MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
VI. KHAI THỊ NGỘ NHẬP ĐƯỢC DUYÊN TỐT TRUYỀN TRAO ẤN CHỨNG


ĐOẠN 6

Bài 12 

Khô mộc nham tiền sai lộ đa, 

Hành nhân đáo thử tận tha đà. 

Lộ tư lập tuyết phi đồng sắc, 

Minh nguyệt lô hoa bất tự tha. 

Liễu liễu liễu thời vô sở liễu, 

Huyền huyền huyền xứ diệc tu ha. 

Ân cần vị xướng huyền trung khúc, 

Không lý thiềm quang yết đắc ma? 

Dịch: 

Cây khô trước núi dễ lạc đàng, 

Người đi đến đó thảy mơ màng. 

Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc, 

Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng. 

Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu, 

Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông. 

Ân cần hát khúc huyền trung ấy, 

Ánh trăng giữa trời nắm được không? 

Bài này của Thanh Nguyên Hành Tư (660-740), là bài Chính Vị Tiền trong Thập Huyền Luận. 

Cây khô trước núi dễ lạc đàng. Ở đây diễn tả cảnh người tu đi tới chỗ không còn thấy tâm niệm dấy khởi nữa. Lúc đó giống như cây khô, chỗ vô sanh người ta dễ lầm mà buông hết mọi việc. 

Người đi đến đó thảy mơ màng. Ngài Duyên Quán ở núi Lương Sơn, đệ tử tông Tào Động, khi vị Tri sự hỏi “Giặc nhà khó giữ thì phải làm sao?” Ngài trả lời: “Biết nó thì không phải oan gia?” Hỏi: “Sau khi biết thì phải làm gì?” “Đày đến nước vô sanh đi!” Tri sự nói: “Nước vô sanh đâu không phải là chỗ an thân lập mạng của y?” Thường mình tu tới chỗ yên lặng thanh tịnh thì ưa thích, hài lòng. Đây là vô sanh, là chỗ người ta dễ lầm cho nên Ngài mới nói: “Nước chết không chứa được rồng”. Chỗ nước vô sanh đó là nước chết không chứa được rồng, tới chỗ im phăng phắc, không còn niệm khởi như cây khô, như núi lạnh chưa phải là rồi, phải có cái gì nữa. Ngài Duyên Quán nói chỗ đó là nước chết. Những nơi khác nói đó là Niết-bàn của Nhị thừa, còn hỏi: “Thế nào là nước sống?” Ngài nói: “Dậy mòi mà không thành sóng”. Nghĩa là tới chỗ lặng lẽ rồi còn phải giác, chớ không phải là vô tri, chỗ đó mới là chứa được rồng, dậy mòi mà không thành sóng (sóng ví dụ cho tâm niệm theo duyên), dậy mòi mà hằng giác, không có cái im lặng như nước chết. Rồi hỏi thêm: “Khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?” Ngài bước xuống giường thiềàn nắm đứng nói: “Không ướt cái góc ca-sa của lão tăng”, chừøng nàøo được nước sống chứa rồng chừng đó mới thong dong tự tại, không có cái gì quấy nhiễu được, đó là chỗ chí lý.

Tuyết trong cò trắng đâu cùng sắc. Tuyết đóng trên cây trên lá trắng phau phau, với con cò trắng, cả hai đều trắng hết, nhưng tuyết là vô tri, cò trắng là hữu tri. Hai thứ dường như không khác mà khác. Đứng về màu trắng thì như nhau, nhưng một bên vô tri một bên hữu tri.

Trăng sáng hoa lau màu chẳng đồng. Hoa lau và trăng cũng sáng cũng trắng nhưng hai cái khác. Trăng là cái sáng trùm cả bầu trời. Còn cái sáng của hoa lau chỉ một cành nhỏ. Như vậy chúng ta đừng lầm, tới chỗ yên tưởng đó là cùng tột, giống như là lầm tuyết trắng với cò trắng, hoa lau với trăng sáng. Như vậy thì phải còn cái gì nữa?

Liễu liễu, khi liễu không chỗ liễu. Mình phải liễu liễu, mà khi liễu không có cái gì để liễu.

Huyền huyền, chỗ huyền cũng phải buông. Ngộ tức là liễu ngộ tuy thâm thúy sâu xa, nhưng chỗ huyền đó cũng cần quở trách.

Ân cần hát khúc trong huyền ấy, Ánh trăng giữa trời nắm được không. Tới chỗ cứu kính thì mình mới hát khúc mầu nhiệm, nhưng chỗ đó như ánh trăng trong hư không, không nắm bắt được. Người tu phải đến nơi đến chốn đừng có mắc kẹt, được một chút chớ tưởng đó là xong, mà phải tiến tới chỗ cuối cùng. Liễu liễu, liễu tức là liễu ngộ mà rốt cuộc không còn sở liễu. Huyền huyền tức là mầu nhiệm, huyền diệu được một lần, hai lần, nhưng rồi cũng dẹp huyền diệu đó đi, vì còn có ngộ còn có nhiệm mầu, thì chưa phải là chỗ cứu kính chân thật. Cứu kính chân thật là chỗ tự tại, trong sáng trùm khắp không có giới hạn. Bài kệ này là cảnh tỉnh những người tu được ít cho là đủ, rồi hài lòng thỏa mãn, cho nên bị kẹt.

