c
KHAI THỊ THIỀN THẤT tại THIỀN ĐƯỜNG TAM BẢO 
Hoà Thượng Thích Duy Lực
Thích Đồng Thường Lập Thành Văn Tự
Mục Lục
Trang 01
Trang 02
Trang 03
Trang 04
Trang 05
Ngày 14 – 7 đến 20 – 7 – Đinh Sửu (97).

Hỏi:
Không sanh tử sao lại có nhân quả?

Đáp:
Nhân quả ở trong chiêm bao, nếu lìa khỏi chiêm bao thì nhân quả trong chiêm bao cũng không còn.
Chiêm bao không thật, sao lại có nhân quả?
Không phải không có chiêm bao, nhưng việc chiêm bao không thật.
Bom nguyên tử nổ tung trái đất. Vậy ai trả nhân quả?
Bom nguyên tử nổ tung trái đất, vũ trụ sụp hết; nhưng tâm mình vẫn y nguyên.

Hỏi:
Không sanh khởi, sao lại có người?

Đáp:
Vì có tâm chấp nên mới có, nếu không có tâm chấp thì trống rỗng vô sở hữu. Tại mình kiến lập sở hữu như tiền, nhà, đất,… đều của tôi. Nhà chưa có quyền sở hữu thì phải lo giấy tờ để có quyền sở hữu.
Hỏi:
Ý thức với tự tánh giống nhau hay khác?

Đáp:
Tự tánh không phải tự tánh, tự tánh thì phải lìa ý thức.
Hỏi câu thoại, sao ý thức không chết?
Kiến tánh thì lìa ý thức là ý thức mới mất. Nếu không kiến tánh thì ý thức hoạt động bình thường, rồi theo nghiệp có thể đầu thai thành heo, chó,…
Vọng tưởng không thật, sao có vọng tưởng?
Vì kiến lập mới có.
Tánh không, sao lại có chiêm bao?
Vô sở hữu (trống rỗng) cũng là tánh không.
Mọi người đều có thần thông trí huệ bằng chư Phật, vậy lúc nào dùng ra được?
Khi nào sở hữu không còn nữa thì thần thông trí huệ tự nhiên hiện lên.
Sao có vô thường?
Chấp vô thường là thật thì bệnh nặng hơn chấp thường. Chấp thường là thường kiến ngoại đạo, chấp vô thường là đoạn kiến ngoại đạo.

Hỏi:
Tâm niệm phát xuất từ đâu? Tâm này là cái gì?

Đáp:
Tâm niệm phát xuất từ tâm, tâm là cái gì thì phải kiến tánh mới biết được; nhưng mình đang dùng. Ngài Long Thọ ví dụ hư không vô sở hữu cho tâm của ông, vô sở hữu là trống rỗng dung nạp và ứng dụng. Tâm của ông trống rỗng, Phật pháp gọi là tánh không; mặt trăng, mặt trời, đất đai, nhà cửa,… đều ở trong vô sở hữu này.
Có vô sở hữu nên có chỗ cho ông quỳ, ông hỏi tôi đáp cũng phải nhờ vô sở hữu này; ông nhìn thấy tôi, tôi nhìn thấy ông cũng phải nhờ vô sở hữu này; cuộc sống hàng ngày nói năng tiếp khách đều nhờ vô sở hữu này, tức là ông đang ứng dụng mà chẳng tự biết.
Sát na lìa ý thức thì tâm toàn diện hiện lên khắp không gian thời gian. Khắp không gian không có khứ lai, nên gọi là Như Lai; khắp thời gian không gián đoạn, nên gọi là Niết Bàn; tâm mình có tánh giác ngộ, nên gọi là Phật tánh.
Tất cả danh từ đều diễn tả sức dụng của tâm, tuy nói muôn ngàn danh từ sai biệt; nhưng bản thể của tâm trống rỗng vô sở hữu không có khác biệt. 

Hỏi:
Thế nào cội nguồn chân thật của tự tánh?

Đáp:
Chỗ trống rỗng vô sở hữu là tâm ông, cũng là nguồn gốc chân thật, là tự tánh, Phật tánh, trí Bát Nhã, vô duyên tri, chánh biến tri, Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát, vô trụ,… Vì trống rỗng nên không có chỗ để trụ, gọi là vô trụ; vì trống rỗng nên không có trói buộc, gọi là giải thoát.

Hỏi:
Không biết luật, nhân duyên,… làm sao tu biết mình có tự tánh?

Đáp:
Thực hành hỏi và nhìn song song thì sau này sẽ tự biết, không thể nói cho biết được. Nếu nói được thì Phật Thích Ca nói cho mình biết thì khỏi tu. Vì không nói được, nên Phật Thích Ca nói “49 năm thuyết pháp, tôi chưa từng nói một chữ” và “ai nói Phật có thuyết pháp, người ấy phỉ báng Phật”.

Hỏi:
Cư sĩ tham thiền có bị bùa yếm không?

Đáp:
Mình có tạo nhân mới có quả, nếu không tạo nhân thì không có quả. Tạo nhân ác nên có quả khổ, tạo nhân thiện thì có quả phước. Vậy không có tạo nhân làm sao sợ trù yếm!

Hỏi:
Vô sở trụ làm sao có thân này?

Đáp:
Thân này có là do nghiệp của ông tạo ra, không những thân người, mà sau này có thể tạo thân chó, thân heo,… Nếu còn ăn thịt heo, gà thì sau này phải đầu thai heo gà để cho người ta ăn lại. Đó là nhân quả.

Hỏi:
Hỏi câu thoại là quyết tâm tìm ra đáp án. Vậy có đúng không?

