ngộ. Quốc Sư Trung Phong đả được hai thất thì khai ngộ. Triệt Tổ Thiên Tuệ chùa ta đả được bốn thất thì khai ngộ. Các ông hôm nay đả được mấy thất rồi có biết không? Ta tuy hỏi thế thì các ông cũng có người nói: "Tôi từ lúc bắt đầu khởi thất đến giờ, sớm tối đều không rõ, ngày nay, ngày mai, mùng một, ngày rằm càng không biết; chỉ mong hiểu được câu thoại đầu thì còn biết đâu là bao nhiêu thất?" Có được loại người nầy thì ta tán thưởng lắm đó! Ta cho các ông biết: hôm nay thất thứ ba đã qua rồi. Người xưa một hai thất đã khai ngộ. Các ông đả được ba thất nhưng đối với việc khai ngộ thì vẫn chưa có tí tin tức gì. Các ông hãy tự hỏi mình, dầu cho không có tin tức nào, chỉ cần không biết đến có ngày giải thất; đại chúng ngủ ông cũng nằm xuống, chẳng biết được là ngủ hay không ngủ, câu thoại đầu rõ ràng minh bạch. Người ta ngồi tôi cũng ngồi, người ta đi tôi cũng đi, nhưng ngồi hay đi đều không biết đến. Mọi người đi về phía trai đường, tôi cũng đi, đi là đi vậy, chứ làm việc gì ta cũng không biết. Mọi người ăn cơm, bát đũa ông cũng không biết cầm. Các ông có sức dụng công phu như thế ba thất không ngộ thì năm sáu thất ta có thể bảo đảm ông quyết sẽ ngộ thôi. Ta muốn các ông có công phu như thế, bằng không thì cái câu khai ngộ ấy không xong rồi. Nhưng mà cái tâm khai ngộ liễu thoát sanh tử thì đương nhiên người nào cũng có, người nào cũng mong. Đối với việc công phu cho đến tùy duyên đứng lên nằm xuống mà không biết có đứng lên nằm xuống, cũng người ta đi đến trai đường mà không biết cầm bát đũa. E rằng các ông chưa tin mà cho rằng: "Nhất định là gạt người ta rồi chứ làm gì có lẽ đó!" Đúng đấy! Chỗ đi của người khác các ông không tin vì chưa thấy đến; hôm nay ta đem chỗ hành của ta bảo cho các ông nghe thì không thể lại không tin nữa, ấy là tự ta đã đi qua, các ông nhất định phải tin. Không phải khi không ta bảo các ông tin, trong đó có một sự thực như thế nầy, ở trai đường không cho bạt tai, việc ấy có liên hệ đến sự dụng công chịu khổ của ta đã qua. Khi ta ở Chùa Kim Sơn dụgn công đến chỗ thực khẩn trương, nghi tình đang cuồn cuộn, ông muốn không tham nó cũng không cho, cứ liên tiếp mãi như thế. Khi đả thất khai bản quả đường ngồi xuống rồi nghi tình thật đắc lực, người ta ăn cơm ta không biết cầm lấy bát đũa; người ta ăn gần xong, ta hé mắt nhìn thấy cơm rau trước mặt ta bèn càm bát đũa lên, sau lại nghĩ: không thể quăng bỏ công phu được, ăn cơm vẫn phải đề công phu cho tốt, lại đẩy mạnh câu thoại đầu; rau cơm không biết lối đi vào miệng cứ ngơ ngơ ngác ngác ngồi ngay ra đấy. Bỗng nhiên buông tay đập bể chén cơm. Sư tăng trực bước đến bạt mạnh một bạt tai làm cho ta đánh rơi luôn bát cơm xuống đất vỡ toang. Sư tăng trực bạt luôn năm ba bạt tai nữa, bạt đến đầu óc ta quay cuồng. Ta bèn nghĩ; đánh, tuy là đáng rồi, công phu cũng phải chiếu cố cho tốt, không thể vì bị đánh đập mà quăng bỏ công phu. Vì thế, phàm nơi nào ta đã ở qua thì ở trai đường không cho bạt tai. Hơn nữa, người ở trong Chùa đều là người lãnh đạo cho nên chỉ cho quát tiếng lớn chứ không cho đánh bạt tai. E rằng các ông không phải như ta vậy, hễ bị đánh đập thì lập tức rút lui ngay. Việc nầy vốn không phải dễ mà lo liệu đâu: lo đầu nầy thì mất đầu kia, lo đến qui củ thì nhất định lo không tròn công phu rồi, và do vậy mà thoái bộ. Cho nên dù cho bên ngoài ra thế nào, việc sanh tử của ta chưa liễu thoát được thì chung quy không chịu bỏ công phu. Các ông muốn khai ngộ tất phải cần ra sức dụng công phu, dụng cho đến lúc đi không biết là đi, ngủ không biết là ngủ, tiểu tiện không biết kéo quần: công phu như vậy không phải là đọa các ông mà đó là cái ta đã đi qua rồi. Ta có một lần lúc đánh hiệu báo đi cầu mà không biết đi hướng nào, đây là công phu đã đến lúc khẩn trương, mọi người ra thiền đường ta cũng đi ra, người ta đi cầu mà ta đi đến điện Vi Đà rồi nhưng cũng không biết là làm việc gì. Vị ban thủ nhìn thấy liền quát lên một tiếng, ta cũng không biết tại sao. Sau lại có vị Tây đường nọ thấy ta liền chỉ tay vào ta mà nói rằng: "đại khái là công phu của ông đứng đắn, tức là quên hẳn tất cả rồi đó! Bây giờ là lúc đi cầu à, ông hãy hướng về phía tây đi!" Nhờ câu nói của người, ta mới biết được. Ta lúc công phu đắc lực có rất nhiều lần nhờ vị sư Tây đường nầy chiếu cố đến, cho đến hôm nay ta còn cảm tạ người: đây là những điều ta đã từng kinh nghiệm qua cả cho nên ta mong các ông cũng hành cho đến được công phu như vậy, quả không phải là gạt các ông đâu. Lại nói câu cảnh sách: các ông đều ở cùng một thiền đường, cùng tham một pháp nhưng cảm quả thì vô vàn sai khác. Trên trời, nhân gian, thai trâu, bụng ngựa, mỗi mỗi đều khác nhau. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 8 tháng 11 (thất tư ngày thứ hai)

Có người hỏi Triệu Châu: "Thế nào là đại đạo?" Châu đáp: "Tâm bình thường là đại đạo". Lại nói: "Tôi không phải hỏi cái đạo nầy, cái tôi hỏi là đại đạo". Châu nói: "Đại đạo thông trường an". Vị hỏi câu nầy ngộ ngay lúc đó. Người xưa ngộ đạo trực tiếp như thế, ngày nay các ông cũng hỏi như vậy, ta cũng đáp như thế các ông có nhanh chóng ngộ đạo được chăng? E rằng các ông làm không được! Nếu nói người xưa là Bồ Tát chuyển thế, La Hán tái lai ấy là gạt người vậy. Cần hiểu được là: sự thực hành của người xưa và các ông không giống nhau, cách xa nhau như trời với đất; người xưa dụng công không kể nóng lạnh, không có đêm ngày, bất luận là nơi nào thì còn nói gì đến đả thất với không đả thất? Ngừơi xưa suốt ngày đêm không để một sát na xa rời công phu cho nên hễ có cơ duyên, một lời, nửa câu lúc đó thì ngộ đạo ngay. Các ông không ngộ được là tại sao vậy? Là vì sự sai lầm lớn: "Lúc khát mới đào giếng". Ngày thường không mảy may dụng công, cứ cho là lúc thường không cần dụng công, lúc gia hương đả thất mới là lúc dụng công. Lại cho là vào mùa hạ khí trời nóng bức, ngày thường lại phải thượng điện cúng Phật; ngày thường tuân theo quy củ thì cần thiết hơn, những lúc như thế nầy cũng tùy theo đại chúng mà thôi, lúc gia hương đả thất mới là lúc dụng công. Đại khái các ông bị cái tri kiến sai lầm nầy mà bỏ mất thời gian không ít mà người sai lầm cũng không ít. Các ông nghĩ xem lúc khát nước mới đào giếng, người khát chết rồi giếng chưa đào xong phỏng có ích gì? Bách công kỹ nghệ trên thế giới đều phải cần đến 3 năm 5 năm mới có thể học xong để đổi lấy một bát cơm; huống chi cái diệu pháp xuất thế gian nầy của chúng ta thì đâu dễ dàng như thế? Các ông là người có tri thức thì đường nhiên cần phải đừng phân biệt mùa đông trời lạnh cũng như mùa hè trời nóng chỉ cần đề lên câu thoại đầu, ở chỗ không minh bạch mà khổ công tham cứu thường xuyên không dứt, dầu cho nó có nóng nực lắm ta có câu thoại đầu thì đương nhiên sẽ mát mẻ tự tại; dù có lạnh đến đâu ta cũng có câu thoại đầu thì cũng chẳng biết đến lạnh rét là gì. Cứ khổ công tham cứu như thế 3 năm 5 năm muốn khai ngộ đương nhiên sẽ được dễ dàng. Nếu muốn lấy việc gia hương đả thất để dụng công, mà ngày thường lại không thì trong một năm kể ra cũng lãng phí hết chín tháng, chỉ còn dụng công có ba tháng. Các ông thử nghĩ xem có đúng không, còn kể là người dụng công sao? Ta ngày nay đối với các việc trước đả thất và sau khi giải thất mà đem giải bày ra hết, nếu người có tâm liễu thoát sanh tử sẽ tự nhiên biết theo đấy mà làm, cũng không phải ta đơn độc muốn các ông làm như vậy. Ta vốn đã làm như thế rồi; việc ta đã làm qua, nói để các ông nghe. Ở trong các ông có người tri thức hơn ta thì phải vượt trên ta, hoặc có người không bằng ta thì phải theo học. Trước kia ta ở Chùa Kim Sơn lúc dụng công thì ta chẳng bận tâm vấn đè giao thiệp với người chung quanh, ta chỉ chiếu cố đến câu thoại đầu rõ ràng minh bạch chẳng mảy may gián đoạn. Hễ lầm lỗi với người nào cho dù là chức sự, ta cũng chẳng để ý đến. Khi đi đường chỉ chiếu cố đến công phu, gặp vị tri khách ta cũng không biết chấp tay nhường lối. Đi đường có đụng nhau giữa đường làm vị tri khách phải lùi lại quá xa, ông ta bèn quát lên một tiếng. Bấy giờ ta mới nghĩ: không đúng rồi! Va chạm như thế là xúc phạm đến cảm tình, vậy nên tạm bỏ công phu để xin lỗi đi! Lại nghĩ: Không, không thể được! Vì sao ta xuất gia? Ta đã vì sanh tử mà xuất gia, hôm nay việc sanh tử còn chưa liễu thoát ta không thể bỏ công phu để tính chuyện xin lỗi phải với người được. Nếu muốn làm như vậy thì tốt hơn đừng xuất gia. giữ công phu mới, cần nhất, dù cho bị dọa nạt, bị đánh đập ta cũng vui lòng chấp nhận. Xong! Vị ấy không đánh ta mà ta còn phải yêu cầu đánh mấy cái để thử xem công phu của ta như thế nào? Giả sử đập cho vài cái bạt tai, công phu của ta vẫn còn chiếu cố như thường vậy! Như thế là rất tốt, nếu là đánh một bạt tai, câu thoại đầu theo bạt tai mà đi mất, thế thì con người của ta đây còn được xem là người dụng công nữa không? Cho nên phải giữ lấy lập trường nhất định, dù cho bất cứ người nào nạt ta, mắng ta, đánh ta thì chung qui câu thoại đầu vẫn không được bỏ. Đây là chỗ làm người tham thiền của ta. Cứ đi như thế đụng nhau một lần, hai lần thì đương nhiên người ta sẽ không vui. Đến kỳ thay đổi chức sự trong chùa mọi người đều ra thiền đường cả, vị tri khách hỏi vị ban thủ: "Ở trong thiền đường có lão người Hồ Bắc, đi hay chưa?" Vị ban thủ nói: "chưa đi". Vị tri khách lắc đầu nói: "Cái lão Hồ Bắc nầy xấu lắm, không biết quan chức gì xuất gia mà lúc đi đường cứ kênh kênh kiệu kiệu không xô người nầy cũng đẩy người nọ. Thực là con chim chín đầu trên trời, lão Hồ Bắc dưới đất! Thằng nầy còn không đi thực là đáng ghét". Những câu nói nầy chính ta đã nghe được, nói chung thì việc sanh tử của ta chưa liễu thoát, mấy việc nhỏ nhặt nầy thì chấp nhứt ông ta làm gì? Lại có một hôm sau khi điểm tâm đi ngoài xong trở lại thiền đường, đang đi giữa đường có vị sư nọ chặn ta lại hỏi: "Bồ Tát ở trên chính điện là nam hay nữ?" Bị hỏi như thế ta hoang mang không trả lời được, ta nói: "không biết" ông ta lại hỏi: "Vị Bồ Tát chính giữa có râu không?" Ta lại không mở miệng được, chỉ trả lời là:

"không biết". Trên thực tế, ta ở Chùa Kim Sơn đã hai ba năm, khi thượng điện không hề ngẩng đầu lên nhìn thì đâu biết được là Bồ Tát nam hay nữ, có râu hay không râu. Các ông ngày nay còn có người nào như thế không? Ta có được chỗ hành như thế mà ngày nay vẫn còn là người nghiệp chướng. Còn chỗ hành của các ông đâu nếu không được khai ngộ thì còn được liễu thoát sanh tử chăng? Các người thử phát tâm tự hỏi mình xem! Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 9 tháng 11 (thất tư ngày thứ ba)

Mỗi khi có người nói: "Dụng công kéo không dài, đối với câu thoại đầu thì cũng biết đề lên, nghi tình cũng biết khởi lên, đắc lực với không đắc lực cũng rõ ràng, tất cả chỉ là kéo không được dài!" Câu nầy có rất nhiều người nói; muốn biết nguyên nhân của nó thì e không dễ dàng gì biết được. Lại nữa, thứ người kéo không dài nếu có chút tri thức thì sẽ kéo được dài, nghĩ đến một cách: lấy cái kéo không dài được quyết định làm cho kéo được dài. Các ông còn có tri thức nầy hay chăng? Phải hiểu được dụng công kéo không dài, không phải ngày hôm nay kéo không dài mà các ông đã từ kiếp vô thủy đến nay đều lặn hụp trong sự kéo không dài! Các ông còn biết đấy: các ông từ kiếp trước đến nay cái vốn đa tu là nhân của sự kéo không dài thì hôm nay làm sao có thể kéo dài được? Nhưng về quá khứ đã gieo nhân kéo không dài thì đương nhiên sẽ cảm lấy quả kéo không dài, đó là lý tất nhiên. Cứ để mặc kệ nó chăng? Mặc kệ thì đầu thai thành trâu, thành ngựa cũng mặc kệ nó, hết thảy đều mặc kệ nó, mặc kệ nó thì đâu còn việc gì nữa? Không gì ngoài việc luân chuyển trong lục đạo! Các ông là người có chút đạo tâm muốn còn chạy luân chuyển trong chốn nầy chăng? Nếu không muốn thì đương nhiên nghĩ đến một biện pháp, phải làm sao cho kéo dài thì mới được! Các ông còn có người nào như thế không? Mỗi người hãy tự hỏi lòng mình xem! Muốn nói đến phương pháp làm sao cho công phu kéo dài được, người xưa chỉ ra con đường nầy bảo chúng ta đi. Sự thực là vì người trung hạ căn trong chúng ta bất đắc dĩ mới nói: Ở trên bổn phận thì đâu cần phải đi đường (ý nói đối với người thượng căn, trong bổn phận của tự tánh thì đâu cần phải đi, vì suốt ngày đêm đã ở trong đó rồi). Ngoảnh đầu là xong, chân quay bước là về đến nhà ngồi an ổn. Nói có một con đường để đi là nói sai lạc ra ngoài rồi! Bởi vì các ông không nhận ra được ngay lúc đó, trước mắt đường đi lại nhiều cho nên bày ra một phương tiện, chỉ ra con đường nầy bảo các ông đi để có thể bỏ hết mọi con đường khác. Tỷ như một nắm tóc trên đầu thì không ít, đường các ông đi so với nắm tóc còn nhiều hơn, ta đương nhiên vì các ông mà đem những con đường nhiều hơn nắm tóc nầy mà bỏ ra ngoài chín từng mây, các ông ngay lúc đó thấy được cái bản lai diện mục thì ta mới mãn nguyện. Tuy nhiên, nếu làm không xong được thì thập phương Chư Phật cũng không thể làm giùm được, hết thảy Bồ Tát, lịch đại Tổ Sư lại càng không thể làm giùm được. Nếu thập phương Chư Phật có thể làm thay cho ông được thì các ông khỏi cần dụng công, Phật nếu thay chúng ta làm thì đâu còn chúng sanh? Được hay không được? Thập phương Chư Phật chỉ có thể chỉ dẫn một con đường, các ông có thể y theo con đường nầy mà đi, có thể bỏ tất cả con đường khác, con đường nầy đi đến đầu mút thì cũng được về nhà. Cho nên thập phương Chư Phật chỉ có thể chỉ ra một con đường bảo các ông đi, các ông đi được thì đương nhiên những con đường khác sẽ bỏ được hết. Thập phương Chư Phật không thể đi thay ông được. Nếu các ông không đi thì thập phương Chư Phật cũng không thể gánh vác cho các ông được! Con đường nầy chính là câu thoại đầu. Con đường ta hôm nay chỉ cho các ông, Phật cùng Bồ Tát, Tổ Sư cũng chỉ con đường nầy. Những con đường các ông đã đi là những con đường nào? Đấy là con đường kéo không dài, từ vô thủy kiếp đến nay đều đi trên con đường kéo không dài nầy. Hôm nay đứng ở chỗ nầy mà muốn kéo được dài thì đương nhiên sẽ không làm được. Đường kéo không dài tuy nhiều nhưng cũng không ra khỏi thân, tâm và thế giới; vì có thân tâm thế giới gom lại một chỗ nên mới biến hóa ra vô số con đường. Các ông đi được con đường câu thoại đầu nầy thì có thể bỏ hết thân, tâm, thế giới, những con đường kéo không dài. Thế sao lại phải nói thân, tâm, và thế giới là kéo không dài? Các ông muốn rõ cái kéo không dài nầy, vì những người trong giáo môn đối với danh từ thì đại khái dễ hiểu, trong thiền tông chỉ nói là kéo không dài mà không nói gì khác cả. Trong giáo môn giảng kéo không dài là gì? Đấy là: sinh, trụ, dị, diệt; sinh cũng là kéo không dài, trụ cũng là kéo không dài, dị cũng là kéo không dài, diệt cũng là kéo không dài. Ta muốn hỏi các ông: "Có tâm không?" Các ông đương nhiên sẽ nói: "Có tâm", ta lại hỏi các ông:

"Lấy gì làm tâm?" Các ông đương nhiên nói: "Lấy cái năng tri năng giác làm tâm". Vậy thì năng tri năng giác làm tâm các ông, vậy cái tri giác nầy dài bao nhiêu? Cái tri giác nầy có phải là sinh, trụ, dị, diệt không? Các người suy nghĩ xem: Sinh thì tức khắc sinh ra; một khi đã sinh ra thì phải trụ, trụ thì đâu được bao lâu lại lập tức đổi thành dị, đã dị thì một khi niệm khởi thì phải diệt. Sự sau khi diệt ra thế nào? Các ông thử nghiên cứu đi và trả lời ta một câu. Thật đáng tiếc! Chúng ta sau khi diệt thì lại sinh, trụ, dị, diệt. Vì có tri giác nên mới nói đến tâm, tri giác đương nhiên là sinh, trụ, dị, diệt; sinh, trụ, dị, diệt tức là kéo không dài. Các ông nghĩ xem! Cái tâm kéo không dài nầy có phải hôm nay mới có hay quá khứ đã có? Cội nguồn còn tìm ra được chăng? Trong tương lai lấy cái tâm để suy tính được không? Hiện nay thân chúng ta cao được hơn bốn thước, tương lai sẽ giảm đến còn một hoặc hai thước; cao nhất được bốn mươi trượng. Hiện nay sống được sáu bảy mươi tuổi, trong tương lai sẽ giảm xuống mười tuổi; dài nhất là 8 vạn 4 ngàn tuổi. Các ông nghĩ xem: thân cao có mấy mươi trượng, thọ được 8 vạn 4 ngàn tuổi mà trong đó lại không được rời sanh, già, bệnh, chết. Thân thể từ sinh mà có, bất luận mười tuổi trong tương lai, sáu, bảy chục tuổi ở hiện tại, cho đến 8 vạn 4 ngàn tuổi đều có một ngày phải già. Già rồi thì phải bệnh, bệnh rồi đương nhiên sẽ chết; sau khi chết thì thế nào? Đương nhiên lại sinh, già, bệnh, chết nữa. Cái kéo không dài của sanh già bệnh chết nầy chuyển mãi không dứt, vậy có kỳ hạn chăng? Thân, tâm, thế giới đều như vậy. Thân, tâm, thế giới kéo không dài là còn nói gọn đấy, bằng nói rộng ra thì nhiều lắm, các ông là người có tâm dụng công đương nhiên sẽ nghĩ đến một biện pháp làm sao cho tất cả cái kéo không dài có thể kéo dài được. Chỉ có thể dùng câu thoại đầu, đây là phương pháp trực đạt tâm nguyên. Tâm tuy kéo không dài nhưng tâm nguyên thì còn mãi mãi. Tỷ như giòng nước, nước thì lưu chuyển, nguồn (thủy nguyên) thì không; nếu nguồn mà di chuyển thì đương nhiên cái "chảy đi" không có; vì nguồn không chảy cho nên chảy mãi không thôi. Chúng ta tất cần đạt đến tâm nguyên thì mới có thể kéo dài được. Nhưng cái tâm nguyên nầy đã cách chúng ta bao xa rồi? Ta nói sơ lược các ông nghe, tỷ như ngày nọ đánh bản trong tịnh các ông nghe được, hôm nay đánh bản lại nghe được cho đến ngày mai ngày kia đánh bản cũng nghe được. Ta hỏi các ông: cái nghe của ngày hôm qua, cái nghe của ngày hôm nay cho đến cái nghe của ngày mai ngày kia là một hay là hai cái. Nếu là một thì dài hay không dài? Mọi người hãy nghiên cứu kỹ một chút xem. Phải lĩnh hội một chút ít thì mới được! Giáo môn gọi cái này là chân tâm thường trụ, suốt ngày chẳng rời một bước. Chúng ta muốn triệt lưu quy nguyên (dứt giòng về nguồn) thì phải lấy câu thoại đầu mà khổ công tham cứu, không sợ nó kéo không dài thì mới có thể từ cái kéo không dài nầy mà đạt tới cái chân thường được! Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 10 tháng 11 (thất tư ngày thứ tư)

"Tam học kiêm tu, một tham đủ cả", tam học là giới, định, huệ: Giáo môn đối với tam học thì tu trì hết sức khẩn mật. Tại sao phải nói là kiêm tu? Ấy là trước hết phải trì giới, do giới mà định, định rồi có thể phát huệ. Giới có đại tiểu, định có chính thiên; tuệ phải từ trí mà có tuệ, chỉ nói đến tuệ thôi thì cái tuệ đó chưa rộng rãi, trí tuệ đầy đủ thì mới được gọi là viên tuệ. Trong giáo môn cần phải trải qua bao nhiêu thời kỳ thì mới có thể đạt đến được. Còn thiền tông thì không vậy: một câu thoại đầu thì tam học đủ cả. Tại sao cứ có người nói: "Trong thiền tông chữ giới chẳng nghe nói đến". Ấy là vì họ không thấy được sự trì giới của thiền tông. Giới của thiền tông thì không phải là đại thừa, tiểu thừa, của ngừơi phổ thông mà là trì cái "vô trước thánh giới". Ấy là lẽ gì? Các ông hãy đem câu thoại đầu mà đề lên xem, không rõ thì cứ ở chỗ không rõ mà truy cứu, tham vấn. Ta hỏi các ông: còn có thân đi giết người đốt nhà không? Một câu thoại đầu còn chẳng minh bạch ông còn có tâm nói hai chiều, vọng ngữ được chăng? Cũng như tham câu "niệm Phật là ai", thân bất khả đắc, cứu kính là ai, tâm cũng bất khả đắc; đáo để là ai, bất khả đắc cũng không. Thân bất khả đắc rồi thì đâu còn phạm việc giết người, đốt nhà? Tâm bất khả đắc rồi làm sao còn có tâm trì giới? Cái bất khả đắc cũng không tức là thánh giới của thập phương Chư Phật đều trì hết. 

