...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Hai

Hồi thứ 106

Hồi thứ 107

Hồi thứ 108

Hồi thứ 109

Hồi thứ 110

 

 

Hồi Thứ 106

 

Tìm thầy thuốc minh oan ở Trường Sơn huyện

Phá  kỳ  án,  liệt  phụ  may  gặp  cứu  tinh

 

Tôn Nhị Hổ nghe Hứa Cảnh Thôi đã cung khai hết, bèn nói:

-  Lão gia không cần động hình, tôi xin khai hết. Nguyên tôi thường hay kiếm Hứa tiên sinh mượn tiền. Một hôm ông ấy nói với tôi: - Này Tôn Nhị Hổ! Chú là tài chủ đó! Tôi nói: - Tôi mà là tài chủ gì? Ông ấy nói: - Anh em chú bác với chú đã qua đời rồi. Chú khuyên bà chị dâu cải giá đi, thì gia tài của ông ấy khoảng 3 vạn lượng bạc, bà ta mang đi 1 vạn, chia cho bà con 1 vạn, còn 1 vạn lượng về phần chú. Như vậy chú không phải là tài chủ là gì? Phàm việc gì mưu sự do người mà thành sự ở trời cả! Tôi nghe nói cũng phải, bèn đem việc đó bàn với chị dâu, bị bà ấy mắng cho một trận, và từ đó không cho tôi đề cập đến việc đó nữa. Sau đó Hứa tiên sinh thường hỏi tôi: - Chú có nói chuyện ấy với chị chú chưa? Tôi nghĩ rằng: “Vợ ông ấy mới chết, chắc là ông ấy muốn chị dâu mình đây!”. Tôi bèn giận ông ấy và nói: - Ðể tôi nói giùm cho ông. Ông ấy nói: - Tôi chỉ thích chị dâu của chú, còn gia sản không để ý tới, chỉ sợ chị dâu chú không bằng lòng thôi! Tôi nói: - Ðể tôi nói giúp thử xem. Tôi mượn cớ mai mối, thường đến ông ta mượn tiền luôn. Một hôm ông ấy nói: - Này Nhị Hổ! Chú cứ mượn tiền tôi hoài mà sao chú không chịu nói giúp tôi với chị dâu của chú cho tôi? Tôi đáp: - Thôi, ông dẹp ý nghĩ đó đi! Chị dâu tôi không chịu cải giá. Ông ấy nói: - Tôi thấy chị dâu của chú ngồi bán kim chỉ trước cửa nhà mà bụng càng ngày càng lớn, trong đó chắc có duyên cớ gì đây! Ông ấy lại nói: - Này Nhị Hổ! Tôi đưa cho chú một con dao, chú hãy đi hỏi chị dâu chú cái bụng lớn của bà ấy là tại làm sao? Bà ấy phải nói tư thông với ai, chú nhân đó đuổi bà ấy ra khỏi cửa, thì gia tư ấy há chẳng thuộc về chú ư? Tôi cho là đúng, bèn cầm dao đến nhà bà chị dâu, đúng lúc bà giúp việc đi vắng. Tôi đang hạch tội chị dâu, thì Lôi Minh, Trần Lượng bước vào khuyên can. Tôi đem việc này nói với Hứa tiên sinh. Ông ấy bảo: - Không hề chi, tôi có quen với Ðỗ tiên sinh ở phòng hình sự. Ông ấy dạy tôi đánh vào đầu có thương tích để tố cáo lên quan huyện, rồi ông ấy giúp tôi trị tội Lôi Minh và Trần Lượng. Ðó là những sự việc đã qua, tôi xin thật tình khai đúng.

Quan huyện bảo thơ ký hình sự ghi chép lời cung, rồi lập tức truyền đưa cả bọn Tôn Khang thị, Hứa Cảnh Thôi đồng lên quan đường. Thư ký hình sự đọc lớn lời khai trước mọi người. Hứa Cảnh Thôi sợ đến mặt mũi tái xanh. Quan huyện vỗ kỉnh đường hét:

-  Hứa Cảnh Thôi! Ngươi là người có học, sao dám mưu đoạt tiết trinh người sương phụ, phá hoại gia cang của người! Ngươi có biết mình phạm pháp hay không? Giờ ngươi chịu đánh hay chịu phạt?

 Hứa Cảnh Thôi lật đật quỳ xuống thưa:

-  Bẩm lão gia! Chịu đánh là sao? chịu phạt là sao?

-  Chịu đánh là đánh ngươi cho thật nặng. Còn chịu phạt là đánh ngươi 100 giới xích rồi phạt ngươi 3.000 lượng bạc để làm tấm bia trinh tiết cho Tôn Khang thị.

Hứa Cảnh Thôi vội đáp:

-  Y sinh tình nguyện chịu phạt.

Quan huyện bèn ra lịnh đánh Hứa Cảnh Thôi 100 giới xích ngay tại quan đường, rồi phái người áp giải Cảnh Thôi về lấy tiền. Quan huyện lại nói:

-  Này Tôn Nhị Hổ! Ngươi vô cớ đặt điều, cầm dao hành hung hiếp đáp người quả phụ, mưu đoạt gia sản người, tội đó không thể dung tha. Bây đâu, đè hắn xuống đánh 40 mươi thước lớn cho ta! Chiếu theo luật Tống triều, cùm hắn 100 ngày rồi thả.

Quan huyện day qua hỏi:

-  Bạch Thánh tăng, người xem bụng của Tôn Khang thị như thế nào?

-  Bụng này là có thai đó!

-  Thánh tăng không đùa chớ? Cô ta ở góa 3 năm nay làm sao có thai được?

-  Lão gia không tin thì kêu cô ta đến trước huyện đường khám thử. Thai này không giống với thai bình thường đâu!

-  Làm sao mà để khám nghiệm ở quan đường được?

-  Tế Ðiên móc ra một cục thuốc đưa cho bà mụ bảo đưa Khang thị vào phòng trống sanh. Bà mụ đưa Khang thị vào phòng trống cho uống thuốc, lập tức sanh ra một bào thai huyết. Bọc trắng huyết đỏ, lớn bằng trái dưa hấu. Bà mụ cầm ra trước quan đường đưa cho quan huyện xem. Tế Ðiên che mặt nói:

-  Hãy cầm đem chỗ khác đi!

 Quan huyện hỏi:

-  Ðó là cái gì vậy?

Tế Ðiên đáp:

-  Ðó là huyết thai do khí đọng trong huyết mà thành. Người phụ nữ lấy kinh huyết làm chủ: một tháng không có kinh gọi là tật kinh; hai tháng không có gọi là bệnh kinh; ba tháng không có gọi là bế kinh; bảy tháng không có gọi là lao huyết phòng. Cục huyết thai này cũng là bệnh về huyết mỗi tháng một lớn.

Quan huyện chừng đó mới rõ, bảo lính đưa Tôn Khang thị về nhà. Quan huyện lại hỏi:

-  Bạch Thánh tăng! Còn Lôi Minh và Trần Lượng bây giờ mình phải xử trí thế nào? Hồi nãy trước công đường, Lôi Minh la hét lớn tiếng, rút dao hành hung, tôi đương muốn ghép tội chung với Uẩn Phương thì vừa gặp Thánh tăng đến.

Tế Ðiên nói:

-  Hôm Hòa thượng ta đi, có để lại một tờ giấy nhét dưới ống đồng, lão gia lấy ra xem thì rõ.

Quan huyện bèn trút ống đồng ra quả nhiên có một tờ giấy xếp lại. Quan huyện mở ra xem, thấy có bốn câu thơ:

Quan huyện anh minh khéo xét phân,

Chớ lầm người tốt với tặc nhân.

Tại nhà Mã Tuấn bắt tặc đảng

Góp sức đồ nhi Dương, Lôi, Trần.

Quan huyện xem xong nghĩ thầm: “Té ra Lôi Minh, Trần Lượng là môn đồ của Thánh tăng mà mình không rõ”. Lập tức ra lệnh cách chức Hình phòng là Ðỗ Phương vì giả công làm tư, ham của hối lộ viết lệnh công văn làm hại người hiền. Sau đó mới phái người kêu Lôi Minh, Trần Lượng lên trả con dao lại cho Lôi Minh và thưởng hai người 10 lượng bạc. Lôi Minh, Trần Lượng tới chào sư phụ. Tế Ðiên nói:

-  Ta bảo hai con đi làm việc cho ta, dọc đường đừng có xen vào việc của ai hết mà không nghe!

Trần Lượng nói:

-  Nếu không có sư phụ đến kịp lúc thì oan uổng này không biết làm sao bày tỏ!

-  Thôi hai con hãy đi mau đi.

Lôi Minh, Trần Lượng cám ơn quan huyện, từ biệt Tế Ðiên, rồi đi ra khỏi nha môn. Hai người cứ theo đường lớn mà đi tới, đến mặt trời lặn, thấy phía trước có một tòa thôn trang nằm bên đường. Hai bên đường đều có phố xá buôn bán. Hai người vào một tửu điếm hiệu là Tam Ích. Phổ ky mời hai người lên Bắc thượng phòng, lấy nước rửa mặt và mời uống trà. Hai người kêu cơm rượu ăn uống. Vì đi suốt ngày mệt nhọc, hai người cởi áo mở thắt lưng ngủ vùi. Sáng hôm sau dậy sớm, Lôi Minh dòm lại thấy đồ đạc còn nguyên, mà chiếc quần của mình đâu mất, bèn hỏi:

-  Lão nhị, có dấu cái quần của ta chăng?

Trần Lượng đáp:

-  Ðâu có!

Rồi nhìn lại, chiếc quần của mình cũng không cánh mà bay. Trần Lượng nói:

-  Lạ thiệt! Cái quần của tôi cũng đâu mất tiêu rồi.

Hai người thức dậy choàng áo anh hùng ngồi đó chịu trận, định bụng kêu phổ ky hỏi thăm, nhưng chẳng lẽ lại nói chuyện mất quần! Trần Lượng nói:

-   Này nhị ca! Không cần phải tìm kiếm làm chi! Cứ đưa tiền cho phổ ky mua cho ta hai cái quần, mắc rẻ gì cũng được.

