c
KHAI THỊ THIỀN THẤT tại THIỀN ĐƯỜNG TAM BẢO 
Hoà Thượng Thích Duy Lực
Thích Đồng Thường Lập Thành Văn Tự
Mục Lục
Trang 01
Trang 02
Trang 03
Trang 04
Trang 05
Ngày 14 – 6 đến 20 – 6 Đinh Sửu (97).

Hỏi:
Thế nào là pháp thế gian và xuất thế gian?

Đáp:
Pháp thế gian và xuất thế gian không khác, vì có bệnh chấp những sai lầm của thế gian, rồi muốn ra khỏi những sai lầm đó, nên mới gọi là xuất thế gian. Tại sao không khác? Người thế gian cũng là tâm này, người tu xuất thế gian cũng là tâm này. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh sẵn sàng. 
Nhưng tâm có sự giác ngộ nên gọi là Phật tánh. Tâm là vô sở hữu (trống rỗng), trống rỗng thì dung nạp và ứng dụng. Như ông quỳ, nói chuyện với nhau, nhìn thấy nhau đều nhờ trống rỗng,… Nếu không có chỗ trống rỗng, muốn nhìn cũng chẳng được. Như có vách tường chắn ngang thì không thể nhìn thấy bên kia. 
Tương lai, khoa học tiến bộ, từ không gian 3 chiều tiến lên 4 chiều. Tây y khám bệnh thì đúng, nhưng trị bệnh không được; càng trị thì bệnh càng nhiều, tức hết bệnh này tạm thời lại sang bệnh khác. Y khoa tốt nghiệp trường đại học của Mỹ có khán nghị chính phủ bãi công 1 tháng không trị bệnh, mà tháng đó chết bớt lại 50%. Có chỗ bác sĩ làm việc không sốt sắn thì bệnh nhân chết giảm 18% đến 38%. 
Việt Nam có chỗ không dùng thuốc sát trùng và phân hóa học, vì phân bón hóa học rút hết dinh dưỡng của đất, làm hư đất. Các côn trùng làm cho đất được tốt đều bị chết. Các chất hóa học thấm vào đất làm cho nguồn nước bị ô nhiễm là cho các loài động vật dưới nước phải chết. Hiện nay là bị ô nhiễm môi trường, khắp thế giới không cách nào giải quyết và cũng đang tìm cách để giải quyết.
Vì chấp thế gian, ai cũng muốn tranh giành quyền lợi của mình, chỉ cần cho mình phát tài, còn hại cho mọi người thì không biết tới. Nhưng rốt cuộc cái hại cũng đến mình, vì mình sống chung trong đó.

Hỏi:
Tham thiền thấy như có vật nặng đè trên đầu, vậy tham thiền tiếp tục hay ngưng?

Đáp:
Vật nặng đè là nguyên do gì?
Không có nguyên do, đang ngồi thiền được một lúc như có ai để cái thúng nặng trên đầu.
Nếu như vậy đừng nên ngồi.
Vậy cần xả thiền không?
Khỏi cần xả thiền, vì tham thiền đâu có nhập mà xả! Cứ hỏi và nhìn, đi đứng nằm ngồi làm việc đều vậy. Do chấp có nhập nên có xả. Thiền là trong cuộc sống hàng ngày của mình, không phải chỉ ngồi mà có thiền. Như ăn cơm, uống nước đều là thiền.
Tâm trống rỗng vô sở hữu thì không có thiền, cho nên hành giả tham thiền mà còn học thiền học đạo cũng không cho. Vậy làm sao có thiền! Không có thể kiến lập. Không có kiến lập nên mới trống rỗng vô sở hữu dung nạp và ứng dụng.

Hỏi:
Tham thiền ngồi nửa tiếng và đi nửa tiếng; ngồi thấy những cảnh vật hay nghe tiếng nói bên tai từ đâu không biết. Vậy phải làm thế nào?

Đáp:
Hỏi và nhìn giữ nghi tình là không hiểu không biết, nếu không biết làm sao biết những cái ông vừa nói! Mấy cái đó là biết, không có tham thiền mới có mấy cái đó. Tham thiền giữ được nghi tình thì không có những cái đó.
Biết không tác ý cũng là biết, tác ý và không tác ý đều không biết. Vì tập thể nên quy định nửa tiếng ngồi nửa tiếng đi. Nếu chỉ một mình tham thiền, ngồi tê chân thì đứng dạy đi; đi đến mỏi chân thì ngồi, không nhất định thời giờ.

Hỏi:
Trong gia đình không được thông thả rộng rãi, ban đêm lúc thanh tịnh, có thời giờ nhiều thì ngồi lâu hơn. Vậy như thế nào?

Đáp:
Không phân biệt đêm hay ngày để tham thiền. Vì người ta ham ngồi nên muốn ngồi nhiều, nếu nằm không ngủ thì hỏi và nhìn cũng được; hỏi đến chừng nào ngủ quên, không nhất định phải ngồi.

Hỏi:
Trước kia, con ngủ có chiêm bao thấy bay, thấy cảnh chùa rất thanh tịnh, sau khi hết chiêm bao thấy thân tâm khỏe. Gần đây, nằm mơ thấy cảnh đao binh giết chóc. Vậy những hiện tượng đó là như thế nào?

Đáp:
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tình nặng thì đọa xuống, tưởng nhiều thì bay lên”. Tham thiền là siêu việt tình tưởng. Các thiền dùng tưởng gọi là thiền quán tưởng, nhưng Tổ Sư thiền không dùng thiền quán tưởng, chỉ giữ nghi tình là không hiểu không biết. Quán tưởng là tập trung tinh thần, như tưởng cái gì đó.

Hỏi:
Người tham thiền không tránh khỏi chướng ngại: Bệnh thân, bệnh tâm, bệnh Phật. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Do có suy nghĩ biết, tìm hiểu biết, ghi nhớ biết thành chướng ngại. Nếu giữ được nghi tình (không hiểu không biết) thì tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết đều chấm dứt được hết chướng ngại. Cuối cùng luôn cả không hiểu không biết cũng chấm dứt, gọi là kiến tánh thành Phật.

Hỏi:
Thế nào lửa tam muội? Ấn tam muội và ngồi kiết già của Phật Thích Ca hay do Thiền sư nào đặt ra?

Đáp:
Tất cả đều do người ta đặt ra, còn Phật là vô thỉ vô sanh. Vô thỉ thì không thể đặt ra, vì có đặt ra là bắt đầu. Vô thỉ cũng là nghĩa vô sanh, tức không có sự sanh khởi, do có sự sanh khởi nên có sự bắt đầu. Cho nên, người chứng quả là ngộ pháp vô sanh, gọi là chứng vô sanh pháp nhẫn. Nếu pháp đã vô sanh thì đâu có những thứ ông nói! Đó là bày đặt.
Tam muội là chánh định để phân biệt tà định, quán lửa gọi là hỏa tam muội, quán thủy gọi là thủy tam muội. Đó là thiền quán do người ta bày đặt. Tổ Sư thiền thì không có gì hết, do Tổ sư từ đời truyền xuống, miễn cưỡng gọi là Tổ Sư thiền, chứ không có tên gọi. Luôn cả thiền cũng không có, vì trống rỗng vô sở hữu không thể kiến lập.

Hỏi:
Bổn lai vô nhất vật, sao thấy có nhiều vật?

Đáp:
Thấy có vật là vọng tâm kiến lập, nếu không kiến lập thì không có; chính kiến lập sở hữu là chướng ngại. Ngài Long Thọ lấy hư không vô sở hữu để ví dụ cho tâm. Hư không thì trống rỗng không có gì, cho nên gọi là vô sở hữu.

