MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
SƯ RA TRỤ TRÌ DỰNG LẬP CHÙA NGUYỆT ĐƯỜNG
Khoảng cuối năm Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa (1700) Sư đã bảy mươi tuổi, xét thấy việc đời vô thường, tỏ ngộ thân căn không lâu bền, một lòng nghĩ nhớ muốn xây dựng ngôi Tam Bảo, nhóm họp kẻ tăng người tục để kéo dài về sau, đèn đèn tiếp nối mãi không dứt. Một hôm Sư gặp bà Thị nội Cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân ở phủ Chúa trước kia đến thỉnh qua trụ trì chùa Nguyệt Đường, để trùng tu mở mang cho ngôi chùa trang nghiêm trở lại. Đức Bà nội cung thưa với Chúa cúng ba dật bạc (60 lạng) lại khuyên thêm quan Trấn thủ tước Quận Công hỷ cúng mười quan tiền.

Lúc đó mười quan tiền chắc lớn lắm. Đây là chuẩn bị để xây dựng chùa. Bảy mươi tuổi Ngài mới cất chùa, hồi trước ở tạm thôi.

Sư lên trụ chùa Nguyệt Đường ngày đêm nhóm họp, thiền đồ xa gần tựu về. Hàng pháp tử xuất gia thọ giáo, trường trai tu hành, tinh thông kinh luật thuộc hàng chữ “Chân” khoảng bảy mươi người, hàng cư sĩ thuộc chữ “Chân” thì rất nhiều, còn hàng cư sĩ thuộc chữ “Như” số không kể hết. Nhân đây Sư xây dựng lại thượng điện, gồm ba gian hai chái rất khang trang. Bên trong có chín pho tượng Tam Thế Phật toàn bằng vàng, mười hai tượng Tứ thánh, bốn tòa Tứ đại thiên vương, mỗi tòa ba tượng bằng gỗ phết sơn, hai tượng Thiên Chủ bằng gỗ. Sư lại cất hai ngôi tiền đường, mỗi ngôi năm gian, bên trái có tượng Địa Tạng bằng gỗ, bên phải có tượng Di Lặc bằng đồng, lại có một tượng Tề Thiên Đại Thánh bằng gỗ, hai bên trái và phải phía ngoài có hai tượng Hộ Pháp bằng gỗ. Lại cất hai ngôi hậu đường, mỗi ngôi năm gian, bên trong có tượng mười tám vị La Hán bằng gỗ phết sơn, giữa có tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề ba mắt, mười tám tay bằng gỗ, hai tượng Thánh tăng và thổ địa, sáu tượng Lục Phủ Thần Vương bằng gỗ phết sơn năm màu, hai dãy nhà hai bên bằng ngói xếp chồng đồ sộ, mỗi bên chín gian. Phía trước dãy bên trái có hai ngôi Nghi Đàn Dược Sư, bên trong giữa nóc nhà có cửa thông gió (thiên tỉnh), ngoài chạy bát vận, trên treo ba ngàn vị Hóa Phật hình dáng người Ấn, giữa có tượng bảy Đức Phật bằng đồng, hai hàng mười vị Đại Bồ-tát, mười hai vị Dược Xoa, mỗi tượng đều bằng đồng thân tướng đoan nghiêm.

Phía trước bên phải có ba đài Cửu Phẩm Liên Hoa, tầng trên chồng mái, dưới giáp vòng bát vận, giữa nổi bật lên chín phẩm hoa sen chia ra làm chín tầng, mỗi tầng tám mặt, mỗi mặt ba tượng, phía trên có lọng báu rũ xuống, dưới đất nổi lên sen vàng, hai bên là tranh vẽ cảnh Tây phương với rất nhiều Thánh tượng, bốn góc có vị thần vương Đại Hộ Pháp thân cao tám thước (khoảng 2,6m) rất uy nguy, trang nghiêm, phía sau có tượng Địa Tạng bằng đồng. Lại có ba tượng Tam Tổ bằng gỗ quí, một tượng Thiên Chủ ba cõi toàn bằng vàng, tượng Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, lại có hai hàng tượng Phật bằng gỗ ở phía sau.

