MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Những bao rác
2 Cây cột điện
3 Giận
4 Thầy
5 Sở tri phân biệt
6 Văn Thù xin đi nhờ
7 Chuyện khó nói
8 Phụ nữ
9 Trách ai
10 Ông Địa
11 Thiền và Duy thức
12 Phước đức và chứng ngộ
13 Chuyện cái thất
14 Con khỉ bên trong
15 Hiểu và ngộ
16 Làm thế nào để có an lạc
17 Sai khiến được ba câu
18 Tam Tạng được kinh qua cái  nhìn Thiền tông
19 Năm pháp khiến chánh pháp trường tồn
20 Đậu Hũ tâm sự
.
Ý TỔ SƯ TRÊN ĐẦU NGỌN CỎ
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2007
Chân Hiền Tâm
Chuyện cái thất 

Thiên hạ không tu, cũng có đất quanh Thường Chiếu. Có đất đã xây thất. Có đất để đó không xây. Tôi thấy thiên hạ có đất, dù có thất hay không, thảy đều rất thích. Cái thích ấy giờ mới toại nguyện. Đất rồi cũng có. Không lớn cũng không nhỏ. Đương nhiên phải xây liền một cái thất. 

Thất vừa tính xây, ngay  đúng tháng 7. Thiên hạ bàn vô “Tháng 7 xây nhà cô hồn quậy phá. Tính kiểu chi đó?” Nghe cũng động tâm. Nhưng ngẫm cho cùng, nếu qua tháng 7, vật giá leo thang kiểu này, nhất định nhà còn … nửa cái. Coi ra đáng sợ hơn cả cô hồn. Thôi thì khởi công ngay rằm tháng 7 cho xong. Tiền yên mà tâm cũng yên. Cô hồn kệ nó. 

Thất vừa xây xong, Ni viếng vội qua. Nhìn quanh nhìn quất, ngẫm tới ngẫm lui, Ni phán : 

- Cái cửa nhỏ quá!

- Dạ thưa, đồ cũ tận dụng.

- Làm sao khiên cái hòm ra? 

Trời đất! Nhà mới xây xong, chưa ở đã tính chuyện chết.

 - Dạ đâu đã ở mà tính khiên ra? 

Như vừa ngộ ra điều gì, Ni cười như hoa :

- À không. Sư phụ đã làm cái nhà phúng điếu. Có gì để ở ngoài đó, không cần vô đây. 

Mô Phật! Xin bái thiền ni. 

Hôm nay vừa xuống tới nơi, nhận được tin mới : 

- Dạ thưa, Sư cô LB có cho bó nhan.

- Để ăn tân gia? 

- Chắc vậy. 

Coi như gần đủ. Xoay qua, thấy nhỏ cầm cái máy ảnh canh tới canh lui, mới nhớ còn thiếu tấm hình. Chụp đây một tấm, có gì còn có để … thờ. 
Vậy là đủ bộ. Có quà tân gia. 
 
 

Con khỉ bên trong

Cô em ngày nào cũng chửi cô chị. Bởi cô chị  tưng tửng mà cô em thì không tỉnh. Cô chị làm duyên cho cô em. Cô em lại làm duyên cho cô chị. Vô minh duyên hành, hành duyên thức … Hai chị em cứ thế mà chửi nhau. Nghiệp miệng càng tăng. Sân giận càng nhiều. Vòng trói buộc theo đó nối tiếp. 

Mình không tửng nên không động miệng vô cớ như cô chị, nhưng không tránh khỏi như cô em khi đời sống  không thuần một màu hồng. Khó mà không sân khi người ta nói ngang. Khó mà yên ổn khi người ta nói ngược. Song người ngược thì người lỗi. Mình nổi sân chửi lại, lỗi đó lại thuộc mình. 

Mình lớn tiếng, vì mình không biết việc đó đem lại tổn hại cho mình. Mình không biết mọi suy nghĩ hành động của mình đều khắc sâu trong tâm thức như những vết hằn trên lưng ngựa hoang. Thứ gì mang hơi hướm vị tha, nhẹ nhàng … nó như con trai ngậm cát, một hạt trai xuất hiện trong tương lai. Thứ gì mang hơi hướm tham lam, sân giận …  đều để lại vết hằn nhức nhối không chỉ trong hiện tại. Đó là đứng trên mặt quả báo phước đức mà nói. Trên mặt tâm thức, một khi mình  thực hiện quen thứ gì, nó có lực bắt mình theo nó như nước theo dòng. Không chửi không chịu được. Không lên tiếng thở không trôi. Mình nghiện chửi nghiện la như nghiện xì ke ma túy. 

Vài tháng tôi lại bị một đợt nóng sôi sục thêu đốt ruột gan. Cái nóng khiến mình tức tối, chỉ muốn hét cho hả hơi, chỉ muốn bầm nát mọi thứ. Một đợt nóng có chu kỳ. Tôi khám phá điều ấy khi thực hành pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm. Vì muốn không theo, phải biết cái gì là vọng, phải biết tâm mình đang chất thứ gì trong đó. Buồn, vui, suy nghĩ, nhớ nhung, đau khổ v.v… Tất cả những gì hiện lên trong tâm, mình đều phải biết. Nhờ quá trình đó, mới hay mẽ lửa trong tâm, nó có chu kỳ. Nguyên do nào nó nằm đó, phát tán âm thầm, mình chưa thấu được. Chỉ biết, việc bên ngoài là duyên để mẽ lửa bên trong có cơ bùng phát, không phải bản chất sự việc là thứ làm mình sân giận. Không có mẽ lửa âm ĩ kia, việc bên ngoài dù bức bối bao nhiêu, cũng không khiến mình phải hét hay la.

Mẻ lửa tuy thấy có sẵn trong mình, nhưng là cái quả mình đã huân tập từ bao kiếp trước. Nếu không huân tập thì nó không có. Không chỉ với sân, tham dục, kiến thức v.v… tất cả hiện diện trong mình đều theo qui luật huân tập. Thứ gì quen nhiều, thứ đó có lực khiến mình thông thái giỏi giang về nó khá nhiều. Chửi một lần, không ý thức việc đó tai hại, chửi tiếp lần hai. Chửi lần hai thấy được việc, chửi tiếp lần ba. Cứ vậy, một ngày một ít, tập quen với nó lúc nào không hay. Một khi chửi đã thành quen, cái chửi nó bắt mình chửi, không phải là mình làm chủ cái chửi. Do mỗi ngày tập quen với nó mợt ít, nên hiện đời nó sai sử mình. Đụng chuyện là hét. Nó chính là nhân, khiến bất cứ chuyện gì bên ngoài cũng thành cái duyên để mình nổi sân. Một khi đủ duyên bộc cháy, nó sẽ lan mãi không ngừng. Nó có cái lực khiến mình hăng tiết. Hăng tiết là duyên để lửa thêm nồng. Vết hằn xéo tâm càng đậm. 

Ngưỡng Sơn hỏi thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp : Làm sao thấy được Phật tánh?

Sư đáp : Ta vì ông nói một ví dụ. Như một nhà có sau cửa. Trong có một con khỉ. Ngoài có một con khỉ kêu chóe chóe. Con khỉ bên trong liền kêu chóe chóe đáp lại. Sáu cửa đều đáp như thế.

Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa : Nhờ Hòa thượng ví dụ nên con đã rõ. Lại có một việc. Như con khỉ bên trong ngủ, con khỉ bên ngoài muốn gặp thì sao?

Sư bước xuống giường thiền, nắm tay Ngưỡng Sơn múa : Chóe chóe, ta cùng ông thấy nhau. 

Hỏi làm sao thấy được Phật tánh? Trả lời “một con khỉ” kêu ra sáu cửa. Song CON KHỈ KÊU đó chưa phải là Phật tánh. Chỉ là DỤNG của Phật tánh. Sân là dụng hiện hành của con khỉ đang kêu. Dụng này do mê mà có. Do mê nên cái quả của nó là đau khổ và bất an. Vì được huân tập trong bao đời kiếp, nên thấy cái gì gai mắt liền bực, nghe cái gì không đúng liền sân, ăn nhằm hạt sạn nổi dóa, ngửi phải mùi hôi phát khùng, dầu bắn vào người nổi điên, nghĩ đến chuyện nó nói ngược mà cổ uất nghẹn. Con khỉ bên ngoài làm duyên cho con khỉ bên trong lên tiếng. Nếu con khỉ bên trong đã ngủ, tức mầm tham sân si được lắng yên, thì con khỉ bên ngoài dù kêu bao nhiêu, mọi thứ vẫn bình yên. Mọi động tác thi vi lúc đó đều là diệu dụng thanh tịnh của tâm. Dụng thanh tịnh thì hiện tại an vui, tương lai cũng an vui.

Mọi đáng tiếc xảy ra hiện nay, con giết cha, vợ giết chồng, nhân loại tàn sát lẫn nhau v.v… đều do không thấy được con khỉ đang kêu này. Mình không ý thức được sự tai hại của con khỉ đang kêu. Mình không nhận định được con khỉ sắp kêu, con khỉ vừa kêu hay con khỉ đã kêu. Mình nhập chung mình với nó nên cớ sự mới ra như vậy. Nếu  nhận định được con khỉ sắp kêu hay đang kêu, rồi dừng ngay không cho nó kêu nữa, thì mọi thứ sẽ yên ổn hài hòa.

Việc đâu tiên để con khỉ ngủ yên, là mình phải NHẬN DẠNG được con khỉ của mình. Trước là nhận cho được HÌNH TƯỚNG con khỉ đang kêu. Sau là nhận cho ra THỰC TƯỚNG của con khỉ ấy. Nghe chuyện tâm nổi bực, thì phải nhận dạng được cái bực đó. Thấy bực là biết con khỉ của mình đã kêu. Kêu rồi thì bịt miệng nó lại đừng cho nó kêu tiếp. Nó mở miệng là mình bịt. Bịt không xong, phải làm công tác tư tưởng cho nó, để nó chịu yên. Từ từ nó chán nó ngủ … Khi nó ngủ rồi thì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bên ngoài dù thế nào, tâm mình cũng an nhiên tĩnh lặng. Tám gió thổi chẳng động là đó. Không phải con khỉ ngủ yên hoàn toàn mình mới nhận được trạng thái an nhiên tự tại. Việc nào con khỉ ngủ yên, mình nhận liền sự an nhiên trong công việc đó. Khi tất cả thời, tất cả chỗ mà con khỉ ngủ yên hoàn toàn, thì Thiền sư Hồng Ân cùng Ngưỡng Sơn sẽ nói với mình “Ta cùng con thấy nhau”. 

Hiểu và ngộ 

Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích đến Mân Nam tham vấn. Giữa đường gặp tuyết rơi, phải tạm tá túc trong viện Đại Tạng đàm luận với thiền sư  Quế Sâm mất mấy ngày. Tuyết dứt, Văn Ích từ giã tiếp tục hành cước. Quế Sâm tiễn Pháp Nhãn đến sơn môn, liền chỉ tảng đá bên đường hỏi : 

- Đại đức thường nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, chẳng hay tảng đá này trong tâm đại đức hay ngoài tâm đại đức? 

