MỤC LỤC
I.Bài tựa
II.Tiểu sử thiền sư Hương Hải
III.Sư bị chúa nghe lời dèm pha truyền cho về quê cũ
IV.Sư ra vùng bên ngoài gần trấn lập thiền tịnh viện
V.Sư ra trụ trì dựng lập chùa Nguyệt Đường
VI.Khai thị ngộ nhập được duyên tốt truyền trao ấn chứng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Đoạn 4
Đoạn 5
Đoạn 6
Đoạn 7
VII.Sư tám mươi tám tuổi dặn dò Niết bàn
c
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ NGỮ LỤC
GIẢNG GIẢI
Thích Thanh Từ
VI. KHAI THỊNGỘ NHẬP ĐƯỢC DUYÊN TỐT TRUYỀN TRAO ẤN CHỨNG

ĐOẠN 5

Rảnh rang Sư thường ngâm lại những bài kệ dạy chúng: 

Ngài đọc lại những bài kệ của người xưa. Trong nhà thiền thường có câu: “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới”. Dù bài kệ đó là của vị nào, của người xưa, nếu chúng ta đọc bài kệ đó có tâm đắc thì nó liền có ý nghĩa mới, không phải bài kệ có nghĩa mới, mà chính là người nhắc lại gởi gắm tâm tư mình trong đó nên gọi là mới. Những bài kệ của Ngài đọc trong lúc rảnh rang này, không phải của Ngài mà là của các vị Tổ sư trước và gần Ngài, nhưng vì thích nên Ngài rảnh rang ngâm nga lại để dạy chúng.

Bài 1: 

Nhất thiết vô tâm tự tánh Giới, 

Nhất thiết vô ngại tự tánh Tuệ. 

Bất tăng bất giảm tự Kim Cang, 

Thân khứ thân lai bổn Tam-muội. 

Dịch: 

Tất cả không tâm tự tánh Giới, 

Tất cả không ngại tự tánh Tuệ. 

Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim Cang, 

Thân đi thân lại gốc Tam-muội. 

Bài kệ này là bài kệ của Lục Tổ trả lời sư Chí Thành ở trong Pháp Bảo Đàn hỏi về Giới - Định - Tuệ.

Tất cả không tâm tự tánh Giới. Khi tâm chúng ta không có dấy niệm đuổi theo ngoại cảnh là chúng ta giữ giới, giới ngay trong tự tánh. Tại sao nói tự tánh? Bởi vì giới không có hình tướng. Thường thường ở trong nhà Phật nói tới giới tướng. Những hành động, những ngôn ngữ chúng ta có khi sai trái, giữ không cho hành động, ngôn ngữ sai trái gọi là giới tướng. Trong tâm mình không dấy niệm, đó là tự tánh giới. Tại sao? Bởi vì tâm vừa dấy niệm, nó biến ra hình tướng, chớ niệm lặng lẽ, đâu có phạm lỗi. Đó là giữ giới ngay trong tự tánh của mình chớ không phải ở đâu. 

Tất cả không ngại tự tánh Tuệ. Ở đây dạy giới trước, tuệ sau. Tuệ là gì? Tuệ là tất cả không ngại. Trí tuệ giúp cho chúng ta đối với mọi người, mọi cảnh không dính, không kẹt, không có cái gì trói buộc, tự tại vô ngại. Như vậy là tuệ. Nói tuệ mà dường như không có tuệ gì hết. Thường người ta nói tuệ là ánh sáng, là thông minh, những hiểu biết cao xa, ở đây nói không có ngại thì gọi là tuệ. Tại sao? Vì trong nhà thiền, người ngu thì cho việc này, việc nọ, việc kia là đúng là sai cho nên mắc kẹt. Còn người trí tuệ thì không chấp, cho nên được vô ngại. Chấp là ngu, ngược lại là trí tuệ. Tóm lại ai chấp nhiều thì đó là ngu hay là thiếu tuệ. Người nói ra hay chấp phải, chấp quấy, chấp hơn, chấp thua, chấp được, chấp mất thì không có sáng. Còn nếu tất cả đều không dính, không kẹt gì hết là trí tuệ. 

Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim Cang. Đây nói đủ là Kim Cang Tam-muội là sức định vững chắc như Kim Cang không có gì phá hoại được. Muốn được cái định đó phải chẳng thêm chẳng bớt. Bất tăng, bất giảm mà trong kinh Bát-nhã chúng ta thường đọc đó. Chúng ta ở trên thế gian này luôn luôn thấy cái này là được, cái kia là mất. Có được có mất là có thêm bớt. Được, mất, thêm, bớt làm cho tâm mình loạn động. Vì vậy không thấy có thêm, không thấy có bớt, đó là Kim Cang. 

