.
LAI QUẢ THIỀN SƯ
THIỀN THẤT KHAI THỊ LỤC 
Việt Dịch: THÍCH DUY LỰC
Tiểu Sử 
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
KHAI THỊ
Ngày 21 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ nhất).

Người dụng công phu tưởng rằng công phu của mình tốt lắm, có thể nắm vững được rồi; lúc thân ngồi xuống, tâm cảm thấy nhẹ nhàng, công phu thì thanh thanh tịnh tịnh. Trong lòng cứ cho là: “Tốt lắm rồi! Công phu của ta đã nắm được rồi”. Nhưng theo ta nói thì còn khổ não lắm! Trong chiêm bao cũng còn chưa thể mộng thấy! Đối với người có công phu để dụng thì còn có thể nói là “đắc thiểu vi túc” nhưng ông phải hành đến chỗ đắc thiểu mới có thể nói như vậy được; chỗ thiểu còn chưa đến thì làm sao gọi được là túc? Cái hành này của ông chẳng được gọi là người dụng công phu thì nói gì đến túc? Vậy thì phải làm sao mới là người dụng công phu? Cần phải trong tịnh có công phu, lúc động cũng có công phu, động tịnh đều có công phu. Cái hành này phải thực hành ra làm sao vậy? Nếu mà muốn công phu ở trong tịnh cho tốt xong rồi mới bắt đầu dụng công phu ở trong lúc động thì như thế ba mươi năm, năm mươi năm cũng làm không tốt. Tại sao vậy? Tại ông lấy động, tịnh chia làm hai phần riêng biệt thì làm sao cho tốt được? Lúc động, lúc tịnh, ở giữa động và tịnh công phu đều phải được nắm vững mới có thể nói là động tịnh không chướng ngại cho ông, ông cũng không bị động tịnh chướng ngại. Nếu không nắm vững được chỗ này thì khi tịnh dụng thì bị tịnh chuyển, khi động dụng thì bị động chuyển; làm sao ở giữa hai cửa động tịnh mà công phu không đánh mất thì mới có thể nói: động cũng không động được ông, tịnh cũng không tịnh được ông; dù cho là đỏ, là xanh, là nam, là nữ đều không bị nó chuyển thì mới cho ông là động tịnh nhất như. Mặc dù có công phu như vậy vẫn còn phải khảo sát một tí; một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ còn có thể dụng công hoàn toàn như vậy được không? Giả sử không hoàn toàn dụng công được như vậy, xin hỏi: “Có mấy tiếng đồng hồ dụng công như vậy?”. Nếu muốn có trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ có hai, ba tiếng không ở trong công phu thì ta không dám bảo đảm cho ông được liễu thoát sinh tử, cũng không nói được ông có hy vọng khai ngộ. Không những ta không dám bảo đảm mà Phật Thích Ca cũng không dám bảo đảm; dù cho Phật Thích Ca đứng ngay chỗ này mà các ông có hỏi Phật: “Công phu cần phải một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ dụng công không gán đoạn chăng?”. Giả sử Phật Thích Ca nói: “Không cần! Một ngày có mười tiếng để nghỉ ngơi, để nói chuyện”. Đúng lắm! Ta muốn hỏi Phật: “Hai mươi tiếng dụng công là trồng cái nhân gì? Năm, sáu tiếng nghỉ ngơi là trồng cái nhân gì?” thì Phật Thích Ca có còn gì để mở miệng? Cho nên ta nói công phu cần phải dụng như vậy! Phật Thích Ca nhất định cũng nói phải dụng như vậy! 

Vậy thì trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ công phu không gián đoạn, cái công phu này có thể kể được là đã đến nhà chưa? Chưa được đâu, còn sớm lắm! Mười phần công phu mới có được một phần. Ta nói như thế các ông lại tưởng rằng: Công phu dụng đến chỗ này còn nói chỉ có một phần, việc trong Thiền tông thực khó quá! Đúng thế! Bởi vì ông không có tri thức dụng công cho nên nói khó, nếu là người có ít trí thức đương nhiên không nói khó, cần phải dụng công như thế. Tại sao cần phải dụng công như thế? Tại sao nói mười phần chỉ có một? Bởi vì suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ dù công phu của ông được thật đứng đắn, nhưng hễ có bệnh thì hỏng việc rồi! Các ông nghĩ xem! Lúc có bệnh đã dụng qua công phu chưa? Công phu còn được đứng đắn không? Bệnh thì chúng ta đều đã có bị qua rồi, đang lúc bệnh thì có dụng công hay không? Sợ ngay cả cái hình bóng cũng không có! Chúng ta nghiên cứu thử xem: trong khi bệnh có cần dụng công hay không? Nếu nói lúc bệnh không cần dụng công, các ông nói thì được chứ ta thì không dám nói. Theo ta, các ông muốn dụng công phu thì lúc bệnh cần phải dụng công phu đứng đắn hơn ngày thường chút ít mới được. Tại sao cần phải đứng đắn hơn? Đau nhức không biết đau nhức, khổ không biết khổ, chết ta không hiểu được, công phu rõ ràng minh bạch, dù cho trời có nóng hay là lạnh, ta một tí cũng không biết đến, chỉ biết sao công phu còn phải tốt hơn ngày thường, công phu ngày thường tuy là tốt nhưng không có thống khổ thì công phu vẫn chưa được cho là đắc lực. Vậy thì có thể nói: Động không đến ông, tịnh không đến ông, bệnh nặng cũng không đến ông mới gọi là tốt!

Công phu này được đến chỗ cực điểm chưa? Cũng còn chưa đâu, chỉ mới có hai phần thôi. Nói như thế thì ra làm sao? Thực làm cho người ta không biết làm sao mà rờ! Thực khó thay! Ta muốn nói cho các ông biết, muốn các ông được thấy đến nơi đến chốn mới đúng: dù cho động tịnh nhất như, bệnh cũng không động đến ông, ông còn ngủ hay không? Ngủ quên rồi lúc nằm chiêm bao thì công phu ra như thế nào? Các ông tưởng tượng xem: công phu có được đứng đắn không? Ta tuyệt đối không phải nói để làm khó cho các ông! Chiêm bao mọi người đều có trải qua, nếu trong khi ngủ quên mà nằm chiêm bao thì không còn dụng công. Ta cho các ông biết, người xưa có nói: “Nghiệp thức mang mang, vô bản khả cứ” (Nghiệp thức mênh mông, không chỗ căn cứ vào được). Hai câu này thế nào? Cứ theo lời nói như vậy thì lúc nằm chiêm bao nhất định cần phải dụng công. Nếu được trong khi ngủ mà không biết có sự ngủ thì làm sao nằm chiêm bao được? Chiêm bao cũng là câu thoại đầu, không kể ngủ hay không ngủ, tất cả đều không rời công phu mới cho là nắm vững được phần nào, nhưng vẫn chưa thể nói là được mười phần. Tại sao vậy? Người xưa có nói: “Lúc tịnh công phu được mười phần thì lúc tịnh chỉ còn một phần, lúc động công phu được mười phần thì lúc ngủ quên nằm chiêm bao ngủ quên chỉ còn một phần, lúc chiêm bao có được mười phần thì lúc đủ thứ khổ đều tụ lại, sinh tử đến ngay trước mắt thì lại chỉ còn một phần”. Đấy chẳng phải là lời ta nói ra đâu. Công phu tất cần phải dụng đến sự lâm nguy cuối cùng có nắm được mược mười phần, liễu sinh thoát tử mới có phần của ông. Công phu dụng lúc sống không thể dụng thẳng đến sau khi chết, cho nên trước khi chết phải giải quyết cho xong sự sanh tử của chính mình. Ta nói như thế các ông cảm thấy sự việc trong Thiền tông thực khó, thực khó muốn đến lắc đầu, hình như thực hành không được, thực khó lắm rồi! Ta nói không phải vậy, các ông thấy có sự thâm sâu như thế nhưng chúng ta chỉ cần một câu thoại đầu thì xong thôi! Câu thoại đầu ra sao mà lại có lực lượng to lớn như thế?

Chúng ta thí nghiệm thử một tí xem: Đề lên câu thoại đầu rồi thì nghi tình còn, buông thoại đầu xuống thì nghi tình không còn nữa. Các ông làm như thế này thử xem: Đề cầu thoại đầu lên đừng buông nó; trong lúc ấy các ông nghiên cứu thử xem, xem xét thử xem, động còn chướng ngại được nó không? Tịnh còn chướng ngại được nó không? Bệnh còn chướng ngại được nó không? Chiêm bao còn chướng ngại được nó không? Dù cho đủ thứ khổ tụ lại cũng đâu còn sợ gì? Chỉ cần một câu thoại đầu thì đưa ông đến được nhà. Ấy tức là “Nhất siêu trực nhập”. Mặc dù dễ như thế, trực tiếp như thế, rốt cuộc muốn các ông làm đến nơi: đề khởi lên có nghi tình, buông xuống cũng có nghi tình. Công phu dụng đến chỗ này mới đúng. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 22 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ hai).

Trong lúc vận chuyển làm việc, công phu phải nắm cho vững, suốt cả ngày đêm công phu phải nắm cho vững. Nếu có được công phu như vậy thì mới có được một tí tương ứng với bổn phận của các ông. Tại sao phải dụng công như thế? Cần phải hiểu: Khi đang công phu có buông bỏ một tí tức là có một tí trống rỗng, cái trống rỗng này tức là kẽ hở thì sinh tử của chúng ta sẽ từ kẽ hở mà trỗi dậy, cái kẽ hở này tức là căn cứ địa phát sinh lục đạo luân hồi.

Các ông tưởng tượng xem: Trong khi công phu có một tí trống rỗng như vậy ấy là chỗ sanh ra sinh tử luân hồi; vậy thì há có lý nào ban ngày dụng công phu còn ban đêm thì khỏi dụng công? Tọa hương thì dụng công, còn đi kinh hành thì khỏi dụng công? Lại nói đến ngủ quên khỏi dụng công thì lại càng không xong rồi; người có cái tri kiến như vậy cũng không phải là ít: ấy là chỗ hiểu lầm lớn của các ông. Cái hiểu lầm này người lầm cũng không ít! Thời gian lầm lẫn cũng không ít! Ta thấy các ông cứ sai lầm mãi như vậy đến ngày nào mới dứt?

Theo sự đả thiền thất thì cần phải dụng công tinh tấn, nên sư Ban Thủ, sư Duy Na đều là những người giúp cho các ông nỗ lực tinh tấn, các ông lại không thèm để ý đến việc đi kinh hành, cứ chạy như bay, mà không có nghi tình, vậy gọi là sự tinh tấn của các ông sao? Vậy còn muốn đả thiền thất làm chi nữa? Nếu lúc đi kinh hành mà không thèm để ý đi như thế nào, chạy như thế nào, vậy thì Hòa Thượng, Ban Thủ, Duy Na chẳng phải là vô dụng sao? Như thế thì ta còn cho phép các ông làm như vậy được sao? Theo quy củ: Kêu đi thì phải đi, kêu chạy thì phải chạy như bay, không được nhầm lẫn một chữ! Ta chỉ dạy các ông dụng công phu, các ông cụng hay không dụng ta còn có thể tha thứ một tí chứ còn quy củ của ta các ông không được sai chạy một chữ nào cả. Cứ theo như các ông: Kêu đi ông không đi, ông còn muốn sống không? Cái thân xác của các ông còn muốn ở thiền đường thêm mấy ngày? Hôm nay ta cho các ông biết: Từ nay về sau người chấp sự kêu các ông đi thì các ông đi, kêu chạy thì phải chạy như bay. Sai suyển một chút mà ta thấy được thì phải đánh ba hương bảng, đánh cho ông gãy xương, có mất mạng hay không ta không cần biết. Các ông cần phải lưu ý cho kỹ! Ta không nói trước cho các ông nghe thì khi hương bảng đánh xuống, các ông sẽ lấy làm lạ mà nói rằng: “Thực vô lý quá, phạm cái quy củ nhỏ này làm sao đến phải bị đánh hương bảng nặng như thế? Thật lợi hại quá! Quy củ Thầy chưa nói cho tôi nghe, nếu Thầy đã nói cho chúng tôi nghe rồi, biết sự lợi hại của quy củ rồi, đương nhiên sẽ nghe lời gọi, bảo chạy thì chạy như bay, ấy cũng có gì đáng kể.” Đúng thế! Các ông phải lưu ý cho kỹ.