Pháp Nhãn không cần suy nghĩ, đáp liền : 

- Theo Duy thức, ngoài tâm không có pháp, đương nhiên là ở trong tâm.

Quế Sâm cười : 

- Đại đức là tăng hành cước, cớ sao để tảng đá trong tâm? 

Pháp Nhãn đớ lưỡi không biết trả lời, phải ở lại giải quyết cho xong mối nghi.

Tảng đá thì ai cũng thấy ngoài tâm. Song luận Duy Thức lại nói ngoài tâm không có pháp. Tổ đã nói thì không phải chuyện đùa. Vậy nó ở đâu? Với tâm thức hiện nay của mình thì câu trả lời vẫn là trong tâm. Đó là cách suy nghĩ thường tình của người đời : Không bên này thì bên kia, không trong thì ngoài, không ngoài thì trong, không xấu thì đẹp, không đẹp thì xấu v.v… không bao giờ thoát được sự chia chẻ hai bên của trí phân biệt. Song nếu trong tâm, vì sao Quế Sâm lại hỏi “Cớ sao để tảng đá trong tâm?”.

Tảng đá ngoài tâm thì trái với lời Tổ. Tảng đá trong tâm thì bị Thiện tri thức cười. Vậy nó ở đâu? Không trong cũng không ngoài. Hội chăng? Một chút ngần ngừ … đã qua mất rồi! 

Ở lại viện Địa Tạng, hằng ngày Pháp Nhãn đều đến trình kiến giải với Quế Sâm, nhưng Quế Sâm đều lắc đầu, cho cái thấy của Pháp Nhãn chưa thấu triệt. Lần nào Quế Sâm cũng trả lời : Phật pháp không phải những thứ ấy. 

Cuối cùng Pháp Nhãn than :

-  Con đã cùng lời hết ý rồi. 

Quế Sâm nói : 

- Nếu luận bàn về Phật pháp thì mọi người sẵn đủ.

Ngay lời nói ấy Pháp Nhãn đại ngộ.

Không phải chỉ Pháp Nhãn mới biết cái mà mọi người đều sẵn đủ đó. Mình thừa biết đó là Phật tánh. Song đó là hiểu không phải ngộ. Vì sao? Vì trong đầu mình chỉ mới xuất hiện hai từ Phật tánh chứ chưa thấy được cái Phật tánh ấy hình dạng ra sao, mặt mũi thế nào. Ngộ chính là nhận biết nó ra sao, hình tướng thế nào. Mình sẽ mau mắn “Nó vô tướng”. Ừ! Nó vô tướng, nhưng nó vô tướng ra sao? Nếu nó vô tướng thì dựa vào đâu để biết nó có? Nếu đã có tướng để thấy, dù là tướng không, thì làm sao nói nó vô tướng? Đã có tướng để thấy thì nó là cái BỊ BIẾT, chỉ là tướng hư vọng, không phải là Phật tánh. Phật tánh không rơi vào cái thấy năng sở. Nếu nó không tướng, sao kinh Bát Nhã nói “Tướng không của các pháp không sanh v.v…”. Rất nhiều thứ để mình lầm lẫn và nghi hoặc khi chỉ dùng tri thức học hỏi để hiểu những thứ vượt ngoài tri thức. Thành NGỘ và HIỂU tuy đồng chỉ cho sự thông thấu, nhưng thật là cách xa một trời một vực. 

Chính vì HIỂU và NGỘ không giống nhau, hay nói thông thoáng một chút,  ngộ có nhiều lớp : Có cái ngộ chỉ mới là sự thẩm thấu từ sách vở, hoặc do suy luận mà ra. Có cái ngộ do chính mình bật ra, nhưng vẫn chỉ là một dòng kiến giải, chưa thoát khỏi ngôn từ. Có cái ngộ là thể nhập một cảnh giới. Có cái ngộ là chứng mà không có cảnh giới để chứng v.v… Do ngộ có nhiều lớp nhiều lang như thế, mà trong nhà thiền xuất hiện nhiều chuyện lý thú. 

Một lần Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn, viết thư báo trước rằng “Hãy như thiền sư Triệu Châu đón Triệu Vương, không cần ra ngoài”. Ông cho mình có trình độ hiểu thiền thâm cao, nên muốn Phật Ấn dùng lễ thượng thừa đón mình như Triệu Châu từng đón Triệu Vương. Song vừa đến nơi đã thấy Phật Ấn lù lù ở cổng. Ông trách “Đạo hạnh của thầy xem ra không bằng Triệu Châu. Vẫn không thoát được thói thường tình”. Không ngờ Phật Ấn dùng kệ đáp rằng : 

Triệu Châu ngày ấy thiếu khiêm nhường
Không ra tận cổng đón Triệu  Vương
Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng
Đại thiên thế giới một gường thiền

Chỉ hiểu Phật pháp qua chữ nghĩa sách vở, chưa có sự thực nghiệm, nên xem kinh thì vướng kinh, thấy tướng liền dính tướng, mà không thấu được thực chất của những thứ ấy. Triệu Châu không ra nghinh tiếp Triệu vương vì cho Triệu Vương là bậc thượng cơ. Nhưng không phải cứ  bậc thượng cơ là cứ theo cách đó mà nghinh tiếp. Có khi vì tâm tâm tương đắc mới ra tận cổng đón nhau. Nghĩa là, tướng bên ngoài chưa hẳn là thứ quyết định được bản chất sự việc, dù có khi nó như thế. Khóc, thường biểu hiện cho chất buồn. Nhưng có khi vui quá, nước mắt cũng rơi. Thành cái tướng nước mắt đó, không dứt khoát là tướng biểu hiện cho chất buồn hay vui. Cũng như không phải cứ ra tận cổng như thế, thì cốt cách đã không bằng người xưa. Mọi thứ đều lệ thuộc vào duyên. Hãy nghe Phật Ấn nói :

Đâu giống Kim Sơn vô lượng tướng
Đại thiên thế giới một gường thiền

Ối trời! Trùm khắp Tam thiên đại thiên thế giới như thế thì tướng gì ra tướng gì vào? Anh chỉ thấy được tướng ra tướng vào mà không thấy được tướng “không ra không vào”, bởi anh chưa thoát khỏi trí phân biệt. Chính vì trí phân biệt đó mà mọi thứ thành phân chia khúc đoạn như hiện nay. 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật ví chúng sanh như những người bị nhặm mắt thấy có vân tròn quanh bóng đèn. Vân tròn do mắt bệnh mà có. Bệnh lành thì vân tròn cũng không. Tức ngoài mắt bệnh không có vân tròn. Ngoài tâm không có pháp cũng vậy. Thấy mọi thứ hiện diện, có đến, đi, trong, ngoài như hiện nay, chẳng qua do tâm bất giác từ thời vô thủy mà thấy. Không phải pháp vốn như thế. Vì cái nhìn của Tô Đông Pha còn bị hạn cuộc trong trí phân biệt, nên Đông Pha thấy Phật Ấn có đến có đi, nào phải Phật Ấn có đến đi. 

Vậy thì … tảng đá là ngoài tâm hay trong tâm? Luận thì cũng ra, nhưng muốn thấu đáo thật sự, cần lìa ngôn luận, phá thẳng vào trí phân biệt mới xong. Muốn phá vào trí phân biệt thì làm thế nào? Chạm duyên xúc cảnh, tâm khởi liền biết, biết rồi liên ngưng, không cho nối tiếp. Một lúc nào đó, phân biệt cũng dừng. Còn, niệm khởi không biết, biết rồi liền theo, thì … Giường thiền xơ xẩy, hụt chân cổ gãy. 

Làm thế nào để có  an lạc 

Có ba Phật tử thỉnh vấn thiền sư Vô Đức : Xin hỏi Thầy, làm sao để có an lạc?

Thiền sư Vô Đức không trả lời mà hỏi lại : Các ông nghĩ là thế nào mới gọi là an lạc?

Ba vị  trả lời :

- Có tiền bạc là an lạc.
- Có tình yêu là an lạc.
- Có danh vị là an lạc.

Tuy ba kiểu, nhưng chung qui không ngoài ba thứ tình, tiền và danh vọng. Đó là tất cả những gì mà đa số chúng ta hiện nay đang xả thân vì nó. Vì thế khi được hỏi thế nào mới gọi là an lạc, ba vị liền trả lời : Tình, tiền và danh vị. 

TIỀN BẠC CHƯA HẲN LÀ THỨ MANG LẠI AN LẠC

Khi đã hỏi “Làm sao để có an lạc?” thì biết cuộc sống hiện tại không mấy an lạc. An lạc rồi thì chắc chẳng ai hỏi làm chi. Muốn có an lạc mà nghĩ tiền bạc là thứ mang lại an lạc thì biết người trả lời không phải là người may mắn về tiền bạc. Không có nó, cuộc sống mình không an lạc. Không có nó, mình thất bát khổ nạn … nên mới nghĩ có tiền là có an lạc. An lạc là trạng thái an vui nhẹ nhàng không vướng bận lo âu. Song tiền bạc có thật là thứ làm mình an vui? Trả lời “không” thiên hạ nói mình xạo, thành phải nói có. Quả tình, tiền bạc giúp mình thư thả hơn trong cuộc sống khi nhu cầu về ăn mặc và mọi sinh hoạt đời thường vẫn còn là thứ cần thiết với mình. Đi đâu cũng phải có tiền. Tiền có thể giúp mình trở thành hiếu hạnh, tình nghĩa, biết điều, giải quyết được khá nhiều công việc mà ít phải tốn hao sức lực. Đó cũng là lý do thiền sư Vô Đức dạy “Có tiền phải biết bố thí”. Bố thí, chỉ cho động tác trao tặng, đưa ra. Có tiền thì phải biết sử dụng, trang trải. Cái đáng xài thì xài, không thì thôi ... Nếu mình chịu chi, biết mang niềm vui đến cho người, thì tiền là thứ mang lại hạnh phúc cho mình. 

Song chịu bố thí rồi, biết cách sài tiền rồi, tiền có thật mang lại an lạc cho mình không? Thiền sư Vô Đức trả lời “Có tiền thì phiền não lo lắng sẽ theo sau”. Tiền đúng là mang lại một ít vui vẻ cho mình, nhưng để có được nó, đa phần đều phải lo lắng, đầu óc không thư thả. Đã có lo lắng cạnh tranh thì an lạc không có. Chưa kể tiền có khi còn là đầu mối của tai họa. Có khi chết chỉ vì đi một chiếc xe đắt tiền hay vài phân vàng tòn ten nơi tai. Con cái hư hỏng một phần vì tiền bạc dư giả cho các cuộc vui. Tuần báo An Ninh vừa rồi, phân tích về 7 nỗi lo của những kẻ giàu nhất thế giới : Sợ thua sút người khác, sợ phá sản, sợ thuế má, tòa án, sợ lừa đảo, bạo động, bắt cóc v.v… 

Nói chung thứ gì ở đời cũng có hai mặt của nó. Tiền là thứ mang lại niềm vui cho mình, nếu mình biết cách sử dụng. Nhưng không phải là thứ hoàn toàn mang lại hạnh phúc cho mình. Chủ yếu là phải làm chủ được đồng tiền, không dính mắc vào nó, thì mình mới có hạnh phúc khi có tiền.