Vì trống rỗng nên dung nạp và ứng dụng, tất cả mặt trời, mặt trăng, đất đai, nhà cửa,… đều từ cái trống rỗng này dung nạp và ứng dụng. Cái trống rỗng là tâm của mọi người. Vì vậy, Phật nói: “Tất cả do tâm tạo”. 

Tâm tạo mới có sở hữu, nên có muôn ngàn thứ sai biệt; nhưng tánh con người ham sở hữu ham tạo. Như cuộc sống hàng ngày phải có tiền, thì cho tiền là sở hữu của tôi; phải có nhà ở thì nhà là sở hữu của tôi, phải có đất đai, đất đai là sở hữu của tôi. Tất cả đều là sở hữu, chính sở hữu làm chướng ngại vô sở hữu.

Nghe tôi nói vậy, đừng mặc quần áo và không ở nhà sao? Mình cũng mặc quần áo, ở nhà, cầm tiền; nhưng mình không có buồn, vui, yêu, ghét, đắc, thất, không có sự đối đãi, tất cả đều tùy duyên. Như có tiền cũng được hay không có tiền cũng được, ăn no cũng được hoặc ăn đói cũng được.

Vì kiến lập nên có sự chết, Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô vô minh diệc vô vô minh tận, vô lão tử diệc vô lão tử tận”, Phật nói không có già chết và không có sanh tử. Nhưng tại sao mình thấy có sanh tử? Do tâm mình tạo, như thân mình xoay nên thấy căn nhà xoay (sanh tử luân hồi), căn nhà ngưng xoay (cứu kính Niết Bàn). Căn nhà đâu có xoay hồi nào? Tại thân mình xoay, nên có cảm giác sai lầm thì thấy căn nhà xoay.

Tâm tạo có sanh tử là do chấp thật, như căn nhà xoay không thật. Tu là phá tư tưởng chấp thật, nhưng phá rất khó. Cho nên, dùng nghi tình để chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Kiến lập đều do biết, những cái biết chấm dứt thì còn nghi tình; cuối cùng nghi tình chấm dứt là kiến tánh thành Phật, chánh biến tri hiện lên khắp không gian thời gian.

(4 bài kệ chữ tri……………… trang 66).

Tâm của mình không biết ở ngoài và không tự biết, không phải hoàn toàn không biết. Vì tất cả dụng tâm mình tự động, khỏi cần nổi ý muốn biết thì mới biết.

Như cảm giác lớp da của cơ thể, cảm giác tiếp xúc tách, bình thì biết. Tiếp xúc nóng biết nóng, tiếp xúc lạnh biết lạnh, đụng mạnh thì nó đau, đụng nhẹ thì ngứa. Người ta cho rằng có tiếp xúc mới biết, còn không tiếp xúc thì không biết. Đó là không đúng. Không tiếp xúc nó cũng biết, tức cảm giác lớp da luôn luôn làm việc không ngưng nghĩ. Lúc tiếp xúc thì biết có tiếp xúc, lúc không tiếp xúc thì biết không tiếp xúc.

Cái biết của mình cũng vậy, từ vô thỉ đến bây giờ không ngưng; mình chết  cái biết vẫn làm việc bình thường. Có người hỏi: Nếu dùng nghi tình để quét sạch tất cả biết, đến thoại đầu sẽ kiến tánh thì sắp biết phải không?

Tôi nói: Không có thể nói là sắp biết.

Người ta ngạc nhiên hỏi: Như vậy, vĩnh viễn không biết sao?

Tôi nói: Không phải không biết, mà đang biết. Như lớp da đang biết, tiếp xúc nó cũng biết, không tiếp xúc nó vẫn biết. Tâm mình cũng vậy.

Nhưng người ta không hiểu, nên tôi phải dùng mặt trời để thí dụ; mặt trời chiếu soi không bao giờ ngưng, mình không thấy ánh sáng mặt trời là bị che khuất bởi mây đen và trái đất; không phải ánh sáng mặt trời có ngưng chiếu soi, mà nói trời gần sáng mặt trời sắp chiếu! Vậy không đúng.

Mặt trời có ngưng chiếu rồi nói là sắp chiếu, như cái biết của mình có ngưng biết thì mới nói sắp biết. Cái biết của tâm mình từ hồi nào chưa ngưng, như mặt trời từ hồi nào không ngưng chiếu.

Bây giờ, muốn ngưng tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết là vọng biết, không đúng với thật tế đều do kiến lập sở hữu rồi mới có. Kiến lập sở hữu thì hạn chế cái dụng. Mặt trăng mặt trời đều ở trong hư  không vô sở hữu (cái không trống rỗng), Phật pháp gọi là tánh không. 

Nhưng thông minh con người muốn kiến lập, đem cái không chẳng hạn chế, rồi hạn chế cái không của tách, bình, nhà,… Nếu tách bít hết nên không thể dùng, tách trống rỗng thì dùng được. Kiến lập nhiều cái không khác biệt, như cái không của tách khác cái không của bình, khác cái không của nhà. Muôn ngàn thứ khác biệt đều do kiến lập mới có.

Kỳ thật, chưa dựng lên nhà thì cái không đã có sẵn, chưa có cái không của tách thì đã có cái không đã có sẵn. Vì có cái không sẵn sàng nên có cái không của tách, bình, nhà,… cho đến quý vị ngồi đây đều nhờ cái không sẵn sàng đó. Nhưng mình đang dùng mà chẳng tự biết, cứ đoán mò mấy danh từ như Bồ Đề, Niết Bàn,…

Cái thật tế mình đang dùng lại bỏ, mà tìm những cái không thật tế! Phật Thích Ca muốn mình trở về thật tế, nhưng con người không chịu. Vì muốn ham sở hữu, như nhà, tiền,… cho là sở hữu của tôi. Như mình có căn nhà chưa có quyền sở hữu, cũng phải lo giấy tờ để có quyền sở hữu. Nếu sở hữu nhiều chừng nào thì chướng ngại nhiều chừng nấy.
(Trừ nghiệp chướng phiền não....trang 128).

Hỏi:
Tham thiền là giữ chỗ không biết cho liên tục, nhưng con tham có lúc lại biết chuyện này chuyện kia, mình muốn không biết cũng không được, nên sanh ra phiền não. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Vì do kiến lập, như có vào thiền và xả thiền; thiền cũng không kiến lập, không có vào thiền và không xả thiền. Chấp thiền (trụ) là kiến lập thiền, Tổ Sư thiền chỉ là hỏi và nhìn, hỏi là kích thích niệm không biết, nhìn là giữ cái không biết được kéo dài, gọi là nghi tình.

Ban đầu tập tham tự nhiên vọng tưởng (biết) nổi lên quên tham, biết thì nghịch cái không biết. Nhưng phải tập tham dần dần. Tâm mình trống rỗng, cho nên đừng kiến lập. Vì vậy, hành giả tham thiền không cho hiểu thiền hiểu đạo. Đang thực hành thiền còn hiểu thiền chi nữa! Nếu tìm hiểu thiền là trên đầu mọc thêm đầu. Một cái đầu đã đủ dùng, thêm cái đầu phải nhờ bác sĩ cắt bỏ thì khôi phục cái đầu có sẵn.