Bài 13 

Nhàn tọa yến nhiên thánh mạc tri, 

Túng ngôn vô vật tỉ phương y. 

Thạch nhân bã bảng vân trung phách, 

Mộc nữ hàm sanh thủy để xuy. 

Nhược đạo bất văn cừ vị hiểu, 

Dục tầm kỳ hưởng nhĩ hoàn nghi. 

Giáo quân xướng họa nhưng tu họa, 

Hưu vấn cung thương trúc dữ ti. 

Dịch: 

Thảnh thơi ngồi lặng Thánh biết chi, 

Dẫu rằng không vật so sánh y. 

Trong mây người đá cầm phách gõ, 

Đáy nước nàng gỗ miệng thổi sênh. 

Nếu bảo chẳng nghe, y chưa hiểu,

Muốn tìm vang đó, anh lại nghi. 

Cho anh xướng họa thì cứ họa, 

Chớ hỏi cung, thương, trúc với ti. 

Thảnh thơi ngồi lặng Thánh biết chi. Khi mình đến chỗ chân thật rồi thì ngồi thảnh thơi yên lặng dù chư Thánh cũng không biết được. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của người đã sống với thể chân thật thì tự mình biết, không ai khác biết được, vì tâm thể không có tướng, không có hình cho nên đâu ai biết được. 

Dẫu rằng không vật so sánh y. Nghĩa là không có thể đem vật gì để so sánh, bởi vậy “Bản lai vô nhất vật”. Đến chỗ đó là diệu dụng. 

Trong mây người đá cầm phách gõ, Đáy nước nàng gỗ miệng thổi sênh. Vì diệu dụng nên người đá trong mây cũng biết cầm phách, nàng gỗ đáy nước cũng biết thổi sênh. Như vậy bốn câu trên nói lên chỗ cuối cùng, hay chỗ tột cùng của người tu, đến đó rồi thì diệu dụng không thể nghĩ bàn. 

Nếu bảo chẳng nghe, y chưa hiểu, Muốn tìm vang đó, anh lại nghi. Nghĩa là người nghe muốn nghe muốn biết cũng không thể hiểu được; muốn tìm tiếng vang cũng tìm không ra, cho nên nghi ngờ; vì chỗ đó không cho hiểu, không cho biết. 

Cho anh xướng họa thì cứ họa. Bây giờ anh cần xướng cần họa thì cứ xướng họa đi. 

Chớ hỏi cung, thương, trúc với ti. Như vậy bài kệ này cho chúng ta thấy, người tu đến chỗ chân thật rồi, như “người uống nước nóng lạnh tự biết”, không ai biết cho mình được, Thánh cũng không biết, tuy vẫn có diệu dụng, như người đá biết cầm phách gõ, người gỗ biết thổi sênh. Tất cả âm vận đều có thể diễn bày một cách mầu nhiệm mà không ai có thể hiểu, không ai có thể biết, không ai có thể họa được, bởi vì âm thanh kia vượt ngoài tất cả dụng cụ đàn sáo cung, thương, trúc, ti, thứ đó không thể sử dụng được. 

Bài 14 

Vũ tẩy đạm hồng đào ngạc nộn, 

Phong xuy thiển bích liễu ti khinh. 

Bạch vân ảnh lý quái thạch lộ, 

Lục thủy quang trung khô mộc thanh. 

Dịch: 

Mưa rửa nhạt hồng đào nhụ mởn,

Gió đùa bớt biếc liễu tơ bay. 

Dưới bóng mây trắng đá lạ hiện, 

Trong ánh nước trong cây khô xanh. 

Bài này của Thiền sư Duy Chiếu (tán tượng Thiền sư Phù Dung). 

Các Thiền sư, nhất là thuộc tông Tào Động, hay làm thơ tả cảnh. Bài thơ trên quí vị không thấy dạy mình tu gì cả, nhưng thật ra ý đạo tràn đầy ở trong. Thi sĩ tả cảnh theo rung động của tình thức, Thiền sư mượn cảnh để truyền đạt bản tâm. 

Mưa rửa nhạt hồng đào nhụ mởn, Gió đùa bớt biếc liễu tơ bay. Đào hồng, liễu biếc dưới cơn mưa, sau trận gió dường như nhạt bớt màu để những đài hoa mơn mởn tươi hơn, những tơ liễu nhẹ nhàng hơn. Cũng như chúng gột trừ bớt bụi bặm phiền não thì tươi mới hơn khinh an hơn. 

Dưới bóng mây trắng đá lạ hiện, Trong ánh nước trong cây khô xanh. Bóng mây, ánh nước chỉ cho cảnh vô thường tạm bợ. Qua đó có một cái gì bền vững tự ngàn xưa không biến đổi, được hình dung bằng đá lạ hiện, cây khô xanh. Thiền sư như nhắc nhở chúng ta khi ngắm trời mây non nước, không bao giờ quên bản tâm sẵn có của mình. 

Bài 15: 

Nhất dước dước phiên tứ đại hải, 

Nhất quyền quyền đảo Tu Di sơn. 

Phật Tổ vị trung lưu bất trụ, 

Hựu xuy ngư địch bạc La Loan. 

Dịch: 

Một nhảy nhảy khỏi bốn bể cả, 

Một đấm đấm nhào núi Tu Di. 

Trong ngôi Phật Tổ mời chẳng ở, 

Lại thổi sáo chài thẳng La Loan. 

