c
KHAI THỊ THIỀN THẤT tại THIỀN ĐƯỜNG TAM BẢO 
Hoà Thượng Thích Duy Lực
Thích Đồng Thường Lập Thành Văn Tự
Mục Lục
Trang 01
Trang 02
Trang 03
Trang 04
Trang 05
Ngày 14 – 8 đến 20 – 8 – Đỉnh Sửu (97).

Hỏi:
Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Xin Sư Phụ giải thích?

Đáp:
Câu này là Đạo Đức kinh của Lão Tử, ý nghĩa gần giống với Phật pháp; nhưng vẫn còn tư tưởng chấp thật, Phật pháp phá chấp thật. Vì tất cả do tâm tạo, nếu tâm tạo chẳng phải thật; cái chân thật thì không thể tạo. Cho nên, không có sanh khởi, không có bắt đầu; cũng là nghĩa vô sanh. Người chứng quả là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.
Tất cả vốn sẵn có, chứ không thể kiến lập; luôn cái biết của mình cũng không thể kiến lập, nhưng 2 câu Đạo Đức thì có kiến lập rồi. Họ chấp có đạo thật.
Danh là tên gọi, nhưng thật tế là khác. Họ nói thì giống, nhưng phải thì chẳng phải. Ai cũng biết tâm là danh từ mà ai cũng nói được, nhưng tâm là cái gì, không có ai biết! Tâm như hư không vô sở hữu. Mọi người cho có hư không mới dung nạp, như nói “hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật”. Thật tế chẳng phải vậy, không có (vô sở hữu) hư không mới dung nạp tất cả vật.
Nếu không có hư không thì lấy gì nói là quảng đại! Đó là thật tế, như nhà cửa, đất đai, cây cối, mặt trời, mặt trăng,… bất cứ cái gì đều ở trong vô sở hữu này. Bây giờ, ngồi đây cũng phải nhờ vô sở hữu mới ngồi được. Cuộc sống hàng ngày là ăn cơm, mặc áo, nói năng, tiếp khách, làm việc đều nhờ vô sở hữu này. Cho nên, nói đạo và không phải đạo hay tên (danh) với không phải tên đều không đúng.
Vì tên chẳng phải thật, thật chẳng đúng tên; nhưng cũng phải nhờ cái tên cho người truyền dạy để hiểu phần nào. Ngày xưa, người Trung Quốc rất sùng bái Lão Tử, đến chừng Phật Giáo truyền sang Trung Quốc, người ta mới biết đạo ấy giống thì giống, nhưng chẳng phải.

Hỏi:
Thế nào là Giáo môn và Thiền tông?

Đáp:
Giáo môn có nghĩa lý giải thích căn cứ theo kinh điển của Phật. Tu chứng từ cấp, như phổ thông có 52 cấp: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa (5 quả vị này gồm có 50 cấp), Đẳng Giác và Diệu Giác.
Tổ Sư thiền không có cấp bậc, từ địa vị phàm phu tu chứng đến Đẳng Giác. Tuy có nói Sơ quan, Trùng quan, Mạt hậu lao quan;  nhưng có người (Lâm Tế) không cần phải qua Sơ quan, Trùng quan, mà thấu luôn Mạt hậu lao quan. Cho nên, 3 quan này không phải cấp bậc. Thiền môn không có nghĩa lý để giải thích.
Giáo môn giải thích là hiểu theo bộ óc, không phải thật tế; Thiền môn là muốn ngộ thật tế.

Hỏi:
Tại sao dùng cái biết để tu thì chậm kiến tánh hơn dùng cái không biết?

Đáp:
Vì cái biết là vọng, biết cái gì đều chẳng phải thật. Qua lục căn tiếp xúc lục trần nhận biết được là chẳng phải thật, không phải thật tế. Phải lìa khỏi những thứ căn, trần, thức mới ngộ được thật tế. 
Cho nên, Bát Nhã Tâm Kinh phá ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), dùng chữ “vô” để phá lục căn, lục tần, lục thức; không phải không có, có nhưng không thật; tức là lục căn, lục trần, lục thức đều không thật. Cho đến Tứ Diệu Đế (khổ, tập, diệt, đạo) cũng không thật, đến Thập Nhị Nhân Duyên (từ vô minh…lão tử) cũng không thật.
Bát Nhã Tâm Kinh có 262 chữ, nhưng dùng 17 chữ “vô” để phá hết tất cả tri kiến của bộ óc. Cuối cùng thêm 2 chữ “viễn ly” để quét sạch tri kiến Phật. Vì không phải thật bởi do tâm tạo, tức là tâm có kiến lập.
4 bài kệ của ngài Vĩnh Gia nói về chữ tri (biết): Cái biết cũng không thể kiến lập, nếu kiến lập thành 2 cái biết; như trên đầu mọc thêm đầu, phải mời bác sĩ cắt bỏ một cái thì khôi phục lại sức khỏe.

Hỏi:
Hàng ngày dùng bộ óc để học hỏi ghi nhận, nếu họ tu Tổ Sư thiền là dùng cái không biết thì bị cản trở trên sự học vấn. Vậy họ phải làm sao?

Đáp:
Ngày đêm có 24 giờ, 8 giờ làm việc thì ngưng tham thiền; còn lại 16 giờ tập tham thiền được thuần thục, lúc 8 giờ làm việc thì nghi tình tự động nổi lên. Lúc đó bộ óc không biết, nhưng vẫn làm xong công việc của bộ óc; lại nhanh hơn và tốt hơn. Việc ấy có nhiều Phật tử đã chứng tỏ. 
Như có thanh niên vô mực nguyên tử, trước kia dùng bộ óc để ý vô mực, mỗi ngày hơn 40 cây nhưng mực ra không đều; sau này y đang tham thiền, bộ óc không làm việc nhưng vô mực hơn 80 cây, mực ra đều.
Có người hỏi tôi: Con rất thích tham thiền, nhưng trong lu gạo con hết làm sao tu được?
Tôi nói: Tôi dạy tham thiền, chứ đâu bảo ông đừng kiếm gạo! Làm nghề gì vẫn làm như cũ. Tham thiền còn giúp cho ông còn kiếm gạo nhiều hơn.
Thật tế là vậy, tại vì người ta đuổi theo bộ óc nên nói  như thế.

Hỏi:
Thoại đầu không còn, công phu còn không?  Đáp:
Nếu vậy, người ấy không tin tự tâm, thoại đầu không còn là kiến tánh thì không còn công phu. Thoại đầu cũng gọi là vô thỉ vô minh, đầu sào trăm thước, nguồn gốc ý thức. Sát na lìa khỏi ý thức gọi là kiến tánh thành Phật. Lúc ấy không còn thoại đầu, nếu còn thoại đầu thì chưa kiến tánh.

Hỏi:
Các vị kiến tánh rồi, sao còn tu nữa?

Đáp:
Đó không phải tu, gọi là bảo nhậm; như Lục Tổ  kiến tánh rồi, phải còn bảo nhậm 15 năm để dứt tập khí từ lâu đời.

Hỏi:
Người kiến tánh thì dụng khắp không gian thời gian. Vậy dụng của tiểu ngộ và đại ngộ khác nhau thế nào?

Đáp:
Người này hỏi còn chưa tin tự tâm, đã biết tự tâm là vô sở hữu; ngộ được tự tâm gọi là kiến tánh. Tuy mình chưa ngộ, nhưng tự tâm mình cũng khắp không gian thời gian. Do kiến lập nên dụng tự tâm bị che khuất. Như mặt trời đang chiếu soi, nhưng bị mây hay trái đất che khuất nên không thấy ánh sáng.

Hỏi:
Chúng sanh đều có Phật tánh đồng nhau. Tại sao là Phật? Tại sao là chúng sanh? Các ngài kiến tánh rồi, tại sao không đủ 32 tướng tốt như Phật? Vậy phải tu cách nào để được?

Đáp:
Câu hỏi này cũng chứng tỏ là chưa tin tự tâm. Trống rỗng vô sở hữu thì lấy cái gì để làm tướng tốt? Lấy cái gì để làm chúng sanh? Lấy cái gì để làm Phật? Khi kiến tánh thành Phật thì thấy không có Phật để thành. Vì ngộ được tự tâm vô sở hữu.

Hỏi:
Tham “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” cho nghi tình, hỏi thêm câu hỏi khác được không? 

Đáp:
Không được! Hỏi câu thoại là để kích thích không hiểu không biết, rồi nhìn chỗ không biết.
Tôi hỏi ông: Khi chưa có trời đất ông là cái gì?
Không biết.
Không biết là đúng rồi, nhìn chỗ không biết; hỏi và nhìn song song, không phải hỏi trước nhìn sau; không phải hỏi sau nhìn trước, giữ chỗ không biết được kéo dài là được.
Có phải cái không biết là….?
Đừng suy nghĩ cái ấy, không hiểu không biết gọi là nghi tình. Biết là không phải tham thiền.

Hỏi:
Các vị nhận được bản lai diện mục, rồi khởi tu. Sao Sư Phụ nói kiến tánh rồi khỏi tu? 
Đáp:
Tất cả Phật pháp đều hiển bày tâm của chính mình. Tâm là danh từ mà ai cũng nói được, nhưng tâm là thế nào không ai biết? Ngài Long Thọ nói: “Tâm như hư không vô sở hữu dung nạp và ứng dụng tất cả vật”. 
Nếu có sở hữu thì dùng không được, ví dụ tay cầm vật gì thì dụng của tay bị mất, nên lấy cái gì không được nữa. Nếu không cầm cái gì hay không tự làm nắm tay thì lấy cái gì cũng được.
Có kiến lập sở hữu thì dụng hoạt bát vạn năng của tự tánh bị mất. Cho nên, tham Tổ Sư thiền dùng nghi tình (không hiểu không biết), tự động quét sạch sở hữu, khôi phục lại dụng tự tánh được hoạt bát vạn năng. Sở hữu của Phật đều hết, nên thần thông biến hóa có vô lượng vô biên. Do mình có sở hữu, nên cái dụng bị hạn chế.
Kiến tánh là tâm của mình hiện ra, tuy nói tu nhưng không tu không chứng. Tại sao? Vì trống rỗng vô sở hữu không phải tu mới thành, không phải chứng mới đắc! Vốn sẵn như vậy, vô thỉ vô chung, vô sanh, vô diệt; nhưng lại dung nạp và ứng dụng trước mắt rõ ràng.
Như cái bàn để đầy đồ, muốn để đồ thêm cũng không được. Có  chỗ trống mới để đồ được. Chỗ các vị ngồi cũng vậy. Đó là cái dụng thật tế trước mắt, mình đang dùng. Phật pháp là thực dụng thật tế, chứ không phải đuổi theo những danh từ đoán mò bậy bạ.
Vì vô sở hữu là trống rỗng, nên gọi là tánh không; do tánh không nên dung nạp tất cả, tánh không thì không chỗ trụ gọi là vô sở trụ. Tánh không thì khắp không gian thời gian không có gì chướng ngại. Khắp không gian chẳng có khứ lai, nên gọi là Như Lai; khắp thời gian không có gián đoạn sanh diệt, nên gọi là Niết Bàn; tâm mình có tánh giác ngộ, gọi là Phật tánh.
Bồ Đề, Niết Bàn, giác ngộ, giải thoát,… tất cả danh từ khác biệt; nhưng nghĩa không khác, đều hiển bày dụng của tâm. Những người làm tày khôn đuổi theo những danh từ đoán mò bậy bạ, thành ra không biết được thật tế. Thật tế mình đang dùng, dù mình đến chân trời góc biển, ngủ mê, thật chết thì cũng đang dùng. Không giờ phút nào ngưng dùng, vì kiến lập sở hữu nên dùng ít. Nếu sở hữu sạch hết thì dụng không hạn chế bằng như Phật.