Tại sao lại phải như thế? Cần phải hiểu: các ông từ đầu năm đến cuối năm chỉ hy vọng thời trong kỳ đả thiền thất được liễu sinh tử. Trong thời kỳ thiền thất dụng công hoàn toàn nhớ cái tinh tiến. Tinh tiến dũng mãnh sợ còn không thể liễu được sinh tử, lười biếng thì làm sao hữu dụng được? Ngày thường chỉ hy vọng trong thời kỳ đả thất, nay trong thời kỳ thiền thất mà không như vậy thì còn hy vọng thời kỳ nào nữa? Vậy ta đem ông đem ông đánh chết thì còn có tội không? Nhưng mà bảo ông chạy như bay, không phải chạy để chơi, phải làm sao bước chân nào cũng rời công phu, niệm niệm không rời công phu, nếu mà chạy không thì chẳng bằng không chạy! Các ông phải lưu tâm ghi nhớ cho kỹ!

Hiện tại người dụng công phu đều phải nghiên cứu cho thuần thục, cũng như trâu rừng trên núi, muốn trâu rừng làm việc, trước hết phải dạy cho nó thuần thục rồi sau mới có thể dùng được. Các ông xem: Lúc ban đầu mới buộc, nó chạy bên Đông nhảy bên Tây không chịu theo khuôn phép tí nào. Hôm nay dạy nó, ngày mai cũng dạy thì dần dần có thể cùng ông lên đường được rồi; lâu nữa thì có thể theo ông mà chạy. Sau khi đã thuần thục thì khỏi cần buộc dây, nó còn có thể đi trước ông nữa Dụng công phu như thế, ban đầu câu thoại đầu giống như trâu rừng, ông muốn dụng công nó không theo ông dụng, không chỗ này hỏng thì chỗ kia hỏng. Lâu đi rồi thì dụng được tốt thôi, thêm lâu nữa thì sẽ thuần thục, chỉ có một câu thoại đầu cứ dụng thẳng đến. Trước kia thoại đầu đề không được, tất cả là chỉ nổi vọng tưởng; hiện nay vọng tưởng nổi không lên, tất cả chỉ là câu thoại đầu: ban ngày ban đêm đều là công phu, muốn nổi một cái vọng tưởng cũng không được, nếu dụng công được như thế thì có thể gọi là thuần thục rồi.

Tại sao phải dụng như thế? Công phu của chúng ta muốn được thành khối tất nhiên cần phải lên con đường này, theo con đường này mà chạy thẳng đi thì mới có thể đến được công phu thành khối; nếu không theo con đường này chạy đi thì công phu không được thành khối.

Thế nào là công phu không thành khối? Thế nào là công phu thành khối? Hai thứ công phu trên đường đi này, các ông phải thấy cho triệt để thì lúc dụng công phu mới được đúng. Hai chữ thành khối tuyệt không phải là có đồ vật gì, không phải là cục đất hay khúc cây gì, nếu hiểu như vậy thì là sai rồi! Đừng có tưởng lầm. Cái khối này, là khi tham thoại đầu được đắc lực, tâm là thoại đầu, nổi vọng tưởng cũng là thoại đầu, nổi nghiệp chướng đều là thoại đầu, trên thân thể đều là thoại đầu, ở dưới chân là thoại đầu, trong tay đều là thoại đầu, nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân v,v… đều là thoại đầu, ngay chỗ này, chỗ đứng cũng là thoại đầu, ngước lên nhìn trời, trời cũng là thoại đầu; tâm như vậy, thân như vậy, hư không cũng như vậy, tất cả cộng chung thành một thoại đầu, tức là thành một khối, không phải khúc cây, cục đất là khối. Cái khối của câu thoại đầu này lan tới chỗ nào cũng là cái khối này, ông muốn đập nó, lấy miếng gỗ đánh nó một cái, miếng gỗ đó cũng thành thoại đầu, lấy cục đá đập nó một cái, cục đá cũng thành thoại đầu luôn. Ta nói như thế là một thí dụ, trong tâm của ông cần phải có một tí lĩnh hội mới được! Công phu như thế tức là công phu thành khối.

Đối với công phu thành khối: thoại đầu đề lên, nghi tình đắc lực, nghi tình cũng là thoại đầu, thoại đầu cũng là nghi tình; sơn hà đại địa là tự thân ta, tự thân lại là tâm, tâm cũng là thân, thân cũng là sơn hà đại địa; giả sử cho cục gạch, miếng gỗ đánh đập một cái, một tí động tịnh cũng không có. Nếu dụng công phu được như vậy là công phu thành khối và dễ đến được quê nhà.

Ta nói như thế, vậy công phu của các ông đã đến chỗ này chưa? Không cần các ông nói ta cũng biết các ông còn chưa dụng công phu được như vậy, các ông chưa dụng đến nơi thì không cần giảng mới phải; nếu không giảng thì các ông khổ não quá? Một tí tri thức dụng công cũng không có; dù cho các ông chưa dụng đến nơi, ta ở phía trước từ từ dẫn các ông đi, các ông cũng có thể theo đến, dù cho ông dụng công chưa đến được thì cũng gieo được một hạt giống đạo.

Các ông người có chí hướng công phu này muốn làm cho đến cũng không có gì, chỉ cần nhận thức là suốt ngày chẳng kể kinh hành, tọa hương, đi ngủ đều phải chiếu cố đến công phu cho tốt, không cho nó bỏ trống chút nào, lúc đi phải nhận chân mà đi, bước nào cũng không rời câu thoại đầu, đang lúc ngồi, nghi tình rõ ràng trong sáng thì tương lai có thể đạt đến công phu thành khối, thành phiến. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 23 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ ba).

Người dụng công phu hình như trong tịnh thì dụng được, khi ngồi xuống mà dụng thì công phu trước mắt, muốn nói trong khi động mà dụng công phu thì không dễ đâu! Lúc công phu đứng đắn thì hình như không động được, hễ động một cái thì công phu mất tiêu; còn muốn nói trong động trong tịnh nghi tình thành khối, đập thành phiến lại càng không dễ gì làm được. Đúng thế! Vậy thì nói thực một câu: trong khi động, công phu không dễ gì mà dụng. Tại sao vậy? “Một động, hai động” cái động này chưa hết thì cái động kia đã đến rồi, về sau cứ tiếp tục xong lên mãi mãi như vậy: “Một động, hai động, ba động”, cũng như các ông tọa hương, công phu thấy được lắm, gặp khi khai tịnh thì không phải là động rồi sao? Sau khi khai tịnh thì phải buông chân ra; đã khởi hương rồi thì phải đi tiểu tiện; những chuyện này có thể nói: Khai tịnh buông chân ra là một động hai động, khởi hương tiểu tiện là ba động. Các ông nghĩ xem: Niệm niệm không ngừng động như vậy, cho đến chưa từng ở trong động dụng tâm qua, vì vậy hôm nay muốn trong động dụng công thì sao mà các ông làm được.

Hiện tại chúng ta đã đả được năm, sáu thất, công phu trong khi tịnh các ông đương nhiên đã dụng được rồi. Nay muốn các ông dụng công phu trong khi động thì không dễ gì mà dụng được, tại sao vậy? Bởi vì các ông từ lâu chưa có lưu tâm. Các ông phải hiểu: công phu trong khi tịnh mặc dù đắc lực, hễ có một tí động tác thì lập tức mất liền; giả sử các ông trong khi động mà dụng công phu được thì dù cho tất cả động cũng không động được đến chỗ công phu của các ông, bởi vì công phu của các ông là từ trong khi động mà được thì đâu có sợ gì động nữa?

Các ông cho rằng lúc động thì khó, ta nói không khó! Thứ nhất là muốn các ông có tri thức này, muốn liễu sinh thoát tử tất cần phải dụng công phu trong lúc động, khi trong động mà dụng công được tốt rồi thì mới có thể động tịnh nhất như được. Cái trường kỳ của sinh tử, lợi hại của sinh tử, sinh tử khổ não, nếu không dụng công phu đến động tịnh nhất như thì không thể liễu được: đây là tri thức thức thứ nhất. Thứ hai là phải biết muốn dụng công phu thì bất luận trong động trong tịnh, không được rời khỏi công phu: muốn liễu sinh tử thì tất phải dụng công phu cho đến thành khối thành phiến: đây tức là tri thức thứ hai của các ông. Có được hai tri thức, lập định chí hướng không làm đến thì không được; nếu không công phu cho tốt thì ta không thể là người tham thiền được! Nào là đi, đứng, nằm, ngồi, không hỏi động tịnh, chung qui cứ ôm chặt lấy câu thoại đầu đến chết cũng không buông. Ông có được quyết chí như vậy mà còn sợ làm không tốt sao?

Nhưng mà có quyết chí rồi còn phải biết phương tiện, không hiểu phương tiện thì sẽ làm hỏng việc. Thế nào là hiểu phương tiện? Trước tiên phải biết: Sinh tử không phải một ngày là làm xong, hôm nay muốn hiểu sinh tử cũng không phải là việc gấp được. Vậy phải làm thế nào? Ba năm, năm năm công phu dụng không đến được nhà thì ta cũng dụng, ba mươi năm, năm mưoi năm cho đến kiếp này không xong, kiếp sau làm nữa, kiếp sau làm không xong ta cũng không sửa đổi chí hướng ban đầu; chung qui lấy việc làm cho xong làm kỳ hạn. Lâu cũng được, mau cũng được, lâu hay mau ta không quan tâm, cái tâm rộng lớn tuyệt đối không có tí do dự; làm như vậy mới gọi là biết các phương tiện. Người không hiểu phương tiện, dụng công phu ba ngày không thấy mùi vị gì hoặc là khi tịnh thì dụng, khi động thì không thể dụng; cảm thấy không có mùi vị, thì dụng hay không dụng đâu cần gì nữa? Ấy là không hiểu phương tiện. Đại đa số các ông có còn cái tri thức này không?

Công phu hiện nay, ta thử hỏi các ông: “Công phu trong khi động, tịnh ra như thế nào?”. Các ông nhất định trả lời rằng: “Tiếng bảng buổi sáng lúc tịnh còn có thể được, tiếng bảng buổi trưa có hôn trầm, đến nén hương dưỡng tức, nửa nén hương trên còn khá”. E rằng các ông đều trả lời giống nhau (chúng khẩu đồng âm). Nói như thế thì trong khi tịnh còn chưa hoàn toàn làm cho tốt được còn nói gì đến trong khi động? Không có được một người nào nói: “Tôi mỗi nén hương đều nắm được chắc, chỉ trừ lúc động là không đắc lực thôi”, còn có được người như vậy không? Lại nữa: “Tôi lúc tịnh cũng có công phu dụng, chỉ khi tiếng mõ đánh cho đi cầu mới làm cho công phu của tôi bị đánh mất thôi”. Các ông còn có người nào như vậy không? Có được người như vậy cũng gọi là tốt rồi.