 Phổ ky nói:

-  Ðược! Hai vị muốn mua quần cũng vừa đúng lúc! Hồi sáng sớm, ở bên phòng phía Ðông có một vị khách cầm hai cái quần bảo tôi đi cầm giùm hoặc bán cũng được, với giá 20 lượng. Tôi không biết bán ở đâu nên không nhận. Mà thấy ông ta hình như hơi khùng khùng thì phải.

Trần Lượng nói:

-  Chú cầm về đây cho chúng tôi xem thử!

Phổ ky đi ra, một lát cầm về hai cái quần. Trần Lượng xem lại, chính là hai cái quần của bọn mình. Hai người bèn lấy quần mặc vào. Phổ ky dòm thấy, nghĩ thầm: “Té ra hai người này không có quần đây mà!”. Lôi Minh nói:

-  Này phổ ky! Người bán quần đó ở đâu? Chú đưa bọn ta đến gặp ông ấy.

Phổ ky gật đầu, đưa Lôi Minh, Trần Lượng đến phòng Ðông. Vừa bước vào cửa, nghe bên trong có tiếng nói giọng khẩu âm phương Nam:

-  Chao ơi! Thằng nhãi ranh đó cầm chiếc quần đi bán ở đâu mà bây giờ chưa thấy về.

Phổ ky nói:

-  Bán ở trong viện đây thôi mà!

Hai người lớn bước đi thẳng vào trong viện. Dựa vào tường phía Bắc đặt một chiếc bàn, kế đó là một cái bàn bát tiên với hai chiếc ghế dựa. Một người đang ngồi trên ghế dựa, đầu đội khăn võ sinh công tử màu thúy lam có hai tua bỏ thõng, mình mặc áo choàng thúy lam, lưng thắt dây loan đái 5 màu, mang giày đế mỏng, gương mặt trắng trẻo, mày to mắt sáng, nhân phẩm khác người. Lôi Minh dòm thấy người này, nói:

-  A, cái thằng này! Mi dám đùa với hai anh em ta hử?

Nguyên người này họ Liễu tên Thụy, tự là Xuân Hoa, trác hiệu Ðạp tuyết vô ngân, cũng là một trong 36 bạn bè ở Ngọc Sơn, kết làm anh em với Lôi Minh và Trần Lượng. Người này tuy tướng mạo nho nhã nhưng tính tình rất khôi hài. Liễu Thụy từ thôn Như Ý ra đi, vâng lời mẹ của Dương Minh đi tìm Dương Minh trở về, đến phía Bắc thôn trang này ở lại mấy ngày vì nghe lời đồn có một tên ác côn tên là Truy hồn thái tuế Ngô Khôn, Liễu Thụy muốn điếu tra xem nếu hắn là tên ác côn thì khử hắn trừ hại cho dân. Ở lại khách điếm mấy ngày, Liễu Thụy không dò hỏi được tin tức chi. Sáng hôm qua thấy Lôi Minh, Trần Lượng vào khách điếm nên Liễu Thụy bèn đùa giỡn một phen. Sáng nay thấy Lôi Minh, Trần Lượng đến, Liễu Thụy bèn hỏi:

-  Lôi nhị ca, Trần tam ca, hai anh có mạnh giỏi không?

Hỏi rồi bước tới thi lễ. Trần Lượng hỏi:  

-  Liễu hiền đệ! Tại sao chú lại ở đây?

-  Tôi vâng lệnh Dương bá mẫu đi tìm Dương đại ca.

-  Dương đại ca hiện đã về rồi. Chúng tôi chia tay ở huyện Thường Sơn cách nay mấy ngày, hiện giờ chắc Dương đại ca đã về đến nhà rồi.

-  Các anh gặp nhau ở đâu vậy?

Trần Lượng ho một tiếng, nói:

-  Chuyện dài dòng lắm!

Nói rồi đem việc Hoa Vân Long tác ác ném độc phiêu hại ba bạn lần lượt thuật lại. Nghe xong, Liễu Thụy nghiến răng ken két, nói:

-  Hay cho Hoa vân Long, mi thật là kẻ vong ơn phụ nghĩa! Dương đại ca đã phát thiếp lục lâm, tành toàn cho mi, đối đãi với mi trọng đại như thế mà mi nỡ lang tâm xử độc như vậy ư? Chừng nào gặp được mi, ta sẽ kết thúc mạng mi chớ không tha!

Trần Lượng nói:

-  Ðừng nhắc tới hắn làm chi! Bây giờ chú định đi đâu đây?

-  Tôi nghe nói ở đây có tên ác bá, muốn dò xem thử.

-  Ðể chúng tôi cùng đi với chú cho vui.

Ba người cùng ra đến thượng phòng, kêu thức ăn sáng, ăn rồi cùng kéo nhau đi. Ra khỏi cửa thôn không xa, họ thấy trước mặt có một người định treo cổ, miệng than thở:

-  Trời ơi, trời hỡi! Thần Phật không để mắt cho, đất trời không nghe thấy giùm, thì sống làm chi?

Ba người nhìn kỹ, thấy người than thở trạc độ tứ tuần, đầu đôi khăn lam bốn góc, mặc áo choàng lam cùng màu. Trần Lượng vội bước tới hỏi:

-  Bạn ơi! Vì sao không muốn sống thế? Xem ra bạn không phải là người tầm thường mà gặp phải chuyện chi đến nỗi? Hãy nói cho chúng tôi nghe xem có giúp được việc gì không?

Người ấy ho lên một tiếng, nói:

-  Tôi sống đây cũng như chết rồi! Ba vị muốn hỏi, tôi xin thưa!

Rồi đem sự tình kể qua. Ba vị anh hùng nghe xong nộ khí xung thiên, muốn xắn tay can thiệp ngay, nào ngờ dây dưa đến một loại thị phi!*

 

Hồi Thứ 107

 

Lôi, Trần say ngủ bị mất trộm

Ðạp tuyết vô ngân dõi tặc nhân

Lôi Minh, Trần Lượng và Liễu Thụy hỏi người ấy tại sao lại định hủy mình như thế. Người ấy đáp:

     -  Tôi họ Diêm tên Văn Hoa, người ở huyện Ðơn Ðồ, từ nhỏ tôi có đi học nhưng bỏ nửa chừng. Tôi có biết vẽ qua vài nét đan thanh. Nhưng vì gặp mất mùa đói kém, tôi đem vợ là Tào thị, con gái là Thụy Thư đến ở ngụ trong bắc Tân Trang điếm này, rồi hằng ngày đi vẽ mướn ở nhà người ta để kiếm sống. Ngày kia, tôi đi đến Ngô gia bảo. Vị trang chủ tên là Truy hồn thái tuế Ngô Khôn kêu tôi đến, hỏi tôi vẽ được những gì? Tôi đáp: - Tôi có thể vẽ được núi sông nhân vật, hoa cỏ, chim thú. Ông ấy hỏi tôi có vẽ được Tỵ hỏa đồ hay không? Tôi đáp: Cũng vẽ được. Ông ấy bảo tôi vẽ cho mấy bức. Ông ấy cầm xem rất vừa ý, mới hỏi tôi vẽ bức tranh bao nhiêu tiền? Tôi đáp: - Mỗi bức là một điếu tiền. Ông ấy bảo: - Ðể ngày mai ta đến Tân Trang điếm tìm chú. Hôm sau ông ta cưỡi ngựa đến tìm. Tôi mướn một gian phòng trong điếm, ông ta đến cũng không có chỗ để vợ con lánh mặt. Khi vào đến phòng tôi, ông ta gặp vợ và con gái của tôi. Con gái tôi hôm nay 17 tuổi, dung mạo cũng tạm dễ coi, nào ngờ vừa thấy nó, ông ta ngầm ý bất lương, bèn bảo tôi nên mở một tiệm vẽ thuê, ông ta sẽ cho mượn 200 lượng bạc. Tôi tưởng là một dịp tốt mới đồng ý đi tìm chỗ mở một tiệm vẽ ở đường phía Bắc tại thôn này. Tiệm vẽ này lấy tên là Cổ Phương Các, gian hàng sau làm chỗ ở của gia đình. Tôi vẽ cho ông ta rất nhiều bức họa đẹp. Từ ngày khai trương đến nay được hai tháng. Ngày hôm qua, ông ta cưỡi ngựa tới tiệm vẽ của tôi, cầm đưa cho một hộp nữ trang gồm có một đôi trâm giắt đầu bằng ngọc và nói: - Ta gởi chú cất giùm, một lát ta trở lại lấy. Tôi nghĩ: “Cất giùm cũng chẳng hề chi!”. Ðến tối hôm qua, không thấy ông ta đến lấy, tôi mới đem của ấy bỏ vào rương khóa lại. Sáng sớm hôm nay ông ta mới đến lấy, tôi mở rương ra xem thì đồ gởi không cánh mà bay, khóa rương vẫn y như cũ không hề có dấu cạy. Ông ta lập tức trở mặt mắng tôi là gian trá và kêu thủ hạ đánh tôi mấy lượt, rồi bắt vợ con tôi đi, bảo rằng ông ta xiết nợ, chừng nào đem đồ gởi đến trả thì mới cho về, không thì bắt luôn. Tôi thực tình không gạt gẫm ông ta, lại cũng không chịu nổi sự chèn ép này, thôi thì chết quách cho xong.

Trần Lượng nói:

-  Anh bạn! Anh đừng vội chết làm chi! Hãy đưa chúng tôi về nhà, chuíng tôi sẽ có cách giúp anh.

Diêm Văn Hoa gật đầu đồng ý, rồi đưa ba người về Cổ Phương Các. Trần Lượng bảo:

-  Những đồ gì có thể mang theo được, anh hãy tom góp mang theo. Tối nay, tôi sẽ rước vợ con anh về và giúp anh một ít vàng bạc để anh đưa gia đình đi trốn, được không?

Diêm Văn Hoa nói:

-  Nếu ba vị đưa gia đình tôi trở về đây sum họp, tôi tình nguyện bỏ nơi này đến sinh sống chỗ khác. 

Liễu Thụy nói:

-  Anh hãy chờ đến canh ba rồi biết.