Hỏi:
Tụng kinh, niệm Phật, trì chú kết hợp như vậy có đúng không?

Đáp:
Tụng kinh là cách tu của Giáo môn, vừa tụng vừa thiền quán; tụng đến đâu quán tới đó. Quán Tông tự của tông Thiên Thai mỗi ngày 3 thời kinh, mỗi thời phải 2 giờ. Bây giờ các chùa tụng kinh thường thường có 45 phút, tụng cho Phật nghe; nhưng kinh là lời của Phật dạy mà! Ngày xưa tôi dạy học, bắt học trò trả bài thì tôi phải nghe; mà tôi ngán quá rồi cũng phải ráng nghe, vì tôi có lãnh lương.
Phật dạy mình tu, chứ Phật đâu cần nghe! Mà nói tụng cho Phật nghe là có công đức. Tụng kinh là để cho mình và khởi lên thiền quán, đó là cách tu của Giáo môn. Như trong chùa có 20 chúng thì tụng kinh phải đủ, không phải chỉ vài người tụng kinh rồi các người kia khỏi tụng! Tụng kinh là giờ phút tu. Chúng của ngài Đế Nhàn, tụng kinh không đủ 2 giờ của mỗi thời, thì bị ngài quở làm biếng.

Hỏi:
Nghi tình là không biết thì chẳng có hình tướng, vậy làm sao nhìn?

Đáp:
Bởi vậy, nhìn không thấy gì vẫn còn không biết, giữ cái không biết mới gọi là nghi tình; nếu thấy có gì là không đúng. 

Hỏi:
Ở thế gian, các Giáo chủ đều xưng mình là chánh pháp nhãn tạng. Vậy đâu là chánh, tà?

Đáp:
Nếu có Giáo chủ là tà, vì cõi Ta Bà là tam thiên đại thiên thế giới chỉ có một Phật làm Giáo chủ. Quả đất này chỉ là 1 đại bộ châu gọi là Nam Thiệm Bộ Châu, 1 tiểu thế giới có 4 đại bộ châu (có 4 địa cầu), 1.000 thế giới (tiểu thiên thế giới), 1.000 tiểu thiên thế giới (trung thiên thế giới), 1.000 trung thiên thế giới (đại thiên thế giới). Gọi chung là tam thiên đại thiên thế giới. Tại sao là tam thiên? Là 3 cái thiên nhân với nhau.

Hỏi:
Phật tánh vốn vắng lặng, sáng suốt do đâu lại làm chúng sanh?

Đáp:
Phật tánh thì khỏi cần tu, vì đã sẵn có; không phải tu mới thành. Nếu có thành thì phải có hoại, như thân này có thành phải có hoại; sau này chết rồi chôn thành đất, thiêu thành tro. Phật tánh không thành không hoại, nên tồn tại vĩnh viễn. 
Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”, để cho người ta tin, nên dùng quặng vàng thí dụ. Vàng trong quặng đã thành sẵn, không thấy vàng là do lộn với đất cát tạp chất. Luyện bỏ đất cát tạp chất thì vàng thật hiện ra, nếu không có vàng dù luyện cách mấy cũng không có vàng hiện ra.
Phật tánh của mình đã thành sẵn, nhưng lộn với tạp chất tham sân si, vọng tưởng, nên không thể hiện ra. Tu là luyện bỏ các tạp chất tham sân si thì Phật tánh hiện ra. Nếu không có Phật tánh thành sẵn thì tu cách mấy cũng không thể Phật tánh hiện ra.
Phật tánh mỗi chúng sanh đều bằng nhau, nhưng nghiệp của mỗi chúng sanh tạo có khác. Như con người tạo nghiệp thiện được phước báo, tạo nghiệp ác phải nghèo khổ.

Hỏi:
Khi tham thiền công phu thành khối thì ăn không biết ăn, vậy có nguy hiểm gì không?

Đáp:
Không có nguy hiểm, đến cảnh giới đó là thoại đầu thì sắp kiến tánh; có thể một phút sau, vài giờ sau hay vài ngày sau kiến tánh. Đang tập tu, khỏi cần biết khối nghi gì. 
Tham thiền không cần tập trung tinh thần, cố gắng; chư Tổ nói “ít phí sức chừng nào, tốt chừng nấy”. Cố gắng và tập trung tinh thần là phí sức, chỉ cần một chút nghi tình kéo dài là được.

Hỏi:
Nếu nghi tình kết thành khối, hành giả qua đời. Theo nhà Phật nói cận tử nghiệp rất quan trọng. Vậy như thế nào?

Đáp:
Đó là giải theo Giáo môn, còn Thiền môn chỉ tu một chút rồi chết thì kiếp sau vẫn tiếp tục tu; vì chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến. Việc gì cũng phải đúng theo nhân quả, chứ không phải tạo nhân rồi bỏ qua. Không phải tạo nhân rồi tự nhiên lại chấm dứt, người học Phật phải tin nhân quả. Pháp thế gian và xuất thế gian đều có nhân quả.
Có nhân phải có quả, tà nhân thì bị tà quả, chánh nhân thì được chánh quả. Nếu thật đến chỗ không biết gì, thì cái dụng của tâm tự hiện ra thay thế bộ óc để làm việc. Đó là chưa đến thoại đầu, nhưng vẫn có cái dụng. Như có người bình thường may 1 bộ, đến chừng công phu được tự động thì bộ óc không biết, mỗi ngày may được 2 bộ lại tốt hơn.
Có người tham thiền lái xe tốc độ hơn 100 km/giờ, họ không thấy xe nhưng không bị dụng xe. Như vậy rất nguy hiểm, nhưng không có nguy hiểm. Bộ óc mình không thể giải thích, vì bộ óc nhận biết là không đúng với thật tế. 
Thật tế phải lìa lục căn, lục trần, lục thức. Cho nên, Bát Nhã Tâm Kinh dùng 17 chữ “vô” để quét sạch hết tri kiến. Chữ “vô” chẳng phải không có, có mà không thật. Như chiêm bao có, mà không thật.
Cuối cùng, dùng 2 chữ “viễn ly” (xa lìa), luôn cả cứu cánh Niết Bàn cũng phải xa lìa. Vì những thứ ấy là hiểu biết sai lầm, vừa rồi cô hỏi cũng là những hiểu biết sai lầm; rồi chấp sai lầm cho là đúng, nên không bao giờ đạt đến kiến tánh. Dùng cái không biết là dẹp hết tất cả sai lầm do bộ óc nhận biết.
Trương Quốc Anh là người Hoa ở Chợ Lớn, năm 1979 qua Pháp. Khi xuống phi trường đi về nhà chị trên chiếc xe cùng mấy chục người.  Đi được nửa đường bị lật xe, mọi người đều bị thương. Xe Hồng Thập Tự đến đưa mọi người lên xe, khi kéo Trương Quốc Anh ra xe thì y hỏi “các vị làm gì vậy?” không biết mình đang bị tai nạn. Đến nhà thương thì mọi người đều khám, tới Trương Quốc Anh khám thì y nói “khỏi rọi kiến, tôi không có bị thương”.
Nhân viên y tế nói: Tuy bên ngoài không có gì, nhưng có thể bị thương ở bên trong?
Rọi kiến rồi, chứng tỏ không bị thương. Vì lúc ấy, y giữ nghi tình nên không biết gì; những người biết đều bị thương. Vậy có nghi tình là không biết thì không nguy hiểm.

Hỏi:
Thân và tâm liên quan mật thiết thế nào, như thân làm thì tâm chịu, tâm làm thì thân chịu?

Đáp:
Nếu không có tâm mà có thân là thân chết thì không làm gì được, phải có tâm nên mới hoạt động. Tất cả Phật pháp nguồn gốc là tâm, nguồn gốc vũ trụ cũng là tâm. Tâm này không phải tâm của ai, tâm của chính mình. Thân này chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ. Tất cả nguồn gốc gì đều là tâm mình, không phải tâm của người khác. Tin tự tâm là phải tin như vậy.
Tâm chỉ huy thân làm, làm thiện thì được phước báo; làm ác thì chịu khổ báo. Đó là nhân quả do tâm mình tạo. Người ta không để ý tâm, cứ để ý thân; muốn thỏa mãn dục vọng cho thân, không biết thân thay đổi từng sát na.
Như mới sanh đứa bé, cho đứa bé là ta; lớn lên thành con nít, cho con nít là ta; rồi thành người lớn, cho người lớn là ta; biến thành người già, cho người già là ta; người già chết thiêu thành tro chôn thành đất, cho đất tro là ta.
Nếu đất tro là ta thì chẳng có giá trị gì! Đất tro không phải là ta thì người già không phải là ta, người trẻ không phải là ta, con nít không phải là ta, đứa bé cũng không phải là ta. Nhưng ai cũng chấp thân này là ta, muốn thỏa mãn dục vọng, tranh giành giết hại lẫn nhau, nên mới sanh ra đủ thứ phiền não.
Nếu biết nguồn gốc của ta là hư không vô sở hữu, trống rỗng chẳng có gì. Vậy ai hưởng? Chẳng có ai hưởng. Nhưng bây giờ cho thân này hưởng, đến chừng hơi thở hết; rồi muốn cho con cháu của ta hưởng, tắt thở cũng còn chấp cái ta. Cho nên, có sự luân hồi sanh tử.

Hỏi:
Muốn khỏi sanh tử luân hồi phải làm sao?

Đáp:
Không muốn sanh tử luân hồi thì phải tham thiền là hỏi câu thoại và nhìn thoại đầu, đến chừng kiến tánh mới ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. 
Tham thiền không cần biết tới ái dục hay không ái dục, chỉ là giữ nghi tình đến khi kiến tánh. Nếu giữ được nghi tình thì ái dục làm sao nổi lên! Không những ái dục không nổi lên, mà không ái dục cũng không nổi lên. Vì dục và không dục là tương đối.

Hỏi:
Có thể Thiền Giáo song hành được không?

Đáp:
Vậy là không tin tự tâm và không tin pháp môn, làm sao thành tựu được? Dẫu cho tin pháp môn Tổ Sư thiền 100% cũng còn chưa được, huống là chưa tin! Việc gì tin mới thực hành được, còn chưa tin thì không thể thực hành.

Hỏi:
Không biết mà chụp được trái banh, vậy có phải là cái biết của Phật tánh không?

Đáp:
Cái biết của tâm mình không bao giờ ngưng, mà khắp không gian. Tại chưa tin tự tâm nên tưởng là không biết, tin tự tâm đầy đủ thì biết cái biết đã sẵn sàng từ hồi nào.
Pháp môn Tổ Sư thiền là phương tiện để ngưng biết bộ óc thì biết Phật tánh hiện ra phải không?
Ngưng hết tất cả tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết; còn lại không biết là nghi tình. Ban đầu dùng nghi tình ngưng 3 cái biết trên, nếu công phu miên mật cũng hiện cái biết sẵn để dùng.

