......... .

 

Tuệ Sỹ

 --- o0o --- 

 

LỊCH NGHIỆM KỲ CÙNG CUỘC LỮ

 

 

(……)

Đài Thành một thuở Thi Thơ

Xe Vàng còn mộng quanh tà áo Thu

Tóc Mai về, sương Ngô điểm mái

Thân tàn như cỏ dại bờ đê

Đăm đăm từ giã Kinh Kỳ

Lao đao thần tử miền quê lạc loài

(thơ của Lý Hạ) 

1.

Tống Huy Tông, Thiệu thánh nguyên niên, giáp tuất (1094), Ông 59 tuổi, bị đày xuống Huệ Châu

Năm trước, Ông đang giữ chức Đoan minh điện học sĩ kiêm Hàn lâm viện thị độc. Huy Tông vừa lên ngôi mà mầm họa lớn đã chớm nở tại triều đình. Lại thêm một lần muốn tránh tai vạ không lường, Ông xin ra làm thái thú Định Châu. Nhưng đến năm sau, bị giáng chức, phải đổi đi Anh châu; đi chưa đến nơi, bị cách chức tuốt luốt, đày xuống Huệ châu.

Bước ra đi, với người tiễn khách, thơ ông gửi Sâm Liêu Tử:

Mạc Ngôn Tây Thục vạn lý

Thả đáo Nam hoa nhất du

Phù bịnh giang biên tống khách

Trượng noa phố khẩu hồi đầu

 

Đường Tây Thục đã là hiểm trở

Miền Nam hoa một chuyến càng ghê

Người gượng bịnh bên dòng tiễn khách

Gậy cầm tay phố khẩu ngóng về. 

Ai đã từng đọc bài thơ “Đường vào đất Thục” của Lý Bạch, phải biết cái hiểm trở kinh người nó mang những sắc diện hãi hùng như thế nào. Thì đường đi Nam hoa của ông, thử một lần mới biết; với đường vào đất thục, mối kinh tâm động phách cũng ra ngoài tưởng tượng. Cuộc tiễn chân, ẩn chứa bi hùng trong nỗi trầm tư lữ thứ.

Tháng 6 năm đó, thuyền ông đỗ bến Kim lăng, gặp giông tố, lời thơ ông vọng về mấy người bạn xa xôi:

Kim nhật giang đầu thiên sắc ác

Pháo xa vân khởi phong dục tác

Độc vọng Chung sơn hoán Bảo công

Lam gian bạch tháp như cô hạc

Bảo công cốt lãnh hoán bất văn

….

Sắc trời như sụp xuống đầu sông. Xe bay mây trổi gió đùng đùng. Chỉ còn nước vọng về Chung sơn mà réo gọi Bảo công. Giữa rừng, nơi tháp trắng lẻ loi như cánh hạc; Bảo công xương lạnh, réo không nghe.

Rồi ngang qua Lô sơn, trời mây bỗng cuộn cuộn, như long lở núi. Ông kêu gọi thần linh yểm trợ:

Ngũ lão sỗ tùng tuyết

Song khê lạc thiên đàm

Tuy vân mặc đảo ứng

Cố hữu di văn tàm

Ngọn Ngũ lão, đã có lần chào đón ông trong phong vận tài tử, và những con suối từ cao đổ xuống trước kia chúng kiêu hùng cho tài hoa thưởng ngoạn. Bây giờ, trông xa xa, Lô sơn bỗng là những biến tượng đọa đày. Chân diện mục đã một lần như vén mở, nhưng vén mở rồi khép lại từ nào, mà trong bước đường Lữ thứ bây giờ, trời Lô sơn trở thành khổ luỵ nhân sinh đổ ào ào xuống.

Lại cái màu xanh biếc kia nữa. Màu xanh biếc của ngọn Nga mi, màu xanh trong phương trời đồng vọng quê hương thuở xưa. Trong những ngày đó, ngọn Nga Mi xanh biếc giữa bầu trời là tình tự đầm ấm của quê hương. Nhưng bây giờ, màu đó chợt một lần thoáng qua giấc mộng cũng đủ gây ra vô số đoạn trường:

Thanh khê điện chuyển thất vân tung

Mộng lý do kinh thúy tảo không

Suối trong sấm sét dậy, sụp đỉnh mây ngàn. Trong giấc mộng, mà còn kinh màu biếc giữa trời.