Mục đích là muốn đến thoại đầu, cho nên gọi là tham thoại đầu, khán thoại đầu. Bây giờ thực hành nhưng chưa đến thoại đầu, thoại đầu là một niệm chưa sanh khởi, nếu sanh khởi một niệm không biết cũng là sanh khởi. Cuối cùng đến thoại đầu thì tất cả tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết đều chấm dứt. Đến thoại đầu là công phu ngày đêm liên tiếp, vì không có niệm nào nổi lên.
24 tiếng đồng hồ mình chỉ tham có 1 phút, nếu mỗi ngày nghi tình tăng 1 phút thì 4 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh, mỗi ngày nghi tình tăng ½ phút thì 8 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh, mỗi ngày nghi tình tăng ¼ phút thì 16 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh. 

Chỉ cần công phu miên mật một chút nghi tình cũng đủ, khỏi cần tập trung tinh thần, khỏi cần phí sức, khỏi cần cố gắng. Cho nên, chư Tổ nói: “Ít phí sức chừng nào tốt chừng nấy”. Nếu cố gắng, tập trung tinh thần đều là phí sức.

Hỏi:
Sư Phụ giảng: “Hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật”, có người nói: Biết trước là hư không, sau là hư không, trên là hư không, dưới cũng là hư không. Nhưng sao không ngộ được?

Đáp:
Chưa đến thoại đầu làm sao ngộ được! Ngộ được phải lìa ý thức, phải chấm dứt tất cả biết (tìm hiểu, suy nghĩ, ghi nhớ), giờ phút cuối cùng lìa ý thức, luôn cái không biết cũng tan rã mới hết nghi. Hết nghi tức là ngộ, bây giờ còn đủ thứ biết, làm sao ngộ được!
Nói trên dưới trước sau đều là kiến lập, không thật tế. Có trước sau là tương đối, có trên dưới cũng là tương đối. Mình nói ở trên đầu là trên, ở dưới chân là dưới; như mình đứng đây cho là trên, còn đứng ở nước Mỹ thì cho là dưới. Và ngược lại, vậy làm sao có trên dưới? 
Cho nên, ông Newton thấy trái bôm từ trên cây rớt xuống, nghi tại sao không rơi lên? Vì không có trên dưới, do cái nghi ấy, ngộ được hấp dẫn lực của quả đất. Do đó ông ngộ được hấp dẫn lực của vạn hữu, nhà khoa học gọi là từ trường (sức hút nam châm). Như cấm cây nêu, người đứng bên đông cho bên cây nêu là hướng tây, và ngược lại; người đứng bên nam cho bên cây nêu là bắc, và ngược lại.

Hỏi:
Thế nào chết là hết và chết còn sanh tử?

Đáp:
Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Không có già chết”, do kiến lập sanh tử thì nói chết rồi hết hay chết rồi còn. Nếu vốn không có sanh tử thì đâu nói hết với còn! Như căn nhà không xoay, nhưng do thân mình xoay mới thấy căn nhà xoay, lại muốn căn nhà ngưng xoay. 
Sanh tử là do tâm mình ngày đêm hoạt động không ngừng. Rồi nói sanh tử là hết hay còn, nếu không có sanh tử thì đâu thể hết với còn! Còn và hết thì không có xảy ra. Cho nên, tu là liễu thoát sanh tử, không nói còn hay nói hết, vì không thành vấn đề rồi. Thật tế là không có sanh tử, ngộ được không có sanh tử thì tất cả đều giải quyết.

Hỏi:
Hỏi “sanh từ đâu đến?”, không biết, “chết đi về đâu?”, không biết. Vậy con chết ra sao?

Đáp:
Ngộ không sanh tử thì không cần giải quyết vấn đề ấy nữa. Vì chấp có sanh tử thì có bao nhiêu vấn đề nghiệp chướng phiền não. Cho nên, nói sanh tử là việc lớn, nếu không có sanh tử thì mấy cái kia đều không có, tại kiến lập sanh tử nên sanh ra đủ thứ chuyện.

Hỏi:
Vô sở hữu và vô sở bất tri, nghĩa có giống nhau không?

Đáp:
Vô tri thì có vô sở bất tri, tức là có kiến lập tri và bất tri để đối đãi. Không có năng tri và sở tri đối đãi, gọi là vô duyên tri. Cuộc sống hàng ngày đều trong tương đối (đối đãi). Như có không, giàu nghèo, sang hèn, trước sau,… 
Vậy cuộc sống hàng ngày mình sống với tâm vô phân biệt phải không?
Nếu có ý vô phân biệt thì đã phân biệt rồi, vì kiến lập vô thì đã thừa nhận hữu. Vô phân biệt và hữu phân biệt cũng là đối đãi. Nếu không kiến lập thì tất cả đều trống rỗng là bản tâm của mình. Chỗ này phải giữ nghi tình mới được, hỏi để kích thích niệm không biết và nhìn niệm không biết.
Cho nên, thật tế không thể dùng lời nói để diễn đạt được. Cuốn Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải lời nói rất cao siêu, nhưng ngài Trung Phong cũng quét sạch lời nói, để cho mọi người thực hành cái thật tế. 
Cần giữ nghi tình đưa đến thoại đầu sẽ ngộ thì tất cả giải quyết triệt để. Chưa kiến tánh mà dùng ý thức truy tìm thì vẫn là sản phẩm của bộ óc, cũng còn nằm trong tương đối. Nếu muốn không phân biệt cũng không được, vì thói quen của bộ óc có từ lâu đời gặp cái gì đều cũng phân biệt.
Như phân biệt có tiền và không có tiền, giàu nghèo, tốt xấu; rồi sanh ra buồn vui, yêu ghét. Giữ được nghi tình thì không thể phân biệt, phân biệt là biết. Hành giả tham thiền chỉ cần hỏi và nhìn song song.

Hỏi:
Thế nào là niệm thoại đầu, tham thoại đầu và khán thoại đầu?

Đáp:
Tham là hỏi câu thoại, như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” nổi lên một niệm không biết; khán là nhìn chỗ không biết, muốn xem chỗ không biết là gì; nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn vẫn còn không biết; Thiền tông gọi là nghi tình. Cứ hỏi và nhìn song song để giữ nghi tình, đưa hành giả đến thoại đầu, sẽ kiến tánh thành Phật.
Niệm không có nghi tình, tức là biết chứ không phải không biết. Nghi tình thì phải không hiểu không biết.

Hỏi:
Con tham câu “sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?” nhưng con không niệm sanh từ đâu đến, mà chỉ niệm chết đi về đâu. Vậy có được không?

Đáp:
Niệm thì không được, vì niệm là không có thắc mắc; hỏi chứ không phải niệm, hỏi thì phải có đáp. Nhưng hỏi mà không biết thì không thể đáp được nên mới có một niệm không hiểu không biết để nhìn. Hỏi và nhìn song song, vừa hỏi vừa nhìn; chứ không phải hỏi trước nhìn sau hay hỏi sau nhìn trước. Hỏi và nhìn cùng một lượt để giữ nghi tình, đưa hành giả đến thoại đầu, sẽ kiến tánh thành Phật.
Hỏi không phải dùng miệng hỏi, mà dùng tâm hỏi thầm; nhìn không phải dùng mắt nhìn, mà dùng tâm nhìn thầm. Chỉ cần giữ một chút nghi tình, nghi tình ngày đêm 24 tiếng đồng không gián đoạn là đến thoại đầu, sắp kiến tánh giải thoát tất cả khổ được tự do tự tại.

Hỏi:
Vì vọng tưởng quá nhiều, nên tham thiền không kiến tánh. Vậy chết rồi tái sanh trở lại có tiếp tục tham thiền nữa không? 