Thứ "vô trước thánh giới" nầy trì phạm đều bất khả đắc thì còn nói gì đại thừa, tiểu thừa. Cái câu nói không trì của thiền tông còn để ở chỗ nào được? Còn chữ định của giáo môn thì thân ngồi ở một nơi, trong tâm muôn duyên chẳng động, ngưng nghỉ cả thân tâm đều không động; tâm không động dễ gì làm được, thì cần phải quán, quán không xong thì phải dùng chiếu, chiếu không xong thì phải nghĩ đến một phương pháp để kiềm chế nó, lần lần kiềm chế cho lâu mới được định, định đến một bước công phu nào thì phát được bước ấy huệ: đại khái là như vậy. Thiền tông thì triệt để trái ngược, không phải cái định đó, mà định trong động; tại sao vậy? Đi hương là động, trải bồ đoàn ngồi xếp bằng cũng là động, dọn nệm cũng là động, từ sáng tới tối đều động. Tuy là động như vậy mà ở trong cái động đó câu thoại đầu thật rõ ràng minh bạch không mảy may gián đoạn. Cái định trong động nầy dù cho hết thảy động cũng không làm động được cái định nầy; vì nó do động làm thành, toàn định là động, toàn động cũng là định. Tại sao tất cả động không làm động được cái định nầy? Các ông hễ cứ đề câu thoại đầu lên, ngay chỗ không minh bạch được đắc lực, cái đẹp nhất Thượng Hải cũng không có, đáo để là ai, cho dù người con gái đẹp nhất đến trước mắt ông, ông cũng không có tâm nào nghĩ đến cô ta. Thượng Hải đã không có thì cái động của Thượng Hải không làm động được nó! Không có tâm để nghĩ đến người nữ, cái động của người nữ cũng không động được nó. Hai thứ động dễ động nhất nầy đều đã không làm động được nó thì còn cái gì làm động nó được nữa? Đạt đến cái định nầy thì được trí huệ như trở bàn tay, ngay lúc đó sẽ đều đầy đủ. Đến được chỗ nầy thì thực sự là: "một tham đủ cả" (phần cảnh sách lược bỏ). Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 11 tháng 11 (thất tư ngày thứ năm)

Cái sự tham cứu nầy cần niệm phân minh, tâm tâm trong sạch. Niệm niệm phân minh thì không có vọng tưởng, tâm tâm trong sạch thì không có hôn trầm. Chỉ cần phân minh, vọng tưởng chẳng trừ mà tự trừ; chỉ cần trong sạch, hôn trầm không bỏ mà tự bỏ. Như thế nào là phân minh? Hãy đề lên câu thoại đầu làm cho rõ rệt từng chữ một, niệm Phật là người nào? Cái nghi tình nầy hãy cứ đi thẳng, đi rõ ràng mạch lạc chẳng có một tí mơ hồ thì vọng tưởng làm sao mà có được. Thế nào là trong sạch? Hãy đề lên bốn chữ "niệm Phật là ai" thành khẩn mà tham đi, hai chữ niệm Phật một khi ra khỏi miệng thì cái niệm danh hiệu Phật đã ở trong đó rồi; hai chữ "là ai" tức là người nào? câu hỏi nầy cũng giống như muốn các ông trả lời ta vậy: dù không có người đáp cũng bằng như ta lớn tiếng hỏi người khác. Niệm Phật là người nào? Mỗi chữ đều rõ ràng, tưởng niệm đều trong sạch, lại cũng chẳng phải là bốn chữ "niệm Phật là ai" mơ hồ không rõ, tựa có mà tựa không có, đi qua miệng mà thôi. Ban đầu thì nghĩ muốn dụng công, hễ thoại đầu đề lên thì vọng tưởng đã nổi lên rồi, hoặc là không có tinh thần cảm thấy mệt mỏi, câu thoại đầu đề lên mà không nghi tình gì, chẳng có nghi tình thì một câu là hết. Câu nầy đã mất, nhắm mắt lại như ngủ mà không ngủ, lại đề lên một câu thoại đầu nữa thì ngủ quên đi rồi, đó chính là chẳng phân minh, chẳng trong sạch. Các ông phấn khởi tinh thần cũng như gánh một gánh nặng 120 cân, lại cũng như thực phẩm rất ngon, niệm Phật là người nào vậy? Rất rõ ràng, nghi tình thì thật rõ ràng, không biết là ai, hết sức thành khẩn mà hỏi lại một câu: cứu cánh là ai? Cũng còn chưa rõ được, đáo để là người nào? Các ông có được niệm niệm phân minh như thế, tâm tâm trong sạch như thế, không cho nó được sơ hở chút nào. Ta hỏi ông: vọng tưởng từ nơi nào đến? Hôn trầm từ đâu mà ra? Bởi vì không phân minh, hễ mơ hồ thì vọng tưởng xâm nhập, có chút mơ hồ thì hôn trầm đã lên trên mình, công phu niệm niệm phân minh thì không có vọng tưởng, nổi vọng tưởng lên thì đương nhiên công phu không có. Lại chẳng phải ông muốn dụng công nó lièu mình muốn nổi vọng tưởng, ông không dụng công nó còn nghỉ ngơi một tí. Ông đã dụng công mà nó còn nổi vọng tưởng, đó không phải là hai sao? Đâu có lý lẽ như vậy được. Như con khỉ ở trên cây chuyền sang phía đông, nhảy sang phía tây, lúc cây đào khi cây lý, làm như có đến tám, mười con, chỉ cần định tỉnh để xem lại thì thực tại chỉ là một con, có trên cây đào thì không có trên cây lý. Vọng tưởng cũng vậy, suốt ngày như nổi ngàn muôn cái nhưng kỳ thực chỉ có một cái thôi. "Một cái" nầy vì người trung hạ căn như chúng ta bất đắc dĩ mà nói; nếu không phương tiện mà nói một cái nầy thì các ông lại không có chỗ hạ thủ. Muôn ngàn vọng tưởng đã nói trên thực ra chỉ có một; nổi một vọng tưởng nầy thì đánh mất công phu. Nếu dụng tâm ở trên công phu thì vọng tưởng nổi không lên, cũng như con khỉ ở trên cây nầy thì không ở trên cây kia vậy. Nếu chổ nầy dụng công, chổ kia nổi vọng tưởng thế không phải là hai sao? Không có lẽ như vậy! Các ông phải tự mình thấy đến nơi, không phải cứ ta nói rồi thì xong được đâu. Nếu chỉ muốn ta nói với các ông lại không quan hệ gì hết, như thế thì khổ chết đi! Các ông cũng có người nghe ta nói niệm niệm phân minh, tâm tâm trong sạch bèn đem câu thoại đầu mà niệm liên tiếp, ấy cũng lại là không đúng đâu! Niệm như thế thì không bao lâu tâm khí sẽ đau; cần từng câu từng câu một, không chậm không gấp, rõ ràng trong sáng. Nếu gấp thì bị thương thân, chậm thì dễ nổi vọng tưởng, niệm không rõ ràng trong sáng thì dễ buồn ngủ. Mổi người các ông có thể cứ liên tục rõ ràng mà tham ngay đi. Hãy tự mình đề lên câu thoại đầu xem còn một tí kẽ hở nào không? Nếu qua loa một tí câu thoại đầu dường có dường không thì cái kẽ hở lớn lắm! Văn Thù, Phổ Hiền cũng theo cái chỗ nầy ma đi ra đi vô, heo, dê, trâu, ngựa cũng từ chỗ nầy mà đi vô đi ra. Mỗi người các ông hãy nghĩ xem có còn là việc nhỏ không? Nếu được câu thoại đầu phân minh thì cái kẽ hở nầy phải được bít cho chặt lại rồi Văn Thù, Phổ Hiền cũng chẳng được vô ra; trâu, ngựa, heo, dê cũng dứt hẳn luôn. Vậy không phải là rất tốt sao? Cái kẽ hở nầy tuy bít được song chung quy phải tham câu thoại đầu cho thông, nhất định phải lấy câu "niệm Phật là ai" để tìm cho được mới đúng. Rõ ràng có người niệm Phật đừng có mơ hồ bỏ qua cho đó là xong. Các ông cần phải hiểu: từ vô thủy đến nay bị cái thân, tâm, thế giới nầy trói buộc chặt chẽ, các ông muốn được rời bỏ chốc lát, tơ hào cũng chẳng được đâu! Vì thế mà cứ quanh quẩn trong chốn lục đao luân hồi, chẳng rời xa được một tấc. Hôm nay muốn tham niệm Phật là người nào, đáo để là người gì, cứu cánh là ai, các ông tham cứu như thế, ta hỏi ông: thân có còn không? Thân nhất định là không có, thân đã không có thì tâm nhất định là không có nơi để. Thân tâm đều đã không có thì thế giới còn để được ở chỗ nào? Các ông ở nơi thân tâm và thế giới đều không có nầy, ta hỏi ông thế nào là câu thoại đầu? Các ông hãy tại chỗ nầy mà trả lời ta một câu. Nếu trả lời, không được thì phải ở chỗ trả lời không được nầy đề lên câu thoại đầu mà gấp rút truy cứu, gấp rút tỉnh ngộ. Tương lai thế nào cũng có được một tin tức. Ta nói như thế không ngoài hai câu "thô và tế", như thế các ông cũng lấy thô tâm mà nghe, muốn nghĩ đến chỗ vi tế thì cần phải từ câu nói về thô nầy mà làm đến chỗ vi tế mới được. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 12 tháng 11 (thất tư ngày thứ sáu)

Người đả thất đại khái đều biết nói: "dụng công hành đạo". Nói thì cho các ông biết nói; nếu hỏi kỹ lại các ông: vì sao cần phải dụng công hành đạo, sợ rằng đại đa số các ông không hiểu rõ triệt để được. Bởi vì đều là nghe người ta nói: "Ở chốn tòng lâm cần phải dụng công hành đạo!" Bản thân mình thì chưa từng có một kế hoạch đầy đủ nào. Các ông cần biết: việc sanh tử chưa dứt, chỉ cần một hơi thở không trở lại là chết thì con đường đi trước mặt thật vô cùng hiểm trở! Cần có kế hoạch đầy đủ như thế thì tất phải biết: từ vô lượng kiếp về trước lúc ban đầu một niệm chưa động, với thập phương Chư Phật, hết thảy Bồ Tát, Tổ Sư đều đồng nhau không hai không khác. Chúng ta ở trong biển giác nầy, hễ động thì sanh ra niệm, do một niệm nầy sinh ra thì biển giác biến thành biển khổ, tuy nói là biển khổ, nhưng chỉ vì một niệm bất giác vô minh mà có thôi, kỳ thực xưa nay chưa hề rời biển giác mãi cho đến ngày nay tuy kim cổ đã trải qua bao đời, trăm ngàn vạn đời mà một niệm hiện tiền nầy cũng chẳng mảy may phân cách. Vì sao làm chúng sanh? Cần phải hiểu: tuy làm chúng sanh nhưng vốn có Phật tính, với Phật tính của Chư Phật thì không có gì sai khác; cái sai khác đó là do một niệm không giác tạo thành biết bao sanh tử, mãi cho đến giờ vẫn còn tâm tâm tạo sanh tử, niệm niệm tạo sanh tử. Sanh tử là cái gì? Mọi người các ông hãy nghe cho rõ: hư không đại địa là sanh tử, thân của ta đây là sanh tử, tâm cũng là sanh tử; nói chung lại thì có ba thứ:

Ấy là sanh tử của thân, tâm và thế giới. Đã có thân ta, tâm ta, đã có hư không đại địa chúng ta ở: ấy là căn bản của sự sanh tử luân chuyển không dứt của chúng ta. Nhưng thế giới nầy với thân, tâm cũng là bởi một niệm không giác tạo thành; giả sử như các ông phản vọng quy chân, thoát biển khổ mà chứng biển giác thì hư không, thế giới, thân, tâm đều ở trong một niệm nầy của ta; niệm nầy nếu giác thì thân, tâm, thế giới đều bất khả đắc. Chúng ta hiện nay không những không được giác ngộ mà còn tiếp tục tạo vô lượng sanh tử, sự tạo thành ấy như thế nào? Vì có cái thế giới, hư không đại địa nầy cho nên mới có thân thể chúng ta ở trên thế giới; đã có thân rồi thì hẳn phải có tâm, cái tâm nầy lại là cái công cụ tạo nên sanh tử. Trong khoảng một niệm tạo nên sanh tử của mười pháp giới, hiện tiền mỗi một sát na niệm niệm không dừng ấy tức là cái nhân niệm niệm tạo sanh tử của mười pháp giới. Nhân đã tạo thành thì tương lai sẽ cảm quả tơ hào không sai khác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nếu các ông gieo nhân Phật thì đương nhiên cảm lấy quả thành Phật. Nếu gieo nhân a-tu-la, địa ngục thì nhất định sẽ nhận lấy quả báo a-tu-la, địa ngục. Như vậy niệm cái gì gieo nhân ấy. Hiện tiền người có niệm, niệm chúng sanh khổ, phát tâm Bồ Đề tức là hướng thượng tu nhân Phật; cái niệm sát, đạo, dâm tức là hướng hạ gieo nhân địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Như thế là có mười thứ nhân cảm quả là mười loại pháp giới, ấy là bốn giới thượng: Phật giới, Bồ Tát giới, Duyên Giác giới, Thanh Văn giới gọi là bốn thánh giới. Sáu giới hạ là: thiên giới, nhân giới, a-tu-la giới, địa ngục giới, ngạ quỷ giới, súc sanh giới gọi là sáu giới phàm. Bốn thánh, sáu phàm nói chung là mười pháp giới. Nhân của mười pháp giới nầy đều do một niệm hiện tiền của chúng ta tạo thành. Hãy lấy lời ta nói làm thí dụ: ta nói ở đây, các ông đứng ở đây nghe; ta một người nói các ông trăm người nghe, chỗ hiểu của mỗi người đều không giống nhau. Có người nghe ta nói thì trong lòng vô cùng thanh tịnh tin theo mà thực hành chẳng mảy may nghi hoặc, lúc ấy lại muốn lập định chí hướng không làm đến không được; đấy là nhân thành Phật? Có người trong lòng hoan hỷ phấn chấn: "tương lai ta sẽ liễu thoát sanh tử, còn muốn độ tất cả chúng sanh nữa"; đây là nhân Bồ Tát. Còn có người nghe trong lòng muốn dụng công phu, ở chốn núi non, hang động chịu khổ nhất trên đời; đây là nhân Duyên Giác, Thanh Văn. Lại có người nghe trong lòng cho rằng: "Thầy nói nghe đến hay đấy, nhưng làm có nên đâu? Chúng tôi còn phải trì giới, cầu phúc kia!", đấy là nhân trời, người. Lại có người nghe rồi trong lòng hậm hực nói: "Chán nản quá! Ngày nào cũng một câu nói nầy, nghe đến chán luôn; hãy nói cho chúng tôi nghe ít chuyện đời mới còn hay hơn!", đã là chán ghét thì là nhân sân, nhân sân là nhân a-tu-la. Ngoài ra những việc phá giới bỏn xẻn, tham lam, tà dâm, những điều ác đều là nhân tam đồ. Như thế hợp thành nhân của mười loại pháp giới. Cùng trong một câu nói của ta, trăm người các ông nghe rồi đều có sự suy nghĩ bất đồng, ấy là do cái nhân mọi người đã gieo không giống nhau. Nhân của mười pháp giới là sự sanh tử của mười pháp giới. Các ông thử nghĩ: suốt ngày nổi một vọng tưởng bên nầy, nổi một vọng tưởng bên kia, vui vẻ, giận hờn, tất cả phiền não vô minh, gieo một thứ nhân như vậy thì sanh tử còn có lúc dứt không? Còn có ngày nhô đầu ra không? Luôn cả hơi thở cũng không ra được. Các ông nghiên cứu thử xem có phải như thế không? Nhưng sanh tử có nhiều như vậy thì phải cần thế nào mới có thể dứt được? Niệm Phật có thể dứt được không? Ta nói có thể được nhưng niệm Phật chỉ có thể thu tất cả niệm, câu thoại đầu có thể rời tất cả niệm. Tỷ như: các ông nổi vọng tưởng ngay nơi ấy, tạo sanh tử, bận lắm, một câu thoại đầu sẽ nhanh chóng thay ông mà xa rời niệm tạo sanh tử. Mọi người các ông hãy nghĩ: lực lượng câu thoại đầu có mạnh không? Ta nói lực lượng của câu thoại đầu lớn; nói lớn hơn nữa, muốn các ông tin hình như là không phải dễ. Các ông hãy thí nghiệm qua xem là biết thôi. Các ông hãy nổi một vọng tưởng thử xem; ngay trong lúc nổi vọng tưởng ấy hãy đề câu thoại đầu lên cho rõ ràng minh bạch. Đáo để là ai? Cứu cánh là ai? Tham như thế thì bóng dáng vọng tưởng có còn không? Các ông xem đấy, lực lượng câu thoại đầu lớn đến dường nào? Các ông có thể tâm tâm tham như thế, niệm niệm tham như thế được, chuyện về sau ta sẽ cùng các ông thương lượng. Tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 13 tháng 11 (thất tư ngày thứ bảy)

Đả được bốn thất rồi, công phu của các ông đương nhiên đã có chỗ thâm nhập. Thất đầu không biết dụng công, thất hai biết dụng công, thất ba thì dụng công phu được, thất tư đương nhiên có thâm nhập. Lúc khởi thất nầy có vài vị phải bận: Sư ban thủ của thiền đường mỗi giờ mỗi khắc chiếu cố các ông, nói nhiều rồi sợ các ông động niệm; giảm rồi lại giảm nữa, rất sợ nói thêm một câu lại làm động niệm các ông. Giảng khai thị, công án, điển chương, không mang một câu kinh điển, ngữ lục, cho đến bất cứ cảnh huống nào bên ngoài đều chẳng nói lấy một câu với các ông. Tại sao vậy? Bởi vì cái các ông tham là câu thoại đầu, thành thử tất cả các câu nói khác đều không hợp với pháp nầy, đó chính là điều khổ tâm của họ. Cho đến thấy các ông chỗ nầy cũng không đúng, chỗ kia cũng không đúng, cưỡng trong lòng không được, muốn nói, muốn tỏ bày, nói ra lại e các ông động niệm nên chỉ cho tự mình buông bỏ đi thôi. Điều nầy cũng là thành tựu đạo niệm của các ông. Vị duy na chiếu cố trong và ngoài thiền đường cho đến đi nhiễu hương dài càng sợ các ông ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiễu hương ngắn lại sợ tinh thần các ông bất túc, lúc tọa hương thì dễ buồn ngủ, thôi thúc chạy hương thì sợ đánh nhằm lỗ tai các ông, hoặc đánh bị thương làm cho đạo tâm của các ông lui sụt. Suốt ngày cứ để hết tinh thần mà lo cho các ông. Tất cả sư giám hương, hương đăng, tự thủy duyệt chúng, hộ thất trong ngoài, nhà kho, khách đường (tư pháp của nhà chùa) đều là lo cho các ông dụng công hành đạo thành tựu cho các ông đả thất. Hôm nay đả đã được bốn thất rồi mà còn nói chuyện công phu chưa thâm nhập! Quy củ của việc khảo công phu cũng giống như trên, một khi hỏi thì cần phải trả lời, nhưng khi đáp ra thì sẽ làm trời lay, đất động mới được; đã giao hẹn lúc trước rồi: nếu không thì không hỏa táng tức phải thủy táng! (Lược bỏ phần khảo công phu và giải thất)

KHAI THỊ
Ngày 15 tháng 11 (thất năm ngày thứ hai)

Những điều ta nói trong bốn thất trước đều là dạy các ông dụng công. Ban đầu không biết dụng công để làm gì, lại cũng chẳng biết cái gì gọi là dụng công, dần dần biết cần dụng công, lại chẳng biết được pháp dụng công như thế nào, hạ thủ nơi nào? Lại nữa, lúc mới biết câu thoại đầu cũng chẳng tin lắm, đây đều là trình tự đã qua của các ông. Cho nên từ trước tới nay cứ nói vì sao mà phải dụng công. Nhưng con đường hạ thủ công phu, đường lối nhiều lắm cho nên cần phải dẫn dắt các ông đi con đường chính nầy, vì các ông mà quét dọn sạch sẽ các chông gai trên đường đi, bảo các ông đi con đường nầy, không cho có tí chướng ngại nào, nói ra từng lớp lang một cho các ông nghe. Hôm nay thì đã đả được bốn thất, các ông không biết cũng biết rồi, không dụng công cũng muốn dụng công, người không chịu đi trên con đường nầy thì cũng theo con đường nầy mà đi đến; mọi người đều đã lên đường không thể có chuyện nói là chưa lên đường được. Muốn vì các ông mà nói chuyện công phu. Nhưng trong lúc các ông còn có một số đông người ngay cả câu thoại đầu cũng không tin tưởng thì làm sao tham, làm sao nổi nghi tình được, một lần cũng chẳng làm lấy một tí gì, người ta bước ông cũng theo đó mà bước, người ta ngồi ông cũng theo đó mà ngồi, căn bản chẳng động đến gót chân thì đâu nói được là đã lên đường và đi con đường chính được? Nếu các ông như vậy thì cái chuyện của công phu có còn muốn nói không? Nếu nói thì cũng chẳng được tác dụng gì. Đáng lẽ thì không mở miệng, nhưng không nói không được; đại khái có một vị lại cần ta nói trình tự công phu, dẫu cho một người cũng không có, ta cũng chẳng vì không có mà không nói. Các ông cho rằng ta chẳng mở miệng được ấy là các ông đã dụng công phu đến chỗ không mở miệng được rồi; các ông thực đã dụng công phu đến chỗ không mở miệng được. Ta đi ba vòng, ta nói cái chẳng nói, các ông nghe cái không nghe: nói cái chẳng nói ấy là chân ngôn, nghe cái không nghe ấy là chân thính, thế thì tốt lắm! Chỉ sợ chẳng phải cái không mở miệng được đó thôi! Bởi vì trình độ công phu của các ông không có tí nào cả. Có thể lời của ta nói ở phía trước, các ông lại theo lời ta nói mà đi ở phía sau, tỷ như đi đường, ta ở trước một dặm, ông ở sau một dặm;