Song có tiền mà không có tình thì muộn phiền có khi cũng lắm. Vì vậy, người thứ hai trả lời “Có tình yêu là an lạc”.

TÌNH YÊU CHƯA HẲN LÀ THỨ MANG LẠI AN LẠC

Yêu mà không được đáp trả là nỗi bất hạnh lớn lao. Đó là điều không thể chối cãi. Không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà cả trong tình cảm cha mẹ, anh em, bạn bè … Không khỏi muộn phiền khi không có sự đồng cảm. Không khỏi cô độc khi phải trơ trọi một mình. Không được yêu thương quả là bất hạnh. Vì thế, nghĩ “Được yêu thương sẽ có an lạc” là chuyện thường tình trong cuộc đời. Nhưng được yêu thương có thật là hoàn toàn an lạc? Thiền sư Vô Đức trả lời “Có tình yêu, phiền não lo lắng sẽ theo sau”. Tình cảm chưa hẳn là thứ mang lại hạnh phúc cho mình. Bởi khi thương yêu thì thường có sự đáp trả hai chiều, dù không hẳn khi nào cũng vậy. Có đáp trả là có lo lắng muộn phiền. Phật nói “Có ái sinh lo, có ai sinh sợ”. Yêu thương đi liền với lo lắng và bất an. 

Cuộc sống là một chuỗi nhân duyên nối tiếp trùng phùng. Nhân duyên hiện đời chưa hẳn là mối nhân duyên từ bao kiếp trước. Thăng trầm bể dâu lắm đổi, nhân duyên hiện đời mười ngón tay đếm không xong. Lắm mối tối nằm không. Thành được yêu thương chưa chắc đã an vui. Song dù ôm được hết vào lòng một lúc, vẫn không tránh khỏi vô thường. Bởi không ai tránh khỏi cái chết. Một thiền sư Nhật Bản, khi nghe tin con qua đời, đã làm hai câu thơ :

Đời như hạt sương rơi. 
Tuy nhiên, tuy nhiên …

Biết đời mong manh như hạt sương, nhưng không khỏi ưu phiền khi nghe tin con vừa mất. Càng hạnh phúc yêu thương, nỗi lo lắng mất mát càng lớn, nỗi đau đớn rức ray càng mạnh. Người ra đi bận lòng. Kẻ ở lại khổ đau. Khổ đau cho ngang với những gì đã được hạnh phúc. Nói chung, KHÔNG CÓ khổ đã đành, mà CÓ chưa chắc yên vui. Chẳng trách Tổ Trúc Lâm nói :

Câu CÓ câu KHÔNG 
Đau đáu lo sợ 

Cho nên, thiền sư Vô Đức dạy “Có tình yêu phải biết trang trải”.

Tình yêu trang trải là loại tình yêu không qui hướng về mình, mà cũng không qui hướng riêng ai. Bởi có riêng là có mình trong đó. Đã có mình thì không khỏi lo lắng khổ đau. Thành có tình yêu phải biết trang trải hướng đến muôn người. Trang trải, không có nghĩa là yêu thật nhiều hay trở thành cây khô lạnh giá. Trang trải là yêu thương mà không dính mắc. Nó là loại tình thương được dẫn đường bằng trí tuệ Phật, hướng ta và người về đường thiện, không mang tính vị kỷ. 

DANH VỊ CHƯA HẲN LÀ THỨ MANG LẠI AN LẠC 

Danh vị, thiền sư Vô Đức nói “Có danh vị, phiền não và lo lắng sẽ theo sau”. Không một thành công nào không phải gắng sức. Đạt được đã mất sức. Giữ cho vững còn mất sức hơn. Tôi đã dành hết quãng đời thơ trẻ để bảo tồn danh vị cho mình. Vị trí hàng đầu không thể của ai ngoài tôi. Tôi bị mắng và ăn đòn nhiều hơn một học trò dốt. Phải gác mọi vui chơi, giải trí và cả bệnh tật. Chỉ có đàn, đàn đến phát bệnh để giữ vững danh vị hàng đầu. Song ý chí con người không thể phăng tới khi thân thể đã kiệt quệ. Cuối cùng … thà bỏ cuộc hơn là đội trên đầu một cái mông. Không ngờ “thà bỏ cuộc” lại mở ra một khoảng trời mới. Nước mắt thầy cô vô hiệu khi đứa trẻ đã “giác ngộ”. Thanh thản nhẹ nhàng biết bao khi vứt gánh nặng khỏi vai mình. 

Nói vậy, không phải để khuyên mọi người phá bỏ tinh thần cầu tiến hay tán thán việc bỏ học. Đến với đạo mình còn phải học, phải làm, huống là ngoài đời? Có điều không nên dính mắc vào đó quá nhiều khiến mọi việc trở thành tồi tệ. Hiện nay tình trạng trẻ tự tử chỉ vì không đủ sức đạt tiếp danh vị mà cha mẹ mình mong muốn không phải không có. Đó là việc tồi tệ. Cố gắng, nhưng không nên để nó chi phối mình quá mức. Được thì tốt, chưa thì thôi.

Đến với thiền, tiền tình và danh vị không phải không có. Có khi còn nhiều hơn người ngoài đời. Bởi đó là cái quả được dựng từ cái nhân phước báu. Quá trình hành Bồ tát đạo là quá trình phước báu đang được gầy dựng. Nhưng nó không phải là chỗ nhắm đến của người tu thiền. Không nhắm đến, nên có thì bình thản, mất cũng bình thản. Nói đến thiền là nói đến Phật tâm. Phát huy lại trí tuệ và lòng từ sẵn có của mình mới là việc chính yếu của người tu thiền. Vì thế, danh vị, tiền tài và tình cảm không phải là thứ thiết yếu để người tu vướng bận. Một khi trí tuệ khai phát, danh vị, tiền tình dù đủ cũng như áng mây. Chúng đến như mây thì đi sẽ như mây. Nhẹ nhàng không vướng bận. Không có gì đánh động được bầu trời tâm. Đủ hay thiếu, được hay mất … không phải là thứ làm mình bận lòng. Sống được vậy, mới thực là có an lạc.

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm, giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang 
Thiên sư Pháp Loa 

Sai khiến được ba câu 

Nói đến thiền, thái độ im lặng thường được biểu dương là chỗ rốt ráo. Cử chỉ không có ngôn từ thường được ca tụng là hạnh của kẻ hiểu thiền. Chưa hẳn! Hãy xem Triệu Châu vấn đáp.

Đang tham thiền, Triệu Châu bảo : Sáng thì chưa sáng, nói tối thì sắp sáng, ông ở bên nào?

Tăng thưa : Không ở hai đầu.

Sư bảo : Thế ấy là ở khoảng giữa?

Tăng thưa : Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu

Sư bảo : Tăng này ở nơi lão tăng đã bao lâu, nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được cũng còn ở trong ba câu. Ông làm sao?

Tăng thưa : Con sai khiến được ba câu.

Sư bảo : Sao không nói sớm?

Nói sáng thì chưa sáng, vì sanh thì chưa sanh. Nói tối thì không được, vì sắp sanh mà không phải diệt. Vậy, giữa cái khoảng sáng và tối, sanh và diệt đó ông ở khoảng nào, nói ta nghe! Cha, không có công phu khó mà vào được chỗ này. Cái gì sáng sáng, Cái gì tối tối? Lắm kẻ điên đầu! 

Xin đừng bỏ cuộc, vẫn còn nhiều chỗ thú vị qua giai thoại này.

Tăng đáp mau mắn “Không ở hai đầu”. Một câu trả lời sao mà đạo lý! Đúng là con cháu nhà thiền. Triệu Châu không phải tay vừa. Đâu thể chừng đó mà đủ, liền hỏi “Vậy ở khoảng giữa?”. Không ở hai đầu thì phải ở đâu trong khoảng hai đầu đó chứ! Triệu Châu muốn tăng xác định. Nhưng Tăng không phải là hạng chỉ có cơm cháo qua ngày “Nếu ở khoảng giữa liền ở hai đầu”. Ừ! Không ở hai đầu mà cho là giữa, khác gì hai đầu? Bởi có chỗ nơiù. Đã có chỗ nơi, thì dù không ở hai đầu, nó cũng không khác hai đầu. Cũng còn trong vòng sanh diệt. Là vọng, không phải chân. 

Cho nên, khi có người hỏi “Làm sao phân biệt giữa chân và vọng?”. Thiền sư Thông Phương trả lời “Biết vọng là chân”. Ngay khi biết vọng, chính lúc đó là chân. Niệm niệm biết vọng, niệm niệm chân. Không cần vạch vọng tìm chân. Chân nếu thấy được, chân liền thành vọng. Cho nên, nếu nghe Trung Luận tụng rằng : Vạn pháp “không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …” mà cho chúng “đứng yên”, hay tách hai đầu mút sanh diệt ra, nhét cái “không sanh không diệt” vào giữa, cho đó là vô niệm, là ta đang nuốt phải trà mắt mèo của lão Triệu Châu. Chỉ chút chỗ này, lấy vọng làm chân, bỏ hết công lao của mình. 

Trả lời đến đó, không phải kẻ có thực lực khó mà làm được. Nhưng Triệu Châu vẫn còn một câu rốt sau, liền mắng “Nói năng thế ấy không ra khỏi ba câu. Song dù ra được, cũng còn ở trong ba câu”. Nếu là kẻ còn bị ba câu trói buộc, nghe phán câu đó không khỏi tái mặt. 

Triệu Châu mắng Tăng nhân, không phải không có lý do. Đến với nhà thiền, không ai không biết nụ cười của Phật Thích Ca, sự im lặng bất hủ của ngài Duy Ma, ngón tay nổi tiếng của thiền sư Câu Chi ... Những hình tướng không ngôn từ đó, thường để biểu hiện cho cội nguồn nhất tâm chân thật, dứt bặt ngôn thuyết. Song vì là kẻ có thực lực, đúng là không bị ba câu trói buộc, không bị hình tướng dẫn chạy, nên tăng không bắt chước những hình tướng đó, mà trả lời “Con sai sử được ba câu”. 