Ba người lại ra đi dến Ngô Gia bảo thám thính. Ngô Gia bảo là một trang viện rất lớn, chiếm khoảng 4 dặm đất. Trên tường chung quanh đều có gắn đinh nhọn tua tủa. Bao bọc phía ngoài là một dẫy hào sâu rộng: bờ hào, những cây liễu rủ trồng ngay hàng thẳng lối. Cửa trang viện ở phía Nam mở rộng, bên trong có mấy tên ác nô canh giữ, phía trước có cầu treo, phía sau có cửa gác. Ba người dò xét đường đi kỹ càng xong bèn trở về khách điếm gọi rượu thịt ăn uống. Cơm tối xong, đợi đến canh hai, trong điếm ngủ cả, ba người mới thay đồ dạ hành, đem y phục ban ngày bỏ vào trong bao gói kỹ, cột ở ngang lưng, ra khỏi phòng đóng cửa lại, vẽ ký hiệu trên vách rồi băng mình vượt tường đi đến Ngô Gia bảo ở đường Tam Lý, bắc Tân Trang.

Ðến dưới tường rào, họ rút trong đãy ra một sợi dây cột móc quăng lên móc vào đầu tường rồi theo dây đu mình lên, lên đến đầu tường, họ cuốn dây lại bỏ vào bọc. Ba người đưa mắt nhìn bao quát: ngôi trang viện, điện đài lầu các rất là tề chỉnh. Ba người dùng thuật phi thiềm tẩu bích đi khắp nơi dò xét. Ðến một viện tứ hợp phòng, phòng phía Bắc có ba gian, phòng phía Nam cũng ba gian, hai phòng Ðông Tây đều có những phối phòng. Trong gian phòng chánh ở phía Bắc ánh đèn lấp lánh, bóng người lung linh. Ba người đến phòng phía Bắc, cặp theo rèm châu, dùng thế Dạ xoa thám hải uốn mình dòm vào. Một ngọn đèn sáng đang cháy lung linh đặt trên bàn nhỏ nằm trên bục ở gần thềm. Trên bục để sẵn hai bao quần áo, trên bàn có những món trang sức cài đầu bằng vàng bạc dính kèm với những hạt chân châu màu phỉ thúy. Ngồi trên bục là một người đàn bà tuổi trạc tứ tuần. Kề bên có một cô gái tuổi chừng 17, 18 tuổi, mười phần xinh đẹp. Dưới đất gần đó có bốn hầu gái xúm nhau dụ dỗ:

-  Chị không muốn cũng không được đâu! Ở nhà chị ăn cơm hẩm, uống trà lạt, mặc quần áo cũ kỹ rách nát. Chỉ cần bằng lòng ở đây với trang chủ tôi há không phải là hưởng vinh hoa phú quý hay sao? Chúng tôi khuyên chị hãy bảo con chị đừng khóc nữa, dồi phấn thoa son vào. Trang chủ chúng tôi không phải đối xử với mẹ con chị một ngày một bữa đâu! Nếu mẹ con chị không bằng lòng, để chọc giận Thái tuế gia chúng tôi, thì một trận mưa côn giáng xuống, mẹ con chị làm sao sống nổi! Ai sẽ báo thù cho mẹ con chị? Ðừng nói chi đến mẹ con chị, mà ngay đến cả những người ở địa phương này, hễ nhà ai có gái hay nàng dâu xinh đẹp, Thái tuế gia muốn bắt thì bắt ngay. Gia đình họ có tìm tới, nói nghe có tình có lý thì được mấy mươi lượng bạc rồi ra về. Còn nếu không ưng thuận thì sẽ bị một trận đòn chết luôn, rồi kéo xác chôn ngoài hoa viên là xong!

Cô gái nói:

-  Tôi chỉ muốn chết thôi! Sống làm người ở chung với mẹ tôi một chỗ, còn chết thì cùng làm quỷ một nơi.

Lôi Minh, Trần Lượng nghe rõ cả mới nói với Liễu Thụy:

-  Chúng mình cùng xuống đi!

Ba người cùng nhảy xuống một lượt, rút dao xông vào trong nhà, báo hại bốn người hầu gái sợ run bây bẩy. Liễu Thăng gằn giọng:

-  Bọn bay đứa nào la ta giết trước.

Bọn tớ gái run rẩy năn nỉ:

-  Xin đại thái gia tha cho! Bọn chúng tôi không dám la đâu!

Liễu Thụy bèn gom những đồ tế nhuyễn vào trong một bao, tồi trói hai người tớ gái nhét giẻ vào miệng, còn hai người tớ gái dáng dấp khỏe mạnh kia bảo cõng hai mẹ con cô gái cùng đi ra, và đe: - Bọn bây la sẽ chết ngay. Hai người tớ gái chỉ gật đầu răm rắp tuân theo. Liễu Thụy nói:   

-  Hai anh núp ở đây giây lát, tôi đưa hai mẹ con họ về trước rồi sẽ trở lại ngay.

Liễu Thụy kêu hai người tớ gái cõng hai mẹ con cô gái, còn mình ôm bao đồ theo sau, mở cửa sau hoa viên đi thẳng về Cổ Phương các. Tới nơi, Liễu Thụy bước tới kêu cửa. Diêm Viên Hoa đang bồn chồn ngóng đợi, nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa, lật đật chạy ra xem. Liễu Thụy bảo hai người tớ gái cõng mẹ con họ vào. Liễu Thụy nói với hai người tớ gái:

-  Trước đây ta định giết bọn bây, nhưng bọn bây đã có công cõng họ về đây nên ta tha cho. Nhưng để tránh phiền phức ta phải trói bọn bây, bịt miệng lại, đợi chúng ta về rồi sẽ thả ra.

Nói xong rồi bảo:

-  Diêm Văn Hoa, anh hãy đưa vợ con anh trốn mau đi! Ngoài bọc tế nhuyễn vàng bạc này, tôi sẽ cho anh thêm 30 lượng bạc làm lộ phí. Anh hãy đi mau đi, tôi còn phải trở lại giết tên ác bá đó.

Diêm Văn Hoa nói hết lời cảm tạ. Liễu Thụy bảo:

-  Anh không cần phải tạ ơn làm gì! Non xanh chẳng đổi, nước biếc còn dài, rồi đây có lúc mình sẽ gặp nhau.

Diêm Văn Hoa lập tức đưa gia quyến trốn đi. Còn Liễu Thụy trở lại Ngô Gia bảo tìm Lôi Minh, Trần Lượng. Ba người lại tiếp tục đi dò xét. Ði đến một trang viện, thấy trong năm gian đại sảnh đèn đuốc sáng choang, một người ngồi trước bàn bát tiên, đầu đội khăn lụa xanh bốn góc, mình mặc tiễn tụ bào bằng lụa đỏ có thêu ba bông mẫu đơn màu lam; mặt như thoa phấn, cặp chân mày kiếm đen nhẽm trên đôi mắt ốc nhồi; hai tay phủ lông đen kèm theo bộ râu quai nón tua tủa càng lộ thêm vẻ hung ác! Người này đang phe phẩy trong tay chiếc quạt xếp, chính là tên ác côn Truy hồn thái tuế Ngô Khôn. Hắn ta trước kia cũng là người trong chốn lục lâm Tây Xuyên, nhơn vì một chuyến làm ăn bị phát giác nên phải lánh đến chốn này. Tuy vậy thói ác vẫn không chừa, bề ngoài giao kết với quan trưởng, khuấy động nha môn, giết người cướp gái, không chừa tội ác nào.

Lôi Minh, Trần Lượng, Liễu Thụy núp trong chỗ tối nhìn ra, biết hắn là tên ác côn, kế nghe hắn hỏi gia nhân:

-  Bay đâu! Hiện giờ là canh mấy?

Gia nhân đáp:

-  Trống chưa điểm canh ba.

Bỗng bên ngoài có một tên ác nô chạy vào thưa:

-  Bẩm Thái tuế! Bên ngoài có một người bạn cũ của Ngài xưng là Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long ở Tây Xuyên đến thăm lão nhân gia.

Ngô Khôn nghe bẩm liền nói:

-  Ối chà! Hoa nhị đệ đã đến à? Ta đương trông đợi chú đây! Bay đâu, hãy mở rộng cửa trang để ta đi đón chú ấy vào.

Bọn Lôi Minh núp trên nóc nhà nghe rõ tất cả, giây lát thấy Hoa Vân Long bước vào phòng.

Nguyên Hoa Vân Long từ khi trốn chạy khỏi núi Cổ Thiên, không biết tìm đâu để dung thân. Muốn về Tây Xuyên mà ổ Tây Xuyên đã vỡ; muốn về huyện Ngọc Sơn lại sợ Dương Minh không chứa chấp. Hắn nghĩ lại ăn năn những việc mình làm đã qua của mình quá cay độc, đến nỗi gây thù oán khắp nơi! Hoa Vân Long lúc này như ngây như dại, đói không biết, no không hay, trong đầu như có tiếng sấm vang, cử động như kiến bò trên chảo nóng. Ðang bước liều tới trước, bỗng hắn nhớ lại Ngô Khôn đang ở Ngô Gia bảo rất có thế lực. Hắn định đến đó lánh nạn, có thể tạm an thân. Ban ngày hắn không dám đi, sợ có người nhìn thấy, cho nên tối nay mới tìm đến Ngô Gia bảo. Tới nơi, hắn kêu gia nhân vào bẩm báo, Ngô Khôn nghe tin vội ra tiếp rước.

Lôi Minh, Trần Lượng núp trên nóc nhà nhìn thấy Hoa Vân Long sắc diện vàng ủng, ốm teo, không giống như ngày nào. Ngô Khôn đưa Hoa Vân Long vào phòng ngồi  xuống rồi hỏi:

-  Hoa nhị đệ! Chú từ đâu tới đây?

-Chuyện nói ra dài lắm! Anh em ta từ ngày chia tay ở Tây Xuyên thấm thoát đã mấy năm. Tôi ở huyện Ngọc Sơn được Oai trấn bát phương Dương Minh tiến dẫn nên giao kết được một số bạn bè. Cũng bởi tôi đến Lâm An ngông cuồng gây ra tai họa đến nỗi bây giờ không có đất dung thân!