Đáp:
Tìm ra đáp án là sai lầm, vì tìm ra là dùng bộ óc tìm hiểu thì nghịch với Tổ Sư thiền. Tham thiền là dùng nghi tình chấm dứt tìm hiểu, cần giữ niệm không hiểu không biết (nghi tình); hỏi câu thoại là kích thích niệm không hiểu không biết, muôn ngàn câu thoại chỉ là đề khởi lên niệm không hiểu không biết.

Hỏi:
Hỏi câu thoại là để cho tâm mình không phóng bậy phải không?

Đáp:
Hỏi câu thoại để kích thích lên niệm không hiểu không biết, thì không biết phóng bậy hay không phóng bậy. Nếu giữ được không biết thì tâm không phóng bậy. Dùng cái biết thì tâm có thể phóng bậy.
Vậy cần để tìm hiểu trả lời không?
Không cho tìm hiểu, sao còn hiểu! Tham thiền là không biết để chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Hỏi và nhìn để kéo dài nghi tình, đến thoại đầu thì hoàn toàn không còn niệm nào; rồi tiến thêm một bước, biết và không biết của bộ óc đều sạch; biết của Phật tánh hiện lên khắp không gian thời gian, gọi là kiến tánh thành Phật.
Biết cùng khắp không gian không có khứ lai, nên gọi là Như Lai; khắp thời gian không gián đoạn, nên gọi là Niết Bàn; vì trống rỗng không có chỗ để trụ, nên gọi là vô trụ; vì có tánh giác ngộ, nên gọi là Phật tánh.

Hỏi:
Thế nào đi và ngồi trong Thiền đường?

Đáp:
Ngày xưa chưa có đồng hồ, nên khi ngồi đốt cây hương; cháy hết cây hương lại đốt cây hương khác để đi, cứ như thế thay phiên ngồi và đi để tham thiền. Cho nên, ngồi gọi là tọa hương, đi gọi là đi hương. Tọa hương và đi hương là điều chỉnh sức khỏe thân thể. Vì ngồi đến tê chân rồi phải đi, đi tới mỏi chân nên phải ngồi; chứ không phải tham thiền cần ngồi cần đi! Điều kiện cần nhất là giữ nghi tình được kéo dài.
Nếu giữ được không hiểu không biết thì ngoại cảnh không lôi kéo. Dùng cái biết để tu thì dễ bị ngoại cảnh lôi kéo, vì biết tốt xấu nên có tâm khen chê. Cho nên, dùng cái không biết để tu dễ đưa đến kiến tánh thành Phật. Vì vậy, gọi là pháp thiền trực tiếp. Dùng cái biết để tu là pháp thiền gián tiếp.

Hỏi:
Người chưa biết tu còn mê chấp, người biết tu còn mê chấp không?

Đáp:
Mê chấp là tập khí từ lâu đời, cũng gọi là thói quen; theo Phật pháp gọi là tập khí phiền não, rất khó dứt. Có khi người xuất gia làm tội địa ngục, mà tự mình không biết. Vì ham tài lợi trước mắt để xây dựng bản ngã cho mình.
Như kinh nói:
Một hạt gạo của Thí chủ, 
Lớn bằng núi Tu Di.
Nếu không tu giải thoát,
Mang lông đội sừng trả.
Họ biết nhưng không tin, chỉ biết đồng tiền; có nhiều chừng nào tốt chừng nấy, lại không tu giải thoát.
Lục Tổ nói có 4 loại người:
Thân xuất gia mà tâm tại gia.
Tâm xuất gia mà thân tại gia.
Thân và tâm đều tại gia.
Thân và tâm đều xuất gia.
Nếu cư sĩ thân tại gia mà tâm xuất gia, thì tốt hơn những người thân xuất gia mà tâm tại gia.

Hỏi: 
Không biết nhân duyên gì, từ khi con gặp Sư Phụ lại có lòng tin và mọi người câu hội về Chùa Tam Bảo cùng thương nhau; tất cả đều muốn thành Phật, nhưng sự tu của chúng con không được bao nhiêu. Nếu chúng con giữ tâm đó mãi cho đến ngày nào được giải thoát không?

Đáp: 
Thầy giúp cho mọi người được thành Phật thì sau này Thầy sẽ thành Phật, vì đã tạo nhân thành Phật. Tuy mình tu Pháp xuất thế gian, nhưng ở nhà chiêm bao thì ăn mặc, ở làm việc đều trong chiêm bao. Nhưng làm việc cho đúng, như thu chi trong Thiền đường phải rõ ràng mới duy trì lâu dài, người hộ pháp được an tâm.
Con nguyện theo lời Sư phụ dạy, từ đây trở về sau, con không dám gì hết. Nếu có ai xin một cục đất, con cũng phải trình hỏi Sư phụ.
Không phải vậy! Năm nay, tôi 75 tuổi rồi, nay mai tôi chết cũng không biết; tôi muốn Chùa Tam Bảo là Đạo tràng Thiền tông, dẫu cho ông chết hay tôi chết vẫn còn tiếp tục.

Hỏi:
Tự tứ là gì?

Đáp:
Giải tự tứ có kiến, văn, nghi. Sau kiết hạ 3 tháng, mỗi người ra trước Đại chúng tự kiểm thảo, nếu tự mình không biết phạm giới hay không phạm giới thì ra hỏi “3 tháng đây, có ai thấy, nghe, nghi tôi phạm giới không? Nếu có thì xin xử tội tôi” trong Đại chúng có người biết bạn mình phạm giới mà không cử tội thì người ấy cũng đồng phạm tội như người phạm giới:
Cho nên, người ở trong Tăng đoàn khó phạm giới, nếu có phạm cũng rất ít; vì thường coi với nhau.

Hỏi:
Di Quang gặp Đại Huệ liền nghi, nhưng qua một thời gian không ngộ. Di Quang hỏi Đại Huệ: Tại sao đến chỗ này con không ngộ, vậy bệnh chỗ nào?
Đại Huệ nói: Bệnh của ông thì thầy thuốc cũng bó tay, vì người chết không thể sống lại, còn ông sống thì không thể chết.
Xin Sư phụ khai thị chỗ này?

