...... ... .

 

VỤ ÁN MỘT NGƯỜI TU

Viên Giác, 1995

 

Thích Như Điển

---o0o---

 

Phần 2

CHƯƠNG SÁU 

CHỮ TÀI 

Mấy câu cuối của truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du đã dịch lại văn xuôi truyện "Thanh Tâm Tài Tử " vào đời nhà Minh bên Tàu thuộc thế kỷ thứ 15 nghĩ cho cùng cũng thấm thía:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa

Thiện căn vốn tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Sư Tịnh Thường cứ ngâm đi ngâm lại 4 câu thơ nầy mãi và ra chiều đắc ý lắm. Sư tự nhủ lấy mình rằng: chữ tình mình đã trải qua, tuy chưa sóng gió lắm, chẳng qua vì nghiệp lực của mình còn nhẹ nên mới dừng ở đây thôi và cách hay nhứt là mình phải tìm cách thoát ly nó. Nhưng tiền thì sao? Tìm đâu ra để thoát ly đây.

Sư lo nghĩ nát óc; nhưng chăng có một phương kế diệu dụng nào. Một hôm nọ Sư tìm đến Sư huynh Tịnh Đạo để xin hiến kế.

- Thưa Sư huynh! Bây giờ phải tính sao đây?

- Có gì đâu mà tính. Cô Duyên đã sẵn sàng đủ cả rồi, đã chuẩn bị cho Sư đệ đầy đủ tiền bạc và ngay cả hột xoàn nữa, để làm kế hộ thân.

- Nhưng người tu đâu cần những thứ ấy.

- Đúng vậy! Nhưng đệ phải luôn nghĩ rằng nó chỉ là phương tiện thôi chứ không phải là cứu cánh đâu nhé. Lần nầy nếu trót lọt được, chỉ có một mình đệ ở nơi phương trời xa lạ ấy, còn huynh và những người chung quanh không có ai cận kề đâu. Hãy tự quyết định lấy.

 Thế là ngày xuống bến cũng đã đến. Sư Tịnh Thường cũng chẳng biết tại sao mình phải ra đi. Ra đi để trốn Duyên, để trốn xã hội đương thời đang vây bủa cuộc sống tinh thần của người Tăng sĩ, hay ra đi để trốn tránh chính mình?

Có lẽ cả 3 đều có lý; nhưng cả 3 cũng không có lý chút nào khi câu chuyện chấm dứt tại đây.

Cái may của Sư là khi thuyền nhỏ ra khơi đã được tàu lớn vớt lên liền. Sư và một số người khác đã được vớt vào đảo và ở đó Sư Tịnh Thường hay sinh hoạt chung với các bạn trẻ trong những giờ văn nghệ cũng như gia chánh. Sư có biệt tài kể chuyện rất hay. Câu chuyện đó dầu là một câu chuyện vô ý vị; nhưng Sư có thể kể hàng giờ mà người nghe không thấy chán. Quả là Sư có biệt tài, nhiều người trẻ đã thán phục Sư như thế. Ngoài ra Sư có tài nấu chay rất giỏi, phải nói rằng chưa có mội người đàn bà nào nấu chay ngon hơn Sư đâu.

Đó là chưa kể Sư hay nhại những bài cải lương, vọng cổ có vẻ tục lụy ngoài đời thành 6 câu vọng cổ theo ý đạo và chính Sư tự đánh đàn, tự ca cũng muồi mẫn lắm chứ.

Một hôm Sư thổ lộ cho Sinh, một người Phật Tử vượt biên ở chung khu trại với Sư rằng: Sở dĩ mà Sư đi được là nhờ có một nữ tín chủ giúp đỡ tiền bạc. Hiện tại Sư còn mang theo đây mấy cây vàng và mấy hột xoàn, cũng như mấy chiếc cà rá nữa.

Sinh nghe bùi tai quá, dĩ nhiên không phải có ý tham lam; nhưng Sinh muốn xem cho tận mắt thử cây vàng như thế nào và hột xoàn ra sao. Sinh thưa Sư:

- Bạch Sư! Sư có thể cho con xem cây vàng ra sao không Sư?

- Chỉ có con mới được đó nghe! Đặc biệt lắm đó. Đây nè! Một cây vàng gồm có 2 miếng lớn và 1 miếng nhỏ, nên gọi là Một Cây. Đây là vàng thiết đó.

Còn đây là hột xoàn nầy. Loại nầy hiếm lắm, tới 6 ly đó. Những loại nầy Sư cẩn thận cất giữ nơi chéo quần trong của Sư, vì nơi trại tạn nầy có nhiều vấn đề quá.

Sinh sau khi xem được những đồ quý báu ấy của Sư thì vui vẻ và đôi khi có dịp lại hay đi khoe khoang với chúng bạn là Sư có tài kể chuyện hay, Sư đàn hát giời và Sư có nhiều của quý báu nữa.

Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, nên cuối cùng rồi cả trại tạn ai ai cũng biết cả; nhưng vì họ nghĩ Sư là một người tu nên cũng im hơi lặng tiếng, không có ý kiến gì thêm về việc nầy. Thỉnh thoảng Su cũng đem những món đồ quý giá kia săm sua và dọ ý hỏi một số người về giá trị món hàng ấy nếu tính ra bằng đô-la là bao nhiêu chẳng hạn – Người khen tốt, kẻ chê xấu, loạn cả lên, Sư cũng chẳng biết đâu mà lường.

Có một điều Sư không lường được. Đó là tai họa về sau nầy làm cho Sư phải vào tù ra tội cũng chính vàng, hột xoàn, kim cương nầy là thủ phạm. Bởi vậy ngày xưa Phật đã dạy: "Vàng bạc và sắc đẹp là con rắn độc" quả chẳng ngoa chút nào.

Sắc đẹp, Sư đã vấp phải. Tuy chưa bị nó cắn xé; nhưng tâm tư của Sư có hồi cũng đã thất điên bát đảo. Nhớ lại ngày nào nếu không có Sư huynh Tịnh Đạo giúp đỡ thì Sư cũng đã sa vào vũng lầy tội lỗi rồi. Còn bây giờ tiền bạc ở cõi xa xăm đơn chiếc nầy quả là điều cần thiết, Sư đâu muốn buông xả nó. Nếu Sư buông xả thì cuộc đời còn lại của Sư phải tính sao đây? Ở đây đâu có đi khất thực được. Vả lại "đèn nhà ai nấy sáng" mà. Vì thế Sư cứ ôm giữ vàng bạc và đá quý trong người chẳng nào khác Sư ôm chặt một con rắn độc, nào đâu có biết. Nhiều khi Sư tự nghĩ: Phật dạy điều ấy đúng; nhưng chỉ đúng với thời xưa. Còn bây giờ thì cần phải xét lại. Vì mỗi một thời kỳ khác hẳn nhau mà.

Tuy Sư biết vậy; nhưng thấy lý luận của mình cũng có thể tự biện minh cho vấn đề của mình đã đặt ra được, nên cũng cảm thấy an tâm. Nhiều đêm thức giấc, Sư mơ màng thấy những vật quý kia bị đánh cắp, Sư la hoán lên, làm cho mọi người bên cạnh thức giấc bàng hoàng.

 Ngày lại tháng qua Sư lại được một nước thứ 3 của Âu Châu bốc Sư đến đây để định cư và chính nơi đây Sư bắt đầu chinh phục mọi người về với mục tiêu của Sư như đã dự định.

 

CHƯƠNG BẢY

THI THỐ TÀI NĂNG 

Khi đến với xã hội văn minh Tây phương, Sư Tịnh Thường điều đầu tiên là làm quen với khí hậu và ngôn ngữ. Ở đây 2 điều nầy bất cứ một người tạn Việt Nam nào cũng phải đương đầu với nó. Một là giỏi, hai là dở. Cũng có loại lưng chừng; nhưng trường hợp nầy cũng ít lắm.

Đôi khi ngồi trong phòng nhìn ra từ cửa sổ nhân một lúc tuyết rơi vào mùa đông giá lạnh, Sư cảm thấy nhung nhớ bạn đạo của mình, người đã cưu mang mình không biết bao nhiêu thứ nên Sư Tịnh Thường đã viết thư về Việt Nam kể lại như sau:

"Quê hương thứ hai, ngày… tháng… năm…

Sư huynh Tịnh Đạo thân mến,

Lâu quá không viết thư về thăm Sư, không biết Sư huynh và các huynh đệ khác cũng như chùa mình có gì thay đổi không? Hôm nay có vài việc vui buồn lẫn lộn, đệ biên về cho huynh đây. Mong huynh đọc và hồi âm cho đệ để đọc cho đỡ nhớ nhung.

Khi mới tới đây, cái gì cũng lạ cả, lạ từ cái ăn, cái nói, cái chào, cái hỏi, cúi cử chỉ v.v… khiến cho một người tu như đệ cảm thấy khó chịu lạ thường. Ví dụ như ở đây họ ít ăn cơm, mà ăn toàn là bánh mì, uống toàn bằng sữa bò. Rau cải thì rất ít; nhưng thịt cá thì ê hề. Ở đây đâu có chế độ đi khất thực như ở Việt Nam mình. Vì mỗi tháng họ đã cho đủ tiền ăn tiêu rồi, mình phải tự nấu lấy. Đôi khi đệ kêu tụi nhỏ Phật Tử đủ loại đến chơi vào cuối tuần rồi bày đặt nấu nướng và cúng quải cho vui. Chùa chiền ở đây cũng chẳng thấy, chỉ thấy toàn là nhà thờ.

Một hôm đệ cảm thấy nhớ nhung cuộc sống của Du Tăng Khất Sĩ mình quá, nên đệ bố thí một sốt Phật Tử thanh niên đi ra ngoài phố chờ sẵn ở gần vài ba cửa tiệm. Còn đệ thì y áo chỉnh tề, chân không, hai tay mang bình bát vào thành khất thực. Vì tụi nhỏ đã thủ sẵn mọi thứ đồ, nên chỉ đi trong vòng nửa tiếng đồng hồ là đầy bình, mang muốn không nổi, đâu phải đi lâu như ở quê mình.

Mọi người dân địa phương tò mò đến dòm. Có nhiều em giỏi tiếng địa phương đứng ra giải thích; nhưng có người nhún vai, có kẻ nói thêm vài câu gì đó, bọn nhỏ cũng không hiểu hết trọn câu. Thế là Thầy trò, sư đệ kéo về lại trại t nạn, đến trước bàn Phật trong phòng đệ để tụng một thời kinh rồi bày ra ăn uống. Tất cả đều vui vẻ cả làng.

Chỉ có ngặt một điều, tụi nhỏ nầy cũng không thuần giống nên kinh kệ nào cũng chẳng thuộc, Đại Thừa cũng không biết, Tiểu Thừa cũng không rành. Còn kinh của chúng ta, tạm gọi là "Trung Thừa" đi, các Phật Tử nhỏ nhỏ nầy lại càng mù tịt. Đệ biết phải làm sao đây? Nhưng không sao! Đệ đã có cách, thế nào rồi Sư huynh cũng sẽ nhận được tin tức từ đệ về việc nầy.

Đó là chuyện ăn, chuyện đi hóa đạo. Bây giờ đệ kể cho huynh nghe về chuyện học và chuyện giao tế bên ngoài nghe.

Cái ngôn ngữ gì mà nó khó nuốt muốn chết. Học chữ đầu quên chữ đuôi, được chữ giữa quên tuốt cả hai đầu. Uốn cái lưỡi bên nầy, dẹo cái cổ bên kia, mỏi cái miệng muốn chết, thế mà khi về nhà rồi vất cái vở là ai nấy đều lo bu đến bên truyền hình, thế là xong. Mặc dầu xem truyền hình cũng chẳng hiểu gì cả; nhưng ít ra có một ít hình ảnh cũng đỡ chán đi. Tụi nhỏ khi nào xem hình, xem cảnh chán thì nghe nhạc, lúc ấy thì đệ rút về phòng để làm một vài công việc nhặt nhạnh khác. Ví dụ như chuẩn bị kho một bát tương cho thật thấm thía, tìm một miếng đậu hủ cho thật tươi hay qua bà nhà bên cạnh mượng ít bột ngọt chẳng hạn, để tụi nhỏ xem Tivi xong rồi là mình có món chay đãi tụi nó, vì thế tụi nó hay lui tới với đệ đều đều.

Ăn xong rồi thì nghe kể chuyện. Đủ mọi đề tài. Thường thì đệ hay kể cho chúng nó nghe về chuyện đạo để biết đâu trong bọn chún sau nầy sẽ có một vài đứa đi tu để hạt giống Phật không mất mát.

Còn câu chuyện vui vui đệ đã kể cho tụi nó nghe, hôm nay xin kể cho Sư huynh nghe tiếp vậy. Ở đây ông già bà cả sống cô dơn lắm, nên họ thường hay nuôi chó, dắt mèo đi khắp đường phố, không phải như ở quê mình đâu, để chó mèo chạy lung tung không có chủ.