Cho đến tháng tám, ngày mồng 7, ông vào Cống châu, ngang qua thác Hoàng khủng. Thì nơi đây, thơ đột ngột hiện lên những lời của viễn mộng:

Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân

Thập bát than đầu nhất diệp thân

Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng

Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần

 

2.

Trên đường đi tới Huệ châu, ông gặp chùa Thiên trúc, ghé lại thăm, gặp bút tích của Lão Tô, ông làm thơ và tự viết lời dẫn:

“Tôi năm 12 tuổi, tiên quân từ Kiềng châu về nói với tôi rằng: Gần thành, trong  núi có chùa Thiên trúc, có bài thơ Bạch lạc Thiên tự tay viết:

Nhất sơn môn tác lưỡng sơn môn

Lưỡng tử nguyên tùng nhất tự phân

Đông giạn thủy lưu tây giạn thủy

Nam sơn vân khởi bắc sơn vân

Tiền đài hoa phát hậu đài kiến

thượng giới chung thanh hạ giới văn

Diêu tưởng ngô sư hành đạo xứ

Thiên hương quế tử lạc phân phân

“Bút thế kỳ dật, dấu vết như mới, nay đã 47 năm rồi.

“Tôi đến hỏi thăm, thì thơ đã mất, chỉ còn tấm đá khắc mà thôi. Ngậm ngùi nước mắt chảy, nên làm bài thơ đó”

Bài thơ ông như thế này:

Hương Sơn cư sĩ lưu di tích

Thiên trúc thiền tăng hữu cố gia

Không vịnh liên châu ngâm điệp bích

Dĩ vong phi điểu thất kinh xà

Lâm thâm dã quế hàn vô tử

Vũ ấp sơn khương bịnh hữu hoa

Tứ thập niên tiền chân nhất mộng

Thiên nhai lưu lạc thế hoành tà

香山居士留遺跡

天竺禪師有故家

空詠連珠吟疊璧,

已亡飛鳥失驚蛇。

林深野桂寒無子,

雨浥山薑病有花。

四十七年真一夢,

天涯流落淚橫斜

 

 

Hương sơn cư sĩ lưu di tích

Thiên trúc thiền sư có của nhà

Chuỗi hạt lần không, mòn vách đá

Chim ngàn biền biệt rắn chuồn xa

Mùa lạnh rừng sâu còn quế dại

Người đau mưa núi đượm gừng tra

Bốn bảy năm rồi như mộng ảo

Ven trời đổ lệ đọa đày xa 

Thơ như thế là đồng vọng của cõi đời trầm mặc. Nhưng tình thơ nồng đượm khôn cùng, cho nên những tiếng thì thầm của lịch sử tồn sinh ngân vang khúc đoạn trường khổ lụy. Rừng núi thâm u, tiếng lần chuỗi của thiền sư trong nỗi đời trầm lặng cô liêu mà cũng trở thành những tiếng vang dậy, thì cánh chim đang ngơ ngác cũng giật mình sửng sốt bay đi, và con rắn đang cuộn tròn trong hốc đá cũng hoảng sợ chuồn mất. Tiếng đó là tiếng gì mà nghe nó kì dị như thế, nếu không là âm hưởng trầm trọng của thảm họa hoành sinh tràn đầy trong cuộc Lữ, cuộc Lữ của tồn sinh mộng ảo?

 

3.