-    Tai họa gì mà ghê gớm thế?

Hoa Vân Long mới đem chuyện lấy trộm ngọc chúc phụng quan ở phủ Thừa tướng, giết người ở Thái Sơn lầu, cưỡng gian ở am Ô Trúc lần lượt thuật lại. Ngô Khôn nói:

-  Chú cứ ở lại đây với ta! Giả sử có ai đến bắt chú sẽ có ta che chở cho. Bây giờ chú có người bạn tri kỷ đang phát tài, chú có biết không?

Hoa Vân Long hỏi: Ai vậy?

-  Trấn sơn bát Ðiền Quốc Bổn, người ngồi không chia của ở Hoa Sơn dạo nọ bây giờ đang đại phát tài ở phủ Khúc châu. Anh ấy kết giao với quan trưởng, làm sáo trộn nha môn, thủ hạ dưới trướng rất nhiều, tài lộc cũng vô số. Nge nói anh ấy còn kết thân với Tần tướng phủ, ta biết ngày xưa anh ấy thân với chú lắm mà!

Hoa Vân Long nghe thế bèn nói:

-  Ðể tôi đi tìm Ðiền đại ca. Huynh trưởng chớ có bận tâm! Tôi đến đây chỉ thêm phiền phức mà thôi. Hiện tại xin anh giúp tôi một ít lộ phí là được.

-  Không hề chi! Ðể ta bảo bọn trẻ mở kho lấy bạc cho chú.

Ngay lúc đó, Lôi Minh ở trên nóc nhà nghĩ bụng: “Nhân cơ hội này mình bắt Hoa Vân Long, một là báo thù cho các bạn, hai là giao Tế Công để hoàn thành công vụ”. Nghĩ rồi mới thò tay rút dao định nhảy xuống bắt dâm tặc.*

 

 

Hồi Thứ 108

 

Ba hào kiệt lén dò Ngô Gia bảo

Ác thái tuế tham sắc mưu gian 

Lôi Minh, Trần Lượng thấy Hoa Vân Long bước vào, nộ khí xung thiên, rút dao định nhảy xuống bắt dâm tặc, Liễu Thụy lật đật níu Lôi Minh lại, nói:

-  Nhị ca, tam ca! Mấy anh định làm gì vậy?

Lôi Minh đáp:

-  Bọn ta định nhảy xuống bắt Hoa Vân Long.

-  Hai anh đừng nóng! Ðừng làm nóng vội không nên! Một là bọn ta người ít thế cô, còn bọn chúng vây cánh đông nhiều; hai là chúng ta không phải là người sai dịch, bắt Hoa Vân Long rồi đưa đi đâu? Còn nói chúng ta ngày trước cùng hắn đốt nhang kết bạn, mà hôm nay làm như vậy đối với việc ngày xưa như thế nào? Chúng ta bảo hắn là bất nhơn, còn việc làm của chúng ta cũng là bất nghĩa nốt! Hắn làm điều sai quấy tự có Tế Công, chúng ta cần gì phải dây vào việc oán thù! Huống nữa, chắc gì chúng mình bắt được hắn?

Trần Lượng nghe nói có lý, mới bàn với Lôi Minh:

-  Này nhị ca! Mình đừng thèm dể ý đến hắn nữa! Ðể hắn đi đâu mặc ý.

 Lôi Minh cũng gật đầu đồng ý.

Ba vị anh hùng ở trong bóng tối ngầm quan sát, kế nghe Hoa Vân Long nói với Ngô Khôn:

-  Này Ngô đại ca! Xin anh cho tôi một ít lộ phí, tôi đến Ðiền đại ca nương nấu ít ngày. Chỉ cần có hai vị đại ca giúp đỡ, tôi không còn lo sợ nữa!

-  Cũng được! Bay đâu, hãy vào mở kho lấy bạc đem ra cho ta.

Quản gia là Ngô Báo đốt đèn, cầm chìa khóa đi ra khỏi đại sảnh. Ba vị anh hùng ở trong tối nghe nói trong nhà của Ngô Khôn còn có cái kho, bèn bàn nhau cùng theo dõi Ngô Báo. Phần Ngô Báo xách đèn lồng ra khỏi đại sảnh, đi về hướng Ðông, thẳng đến ngôi nhà hai tầng, ngoặt về phía cửa ngách ở hướng Ðông. Qua khỏi cửa ngách có một phòng canh, qua phòng canh đó lại có một phòng được canh gác cẩn thận. Ngô Báo lên tiếng:

-  Chào các anh em!

Những người canh gác lên tiếng hỏi:

-  Quản gia đến đây có việc gì thế?

-  Vâng lịnh trang chủ, tôi đến mở kho lấy tiền để đưa cho bạn của trang chủ mới đến.

Người canh cửa là Vương Nhị, hỏi:

-  Người mới đến là ai vậy?

-  Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long nhị thái gia ở Tây Xuyên đấy!

-  Quản gia cứ đi đi.

Ngô Báo đi đến thềm của phòng phía Bắc, đặt lồng đèn trên đất rồi cầm chìa khóa mở cửa. Cửa mở xong, quay đầu nhìn lại thì lồng đèn đâu mất. Ngô Bảo nghĩ bụng: “Chắc là Vương Nhị giỡn chơi với mình đây”. Nghĩ xong, lại bước ra cửa phòng canh, thì thấy lồng đèn nằm trước cửa phòng canh nhưng đã tắt. Ngô Báo hỏi:

-  Này Vương Nhị! Ai chơi giấu lồng đèn của tôi vậy?

Mấy người canh đều nói:

-  Ðâu có! Chúng tôi đều ở trong phòng này mà! Có ai lấy đèn của anh đâu.

-  Các anh không cần phải chối! Không lấy đèn sao nó chạy lại nằm ở trước phòng mấy anh?

Nói xong, đốt đèn lại rồi cầm về phòng phía Bắc. Hắn đâu ngờ trong thời gian đó Lôi Minh, Trần Lượng và Liễu Thụy đã lẻn vào phòng rồi. Ba người vào trong phòng nhìn thấy rương lớn, rương nhỏ chất đầy, đương định mở rương ra lấy bạc thì nghe tiếng chân Ngô Báo bước vào. Ba người lật đật chun xuống ẩn thân dưới đít rương ở phía Ðông phòng. Ngô Báo đi vào mở rương lấy ra hai phong bạc rồi quay quả đi ra đóng cửa khóa lại. Ba vị anh hùng cũng đến mở rương, mỗi người cầm hai phong bạc nhét vào túi dự định đi ra nào, dè cửa đã khóa lại. Họ lấy tay sờ thử, thì song cửa đều bằng sắt và vách tường đều bằng những lá sắt bao bọc. Lôi Minh, Trần Lượng mò mẫm xong rồi nói:

-  Cái này bậy thiệt! Làm sao ra đây?

Liễu Thụy trong lúc gấp rút liền nảy ra một kế, nói:

-  Không hề chi! Rồi giả tiếng mèo ngao tha thiết.

Những người canh cửa nghe tiếng mèo, bèn nói:

-  Quản gia hồi nãy đi ra nhốt lại con mèo ở trỏng rồi.

Ngô Báo nghe bèn quay trở lại lại:

-  Con mèo bông chết tiệt này đáng ghét quá! Mày theo tao làm gì?

Nói rồi hắn lấy chìa khóa mở cửa ra, lấy đèn rọi trong phòng kiếm con mèo có hay không. Ngô Báo rọi ở gian phía Tây, ba vị anh hùng bèn từ phía Ðông lẻn ra cửa, trổ lên nóc nhà. Liễu Thụy lại giả tiếng mèo kêu một lần nữa, những người canh cửa nói:

-  Mèo đã ra, lên nóc nhà rồi!

Ngô Báo nghe nói mới đi ra khóa cửa lại, rồi trở về đại sảnh giao bạc cho Hoa Vân Long. Tên giặc này lập tức cáo từ. ngô Khôn đưa ra đến ngoài cổng, nói:

-  Hoa nhị đệ! Chú đi qua đó ít ngày rồi về, ngu huynh ở đây chờ chú nhé!

Hoa Vân Long cáo từ đi rồi, Ngô Khôn thủng thẳng đi vào nhà. Vừa bước vào cửa lớn thì bị Liễu Thụy núp sau cánh cửa bất thình lình nhảy ra cho một dao kết thúc tính mạng của tên giặc. Gia nhân ồ ào xô đến thì Liễu Thụy đã quăng mình lên nóc nhà đi mất. Ngày kế, gia nhân lên báo với quan đến khám nghiệm và bắt hung thủ. Sau khi Liễu Thụy giết tên ác côn rồi, ba vị anh hùng bèn trở về khách điếm nghỉ ngơi.

Sáng sớm hôm sau. Liễu Thụy hỏi:

-  Hai vị huynh trưởng định đi đâu?

Lôi Minh và Trần Lượng đáp

-  Chúng tôi về phủ Khúc Châu để làm một việc cho Tế Công.

Liễu Thụy nói:

-  Phần tôi lại muốn đi thăm mấy người bạn, hôm nay chúng ta chia tay ở đây, ngày khác sẽ gặp lại.

ười trả tiền phòng rồi ra khỏi khách điếm. Lôi Minh và Trần lượng thuận theo đường lớn thẳng đến phủ Khúc Châu. Vừa đến phía bên ngoài thôn Ðông tại Ngũ Lý Bia thì thấy có một vị đại hán đứng trước cửa ngôi miếu ở phía Bắc đường. Ðại hán này mình mặc áo màu xanh xám, hình sắc khô gầy, đứng không muốn vững, miệng không ngớt than thở:

-  Trời  Thần Phật không có mắt, trời đất không có tai! Không ngờ tôi phải rơi vào cảnh huống như thế này!

Lôi Minh dòm thấy liền nói:

-  Té ra là anh ta!

Hai vị anh hùng lật đật chạy tới nói:

-  Nhị ca! Sao anh tả tơi thề này?

-  Hai thằng đầu trâu mặt ngựa này lại đây bắt tao hả?

Lôi Minh hỏi:

-  Bộ anh điên hả? Chúng tôi là Lôi Minh, Trần Lượng đây mà!