Hỏi:
Người xưa nói: “Tham thiền học đạo là lầm dụng tâm, thành Phật làm Tổ là lầm dụng tâm; trừ ngoài cái này ra thì làm cái gì, mới chẳng là lầm dụng tâm?” Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Đây là bản tâm vô sở hữu như hư không, đã vô sở hữu thì lấy cái gì để làm? Nếu có làm là có kiến lập thì không phải vô sở hữu. Nguồn gốc của Phật pháp như hư không vô sở hữu, nguồn gốc của vũ trụ như hư không vô sở hữu. Vô sở hữu là trống rỗng không có cái gì, gọi là tánh không; vì tánh không nên dung nạp tất cả mặt trăng, mặt trời, cây cối,… và ứng dụng.
Đã vô sở hữu thì ai làm Phật? Ai làm Tổ? Kiến lập Phật, kiến lập Tổ là lầm dụng tâm. Nghĩa chữ “Phật” là ngộ, ngộ là tại mê; vô sở hữu thì không có mê ngộ. Nếu kiến lập ngộ tức là mê, có mê để đối đãi. 
Như 4 bài kệ nói về chữ “tri” của ngài Vĩnh Gia: Kiến lập cái biết thì có không biết để đối đãi. Kiến lập sở biết tịch lặng là thanh thanh tịnh tịnh cũng là kiến lập, đều có năng sở để đối đãi.
Thấu rõ được hư không vô sở hữu thì lấy cái gì gọi là thiền? Lấy cái gì gọi là đạo? Lấy cái gì gọi là Phật? Cho nên, người xưa nói là lầm dụng tâm. Nếu không có sai lầm thì tâm trống rỗng vô sở hữu, tự nhiên dung nạp và ứng dụng.

Hỏi:
Thế nào là chánh nghi?

Đáp:
Chánh nghi là không dùng tâm đi tìm hiểu, không dùng tâm để suy nghĩ, không dùng tâm ghi nhớ; chỉ có nghi tình là không hiểu không biết.
Dùng tâm đi nghiên cứu tìm hiểu gọi là hồ nghi. Nhà khoa có nghi, nhưng dùng bộ óc đi nghiên cứu tìm hiểu; họ ngộ được pháp thế gian, chỉ có giá trị thế gian; không ngộ được bản tâm của chính mình, tức là không biết được chính mình thì không làm chủ nên không được tự do. 
Chánh nghi là ngộ được bản tâm chính mình nên làm chủ thì được tự do, giải thoát tất cả khổ. Trống rỗng vô sở hữu không gì trói buộc gọi là giải thoát, trống rỗng vô sở hữu không chỗ để trụ gọi là vô trụ, trống rỗng vô sở hữu tự nhiên cùng khắp không gian thời gian, cùng khắp không gian gọi là Như Lai, cùng khắp thời gian không sanh diệt gọi là Niết Bàn, tâm có tánh giác ngộ gọi là Phật tánh.
Bồ Đề, Niết Bàn, giác ngộ, giải thoát,… dù có nhiều danh từ sai biệt, nhưng ý không khác; đều là diễn tả thể dụng của bản tâm vô sở hữu. Kỳ thật là mình đang dùng, nên Phật nói “tất cả do tâm tạo”. Tất cả bạn đồng tham nhìn thấy nhau, nói chuyện, chỗ ngồi,… đều nhờ trống rỗng vô sở hữu.
Nhưng tiếc rằng mình ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết, rồi đuổi theo những danh từ đoán mò bậy bạ; không đúng với thật tế, thật tế là mình đang dùng. Cho nên, muốn làm Phật làm Tổ là lầm dụng tâm vậy. 

Hỏi:
Tại sao Lâm Tế là đệ tử lại đánh thầy là Hoàng Bá? 

Đáp:
Đó là biểu thị bất nhị (không có khác), Lâm Tế đánh bạt tai Hoàng Bá thì không khác đánh bạt tai cho Đại Ngu; nếu có khác là nhị, như Phật Thích Ca đản sanh nói “Trên trời dưới đất chỉ có mình ta” là hiển bày nghĩa bất nhị. Có người hỏi Vân Môn: Thế nào trên trời dưới đất chỉ có mình ta?
Vân Môn đáp: Lúc đó biết được, ta đánh chết cho chó ăn.
Tại sao? Nếu đánh chết còn xác là nhị, đem xác cho chó ăn thì xác không còn, chỉ có Vân Môn là bất nhị, tức là hiển bày nghĩa bất nhị. Không phải Vân Môn muốn đánh chết Phật Thích Ca.
“Gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma”, là chém tâm chấp Phật chấp ma của người đó. Chấp cái gì thì chém cái đó.

Hỏi:
Vừa rồi, Hòa thượng khai thị là muốn tham thiền là lầm dụng tâm, muốn thành Phật làm Tổ cũng là lầm dụng tâm. Vậy Hòa thượng đang dạy chúng con là lầm dụng tâm sao?

Đáp:
Do người ta hỏi nên tôi mới đáp, nếu không hỏi thì không đáp. Vì hỏi là lầm dụng tâm mà người ta không biết, qua sự giải đáp thì biết là lầm dụng tâm. Tâm vốn là vô sở hữu thì không có lầm dụng hay không lầm dụng. 
Nói lầm dụng và không lầm dụng đều không đúng, vì là tương đối. Bản tâm trống rỗng vô sở hữu không có tương đối. Cho nên, ngài Vĩnh Gia nói là vô duyên tri (không có nhân duyên đối đãi).
Người hỏi có tư tưởng chấp thật là lầm dụng tâm, như chấp Phật là thật, chấp đạo là thật. Vì vậy, Lục Tổ nói “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”, tức là xưa nay vốn không có vật gì, thì ở chỗ nào để dính bụi trần? Như thế chỗ nào để lầm dụng tâm! 
Bây giờ thầy hỏi cũng là lầm dụng tâm vậy, tôi giải thích để khỏi lầm dụng tâm rồi chuyên hỏi và nhìn đến chỗ kiến tánh. Lầm dụng tâm là chướng ngại sự kiến tánh.

Hỏi:
Gặp Phật chém Phật, gặp Tổ chém Tổ, gặp cái biết cũng chém. Vậy cái không biết làm sao chém?

Đáp:
Cái không biết cũng phải chém, vì biết và không biết là đối đãi cũng là biên kiến; biên kiến là một trong năm thứ ác kiến. Có người hỏi tu đến thoại đầu thì sắp biết phải không? 
Tôi nói: Không phải! Không thể nói là sắp biết, vì cái biết đã sẵn có từ hồi nào là vô thỉ vô chung; không bao giờ bị gián đoạn. Như mặt trời không bao giờ ngưng chiếu! Nếu nói trời gần sáng, mặt trời sắp chiếu thì không đúng. Không thấy mặt trời là bị mây đen và trái đất che khuất.
Cái biết của mình bị che khuất là do có tư tưởng kiến lập đạo, kiến lập Phật, kiến lập Bồ Tát,… Không có kiến lập mới đúng như hư không vô sở hữu dung nạp và ứng dụng. Cho nên, Phật Thích Ca nói là “vô thỉ”, không có kiến lập thì không có bắt đầu; cũng là nghĩa vô sanh, không có sự sanh khởi. Nếu có sanh khởi thì phải có bắt đầu.
Hỏi:
Hư không vô sở hữu, sao người sở hữu?

Đáp:
Hư không vô sở hữu là để thí dụ cho tâm mọi người, vì tâm mọi người hay ham sở hữu rồi kiến lập sở hữu; nên mới chướng ngại cái dụng của tâm. Nếu hoàn toàn vô sở hữu thì thần thông trí huệ bằng như của Phật, dụng không có gì hạn chế thì tất cả dung nạp và ứng dụng. 
Bây giờ, các vị ở đây cũng được ứng dụng, nhưng ứng dụng còn ít. Do mình kiến lập nên bị chướng ngại, chứ không phải hư không vô sở hữu rồi tại sao sở hữu! Nếu có sở hữu thì lấy gì để thí dụ cho tâm.

Hỏi:
Bất lập văn tự, sao lại có lập văn tự?

Đáp:
Hai chữ “bất lập” cũng là văn tự, nên Lục Tổ nói “bất lập văn tự không phải phế bỏ văn tự”. Tất cả kinh Phật đều phải nhờ văn tự mới hoằng dương. Thiền tông cũng nhờ văn tự, nhưng không chấp vào văn tự gọi là bất lập văn tự. Nếu chấp vào văn tự thì 2 chữ “bất lập” cũng là văn tự.

Hỏi: 
Việc trên đời là do người ta suy nghĩ mới có, nếu không suy nghĩ thì không có phải không?

Đáp:
Có và không có đều là sai lầm, vì kiến lập có nên có cái không có để đối đãi; kiến lập không có thì đã nhìn nhận có rồi. Chấp có và không có đều là biên kiến, biên kiến là một trong năm thứ ác kiến.

Hỏi:
Biết cũng chém và không biết cũng chém. Vậy lấy cái gì để chém?

Đáp:
Ngài Lâm Tế nói: “Gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma”, chứ không phải là chém cái biết. Cái biết của bản tâm đã sẵn sàng từ hồi nào, không có thể chém được; không có thể kiến lập. Nên Phật nói là vô thỉ, cũng là nghĩa vô sanh. Người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn. 
Pháp đã vô thỉ vô sanh thì lấy gì để chứng? Nếu có gì để chứng thì có bắt đầu là có sanh, cũng là kiến lập rồi. Tất cả pháp đều không thể kiến lập, có kiến lập là có bắt đầu thì có sanh. Cái biết cũng vậy, không thể kiến lập. 4 bài kệ của ngài Vĩnh Gia nói về chữ “tri”:
Kiến lập sở tri tịch lặng, như người tu cho thanh thanh tịnh tịnh là cao; nhưng vì kiến lập nên bị chướng ngại cái dụng của tâm. Rồi tiến lên một bước nữa là không biết sở tri, nhưng tự mình biết mình có cái tri; cũng là kiến lập, không phải là vô duyên tri. Vì kiến lập cái tri nên có bất tri để đối đãi.
Ngài Vĩnh Gia dùng cái tay để thí dụ cho tâm. Nếu tay không cầm đồ vật và cũng không tự làm nắm tay thì dụng của tay hoạt bát vạn năng, nên lấy thứ gì cũng được. Tham thiền dùng nghi tình tự động chấm dứt tất cả biết của bộ óc, rồi sau cùng cái không biết của bộ óc cũng chấm dứt, thì đến thoại đầu rồi kiến tánh.

Hỏi:
Thế nào là kiến, văn, giác, tri?

Đáp:
Lục căn chia làm 4 bộ phận:
Kiến là nhãn căn thấy.
Giác có 3 phần (xúc giác, khứu giác, vị giác).
Văn là nhĩ căn nghe.
Tri là ý căn.