Công phu các ông không làm đến nơi, bịnh tại chỗ nào? Ấy là ở chỗ sợ bị mất mặt, từ sáng đến chiều sợ chạm mặt người, sợ chướng ngại người, chỉ lo sao cho đối với việc này việc nọ không để sai phạm, nếu có sai phạm một chút thì lập tức bị đánh hương bảng, bộ mặt sẽ coi không được, thấy khó chịu! Các ông tưởng tượng xem có phải không, có phải suốt ngày cứ ở trong nhân và ngã mà lưu tâm không? Bởi vì “ngã” sợ bị mất mặt, không được phạm quy củ của người ta, cái cửa này lại nhốt kín ông ở trong. Còn có người nào nói: “Tôi không thể quy củ hay không quy củ! Quy củ là cái thứ hai, câu thoại đầu là thứ nhất, nếu câu thoại đầu của tôi có mảy may bị mất thì cái mạng của tôi cũng mất luôn rồi; tôi có chỗ nào sai lạc thì cứ đánh đi, la rầy cho một trận đi, nhưng cái công phu của tôi thì không thể bị đánh mất được!”. Các ông thực có công phu này thì khi hương bảng có đánh xuống thân ông sẽ không biết đau đớn, la lối ông cũng không cảm thấy khó chịu; đánh chửi đều không hiểu được thì làm sao còn biết đến sợ bị mất mặt? Không phải là an nhiên đi qua cái cửa ngõ khó khăn này hay sao? Nhưng nói không cần quy củ cũng không phải, nếu không cần quy củ thì ông đến thành phóng túng thôi. Kỳ thực người có công phu chân thật, công phu đứng đắn chừng nào thì quy củ giữ tốt chừng đó.

Các ông cho rằng: “Cái chỗ rất khó khăn của công phu là câu thoại đầu dụng đến chỗ thật khó, vậy làm sao đi qua được chỗ cực khó đó?”. Các ông thực dụng đến chỗ khó, muốn qua khỏi chỗ khó đó vốn không phải là việc dễ dàng đâu. Thí dụ câu thoại đầu dụng lên bước tới không được, bước lui cũng không được, bên trái bên phải đều không đi được, đứng ngay chỗ đó cũng không yên ổn. Như trước mặt có người cầm dao, nếu ông bước tới thì họ sẽ cho ông một dao, sau lưng có người cầm súng, hễ lui thì họ bắn ông một phát, bên trái là lửa lớn, bên phải là nước mênh mông, bốn bên đều là hiểm địa, hễ nhúc nhích một cái là mất mạng! Hễ đứng ngay đó bất động thì bốn phía đều gom sát lại cũng phải bị mất mạng. Ta hỏi các ông phải chạy đi đâu? Cái cửa này làm sao qua được? Các ông tịnh tâm để lĩnh hội thử xem. Đây là thí dụ: Các ông lấy cái ý nghĩa thí dụ này để trong tâm mà xem xét thử, lấy câu thoại đầu để chứng minh thử xem phải làm sao mới qua được? Đấy không phải là việc nhỏ đâu! Trong tâm các ông hãy trả lời ta một câu. Nếu trả lời được, nghĩa là trước có dao, sau có súng, bên trái lửa, bên phải nước mà qua được, thì dù cho kiếm thụ đao sơn (rừng kiếm núi đao) cũng qua được, chảo dầu sôi, lò lửa than cũng qua được. Nếu không qua được chỗ này thì chỗ nào cũng không qua khỏi được! Ta lại muốn thảo luận với các ông thêm nữa, người cầm dao trước mặt thật hung dữ chạy đến, dao chỉ cách đầu có hai tấc, súng sau lưng cũng muốn chạm tới thân mình, bên trái lửa cháy ầm ầm, bên phải thì nước như muôn ngựa tràn tới, đến lúc ấy thì cái thân mạng của ông còn muốn giữ được không? Nếu muốn thì phải qua khỏi chỗ đó mới được. Các ông có cách nào qua khỏi được chỗ đó không? Hãy nghĩ trong bụng thử xem. Các ông nếu không có biện pháp nào thì còn có thể gọi là một người dụng công để liễu sinh thoát tử sao? Đáng tiếc thay! Các ông sợ không có biện pháp nào có can đảm mà nói là qua được?

Cái cửa này ta muốn đi giùm cho các ông, không thôi các ông đều qua không được; cái cửa ngõ này không qua được thì dụng công để liễu sinh tử không có phần của ông. Các ông hãy đề công phu lên đi! Ta hỏi các ông: Các ông đang lúc qua không được, lúc đang sợ hãi quá sức, ông lại hỏi: Niệm Phật là ai? Cứu cánh là ai? Đáo để là người nào? Các ông hỏi như thế rồi, ta lại hỏi các ông nữa: Thân của ông ở chỗ nào? Tâm ở chỗ nào? Các ông nghiên cứu thử xem: hỏi như thế đương nhiên thân tâm đều không còn, thân tân đã không còn thì các ông còn sợ dao súng chỗ nào nữa? Cái tướng nước tướng lửa còn hay không? Dù cho hoàn cảnh khó hơn nữa, ta cứ lấy công phu truy cứu thì không phải ngay khi ấy mọi cái đều tan rã, tiêu diệt hết rồi sao?

Vậy cái cửa này qua được rồi thì tất cả hoàn cảnh nào cũng qua được. Cái cửa này ta đã đi qua giùm cho các ông rồi, nhưng việc về sau thì các ông phải tự mình đi. Thí dụ như: Từ Nam Kinh đến Bắc Kinh có xa, Trung Quốc với nước ngoài không sợ ngăn sông cách núi, ta hôm nay đi máy bay một lát thì qua khỏi, có phải là hết sức dễ dàng không! Các ông hãy phát tâm tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 24 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ 4).

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói năng, im lặng, động tịnh thể an nhiên”. Mấy lời này là nói việc trên tâm hạnh từ sáng đến tối của người dụng công phu, tức là muốn các ông động tịnh nhất như, không phân biệt đêm ngày, dụng công đều cần phải như thế. Tai sao cần phải như thế? Không được nghỉ ngơi chăng? Cần phải hiểu: Các ông có công phu chân thật như thế tương lai mới được chỗ ngộ chân thật, nếu các ông có một chỗ nào chưa làm tới nơi thì tương lai chỗ ngộ cũng có một chỗ chưa tới. Chân ngộ là nhất ngộ nhất thiết ngộ, nếu có một tí chưa ngộ thì không được gọi là chân ngộ, cho nên cần cái chân hạnh hiện tại của các ông, cái ngộ tương lai nhất định sẽ được chân.

Nhưng mà ngộ này tuyệt không phải là cầu ngộ, cũng không phải là suy nghĩ ngộ, cũng không phải tùy cái miệng nói ngộ. Muốn chân ngộ cần phải chân hạnh, hành đến nơi thì tự mình sẽ được ngộ. Nhưng các ông cần phải ôm chặt lấy câu thoại đầu, đi cũng tham, ngồi cũng tham, công phu đứng đắc cũng tham, không đứng đắn cũng tham, có vọng tưởng cũng tham, có hôn trầm cũng tham; các ông có tha thiết chịu khổ chịu tham như thế, công phu chân thật bất hư thì còn muốn khai ngộ làm chi nữa? Ta nói không ngộ cũng còn được. Tại sao vậy? Các ông có thiết tha chịu khổ mà tham như thế, chân thật bất hư mà làm thì còn sợ gì tam tai bát nạn? Sợ gì tứ sanh lục đạo? Sanh tử luân hồi? Tất cả đều không sợ!

Vậy không phải là không khai ngộ cũng được chăng? Công phu các ông dụng đến nhà rồi, đâu có lý nào không khai ngộ? Thí dụ: đường đi đến Trấn Giang, Qua Châu, ra cửa chùa đi thẳng về hướng Nam, nhắm mắt phóng chân mà chạy, trên đường có người, ta cũng không hỏi, đến hay không đến cũng không hỏi, chạy suốt một ngày thì đến nơi rồi. Đã đến Qua Châu thì có được nói là chưa đến Qua Châu chăng? Hay là bảo ông chạy về hướng Nam, ông chạy thì phải rồi, nhưng ông mới lên đường, nhìn bên Đông một cái, ngó bên Tây một cái, kiếm người ngồi xuống nói chuyện, uống chén trà rồi hỏi: “Còn được bao xa?”. Các ông như thế thì có còn được đến chăng? Dụng công phu cũng như đi đường, bảo ông đề câu thoại đầu cứ thẳng mà tham đi, đắc lực cũng tham, không đắc lực cũng tham, khai ngộ ta cũng không hỏi, không khai ngộ ta cũng không hỏi, chung quy khi ta đến nơi rồi không khai ngộ cũng không được, công phu của các ông chưa đi đến chỗ, muốn khai ngộ cũng không được. Cũng như đi đường đến Qua Châu rồi, ông nói không phải Qua Châu thì không được! Chưa đến Qua Châu ông nói là qua Châu cũng không được!

Trong các ông có một số đông người bảo cứ thẳng tay mà dụng công, các ông chịu dụng thì cũng như người đi đường đó vậy, nhìn bên Đông, ngó bên Tây như thế tức là vọng tưởng, hôn trầm, hỏi thăm chỗ này có phải là Qua Châu không, sự thật giống y như thế! Các ông dụng công cũng như vậy. “Tôi đã ngộ rồi chứ?”. Thấy thần, thấy quỷ, tự mình xuyên tạc bậy bạ, tự mình bày đặt này nọ, suy nghĩ phân biệt, tự mình làm hỏng mình, còn đổ thừa ai? Các ông còn tưởng gạt người ta là xong, gạt người ta thì được chứ tự gạt mình thì đến lúc chịu quả báo có kêu khổ cũng vô ích! Bởi vì các ông làm nhân không thật, đương nhiên phải chịu quả báo. Cho nên bảo các ông đừng có cầu ngộ, thay vì cầu ngộ thì lấy tâm đó để dụng công phu thì tốt hơn biết bao! Đề câu thoại đầu này, các ông không dụng đến chỗ đi không biết đi, ngồi không biết ngồi mà muốn được một tí thọ dụng thì không thể được, không phải ba ngày, năm ngày, ba tháng, năm tháng thì được đến nhà đâu! Muốn các ông không hỏi đến ngày tháng, cứ đề một câu thoại đầu mà tham thẳng đi, hai ba chục năm mà còn chưa ngộ cũng đừng có nghỉ ngơi. Ta hỏi ông: Niệm Phật là ai? Niệm Phật là người nào? Các ông không ai mở miệng trả lời được. Người thiên hạ đều bị nhốt trong cửa này, các ông có người nào nói: “Người thiên hạ bị nhốt ở trong thì được chứ tôi thì không!”, còn có người nào được như vậy không? Nếu được như vậy thì công phu dụng công trong ba mươi năm của ông, ta hỏi đến niệm Phật là ai, ông hẳn có lời nói rồi. Ta mới hỏi thì ông lập tức trả lời được. Các ông tưởng xem: Người thiên hạ đều bị nó nhốt hết, không mở miệng ra được, chỉ vì “Niệm Phật là người nào?” không thể trả lời được. Khi công phu dụng đến nơi rồi ta hỏi thì ông đáp được, còn công phu của các ông chưa dụng được, thiền cũng không biết tham, mở miệng lại muốn giữ bộ mặt giả: “Ta ngộ rồi, ta biết rồi, ta lĩnh hội rồi!”. Các ông như thế này thì chỉ là kẻ đứng ngoài, chỉ là kẻ nói suông! Có chỗ nào tốt đâu? Ông gạt người ta thì được chứ tự gạt mình thì phải chịu khổ não lắm! Từ hôm nay trở đi có thỉnh khai thị, bất cứ đến phòng của ta hoặc liêu phòng của sư Ban Thủ, không cho nói chuyện gì khác, hể cứ đến thì nói “Niệm Phật là ai?”. Trước kia thỉnh khai thị là các ông hỏi ta, hôm nay ta muốn sửa đổi lại quy củ, không cho các ông mở miệng, hễ ông đến ta hỏi các ông liền: Niệm Phật là người nào? Ông phải nói ngay, ông nói không ra thì ta cho ông một trận hương bảng. Hoặc giả ông không dám mở miệng, trong bụng ông không muốn đi, hễ ta tra xét đến người nào không đi ta sẽ đến thiền đường hối thúc chạy hương, ít nhất cũng phải đánh năm, ba cái hương bảng. Bởi vì công phu không ép buộc không được, không ép thì không tiến bộ được. Nhưng ta hỏi các ông, nếu như các ông nhất định muốn đáp, giả sử đáp sai, không đúng, ta nói cho các ông biết: hương bảng của ta đánh xuống sẽ làm cho các ông chịu không nổi đâu! Nếu thấy mình chưa nắm vững được thì đừng mở miệng, ăn hai cái hương bảng là xong; Nếu mở miệng nói bậy thì ta sẽ chẳng khứng đâu! Các ông hãy phát tâm tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 25 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ năm).