Vị đại hán ấy lại nói:

-  Tụi bây không phải là đầu trâu mặt ngựa thì chắc đồng tử cầm phan vàng đến rước ta về tây phương đấy ư?

Trần Lượng nói:

-  Nhị ca! Anh thật không nhận ra chúng tôi ư? Chúng tôi là Lôi Minh, Trần Lượng đây mà!

Lúc này đại hán trong lòng định tĩnh, mới nói:

-  Té ra là hai hiền đệ Lôi Minh và Trần Lượng đây mà! Thiệt đau đớn chết ta đi thôi!

Nói xong, đại hán ngã gục xuống hôn mê, không còn động đậy nữa. Trần Lượng lật đật chạy vào gõ cửa ở một nhà đầu thôn. Một lão từ trong nhà đi ra hỏi:

-  Tôn gía tìm ai?

Trần Lượng nói:

-  Thưa lão trượng, làm ơn cho tôi mượn một cái bát và xin một ít nước uống. Ngoài cửa miếu kia có một anh bạn bị bệnh nặng lắm. Tôi cần nó để hòa nước cho anh ấy uống.

-  À ra thế! Vị đại hán ấy là bạn của tôn giá ư? Anh ta ở ngoài cửa thôn chúng tôi bị bệnh mấy ngày rồi. Hai ngày đầu tôi có cho anh ấy một ít cháo; mấy hôm nay thấy bệnh tình nặng quá chúng tôi không dám cho ăn nữa. Xin tôn giá đợi giây lát, tôi sẽ mang nước ra ngay.

Nói xong quày quả đi vào, giây lát cầm ra một chén nước đưa cho Trần Lượng. Trần Lượng đem nước về, lấy viên thuốc của Tế Ðiên đưa cho hòa tan rồi đổ vào miệng đại hán ấy. Giây lát nghe trong bụng anh ta sôi ục ục, khí dẫn huyết chạy, huyết dẫn khí đi, ngay lúc ấy lục phủ ngũ tạng mát mẻ trở lại. Ðại hán cảm nghe bịnh hỏa tiêu đâu mất, lật đật ngồi dậy nói:

-  Lôi, Trần hai vị hiền đệ từ đâu đến đây?

Trần Lượng đáp:

-  Quách nhị ca mạnh rồi!

Người này chẳng phải ai xa lạ, họ Quách tên Thuận, ngoại hiệu là Tiểu côn lôn, người ta gọi là Dạ hành quỷ. Năm xưa cũng là một trong 36 người bạn cùng kết bái ở huyện Ngọc Sơn. Anh ta tự mình chấm dứt cuộc đời lục lâm rồi đến lễ Ðông phương thái duyệt Lão tiên ông làm thầy. Xuất gia làm đạo sĩ đi vân du bốn phương để chuộc lại oan nghiệt của mình ngày trước, nào ngờ đến Ngũ Lý Bia này phải bệnh. Tự mình đi ra ngoài hóa duyên, trong tay không có tiền để ở khách điếm, đành phải tạm đỡ ở cửa quán. Hai ngày đầu, trong thôn còn có người cho ăn chút đỉnh, mấy ngày sau bệnh nặng thêm, người ta không dám cho ăn nữa vì sợ anh ta chết mà mang họa. Hôm nay được Lôi Minh, Trần Lượng trị cho hết bệnh, Quách Thuận, mới hỏi:

-  Hai vị hiền đệ từ đâu đến đây?

Trần Lượng đáp:

-  Tế Công ở huyện Thường Sơn đặc phái bọn tôi đến cứu anh. Hiện Tế Công có một phong thơ gởi cho anh đây, người bảo anh chiếu theo đó mà thi hành.

Quách Thuận nhận thơ mở ra xem, rồi day về hướng Bắc dập đầu tạ ơn Tế Công cứu mạng và hỏi:

-  Này hai vị hiền đệ! Mấy chú có dư lộ phí không?

Trần Lượng đáp:

-  Có đây!

Quách Thuận nói:

-  Tôi phải đi Lâm An lo việc cho Tế Công đây.

Trần Lượng, Lôi Minh bèn đưa cho Quách Thuận một phong bạc. Quách Thuận nhân bạc, nói:

-  Hai vị nhọc mệt vì tôi quá! Hôm nào chúng ta sẽ gặp lại.

Nói rồi cáo từ đi thẳng.

Phần Lôi Minh, Trần Lượng đi về phủ Khúc Châu. Ðến ngã tư nội thành, qua một khúc quanh phía Bắc, thấy bên đường có một tửu điếm, hai người bén rèm bước vào. Thấy tửu điếm có lầu, hai người bèn đi thẳng lên. Trên lầu rất sạch sẽ, hai người tìm một cái bàn vừa ý ngồi xuống. Phổ ky chạy đến hỏi:

-  Có phải hai vị đại gia đến uống rượu không?

Trần Lượng đáp: - Ừ, phải!

Phổ ky nói:

-  Hai vị muốn uống rượu, xin mời xuống dưới lầu.

Trần Lượng hỏi:

-  Tại sao bữa nay trên lầu không bán rượu chứ?

-  Bữa nay trên lầu này tam thái gia ở địa phương chúng tôi đã bao rồi. Xin mời hai vị xuống lầu uống rượu cho.

Lôi Minh nghe nói trợn mắt la lớn:

-  Mặc kệ tam thái gia đó! Hôm nay nhị thái gia này muốn ngồi trên lầu uống rượu thôi.

-  Xin đại gia đừng nóng! Làm việc gì phải có trước có sau. Tỷ như lão nhân gia đến đây dặn trước, chúng tôi cũng không dám dành cho người khác đâu!

Trần Lượng khuyên can:

-  Nhị ca đừng có thô lỗ! Chúng mình xuống lầu uống rượu cũng vậy thôi mà!

Chừng đó Lôi Minh mới cùng Trần Lượng bước xuống lầu. Ðến hậu đường tìm một chiếc bàn ngồi xuống. Phổ ky lật đật chạy đến hỏi:

-  Hai vị đại gia cần món chi?

-  Ở đây tiệm chú bán những gì?

-  Chúng tôi ở đây bán mùa nào thức ấy. Chưng, nấu, chiên, xào, dĩa lớn, dĩa nhỏ, dĩa vừa, món ăn miền Nam miền Bắc, điểm tâm, buổi trưa, sơn hào hải vị thượng đẳng đều có đủ, cần gì có nấy. Hai vị đại gia tùy tiện yêu cầu.

Trần Lượng nói:

-  Chú đem cho ta bốn món đủ thứ chiên xào chưng nấu và hai hồ rượu nữ trinh lâu năm. Thức ăn chỉ cần ngon miệng, không ngại đắt rẻ đâu!

-  Phổ ky nói: - Phải đấy! Rồi gọi với vào trong.

Giây lát cơm rượu đem lên đầy đủ. Trần Lượng mới hỏi:

-  Này phổ ky, xin hỏi chú họ gì?

-  Tôi họ Lưu. Xin nhị vị đại gia tận tình thưởng thức cho!

Trần Lượng nói:

-  Ta xin hỏi thăm chú một việc: Vị tam thái gia mời khách trên lầu có phải là anh em với quan Tri huyện Tây An của mấy chú em không, mà chú gọi là Tam thái gia như vậy?

-  Không phải đâu!

Nếu không phải thì chắc là một vị tuổi cao đức trọng, hay một người có tính tốt nên ai nấy mới gọi là thái gia như thế?

-  Cũng không phải nữa!

-  Vậy ntại sao gọi ông ta là tam Thái gia?

-  Hai vị đại gia không phải là người địa phương này nên không biết đó thôi! Ðể tôi chạy ra xem họ có không đã, rồi sẽ nói cho hai vị đại gia biết.

Nói rồi phổ ky bước ra ngoài ngó dáo dác một hồi, thấy không có ai mới bước vào nói:

-  Tôi xin nói cho hai đại gia rõ!

Trần Lượng hối thúc: - Nói đi, nói đi!

Phổ ky nói nhỏ nhỏ với Lôi Minh, Trần Lượng một hồi. Hai vị anh hùng nghe xong, khí uất lên tận cổ, mặt nóng phừng phừng.*

 

 

Hồi Thứ 109

 

Ngũ Lý Bia bệnh Tiểu côn lôn

Phủ Khúc châu khéo gặp Kim sí điêu 

Lôi Minh, Trần Lượng muốn tìm hiểu tam thái gia là ai, thì được phổ ky cho biết:

-  Hai vị thái gia muốn hỏi, tôi xin nói cho hai vị biết. Vị tam thái gia này chính là tên ác bá ở địa phương chúng tôi. Hắn ta kết giao với quan trưởng, làm khuấy động nha môn, dân địc phương này ai cũng ghét mà không dám động đến hắn vì trong nhà hắn có nuôi thủ hạ đến 180 tên.

Trần Lượng hỏi:

-  Tam thái gia này họ gì?

-  Họ Dương tên Khánh, ngoại hiệu là Kim sí điêu.

-  Bọn họ chắc có ba anh em ruột. Còn có đại thái gia và nhị thái gia nữa phải không?

-  Không phải đâu! Nghe nói anh em họ đều khác họ cả. Ðại thái gia là Trấn sơn báo Ðiền Quốc Bổn, nhị gia là Kê tử nhãn Khưu Thành.

Lôi Minh, Trần Lượng lúc đó mới vỡ lẽ. Hai người đương uống rượu thì thấy từ bên ngoài một vị quản gia chiếc mũ đội lệch, áo choàng hở cúc, tiến vào hỏi:

-  Này chưởng quỹ! Thức ăn xong chưa? Một lát nữa Tam thái gia đến đấy!

Chưởng quỹ đáp:

-  Xong rồi mời tam thái gia cứ đến.

Lôi Minh, Trần Lượng bước ra xem hình dáng của tên ác bá như thế nào. Giây lát một tên ác nô bước vào nói:

-  Tam thái gia đến!

Phổ ky lật đật hô lớn với mọi người:

-  Xin các thực khách đứng dậy, Tam thái gia đến.