Có tượng Tề Thiên Đại Thánh chúng ta cũng nên hiểu qua. Thực ra ngày xưa đọc chuyện Phong Thần, Tây Du người ta tưởng là chuyện thật. Bởi vì không đọc Tây Du Ký của ngài Huyền Trang, nên tưởng chuyện Tây Du là chuyện thật, rồi cho Tề Thiên Đại Thánh cũng là một vị hộ pháp đắc lực và chùa nào cũng thờ. Ngày nay người ta thấy quyển Tây Du Ký của ngài Huyền Trang mới là sự thực, là sử, còn quyển Tây Du là tiểu thuyết cho nên có Trư Bát Giới, có Tề Thiên, có Sa Tăng… Vì ngày xưa thiếu tư liệu để nghiên cứu, nên các Ngài tưởng là thậät đem thờ. Có nhiều người vào Trúc Lâm thắc mắc sao chùa theo Bắc tông mà thờ có một đức Phật, chỉ có Nam tông người ta mới thờ có đức Phật thôi, còn Bắc tông thờ Tam thế… Chúng ta thờ có một đức Phật thì người ta nghi. Tôi nói rằng, ngày xưa khi vào chùa người ta thấy thờ đủ hết chư Phật, chư Bồ-tát, chư A-la-hán, đó là lòng kính trọng đầy đủ, không bỏ sót một vị nào. Nhưng ngày nay thờ nhiều quá thì lại có một cái dở, bởi vì chúng ta muốn cho tất cả tâm lực chú vào đức Phật, đứùc Phật là duy nhất, đức Phật là Thượng tôn, nên mình thấy một đức Phật để đủ lòng chiêm ngưỡng chuyên nhất, nếu phân tán quá thì vô tình giống như đa thần. Vì vậy mà tôi chỉ có thờ một đức Phật. Đó là cái nhìn của tôi trong đạo, bây giờ chúng ta nhìn để phối hợp với hoàn cảnh xã hội. Các nước trên thế giới ngày nay, khoa học đã tiến bộ nhiều, người ta đặt vấn đề chuyên khoa. Khoa nào chuyên khoa nấy, ngay trong y khoa cũng có chuyên nữa, Trong chùa thờ Phật Thích-ca, mà chúng ta chuyên tu thiền thì thờ đức Thích-ca cầm hoa sen đưa lên, ngài Ca-diếp thấy, mỉm cười mà ngộ đạo. Đó là tông chỉ của Thiền tông, chuyên hướng về tông chỉ duy nhất như vậy tâm dễ an định hơn. Do đó mà tôi chỉ thờ có đức Phật đưa cành sen, tôi không muốn thờ nhiều quá làm phân tán tâm. Có người lại hỏi tại sao vẽ hai vị ở hai bên là ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù chi vậy? Tôi cho biết rằng ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù là hai vị Bồ-tát tượng trưng, không phải là hai vị Bồ-tát có lịch sử ở thế gian này. Ngài Văn Thù là tượng trưng Trí Tuệ cho nên gọi là Căn bản trí. Ngài Phổ Hiền là tượng trưng cho Hạnh, hạnh nguyện rộng lớn cho nên gọi là Đại Hạnh. Một bên là Đại trí, một bên là Đại hạnh. Đại trí thì tượng trưng cỡi sư tử, vì Phật nói như sư tử hét lên một tiếng các loài thú đều hoảng hốt chạy dài. Con người có đầy đủ trí tuệ, trí tuệ đó chinh phục tất cả các loài, chinh phục tất cả mọi người giống như sư tử rống. Còn ngài Phổ Hiền là Đại hạnh. Bởi vì trong tinh thần Phật giáo, thế giới này Phật gọi là thế giới Ta-bà, mà thế giới Ta-bà là thế giới nhiều đau khổ cho nên nói Ta-bà khổ. Trong thế giới nhiều đau khổ thì chúng sanh lại càng cứng đầu, cứng cổ khó dạy. Những người nào nghèo cùng quá dễ dạy hay khó? Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, họ không nghe lời ai hết. Họ khổ sở, họ chỉ cần cái ăn cái mặc, họ không muốn nghe lý thuyết gì, vì vậy khó dạy. Muốn giáo hóa ở cõi này, thì một là phải có đủ trí tuệ dồi dào - trí tuệ phải linh động phải khéo, uyển chuyển mới giáo hóa được người. Cho nên trí tuệ là cần thiết số một, vì vậy mà bên phải đức Phật là ngài Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ. Nhưng nếu có trí tuệ mà không có hạnh nguyện lớn thì cũng khó mà làm được. Trí tuệ không làm cho chúng ta chịu cực chịu khổ, chịu mọi gian truân nổi. Ở thế gian có nhiều người rất khôn, mà gặp cảnh trái ý thì bỏ cuộc, tính toán giỏi mà không có lập trường vững thì làm không được việc. Cho nên, hai là phải có hạnh nguyện. Hạnh nguyện cho mạnh, cho lớn thì trí tuệ mới có thể giúp ích được cho người đời lâu dài. Trong kinh nói, chúng sanh nan điều nan phục, tức là khó trị, thì chúng ta phải có trí tuệ sáng suốt, linh động để mà uyển chuyển chỉ dạy làm sao cho họ hiểu được đạo lý. Trong cái khó tự nhiên lại có nhiều việc làm cho chúng ta dễ nản dễ chán, muốn cho không nản không chán thì phải có đại nguyện, nguyện mãnh liệt mới có thể chịu đựng, mới có thể lâu dài được. Vì vậy bên trái có ngài Phổ Hiền trợ lực. Hai Bồ-tát trên là hình ảnh tượng trưng cho trí tuệ và hạnh nguyện. Đó là công hạnh của đức Phật ra đời trên thế gian Ta-bà khổ này. Chúng ta học Phật, tu Phật cũng phải có hai điều kiện đó, phải sống ở trên thế gian nhiều nghiệp chướng, nhiều khổ đau, mà nếu không có trí tuệ thì chúng ta không thấy rõ, không biết đâu là chánh đâu là tà. Có trí tuệ rồi có hạnh nguyện lớn, thì chúng ta mới làm được Phật sự lâu dài, mới làm lợi ích cho chúng sanh được rộng lớn. Hai điều này  không thể thiếu ở một vị tu hành nào. Như vậy thì thờ Phật một là thờ với tư cách quý trọng Ngài là vị đủ cả trí tuệ và hạnh nguyện lớn lao, vào cõi Ta-bà giáo hóa, đó là nhớ ơn; hai là học hỏi gương đó, mình ở cõi này cũng phải có đủ trí tuệ và hạnh nguyện để làm Phật sự đến tròn đầy. Đó là ý nghĩa tôn thờ một đức Phật và hai vị Bồ-tát bằng hình vẽ như cái bóng tượng trưng, nói để quý vị thấy và hiểu nhiều khi không hiểu thờ đức Phật và hai vị Bồ-tát có ý nghĩa thế nào. Như vậy chúng ta thờ không giống với các chùa Bắc tông khác, vì chúng ta thờ có một ý nghĩa chuyên nhất để cho thích hợp với thời khoa học chuyên ngành này, vì chuyên về thiền, nên không thờ đức Di Đà, thờ đức Di Lặc? Chỉ có đức Thích-ca cầm hoa sen là trọng tâm chúng ta đang nhắm. Hiểu như vậy rồi thì mới thấy ý nghĩa nên làm. Và quý vị lạy Phật mới biết, còn không thì không hiểu.