Bài này nói lên rằng người tu khi đến nơi đến chốn rồi, thì diệu dụng của các ngài là: 

Một nhảy nhảy khỏi bốn bể cả, Một đấm đấm nhào núi Tu Di. Mấy chú bữa nào đấm thử núi Voi Phục xem nó có nhào không. Ai đấm nhào thì giỏi lắm! Nhưng ở đây không phải là chuyện quá đáng. Người ngoài nghe thì nghĩ đây là chuyện tưởng tượng. Thật sự người tu không tưởng tượng, khi nhận ra thể chân thật rồi, thì thấy tất cả thế gian này không một pháp thật. Cho nên nói: “Bổn lai vô nhất vật”. Dù lớn như quả đất cũng là trò chơi, biển cả mênh mông cũng là trò chơi, trò ảo hóa không thật. Khi mình đứng trong cái thật rồi, nhìn các pháp như trò chơi trò đùa không giá trị gì hết. Còn mình đang mê thì thấy có lớn có nhỏ, nên không bao giờ nghĩ là sẽ làm được. Nhưng khi ngộ rồi thấy được các pháp tướng giả dối nên chỉ là một phần nhỏ, vì vậy trong kinh Lăng Nghiêm nói: Phật nhìn thấy các thế gian như là bao nhiêu quả núi, hay là bao nhiêu biển cả… kể cả quả đất của mình chỉ như là những hòn bọt nổi ngoài biển khơi. Trong khi thể chân thật thì thênh thang như biển cả. Nhập được thể thênh thang rồi thì thấy cả vũ trụ, cả thế gian chỉ là trò chơi, một tay búng cũng bay, hay là một cái đấm cũng tan nát. Đó là ý nghĩa “đấm một đấm, hay nhảy một nhảy vượt qua”.Cũng vậy ai đọc kinh Duy Ma Cật mới thấy chuyện nắm quả đất ném ra ngoài thế giới khác v.v… Đó là lối diễn tả sự diệu dụng khi thể nhập được cái chân thật thênh thang, chỉ cần một lượn sóng nhỏ trong biển cũng làm cho hòn bọt tan, huống nữa là cả mặt biển.

Trong ngôi Phật Tổ mời chẳng ở, Lại thổi sáo chài thẳng La Loan. La Loan là quê hương của quỷ La Sát. Tại sao mình tu đến chỗ Phật mà không chịu ở lại đi chơi với quỷ, tới xứ quỷ? Tông Tào Động thường nói “đi trong dị loại” nghĩa là khi người tu đạt đến chỗ đó rồi, nếu mình hài lòng và an trụ thì đâu có vuông tròn hạnh Bồ-tát. Cho nên mục chăn trâu thứ mười của nhà Thiền, là hình ảnh ông già cầm cây gậy, quảy con cá chép, xách bầu rượu, tức đi vào đường quỷ La Sát. Xứ Phật mời cũng không ở mà cầm gậy đi vào trong xóm nhậu với mấy chú nhà quê. Khi mình đạt đến chỗ cứu kính rồi, không bao giờ bằng lòng an hưởng. Phải làm sao cảnh giác, đánh thức những người còn mê muội, dù đến chỗ xấu xa hay xóm nhà quê uống rượu ăn thịt cũng phải lao mình tới, như vậy mới đủ công hạnh của Bồ-tát. 

Bài 16 

Hảo sự đôi đôi điệp điệp lai,

Bất tu tạo tác dữ an bài. 

Lạc lâm hoàng diệp thủy suy khứ, 

Hoành cốc bạch vân phong quyển hồi. 

Hàn nhạn nhất thanh tình niệm đoạn, 

Sương chung tài động ngã sơn thôi. 

Bạch dương cánh hữu quá nhân xứ, 

Tận dạ hàn lô bát nguyên khôi. 

Dịch: 

Việc tới dập dồn cũng tốt luôn, 

Chẳng cần sắp đặt với lo toan. 

Gió cuốn mây tan bày cửa động. 

Nước trôi lá rụng sạch vườn rừng, 

Chuông sương vừa dộng núi “ngã” sập. 

Nhạn lạnh kêu lên tình niệm ngưng, 

Bạch Dương lại có người qua đấy,

Đêm trọn lò tàn bới tro hừng. 

Việc tới dập dồn cũng tốt luôn. Người tu đã đến chỗ chân thật thì việc nào bên ngoài xảy đến cũng tốt hết. Ví dụ như mình tu, đạo lý được thâm sâu, có người đến tán dương: “Đạo lý thầy rất tốt, lợi ích cho chúng sanh” đó là việc tốt. Có người lại phỉ báng: “Thầy tu ăn không ngồi rồi vô tích sự, không có ích lợi gì cho quê hương xứ sở”. Thì sao? Cũng là việc tốt thôi. Việc gì tới cũng tốt bởi vì không làm cho tâm mình phải động, không làm cho tâm mình dấy khởi vui buồn. Nếu có niệm vui buồn thì có việc tốt việc xấu, nếu tâm không dấy động không vui buồn thì việc nào cũng tốt hết, không có việc nào xấu. Bởi vậy tu tới đây thì việc tới chồng chập, hết cái này tới cái kia đều tốt hết. Cả ngày tốt hết, thì có gì buồn không? 