Đã già 70 hay 80 tuổi gì đó nhưng còn tình tứ lắm, hai ông bà đi cận kề nhau ra trò tâm đắc lắm, lại còn dắt tay nhau nữa chứ, điệu nầy ở quê hương mình chắc họ cười lắm đó và bảo rằng "già mà còn bày đặt", còn ở đây, đó là chuyện thường Sư huynh ơi. Hai ông bà ấy vào tiệm bán thực phầm mua đồ, để con chó ngoài trời kêu la inh ỏi, rồi từ từ đi vào tiệm mua đồ. Trong ấy cũng đã có sẵn một vài người Việt Nam đang đứng đang săm sua chỗ mấy lon đồ hộp có vẽ hình con chó, con bò, con mèo và xem hộp nào thấy cũng rẻ, vì thế cho nên có kẻ đã mua về đánh chén, vì không rành ngôn ngữ, sau nầy mới biết ra là đồ ăn ấy để dành cho chó và mèo chứ đâu phải cho người.

Rồi hai người Việt Nam đi ra, sắp hàng để trả tiền, hai ông bà già kia đi trước. Bên nầy hấp tấp làm sao đó đẩy xe trúng hai ông bà già và cố ý xin lỗi bằng tiếng địa phương, nhưng khi nói ra thành tiếng cảm ơn, chứ không phải xin lỗi. Ông bà ngoái lại nhìn. Ông thì phớt tỉnh Ăng-lê, còn bà thì nhếch miệng cười, còn người bán hàng thì trừng mắt. Ý bà ta bảo rằng tại sao không xin lỗi, mà lại cảm ơn. Cuối cùng rồi cũng huề cả làng. Vì dân tạn mà l/p>

Còn khí hậu ở đây thôi khỏi nói. Mỗi năm chỉ có mấy tháng có mặt trời, còn bao nhiêu là âm u, mù tịt chẳng biết khi nào là ngày, khi nào là đêm cả, nếu không có đồng hồ. Đi ra đường vào mùa đông thì phải trùm đầu, quấn cổ, rịt mình, mang giày, mang vớ, trông như một con nộm nhồi bông. Nếu huynh ở đây mà xem cách ăn mặc nầy chắc huynh sẽ la oai oải là phạm giới, phạm luật. May mà ở đây họ còn có bán đậu hủ, tương chao, nếu không, chắc đệ cũng phải ngã mặn mất, lúc ấy phải "ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?"

Chuyện thì còn nhiều lắm và dài lắm, viết hoài không hết, kể hoài không chán, không biết huynh muốn nghe chuyện gì? Thôi hẹn thư sau, đệ sẽ viết về những cái hay cái đẹp của xứ người để huynh đọc cho vui. Bây giờ xin cho đệ dừng bút và không quên cầu chúc huynh vui vẻ, hăng say và gặp nhiều thiện duyên trong cuộc sống hằng ngày".

Kính thư

Bần đệ

Khoảng 3 tuần sau thì ở Việt Nam Sư Tịnh Đạo đã nhận được thư, sau khi đọc xong Sư đi khoe khắp chùa, cùng xóm. Cuối cùng rồi ai cũng biết. Duy có một điều, có người con gái mang tên Duyên, nàng cũng cố ý lắng tai nghe thử Sư có đề cập gì đến mình chăng, cuối cùng rồi cũng chẳng thấy. Ngàn cũng không có vẻ buồn giận gì, nhưng ngụ ý của nàng muốn làm sao tìm được địa chỉ của Sư để viết thư tâm sự. Bây giờ không phải chuyện tình nữa, mà nàng sẽ kể cho Sư nghe về bao nhiêu chuyện đang xảy ra tại quê hương nầy, nhất là từ lúc không còn Sư ở đây nữa.

Sau khi xem thư của Sư Tịnh Thường xong, có người khen, kẻ chê, mỗi người mỗi ý. Có vậy mà cũng đòi ra ngoại quốc làm gì? tốn tiền của. Có tai như điếc, có mắt như đui, có miệng như câm… Nhưng có người cũng tự bênh vực lại cho lập luận đó. Thì đã có sao đâu, thời gian qua đi thì cái gì cũng sẽ trở về với nề nếp của nó. Ví dụ như khí hậu, phong tục, tập quán, ngôn ngữ v.v… rồi cũng quen dần đi thôi.

Trong thời gian ấy Sư Tịnh Thường tìm hiểu thêm về đời sống của người địa phương tại đây cũng như tìm hiểu về cách sinh hoạt của một số chùa chiền khác mà Sư có ý lâu nay là sẽ đến đó để ở chung, hoặc lo tự lập cho tông phái của mình. Sau một thời gian nghiên cứu, Sư thấy khó quá, tín đồ của Phật Giáo Du Tăng Khất Sĩ quá ít, nên Sư hội nhập về giáo phái Đại Thừa trong cách ăn mặc cho đễ bề hành đạo. Bây giờ Sư không còn ăn một ngày một bữa nữa, mà là 3. Sư không còn đắp y nữa mà là mặc áo nhựt bình, cố ý chinh phục đám tín đồ hỗn tạp nầy một cách có hệ thống. Nhưng cuối cùng rồi Sư cũng không thực hiện được. Vì lẽ Sư chỉ có thể thích hợp được một số ít nào đó thôi. Phần lớn họ là người đã có gốc gác và đa số là thành phần trí thức, là cựu sinh viên đã đi du học trước năm 1975. Đối với từng lớp nầy, dù Sư có cho họ ăn ngon, kể chuyện thật hay đi chẳng nữa, nhưng khi đi sâu vào vấn đề Sư không đả thông hết cho họ, bên ngoài thì họ cố gắng mô Phật cho đẹp lòng Sư; nhưng với tài đức của Sư chưa đủ để cho họ thán phục mà đứng hẳn về phía mình.

Sau một thời gian khổ công nhọc sức nhưng Sư đã quá mỏi mệt, tiếng tăm không thông, đó là sự khó khăn lúc giao tế. Ngôn ngữ không rành là điều khó khăn lúc giao tế. Ngôn ngữ không rành là điều khổ nạn vô cùng. Khí hậu rồi dần dà mình cũng có thể làm quen đi; nhưng ngôn ngữ chỉ nói tiếng bồi không thì ức quá.

Một hôm sau giờ học, Sư nhận được một lá thư từ Việt Nam gởi tới. Nhìn bì thư và giấy viết thư thấy xấu xa thậm tệ. Sư liếc mắt thấy mấy chữ bên góc trái lá thư đề người gởi: Trần Thị Diệu Duyên… Sóc Tăng… Sư đăm chiêu mang thư về phòng đọc.

Đọc xong thư Sư thở phào nhẹ nhõm, cái nhẹ nhõm ấy lâu nay Sư chưa bao giờ có được, vì ngôn ngữ và khí hậu là hai cái khó nó bó cái khôn của Sư. Bây giờ có thư của Duyên như là một cái phao cứu tử. Trong thư ấy Duyên đã nói gì, xem xong Sư xé bỏ, chỉ có một điều là thấy Sư vui hơn và đang ở trong trạng thái lo lắng xa xăm. Kẻ đoán già, người đoán non, cuối cùng rồi Sư cũng đã tụ tập tụi nhỏ thân thiện trong trại về phòng để dặn dò.

"Sư nói cho tụi con biết nghe! Rồi đây Sư sẽ rời trại nầy! đi về một phương trời vô định. Ở đó Sư sẽ có đầy đủ điều kiện để sinh hoạt hơn, ví dụ như môi trường sống, ngoại cảnh v.v… Ở đó Sư sẽ không lạc lõng nữa, vì Sư chỉ xử dụng toàn bằng tiếng Việt và cũng tại đó Sư sẽ thực hành hạnh khất sĩ như tại quê hương, vì nơi đó nắng ấm quanh năm, chứ không phải như cái tủ đông lạnh xứ nầy".

Tất cả đều "ồ" lên một tiếng và đứa hỏi nầy, đứa hỏi nọ, làm cho Sư trả lời cũng muốn mệt đi được.

- Sư đi đâu Sư? Cho con theo với được không Sư?

- Xứ đó là xứ nào Sư? Tiết lộ cho con biết với?

- Tại sao Sư đi, bỏ lại tụi con ở đây có ai săn sóc, Sư không thương tụi con hay sao Sư?

- Thôi ở đây với tụi con đi Sư, đi đâu cũng vậy, người tu hành cũng phải giúp đỡ chúng sanh thôi.

Hằng trăm câu hỏi dồn dập được đặt ra; nhưng Sư thì chưa trả lời câu nào cả, làm cho tụi nhỏ cũng cụt hứng không muốn hỏi tiếp nữa. Mấy năm ở đây, đúng ra nhờ bát cơm chay Sư nấu ngon và nhờ tài khéo léo kể chuyện của Sư cũng đã thu hút được một số tín đồ đấy chứ. Sư lặng câm nhìn tụi nhỏ cũng hài lòng; nhưng cảm thấy không có tương lai, rồi Sư đổi qua một đề tài khác.

- Tụi con tối nầy muốn ăn chè gì?

- Chè đậu xanh, Sư! Chè mà Sư cho là ngon nhất đấy.

- Không, con không thích chè đậu xanh, mà con thích đậu hủ bỏ đường và gừng vào cơ.

- Thôi thì Sư nấu cả hai loại. Đứa nào thích thứ nào thì dùng thứ đó.

- Con ăn cả hai thứ có được không Sư?

Thế là những câu hỏi được đặt ra, không có một câu trả lời nào được giải đáp, mà tụi nhỏ vì háu ăn nên quên hết mục đích của buổi ban đầu.

Gian phòng của Sư ở trong trại tạn càng ngày càng trống, vì Sư đã thu gọn vào các chiếc va-ly để ở đầu giường, chỉ còn hình ảnh Đức Di Đà, Đức Quan Âm, Thế Chí và chuông mõ là còn nguyên vẹn. Có lẽ Sư để lại những thứ nầy chăng? Sư chấp nhận hay chối từ những gì Sư đã làm xưa nay? Sư thuộc khuynh hướng nào? Đại Thừa? Tiểu Thừa hay Khất Sĩ?

Nhiều lúc tụi nhỏ cứ phân vân mãi, nhưng phân tích kỹ mới thấy rằng; những gì tốt đẹp Sư gom về phía Khất Sĩ; những gì thủ cựu Sư dồn qua phía Tiểu Thừa. Còn Đại Thừa thuộc phái quá cải cách, duy tâm. Có lẽ đó dúng là đòn tâm lý và đúng với mục đích của Sư muốn thi thố tài năng tại chốn nầy.

 

CHƯƠNG TÁM

ANH HÙNG HỘI NGỘ, ÂN OÁN GIANG HỔ 

Cuối cùng rồi Sư Tịnh Thường cũng đến được chốn nắng ấm như ở quê hương mình. Nơi đây khi giao tế, Sư không cần phải dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức gì cả, mà chỉ cần nói tiếng Việt là đủ. Ở đây lại có đông người Việt, như một thành phố Sài Gòn nho nhỏ tại quê hương mình. Đến đây Sư thấy thoải mái hơn nên đã viết thư về cho Sinh bên Âu Châu để tâm sự.

Thành phố nắng ấm, ngày… tháng… năm…

Sinh thân mến,

Sư bỏ tụi con ra đi, Sư cũng buồn thúi ruột. Dầu sao đi nữa thì Thầy trò mình cũng đã gần gũi hơn hai năm trời. Sư ra đi không biết bao nhiêu lý do cần phải giãi bày; nhưng tụi con còn nhỏ làm sao hiểu được.

Người hiểu Sư rất ít, mà kẻ nhìn lầm Sư lại nhiều. Nên Sư cứ yên lặng như ngày xưa các vị Thiền Sư đã yên lặng vậy thôi và câu trả lời có hay không, chờ thời gian sẽ biết tất cả.

Ở đây vui lắm, muốn ăn gì cũng có, muốn mua gì cũng có. Sư đã tập lái xe. Vì bên nầy không như ở Âu Châu, nơi mà có thể dùng xe Bus hoặc xe điện dễ dàng. Ở đây nhà nào cũng có xe hơi. Có nhà cả 5, 7 chiếc. Vì lẽ cha mẹ con cái đi làm, đi học khác giờ và đi mỗi hướng khác nhau, không ai có thể chở ai đi được. Ở đây quý Sư cũng phải tự lái xe đi làm hoặc đi học. Không có sự đưa đón như ở quê mình, hoặc ở Âu Châu đâu.

Có điều hơi buồn cười là quý Thầy quý Sư ở đây phải đi làm thêm để có tiền chi dụng cho cuộc sống, chứ xã hội đâu có ai giúp lâu dài được! Mà đã đi làm thì đâu có mặc đồ tu. Tuy đầu còn hớt ngắn; nhưng đa số đều mặc đồ công nhân để tiện việc đẩy xe cắt cỏ. Đây cũng là cái lầm của Sư. Sư tưởng rằng sang xứ nầy văn minh hơn, giàu có hơn, tự do hơn, Sư có thể thực hiện chí nguyện của Sư; nhưng điều ấy Sư đã lầm.