Hỏi:
Cội Nguồn Truyền Thừa của ngài Nguyệt Khê nói: “Lìa kiến văn giác tri, nếu dính với kiến văn giác tri là kiến văn giác tri, chứ không phải Phật tánh”. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Cuộc sống hàng ngày đều dùng kiến văn giác tri để đối phó. Vì chấp vào kiến văn giác tri, nên phải lìa kiến văn giác tri. Nếu không chấp vào kiến văn giác tri thì khỏi cần lìa, tức là không lấy cũng không bỏ. 
Bộ não làm chủ thì theo ngã chấp tạo ra đủ thứ nghiệp, vì bộ não là chánh phủ trung ương điều khiển toàn thân. Thuận theo ngã chấp nên tạo ra nhiều thứ tội lỗi, như ham ăn thì giết hại chúng sanh. Vì vị giác cho ngon nên giết hại không kể, chỉ là muốn thỏa mãn vị giác.
Người kiến tánh cũng dùng bộ óc, lục căn, nhưng Phật tánh làm chủ thì bộ óc, lục căn làm nô lệ của Phật tánh. Phật tánh chỉ có thiện, chẳng có ác; chỉ giúp đỡ chúng sanh, chứ không giết hại chúng sanh. Nhưng vẫn dùng lục căn, lục căn không có chủ quyền. 
Như Tòng Lâm có nuôi trâu bò đề cày ruộng, nuôi ngựa để chở đồ; nhưng phải qua sự tịnh thí (cho cư sĩ), tức là không có quyền bán hay cho người khác. Tại sao? Vì bán cho người khác thì người khác có thể giết nó, cho người ta cũng vậy. Mặc dầu, đã thí cho cư sĩ, nhưng cư sĩ cũng không có quyền bán hoặc cho. Tu sĩ phải nuôi con vật đó cho đến chết. Giới luật gọi là tịnh thí.
Giới giữ tiền của Sa Di, Tỳ Kheo là không được cầm tiền bạc cũng phải sự tịnh thí, để cho cư sĩ giữ tiền bạc; nếu có muốn dùng thì phải hỏi cư sĩ, nên không dám dùng bậy. Vì dùng bậy thì cư sĩ biết. Cho nên, giới luật nhà Phật kiềm chế rất tỉ mỉ.
Vì ngã chấp nặng nên không làm chủ được, nên Phật dạy giữ nghi tình là không hiểu không biết; không biết tốt đẹp thì không ham thích, không biết xấu thì không chê bai. Tập dần dần không ham chê, nên mới tránh được giết hại, tranh chấp danh lợi.

Hỏi:
Pháp môn thoại đầu có từ hồi nào? Tại sao không ai biết để thực hành?

Đáp:
Không phải là không ai biết! Như ở Việt Nam có phái Vô Ngôn Thông và phái Liễu Quán, phái Trúc Lâm. Thiền sư Vô Ngôn Thông là đệ tử của Thiền sư Ngưỡng Sơn thuộc phái Quy Ngưỡng. 
Bây giờ, mình khỏi cần truy cứu những thứ đó, chỉ cần lo cho mình tu hỏi và nhìn được miên mật. Đừng có lo Duy Lực kiến tánh hay chưa kiến tánh, có đủ tư cách dạy người hay không có. Nếu thấy dạy đúng thì theo tu, thấy không đúng thì đừng theo.

Hỏi:
Người bạn nói với con: “Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, nếu ông tham thiền gieo nhân khờ ngốc thì ngày càng khờ ngốc thêm”. Vậy như thế nào?

Đáp:
Vì người bạn đó có kiến lập sở hữu, tưởng là trí huệ do học mà được. Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô trí diệc vô đắc”, vậy là người bạn đó nghịch với ý của Phật mà tự mình không biết. Bát Nhã Tâm Kinh có 262 chữ, mà dùng 17 chữ “vô” để quét sạch tất cả hiểu biết từ phàm phu đến Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa và dùng 2 chữ “viễn ly” để quét Phật thừa.
Thật tế, nói xa lìa cũng không đúng, vì đâu có cái gì để xa lìa! Cũng không có người để xa lìa. 4 bài kệ chữ “tri” của ngài Vĩnh Gia dùng cái tay để thí dụ rất rõ. Nhưng những người học Phật không biết nguồn gốc trống rỗng vô sở hữu. Ngài Long Thọ nói “Tâm như hư không vô sở hữu nên dung nạp và ứng dụng”. 
Phật pháp Đại thừa vẫn còn sở hữu, pháp tâm tâm số cũng còn sở hữu. Tuy không có hình tướng, không có số lượng thấy giống, nhưng có khác; không phải giống hết. Các vị Giáo môn giải thích tuy tỉ mỉ, nhưng tỉ mỉ không bằng ngài Long Thọ giải thích. Người giáo môn cũng không thể hiểu được, vì có kiến lập của mình. 
Vô trí diệc vô đắc, vậy trí huệ làm sao học được? Rồi dùng bộ óc để ghi nhớ cho là trí huệ, nhưng không biết bộ óc sau khi chết, đi thiêu biến thành tro, chôn dưới đất biến thành đất. Tất cả ghi nhớ đâu còn nữa, dẫu cho còn cũng không dùng được. Phật pháp là thật tế thật dụng là mình đang dùng, sao còn ghi nhớ những danh từ đoán mò bậy bạ cho là cao!

Hỏi:
Phật tánh của chúng sanh đầy đủ cùng khắp không gian thời gian, tại sao chúng con không dùng ra được?

Đáp:
Như ánh sáng mặt trời không nghiêng về người nào, chiếu cùng khắp không gian thời gian; người không thấy ánh sáng mặt trời là do lỗi người mù, chứ không phải do lỗi mặt trời.
Mình là người mù không có Phật tánh sao?
Mình tuy mù nhưng có Phật tánh, mà lại bị che khuất. Phật tánh không thể nói có hay không có. Vì vốn vô thỉ vô sanh, nếu nói có là biên kiến; nói không có cũng là biên kiến, tức là nghiêng về một bên có tương đối. Biên kiến là một trong năm thứ ác kiến. 
Người ham kiến giải cứ đuổi theo lời nói danh từ để chấp. Nghe Phật nói có cho có là chơn lý, nghe Phật nói không có thì cho không có là chơn lý. Kỳ thật, Phật Thích Ca không lập chơn lý. Tất cả tôn giáo đều có kiến lập chơn lý mà ngộ được, rồi đem chơn lý đó hoằng dương. 
Phật Thích Ca ngộ trống rỗng vô sở hữu, không có gì hết thì lấy gì để làm chơn lý. Vì chơn lý thì có giả lý để làm tương đối, cho nên kinh Lăng Nghiêm nói “chơn với vọng là 2 thứ vọng”. Nếu nói tất cả là huyễn hóa đã lọt vào biên kiến mà tự mình không biết. Kinh Lăng Nghiêm nói “phi huyễn không thể kiến lập, huống là pháp huyễn!”
4 bài kệ nói về chữ “tri” của ngài Vĩnh Gia: Luôn cả chữ “tri” cũng không thể kiến lập, nếu kiến lập thành 2 tri; tức là Thiền tông nói “trên đầu mọc thêm đầu”, nên mời bác sĩ cắt bỏ. Vì đó là bệnh. Cũng không thể kiến lập Phật, Phật là do mê mới có. 
Cho nên, đã đoạn dứt nghi căn thì không có ngộ nữa. Lúc đó cái mê hết. Nhưng người Tiểu thừa cho là có cái ngộ, tức là chứng quả Niết Bàn thì còn mê. Vì vậy, Thiền tông nói “ngộ rồi đồng như chưa ngộ”.
Vậy, khỏi cần hỏi và nhìn phải không?
Nếu ngộ rồi khỏi cần hỏi và nhìn, gọi là bảo tham (đã no thì không muốn ăn); bây giờ còn đói thì phải ăn. Thiền sư Nghĩa Thanh kiến tánh đến nhập chúng chùa của Đầu Tử (kiến tánh), tối ngày ăn xong rồi ngủ, không theo chúng tham thiền. Chúng Tăng bất mãn rồi phản ảnh lên trụ trì, trụ trì đến nói với Nghĩa Thanh: Sao thầy không theo chúng tham thiền?
Nghĩa Thanh đáp: Đồ ăn ngon, nhưng no quá nên không thèm.
Trụ trì nói: Nhiều người đối với ông thì bất mãn.
Nghĩa Thanh đáp: Nếu có thỏa mãn thì đâu có ích lợi gì!
Trụ trì mới biết ông đã kiến tánh. Sau này, Thiền sư Nghĩa Thanh ở lại núi Đầu Tử thuộc tông Tào Động.

Hỏi:
Con hỏi câu thoại, sao có lúc con muốn thức thì buồn ngủ, muốn ngủ lại thức?

Đáp:
Thức cũng hỏi và nhìn, ngủ cũng hỏi và nhìn, nhớ cũng hỏi và nhìn, quên cũng hỏi và nhìn, đang ăn cơm cũng hỏi và nhìn, đi cầu cũng hỏi và nhìn.
Dùng cái không biết để tu, khi kiến tánh thì có biết không?
Kiến tánh sẽ tự biết. Ngài Long Thọ nói: “Sao không nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật, mà nói hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật?” Theo hiểu biết người thường là hư không quảng đại mới dung nạp tất cả vật, nếu chẳng có hư không làm sao dung nạp tất cả vật? Trước mắt mình thấy rõ, bất cứ cái gì, như mặt  trời, mặt trăng, đất đai, nhà cửa, cây cối,… đều ở trong hư không. Cho nên, ngài nói “hư không vô sở hữu dung nạp và ứng dụng”.
Pháp tâm, tâm sở không có hình tướng số lượng, tại sao không dung nạp? Tâm theo Duy Thức gọi là tâm vương, tức là 8 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức; 5 thức này gọi là tiền ngủ thức. Thức thứ 6 là ý thức mà hàng ngày mình thường dùng để đối phó với cuộc sống. Thức thứ 7 là mạt na thức. Thứ thứ 8 là a lại da thức). Tác dụng của tâm vương có 51 tâm sở (sở hữu của tâm), như buồn, vui, yêu, ghét,… nói chung là pháp tâm tâm sở (tâm số).
Ngài nói: Pháp tâm, tâm sở là tướng giác tri, không phải tướng dung nạp. Lại, pháp tâm, tâm sở còn có nghĩa là không dung nạp. Tại sao? Vì tâm tà kiến không dung nạp tâm chánh kiến, tâm chánh kiến không dung nạp tâm tà kiến; còn hư không đều dung nạp tất cả. Tất cả pháp đều vô sở hữu, sao còn dùng hư không để thí dụ?
Ngài trả lời: Chúng sanh ở nơi các pháp hư vọng sanh tâm chấp trước, nhưng hư không tuy là hư vọng mà không sanh tâm chấp trước. Cho nên, mới dùng hư không để thí dụ. Vì hư không chẳng có gì để chấp trước.
Phần chữ nghiêng đậm trong ngoặc là Hòa thượng Duy Lực giảng Trích Từ Đại Trí Độ Luận của Ngài Long Thọ Bồ Tát.

Hỏi:
Tại sao chẳng nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật, mà lại nói hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật? Đại thừa cũng vô sở hữu sao không dung nạp tất cả vật? 

Đáp:
Hiện tiền thấy hư không vô sở hữu, tất cả vạn vật đều ở trong đó, vì vô sở hữu nên mới dung nạp. 