Đáp:
Theo nhân quả, chánh nhân đã gieo thì  chánh quả sẽ đến; kiếp này không kiến tánh thì kiếp sau tiếp tục tham thiền, kiếp sau chưa kiến tánh thì kiếp sau nữa, tiếp tục hoài khi nào kiến tánh mới thôi. Công phu mình tiến mau thì nhanh đến, tiến chậm thì lâu đến.

Hỏi:
Thế nào là Tam Bảo?

Đáp:
Tam Bảo gồm có 2 thứ: Thường trụ Tam Bảo và Tự tánh Tam Bảo.
Thường trụ Tam Bảo là dùng tượng Phật để thay thế cho Phật Bảo, lấy kinh của Phật thay thế cho Pháp Bảo, Tăng Ni hiện tiền thay thế cho Tăng Bảo, từ đời từ đời truyền xuống.
Mục đích quy y Tam Bảo là muốn nhờ Thường trụ Tam Bảo giáo hóa chúng sanh tu đúng lời Phật dạy, chứng nhập Tự tánh Tam Bảo. Tâm của mình đầy đủ Tam Bảo, nhưng phải tu đúng mới ngộ nhập được Tự tánh Tam Bảo.
Bảo gọi là quý hiếm, Phật nghĩa là giác ngộ. Có người hỏi Phật Thích Ca: Ngài là gì?
Phật đáp: Tôi là người giác ngộ.
Nghĩa chữ “Phật” là giác ngộ, chứ không phải là Thần linh, ai giác ngộ thì người ấy là Phật. Tâm của con người có tánh giác ngộ, nên gọi là Phật tánh; tâm trống rỗng như hư không chẳng có khứ  lai, nên gọi là Như Lai, đúng như Bản Lai; tâm khắp không gian không có sanh diệt, nên gọi là Niết Bàn.
Nếu đạt đến giác ngộ thì mới được giải thoát, nên phải có phương pháp, phương pháp đó là Pháp Bảo. Tất cả 84.000 pháp môn đều là Pháp Bảo có thể tu đến giải thoát.
Đã có Phật Bảo, Pháp bảo; nhưng Phật đã nhập diệt, nên phải nhờ Tăng từ đời trực tiếp truyền dạy chúng sanh. Nếu chỉ có Phật Bảo và Pháp Bảo, mà không có người truyền dạy thì không còn Phật pháp. Cho nên, phải nhờ Tăng Bảo.
Tăng (Tăng Già) nghĩa là hòa hợp chúng. Theo quy định của giới luật thì 4 người trở lên mới thành Tăng, Tăng là đoàn thể, 3 người trở xuống cũng chưa thành Tăng.
Quy y là quy y Tam Bảo, Tăng đại diện cho Tam Bảo để truyền giới; người quy y là đệ tử của Tam Bảo, không phải đệ tử riêng của thầy ấy.

Hỏi:
Vì trình độ thầy bổn sư kém Phật pháp, nên các đệ tử đi tìm thầy khác để học thêm. Vậy có coi là phản thầy không?

Đáp:
Sự tu học tiến lên, cần phải tìm thầy học hỏi thêm, việc này rất đúng. Nhưng vị ấy cho là phản thầy thì đối với Phật pháp không đúng. Các thầy bên Thiền tông cho đệ tử đi tham học các nơi, còn các thầy kém Phật pháp không cho đệ tử đi tham học chỗ khác, giống như không cho đệ tử lên lớp, cứ ở một lớp mà học mãi!

Hỏi:
Chết rồi thiêu thì Phật tánh ở chỗ nào?

Đáp:
Phật tánh là tâm, tâm có giác ngộ nên gọi là Phật tánh, cũng là bản tâm của mình khắp không gian thời gian. Khắp thời gian thì không có sanh diệt, vì người hỏi chấp có sanh tử cho là thật nên có câu hỏi ấy.
Khắp không gian thì không có khứ lai, nên gọi là Như Lai, tức đúng như bản lai. Không có khứ lai làm sao chết rồi đi về đâu? Phật tánh ở đâu? Nếu Phật tánh có chỗ thì không phải Phật tánh! Vì có chỗ là không cùng khắp không gian. Phật tánh cùng khắp không gian thì không khứ lai, nên  không có chỗ.

Hỏi:
Tổ Đạt Ma có kinh Lăng Già để ấn chứng, Lục Tổ có Pháp Bảo Đàn, Lai Quả có Thiền Thất Khai Thị Lục, Nguyệt Khê có Đại Thừa Tuyệt Đối Luận. Vậy, sau này Sư Phụ tịch thì chúng con căn cứ vào đâu?

Đáp:
Tôi chưa kiến tánh, ngài Lai Quả, ngài Nguyệt Khê đều đã kiến tánh. Ngày xưa có 7.000 Tổ kiến tánh, nhưng lưu lại ngữ lục rất ít, không phải Tổ nào cũng lưu lại. Tôi chỉ có nuốt nước miếng của chư Tổ truyền lại để dạy cho quý vị, tự mình tôi chẳng có gì.
Nhưng thật tế bản tâm của mỗi người trống rỗng vô sở hữu. Lục Tổ nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”, nghĩa là xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi trần! Không có một vật, tức là trống rỗng vô sở hữu, nên gọi là tánh không. Tánh không có chỗ để trụ gọi là vô trụ.
Lục Tổ nói: “Lấy vô trụ làm gốc”, bây giờ nói có lưu lại thì đã trụ rồi. Lúc Phật Thích Ca còn tại thế chẳng có kinh, sau này có kinh là do đệ tử của Phật kiết tập thành kinh.

Hỏi:
Sư Phụ nói: “Tham thiền giữ nghi tình đưa đến kiến tánh thành Phật”, lại nói: “Không có Phật để thành”. Người đời không tham thiền cũng không thành Phật. Vậy 2 việc này có khác không?

Đáp:
Vì chưa kiến tánh thành Phật thì nói là thành Phật, đến chừng kiến tánh mới biết không có Phật để thành, vì Phật đã thành sẵn. Kinh Viên Giác thí dụ: “Vàng ở trong quặng đã thành sẵn”, nhưng không thấy vàng là do lộn đất cát tạp chất. Muốn thấy vàng thì luyện đất cát tạp chất bỏ ra. Nếu trong quặng không có vàng thành sẵn, dù luyện cách mấy cũng không có vàng hiện ra.
Phật tánh con người đã thành sẵn, nhưng không được hiện ra là do kiến lập tri kiến làm che khuất. Cho nên, kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri là căn bản vô minh, không lập tri kiến là Niết Bàn”. Không kiến lập thì vô sanh vô thỉ. Người chứng quả ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.

Hỏi:
Con tham “Nam mô A Di Đà Phật” có được kiến tánh không?