Người trong Thiền tông không được mở miệng nói bậy, giả sử nói sai một câu thì phải bị hư thân mất mạng. Thân ông hư rồi, mạng mất rồi còn kể là việc nhỏ. Vậy thế nào là việc lớn? Trả lời bậy một chữ là đọa xuống địa ngục A tỳ. Ông thấy việc này có còn nhỏ chăng? Tại sao lợi hại như thế? Không phải là ta nói mà lời vàng Phật đã nói: “Chưa chứng nói là chứng, chưa được nói là được, chưa minh nói là minh, chưa ngộ nói là ngộ, là đại vọng ngữ phải đọa địa ngục A tỳ”. Đây là Phật không thể nói sai được. Nói chứng là chứng cái gì? Chưa chứng được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả mà nói đã chứng được rồi. Nói đắc là chưa đắc được Tam minh, Lục thông, Bát giải thoát mà tự mình đã đắc được. Nói minh là chưa có Thiên nhĩ minh, Thiên nhãn minh mà tự nói đã minh, cũng như nói niệm Phật là người nào mà không biết tức là chưa minh, đáp lại được một câu tức là đã minh; vốn đáp không được mà mở miệng đáp một câu tức là tự nói mình đã minh. Nói ngộ là đối với bách thiên tam muội của thập phương chư Phật, vô lượng diệu nghĩa của hết thảy Tổ Sư, một tí chưa ngộ mà tự nói là đã ngộ. Nếu tham câu thoại đầu được ngộ rồi, thì nói trần nói sát vô cùng vô tận, câu thoại đầu này chưa ngộ thì mở miệng không được, như trả lời một câu thì tức là đã nói. Cứ theo như thế thì có phải chăng cứ đáp sai một câu thì phải đọa xuống địa ngục A tỳ? Đại khiếu hoán địa ngục, tiểu khiếu hoán địa ngục đều có phần của ông, cũng như trái cân rớt xuống nước chìm thẳng tận đáy.

Hôm nay các ông có vị tùy tiện đáp bậy một câu, bởi vì ông không hiểu cái thứ nhân này rất lợi hại, ta thấy ông rất đáng thương! Cái câu nói này không phải nói rồi là xong việc! Người xưa đáp sai một câu đọa thân làm cáo chồn năm trăm kiếp – Công án trước Bách Trượng với sau Bách trượng - Nếu các ông thực lấy câu thoại đầu mà tham cho thông suốt rồi thì tự nhiên được miệng chứ không phải không được mở miệng mãi. Khi ông đã đi đến nơi, không những miệng có thể nói chuyện được, mà tai cũng có thể nói chuyện được, mũi cũng nói chuyện được, người xưa đã chẳng nói: “Tận cùng đại địa là miệng của ta”. Vậy so với hư không còn lớn hơn! Ta hỏi ông nữa: Hư không ông có thể nuốt được chăng? Ông đương nhiên đáp: “Tôi đã nuốt xuống rồi!” . Ta lại hỏi nữa: Hư không nuốt xuống rồi thì thân để tại chỗ nào? Phải rặn cho ra, ông phải trả lời ta một câu, không mở miệng không được! Hãy tham!

KHAI THỊ
Ngày 26 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ sáu).

Người tham thiền công phu đến lúc thâm nhập thì tự nhiên thân tâm đều mất, động tịnh quên cả, cho nên bảo các ông lúc động dụng như thế, lúc tịnh cũng dụng như thế.

Công phu lúc tịnh dụng cách nào, công phu lúc động dụng cách nào. Sở dĩ chia ra động tịnh là vì thực tại đối với các ông là người sơ dụng công, nên bất đắc dĩ mới nói như vậy. Chỉ cần đề câu thoại đầu lên, không minh bạch, nhận chân mà nắm chắc lấy, không cho có một tí ti gián đoạn; ông quả được chân thật bất hư mà dụng công như thế thì ông thử mở mắt ra xem, tâm để chỗ nào? Đương nhiên tâm bất khả đắc. Tâm đã bất khả đắc thì thân cũng đương nhiên bất khả đắc. Tại sao vậy? Vì tâm trụ nơi thân, thân do nơi tâm mà có, có thân thì có tâm, thân với tâm không thể rời nhau. Hôm nay công phu đứng đắn, tâm bất khả đắc, thân cũng bất khả đắc, cái này chẳng phải là làm công phu đến chỗ thân tâm đều mất ư? Động phải do thân động, tịnh cũng phải do tâm tịnh. Trên thân tâm có động, có tịnh tất cần phải phân biệt mới biết. Công phu của ông đến thân tâm bất khả đắc, lấy cái gì mà phân biệt? Đã có phân biệt thì không phải là đã có tâm rồi sao? Tâm đã có thì tất cả đều có, thế còn nói công phu gì nữa? Có công phu thì không có tâm như thế. Đã không có tâm thì quyết định không có phân biệt, đã không phân biệt thì cái tướng động tịnh lại càng bất khả đắc, cho nên nói động tịnh đều quên cả.

Nay các ông đã đả năm, sáu thất rồi mà công phu chưa đến chỗ này, nếu công phu không dụng được đến chỗ này mà trong kỳ thiền thất này muốn được một ít tin tức, muốn được hiểu biết một chút xíu thì cũng không có phần của ông rồi! Nếu liễu sinh thoát tử lại không có phần của ông nữa! Theo như thế thì không phải là đã chịu một phen cực khổ mà cũng như không sao? Hoặc có người từ thiên sơn vạn thủy đến đây, suốt năm chỉ hy vọng trong kỳ đả thất được liễu thoát sinh tử, được khai ngộ cuối cùng (đáy thùng rơi ra). Ta thấy các ông chẳng có người nào làm được cả, cho nên muốn giúp các ông, bắt các ông ở trong thiền đường, muốn các ông chân thật dụng công không có một tí phóng túng, nếu có một tí lười biếng thì lập tức phải thúc hối chạy hương, các chạy hương này thì sẽ làm cho các ông mất mạng! Bảo các ông đi đến liêu phòng, muốn các ông nói, nói không ra thì đánh cho một trần loạn hương bảng! Thế nào là loạn hương bảng? Quy củ hương bảng là: hai, năm, tám, ba, sáu, chín cái này là theo quy củ; loạn hương bảng là lấy hết sức ra mà đánh không hỏi mười cái hay tám cái, đó là loạn hương bảng. Cần phải hiểu cái loạn hương bảng này thật làm cho người ta mất mặt, bị đánh loạn hương bảng rồi mặt mày trông khó coi lắm! Các ông còn có người nào thấy sự đánh loạn hương bảng bị mất mặt là việc không đáng kể chăng?

Trong bụng các ông lại nói: “Cái đánh hương bảng của thúc chạy hương thật nặng quá! Không bằng đến liêu phòng một chút, có bị đánh một trận hương bảng cũng chẳng ăn thua gì, chỉ trôi qua  rồi là xong, ngoài ra còn có gì khác đâu?”. Dụng tâm của các ông đều ở những chỗ này. Hoặc là: “Còn có phòng của sư Ban Thủ nào chưa đến thì phải đi cho có lễ phép một chút! Nếu không đi thì sợ Sư sẽ không vui”. Các ông đều ở những nơi này dụng công phu. Còn có người nào nói: “Không đúng! Đến liêu phòng mà bị một trận loạn hương bảng thì thật còn ý nghĩa gì cả? Người chân tu thì chẳng chịu như vậy. Người thiên hạ bị đánh thì được, chứ tôi không chịu như vậy. Tôi muốn đi chẳng những không bị đánh mà còn muốn nói chuyện ung dung thong thả, người ta còn phải cung kính tôi, đó không phải người nào cũng làm được đâu!” Ta nói với các ông như thế chẳng phải là gạt các ông mà nói cho dễ nghe đâu! Các ông không mở miệng được là tại công phu các ông chưa đến chỗ này; nếu công phu các ông dụng đến nơi rồi thì tự nhiên sẽ nói được.

Lúc ta ở chùa Kim Sơn chưa được bao lâu, chỉ mới hơn một năm, nhưng “Niệm Phật là ai?” đã sớm tin rồi. Lúc tại gia đã dùng cách này để tham nhưng chưa được thâm nhập, cho đến khi ở Kim Sơn được một năm thô vọng đều hết, rồi hai mươi ngày nữa tế vọng cũng hết luôn, cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh (cảnh giới vô thủy vô minh), rồi bảy tám ngày sau cảnh giới ấy vẫn y như cũ. Tại sao vậy? Đó là cái cảnh giới trên công phu ắt phải có; công phu của các ông dụng đến chỗ đó cũng sẽ có như thế; thập phương chư Phật, lịch đại Tổ sư cũng đều đã đi qua giai đoạn này. Thô vọng ngưng rồi thì thế nào? Tế vọng ngưng rồi là cảnh giới chi? Ta đã tự mình thấy được, có nói ra cho các ông nghe cũng như không! Vì các ông không biết chỉ làm cho các ông tăng thêm vọng tưởng. Các ông chỉ cần chân thực khẩn thiết lấy câu thoại đầu mà tham, thà chết cũng không buông, các ông hành đến chỗ này thì sẽ tự mình thấy được thôi. Khi ta thô vọng tế vọng đều dứt hết thì khoảng một tháng sau, ngày ấy chính là ngày 26 tháng 9 năm Quang Tự thứ 34 (1900 T. L), trong khi đả thiền thất, vào nén hương thứ sáu buổi tối chợt nghe một tiếng mõ đánh, ta đột nhiên “ồ” lên một tiếng, lúc đó ta cảm thấy giống như nhào lộn trong hư không, từ dười đất lộn lên trời, từ trên trời lộn xuống đất, rồi ta buột miệng than rằng: Cái tự tánh vốn sẵn sàng này, không ngăn cách với ta một chút nào mà sao lại để bị chôn vùi đến nỗi ta phải chịu đau khổ mãi từ xưa cho đến ngày nay? Thực là oan uổng! Còn cảm thấy buồn cười nữa! Cái tốt khác thì ta không dám nói, nhưng sự tự do tự tại thì đã đạt được rồi. Tương lai nói sanh lên cõi trời, ta thích sanh thì đi, không thích thì không đi; giả sử xuống địa ngục, ta chịu đi thì đi, không chịu đi thì thôi, tất cả ta đều có thể tự chủ được. Đối với ngộ thì không có ngộ.