Đáp:
Muốn chết phải dùng nghi tình chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết; chỉ còn nghi tình mới ngộ được; tức là không bị nhục thân này và ý thức của bộ óc hạn chế. Sát na lìa khỏi ý thức thì luôn cả không biết cũng tan rã; lúc đó biết và không biết sạch hết thì biết của tự tánh hiện lên, gọi là kiến tánh thành Phật.
Đó gọi là sống lại (tuyệt hậu tái tô), chết ý thức phân biệt, sống lại bản thể. Bản tri là không có đối đãi tri và bất tri, không thể kiến lập tri; vì cái tri đã sẵn, như ánh sáng mặt trời có từ hồi nào.
Có người hỏi tôi: Đến thoại đầu gần kiến tánh, có phải sắp biết phải không?
Tôi nói: Không phải! Vì cái biết của bản tâm đâu có ngưng mà nói sắp biết! Như ánh sáng mặt trời: Trời gần sáng mặt trời sắp chiếu phải không? Không phải! Ánh sáng mặt trời không bao giờ ngưng chiếu, sao nói là sắp chiếu? Nếu ánh sáng có ngưng chiếu thì nói sắp chiếu mới đúng. Không thấy mặt trời chiếu là bị che khuất bởi mây đen hay quả đất.
Cái biết của mình bị che khuất là do kiến lập sở hữu, sở hữu nhiều chừng nào thì bị che khuất nhiều chừng nấy; tức là tự mình che khuất. Nếu có kiến lập thì có sanh (bắt đầu). Cho nên, người chứng quả là ngộ pháp vô sanh, cũng gọi là chứng vô sanh pháp nhẫn.

Hỏi:
Thời gian sau, Đại Huệ nói với Di Quang: Ông ăn xong rồi rửa bát hãy nói một câu?
Di Quang nói: Nứt bể.
Đại Huệ nạt Di Quang: Ông còn thiền sao!
Ngay đó Di Quang ngộ.
Xin Sư phụ khai thị?

Đáp:
Vì có tâm kiến lập, nên có “nứt bể” và còn chấp có Thiền. Vì vậy, Thiền Tông không cho hiểu thiền hiểu đạo.

Hỏi:
Đại Huệ hỏi Di Quang: “Ông chết không biết sống lại”. Vậy yếu chỉ chỗ đó như thế nào?

Đáp:
Chết là chết của bộ óc, sống lại là hiện lên bản tri (vô duyên tri, trí Bát Nhã). Di Quang còn dùng bộ óc tìm hiểu nên chưa chết, chứ không chấm dứt tìm hiểu, suy nghĩ, ghi nhớ của bộ óc.

Hỏi:
Chúng con đến Thiền đường, ai cũng muốn kiến tánh; sao không được có tâm chờ ngộ?

Đáp:
Có đi thì có đến, không đi thì không đến; đi nhanh thì mau đến, đi chậm thì lâu đến. Như muốn đi Thành phố Hồ Chí Minh, có đi sẽ đến bằng phương tiện xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, đi bộ. Đã đi khỏi cần nói rồi sẽ đến, khỏi cần chờ đợi cũng đến. Nếu không đi mà nói “tôi muốn đi Thành phố Hồ Chí Minh”, làm sao đến được?
Tham thiền có tâm chờ ngộ là kiến lập thành chướng ngại. Vì bản tâm vốn vô sở hữu, tức là không có chỗ trụ thì dụng của tâm hoạt bát vạn năng. Dẫu cho có ngộ cũng không được cái ngộ, cho nên Thiền Tông nói “ngộ rồi đồng như chưa ngộ”. 
Nếu còn ôm cái ngộ thì chưa phải là thật ngộ, vì có ngộ nên có mê để đối đãi; người triệt ngộ thì hết mê nên không còn ngộ. Có tin tự tâm thì mới hiện ra tự tâm, nhưng phải có đi, đi là giữ nghi tình.

Hỏi:
Ngày xưa, Tổ dùng chuyển ngữ hay hoạt cú. Vậy, ngày nay với ngày xưa có khác không?

Đáp:
Ngày xưa và ngày nay không khác, ngày nay không có người kiến tánh nên không nói được chuyển ngữ. Người kiến tánh mới nói được chuyển ngữ, tức là lời nói không có chỗ trụ, không có gì làm chướng ngại. Có Thiền Sư nói: “chết rồi thiêu xong có nhiều xá lợi không bằng nói ra một chuyển ngữ”. Có nhiều xá lợi chưa phải là kiến tánh.
Hoạt cú thì người kiến tánh mới sử dụng được, còn người chưa kiến tánh thì nói tới đâu trụ tới đó, gọi là tử ngữ, chứ không phải hoạt ngữ. Vì nói có chấp thật có, nói không chấp thật không. Nhiều người lọt vào biên kiến mà tự mình không biết, như cho tất cả là huyễn hóa thì lọt vào biên kiến.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “phi huyễn còn không được, huống là pháp huyễn”. Huyễn và phi huyễn là tương đối, tức là chẳng có huyễn chân thật để kiến lập. Chấp chơn, chấp huyễn, chấp vọng, chấp giả đều là biên kiến. Chấp thật chơn thì bệnh dễ trị, chấp thật vọng là bệnh nặng khó trị. Như chấp thật giả thì bệnh nặng khó trị, vì chấp thật giả là chơn lý.
Không thể kiến lập, nếu có kiến lập là có bắt đầu. Pháp của Phật Thích Ca là Pháp bản trụ, vốn không có sự bắt đầu và không có sự sanh khởi. Nếu có sự sanh khởi thì phải có cuối cùng, có sanh phải có diệt là ở trong tương đối. Người ngộ đạo là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn.
Vô sở hữu thì trống rỗng không có bắt đầu, không có sanh khởi. Bất cứ kiến lập cái gì hay kiến lập Phật cũng lọt vào biên kiến. Phật là giác ngộ, nếu chấp vào Phật thì còn mê, vì có mê nên mới có ngộ. 
Cho nên, kinh Viên Giác nói: “Nếu chấp ngộ chấp chứng thì lọt vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” là tứ tướng của bậc thánh còn chướng ngại vi tế, gọi là mê trí tứ tướng. Tứ tướng của phàm phu là mê thức.

