MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
VI. KHAI THỊ NGỘ NHẬP ĐƯỢC DUYÊN TỐT
 TRUYỀN TRAO ẤN CHỨNG

ĐOẠN 1

Một hôm Sư dạy chúng: 

- Từ khi ta lên trụ chùa Nguyệt Đường, lập Thiền Tịnh Viện thì đệ tử ở khắp nơi theo về đông đảo để học đạo quy y, thảy đều ghi tên tất cả để rõ dấu tích. 

Chỗ Ngài lập đề Thiền Tịnh Viện là viện tu Thiền và tu Tịnh. Tại sao vậy? Bởi vì thời đó hệ thiền yếu đi, các thời vua Lê trước trọng Nho khinh Phật, cho nên đường lối của các vị Thiền sư truyền bá không được thông dụng. Thiền gần với giới trí thức hơn, không hợp với giới bình dân. Do đó các ngài sau này dạy Tịnh nhiều. Đến đời của Ngài thiền được khôi phục lại nhưng chưa hoàn bị, vì vậy phải dung hợp cả thiền cả tịnh gọi là Thiền Tịnh Viện. 

Trong đó đệ tử thượng túc là Hòa thượng Viên Thông tự Chân Lý Hiển Mật. 

Người tôn túc nhất để được kế thừa Ngài là Thiền sư Viên Thông tự là Chân Lý Hiển Mật. 

Kế là các vị: Chân Tạng Mật Hạnh, Chân Chiếu Hoa Mỹ, Chân Tông Quản Trí, Chân Quy Phổ Ứng, Chân Truyền Quang Tán, Chân Tịch Khổ Hạnh, Chân Thành Bồ Đề, Chân Thường, Chân Cảnh, Chân Thước, Chân Ýù, Chân Thị, Chân Thuần, Chân Đẳng, Chân Bình, Chân Pháp, Chân Quản, Chân Trí, Chân Bảo, Chân Thường, Chân Đông, Chân Dung, Chân Quả, Chân Viên, Chân Kinh, Chân Tĩnh, Chân Quang. Hàng chữ “Chân” này được bảy mươi vị, trên  đây là tạm ghi những vị lớn tiếp nối truyền đăng.

Sau đây là hàng cháu thuộc chữ “Như”: 

Thứ nhất là người tiếp nối hương hỏa, Tăng Lục Ty Hòa thượng Tăng thống Chánh Tông tự Như Nguyệt hiệu Hoa Quang (trụ trì chùa). 

Kế là Sơn tăng Như Tông, Tăng phó Như Túc, Như Khoản, Tăng phó Như Nhật, Nội đàn Như Đài, Như Bảo, Tăng chánh Như Sơn, Tăng phó Như Thừa, Như Công, Tăng phó Như Thuyên, Hữu công Như Hiền, Như Nhẫn, Tăng thống Như Toàn, Hữu công Như Biện, Như Đề, Tăng chánh Như Viên, Như Kiên, Như Lưu, Như Mật, Tăng phó Như Cảnh, Như Hải, Như Khanh, Như Nghiệm… Khoảng hai trăm vị, trên đây chỉ tạm ghi hai mươi bốn vị hoặc có công với chùa, hoặc có sắc mệnh. 

Kế là hàng cháu chắt thuộc chữ “Tánh”. 

Thứ nhất là Chánh Phái Phụng Thị Nội đàn Tăng thống tự Tánh Thanh, Nội đàn Kiến Liễn, Tánh Kế, Đạm hạnh Tánh Khả, Nội đàn Tánh Châu, Tánh Duệ, Tánh Thước, Tánh Tường, Tánh Mẫn, Tánh Nhu, Tánh Định, Tánh Bạch, Tánh Anh, Tánh Trác, Tánh Đức, Tánh Trí, Tánh Lãng, Tánh Tiếp, Tánh Phụng, Tăng phó Tánh Xán, Tánh Tuyên, Tăng chánh Tánh Hoàn, Tánh Không… 

Hàng chữ “Hải” gồm có: 

Tăng phó Hải Bồi, Hải Triều, Hải Thường, Hải Nhã, Hải Đồng, Hải Diên, Hải Lịch, Hải Khoát, Hải Liêm, Hải Trung… 

Ni cô xuất gia từ nhỏ, giới hạnh tinh nghiêm khoảng ba mươi vị. Cư sĩ nam nữ cả ngàn muôn vị đều quy hướng theo Sư. 

Đó là kể những người thừa kế.

Bây giờ đến những bài kệ Ngài thường đọc, thường ghi ở trên vách. Những bài kệ này có khi Ngài hứng Ngài sáng tác, có khi Ngài đọc lại những bài kệ của Thiền sư Trung Hoa.

Sư thường đọc lại những bài kệ để dạy chúng: 

Kệ ngộ liễu 

Bài 1 

Giác không không giác, không không giác, 

Giác dĩ không không không bất không. 