Con sai sử được ba câu. Nghĩa là, Pháp Đạt không còn bị Pháp Hoa chuyển, mà đã chuyển được Pháp Hoa. Pháp vốn không lỗi, lỗi là do mình sử dụng pháp không đúng duyên. Ngôn từ cũng không lỗi. Lỗi là do mình sử dụng nó không đúng lúc, đúng thời, dụng pháp mà chấp trước v.v… Không phải cứ có ngôn từ là không chân, im lặng mới vàng ròng. Nói hay nín đều tương ưng nếu có trí tuệ dẫn đường. Đương nhiên phải là loại trí tuệ “Mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất”, [9] không phải là thứ vay mượn bên ngoài. Được vậy, tuy lời nói không y kinh luận, mà không ngoài kinh luận. Mỗi mỗi đều ứng lý hợp cơ. Không như con vẹt, dạy câu nào ôm chết câu đó, không thể tùy duyên vận dụng. Dạy một câu chào khách, ăn trộm đến nó vẫn “Chào khách!” . Dạy một câu ăn trộm, khách đến nó vẫn “Ăn trộm!”. Người dạy cái gì, nó cứ theo cái ấy mà nói. Không thể y lý tùy duyên mà dụng pháp cho thông hoạt. Chỉ vì nương tựa vào tri thức hiểu biết của người mà không phát huy được khả năng sẵn có của mình, thành mọi thứ đều hạn cuộc và hay nhầm lẫn. 

Người xưa nói “Khi mê thì tứ cú đều sai. Khi tỉnh thì tất cả đều đúng”. Mê thì nói cũng trật, nín cũng trật. Tỉnh thì nói nín đều xong. Ngài Huyền Giác nói “Nói nín động tịnh thể an nhiên”. Sống được với thể tánh chân thật của mình, tức thấu suốt được thực tánh của vạn pháp, không bị hình tướng ngôn từ làm mờ mắt, thì dụng pháp dù xuôi hay ngược vẫn không lìa chân, đều là hoạt dụng vi diệu. 

Song làm sao để sống đượcvới thể tánh chân thật của mình? Thiền sư Lâm Tế nói “Các ông hiện nay biết nghe pháp, chẳng do tứ đại của các ông. Cái BIẾT ấy hay dùng được tứ đại. Nếu khéo thấy được như thế thì đi đứng tự do. Chỗ thấy của sơn tăng không ngoài pháp ấy … Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn Thù. Chỉ cái dùng trước mắt các ông trước sau không khác, nơi nơi không nghi, chính là Văn Thù sống. Các ông một niệm tâm sáng không phân biệt, nơi nơi thảy là chân Phổ Hiền ... Hiểu được như thế mới nên xem kinh”. Nói chung, phải làm sao phát huy được cái BIẾT của mình. Chỉ cần BIẾT rõ ràng không thêm gì khác. Thẳng tắt, đơn giản mà không lầm. Miên mật được, thì tự mình sẽ có tin tức. 

Tam Tạng được kinh 
qua cái nhìn Thiền tông

TÂY DU KÝ, một bộ chuyện gần như ai cũng thích.  Người đời thích. Các bậc Tôn túc xưa cũng thích. Nhắc đến Tôn Ngộ Không đổ hết bình đờm giãi vào họng, Sư phụ cười ha hả. Cái cười của Sư phụ khiến tôi tò mò. Cứ hỏi vì sao Tây Du chiếu trên truyền hình, khúc cuối sao mà tệ hại, xem ra phỉ báng đạo Phật quá nhiều, mà với Sư phụ lại có giá trị đạo lý như vậy?

Cái tật vốn lười, đọc lại nguyên bản chữ hán Tây Du thì có mà chết. Thôi thì chỗ nào thấy họ phỉ báng, mình moi chỗ đó ra xem, coi người xưa viết gì mà các bậc Tôn túc có những nhận xét khác nhau. Không ngờ, khi Tam Tạng đến chân núi Linh Thứu trở về sau, đọc tới đâu mê mẫn tới đó. Nếu cho Tây Du là bộ ký sự gởi gắm quá trình  ngược dòng hoàn tịnh của một hành giả tu Phật để đến bờ kia v.v... Cũng có cái lý để mình chiêm nghiệm. 

1. MỞ ĐẦU 

Nói “Tam Tạng được kinh qua cái nhìn Thiền tông”, không có nghĩa, đó là cái nhìn của tất cả những hành giả tu thiền. Chỉ vì trong phần luận giải, phải mượn những tình tiết liên quan đến Thiền tông mới hí luận được về nó, nên nói “Qua cái nhìn Thiền tông”. Luận ra đây, cũng không phải để chống đối hay hiển sự đúng sai đối với những quan điểm nghịch lại. Làm sao có thể khẳng định mình đúng người sai, khi mình không phải là chính tác giả? Chỉ là mượn gió đưa thuyền, mượn nôm bẩy cá … xẻ chia một chút “ngọt bùi” với những kẻ đồng duyên. Cũng là để thấy, thực lý DUYÊN KHỞI đang chi phối thế giới này : Pháp không tánh cố định, chỉ tùy duyên hiện tướng. Tùy tâm thức của từng người mà pháp pháp thành sai biệt. Cảnh SỞ DUYÊN không còn ở vị trí của chính nó, mà đã thành SỞ DUYÊN DUYÊN qua tâm thức của từng người.  Ca rằng : 

Sở Duyên bày hiện
Duyên thành Duyên Duyên
Mượn gió đưa thuyền
Bát Nhã đồng lên 

Do chỉ tập trung vào đoạn Tam Tạng được kinh, lại “Qua cái nhìn của Thiền tông”, nên đây không bàn đến quá trình thỉnh kinh ở phần trước, chỉ lạm bàn khi Tam Tạng đến được chân núi Linh Thứu trở về sau. 

2. CHỈ THẲNG CHỖ TÂM CHỨNG 

Vượt bao khổ cực sóng gió, đến được chân núi Linh Sơn, 4 thầy trò Tam Tạng được đại tiên Kim Đăng chỉ đường “Thánh tăng! Hào quang ngũ sắc lưng chừng trời mà ngài thấy đó chính là Linh Thứu, cảnh giới của Phật Tổ”. Tôn Ngộ Không nói “ … Tuy thấy đó chứ còn xa …”. [10] 

Nguồn tâm chân nguyên vốn thanh tịnh trùm sáng, nhưng nó không phải là đối tượng để ta thấy được. Thứ gì còn trong vòng năng sở đối đãi, thứ đó có thể là chân, nhưng là đối với vọng mà nói, chưa là TÁNH THỂ tột cùng cần đạt. Ngài Nam Tuyền nói “Không biết là vô ký. Biết là vọng giác”. So với tâm vọng động của chúng sanh, biết tuy là chân, nhưng đó chỉ mới là phần CHÂN DỤNG của TÁNH THỂ chân như, chưa phải là cái nhân PHẬT TÁNH để ta đạt được cái quả là NIẾT BÀN PHẬT, nên nói vọng giác. Vì sợ người tu chấp DỤNG làm THỂ, nên Nam Tuyền đã phải phương tiện một câu “Biết là vọng giác”. Tuy là vọng giác nhưng không có BIẾT, thì chân núi Linh Thứu còn không có phần, nói là lên núi. 

Cho nên, dù thân tâm không còn, chỉ hiện tiền một trạng thái thanh lương sáng khắp, nhưng là cái thanh lương mình còn cảm nhận được, thì vẫn chưa thoát được cảnh giới của thức ấm. Chỉ mới là cảnh SỞ MINH mà kinh Lăng Nghiêm đã nói. Ngài Thiết Nhãn nói “Lúc đó tâm của bạn rỗng rang như hư không. Bạn cảm thấy cả pháp giới hiện hữu trong ấy, như có cái gì thanh lương khó nghĩ … Khi trạng thái này tiếp tục một thời gian mà bạn nghĩ mình đã được giác ngộ, và thấy mình ngang hàng với Thích Ca hay Bồ Đề Đạt Ma là bạn lầm. Ngôi vị này là thể hội ấm thứ 5. Đây là  điều mà kinh Lăng Nghiêm nói “Hội nhập cái tịch lặng, trở về bờ mé của thức”… Đây là thức thứ 8 của chúng sanh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi … Mặc dù thức này gần giống với bản tâm nhưng không phải là  bản tâm”. Chính vì vậy, THẤY RỒI ĐÓ mà vẫn CÒN XA. Đạo lý vô cùng!
 

3. CẦU ĐỘC MỘC VÀ THUYỀN KHÔNG ĐÁY

Sau khi Kim Đăng kiếu từ, 4 thầy trò tiếp tục đi và gặp một con sông đang nổi sóng. Tam Tạng hoang mangï. Ngộ Không chỉ cây cầu trên biển nói “Cái cầu đằng kia, qua được mới thành chánh giác”. Nhin kỹ thì quả tình có một cây cầu độc mộc bắt vòng qua biển như một cái mống. Tam Tạng lắc đầu “Cầu này người phàm làm sao đi được. Kiếm ngõ khác cho xong”. Tôn Ngộ Không  nói “Có ngõ khác đâu mà kiếm. Đằng nào cũng phải qua cầu này”. Nói xong, Tôn hành giả qua cầu rồi trở lại dắt Bát Giới. Bát Giới sợ hãi, một mực đòi đằng vân. Tôn Hành Giả nạt “Chỗ này là chỗ nào mà đằng vân giá vụ? Phải qua cầu này mới thành Phật được”.

Muốn vượt biển sanh tử đến bờ giác ngộ, chỉ có cầu độc mộc và thuyền không đáy mới có thể qua được.

Cầu độc mộc là cầu chỉ có một cây như cầu khỉ. Nhưng cầu khỉ còn thẳng, cầu này cong vòng không có điểm tựa. Muốn đi được cầu này, phải ‘độc hành độc bộ’ mới qua được cầu này. Không để tâm thức rơi vào nhị biên phân biệt, mới qua được cầu này. Muốn đến bờ giác, hành giả phải phá thẳng vào trí phân biệt của mình. Trí phân biệt là TƯỚNG ĐẦU trong LỤC THÔ của luận Đại Thừa Khởi Tín. Trí phân biệt không phá, thì không thể nói chuyện làm Tổ thành Phật. Như không vào được cửa Đại Thừa Khởi Tín hay Trung Luận thì khoang bàn đến Hoa Nghiêm. Đó là con đường duy nhất để hành giả tu Phật đến được bờ kia. Chính là cửa BẤT NHỊ trong kinh Duy Ma, BÁT BẤT của Trung luận, tất cả đều PHI của kinh Lăng Già v.v... Cầu này, thần thông không làm gì được. Dù thần thông bậc nhất như Mục Kiền Liên, cũng còn không xong, huống là thuật đằng vân của Trư Bát Giới. 

Cầu tuy khó đi, nhưng nếu vững tâm quyết chí thì vẫn đi được. Một khi hành giả đã xác định tinh thần tu hành rõ ràng, như Ngộ Không từng quả quyết “Muốn làm Tổ thành Phật chỉ có đường này”, thì dù khó khăn bao nhiêu, mình vẫn qua được. Còn như Tam Tạng hay Trư Bát Giới, buông vọng vài keo đã thấy nặng nề, ức chế … tâm liền thối lui, khó mà đi được cầu này. 

Tôn hành giả qua được cầu này, nên có tên là Ngộ Không. Ngộ ra tánh không của vạn pháp thì đi được cầu này không mấy khó khăn. Nhân và quả không lìa nhau. 