Chẳng cần sắp đặt với lo toan. Không cần tạo tác hay sắp đặt, chúng ta không phải mình chọn lựa cái xấu bỏ ra, cái tốt tới với mình. Mọi việc xảy ra đều tốt hết. Đó là cái thảnh thơi nhất trên đời tu. 

Gió cuốn mây tan bày cửa động, nước trôi lá rụng sạch vườn rừng. Mây trắng đang đóng ngang hang gặp luồng gió mạnh thổi qua cuốn đi mất. Lá úa trên cây rừng rơi xuống thì nước mưa cuốn đi, khỏi cần phải quét dọn. Cũng như mọi sự mọi vật tự tiêu hoại chớ mình khỏi dụng công. Tới chỗ an nhiên tự tại, không còn có niệm khen chê, tốt xấu, cái gì đến cũng tốt, tự nó giải quyết, tự nó làm đẹp chớ không phải dụng công gì.

Chuông sương vừa dộng núi “ngã” sập. Nhạn lạnh kêu lên tình niệm ngưng. Nghe tiếng chim nhạn kêu buổi khuya, bao nhiêu tình niệm không còn nữa. Khuya vừa nghe dộng chuông thì núi “ngã” tan nát. Nghe tiếng nhạn kêu thì tình niệm không còn. Tu như vậy mới thật là an ổn. 

Bạch Dương lại có người qua đấy, Đêm trọn lò tàn bới tro hừng. Ở quán Bạch Dương lại có người qua, lò hương suốt đêm đã tàn lạnh vẫn bới ra được than hồng. Tình niệm đã dứt ngã chấp đã tan. Tưởng như lò hương miếu cổ. Ai biết đâu trong tro tàn đó lại có than hồng. Bản tâm sẵn có của chúng ta lúc nào cũng hiện diện, đầy đủ diệu dụng tròn sáng. 

Bài 17 

Liễu vọng quy chân vạn lụy không, 

Hà sa phàm thánh bổn lai đồng. 

Mê lai tận thị nga đầu diệm, 

Ngộ khứ phương tri hạc khứ lung. 

Phiến nguyệt ảnh phân thiên giản thủy, 

Cô tùng thanh nhậm tứ thời phong. 

Trực tu mật khế tâm tâm địa, 

Thủy ngộ sanh bình thùy mộng trung. 

Dịch:

Bỏ vọng về chân muôn lụy không, 

Thánh phàm ức triệu xưa nay đồng. 

Mê đi cả thảy ngài vào lửa, 

Ngộ lại mới hay hạc xổ lồng. 

Một mảnh bóng trăng phân ngàn suối, 

Thông côi reo mãi bốn mùa rung. 

Cần phải thầm thông tâm địa ấn, 

Mới ngộ bình sanh một giấc nồng. 

Bỏ vọng về chân muôn lụy không, tức là ai tu mà bỏ tâm hư dối điên đảo, sống được với tâm chân thật, thì mọi khổ lụy của trần gian đều tan biến không còn. Bởi vậy ai tu mà mặt nhăn nhăn nhó nhó thì biết khổ lụy còn. Tức là chưa bỏ vọng về chơn. 

Thánh phàm ức triệu xưa nay đồng. Dù phàm dù thánh nhiều cả ức triệu cũng đồng có một tâm chân thật không khác, mà tại sao bây giờ thành khác?

Mê đi cả thảy ngài vào lửa. Ngài là con thiêu thân. Nếu tánh chân thật bị mê mờ thì tất cả đều như là con thiêu thân lao mình vào lửa. Đáng thương thay chúng ta! Công chuyện gì cũng ôm vô để mà khổ. Thí dụ hai người đang nói chuyện vui vẻ, không biết có phải họ nói mỉa mình hay không, sao nghe cái gì na ná như liên hệ tới mình, liền chen vô nói: “Mấy người muốn nói xấu tui hả?” Rồi khổ, rồi cự nhau làm phiền lụy. Tất cả đều từ mê mà ra. 

Ngộ lại mới hay hạc xổ lồng. Người ngộ rồi như con hạc đang nhốt trong lồng được thả ra, bay thẳng lên trời thong dong biết mấy. Quý vị muốn làm con hạc xổ lồng hay muốn làm con ngài, con thiêu thân bay vào lửa? Giữa hai hình ảnh liều mình vô lý, và thảnh thơi vô cùng, chọn cái nào? Phải chọn một trong hai chớ không chần chừ nữa, sẽ không kịp vì thời gian không cho phép mình kéo dài. 

Một mảnh bóng trăng phân ngàn suối, Thông côi reo mãi bốn mùa rung. Nhìn trên trời chỉ thấy một mặt trăng, nhưng ngó xuống suối, xuống hồ, xuống ao, thì có bao nhiêu bóng trăng? Bóng trăng thiên vạn ức mà mặt trăng thì không hai. Thể chân thật không rối rắm, không có nhiều, cái nhiều là hư ảo chớ không phải thật. Bóng trăng là hư ảo, mặt trăng là thật. Cho nên khi mê chúng ta đuổi theo bóng trăng, nếu tỉnh nhìn lên thì thấy chỉ có một mặt trăng. Cũng vậy, một cây thông reo tùy theo bốn mùa, mùa gió đông thổi thì rung theo gió đông, mùa gió tây thổi thì rung theo gió tây. Tùy theo gió, tùy theo mùa cây thông rung khác nhau, nhưng chỉ có một cây thông thôi. Cái chân thật không có hai, sở dĩ có nhiều là bởi hư giả, chớ không phải chân thật. 