Dục thức vô cùng hảo tiêu tức, 

Đô lô chỉ tại thử hiên trung. 

Dịch: 

Giác không, không giác, không không giác, 

Giác đã không không, không chẳng không. 

Muốn biết vô cùng tin tức tốt,

Thảy đều chỉ ở trong hiên này. 

Giác không, không giác, không không giác. Giác không là giác làm sao? Người tu thiền chặng đầu thì phải giác ngộ tất cả pháp tánh là không, thấy tất cả các pháp tự tánh là không gọi là giác không. Không giác là sao? Là không cái giác, vì còn biết các pháp tánh không thì cái biết đó chỉ là cái dụng của giác chớ không phải thể, cái dụng của giác đó cũng phải lặng nữa, cho nên là không giác. Giác được cái không rồi dẹp luôn cả cái giác đó là không giác. Không không giác là sao? Là đã không cái giác không rồi, thì cái không giác này cũng phải dẹp luôn. Ngày nay chúng ta quán các pháp nhân duyên sanh tự tánh là không, cái quán đó chưa phải là trí tuệ chân thực. Nó chỉ là dụng của trí quán sát, là tướng sanh diệt vì quán là tướng sanh diệt. Cho nên đầu tiên bước vào đạo, bước vào cửa thiền, phải dùng trí sanh diệt để quán sát tất cả các pháp. Quán các pháp không tự tánh là giác không, giống như câu nói của một Thiền sư: “Ba mươi năm trước khi chưa tu, thấy núi sông là núi sông. Sau khi tu gặp thiện tri thức chỉ dạy thấy núi sông không phải là núi sông”. Đó là giác không. “Rồi sau ba mươi năm thấy núi sông trở lại là núi sông” tức là không cái giác đó nữa, không còn quán không nữa. Khi chúng ta chưa biết tu thấy cái gì cũng thậät hết, nhà cửa thật, cây cảnh thật, chùa chiền thật, cái gì cũng thật, cho nên thấy núi sông là núi sông. Bây giờ được Thầy được bạn chỉ cho biết, người tu phải quán các pháp là duyên hợp không có tự tánh, là tánh không. Vì vậy mà thấy các pháp không có tự tánh, là không. Đó là bước đầu giác không. Như vậy giác không cho tới ba mươi năm sau, phải bỏ luôn cái giác không đó nữa, tức là cái giác đó cũng trở thành không, đó là không giác. Bỏ luôn cái không giác này thì trí quán lặng là không không giác. 

Giác đã không không, không chẳng không. Cái giác đầu và cái giác kế đã không rồi, nhưng nó không mà chẳng không, nó vẫn hiện tiền cho nên không chẳng không. Chừng đó mới thấy núi sông là núi sông tức không giác. Nhưng không phải tới đó không còn gì hết. Tuy không giác mà liễu liễu thường tri. 

Muốn biết vô cùng tin tức tốt, Thảy đều chỉ ở trong hiêân này. Muốn biết được tin tức tốt, tin tức quí vô cùng đó thì tại nơi đây thôi, hiện tiền ngay chỗ chúng ta đứng chớ không có đâu khác. Như vậy, cuối cùng chúng ta phải đi tới chỗ hiện tiền thấy các pháp như như. 

Tóm lại, chặng thứ nhất bước chân vào đạo thì phải dùng trí quán các pháp duyên hợp như huyễn hay là tánh không, vì vậy nói gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy thấy núi sông không phải núi sông. Chặng thứ hai, trí quán chiếu đó cũng phải lặng luôn cho nên gọi là không giác, không giác tức là không còn quán chiếu nữa. Chặng thứ ba là thấy núi sông là núi sông, tức là mọi sự mọi vật đều từ tâm hiện tiền của mình hằng tri hằng giác mà không có khởi chiếu soi, khởi quán sát. Đó là tâm hiện tiền, mà tâm hiện tiền thì cảnh cũng như như, cho nên núi sông trở lại là núi sông. Đó là bài kệ rất hay.

Bài 2

Sư tử quật trung sư tử, 

Chiên đàn lâm lý chiên đàn. 

Nhất thân hữu lại càn khôn khoát, 

Vạn sự vô ưu nhật nguyệt trường. 

Dịch: 

Sư tử trong hang sư tử, 

Chiên đàn trong rừng chiên đàn. 

Một thân nhờ có trời đất rộng, 

Muôn việc không lo ngày tháng dài. 

Sư tử trong hang sư tử, Chiên đàn trong rừng chiên đàn. Nói một cách nhẹ nhàng hơn là người quyết tâm tu thì ở chốn quyết tâm tu, người thanh tịnh thì ở nơi thanh tịnh vậy thôi. Nói sư tử với chiên đàn nghe quan trọng.