Đang phân vân thì bỗng đâu có con thuyền trôi đến, Tam Tạng cả mừng, nhưng khi nhìn lại. thấy đó là thuyền không đáy, ông thất sắc nói “Thuyền không đáy đưa người sao đặng”. Người đưa đò nói “Thuyền này không tầm thường. Tuy là không đáy mà an vững …” Nghe vậy nhưng Tam Tạng vẫn dùng dằng,  liền bị Tôn Hành giả xô ngay xuống thuyền. Sau khi bị xô xuống thuyền, thấy xác mình trôi lềnh bềnh trên sông, Tam Tạng qua đò đến được đất Phật, gặp được Như Lai, rồi theo tôn giả Ca Diếp và A Nan đến chỗ để kinh. 

Bàng cư sĩ nói “Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây, vuốt”. Khó vì tâm mình vốn quen an trụ. Luôn phải có chỗ để bám víu nương tựa, không dễ gì chịu buông để tâm trở lại trạng thái VÔ TRỤ của nó. Sợ trống vắng, sợ mất kiến giải sở trường, sợ tan thân nát mạng ... trăm ngàn cái sợ, trăm ngàn cái ngại, thành cầu đò luôn sẵn mà ít người đến được bờ kia. Nếu chưa một lần chết đi sống lại, cái mà người xưa nói “Tuyệt hậu tái tô”, thì chưa thể nào chiêm nghiệm được tánh Phật trong chính mình. Tánh Phật chưa nghiệm, thì quả Phật còn xa. 

4. VĂN PHONG CỦA THIỀN SƯ. 

Sau khi cho 4 thầy trò xem tủ đựng kinh, A nan và Ca Diếp  nói với Tam Tạng “Thánh tăng Đông Độ đến đây thỉnh kinh, có nhân sự chi tặng bọn ta chăng? Có thì đưa sớm để ta phát kinh”. Tam Tạng nói “Đường xá xa xôi,  đệ tử không có sắm sửa”. Tổ sư trả lời “Giỏi! Giỏi! Giỏi! Đi tay không thỉnh kinh về lưu truyền thì kẻ đời sau chết đói”. Tôn Hành Giả thấy vậy, đòi kiện Như Lai. A Nan liền ngăn “Đừng có rầy rà, chỗ này không phải là chỗ chơi, ra đây mà lãnh kinh”. 4 thầy trò lãnh được kinh, lên đường  trở về Đông độ.

Ca Diếp và A Nan là hai vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông. Ca Diếp là người được Như Lai chia cho nửa tòa ngồi, vì khi Như Lai đưa cành sen lên ở hội Linh Sơn, Ca Diếp là người duy nhất nhận được ý chỉ mà Như Lai nói. Chỉ yếu của Thiền Tông là “Bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, trực chỉ tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Vân Môn, ngón tay của Câu Chi … không hề thông qua văn tự kinh điển, nhưng không gì không phải là lời của Phật Tổ. Nó không khác cành sen trên hội Linh Sơn. Tâm tâm truyền nhau, ngay đó mà nhận, ngay đó mà tu, không qua kinh điển văn tự. Đơn giản, thẳng tắt, nhưng phải là hàng căn cơ bậc thượng mới nhận và sống được với tâm này. Ngàn kinh muôn luận, tám vạn pháp môn, chỉ với mục đích giúp người nhận được tâm này. 

Nói về văn phong của người xưa, thường chỉ có văn phong của thiền sư là quái gở và khó hiểu. Tôn Túc sập cửa làm nát chân Vân Môn. Phổ Hóa vác hòm chạy khắp 4 cửa thành. Thiền sư Gessan, mặc lời biếm nhẽ chê bai của thiên hạ, luôn bắt mọi người phải trả tiền công rất cao cho những bức họa của mình v.v... Chẳng qua vì trí tuệ của chư vị không còn bị buộc ràng trong trí phân biệt, mọi hành sử không vì bản thân mà chỉ vì lợi ích của muôn người. Nên có khi, cái thấy phàm tình của người đời khó mà biện tới. Chính vì thế, một trong bốn “Y” của một hành giả tu Đại thừa là “Y pháp bất y nhân”. 

Hồng Châu Thủy Lão, lần đầu đến tham bái Mã Tổ, bị Mã Tổ đòi lễ “Ông lạy trước cái đã”. Thủy Lão liền cúi xuống lạy. Mã Tổ đạp một đạp, Sư té nhào và hoát nhiên đại ngộ. Nếu khi Mã Tổ đòi lễ, Thủy Lão khởi liền cái thấy hướng ngoại như thầy trò Tam Tạng : Cho thái độ đó là ngạo mạn, thì việc đại ngộ hẳn không xảy ra. Cho nên, việc A nan và Ca Diếp trao kinh vô tự và đòi phẩm vật cúng dường - với cái nhìn của người đời là hối lộ gian lận  - lại là chuyện thường tình dưới con mắt Thiền Tông. 

Tôn Hành Giả có thể thấy yêu ma quỉ mị biến hành, có thể thấy tướng Phật hóa hiện, nhưng tâm của chư vị Thiền Tổ thì dò không tới, mới đòi bẩm báo với Phật Tổ. Mới thấy “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Dù từng một lần đặt chân lên đất Phật, từng một lần chết đi sống lại, thì phần tập khí sở tri vẫn còn. Ngay cả hàng Bồ tát ở giai vị Thập địa vẫn còn phần sở tri vi tế ngu, nên chưa thể có cái thấy thấu suốt như chư Như Lai. Thành “Chưa ngộ như đưa ma mẹ. Ngộ rồi, như đưa ma mẹ” là vậy. 

Phong cách Thiền sư thì rất đơn giản : Ngay đó liền nhận, không nhận thì thôi, không có gì để bàn tiếp. Bung ra một câu mà thấy thiền khách không nhận được, chư vị liền phủi sạch. Vì thế, A Nan nói với thầy trò Tam Tạng “Đừng có rầy rà … thôi ra đây lãnh kinh”.

5. KINH VÔ TỰ VÀ HỮU TỰ

Khi nghe hai vị Tổ sư giao kinh vô tự cho thầy trò Tam Tạng, Nhiên Đăng Phật Tổ cười “Chúng tăng của Đông Độ u mê, coi sao ra kinh vô tự, thỉnh về làm sao dùng được, uổng công cho Tam Tạng”. Rồi sai người đi lấy về đổi kinh hữu tự. Nhưng do tránh thiết bảng của Tôn Hành Giả, Bạch Hùng làm kinh rơi vãi tứ phía. Lúc đó thầy trò Tam Tạng mới vỡ lẽ : Kinh mình thỉnh về chỉ toàn giấy trắng không chữ. Bàn tới bàn lui, 4 thầy trò quyết định trở lại gặp Như Lai, vạch cho ra thói hư tật xấu của chư vị  Tổ sư .

Không muốn thí xả mà vẫn muốn nhận được kinh, thì chỉ có một loại kinh để nhận : Kinh vô tự. Kinh vô tự là chỉ cho nguồn tâm vốn sẵn trong mỗi chúng sanh. Không tu, không thí xả, không cần cúng dường gieo duyên, không màng đến phước báu, nó vẫn hiện diện đầy đủ. Chỉ do vô minh ngăn che mà không ai sử dụng được cái dụng vô bờ của nó. Nếu có thể ngay đó trở về, một bước thể nhập, ngay đó mà sống thì chỉ cần bảo nhậm, không cần phước nghiệp gieo duyên, tất cả vẫn tròn đầy. (Đã nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu của thiền sư Hoàng Bá). Chư vị Tổ sư, nếu gặp được những vị thiền khách có căn cơ bậc thượng này, cũng không khuyên họ cúng dường, bố thí, nhẫn nhục … như Tuệ Trung Thượng Sĩ nói với Trúc Lâm đại đầu đà : “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”. Có điều, loại kinh đó khó mà truyền thừa rộng rãi cho kẻ đời sau, nhất là vào thời mạt pháp, là thời mà người tu thích văn từ chữ nghĩa hơn giới luật tu hành, thích học vị hơn tu chứng, kinh vô tự khó mà vào được, nên A Nan kết luận “Giỏi! Giỏi! Giỏi! … thì con cháu đời sau chết đói”. Đó là lý do vì sao, không đưa phẩm vật ra, mấy thầy trò vẫn nhận được kinh mà chỉ là kinh vô tựï. 

Nếu không phải là hàng căn khí có thể sử dụng được kinh vô tự của mình, thì phải theo lối mòn muôn thuở mà đi, là phải có tâm thí xả mới có thể nhận pháp tu hành. Xưa, đức Phật từng phải thí xả cả thân xác cho quỉ dữ chỉ để nhận một bài kệ bốn câu. Muốn thỉnh kinh học đạo, bước đầu của người tu là phải gieo duyên với Tam bảo. Thứ dễ nhất là cúng dường tài vật. Bởi không đủ duyên không nhận được pháp. Đương nhiên vật phẩm cúng dường không hẳn chỉ nằm trên mặt tài vật. Nó là những gì thuộc về phước hạnh. Ví thế, trên LÝ thì “Duy tuệ thị nghiệp” mà trên SỰ thì “Phước huệ song tu”. 

Nói về mặt công đức, thỉnh kinh mà không biết thí xả tài vật thân tâm, nói chung là không biết thí xả ngã và ngã sở, thì công đức phước báu khó có. Vì phước báu không nằm trong giấy trắng mực đen, cũng không nằm trong việc thỉnh kinh, mà nó còn liên quan đến nhiều việc khác. Thỉnh kinh mà không làm theo những gì kinh dạy thì giá trị nhận được không có bao nhiêu. Thí xả công sức tài vật mới được phước báu phú quí. Thí xả thân tâm đến chỗ rốt ráo, mới nhận ra cái chân thường hằng lạc, hằng tịnh. Kẻ đi trước có biết thí xả thân tâm tu hành, thì việc truyền trao mới có giá trị. Không thì như kẻ mù dẫn người mù, con cháu đời sau không thể khá.

Chính vì thế, khi nghe Tôn hành giả bẩm tấu A Nan và Ca Diếp đòi của đút lót, Như Lai chỉ cười “Thôi đừng ta thán, ta đã biết rồi. Chỉ vì kinh này không thể khinh truyền, cũng không thể tay không mà có được kinh. Lúc trước, chúng tăng ở đây, có mang kinh xuống tụng cầu siêu cho gia đình Triệu trưởng giả … Triệu trưởng giả chỉ trả công cho ba đấu gạo trắng thêm chút vàng bạc. Ta vẫn nói trưởng giả bỏn xẻn, con cháu sau này ắt phải nghèo. Nay ngươi đến tay không, thỉnh được bản giấy trắng, đó là chân kinh vô tự rất quí. Chỉ vì chúng sanh Đông độ các ngươi ngu mê không ngộ, chỉ có thể dùng kinh hữu tự mà truyền, nên mới như thế”. Cái chỗ về tay không mà Như Lai nói quí đó, là chỗ thiền sư Nguyên Liễn hỏi Thủ Sơn Tỉnh Niệm ở Hà Nam “Học nhân đến núi báu, tay không trở về thì sao?” Thủ Sơn đáp “Hãy nhận kho báu nhà mình”. Ngay đó Nguyên Liễn đại ngộ và nói “Không còn nghi lời các thiền sư”. Nếu ngay đó nhận được, thì không có gì quí hơn. Nhưng lúc này hai thầy trò Tam Tạng đang thị hiện cho tầng lớp chúng sanh còn chấp vào tướng bên ngoài, không nhận được lý tâm tông mà Tổ Phật muốn chỉ bày, nên kinh vô tự trở thành vô dụng, chư vị Tổ sư mới thành những kẻ tệ ác phỉnh lừa, cảnh giới Phật mới thành lục đạo, yêu ma. 