Nghe tiếng hô, mọi người ngồi ăn đều đứng cả dậy. Phổ ky lật đật chạy đến nói với Lôi Minh, Trần Lượng:

-  Xin hai vị anh hùng đứng dậy cho! Tam thái gia đã đến!

Trần Lượng nói:

-  Tam thái gia đến, chúng ta đứng làm gì? Tam thái gia có trả tiền cơm rượu cho ta không?

-  Không trả!

-  Ðã không trả thì chúng ta đứng làm gì?

-  Với tôi thì được! Còn với hai vị muốn không đứng dậy chắc không được đâu.

Lôi Minh nói:

-  Từ khi ta sanh ra đến giờ, cứ tìm hoài mà không được. Ngày hôm nay ta lại muốn thấy cái không được đó ra làm sao cho biết.

Phổ ky sợ có chuyện xảy ra, mới kêu các thực khách ở phía ngoài đứng dậy để che hai người. Lôi Minh, Trần Lượng lại muốn dòm thấy tên ác bá ra sao, mà không đứng dậy, ngước đầu cũng không thấy, nên đành phải đứng dậy nốt. Từ bên ngoài đi vào ba người. Hai người đi đầu bịt khăn lam bốn góc, mặc áo khoác màu lam, đi quan hài đế mỏng, đều là quan nhân. Hai người này chính là Ðao bút tiên sinh ở huyện nha. Một người họ Tào, một người họ Lư. Ði sau cùng chính là tam thái gia. Vị này mình cao 7 thước, đầu đội khăn viên ngoại tiêu diêu màu lam, mình mặc áo rộng, thêu hoa cùng màu, chân mang giày đế mỏng, phục sức văn chẳng ra văn, võ chẳng ra võ, trạc hơn 30 mươi tuổi, gương mặt nhọn hoắc vàng xỉn, cặp chân mày mỏng nằm trên đôi mắt ba góc lấp lánh, lộ vẻ cường tráng nhưng ngầm ẩn quỷ kế đa đoan, biểu hiện dáng vẻ không lương thiện. Lôi Minh dòm thấy bèn nói với trần Lượng:

-  Lão tam này! Té ra là tên tiểu tử ấy! Trước kia nó cũng là tên giặc ở Tây Xuyên, không biết bây giờ làm cách nào mà nó giàu có và thế lực như vậy?

Trần Lượng thấy bọn ác bá lên hết trên lầu bèn kêu phổ ky lại hỏi:

-  Vị Tam thái gia ấy đến, tại sao mọi người phải đứng dậy như thế? Chả lẽ mọi người đều sợ ông ta hết sao?

-  Xin nói cho đại gia biết, ông ta có bà con với Tần thừa tướng, đừng nói là dân đen, mà ngay cả quan tri huyện ở địa phương cũng không dám động đến ông ta. Nếu có điều gì không vừa ý, ông ta chỉ cần gởi cho Thừa tướng một phong thơ thì quan Tri phủ bị đổi đi tức khắc.

 Trần Lượng nghe xong mới hiểu ra, rồi hỏi:

-  Vị Tam thái gia này ở đâu vậy?

-  Từ tiệm của chúng tôi đây, đi về hướng Bắc, đến ngã tư rồi quẹo về hướng Ðông, đến một ngõ hẻm ở phía Bắc đường, gặp một cái cổng lớn hình chữ Bát, đó là chỗ của ông ta. Trong đó có nhiều nhà cửa cao lớn.

Trần Lượng nghe xong gật gù. Ăn uống xong, trả tiền cơm rượu rồi ra khỏi tửu quán đi về phía Bắc. Ðến ngã tư, quẹo về hướng Ðông, quả nhiên thấy có một cái cổng lớn ở phía Bắc con đường. Hai vị anh hùng dọ xem đường lối xong xuôi bèn tìm một khách điếm day mặt về hướng Ðông ở trên đường lớn trong thành. Khách điếm này tên là Úc Khôi Lão điếm. Hai người mới vào khách điếm, tìm một cái phòng day về hướng tây trên viện phía Bắc. Phổ ky lật đật lấy nước rửa mặt pha trà. Trần Lượng nói với Lôi Minh:

-  Này nhị ca! Tôi xem tên ác bá này đại khái là không từ việc ác nào. Ðể tối hôm nay bọn mình đi dò xét thử xem.

Lôi Minh gật đầu đồng ý. Hai người chờ đến canh hai, trong tiệm đều ngủ hết, mới thay đồ dạ hành từ trong phòng đi ra, đóng cửa lại, vẽ dấu hiệu, rồi mới dùng thuật phi thiềm tẩu bích, trong chớp mắt đi đến trang viện của tên ác bá để dọ thám. Ðến một ngôi nhà lớn 5 gian ở phía Bắc, 5 gian ở phía Nam, hai bên đều có 5 gian phối phòng, ở hành lang phòng phía Bắc đều có treo bốn cái lồng đèn lụa, ánh sáng lờ mờ càng làm nổi bật ánh sáng rực rỡ từ trong phòng chiếu ra. Lôi Minh, Trần Lượng ở trên mái nhà phía sau của phòng Ðông nhìn xuống, thấy trong phòng có hai gia nhân đang lau chùi bàn ghế, một tên gia nhân nói:

-  Gia chủ chúng ta có một người bạn mới tới.

Tên gia nhân kia hỏi: - Ai vậy?

-  Cản khôn đạo thử Hoa Vân Long nhị thái gia đấy! Lát nữa trang chủ cho mời Hoa nhị thái gia ăn cơm ở đây.

Lôi Minh, Trần Lượng rình nghe rõ hết. Lát sau, thấy từ bên cửa góc phòng phía Tây có ánh đèn dọi sáng và hai tên gia nhân đi ra tay cầm lồng đèn, theo sau là bốn người nữa. Người đi đầu chính là Hoa Vân Long. Người thứ hai mình cao chín thước, tam đình nở rộng, đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi màu vàng, bên trên gắn 6 cái kiếng nhỏ, xung quanh có thêu hoa nhỏ, mình mặc áo tiễn tụ bào tay nhỏ bằng đoạn xanh, lưng cột dây loan đái 5 màu để lộ áo chẽn màu xanh đậm, chân mang giầy đế mỏng để lộ đôi vớ anh hùng màu xanh nhạt có thêu 3 đóa hoa phú quý, mặt như dồi phấn, dưới đôi lông mày kiếm là một cặp mắt lộ, đôi tai có lông đen càng làm nổi bật hai má có nhiều vết nhăn, một bộ râu quai nón đâm tua tủa từ mang tai đến dưới cằm. Người này chính là Trấn sơn báo Ðiền Quốc Bổn. Người thứ ba mặc áo trắng mà gương mặt đen, chính là Kê tử nhãn Khưu Thành. Người thứ tư mặc áo lam nhạt, chính là Kim sí điêu Dương Khánh.

Bốn người này cùng vào Bắc thượng phòng chia nhau ngồi xuống, kế nghe Ðiền Quốc Bổn nói:

     -  Hoa nhị đệ, từ ngày chúng ta chia tay thấm thoát 4 năm, ngu huynh lúc nào cũng nhớ đến hoa nhị đệ. Những việc làm nhỏ nhặt ở Lâm An ấy, nếu nhị đệ chịu khó đến đây sớm thì ngu huynh viết cho Tần Thừa tướng một bức thư thâu hồi Hải bộ công văn, kêu Hòa thượng trở về, thì vụ án đã kết thúc từ lâu rồi. Tại nhị đệ không đến, ngu huynh đâu có biết việc ấy như thế nào.

Hoa Vân Long đáp:

-  Huynh trưởng ở đây mà em đâu có biết! Gần đây nghe Truy hồn thái tuế Ngô Khôn đại ca nói, em mới biết huynh trưởng ở đây. Em có hai món đồ xin đưa huynh trưởng cất giùm nhé!

-  Vật gì thế?

-  Em lấy được ở phủ Thừa tướng cái vòng bạch ngọc trong suốt lung linh kỳ ảo và chiếc mão phụng quan có gắn 13 hạt bảo châu. Hai vật này giá trị liên thành, quý vô giá! Nhưng không bán chỗ nào được.

-  Này hiền đệ! Chú cứ cất đi, đợi ngày sinh nhật của ngu huynh, lùc đó có nhiều bè bạn lục lâm, trước mặt mọi người chú hãy tặng cho ta. Việc ấy cũng để cho họ thấy được anh em chúng ta quen biết đã nhiếu năm, cũng không uổng công ta thường khen tặng chú! Ta thường đối với bạn bè đề cao chú võ nghệ siêu quần, làm những việc kinh thiên động địa! Chú cứ ở lại đây đi, ta sẽ gởi cho Thừa tướng một phong thơ, bảo đảm với chú rằng việc lôi thôi dó sẽ chấm dứt.

-  Huynh trưởng làm sao có liên hệ mật thiết với Tần Thừa tướng thế?

-  Hiền đệ không biết chớ, ta với Tần Thừa tướng có quan hệ thân thích. Việc mọn của chú mà sá gì! Nói cho chú biết, vị Tri phủ tiền nhiệm không hợp ý ta, ta viết cho Thừa tướng một phong thơ thì viên tri phủ ấy bị đổi đi tức khắc. Còn bây giờ viên tri phủ họ Trương này, từ khi đáo nhiệm, ta đến thăm hắn một lần, hắn chẳng những không tiếp ta mà lại nói những lời không tình lý, ta đã viết cho Tần Thừa tướng một bức thư rồi. Ta với Thừa tướng là chỗ thân thích, nên được thư hồi âm bảo ta điều tra những lỗi xấu của viên Tri phủ này rồi báo lại với Thừa tướng để xử lý. Ta đã báo có một cái hang ngầm, mà nói thiệt với hiền đệ, ở đây ta không làm thì ai dám làm chứ? Chính ra, cái hang ấy là do ta làm đấy! Mấy người bạn lục lâm tối nay sẽ đến hư trương thanh thế. Ta viết một tờ đơn đem giao cho bọn nha môn của Tri phủ bảo họ làm bộ tìm trên mặt đất. Họ nếu tìm không ra, ta sẽ chỉ cho họ đào lên. Ta còn nghĩ ra một kế này: Tên già giữ hoa viên ở phía sau cũng là người vô dụng, này Khưu nhị đệ! Chú hãy thiến cái bầu của tên ấy đi, đem làm lễ ra mắt quan Tri phủ.