Từ Quảng Châu ra đi, còn cách Huệ Châu đất trích khoảng một trăm cây số nữa. Trên đường đi ngang qua La phù sơn. Trước thời nhà Đường, đất này trực thuộc Giao chỉ. Đời Đông Tấn, có Cát Hồng, tự xưng là Tiểu Cát Tiên ông, và tự hiệu là Bảo Phác Tử, nghe đồn Giao Chỉ có nhiều đan sa, nên dẫn gia đình đến đây để luyện đan. Ông ấy ngụ và chết luôn tại La Phù Sơn này, chưa nếm được tiên đan trường sanh bất tử. Theo lời chú của ông, thơ Lưu Mộng Đắc có kể, tại La phù, nửa đêm có thể thấy mặt trời, và ông cho là chuyện lạ. Núi có hai lầu đá, chùa Diên Tường ở lầu nam, động Chu Minh ở phía sau Xung hư quán, được coi là động trời thứ bảy của cõi Bồng lai. Sau quán Xung hư có đàn Triều đẩu, tức đàn ngắm sao, của Chu Minh chân nhân. Gần đàn, ông lượm được 6 con rồng bằng đồng và một con cá cũng bằng đồng. Trong núi có thiết kiều, tức cầu sắt, và thạch trụ; ông nói, ít ai đi tới những chỗ đó. Tuốt trong núi sâu, có khe suối, có con cọp câm đi tuần sơn thường lai vãng đó.

Tại đây, ông làm thơ:

Nhân gian hữu thử bạch ngọc kinh

La phù kiến nhật kê nhất minh

Nam lâu vị tất Tề nhật quán

Uất nghi tự dục triều Chu minh

Đông Pha chi sư Bảo Phác lão

Châu Khế tảo dĩ giao tiền sinh

Ngọc đường kim mã cửu lưu lạc

Thốn điền xích trạch kim qui canh

Đạo Hoa diệc thường đạm nhất tảo

Khế Hư chính dục cưu tam bành

Thiết Kiều thạch trụ liên không hoành

Trượng lê dục sấn phi nhu khinh

Vân khê dạ phùng ám hổ phục

Đẩu đàn trú xuất đồng long nanh

Tiểu nhi thiếu niên kỳ hữu chi

Trung tiêu khởi tọa tồn Huỳnh đình

Cận giả hí tác Lăng vân phú

Bút thế phảng phất Ly tao kinh

Phụ thơ tùng ngã cái qui khứ

Quần tiên chánh thảo tận cung minh

Nhữ ưng nô lệ Thái Thiếu Hà

Ngã diệc quí mạnh Sơn Huyền Khanh

Hoàn tu lược báo Lão Đồng Thúc

Doanh lương vạn lý tầm Sơ Bình

人间有此白玉京,

羅浮見日雞一鸣。

南楼未必齎日觀,

鬱儀自欲朝朱明。

東坡之師抱朴老,

真契蚤已交前生

玉堂金馬久流落,

寸田尺宅今歸耕。

道華亦嘗啖一棗,

契虚正欲仇三彭。
铁橋石柱連空横,

杖藜欲趁飛猱輕。

雲溪夜逢暗虎伏,

斗壇晝出铜龍獰。

小兒少年有奇志,

中宵起坐存黄庭。
近者戏作凌蕓賦,

筆勢髣艴籬騷經。
負蓍從我盍歸去,

群仙正草新宫铭。
汝應奴隸蔡少霞,

我亦季孟山玄卿。
還須略報老同叔,

赢糧萬里尋初平

Bài thơ kèm theo một số chú thích của chính ông. Ở đây, hãy ghi lại một ít chú thích đó:

Đạo Hoa: Đời Đường, đạo sĩ ở Vĩnh Lạc, tên Hầu Đạo Hoa, uống vụng thuốc tiên của Đặng Thiên Sư rồi trốn đi. Ở Vĩnh Lạc có thứ táo không hạc; chỉ một mình Đạo Hoa có chứ không ai có. Tôi (lời ông) ở Kỳ Hạ có lần ăn được một quả

Khế Hư: Tăng đời Đường. Khế Hư, gặp người dẫn chơi phủ tiên ở Trí Sơn; Chân nhân hỏi: “Ông tuyệt hết tam bành trong lòng chưa?”. Khế Hư không đáp được.