Các ông thấy được ta, ta cũng thấy được các ông, như thế mới đúng. Hôm nay chỉ có mình ta nói ở phía trước, các ông ở phía sau theo không kịp, ta giảng được mười dặm, tám dặm rồi các ông một dặm cũng chưa đi được; các ông không thấy được ta, ta cũng không thấy được các ông. Ta giảng về hướng nam, các ông lại đi về phía bắc, như thế còn đúng được chăng? Lời ta nói ra có còn được gọi là ngôn hành tương ứng chăng? Đã không tương ứng được thì không cần mở miệng sao? Vì công phu các ông không theo kịp ta nên ta không cần mở miệng. Hoặc giả có người nói: "Thầy nói công phu như thế e là nói oan cho người ta", cũng cho là nói oan người đi, nhưng dù ta nói oan ông thì cũng là chuyện rất tốt, chỉ sợ là không nói oan đó thôi. Các ông có cho là: "Thầy đâu biết được trong lòng người ta". Tuy tâm ông nằm ở trong bụng ông, người các ông đứng ở nơi nầy, ta nhìn qua một cái thì thấy rõ ràng hết, như cái bình pha lê vậy; thấy rõ tim gan ngũ tạng bên trong chẳng sai tí nào, việc ở trong tâm ngươi, thế ta còn không thấy được chăng? Ta còn nó oan các ông chăng? Việc chốn thiền tông không phải nỏi qua là xong, cũng chẳng phải phó thác cho ngày sau được. Giáo môn khi khai tòa giảng kinh, khi xuống tòa giảng có thể ngủ nghỉ, bước ra ngoài đi tản bộ, bởi vì ngày hôm nay giảng qua rồi thì sự hành để đến ngày sau cũng được. Thiền tông không như vậy, hôm nay phải nói cái hành của ngày hôm nay, ngày mai nói cái hành của ngày mai, điều ta nói lại là điều các ông hành; điều các ông hành lại là điều ta nói, ngôn hành cần tương ứng với nhau; nếu ngôn hành không tương ứng thì đây không phải là việc trong thiền tông. Trong các ông còn nhiều người từ trước khi chưa vào thiền đường tưởng rằng thiền đường rất là cao quý, là nơi xuất thân của pháp của thập phương Chư Phật, Bồ Tát, Chư Tổ Sư, phương pháp của thiền tông rất huyền diệu rất đáng tin tưởng. Hôm nay ở thiền đường thì trái ngược laị, cảm thấy: "Không tốt, bên ngoài nói thiền đường hay tốt thế nào mà từ lúc vào thiền đường đến nay, thất cũng đả được ba, bốn kỳ mà cũng chẳng có gì là đáng kể, thì ra chẳng qua chỉ có thế mà thôi! Ở bên ngoài nghe chuyện người ta nói e là người ta gạt mình! Nay phải tính đến cái việc gì khác để cho mình làm mới được." Loại người các ông như thế thì thật đáng tiếc, đáng buồn! Đúng là không thể nói được. Ta cũng muốn chỉ cho các ông cái nguyên nhân của loại bệnh này, làm cho các ông biết là bệnh để có thể tiến tới trước được; loại người nầy thì hình bóng câu thoại đầu cũng không có. Ta hỏi ông: Thế câu thoại đầu các ông còn hình bóng nào của nó không? Không những không còn mà còn cho là: "không tốt đâu! những việc tôi học được, điều tôi lãnh hội được v.v... trước kia hễ đề lên một vấn đề gì thì dường như các câu nói đều có thể cuồn cuộn tuôn ra. Hôm nay, ở nơi thiền đường đả thất, thì trái lại văn chương nghĩ không ra như trống trong bụng tựa hồ chẳng tương ứng. Vậy không thể đả thất được nữa! Đả nữa thì sợ biết bao nhiêu điều tôi đã phí công học được ở các Kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa đều quên đi mất hết! E rằng phải uổng phí biết bao kinh tế, bao nhiêu khốn khổ, như vậy thì thất chẳng mong đả rồi! Chỉ đả làm cho bụng trống không thôi!". Ông còn có loại tâm lý nầy; ta nói các ông không được làm sai! Đây là việc tốt không phải việc hỏng, các ông có tin không? Ta nói sự học được các ông hãy quên hết, sự lãnh hội các ông hãy quên hết, còn là việc không đáng kể, còn muốn các ông quên luôn cả người học là người gì, ngay cả người lãnh hội được là người gì cũng quên hết luôn. Mọi người các ông hãy lãnh hội ý của ta một chút, cần phải thâm nhập ý của ta thêm một lớp, quên luôn cả câu hỏi của ta về cái các ông học được, có quên người học được chưa? Tiếc thay! Điều học được hãy còn đầy bụng thì nào chịu quên đi được! Ngày ngày ngồi xuống còn muốn dò đi dò lại cứ sợ quên mất, quên cả người học thì làm sao nói cho xong! Trong thiền tông việc đầu tiên là cần các ông quét cho trống rỗng, cần các ông quên hết. Hãy quét cho trống đi, hãy quên hết đi! lúc bấy giờ ta sẽ cùng các ông thương lượng. Vì sao các ông chẳng quét cho trống rỗng? Không chịu quên? Trên thế giới việc gì cũng muốn nói cầu tiến bộ, cho là các ông học theo giáo môn thì cũng muốn tiến bộ. Hôm nay các ông ở thiền đường vì sanh tử đại sự, cầu thành Phật, làm Tổ thì làm sao không nói tiến bộ được? Điều đã học đã lãnh hội quên đi chút ít còn không muốn; các ông tự mình hãy nghĩ xem có đang tiếc không? Vì thế cho nên muốn tất cả các ông nhận thức được, có thể quên đi cái năng học sở học của mình đó là việc tốt, chẳng quên thì còn phải mạnh dạn quên đi mới đúng. Vậy là người các ông không dụng công, chỉ biết đả thất thấy rất tốt, ngồi ngồi, đi đi, ngủ ngủ một chút cũng không sợ, rất là thọ dụng. Người dụng công trái lại nội tâm phiền toái thân tâm chẳng yên. Vì sao vậy? Bởi vì người dụng công ấy biết rằng việc sanh tử chưa liễu thoát thì không được; sanh tử của ta là khổ, sanh tử của chúng sanh ở chốn đại địa lại càng khổ hơn. Nếu muốn làm cho họ lìa khổ ta tất cần lìa khổ trước đã, rồi sau mới độ cái khổ của họ. Ta muốn lìa khổ mà không dụng công thì không được, ta muốn độ chúng sanh thoát khổ mà không dụng công cũng không được. Cho nên từ sáng tới tối khắc khắc công phu, thời thời thực hiện công phu, rất sợ đánh mất công phu. Nói chung, muốn công phu thành phiến, vì không được thành phiến thì phải cứ tự mình trách mình, vì việc đại sự chưa rõ thì như thế chẳng yên. Nhưng mà, mọi người các ông ở đây có còn được nửa số người như thế không? hay là một phần ba! E rằng cũng chẳng có: Giả sử có được một hai thì cũng tốt! Còn kể được là đạo tràng. Nếu một người cũng không có thì câu nầy làm sao nói ra được? Bảo ta mở miệng nói thì có ý vị gì chăng? Các ông hãy nghĩ xem, ta thấy các ông đều có ý nói: "Nhà chùa thật làm khó chúng tôi lắm! Đả được tám thất thì thôi, vì sao phải thêm hai thất nữa! Đây không phải là làm khó chúng tôi sao? Còn nói cho dễ nghe là thành tựu cho chúng tôi! Thành thực chẳng cần nhà chùa thành tựu, giải thất sớm được chút ít để cho chúng tôi được nghỉ ngơi còn sướng hơn". Đâu còn đòi chuyện tinh tấn, dũng mãnh nữa! Muốn cho sung sướng, thích ý mới đúng. Đúng không? Các ông nghĩ xem như thế còn là người hành đạo chăng? Các ông còn phải thành thực chịu thêm một phen khổ sở, sự ham sung sướng, thích ý, tuyệt đối là không được. Hãy đề lên câu thoại đầu mà tham đi thì mới được sự thọ dụng. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 16 tháng 11 (thất năm ngày thứ ba)

"Một niệm bất giác sanh tam tế, cảnh duyên mới động thành lục thô!" Chuyện trong thiền tông chẳng cần hỏi đến, căn trần, ngũ thức, lục thức, thất thức, bát thức, mà chỉ cần nói đến thô và tế. Đối với câu thoại đầu thì đương nhiên phải nói rồi: vì đây là phương pháp phát minh cái bản hữu của chúng ta. Mặc dù nó có thể phát minh được cái bản hữu không; không nói cũng không làm cho chúng ta hành theo cách nầy được. Hoặc giả có người nói: "Đã có nói, có giảng không phải là giáo môn sao?" Các ông nghĩ thế là sai rồi! Điều mà trong thiền tông có nói, có giảng không giống như của giáo môn, cũng không giống với thiền tông; trái lại thì cũng giống với giáo môn, cũng giống với thiền tông, giống như Phật, như Tổ, giống thì hết thảy đều giốg, đồng thì hết thảy đều đồng. Hôm nay giảng về sự "thô" với các ông: trong thiền tông vốn cái "tế" cũng còn bất khả đắc thì còn nói gì đến "thô"? Kỳ thực là phương tiện của phương tiện, vì các ông là người trung hạ căn cho nên không giảng không được; người thượng căn lợi trí thì mau chóng nhập thẳng vào chẳng nhờ nói "thô" với "tế". Thế nào là người trung hạ căn? bởi vì so với người thượng căn thì kém một tí cho nên gọi là người trung hạ căn. E rằng gọi là người trung hạ căn là còn khách sáo với các ông. Tại sao vậy? Cái thô nầy các ông có biết chăng? Nó là cái gì? Lớn hay nhỏ? Tròn hay vuông! Các ông có hiểu được chăng? Các ông hiểu được thì nói cho ta biết! Các ông có được người như thế ta cho ông là người trung hạ căn; sợ các ông không có một người nào biết, luôn cả cái hình bóng "thô" nầy cũng không hiểu được thì đâu còn nói được là người trung hạ căn? Nói là người hạ hạ căn còn là miễn cưỡng, nói là trung hạ căn là khách sáo đấy! Nhưng mà cứu cánh cái "thô" nầy là cái thế nào? Được bao to? Sợ còn không dễ gì biết được. Ta cho các ông biết, sợ không dễ gì biết được rõ. Nói sơ lược để các ông nghe: Hôm nay các ông dụng công mà dụng không xong ấy là thô, không tin dụng công ấy là thô, không tin câu thoại đầu là thô, nghi tình không nổi lên được cũng là thô, sợ chịu khổ là thô, muốn sung sướng cũng là thô, ông nói có được bao lớn? Loài hữu tình lớn nhất là Kim-Xí-Điểu cũng chẳng to được như nó. Nó đã có cái to như vậy thì làm sao không thấy? Bởi vì tất cả chúng ta đều ở trong cái thô. Tỷ như mặt trời trên không tuy có mây trắng che lấp, nhưng cũng có ít nhiều ánh sáng; giả sử có một đám mây đen che khuất cả, đưa bàn tay ra cũng nhìn không thấy gì; giả sử có một người suốt đời ở trong chốn tối tăm nầy sống qua ngày, một chân bùn, một chân cứt chó, hỏi đến anh ta "dưới chân là bùn lầy chăng?". Anh ta đáp "phải". Lại hỏi "còn có cứt chó hay không?". Anh ta đáp: "Không có, đấy là bùn". Chân đạp cứt chó mà cho là đất bùn cũng không biết rốt cuộc hỏi anh ta đất bùn là cái gì thì anh ta lại không mở miệng được. Tại sao vậy? Vì từ trước đến giờ chưa thấy được qua thì làm sao biết được là cái gì? Cũng bằng sự tham thiền trong chúng ta, như mặt trời trên hư không, vì bị nghiệp chướng che khuất mới tựa như một đám mây mù. Ngày nay đã tạo nghiệp, gnày mai cũng tạo nghiệp, lâu dần đi rồi thì cũng như mây đen thôi, giống như mây đen làm cho ánh sáng bổn lai của chúng ta bị che khuất hết. Hôm nay hỏi đến ông: "thô là cái gì?", không mở miệng được vì không thấy qua thì đâu có biết được? Cũng như thấy bùn ở chỗ đen tối vậy. Các ông nghĩ xem: bị cái thô chướng nầy làm cho ánh sáng bổn lai của các ông bị chướng ngại hết. Hôm nay ở tại nơi nẩy còn cứ cho là: "tốt lắm". Từ trước đến nay ông đều ở trong cái chướng nầy, ngay cả cái chướng nầy cũng không hiểu được, còn đâu mà nói thô với chẳng thô! câu nói trong thô ngoài thô nầy còn ổn được chăng? Hôm nay bảo các ông việc thiên hạ không cần tin, cần tin cái tự nơi mình, các ông tại sao không tin chính mình? Ấy là bị thô chướng nó làm chướng ngại rồi! Bất cứ pháp môn nào cũng không cần ông tin, chỉ cần các ông tin cái phương pháp của câu thoại đầu nầy. Các ông còn không chịu tin, tại sao vậy? Cũng là bị thô chướng làm cho chướng ngại rồi! Nếu các ông là người có chút ít tri thức hướng thượng, có lòng kiêm quyết thoát sanh tử, nói rằng: "thiên hạ bị nó làm chướng ngại thì có thể được chứ ta thì không thể nào bị nó làm cho chướng ngại; nếu ta bị nó làm cho chướng ngại thì ta còn được kể là người tham thiền sao?" Cứ tự mình thương lượng kế hoạch với mình, cũng không phải là việc kỳ lạ, cũng chẳng phải là việc khó, ấy là không tin vào mình, không tin vào câu thoại đầu. Hôm nay ta không tin không được, cho ông có bị rất nhiều chướng ngại đi nữa, ta vẫn muốn đả phá ông; không có việc khác, chỉ cần tin câu thoại đầu thì có thể đả phá được sự chướng ngại. Bị nó làm cho chướng ngại rồi thì chẳng tin, không bị chướng ngại thì tin liền, điều nầy thật rõ ràng. Ta nói như vậy các ông người có đạo tâm đương nhiên có chỗ lãnh hội. Ta nói các ông không tin câu thoại đầu, xin các ông hãy tin lấy câu thoại đầu chốc lát, đề lên mà tham, đợi đến khi các ông biết được ít mùi vị thì biết là khác rồi! Tại sao vậy? Nếu ông tham câu thoại đầu chốc lát, chẳng minh bạch thì cứ truy cứu chỗ nầy: là người nào? Đáo để là ai? À! Dường như có món đồ vậy, đại khái tức là chính ta vậy! Lại tham cứu nữa, không sai! Chính là ta! Tuy không hoàn toàn tin song chung quy bị ta thấy một tí cũng như mặt trời bị mây đen che trên không, bỗng đâu mây đen tan đi chỉ còn mây trắng vậy. Như thế thì mặt trời bị mây trắng che còn có thể thấy được thì cái bản lai diện mục của ta đã bị cái chướng che khuất cả; ngày hôm nay có dẹp được chút ít chướng ngại đương nhiên sẽ thấy được chút ít, không được hoàn toàn rõ ràng cũng như có một chút mây trắng vậy. Từ sau khi tự mình thấy được, ấy mới là thực tế, từ vô lượng kiếp đến nay chưa từng thấy qua lần nào, các ông hôm nay đã thấy được "mình" rồi. Ta hỏi ông lần nữa: "Có tin câu thoại đâu chăng?" Các ông lại sai rồi! Các ông thấy được mình, tại sao mà thấy được? Các ông phải hiểu: tham câu thoại đầu một phen chịu khổ sở, hôm nay cũng mài, ngày mai cũng giũa; bản thân các ông là do cái khổ của tham câu thoại đầu mới thấy được. Nếu các ông không tin nó thì chẳng phải là vong bản sao? Các ông hãy nghĩ: đúng hay không đúng? Chứng tỏ câu thoại đầu là phương pháp trừ bỏ cái thô chướng của chúng ta. Ấy là phương pháp làm rõ bản lai diện mục của chúng ta. Nếu muốn phát minh cái bản hữu liễu thoát sanh tử mà không nhờ tham thoại đầu thì không được. Các ông hãy phát tâm! Tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 17 tháng 11 (thất năm ngày thứ tư)