Một thân nhờ có trời đất rộng, Muôn việc không lo ngày tháng dài. Một thân này đã sẵn có trời đất rộng. Muôn việc mình bỏ hết thì mặc cho ngày tháng cứ trôi đi. Vậy mà lâu lâu cũng tính coi năm nay mình ở đây được mấy năm rồi! Nếu muôn việc mình không nghĩ, không bàn, thì bao nhiêu ngày tháng cứ trôi đâu có cần tính, bao lâu cũng được, không nghĩ không lo. Ở đây có người nào không nghĩ không lo? Có người hỏi: Thầy ở Thiền viện Trúc Lâm được bao lâu rồi? Nói: Tôi thấy ngày nào cũng có mấy cây thông xanh thôi. Được vậy là tốt lắm, chứ đừng ngồi đếm tay, coi năm tôi lên là năm mấy, giờ là năm mấy, cộng lại là mấy năm. Đó là chưa thấy thông xanh mà chỉ thấy ngày tháng, chờ trông cho qua hết ngày hết tháng. 

Bài 3 

Long đắc thủy thời thiêm ý khí, 

Hổ phùng sơn sắc trưởng uy nanh. 

Nhân quy Đại quốc phương tri quý, 

Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh.

Dịch: 

Được nước rồng càng thêm ý khí, 

Gặp non cọp mới trổ oai hùng. 

Người về Đại quốc thành cao quý, 

Nước đến Tiêu Tương một sắc trong. 

Ngài Hương Hải khi còn ở Đàng Trong bị chúa Nguyễn nghi ngờ, không được an, nên trốn ra Đàng Ngoài. Ở Đàng Ngoài, gặp vua, gặp chúa đều quí trọng đạo Phật, cho nên Ngài đọc bài kệ này để nói lên niềm vui của mình.

Được nước rồng càng thêm ý khí, Gặp non cọp mới trổ oai hùng. Về tới đây rồi giống như rồng gặp nước, cọp về núi. 

Người về Đại quốc thành cao quý. Trong này chúa Nguyễn có một phần đất nhỏ, ngoài kia vua Lê chúa Trịnh là chính cho nên gọi là Đại quốc, thành cao quý tức là người ta biết dùng mình. 

Nước đến Tiêu Tương một sắc trong. Ở Trung Hoa, sông Tiêu Tương là dòng nước sâu cho nên các dòng sông ở trên thì đục mà chảy về đây thì trong hết. Người ở chỗ kia thì vô dụng nhưng về tới đây rồi là hữu dụng, là tốt. Đó là ý Ngài được hài lòng khi trở về Bắc. 

Bài 4 

Thiên thượng hữu tinh giai cung Bắc, 

Nhân gian vô thủy bất triều Đông. 

Quát quy mao ư thiết ngưu bối thượng, 

Tiệt thố giác ư thạch nữ yêu trung. 

Dạ xoa La sát tài khể thủ, 

Ngục tốt ngưu đầu tiện kình quyền. 

Dịch: 

Sao ở trên trời đều chầu Bắc, 

Nước dưới nhân gian thảy về Đông. 

Giữa eo gái đá cắt sừng thỏ, 

Trên lưng trâu sắt nhổ lông rùa. 

Dạ xoa La sát đầu vừa  cúi,

Ngục tốt ngưu đầu giơ sẵn thoi. 

Sao ở trên trời đều chầu Bắc, Nước dướiû nhân gian thảy về Đông. Ở trên trời thì các ngôi sao đều hướng về phương Bắc và ở dưới các dòng sông đều chảy về Đông. Đây là nói theo địa lý Trung Quốc và ở miền Bắc. Nếu ở miền Tây Việt Nam từ Cà Mau lên Hà Tiên thì nước chảy ra Tây. Về mặt địa lý thì sông Trung Hoa đều hướng ra biển Đông. Nhưng ở Việt Nam thì từ Vũng Tàu trở ra sông chảy về Đông, còn sông Cửu Long thì chảy về hướng Nam, các sông dưới kia thì ra hướng Tây, nên không phải là luật cố định. Đây chịu ảnh hưởng văn chương Trung Quốc, ý nói mọi sự vật như sao trời không có tâm, không có ý mà đều xoay về hướng Bắc, nước không có tâm, không có ý mà đều chảy về phương Đông, hành động đủ duyên thì hiện. Đây muốn nói lên chỗ không tâm không ý mà vẫn có hoạt động chớ không phải là chỗ chết. Vì vậy mà đến hai câu này: 