Kê tử nhãn Khưu Thành gật đầu đi ra.

Ngay lúc đó, gia nhân vào bẩm báo:

-  Hiện có Tạo nguyệt bồng Trình Chí Viễn và Tây lộ hồ Hạ Ðông Phong về tới.

Ðiền Quốc Bổn bảo gia nhân mời vào. Gia nhân đi ra một lát, đưa hai người vào phòng. Một người mặc áo trắng, một người mặc áo lam nhạt bước vào đại sảnh. Hai bên chào hỏi nhau xong, Ðiền Quốc Bổn nói:

-  Trình hiền đệ, Hạ hiền đệ! Hai chú về đó à? Liệt huynh cảm phiền hai hiền đệ đến chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ ở Lâm An giết ráo Phương trượng, Tri khách, Giám tự... các chức sắc trong chùa, có được không?

Trình Chí Viễn, Hạ Ðông Phong nói:

-  Chuyện đó dễ ợt! Ðể chúng tôi đi ngay.

Ðiền Quốc Bổn nói:

-  Vậy thì được! Ðể ta cấp lộ phí cho hai chú đi nhé!

Hai người vừa bước ra thì Kê tử nhãn Khưu Thành tay xách một cái đầu người máu còn chảy ròng ròng, bước vào đại sảnh nói:

-  Thưa huynh trưởng! Anh xem tôi giết xong rồi đây!

Ðiến Quốc Bổn nói:

-  Chú gói lại cẩn thận rồi đem biếu quan Tri phủ.

Lôi Minh, Trần Lượng rình nghe rõ hết, nhưng không biết hắn ta biếu quan Tri phủ bằng cách nào. Trần Lượng nói:

-  Nhị ca! Chúng mình đi theo hắn đi!

Lôi Minh gật đầu.

Khưu Thành gói đầu lâu lại rồi thi triển thuật phi thiềm tẩu bích chạy về hướng Tam đường ở nha môn Tri phủ, treo cái đầu lâu trên đòn tay rồi bỏ đi. Lôi Minh, Trần Lượng thấy vậy mới đếm từ Ðông sang Tây, bao đầu lâu treo đúng ở đòn tay thứ 17. Lôi Minh nói:

-  Này lão tam! Chúng mình đem đầu lâu về treo ở trước cửa nhà Ðiền Quốc Bổn chơi.

Trần Lượng nói

-  Không cần đâu! Sư phụ bảo chúng ta phải ghi nhớ nằm lòng là thấy việc gì thì thấy, chớ đừng nên xía vào chuyện tầm ruồng! Thôi chúng mình về đi.

Hai người bèn trở về phòng trọ. Ngày kế, quan Tri phủ thức dậy, thấy trên đòn tay xà nhà treo lủng lẳng một cái bao, bèn kêu người đếm thử từ Ðông sang Tây đúng ở đòn tay thứ 17. Ðem xuống mở ra xem, trong gói là đầu lâu của người đàn ông, quan Tri phủ sợ đến mặt mày thất sắc.*

 

 

Hồi Thứ 110

 

Kê  tử  nhãn  đưa  lễ  vật  đầu  người

Trương Thái thú phái Ban đầu bắt giặc 

Quan Tri phủ Trương Hữu Ðức bảo người mở bao treo trên xà nhà ra xem, thấy là một đầu người liền nổ giận, lập tức sai người mời Tri huyện Tây An là Tăng đại lão gia đến. Tri huyện đến chào quan Thái thú rồi hỏi:

-  Ðại nhân cho người gọi ty chức đến, có điều chi dạy bảo?

-  Tối hôm qua, trong nha môn huyện đường có kẻ giặc treo một cái bao ở đòn tay Tam đường, trong bao là một cái đầu người còn rỉ máu. Tên giặc này thật là lớn mật. Xin quý huyện gấp rút phái người đi bắt hung thủ và điều tra xem người bị giết là ai, thi thể bị chôn giấu ở đâu?

Quan Tri huyện nghe nói, lật đật thưa:

-  Phải đấy! Xin đại nhân bớt nóng giận, ty chức sẽ phái người đi tìm bắt hung thủ ngay!

-  Quý huyện nên gấp rút lo việc này cho, phần bản phủ cũng phái người đi tập nã.

Quan Tri huyện gật đầu cáo từ trở về nha môn lập tức kêu bọn khoái ban là Lưu Xuân Thái, Lý Trùng Phước đến bảo:

-  Tri phủ lão gia ra lệnh: “Các ngươi nên mau đi bắt giặc cho ta! Bắt được ta sẽ thưởng 50 lượng bạc; còn bắt không được ta sẽ trách phạt nặng các ngươi đấy nhé!”.

Lưu Xuân Thái, Lý Tùng Phước gật đầu vâng lệnh, lập tức nhóm họp bọn thủ hạ mắt sáng tai nhanh cùng với ban đầu của phủ nha hội họp ở quán rượu phía Tây ở ngã tư đường để thương lượng việc lên án. Các vị quan nhơn đến tụ họp ở hậu đường của tửu điếm, các thủ hạ mới hỏi:

-  Ðây là án gì vậy?

Lưu Xuân Thái đáp:

     -  Hồi hôm ở Tam đường nha môn Tri phủ có kẻ treo một cái bọc đầu người trên cây đòn tay thứ 17 đếm từ Ðông sang Tây. Tri phủ lão gia nói: - Nếu biện được án thì thưởng cho 50 lượng bạc, còn biện không được thì xử phạt nặng.

Các thủ hạ nghe nói đều chau mày đáp:

-  Cái án này không dễ gì đâu!

Mọi người đương luận nghị lăng xăng, thì nghe ở cửa quán rượu có tiếng nói:

-  Cái bao đó chính ông treo ở đòn thứ 17 đếm từ Tây sang Ðông mà!

Lại có người nói:

-  Chớ không phải ông bảo tôi treo sao?

Các quan nhơn nghe nói ngạc nhiên quay lại, thì thấy từ bên ngoài bước vào một ông Hòa thượng kiếc cùng với hai người đều mặc đồ trắng, bốn chiếc giày bốn kiểu: 1 chiếc tăng hài há miệng, 1 chiếc sơn đông màu đen, 1 chiếc mũi nhọn, 1 chiếc dép đầu cong. Các Ban đầu nhìn thấy 3 người gồm 1 Tăng, 2 tục, tiếng nói khác miền, bèn sinh nghi. Vị tăng nhơn mới đến chẳng phải ai xa lạ mà chính là Tế Ðiên Hòa thượng dẫn theo hai vị Ban đầu Sài, Ðỗ. Tế Ðiên sau khi sai Lôi Minh, Trần Lượng từ huyện Thường Sơn đi rồi bèn trở về nhà Triệu viên ngoại. Hai vị Ban đầu Sài, Ðỗ đương lo ngay ngáy, thì vừa lúc Tế Ðiên trở về. Triệu viên ngoại hỏi:

-  Bạch Thyánh tăng! Ngài đi đâu vậy?

-  Ta đương ngồi đi tiêu, thấy một người đi đường để tiền từ trong áo rơi ra. Ta đi theo lượm tiền, theo lượm tới 8 dặm mới lâu vậy.

-  Chắc Thánh tăng lượm được nhiều lắm!

Ta lượm bao nhiêu bỏ vào túi bấy nhiêu. Lượm xong mò lại túi, thì quên cột dây lưng nên chẳng còn đồng nào!

Viên ngoại nghe nói cũng mắc tức cười, liền bảo gia nhân dọn rượu lên đãi và lưu thầy trò Tế Ðiên ở lại một ngày. Ngày hôm sau, Tế Ðiên định cáo từ, Triệu viên ngơại còn muốn giữ thêm nữa, nói:

-  Thánh tăng ở thêm mấy ngày nữa có hề chi!

-  Ta thiệt có việc mà!

Viên ngoại lấy ra 50 lượng bạc, nói:

-  Xin Thánh tăng đem cái này theo dọc đường uống rượu.

-  Không cần, không cần đâu! Ðem tiền theo chỉ cho nặng!

Sài đầu nói:

-  Sư phó không chịu đem tiền theo, lát nữa chúng ta ăn cơm ở trọ không tiền rồi làm sao? Theo tôi, nên lấy tiền.

Tế Ðiên nói:

-  Cầm tiền thì ông cầm nhé! Lấy cái bao bỏ vào gói cẩn thận.

Sài đầu gói tiền xong, Tế Ðiên hỏi:

-  Mấy ông muốn bắt Hoa Vân Long, mà mấy ông có tài gì không nè?

Sài đầu nói:

-  Tôi có tài phi thiềm tẩu bích.

Tế Ðiên nói:

-  Mấy ông đem gói tiền này treo ở đòn tay 17 đếm từ Tây qua Ðông. Nếu treo được, ta sẽ dẫn mấy ông đi bắt Hoa Vân Long.

Sài đầu nói:

-  Cái đó có khó chi!

-  Lập tức cầm gói tiền tung mình lên, một tay móc vào sườn nhà, một tay treo gói tiền lên đòn tay, Sài đẩu nói:

-  Sư phó! Người xem có phải là đúng ở đòn tay thứ 17 không?

Tế Ðiên nói:

-  Ừ, mình đi nhé!

Sài đầu nói:

-  Lấy gói tiền xuống chớ!

Tế Ðiên nói:

-  Ðừng làm chuyện xấu hổ vậy! Người ta có giao tình với ta rất hậu, lấy tiền người ta coi sao được? Thôi mình đi nè!

Sài đầu nghĩ: “Ông không sợ đói, bộ chúng tôi sợ sao?”. Tức giận không thèm nói nữa. Tế Ðiên cáo từ. Triệu viên ngoại đưa ra tới cổng. Tế Ðiên bèn dẫn hai vị Ban đầu ra khỏi Triệu gia trang, thẳng đến phủ Khúc Châu. Ði đến trước hai quán rượu, Tế Ðiên nói:

-  Chúng mình vào đây uống chút rượu nhé!