Hỏi:
Người tôn giáo khác đến gặp Tổ Sư Thiền rồi tu, có phải phản bội tôn giáo mình không?

Đáp:
Không phải! Thật tế, Phật giáo không phải một tôn giáo, là giáo dục bao gồm tất cả; không những nhân loại mà luôn cả chúng sanh đều bao gồm. Nhân loại chỉ một phần của chúng sanh. Trong nhân loại có đủ thứ tôn giáo, tà ma ngoại đạo, công thương kỹ nghệ, không thiếu sót một cái nào. Vì Phật nói tất cả chúng sanh bình đẳng Phật tánh, Phật pháp muốn hiển bày tâm của mọi chúng sanh.
Ngài Long Thọ nói: “Tâm như hư không vô sở hữu dung nạp và ứng dụng”. Tất cả tôn giáo cũng nhờ vô sở hữu dung nạp và ứng dụng, cho đến tất cả chúng sanh không có cái nào ở ngoài vô sở hữu này. Phật giáo không phân biệt tôn giáo, vì Phật Thích Ca là giáo dục. Do người ta cho Phật giáo là tôn giáo, bản chất không phải một tôn giáo. 

Hỏi:
Việc cầu siêu cầu đảo có thật không?

Đáp:
Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền nói: “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Phàm chánh pháp phải phá ngã chấp, nếu cầu được thì phá hoại nhân quả; tức là không làm nhân mà được quả. Nhân quả là tạo thiện nhân được quả tốt, tạo ác nhân chịu quả khổ. Nếu cầu được thì tạo ác cũng không sao! Cũng khỏi cần tu hành.

Hỏi:
Ngài Lai Quả phạm qui củ bị đánh hương bảng. Việc ấy như thế nào?

Đáp:
Cảnh giới này là ngài đến chân tham.

Hỏi:
Đời thượng ngươn có Phật Thích Ca chứng ngộ, sau này có ai giác ngộ không?

Đáp:
Các vị kiến tánh trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa ghi 7.000 Tổ, có tên họ đàng hoàng.
Nói có nói không là thế nào?
Nói có là thường kiến ngoại đạo, nói không là đoạn kiến ngoại đạo; tức là nói có và không đều không đúng. Phật pháp không thiên về một bên có hoặc không, nên gọi là bất nhị, nhị là tương đối.
Phim Tây Du Ký là như thế nào?
Tác giả của Tây Du Ký là Ngô Thừa Ân theo Đạo giáo phỉ báng Phật giáo. Tác giả tiểu thuyết Phong Thần để công kích Đạo giáo. Nếu mình tin vào Tây Du Ký thì cũng liên lụy đến tội địa ngục.

Hỏi:
Tác ý và tạo tác giống nhau không?

Đáp:
Tác ý là ý thức khởi niệm lên, tạo tác là đã làm. Như tác ý là nổi niệm lên muốn ăn cắp trái tắc, nhưng chưa ăn cắp; tạo tác là lấy trái tắc rời chỗ.
Tác ý có nhân quả không?
Nếu thọ giới Bồ Tát tác ý thì phạm giới, giới Thinh văn làm rồi mới phạm. Như theo giới Bồ Tát khởi ý niệm lấy thì phạm giới, giới Thinh văn là lấy vật rời khỏi chỗ thì phạm giới. Nhưng theo nhân quả có khởi tâm là phạm.

Hỏi:
Tại sao Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả?

Đáp:
Vì tạo nhân thì quả sẽ có. Chúng sanh tạo ác nhân để cho mình được lợi ích phát tài, lúc quả đến thì sợ. Bồ Tát sợ nhân nên không tạo nhân thì không có quả. 

Hỏi:
Phật tử theo những người tự xưng là đạo Phật, rồi cho các vị ấy là Phật sống hay là Quan Thế Âm để dạy người khác mê lầm. Như vậy chánh đạo hay là tà đạo?

Đáp:
Những người gắn bảng hiệu Phật giáo, mà hành theo ngoại đạo thì phải bị tội địa ngục. Như giới luật nhà Phật nói “Chưa chứng mà nói chứng bị tội ba la di, nếu nói một lần chịu chín triệu năm địa ngục”.
Các vị đã chứng quả Bồ Tát cũng không xưng là Vô Thượng Sư, vì trên Bồ Tát còn có quả vị cao hơn.

Hỏi:
Tham thiền là chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Khi đề câu thoại khởi nghi tình, ngay lúc đó dù tác ý hay không tác ý thì cũng lọt vào ghi nhớ biết nghi tình. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Không phải vậy ! Nếu giữ được nghi tình thì không hiểu không biết. Nổi lên cái biết thì có thể tìm hiểu. Vì không biết nên không nổi lên tìm hiểu, tự động chấm dứt cái biết.
Khởi lên suy nghĩ là biết mình đang suy nghĩ thì không phải nghi tình. Nổi lên nói mình có trí nhớ là biết, nên không phải tham thiền. Tham thiền mình không có trí nhớ hay không có trí nhớ đều không biết thì gọi là nghi tình.
Như ông cho nhớ hay quên là sai lầm, nếu giữ được nghi tình thì quên hết tất cả, chưa quên hết tất cả là công phu còn cạn.