Ngày xưa thờ rất nhiều là để tỏ lòng cung kính đầy đủ Phật, Bồ-tát, A-la-hán, các vị thiên thần hộ pháp. Còn ngày nay mình tính cách chuyên ngành, thờ chỉ một đức Phật để chuyên về thiền thôi. Đó là ý nghĩa rõ ràng.

Phía sau bên phải có ngôi đàn Đại bi năm gian, hai chái, bên trong có tượng Phật bốn mươi hai cánh tay, làm đài sen rất đẹp. Phía Đông Bắc có một ngôi nhà trù bát vận ba gian, phía Tây Nam có một ngôi nhà chứa Kinh cũng ba gian bát vận, bảy ngôi tăng đường vây quanh giáp vòng, một ngôi ngay giữa ba gian bằng gạch. Trong chùa thì bốn phía vách gạch, hành lang gạch xám tro. Ngoài chùa bốn góc toàn bằng gạch Bát thiết quí giá.

Lại có hai tòa nghi môn ở hai bên, mỗi tòa ba gian, chồng lớp hai tầng dùng làm gác khánh, gác mai. Hai ngôi Tổ đường hai bên, mỗi ngôi ba gian bát vận, chồng mái, bên trong có khám thờ cùng tượng hai vị Tổ. Một ngôi bảo tháp Tổ sư ở bên trái cao hai mươi mốt thước (khoảng 6m93). Một bảo tháp Tôn sư bên phải cao hai mươi lăm thước (khoảng 8m25) mỗi tháp đồng có tượng sư tử ở bệ đá phía dưới hai bên. Một cổng tam quan ở con đường trước chùa, lầu gác trên dưới, ba gian bát vận toàn dùng gạch Bát thiết

Núi bên trái có gác chuông, tầng trên treo một cái hồng chung rộng hai thước (0m66), tầng dưới treo một đại hồng chung rộng ba thước năm tấc (1m15). Núi bên phải có lầu trống đối lại, trong đặt một cái trống to, bề mặt rộng ba thước (0m99). Thềm phía dưới bằng gạch Bát thiết bằng phẳng. Trước chùa có tường bao quanh, trang trí hoa văn. Con đường hai bên phải và trái dùng toàn gạch Bát thiết. Trong ngoài vườn cảnh, cây cối, hoa quả tươi tốt, trước sau sắp bày hàng lối như lọng che.

*   *

Niên hiệu Bảo Thái [1] (1720-1729), một hôm vua Lê Dụ Tông thỉnh Sư vào nội điện lập đàn cầu tự ba ngày đêm. Sư cảm thán:

- Thái Công 80 tuổi gặp Văn Vương!

Lúc này Sư 80 tuổi.

Từ khi trở về Bắc cho đến lúc được vua mời Ngài đã tám mươi tuổi.

Vua hỏi đạo:

- Trẫm nghe nói Lão Sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão Sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.

Sư tâu:

- Xin Bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,

Tương lai diện thượng đổ sư nhan. 

Dịch:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình,

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.