Tân cung minh: (lời chú này của riêng người soạn sách): Quần tiên mỗi khi dụng xong cung điện, cần phải có một bài minh, để ghi khắc. Chuyện nhà thơ Lý Hạ: Lý Hạ chết yểu (26 tuổi); nửa đêm về báo mộng cho mẹ, nói thượng giới vừa dựng xong một cung điện, thiếu người viết bài minh, nên Ngọc đế sai người xuống trần triệu Lý Hạ lên

Thái Thiếu Hà (lời chú của ông): Đời Đường, có người nằm mộng thấy viết bài thấy viết bài Tân cung minh, nói: Tử Dương Chân nhân Sơ Huyền Khanh, đại lược:

Lương thường Tây lộc

Nguyên trạch Đông tiết

Tân cung hoằng hoằng

Sùng hiên nghiệt nghiệt

Lại có Thái Thiếu Hà mộng người sai viết bia, đại lược: “Công tích thừa ngư xa, kim lý thụy vân, xúc không ngưỡng đồ, ỷ lạc luân khôn”. Dưới hết đề: ngũ vân thư các Thái Thiếu Hà thư.

Đồng Thúc: ông tự chú: Tử Do còn có tự là Đồng Thúc. 

Nhân gian sao có kinh bạch ngọc

Phù sơn canh ba thấy mặt trời

lầu nam chưa chắc quán Tề nhật (cao bằng mặt trời)

Khúm núm như muốn chầy Chu minh

Thầy Đông Pha là lão Bảo Phác

Chân Khế là bạn giao du đời trước

Nhà vàng của ngọc lưu lạc từ xưa

Tấc vườn Đạo Hoa đã từng thưởng thức

Tam bành Khế Hư ruột vẫn đeo mang

 

Cầu sắt trụ đá kéo bắc ngang không

Lê cao nghều nghệu muốn leo như khỉ

Đêm gặp cọp rình nơi suối Vân Khê

Ngày bắt nanh rồng trước đàn Triều đẩu

 

Trẻ con nhỏ tuổi có chi lạ

Nửa đêm dậy đọc kinh Huỳnh đình

Vừa rồi làm chơi bài Lăng vân phú

Bút thế từa tựa Ly tao kinh

Cắp sách theo ta về nhà gấp

Quần tiên đang thảo Tân cung minh

Mi làm đày tớ Thái Thiếu Hà

Ta cũng xấp xỉ Sơn Huyền Khanh

Lại đến tin sơ chú  Đồng Thúc

Chứa lương vạn dặm tìm Sơ Bình

 

4.

Ngày 2 tháng 10 năm đó, giáp tuất (1094) ông đến Huệ Châu. Cảnh vật trông quen thuộc như từng đã thấy một lần đâu đó, trong mộng. Đến đây thì Tô Vũ cũng sẽ nguyện suốt đời chăn dê, không mong trở về Bắc mạc nữa. Và Quảng Ninh cũng sẽ vĩnh viễn ẩn thân nơi cõi Liêu đông, không bao giờ trở vào lục địa chen chân với đời.

Phảng phất tằng du khởi mộng trung

Hân nhiên kê khuyển thức tân phong

Lại dân kinh quái tọa hà sự

Phụ lão tương huể nghinh thử ông

Tô Vũ khởi tri hoàn Mạc bắc

Quản Ninh tự dục lão Liêu đông

Lĩnh nam vân hộ giai xuân sắc

Hội hữu u nhân khách ngụ công

 

Phảng phất từng quen há mộng ư?

Chó gào ríu rít đến chào ta

Lại dân lạ hỏi chuyện gì thế?

Phụ lão dìu nhau đón lão già

Tô Vũ nào mong về Bắc mạc

Quản Ninh từ nguyện cõi Liêu xa

Lĩnh nam đây rượu vui ngày tháng

Đất trích nhà quan đợi tuổi già.

Cuộc Lữ từ đây cứ cho đi vào cõi mộng không lời. Khách Lữ thứ chọn đất trích làm quê hương. Những gì còn đồng vọng, là những tiếng đồng vọng ngoài kia, của mây phương trời viễn mộng.