Giữa eo gái đá cắt sừng thỏ, Trên lưng trâu sắt nhổ lông rùa. Quí vị nghĩ sao? Gái thì gái đá, mà cắt sừng thỏ, gái đá có tri giác không? Thỏ có sừng không? Gái đá, sừng thỏ chỉ có danh từ, không có thực. Cô gái đá thực ra chỉ là cái tượng thôi, không có tri giác, còn sừng thỏ đâu có ai tìm ra? Nghĩa là trên hình thức vô tình và một vật chỉ có tên rỗng, mình đều không mắc kẹt, đều dẹp hết, cắt tức là dẹp hết. Trâu sắt có biết động đậy gì không? Mà trên lưng nó lại nhổ lông rùa. Quí vị ra hồ rùa kiếm xem có cái lông nào không? Lông rùa cũng là danh từ rỗng, không có thực chất. Hai câu này để chỉ chúng ta làm mọi việc mà vô tâm như gái đá, trâu sắt, xem như huyễn không thực như cắt sừng thỏ, nhổ lông rùa, thì lúc đó: 

Dạ xoa La sát đầu vừa cúi, ngục tốt ngưu đầu giơ sẵn thoi. Dạ xoa và La sát đều cúi đầu kính phục, còn ngục tốt ngưu đầu đưa tay lên, chớ không dám thoi, không dám đánh ai hết. Nghĩa là hết hình phạt. Người ta khi đã được diệu dụng, làm những việc không có dụng ý, không có dụng tâm, chỉ là duyên đến thì hành, duyên đến thì nói, duyên đến hoạt động mà không có tâm, không có nghĩ. Đó là như cắt sừng thỏ ở eo cô gái đá và nhổ lông rùa trên lưng con trâu sắt vậy, không có gì là thật. Được như vậy thì Dạ xoa La sát, các loài quỷ dữ, ngưu đầu ngục tốt đều phải bó tay cung kính hết. Ai tu đến được chỗ đó rồi, mọi hiểm nguy mọi điều hung dữ đều phải đầu hàng. Đó là bài kệ nói cái hùng của người đạt đạo. 

Bài 5 

Hoặc thị hoặc phi nhân mạc thức, 

Nghịch hạnh thuận hạnh thiên mạc trắc. 

Cách sơn nhân xướng Chá-cô từ, 

Thác nhận Hồ gia thập bát phách. 

Dịch: 

Hoặc phải hoặc quấy nào ai biết, 

Nghịch hạnh thuận hạnh trời khó xét. 

Cách núi người ca khúc Chá-cô, 

Lầm nhận kèn Hồ mười tám nhịp. 

Nếu người nào không mắc không kẹt thị phi phải quấy thì hạnh thuận, hạnh nghịch của người đó trời cũng không thể biết được.

Cách núi người ca khúc Chá-cô, Lầm nhận kèn Hồ mười tám nhịp. Có người ở cách núi - thiên hạ không thấy - hát khúc Chá-cô, người nghe tưởng là đang thổi kèn của người Hồ có mười tám nhịp. Nghĩa là khi thấy được đạo rồi nói một lời, một câu kinh, một lời giải thích nào đó đúng với đạo lý, nhưng mà người không biết thì dễ lầm tưởng cái này thành cái khác không hiểu được. 

Tóm lại bài kệ này cũng nói đến chỗ thâm sâu của đạo lý, nếu người nào không còn kẹt phải quấy thì khi làm lợi ích chúng sanh, có lúc thuận có lúc nghịch, không ai lường nổi hạnh của người đó, chẳng khác nào như đứng bên núi hát khúc Chá-cô, người khác nghe tưởng lầm như là bản nhạc của người Hồ. Ý nghĩa rõ ràng như vậy.

Sư thăng tòa dạy chúng: 

- Có một người một đời làm lành. Có một người một đời làm dữ. Người làm lành một sớm phạm giới không cho mà lấy. Người làm dữ một niệm liễu ngộ tự tâm. Người lành phạm giới không cho mà lấy, tức gọi là giặc. Người dữ liễu ngộ tự tâm, tức gọi là Phật. Hai người đồng đến Vân Môn hỏi  chấp nhận người nào đúng. Nếu chấp nhận người lành bỏ người dữ thì là nhận giặc mà bỏ Phật. Nhận người dữ bỏ người lành, thì là sợ ác mà khinh thiện. Nếu chấp nhận cả hai người thì Phật và giặc chẳng phân. Nếu cả hai người đều không nhận thì lành dữ chẳng rõ. Nếu quyết định chỉ Phật là người ác thì chuốc tội chê bai Phật, vào địa ngục như tên bắn. Nếu chỉ giặc là người lành thì chưa có người lành nào mà đi làm giặc.

Tôi phân tích từng đoạn cho dễ hiểu.

Có một người một đời làm lành. Có một người một đời làm dữ. Một bên lành một bên dữ rành rõ rồi. Bây giờ người làm lành một sớm phạm giới lấy của không cho tức là phạm giới ăn trộm. Còn người làm dữ một hôm nào đó, nghe một câu kinh liền tỏ ngộ tự tâm. 