Từ đấy về sau có một vị Thủ Tọa Hòa Thượng, vị này tu hành rất tốt, ông ấy thấy ta cử chỉ khác thường bèn gọi ta đến hỏi: “Niệm Phật là ai?”, rồi bảo ta nói. Ta biết ông ấy muốn thử thách ta rồi đó! Ví như có người hỏi ta việc trong thiền đường liệu ta còn không hiểu chăng? Giả sử ông chưa ở qua thiền đường, nếu có người hỏi ông việc ở trong thiền đường thì ông làm sao biết được? Cứ thế ông ấy với ta một hỏi một trả lời. Ông ta nói: “Ông ngộ rồi!”, ta nói: “Chưa có ngộ”, ông ta nói: “Không phải ngộ thì là do học mà biết được chăng?”, ta nói: “Học cũng không có học”. Lúc ấy do sự vấn đáp như thế làm kinh động cả đại chúng, nên tất cả đều tán thán không thôi. Lúc bấy giờ ta cảm thấy không đúng bèn đắp y mặc áo đi thỉnh họ đừng làm ồn như thế. Ta nói: “Sự tu hành của tôi chưa có thâm nhập đến chỗ cuối cùng, xin các vị thứ lỗi cho tôi mới phải”.

Về sau có một vị sư Tây đường là Từ Bản lão nhân, vị lão nhân này việc tu hành của ông cũng rất tốt, ông rất thích lấy “hoạt cú” tiếp người hậu học. Hoạt tức là cơ phong chuyển ngữ của Thiền Tông; ta thì xưa nay không muốn dùng hoạt cú, bởi vì người thời nay căn tính không bằng người xưa, bảo họ ôm chặt câu thoại đầu tử tham dẫu có chết cũng không rời mà còn không tử được cái tâm, mà dùng hoạt cú thì lại càng tử không được cái tâm nữa, cho nên ta không muốn là vậy. Nhưng trái lại vị sư Tây Đường này lại muốn nói chuyện với ta. Một ngày nọ bấy giờ ông ta đang rửa mặt, đưa cái khăn tay lên, hỏi ta: “đây là cái gì?”, ta nói: “Buông xuống đi”, ông ta nói: “Tôi muốn rửa mặt”, ta nói: “Cũng phải buông xuống!”. Làm cho ông ta không mở miệng được. Những lời nói này các ông nghe rồi chẳng phải bảo các ông học lấy đâu, đừng có tưởng lầm! Chỉ nói cho các ông nghe thôi, muốn các ông biết được việc này là có thể mở miệng được, chứ chẳng phải không mở miệng được mãi mãi. Các ông phải nghe cho rõ, lúc ấy ta chẳng phải giành hơn thua với ông ta, chỉ vì muốn ông ta bỏ cái thói quen ham dùng “hoạt cú” mà thôi, vì căn tánh người đời nay không thích hợp dùng hoạt cú. Nhưng ông ta vẫn không chịu sửa đổi, lại một ngày kia ta đến liêu phòng ông ta uống nước trà, ông ta lấy một quả nhãn lột ra, cái thì đưa ta ăn còn vỏ thì cầm trong tay mà nói: “Cả mười phương hư không đều ở trong cái vỏ này, nói một câu đi!”. Ta nói: “Mười phương hư không đều ở trong cái vỏ này, thế còn thân ông ở chỗ nào? Xin nói một câu đi!”. Một lần nữa lại làm cho ông ta không trả lời được. Các ông nghĩ xem: người đã ngộ thì làm sao không mở miệng được?

Nay ta sở dĩ ép buộc các ông: Ở trong thiền phải đến liêu phòng để cho ta hỏi, nếu không đi thì không được, nếu đi mà nói không ra cũng không được, ép buộc các ông trước hết tuy cảm thấy cái thân này không có chỗ buông nhưng vẫn phải buông, buông mãi cho đến lúc sự buông cũng không còn, tâm cũng không còn có chỗ để, cứ thẳng tay ép buộc cho đến lúc thân tâm các ông buông đến chỗ không còn gì để buông, còn phải ép buộc các ông đến chỗ sơn cùng thủy tận. Đến lúc ấy nếu các ông mở miệng không được ta đương nhiên còn phải lấy luôn mạng của các ông nữa! Các hãy lưu tâm nhớ cho kỹ! Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 27 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ bảy).

Có đạo hay không có đạo tự mình biết mà người ta cũng biết. Hiện nay muốn các ông mỗi ngày đều đi đến liêu phòng, để trả lời câu niệm Phật là người nào, công phu của mình dụng đến chỗ nào. Nói được hay không nói được, nói ra đúng hay không đúng, tự mình đâu có lý nào lại không biết? Nếu quả thực là không biết, ấy là tại công phu của các ông chưa dụng đến.

Giả sử công phu của các ông chưa dụng đến mà muốn làm bộ mặt giả dối đoán này đoán nọ, kiếm một hai câu nói của người xưa đem ra cho là lời của mình; hễ người ta nghe ông mở miệng ra, đúng hay không đúng, phỏng người ta còn không biết được chăng? Tại sao người ta biết? Dù cho ông ta nói thế nào đi nữa cũng không ra ngoài bốn thứ này, ấy là: Ý đến cú (lời nói) không đến, cú đến ý không đến, ý cú đều đến, ý cú đều không đến. Dù cho các ông có đoán rất hay cũng đều vô dụng, chung quy không ra khỏi bốn thứ này. Cần phải cơ phong ăn khớp, vừa vặn khít khao. Dù cho lời nói của ông là đúng mà đối với chỗ hỏi của ta không ăn khớp, hoặc là chần chừ suy nghĩ một chút thì đều là không đúng rồi. Thế là lý lẽ gì vậy? Người xưa có như thế không? Triệt Tổ Thiên Tuệ là đời thứ nhất chùa Cao Mân gặp vua Ung Chính, cùng là một lời nói mà cái đúng, có cái không đúng. Cái công án này ta kể cho các ông nghe:

Đời Thanh Hoàng đế Ung Chính sau mười năm cầm quyền, chuyên xem kinh điển, nghĩ đến việc đức Thế Tổ (vua Khang Hi) có lạy Ngọc Lâm Quốc sư làm thầy, thắc mắc sư này có sở trường gì đặc biệt mà được làm sư phụ của vua? Nên Ngài bèn tìm Ngữ Lục của Ngọc Lâm Quốc sư để xem; xem rồi mới biết Ngọc Lâm Quốc sư quả đáng làm thầy của cả nước. Vậy thì đã có thầy tất phải có trò nên Ngài bèn phái quan Khâm Sai đại thần tìm kiếm khắp nơi, về sau tìm được Triệt Tổ Thiên Tuệ ở núi Khánh Sơn, lúc ấy Tổ đang làm thư ký ở đó. Mặc dù công phu đã đắc dụng, khẩu đầu thiền cũng học được một tí nhưng gót chân còn chưa chấm đất, lúc ấy Tổ không dám đi nhưng sau trải qua nhiều sự khuyến khích của chư sơn Hòa Thượng nên mới cùng vị Khâm Sai tiến kinh.

Đương thời bấy giờ Hoàng đế Ung Chính muốn hội kiến người xuất gia nên đặc biêt xây dựng một vườn hoa gọi là Viên Minh viên. Cái ý nghĩa vấn đáp sau khi gặp vua, các ông hãy nghe kỹ! Vua hỏi: “Khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của ông ra sao?”. Thiên Tổ lúc ấy hình như suy nghĩ chút ít liền đưa nắm tay lên. Các ông còn lĩnh hội chăng? Hôm nay ta ý theo đó mà hỏi các ông, các ông còn có người nào đáp lại ta chăng? Cũng đưa nắm tay lên, đưa lên như thế, không đúng! Các ông còn biết được chăng? Sợ các ông không biết rồi. Hoàng đế thấy Tổ có chút suy nghĩ thì không chịu khứng cho, biết Thiên Tổ gót chân chưa chấm đất cho nên không khứng. Tại sao vậy? “Thiếu thất đình trì, bạch vân vạn lý” (chậm trể một chút, muôn dặm mây trắng), tức là muốn nói chậm trể một chút thì mây trắng đã che khuất hết muôn dặm trời. Vậy muốn làm thế nào mới đúng? Lời hỏi gần dứt thì ông đưa nắm tay lên liền mới là đúng, ngừng lại một tí thì không đúng đâu. Vua Ung Chính thấy Thiên Tổ cũng là bậc pháp khí, có tâm muốn thành cho người bèn nói: “Ông hỏi lại tôi để tôi đáp”. Thiên Tổ lại hỏi: “Muôn tâu bệ hạ, khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của Ngài ra sao?”. Vua Ung Chính đưa nắm tay lên thì Thiên Tổ ngộ ngay. Vua Ung Chính quay đầu lại hỏi Thiên Tổ nữa: “Khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của ông ra sao?” Thiên Tổ đáp lại bằng bốn câu kệ:

 Quyền đầu bất hoàn tác quyền đầu
 Hoán tác quyền đầu nhãn nội mâu
 Nhất thiết Thánh hiền như điện phất
 Đại thiên sa giới hải trung âu.

Nghĩa là:

 Nắm tay không gọi là nắm tay
 Gọi là nắm tay mắt kéo mây
 Hết thảy Thánh hiền như điện chớp
 Thế giới chỉ như bọt biển thôi.

Vua Ung Chính lúc ấy nói liền: “Kỳ này như ý, kỳ này như ý”, nói xong liền ban cho hai cây như ý, xuống chiếu cho Tổ phụng chỉ về núi, ban cho y, bát, tích trượng v.v…

Các ông tưởng tượng xem: đáp ra một câu nói, trể một tí thì chưa ngộ; cũng là một lời nói, không trễ tức là ngộ. các ông hôm nay có thể đáp ra được một câu, dù không được phụng chỉ vua nhưng thanh danh cũng là có. Một câu nói này nói ra rồi thì biết được công phu ông đúng hay không, có thể nói là “Ngôn tiền kiến đạo”. Một câu nói vừa ra khỏi miệng thì ông ngộ liền, ấy tức là “Cú hạ thừa đương”. Cho nên muốn các ông đề câu thoại đầu chân thật tham cứu, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, ngủ nghỉ, đều không rời câu thoại đầu này (nghi tình). Có nghi tình tức là có công phu, không có nghi tình tức là không có công phu. Hiện tại các ông muốn khởi nghi tình phải đề câu thoại đầu này, tương lai minh tâm là minh câu này, ngộ là ngộ câu này, liễu cũng là liễu câu này. Chung quy nếu câu này chưa liễu thì sanh tử chưa liễu, cầu này chưa minh thì tâm địa chưa minh. Muốn minh, muốn ngộ, muốn liễu cần phải lấy câu thoại đầu này mà tham cứu đi. Hãy tham!

KHAI THỊ
Ngày 1 tháng 12 (Thất thứ 7 ngày thứ ba).

Chỗ ngộ của Thiền Tông có hai thứ: Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, không nghi thì không thể nói đến ngộ.

Hai chỗ đại và tiểu ngộ này trước hết phải tạm mượn thí dụ để nói qua thì các ông sẽ rõ đại ngộ ra làm sao, tiểu ngộ ra làm sao, trình tự của đại và tiểu ngộ cần phải rõ ràng một chút. Tiểu ngộ ví như chuột chui vào sừng trâu, đại ngộ ví như chó bò qua vách tường. Các ông có biết không?

Lại nói thêm một thí dụ nữa: như lúc người xưa đi học, tiểu ngộ là kẻ học được ba năm thì đỗ vào đại học, đại ngộ như người học được ba mươi năm mới vào trường đại học. Lý như thế này: học ba năm thi vào được đại học ấy là do sức tinh tiến, nhưng thực tế chưa đọc được hết sách vở, vì vậy tuy ở đại học mà vẫn còn có sách chưa hiểu. Trái lại người học được ba mươi năm rồi thì Ngũ Kinh, Tứ Thư, Chư Tử Bách Gia, quyển nào cũng đều hiểu được hết. Cả hai người này tuy cùng là tú tài nhưng trình độ học vấn đương nhiên khác nhau. Người học được ba mươi năm thì trong bụng cái gì cũng biết, dù không vào đại học cũng hơn người học được ba năm. Nếu so như vậy lại càng hiểu rõ quá trình của đại và tiểu ngộ.