Kinh hữu tự, đương nhiên không bằng được kinh vô tự, dù cả hai đều là chân kinh. Do ứng với cái duyên là chúng sanh ngu mê ở Đông Độ mà kinh vô tự biến thành hữu tư,ï là loại kinh mình đang đọc tụng hay học hành ngày nay. Thứ gì ứng duyên mà hiện, thứ đó không mang tính chân lý phổ quát. Vì thế, sau khi bị nhận chìm trong biển trầm luân của chúng sanh, kinh nào cũng bị mất mấy chương sau. Nghĩa là, thứ gì còn thuộc ngôn từ chữ nghĩa, thứ đó còn thiếu chưa đủ. Chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, ngón tay không phải là mặt trăng. Tuy kinh luận chưa phải chính là những gì Như Lai muốn mọi người hướng đến, nhưng phải nhờ đến kinh luận, mình mới biết đường tu hành mà nhận cho được những gì Như Lai muốn nói. Vì thế tuy kinh hữu tự không có giá trị bằng kinh vô tự, nhưng nó là thứ cần thiết cho chúng sanh thời mạt pháp. Cần thiết, không có nghĩa là rốt ráo. Chỉ là phương tiện, như thuyền đò đưa mình đến bờ kia. Cho nên, với một hành giả tu Phật, là tu để đạt được trí tuệ và đức tướng của Như Lai, mà công phu chỉ dừng ở mặt giới luật hay những tri thức có được từ kinh điển, thì chưa đủ. Chủ yếu vẫn là nhận ra bản tâm thanh tịnh của chính mình và sống được với nó. Đó là ý nghĩa vì sao sau khi rơi xuống biển, kinh nào cũng mất hết mấy chương sau. Mấy chương đó chính là bờ kia, là thứ mà luận Trung Quán đã nói  “Tự biết không do ai, tịch diệt không hí luận, không khác không phân biệt, ấy gọi là thực tướng” 

6. TÂM THAM ÁI CHẤP THỦ 

Thiền sư Kim Bát Phong sau khi chứng ngộ, có thể buông hết mọi duyên tham ái, nhưng riêng một cái bát ngọc dùng cơm là rất yêu thích. Một lần, do tuổi thọ đã hết nên Diêm Vương sai mấy tên tiểu quỉ đến bắt Sư. Kim Bích Phong biết trước, nhập định giỡn đùa. Lũ tiểu quỉ không cách gì bắt được, mới hỏi kế Thổ địa. Thổ  địa nói “Ông ta rất thích cái bát ngọc, nếu đụng đến nó, chắc ông ta xuất định”. Quả thật, nghe tiếng bát ngọc khua, Sư nóng tâm xuất định. Lúc đó mới biết, tham ái nhất thời có thể thiêu hủy huệ mạng của người tu, nên Sư đập nát bát ngọc, để lại một bài kệ rồi nhập niết bàn. Tu đến cỡ có thể tự tại với sanh tử như thế, mà còn dính mắc vào một cái bát ngọc, huống là kẻ còn đang chập chững trên đường. Mới thấy tâm chấp thủ vi tế khó mà lường hết.

Tam Tạng, khi bị tôn giả A nan đòi nhân sự cúng dường, không phải không có phẩm vật để cúng. Vẫn còn cái bình bát vua Đường ban tặng. Nhưng không hiểu vì không nhớ hay vì không muốn đưa ra mà nói ‘không có phẩm vật’. Người tu, có khi dám bỏ hết cuộc đời, chịu đủ thứ đắng cay để hoàn thành công hạnh của mình, nhưng rồi lại chấp vào những công hạnh đó mà không đến được bờ kia : Chìm mê trên đỉnh cao của những hình tướng bên ngoài, mà quên mất hình tướng bên ngoài dù rực rỡ phát triển bao nhiêu, cũng chỉ là phương tiện, chưa phải chính là chỉ yếu mà Như Lai muốn ta đạt đến. Bát ngọc là một vật rất thô, nhưng một người như Kim Bát Phong vẫn có thể dính mắc, huống là những thứ mang đầy tính Phật pháp như thỉnh kinh, dịch thuật, chùa chiền, học vị v.v…? Không thể không nhắc nhở sao?

Tất cả chỉ là PHƯƠNG TIỆN giúp mình và người đến được bờ kia. Pháp, nếu được sử dụng đúng với bản chất của nó, thì pháp pháp đều chân. Nhưng một khi nó được dựng lập, hãnh diện hay tôn xưng quá mức cần thiết, đến nỗi chỉ còn lều bều hình thức bên ngoài mà thực chất thì bị bỏ mặt, là mình đang đi lệch với những gì Như Lai đã nói. Cho nên, những hình ảnh mang tính phỉ báng trong Tây Du Ký, chính là lời nhắc nhỡ rất giá trị cho những ai tu Phật. Những hành giả mang trong mình lời nguyện “Thượng cầu Phật đạo. Hạ hóa chúng sanh … Đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”. Lời nguyện như một lời hứa, không chỉ với mình mà cho tất cả các chúng sanh hữu duyên với mình. Hình ảnh thầy trò Tam Tạng, do tập trung hết tinh lực cho việc thỉnh kinh, đã quên mất lời hứa với lão rùa già, một chúng sinh thấp kém, từng giúp ngài phương tiện đến được bờ kia, không phải là lời răn nhắc rất giá trị cho những hành giả tu Phật đó sao? Đáng để nghiền ngẫm lắm chứ!
 

BÀI LIÊN QUAN: (Phần này của Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen)

Hỏi Đáp về Phim Tây Du Ký (HT. Hư Vân và Thầy Nhật Từ trả lời)

Bàn Về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Thích Chơn Thiện (sách) 

Quá trình xây dựng nhân vật Tôn Ngộ Không, tiểu thuyết Tây Du Ký dưới cái nhìn dân thoại học, NAKANO MIYOKO - Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú thích Tây du ký 

Sự thật về Thầy Trần Huyền Trang tức "Ðường Tam Tạng" đi Tây Phương thỉnh kinh, Vương Hồng Sển 

Kết thúc của "Tây Du Ký", sự chống lại đạo đức, Thích Nhật Từ 
 

5 PHÁP 
khiến chánh pháp không diệt 

Mục đích chung của tôn giáo là dạy con người có cách sống sao cho phù hợp với chân lý để mọi người có được cuộc sống hạnh phúc. Song không phải tôn giáo nào cũng thực hiện đúng với mục đích đó. Hiện thực, ta thấy tôn chỉ giáo lý của mỗi nơi mỗi khác, khác cả trong từng tông phái của một tôn giáo, thấy tôn giáo cứ như biệt lập với xã hội. Thậm chí có tôn giáo chỉ thấy mang lại sự mê tín chết chóc hơn là làm lợi ích cho ai. Cái sai khác đó, một phần là do nhu cầu tâm linh của nhân loại khác nhau, một phần bắt nguồn từ việc vận dụng giáo pháp của con người vào đời sống của mình. Nó lệ thuộc vào trình độ nhận thức của từng giáo phái, từng thành phần đẳng cấp và cuối cùng là mục đích của chính người đang sử dụng nó. 

Để thực hiện đúng vai trò là mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân loại, nhất là vào thời mạt pháp, với đạo Phật, CHÁNH GIÁO phải trường tồn. Luật Thập Tụng nêu ra 5 pháp khiến chánh giáo được trường tồn : 

1. Tôn trọng chánh giáo : Các Tỳ-kheo chỉ y theo chánh giáo tiến tu. Lìa xa thuyết Tiểu thừa và các ngoại đạo tà lệch. Đây chỉ đề cập đến Tỳ-kheo, vì Tỳ-kheo là bộ mặt đại diện cho Phật giáo, nhưng thật ra là cho tất cả những ai theo đạo Phật, không kể tại gia hay xuất gia, nam hay nữ, già hay trẻ ... Tất cả đều có phần. 

CHÁNH GIÁO nói đây là chỉ cho phần giáo pháp thuộc Nhân, Thiên, Nhị thừa, Đại thừa và Nhất thừa. Với hàng Tỳ-kheo, phải là phần giáo pháp từ Nhị thừa trở lên. Vì trong cái duyên là Tỳ-kheo, không thể lấy Nhân Thiên thừa làm chỗ đến. 

Vì sao muốn chánh giáo tồn tại ta phải tôn trọng nó? Tôn trọng nói đây, không chỉ nằm ở mặt cảm niệm, mà còn THỰC HÀNH chánh giáo Như Lai đã nói. Nhờ đó chánh giáo mới tồn tại. Song muốn tôn trọng chánh giáo thì đầu tiên phải biết phân biệt cái gì chánh, cái gì tà. Tiêu chuẩn phân biệt rất dễ : Giáo lý hay tông phái nào dạy ta trừ bỏ tham sân si, giáo lý đó thuộc chánh giáo. Thành chỗ nào khuyên mình tiêu trừ tham sân si, thì dù không thích mình cũng biết chỗ đó là chánh giáo. 

Tuy nói lìa xa Tiểu thừa nhưng không phải là tẩy chay kinh pháp Tiểu thừa. Trên mặt GIÁO LÝ, giáo lý Tiểu thừa là căn bản của Phật giáo. Đại và Nhất thừa, là phần giáo triển khai sâu phần căn bản đó. Nó chỉ ra tánh thực của vạn pháp cũng như của các thừa. Trên mặt CÔNG PHU TU HÀNH, dù Tiểu hay Đại, chủ yếu đều dạy người tu đối duyên xúc cảnh, không để 6 căn dính mắc 6 trần. Tùy mức độ mà có thô tế khác nhau.

Xa lìa Tiểu thừa nói đây, là muốn người tu không nên dừng trụ giữa đường (hóa thành) mà phải tiếp tục trở về cội nguồn chân thật của chính mình (bảo sở). Xà lìa Tiểu thừa, là muốn người tu đừng chỉ vì lợi ích của riêng mình mà quên mất hạnh nguyện độ sanh lợi ích cho muôn người. Với tinh thần Đại thừa, không phải chỉ có lợi mình mà còn phải lợi người. Lợi người là để việc lợi mình thêm hoàn thiện. Chánh pháp nhờ đó mới có cơ lưu truyền rộng rãi dài lâu. Cho nên, ngay với pháp môn Niệm Phật, Tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ là ngài Ấn Quang, cũng khuyên người niệm Phật không được từ bỏ hạnh nguyện độ sanh.