Cần phải thầm thông tâm địa ấn, Mới ngộ bình sanh một giấc nồng. Chúng ta phải thầm nhận và thông suốt được ấn tâm địa, tức là nhận ra đất tâm của mình. Ngài Vô Ngôn Thông ngộ qua câu “Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu”. Nhận được tâm địa thì không bị vật gì che đậy nữa, gọi là “tâm địa ấn”. Khi đó mình mới biết cuộc sống này chỉ là một giấc mơ thôi, có thật gì đâu. Nhận ra được cái kia rồi thì mới thấy cái này là giả, còn chưa nhận được thì ai cũng tưởng là thật hết. 

Bài 18 

Tâm pháp song vong du cách vọng, 

Sắc trần bất nhị thượng dư trần.

Bách điểu bất lai xuân hựu quá, 

Bất tri thùy thị trụ am nhân.

Dịch: 

Tâm, pháp đều quên còn cách vọng, 

Sắc, trần như một vẫn thừa trần. 

Trăm chim chẳng đến Xuân cứ đến, 

Nào biết ai là người trụ am? 

Bài này của Am chủ Diệu Phổ Tánh Không (Đệ tử của Thiền sư Tử Tâm). 

Tâm, pháp đều quên còn cách vọng. Luôn luôn con người hoặc là chấp pháp bên ngoài, hoặc là chấp tâm bên trong. Bây giờ cả trong lẫn ngoài đều quên mà còn cách vọng. 

Sắc, trần như một vẫn thừa trần. Tất cả hình tướng cụ thể là sắc, và những nguyên nhân tụ họp thành sắc là trần, cả hai là một mà vẫn thừa trần. Tại sao vậy? Tâm quên, pháp quên nhưng còn chưa thấy được ông chủ, vì vậy mà còn cách vọng. Sắc và trần là một nhưng vẫn thừa trần, vì sắc và trần hai thứ đều thuộc về trần hết, tuy là một nhưng vẫn còn trần. Hai câu trên xác nhận rằng người tu chúng ta tọa thiền cho dù quên cả tâm, quên cả pháp, nhưng nếu chưa nhận ra được chính ông chủ của mình thì cũng còn là vọng, chưa phải chân. Tuy thấy trần và sắc là một, nhưng vẫn còn thuộc về trần chớ chưa phải đến chân. 

Trăm chim chẳng đến Xuân cứ đến, Nào biết ai là người trụ am? Thường thường mùa Xuân thì chim nhạn, chim én bay về. Nếu trăm chim không bay về, mùa Xuân có đến không? Chẳng phải đợi chim về Xuân mới đến, dù chim không về, tới thời tiết nhân duyên Xuân vẫn đến như thường. Người tu chúng ta cứ ngỡ rằng tâm mình muốn đạt đến chỗ giác ngộ sẽ có những triệu chứng, những hiện tượng gì trước, rồi mới tới giác ngộ, nhưng sự thật không phải như vậy. Thường thường người ta nói giác ngộ là một đột biến bất thường không ngờ, như đang ngồi, bất chợt mình thấy cái gì, nghe cái gì bỗng sáng ra, không báo hiệu trước mà nó đến, chớ không phải đợi có hiện tượng đến trước báo tin. Ngoài kia chim nhạn và mùa xuân đến, nhưng điều quan trọng không phải ở nhạn ở xuân, mà phải biết ông chủ trong am là ai, là người nào. Nếu có thấy chim bay về báo trước mùa xuân đến cũng là thấy tướng ở bên ngoài. Trọng tâm của người tu là phải biết người đang trụ trong am. Bây giờ quý vị biết người đang trụ am chưa? Người đó tên gì? Người đó không tên. Tóm lại bốn câu này diễn tả người tu tâm thanh tịnh, quên hết tất cả ngoại cảnh bên ngoài, hay đối với sắc trần không còn thấy hai nữa. Được như vậy tuy là tốt nhưng chưa phải chỗ quan trọng mà chủ yếu là phải nhận được người trụ trong am tức ông chủ của chính mình. 

Bài 19 

Tàng thân vô tích cánh vô tàng, 

Thoát thể vô y tiện xí đương. 

Cổ cảnh bất ma hoàn tự chiếu, 

Đạm yên hòa vụ thấp thu quang. 

Dịch: 

Tàng thân không dấu lại không tàng, 

Thoát thể không nương liền đảm đang. 

Gương xưa tự chiếu lau chùi khỏi, 

Khói nhạt sương mờ nhuận thu quang.

Tàng thân không dấu lại không tàng. “Tàng thân” tức là ẩn thân không dấu vết, nhưng sự thật không có ẩn gì hết, nên “không tàng”. Đối với người tu dù phân tích, chia chẻ cái thân này cho tới chỗ cuối cùng, không còn một hình dáng, một dấu vết gì, cũng chưa phải là chỗ quan trọng. Chỗ quan trọng là: 

Thoát thể không nương liền đảm đang. “Thoát thể” là vượt khỏi thân này, siêu vượt hình tướng, sắc thể này, không còn nương tựa một nơi nào, một chỗ nào. Người tu đến đây mới xứng đáng đảm đang việc lớn. Chỗ “thoát thể vô y” ngài Lâm Tế thường hay nói là “vô vị chân nhân”, là người chân thật không có chỗ nơi. Nếu có chỗ nơi thì không phải là người chân thật. Như ông vua ngự trên ngai hay đền rồng, mỗi người hễ có chức vụ đều có ngôi có vị để tựa. Nhưng với người chân thật này không có ngôi vị. Quý vị thấy người chân thật của mình đang ở đâu? Tựa chỗ nào? Không chỗ tựa nên “thoát thể”, vượt khỏi hay siêu vượt thân này để đạt đến chỗ cứu kính là con người chân thật, là con người không nương tựa. Bởi vì con người không nương tựa mới là người đảm đang được việc lớn của mình. Còn mọi sự như tàng thân không dấu hay là không tàng… chưa phải là chỗ đáng trông cậy. 