Người làm lành một sớm phạm giới không cho mà lấy. Người dữ một niệm liễu ngộ tự tâm. Đây giải thích: Người lành phạm giới không cho mà lấy tức gọi là giặc. Người dữ liễu ngộ tự tâm tức gọi là Phật. Hai người đồng đến Vân Môn hỏi chấp nhận người nào đúng. Đây không dẫn câu trả lời của ngài Vân Môn mà Ngài tự nói: Chấp nhận người lành bỏ người dữ thì là nhận giặc mà bỏ Phật, vì người lành đang là giặc, người ác ngộ tự tâm là Phật. Nhận người dữ bỏ người lành, thì sợ ác mà khinh thiện, tức là sợ dữ mà coi thường người lành. Phải làm sao? Nếu chấp nhận hai người thì Phật và giặc chẳng phân. Ông kia làm lành bây giờ phạm giới ăn trộm thì là trộm. Còn ông kia dữ bây giờ ngộ tâm thì là Phật. Ăn trộm và Phật hai người đều trúng hết, thì ăn trộm và Phật giống nhau. Nếu cả hai người đều không nhận, thì lành dữ chẳng rõ, thiện ác mù mờ. 

Nếu nhất quyết chỉ Phật là người ác thì chuốc tội chê bai Phật. Nếu mình nói ông ngộ tự tâm tức là Phật mà ông này là dữ, thì như vậy chê bai Phật là dữ sẽ vào địa ngục như tên bắn. Nếu chỉ giặc là người lành thì chưa có người lành nào mà làm giặc. Làm giặc sao gọi là người lành được. Đây gợi cho chúng ta thấy trên đường tu có việc kỳ đặc mà chúng ta khó giản trạch được. Bởi vì đa số nói tới tu thì quí những người hiền, ai ăn hiền ở lành từ bé đến lớn thì người đó dễ tu, nhưng biết đâu gặp cơ hội nào đó họ làm dữ. Như vậy cái hiền đó có phải thật là hiền chưa? Còn người dữ nhưng có thể sáng, bởi họ sáng nên nghe câu kinh bất thần họ ngộ. Ngộ tự tâm thì thấy được Phật tánh, gọi đó là Phật như câu: “Hôm qua tâm Dạ xoa, hôm nay mặt Bồ-tát”. Mới vác dao làm hàng thịt, bữa nay là Bồ-tát, thì cái dữ có thật không? Bao nhiêu năm làm điều tội lỗi, nhưng bây giờ họ bừng ngộ thì họ là Phật, Bồ-tát. Như vậy trong cái lành không khéo trở thành dữ, trong cái mê mà khéo sẽ trở thành giác. Thiện ác, lành dữ không có tính chất cố định, không nên chấp chặt, đúng sai đều chẳng quản. Chỉ có trở về với bản tánh thanh tịnh sẵn có của mình, đó mới là cái chân thật. 

Đến bài tụng: 

Bài 1 

Tân phụ kỵ lư a gia khiên,

Bộ bộ tương tùy bất trước tiên.

Quy đáo tận đường nhân bất thức,

Tùng kim lãn cánh xuất môn tiền.

Dịch: 

Cô dâu cỡi lừa mẹ chồng dẫn, 

Từng bước theo nhau chẳng cần roi. 

Về đến tận nhà người chẳng biết, 

Từ nay ra cửa cũng biếng lười. 

Cô dâu cỡi lừa mẹ chồng dẫn, Từng bước theo nhau chẳng cần roi. Cô dâu cỡi lừa mà mẹ chồng lại dẫn. Dẫn đi một cách tự nhiên chứ không cần roi gì hết. 

Về đến tận nhà người chẳng biết, Từ nay ra cửa cũng biếng lười. Khi về tới nhà rồi mà ai cũng không biết. Giờ lười bước chân ra cửa. Như vậy là ý nói cái gì? 

Bởi vì chúng ta lâu nay quen bàn luận, mà bàn luận thì căn cứ trên lý lẽ để lý giải đúng sai, nhưng mà trên chỗ chân thật không có lý giải. Dùng lý giải tức là bị ý thức duyên, theo nó phân biệt. Như vậy ở đây nêu một hình ảnh phi lý. Trong cái phi lý đó lại là cái lý chân thật. Bởi vì ngày xưa theo Nho không bao giờ có cô dâu phách lối ngồi trên lưng lừa cho mẹ chồng dẫn. Đó là một cái phi lý. Nhưng mà bà mẹ chồng dẫn con dâu về tới nhà, nghĩa là nếu trong cái phi lý đó mà chúng ta nhận ra được thì từ đó hiện ra cái chân thật. Như hiện giờ chúng ta nói một câu, hay làm một hành động đều suy lý: cái đó là phải hay quấy, cái đó đúng hay là sai. Còn phải quấy, đúng sai thì chưa phải là chỗ cứu kính. Muốn thấy cứu kính thì phải nhận ra được cái chân thật. Cho nên trở về đến nhà mà không ai biết hết. Từ chỗ phi lý không có nghĩa mà hiện ra cái nghĩa chân thật là về đến nhà. Về đến nhà rồi thì từ đó về sau không muốn bước ra cửa nữa. Không bước ra cửa nữa là sao? Là tâm không chạy theo cảnh nữa, chớ đâu có gì lạ. Cho nên từ cái phi lý đó mà chúng ta nhận chân được rồi thì sống ngay trong đó, không chạy, không đi, không duyên trần cảnh nữa.