Việc lúc sống mọi người đều biết, đều tin; việc sau khi chết, ai cũng chẳng biết, chẳng tin. Vì việc lúc sống đều tự mình mắt thấy thì không thể không tin. Việc sau khi chết vì chưa thấy đến cho nên không tin. Các ông cho là: "Cái xác thân nầy của ta là rất tốt, không thể không yêu qúy nó. Tương lai có được sự thọ dụng bảy, tám chục năm". Đây là điều các ông tin tưởng nhứt: "Việc sau khi chết tôi chưa thấy thì thầy bảo tôi tin cái gì?" Đại khái người người đều có cái tri kiến ấy. Các ông cho bảy, tám chục năm là dài lắm; các ông phải hiểu được là: quả báo sau khi chết so với bảy, tám chục năm trường của các ông thì chỉ bằng thời gian một tích tắc sau khi chết dù cho ông sống được bảy, tám chục năm. Khảo cứu đến điểm nầy ta thử so sánh một chút: có thể kể cái thời gian bảy, tám chục năm nầy như chớp mắt còn thời gian sau khi chết mới là trường kỳ. Nhưng sự sinh hoạt trường kỳ là do ta ở trong thời gian chớp mắt nầy tạo thành, tạo ra cái sinh hoạt gì thì phải hỏi một niệm hiện tiền của chúng ta là niệm gì. Niệm cố nhiên rất nhiều chúng ta không cần nói nhiều nữa, chỉ nói đến một niệm thôi! Cái niệm nầy cảm được quả gì? Người xưa nói:

"Tơ hào hệ niệm, tam đồ nghiệp nhân" tam đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các ông nghĩ xem: nổi lên một chút xíu hệ niệm thì phải chiệu lấy cái quả to lớn như vậy, còn nói suốt ngày nổi vọng tưởng, nổi nghiệp thức thì sao? Cái cảm quả như vậy ta thực không muốn nói. Hơn nữa, các ông hãy nghĩ qua bảy, tám chục năm suốt ngày cứ nổi nghiệp chướng diêm vương đâu còn tha ông nữa. Diêm vương gọi các ông đi, các ông phải đi liền, trể một phút vào mũi các ông, đầu kia thì ở tay Diêm vương. Diêm vương nắm lấy dây lôi thì các ông phải bước, lúc ấy thì kh-ong còn khách sáo nữa, sợ khi so với chúng ta lôi trâu còn lợi hại gấp mấy chục lần! Diêm vương lôi các ông đi, bảo các ông biến thành trâu thì phải thành trâu, bảo biến thành ngựa các ông phải nhanh chóng biến ngựa; các ông có bản lĩnh bao nhiêu đi nữa cũng không được tự do. Kêu ông đi ông phải đi, tạm dừng một chút không được, muốn không đi càng không được nữa. Tiếc thay! Lúc bấy giờ chúng ta chịu khổ chẳng phải do mình nữa. Nhưng biến thành trâu một lần thì cũng chịu được, sợ rằng biến rồi lại biến nữa cho đến xương chất thành núi, sau khi thoát khỏi hình trâu thì mới biến ra cái khác được; Kỳ hạn dài vô cùng, không phải ta nói ra để dọa các ông! Ngày xưa có một vị tỳ kheo già tụng Kinh Kim Cang, tiếng tụng nghe không hay, vị nầy đã chứng được bốn quả, tiếng người lớn tuổi đương nhiên là nghe không hay. Một vị Tỳ kheo trẻ đứng bên nói: "Tiếng thầy tụng Kinh nghe như tiếng chó sủa vậy!" Vị Tỳ kheo già ngay lúc ấy nói: "Thầy nói câu nầy, tương lai sẽ đọa địa ngục rồi, còn phải biến thành chó nữa". Vị Tỳ kheo trẻ nghe nói kinh sợ quá bèn nhanh chóng cầu sám hối, khóc than khôn xiết. Vị Tỳ kheo già nói: "Thầy sám hối như vậy thì có thể thoát được địa ngục, nhưng không thoát thân làm chó được". Qua bảy ngày sau vị Tỳ kheo trẻ chết. Diêm vương bắt ông ta làm chó, ông ta còn hỏi Diêm vương: "Tại sao tôi phải biến thành chó?" Câu nói chưa dứt thì ông đã biến thành chó rồi; về sau xương của các kiếp làm chó chất thành đống cao lớn bằng núi Tu Di. Các ông hãy nghĩ xem: "Quả báo của câu nói như thế đấy! Đây không phải là chuyện ta đặt, đó là sách vở người xưa chứng minh các ông không thể không tin được. Mọi người các ông hãy nghĩ: cái sợi dây của Diêm vương buộc vào mũi chúng ta có lợi hại không? Cho các ông có bản lĩnh to bằng trời phỏng có thể đào thoát được không? Các ông quả có muốn tránh khỏi, quyết không muốn đến chỗ của Diêm vương cũng không phải là việc khó, muốn không đi thì không đi, việc thật dễ dàng; sợ các ông còn có điểm không tin: "Diêm vương lợi hại như thế, bản lĩnh ngất trời cũng không thoát được tay ông ta, thầy còn bảo dễ thì tôi còn tin vào đâu được?" Ta muốn nói một bằng chứng xác thật cho các ông nghe thì biết: Về trước có Kim Bích Phong bản lĩnh thật lớn, mùa hè đến nghỉ ở núi Thanh Lương mùa đông đến nghỉ ở phương nam, sung sướng lắm. Ngày nọ Diêm vương gọi tiểu quỷ đến bắt, phải mất nhiều thời gian mới bắt được, ông ta là người có bản lĩnh, bèn hỏi tiểu quỷ: "ngươi bắt ta để làm gì?" Tiểu quỷ nói: "Diêm vương bảo ta đến bắt ngươi" Kim Bích Phong nói: "Ngươi có thể từ bi cho ta được bảy ngày không? Khi ngươi trở lại thì ta sẽ đi cùng". Tiểu quỷ nói: "Không được!" Khẩn cầu ba lần, tiểu quỷ cũng có lòng từ bi, nói:

"Được, có thể tha cho ngươi được bảy ngày, hãy đi đi, bảy ngày sau ta sẽ trở lại". Thấy tiểu quỷ đi rồi, sau ông ta liền đề câu thoại đầu lên, ra sức tham cứu "Cứu cánh là ai? Đáo để là ai?", cho có bỏ mạng cũng không buông. Đến ngày thứ bảy, tiểu quỷ trở lại, chỗ nào cũng tìm, trên trời, dưới đất, trong ngoài hư không đều tìm khắp mà tìm không ra. Ông ta ở trên hư không nói: "Diêm vương bắt ta Kim Bích Phong như lấy xích sắt xích hư không, xích sắt xích được hư không rồi thì mới bắt được ta Kim Bích Phong." Hay thực, các ông thử nghĩ: bản lĩnh các ông có lớn hơn nữa thì trên trời tránh không được, dưới đất thì khỏi nói; không tránh được trong hư không, ngoài hư không cũng tránh không được, duy có câu thoại đầu mới có thể tránh được. Tránh trong câu thoại đầu mặc cho bản lĩnh của Diêm vương có to lớn hơn nữa cũng chẳng làm gì được. Phật Thích Ca cũng chẳng làm gì được! Như thế câu thoại đầu có phải là cần thiết chăng? Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 18 tháng 11 (thất năm ngày thứ năm)