Thân đi thân lại gốc Tam-muội. Nếu mọi cái thêm bớt, được mất không bận lòng thì thân mình có đến, có đi vẫn là ở trong chánh định. Như vậy ở đây giới, định, tuệ khác với sách Phật nói về giới định tuệ. Kinh nói Giới là giới tướng, Định là định tâm, Tuệ là mở sáng tâm. Ở đây nói Giới là tự tánh, không có tất cả niệm, Tuệ là tự tánh không tất cả chướng, Định là không có tăng, không có giảm, không có đi lại… Như vậy phần này Lục Tổ giảng cho Thiền sư Chí Thành về giới, định, tuệ. 

Bài 2 

Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến, 

Đại tự phù vân giá nhật diện. 

Bất tri nhất pháp thủ không tri, 

Hoàn như thái hư sanh thiểm điện. 

Thử chi tri kiến miết nhiên hưng, 

Thác nhận hà tằng giải phương tiện. 

Nhữ đương nhất niệm tự tri phi, 

Tự kỷ linh quang thường hiển hiện. 

Dịch: 

Chẳng thấy một pháp còn thấy không, 

Giống in mây nổi che mặt nhật. 

Chẳng biết một pháp giữ biết không, 

Lại như hư không sanh điện chớp. 

Cái thấy biết này chợt dấy lên, 

Lầm nhận đâu từng rõ phương tiện. 

Ông nên một niệm tự biết lỗi, 

Tự kỷ linh quang luôn hiển hiện. 

Bài kệ này của Lục Tổ. Ngài giải thích cho Thiền sư Trí Thường về “không”, trong kinh Pháp Bảo Đàn. 

Chẳng thấy một pháp còn thấy không. Nếu mình không thấy có một pháp nào, còn thấy có cái không là thật. 

Giống in mây nổi che mặt nhật. Giống như là có một cụm mây che mặt trời làm cho mặt trời tối. Còn chấp một pháp không cũng là còn kẹt, che mờ trí tuệ của mình. 

Chẳng biết một pháp giữ biết không, Lại như hư không sanh điện chớp. Nếu mình không thấy có một pháp nào thật mà còn giữ một pháp không, cho tánh không là thật, cũng như hư không trong trẻo, bỗng dưng có lằn điện chớp, mất cái yên tĩnh, trong trẻo của hư không. 

Cái thấy biết này chợt dấy lên, Lầm nhận đâu từng rõ phương tiện. Còn khởi các niệm chấp không, là mình đã nhận lầm, không biết được các phương tiện đầy đủ. 

Ông nên một niệm tự biết lỗi, Tự kỷ linh quang luôn hiển hiện. Tức là ông bây giờ một niệm tự nhận lỗi chấp không, thì ánh sáng linh diệu của chính mình sẽ hiển hiện luôn luôn. Như vậy, tất cả chúng ta tu, ban đầu chấp tất cả là có, có mình, có người, có đủ thứ. Qua giai đoạn thứ hai, phá cái chấp có, cho tất cả tự tánh là không,  rồi xoay qua chấp không. Cái có thật bị phá, song cái chấp không là thật cũng là kẹt. Vì vậy mà cuối cùng một niệm “chấp không” không còn thì cái linh quang của chính mình mới luôn luôn sáng suốt. 

Bài 3 

Kiến văn tri giác vô chướng ngại, 

Thanh hương vị xúc thường Tam-muội. 

Như điểu không trung chỉ ma phi, 

Vô thủ vô xả vô tắng ái. 

Nhược hội ứng xứ bổn vô tâm, 

Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại. 

Dịch: 

Thấy nghe hiểu biết không ngăn ngại, 

Thanh hương vị xúc thường Tam-muội. 

Như chim trong không chỉ thế bay, 

Không lấy, không bỏ không yêu ghét. 

Nếu rõ chỗ hiện vốn không tâm, 

Mới được gọi là Quán Tự Tại. 

Bài này của Thiền sư Bổn Tịnh (?-761) đệ tử Lục Tổ. 

Thấy nghe hiểu biết không ngăn ngại. Ở đây dạy chúng ta rằng: Thấy, nghe, hiểu, biết không ngăn ngại, thì đối với Thanh, hương, vị, xúc thường Tam-muội, được ở trong chánh định. Sở dĩ ngày nay tâm ta loạn, là vì chúng ta thấy nghe hiểu biết đều dính mắc. Thấy dính với sắc, nghe dính với thanh, hiểu biết thì dính với cảnh. Nếu thấy, nghe, hiểu, biết mà không dính mắc đối với năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc thì luôn luôn tâm được an định. Định đó là tam-muội. 