Hỏi: 
Pháp tâm, tâm sở cũng vô hình tướng, tại sao không dung nạp tất cả vật? 

Đáp: 
Pháp tâm, tâm sở là tướng giác tri, chẳng phải tướng dung nạp; lại chẳng có trụ xứ trong ngoài, gần xa... chỉ do tướng phân biệt mới biết có khái niệm của tâm. 
Sắc pháp có trụ xứ, do sắc mới biết có hư không, vì sắc chẳng dung nạp nên mới biết hư không dung nạp; bởi do vô minh nên biết có minh, do khổ nên biết có vui, do chỗ không có sắc nên nói có hư không, chẳng có tướng khác. 
Lại nữa, pháp tâm, tâm sở còn có cái nghĩa không dung nạp: Cũng như tâm tà kiến không dung nạp chánh kiến, tâm chánh kiến không dung nạp tà kiến, còn hư không thì chẳng phải vậy, tất cả đều dung nạp. 
(Như bây giờ để cái bình chỗ này thì muốn để thêm cái gì cũng không được, vì chỗ này không thể dung nạp được nữa. Bình thường người học giáo môn nói chúng sanh do vô minh, kỳ thật vô minh là đối với minh; tại cái minh mới biết vô minh).
Lại pháp tâm, tâm sở là tướng sanh diệt, là pháp có thể đoạn dứt, hư không thì chẳng thể đoạn dứt. 
(Tu có thể đoạn dứt tà kiến, nếu đoạn dứt không được thì tu đâu có ích lợi gì! Còn hư không thì không thể đoạn dứt). 
Pháp tâm, tâm sở với hư không chỉ giống ở chỗ vô hình vô sắc, chứ không được nói là tất cả đều chẳng khác. Do đó nên trong các pháp nói hư không dung nạp tất cả. 
(8 thức, 51 tâm sở và hư không là giống chỗ không hình tướng).

Hỏi: 
Ý tôi hỏi là tại sao chẳng nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật, mà lại nói vô sở hữu nên dung nạp tất cả vật? 

Đáp: 
Tôi nói hư không chẳng tự tướng, do sắc tướng nói có hư không. Nếu chẳng có tự tướng thì chẳng có hư không, nếu chẳng có hư không thì lấy gì nói quảng đại vô biên! 
(Nếu nói quảng đại vô biên là kiến lập hư không rồi, đã có chứ không phải là không có). 

Hỏi: 
Ông nói tướng dung nạp tức là hư không rồi, tại sao lại nói chẳng có? 

Đáp: 
Tướng dung nạp tức là chẳng có sắc tướng, là chỗ sắc chẳng đến, gọi là hư không. Nếu hư không là thật thì lúc chưa có sắc phải có hư không; nếu chưa có sắc mà có hư không thì hư không vô tướng. Tại sao vậy? Vì chưa có sắc vậy. Do có sắc nên biết có hư không, vì có sắc mới có vô sắc. Nếu trước có sắc sau mới có hư không thì hư không lại thành pháp tạo tác, pháp tạo tác chẳng gọi là thường.
(Vì pháp tạo tác thì phải có hoại, còn hư không là thường, không thể hoại, không có ai tạo tác được). 
Nếu có pháp vô tướng thì chẳng thể được, do đó nên chẳng có hư không. 
(Chẳng có hư không, nhưng dung nạp và ứng dụng tất cả. Đó là nghịch với hiểu biết của bộ não, là đúng với thật tế; còn bộ não là không đúng với thật tế. Cái thật tế mà người ta không chịu, không đúng thật tế thì người ta mới chịu, gọi là tập khí phiền não. Cho nên, ngài Lai Quả nói “tôi nói thật thì người ta không tin, tôi nói dối mà các vị lại tin).

Hỏi: 
Nếu vậy hư không là thường có, bởi do sắc mà có tướng hư không hiện rồi chứng tỏ có hư không ư? 

Đáp:
Nếu hư không trước đã vô tướng thì sau cũng là vô tướng. Nếu hư không trước đã hữu tướng thì tại sao tướng ấy không có sở tướng (chẳng có tướng sở hữu của hư không)? 
(Mặc dầu, trước mặt mình là hư không, mình cũng ngồi ở trong hư không; nhưng không có tướng sở hữu của hư không, thật tế là vậy).
Nếu trước vô tướng thì sau cũng vô tướng (chẳng có tướng mạo của hư không). Nếu lìa hữu tướng vô tướng thì chẳng có trụ xứ của tướng. Nếu tướng chẳng trụ xứ thì sở tướng cũng chẳng trụ xứ. Sở tướng chẳng có nên tướng cũng chẳng có, lìa tướng và sở tướng đâu còn pháp nào nữa! 
Cho nên hư không chẳng gọi là tướng, chẳng gọi là sở tướng, chẳng gọi là pháp, chẳng gọi là phi pháp; chẳng gọi là hữu, chẳng gọi là vô, ngôn ngữ cách tuyệt, tịch diệt như vô dư Niết Bàn, tất cả pháp khác cũng như thế. 
(Tất cả tương đối không thể kiến lập, vì vô sở hữu; nhưng người ta lại chấp các pháp thật có, nên mới sanh ra đủ thứ phiền não). 

Hỏi: 
Nếu tất cả pháp đều như thế tức là hư không, tại sao còn lấy hư không để thí dụ? 

Đáp: 
Nhân quả của các pháp đều là hư vọng, bởi vô minh mới có. 
(Như con gà sanh ra trứng gà, trứng gà ấp ra con gà và cha mẹ sanh ra con cái, con cái sanh ra con cái nữa; nhưng không có cha mẹ đầu tiên, tức là không có bắt đầu. Cho nên nói đều là hư vọng).
Cái hư vọng đó lừa gạt chúng sanh, vì chúng sanh ở nơi các pháp hư vọng sanh tâm chấp trước, mà chẳng phải ở nơi hư không sanh tâm chấp trước, mặc dù hư không cũng là hư vọng. Lục trần hư vọng lừa gạt tâm chúng sanh, hư không dù hư vọng nhưng chẳng phải như thế, cho nên lấy hư không để thí dụ.
(Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm chúng sanh bị lục trần lừa gạt, nên Bát Nhã Tâm Kinh dùng chữ “vô” để quét sạch lục căn, lục trần, lục thức. Tuy hư không hư vọng, nhưng không có lừa gạt chúng sanh). 
Dùng việc thô hiện tiền để phá việc vi tế, như hư không bởi sắc mới có nên chỉ là giả danh, chẳng phải pháp nhất định. 
(Vì chấp trước khó phá, việc thô dễ thấy, việc vi tế khó thấy. Cho nên, dùng việc thô để chứng tỏ việc vi tế là hư vọng. Hư không vốn là sở hữu, vì có sắc mới chứng tỏ có hư không, sắc thì thấy được, còn hư không vi tế nên không thấy được).
Chúng sanh cũng thế, do ngũ uẩn hòa hợp mới có, cũng là giả danh, chẳng phải pháp nhất định.
(Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sắc là nhục thân này; thọ, tưởng, hành, thức là thể tinh thần; thọ là cảm thọ, như biết buồn vui,…; tưởng là biết suy nghĩ; hành là thay đổi biến hóa, như từ con nít biến thành người lớn, biến thành người già hay là hành vi mỗi ngày; thức là phân biệt, như phân biệt cái này đẹp thì thích, cái kia xấu thì chê). 
Đại thừa Phật pháp cũng như thế, bởi do chúng sanh tánh không, nên chẳng Phật chẳng Bồ Tát, bởi do chúng sanh chấp có, nên có Phật có Bồ Tát. 
(Tâm của chúng sanh như hư không vô sở hữu là tánh không, nếu hiểu được tánh không thì chẳng có Phật, cũng chẳng có Bồ Tát, có Phật có bồ Tát thì chẳng phải là tánh không, tức đã có kiến lập). 
Nếu chẳng Phật chẳng Bồ Tát thì chẳng có Phật pháp Đại thừa. Do đó Đại thừa dung nạp vô lượng vô biên A Tăng Kỳ chúng sanh.
(Chẳng có Phật pháp Đại thừa, tức là vô sở hữu nên mới dung nạp. Hư không vô sở hữu dung nạp vũ trụ, vạn vật, mặt trời, mặt trăng, nhà cửa, cây cối,… Phật pháp Đại thừa cũng vô sở hữu, nên dung nạp tất cả chúng sanh, gọi là vô lượng vô biên a tăng kỳ chúng sanh, tức vô lượng số chúng sanh). 
Nếu thật có pháp thì chẳng thể dung nạp vô lượng chư Phật và đệ tử.
(Thật tế, chẳng có pháp mới dung nạp; trái lại hiểu biết của bộ óc phải có thì dung nạp, còn cái này phải không có nên dung nạp. Như chẳng có nên dung nạp tất cả, nghịch với bộ óc nên khó hiểu. Vì không có pháp mới dung nạp tất cả chư Phật và đệ tử, nếu thật có thì không thể dung nạp. 
Có chỗ trống rỗng nên các vị ngồi được, không có chỗ trống rỗng thì các vị không có chỗ ngồi. Bình thường giáo dục chấp có thành thói quen, nên cái gì cũng phải có của mình; như nhà cửa, đất đai,… của ta, nếu căn nhà chưa có quyền sở hữu phải làm quyền sở hữu cho được yên tâm). 

Hỏi: 
Nếu thật chẳng có hư không, tại sao dung nạp vô lượng vô biên A Tăng Kỳ chúng sanh? 