Nói đến chánh giáo, dù ngàn kinh muôn luận, giáo môn hay tông phái có nghịch nhau, thì tất cả đều qui về một mối : Giúp người đời nhận ra lý chân của vạn pháp. Tùy sâu cạn mà lý chân này có cạn sâu.

Trên mặt TU HÀNH, tất cả đều tập trung vào việc từ bỏ tham, sân, si. Các bạn đừng nghĩ đến với thiền, không còn trừ tham sân si. Tu cỡ nào, kiểu gì cũng phải trừ bỏ tham sân si. Tùy theo duyên hiện đời, là xuất gia hay tại gia, là tu giải hoát hay chỉ ngừng ngang mặt phước báu Nhân Thiên, mà việc trừ bỏ có cạn hay sâu, ít hay nhiều. Đến với Phật pháp mà không trừ bỏ tham sân si thì không phải là Phật tử. 

Trừ bỏ tham sân si, với thiền chính là nhận chân được tánh thực của tham sân si. Nhận chân được tánh thực của tham sân si thì tất cả pháp đều là Phật pháp. Thiền ngoại đạo không dạy ta trừ bỏ tham sân si. Chỉ dạy ta đủ công phu du sơn ngoạn thủy, chỉ tập trung vào vấn đề ăn uống, sức khoẻ, đấu tranh v.v… mà bỏ đi việc trừ bỏ tham sân si. 

2. Dừng sân ác : Các Tỳ-kheo thường hành nhẫn nhục, không sinh tâm sân nhuế. Công đức vang xa, khiến người người qui ngưỡng. Nhẫn nhục là hạnh đầu của người tu. Nhẫn, giúp mình an vui. Nhẫn, khiến mọi thứ hài hòa. Nhẫn, trí tuệ mới hiển phát. Nhẫn, mới làm được việc lớn v.v… Nên đắc đạo đợt một, gọi là VÔ SANH NHẪN. Đắc đạo đợt hai, gọi là VÔ SANH PHÁP NHẪN. Muốn vô sanh kiểu nào cũng phải có nhẫn. Không nhẫn không thể vô sanh.

Hạnh này càng quan trọng đối với người tu thiền. Nhẫn với tiền tài, tình cảm, danh vọng, hơn, thua, được, mất v.v… Chính là thiền. 

Không nghĩ ác, làm ác là việc phải có của người con Phật, dù chỉ là một Phật tử tại gia. Làm ác là chỉ cho những hành tác chỉ khiến người đau khổ mà không mang lại lợi ích cho người. Muốn không làm ác thì  niệm ác vừa dấy, phải tỉnh mà dừng lại, không nên để nó tiếp diễn hay thành hành động. Đó là nền tảng để cuộc sống hiện tại của mình và người được yên vui. Cũng là cái nhân đưa đến cái quả hạnh phúc dài lâu. 

3. Kính sự thượng tọa : Các Tỳ-kheo đối với bậc Đại đức ở cư vị Thượng tọa cung kính thuận sự. Siêng cầu pháp yếu. Đại đức hay Thượng tọa nói đây, chỉ cho chất thực bên trong của một Tỳ-kheo, không phải chỉ cho danh hiệu có được do ngày tháng trôi qua. Vì không có chất thực là đạo đức và trí tuệ bên trong, thì dù với danh hiệu Hòa thượng chăng nữa, chư vị cũng khó mà đòi hỏi Phật tử học hỏi hay tôn kính chư vị. Còn Phật tử, dù muốn chăng nữa, biết học gì ở chư Thượng tọa khi đạo đức và trí tuệ của chư vị không có? Dù ngoài có muốn cung kính, trong cũng khó thuận tình. 

PHÁP YẾU là thứ cần thiết để trí tuệ phát triển. Phát triển trí vô sư là đích đến của người tu Phật, cũng là nền tảng để việc lợi tha được hoàn mãn. Nên với pháp yếu phải siêng thưa hỏi tu học.

Thiền tăng Khắc Khế, trụ nơi pháp hội của Phật Quang 12 năm, không hề thấy hỏi đạo. Mỗi lần hỏi đến, Khế đều nói : Con thấy Thầy ngày nào cũng bận, nên không dám làm phiền. 

Ba năm rồi bốn năm sau … vẫn như thế. 

Một lần, Phật Quang chủ động : Vì sao tham cứu tu hành mà không đến hỏi ta? 

Tăng Khế vẫn một mực : Con thấy Thầy bận ... 

Phật Quang hét : Bận, bận! Vì ai mà bận? Ta cũng có thể vì ông mà bận chứ. 

Tăng Khế liền tỉnh. 

Có nghiên cứu, có công phu thì mới thấy có nhiều thứ khó khăn để hỏi. Không có gì thắc mắc vì ngày tháng cứ để trôi xuôi. Thành đừng sợ tham vấn Thiện tri thức là làm phiền chư vị. Ai cũng sẵn sàng vì mình mà bận. Có điều, hỏi hoài mà không chịu tu, hỏi toàn chuyện linh tinh, hỏi cái không thể trả lời, trả lời chỉ thêm kiến giải cho mình thì chư vị không trả lời, đành “Cắt đứt sắn bìm”. Không phải các ngài thiếu trí tuệ hay không muốn mình thưa hỏi pháp yếu. 

4. Ưa thích chánh pháp : Các Tỳ-kheo ở nơi chỗ Thượng tọa nghe thuyết Diệu pháp, sanh tâm ưa thích sâu xa, hoan hỉ phụng hành. Diệu pháp là pháp chỉ cho mình thấy được lý chân của cuộc đời như Tứ đế, Thập nhị duyên sanh v.v… Sâu hơn, nó chính là TRÍ TUỆ và LÒNG TỪ sẵn có trong mỗi chúng ta. Chỉ vì vô minh mà bị khuất lấp. Nghe Diệu pháp, giúp ta nhớ lại được cội nguồn chân thật đó. Nó giúp ta có cái nhìn đúng đắn với thân tâm thế giới quanh mình. Nó cũng là thứ giúp mình có niềm tin với việc tu hành. Tu hành, giúp mình nhận ra phần Diệu pháp sẵn đủ trong mình. Niềm tin càng được củng cố. Vì thế, ngoài việc sinh tâm ưa thích còn phải hoan hỉ phụng hành. Có hoan hỉ phụng hành mới sinh tâm ưa thích bền lâu. Những tệ nạn đáng tiếc xảy ra trong giáo đoàn của Phật từ xưa đến nay, chỉ vì không ưa thích Diệu pháp mà ưa thích các thứ khác. Cho nên, ưa thích Diệu pháp là một trong 5 thứ khiến chánh pháp được trường tồn trong thời mạt pháp. 

5. Khéo dạy bảo các người mới học : Các Tỳ-kheo, đối với pháp Đại thừa, phương tiện diễn thuyết khiến kẻ sơ tâm học tập có chỗ y chỉ tiến tu vào đạo. Đây, chỉ nói dạy pháp Đại thừa mà không nói các pháp khác, vì “Đại thừa xuất sanh tất cả Thanh văn, Độc giác, cùng các thiện pháp của thế và xuất thế gian”. [11] Tiến là nói Đại thừa mà thật là đủ tất cả. Đủ tất cả nhưng không ngoài hai thứ tự lợi và lợi tha. Thiếu một thì không phải Đại thừa. 

PHƯƠNG TIỆN, là tùy theo tánh dục căn cơ của người mới học mà có pháp cho họ, để họ có thể tăng tiến tự lợi và lợi tha. Vì dù là diễn nói đúng pháp Nhất thừa chăng nữa, mà quá căn cơ tánh dục của người, thì như nước đổ đầu vịt, không chút lợi ích. Vì thế phải khéo phương tiện, tùy nghi lập pháp. Song LẬP PHÁP thế nào cũng không được ra ngoài LÝ CHÂN. Cái không lìa lý đó, là điều kiện tiên quyết để pháp phương tiện của ta không rơi vào ngoại đạo tà giáo. Có vậy, phương tiện đó mới thật có lợi ích. 

Như  đến với đạo Phật, không chỉ có học mà còn phải có giới luật và tu hành. Vì Diệu pháp của Như Lai tuy là thứ sẵn đủ trong mỗi chúng sanh, nhưng do vô minh mà nó ẩn mất. Giờ muốn nó hiển thì phải thiền định lắng tâm. Song do căn cơ người tu chỉ ngang tới mức giữ giới và học kinh luận, chưa thể trừ vọng trong tâm, nên việc thiền định lắng tâm tạm gác lại. Trên LÝ thì phải đủ ba thứ giữ giới, học và tu ngay tâm. Nhưng trên SỰ, do căn cơ người đời mà phương tiện chỉ còn hai là giữ giới và học hỏi. Không phải vì cái học là chỗ tối cùng, rồi lấy đó làm kế sinh nhai, mà bỏ luôn phần thiền dịnh lắng tâm. Khéo dạy và khéo biết như thế, gọi là khéo phương tiện. Nói “khéo”, vì khế cơ mà không lìa lý. 

Là Phật tử chân chính của Như Lai, chúng ta không thể không quan tâm và thực hành năm pháp trên. Đó là pháp cúng dường lớn nhất trong các pháp cúng dường.

Đậu Hũ tâm sự 

Ngày Đậu Hũ mới tới chùa. Thầy đưa Đậu Hũ lên Chân Nguyên. Núi đá cheo leo, hoa vàng nở rực bốn phía. Gió mát, Đậu Hũ ngồi võng đong đưa “Rằng xưa, có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng … nhớ nhau!”. Thầy bước ra, tướng như … Bodhi-dharma. Giống nhất là hai con mắt, chỉ còn thiếu mỗi bộ râu. Đậu Hũ sực tỉnh. Lên tới chỗ ni mà còn nhớ nhau, về nhà sao nhớ nổi Phật? Quên! 

Trưa dùng cơm, thầy trò tăng tục hạ thổ bình đẳng. Đậu Hũ không quen, ngần ngừ. Tăng nói : 

- Mắc cỡ thì cứ ra ngoài ngồi chờ ...

Đậu Hũ đâu dễ bắt nạt, nhọn mỏ :

- Nếu vì mắc cỡ …  không ra. 

Thầy nghe tăng tục qua lại, chỉ cười. 

May mà kịp tỉnh. Sĩ diện một chút đói rồi. Bắp cải, lũ khỉ trên núi đã xuống bưng đi. Lão bà nấu ăn gõ gõ đũa bếp, chống trời “Cái bắp cải nớ tao nấu thầy ăn. Tụi bây có đem bắp cải xuống trả hay không thì nói. Tao cho nhịn hết …”. Vậy mà lũ khỉ mang cái bắp cải xuống trả, giờ mới có ăn.