Có Thầy đi làm nhiều năm, có tiền nhiều lắm, đâm ra đòi hỏi đua đòi. Mặc bộ đồ Tây kia xấu, sắm lại bộ khác, đội cái mũ kia không hợp, lại sắm mũ hợp thời trang hơn. Thế rồi tóc ngắn khó coi, tìm cách cơi dần lên cho hợp nhãn. Từ từ cái nọ dẫn cái kia, cuối cùng rồi cũng trở lại con đường luân quẩn của chốn bụi trần…

Sư qua đây cũng nản; nhưng biết sao hơn! Vì đã lỡ chọn con đường nầy rồi, đành phải chịu vậy. Còn chùa chiền tín đồ thì đa dạng lắm. Ông Thầy ở đây được quan niệm còn kém hơn Ông Từ ở quê hương mình. Đâu phải đi tu để giữ dùm chùa cho Hội đâu? Đi tu là một lý tưởng cao thượng giải thoát mà, nhưng ai có hiểu cho đâu? Ở đây thước đo là bằng cấp, câu nói là so sánh với bạc vàng. Mình người tu tháy lạc lõng ở xứ sở nầy lắm. Có nhiều chùa mời Thầy tới tụng một thời kinh, mỗi thời tụng xong, trả 50 đô-la, xong xuôi Thầy về phòng Thầy nghỉ, còn Phật thì ngồi một mình tại chùa. Thùng phước sương có Hội trong coi, mỗi cuối tuần nhộn nhịp chút đỉnh, rồi nhà ai lại về nhà nấy để chuẩn bị cho tuần làm lễ kế tiếp của mình. Tăng cũng như tục đâu có khác gì. Ở đây sự cúng dường cũng giới hạn lắm. Có vài chùa làm to lớn, nhưng cũng chưa xong. Có một số Thầy có uy tín tạo được tín tâm cho Phật Tử; nhưng đồng thời sự phá hoại từ chính bên trong Tăng đoàn thì nhiều hơn. Đúng như câu Phật đã dạy: "Chỉ có con vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi". Dĩ nhiên bên ngoài và các đạo khác vẫn tìm cách phá rối; nhưng người vững vàng tâm đạo thì chúng làm sao phá được. Chỉ điều mình tự phá mình mới là nguy, mà tình trạng ấy ở đây nhan nhản. Mình đức mỏng, tài hèn làm sao có thể độ được những ông Kỹ sư, những bà Tiến sĩ, mà mỗi khi đi chùa là họ có dịp giới thiệu loạn cả lên. Ôi thôi! Đúng là nhân tâm thế sự. Nếu mà Sinh ở đây chắc Sinh cũng sẽ suy nhgĩ như Sư vậy. Bây giờ thì đèn nhà ai nấy sáng. Tốt xấu mặc ai, ít có người giúp đỡ cho nhau, ngoại trừ những điều xoi bói thì nhiều. Sư cũng chẳng biết tính sao đây. Nhưng đây là mạt lộ rồi. Tại sao đời của Sư có nhiều lúc chẳng biết tính sao nhiều quá vậy? Câu hỏi nằm ì ở đó mà câu trả lời cứ bỏ trống hoài.

Tất cả mọi thước đo của cuộc sống đều bằng đồng đô-la và địa vị hiện có, mình người tu làm sao có được. Tiền đâu? Sinh biết đó, chút vốn liếng Sư mang từ đảo qua Âu Châu, rồi từ Âu Châu qua đây vẫn còn đó; nhưng để phòng thân chờ khi hữu sự thì xài. Vả lại người tu không lẽ mình đem vàng bạc khoe cho họ biết hà; nhưng nếu có biết cũng chẳng thấm thía vào đâu? Còn học vấn? Sư lớn tuổi rồi, chữ u chữ Tây học ở bên nớ suốt mấy năm chẳng vô và bây giờ chẳng nhớ được chữ nào. Còn ở đây, Sư thấy không cần thiết nữa. Nhưng sao mọi người vẫn đòi hỏi. Đi dâu cũng thấy Thượng Tọa Tiến sĩ, Hòa Thượng Giáo sư Tiến sĩ v.v… trông mà khớp. Ở quê hương mình chắc chẳng bao giờ thấy thứ ấy cả.

Dĩ nhiên cái đẹp cái hay ở đây thì nhiều. Người giởi, người đức hạnh cũng không thiếu. Nhưng những người ấy họ biệt cư ở tận nơi nào, còn toàn là những trò ném đá giấu tay, ngay cả nơi cửa Thiền cũng thế. Tiện đây Sư kể cho Sinh nghe một vài chuyện xảy ra tại các chùa nơi đây thì Sinh đủ rõ ít nhiều.

Một chùa nọ rất lớn, nằm ở ngoại ô một thành phố. Ban ngày có người qua lại không sao; nhưng đêm đến, nếu trời không trăng sao, trông như một bãi sa mạc tối thui, rùng rợn. Bỗng một đêm khuya có điện thoại reo. Sư trụ trì bốc ống nghe, đầu kia là một giọng nữ nghe quen thuộc, cô ta bảo rằng muốn đi lễ chùa, nhưng bị lỡ đường, kính nhờ Thầy trụ trì mở cửa cho cô vào lễ Phật và xin xăm. Lòng từ bi của Thầy ấy đâu nỡ khép kín, nên lại mở cửa. Sau khi mở cửa cho cô ta vào thì năm bảy tên bịt đầu bịt mũi ùa vào chùa trói thúc ké Thầy lại và tra khảo tiền để ở đâu? Thầy chỉ cho tụi chúng lấy. Chúng thấy ít quá chỉ mấy trăm đô-la thôi, giận quá loi vào hông Thầy mấy loi, không cởi trói và bỏ đi không thương tiếc. Đúng là quỉ phá nhà chay phải không Sinh?

Sàng hôm sau các tìn đồ tới thấy Thầy ấy ra nông nỗi như vậy mới đi cởi trói cho Thầy và báo cáo Cảnh sát thì mọi sự đã an bày rồi. Cuối cùng rồi Thầy ấy pảhi bỏ nơi đó để đi nơi khác.

Còn một chuyện khác nữa tương đối khá hấp dẫn hơn, tiện đây Sư kể cho Sinh nghe để chia xẻ cái khó khăn khi làm việc đạo tại xứ người, với quý Thầy.

Một hôm sau lễ Phật Đản, chùa nào lại chẳng để dành tiền, nhất là sau khi khui thùng phướng sương mà bên nầy lễ lộc thường hay tổ chức vào ngày chủ nhật nữa, ngân hàng đâu có mở cửa vào ngày ấy, do đó tiền thu được phải cất đâu đó, để ngày hôm sau sáng thứ hai đem bỏ vào ngân hàng. Thật sự ra thì ở đây họ cúng cũng ít lắm. Ít có người nào bỏ vào thùng phước sương tờ 100 đô-la. Đa số là 20 hoặc 10 đồng. Các cụ già ăn tiền xã hội đâu có nhiều tiền, do đó chỉ cúng 5,3 hay 1,2 đồng cũng là sự thường. Ở đây thấy ai cũng có nhà cao cửa lớn; nhưng nhà cửa ấy là của ngân hàng. Ngay cả chùa chiền cũng thế, nhiều lúc phải treo bảng bán chùa, trông cũng ngộ nghĩnh thật. Thông thường mỗi lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết Nguyên Đán như thế chùa nào thâu khá cũng chỉ mười ngàn đô là nhiều. Đa số chừng 4 hay 5 ngàn đô.

Hôm đó vào một đêm chủ nhật, lễ Phật Đản tổ chức vào buổi sáng đã xong, Sư trụ trì mệt mỏi vào phòng riêng để nghỉ ngơi. Bỗng chuông điện thoại reo vang, Sư choàng tỉnh dậy bốc ống nghe. Đầu kia có giọng nói quen thuộc:

- Bạch Sư! Ngoại con bệnh nặng lắm, muốn mời Sư đến hộ niệm dùm. Kính mong Sư đến dùm cho.

- Bây giờ khuya quá rồi. Vả lại Sư suốt ngày nầy mệt mõi, ngày mai Sư sẽ đến hộ niệm cho.

- Nếu Sư không tiện lái xe, con đem xe đến đón. Vì ngoại con cần thưa với Sư vài điều trong khi ngoại con còn hấp hối. Nếu Sư ngày mai đến, chắc ngoại con sẽ ra người thiên cổ mất.

Sư nghe vậy rất mủi lòng, nên bảo rằng hãy đến để đón Sư đi. Sau đó Sư dọn dẹp chỗ nghỉ cho ngay ngắn lại, bỏ chuông mõ vào túi xách và chờ.

Chuông ngõ được bấm lên, Sư vội vàng ra mở cửa, vừa mở cửa ra, Sư đã bị đẩy lùi mạnh trở vào. Sư có cảm tưởng là lạ. Tại sao có việc ấy? Sư tự nhủ vậy. Bỗng có 5, 6 người mặc đồ đen, áp sát vào người Sư và dây cáp đâu họ đã chuẩn bị sẵn sàng, trói Sư lại làm nhiều lần trông như một cối xay lúa. Sư hỏi ra tự sự thì mới biết mấy kẻ lạ mặt kia họ muốn tống tiền. Hỏi Sư là tiền lễ Phật Đản thâu ngày hôm nay Sư để đâu? Họ thoi vào hông Sư, đạp lên đầu lên cổ, chẳng kể ai ra gì hết cả. Sư không chỉ. Vì Sư nghĩ rằng tiền đó là tiền của đàn na tín thí chứ đâu phải của Sư, nên Sư cố nói lảng sang chuyện khác.

"Tôi đâu có ngờ, mấy cậu bảo có người bệnh hấp hối tôi mới mở cửa định đi. Nếu không, tôi không bao giờ mở cửa, để các cậu cứ tông vào ăn cướp thì còi báo động đã báo lên, cảnh sát sẽ đến ngay, các cậu có chạy đàng trời cũng không khỏi".

 

Sư càng nói bao nhiêu, càng bị bọn chúng tra tấn dồn dập bấy nhiêu. Cuối cùng rồi 5 ngàn đô-la tiền cúng dường ngày Phật Đản hôm ấy Sư cũng phải đưa hết cho bọn chúng mới được mở trói ra.

Sau khi mở trói chúng còn hỏi Sư: Sư có biết tụi con là ai không? Làm sao Sư biết nổi! Đám áo đen kia trả lời rằng: Tụi con đi chùa hoài mà Sư. Sư như bất tỉnh nhân sự chẳng biết đâu mà tìm.

Sau khi tỉnh lại, Sư còn biết được rằng không những Sư bị mất tiền mất của mà những người cận sự trong chùa cũng đều bị chúng hốt hết, lột hết nữ trang, tiền của của các bà làm công quả tại chùa…

Đó là chuyện đạo tại xứ nầy. Còn nhiều chuyện lâm ly bi đát hơn nữa, tiện thể Sư kể cho Sinh nghe đây:

Cũng một nhà Sư, rất giỏi dang ở mọi phương diện và rất tin người. Mà ai chẳng vậy phải không Sinh? Đã là người tu, mình đâu có nghi ngời ai làm gì?

Sư kia có mua một miếng đất để làm chùa. Trị gía khoảng 400 ngàn đô-la. Dĩ nhiên là tiền cúng dường của các Phật Tử, Sư đã dành dụm được và tiền mượn ngân hàng. Nhưng chẳng may đất ấy không được xây chùa. Sư treo bảng bán. Đã hơn một năm trời rồi, đâu có ai để ý tới miếng đất nầy. Hôm đó có một người Phật Tử thân tín đến thưa với Sư rằng:

- Bạch Sư, miếng đất ấy Sư muốn bán bao nhiêu?

- Thì ít nhất là lấy lại vốn, có lời chút đỉnh thì tốt thôi. Vì lâu nay bỏ tiền vào đó giống như đóng hụi chết vậy. Biết làm sao đây? Con có quen nơi nào giới thiệu cho Sư bán miếng đất ấy đi, để Sư còn làm chuyện khác nữa chứ.

- Con làm địa ốc mà Sư! Thôi Sư bán cho con đi.

- Giá bao nhiêu Sư?

- Hồi Sư mua 400 ngàn. Bây giờ con ngả giá đó.

- Con sẽ chồng cho Sư 450 ngàn đô nghe Sư. Ngày mai con sẽ tới làm giấy tờ.

Sư nghe mừng rỡ quá. Lâu nay treo bảng bán, mà đâu có ai dòm ngó đến. Bây giờ tự nhiên mình lại có thêm 50 ngàn để làm những Phật sự khác. Điều ấy tốt thôi.

Suốt đêm đó Sư không ngủ được, chờ đợi ngày mai thần tài đến gõ cửa.