Đáp:
Đó là niệm Phật, không phải tham Tổ Sư thiền; Tổ Sư thiền là giữ nghi tình là không hiểu không biết, phải có nghi tình mới gọi là tham thiền. Nghi là nhân, ngộ là quả; phải từ nghi đến ngộ.
Người tu Tịnh Độ chưa tin được tự tâm, nên chưa tin pháp môn Tổ Sư thiền; khi họ vãng sanh Cực Lạc nhờ Phật A Di Đà dạy tham thiền là từ nghi đến ngộ. Điều đó ghi trong kinh Đại A Di Đà của Tịnh Độ.
Thiền là một tổng danh từ, tất cả pháp môn Phật dạy đều lấy thiền làm căn bản. Cho đến tà ma ngoại đạo đều cũng có thiền mới được thành tựu.
Tịnh Độ có 3 cấp:
Thật Tướng Niệm Phật là thiền giống như Tổ Sư thiền, vì thật tướng là vô tướng không cầu vãng sanh. Thật tướng thì chỗ nào cũng Tịnh Độ, vì tâm tịnh là Phật độ tịnh. Nhưng bây giờ không thấy ai thực hành.
Quán Tưởng Niệm Phật có một số ít người thực hành, ghi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, chính là thiền của Tịnh Độ có 16 pháp thiền quán. Có người tu Tịnh Độ không nhìn nhận, cũng không biết; cứ tưởng mình không phải thiền, lại cho thiền chỉ là Tổ Sư thiền.
Cấp phổ thông là Trì Danh Niệm Phật, niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Nếu không có thiền, làm sao niệm đến nhất tâm bất loạn! Nhất tâm bất loạn là định (thiền định), nhưng họ không thể kiến tánh. 
Muốn ngộ phải có nghi, như ông Newton thấy trái bôm trên cây rớt xuống, ông nghi tại sao trái bôm không rơi lên? Cho nên, ông dùng bộ óc tìm hiểu, rồi ngộ được hấp dẫn lực của quả đất. Theo tư tưởng người thường thấy mọi vật chỉ rớt xuống, không thể rơi lên. Nhà khoa học biết là không có trên dưới,  như mình hiện giờ đứng chỗ này cho là trên, còn người Mỹ cho là dưới và ngược lại. Vậy trên dưới không có nhất định.
Tư tưởng người Tịnh Độ còn chấp thật, nên không tin tự tâm. Do đó, họ vòng xa rồi mới đến đích, phải sanh Cực Lạc rồi mới tham thiền. Nếu bây giờ mọi người có đủ niềm tin tự tâm thì bắt đầu tham thiền. Như trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền có đề ra 3 đứa bé gái kiến tánh: Long nữ 8 tuổi, họ Trịnh 13 tuổi và họ Tô 15 tuổi.
Người Tiểu thừa cho rằng người nữ không thể thành Phật, nói rằng người nữ có 5 thứ chướng. Thật tế không có chướng, vì thế cũng được kiến tánh vậy. 3 người kể trên không tu lâu mà được kiến tánh. Sự thật, kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”, Phật còn thí dụ quặng vàng, vàng vốn đã thành sẵn. Nếu trong quặng không có vàng, dù luyện cách mấy cũng không có vàng.
Phật tánh con người cũng vậy, là đã thành sẵn từ hồi nào rồi; vì lộn với vọng tưởng tham sân si, nên Phật tánh không hiện lên. Tham thiền là dùng nghi tình dẹp các vọng tưởng tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết; cuối cùng hiện lên là kiến tánh thành Phật. Nếu mình không có Phật tánh thành sẵn thì tu bao lâu cũng không thể thành.

Hỏi:
5 câu thoại đầu của Sư Phụ đưa ra, rồi chọn 1 câu để tham phải không?

Đáp:
Cái gì mình nghi thì lấy cái đó để tham, còn không có nghi nên chọn 1 trong 5 câu để tham; câu thoại đầu rất nhiều, tôi không thể đưa ra hết, mà chỉ đưa ra 5 câu.
Không nghi thì không ngộ, cho nên người tu Tịnh Độ được vãng sanh Cực Lạc, nhờ Phật A Di Đà dạy tham thiền phát nghi rồi đến ngộ. Tất cả thiền khác cuối cùng cũng phải phát nghi rồi ngộ, nhưng Tổ Sư thiền là thiền trực tiếp, các thiền khác là thiền gián tiếp.

Hỏi:
Không hiểu chơn lý và đạo pháp, nhưng nghe Sư Phụ giảng Tổ Sư thiền, tin vào đó tham thiền. Vậy có được kiến tánh không?

Đáp:
Có tư tưởng chấp thật không được kiến tánh, tất cả tôn giáo có kiến lập chơn lý, chỉ có Phật Giáo không kiến lập chơn lý. Tại sao? Vì Phật Thích Ca ngộ được bản tâm, không phải ngộ chơn lý. Các tôn giáo khác ngộ chơn lý, rồi hoằng dương chơn lý của mình đã ngộ.
Bản tâm hiện lên, gọi là kiến tánh thành Phật; nói chơn lý thì bản tâm đã là chơn lý, có kiến lập chơn lý là 2 chơn lý. Thiền tông gọi là: “Trên đầu mọc thêm đầu”, phải mời bác sĩ cắt bỏ mới khôi phục đầu bổn lai; vì mỗi người chỉ có một cái đầu để dùng, nếu thêm một cái đầu nữa thì chướng ngại.
Người ấy không biết, nếu nói chơn lý là thành ngoại đạo, không phải Phật Giáo.

Hỏi:
Cần hiểu kinh rồi để qua một bên, mới tham thiền phải không?

Đáp:
Nếu có tư tuởng chấp thật thì coi kinh không thể hiểu, có hiểu là hiểu kinh bất liễu nghĩa, kinh liễu nghĩa phá chấp thật làm sao hiểu được!
Những người chưa có đủ lòng tin, phải làm thế nào để có lòng tin?
Thì tự mình ra hỏi, tôi mới giải đáp cho họ được đủ lòng tin.

Hỏi:
Cuộc sống hàng ngày trong tương đối, làm sao không lọt vào tứ cú?

Đáp:
Phật pháp có danh từ “vô sở trụ” thì không lọt vào tứ cú, nói dễ mà thực hành rất khó. Hỏi và nhìn không lọt vào tứ cú. Tại sao? Vì nghi tình là không hiểu không biết. Như gặp chuyện có thì không biết có, nên không lọt vào cú thứ nhất; gặp không có cũng không biết không biết không có, nên không lọt vào cú thứ nhì; cú thứ ba và cú thứ tư cũng vậy, vì không biết nên không lọt vào tứ cú; tức là giữ được nghi tình.

Hỏi:
Tham thiền được ngưng vọng tưởng thường có kiến giải phải không?

Đáp:
Đó là tự nhiên rồi.
Làm cách nào để hết kiến giải?
Hỏi và nhìn mới hết, tức giữ nghi tình là không hiểu không biết thì cái biết không thể nổi lên; biết là không phải tham thiền.

Hỏi:
Ở nhà tu không có thiền, sao định được?

Đáp:
Tham thiền là hỏi và nhìn, ở nhà nấu ăn, giặt đồ,… đều hỏi và nhìn được.
Nếu mình không ngồi thì không thể định được phải không?
Đi mỏi chân thì ngồi, ngồi tê chân đứng dậy đi; đi và ngồi là để điều thân, tứ oai nghi là đi đứng nằm ngồi phải thay phiên lẫn nhau; đâu thể đứng hoài, hay đi mãi, hoặc ngồi luôn và nằm lâu!
Có phải tại gia tu không tinh tấn bằng ở trong đại chúng?
Tôi có đề ra 3 đứa bé gái đều ở tại gia tu được kiến tánh, có những người xuất gia cũng không kiến tánh.

Hỏi:
Thế nào Ngũ Tổ truyền tâm ấn cho Lục Tổ?

Đáp:
Ấn là con dấu, tâm là vô sở hữu (trống rỗng). Vì vô sở hữu, nên Lục Tổ nói: “Bổn lai vô nhất vật”, tức là xưa nay không có vật gì, vậy làm sao để truyền? Như đem hư không làm sao truyền được? Các cơ quan hay các tiệm lớn đều có con dấu và ký tên để cho người tin. Thầy ấn chứng học trò đã ngộ gọi là truyền tâm ấn. Vì vậy, không có tâm ấn gì để truyền.
Người khác truyền tâm ấn thì thế nào?
Vì họ không hiểu Phật pháp, phỉ báng Phật pháp là tạo tội địa ngục, mà tự mình không hay biết.