Hỏi:
Ngài Lai Quả nói: “Tham thiền và vọng tưởng không phải là hai, đề câu thoại đầu lên thì thấy không có vọng tưởng”. Vậy nhớ câu thoại đầu để hỏi thì có phải ghi nhớ biết không?

Đáp:
Phải rồi ! Vì ngài Lai Quả muốn giải thích, mới dùng lời nói của thế gian. Như tôi muốn giải thích, phải dùng chỗ không biết. Vì không có mục tiêu để nhìn, nên tôi dùng phương tiện là nhìn chỗ đen tối. 
Nhưng nhìn chỗ đen tối là không đúng, chỉ là phương tiện tạm thời để cho họ được vào cửa, mới dùng đen tối để thí dụ cho chỗ không biết. Tất cả lời của chư Phật chư Tổ là phương tiện tạm thời.

Hỏi:
Khởi câu thoại vỉ có thể lọt vào pháp tạo tác không? Và tin tự tâm chưa đầy đủ làm sao dụng công?

Đáp:
Thoại đầu là chưa khởi niệm muốn nói câu thoại, mục đích muốn đến thoại đầu; tuy chưa đến thoại đầu, nhưng cũng gọi là tham thoại đầu.
Tham là hỏi, khán là nhìn; hỏi để kích thích lên một niệm không hiểu không biết, hỏi không phải tạo tác. Đó là đường lối thực hành để đến thoại đầu (chỗ hoàn toàn không tạo tác). Vì mình hay tạo tác, nên Phật dạy đường lối chấm dứt tạo tác. Do có tạo nên có thành, phải có hoại là không phải pháp bản trụ (bản lai diện mục). 
Nếu nói tất cả mình đầy đủ, vậy mình khỏi ăn cơm. Đầy đủ rồi cần ăn cơm mặc áo chi nữa! Vì mặc áo ăn cơm là tạo tác.
Nếu vậy thì Phật tánh lại có gián đoạn!
Phật tánh không gián đoạn, tại mình hạn chế; tuy hạn chế làm che khuất, nhưng Phật tánh không bao giờ gián đoạn.
Có người hỏi: Nếu dùng không biết để tu đến thoại đầu thì sắp kiến tánh là sắp biết phải không?
Tôi nói: Không thể nói sắp biết, vì cái biết là pháp bản trụ (vốn sẵn có), không có bắt đầu gọi là vô thỉ (vô sanh). Do sanh nên có bắt đầu thì tạo tác, tạo tác phải có kiến lập. Cái biết vốn sẵn có, làm sao nói là sắp biết? Nếu sắp biết thì đã có ngưng, nên không cùng khắp thời gian không gian. 
Như trời gần sáng, mặt trời sắp chiếu phải không? Không phải. Vì mặt trời đâu có ngưng chiếu, sao nói là sắp chiếu! Như cái biết của mình đâu có ngưng biết mà nói là sắp biết? Vì không thấy mặt trời chiếu là do bị mây đen và trái đất che khuất.

Hỏi:
Thế nào dụng công ít phí sức?

Đáp:
Tham Tổ Sư thiền ít phí sức chừng nào tốt chừng nấy, giữ nghi tình như sợi chỉ được kéo dài; đừng tập trung tinh thần, không cần cố gắng; tập trung tinh thần cố gắng là phí sức.
Nếu hỏi một lần, rồi cách một hồi hỏi nữa thì có kẽ hở mà vọng tưởng nổi lên. Phải hỏi khít khít thì vọng tưởng không thể nổi lên, gọi là miên mật. Chỉ cần nghi tình miên mật một chút là đủ.

Hỏi:
“Ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng”, dụng công như vậy có thể vào đạo không?

Đáp:
Đó là lời chư Phật chư Tổ dạy làm phương tiện tạm thời, không phải người nào cũng vậy; Tổ dạy mỗi người có khác. Trong lịch sử Thiền tông có nhiều trường hợp này, như có người hỏi thì Tổ trả lời thế này; người khác hỏi thì Tổ trả lời thế kia. Vì không có pháp nhất định, nên gọi là Phật pháp; tức là Phật pháp tùy duyên, Giáo môn gọi là tùy duyên bất biến.
Nếu dùng ngôn ngữ để diễn tả thì không phải thật tế. Như câu trên diễn tả cho tâm là không đúng thật tế. Vì thật tế tâm là vô sở hữu, do vô sở hữu nên gọi là tánh không. Nhờ tánh không, nên nhà cửa, núi sông, đất đai,… đều ở trong đó dung nạp và ứng dụng. Bản thể vô sở hữu đâu thể nói là vách tường hay cái gì! 
Có người hỏi ngài Long Thọ: Tại sao không nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật, mà nói hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật?
Ngài Long Thọ nói: Hư không vô sở hữu là không có hư không, nhưng lại dung nạp và ứng dụng. Đã biết không có hư không sao còn nói quảng đại? Vì có kiến lập khái niệm rồi nói quảng đại. Tất cả không thể kiến lập, nên nói là vô thỉ vô sanh. Nếu có kiến lập thì không phải thật tế, không phải pháp bản trụ sẵn có.
Cho nên, dùng ý thức phân biệt để tìm hiểu nhiều thì càng xa cho sự kiến tánh. Vì vậy, cần phải chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Các nhà bác học có thực nghiệm cũng biết được.
Tu có định lực cao thì phân biệt bớt, định lực thấp thì phân biệt nhiều. Các nhà bác học qua sự nghiên cứu phát hiện người lâm chung, thấy hành vi cuộc đời của người ấy hiện trong một sát na, mỗi chi tiết đều hiện ra một lượt, tuy tiếp xúc một lần cũng hiện đầy đủ.

Hỏi:
Khi niệm câu thoại vỉ và hỏi câu thoại cũng là thoại vỉ. Vậy như thế nào?