Trong mộng tìm chi người tri thức,

Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Nhà vua muốn hiểu đạo lý xin Ngài thuyết pháp cho nghe. Ngài không thuyết pháp những bài dài dòng, mà chỉ nói một bài kệ để cho nhà vua hiểu.

Hằng ngày quán lại chính nơi mình. Chữ “Phản Quan Tự Kỷ”, tức là phải xoay lại, xem xét hay là nhìn thấu suốt ở chính mình. Hằng ngày mình phải quán chiếu lại ngay nơi bản thân mình.

Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh. Chúng ta phải xét nét cho tường tận đừng có xem thường. Tại sao vậy? Bởi người tu Phật là người phải soi xét lại chính nơi bản thân mình, để nhận chân cái gì là thật, cái gì là giả. Biết rõ cái thật cái giả mới không còn mê lầm, nếu nơi mình mà mê lầm, thì đối với muôn sự vật ở ngoài, chúng ta cũng mê lầm luôn. Tất cả là gốc từ mình, không biết rõ mình mà muốn biết rõ sự vật bên ngoài là chuyện không thể được. Chúng ta lại mê lầm mình, thì ở ngoài làm sao mà hiểu được đúng lẽ thật. Cho nên Phật dạy phải biết mình trước rồi mới biết mọi vật sau, biết được mình rồi thì nhìn sự vật mới biết đúng như thật, đây là cái gốc quan sát của đạo Phật. Hai câu trên chỉ cho chúng ta phương pháp tu theo đạo Phật.

Trong mộng tìm chi người tri thức. Chữ Tri thức đây nói cho đủ là thiện tri thức, là minh sư. Nghĩa là đừng có tìm minh sư hay thiện tri thức trong mộng. Tại sao vậy? Chính chúng ta không biết mình là gì mà muốn biết được ông Thầy, muốn biết minh sư đúng, thì làm sao biết được? Không biết mình mà muốn biết người cho đúng cho thật, thì cái biết đó không bao giờ có. Cho nên Ngài bảo đừng có trong mộng mà tìm thiện tri thức hay là tìm minh sư.

Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình. Thiện tri thức sẽ thấy ngay nơi mình chớ không đâu xa hết. Người tu Phật không phải tìm thiện tri thức ở ngoài mà phải ở ngay nơi mình. Nói thiện tri thức là nói theo lẽ thường, nếu nói cao hơn chút nữa là Phật. Trong mộng đừng tìm Phật mà phải thấy Phật ở ngay nơi mình. Thấy Phật ở ngay nơi mình đó là biết tu, nếu tìm Phật ở  ngoài thì luống công vô ích, chỉ là việc mơ mộng thôi không có thậät, Phật thật là ở chính ngay nơi mình. Bốn câu kệ này chỉ hết sức tường tận ý nghĩa tu. Căn cứ trên bốn câu kệ này, chúng ta thấy Thiền sư Hương Hải quả chính là giòng giống Thiền Trúc Lâm. Tại sao? Vì Thiền Trúc Lâm dạy phản quan tự kỷ, thì ở bài này Ngài nói rất tường tận. Qua những lời chỉ dạy kẻ sau, chỉ dạy những người khác, chúng ta thấy được mục đích nhắm thẳng của các Ngài mà phán đoán được các Ngài nằm ở hệ phái nào.

Vua lại hỏi:

- Thế nào là ý Phật, ý Tổ?

Sư đáp:

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

Nhạn bay trên không,

Bóng chìm đáy nước.

Nhạn không ý để dấu,

Nước không tâm lưu bóng.

Bốn câu thơ này không phải là của Ngài làm, mà của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài. Thiền sư dùng bốn câu Nhạn quá trường không, Ảnh trầm hàn thủy, Nhạn vô di tích chi ý, Thủy vô lưu ảnh chi tâm để trả lời về ý Phật, ý Tổ. Phật Tổ có sử dụng cái ý hay không? Chúng ta luôn luôn hỏi đại ý Phật pháp hay là ý Phật ý Tổ, cứ nghĩ cái ý đó là mục tiêu, chỗ hướng đến của con người. Nhưng với nhà thiền, còn ý thì chưa phải là cái thật. 