Gương xưa tự chiếu lau chùi khỏi, Khói nhạt sương mờ nhuận thu quang. Gương xưa tự nó sáng khỏi cần phải lau chùi. Khi gương bị bụi phủ mình lau gương hay lau bụi? Thường thường người ta nói gương dơ phải lấy khăn lau cho sạch, nhưng sự thật không phải lau gương mà lau bụi. Vì sao? Gương tự nó trong, tự nó sáng, vì bụi đóng thành ra tối. Bây giờ muốn gương sáng thì chịu khó lau sạch bụi, không có làm thêm gì cho gương. Vì gương sẵn sáng, nên chúng ta lau bụi chớ chẳng phải lau gương, mà đa số quen cứ nói là lau gương. Như vậy mình tu là để cho chân tâm được sáng suốt, được thanh tịnh, nhưng chân tâm nguyên sáng suốt thanh tịnh như mặt gương trong vậy, mà bị phiền não vô minh che phủ, nên tính sáng suốt thanh tịnh không hiện. Bây giờ tu là dẹp vô minh, dẹp phiền não. Vô minh phiền não sạch thì chân tâm tự sáng suốt, tự thanh tịnh. Nếu nói tu để cho trí vô sư hiện, để cho chân tâm thanh tịnh là sai, nói cho đúng là tu cho tất cả phiền não tiêu diệt, tu cho tất cả vô minh trong sạch, thì gương thanh tịnh sáng suốt của mình là bản tâm sáng trong sẽ hiện, nó tự sáng trong rồi không do tu. Bởi vậy nói tu để cho tâm thanh tịnh giống như lau gương để cho sạch vậy. Mới nghe thì thấy na ná như nhau, nhưng sự thật thì ý nghĩa khác một trời một vực. Nếu chúng ta không dẹp sạch tất cả phiền não, tất cả vô minh thì dù cho nói chân tâm, nói Phật tánh sẵn có cũng không bao giờ chúng ta thấy. Như vậy tu với vô minh phiền não, chớ không phải tu với chân tâm Phật tánh. Bởi vậy các Thiền sư nói “Tôi không có tu”, vì cái chân thật không cần tu. Tuy nhiên nếu nói theo kinh thì “tu vô tu”. Tại sao tu mà vô tu? Vì tu với phiền não, chớ cái chân thật thì không tu. Ý nghĩa này rất thâm sâu, hết sức chính xác, không phải chuyện mơ hồ. 

Bài 20 

Quang minh tịch chiếu biến hà sa, 

Phàm thánh hàm linh cọng ngã gia. 

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện, 

Lục căn tài động bị vân già. 

Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, 

Thú hướng chân như tổng thị tà. 

Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại, 

Niết-bàn sanh tử đẳng không hoa. 

Dịch:

Quang minh tịch chiếu khắp hà sa, 

Phàm thánh, hàm linh chung nhà ta.

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện, 

Sáu căn vừa động bị mây lòa. 

Dứt trừ phiền não càng thêm bệnh, 

Hướng đến chân như cũng là tà. 

Tùy thuận các duyên không chướng ngại, 

Niết-bàn, sanh tử thảy không hoa. 

Bài kệ này của tú tài Trương Chuyết. Khi ông đến hỏi đạo với Thiền sư Thạch Sương Khánh Chư, bị Ngài hỏi lại: Ông tên gì? Thưa: Con tên là Trương Chuyết. Ngài liền nói: Trong đây cái xảo còn không có huống là chuyết. Bởi vì chữ “chuyết” là vụng, “xảo” là khéo. Ở đây xảo cũng không, làm gì có vụng. Nghe câu đó ông liền ngộ làm bài kệ này, nổi tiếng từ xưa tới giờ các nơi đều dẫn. 

Quang minh tịch chiếu khắp hà sa. “Quang minh” là ánh sáng, sáng mà lặng, lặng mà soi, cái đó khắp hà sa, chỗ nào cũng soi khắp. 

Phàm thánh, hàm linh chung nhà ta. Người thánh kẻ phàm tất cả chúng sanh đều cùng một nhà. Nơi chúng ta dù thánh hay phàm ai cũng sẵn có tánh giác, sáng suốt mà yên lặng. 

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện, Sáu căn vừa động bị mây lòa. Nếu nơi tâm không dấy một niệm, thì tánh giác hiện đầy đủ. Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý vừa dấy động chạy theo cảnh thì mây bủa giăng bao phủ che mờ tánh giác rồi. Hai câu này nói lên công dụng tu hành và không biết tu hành. Đó là yếu chỉ của sự tu. 