Như chim trong không chỉ thế bay, Không lấy không bỏ không yêu ghét. Như chim giương cánh bay trong hư không thảnh thơi, bởi vì nó không lấy, không bỏ, không yêu ghét, tự tại trong không, không có chướng ngại. Còn chúng ta quen thấy cái gì đẹp thì lấy, cái gì xấu thì bỏ. Cái gì bằng lòng thì yêu, thấy cái gì không bằng lòng thì ghét rồi bay không được, giống như con chim bị rụng cánh, có vỗ cách mấy bay cũng không nổi. Đó là bệnh. 

Nếu rõ chỗ hiện vốn không tâm, Mới được gọi là Quán Tự Tại. Nếu đối với tất cả sự vật hiện tiền nơi nào, chốn nào mình cũng không niệm dính kẹt, đó là không tâm. Được như vậy thì lúc nào mình cũng là Bồ-tát Quán Tự Tại. Kệ này dạy chúng ta giữ đừng để năm căn dính kẹt năm trần. Năm căn không kẹt với năm trần thì chúng ta được tự tại, thảnh thơi như con chim bay không vướng mắc. Năm trần không kẹt thì chúng ta là Quán Tự Tại. 

Bài 4 

Cô viên khiếu lạc nham trung nguyệt, 

Dã khách ngâm tàn bán dạ đăng. 

Thử cảnh thử thời thùy hội đắc, 

Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng. 

Dịch: 

Vượn lẻ hú rơi trăng lưng núi, 

Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya. 

Cảnh đấy người đây ai biết được. 

Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa. 

Bài này của Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975) còn gọi là Vô Lượng Thọ, làm khi ở núi Tuyết Đậu. 

Vượn lẻ hú rơi trăng lưng núi, Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya. Đây tả cảnh vượn hú ở trong rừng, trăng lặn xuống. Còn người khách miền quê ngâm thơ cho tới khuya, đèn lụn bấc. 

Cảnh đấy người đây ai biết được, Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa. Không ai biết được trong núi sâu có một Thiền tăng không dính kẹt, không trói buộc muôn sự muôn vật ở bên ngoài, đang ngồi lặng lẽ trong núi. Nhưng bây giờ Thiền sư không ngồi lặng lẽ trong núi, mà ngồi lặng lẽ trong Thiền đường, vậy có dính kẹt không? Một Thiền tăng ngồi lặng lẽ tức là chỉ còn một ông chủ, tìm không có cái gì dấy động, không có niệm sanh trói buộc lẫn nhau, đó là một hình ảnh hoàn toàn giải thoát. Nhưng bây giờ ngồi con mắt ngó xuống mà con vượn, con khỉ hiện ra hoài, buông cành này nắm cành kia, nên cũng không tự tại. Nếu không dính không mắc thì tự tại. 

Bài 5: 

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân, 

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân. 

Vô minh thật tánh tức Phật tánh, 

Huyễn hóa không thân tức Pháp thân. 

Pháp thân giác liễu vô nhất vật, 

Bản nguyên tự tánh thiên chânPhật. 

Ngũ ấm phù vân không khứ lai, 

Tam độc thủy bào hư xuất một. 

Dịch: 

Dứt học không làm đạo nhân nhàn, 

Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân. 

Thật tánh vô minh tức Phật tánh, 

Thân không, huyễn hóa tức Pháp thân. 

Pháp thân giác rồi không một vật, 

Cội nguồn tự tánh thiên chânPhật. 

Năm ấm mây trôi luống lại qua, 

Ba độc bọt nổi dối chìm mất. 

Đoạn này trích trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, rất thú vị. Chúng ta biết tu thiền chút chút đi dạo ngoài vườn hoa, hoặc là ngồi dưới gốc tùng có hứng cũng nên ngâm lên. 