Đậu Hũ không đi đâu nữa. Lên núi, cũng không còn mững hoa vàng nhớ nhau. Cũ mèm, nhớ chi! Con cháu nhà thiền, có gì mơ mộng? Viển vông chi cho ngày tháng khắc sâu. Không được như các thiền sư “Chuyện hôm nay chỉ biết hôm nay. Xuân thu ngày trước ai hay làm gì”, thì cũng chút chút gì đó tương tợ, cho xứng cái danh nhà thiền : 

Chuyện hôm ni chỉ biết hôm ni 
Xuân thu trước nớ nhớ chi cực mình 

Hy vọng một chút hiện tiền, ngàn năm chỉ là nhất niệm. Thôi nhớ thôi thương cho đời bớt cực. Thương thương nhớ nhớ vất vã vô ngần. Nhớ không? Đã dặn không nhớ, sao còn nhớ không? 

Đậu Hũ khi nào cũng lo. Lo trong rồi tới lo ngoài. Tập lâu thành tánh lúc nào không hay. Lo con, lo cái … đủ mọi thứ lo. Chuyện chưa thấy tới cũng lo. Lo nứt con mắt. Lo cháy bao tử … Rốt cuộc nghiệm ra một điều : Có thứ đáng ra không tới, chỉ nhờ mình lo, nó mới tới mau. Thứ gì đã tới, có lo nó vẫn cứ tới. Chuyện chi phải lo cho cực? Lo quá, nó chưa thấy tới mình đã phát bệnh. Bệnh rồi, việc tới, muốn lo lo cũng không xong. Không xong thì lại càng lo. Càng lo, càng bệnh. Trong lúc thập tử nhất sinh, mới thấy mình … ngu! Những chuyện ruồi bu cũng làm. 

Ngộ rồi, hết bệnh. Mới thấy cái vòng luẩn quẩn nó trói buộc mình. Cái này ló ra, cái kia liền theo. Cái kia đã theo, cái nọ liền hiện. VÔ MINH duyên HÀNH, HÀNH duyên THỨC … Chúng nắm tay nhau, duyên khởi trùng trùng, chỉ mình là thiệt. SANH, LÃO, BỆNH, TỬ cứ thế nối đuôi. May là kiếp này chưa đến chữ TỬ đã kịp nhận ra : Lo là vô bổ. Cứ ngay hiện tại mà sống. Có đức mặc sức mà ăn, lo gì? Đáng lo là phước không đủ, đức không chăm. Chỉ lo đè bẹp thiên hạ từ tình đến tiền … Cái đó đáng lo! Cái quả mà tới  không sao lo xuể. 

Đậu Hũ, nhiều chuyện ngẫm ra rất buồn. Thứ mình không làm, người nói mình làm. Thứ mình không nghĩ, người nói mình nghĩ. Buồn này nối tiếp buồn kia. Vang vọng! Nhưng ngẫm cho cùng, đâu phải tại ai …  Cây đâu tự lên khi không có mầm. Hoa đâu tự rụng khi chưa đủ duyên. 

Những ngày lang thang phố chợ, mẹ chồng không phải người khó, tánh tình hiền lương, nhưng cứ quả quyết “Chuyện đó nó làm”. Đậu Hũ có bao giờ làm? Nghĩ còn không nghĩ, có đâu mà làm. Nhưng bà vẫn quyết nó làm vậy đó! Đậu Hũ suy nghĩ : Mẹ chồng hiền lương không hề nói bậy, nhưng sao vậy hè? Sao mà nên nỗi lạ lùng? Oan khiên chi lắm! Ngẫm tới ngẫm lui riết thành công án. Một hôm nổ tung, buồn tản như mây. 

Cái NGHIỆP QUÁ KHỨ của mình DUYÊN với cái TƯỞNG hiện tại của người, nó ra vậy đó! Cái NGHIỆP của mình, là do quá khứ mình lỡ gieo nhân không tốt. Giờ nó ra hoa, quả tụ hiện hình mình phải hứng thôi. Cái TƯỞNG của người, là nhìn sự vật con người theo những định kiến của người. Như thấy mèo có 4 chân, hình thành trong đầu cái nghĩ 4 chân là mèo. Thế là cứ lấy chuẩn đó mà hướng ra ngoài định liệu. Khổ nỗi mèo có 4 chân thì đúng. Nhưng đủ 4 chân chưa chắc là mèo. Còn nhiều thứ khác như lông, như đuôi … rất là nhiều thứ hội tụ mới ra thành mèo. Đâu phải chỉ mỗi một duyên 4 chân, đã nói là mèo. Có điều đa số mình đây rất hay như vậy. Cứ thấy vài tướng giống nhau, liền cho nó là vậy đó. Nhưng nào có phải. Có khi chỉ là cái TƯỞNG của mình. Bị TƯỞNG chi phối vì hay vướng tướng bên ngoài, không nhìn thấy được bản chất bên trong. Thành Tổ vẫn khuyên “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”.

Vì là cái nghiệp của mình, thôi thì giải nghiệp cho xong. Không hướng ra ngoài phê tới phê lui, giữ gìn mồm miệng cho kỹ. Tâm mình, mình liệu. Khởi niệm liền biết. Biết rồi quay vô đừng hướng ra ngoài khởi tiếp. Nghiệp rồi cũng tiêu. Tưởng rồi cũng hết. Nhà thiền hay nói “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Hồn nhiên mặc áo xiêm”. Nghiệp tới thì gắn bình thản cho yên. Bạch Ẩn làm rất chí tình, không cần biện minh. Ngày ngày vác bình xin sữa nuôi trẻ cho nghiệp tiêu đi. 

Bởi do cái tưởng của người, nên rồi mọi thứ như vật soi dưới mặt trời, không cần biện minh. Tất cả đều tỏ. Thầy vẫn là thầy. Trò vẫn là trò. Có gì khác xưa? Cổ nhân làm được, đâu lý hậu sinh không làm? Bắt chước thử coi ! 

Nói dễ, làm không phải dễ. Làm được, nhẹ gánh buồn lo. Cuộc đời tươi sáng ... 

Đậu Hũ thấy sao?

Còn thấy gì nữa …

Thôi thì thôi, để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan …

Bận lòng chi với những được mất thế gian. Đậu Hũ không còn thấy buồn. Mẹ chồng có thương, nhà chồng không ghét thì tốt. Không thương mà ghét, Đậu Hũ cũng đâu mất gì. Đậu Hũ vẫn là Đậu Hũ. Trăng đó bên đồi dạ lan. Lục Tổ vẫn nói “Thuơng ghét chẳng bận lòng, duỗi thẳng hai chân ngủ”. Chỉ vì cứ muốn được thương, mà sầu với khổ. Thoát thương thoát ghét, tới lui nhẹ nhàng. Việc mình mình làm, cho tròn cái đạo làm người, cho thành cái nghĩa dâu con. Coi như một chút tư lương trói gỡ kiếp tằm … 

Thôi thì thôi, chỉ là phù vân 
Thôi thì thôi nhé, chỉ ngần ấy thôi … [12]

TP HCM ngày 30.11.2007
Chân Hiền Tâm


 

 CHÚ THÍCH

[1] Phần CHUYỂN PHÁP LUÂN (được in nghiêng) là lời của ngài Hiền Thủ, Tổ thứ 3 tông Hoa Nghiêm.
[2] Lời của ngài Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm. 
 [3] Ngài Tiêu Diệm, tức ông ác được thờ trong các chùa, là hiện thân của đức Quán Thế Âm, giáo hóa cõi ngạ quỉ.
 [4] Một vị Hòa thượng lập đàn tràng bố thí cho người nghèo. Một phụ nữ đói rách, bụng mang dạ chửa cùng hai con nhỏ và một con chó mang một mớ tóc đến cúng dường, rồi xin thức ăn. Vị chủ đàn cho ba phần. Bà lại xin thêm phần con chó. Cho con chó rồi, bà lại xin thêm phần cho đứa trẻ trong bụng. Tới đây thì vị chủ đàn mất kiên nhẫn, quát to. Bà liền biến thành Bồ tát Văn Thù ngồi sư tử, cưỡi mây ngũ sắc bay đi. 
 [5] Pháp trần : Chỉ cho tư tưởng, suy nghĩ v.v… trong tâm thức.
 [6] Trích Câu Chuyện Triết Học. Will Durant. Bản dịch của Trí Hải và Bửu Ðích.
 [7] Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký - Tổ Hiền Thủ. 
 [8] Lăng Già Tâm Ấn – Thiền sư Hàm Thị trực giải.
 [9] Nham Ðầu nói “Về sau, nếu muốn xiển dương Ðại giáo, mỗi mỗi đều phải từ hông ngực mình lưu xuất. Sau này cùng ta che trời che đất mà đi”. 
 [10] Phần in nghiêng này, được trích dịch từ Tây Du Ký. Có chỗ là tóm lược quá trình thỉnh kinh. Lời của các nhân vật đều được trích dịch từ bản chữ Hán.
 [11] Kinh Thắng Man Phu Nhân Hội.
[12]Thơ của Phạm Thiên Thư 

DANH SÁCH ẤN TỐNG
- Trương Kim Cương
- Một Đạo hữu đạo tràng Thái Tuệ 
- Tuệ Quang Định 
- Hồng Nhẫn
- Từ Viên 
-  Từ An
-  Từ Mãn Nguyện
-  Chân Hiền Tâm 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc Chùm ảnh đặc biệt Hòa thượng Thích tin vai tro cua gia dinh trong viec dat duoc hoa binh Ý thức ăn chay trong đại chúng và lý Suy nhược tinh thần làm tăng gấp thuat Tản văn Ánh trăng rằm tuổi thơ hà tĩnh ấm áp lễ hội vu lan tại chùa nhìn sâu nghĩ kỹ để cảm thông với Tảo tức Hy nhin sau nghi ky de cam thong voi nguoi Mat hàn Tu Rau lang Chúng hoÃÆ ni sinh viet nam dat thu khoa tot nghiep dai hoc Phật giáo buông xã đi noi xau nguoi khac nhung hau qua va cach chuyen pháp yeu va chet Thuốc giảm cân không giảm cân còn gây Việt Nam hóa Phật giáo ở Trần Nhân nói xấu người khác những hậu quả và Ẩm Probiotic giúp giảm mức đường huyết sợi dây chuyền định mệnh những lời phật dạy cải thiện cuộc Hà Nội Lễ tưởng niệm 18 năm Đệ 01 lời giới thiệu của đức dalai lời cầu cứu từ đất mẹ Câu chuyện của Steve Jobs về tình yêu niet ban 1 không bao giờ ngừng chảy Bánh chuối nướng thơm ngon thiç hay nho lay 6 cau nay vÃƒÆ lưu căn sự có mặt liên tục của quán thế âm 5 tan o thai lan 11 loi khuyen tam huyet giup nguoi sap chet hạnh phúc là gì mà ai cũng phải tìm lon bßi món chay bánh hoa hồng chùa hồng từ thân thể thi hóa qua điệp khúc 18 chữ phan 4 GiÃƒÆ i