Dứt trừ phiền não càng thêm bệnh, Hướng đến chân như cũng là tà. Hai câu này nhiều người nghi lắm. Tại sao dứt trừ phiền não càng thêm bệnh? Nếu không dứt phiền não thì chừng nào mình được an ổn, được thanh tịnh? Nhưng dứt là thêm bệnh, mà để nguyên thì tu cái gì? Sự thật buồn, thương, giận, ghét, oán hờn… là hư ảo. Quý vị nghe ai nói trái ý, nổi nóng đùng đùng lên, đang lúc đó nếu có người khéo nói một câu bèn thức tỉnh thì nóng giận lặn đâu mất. Quý vị chỉ coi nóng giận lặn đi đâu? Chạy vô tim vô phổi phải không? Khi nóng giận dấy lên thì thấy mạnh, nhưng tới khi dừng tìm không ra, mất tăm mất dạng, vậy cơn nóng thậät hay giả? Nóng giận, buồn thương… đều là bóng dáng không thật, làm sao dẹp bỏ? Nghĩ trừ nghĩ dẹp là sai lầm, vì dùng cách này cách nọ để trừ dẹp cái giả dối tức mình tưởng chúng là thật, nên nghĩ trừ dẹp là thêm bệnh. Nhưng không trừ dẹp thì để cho chúng tự do phát lên hay sao? Đó là chỗ trọng yếu. Phật dạy chúng ta tu bằng trí tuệ. Nóng giận, buồn phiền dấy khởi, chỉ cần xét nhìn lại coi thật hay không. Nếu mình theo nó thì bị phá phách, nhìn lại tìm kiếm thì nó tự tan mất. Khi chúng ta nổi giận, lúc đó đừng nói gì hết, thử ngồi lại xem cơn giận đó từ đâu ra. Tìm chừng mười lăm phút, khỏi cần phải uống nước lạnh mất công, tìm một hồi tự nhiên hết giận. Có nhiều người giận quá chạy đi uống nước, vuốt ngực hoặc là tìm cách này cách kia để dằn xuống… làm như vậy tưởng sẽ hết, mà có hết đâu. Uống nước vô rồi nhớ lại thì nổi giận đùng đùng nữa, chẳng lẽ uống chục lần nước cho bể bụng. Chỉ cần dùng trí nhìn đúng bản chất thật của cơn giận, hiểu được rồi tự nhiên hết, khỏi phải đè nén. Như vậy không cần trừ phiền não mà phiền não tự trừ, nếu cố dẹp cố đè, tức thấy vọng là thật thì thêm bệnh. 

Hướng đến chân như cũng là tà.Tại sao vậy? Chân như là tâm thanh tịnh, bất sanh bất diệt, đã sẵn nơi mình, chỉ cần sạch hết phiền não, không còn dấy động thì sờ sờ ở đó, nếu tìm đến tức chân như không phải của mình. Tỷ dụ cái nhà của tôi, tới là bước vô, khỏi cần tìm. Ngồi trong nhà thì không tìm nhà. Còn ngồi trong nhà mà tìm nhà tức người đó chưa biết nhà mình. Tâm thể chân như đã sẵn nơi mình, tràn trề bủa khắp mà mình quên, không nhận ra, nếu phiền não vô minh sạch thì tự hiển hiện, khỏi tìm kiếm ở đâu. Cho nên người tu nếu đi tìm đi kiếm chân như là tà, không phải là chánh. Rõ ràng có hai thứ bệnh: bệnh thấy phiền não thật và bệnh thấy chân như ở ngoài mình. 

Tùy thuận các duyên không chướng ngại, Niết-bàn, sanh tử thảy không hoa. Tùy thuận các duyên là sao? Người ta chọc mình cười cứ cười, người ta chọc mình giận cứ giận, đó là tùy thuận các duyên phải không? Thuận các duyên chính là chỗ ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã nói “Cơ tắc xan hề khốn tắc miên”, tức đói thì ăn, mệt thì ngủ. Nghĩa là gặp duyên đến thì sử dụng, không có tâm đòi hỏi, phân biệt. Mình cũng đói ăn mệt ngủ như các ngài, sao các ngài tùy thuận, còn mình bị các duyên chi phối? Khi bụng đói thèm ăn lắm mà thấy người dọn những món không vừa ý hết muốn ăn, như vậy có phải tùy thuận không? Chỉ mộtù câu đơn giản này Tăng Ni Phật tử chúng ta tu thấy dễ hay khó? Cứ tùy thuận chúng duyên. Duyên tới ăn thì ăn, tới ngủ thì ngủ. Ăn không đòi ngon dở, ngủ không suy nghĩ việc quá khứ vị lai là tùy thuận. Còn ăn mà khen chê ngon dở, ngủ thì gác tay lên trán, nhớ chuyện năm trên năm dưới thì chưa phải là tùy thuận. Thấy như là dễ, ai làm cũng được, nhưng thật sự làm không được. Phải chi không muốn ăn mà làm thinh, đây còn cự nự nữa. Như vậy mới thấy mình không có tùy thuận. Đó là chỉ nói duyên đói ăn, mệt ngủ, còn duyên khen chê… quý vị có tùy thuận nổi không? Nếu khen mà tâm mình không vui thích, chê tâm mình không buồn phiền thì đó là tùy thuận. Như vậy nếu biết tùy thuận các duyên không chướng ngạithìchừng đó mới thấy Niết-bàn, sanh tử thảy là hoa đốm trong hư không. Chúng ta thấy sanh tử là thật, là đau khổ nên mới cầu Niết-bàn là an vui tịnh lạc. Tránh đau khổ tìm an vui gọi là tu. Bây giờ nói Niết-bàn và sanh tử tức là đau khổ và an vui đều là hoa đốm trong hư không thì làm sao? Mục đích chúng nhắm còn hay không? Thật sự người trụ am không có tên. Người trụ am không tên thì Niết-bàn tên gì? Sanh tử tên gì? Đó là hai danh từ đối đãi để dựng lập, vì thấy sanh tử thật khiến sợ hãi nên thấy Niết-bàn thật sanh vui thích để mong tìm. Nhưng rõ ràng đến chỗ cứu kính sanh tử không thật, Niết-bàn cũng không thật, như hoa đốm ở hư không thì có gì mà dựng lập? Chỗ cứu kính chỉ có một người là am chủ chứ không có sanh tử, không có Niết-bàn. Như vậy chúng ta thấy qua bài kệ này, tú tài Trương Chuyết đã nhìn rất thấu đáo và tận tường đối với con đường tu hành. 