Dứt học không làm, đạo nhân nhàn. Tuyệt học nói dứt học nghe cũng hơi yếu một chút. Tuyệt học là bặt không còn dính gì mới gọi là tuyệt học. Vô vi là không làm, nghĩa là bặt hết cái học, vị đó là đạo nhân nhàn. Người ta lại hiểu lầm đạo nhân nhàn là đạo nhân làm biếng vì không học, cũng không chịu làm gì hết. Bởi vậy nếu hiểu theo chữ theo nghĩa thì cũng tội. Sáng vác cuốc ra đám rẫy, cuốc đất gọi là đạo nhân nhàn được không? Lao động quá chừng mà nhàn chỗ nào? Chỗ đây phải hiểu tuyệt học vô vi là đối với sự tìm kiếm văn tự, chữ nghĩa không có, không còn. Vô vi là không có tất cả những tâm động, theo những hành động hay theo ý niệm sanh diệt. Cái gì còn sanh trụ diệt là hữu vi, không sanh trụ diệt là vô vi. Bặt hết những tâm đuổi theo chữ nghĩa, theo cái sanh trụ diệt của thế gian thì gọi là đạo nhân nhàn. Nếu mình cuốc rẫy trồng khoai, nhổ cỏ, lặt rau mà không dính mắc với chữ nghĩa văn tự, không kẹt với tâm sanh diệt, vẫn là đạo nhân nhàn. Tuy là lặt rau, tuy là nhổ cỏ mà vẫn nhàn. Đừng nên nói: “Ngài Vĩnh Gia đã dạy như vậy, bây giờ tôi muốn làm đạo nhân nhàn, đừng kêu tôi học, mọi người làm cho tôi ăn thôi, để tôi thành đạo nhân nhàn”. Đó là cái nhàn lười biếng, không phải cái nhàn giải thoát. Quý vị hiểu cho kỹ, cho nên học mà không hiểu cũng khổ lắm. 

Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân. Không cầu chân tức là yên lặng. Vì vô vi không sanh diệt, đâu còn cái gì là vọng tưởng, mà không vọng thì chân hiện tiền. Người nào tới chỗ không còn tâm dính kẹt ngôn ngữ, không còn tâm dính kẹt tướng sanh diệt, thì người đó đâu còn vọng tưởng mà trừ, cái chân thật liền hiện tiền, còn gì mà phải cầu. Ai được như vậy tôi cũng cho tự do không ngồi thiền nữa, còn chưa được thì ráng ngồi thiền khá một chút, chừng nào được thì khỏi. 

Thật tánh vô minh tức Phật tánh. Cái tánh thật của vô minh là tánh Phật. Tại sao vậy? Bởi vì vô minh là mờ mịt, mà cái mờ mịt là từ cái sáng. Cũng như tánh thật của ngủ đáng lý là mê, sao tôi lại nói là thức, bởi vì không có thức thì mình có ngủ không? Vì có thức nên mới có ngủ, thật tánh cái ngủ gốc từ cái thức, không có thức thì không có ngủ, không có ngủ thì không có thức. Vì vậy nên cái này sanh thì cái kia sanh. Vì mình mê cho nên nói giác, tỉnh hết mê thì không còn giác. Vậy thì vô minh từ giác mà ra. Đương thức mà bỗng dưng mờ mịt, buồn ngủ. Đó là từ gốc tỉnh mà sanh ra mê, như vậy hết mê thì trở lại tỉnh chớ gì? 

Thân không huyễn hóa tức Pháp thân,  ngay nơi thân huyễn hóa không thật này là Pháp thân. Tại sao? Thân huyễn hóa là thân duyên hợp, tụ rồi tan, nên không thậät. Đó là tướng giả hợp có tụ có tan, còn thể Pháp thân, cái chân thật bất sanh bất diệt, không bao giờ có tụ có tan. Nhận được ngay cái thân tụ tan đó là huyễn hóa không thật thì Pháp thân hiện tiền chớ không đâu xa. 

Pháp thân giác rồi không một vật. Khi chúng ta giác ngộ Pháp thân rồi mới thấy thế gian không có một vật thật, tất cả các pháp đều duyên hợp, mà duyên hợp thì đều hư ảo, đều là không thật. 

Cội nguồn tự tánh thiên chân Phật. Pháp thân là cội nguồn, là tự tánh thiên chân. Chữ “thiên chân” này có chỗ người ta cũng hiểu lầm, vì thường thường người tu mà hay chấp là lệch một bên. Như tu quán tất cả các tướng ngã của thân là duyên hợp hư dối,  nói cách đơn giản là thấy thân vô ngã, đó cũng là giác nhưng giác còn thiên lệch. Chừng nào giác ngộ được pháp vô ngã, thân vô ngã thì cái giác đó mới tròn. Cho nên thường thường hay nói các vị Nhị thừa được cái giác thiên chân. Nhưng mà chữ “thiên chân” ở đây là cái chân sẵn có. Chữ “thiên” ở đây tương tự như trời, thiên chân là cái sẵn từ thuở nào cho nên là cái chân thật. Tự tánh thiên chân Phật là ông Phật từ thuở nào, chớ không phải ông Phật lệch. 