 

5.

Bây giờ đã thấy lại cảnh trăng non, và cây ngô đồng thưa lá. Cõi thơ không nằm nguyên ở đó nữa. Chúng vẫn phơi trần ra đó, chịu đựng tuyết sương băng giá của ngày tháng phiêu du, nhưng âm vang của chúng đồng vọng ở ngoài kia, ngoài những ven trời vạn dặm; ngoài đó là những cánh chim hồng, lẻ loi, và bay bổng giữa mấy triệu phương trời lồng lộng. Từ cõi mộng đơn sơ, đến cái cõi của đọa đày viễn mộng, có hố thẳm tuyệt mù, chơi vơi không đáy. Bên này và bên kia, được nối liền bằng một chiếc cầu độc mộc cheo leo. Làm sao để đi qua, và đi lại, bằng hai chân nặng trĩu của hạng phàm phu tực tử? Một cuộc lữ hành như thế, phải trải qua biết bao là gian khổ, dù nơi đi và chỗ đến chỉ cách nhau trong một móng tâm. Đọa đày viễn mộng là ở chỗ đó ư? Nhưng so lại là đọa đày viễn mộng? Phải chăng tiếng đó chỉ mới vang dội, từ khi một lão đại thần, lôi thôi thê tử, khúm núm dắt nhau chịu đày ải đi về những vùng cùng cực của Nam hoa, hay đi vào tận chốn sơn cùng lộ tuyệt của một đời sống chết? Bơ vơ nơi khách địa, thì tình cố quận và tình tha hương, cả hai đều thắm thiết. Nhưng cố quận thì đâu không là cố quận, và tha hương thì nơi nào lại chẳng phải là tha hương. Đứng bên này mà vọng đến bên kia, con mắt cứ mỏi mòn trông đợi. Thế là lao tâm khổ tứ, là quằn quại hình hài. Nơi ngọc đường kim mã, mộng bình sinh đã cực đỉnh tang bồng. Nói năng thì như gươm Tần xẻ tóc, và rũ hai tay xuống thì lịch sử trào ra. Đẩy một vạn người bước tới, kéo một vạn người bước lui. Lên núi thì núi rừng cũng biến thành biển lửa. Đưa con mắt hùng thị bốn phương trời, bỗng thấy nước lũ Trường Giang đổ xuống:

Giang sơn như họa

Một thời hào kiệt anh hùng

Ngọc đường kim mã bỗng vang lên những tiếng gào thét đoạn trường. Chim hồng giật mình tung cách bay cao. Biết nơi nào là cố quận, nơi nào là tha hương, để chim hồng đậu lại:

Trạch tận hàn chi bất khẳng thê

Tịch mịch sa châu lãnh

Đường ra đi, qua trăng ngàn, qua gió bãi, mây vần vũ, núi non sụp xuống, nắng chiều đỏ như máu. Đau khổ, kinh hoàng, nên kêu réo, nên ngậm ngùi, và uất hận.

Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng

Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần.

Đất khách là mười tám cái ghềnh thác kinh hoàng đổ xuống. Nhưng đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương với ân tình thắm thiết kia mới thực là đọa đày viễn mộng:

Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng

Đất tên Hoàng khủng lệ khóc cô thần

Trên đường vào Nam, ngang qua chùa Nam hoa, ông ghé lại chùa và làm thơ:

Ngã bản tu hành nhân

Tam thế tích tinh luyện

Trung gian nhất niệm thất

Thọ thử bách niên khiển

Khu y lễ Chân Tướng

Cảm động lệ vũ tản

Tá sư tích đoan tuyền

Tẩy ngã ỷ ngữ nghiễn

 