Đúng 8 giờ sáng mai, quả thật như vậy, người Phật Tử hôm qua trở lại, đặt lên bàn một túi tiền mặt 50 ngàn đô-la, và thưa rằng:

- Bạch Sư lẽ ra con mang hết 450 ngàn đô-la tiền mặt đến chồng cho Sư cũng được; nhưng ở Mỹ người ta trả Check nhiều hơn, vả lại nặng nề quá; nên con chỉ mang 50 ngàn tiền mặt, còn 400 ngàn kia thì con sẽ chuyển qua ngân hàng cho Sư vậy.

Sư nghe thế yên tâm, nhận 50 ngàn đô-la tiền mặt và trong lòng cảm động và thầm cảm ơn người Phật Tử kia. Đoạn Phật Tử kia tiếp lời:

- Thưa Sư, bây giờ miếng đất ấy xem như đã thuộc về con rồi. Xin Sư ký giấy ủy quyền cho con là chủ nhân của miếng đất ấy, để thế chân cho ngân hàng và một tuần sau là trong tài khoản của Sư sẽ có 400.000 ngay. Xin Sư lẹ cho, vì con phải lo những vấn đề to lớn khác nữa.

Sư đặt bút xuống ký và cứ đinh ninh là một tuần sau mình sẽ có số tiền kia. Nào ngờ, 1 tuần, rồi 2 tuần, 3 tuần cho đến 1 tháng vẫn chẳng thấy có tiền gì cả. Đem sự việc hỏi các người hiểu biết khác thì họ cho Sư biết là Sư đã bị lừa, mất đi 350.000 vốn, xem như miếng đất giờ chỉ còn trị giá có 50.000 đô-la tiền mặt. Còn khế ước, người Phật Tử kia đã nắm giữ chữ ký của Sư rồi, họ đã cao bay xa chạy…

Ôi đời là thế đó. Ở đây người tu vì quá hiền lành nên cứ bị phỉnh gạt dài dài, chuyện kể hoài không hết. Khi nào khỏe Sư sẽ viết cho Sinh nhiều hơn nữa. Cầu chúc Sinh vạn sự an lành và hẹn Sinh vào một thư sau.

Sư của Sinh

Tịnh Thường

Đùng, Đùng, Đùng, ba tiếng gõ cửa vang lên không bình thường chút nào, Sư Tịnh Thường ra mở cửa. Bỗng Sư hoa mắt lên vì hình ảnh dữ tợn của một người tu. Sư chưa kịp chào hỏi gì ráo thì vị Sư kia đã tông thẳng vào phòng và nói năng ra điều anh chị lắm. Hất hàm hỏi Sư rằng:

- Sư có biết tôi là ai không?

- Là một vị Sư! Ngoài ra tôi không biết gì cả.

- Thời gian mới 3,4 năm làm sao Sư vội quên thế? Sư có nhớ vụ nhà máy xay lúa ở Sóc Trăng chăng? Và cuộc tình vụng trộm của Sư với một nàng con gái tên Duyên. Chắc Sư còn nhớ?

- À té ra là Sư Chơn Nghĩa! Lâu nay sao Sư, có mạnh khỏe không?

- Mạnh thì có mạnh, nhưng không khỏe được. Vì chuyện xưa chưa giải quyết rõ ràng.

- Vậy bây giờ Sư muốn giải quyết sao đây?

Và đây là câu chuyện: Ngày xưa khi còn ở tỉnh Sóc Trăng, hai Sư ở trong hai đoàn Khất sĩ khác nhau, họ không thân lắm nhưng họ cùng chung một mục đích là tu học để cầu đạo giải thoát. Mục đích tuy cao đẹp; nhưng mỗi người đều có một phương tiện khác nhau. Người thì lấy phương tiện tình cảm, người thì lấy tiền bạc làm cứu cánh. Vì thế cho nên đã có nhiều lần Sư Tịnh Thường tuyên bố cho các Phật Tử đây đó nghe rằng: Với tôi chỉ có tiền là tất cả. Còn Sư Chơn Nghĩa thì nghĩ khác. Tình cảm sẽ dễ đưa con người đến chỗ dễ thông cảm hơn và từ đó mình sẽ đưa họ vào đạo. Kể ra thì mục đích cũng không đến nổi dở lắm; nhưng phương tiện của hai Sư làm chỉ có hai Sư mới biết mà thôi.

Người chủ trương chỉ có tiền mới là cứu cánh thì cứ lao vào tiền. Sư Tịnh Thường cũng đã nhiều lần gợi ý hỏi thăm Sư Tịnh Đạo, nhờ Sư Tịnh Đạo giới thiệu cho cô Diệu Duyên để vay mượn bạc vàng để làm vốn và hùn phần vào hợp tác xã xay lúa tại Sóc Trăng trước khi Sư đi vượt biên. Miền Nam là vựa lúa của cả nước. Riêng khu vực nầy cây trái, sông nước, lúa gạo chẳng thiếu gì, dễ làm giàu to. Vì vậy cho nên việc vay mượn ấy đã thấu đến tai Sư Chơn Nghĩa. Sư thì không thích Sư Tịnh Thường, vì cô Diệu Duyên nầy có ý thích Sư Thịnh Thường hơn, trong khi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp của Sư Chơn Nghĩa dành cho cô Diệu Duyên thì cô không đoái hoài đến.

Ở miệt nầy đa số dân Việt gốc Miền, mà dân Việt gốc Miên thì trọng các Sư lắm. Dầu cho họ có không tu đi nữa, ra đời lấy vợ cũng được trọng vọng như thường, lúc làm Ông Lục, lúc làm Ông Cả trong làng cũng oai lắm chứ. Nhưng đó là phía bên Nguyên Thủy kia, còn đây Sư thuộc hệ phái Du Tăng Khất Sĩ mà, chỉ có Việt Nam mình mới có, chứ trên thế giới không có phái nầy. Vả lại người dân quê thì không cần phân biệt làm gì. Miễn là đắp y vàng đầu cạo nhẵn, đi khất thực, tức là Sư rồi.

Bên Nam Tông họ quan niệm rằng chư Tăng mặc áo nhà tu tức thay Phật rồi, họ kỉnh Tăng như kỉnh Phật, vì thế đã có không biết bao nhiêu chuyện trắng đen xảy ra làm cho cửa Thiền bị dính bụi. Thật ra Đạo không xấu, chỉ có con người làm cho xấu đạo mà thôi. Ở đây hai Sư Tịnh Thường và Sư Chơn Nghĩa là điển hình.

Họ cũng không ngờ là nay họ có dịp gặp lại trên đất nước văn minh tự do nầy. Tuy cảnh có khác; nhưng con người của họ thì không khác. Vì vậy họ cố ăn thua đủ với nhau từng lời nói và từng cử chỉ. Âu đây cũng là một trong bát khổ mà. Đó là oán tắng hội khổ. Nghĩa là ghét nhau mà phải gặﰍ nhau, quả là khổ. Trời đất có bao la thật đấy; nhưng tội lỗi khó dung. Không biết rồi đây ai sẽ thắng và ai sẽ bại; nhưng dẫu thắng hay bại gì cũng cốt chỉ để cho nhân thế chê cười mà thôi. Tại sao tu hành lại ra nông nỗi ấy? Giới luật đâu? Giáo hội đâu? Ôi thôi! Dử thứ sao nhức đầu quá, chẳng ai giải quyết gì ráo trọi vậy cà? Đó là những lời bàn tán xon xao của bà con Phật Tử.

Giới luật ư? Nếu họ đã hiểu phạm giới là điều tối kphải tự xả giới ra đời, nếu phạm những giới nặng. Vì khi đi tu không ai ép mình đi, thì khi trở về lại với thế tục hãy tự mình làm việc ấy; nhưng đâu phải ai cũng có tâm cao thượng như vậy. Nhiều người mượn đạo tạo đời để được cúng dường, để được cung kính. Dễ gì ở đời mà được thế. Phải học thành ông nầy bà nọ hoặc lên lão làng rồi mới được "ăn trên ngồi trước" được. Còn ở đây chỉ cần thuộc hai thời công phu sáng chiều, hiểu lơ tơ mơ mấy bài giáo lý đã được quý cụ, quý bà xá xá lạy lạy và đưa Sư lên ngồi hàng đầu chứng minh cho mọi nghi lễ. Đúng là ăn trên ngồi trước mà. Có nhiều người tu hám danh, thích điều nầy lắm chứ.

Có nhiều vị trưởng lão đạo cao đức trọng, khi Tăng chúng đảnh lễ hay ngay cả cư sĩ tại gia lễ bái cũng đều tránh không cho lạy ngay ở chính mình mà thường hay để cho họ lạy tượng Phật cốt để cho mình đỡ tổn phước, còn bọn phàm tăng thì thôi khỏi nói, nhiều khi ngồi đó, nhưng biết đâu họ sẽ chỉ chỏ xì xào với nhau sao không lạy mình mà lạy gì mà không lạy cho sát đất, chỉ xá xá mấy cái vậy? Làm như họ là thánh Hoàng Thánh Mẫu cũng không bằng! Họ có biết đâu rằng nếu không có đủ đức, người lạy vẫn được phước; nhưng kẻ bị lạy thì càng ngày phước càng giảm, sẽ đền bù bằng tội lỗi nữa.

Còn nữa. Nếu là Sư to, Sư lớn sẽ được đặc biệt cung phụng đón tiếp cúng dường. Ví dụ có ai ở miệt vườn thu hoạch được trái cây nào thơm ngon đều đem đến chùa để dâng cúng các Sư. Vì thế các Sư tha hồ hưởng lộc, đâu có đổ mồ hôi nước mắt mà lo cho mệt, chỉ cố gắng làm sao giữ chiếc áo và cái đầu cân đối là được rồi.

Giáo Hội ư? Ra đây rồi có cũng như không, không cũng như có. Mỗi người một cõi, ai lại không lập Hội Đoàn và Giáo Hội được, nếu tổ chức ấy có đủ 7 người trở lên. Nghĩ cho cùng thì đời Đức Phật cũng thế. Nếu Tăng chúng không đồng ý phép Yết Ma chung, có 4 người khác cùng chí hướng, họ tập họp lại để làm phép Yết Ma, thế là họ hợp thức. Nhưng nếu nhìn từ cái nhìn của chánh pháp thì chính nhóm nầy là thể hiện của sự đúng trên sự sai, và cứ thế nếu nhiều người sai, hợp lại nhau tạo thêm nhiều sự sai trái nữa. Chắc ngày xưa Đức Phật cũng mệt lắm thì phải? Suốt ngày cứ phải đi xử những vụ kiện tụng của nhóm nầy nhóm nọ, tốn hết thì giờ. Cho nên cũng đã có lần Phật vào tận trong rừng sâu, không muốn trở về nữa. Khiến cho những đại đệ tử của Phật như Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên phải vào tận rừng sâu thưa thỉnh nhiều lần Phật mới trở về.

Ngày xưa đã vậy, bây giờ lại còn tệ hại hơn nhiều. Ngày xưa Phật không chế giới trong 12 năm đầu. Vì toàn chỉ các bậc Thánh Tăng chẳng ai phạm cả. Sau đó Phật phải chế vì Tăng chúng hết phải lỗi nầy đến phạm lỗi khác, nên Phật cứ chế giới hoài. Nếu bây giờ mà Phật còn tại thế, chắc là Ngài phải thêm cho nhiều giới lắm. Ví dụ có vị Tỳ Kheo thời Phật sau khi có vợ rồi mới đi xuất gia; nhưng lúc bấy giờ làm gì có vấn đề ly dị. Bà vợ ở lại nhà với mẹ chồng. Khi người tu ấy về thăm lại nhà, bà già ép con trai của mình đã tu, ngủ chung với vợ cũ. Việc ấy Tăng chúng hay được bạch lên với Phật; nên Phật đã chế, người đi tu phải đoạn hẳn tà dâm.

Còn bây giờ nhan nhản ra đó. Công khai như ỏ Nhựt, thì con vợ ở đùm đề trong chùa đâu có ai đề cập đến? Nghề đi tu là nghề cha truyền con nối mà lCòn ở Việt Nam mình mấy ông Thầy cúng có vợ có con, ăn mặn, giấu giếm chỗ nầy chỗ kia mà cũng còn làm ăn được kia mà! Cho đến nhiều bậc danh Tăng vẫn còn làm được điều đó thì làm sao những phàm Tăng và tục Tăng có thể ngồi đó chịu đựng được?

Họ nói không có vợ; nhưng vợ không chính thức thì thiếu gì. Họ nói không tích chứa tài sản; Nhưng của cải để riêng không ít. Cho nên thời nầy đâu có ai tu chứng được mấy người. Toàn là một xã hội tu hành hỗn độn. Có nhiều người đã ra đời rồi, có vợ có con. Sau đó vào tu lại, điều ấy cũng chẳng sao, giới luật cho phép mà; nhưng vợ nhà vẫn không từ bỏ vẫn còn tìm đủ cách để đi ngõ trước ngõ sau, quả thật tội lỗi, tội lỗi. Nếu có ai đó đụng thẳng đến vấn đề là có chuyện lớn.