Nhạn bay trên không, bóng chìm đáy nước, nhạn không ý để dấu, nước không tâm lưu bóng. Nhạn không có ý để lại dấu vết trong hư không, qua rồi mất, qua rồi mất, không còn một dấu tích gì. Rồi bóng nhạn hiện dưới đáy nước mà nước có tâm để giữ bóng đó không? Có bóng hiện nhưng nhạn bay qua thì bóng nó cũng theo đó mà mất, nước không có ý giữ bóng. Như vậy Phật Tổ có ý không? Chúng ta bây giờ quen hỏi câu đó ý chỉ thế nào? Hay là ý Thầy muốn gì? Cứ đặt những câu hỏi như thế. Nhưng Phật Tổ không bao giờ có ý, vì ý là niệm sanh diệt, Phật Tổ không sống với ý niệm sanh diệt đó, mà chỉ sống bằng tâm hằng tri hằng giác. Cho nên dùng bài kệ này trả lời rất là hay. Tuy là bài kệ của người khác mà Ngài sử dụng đúng thì như chính Ngài nói, cho nên nói rằng mỗi lần lặp lại mỗi lần mới. Hồi xưa bài kệ đó ở trường hợp nào không biết, nhưng bây giờ có người hỏi ý Phật ý Tổ, Ngài đem bài kệ đó ra nói, thì đúng ngay chỗ người ta muốn hiểu, trả lời rất chính xác. Như vậy Ngài trả lời ý Phật ý Tổ là sao? Có người nói theo như câu này thì Phật Tổ không có ý, đúng chưa? Phật Tổ không có ý như chim nhạn bay trong hư không thì nó cứ bay, chớ không có ý để dấu, như nước hiện bóng chim nhạn, mà nước cũng không có ý giữ bóng chim nhạn. Như vậy thấy rõ là không có ý. Nhưng có người nói: Không có ý thì không có phân biệt, không có phân biệt vì sao chim nhạn biết hướng mà bay? Không có phân biệt làm sao ở dưới nước lại hiện bóng nhạn y như chim nhạn ở trên hư không? Chúng ta nhớ ngài Huyền Giác trả lời với Lục Tổ: “Tuy phân biệt mà không phải ý” để thấy rằng trong cái sống, không dùng ý mà vẫn có cái tri giác, biết rõ không nghi ngờ. Cho nên có câu “Đem gương đúc thành tượng…” Gương lúc chưa đúc thành tượng thì sáng, ai tới bóng cũng hiện, khi đúc thành tượng rồi thì sao? Đúc thành tượng rồi tưởng như không còn sáng nữa, nhưng Thiền sư lại nói: “Không có dối y được một điểm”. Dù đúc thành tượng mà có gì chung quanh nó cũng chiếu, vậy chúng ta thấy rằng không phải từng mảnh vụn của ý phân biệt mới là đúng, là có phân biệt, khi trở thành một khối rồi vẫn có phân biệt như thường. Tinh thần thiền ở trong những bài kệ này.

Vua khen ngợi:

- Lão Sư thông suốt thay.

Qua hai bài kệ, nhà vua lãnh hội được nên khen.

Vua lại hỏi:

- Phật đối với chúng sanh có ân đức gì đến nỗi khiến Lão Sư bỏ vua, bỏ cha mẹ, vợ con theo thờ làm Thầy?

Câu hỏi này khó! Phật có ân đức gì đối với mình mà bây giờ bỏ cha mẹ, bỏ vua chúa, bỏ gia đình để thờ Phật làm Thầy. Câu hỏi đó rất tinh tế, bây giờ không nói bỏ vua nữa, mà bỏ đất nước bỏ gia đình, để đi thờ Phật làm Thầy.

Sư đáp:

- Phật đối với chúng sanh thì ân quá trời đất, sáng hơn mặt trời mặt trăng, đức vượt cha mẹ, nghĩa qua cả vua tôi.

Quá có nghĩa là hơn. Ngài nêu lên điều này làm vua hơi bất mãn, vì từ xưa đến giờ người ta thấy vua là trên hết, trong thời quân chủ vua là tối thượng, giờ nói Phật còn hơn vua nữa thì vua không bằng lòng.

Vua hỏi:

- Trời đất, mặt trời, mặt trăng có đủ công tạo hóa; cha mẹ, vua tôi có đủ đức sanh thành. Vì sao nói Phật đều vượt qua những thứ này?

Câu đó tỏ là vua không bằng lòng rồi.

Sư tâu:

- Trời chỉ hay che mà chẳng hay chở, đất chỉ hay chở mà chẳng hay che.

Đó là quan niệm hồi xưa, trời che đất chở. Nghĩa là trời hay che mà không hay chở, vì người ta nói trời che ở trên. Còn đất chỉ hay chở mà không hay che, tức là đất chở mình mà không che đậy cho mình.

Mặt trời soi ban ngày mà chẳng soi ban đêm, mặt trăng ban đêm sáng mà ban ngày tối; cha chỉ hay sanh chẳng hay dưỡng, mẹ chỉ hay dưỡng chẳng hay sanh [2]. Vua có đạo thì tôi trung, vua không đạo thì tôi nịnh, suy theo đó thì đức chẳng toàn.

Như vậy các vị trên đức đều không toàn vẹn.

Đức của Phật đối với chúng sanh thì chẳng vậy. Luận về che thì che khắp bốn loài sanh, luận về chở thì sáu đường đều được chở, luận về sáng thì soi sáng cả mười phương, luận về tỏ thì tỏ rực cả ba cõi, luận về từ thì vớt lên khỏi biển khổ, luận về bi thì cứu ra chỗ tối tăm, luận về thánh thì vua trong các thánh, luận về thần thì sáu thông tự tại. Do đó cứu khắp cả người còn kẻ mất, dẫn dắt hết kẻ quý người tiện, kính mong Bệ hạ để tâm kính ngưỡng!