Đáp: 
Do nghĩa này nên Phật thuyết pháp Đại thừa vốn chẳng có, nên A Tăng Kỳ chẳng có. A Tăng Kỳ chẳng có nên vô lượng chẳng có, vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có, như thế nên dung nạp. 
(Tiểu thừa là Thanh Văn thừa, Đại thừa là Bồ Tát thừa; nói có Đại thừa là tâm chúng sanh chấp có. Theo hiểu biết của bộ não, chẳng có thì lấy cái gì để dung nạp? Ngài Long Thọ nói: Chẳng có mới dung nạp).
Nói tiếng A Tăng Kỳ, A tiếng Hán dịch là vô, Tăng Kỳ dịch là số, chúng sanh các pháp mỗi mỗi đều chẳng bờ bến nên gọi là vô số. 
(Chúng sanh không có bờ bến, chẳng có con số nhất định, hư không chẳng bờ bến, cây cối cũng chẳng bờ bến). 
Dùng số để đếm mười phương xa gần của hư không đều chẳng bờ bến, nên gọi là vô số. Đem tính số để đếm từng cái một của sáu Ba La Mật, mỗi mỗi bố thí, mỗi mỗi trì giới v.v... vốn chẳng có số, dùng số ấy để đếm bao nhiêu chúng sanh cho đến Phật thừa, quá khứ, hiện tại, vị lai đều chẳng thể đếm, ấy gọi là vô số. 
Cũng có người nói số ban sơ là 1, chỉ có số 1, 1 thêm 1 nên nói là 2, thế thì tất cả chỉ là 1, chẳng có số khaùc. Nếu tất cả đều là 1 tức là vô số vậy. Cũng có người nói tất cả pháp hòa hợp nên có tên gọi. Cũng như chiếc xe do trục, vành xe, vỏ xe.... hòa hợp thành tên gọi là chiếc xe, thật thì chẳng có pháp nhất định. 
Một pháp chẳng có thì nhiều pháp cũng chẳng có, vì trước một sau mới nhiều. Lại nữa, dùng số để đếm vật, vật chẳng có thì số cũng chẳng có. Nói vô lượng (không thể đo lường) cũng như dùng đấu để lường gạo, dùng trí huệ để đo lường các pháp cũng như thế. 
Các pháp tánh không, nên vô số; vô số nên vô lượng, vô lượng nên vô biên, chẳng có thật trí (Tâm Kinh nói Vô Trí Diệc Vô Đắc), như thế làm sao có tướng nhất định của các pháp để đo lường! Vì vô lượng nên vô biên, lượng gọi là tổng tướng, biên gọi là biệt tướng; lượng là ban sơ, biên là cuối cùng. 
Lại nữa, từ cái ta cho đến kẻ biết kẻ thấy vốn chẳng có thì thực tế cũng chẳng có; thực tế chẳng có nên vô số cũng chẳng có, vô số chẳng có nên vô lượng chẳng có, vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có. 
(Chánh pháp phá ngã là bị lừa gạt do vô minh mới có, thật tế không có ta thì những cái liên hệ với ta cũng không có. Cho nên, ta còn chẳng có thì ta thấy làm sao có?)
Do đó, nên nói tất cả pháp cứu cánh thanh tịnh, ấy là pháp Đại thừa dung nạp tất cả vậy.
(Cũng là hiển bày nghĩa chẳng có mới dung nạp, có thì không thể dung nạp; như cái bàn này, chỗ có để đồ thì không thể dung nạp). 
Chúng sanh và pháp hai thứ làm nhân với nhau, nếu chẳng có chúng sanh thì chẳng có pháp; nếu chẳng có pháp thì chẳng có chúng sanh. 
(Như con gà với trứng gà, nếu không có con gà thì chẳng có trứng gà; nếu chẳng có trứng gà thì chẳng có con gà, vì 2 thứ làm nhân với nhau).
Trước nói tổng tướng tất cả pháp không, sau nói biệt tướng mỗi mỗi các pháp đều không, thực tế tức là diệu pháp sau cùng. 
(Thật tế, mình đang dùng là trống rỗng vô sở hữu, cũng là diệu pháp sau cùng. Diệu là bất khả tư nghì, tức là không có gì để suy nghĩ được. Vì bộ óc suy nghĩ là muốn cái có, còn cái này không có mà dung nạp). 
Cái này đã chẳng có thì cái kia làm sao có! Từ cái tánh bất khả tư nghì cho đến tánh Niết Bàn cũng đều như thế. 
(Thật tánh chẳng có, nhưng dung nạp và ứng dụng. Theo bộ óc nhận biết cho là vô lý. Thật tế là vậy, chẳng có nên mới dung nạp, rõ ràng hư không trước mắt chẳng có gì nên mới dung nạp tất cả. Như các vị được ngồi đây cũng nhờ trống rỗng vô sở hữu. Có thì không thể dung nạp). 

Ghi chú: 
Trong bài nói “chẳng có” chẳng phải có ý nghĩa đoạn diệt, vì người biết “chẳng có” ấy, chẳng thể đoạn diệt vậy. Nếu đoạn diệt được thì ai biết chẳng có! 
(Tuy nhiên, trong bài nói chẳng có, nhưng chẳng có đó không có ý đoạn diệt; đoạn diệt thì không có người biết, nhưng có người biết chẳng có thì không thể đoạn diệt. Nếu có đoạn diệt thì ai biết chẳng có?
Cho nên, dùng bộ óc để hiểu thì thấy rất mâu thuẫn! Vì bộ óc được giáo dục cho mọi thứ là thật đã thành thói quen. Nếu đến thật tế là nghịch với hiểu biết của mình, thành ra không thể chấp nhận. Vì vậy, khó lãnh hội được. Do đó, ngài Long Thọ tỏ lòng từ bi giải thích kỹ càng  như thế!) 

•Hỏi:
Con không có niềm tin tự tâm, mà muốn tham thoại đầu. Vậy con cần có kiến giải không?

Đáp:
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết Bàn”, nghĩa là tri kiến lập tri tức căn bản của vô minh, tri kiến vô kiến là Niết Bàn. Bất cứ pháp môn nào, từ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa đều quét sạch tất cả tri kiến. 
Bát Nhã Tâm Kinh dùng 17 chữ “vô” để quét sạch tất cả tri kiến Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa; cuối cùng dùng 2 chữ “viễn ly” để quét sạch tri kiến Phật thừa.

Hỏi:
Nếu người tham thiền không có kiến giải, làm sao có chánh tín đầy đủ để tham thiền?

Đáp: 
Theo Giáo môn cũng biết, hữu học là thấp, vô học là cao; Thiền môn siêu việt hữu vô, tức là vô học không được, vì vô học đối với hữu học là tương đối. Nếu chấp hữu học, như ở lớp một không chịu lên lớp! Phải bỏ hữu học tiến lên vô học. Còn chấp tri kiến thì ở hữu học hoài, không thể đến vô học. Có đến vô học cũng còn phải bỏ.
Phật tánh có tri kiến làm sao nói là hư không vô sở hữu? Ngài Long Thọ dùng hư không vô sở hữu là giải theo Giáo môn, không phải theo Thiền môn; vì Giáo môn ham thích tri kiến, cho nên ngài giải thích rất tỉ mỉ là muốn giúp cho Giáo môn. Thiền môn khỏi cần giải thích. 
Cuối cùng tôi còn ghi chú 2 chữ “chẳng có”, nếu chấp vào chẳng có thì cũng không được, tức là lọt vào biên kiến. “Chẳng có” không phải có ý nghĩa đoạn diệt, nếu đoạn diệt được thì ai biết chẳng có!
Như Giáo môn nói: “Chỉ cho ý hội, chẳng cho ngôn truyền”. Thiền môn cũng không cho ý hội, phải tự ngộ mới được. Vì vậy, hoằng dương Tổ Sư thiền rất khó. 
Thiền hội của ngài Triệu Châu có 20 người danh tiếng, Thiền hội của phái Lâm tế đời thứ 9 có 6 người xuất sắc. Những người tu theo Thiền tông đều là con cháu của 6 người này. Có một tỷ người tu, chỉ một người kiến tánh là đủ vốn.

Hỏi:
Nếu Hòa thượng đi vắng thì chúng con căn cứ vào đâu để tham thiền khỏi bị lạc?

Đáp:
Điều kiện thứ nhất của Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền là phá ngã chấp bằng chín chữ “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Nếu thực hành được chín chữ này thì bảo đảm không bị lạc, không thực hành chín chữ này thì không thể bảo đảm.
Nếu thực hành được chín chữ đó thì không tham thiền được!
Tự mình kiến lập tri kiến là hạn chế, nhưng bản tâm của sư thì không có hạn chế. Tại sao? Vì trống rỗng vô sở hữu. Nhưng không thể kiến lập tất cả tri kiến, cho nên Phật Giáo không kiến lập chơn lý. Có kiến lập chơn lý là 2 chơn lý, Thiền tông gọi là “trên đầu mọc thêm đầu”. Vì bản tâm là chơn lý rồiù. 
Các tôn giáo khác có kiến lập chơn lý, chỉ có Phật Giáo không có kiến lập chơn lý. Nhưng không phải là không có chơn lý! Vì bản tâm là chơn lý đã sẵn, không được gọi là chơn lý. Tại sao? Do lập chơn nên có vọng. Cho nên, kinh Lăng Nghiêm nói: “Chơn với vọng là 2 thứ vọng”, không vọng là vọng, chơn cũng là vọng.
Phật nói là không có bắt đầu, nếu kiến lập là có bắt đầu thì không phải là vô sanh. Người chứng quả là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn. Có kiến lập thì sao ngộ được pháp vô sanh! Vì vậy, phải trôi lăn trong lục đạo mãi mãi. Phật Thích Ca cũng không cứu nỗi, Phật chỉ  đường cho mình đi.

Hỏi:
Tham thiền và tham thoại đầu có khác không?

Đáp:
Tham thoại đầu và khán thoại đầu không khác, còn ngồi thiền thì khác. Cho nên, trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền nói “ngồi thiền không phải tham thiền, tham thiền khỏi cần ngồi cũng được”. Cho ngồi thiền là tham thiền thì hiểu lầm. Lục Tổ nói “đạo do tâm ngộ bất tại tọa”, ngộ là do tâm ngộ, chứ không không phải ngồi mà ngộ.
Trong phẩm Tọa Thiền, ngài nói: “Ngồi lâu trói thân có ích lợi gì!”, rõ ràng không phải ngồi. Và ngài có bài kệ phá chấp ngồi của Chí Thành: 
Lúc sống thì ngồi chẳng nằm,
Lúc chết thì nằm chẳng ngồi.
Vốn là đống xương hôi thúi,
Đâu thể thành lập công phu?
Nhưng bây giờ, các thiền khác đều chấp ngồi, cho ngồi là cao. Theo tôi biết nghe lời thầy, ngồi đến 6 giờ bị ói máu, phải chở đi bệnh viện cấp cứu. Tham thoại đầu rất giản dị, đứa bé 3 tuổi cũng tham thiền được. Có dùng máy vi tính đo bộ não của nó, đèn báo từ trên xuống dưới rồi tắt; chứng tỏ nó có tham thiền.

Hỏi:
Khi chưa tham thiền hay thấy chiêm bao, tham thiền rồi không còn thấy chiêm bao. Nhưng mấy tháng gần đây con lại thấy chiêm bao, vậy có phải con dãi đãi phải không?

Đáp:
Không phải! Người kiến tánh rồi vẫn còn chiêm bao. Phá Sơ quan, Trùng quan là ra khỏi sanh tử luân hồi vẫn còn chiêm bao, nhưng chiêm bao làm chủ được. Chiêm bao gồm có mở mắt chiêm bao và nhắm mắt chiêm bao.
(2 thứ chiêm bao…………..trang 80).

Hỏi:
Tham thiền biết hỏi câu thoại thiếu chữ và lúc không biết mình có tham hay không?

Đáp:
Tham Tổ Sư thiền là dùng cái không biết để tu, chỉ cần giữ không biết là đủ rồi; không cần biết, cho nên biết là sai lầm. 
Hỏi câu thoại là kích thích niệm không biết, nhìn chỗ không biết; xem chỗ không biết là gì, nói chỗ không biết nhưng không có chỗ; nên không có mục tiêu để nhìn, nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết. Thiền tông gọi là nghi tình. Chỉ cần hỏi và nhìn song song để giữ niệm không biết, đưa hành giả đến thoại đầu sẽ kiến tánh thành Phật.
Vậy câu thoại phải rõ ràng, nếu không rõ ràng thì bị hôn trầm phải không?
Không cần biết rõ ràng hay không rõ ràng! Không biết thì rõ ràng và không rõ ràng cũng không biết. Không phải như niệm Phật biết rõ ràng, còn tham thiền thì khỏi. 
Không cần tập trung tinh thần, cố gắng; chư Tổ nói “ít phí sức chừng nào tốt chừng nấy”, nếu cố gắng, tập trung tinh thần là phí sức. Chỉ cần kéo dài nghi tình một chút là được, nghi tình không có gián đoạn là công phu miên mật.