Từ nay ra cửa cũng biếng lười, lười biếng bước ra cửa. Nếu mà một tâm hồn còn xao xuyến, thì ngồi trong nhà, trong thất, muốn ngồi hoài không? Hay là ngồi một chút thì muốn chạy đầu này chạy đầu kia, xem cái này xem cái nọ? Nếu ngồi ngay trong nhà mà lười bước ra cửa thì biết họ an ổn rồi, họ không bận bịu cái gì nữa. Cái phi lý là cái vô tâm, có lý là có tâm. Nếu chúng ta nhận ra cái này có lý hay, lý dở thì đó đều là hữu tâm, còn nói mà không có ý nghĩa gì hết đó là phi lý, phi lý nên vô tâm. Thí dụ hỏi “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?”, nói “Cây bá trước sân”. Nói một cách phi lý vậy đó, mà từ phi lý nhận ra thì ngộâ, không nhận ra thì không ngộ. Cho nên hiểu được lẽ đó rồi thì chúng ta mới thấy được ý nghĩa ở đây. Đến bài kế cũng tương tự như vậy.

Bài 2

Phu tử bất thức tự,

Đạt-ma bất hội thiền.

Huyền diệu vô ngôn ngữ,

Thiết mạc vọng lưu truyền.

Dịch: 

Khổng Tử không biết chữ, 

Đạt-ma chẳng hội thiền. 

Huyền diệu không lời nói, 

Cốt đừng dối lưu truyền. 

Khổng Tử không biết chữ, Đạt-ma chẳng hội thiền. Khổng Tử là ông tổ Nho mà không biết chữ. Còn tổ Đạt-ma là ông tổ Thiền mà nói không hiểu thiền. Câu đó là hữu lý hay phi lý? Từ cái phi lý hay vô lý đó mà chúng ta nhận ra, chúng ta thấy được, thì đó là chỗ chân thật. 

Huyền diệu không lời nói, Cốt đừng dối lưu truyền. Chỗ nhiệm mầu, huyền diệu dứt bặt nói năng. Đừng có truyền bá dối hay là truyền bá rỗng. Bài kệ này nêu lên ý nghĩa cái chân thật, vượt ngoài lý lẽ ngôn từ, phải tự thể nhận. 

Bài 3 

Tầm ngưu tu phỏng tích, 

Học đạo quý vô tâm. 

Tích tại ngưu hoàn tại, 

Vô tâm đạo dị tầm. 

Dịch:

Tìm trâu phải noi dấu, 

Học đạo quý vô tâm. 

Dấu còn trâu đâu mất, 

Vô tâm đạo dễ tầm. 

Tìm trâu phải noi dấu, Học đạo quý vô tâm. Chúng ta tìm theo cái dấu trâu đi, nó đi hướng nào thì mình tìm theo hướng đó. Như vậy tìm trâu thì phải theo dấu. Còn học đạo thì quý ở chỗ vô tâm.

Dấu còn trâu nào mất, Vô tâm đạo dễ tầm. Chúng ta thấy những người chăn trâu, khi trâu đi lạc thì họ theo cái gì tìm? Thấy cái dấu đi hướng nào thì nhắm theo hướng đó mà tìm trâu. Theo dấu thì nhất định gặp trâu, mà chữ “dấu trâu” ở đây là tượng trưng cho kinh điển Phật. Kinh điển Phật chúng ta học là những dấu vết để tìm chân lý, chân lý là dụ cho con trâu. Cái chân lý mà chúng ta đạt được là nương nơi giáo điển của Phật dạy. Từ giáo điển của Phật dạy chúng ta phải tìm lần đến chỗ cứu kính thì thấy được chân lý. Người tu chúng ta nương theo giáo lý để tu, mà tu đi đến chỗ nào? Đi đến chỗ vô tâm. Cho nên học đạo quý ở chỗ vô tâm, vô tâm ví dụ như thấy được con trâu, mà học đạo ví dụ như theo dấu. Nếu cái dấu nó còn, thì tự nhiên chúng ta biết rằng con trâu còn, theo hướng đó tìm tới nhất định sẽ gặp nó. Cũng vậy, người học đạo mà được vô tâm thì đạo hiện tiền khỏi cần cái gì hết. Bao nhiêu kinh, bao nhiêu sách Phật dạy, đều cốt làm sao chúng ta tu dẹp bỏ hết những tâm điên đảo vọng tưởng. Điên đảo vọng tưởng hết gọi là vô tâm, mà vô tâm thì thấy đạo. Bốn câu kệ này nói rõ con đường để chúng ta tìm chân lý. Muốn tìm chân lý thì phải nương kinh điển giống như người chăn trâu tìm trâu, noi theo dấu thì sẽ gặp. Người học đạo khi nào tâm sạch được vọng tưởng điên đảo, lúc đó đạo hiện tiền không phải đi kiếm ở đâu, ở nơi nào.