Đáp:
Hỏi và nhìn là lìa thoại vỉ, nhưng chưa đến thoại đầu, mà đang đi ở giữa đường. Ví dụ cây viết cho ý thức, đầu trên cây viết là thoại đầu, đầu dưới cây viết là thoại vỉ. Ý thức gồm có 2 mặt: Dùng cái biết để tu, gọi là tu Như Lai thiền; dùng không biết để tu, gọi là tu Tổ Sư thiền. Cuối cùng hai pháp tu đều đến thoại đầu.
Đến thoại đầu là đường đi ý thức hết thì tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết đều chấm dứt; nhưng còn không hiểu không biết (nghi tình), chỗ này gọi là vô thỉ vô minh (đầu sào trăm thước, nguồn gốc ý thức). Nghi tình cũng là một mặt của ý thức nên còn dính líu với ý thức. Sát Na từ đầu sào trăm thước tiến lên một bước là lìa khỏi ý thức thì được kiến tánh thành Phật.
Sát na lìa ý thức thì biết và không biết của bộ óc, cái biết chánh biến tri hiện lên khắp không gian thời gian; ngài Vĩnh Gia gọi là vô duyên tri, Giáo môn gọi là trí Bát nhã, chánh biến tri cũng là cái biết của bản thể. Cái biết này không gián đoạn, như vừa rồi tôi nói là không thể sắp biết, vì không có ngưng biết.
Người ta cho rằng dùng cái biết mới tu được, nhưng dùng cái biết để tu dễ bị ngoại cảnh lôi kéo. Tại sao? Vì gặp tốt thì sanh lòng tham thích, thấy xấu thì chê bai. Nếu dùng không biết để tu thì tốt đẹp cũng không biết nên không ham thích, gặp xấu thì không biết nên không chê bai. Cho nên dễ đến thoại đầu, vì vậy gọi là pháp thiền trực tiếp.
Nếu tìm hiểu để đáp án câu thoại là sai lầm, hay dùng ý thức phân biệt cho là trí khôn, vọng tưởng, nghi tình, đó là dùng cái biết chứ không dùng cái không biết. Khi thực hành tham thiền, nếu hiểu thiền hiểu đạo còn không cho, huống chi hiểu cái khác! Vì hiểu là biết, tham thiền là cần cái không hiểu không biết.

Hỏi:
Tu thiền voga, khi ngồi họ bay lên, vậy có giống Tổ Sư Thiền không?

Đáp:
Tổ Sư Thiền không có những cái đó, những cái đó giống như tà ma ngoại đạo.
Có những câu chuyện như thần giao cách cảm!
Bài hồi sáng là tôi chỉ để tăng cường lòng tin tự tâm cùng khắp không gian thời gian. Nhưng người phát hiện cũng có người cao người thấp, không phải bản thể của tâm. Vì họ có thiền định nên sức tâm mạnh thì phân biệt ít, được tầng số cao. Nếu họ có tầng số thấp thì phân biệt nhiều. Phân biệt theo Phật pháp gọi là thức, còn trí thì không phân biệt.

Hỏi:
Thế nào căn bản của Tổ Sư Thiền?

Đáp:
Tham thiền là mục đích giải thoát tất cả khổ, mọi người đều được làm chủ cho mình; không bị người khác chi phối, không bị ngoại cảnh chi phối; mới được tự do tự tại thì không ỷ lại người khác, tự làm chủ cho mình thì phải biết mình là cái gì.
Nếu không biết mình là cái gì thì sao làm chủ mình được! Tham thiền để biết chính mình là gì, giải thoát tất cả khổ vĩnh viễn, muôn ngàn kiếp sau không trở lại nữa. Muốn giải thoát tất cả khổ phải thực hành tham thiền, hỏi câu thoại là kích thích niệm không hiểu không biết.
Tôi hỏi ông: Khi chưa có trời đất ông là gì?
Ông ấy đáp: Không biết.
Khán là nhìn chỗ không biết, muốn xem chỗ không biết đó là gì; chỗ không biết thì không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn; vẫn còn không biết, Thiền tông gọi là nghi tình.
Hành giả tham thiền hỏi và nhìn đồng thời song song để giữ nghi tình, đưa hành giả đến thoại đầu sẽ kiến tánh thành Phật là giác ngộ chính mình, được làm chủ cho mình.

Hỏi:
Nhìn chỗ không mục tiêu, vậy không biết nhìn chỗ nào?

Đáp:
Nếu nhìn không thấy gì thì cứ nhìn mãi, nhìn không có mục tiêu mới đúng; còn nhìn có mục tiêu là sai lầm, vì đường lối của Phật Thích Ca là vậy. Ban đầu tôi dùng phương tiện là nhìn chỗ đen tối, nhưng không phải chỗ đen tối. Nhìn chỗ đen tối tạm thời, nhưng người ta chấp đen tối là mục tiêu; như vậy đã kiến lập đen tối, tức là có sáng rồi mới có tối.
Tự tánh bất nhị không có tương đối luôn cả cái biết cũng không thể kiến lập như có người hỏi tu đến thoại đầu thì sắp biết phải không?
Tôi nói: Đâu thể nói là sắp biết! Cái biết đó sẵn sàng thì sao nói là sắp biết? Cái biết ấy đâu có ngưng biết mà nói sắp biết. Như ánh sáng mặt trời đâu có ngưng chiếu mà nói sắp chiếu!
(Trừ nghiệp chướng phiền não…. trang 128).
Vì vậy tôi nói chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Mặc dầu, chưa đến thoại đầu, nhưng cũng có ích lợi.

Hỏi:
Thoại đầu là gì?