Hỏi:
Ngày xưa, thầy tìm đệ tử truyền pháp hay đệ tử tìm minh sư rất khó, bây giờ nhiều đệ tử gặp Sư Phụ quá dễ. Vậy việc ấy như thế nào?

Đáp:
Theo Phật pháp gọi là nhân duyên, phải có nhân duyên mới được; như nhân duyên đã gieo trồng nhiều kiếp. Kinh Kim Cang nói: “Có một lòng tin chân thật thì đã gieo trồng thiện căn vô lượng kiếp”, còn nói vô lượng Phật đã gieo trồng thiện căn, nên kiếp này mới có lòng tin trong sạch tin pháp môn này và tin tự tâm.
Cho nên, đệ tử muốn gặp minh sư, hay minh sư muốn gặp đệ tử rất khó. Như Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Quốc, đến 9 năm tìm được Huệ Khả để ấn chứng. Nếu không có duyên gieo trồng thiện căn nhiều kiếp thì khó gặp nhau.

Hỏi:
Thế nào là chấp thật?

Đáp:
Chấp thật có là chấp thật, chấp thật không có là chấp thật, chấp thật chơn là chấp thật, chấp thật vọng là chấp thật. Nếu chấp thật thì lọt vào biên kiến (một bên). Phật Giáo có 5 thứ ác kiến: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến.
Người giảng kinh thuyết pháp cho tất cả là huyễn hóa, tức chấp huyễn hóa là thật. Người ta tưởng chấp thật là chấp có, nhưng họ lại chấp vọng. Nếu chấp có cho là thật thì bệnh chấp nhẹ nên dễ trị, còn chấp không có là thật thì bệnh chấp nặng nên khó trị. Tại sao? Vì chấp có thì dùng không để phá dễ hơn, chấp không dùng có để phá khó hơn.

Hỏi:
Hàng mấy chục năm, con thắc mắc câu này: Thường nghe Sư Phụ nói “Tổ Tổ tương truyền”, đọc sách cũng thấy là Tổ Tổ tương truyền; khi nghiên cứu kinh thấy Phật Thích Ca sắp nhập diệt có giao một bài kệ và dặn Ca Diếp giữ gìn pháp này, rồi sau này giao lại cho A Nan.
Câu “sau này giao lại cho A Nan”, con không đồng ý. Con trình bày cho ông nội con biết, nhưng ông ấy nói “mày vô lễ”. Đến bây giờ con vẫn còn có ý đó, nay đến trình Hòa thượng: Phật Thích Ca nhập diệt là chuyện của Phật Thích Ca đã xong rồi, còn chuyện chọn người kế thừa là của Ca Diếp lo. Vậy Phật lo làm chi?
Nếu Phật dặn như vậy thì không tin sự kiến tánh của Ca Diếp, nhưng A Nan trở về sau thì các Tổ được quyền chọn lựa người kế thừa. Do đó con có nghi vấn?

Đáp:
Ca Diếp chọn A Nan kế thừa, không phải Phật Bảo Ca Diếp cho A Nan kế thừa. Kinh Đại thừa liễu nghĩa, Phật rất sợ người chấp lời của Phật. Ngài Duy Ma Cật quở các vị Bồ Tát và A La Hán, trong đó có A Nan đi xin sữa cho Phật.
Duy Ma Cật nói: Phật làm sao có bệnh mà xin sữa để uống?
A Nan nói: Phật bảo đi xin sữa, tôi đâu có nghe lầm!
Người nào cũng bị quở là do đuổi theo lời nói để chấp, khi Phật nói xong liền phủ nhận. Cho nên, Phật nói: “49 năm thuyết pháp, tôi chưa từng nói một chữ” và “ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”. Nếu theo tư tưởng người thường thấy mâu thuẩn. Tại sao? Vì sợ chấp lời của Phật.
Lời của Phật là phương tiện để phá chấp chúng sanh. Như bệnh của chúng sanh là bệnh giả, thuốc của Phật là thuốc giả; dùng thuốc giả để trị bệnh giả, bệnh giả hết thì thuốc giả phải bỏ. Kinh Kim Cang nói: “Lời thuyết pháp như chiếc bè đưa người qua sông”, đưa người qua bờ thì phải bỏ bè, làm sao còn vác chiếc bè đi chơi?
Cho nên, kinh Đại thừa liễu nghĩa đều phá chấp thật, nhưng người ta lại chấp lời kinh. Nếu chấp lời của Phật thì cũng còn bệnh.

Hỏi:
Chúng sanh ở đây hoàn toàn chấp thật, khi nào kiến tánh thì bệnh chấp thật hết phải không?

Đáp:
Phải!

Hỏi:
Có ý dùng tham thiền để trị bệnh mớ, nhưng lại càng mớ nhiều. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Quên bệnh thì mới hết bệnh, vì nhớ hoài thì bệnh càng nhiều. Đó gọi là tâm tạo.

Hỏi:
Khi đề khởi câu thoại đầu, dùng tâm biết để kích động nghi tình, có lúc lạc vào bình yên. Vậy như thế nào?

Đáp:
Vậy là biết, chứ chẳng phải không biết; nếu không biết làm sao biết bình yên! Nói dùng tâm kích thích là biết, không biết làm sao dùng tâm kích thích! Cứ hỏi và nhìn song song giữ nghi tình (không hiểu không biết) là được, không cần dùng tâm gì hết.

Hỏi:
Tâm không thì chứa tất cả và hư không chứa tất cả vật. Vậy có 2 tánh khác biệt, xin Sư Phụ từ bi khai thị?

Đáp:
Không gian tức là tâm, vì tâm cùng khắp không gian thời gian. Cho nên, nói: “Tất cả đều do tâm tạo”, không phải tâm và không gian khác nhau; nếu có khác thì không gọi là bất nhị, bất nhị là không có khác. Giáo Môn nói: “Tâm, Phật, chúng sanh không khác biệt”, tất cả vũ trụ vạn vật đều không khác biệt; mà phát xuất từ nguồn gốc là tâm, lại là vật do tâm hiện ra.
Tâm trống rỗng vô sở hữu, không gian thời gian cũng là trống rỗng vô sở hữu. Cho nên, ngài Long thọ dùng hư không vô sở hữu để diễn tả tâm. Hư không vô sở hữu là tâm, nói hư không bao trùm là nhị; tức tâm là tâm, hư không là hư không.

Hỏi:
Nói “nhất thiết duy tâm tạo”, sao còn nói “Niết Bàn diệu tâm”. Con không hiểu chỗ này?

Đáp:
“Diệu” là bất khả tư nghì, kinh nói “diệu” là không dùng bộ óc để biết được. Tâm trống rỗng vô sở hữu không thể suy nghĩ đến. Cho nên, nói là diệu tâm.
Niết Bàn là cùng khắp thời gian, không sanh diệt thì diệu tâm cũng không sanh diệt. Diệu tâm là bản tánh của tất cả chúng sanh.

Hỏi:
Tham thiền như thế nào cho đúng, để khỏi bị tẩu hỏa nhập ma?

Đáp:
Vì họ có ngã chấp, nên có sở cầu, sở đắc, sở sợ; vì vậy họ bị nhập ma. Tổ Sư thiền phá ngã chấp là vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ; cho nên không bao giờ bị tẩu hỏa nhập ma.
Nếu có cái ta mà cầu thì ma thừa dịp đó mới nhập, mình muốn đắc thì ma liền hiện cái ấy để vào, cái sợ cũng vậy.