Bài 21 

Cảnh duyên vô hảo xú,

Hảo xú khởi ư tâm. 

Tâm nhược bất cưỡng danh, 

Vọng tình hà xứ khởi. 

Dịch: 

Cảnh duyên không tốt xấu, 

Tốt xấu dấy nơi tâm. 

Nếu tâm chẳng gượng đặt, (tên) 

Vọng tình từ đâu sanh! 

Cảnh duyên không tốt xấu, Tốt xấu dấy nơi tâm. Chúng ta luôn mắc phải bệnh gán cho cảnh bên ngoài và người bên ngoài xấu và tốt. Cảnh và người có thật xấu thật tốt không? Ví dụ hôm nào chúng ta hơi túng thiếu, gặp một người ủng hộ tiền thì chúng ta cho người đó là người rất tốt. Rồi thời gian sau gặp lại nhau chào hỏi, họ có những ngôn ngữ, cử chỉ khinh mình thì mình sẽ nói người đó xấu. Như vậy người đó tốt hay xấu? Không phải tốt, không phải xấu, mà tùy theo niệm khởi của chính mình. Tâm mình nghĩ tốt thì thấy họ tốt, nghĩ xấu thì thấy họ xấu. Thật ra họ chưa hẳn tốt, chưa hẳn xấu. Cũng vậy, cảnh nào cũng như nhau, nhưng người thích cảnh tịch mịch tới chỗ tịch mịch cho là tốt, người thích chỗ ồn náo thì tới chỗ ồn náo cho là tốt, do niệm ưa thích của mình mà thành tốt xấu. Cho nên hai câu đầu nói người và cảnh bên ngoài không cố định tốt xấu, mà tùy theo tâm niệm mình đánh giá thành tốt thành xấu. 

Nếu tâm chẳng gượng đặt, Vọng tình từ đâu sanh!Sở dĩ vọng tình sanh vì mình dấy niệm đặt tốt đặt xấu. Nếu chúng ta dứt được tâm đối với cảnh không khởi niệm tốt xấu thì cảnh nào cũng tốt, tự nhiên không còn vọng tình rối loạn nữa, không còn vọng tình sanh phiền não nữa. Đó là chỗ tu. Có nhiều người tu thấy chín chắn lắm, đi ngó chăm chăm xuống, sợ ngó lên loạn tâm. Ngó xuống hoài chịu nổi không? Lâu lâu cũng phải ngó lên, như vậy cũng chưa phải là thật. Thấy người thấy cảnh liền duyên theo, nên trở thành dính mắc tu không được. Nếu thấy người thấy cảnh tâm vẫn tự nhiên không động thì có lỗi lầm gì. Như vậy mới là tu thật, khỏi trốn đi đâu. Nếu thấy người thấy cảnh cho là loạn tâm tu không được, thì chỉ còn cách ở trong rừng tu với khỉ vượn, hết tu với người. Ý nghĩa tu ở đây trọng tâm là làm sao đối cảnh đối người không có niệm dính mắc, đó là thật tu.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

luân hồi nghiệp báo co bao gio ban co don chua 5 tan o thai lan Mẹ viet mệt ngủ của thế tôn tín Nghĩ cha ơi chỉ năm phút nữa thôi tứ tuÕi niệm Chè kê xứ Huế và tháng 5 ve hướng sứ chút Học tâm kinh dấu Phật giáo Thái Phật đản nhớ Phật Ngày Tết nói chuyên ăn chay hói và nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến Chiếc bình cũ giúp buon cận bat ngo ceo thai ha books chan dat di an xin phat tu tai gia dau tien o viet nam la ai tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao çŠ cuu tong giam muc rowan williams phat giao giup Nguyên nhân nhiều người trẻ bị ung thư tai sao tam chang duoc quy nhat khi niem phat Thu khi gap kho khan con hay nho tuong den phat Táo có lợi cho sức khỏe đối hay tu thap duoc len ma di Thuб c 04 phan 1 song Nhậ Bình minh quê mình mÃÅ Cao răng viêm nướu và các bệnh ta di de lai gi khong gene Chút phat giao co tin cong dung cua le cau sieu cho pham Trăm nhớ ngàn thương Đà Nẵng Ni sư Thích nữ Diệu Thanh viên