Mới phát tâm dụng công thì sợ vọng tưởng dụng công lâu rồi thì sợ hôn trầm, đó là lý lẽ gì vậy? Bởi vì các ông hoàn toàn sống trong hôn trầm và vọng tưởng, nói sợ hôn trầm vọng tưởng thì cái "sợ" ấy cũng do hôn trầm vọng tưởng tạo ra. Sợ vọng tưởng mà không nổi vọng tưởng thì vọng tưởng hãy còn! Sợ hôn trầm mà không rơi vào hôn trầm thì hôn trầm vẫn còn là hôn trầm! Các ông có hiểu không? Đại khái không phải là chuyện dễ! Dẫu có thể nói các ông hiện tại dụng công đả thất một cái thất đả hơn lúc bình thường ba năm, nhưng cái câu nói dụng công thì đủ thứ sai khác. Có bốn thứ sai khác: thân tinh tấn tâm chẳng tinh tấn, tâm tinh tấn thân chẳng tinh tấn, thân tâm đều tinh tấn, thân tâm đều chẳng tinh tấn. Thế nào là thân tinh tấn? Ấy là đi nhiễu hương và tọa hương không giống nhau: nhiễu hương thì chạy như bay, tọa hương thì bên ngoài tốt lắm nhưng trong tâm lại hôn trầm, vọng tưởng. Tâm tinh tấn thì trên tâm suốt ngày câu thoại đầu sáng sủa rõ ràng, bề ngoài thì cứ nhiễu hương, tọa hương rất bình thường. Cái loại người thân tâm đều chẳng tinh tấn nầy không cần nói nhiều, lục đạo luân hồi là hang ra mãi. Trước khi chưa đả thất tựa hồ như có chỗ nắm lấy; khi dụng công trong lòng nổi vọng tưởng lên còn có chỗ dứt. Đừng hỏi đến chuyện khai ngộ, đối với sự công phu một tí cũng chẳng có thì cái vọng tưởng nầy còn có dứt được chăng? Nếu các ông cứ mãi như thế thì ta thật tiếc cho các ông! tiếc đến tràn nước mắt! Trước khi chưa dụng công, nghiệp chướng cao như núi Tu Di, dầy như đại địa, hiện tại lấy câu thoại đầu hôm nay cũng dùi, ngày mai cũng mài tựa như bớt đi một tí; hôm nay bỗng nổi mạnh lên một cái được như thế sợ so với trước còn cao, còn dầy hơn. Thí dụ như một người mắc nợ lâu, hôm nay nghĩ cách trả, ngày mai cũng nghĩ cách trả, trả nhiều lần rồi chỉ còn chút ít, thình lình đi cờ bạc thua hết một số lớn thì nợ nầy so với nợ trước còn lớn hơn, có đúng không? Vọng tưởng nghiệp chướng còn được cho nó nổi lên không? Dụng công phu không xong còn được mặc kệ nó không? Nhưng hiện tại các ông nổi nghiệp chướng lên mà quên cả bổn phận tham thiền, một ngày kia cũng có thể quày đều trở lại; đã lâu đi rồi, nổi lâu đi rồi thì một ngày kia nổi đã thôi; quày đầu lại mới biết ra ta là một người xuất gia, là ở thiền đường Chùa Cao Mân! Người đến lúc ấy mới hiểu được thì đã trể quá rồi, cho nên muốn các ông giác ngộ sớm một chút thì mới tốt, nợ kéo dài thì phải trả nhiều, nghiệp chướng nổi nhiều thì phải thêm nhiều sanh tử. Còn có chuyện gì khác để nói nữa! Lại nữa, vọng tưởng, nghiệp chướng lúc nầy không cho nổi thì đến trong tương lai sẽ có một thời kỳ còn muốn cho các ông nổi, không nổi không được, bây giờ nổi thì có tội, lúc bấy giờ nổi thì không có tội, lại còn có công. Tại sao vậy? Đây là trình tự công phu của các ông, hành đến chỗ ấy là việc của chỗ ấy. Lúc nào thì có thể nổi vọng tưởng được? Là lúc các ông cần công phu đến chỗ "Lạc đường tự tại" (công phu thành khối), lúc ấy các ông không nổi còn muốn các ông nổi, không nổi không được. Giả như không nổi cũng không đúng, không phải là việc của Thiền tông rồi. Tại sao vậy? Công phu của các ông dụng đến lúc ấy nếu chẳng nổi thì bị công phu làm chướng ngại đi. Các ông có hiểu được chăng? Cái công phu gọi là "lạc đường tự tại" ấy là cảnh giới gì? Ấy là đem câu thoại đầu đề lên giống như nổi vọng tưởng trong hiện tại vậy. Hiện nay suốt ngày cứ ở trong vọng tưởng, không nổi vọng tưởng cũng ở trong vọng tưởng. Lúc ông công phu đến chỗ lạc đường tự tại, nhô đầu ra cũng là câu thoại đầu, cứ nhấc chân cũng là câu thoại đầu, cử tâm là câu thoại đầu, động niệm cũng là thoại đầu v.v... Nói chung, muốn khởi lên một niệm, khác cũng làm không được: công phu đến chỗ nầy, vọng tưởng muốn nổi, nổi không được, nghiệp chướng muốn nổi, nổi không được, cho dù trời xoay đất sụp muốn rời câu thoại đầu cũng rời không được. Nếu trụ ở chỗ nầy cũng không đúng mà cần phải hướng về phía trước mà tiến lên. "Tại sao hướng về phía trước, trời xoay đất sụp muốn động cái niệm thoại đầu cũng không được thì sao tiến vè phía trước được?" Nếu không có chỗ đi không cần các ông đi, lúc bấy giờ mới cho các ông nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng; nổi cho gấp cho nhanh lên, càng nhiều càng tốt. Tại sao vậy? Lúc nầy nổi một vọng tưởng thì bớt một vọng tưởng, nổi một nghiệp chướng thì bớt một nghiệp chướng. Vọng tưởng nghiệp chướng nếu không nổi thì bị công phu che lấp, như thế là không được, cần phải nổi cho hết rồi mới được vô sự. Tỷ như một ổ trộm lớn có năm, sáu tên suốt năm ăn trộm đồ của ngừơi ta; hôm nay ăn cắp một bình trà bỏ trong nhà, ngày mai ăn cắp một hũ rượu bỏ trong nhà, kẻ ăn cắp dù, kẻ ăn cắp nón; tất cả đều chất đầy trong ổ. Ăn cắp lâu rồi có một ngày bị người ta hàng phục; đầu hàng xong thì rất tốt, rất thái bình. Dầu cho tốt nhưng tang vật vẫn còn, hang ổ cũng còn. Nếu không lôi ra tất cả tang vật, đập bể hang ổ thì không lâu bọn kẻ cắp sẽ muốn trở về nữa. Các ông đem tang vật quăng đi hết rồi đốt rụi cả hang ổ, bọn kẻ cắp có trở lại cũng không có chỗ nào để ở cả, đó chẳng phải là được vĩnh viễn thái bình sao? Công phu cũng như việc tiểu trừ bọn kẻ cắp. Bọn kẻ cắp là gì? Là nhân, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý của các ông, đồ ăn cắp là vọng tưởng, nghiệp chướng, người tiểu trừ kẻ cắp là câu thoại đầu. Hôm nay cũng tham, ngày mai cũng tham; đầu tiên, lực lựơng của cảnh giới bên ngoài và vọng tưởng bên trong rất lớn, mắt hễ động thì đánh mất câu thoại đầu, lỗ tai hễ động cũng đánh mất câu thoại đầu cho đến tỷ, thiệt, thân, ý hễ động thì cũng như vậy. Dụng công lâu rồi con mắt dầu cho động thế nào câu thoại đầu cũng còn, lỗ tai động thoại đầu cũng còn, cho đến thân ý động, thoại đầu cũng còn, cũng như bọn cướp hàng rồi thì công phu "lạc đường tự tại". Mặc dù công phu "lạc đường tự tại" kẻ trộm đã hàng nhưng tang vật còn đó, hang ổ cũng còn đó, cho nên muốn các ông nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng nữa, nổi một cái bớt một cái cũng như đem tang vật từng món từng món một bỏ ra ngoài. Đem bỏ hết rồi thì có thể đập phá ổ hang, lúc phá xong rồi thì mới là thật sự thái bình. Nhưng ta muốn hỏi các ông: sau khi thái bình còn có việc làm chăng? Sợ các ông lại không hiểu được nữa! Thế thì cái công phu "lạc đường tự tại" các ông còn chưa dùng đến thì việc phá hang ổ hết tang vật lại càng chưa dùng đến được thì cho có nói thêm việc gì về sau cũng vô dụng. Đợi khi công phu các ông dụng đến chỗ đó rồi thì ta mới nói cho các ông biết. Bây giờ trở lại nói về công phu hiện tại của các ông, ấy là công phu dụng không được, vọng tưởng không nổi không được, nghiệp chướng nổi rồi còn nổi nữa, lấy câu thoại đầu hàng phục nó mà hàng phục không xong; một lần, hai lần không xong, kết cuộc không có biện pháp. Các ông muốn hàng nó; một khi cái tâm muốn hàng phục nó nổi lên thì lại là vọng càng thêm vọng, nghiệp càng thêm nghiệp thì làm sao hàng phục nó được? Nay chỉ cần các ông không ngó tới nó, không hỏi nó, không hàng phục nó, không đè ép nó, chung qui cứ lấy câu thoại đầu của ta mà tham, cứ tham mãi tự nhiên sẽ được lên đường. Đây là việc rất cần! Rất cần! Các ông hãy phát tâm tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 19 tháng 11 (thất năm ngày thứ sáu)

Theo quá trình công phu đại khái có ba thứ: thứ nhất là cực lạ, thứ nhì là cực quen, thứ ba là phi phàm phi thánh. Ba cái nầy bao gồm tất cả quá trình dụng công của các ông. Dù công phu dụng đến thế nào cũng không ngoài ba thứ nầy. Công phu cực lạ các ông đều rõ thấy được rồi. Thoại đầu tham không vô, muốn tham thoại đầu thì các ông bị vọng tưởng ngăn chận, đề một câu nữa thì vọng tưởng nổi mạnh lên, bị sức mạnh của vọng tưởng nổi lên cướp đoạt một hai cây hương, cho đến liên tiếp cả một ngày cũng không chấm dứt. Bất chợt nhớ lại câu thoại đầu, đề lên được một hai lần thì hôn trầm lại nổi lên, ngủ quên cả nửa ngày mới biết, khi sực tỉnh đề lại câu thoại đầu thì nghiệp chướng, âm thanh, sắc tướng và nhức ngứa trên người v.v... đều là nghịch cảnh làm cho câu thoại đầu bị đánh mất. Đó là lý gì? Bởi vì chúng nó quá quen thuộc còn công phu thì xa lạ quá; kỳ thực tham thiền không có gì kỳ lạ, chỉ cần lấy câu thoại đầu đề lên thường xuyên và khởi nghi tình tham liên tục. Hiện nay đã đả được năm thất rồi, không được bảo là cực lạ, nhất định phải có chút tiến bộ, dù chưa đạt đến chỗ cực quen, hưng công phu đã dụng như vậy dẫu cho là lạ cũng cứ đề lên thoại đầu, đừng buông thả, lâu dần trong một ngày thì có nửa ngày công phu, trong nửa ngày còn lại dù cho màu sắc, âm thanh, vọng tưởng làm đối nghịch, nhưng nửa ngày kia đã được nắm chặt lại trên công phu xét kỹ xem đắc lực hay chẳng đắc lực, cũng như "Niệm Phật là ai", không hiểu rõ phải hỏi nữa. Đáo để là ai? Truy cứu không xong không thể bỏ qua, phải tự hỏi cho đến minh bạch mới buông tay. Cứ như vậy mà hỏi thẳng, không minh bạch nhất định không ngừng nghỉ. Hỏi mãi như thế, khi quay đầu nhìn lại sẽ thấy công phu có phần đắc lực, lại tiếp tục kiểm điểm cái thân nầy còn có hay không? Tựa như chuyện trong thân mình và ngoài thân mình đều không có liên hệ. Xét kỹ thêm một tí sẽ thấy hình như thân thể không có, vậy thân thể tôi không có thì âm thanh, sắc tướng, nhức ngứa làm sao có được. Công phu hành trì thỉnh thoảng có lúc dẫu thấy trên thân thể không có nhưng hình như còn có một hai cái vọng tưởng nghiệp chướng thình lình xảy ra, vậy thì thế nào? Vì tâm chưa bỏ được, cần ôm câu thoại đầu, không được buông. Cứ tham mãi mãi vọng tưởng nổi lên không được thì hình ảnh của nghiệp chướng cũng mất tiêu luôn. Chỉ có cái chỗ không minh bạch của câu thoại đầu, đến được chỗ nầy rồi thì tâm cũng bất khả đắc, thân quên hẳn, tâm cũng quên hẳn; thân tâm đều quên dù cho sắc tướng đẹp thế nào, âm thanh hay thế nào, nếu không có thân thể thì nó dung thân ở đâu? Tình ái sâu thế nào, nhiều đến đâu mà không có tâm thì nó nương vào đâu để an thân? Thân tâm đều bất khả đắc có thể gọi là công phu hiện tiền còn gọi là công phu cực quen. Cực lạ là phàm phu, nhưng cực quen không phải là hiền thánh, cũng không phải đến chỗ phi phàm phi thánh. Công phu hiện tiền là cảnh giới gì các ông tự mình đều cần đạt đến chỗ đó thì mới thấy được, ta nói mà các ông không đi đến thì cũng bằng không. Thật tội nghiệp cho các ông, đối với việc dụng công mà không nắm chắc tí gì; nếu ta không nói sơ cho các ông biết một chút cũng không được. Sự công phu hiện tiền, tức câu thoại đầu hiện tiền, dù đi đứng nằm ngồi, nổi vọng tưởng nổi nghiệp chướng đều là câu thoại đầu, cũng như lúc cực lạ của các ông suốt ngày chỉ có nổi vọng tưởng, đi đứng nằm ngồi đều trong vọng tưởng, cử tâm động niệm ở trong vọng tưởng, mặc áo ăn cơm ở trong vọng tưởng, đề câu thoại đầu cũng là vọng tưởng, sợ vọng tưởng, trừ vọng tưởng lại là thêm vọng tưởng. Hôm nay, công phu hiện tiền tất cả chỗ nào cũng đều là công phu, dù nổi vọng tưởng nổi nghiệp chướng cũng đều là công phu, cái nầy tức là công phu hiện tiền cũng là cực quen, chưa được kể là xong việc, còn phải là lạ bất khả đắc, quen cũng bất khả đắc, lạ quen đều bất khả đắc mới được gọi là đến chỗ phi phàm phi thánh. Vậy thì trong khi công phu hiện tiền chỉ có câu thoại đầu; các ông đừng tưởng sai lầm đi đến chỗ nầy rồi chỉ có chỗ không hiểu câu thoại đầu, chỉ có cái không minh bạch, không cho có chỗ suy nghĩ, cũng không phải cái không minh bạch mơ mơ hồ hồ, cũng không phải cái không minh bạch cho qua loa; như thế mới thực là công phu hiện tiền. Đó là lý gì? Triệu Châu Thiền Sư nói: "Lão tăng ba mươi năm chẳng tạp dụng tâm. Hễ biết mặc áo ăn cơm là chỗ tạp dụng tâm. Người trong thiên hạ ở chỗ minh bạch, chỉ có lão tăng một mình không ở trong chỗ minh bạch", đây là một bằng chứng xác thực. Vậy đến đây gọi là đến đích chưa? Chưa, chỉ có thể nói là cái bánh xe sanh tử ngưng lại rồi, không xoay chuyển chứ chưa đạt được đến cuối cùng, cần phải tiến thêm một bước, đến lúc ấy ta mới nói được chuyện bình thường trong gia đình, kể được việc trong nhà, nhưng việc đáng nói bây giờ không phải là việc trong mà mà coi là việc đang đi đường. Các ông vẫn chưa hiểu được sự việc dưới cửa Thiền tông, chuyện phàm phu thành thánh nhơn; đó không phải là việc cứu cánh, không phải là chỗ đặc biệt của Thiền tông. Sao vậy? Địa vị thánh nhơn là việc ở giữa đường, việc đến nhà vẫn còn cách xa một khoảng đường, các ông có hiểu tí nào không? Nếu đi được đến chỗ nầy mới cho là đúng việc của Thiền tông, là chỗ đặc sắc của Thiền tông. Lời nầy chỉ có Thiền tông được nói, ngoài ra không pháp môn nào được nói. Vậy sau khi cực quen rồi dẹp từng lớp từng lớp mãi, dù nói các ông nghe đại khái không dễ gì lãnh hội được, chỉ là từ lạ chuyển thành quen, người ít thiện căn sẽ còn chút ít ngại khi nghe như vậy. Ta nói thêm một thí dụ: chúng ta ở trong thiền đường lâu ngày, nhiễu hương, tọa hương không còn lạ gì, bỗng có người ngoại quốc lỗ mũi cao, mắt sâu, đầu tóc đỏ, thân to lớn, tất cả đều khác với chúng ta; ta nhìn nó, nó lại nhìn ta, ta thấy nó quái lạ, nó thấy ta cũng quái lạ. Mình đi vào, nó cũng đi theo vào; ra, nó cũng theo ra, mình không nói chuyện được với nó, nó cũng không nói chuyện được với mình. Một mình nó, nó không dám ngồi, không dám ăn cơm. Thời gian lâu mình nhìn nó mĩm cười, nó cũng nhìn mình cười; lâu hơn nữa trao đổi được một vài câu qua lại, dần dần quen rồi không còn quái lạ, lâu ngày cùng nhau tham thiền. Lâu nữa, không xong! Nó lại sanh khi dễ chúng ta, rồi mỗi cử động đều phải nghe nó chỉ huy. Lâu ngày ngược lại mình phải lễ lạy nó, các ông tưởng tượng xem trên thế gian có chuyện như vậy chăng? Tình trạng thông thường hiện nay cũng đều như vậy, sự công phu hạ thủ cũng giống vậy. Người ở trong thiền đường cũng như vọng tưởng, nghiệp chướng từ lâu đã quen thuộc, câu thoại đầu như người ngoại quốc xa lạ, khi hạ thủ dụng công đề lên câu thoại đầu thì vọng tưởng xông lên cũng như các ông nhìn nhau với người ngoại quốc, lâu ngày quen thuộc đương nhiên cũng có thể tham được, lâu thêm nữa tham cũng được, không tham cũng được, nổi vọng tưởng cũng được, không nổi vọng tưởng cũng được, đó là cùng tham với nhau rồi, lâu nữa vọng tưởng đứng không yên vì câu thoại đầu đã làm chủ, làm vua. Trên đời phải có cái lý như vậy, dụng công phu cũng là như vậy. Các ông thật đáng thương! Chỉ có một câu thoại đầu đến nay vẫn có người không tin, có phải khổ không? Chúng ta đều là người sáng suốt, ta khuyên các ông ở trên câu thoại đầu dụng khổ công thêm một phen, chịu thêm nhiều oan ức, đối với sự hành đạo mới có thể có chút ít tương ứng nào đó, hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 20 tháng 11 (thất năm ngày thứ bảy)