Câu trả lời của Ngài đối với hồi xưa thì rất là hay, nhưng đối với chúng ta bây giờ thì cũng còn một hai điểm sơ sót. Nhưng đó cũng chỉ là phương tiện để chinh phục nhà vua thôi.

Vua vui vẻ nói:

 - Ân Phật như thế, ngoài Thầy ra khó ai nói rõ, trẫm xin ngay đời này kính ngưỡng.

Ngài nói vậy thì nhà vua phát tâm liền. Như vậy mới thấy người xưa đức hạnh đầy đủ, trí tuệ thông minh, biết rõ điều gì nhà vua cần biết cần hiểu thì nói ra vua liền hiểu, liền biết làm cho Phật pháp được nhà vua kính trọng.

Tháng sáu năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh (1714)  Sư đã 87 tuổi.

Tức là tám mươi tuổi gặp vua Lê Dục Tông, tám mươi bảy tuổi gặp chúa Trịnh.

Chúa Trịnh Cương (Hy Tổ) đến thăm chùa và hỏi thăm lai lịch của Sư. Sư trình bày lai lịch cớ sự trước sau, đã hưởng lộc Chúa qua ba triều. Chúa hoan hỷ cúng một ngàn quan tiền trước Phật và đề bài thơ:

Danh lam từng trải đã hay danh,

Trình độ này âu hợp chốn Trình.

Pháp giới chăm chăm tuyên diệu pháp,

Kinh lâu rỡ rỡ diễn chân kinh.

Công nhiều nhờø có công vô lượng,

Thế thuận vầy nên thế hữu tình.

Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy,

Lòng thiền tua cẩn chốn thiền quynh.

Đây là bài thơ chữ Nôm. Thời của Thiền sư Hương Hải, vua Lê chúa Trịnh đều quý kính Phật pháp, đó là điều rất tốt. Cho nên có được những vị Thiền sư mở mang truyền bá thạnh hành trong thời hai vua Lê Hy Tông, Lê Dục Tông và chúa Trịnh Căn, chúa Trịnh Cương cũng quý trọng Phật pháp.

Bài thơ này nói lên tinh thần tán thán chùa, tán thán pháp Phật, tán thán công đức của người truyền bá.

Danh lam từng trải đã hay danh. Danh lam thắng cảnh là chùa. 

Trình độ này âu hợp chốn Trình. Tức là tán thán trình độ của Thầy là trình độ của bậc thức giả Nho gia. 

Pháp giới chăm chăm tuyên diệu pháp, Kinh lâu rỡ rỡ diễn chân kinh. Nghĩa là khắp cả pháp giới luôn luôn Thầy chú tâm tuyên giảng diệu pháp và trên lầu kinh rỡ rỡ diễn nói những bộ kinh chân thật. Đó là hai câu tán thán sự truyền bá giáo lý.

Công nhiều nhờ có công vô lượng. Tức là nhờ có công hoằng hóa hay là giáo hóa của Thầy mà được nhiều người phát tâm cho nên công đức đó là công đức vô lượng. 

Thế thuận vầy nên thế hữu tình. Người đời theo pháp của Phật dạy mà khởi lên tâm kính trọng.

Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy. Thiền sư chán trần tục rồi thì không còn dính, không còn nhiễm mùi tục lụy nữa. 

Lòng thiền tua cẩn chốn thiền quynh. “Tua cẩn” tức là ưa thích tu thiền, lòng ưa mến tu thiền, vì vậy mà mến chỗ chùa chiền - “thiền quynh” là mến chỗ chùa chiền. Như vậy là tán thán cảnh, tán thán sự truyền bá, tán thán lòng của người không có nhiễm mùi tục lụy, luôn luôn ở chốn thiền môn. 

Một hôm quan Trấn thủ Quốc lão trí sĩ Ưng Quận Công đến thưởng ngoạn chùa Nguyệt Đường, vịnh bài thơ:

Xuân hoa nhân vọng mộc thiều dương,

Hạ nhật giai nhân thưởng Nguyệt Đường.

Lão bá đình tiền trương thúy cái,

Nộn hà lam ngoại tiến kỳ hương.

Băng tâm trì ấn tuyên kinh dũng,

Thiết diện tuần tường vọng đạo lương.

Cơ chủng hữu tình quy bút để,

Huyền huyền vị đắc nhất thiên trường.

Dịch: 

Hoa xuân người ngắm tắm thiều dương,

Ngày rảnh giai nhân thưởng Nguyệt Đường.

Bách lão trước sân giương lọng biếc,

Sen non ngoài ao dâng kỳ hương.