Sài đầu hỏi:

-  Vô quán uống rượu có tiền không?

Tế Ðiên nói:

-  Chính ông đã treo gói tiền đó ở trên đòn tay thứ 17 kể từ Tây sang Ðông rồi mà còn hỏi ta làm gỉ?

Sài đầu nói:

-  Chớ không phải ông biểu tôi treo sao!

Tế Ðiên nói:

-  Ta bảo ông treo à? Ðó là oan hồn không tan, thần sai quỷ khiến mới bảo ông treo như vậy.

Sài đầu nói:

-  Cái gì mà thần sai quỷ khiến?

Tế Ðiên nói;

-  Thôi vô đi!

Nói rồi bước vào quán rượu ngồi xuống kêu thức ăn.

    Lúc ấy, những quan nhơn ở phủ Tây An và ở phủ nha đều nhìn về Tế Ðiên. Ăn được tám phần no nê, Tế Ðiên lại nói:

-  Ông đem cái gói treo ở đòn tay thứ 17, lát nữa chắc không đi được đâu!

Sài đầu nói:

-  Chớ không phải ông biểu tôi treo à?

Lưu Xuân Thái càng nghe càng đúng, mới bước lại hỏi:

-  Này anh bạn! Cái gói treo trên đòn tay thứ 17 đếm từ Tây sang Ðông có phải của anh treo không?

Sài đầu đáp:

-  Chính tôi treo đấy!

Lưu Xuân Thái nói:

-  Phải rồi, án mạng này do anh gây ra đây!

Sài đầu vừa định phân trần, Tế Ðiên nói hớt:

-  Không cần phải nói! Án mạng hả? Mình khỏi trả tiền cơm.

Lưu Xuân Thái nói:

-  Tiền cơm để tôi trả cho.

Sài đầu cũng không thèm nói, vì biết rằng Tế Ðiên lập mẹo ăn không của người ta một bữa cơm. Ăn uống xong xuôi, tính tiền, thì ra Hòa thượng ăn hết 10 lượng lẻ 3 tiền. Lưu Xuân Thái nói:

-  Ðể đó tôi trả, mời ba vị đi theo tôi nhé!

Tế Ðiên đáp:

-  Ðược!

Mọi người cùng ra khỏi quán rượu, đến nha môn Tri phủ. Lưu Xuân Thái hỏi:

  -  Này anh bạn! Anh hãy nói đi, cái đầu người treo ở đòn tay thứ 17 nơi Tam đường là của ai bị giết vậy? Thi thể người đó bây giờ ở đâu?

Sài đầu nghe nói, hỏi:

-  Cái gì là đầu người, không phải  là đầu người? Tôi có biết gì đâu?

Lưu Xuân thái nói:

-  Hồi nãy ở quán rượu không phải anh nói sao? Cái gói treo ở đòn tay thứ 17 đếm từ Tây sang Ðông là của anh treo đó mà!

-  Ðúng vậy! Tôi nói cho anh biết, tôi họ Sài, tên là Sài Nguyên Lộc, còn anh kia là Ðỗ Chấn Anh. Chúng tôi là mã khoái ở phủ Lâm An, còn vị Hòa thượng này là Tế Công. Chúng tôi vâng lịnh dụ của Tần Thừa tướng và Triệu Thái thú đi biện án, bắt Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long. Hôm qua chúng tôi ở Triệu gia trang, sáng nay Tế Công hỏi chúng có tài năng gì mà định đi bắt Hoa Vân Long. Tôi nói: Biết phi thiềm tẩu bích. Tế Công mới kêu tôi gói 50 lượng bạc rồi đem treo lên cây đòn tay thứ 17 đếm từ Tây sang Ðông có được không? Gói ấy là của tôi treo, nhưng là gói tiền. nếu anh không tin thì xem Hải bộ công văn tôi đem theo đây nè!

Lưu Xuân Thái nghe nói nghĩ thầm: “Chà chà! Bữa cơm đó coi như tiêu rồi!”. Lật đật chạy vào bẩm báo. Quan Tri phủ hồi ở trong kinh có gặp Tế Ðiên, biết là một bậc Cao tăng, bèn dặn bảo gia nhân mời Tế Ðiên vào thư phòng. Tế Ðiên vào gặp quan Tri phủ, hai bên chào hỏi xong, quan Tri phủ hỏi:

-  Bạch Thánh tăng! Ngài từ đâu đến đây?

-  Ta nhận lời ủy thác của Tần Thừa tướng đem hai vị Ban đầu đi bắt Càn khôn đạo thử Hoa Vân Long. Tên giặc này lấy trộm vòng ngọc và mão phụng quan của Thừa tướng, giết người ở Thái Sơn lầu, tại am Ô Trúc vì gian dâm không thành mà giết thiếu phụ. Hiện nay hắn đang trốn tại địa phương của lão gia.

-  Ở đâu vậy?

-  Ở nhà của Trấn sơn báo Ðiền Quốc Bổn.

-  À ra thế! Từ khi tôi đến trấn nhiệm, các quan thuộc hạ nói với tôi: Ðịa phương này có một côn đồ thế lực rất mạnh là Ðiền Quốc Bổn. Hắn là thân thích của Thừa tướng, quan Tri phủ tiến nhiệm bị hắn ton tót mà phải bị đổi đi. Khi tôi mới đáo nhiệm, hắn có đến xin ra mắt một lần, tôi hỏi hắn là ai, được trả lời là dân ở địa phương. Tôi nói hắn là lê dân bách tính, không có quan chức chi, không lý nào vô cớ lại đến ra mắt. Vì vậy mà tôi không tiếp hắn. Sau đó trong nhà hắn báo lên có đường hầm chứa chấp khí giới, tôi cũng không biết là thiệt hay giả. Mới tối hôm qua đây, vô cớ mà trên đòn tay ở phòng Tam đường treo lủng lẳng một cái bao đầu người. Tôi nghĩ trong đó chắc có duyên cớ gì đây?

Tế Ðiên nói;

-  Không hề chi! Chỉ cần lão gia bắt được Ðiền Quốc bổn thì vụ án sẽ xong ngay. Nhưng có một điều là lão gia phái quan nhơn đi bắt sẽ bắt không được hắn đâu! Nhà của Ðiến Quốc Bổn san sát rất nhiều, bên ngoài hễ có báo hiệu thì như vẹt cỏ động rắn, bọn giặc sẽ chạy trốn hết. Lão gia hãy ngôi kiệu đi thăm hắn, Hòa thượng ta sẽ làm giả Ban đầu của lão gia, làm phép giữ bọn hắn lại mới có thể bắt được.

-  Thánh tăng giả làm Ban đầu được à?

-  Ðược chớ! Lão gia bảo đem y phục Ban đầu ra đây để ta mặc vào là được.

Quan huyện lập tức bảo đem nước ra cho Tế Ðiên rửa mặt. Rửa mặt xong, Tế Ðiên trở thành một người ngũ quan thanh tú, những vết đốm trên mặt không còn nữa. Ðoạn gói Tăng bào lại, đội khăn đoạn đen, mặc áo chẽn đen vào, cởi giày cỏ ra mang giày đế mỏng. Giả trang xong rồi, quan huyện nhìn thấy không khác vị Ban đầu chút nào. Lão gia cũng thay đổi quan phục, lên kiệu ra đi. Bọn Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh, Lưu Xuân Thái, Lý Tòng Phước và rất nhiều quan nhơn đi theo.

Quan huyện ngồi kiệu có đội dẹp đường và cờ xí võng lọng thanh la mở đường đi thẳng tới cổng nhà Ðiến Quốc Bổn. Bọn gia nhân vào báo tin. Lúc đó Ðiền Quốc Bổn đang ở đại sảnh nói chuyện với Khưu Thành, Dương Khánh và Hoa Vân Long, nghe gia nhân bẩm báo:

-  Hiện có quan Tri phủ đến thăm.

Ðiền Quốc Bổn nghe báo, ngạc nhiên nói:

-  Này các hiền đệ! Trước đây ta đến thăm quan Tri phủ mà ông ta không chịu tiếp, hôm nay vô cớ ông ấy đến thăm ta, e trong đó có điều gì man trá đây!

Khưu Thành nói:

-  Huynh trưởng không cần phải đa nghi! Ðại khái là trước đây quan Tri phủ không biết huynh trưởng có thân thích với Thừa tướng nên không chịu tiếp. Hôm nay, ông ấy đến đây là để tạ lỗi đó!

Ðiền Quốc Bổn nghe nói cũng có lý, bèn nói:

-  Hai vị hiền đệ hãy tạm lánh qua bên Ðông Tây phối phòng nhé! Nếu có động tĩnh gì, hai chú hãy ra tay trợ giúp. Còn Hoa nhị đệ hãy ra hoa viên kêu dọn rượu thịt để chú nhâm nhi, chờ ta gặp Tri phủ xem sao!

Mọi người gật đầu tản đi. Ðiền Quốc Bổn bấy giờ mới ra cửa tiếp quan tri phủ.*

 

- o0o -

Hồi thứ 101-105 | Mục Lục | Hồi thứ 111-115

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính: Diệu  Xuyến

Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

phan 4 phần 4 Hoa lặng vẻ 12 vấn đề xã hộidưới cái nhìn phật nhất thừa đạo Tập song cham lai di san hay rac di cung la ve đi cũng là về hạnh hướng phà Phà lẽ tang thu sanh tu Huy Sữa vach tran su that cua loi tien tri tan the gangnam Đọc bút ký của một nhà báo hiểu hơn Tiền suy tuy but hoa sen giua cho nhat ky hanh huong 5 tùy bút hoa sen giữa chợ nhật ký hành tự tánh di đà 6 Thức dong nhat ky dang suy ngam cua mot nguoi truoc luc tin tuc phat giao dòng nhật ký đáng suy ngẫm của một phật a di đà sơ lược tiểu sử ni trưởng thích nữ TrÃƒÆ chọn thử 雙手合十擺在胸口位置 niết bàn 1 say đắm nhất thời miên bao thi盻 Quảng Ninh Trang nghiêm giỗ Tổ Pháp Loa ngá thien su nhat hanh ly giai moi quan he giua tam thiền sư nhất hạnh lý giải mối quan