"Một niệm sai rồi trăm việc đều sai", ta nói một niệm sai không những trăm việc đều sai mà ngàn việc, muôn việc, tất cả đều sai. Tại sao vậy? Cái căn bản sai thì cái chi nhánh làm sao không sai được! căn bản tức là hiện tiền một niệm của chúng ta nếu một niệm nầy đúng thì ngàn muôn việc đều đúng, nếu một niệm sai thì ngàn muôn việc đều sai. Lục Tổ dạy: "Tự tâm bất ly giả, vô chân hà xứ chân?" (tự tâm không rời cái giả, không chân thì còn chỗ nào chân) đủ có thể chứng minh cái niệm hiện tiền của chúng ta có thể đúng có thể sai, nếu cái niệm nầy của chúng ta đã sai đi rồi thì sẽ tiếp tục mãi không ngừng. Phải biết từ vô lượng kiếp đã sai đến ngày nay, hôm nay được cái sắc thân nầy thì thực là khó lắm! Trong kiếp xưa không biết đã chịu bao nhiêu khổ, nếu mở mắt ra xem thì phải khóc than biết bao nhiêu? Cái sắc thân ở trong lục đạo, tứ sanh, cái sắc thân nào mình chẳng có làm qua? Cái đó đều do một niệm sai mới có. Nầy các thầy! Nếu hôm nay không giải quyết chữ sai nầy đi thì cái khổ ở tương lai còn dài lắm, con mắt nhắm lại, một chân cao, một chân thấp, con đường đi nầy không phải dễ đi, thực là xa xôi khó đến! E rằng cái câu xa xôi khó đến nầy cũng chẳng xong nữa! Tại sao vậy? Nếu các ông biết con đường nầy là xa xôi khó đến mới có thể nói là xa xôi khó đến. Căn bản con đường nầy không biết thì câu xa xôi khó đến ấy để vào đâu? Vậy thì chữ "sai" nầy là không tốt, thì các ông sẽ quay đầu lại nói cữ "đúng" (thị), bởi vì cái sai (phi) đã không tốt rồi, nhứt định dứt nó đi; không có mùi vị gì thì hãy tìm lấy cái đúng mà làm đại khái là tốt rồi. Đúng đấy! Bởi vì đúng là tốt. Đại khái đối với chữ "đúng" nầy các ông không dễ gì hiểu được, nên mới có sự so lường như vậy. Ta hỏi các ông: Tại sao nói rằng đúng là sự tốt? Trong Thiền tông thì không phải vậy, dù không phải vậy nhưng cũng là một con đường phải đi ngang qua. Tại sao Thiền tông nói không phải vậy? Sai tuy không phải là việc tốt, đúng đối với sai mà nói cho là tốt. Nhưng Thiền tông không cho lấy sai làm đúng cũng không cho lấy đúng làm đúng, đúng với sai đều không trụ mới là sự việc trong Thiền tông. Đã là đúng sai đều không trụ thì về sau còn có việc gì không? Có hay không, cần các ông phải tự mình lãnh hội, ta nói không được, tại sao vậy? Nếu ta nói hữu sự thì các ông sẽ hướng về cái hữu mà dụng công, hễ ta nói vô sự thì các ông sẽ hướng trên vô sự mà dụng công, cũng như người xưa nói; "như người uống nước lạnh ấm tự biết". Vậy thì làm một người như vậy cứu kính là người nào, cái người nầy ta có thể chỉ ra cho các ông: các ông công phu đến chỗ nầy là rất thanh cao, có thể nói là "không cùng với vạn pháp làm bạn". Một người không làm bạn với hữu tình, cũng không làm bạn với vô tình, thực hành được như vậy là từ chỗ nào làm đến được? Là một niệm hiện tiền; cái một niệm nầy đúng thì toàn thể đều đúng, cái một niệm nầy sai thì toàn thể đều sai, cái nầy các ông sợ còn chưa được rõ, vậy ta cần phải nói qua cho các ông biết; việc thiên hạ đều không đúng! Chỉ có câu thoại đầu mới là "thiệt đúng". Tại sao nói câu thoại đầu là "thiệt đúng?" Không nhưng ta dám nói mà ta còn dám bảo đảm, các ông sợ còn có điểm không tin. Ta dám nói bảo đảm, không phải chỉ là nói suông thôi đâu, đương nhiên là cần phải có bình luận. Người trên đời không đủ kể thí dụ: Phật Thích Ca, Phật quá khứ đều thỉnh đến đây! Bất cứ vị nào nói chuyện với ta, ta hỏi: "Nầy Phật Thích Ca, câu thoại đầu còn "đúng" hay không? Thí dụ Phật trả lời "không đúng"! Câu thoại đầu nầy chỗ nào nói là đúng được". Nầy Phật Thích Ca ta nói câu thoại đầu là đúng là nói với người đúng, hay nói với người không đúng hay nói với người lìa đúng lìa sai? "Ta hỏi như vậy thì e rằng Phật Thích Ca trả lời không được. Tai sao vậy? Tùy theo trình độ căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa, không như vậy không được. Nếu nói người trong nhà (ý nói người đã kiến tánh) ta hỏi Phật Thích Ca thì đương nhiên Phật trả lời được. Nếu Phật Thích Ca hỏi ta, ta cũng trả lời được. Vậy nếu Phật Thích Ca không trả lời được thì còn ai có thể trả lời được nữa? Không phải vậy! Tuy là không phải, nhưng còn muốn các ông niệm niệm đều có, tâm tâm đều có thì mới có thể kể là đúng được; cái chữ "đúng" nầy, chúng ta nói đến đây là kết thúc. Chúng ta dù nói niệm niệm có được tham, tâm tâm có được tham, muốn tham đến trạng thái nào mới nói được là niệm niệm có, tâm tâm có? Nếu có thể lấy câu thoại đầu để trên tâm mình thì chỉ là một cái không minh bạch mãi, không minh bạch thì không buông tay; thình lình người ta tọa hương, ông thì không biết ngồi, khi đánh dấu hiệu đi cầu mọi người đi cầu tiêu thì ông lại không biết hướng về chỗ nào đi, đây gọi là đi mà không biết đi, ngồi mà không biết ngồi. Cái không biết nầy của ông không phải là cái không biết mơ hồ, không minh bạch, mà trong tâm lại minh minh bạch bạch. Người niệm Phật không biết là người nào cứ một mạch mà tham đi; cũng như tham niệm Phật là ai, niệm Phật là người nào niệm? Đáo để là ai? Cứu cánh là người nào? Đều qui tựu vào chỗ không minh bạch, lấy đại ngộ làm kỳ hạn, không ngộ thì cứ tham. Các ông hãy phát tâm. Hãy tham đi!

>>>Phần 3

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Dấu BÃÆn Tinh thần Thiền Tông Li CHÙA tu廙i 普提本無 tự lá Ÿ hỏi tap tenh lam nguoi muc dich cuoc doi la g i dạo Ăn chay ti nh Mẹ lòng từ NhÃƒÆ su khao khat tim cau giac ngo cua nu gioi xin chao cac vi phap su biệt bẠvạn đừng Chua hay CÃn Giç húy Sơ lược tiểu sư Tổ Huệ Đăng hạnh doanh mot 五痛五燒意思 Quan hệ thầy trò trong kinh luật Phật tu và nghiệp Phát luu y ve giac ngu doi voi nguoi cao tuoi nen cung tat nien nhu the nao Bớt nóng với trà và salad hoa Phật giáo ДГІ udumbara vài suy nghĩ về vấn đề cầu an và cầu chùa hải ấn nÁn Suc stress quảng qua viet bên 無量義經 nghe thuat song tinh thuc ma nguoi phat tu can 泰卦 hoa thuong thich hue phap トO 抢罡 Giổ 18 trung am bardo tai sinh bổ giå Ai nam mo cau sam hoi bo tat 真言宗金毘羅権現法要 Con đường đi đến Phật đạo chua global vipassana ky quan kien truc the ky xxi