Bài 4 

Sanh tùng hà xứ lai? 

Tử tùng hà xứ khứ?

Tri đắc lai khứ xứ,

Phương danh học đạo nhân.

Dịch:

Sanh từ chỗ nào đến? 

Chết sẽ đi về đâu? 

Biết được chỗ đi đến, 

Mới gọi người học đạo. 

Chúng ta tu bao nhiêu năm rồi có biết mình sanh từ đâu đến chưa? Có biết chắc chết mình đi về đâu chưa? Mù mù mịt mịt. Ở đây nói nếu người học đạo thì phải biết từ đâu đến, chết đi về đâu. Biết được hai cái này thì trong Tam minh ít nhất cũng chứng được Túc mạng minh. Chúng ta tu không phải là làm cho có công đức, có phước đức để dành đời sau hưởng, mà phải phăng tìm cho ra trước khi đến đây mình là gì? Ở xứ nào đến đây? Đó là câu hỏi thứ nhất. Khi chúng ta nhắm mắt đi rồi sẽ về đâu? Đó là câu hỏi thứ hai. Nếu thấy được như vậy, biết được như vậy, mới là người học đạo chân thật. Trọng tâm của người học đạo là phải giải quyết những vấn đề đó. Tôi đã dẫn khi Thái tử Tất-đạt-đa đi tu, Ngài thắc mắc những vấn đề đó. Nghĩa là con người từ đâu mà đến, chết sẽ đi về đâu? Và làm sao giải quyết được vấn đề sanh tử. Đó là những vấn đề thắc mắc mà mỗi người tu, ai cũng phải ôm ấp trong lòng, không bao giờ tự mãn. Không phải tu cất được chùa to, được số bổn đạo lớn, tự mãn bao nhiêu đó đủ rồi. Đó chỉ là phước đức hữu lậu thôi, không giải thoát sanh tử được. Muốn giải thoát sanh tử thì phải biết được chỗ đến chỗ đi, mới gọi là người học đạo chân chính. 

*  *

Một hôm Sư thảnh thơi ngâm hai bài kệ dặn dò người tại gia: 

Bài 1

Thành thị du lai ngụ tự chiền

Tùy cơ ứng hóa mỗi thời nhiên.

Song chiêu nguyệt đáo sàng thiền mật,

Tùng tiếu phong xuy tĩnh khách miên.

Sắc ánh lâu đài minh sắc diệu,

Thanh truyền chung cổ diễn thanh huyền.

Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể,

Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên.

Dịch: 

Từ thành thị đến nghỉ chùa chiền, 

Tùy cơ ứng hóa lẽ đương nhiên. 

Song vời trăng đến giường thiền mát, 

Gió thổi thông cười khách ngủ yên. 

Lầu đài rực rỡ, màu huyền diệu, 

Chuông trống vang rền, tiếng thâm uyên. 

Ba giáo nguyên lai đồng một thể, 

Hồn nhiên đâu có lẽ nào thiên. 

Từ thành thị đến nghỉ chùa chiền, Tùy cơ ứng hóa lẽ đương nhiên. Đây là Ngài nhắc nhở người tại gia, cốt diễn tả lại cái cảnh người ở thành thị rồi dừng nghỉ lại ở chùa chiền, tùy cơ mà ứng hóa, đó là lẽ thường.

Song vời trăng đến giường thiền mát, Gió thổi thông cười khách ngủ yên. Ban đêm có ánh trăng soi cửa sổ, chiếu vào giường thiền êm đềm ngọt ngào. Khách là bậc đạo nhân (tĩnh khách) nằm ngủ dưới tùng reo gió thổi, hình ảnh rất đẹp.

Lầu đài rực rỡ, màu huyền diệu, Chuông trống vang rền, tiếng thâm uyên. Nhà cửa màu sáng rỡ để biện minh sắc vi diệu, rồi tiếng chuông trống vang lên diễn bày tiếng nhiệm mầu. Nương sắc, nương thanh cụ thể để nhận ra sắc thanh vô tướng.