Hỏi:
Cư sĩ sở hữu nhiều quá thì thế nào?

Đáp:
Sở hữu mới chướng ngại cái dụng của tâm. Cho nên, tham thiền tẩy sạch hết sở hữu thì bằng như Phật, có thần thông trí huệ khắp không gian thời gian. Ông đang quỳ là có chỗ trống nên mới quỳ được. Cuộc sống hàng ngày, nói năng tiếp khách, ăn uống làm việc,… đều nhờ trống rỗng vô sở hữu. 
Bất cứ giờ phút nào, mình ngủ mê cũng nhờ vô sở hữu; không có giây phút nào mình không nhờ vô sở hữu này mà có sự sống. Đó là ứng dụng thật tế, chứ không phải nói suông, mò đoán bậy bạ.

Hỏi:
Con là cư sĩ ở nhà, xin Sư Phụ dạy cho con cách nào để mau kiến tánh?

Đáp:
Tôi hỏi cô: Khi chưa có trời đất cô là cái gì?
Không biết.
Không biết là tham thiền đúng rồi! Hỏi là kích thích niệm không biết, nhìn chỗ không biết; xem chỗ không biết là gì, chỗ không biết thì không có chỗ; nên không có mục tiêu để nhìn, nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết; không biết đó rất cần, Thiền tông gọi là nghi tình. 
Phải hỏi và nhìn song song để giữ kéo dài nghi tình. Hỏi là tham thoại đầu, nhìn là khán thoại đầu. Nếu còn biết cái gì là không đúng, nhìn không thấy gì cũng vẫn nhìn; hỏi và nhìn tiếp tục không gián đoạn, gọi là công phu miên mật.
Mỗi ngày con đi bán mấy giờ thì phải tu như thế nào?
Lúc đang bán thì ngưng tham, khi nghĩ bán thì tập tham cho đến quen thuộc thì lúc đang bán tự khởi lên nghi tình.
Con muốn xuất gia để tham, vậy thế nào?
Vua kiến tánh vẫn làm vua, Thừa tướng kiến tánh vẫn làm Thừa tướng, bộ trưởng kiến tánh vẫn làm bộ trưởng, bà già mua bán cũng kiến tánh; chứ khỏi cần phải bỏ! Làm nghề gì cứ tiếp tục làm cũng có thể kiến tánh. Kiến tánh là biết được chính mình và làm chủ thì được tự do, giải thoát tất cả khổ.
Huệ Năng kiến tánh khi còn làm cư sĩ được kế vị Lục Tổ, đến 15 năm sau vì muốn hoằng pháp mới xuống tóc xuất gia. Cho nên, bây giờ chỉ cần tu, chứ khỏi cần xuất gia.

Hỏi:
Tâm và vô sở hữu có khác nhau không?

Đáp:
Tâm tức là vô sở hữu, vô sở hữu tức là tâm; luôn cả vạn vật cũng không có khác.
Có tâm chánh, tâm tà vậy là thế nào?
Tâm chánh, tâm tà là do chấp tâm; vì chấp sở hữu nên có tâm vương tâm sở. Tâm sở là sở hữu của tâm, Duy Thức có 51 thứ. Những cái đó đã kiến lập thành sở hữu, nên gọi là tâm sở có chướng ngại. Có sở hữu mới có chánh tà, nếu vô sở hữu thì không kiến lập nên không có chánh tà.

Hỏi:
Làm việc không dùng bộ óc, vậy phải là trí huệ Bát Nhã không?

Đáp:
Khỏi cần biết cái gì! Nhưng công việc làm được, nếu dùng cái biết để giải thích là sai lầm. Trống rỗng vô sở hữu thì không có nghĩa lý. Cho nên, Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải của ngài Trung Phong trước tác, tuy nghĩa giải cao siêu cũng phải quét sạch. Thiền tông cần cái thật tế, chứ theo bộ óc để giải thích là không đúng. Vì kiến lập nên mới có nghĩa lý.
Hư không vốn vô sở hữu trống rỗng nên gọi là tánh không. Trống rỗng chẳng có gì nên dung nạp và ứng dụng. Do thông minh của con người, cái không chẳng hạn chế thì họ không chịu; lại đem hạn chế như cái không của tách, nếu tách bít thì chẳng có cái không là tách chết. Tách chẳng bít thì có cái không nên dùng được. Nhưng dùng hạn chế trong phạm vi, như tách, bình, dĩa, bàn,…
Có sự hạn chế, rồi đem giải thích cái không của tách, khác với cái không của bình, khác với cái không của nhà,… có muôn ngàn thứ sai biệt. Như chưa dựng cái nhà thì cái không đã sẵn, chưa có cái không của tách cũng có cái không đã sẵn. Cái không của ngoài tách và cái không của trong tách thì chẳng khác, với cái không của bình, nhà,… đều cùng một cái không.
Vì có kiến lập cái không của tách, bình, nhà,… nên thấy có nghĩa lý khác biệt. Nếu không có nghĩa lý thì lấy gì để khác biệt! Theo bộ óc để giải thích là sai lầm. Thật tế không có đúng sai, vì không có tương đối. Có đúng sai là tương đối thì có sai lầm.

Hỏi:
Trong công phu không thấy sự an lạc, sau khi công phu mới thấy sự lặng lẽ của tâm. Như vậy có đúng không?

Đáp:
Không đúng! 4 bài kệ của ngài Vĩnh Gia nói “biết tịch lặng là chướng ngại, vì có kiến lập sở tri”. Như tay cầm như ý thì dụng của tay bị mất, tay không cầm như ý thì dụng của tay hoạt bát vạn năng. Tham thiền khởi nghi tình quét tịch lặng thì khôi phục dụng hoạt bát vạn năng của tự tánh.
Tay không cầm đồ vật, mà tự làm nắm tay (tự mình biết có cái biết) thì dụng của tay cũng chướng ngại. Cho nên, cái biết không được kiến lập. Vì kiến lập sở tri tịch lặng thì có năng sở đối đãi. Nếu không kiến lập sở tri, nhưng có năng tri; có tri phải có bất tri để đối đãi.
Vì vậy, chấp tri lọt vào biên kiến, mà tự mình không biết. Biên kiến là một trong năm thứ ác kiến. Như chấp huyễn hay chấp giả đều rơi vào biên kiến, vì huyễn đối với phi huyễn và giả đối với chơn đều tương đối; không phải vô duyên tri.
Vô duyên tri gọi là chánh biến tri, còn gọi là trí Bát Nhã tự động không bao giờ ngưng biết. Như ánh sáng mặt trời lúc nào cũng chiếu soi. Nói trời gần sáng thì mặt trời sắp chiếu, vậy đúng không? Không đúng. Vì mặt trời đâu có ngưng chiếu hồi nào, mà nói sắp chiếu!
Như cái tri của mình không bao giờ ngưng biết, mà nói là sắp biết! Nếu kiến lập thêm cái tri, như thêm cái đầu làm khổ cái đầu sẵn có; nên cần mời bác sĩ cắt bỏ. Do tánh con người ham kiến lập, nên chướng ngại cái dụng của tâm.
Vì tâm là vô sở hữu, kiến lập là có sở hữu che khuất bản tâm nên dụng bị hạn chế. Như đem cái không sẵn sàng hạn chế thành cái không của nhà, tách, bình,… dù nhà rất lớn nhưng dụng trong cái không phạm vi nhà. Tất cả núi sông, đất đai, nhà cửa,… đều ở trong cái không sẵn sàng, dụng không hạn chế.

Hỏi:
Tham câu “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” con thắc mắc muốn biết trời, đất, con người do đâu mà có. Vậy 3 thắc mắc đó có thể giúp cho tham câu thoại không?

Đáp:
Không được! Nếu vậy thì lọt vào biên kiến chấp vào không có. Nghi tình là không biết, có và không đều không biết. Tham là hỏi câu thoại kích thích không biết, khán là nhìn không biết để giữ kéo dài đến kiến tánh; hỏi và nhìn song song để giữ nghi tình, chứ không phải để biết hay muốn tìm hiểu đáp án câu thoại. 
Câu thoại là công cụ để kích thích lên niệm không hiểu không biết, không có ý nghĩa khác. Tất cả muôn ngàn câu thoại là mục đích để khởi lên niệm không biết. Không phải để cho hành giả đáp án câu thoại. Nếu đáp án câu thoại là hồ nghi, chẳng phải chánh nghi. Thiền Nhật Bản, thiền Đại Hàn lọt vào hồ nghi. Vì dùng bộ óc tìm hiểu.

Hỏi:
Làm việc thì không tham thiền, muốn cầu công việc thành công, rồi sợ thất bại. Vậy bỏ muốn cầu phải thế nào?
Đáp:
Phải hỏi và nhìn! Ngày đêm có 24 giờ, giữ nghi tình được 1 phút. Nếu mỗi ngày, nghi tình tăng được 1 phút thì 4 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh;  mỗi ngày, nghi tình tăng ½ phút thì 8 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh; mỗi ngày, nghi tình tăng ¼ phút thì 16 năm đến thoại đầu sẽ kiến tánh.
Kiến tánh thì tất cả đều được giải quyết, nếu chưa kiến tánh thì không dùng cái biết nữa. Giữ được nghi tình thì vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ tự nhiên giữ được. Như chuyện Trương Quốc Anh làm việc gì đều được, nhưng lúc ấy không biết gì nên mới làm được. Những người biết sợ nên có bị thương, còn y không biết sợ nên không bị thương. Y giữ được nghi tình nên làm việc gì cũng nhanh hơn người ta.
Nếu không biết làm sao biết đắc biết sợ? Vì không giữ được nghi tình nên có sở đắc, sở cầu, sở sợ.

Hỏi:
Khi ở thiền thất tham thiền, hết thiền thất về nhà, con trì kinh Pháp Hoa được không?

Đáp:
Tham thiền khởi nghi tình là trì kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm,… tất cả kinh và giới luật tuy chưa thọ đều cũng trì hết. Giữ được nghi tình là không hiểu không biết thì không phạm giới, gọi là thiền giới. Nếu không có nghi tình là biết thì có thể phạm giới. Tất cả công thương kỹ nghệ đều ở trong nghi tình.

Hỏi:
Trước kia, cầu siêu cho người thân thì mời quý thầy tụng kinh. Bây giờ, con tham thiền muốn cầu siêu phải làm sao?

Đáp:
Cầu siêu người thân thì nhờ tâm lực đại chúng tham thiền; do có nghi tình nên được tâm lực trong sạch rất mạnh, có thể ảnh hưởng đến tâm của người thân mà sửa đổi nghiệp, rồi tái sanh đến cõi tốt hơn.
Như Mục Kiền Liên cứu mẹ (Thanh Đề) ở cõi ngạ quỷ, nhưng không cứu được. Rồi nhờ Phật dạy pháp cúng dường trai tăng cho 1250 Tỳ Kheo A La Hán, nhờ tâm lực trong sạch nhiều người ảnh hưởng tâm bà Thanh Đề được sửa đổi nên bà thoát khỏi cõi ngạ quỷ.
Không phải do tụng kinh mà siêu được, nếu tâm người chết không sửa đổi nghiệp. Người nào tạo nghiệp thì người đó phải chịu quả báo, chứ không ai thay thế được. Như ai ăn cơm thì người ấy no. Cho nên, mình cần thật tế, không cần hình thức bên ngoài.