Hỏi:
Tại sao hành giả tu Tịnh Độ hay lạc thiền?

Đáp:
Vì họ không phải Tổ Sư thiền, ngã chấp của họ rất nặng.

Hỏi:
Tâm trống rỗng vô sở hữu là mình không ham tài vật danh lợi phải không?

Đáp:
Không phải! Hư không trống rỗng nên cô mới quỳ được, nếu không có chỗ trống làm sao để quỳ? Lo tài vật là tâm không trống rỗng, nếu buông bỏ thì tâm cũng không trống rỗng. Trống rỗng thì lấy cái gì để buông bỏ? Tâm trống rỗng thì làm ăn cứ làm ăn. Như cái nhà có trống rỗng không?
Có trống rỗng.
Vậy là hiểu rồi. Nếu không ham danh lợi thì đã không trống rỗng, vậy có ai để ham danh lợi! Có này có kia thì không phải trống rỗng, trống rỗng chẳng có vật gì hết.

Hỏi:
Chơn lý là do các tôn giáo bày đặt ra, vậy có phải là giả lý không?

Đáp:
Không phải! Chấp chơn là bệnh nhẹ, chấp giả thì bệnh nặng; tức là cho giả là thật giả bệnh nặng hơn chấp chơn là thật chơn.
Chơn lý là người ta ngồi thiền ngộ được, rồi tự mình làm giáo chủ cái gì mình đã ngộ, chứ không phải bày đặt ra. Phật Thích Ca là ngộ bản tâm, không thể lập bản tâm làm chơn lý. Vì bản tâm là chơn lý, nếu lập chơn lý là 2 chơn lý.
Ngoại đạo kiến lập chơn lý ngoài bản tâm. Phật Thích Ca nói: “Ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài tâm chẳng có Phật”, cho nên nói “vạn pháp duy tâm”.
Chơn còn không kiến lập, làm sao kiến lập giả? Như cái bình này người ta làm giả là có cái chơn. Chơn không thành lập thì giả cũng không thể thành lập.

Hỏi:
Thế nào tu đúng đường lối Tổ Sư thiền?

Đáp:
Thoại là lời nói, đầu là đầu tiên lời nói; tức là chưa khởi niệm muốn nói là thoại đầu. Nếu đã khởi niệm muốn nói, tuy chưa nói ra miệng cũng là thoại vỉ (đuôi), không phải thoại đầu.
Tham là dùng một câu thoại để hỏi, như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” thì nổi lên niệm không hiểu không biết; khán là nhìn chỗ không biết, xem chỗ không biết là gì; nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn; nhìn mãi không thấy gì còn không biết, Thiền tông gọi là nghi tình. Hỏi và nhìn song song, hỏi để kích thích niệm không biết, nhìn là là kéo dài niệm không biết.

Hỏi:
Đến thoại đầu thì câu thoại ra sao?

Đáp:
Đến thoại đầu thì câu thoại tự mất, còn cái nghi có thể vài phút sau kiến tánh, hay vài ngày sau hoặc trong một tháng sẽ kiến tánh.

Hỏi:
Linh  hồn có đồng với tâm tánh không?

Đáp:
Linh hồn là người ta bày đặt ra, kỳ thật Phật Giáo không nhìn nhận linh hồn, mà nói là thần thức, một tâm có 8 thức. Các tôn giáo khác nhìn nhận linh hồn.
Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân là tiền ngũ thức; ý thức là thức thứ 6, thức thứ 7 là mạt na thức, thức thứ thứ 8 là a lại da thức. Mỗi thức đều có nhiệm vụ của thức đó. Phật giáo có tông Duy Thức chuyên hoằng Duy Thức.
Tôi nói nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao là giảng theo Duy Thức. Nhắm mắt chiêm bao là độc đầu ý thức biến hiện, mở mắt chiêm bao là đồng thời ý thức biến hiện.

Hỏi:
Tham thiền còn biết cái không biết chăng?

Đáp:
Bây giờ tham thiền còn biết cái không biết, đến thoại đầu thì không còn biết cái không biết. Vì mình còn có suy nghĩ, tánh lâu đời là tìm hiểu, ghi nhớ. Đến thoại đầu thì 3 cái biết này chấm dứt, còn có nghi tình là không hiểu không biết. Cuối cùng sát na lìa ý thức thì cái không biết cũng tan rã, lúc đó biết và không biết sạch hết; biết của tự tánh hiện lên, gọi là kiến tánh thành Phật.

Hỏi:
Trạng thái con hình như bặt hết ý thức, vậy hỏi câu thoại để kích thích phải là vọng không?

Đáp:
Nói kích thích là để diễn tả, hỏi câu thoại là tự nhiên kích thích. Ngài Lai Quả nói: “Chơn tham gọi là vô tham”, vô tham không phải là không có tham, luôn cả tham thiền không biết mình đang tham thiền. 
Bây giờ, biết mình đang tham thiền, nên chưa đạt đến chỗ chân tham. Vì vậy, hành giả muốn hiểu thiền hiểu đạo cũng không cho.

Hỏi:
Lúc đi hương và tọa hương, con không biết gì nữa. Vậy như thế nào?

Đáp:
Nếu biết không biết gì nữa thì lọt cái biết, lúc không biết thì thời gian qua rất nhanh.
Như ngài Hư Vân nhập định nửa tháng, có người hỏi: Ngài nhập định bao lâu?
Ngài đáp: Chỉ có chốc lát.
Ngài Huệ Trì nhập định hơn 700 năm, ngài cũng nói chốc lát.
Lúc không biết thì không biết có thời gian, còn bây giờ biết thì không phải.
Lúc đó con không biết, khi đánh chuông thì biết mình đang ngồi thiền?
Không còn biết đó gọi là định, nhưng tham Tổ Sư thiền luôn luôn phải có hỏi và nhìn để giữ nghi tình, giữ được nghi tình thì hoàn toàn không biết.

Hỏi:
Không biết của người đề câu thoại đầu khởi nghi tình thì đúng phương pháp tu. Nhưng cái không biết không nghe, một lúc giựt mình biết là vô ký không chăng?

Đáp:
Không phải nhất định là vô ký không, mới tập tham thiền giữ được nghi tình thì tự nhiên không biết; nhưng cái không biết này là do hỏi và nhìn.
Vô ký không là không có vọng tưởng và không có nghi tình. Hỏi và nhìn thoại đầu đang tiến hành mà không biết, tức là giữ được nghi tình. Ánh sáng mặt trời không bao giờ ngưng chiếu, cũng như cái biết của chúng sanh không bao giờ ngưng biết.
Nếu cái không biết đó khi mình sựt tỉnh, thấy còn đang đề câu thoại có nghi tình thì thật sự không biết của nghi tình phải không?
Phải rồi!

Hỏi:
Phật tánh chúng sanh sẵn sàng cùng khắp hư không, sao kinh Kim Cang nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”?