Ta vốn người tu hành

Ba đời dày tu luyện

Nửa chừng một niệm hư

Trăm năm đày đọa khiến

Xốc áo lễ Chân Tướng

Cảm động lệ mưa tuôn

Ngọn suối đầu gậy sư

Xin rửa nghiên ỷ ngữ

Ông nói mượn dòng suối trên đầu gậy Thiền của sư, để rửa sạch cái nghiên mực ỷ ngữ, nói láo hay nói thêu dệt, của ông. Nhưng, ông ỷ ngữ như thế nào? Ông làm thơ, lời thơ ông thanh cao thần thánh. Ông làm quan thì lời quan của ông bộc trực thanh liêm. Đó là những lời nói đẹp đẽ; vì đẹp nên là ỷ ngữ ư? Có thể như thế, và chắc chắn không là như thế. Nhưng, ông làm quan thì lời quan nó đày đọa đời quan của ông. Ông làm thơ thì lời thơ nó đày đọa trời thơ của ông. Lời thơ của ông thì những là… Hỉ hoan lao viễn mộng. Lời quan của ông thì những là… Hoàng khủng khấp cô thần. Cả hai cùng đày đọa thân và tâm của ông. Nếu rửa sạch những thứ đó đi, chắc gì đã không là một cõi đọa đày khác nữa:

Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ

Thượng hiềm thế phát hữu thi ban

Tâm thiền không lời, cái đó ông hâm mộ rồi. Nó cũng trong phương trời viễn mộng của ông. Nhưng Đạo Thơ có lời, cũng là phương trời viễn mộng của ông. Không phải ông bị đày đọa vì bị ray rứt giữa hai đường. Cái đó dành cho tục tử, chứ không hề có nơi cốt cách cao kỳ tuyệt diệu như ông. Nhưng cả hai cái đó, thắt chặt rồi buông lơi, như một cuộc giao tình đến để rồi đi; cả hai đưa nhau, đẩy nhau, đưa đẩy mãi lên mấy từng trời cao diệu, trên những phương trời viễn mộng; đưa đẩy nhau cho đến cùng tuyệt càn khôn, trong bất động, trong vô ngôn; trong phương trời đọa đày viễn mộng. Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng đó cũng đơn sơ như cõi mộng ban đầu; ban đầu từ một gương mặt trong ngọc trắng ngà không son phấn, rã cánh hồng mà nụ vẫn còn tươi, cho tình lên cao vút với mây trời trong nắng sớm:

Tố diện thường hiềm phấn uyển

Tẩy trang bất thốn tàn hồng

Cao tình dĩ trục hiểu vân không

Bất dữ lê hoa đồng mộng

Sau hết, và như là bắt đầu, thấy lại nó đơn sơ như mảnh trăng non và như cây ngô đồng thưa lá.

Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim nhạn, một cánh chim hồng ngoài ven trời vạn dặm

 

 

--- o0o --- 
 

Mục Lục | Phần1-1 | Phần 1-2

Phần 2-1 | Phần 2-2 | Phần 2-3 | Phần 2-4 | Phần 3

 

--- o0o --- 
 

Vi tính và trình bày:  Nhị Tường

Cập nhật: 01-10-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Một tư liệu về cố gắng cải đạo 66 cau phat hoc cho doi song them hanh phuc 66 câu phật học cho đời sống thêm y nghia cua bo thi va tu thien ý nghĩa của bố thí và từ thiện thuc vÃ Æ quan bat tinh 9 yếu tố khiến bạn sống không hạnh má³ Sinh tố dưa hấu nhung dieu phat tu da ket hon va chuan bi ket hoc cach giu lua cho tinh yeu va hon nhan cười và hạnh phúc trong cơn lốc khủng Sóng giac dai thua dieu phap lien hoa kinh Bác sĩ trải nghiệm thiền cùng Đức Những đức hạnh lý tưởng của người thu lÃ Æ 28 28 ma bodhidharma 五痛五燒意思 妙蓮老和尚 願力的故事 放下凡夫心 故事 dấu chẠm Tưởng niệm húy nhật lần thứ 28 bán 16 bai thien quan tu niem xu sức 19 tổ cưu đa kumarata đa kumarata 19 vụ chủ song mai tho truyen 1905 Nếu bạn yêu Sài Gòn nhan thuc co ban ve phat tản văn mới của tác giả cái sân vuông 観世音菩薩普門品偈 Ngày buÓn những