Ở đây thêm chuyện nam nữ bình quyền nữa. Nhiều khi Tăng nói Ni không nghe, mà ngược lại mấy cô Ni còn chê là mấy ông Tăng không xứng đáng nữa. Mặc dầu Phật có cho người nữ đi tu và để được giác ngộ, thành Phật phải qua một số điều kiện căn bản; nhưng bây giờ họ đâu có cần. Chùa chiền như thế, Tăng sĩ như vậy làm sao Sư sĩ họ nể và phục cho được. Nhiều khi có những hật Tử tu tại gia mà còn cao siêu hơn mấy ông Thầy nhiều. Bởi thế việc Sư Tịnh Thường và Sư Chơn Nghĩa đã nêu trên cũng chỉ là một sự thật mà thôi.

Cũng nên biết thêm một số sự thật tốt đẹp hơn là có những nhà Sư suốt đời chỉ lo cho Đạo, không chịu sự lễ bái của tín đồ, không tích chứa của cải, không cống cao ngã mạng, mặc dầu học vị là Tiến sĩ, Thạc sĩ. Các vị nầy thường hay ẩn náu tu hành. Giống như hoa sen mọc trong chốn bùn nhơ chứ còn gì nữa? Đã không bị mùi bùn làm vẩn đục mà còn tỏa ra hương thơm ngát dịu dàng. Phật Tử quý trọng lắm; nhưng các vị lại ít xuất đầu lộ diện, chỉ toàn là đám phàm Tăng múa may quay cuồng trong thời mạt pháp nầy. Quả thật là khó xử.

Cũng vì mối hiềm khích về tiền về tình có nguyên nhân sâu xa khó hiểu đó, nên hai nhà Sư nầy đã không có thiện cảm với nhau, mà chắc rằng họ không giữ được phép lục hòa, nên mới ra nông nỗi ấy. Bây giờ ở xứ nầy mà còn tìm cách để sát phạt nhau, biết đâu sau nầy lên thượng giới, nỗi ưu sầu chưa hết, chắc họ cũng còn phải gây gỗ nữa và nhờ Phật cũng như Bồ Tát ra xử hộ chăng?

Vì thế thái nhân tình! Thật khó nghĩ. Kể từ khi hai Sư gặp nhau, Sư Tịnh Thường ít nói, hình như đang hàm tính một vấn đề gì, không ai có thể biết được. Hay đi tối về khuya, một mình thui thủi trong bóng đêm, đôi khi lại nghe tiếng thở dài sườn sượt.

Còn Sư Chơn Nghĩa trở về lại Tịnh Xá của mình cũng bày mưu tính kế, phải làm sao hạ cho được tình địch của mình mới hả giận. Vì thế Sư cũng đã lập mưu. Nhưng ở đây, nếu chỉ có hai Sư thì không hấp dẫn, phải kéo thêm những tay chân bộ hạ bên ngoài vào, câu chuyện mới trở nên gay cấn hấp dẫn chớ. Vì vậy, cả hai đều có những ý nghĩ và những hành động khác nhau, chắc chắn trong Chương sau sẽ hiện nguyên hình.

CHƯƠNG CHÍN 

NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN 

Khi Sư Tịnh Thường mới đến đây đã ở chung trong một Tịnh Xá với quý Sư khác. Nói là một Tịnh Xá chứ thật ra chỉ là một ngôi nhà không hơn không kém. Gian chính giữa trước đây là phòng khách, quý Sư đã đập tường và làm thành chánh điện, nơi đây dung chứa chừng 50 người. Hai gian tả hữu có hai phòng ở để cho hai Sư lờn. Có nhà bếp và hai cầu tiêu, còn Sư thì tạm trú nơi garage (nhà xe).

Ở đây nói cái Chùa, hay Tịnh Xá, Tịnh Xá cho nó xôm tụ vậy thôi, chứ thật ra Tịnh Xá ấy không có đường nét gì tượng trưng cho chùa chiền cả. Chỉ thượng lên đó một tấm bảng đề tên Chùa, Tịnh Xá A, B, vậy thôi. Một điều mà ở Việt Nam chúng ta đều không có là chùa phải đi vay tiền ngân hàng mới mua được nhà. Chủ nhà có chừng 10 đến 20 phần trăm số tiền phải mua là ngân hàng đã cho vay rồi. Phải trả tiền lời lẫn vốn trong vòng 15 hay 20 năm. Nếu trong 20 năm ấy có 3 tháng liên tiếp không trả tiền nhà, thì xem như nhà kia, chùa kia bị treo bảng bán đấu giá và người chủ kia chẳng có quyền hạn gì nữa. Quyền ở đây là quyền định đoạt của giấy tờ và của ngân hàng.

Có nhiều người mới ra ngoại quốc chừng một vài năm, đứng trước một biệt thự nào đó sang trọng để chụp hình bên cạnh chiếc xe hơi láng bóng rồi gởi về Việt Nam, bảo rằng đây là nhà và xe mới mua. Chỉ nói có vậy thôi; nên ai cũng nghĩ rằng ra ngoại quốc ai cũng có thể lượm được vàng, đô-la một cách dễ dàng. Điều ấy vì thiếu sự giải thích, mà nếu có giải thích đi chăng nữa, ở nhà đâu có ai chịu hiểu cho. Thôi thì sẵn trớn viết thư về tả cảnh cho nó vui miệng vậy thôi. Nào ngờ nó có một tác động tâm lý đáo để.

Cũng vì vậy mà đã có biết bao nhiêu người bán hết tài sản để tìm đường vượt biên để tìm vàng. Cho nên có nhiều lúc những người lãnh đạo đương thời tại Việt Nam mình bảo họ đi tạn kinh tế; nhưng đâu có ai có thể biết được rằng với tài sản đó, với của cải đó, ở Việt Nam suốt cả cuộc đời họ ăn, xài có hết đâu. Họ đi có lẽ một phần cũng vì cái hào nhoáng bên ngoài khoe khoang gởi hình ảnh về của thân nhân, mà phần khác chính đáng hơn là họ thấy nơi quê hương của họ không được thoải mái ở mọi phương diện, nhất là vấn đề tư tưởng,nên họ mới ra đi. Ở đâu thì cũng thế; nhưng có lửa mới có khói chứ?

Nhiều nhà Sư cũng thế, khi qua đến đảo họ tự đóng cho mình mỗi người một cái khung để họ ngồi trọn vào trong đó. Khi đến một nước thứ 3 định cư, họ thấy nó không giống như thế nên mới đâm ra khổ đau và trách trời, giận người. Khi ở Việt Nam thì muốn đi cho khỏi nước; nhưng khi đến đất nước tự do rồi lại muốn trở về Việt Nam. Quả thật, đời là một sự luẩn quẩn không lối thoát.

Đa số họ muốn có tiền cho thật nhiều, cho thật lẹ; nhưng họ đâu có ngờ người địa phương cũng phải đầu tắt mặt tối đi làm mỗi ngày 2 xuất mới có thể dành dụm để mua trả góp chiếc xe, cái nhà trong vòng mấy chục năm. Ai biết cho họ điều đó. Còn mình ở đây khi đi tìm việc, muốn làm việc nhẹ; nhưng thiền thì muốn kiếm cho nhiều. Quả thật, người Việt Nam mình muốn những điều mà thiên hạ ở đây khó muốn được như thế lắm.

Có nhiều nhà Sư ra ngoại quốc khoe khoang đủ điều, nói rằng ở Việt Nam đã học y khoa năm cuối, đi làm việc trong bệnh viện, con cháu đế vương. Khi về lại nước để thăm chơi, nói rằng mình là giám đốc ngân hàng, sáng lập chùa nầy chùa nọ và đậu Y khoa Bác sĩ tại Đại Học đường kia. Đúng là bệnh giả tưởng của thời đại. Không biết giới thứ 4 trong 5 giới, vị Sư nầy đã hành trì chưa?

Sư Sãi, Thượng Tọa, Đại Đức đã như vậy thì còn nói gì đến Phật Tử hay người thường. Dĩ nhiên cũng có nhiều người Phật Tử khá hơn Sư nữa; nhưng họ đâu có khoe trương bằng cấp. Họ là Tiến sĩ, Kỹ sư; nhưng với họ, nó chẳng có ý nghĩa gì. Còn ở đây người tu, bảo người ta hãy phá chấp, còn mình thì chấp chặt nặng nề.

Bởi vậy đã có nhiều người Tăng Sĩ tự thú rằng: Khi còn là Cư sĩ, đang mặc áo cư sĩ; nhưng tâm luôn hướng đến cuộc sống tâm linh của một người tu. Còn bây giờ, đã được làm Tăng Sĩ rồi, mình mặc chiếc áo Tăng sĩ; nhưng tâm tư lại hướng về cư sĩ. Câu nói ấy tuy nó nhẹ nhàng bình dị đấy; nhưng nó có giá trị rất nhiều trong hiện tại. Nếu ai là Tăng sĩ hãy tự nhiệm lại xem có đúng phần nào chăng?

Cũng vì thấy cách thức sinh hoạt trong chùa viện nơi đây có khác xa ở Việt Nam và những nơi khác trên thế giới; nên Sư Tịnh Thường muốn ra ở riêng. Mà muốn ở riêng thì phải có vốn liếng và tín chủ. Riêng về phần vốn liếng, Sư đã có ít nhiều, mang theo từ Việt Nam sang đây. Còn nghề nghiệp thì chẳng có gì ngoại trừ nghề chuyên môn là hốt thuốc Bắc và chẩn mạch cho thuốc.

Ở đây tương đối họ cũng dễ dãi, cho bà con Á Châu mình nhập cảng thuốc Bắc; nên nhân cơ hội nầy Sư Tịnh Thường đã được nhiều nữ tín đồ tin tưởng và nhờ Sư hốt thuốc cho. Thật sự ra ở Việt Nam Sư cũng đã chẳng học nghề thuốc. Nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa, sau năm 1975 nhà nước cho dùng thuốc Nam, đa số dùng toàn cây cỏ. Mà nhà chùa chính là nơi dân chúng hay tin tưởng, nên đến đó hốt thuốc trị bịnh và cũng chính vì lý do nầy cho nên Sư đã biết được chút ít về tên gọi của các cỏ cây trong toa thuốc. Từ thuốc Nam chuyển sang thuốc Bắc cũng không khó gì. Thuốc Nam ở đây ý nói là thuốc của phương Nam hay thuốc của nước Việt Nam, còn thuốc Bắc là thuốc thuộc phương Bắc hay thuốc Tàu.

Trong những người tín chủ hay đến với Sư, có nhiều nhà giàu có và có máu mặt ở thành phố nầy. Họ cũng giàu lòng từ thiện, nên đó cũng là cái phao để Sư có thể bám vào. Dĩ nhiên không phải là để đào mỏ; nhưng ít ra nơi đó cũng là một cái thế dựa vững chắc, khi cần đến.

Sư còn thêm một biệt tài là đoán tướng bàn mộng nữa; nên nhiều bà đã tin Sư rất nhiều. Sư kể chuyện đã hấp dẫn lôi cuốn người nghe thì việc thêm mắm đặm muối vào có khó gì đâu. Ở đời người ta nói đây là người sành tâm lý mà.

Một hôm Sư tâm sự với một Phật Tử rằng:

- Tâm Chơn xem nầy! Khi thấy một người ăn bận lôi thôi, nét mặt nhăn nheo, bàn tay sần sù, dáng đi mệt nhọc, phải biết ngay là người lao động cực nhọc, cứ thế mà nói về gia đạo, tình duyên, con cái, tiền bạc v.v…

Nếu nhìn một người sáng sủa, trên mặt không lộ vẻ ưu tư phiền muộn; đài các, vầng trán cao, đi xe đẹp, thì phải biết ngay là dân có tiền, cứ thế mà đoán tới, thế nào cũng đúng trên 50 phần trăm. Mà thông thừơng người đi xem tướng chỉ tìm hiểu ở điều đúng, ít để ý tới điều sai; nên hay quên đi cái nhỏ và thổi phồng cái lớn, thế là mình nổi tiếng nhanh thôi.

Nếu nhìn một anh mặt mày sáng sửa, đẹp đẽ, ăn mặc đàng hoàng, phải biết người đó thuộc hạng Kỹ sư, Công chức hay Bác sĩ, Giám đốc gì đó, thế là mình cứ tự nhiên phăn tới để đoán ái tình, tiền bạc, gia đạo v.v… là trúng boong hà.

- Bạch Sư! Làm thế có tội không Sư?

Nghe hỏi câu hỏi nầy, Sư không thoải mái chút nào; nhưng Sư cũng cố gắng trả lời:

- Mặc dầu điều ấy Phật đã cấm, không cho người tu đoán mộng, xem tướng; nhưng họ cần mình, chứ mình có nài nỉ họ đâu?

- Sư nói vậy chẳng khác nào, không làm y sĩ mà treo bảng chữa bịnh; nếu phước chủ may Thầy bịnh lành thì Sư tiếp tục chẩn đoán, còn lỡ tay làm chết con bịnh thì Sư chạy tội sao?

- Ừ! Thì Tâm Chơn có lý đấy; nhưng trong cuộc sống nầy, Tâm Chơn không biết rằng tất cả chỉ là phương tiện sao?