Ba giáo nguyên lai đồng một thể, Hồn nhiên đâu có lẽ nào thiên. Ba giáo tức là Phật – Khổng – Lão. Đây là chủ trương tam giáo đồng nguyên của Phật giáo đời Trần. Ba giáo tuy khác, nhưng thể vẫn đồng. Dù cho có giáo này, giáo kia khác biệt, nhưng không có lệch, không có riêng, chỉ cùng một thể.

Bài 2

Thượng sĩ thường du Bát nhã lâm,

Trần cư bất nhiễm liễu thiền tâm. 

Liêm Khê Trình thị minh cao thức,

Tô Tử Hàn Văn khế diệu âm.

Vạn tượng sâm la cao dị hiển,

Nhất biều tạo hóa mật nan tầm.

Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát,

Pháp Hải trùng trùng nhập chuyển thâm.

Dịch:

Thượng sĩ từng chơi cảnh tùng lâm, 

Phong trần không vướng hội thiền tâm. 

Liêm Khê, Trình Hiệu người thông suốt, 

Tô Tử, Hàn Văn hiểu diệu âm. 

Muôn ngàn cảnh vật cao dễ thấy, 

Tạo hóa một bầu kín khó tầm. 

Nguồn Nho thăm thẳm lên càng rộng, 

Bể Thích trùng trùng xuống lại thâm. 

Bài này nói thêm cho rõ ý nghĩa Phật với Khổng không có khác và cũng đều là cao siêu, rộng rãi.

Thượng sĩ từng chơi cảnh tùng lâm, Phong trần không vướng hội thiền tâm. Những hàng thượng sĩ đi dạo những cảnh chùa. Đến cảnh chùa mà không dính gì với gió bụi - phong trần tức là gió bụi, thì người đó hiểu được tâm thiền. Đây Ngài nói về hàng thượng sĩ là các bậc Nho gia đến viếng cảnh chùa, lòng không vướng bận gió bụi thế tục thì người đó có thể hội được tinh thần thiền.

Liêm Khê, Trình Hiệu người thông suốt, Tô Tử, Hàn Văn hiểu diệu âm. Liêm Khê tên là Chu Đơn Duy, một học giả nổi tiếng thời Bắc Tống, ở miền sông Liêm Khê cho nên người ta kêu ngài là Liêm Khê. Còn Trình Hiệu là Trình Y Xuyên. Hai vị đó đều là nhà Nho nổi tiếng ở thời Tống. Rồi tới Tô Tử, Hàn Văn. Tô Tử là Tô Thức, tự là Tử Chiêm, hiệu là Tô Đông Pha, là thi nhân đời Tống làm đến chức Binh bộ thượng thư. Sau này ngộ lý thiền, ông tu thiền. Còn Hàn Văn là Hàn Văn Công tức Hàn Dũ, ông này làm quan đời Đường Hiến Tông, rất ghét Phật giáo sau gặp ngài Đại Điên, ngộ được lý thiền. Diệu âm là tiếng gì? Như ông Tô Đông Pha nghe  tiếng suối chảy liền ngộ làm bài thơ có câu: “Khê thinh tiện thị quảng trường thiệt, …” tức là “Tiếng suối chính là tướng lưỡi rộng dài của chư Phật”, hay như Tuệ Sĩ dịch: “Suối reo vẫn pháp âm bất tuyệt”. Còn Hàn Văn Công thì nghe tiếng gõ giường thiền của thị giả Tam Bình mà biết đường vào. Như vậy đó là những nhà Nho mà hiểu được đạo Phật, thâm nhập được lý Thiền.

Muôn ngàn cảnh vật cao dễ thấy, Tạo hóa một bầu kín khó tầm. Muôn cảnh muôn vật thì hiện rõ dễ biết dễ thấy. Còn cái bầu tạo hóa mình tìm không ra, khó mà biết được.

Nguồn Nho thăm thẳm lên càng rộng, Bể Thích trùng trùng xuống lại thâm. Hai câu này khen Nho và khen Phật: Nho thì thăm thẳm, Thích thì trùng trùng, bên nào cũng thênh thang, bên nào cũng cao siêu hết. Đó là chủ trương tam giáo đồng nguyên không khen bên nào, không chê bên nào.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

an chay tượng Dâu Thêm đường vào thức uống sẽ gây tăng niem Chua Giới thiệu về Tổ sư thiền пѕѓ Cải thiện công việc bằng chánh niệm Di bi Chuyện nhà tôi phat a di da ト妥 Giấc vãng sanh quyết định chơn ngôn mÑi mat trong thoi hien dai ç Nhớ âm dương nước kỳ thÃÅ gió so hai chi con la qua khu cao doi mat biet tu cau chuyen ve tam táºm phat hoc phat ky rong quan diem cua phat giao ve tinh duc phat giao tuc buffet vu lan chay húy nhung dieu phai nu can biet khi di bÃƒÆ 真言宗金毘羅権現法要 vÙi Đậu om nấm Ð Ñ Ñ can