Đáp:
Thoại là lời nói, đầu là đầu tiên lời nói; tức là khi chưa khởi niệm muốn nói gọi là thoại đầu. Nếu khởi niệm muốn nói, tuy chưa nói  ra miệng là thoại vỉ (đuôi), không hiểu không biết là nghi tình, chứ không phải thoại đầu; nhưng nhờ nghi tình mới đưa đến thoại đầu.
Niệm thoại đầu là không đúng, phải hỏi câu thoại. Nếu niệm là pháp môn khác, không phải pháp môn Tổ Sư Thiền.
Vậy lấy chi để nhớ?
Không cho nhớ, quên là tiến bộ. Quên hết tất cả là tốt, mục đích chấm dứt cái nhớ. Học để ứng dụng vô sở hữu, vô sở hữu là không bị hạn chế.

Hỏi:
Thế nào là công án?

Đáp: 
Công án là để cho người tham thiền thình lình được ngộ, nếu không ngộ thì không hiểu phải phát nghi rồi đến ngộ. Vì nghi là nhân, ngộ là quả; còn ngộ rồi thì hết nghi, tức không còn gì để nghi nữa, là tất cả vũ trụ đều biết hết.
Công án và thoại đầu có khác không?
Không khác, công án phức tạp hơn thoại đầu. Nhưng người ta thường tham công án chữ “vô” của Triệu Châu.
Tăng hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: Có.
Tăng khác hỏi: Con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: Không.
Theo người ta biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao Triệu Châu nói không? Không lẻ Triệu Châu là một Thiền sư danh tiếng mà lại nói sai!
Nếu hiểu công án rồi thì sao?
Hiểu rồi thì đã ngộ, ngộ là tất cả đều biết, khỏi cần hỏi tôi nữa. Mặt trăng, mặt trời, … đều biết, không chỗ nào không biết, không lúc nào không biết.
Con hiểu theo ý con thì thế nào?
Hiểu theo ý cô là ngu, tức chưa lìa ý thức. Ý thức cần phải chấm dứt. Theo bộ óc của cô biết thì ngủ mê, chết giấc, thật chết đều không biết; ngộ triệt để thì ngủ mê, chết giấc, thật chết đều biết.
Có người giải thích như thế này, có người hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: Có.
Đáp có là phá chấp không của người hỏi.
Người khác hỏi Triệu Châu: Con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: Không.
Đáp không là phá chấp có của người hỏi. Như vậy có phải không?
Nếu kinh thì giải thích như vậy là đúng, công án không thể giải thích; nếu giải thích công án là ngịch với ý Tổ cũng là phỉ báng Tổ có tội địa ngục. Vì giải thích thì hết nghi, không đúng với thực tế. Mục đích tham thiền là chấm dứt hiểu biết, tại sao còn giải thích?

Hỏi:
Công phu có cái biết không phải bộ não, đôi lúc không liên tục, lời nói lập lại gián đoạn, vọng tưởng không thông suốt. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Cái biết sẵn sàng không thể kiến lập, có kiến lập là hai rồi. Thiền Tông gọi là trên đầu mọc thêm đầu, vì có một cái đầu đủ dùng, nên phải mời Bác sĩ cắt bỏ, mới khôi phục lại cái đầu sẵn có. Như cái biết đã sẵn có, không thể kiến lập cái biết khác; nếu kiến lập cái biết thì phải có không biết để đối đãi, vì Phật tánh bất nhị không có đối đãi.
Tại sao dùng không hiểu không biết để chấm dứt tất cả biết của bộ óc? Vì một người chỉ có một cái biết, không thể có hai cái biết. Nếu cái biết của bộ óc hiện hành thì cái biết Phật tánh không thể hiện lên. Cho nên, phải dẹp hết cái biết của bộ óc thì cái biết Phật tánh mới hiện lên.
Ví dụ mặt mũi mình chỉ có một, khi bệnh thì hiện ra xanh vàng ốm yếu; nên tướng mạnh không thể hiện ra, khi nào chữa hết bệnh thì tướng mạnh hồng hào hiện ra. Như cái biết Phật tánh hiện lên là tướng mạnh, bây giờ tướng mạnh không hiện là do tướng bệnh bộ óc che khuất. Nếu dùng tướng bệnh để tìm tướng mạnh thì không thể được.

Hỏi:
“Bên ngoài lìa tướng là thiền.” Vậy lìa tướng là gì?

Đáp:
Đó là phương tiện của Tổ, Phật Thích Ca có giải thích 4 tướng: Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Có chia ra làm 2 loại: Mê thức tứ tướng của phàm phu và mê trí tứ tướng của bậc thánh.
Tại sao mê trí tứ tướng của bậc thánh? Vì ôm cái ngộ cho là ta, tức là phá ngũ uẩn ngã là ta.; lại ôm sở ngộ sở chứng là ta, cuối cùng ôm Niết Bàn là ta chứng. Cái ngã vi tế vẫn còn thay thế cái ngã ngũ uẩn, nên còn có thọ giả tướng; kinh Viên Giác gọi là thọ mạng tướng (mạng căn chưa cắt dứt). Thiền Tông khi ngộ triệt để thì mạng căn cắt dứt, không còn cái gì là ta.
Nhiều người nghe nói mạng căn dứt thì sợ vì mất cái ta. Nhưng nhà bác học Tây phương có định lực cao cũng phát hiện điều đó, có thể chứng tỏ vạn pháp duy tâm. Mình chưa kiến tánh thì thấy tướng và tánh khác nhau nhưng kiến tánh thì không phân biệt tướng và tánh. Cho nên, Phật tánh hiện lên gọi là thật tướng, thật tướng là vô tướng tức không có 4 tướng này.

Hỏi:
Người kiến tánh thì cái biết của bộ óc đều xóa hết, nếu chưa kiến tánh thì những hiểu biết của bộ óc đều mang theo. Vậy có đúng không?