Ta so sánh tiểu ngộ như chuột khoét sừng trâu, kể cho ông biết cách chui như thế nào? Các ông xem, cái sừng ấy hết sức lớn, trong sừng còn có từng lớp, từng lớp thịt, chuột cắn từng lớp, từng lớp cảm thấy rất có mùi vị, chỗ lớn nhỏ gì cũng cắn tới từng lớp, từng lớp một, tuy có mùi vị nhưng nơi càng vào càng nhỏ lại, nhỏ thì nhỏ nhưng càng cắn càng có mùi vị, mặc dù vào trong càng chật hẹp mà lại rất có mùi vị, không chịu bỏ đi được. Thêm nữa, lớn nhỏ gì chuột càng muốn ăn không thể không cắn được. Nơi cắn vào nhỏ lại càng muốn cắn, cắn cho đến lúc cùng muốn xoay người cũng xoay không được; cắn nữa lại càng cắn không được, lớn nhỏ gì cũng muốn ăn, tâm gấp như lửa cháy tràn, cứ liều mạng mà cắn. Các ông thấy đó vỏ sừng vừa dày, vừa cứng, cắn thì cắn không nổi, cắn nữa thì lại cắn không nổi mà không cắn thì không qua được. Trước thì miệng cắn, chân trước bò, sau nữa thì chân sau bò; bỗng nhiên cắn được một chỗ hơi lớn, quay mình lại tưởng là cắn thông rồi có lối rộng tốt để đi. Tốt! Thông rồi! Khai tiểu ngộ là như vậy tức là chưa thông tưởng là thông. Câu thoại đầu không hiểu được, lại truy cứu nữa; đáo để là ai, còn không minh bạch, cứu cánh là ai? Hình như có chút ít mùi vị. Truy cứu nữa lại thấy có ít mùi vị, đã nếm được ít mùi vị đương nhiên sẽ không quăng bỏ. Lại truy cứu nữa: đáo để là ai, phấn khởi tinh thần không truy cho thông thì không thôi. Cứ dụng công phu như vậy ba ngày, năm ngày, ba tháng, nửa năm đương nhiên có chỗ quay đầu lại.

Người xưa có nói: “Dụng đáo sơn cùng thủy tận thời, tự nhiên hữu cá chuyển thân xứ” (dụng công đến chỗ sơn cùng thủy tận, đương nhiên sẽ có chỗ chuyển thân). Khi chuyển được thân này thì sẽ khác rồi; mặc dù lúc đi cũng đi còn đường này, về cũng về con đường này, đường tuy có một nhưng cách đi có khác. Có thể nói là tìm được bổn lai diện mục rồi đấy. Tiểu ngộ này đã khai rồi, có loại người tưởng là vô sự: “Chỗ này là rất tốt lắm, xong cả rồi, hãy ở lại đây thôi!”. Đó là trình tự của tiểu ngộ. Họ tưởng là đường đi mình đã trải qua rồi, dù là đường núi hay đường sông đều đã đi hết, đâu còn đường nào đi nữa! Có phải họ đương nhiên muốn nghỉ không? Cứ tưởng rằng: “Bổn lai diện mục cũng tìm được rồi, còn có việc gì đâu!”. Đúng đấy, nhưng ngộ này là do thân tâm họ dùng sức phấn dũng mà được ngộ; cũng như người mới học được ba năm, không phải nhờ đã học được nhiều mà vào trường đại học, mà là nhờ sức tinh tiến của họ vậy. Công phu này của họ thô và tế đều có. Tại sao? Do sự dũng mãnh của thân thể và công phu tinh vi trong tâm; công phu trên tâm là tế, dũng mãnh trên thân là thô, họ nhờ dụng cả thô và tế nên được ngộ. Cái ngộ này đã đúng chưa? Không đúng! Chưa tới nhà! Tại sao lại không đúng? Giáo môn nói: “Đắc thiểu vi túc” (được ít cho là đủ), Thiền Tông lại nói: “Nhận tặc tác tử” (nhận giặc làm con), hai câu này so sánh rất đúng. Tại sao vậy? Vì ngộ này của họ chưa đến nhà, họ cứ tưởng cái diện mục này là đúng. Cái tiểu ngộ này chỉ là phương tiện quyền, nói cho triệt để là “được ít cho là đủ”. Tại sao Thiền Tông nói “nhận giặc giặc làm con”? Dù tiểu ngộ không nên cho là giặc, mà cũng không nên cho là con; vì họ có được có chút thọ dụng thì đã ngưng nghỉ, chút ít thọ dụng này tuy cũng đúng đấy, nhưng cứ ngỡ mình đã hết khổ nên dừng lại ở chỗ này, lấy đó làm thỏa mãn. Cho nên Phật đã trách rằng: “Tiêu nha bại chủng” (Hạt lúa đã cháy thì không còn làm giống được nữa). Vậy nếu lấy hạt lúa này để gieo thì tương lai sẽ thu hoạch được gì? Nếu các ông muốn lấy tiểu ngộ này cho là đủ, một mình lo việc giải thoát, trên không cầu thành Phật đạo, dưới không nghĩ độ chúng sanh, cho là đủ, thế không phải nhận giặc làm con sao?

Tiểu ngộ đã không tốt thì còn muốn hay không muốn ngộ nữa? Đương nhiên phải muốn! Tại sao vậy? Vì đại tiểu đồng một lý nhưng sự thì khác nhau. Thể của đại ngộ và tiểu ngộ chẳng có hai, thể của tiểu ngộ, ngộ rồi với thể của đại ngộ là đồng. Sự thì lại không. Sự của đại ngộ lầy khổ của chúng sinh làm khổ của mình, tà kiến điên đảo của chúng sinh là gốc chiêu khổ, cần phải nhổ bỏ giùm họ; tùy loại tùy hình, đồng trần tiếp vật, đầy là sự của đại ngộ. Sự của tiểu ngộ là chán sinh tử, sợ mọi ô nhiễm nên tu đạo ở thâm sơn, xa lìa thế gian sinh tử, xem sinh tử như oan gia, xem thế giới như tù ngục, đó là sự của tiểu ngộ. Đại ngộ, tiểu ngộ thể đã đồng thì sao lại có chỗ khác như vậy? Vì trước khi chưa ngộ, công hạnh trên công phu có chỗ khác nhau, như người học ba mươi năm mới vào đại học với người học ba năm cũng vào đại học, hai người này cũng là tú tài, nhưng đối với việc làm thì đương nhiên trỉnh độ có chỗ khác nhau. Vì sao? Người học nhiều dù ông hỏi thế nào, chỗ nào họ cũng đều biết hết, kẻ học ít thì vấn đáp không được chu đáo như họ, tú tài thì đồng nhưng việc làm thì không. Sự của đại, tiểu ngộ có khác biệt là lý lẽ như thế.

Tại sao nói được tiểu ngộ rồi cần phải ngộ nữa? Vì người sau khi tiểu ngộ việc làm tuy có hơn người chưa ngộ nhiều (người chưa ngộ đi đường một chân cao cũng không biết, một chân thấp cũng không biết, một chân đạp nhầm cứt chó, một chân dẫm nhầm cầu tiêu cũng hoàn tòn không biết, đi xuôi, đi ngang như người mù; người khai tiểu ngộ thì khác, dù con mắt đã sáng nhưng chưa thật sáng mà hình ảnh con đường đều thấy được cả, cứt chó, hầm cầu sẽ không đạp phải, đi đường so với người chưa ngộ mau hơn mấy lần), nhưng so với người đại ngộ thì khác nhau như người ở đất bằng nhìn sơn hà đại địa, một người trên đỉnh núi Tu Di xem sơn hà đại địa; sự thấy của hai người đương nhiên khác nhau, nên người tiểu ngộ cần phải ngộ nữa.

Người khai ngộ tại sao ví như con chó bò qua đầu tường? Con chó nhốt trong sân, bốn phía là vách cao lắm không bò qua được. Ông đem chó nhốt vào trong, đương nhiên nó cần phải ăn, lâu không có ăn thì có phải sẽ bị chết đói không? Nó đương nhiên phải trèo, trèo không ra cũng phải trèo, trèo ra thì mới sống, trèo không ra thì bỏ mạng, vậy cứ trèo mãi rồi cũng có thể trèo ra được không? Nhưng người đại ngộ trước khi chưa ngộ, hạnh dụng công thì hành như thế nào? Họ đề lên câu thoại đầu cũng có nghi tình mà không đề lên câu thoại đầu cũng có nghi tình. Đương nhiên trên nghi tình mà dụng công; không dụng công, thôi dụng công cũng ở trong nghi tình. Cái tri thức của họ hiểu được cái đại nghi thuần nhất bất tạp này, từ cái đại nghi này cứ thẳng một đường mà nghi, thời gian lâu thì sẽ đạt đến “trần tận quang sinh!”. Đến khi ấy hoặc không ngộ, nhưng hễ ngộ thì quán triệt khắp cùng trời đất. Cái hành này cách dụng như thế nào? Cần phải hiểu câu thoại đầu này họ không dùng lời nói của người ta đâu. Ta cho các ông biết: Câu thoại đầu này là câu ta giảng, cái dụng công của họ không phải theo câu của ta mà dụng đâu, mà là câu phát xuất từ trong tâm chính họ ra. Trong tâm họ biết câu thoại đầu, cần phải biết trở về với chính mình, muốn từ trong tâm mình phát xuất ra câu thoại đầu, do chỗ này mà phát sinh nghi tình, nghi tức không hiểu niệm Phật là người nào? Chung quy “nghi” này không buông. Lúc đầu hoàn toàn ông không buông nó, dụng lâu rồi các ông tình buông nó cũng không buông được. Nếu các ông không dụng thì cảm thấy trong mình khó chịu, dụng công thì thân tâm dễ chịu. Từ chỗ này buông xuống cũng là công phu, dụng công lại lại càng có công phu; đi, đứng, ngồi, nằm, mặc áo, ăn cơm, tất cả chỉ là công phu. Dụng công được như thế là họ có tri thức khai được đại ngộ, không dụng như vậy thì không được; công đáo tự nhiên thành “qua thục đế lạc, thủy đáo cừ thành” (dưa chín cuống rụng, nước chảy thành dòng), không cần mượn sức dũng mãnh, cho nên công phu của họ là thuần tế vô thô. Họ có cái tri thức này rồi họ cứ một mạch đi thẳng trên đường này thì đương nhiên sẽ có kết quả. Công phu dụng đến chỗ này “chạm nhằm”, “đụng phải” đều được khai đại ngộ. Cũng như con chó muốn trèo qua chỗ ấy, muốn mãi thì bốn chân, mắt, mũi, tai, toàn thân, toàn tâm đều muốn trèo, trèo một lần, hai lần, ba lần thì có thể bò qua được. Đại ngộ cũng vậy, bởi công phu của họ dụng đến lúc này thì tự nhiên sẽ ngộ thôi.

Vậy thì tiểu ngộ như chuột chui sừng trâu, quay đầu trở lại, đường tuy có lớn nhưng vẫn còn là con đường, có đường ấy là có người, cho nên còn người là còn đường đi. Đại ngộ như con chó bò qua vách tường, bò ra được thì xong ngay. Nhưng cái việc bò qua thì từ từ từ ta sẽ giảng cho các ông nghe. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 2 tháng 12 (Thất 7 ngày thứ tư).