Tâm băng cầm ấn nói kinh mạnh,

Mặt sắt theo tường ngắm đạo lành.

Bao thứ hữu tình về ngọn bút,

Sâu mầu cảm được một thiên trường.

Hoa xuân người ngắm tắm thiều dương. Tức là người ngắm hoa mùa xuân đang tắm dưới ánh nắng mặt trời, thiều dương là ánh nắng mặt trời. 

Ngày rảnh giai nhân thưởng Nguyệt Đường. Tức là ngày rảnh rỗi, giai nhân đến thăm viếng hay thưởng ngoạn cảnh chùa Nguyệt Đường là chỗ Ngài ở. 

Bách lão trước sân giương lọng biếc, Sen non ngoài ao dâng kỳ hương. Trước sân chùa có cây bách đã già, vươn lên xanh biếc. Chừng mười năm nữa chùa này chắc cũng có những cái lọng xanh hoặc là bách hoặc là tùng che ở trước. “Sen non ngoài ao dâng kỳ hương”, ở đây có lọng bách mà chưa có sen non, chừng năm bảy năm nữa hồ phía trước hơi cạn, lúc đó chúng ta trồng sen thì mới có sen non. 

Tâm băng cầm ấn nói kinh mạnh, Mặt sắt theo tường ngắm đạo lành. Hai câu này nghe hơi lạ, tâm băng tức là tâm lặng lẽ trắng như băng tuyết, cầm ấn tức là thường thường người ta giảng hay cầm ấn vỗ xuống bàn, nói kinh mạnh. Mặt sắt theo tường ngắm đạo lành. Tức là cái mặt lạnh như tiền, đi quanh tường ngắm đạo lành, tới đâu cũng thấy đạo rất an ổn, trong lành. Như vậy người nói kinh, tâm trong như băng tuyết và đi quanh vườn chùa mặt lạnh như tiền, tức là không dính, không nhiễm cái gì hết. Chúng ta bây giờ thì sao? Có được tâm băng,mặt sắt không? Ngắm hoa này đẹp thì cười, lại hoa kia úa thì buồn, là mặt gì? Đó là mặt hoa dễ nở dễ tàn, chớ không phải mặt sắt. 

Bao thứ hữu tình về ngọn bút. Cảnh ở trước chùa rất là hữu tình, gom hết về ngọn bút mà diễn tả ra đây. 

Sâu mầu cảm được một thiên trường. Tất cả vẻ sâu mầu, hay đẹp đó tác giả cảm nên làm được một bài dài.

Quan Trấn thủ thường hay đến hỏi đạo, nhân đó Sư làm bài thơ tán.

Đây là ngài Hương Hải tán thán ông quan Trấn thủ – tức là quan Quốc lão. Ngài nói kệ: 

Hướng minh quy mệnh sự quân vương,

Yết kiến tôn công khánh thọ trường.

Tài dụng kinh luân kiêm đức hạnh,

Ân thi lễ nghĩa quí văn chương.

Ngoại trừ đạo tặc binh dân ái,

Nội dưỡng trinh liêm sĩ tốt cường.

Quyền trấn Nam giao danh tứ hải,

Khuông phò quốc chánh lạc quần phương.

Dịch:

Theo về trời sáng thờ quân vương,

Gặp được ngài đây chúc thọ trường.

Tài đã kinh luân gồm đức hạnh,

Ân vừa lễ nghĩa quý văn chương.

Ngoài trừ giặc trộm dân binh mến,

Trong dưỡng liêm trinh quân sĩ cường.

Quyền trấn vùng Nam danh bốn biển,

Giúp lo trị nước vui các phương.

Theo về trời sáng thờ quân vương, Gặp được Ngài đây chúc thọ trường. Nghĩa là quan Trấn thủ đã theo về thờ vua sáng. Bây giờ gặp ông đến thăm, tôi chúc mừng ông được sống lâu. 

Tài đã kinh luân gồm đức hạnh, Ân vừa lễ nghĩa quý văn chương. Ông có tài gồm hết cả kinh luân và đầy đủ đức hạnh, về ân đức thì vừa biết lễ nghĩa vừa thích văn chương. Đó là Ngài tán thán tài đức của ông quan Trấn thủ 

Ngoài trừ giặc trộm dân binh mến, Trong dưỡng liêm trinh quân sĩ cường. Đối với bên ngoài thì có khả năng trừ giặc, trừ trộm cướp, binh sĩ đều mến thương. Bên trong nuôi dưỡng tâm liêm trinh, tức là thanh liêm và trinh khiết nên binh sĩ được hùng mạnh.

Quyền trấn vùng Nam danh bốn biển, Giúp lo trị nước vui các phương. Ông có quyền cai trị cả vùng Nam nổi danh bốn biển, lo việc trị nước, giúp nước, các nơi nghe đều vui. Đó là lời tán thán của Ngài đối với quan Quốc lão. 