Một hôm có một bà Phật Tử tới nhờ Sư hốt dùm một thang thuốc, vì ăn chẳng thấy ngon, ngủ cũng không yên: Đầu tiên Sư bắt mạch và đúng thế thấy mạch nhảy không đều, chứng tỏ rằng bệnh nhân lo nghĩ nhiều quá. Sẵn đà Sư hỏi tới và bà ta tâm sự với Sư:

- Sư thấy đó nhà con có hai tiệm vàng. Con cái thì năm bảy đứa, đứa nào cũng tranh quyền và tranh của, làm con khổ đau quá. Không biết là chia cho đứa nào nhiều đứa nào ít. Còn chồng con thì cũng mới mất đây thôi; nên cũng khó xử quá. Phải chi ổng còn sống thì con đỡ lo về vấn đề nầy.

Sư nghe câu chuyện, như bắt được đường dây, nên dọ hỏi tiếp:

- Bà thí chủ nói vậy, con cái ở đây khó dạy bảo lắm sao?

Được lời như cởi tấm lòng, thế là bà ta kể có dây có nhợ, như sau:

- Sư thấy đó, ở Việt Nam mình là cha mẹ nó, chứ qua đây nó là cha mẹ mình. Ở Việt Nam con cái lớn lên, cha mẹ dựng vợ gả chồng. Còn ở đây khi chúng nó lớn lên mình chẳng có quyền gì cả. Lâu lâu nó dẫn về một thằng "bồ" địa phương hay con "bồ" địa phương, con trông mà phát ghét, đầu cổ tóc tai thấy chẳng giống ai hết, ăn nói vô lễ, không dạ không thưa trong khi miệng nhai bỏm bẻm kẹo cao su…

Rồi tiền bạc, sự nghiệp cũng thế. Ở đây cứ đủ 18 tuổi là chúng đòi ra riêng, đòi có xe hơi, nhà cửa, máy móc v.v… Cái gì cũng riêng hết trọi, làm cho con nhức đầu quá không biết tính sao, nên quên ăn mất ngủ cũng vì cái lũ con nầy. Không biết Sư có diệu kế gì không giúp con với?

Đó là những gì bà Phật Tử nầy thổ lộ, mà Sư cũng đã nghe hàng ngàn câu chuyện giống nhau như thế thôi, chỉ có nhân vật là thay đổi chút đỉnh, còn nội dung cũng tợ tợ như thế, cha mẹ thì không hài lòng về con cái, còn con cái thì bảo cha mẹ rằng:

- Sư coi đó, mấy ông bà nầy già rồi, cổ lỗ xỉ lắm. Việc hôn nhân là chuyện riêng của tụi con chứ đâu phải của ổng bả, mà ổng bả cứ xía vô hoải? Tụi con có tự do của tụi con chứ. Tụi con đã lớn rồi đâu phải còn trẻ nhỏ nữa đâu?

Sư nghe bên nào cũng có lý hết, Sư chẳng biết tính sao đây? Nhưng với Sư, đây là một diệu kế để mình có thể chinh phục cả hai phía về một mối. Mối nào cũng được, miễn sao mọi chuyện êm xuôi là được.

Sư là người tu hành, Sư muốn mọi chuyện êm xuôi là được rồi. Vả lại nếu có, thí chủ lo lắng cho Sư chút đỉnh cũng tốt rồi. Dĩ nhiên là Sư không có bụng xấu để hại ai cả, dầu cho kẻ đó là thân hay sơ. Sư học về pháp vô thường, xem mọi vật trên thế gian nầy không có gì là bền chắc cả; nhưng nhiều lúc cái cuộc sống ở xứ sở nầy nó không cho phép Sư dửng dưng như vậy được. Nên cũng phải chấp nhận một số hình thức nào đó.

Có được một bà thí chủ như vậy kể ra ở xứ nầy cũng khó thật đấy. Vì thế, lúc nào Bà Bảy, pháp danh Diệu Đạo cần gì là Sư giúp ngay... Ví dụ như đau ốm, bệnh tật, nhà có chuyện buồn và tụng kinh cầu nguyện v.v… huống gì ở đây, bà mới mất chồng, con cái không nghe lời mẹ, bà buồn lắm, bà cứ tâm sự với Sư hoài.

- Bạch Sư! Chủ nhật nầy con sẽ lên Tịnh Xá để kinh kệ, sau đó mời Sư về nhà con cúng dùm tuần thất thứ 6 cho ông nhà con, mong Sư hứa khả cho.

- Tại sao Bà Bảy không cúng ở Chùa? Ở đây có đông chư Tăng mà? Sư hỏi thế.

- Bà im lặng một hồi lâu mới tiếp. Sư thấy đó, ở đây dụ cho tụi nhỏ đi chùa lễ Phật, nghe kinh, nghe thuyết pháp muốn rã cả hơi. Mục đích của con là tụi nó có hồi tâm hướng thiện chút nào không? Nhưng đâu có đứa nào tới. Con cái ra cái xứ nầy rồi, nó trở thành mẹ cha của mình, sai không muốn nổi. Ngược lại nó cứ sai mình hoài. Vì lý do ấy nên con muốn mời Sư về nhà để cúng cho ba nó và dụ cho tụi nó nghe kinh, vì thế cho nên không cúng ở chùa.

Bà Diệu Đạo còn muốn bày tỏ nhiều hơn nữa; nhưng nhìn đồng hồ đã trưa nên lại thôi.

Sau khi lễ Phật ở chùa xong, sư đưa bà về nhà. Ở đây kể cũng lạ. Sư nào, Thầy nào, Cô nào rồi cũng phải học lái xe hết. Già, trẻ gì cũng phải học ráo. Vì ở đây không ai giúp ai được. Chỉ có mấy bà già đành chịu trận, phải đi xe nhờ, không phải nhờ con, mà họa hoằn lắm nó mới rảnh để đưa mình đi chùa. Nếu bữa nào đó nhằm ngày chủ nhật, mà phải lựa lúc nó thật vui kia, mới dám nhờ nó đưa đến chùa. Mới vừa đến cổng chùa nó đã thả mình đó và cũng không buồn hỏi là mấy giờ con đến đón má về. Vì thế nên Bà Bảy cũng đã nhiều lần, sau lễ đi ké với người nầy, người kia về nhà. Nếu đi ké không được, bất đắc dĩ lắm bà mới phone về nhà cho con cái đến đón. Nhìn cái mặt nó chẳng ưa chút nào, bà tự nghĩ:

- Hồi nhỏ mình nuôi nó đâu có kể gì khó khăn, tội lỗi. Việc gì miễn nó vui là mình làm cho nó liền. Bây giờ niềm vui vủa mình chỉ có đi chùa đi chiền, nhờ nó mới có một chút chuyện, nó đã giận hờn rồi. Hay là đời trước mình bất hiếu với cha mẹ, nên đời nầy con cái nó bất hiếu với mình như thế? Thế rồi bà suy nghĩ mông lung…

Nhiều lúc bực quá, tự đi đến chùa bằng xe Bus và lúc đi về cũng vậy; nhưng bà đâu có biết hỏi ai và đi bao nhiêu trạm thì dừng mới tới nhà và tới chùa, chung quanh bà toàn là Tây đen, Tây trắng, mình nói nó chẳng hiểu mà nó nói bà cũng chẳng hiểu. Một hôm nọ bà hỏi bà bạn thường hay đi chùa bằng xe Bus rằng:

- Chị Ba, từ nhà tui đi đến chùa mấy trạm vậy chị?

- Ừ! Để coi nầy! Một, hai, ba… 15 trạm chị Bảy. Cứ đếm đúng 15 lần dừng là xuống xe. Đó là chùa, chùa nằm ngay trước mặt đường nầy nầy.

Nghe lời bà Ba, một hôm bà Bảy cũng lên xe Bus, bấm thẻ rồi bắt đầu đếm. Bà hồi hộp lắm. Bà đếm tới lần thứ 13 rồi thì bà đứng lên và đến lần thứ 15, thì bà xuống, khi xuống xe chẳng thấy chùa đâu cả, mà thấy toàn đấm Tây đen chỉ chỏ mình. Bà sợ quá, bỗng đâu có người da trắng đi qua, bà đưa số điện thoại, nhờ quý Sư ra đón bà vào. Khi đến được chùa bà mừng quá, kể huyên thuyên và có ý trách bà Ba.

- Chị Ba ơi! Sao chị bảo tôi đếm đúng 15 trạm thì xuống xe. Tôi đếm có sai đâu, mà sao khi xuống xe chẳng thấy chùa gì cả, may mà nhờ thằng Tây trắng chứ không thì chẳng biết làm sao.

- Chị đếm sao đâu chị Bảy?

- Thì 1, 2, 3, 4 … chứ sao?

- Không phải! Đếm là đếm trạm dừng xe kia, chứ đâu phải mỗi khi xe dừng đèn đỏ đèn sanh, chắc chị cũng đếm tuốt luốt, nên chưa tới chùa đã vội xuống xe rồi chứ gì? Thôi để em chỉ chị cái nầy dễ nhớ hơn nghe.

- Trước chùa mình có tấm bảng quảng cáo đó. Trên đó có dán hình thằng Tây cỡi ngựa. Chị không cần đếm trạm nữa, hễ cứ thấy cái bảng quảng cáo có thằng Tây cỡi ngựa là xuống xe vào chùa gọn bân hà!

Bà Bảy Diệu Đạo nghe lời vậy thấy dễ dàng quá và bà tập đi, đi một mình cho bõ ghét để khỏi phải nhờ đến tụi con cái khó dạy nữa. Hôm đó bà ngồi trên xe Bus, mắt cứ đạo bên nầy, trong bên kia, nhìn hoài các tấm bảng quảng cáo; nhưng chẳng thấy hình thằng cao bồi cỡi ngựa nữa, bà thấy không tiện nên đã xuống xe, hỏi thăm một người Việt đi qua đường mới biết là bà đã đi lố 10 trạm rồi, may mà người ấy chở dùm bà đến chùa, chứ không thì rõ khổ.

Đến đây bà Bảy phân trần với bà Ba nữa.

- Tại sao chị biểu tôi đi đến chỗ có bảng quảng cáo thằng cao bồi cỡi ngựa gì đó thì xuống, tôi hôm nay đi hoài có thấy chi mô?

- Thế là họ đổi bảng mới rồi đó. Thông thừơng cũng một, hai tháng nó mới đổi quảng cáo một lần, sao hôm nay đổi lẹ vậy cà? Thế rồi cả hai bà ôm nhau cười ra nước mắt.

Bây giờ thì bà đã rành đường hơn xưa khá nhiều; nhưng nếu Sư chở được về nhà thì còn gì quý bằng, nhanh hơn, vả lại cũng tiện hơn. Còn Sư thì cũng hoan hỷ nữa. Đây cũng là dịch vụ mới của Sư, đưa đón quý bà, quý cô, dĩ nhiên là không có thú lao chi, lâu lâu, khi nào hết xăng, có ai đi trên xe đổ dùm thì cũng đỡ cho Sư chút ít vậy mà.

Khi về đến nhà, bà Bảy phải hâm lại đồ ăn cho nóng, lên đèn nhang và sửa lại mấy đĩa quả cũng như bình bông để cúng ông nhà. Tụi nhỏ, nói là nhỏ; nhưng tụi nó đã có con lớn hết rồi, uể oải đi đến chỗ cúng, vái vái lạy lạy cho có chuyện, trông xong cho mau để tụi nó còn có nhiều đề mục khác trong ngày chủ nhật nữa.

Hôm đó Sư giảng về vô thường, về khổ, không và vô ngã, hay lắm so với bình thường; nhưng nhìn mặt mấy người con, người nào cũng nhăn nhó khó chịu; nên Sư lại ngưng, trong khi bà Diệu Đạo tiếc nuối vô cùng.

Đây cũng là cơ hội để làm quen với gia đình, nên Sư đã hỏi tên từng người một, con cháu v.v… Sư có biệt tài nhớ dai và kể chuyện hay, nên không mấy chốc Sư đã chinh phục được mấy đứa nhỏ, cháu nội và cháu ngoại của bà. Sư đem chuyện Tề Thiên Đại Thánh, Tế Công Hòa Thượng, Đạt Ma Sư Tổ, quan Âm Thị Kính v.v… kể cho tụi nhỏ nghe, chúng say sưa theo dõi. Người lớn cũng thế, dần dà rồi cũng làm quen với Sư một cách dễ dàng.

Sau bữa cúng tuần hôm ấy về chùa, Sư cảm thấy vui vẻ hơn xưa và cũng có ý đem những thành quả ấy khoe với các Sư trong chùa nữa. Hôm ấy tình cờ lại có Sư Chơn Nghĩa, mà Sư nầy thì không ưa Sư Tịnh Thường mấy; nhưng chẳng có sao, vì vui miệng nên Sư kể đủ điều.