Năm ấm mây bay trôi luống qua, Ba độc bọt nổi dối chìm mất. Nghĩa là thân năm ấm này như là mây trôi, luống qua lại không có gì thật hết. Tất cả chúng ta ai cũng có sẵn thân năm ấm, là cái không thật, hư dối, nó còn nó mất, sanh diệt nơi này, nơi nọ, nơi kia như là áng mây trôi. Còn ba độc giống như là hòn bọt nổi chìm, chỉ là hư dối, có rồi mất. Như vậy hai câu này cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta biết Pháp thân là tánh giác, là đức Phật có sẵn, là cội nguồn, thì thân năm ấm và ba độc trong chúng ta là mây, là bọt, mất còn không có giá trị gì hết. Nhưng bây giờ ngược lại, ông Phật thiên chân ở đâu chưa thấy, mà chỉ thấy thân năm ấm và ba độc, cho nên cả ngày cứ lộn xộn, lôi thôi với nhau. Bám vào thân năm ấm cho là thân ta thật, ba độc cũng cho là thật nên loay hoay lẩn quẩn hoài năm này tháng nọ, khổ này hết qua khổ kia. Một khi chúng ta biết được pháp thân sẵn có, chừng đó mới thấy thân này là hư giả, ba độc là dối không thật. Đó là ý nghĩa đoạn này trong Chứng Đạo Ca. Nói Chứng Đạo Ca nghĩa là chứng đạo rồi mới hát được những câu này. Còn bây giờ mình hát học lóm, chớ không phải mình hát thật. Còn Ngài được rồi Ngài mới hát, cho nên câu nào cũng là tột cùng, là chí lý. 

Bài 6: 

Ngộ tâm dung dị tức tâm nan, 

Tức đắc tâm nguyên đáo xứ nhàn. 

Đẩu chuyển tinh di thiên dục hiểu, 

Bạch vân y cựu phú thanh san. 

Dịch: 

Ngộ tâm là dễ, khó dừng tâm, 

Dừng được nguồn tâm mọi chốn nhàn. 

Sao Đẩu chuyển dời trời sắp sáng, 

Như xưa mây trắng che núi xanh. 

Ngộ tâm là dễ, khó dừng tâm, Dừng được nguồn tâm mọi chốn nhàn. Bài này dạy cho chúng ta thấy ngộ tâm là dễ mà dứt tâm lại khó. Sao vậy? Đây là câu mà tôi thường nhắc cho tất cả Tăng Ni. Phật dạy, Tổ dạy, ai cũng nhận ra mình có cái tâm chân thật. Có ai không nhận không? Nhận biết mình có tâm chân thật rồi, mà muốn dứt tâm lăng xăng dễ hay khó? Rất khó, cái tâm chân thật của mình hiện ra tuy khó mà còn dễ hơn cái tâm lăng xăng dừng được sạch. Nếu dừng được tâm, chừng đó tới đâu cũng thảnh thơi, nhàn hạ. 

Sao Đẩu chuyển dời trời sắp sáng, Như xưa mây trắng che núi xanh. Hai câu này, dường như tả cảnh chơi không nói gì sự tu hành. Đêm khuya chúng ta nhìn, thấy ngôi sao Bắc Đẩu chuyển dần thì biết trời sắp sáng, mây trắng vẫn che ngọn núi xanh như cũ. Hai hình ảnh này nói gì? Khi chúng ta dừng được tâm rồi, an nhàn tự tại, chừng đóù chúng ta nhìn trời sắp sáng, xem mây trắng che ngọn núi xanh, là hình ảnh tự nhiên của trời đất. Nghĩa là tâm lăng xăng dứt thì thấy trời, mây, sao, trăng, cái gì cũng an nhiên tự tại, không còn bận rộn, không còn nuối tiếc, không có chán chường hay ham muốn. Cả trời đất trăng sao hiện tiền, đều là tự tại. 

Bài 7: 

Ngu nhân trừ cảnh bất trừ tâm, 

Trí giả trừ tâm bất trừ cảnh. 

Bất tri tâm cảnh bổn như như, 

Xúc mục ngộ duyên thường trấn định. 

Dịch: 

Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ tâm, 

Người trí trừ tâm chẳng trừ cảnh. 

Đâu biết tâm cảnh vốn như như, 

Chạm mắt gặp duyên luôn vững định. 

Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ tâm, Người trí trừ tâm chẳng trừ cảnh. Ở đây nói kẻ ngu, người trí, quý vị xét xem! Nếu ai than kẻ tới người lui, lăng xăng lộn xộn, ồn quá tu không được, rồi kiếm hốc núi chui vô ở một mình để tránh cảnh ồn ào của thiền viện, thì đó thuộc hạng người nào? Ở đây có ai thuộc hạng đó không? Vậy mới thấy nhiều khi mình ngu mà không hay. Cứ tưởng rằng tránh cảnh ồn ào tìm cảnh yên là khôn ngoan lắm, đó là mình biết tu. Nhưng đâu có ngờ. Như tôi thường kể, nếu vô đó mà hít thở thôi, đừng uống nước, đừng ăn cơm thì chắc dễ tu thật. Còn vô ngồi trong hốc núi, không có nước uống phải ra múc nước suối, phải kiếm ly hũ đựng là đã phiền rồi. Nhưng uống nước sống cũng chưa được, phải ăn cơm. Cơm ở đâu? Cũng phải lội ra xóm. Không có tiền mua gạo thì sao? Phải chạy tới người này, người kia mua gạo, về dọc đường lỡ té…, đủ thứ hết. Như vậy rồi phải tảo tần lo cho sự sống, còn tu cái gì được! Tưởng tu hay, không ngờ lại còn đa sự hơn. Rốt cuộc là dở, là ngu, ai có tâm niệm đó thì xét biết nghe! Còn ở đây, tới giờ thì ngồi thiền, tới giờ thì nấu cơm, làm việc gì cũng không có bận lo gì hết. Người trí thì trừ tâm mà không trừ cảnh. Tại sao vậy? Bởi vì người trí thấy cái rộn ràng lăng xăng nơi tâm chớ không phải do cảnh ở ngoài. Vì vậy mà phải lo dọn dẹp, đuổi trừ tâm, đó là cái gốc. 

Đâu biết tâm cảnh vốn như như. Nhưng nếu biết tâm nào cảnh nào cũng như như thì khỏi trừ tâm trừ cảnh gì hết. Nghĩa là cứu kính như vậy. Đến đây thì: 

Chạm mắt gặp duyên luôn vững định. Tức là gặp người này hay gặp việc kia tâm đều an định, không còn rối rắm khó khăn. Tóm lại, người tu nếu khéo thì trước cảnh mình vẫn không động, những tâm lăng xăng khéo trừ sạch, thì đến đâu cũng là chỗ an vui, là chỗ vững định, tức là ở trong Tam-muội.

Bài 8: 

Nhất diệp biển chu phiếm diểu mang, 

Trình nhiêu vũ trạo biệt cung thương. 

Vân sơn thủy nguyệt đô phao khước, 

Doanh đắc Trang Chu điệp mộng trường. 

Dịch: 

Một chiếc thuyền con vượt bể khơi, 

Quẫy chèo múa nhịp hát ca chơi. 

Núi mây trăng nước đều ném quách, 

Giành được Trang Chu giấc mộng dài. 

Bài này của bà ni Diệu Tổng, đệ tử ngài Đại Huệ đời Tống. 

Một chiếc thuyền con vượt bể khơi, Quẫy chèo múa nhịp hát ca chơi. Chúng ta sống giữa biển trần lao này, làm tất cả việc mà thảnh thơi không bận bịu, không dính mắc, không lo buồn, như chiếc thuyền con ra khơi vung chèo quẫy nhịp, hát ca vượt khỏi lề luật âm vận thông thường – cung thương là hai âm trong ngũ âm của âm nhạc Trung Quốc. 

Núi sông trăng nước đều ném quách, Giành được Trang Chu giấc mộng dài. Không kẹt ở núi, ở mây, ở nước tức là không có dính, không quyến luyến gì bên ngoài hết. Người tu, nhất là người tu thiền, trong cuộc sống cũng gặp bao nhiêu người, cũng làm đủ thứ công tác, không dính, không mắc, không bận rộn, khi đó mình hiểu được giấc mộng dài hóa bướm của Trang Chu. Ông nằm mơ thấy mình hóa bướm, lúc tỉnh dậy thắc mắc không biết mình là bướm hay bướm là mình mới nghiệm ra đời chỉ là giấc mộng dài.

Bài 9: 

Nam Đài tĩnh tọa nhất lô hương, 

Chung nhật ngưng nhiên vạn lự vong. 

Bất thị tức tâm trừ vọng tưởng, 

Đô duyên vô sự khả tư lương. 

Dịch: 

Đài Nam tĩnh tọa một lò hương, 

Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không. 

Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng, 

Chỉ vì không việc đáng lo lường. 

Bài kệ này chỉ cho sự tu rất là hay. 

Đài Nam tĩnh tọa một lò hương. Chữ “đài” này chúng ta phải hiểu, theo nghĩa trong đạo chớ đừng hiểu theo ngoài đời. Ngoài đời thì “đài” là chỗ quan trọng. Còn trong đạo nói “Đài Nam” là chỗ mình ngồi thiền trong núi hay là trên một góc của nhà thiền.

Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không. Ngồi đó trọn ngày không còn một chút niệm lự nào, lúc đó thì sao?

Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng, Chỉ vì không việc đáng lo lường. Chỗ này hết sức là khéo. Chúng ta ngồi cố gắng dứt tâm, việc gì đến mình cũng nghĩ cho nên phải đè xuống. Mới đi ra ai nói câu gì đó, hơi xúc chạm, lúc ngồi thiền, vừa yên liền nhớ, rồi đè xuống, nói “không được”, rồi lại nhớ nữa, cứ đè nữa, đè hoài, đè hoài. Tại sao phải đè? Vì thấy lời nói đó là thật, cảnh ngoài là thật, gỡ không được. Thí dụ lúc ngồi thiền, nhất là bên Tăng, chiều chiều nghe bên ngoài lâu lâu có tiếng cười rộ lên, lúc đó nói “đừng nghĩ, đừng nghĩ”, rồi “đừng nghĩ”. Lát nữa tiếng cười lại rộ lên, xả thiền ra đau cái đầu. Khổ quá phải không? Người ta cười kệ họ, chuyện gì dính tới mình, như trò đùa không có gì thật hết. Không có gì quan trọng, đừng bận tâm thì có gì đâu mà phải đè? Sở dĩ có đè tại vì cho là  thật. Cho nên ở đây nói rằng: “Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng”. Tâm không cần dứt gì hết, mà “chỉ vì không việc đáng lo lường”. Không có gì quan trọng để bận tâm. Nếu không có việc thì nghĩ cái gì đây? Nghĩ tới người thì người hư ảo, nghĩ tới cảnh thì cảnh hư ảo, lời nói thì lời nói hư ảo, không có gì đáng bận tâm cả. Có cần dứt vọng tưởng không? Cho nên người nào cũng thấy cần mẫn tu, cần mẫn mà còn thấy cảnh ngoài thật thì khổ sở, chỉ hết khổ khi thấy ngoại cảnh hư ảo không có gì thật. Chửi mình là trò chơi, khen mình cũng trò đùa, ai làm gì thì làm, mình cứ ngồi tự tại, yên lặng, đó mới thật là ngồi thiền. Nếu còn phải đè, phải kềm, phải dứt, tu như vậy rất nhọc công. Quý vị kiểm lại có cái gì thật nói tôi nghe! Tìm không ra! Không có cái thật, thì bận tâm cái gì? Người nào khôn ngoan, lấn lướt người khác mấy chục năm cũng tắt thở, cũng bị chôn xuống. Nếu người thật thà bị người khinh chê, được ít chục năm cũng qua mất có gì đâu mà quan trọng. Chỉ có một cái còn mãi mãi mà mình không biết cứ lo chuyện người này, người kia, người nọ, hơn thua phải quấy tạm bợ cứ bận bịu mãi. Muốn tâm yên, nó không yên, rồi tự khổ “tu hoài mà sao không yên”. Tại còn nghĩ, còn tin mọi sự là thật, là lâu dài, cho nên mình cứ bị quấy nhiễu. Nếu không bận tâm nữa, thì không cần dứt tâm trừ vọng tưởng, tâm tự yên. Đó là lời rất chí lý để cho mình hiểu mà tu.

Bài 10: 

Sấu trúc trường tùng trích thúy hương, 

Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương. 

Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự, 

Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương. 

Dịch: 

Tre gầy thông cỗi nhỏ giọt hương, 

Gió lướt trăng lên chút lạnh lùng. 

Nguyên Tây chùa ấy ai ở đó? 

Chiều chiều chuông đánh tiễn tịch dương. 

Bài kệ này là của Thiền sư Chuyết Công (1590-1644) sau này ngài Hương Hải thích nên đọc thuộc. 

Tre gầy thông cỗi nhỏ giọt hương, Gió lướt trăng lên chút lạnh lùng. Trước chùa có một bụi tre già, sương lâu lâu rớt xuống một hai hạt thơm nhè nhẹ. Thỉnh thoảng gióù lướt qua, trăng lên mát mẻ. 

Nguyên Tây chùa ấy ai ở đó? Chiều chiều chuông đánh tiễn tịch dương. Chùa Nguyên Tây không biết ai ở trong, chiều nào cũng nghe dộng chuông boong boong, ánh trời chiều lần lần lặn mất, thật đẹp. Mỗi buổi chiều tà nghe tiếng chuông chùa gióng mà không biết ai ở trong chùa. Miễn nghe có tiếng chuông thì biết có người trong chùa, dù không biết tên. Thân tứ đại hoạt động tới lui, qua lại, nói năng cũng có người làm chủ. Nếu không có ông chủ, thân làm gì hoạt động, nói năng. Tất cả chúng ta đây có ông chủ không? Ai ai cũng có ông chủ, mà hiện giờ chúng ta sống với chủ hay với tớ? Nếu nói theo Duy Thức học, chủ là Tâm vương, còn tớ là tâm sở lệ thuộc. Sống với một đám nô bộc mê vọng ồn ào buồn thương giận ghét, quấy rầy mà nhận là chủ, trong khi ông chủ đang sáng suốt thảnh thơi thì không chịu nhận, mà cứ theo cái đám đủ thứ nhận nó là mình. Khổ không? Vậy là phải hiểu để trở lại phăng tìm con người thật của mình, đừng để lệ thuộc vào đám nô bộc trăm thứ, chúng sẽ làm cho mình phải khổ sở.