“Chính ngay lúc dụng tâm, ngay đó không tâm dụng; không tâm ngay đó dụng, thường dụng ngay đó không”. Bốn câu này là Vĩnh Gia đại sư nói ra. Người dụng công đối với công phu của mấy câu nói nói này cần phải lĩnh hội. Các ông có hiểu được công phu của mấy câu nói này đến chỗ nào không? Để ở chỗ nào không? Các ông đều là người dụng công chẳng lẽ mấy câu nói về công phu này mà không lĩnh hội được sao? E rằng các ông thật chẳng biết. Nay ta giải thích qua cho các ông: Câu thoại đầu đề lên đứng đắn, ngay khi dụng tâm quay lại xem thì thấy chẳng có tâm để mà dụng, lúc không có nổi tâm dụng thì ngay đó đang được dụng, dụng lâu rồi thì cái đang đó cũng không có. Nói như vậy đại khái các ông có thể hiểu rõ được một chút. Nhưng ta nói thế muốn các ông công phu đến chỗ này thì mới có thể lĩnh hội được, nếu không, ông chỉ nghe ta nói mà lĩnh hội được hoặc từ chỗ học mà lĩnh hội thì đều vô dụng cả. Tại sao vậy? Vì việc người ta có dính dáng gì với ông đâu? Thí dụ ra cửa chùa đi Dương Châu trên đường có miếu Long Vương, đền Thổ Địa, có cầu có cống v.v… người đi qua mà không hiểu được chăng? Cái mình học được, cái nghe người ta nói lại thì nói chung chẳng thể nào đáp cho trót lọt cả được. Cái chỗ hành của công phu chân chưa chạm đất đó, ta giảng sơ cho các ông nghe: ngay khi có tâm dụng, ngay đó không có tâm biết, đều không ngoài cái hữu tâm dụng, vô tâm dụng.

Thế nào hữu tâm dụng? Thế nào là vô tâm dụng? Trước hết phải biết câu thoại đầu ta tham là của chính ta, nếu là từ người mà đến thì hữu tâm và vô tâm đều dùng không được. Tại sao vậy? Câu “Niệm Phật là ai?” là câu của người ta, không phải thứ công phu này, đối với cái vô tâm hữu tâm thì còn xa lắm! Cho nên mới nói là không dùng được. Vậy làm sao mới được tương ưng? Trước tiên phải từ trong tâm mình phát xuất cái không biết niệm Phật là người nào, nếu không tìm ra người ấy thì khổ hải vô biên rồi (khổ lắm); có tìm được người đó thì mới ra khỏi biển khổ này được. Cái khẩn thiết này, cái niệm không lo không được, câu thoại đầu ở chỗ này đương nhiên sẽ đắc dụng; cái không rõ ràng (nghi tình) này, niệm niệm có đắc dụng, tâm tâm có đắc dụng thì đều xuất phát từ trong tâm của chính mình ra cả. Đó là cái công phu do chính mình hành đến thì sẽ có công phu thâm nhập. Nếu muốn nghe ta hoặc sư Ban Thủ giảng “người niệm Phật là ai” thì phải tham, tham cho thông, tìm đến được người này thì được ra khỏi biển khổ, nếu tham không thông, người này không tìm được thì biển không ra được. Các ông tưởng tham như thế là đúng, chúng ta tham như vậy thì chỉ là bề ngoài thôi, cái tham như thế không là hôn trâm thì là vọng tưởng. Vì ông là người dụng công ngoài mặt, chính mình thì chẳng làm việc gì, đương nhiên muốn nổi vọng tưởng; trong tâm không có dụng công khẩn thiết, dụng công ngoài mặt thì làm sao kéo dài được? Cho nên không từ tâm của phát xuất ra thì là của người ta thôi. Giả sử là do tâm của các ông phát xuất ra thì đương nhiên sẽ đắc dụng, còn dùng không hết nữa.

Giống như mượn tiền tiêu vậy; mình không có tiền thì muốn mượn tiền của người ta, mình có tiền rồi khổi đi mượn. Tự mình có tiền tiêu là trường hợp nào? Mượn tiền người ta là trường hợp nào? Có thể nói tóm lại lại như vầy: Tham câu thoại đầu không có nghi tình thì cũng giống như niệm thoại đầu, đó tức là dùng câu thoại đầu của người ta. Nếu khi tham câu thoại đầu trong tâm cảm thấy thắc mắc nổi lên nghi tình thì đây mới là câu thoại đầu của chính mình. Tham câu thoại đầu của chính mình tức là tiêu tiền của chính, tham câu thoại đầu của người ta tức là mượn tiền của người ta tiêu vậy. Vì vậy nói: Sai một ly thì cách xa như trời với đất.

Vậy công phu của mình đắc dụng rồi thì các ông còn chịu buông tay ư? Đương nhiên cứ thẳng một đường hướng về phía trước mà dụng đi, thời gian dụng công lâu đi rồi, lúc đó các ông muốn nghỉ một chút cũng không được. Việc nghỉ ấy không phải do ông nữa, vẫn còn câu thoại đầu, muốn buông mà buông không được; không cần các ông tìm nó niệm niệm đều hỏi không dứt; buông cũng không được mà đề cũng không cần đề, công phu không bị gián đoạn chút nào; hữu tâm cũng là dụng mà vô tâm cũng là dụng, hoàn toàn không cần ông có tâm. Có được công phu như vậy thì mới kể là ông đến được lúc vô tâm dụng, cũng gọi là đến thoại đầu. Cái vô tâm này lấy gì mà nghiệm được? Ví dụ như đi cầu, lúc vào cầu tiêu, hay khi bước đi vẫn còn có công phu, chưa mở nắp hầm cầu cũng còn có công phu, kéo quần thì công phu bị mơ hồ rồi, đến khi ngồi xuống thì luôn cả cái mơ hồ cũng không còn. Đến đây thì nghi tình không còn nữa, chỉ còn biết mình ngồi trên bàn cầu. “Cái biết” này… còn kể ông là vô tâm sao? Vô tâm thì không có tâm để biết. Tại sao vậy? “Chẳng thể dùng trí biết, chẳng thể dùng thức hiểu”. Nếu cứ có tâm để biết thì ấy là tâm sinh diệt. Việc từ vô tâm về sau, từ từ ta sẽ giảng cho các ông sau. Hãy tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 3 tháng 12 (Thất thứ 7 ngày thứ 5).

“Hữu tâm dụng đến chỗ vô tâm, vô tâm không cho hữu tâm biết”. Hai câu nói về công phu này nếu các ông hành đến được thì đối với giai đoạn công phu này mới là thấy được xác thật. Con đường đi này đã gần đến đích, đã sắp ngộ rồi. Dụng công chưa đến chỗ này thì đương nhiên nói đến tâm. Chữ tâm là tổng danh, nói sơ lược có ba thứ ấy là: tán loạn tâm, hữu tâm và vô tâm; dù ông nói thế nào, người dụng công cũng chẳng thể lìa ba thứ tâm này. Thế nào là tán loạn tâm? Ấy là trước khi chúng ta dụng công, nào là tham, sân, si, nào là nhân ngã, nghiệp thức, phiền não v.v… những tâm này gọi chung là tán loạn tâm. Nhưng khi ông ở trong tán loạn tâm này ông lại không biết đó là tán loạn tâm. Thứ tâm này vì quá nhiều như cát vãi chẳng thể kết tụ lại. Hạt cát này không dính với hạt cát kia, tâm niệm chúng ta cũng giống như những hạt cát ấy, không dễ gì bóp dính thành một cục được. Nếu ông có quyết chí không bóp không được thì lâu ngày cũng có thể bóp thành một cục vậy. (Mồ hôi nước mắt ra nhiều thì cũng có thể dính thành một cục được). Ví như công phu của chúng ta ban sơ không hiểu dụng công, cứ ở trong tán loạn tâm cho qua ngày giờ. Những tán loạn tâm này tức là nghiệp thức trần lao thiện ác biến hóa, tạo thành những thứ nghiệp thế gian như sanh tử, thiên đường, địa ngục v.v… Hôm nay tham câu thoại đầu muốn đem cái tâm tạo nghiệp sanh tử thế gian đều ngưng nghỉ hết, chỉ dùng cái pháp thiền xuất thế gian này để lìa khỏi sanh tử, ban sơ không dễ gì làm được cũng như muốn bóp cát thành một cục vậy. Dụng công tham lâu ngày những tạp niệm tán loạn sẽ bớt đi, tham lâu nữa sẽ hết, chỉ còn một câu thoại đầu cũng như cát vãi đã được bóp thánh một cục vậy. Những tán loạn tâm đó đều thu nhiếp lại vào câu thoại đầu này, câu thoại đầu này tức là hữu tâm. Lúc hữu tâm, chỉ thấy được lúc trước đó là tán loạn tâm, chẳng thể thấy được cái vô tâm sau này. Tại sao vậy? Nếu ông không dụng công đương nhiên chẳng biết được hữu tâm. Có tán loạn hay không có tán loạn tất cả đều do chữ “hữu” này mới biết.

Hôm nay dụng công đề lên câu thoại đầu, vọng tưởng liền đến, theo đó mà xem thì chỉ khi dụng công mới biết được cái tâm niệm trước kia là tán loạn lăng xăng, tức là nhờ câu thoại đầu này mới thấy được cái tâm tán loạn kia. Ví như một người xuất thân là kẻ cướp, ở trong hang ổ bọn cướp suốt ngày chỉ nghĩ cách cướp giựt tài sản của người ta, họ đâu có nghĩ mình là kẻ ăn cướp không tốt. Cần phải bảo họ lìa khỏi hang ổ cướp rồi họ mới biết được trước kia họ là ăn cướp, về sau đương nhiên không chịu đi làm việc cướp giựt nữa, cũng như trước kia chưa dụng công không biết tâm mình là tán loạn tâm, tham câu thoại đầu rồi mới biết trước kia là tán loạn tâm không tốt vậy.

Tại sa nói vô tâm chẳng cho hữu tâm biết? Cũng như kẻ ăn cướp này đã biết không tốt, không muốn đi cướp giựt nữa thì phải xa lìa cái hang ổ của bọn cướp mới được. Nếu ông không xa lìa họ, ông muốn làm người tốt cũng không được. Bởi vì họ thấy ông không đi làm ăn cướp cũng muốn ông đi, ông không đi họ cũng không cho ông tự do. Nếu ông xa lìa họ, họ không thấy ông đương nhiên được bình an vô sự. Giả sử bị họ thấy được ông thì ông muốn làm người tốt cũng không được. Ông đã xa lìa hang ổ, bọn cướp không thấy ông, ông mới có thể làm người tốt. Cũng thế, vô tâm ví như người tốt, nếu muốn biết họ là người tốt thì cái năng biết này của ông, tức là hữu tâm, chính là thằng ăn cướp. Cho nên nói là vô tâm chẳng cho hữu tâm biết là vậy. Tóm lại có cái hữu tâm để biết thì không kể ông là vô tâm.

Vậy hiện tại các ông đều là lúc hữu tâm, công phu vô tâm thì chưa đạt đến, nhưng cũng không thể bảo nó là tán loạn tâm được, đây là lời nói sát với thực tế. Nếu nói các ông hãy còn là tán loạn tâm thì chèn ép các ông; dù có vài vị tán loạn tâm cũng không cần nói đến họ. Chúng ta chỉ mới nói đến cái hữu tâm hiện tại này thôi; câu thoại đầu vừa đề lên thì vọng tưởng cũng nổi lên, đã vọng tưởng thì đương nhiên phải có tướng mạo của vọng tưởng cũng như nổi vọng tưởng Thượng Hải thì tướng Thượng Hải hiện ra. Hôm nay bảo các ông tham câu thoại đầu, muốn các ông tự hỏi lại câu thoại đầu trong tâm mình, khởi lên nghi tình, thì không tướng, thực tướng, phi không thực tướng, diệc không diệc thực tướng, tất cả đều không có. Lời nói của Giáo môn hoặc chân như, hoặc nhất chân pháp giới v.v… Thiền tông thì không nói như vậy, câu thoại đầu thì không có nhất thiết tướng. Ta nói thêm để cho các ông nghe, muốn các ông dễ dàng biết được về trình tự của công phu này: trước khi đề lên câu thoại đầu, vọng tưởng cũng có, nghiệp chướng cũng có, lần lần vọng tưởng cũng không nổi mà nghiệp chướng cũng khởi ra, công phu không ngừng đắc dụng, thuần thục thêm nữa, công phu thành phiến, thì mới có thể gọi là “Lạc đường tự tại” được. Nếu các ông đến được mức này, ta có bảo các ông buông bỏ công phu để nổi vọng tưởng thì dù các ông có muốn nổi vọng tưởng cũng không nổi lên được. Chỉ còn thuần một nghi tình miên miên mật mật (liên lục không gián đoạn), tất cả niệm khác đều bặt, có muốn nổi cũng nổi không được. Như thế chân nghi hiện tiền đương nhiên tất cả tướng đều không còn. Chẳng những quỷ thần không thấy ông, Diêm La Vương cũng không thấy ông. Diêm Vương đã không thấy ông thì sanh tử đặt ở chỗ nào? E rằng Phật Thích Ca cũng không thấy, nếu bị Phật Thích Ca thấy đến thì chẳng những có sinh tử lại còn có Niết bàn nữa. Khi chúng ta chân nghi hiện tiền thì sanh tử chẳng trụ, Niết bàn cũng chẳng trụ vậy. Các ông hãy phát tâm, tham đi!