Nào là bà nầy giàu có lắm, có cả hai tiệm vàng và con cái, đứa nào đứa nấy cũng đẹp trai, học giỏi v.v… và v.v… thế là Sư cứ thao thao bất tuyệt fể gia đình nầy.

Một hôm giữa mùa hè nóng bức, Sư đang đọc thư từ việt Nam gởi sang, bỗng nhiên có điện thoại reo. Sư nhắc phone và nghe đầu kia là giọng nói của bà Bảy Diệu Đạo.

- Bà hôm nay khỏe không?

- Vì không khỏe con mới kêu Sư đây chớ!

- Bà có chuyện gì vậy?

- Mấy bữa nay lo lắng hơi nhiều nên tim con nó mệt quá, Sư ghé tiệm con để xem mạch dùm cho con đi.

- Khoảng 20 phút nữa Sư tới.

Sau khi chẩn mạch xong, Sư đi đến một tiệm thuốc Bắc gần đó để bốc thuốc, Sư định đi thẳng lại tiệm; nhưng Sư sực nhớ mình còn quên một điều là nhờ Bà Diệu Đạo xem lại dùm mấy hột mình mang theo lúc đi tạn, cũng như mấy cây vàng. Nếu được giá thì mình bán, lấy tiền đó để mua nhà làm chùa. Nghĩ vậy nên Sư trở về lại chùa cùng với gói thuốc Bắc và sau khi soạn những đồ quý giá ấy xong, bỏ vào trong túi đựng y áo và lái xe chạy đến nhà của bà.

Trời hôm đó sao mà nóng thế. Sư có cảm tưởng như mình đang ở tại một lò thiêu, mặc dầu trong xe mở máy lạnh. Nhìn lên trời thấy một bầy quạ đen đang bay lượn tứ tung, thỉnh thoảng lại kêu lên những giọng ai oán. Thông thường Sư đã đoán già đoán non cho sự việc sắp tới; nhưng hôm nay, chẳng biết sao Sư không để ý gì mà còn vui vẻ, đi về hướng cửa tiệm của bà Bảy Diệu Đạo nữa.

Bước vào cửa tiệm lúc bấy giờ vắng hoe, không có một người khách hàng và thường ngày người con trai ngồi bán chung với bà Bảy, bây giờ cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy một tiệm vàng to tướng nhưng chỉ có một bà già. Sau khi đưa thang thuốc cho bà Bảy, Sư chỉ cách sắc thuốc và pha chế xong, Sư ngồi xuống một ghế của khách hàng thường hay ngồi, đối diện với bà Bảy và đem những món nữ trang ra để hỏi bà.

- Bà Tín thí ơi! Hôm nay tôi mang mấy món nữ trang nhờ bà xem dùm đó. Đoạn Sư từ từ lấy mấy món đồ quý giá ấy ra mà lâu nay Sư ấp ủ nó, không khác gì người thân của mình và nhất là những món ấy có liên hệ với cô Trần thị Diệu Duyên nữa. Tuy Sư không có tình ý gì với cô ấy mặn nồng lắm; nhưng cô đã tận tụy lo cho Sư, Sư cũng phải nhớ đến ơn của vị nữ tín chủ nầy chứ. Có nhiều lúc Sư săm se, nhìn ngắm như để hồi tưởng lại một quá khứ xa xăm nào đó; nhưng hôm nay và có thể trong thời gian tới, những món trân bảo nầy không còn ở với Sư nữa. Sư đã nhọc công mang nó từ Việt Nam qua đảo và từ đảo qua Âu Châu, rồi từ Âu Châu qua đế tận xứ nầy và cũng đã nhiều lần Sư đã đem khoe cho nhiều người biết. Có người thì khen Sư, sao mà rành quá vậy. Có kẻ thì che Sư, tại sao đi tu mà còn ham những của cải ấy làm gì?

Bây giờ đây trước mặt Sư là một tiệm bàng, một bà chủ có tín tâm, sư cũng đâu có ngại ngừng gì để trình bày hơn thiệt với bà.

- Bà Bảy Diệu Đạo ơi! Tôi khổ công lắm đó, mới giữ đến ngày hôm nay được, nhờ bà đánh giá dùm đi nghe.

Nếu được tôi nhờ bà lấy dùm, để có tiền còn đóng tiền thế chưn mua chùa nữa chứ.

- Sư đưa cho con xem đi. Á! Đây là loại cà rá 6 ly nè. Đây là mấy cây vàng thẻ; nhưng sao nó không lên nước vậy Sư?

- Như bà biết đó! Nó ba chìm bảy nổi theo tôi như vận nước trôi mà, hết đi chỗ nầy đến chốn nọ, nhất là qua cả một đại dương lúc đi tạn, với sóng to gió lớn, có lẽ vì nước biển ăn vào, phải không bà?

- Nhưng không sao Sư, con còn thấy rõ mấy chữ "Vàng Kim Thành" đây rồi. Sư biết không? Bây giờ người mua họ kén chọn lắm mình chỉ cần sơ hở một chút là mất đi mấy phần trăm liền hà?

Còn hột nầy cũng khá cũ, cạnh cũng không còn sắc bén nữa, màu đã ngả từ trắng sang đục. Không biết con có lo cho Sư được mấy hột nầy không?

Bỗng đâu Sư nghe một cái giáng như trời đánh ấy xuống bả vai mình và động tác phản xạ tự nhiên của Sư là thâu hết mấy loại nữ trang ấy bỏ vào trong túi (đãy) đựng y áo trở lại, rồi như búa bổ tiếp tục nện lên đầu lên cổ Sư, Sư chẳng còn biết ngày đêm năm tháng gì hết.

Sư thấy trong người đau nhức lạ thường và cố cựa quạy cho thật mạnh, nhưng nhấc cái tay không muốn lên và khi tỉnh ra thì thấy mình đang ở trong phòng vệ sinh, cận kề sát cái nhà tắm. Máu me dầm dề, Sư cố gượng ngồi dậy thì một bóng đen từ ngoài chạy vào, thấy Sư la ơi ới, hắn ta nện luôn cho Sư mấy đòn chí tử, rồi hình như nó lấy cái búa của y thị đang cầm, bổ xối xả vào tay vào đầu và lưng của Sư, nhất là hai bàn tay của Sư giờ đây như bầm dập hết. Sư đau nhức quá nhưng biết kêu ai bây giờ. Sư nghĩ là bà Bảy ở bên ngoài chắc cũng không thoát khỏi những khó khăn với người lạ mặt. Sư nằm yên đó trên vũng máu, có lẽ chừng một tiếng đồng hồ sau, không còn nghe tiếng động tĩnh gì phía bên trên tiệm vàng nữa, nên Sư đã cố gắng mở vòi nứơc lạnh cho nước đổ xối xả vào đầu vào cổ mình. Lúc ấy Sư mới thật sự tỉnh táo lại đôi chút. Đoạn Sư nghe tiếng rên phều phào nho nhỏ, Sư cố hết sức mình và lấy hai tay gần nát như tương của mình chống vào tường, vào cầu và men theo tiếng rên la để đi đến, thì hỡi ơi! Nơi đây bà Diệu Đạo đã nằm sóng sượt ra đó, bà nghe tiếng động, nên kêu lên: Sư ơi! Sư cứu con với, Sư cứu con với !!!

Lúc bấy giờ đầu óc Sư như bấn loạn, biết tính sao đây. Điều căn bản là phải gọi cảnh sát; nhưng tiếng tăm thì Sư không rành, vì mới qua xứ nầy mà. Thôi thì cứ cứu người trước đã. Vả lại, đây cũng là việc làm của một người thầy thuốc nữa. Hơn nữa, Sư còn là một tu sĩ nữa. Sư không đang tâm nhìn bà tín chủ của mình ở trong trạng thái hấp hối ấy. Thế là Sư ra tay nghĩa hiệp cúi xuống đỡ bà ngồi dậy; nhưng nào bà có ngồi nổi dậy đâu. Sư quan sát thật kỹ, cổ bà đã bị cắt, bị cứa nhiều vết thương đang còn tuông xối xả máu me, trông khiếp quá. Trong khi đó bà Bảy phập phều nói với Sư làm cho cả mặt Sư và nhất là trên hai vầng kính trắng Sư đang đeo, bị dính máu nhầy nhụa. Thế rồi, Sư kiệt lực quá mới thả bà xuống và lúc bấy giờ Sư cố gượng hết sức để chạy ra phía trước cửa để tri hô lên là cướp của giết người. Lúc ấy giữa trưa, thanh vắng lắm. Người hàng xóm bên cạnh có lẽ đã thấy và nghe cảnh tượng hãi hùng ấy, nên mới đi báo cáo cho cảnh sát hay, chẳng mấy phút cảnh sát đã có mặt đầy đủ.

Lúc bấy giờ Sư chỉ thấy hấp thoáng bóng xe Hồng Thật Tự chở mình và bà Bảy vào nhà thương và tự nhiên Sư cảm thấy lạnh, vì tất cả đồ nhà tu, gồm có chiếc áo nhựt bình, đôi kiếng trắng v.v… không còn trên mình Sư nữa, thay vào đó là một bộ đồ của nhà thương.

Đêm đó có người thông dịch báo cho Sư biết là bà Bảy đã qua đời rồi. Còn Sư thì mặt mày tê húp, đau nhức vô cùng và số phận của Sư từ đây trở đi mới bắt đầu bước vào con đường lao lý.

Các nhà tu đồng đạo của Sư đã đón Sư về lại trụ xứ?

Nhà từ đã đón Sư để chờ pháp luật xử phân?

Đó là một câu hỏi có liên quan đến: Vụ Án Một Người Tu.

CHƯƠNG MƯỜI 

MIỆNG LƯỠI THẾ GIAN 

Đúng là: "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Ai biết cho đâu là sự thật và đâu là mặt trái của vấn đề. Thường thì vấn đề đôi khi nó có cả ba hay bốn mặt chứ không phải chỉ trắng hoặc đen, có hoặc không như bao nhiêu người tưởng. Còn ở đây, vụ tiệm vàng bà Bảy Diệu Đạo bị mất cắp, thanh toán giữa ban ngày, mà kẻ giết người không ai khác hơn là một nhà Sư. Nghe rùng rợn quá, khủng khiếp quá! Tại sao nhà Sư lại đi làm việc đó? Sư đi tu rồi cần vàng bạc để làm gì? v.v… và v.v…

Báo chí lúc bấy giờ ở xứ tự do nầy thôi thì tha hồ thêu dệt gấm hoa, tờ nào bán cũng chạy còn hơn tôm tươi nữa, vì vụ án ly kỳ và hấp dẫn quá. Chắc trong lịch sử chưa bao giờ có sự kiện như vậy.

Có nhiều tờ báo diễn tả lại hết tất cả những sự kiện đã xảy ra và đi đến hiện trường để quan sát, tìm thân nhân để phỏng vấn và đi đến kết luận xác thực rằng. Chính Sư là người đã ăn cướp và giết người, vì hai lý do sơ khởi đã được tìm thấy. Đó là vàng bạc và hột xoàn đã tìm thấy trong đãy đựng y áo của Sư. Nếu không phải Sư lấy của tiệm, vừa định bỏ chạy thì bị một toán cướp khác vào ăn thua đủ với Sư, nên Sư mới để lại hiện vật nầy và điều thứ hai làm cho chứng cớ càng rõ rệt hơn là: cả chiếc áo nhựt bình của Sư đều dính máu và dấu tay của Sư in đầy dẫy khắp mình của nạn nhân. Ngoài ra máu cũng đã dính trên cặp kính trắng của Sư. Chứng tỏ Sư là một tay lực sĩ đắc lực, nên mới có thể hành hung bà chủ tiệm vàng đến thế.

Họ đi đến kết luận là Sư đã giết người. Thế là họ tiếp tục khai thác, họ tìm đến chùa, tìm đến thân nhân để tiếp tục tìm thêu dấu vết thuộc về sự kiện nầy.

Khi đến Tịnh Xá phỏng vấn, các Sư đều có ý e dè, không muốn trả lời; nhưng Sư Chơn Nghĩa thì sẵn sàng lên tiếng, dẫn nhà báo vào phòng của Sư ở, chụp hình, tra cứu lung tung và lục lọi trên giường dưới gầm tủ v.v… chẳng lục lọi được gì cả, ngoại trừ một chiếc búa. Thế là báo chí lại có đề tài để tiếp tục phanh phui sự việc ra to lớn hơn nữa.

Những câu hỏi được đặt ra là: Nhà Sư tu hành nhưng cất búa dưới gầm giường để làm gì? Để thanh toán đồng bọn? Họ có hiềm khích nhau trong một ngôi chùa? Hay chính Sư đã chuẩn bị một màn kịch lâm ly bi đát, mà đạo diễn chính, ấy là Sư? Không biết cái búa tạ đập vào đầu bà Bảy Diệu Đạo có liên quan gì với cái búa nầy không? v.v… và v.v…

Cũng có nhà báo tò mò tìm đến phỏng vấn các vị Sư trưởng thượng của môn phái mà Sư đang phụng thờ; nhưng quý vị nầy cũng có hai, ba khuynh hướng khác nhau. Có người bênh vực Sư; nhưng đa số vì sợ liên quan đế pháp luật; nên lại rụt rè không trả lời. Có nhiều nhà Sư hung hăng hơn, nói với báo chí rằng: Chính Sư Tịnh Thường là thủ phạm. Vì tu hành gì mà giữ dao búa để làm gì? Vả lại trong thời gian ở chùa lúc nào Sư cũng nói đến chuyện tiền bạc và luôn luôn khoe khoang là người có của. Đúng là vàng bạc nó đã hại Sư rồi. Ai bảo đi tu mà còn ham của quý. Phật đã chẳng dạy rằng: Vàng bạc là con rắn độc sao?