Hỏi:
Người già yếu tinh thần không minh mẩn tu Tổ Sư thiền cần điều kiện gì khác để cho họ khỏi lạc lối tẻ?

Đáp:
Không có gì khác! Con nít 6, 7 tuổi đều tham thiền được, bà già 90 tuổi cũng tham thiền được là hỏi và nhìn. Mấy năm trước có đứa bé 3 tuổi tham thiền, các người Canada thấy vậy phục nó. Ngày xưa, có vua, thừa tướng, bộ trưởng đều kiến tánh.

Hỏi:
Tâm ở ngoài thân hay ở trong thân?

Đáp:
Nếu tâm ở ngoài thân hay ở trong thân thì không phải. Tâm như hư không vô sở hữu dung nạp và ứng dụng tất cả. Như chỗ quỳ của ông, nếu không trống rỗng vô sở hữu thì ông không thể quỳ được. Bây giờ, mình nói chuyện hay nhìn thấy với nhau đều cũng nhờ vô sở hữu.

Hỏi:
Bất cấu bất tịnh là gì?

Đáp:
Bất cấu bất tịnh thì tương đối là bề trái. Bề mặt là hư không vô sở hữu không thể dùng lời nói văn tự để diễn tả, cho nên phải tự ngộ. Vì lục căn không thể tiếp xúc, diễn tả được là bề trái. Tương đối như: Bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, hữu vô,… 

Hỏi:
Trong chiêm bao, con thấy Phật bà Quan Âm dùng nước cam lồ rưới đầu chúng sanh. Việc ấy như thế nào?

Đáp:
Nói Phật bà Quan Âm là sai lầm, Quan Thế Âm Bồ Tát không phải là người nữ, Phật cũng không có người nữ. Người nói như vậy là không biết Phật pháp.
Có một người Quãng bị bệnh, chiêm bao thấy Quan thế Âm Bồ Tát cho thuốc uống, rồi kể lại tôi nghe. Tôi nói: Mỗi người đều có Phật tánh, cũng là tự tánh Quan Âm. Nếu mình trông đợi Quan Âm Bồ Tát cứu mình, không bằng mình làm Quan Âm Bồ tát cứu người. Rồi người ấy cũng hiểu.
Vì Quan Âm Bồ Tát với cõi Ta Bà có nhân duyên, nên chùa nào cũng có tượng Quan Âm. Người nằm chiêm bao thấy Quan Âm Bồ Tát thì cũng có duyên. Phật và Bồ Tát thì không có nam nữ, đừng theo thế tục mà nói Phật và Bồ Tát là ông bà.
Có chiêm bao là do tâm mình tạo, ban đêm tâm tạo là nhắm mắt chiêm bao, ban ngày tâm tạo là mở mắt chiêm bao. Hiện giờ, mình đang ở trong mở mắt chiêm bao. Đến chừng kiến tánh thì trong mở mắt chiêm bao thức tỉnh, rời khỏi chiêm bao được sanh tử tự do.
Mở mắt chiêm bao không có thật, huống là nhắm mắt chiêm bao! Nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao đều do tâm tạo. Cho nên, Phật nói: “Tất cả đều do tâm tạo”, cũng gọi là “Vạn Pháp do tâm biến hiện”. Thân mình gọi là chánh báo, hoàn cảnh giàu nghèo mình sanh sống gọi là y báo. Y báo là kiếp trước tạo nên bây giờ có nghiệp quả.

Hỏi:
Người ta nhờ đem bia cho họ, vậy có phạm giới không?

Đáp:
Nếu thọ giới Bồ Tát thì phạm, không thọ giới Bồ Tát thì không phạm; vì giới Bồ Tát cấm bán rượu. Thọ ngũ giới, nếu uống rượu thì phạm; bán rượu không phạm. Giới Bồ Tát bán rượu là tội nặng, uống rượu là tội nhẹ. Các vị thọ ngũ giới không thọ giới Bồ Tát thì cấm uống, không có cấm bán.

Hỏi:
Tham thiền chưa thuần thục, tự động bỏ câu thoại, lại chỉ nhìn. Vậy có được không?

Đáp:
Không được! Đến thoại đầu thì câu thoại tự mất, nếu chưa đến thoại đầu thì phải hỏi và nhìn song song; chứ không được ngưng hỏi, vì người đó tự làm tày khôn. Đó là tập khí phiền não của con người từ lâu đời. Như có người hy sinh thân mạng, chứ không chịu bỏ kiến giải của mình.
Kiến giải tuy cao nhưng vẫn là kiến giải, không phải thật tế; thật tế là phải quét sạch kiến giải. Nếu chấp kiến giải càng cao thì cách thật tế càng xa. Nói ra giống thì giống, phải thì chẳng phải. Vì bậc trí thức thích kiến giải, như thiền Nhật Bản hay thiền Đại Hàn đều là kiến giải. Cho nên, họ không bao giờ kiến tánh.

Hỏi:
“Không được kiến lập vô sở hữu”. Vậy trả lời thế nào không kiến lập?

Đáp:
Bất cứ cái gì đều không được kiến lập, vì đã có sẵn. Phật nói là “vô thỉ”. Chư Phật chư Tổ chỉ kiến lập tạm thời, nếu không kiến lập thì không có pháp gì để nói. Như không có tam thừa mà nói có tam thừa, không có Phật mà kiến lập Phật; đến chừng kiến tánh thì biết là không có Phật để thành. Phật nghĩa là giác ngộ, giác ngộ là do mê mới có. Nếu đã giác ngộ thì hết mê nên không còn ngộ. Cho nên, Thiền tông nói “ngộ rồi đồng như chưa ngộ”. Vì không có mê để đối đãi.
Kinh Kim Cang ví dụ: “Như chiếc bè qua sông thì phải bỏ bè”, nếu còn lưu luyến chiếc bè là không được. Lấy hư không vô sở hữu để thí dụ, nhưng thật tế không lấy gì để thí dụ được. Cho nên, cần phải tự ngộ, chứ không phải dùng lời nói. Dùng lời nói là cho người ta hiểu phần nào để tăng cường niềm tin tự tâm. Vì vậy mới có kiến lập văn tự lời nói, nhưng không chấp vào văn tự lời nói, gọi là bất lập văn tự.
Nếu chấp vào “bất lập” là không nói được, thì Lục Tổ nói “2 chữ bất lập cũng là văn tự vậy”. Đem giải thích nghĩa lý là rất mâu thuẩn, vì tất cả nghĩa lý thuộc sản phẩm của bộ óc. Cho nên, đến chỗ thật tế thì không kiến lập nghĩa lý, mới gọi là vô thỉ vô sanh. Có kiến lập là có sanh có bắt đầu. Vốn là vô sanh nên chứng  đạo, gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.
Dùng bộ óc để truy cứu lý cùng tột, nhưng không đúng với thật tế. Khi bộ óc biến thành tro đất thì sản phẩm của bộ óc cũng không còn. Tự tánh không thể biến thành tro đất, vì không phải là sản phẩm của bộ óc. Không thể nói là vô sở hữu hay nói là sở hữu.

Hỏi:
Nghĩa ba câu kinh Kim Cang hiển bày nội dung kinh Kim Cang, hay nội dung kinh Kim Cang hiển bày nghĩa ba câu kinh Kim Cang?

Đáp:
Nghĩa ba câu không những hiển bày kinh Kim Cang, mà hiển bày tất cả kinh Phật; hiển bày vạn vật vũ trụ, tức là công thương kỹ nghệ đều không ngoài nghĩa ba câu này. 
Như Phật nói “tách, tức phi tách, thị danh tách”, “bình, tức phi bình, thị danh bình”, “Tam bảo, tức phi Tam Bảo, thị danh Tam Bảo”, “vô sở hữu, tức phi vô sở hữu, thị danh vô sở hữu” đều là nghĩa ba câu, chứ không phải chỉ kinh Kim Cang là nghĩa ba câu.
Cho nên, thấu nghĩa ba câu thì tất cả đều thấu. Không có nghĩa nào cao tột, có cao thấp là tương đối; không phải thật tế. Chỗ thật tế là bất nhị, gọi là vô duyên tri (không có nhân duyên đối đãi).

Hỏi:
Làm sao biết tiểu nghi tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ?

Đáp:
Nếu ngộ rồi mà còn ôm cảnh giới ngộ cho mình ngộ thì gọi là tiểu ngộ, tức là cho ta ngộ thì còn mê. Như A La Hán, Bích Chi Phật đều  thuộc về tiểu ngộ. 
Ngộ rồi luôn cảnh giới ngộ không còn gọi là đại ngộ. Đại ngộ là ngộ rồi đồng như chưa ngộ. Vì ngộ đối với mê, ngộ triệt để thì hết mê nên  không còn ngộ nữa. Vì vậy, mê ngộ đều sạch.

Hỏi:
Tâm mình ứng dụng mà không biết, vậy lúc ngủ thì tâm ở đâu?

Đáp:
Nếu tâm ở đâu thì không cùng khắp không gian. Vì tâm cùng khắp không gian chẳng có khứ lai, gọi là Như Lai. Khắp thời gian không có gián đoạn, gọi là Niết Bàn. Cùng khắp không gian thì không có chỗ để chỉ; cùng khắp thời gian thì không có lúc để chỉ. Vậy không thể nói là ở đâu!
Nhớ với quên đều là sản phẩm của bộ óc, vì có nhớ nên có quên. Nhớ không thể thành lập thì quên làm sao thành lập được? Nhớ với quên là tương đối. Kiến tánh là tất cả sản phẩm của bộ óc đều sạch, không có sự nhớ và quên.

Hỏi:
Thế nào là hành khởi giải tuyệt?

Đáp:
Giải là kiến giải phải cắt tuyệt, vì tin tự tâm chưa đầy đủ; cho nên phải tìm hiểu. Còn tìm hiểu là còn kiến giải, nếu thực hành đúng là hành khởi giải tuyệt.
 
 

 
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chửi mắng và lời dạy của đức phật Ç na haklena Vận Con cá cô đơn hÓi bán thế là đủ rồi Ð Ð³Ñ 宗教与迷信是什么关系 Bình Định Sẽ có hội thảo về Tổ sư æ ve tay ï¾ ï½ bí quyết dạy con thông minh của người Giáo chÙa Ngàn lạm Æ u Ngoại Hấp đau thëa Bình minh quê mình vẠNên ÃƒÆ Dũng khí hoa mai Thiên trà i tri hue môn không bao giờ ngừng chảy chu nghiep trong phat giao la vẻ ngày về Tổ nhung suy nghi sau thanh cong cua khoa tu tuoi Nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở Để mie thÃ Æ thÃ Æ Phật lua and Chùa Pháp Hoa con duong sanh tu va con duong bat tu tín cổ 1934 thi盻 Làm tap ï¾ï½ Không phải là lời của Phật Đạo Vượt thoát trầm luân tiếp theo và Tờ thu cảm nhận về cuộc đời của pháp sư con duong hoang phap va van hoa Vấn пѕѓ