Bài 11 

Trụ mộng na tri mộng thị hư, 

Giác lai phương giác mộng trung vô. 

Mê thời kháp đắc mộng trung sự, 

Ngộ hậu hoàn đồng thùy khởi phu. 

Dịch: 

Trong mộng đâu hay mộng dối hư, 

Tỉnh rồi mới biết có gì ư? 

Khi mê hợp với việc trong mộng, 

Đã ngộ lại đồng ngủ dậy chừ! 

Trong mộng đâu hay mộng dối hư, Tỉnh rồi mới biết có gì ư? Trong mộng đâu biết mộng là dối. Thí dụ mộng thấy đang ngồi ăn tiệc, vui vẻ quá không biết dối. Chừng giật mình thức dậy mới biết dối. Biết dối là khi nào tỉnh, còn mê thì không biết. Chúng ta mấy mươi năm ở đây, tưởng chừng như dài lắm, nhìn kỹ so với tánh giác, với Pháp thân thì chỉ là một trường mộng mà thôi. Mới ngày nào đó thấy đầu xanh, nhìn lên thì tóc bạc rồi, lật bật đã lụm cụm, chuẩn bị đi về chỗ vĩnh biệt ngàn thu. Cứ tưởng rằng thật, nhưng thức thì mới biết mộng là dối. Như vậy thức là khi chúng ta biết cuộc đời, biết thân này không lâu dài. Biết rõ như vậy để trở lại sống với cái chân thật. Biết đời là giả là mộng, như vậy là tỉnh. Nếu mình cứ chạy theo danh theo lợi của trần tục rồi chết, thì mộng hoài không có ngày tỉnh. 

Khi mê hợp với việc trong mộng, Đã ngộ lại đồng ngủ dậy chừ. Đối chiếu cuộc sống này mình đang mê, chạy theo tài sắc danh lợi ở thế gian, giống hệt như người đang say trong cơn mộng vậy. Khi ngộ rồi thì giống như người ngủ thức dậy. Trò chơi giả dối không có giá trị. Chưa ngộ tức là còn mê, thấy mộng tưởng là thật. Mộng tỉnh là lấy việc thế gian để dụ cho mê ngộ của người tu. Người thế gian chỉ biết mộng là giả khi nào họ tỉnh. Người tu khi ngộ thì biết được cuộc đời là giả, nếu mê thì thấy cuộc đời cũng thật như ai vậy thôi.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nam Thanh đạm với bì cuốn chay suy ngam ve tien phap hạnh len chùa phi lai gió 10 bài học về kỹ năng tự học từ nghiep bao va tai sinh nhung cau hoi can ban o Tha thứ chìa khóa giúp sống khỏe sống 天眼通 意味 Học Đông Y và các vị thuốc quen thuộc 佛教中华文化 Sóc niem vi sao chung ta nen han che an thit trùng tang là gì có hay không Phát hạnh phúc thật sự của người tiêu su menh nguoi phat tu doi voi dan toc va dao phap Vitamin B1 dưỡng chất cần thiết cho cơ Ăn uống lành mạnh để giảm bệnh tim bổn sư Ð Ð Ð nguoi thay day bup be Cơm chay ngày Rằm Tu Nguy cơ trẻ mắc tự kỷ tăng gấp đôi Bên bßi Sen 10 lý do không nên bỏ qua mướp đắng bông hÓng nào cho cha Bà tinh yeu hoan hao la luc chung ta tim dung 06 chương 6 nhẫn nhục mÛi tín thit đâu cần ganh đua cao thấp メス nam hoa thuong thich phuc ho 1904 cau hay 18 bài học đắt giá giúp bạn tồn tại Lược khảo về quan hệ thầy trò trong Thông giao Chẳng Cha Chùa Linh Ứng Bà Nà 首座 Thêm nhiều công dụng của thiền được the 不空羂索心咒梵文 làm thế nào để có được cuộc sống Mì ăn liền không tốt cho tim mạch chùa thiên khánh xuà Súp PhÃÆp yeu nguoi xuat gia dung hay sai