Thôi thì đủ loại, đủ kiểu, miệng lưỡi của thế gian mà, một thêm mười. Mười thành trăm. Cứ thế mà câu chuyện càng hấp dẫn, đi vào chỗ lâm ly bi đát.

Khuynh hướng bênh vực cho Sư cũng có nhưng yếu lắm. Đại thể có vài tờ báo đạo và có vài người Phật Tử thuần thành bênh vực cho lý lẽ nầy. Họ nói rằng:

Không thể nào có được việc ấy. Một nhà tu nhất là đã tu hành mấy mươi năm, con kiến còn không muốn giết, đi khất htực tiền bạc không lấy và gặp thịt thà không ăn. Một người tu có lòng thương đến chúng sanh như thế, làm sao có thể giết được một mạng người, mà người ấy chính là tín chủ của mình. Còn cái búa ư? Đó chưa phải là một tang chứng cụ thể. Biết đâu trong chùa có ai ganh ghét với Sư nên mới bày ra diệu kế đó?

Có người bảo rằng: Đi tu đâu có cần tiền bạc để làm gì? Nếu có cũng chỉ để xây chùa cho Phật Tử lễ bái mà thôi. Nếu lỡ Sư có chuyện nào đó thì mình cũng phải minh oan cho Sư chứ? Đây là khuynh hướng thứ ba.

Còn có một khuynh hướng khác mạnh dạn hơn, đi vận động chữ ký để tranh thủ nhân tâm thế sự về cho Sư, chứng minh rằng Sư hoàn toàn vô tội và đóng tiến bạc để cho Sư được tại ngoại hầu tra. Đề xướng thì như vậy; Nhưng người làm thì không ai dám hy sinh. Vì sợ miệng đời, mà cũng sợ gia đình nạn nhân nữa.

Còn phía gia đình nạn nhân thì sao?

Sau khi bà cụ bị chết oan uổng như thế, dĩ nhiên là con cái pảhi buồn rầu rồi. Nhưng đa số, ai trong gia đình cũng đều kết tội cho Sư Tịnh Thường chính là nguyên nhân của thủ phạm và đã dẫn đến cái chết tai hại cho bà, cho mẹ của gia đình họ, mặc dầu trước đây không lâu, trong đám dâu con họ đã có cảm tình với Sư. Đúng là "lòng người đen bạc, thế sự nhiễu nhương". Nào ai biết được lòng người! "Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê".

Một hôm nọ có hai bà Phật Tử đi chùa và xì xầm với nhau rằng:

- Chị có biết không? Cái ông Sư Chơn Nghĩa ấy ác lắm! Người ta đã thọ nạn, mà còn thêm mắm giặm muối nữa, để cho Sư Tịnh Thường không có ngày ra.

- Nhưng tại sao vậy chị?

- Nghe đâu chuyện tình, chuyện tiền gì đó?

- Mình đi chùa, nghe quý Thầy giảng về chuyện nầy rất nhiều. Bây giờ chính quý Thầy là những người bị mắc mạn đó.

- Thì quý Thầy, quý Sư cũng người vậy thôi, chứ bộ là Thánh đâu mà không bị nạn.

- Đúng thế! Phật ngày xưa còn phải bị nạn, và Tam Tạng đi thỉnh kinh còn phải bị thất điên, bát đảo vì yêu nghiệt trong đời. Nhưng nếu không có ma vương, làm gì ý nghĩa thành đạo của Đức Phật được chói lọi như thế? Nếu không có yêu quái và mỹ nữ, ý nghĩa thỉnh kinh của Đường Tăng đi sang Thiên Trúc đâu còn có giá trị gì?

- Chị nói cũng phải; nhưng nói gần là chuyện của Sư nhà mình đây, theo ý chị thì sao?

- Ừ! Thì cũng khó thiệt; nhưng theo tôi nghĩ sự thật bao giờ cũng là sự thật.

- Nhưng bao giờ sự thật mới được phô bày?

- Chị thấy đó, Quan Âm Thị Kính cứ giữ nỗi hàm oan, cho đến cuối đời thì người đời đã rõ đâu là tà, đâu là chánh.

- Nhưng đó là Bồ Tát tái sanh để độ người, còn đây là Sư. Sư nhà mình mà chị?

- Thực là khó xử quá! Phải chi lúc đó có người thứ 3 nữa thì nội vụ đã được sáng sủa rồi.

- Nhưng chị có nghĩ rằng đàng sau đó, nếu chị nghĩ là có nhân chứng thứ 3 đi chăng nữa, có chuyện gì mờ ám chăng?

- Có ai tham khó phụ bần? Có ai dửng dưng trước sắc đẹp không chị?

- Không lẽ chị muốn nói đến việc con cái chúng muốn thanh tón nhau để chia của cải à?

- Nhưng tại sao không? Chị thấy đó. Ở xứ nầy nó xảy ra nhan nhản hằng ngày. Con giết cha, vợ giết chồng, anh em bè bạn thủ tiêu với nhau; nhưng phải qua một bàn tay thứ 3 để tránh tiếng dị nghị với đời.

- Vậy theo chị, chắc có gia đình nhúng tay?

- Điều ấy chưa hẳn thế! Nhưng nghi thì cứ nghi.

- Chị không thấy nghi là một cái tội không?

- Nhưng nghi ai bây giờ, nghi để làm gì?

- Còn Sư, lâu nay Sư có biện bạch gì không chị?

- Tôi thấy êm ru, chẳng có tin tức gì hết. Sư qua đây tứ cố vô thân, không nơi nương nhờ, mới tìm cách ở chung với quý Sư đó cho đỡ tốn kém, rồi bây giờ tìm cách ở riêng nên mới ra nông nỗi nầy.

- Theo chị thì chị em mình nên tính sao đây?

- Tìm cách đi thăm Sư chứ làm sao nữa!

- Nhưng ai là người vận động việc ấy đây?

- Cũng khó thật; nhưng không lẽ để Sư như vậy à?

Người nầy nói qua, người kia bàn lại; nhưng rốt cuộc rồi đâu cũng vào đó cả. Bỗng một hôm có một tờ báo loan tin rằng: Vụ án nầy, phía sau có nhiều nghi vấn. Người ta cố đọc cho hết bài, mà cũng đúng là nghi vấn thật. Chẳng có câu giải đáp nào cả. Nếu có, cũng chỉ nằm trong vấn đề nghi vấn mà thôi.

Trong khi đó tiệm vàng của bà Diệu Đạo sau khi đã niêm phong điều tra, bây giờ luật sư đã giao lại cho con cái của bà cái trách nhiệm thừa kế. Vì lẽ bà Diệu Đạo chưa có di chúc cho đứa con nào cả; nên theo lời đề nghị của luật sư, tài sản đều được chia đều cho con cái trong gia đình; nhưng việc ấy đâu có đơn giản, trong khi người con cả dành phần nhiều về mình và đứa con gái cũng đòi hỏi nam nữ bình quyền, nên trai gái phải chia đều nhau. Từ đó có màn tranh cãi nhau và đây cũng chính là cơ hội để luật sư ăn tiền của thân chủ mình mà thôi. Cuối cùng rồi ngư ông đắc lợi thôi, chỉ có ngao sò là bị thiệt. Điều ấy hẳn đúng, gia phong của bà Diệu Đạo giờ đây sa sút lắm, nhất là khi bà mất đi, anh em tranh giành của cải với nhau, bạn bè đàm tiếu, người đời chê cười, chỉ có lợi cho thị phi nhơn nghĩa mà thôi.

Còn Sư? Sư cô đơn lắm, kể từ ngày vào nhà thương ấy, bà Diệu Đạo đi vào cõi chết, Sư vẫn còn sống đây; nhưng sao như kẻ không hồn. Theo Sư, vụ án sẽ được sáng tỏ, chỉ cần một điều duy nhất là bà Diệu Đạo còn sống; nhưng chuyện ấy thì vô lý quá. Người chết đâu có bao giờ sống dậy được? Đặt giả thiết như vậy cũng như là việc đã rồi. Vả lại chẳng giải quyết được chuyện gì cả?

Riêng Sư, Sư chỉ mong thế thôi. Sư mong rằng bà Diệu Đạo sẽ về báo mộng cho con mình là đã chết oan và người giết ấy không phải là Sư. Chỉ thế đó là đủ. Còn luật pháp, nếu có kết tội Sư cũng không sao! Vì tang chứng vẫn còn đó làm sao chối cãi được theo sự biện hộ của công lý bây giờ.

Có nhiều bà Phật Tử đề nghị với Sư, hay là bây giờ mình nên cầu cơ, để nhờ cơ giáng bút và mời luật sư tới để cho họ chứng kiến.

Bà khác lại chen vào:

- Chị thấy đó, nội cái vụ cạo gió khi có bệnh của người Việt Nam mình, mà Bác sĩ ở đây còn đòi làm "ăng kết". Còn cái vụ cầu cơ, xin cho em nhờ thôi.

- Chị nói vậy chớ Phật Giáo Tây Tạng, nhất là khi có quốc sự nhiễu nhương, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hỏi người cốt đó sao! Người cốt cũng là loại gần giống như đồng bóng ở mình vậy!

- Nhưng ở Tây Tạng và ở Việt Nam hay Trung Hoa khác, còn ở đây là xứ văn minh Âu Mỹ mà! Ai đi tin mấy loại đó?

- Chị nói vậy chứ mấy người Tây, người Mỹ vẫn tin xem bói, tướng như thường.

- Chị thấy không? nội cái chuyện châm cứu đó đã thấy khó rồi.

- Ở mình, nếu có đau đầu nhức óc gì đó thì uống thuốc Bắc hoặc đến chùa nhờ Thầy châm cứu là hết ngay. Còn ở đây châm chứu cũng phải có bằng cấp. Thậm chí mấy người hốt rác, mấy người lái Taxi cũng phải có bằng mới làm được những công việc ấy mà.

- Đã đành là vậy, còn nước còn tát. Chứ không lẽ để Sư nằm trong khám hoài như vậy?

- Thiệt là tức, mình thấp cổ bé họng. Tiền đã không có mà thế lực cũng không! bây giờ phải biết làm sao đây? Một bà thốt lên như vậy.

- Người khác bảo, thì mình cứ chấp nhận cho nghiệp lực đã an bày!

- Nhưng thưa bà, mình có thể tự chuyển nghiệp của mình được mà bà?

- Nhưng oan ức không cần biện bạch, cũng là hành động tốt cho đời noi theo thôi.

- Nhưng ở đây chúng ta không muốn thấy Sư khổ!

Bao nhiêu câu hỏi, bây nhiêu câu trả lời; nhưng tất cả đều im lặng, chờ đợi pháp luật phân minh. Đó cũng là cách làm việc tại xứ nầy.

 

---o0o---

Mục Lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4

---o0o---

Vi tính: Hoa Giác, Minh Chính

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 6-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ung bạn đang cứu cả thế giới hơn Vận Quan hệ giữa nhà nước và công dân theo ajahn Phát nhin cac cam xuc voi con mat vo thuong Sinh trai Lễ tưởng niệm Ni trưởng Bạch Liên Tuyệt ngon món đồ uống từ sấu bao Viêm xoang khó hiểu nếu chưa biết Quan hệ thầy trò trong kinh noi hoang vu phan nguoi các khóa tu dành cho giới trẻ tu để nơi hoang vu phận người Đại sư Giám Chân và chuyến hoằng pháp khong co su no luc nao ma khong duoc bu dap giac Câu chuyện của Steve Jobs về tình yêu Câu chuyện của Steve Jobs về tình yêu tigers Ý nghĩa phước và chuyển phước trong tu vi dam Thử bàn về hai cuộc kiết tập kinh có hay không nỗi 寺院 募捐 vi bac si thay doi quan niem ve thien sau khi co ly Mùa hoa loa kèn Chùa Thiền Tôn 2 tổ chức lễ húy kỵ vo ly Gió có lý vô lý ban chat cua mong va Vị pháp vong thân Thánh tử đạo Thích co nen quy kinh tang chua thuc hanh dung chanh đại luận sư vô trước Thiền Vipassana một nghệ thuật sống nhan Tạp chien thang nhung cam xuc tieu cuc Thiền chữa chứng cô đơn ở người Nghệ thuật giao tiếp trong kinh điển 4 cách hiệu quả giúp khởi động Nơi tĩnh tâm và không gian dừng lại