KHAI THỊ
Ngày 4 tháng 12 (Thất 7 ngày thứ 6).

Chớ nói vô tâm tức là đạo, vô tâm vẫn cách khoảng đường xa”. Mấy lời nói này với các ông thì thật không có gì để giảng, vì các ông cũng hoàn toàn muốn nghe nữa, bởi trên tâm hạnh các ông còn thiếu xa lắm. Nhưng ta không thể không hết thiên chức của mình để giảng thứ tự lớp lang cho các ông nghe.

Người dụng công đối với danh lợi, vinh quang, oán thân, tham ái, sân hận trên đời v.v… gọi chung là việc thể gian sự cần phải cho nó chết, một tí cũng không còn. Người xưa có đại tử đại hoạt, tiểu tử tiểu hoạt tức là lý này. Sao gọi là tiểu tử? Đó là biệt danh của tiểu ngộ. Đại hoạt là biệt danh của đại ngộ. Vậy tiểu tử là thế nào? Thân tử là tiểu tử, tất cả đau ngứa trên thân mình đều không biết, cũng giống như một “hoạt tử nhân”, thân tuy chết nhưng tâm không chết, tâm vẫn còn sống động, ấy tức là tiểu tử. Thế nào là đại tử? Tức thân tâm đều chết; tâm chết, chỉ cho câu thoại đầu tâm tâm dụng, niệm niệm dụng, bận rộn cũng dụng. Tuy dụng như vậy mà không cho biết là ở trong cái dụng như thế; nếu biết được có câu thoại đầu, có cái dụng trong lúc bận rộn thì tâm chưa chết. Vậy lấy gì chứng cớ rõ ràng được? Tâm ông đại tử rồi ta sẽ hỏi ông: Ông tên gì? Nếu ông trả lời được thì ông chưa chết, nếu ông trả lời không được, không hiểu mình tên gì mới kể là tâm của ông chết rồi. Ta hỏi các ông: đại tử có không? Nay đã được bảy thất rồi, công phu không dụng đến đại tử thì làm sao đạt đến đại hoạt được? Đứng ngay đây các ông hãy tự hỏi lòng xem, cái chết đến được trình độ nào? Nhưng những lời này không phải ta nói bậy, chính ta từng đi qua trên con đường này rồi.

Lời nói người xưa các ông không tin, ta cũng không tin, tại sao vậy? Vì chưa thấy làm sao mà tin được? Nay ta đem việc chính ta đã đi qua, nói cho các ông nghe, đại khái các ông sẽ tin. Khi ta ở chùa Kim Sơn, bốn người cùng ở một căn phòng, gặp đúng tên bốn người đều chữ “Diệu”, trong đó có sư đệ ta là Diệu Phong. Ta một mình nằm dưới đất, ba người kia ngủ trên giường, họ cảm thấy ngại, thường bào ta: “Này thầy! Thầy lên giường nằm đi”. Ta cũng không để ý đến lời họ kêu ta hay không, ta cứ nằm dưới đất. Sư đệ của ta muốn nói chuyện với ta mãi, ta cũng không để ý đến. Ông ấy nói: “Thầy là người Hồ Bắc phải không?”. Ta nói: “Niệm Phật là ai?”. Ông ta nói: “Thầy là Diệu Thọ, pháp hiệu Tịnh Như phải không?”. Ta nói: “Niệm Phật đáo để là ai?”. Ông ta nói: “Ông đại khái là sư huynh tôi!”. Ta nói: “Niệm Phật cứu kính là ai?”. Làm cho ông ta không biết làm thế nào, một mùa Đông hỏi ta mấy lần như vậy, ta đều trả lời như thế, ông ta muốn ta nói một câu khác hơn, nhưng vẫn không được. Đến kỳ nghỉ tháng giêng ta trở về tiểu miếu (chùa Sư phụ), Sư phụ hỏi đến ông ta: “Sư huynh ông ở chùa Kim Sơn ông có biết không?”. Ông ta nói: “Con biết, khi nói chuyện với Sư huynh thì Sư huynh không trả lời đúng câu hỏi nên con không biết đích xác có phải hay không?”. Sư phụ nói: “Hãy mau kêu nó về đây!”. Ông ta lúc đến Kim Sơn nắm chặt tay ta nói: “Tôi nói thầy là Sư huynh của tôi sao thầy không trả lời cho tôi biết? Đúng thầy là Sư huynh của tôi!”. Ta nói: “Niệm Phật là ai?”, ông ta nói: “Không cần biết ai hay không ai, thầy hãy theo tôi về chùa!”. Ta nói: “Niệm Phật là ai?”, ông ta nói: “Sư phụ bảo tôi đến kêu thầy về, thầy không thể không về được”, ta nói: “Niệm Phật là ai?” làm cho ông ta không biết làm cách nào, chỉ lôi cánh ta mà nói: “Thầy sao kỳ cục quá! Bảo về thăm Sư phụ đâu có bao xa, ở Câu Dung thôi, sao không chịu về?”, ta nói: “Niệm Phật là ai?”, ông ta thả ta ra nói: “Thôi! Thôi đi!”, rồi bỏ đi về.

Các ông thử ta lúc ấy những việc cần thiết trong việc giao thiệp nhất đều làm chết tiệt hết, không còn có ta nữa. Các ông được mấy ai hành giống như ta? E rằng các ông không những biết tên người ở quảng đơn phía Đông, phía Tây nữa. Các ông thử nghĩ: Ta làm người như thế này đến nay đã bốn mươi năm vẫn còn là người thường, các ông công phu chưa đạt đến chỗ này thì làm sao khai ngộ được? Thật đáng tiếc! Các ông chưa có một ai bám chặt đến chết câu thoại đầu mà nhận chân ôm chặt tử cú này (thoại đầu) mà cắn mãi; không hỏi khai ngộ hay không, cứ chỉ là dụng công phu, một mạch đi thẳng, chết với câu thoại đầu, chết đến cùng còn sợ không hoạt ư? Nay các ông không những không chịu chết mà còn muốn suy nghĩ này nọ, suy nghĩ một vài câu để sắp đặt, thí dụ như tưởng rằng: “Đúng rồi! Đây chính là công phu của ta!”. Các ông có khổ không? Lại nữa, hoặc có thể chết được một lát, sáng chết đi, tối nghĩ lại: “Không phải! Chết chẳng được danh giá gì, cũng chẳng thích gì câu thoại đầu, cần phải sửa lại câu thoại đầu!”. Ví như sáng gieo mạ, tối muốn gặt lúa ngay, không có lúa gặt, lại cày tiếp rồi lại trồng đậu thì cũng như vậy. Các ông xem! Công phu như vậy mà còn kể được là tham thiền sao? Đại đa số các ông là như vậy. Tự các ông hỏi lại mình xem có đúng hay không đúng.

Theo công phu các ông như vậy, ta còn muốn giảng gì cho các ông nghe nữa không? Tại sao vậy? Ta giảng đến chỗ nào thì muốn các ông hành đến chỗ đó. Cái hành của các ông tức là lời ta giảng, các ông phải hành như vậy mới đúng, mới gọi là “ngôn hành tương ứng”. Ta giảng đến đâu các ông theo không kịp, đó không phải là phí công ta giảng sao? Tuy nói như vậy các ông mấy chục người cũng phải có một vài người công phu thâm nhập; không cần nhiều, chỉ có một người công phu được đến chỗ ta giảng thì chẳng thể nói là không có người nào, đã có một người như thế, đương nhiên ta phải giảng tới nữa cho người đó nghe.

Các ông phải sống chết với câu thoại đầu này, đến cả tên mình cũng không biết, có công hạnh như vậy thì hành ra sao? Muốn các ông dụng câu thoại đầu cho đến lúc không biết luôn là có câu thoại đầu, người không biết, ta cũng không biết. Nhân ngã tại sao cũng không biết? Nhân tức là thế giới hư không, ngã là cái thân bằng xương, bằng thịt này. Giáo môn nói: “Ngoài lục trần, trong lục căn, ở giữa là lục thức”. Thiền tông thì không như vậy, đầu tiên cả thế giới hư không đều quên hết, chết hết. Vậy thì thế giới hư không đã không có thì ta ở chỗ nào? Thân thể này của ta đã chết rồi thì sự đau ngứa trên thân, mặc áo ăn cơm, đói lạnh có còn chăng? Đã không có nhưng cái đó thì nhất định tất cả đều không có. Vậy tên có còn không? Các ông nghĩ xem có đúng không?

Vậy thì trong cũng quên, ngoài cũng quên, chỉ còn câu thoại đầu ở giữa trong chúng ta. Thoại đầu thì cần phải tham, trước thì lịch lịch, minh minh mà tham, sau lại thanh thanh, triệt triệt mà tham, rồi thêm tinh tiến dũng mãnh mà tham.

Các ông tham đến lúc này liên tục không gián đoạn, ta hỏi các ông: “Thế giới, nhân ngã, hư không có còn chăng?”. Ông nói: “Không có”. Tốt lắm! Ta lại hỏi: “Ngã có còn không?”. Ông nói: “Cũng không có!”. Ta nói: “Tốt lắm!”. Ta lại hỏi thêm: “Tâm ông có còn không?”. Ông trả lời: “Không có”. Ta lại hỏi: “Tâm đã không có thì lời nói trong miệng từ đâu lại?”. Nếu ông nói: “có”, thì ta sẽ hỏi ông: “Cái chữ ‘có’ này là ở trên câu thoại đầu hay là câu thoại đầu ở trên chữ ‘có’?”. Các ông thử nghĩ trả lời ta một câu xem! Ta muốn xem công phu của các ông đạt đến trình độ nào? Hãy phát tâm tham đi!

>>>Phần 4

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

TrẠDanh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ hoằng bà i cÃy mot coi di ve trinh cong chua bao loc tìm Trà 念佛人多有福气 ly tìm hiểu về phật giáo çš Hạn chế nước tăng lực để bảo vệ Canh củ năng rong biển tản Lễ hội Quán Thế Âm Quê nhà của phap Có thực mới vực được Đạo Mat Bằng Nên hạn chế ăn nhiều muối åº thứ chua thien tuong Thế Ngăn loi phat day ve dia vi bac chan nhan chua dieu vien 修习希求利他之心 30 dieu khong nen tiep tuc lam voi ban than liên nghiem trau Kính vu lan Không 地风升 Æ tặng Thịt đỏ làm tăng nguy cơ bệnh đường Lễ húy nhật lần thứ 16 cố Đại lão Để yêu thương mang lại hạnh phúc VÃƒÆ 住相 7 ton giao cua bien chung va khoa hoc bản Thái độ thù nghịch làm hại tim mạch