Sau đó, quan Quốc lão xin Sư lập đàn trai phổ độ bảy ngày đêm, mỗi ngày ông đích thân đem xe chở ba giỏ hương đến, thành tâm niêm hương dâng cúng.

Một hôm rảnh rang, Trưởng quan lại mời ba vị Thầy thuộc đạo Hòa Lan đồng đi đến chùa Nguyệt Đường cùng Sư đối đáp bàn luận xem thắng bại thế nào. Ba vị đó là Tài Gia, Tài Hữu, Tài Chi. Trưởng quan hỏi bên Đạo một câu, hỏi bên Thích một câu, ba vị thầy bên Đạo ba lần bặt lời không nói được, chỉ còn lại một bên Thích lời lẽ nói ra không cùng.

Lúc này tăng chúng rất nhiều, chùa mỗi ngày thêm hưng thạnh. Một hôm trời mùa xuân, Sư rảnh rang ngâm bài thơ:

Tam dương khai thái chuyển hồng quân,

Cửu thập thiều quang sắc sắc tân.

Dạ tĩnh thanh phong điều ngọc lộ,

Nhật tình thụy khí ái từ vân.

Sơn cao lâm thọ hy, kỳ, mỹ,

Bình địa viên hoa phức úc huân.

Xứ xứ nghinh tường ca vạn thọ,

Nhân nhân hòa lạc vịnh thiên xuân.

Dịch: 

Tiết xuân thông mở chuyển muôn phương,

Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân.

Đêm yên gió mát sa sương móc,

Ngày sáng khí lành nổi từ vân.

Trên non cây cối ôi đẹp lạ!

Dưới đất vườn hoa thơm ngát hương.

Đón lành chốn chốn ca vạn thọ,

Hòa vui kẻ kẻ vịnh ngàn xuân.

Chùa Nguyệt Đường thuở đó Ngài ở thấy vui thấy đẹp, giống như chúng ta bây giờ ở đây cũng thấy vui thấy đẹp.

Tiết xuân thông mở chuyển muôn phương, Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân. Hoa tiết đầu mùa xuân nở rộ khắp nơi. Trong ba tháng mùa xuân, mặt trời sáng ấm, hoa nở muôn sắc muôn màu.

Đêm yên gió mát sa sương móc, Ngày sáng khí lành nổi từ vân. Ban đêm yên lặng gió mát, sương móc rơi xuống. Ban ngày khí trời ấm áp có những đám mây lành nổi lên.

Trên non cây cối ôi đẹp lạ! Dưới đất vườn hoa thơm ngát hương. Mùa xuân cây cối xanh tươi thật đẹp. Dưới đất hương hoa bay lên thơm ngát.

Đón lành chốn chốn ca vạn thọ, Hòa vui kẻ kẻ vịnh ngàn xuân. Nơi nơi đều đón mùa xuân lành và ca tụng được muôn năm hay muôn tuổi. Ai thấy cũng vui, cũng hòa hợp cho nên người người đều vịnh một ngàn mùa xuân. Đây là Ngài vui vẻ làm bài thơ tán thán cảnh chùa Nguyệt Đường.

*

*   *


[1] Nĩên hiệu này có sự nhầm, vì Ngài tịch năm 1715. Xin chờ tra cứu. Hơn nữa đoạn sau nói năm Giáp Ngọ (1714) niên hiệu Vĩnh Thịnh, Sư 87 tuổi.
[2] Bản Hán: Phụ chỉ năng sanh bất năng dưỡng. Mẫu chỉ năng dưỡng bất năng sanh. (Trang 17)
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

hoẠÐÑÑ Thoát chuong iii giai doan quan he va hop tac giữ Giå quÃƒÆ chu quan va lac quan Mưa ấm Tháng Giêng Quan thế âm Gánh lá dong chợ Tết ton kinh tuong niem lan thu 29 co ht thich tri chan nguyen phà p Cân nặng liên quan thế nào đến đau những dòng sông ở giữa su thay tre thich o rung choi non tren dat hoang Khà i Tình yêu ki廕穆 chùm quang chùa diệu ấn tinh thần cầu nguyện của người phật thực hay nhin sau vao cuoc song nhu no dang la Ngàn thơ mặc giang từ bài số 1301 đến số chà thanh ngan bổn sư truyện Câu chuyện của Steve Jobs về tình yêu bồ tuong niem 40 nam ht thich chon thuc vien tich học phật Đức Ăn chay tốt cho bệnh nhân tiểu đường Háºnh thờ Quả lựu có công dụng trị bệnh mở rộng chu vi của từ ái thoi 05 Cu niết bàn de nong gian boc phat la ban nang Thanh âm mùa hạ Nữ giới Phật giáo Những tấm gương quan diem cua phat giao ve van de chuyen gioi ngó trời phiếm luận khôn cùng Ão Khánh Hòa Tưởng niệm Tổ khai sơn chùa