Đáp:
Tâm trống rỗng vô sở hữu thì không có chỗ để trụ; cho nên nói “lấy vô trụ làm gốc”, vì trống rỗng nên dung nạp và ứng dụng. Sanh kỳ tâm là dụng, trống rỗng là vô sở hữu; tức là tánh không, không là hiển bày cái dụng. Muốn dùng thì phải có cái không, như tách này bít hết là tách chết nên không dùng được, vì có cái không (trống rỗng) mới dùng được.
Các vị đang ngồi, nếu không có khoảng trống thì không thể ngồi. Cho nên cái dụng của tâm hiện ra là vô sở trụ. Vô sở trụ không có kiến lập nên gọi là vô thỉ vô sanh, kiến lập thì có sở hữu nên dụng bị chướng ngại.
Ví dụ cái tay là tự tánh hoạt bát vạn năng, muốn lấy cái gì cũng được. Nếu có sở trụ như tay cầm nón thì hoạt bát vạn năng của tay bị mất, nên lấy cái gì nữa không được.
Tham Tổ Sư thiền dùng nghi tình là cây chổi automatic quét sạch cái biết của bộ óc được trống rỗng, nên dụng tự tánh hiện ra.
Tay cầm vật là pháp có, nếu không cầm vật và tự làm nắm tay là pháp không thì mất hết dụng hoạt bát vạn năng của tay, muốn lấy vật gì cũng không được. Cho nên, cần phải buông nắm tay khôi phục lại cái dụng hoạt bát vạn năng của tay.
Vì vậy, nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, sanh kỳ tâm là cái dụng của tâm hiện ra, nhưng hiện ra là từ chỗ vô trụ. Lục Tổ nói: “Lấy vô trụ làm gốc”, Duy Ma Cật nói: “Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”, tức là từ gốc vô trụ dung nạp và ứng dụng.

Hỏi:
Khi ngồi có một khoảng không hiểu không biết, có 2 trường hợp: Lọt vào vô ký không và định. Làm sao biết được định hay vô ký không?

Đáp:
Khi giữ được nghi tình thì không biết, nếu muốn biết vô ký không là biết, biết định cũng là biết. Cho nên, không được móng tâm biết định hay vô ký không, giữ được nghi tình là định.
Các vị nhập định một thời gian dài là các vị muốn như vậy phải không?
Không phải! Vọng tưởng hết không còn nổi lên thì được vào định, đó là tự nhiên.
Chừng nào hết định thì tự nhiên hết, vị ấy cũng không biết phải không?
Xuất định là có xuất nhập, đại định không có xuất nhập, như đang nói chuyện cũng định. Lục Tổ nói: “Cầm đao kiếm ra trận cũng định”, định này không xuất nhập gọi là Na Già định.

Hỏi:
Hành như phong, tọa như chung, lập như tùng, ngọa như cung. Vậy ngọa như cung là như thế nào?

Đáp:
Theo sinh lý của mình phải nằm nghiêng qua bên mặt, đầu đến chân co lại giống như cái cung, tay mặt lót dưới đầu làm gối, tay trái để xuôi trên hông trái. Ngọa (nằm) như cung là giống tượng Phật nhập Niết bàn. Theo nằm như vậy thì phổi không bị đè, có ích cho sức khỏe hơn nằm ngửa hay nằm bên trái.
Các vị ở rừng núi, nếu nằm nghiêng bên mặt thì  cọp sư tử không thể làm hại, vậy đúng không?
Không phải vậy! Cọp sư tử không làm hại là người ấy không có nhân đó thì không bị cái quả. Những người có thiền định nên sức của tâm mạnh, tự nhiên sức tâm yếu của sư tử cọp không dám lại gần.

Hỏi:
Dạy cho con giảm được nghiệp khổ?

Đáp:
Tham Tổ Sư thiền là dùng không hiểu không biết (nghi tình) để tu, thì dễ định không bị ngoại cảnh quấy phá, như thấy đẹp không biết đẹp nên không ham thích, thấy xấu không biết xấu nên không chê bai. Vì vậy, buồn vui yêu ghét tự nhiên chấm dứt. Được định thì sức tâm mạnh nên cọp beo đều phải sợ.
Tâm lực mình mạnh đối diện người tâm lực yếu, ý niệm yếu chìu theo ý niệm mạnh. Cho nên, người tham thiền có sức của tâm tăng thì sửa được nghiệp.
Những người có tiền vượt biên trên biển bị chết đói, có tiền do có thiện nghiệp, chết là do có ác nghiệp. Hai nghiệp không thể trừ với nhau, cho nên họ có tiền cũng bị chết đói. Theo có tiền thì không thể chết đói, nhưng có chỗ, tiền cũng không dùng được. Vì vậy, cũng phải bị chết đói.
Ví dụ tạo nghiệp chết đói là 1 độ, tham thiền có tâm lực từ 1 độ lên đến 10 độ; nên nghiệp chết đói lui lại sau, cái quả của nghiệp 10 độ đến trước. Nếu không tham thiền thì tâm lực 10 độ hết dần còn 1 độ, nghiệp chết đói cũng phải hiện ra.
Từ 10 độ mà tham thiền có sức tâm 1.000 độ thành Phật thì nghiệp chết đói 1 độ không có cơ hội đến, nhưng thành Phật là cứu độ chúng sanh, tức trước kia làm cho họ bị chết đói thì họ được ưu tiên độ trước, nên nghiệp mới tiêu (tự mình sửa lại nghiệp mình). Cho nên, tham Tổ Sư thiền mới sửa được nghiệp. 
Như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?”, cảm thấy không biết, rồi nhìn chỗ không biết thì không có chỗ nhìn, nên thấy trống rỗng không có gì, vẫn còn không biết. Nếu giữ không biết miên mật thì đến thoại đầu sẽ kiến tánh thành Phật.

Hỏi:
Nhiều năm niệm lục tự Di Đà được không?

Đáp:
Được, vì dùng tâm biết thì dễ bị ngoại cảnh lôi kéo, thế nào cũng có chuyện buồn vui yêu ghét, nên sức của tâm không được mạnh. Cho nên, mấy chục năm không thấy gì là vậy.

Hỏi:
Con chỉ hỏi “về đâu” và nhìn ngay đó, mà không hỏi nguyên câu được không?

Đáp:
Không được! Phải hỏi nguyên câu, nếu bỏ đoạn trên thì dễ ra đáp án. Như chỉ hỏi “Ta là gì?”, bỏ “khi chưa có trời đất” cũng có nghi tình, nhưng dễ có đáp án. Ta là đàn ông, ta là đàn bà, ta là người,… Khi chưa có trời đất thì khó biết được, cho nên không được bỏ đoạn trên.

Hỏi:
Tham thiền lúc nào cũng phải giữ nghi tình cho miên mật và nhờ có tánh không nên mình ngồi đây, mà tánh không là tâm; nhưng trong đầu mang nghi tình, làm sao có tánh không được?

Đáp:
Nghi tình là không biết tức trống rỗng, chính người hỏi câu đó lấy nghi tình làm một vật gì, thành ra không có trống rỗng.
 

Xem Tiếp Phần 2 Của Trang Này

 
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

hòa sinh khí giữa chốn già lam bình lặng 妙蓮老和尚 thÕ Ã³n cổ sự dung hợp từ ba vị tổ huệ ChÃƒÆ dạ không Bất phật giáo quan đôi lang Dễ Hàn Quốc Thiền sư Hyecho người đi tìm loi khuyen ve thien dinh mộc 真言宗金毘羅権現法要 truyện lục tổ huệ năng viên Cần Thơ Cử hành tang lễ Hòa thượng ï¾ hạnh thiền 8 Hoa Những nhu cầu tâm linh của người sắp bạn đau họa tương 浙江奉化布袋和尚 kỷ Tháng tat se Bảo lời khuyên cuộc sống từ những người หลวงป แสง 五痛五燒意思 hÓi 泰卦 Ngôi thi chinh the 15 tien trinh chet Ä Æ chìa dạy Kim Mộc Thức việt nam Buffet Vu lan Chay dừng người Hương quê thiện Đủ cầu xưng hô trong chùa thế nào cho đúng hoa thuong thich hoang duc 1888 Thanh âm của vô thanh nåç Quảng