Đáp:
Chưa kiến tánh thì phải nói vậy, kiến tánh rồi không có chết và sống. Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô lão tử”. Vì mình chấp sanh tử, nên có diễn tả những việc trước khi chết. Nếu không có sanh tử thì sao có chuyện trước khi chết hay sau khi chết! Chấp có sanh tử nên bị hạn chế trong ngũ giác quan, không gian và thời gian.
Thực tế không có khái niệm không gian và thời gian. Do mình kiến lập không gian thời gian nên bị không gian thời gian hạn chế. Đến chừng kiến tánh triệt để thì không gian thời gian đều tiêu diệt. Như nhà khoa học phát hiện tốc độ ánh sáng cao nhất, nhưng tâm lực của mình sẵn có; nếu đem so với tốc độ ánh sáng thì tốc độ ánh sáng là thấp nhất.
Tốc độ ánh sáng đi 1 giây 300.000 km, nhà khoa học tính ánh sáng mặt trời đi đến địa cầu mất 8 ngày. Tốc độ ánh sáng đi một năm gọi là một quang niên. Ví dụ ánh sáng từ mặt trời đến một hành tinh khác 1000 năm, thì sức của tâm mình chỉ khởi lên một niệm là đến; hay ánh sáng đi 10.000 năm đến thì tâm mình cũng khởi lên một niệm là đến. 
Cho nên, biết sức của tâm không bị không gian hạn chế. Nhà bác học cũng phát hiện được điểm này, vì họ có tâm niệm cao; còn mình cũng có tâm niệm, nhưng lại yếu hơn.

Hỏi:
Tự tánh đã sẵn có cái biết, Hòa Thượng dạy cái không biết chấm dứt cái biết là thế nào?

Đáp:
Vì kiến lập biết thì có không biết để đối đãi, không thể kiến lập cái biết; nhưng không phải là không biết. Do không có đối đãi nên có vô duyên tri. Như bài kệ của ngài Vĩnh Gia:
Tay không cầm như ý,
Chẳng tự làm nắm tay.
Không phải là không tay,
Vì tay vẫn an nhiên.
Không đồng như sừng thỏ.
Tay vẫn an nhiên thì hoạt bát vạn năng, muốn lấy cái gì cũng được. Muốn hoạt bát vạn năng thì tay không cầm như ý. Cho nên, ngài Vĩnh Gia dùng cái tay ví dụ rất dễ hiểu, nếu chỉ dùng lời nói thì mọi người không thể hiểu. Hiểu được ý này thì hiểu được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Hỏi:
Chỗ nhìn không có chỗ để nhìn, nên không đặt nặng chỗ nhìn; vì vậy hỏi câu thoại cảm thấy không biết thì con đề lên liên tục. Xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Không được! Hỏi và nhìn đồng thời song song, có nhìn mới giữ được không biết kéo dài thì được đến thoại đầu. Nếu không có nhìn mà hỏi thì có thắc mắc, ngưng hỏi lại không có thắc mắc; hay vừa hỏi thì không biết, rồi cái biết nổi lên; lúc biết lúc không biết cứ nổi lên hoài, rồi tự mình không hay. Vì tâm niệm mình thay đổi từng sát na. Nhìn vào chỗ không thấy gì cứ nhìn mới đúng, nếu nhìn thấy có gì thì không đúng.
Con nhìn một thời gian thì câu thoại cũng mất, không biết mình có tham thiền hay không?
Thì cứ hỏi và nhìn tiếp tục nữa, nếu vậy sẽ mau đến chân tham; chân tham là có tham, nhưng không biết mình đang tham thiền.
Chỗ nhìn không biết thì con quên hỏi câu thoại đầu, nên có vọng tưởng nổi lên.
Nếu vậy, hãy đề lại nữa. Như ngài Lai Quả có lần ngưng tham thiền 2 ngày rồi sau mới đề lại. Phải hỏi và nhìn song song, đến thoại đầu thì câu thoại tự mất, muốn hỏi câu thoại cũng không được.

Hỏi:
Câu thoại đầu là một ý niệm, nhưng ý niệm này không thể tìm; một thời gian có nghi tình và vở ra thì câu thoại đầu tự mất, cho nên ý niệm tiêu. Vậy có phải không?

Đáp:
Không phải! Câu thoại là kích thích niệm không biết. Nếu không hỏi câu thoại thì niệm không biết chẳng thể nổi lên. Cho nên phải hỏi và nhìn song song.
Thiền Thất Khai Thị Lục nói “Không cho ông buông ý niệm” là thế nào?
Chính không biết là ý niệm, chư Phật chư Tổ sợ người ta chấp theo lời nói. Như A Nan nói tâm ở trong thân thì Phật nói chẳng phải, A Nan nói tâm ở ngoài thân thì Phật nói chẳng phải, A Nan nói tâm ở giữa thì Phật nói cũng chẳng phải, A Nan nói tâm đến 7 chỗ thì Phật nói chẳng phải. Nhưng cái chẳng phải của Phật cũng không đúng, nếu y lời chẳng phải của Phật là sai lầm.
Vì tâm cùng khắp không gian, nếu không ở trong, ở ngoài, ở giữa làm sao có cùng khắp? Phật rất sợ người ta chấp lời nói của Phật, vì vậy Phật nói: “49 năm thuyết pháp, tôi chưa từng nói một chữ” và “ai nói Phật có thuyết pháp là người ấy phỉ báng Phật”.

Hỏi:
Trước kia con đã tu thiền khác, bây giờ muốn tham Tổ Sư thiền. Vậy phải làm thế nào?

Đáp:
Thiền là tổng danh, Phật dạy các pháp môn đều lấy thiền làm căn bản. Như người tu Tịnh Độ tưởng là không có thiền, nhưng Tịnh Độ cũng có thiền. Các thiền kia đều khác Tổ Sư thiền, Tổ Sư thiền là do Phật Thích Ca truyền cho Ma Ha Ca Diếp, rồi truyền cho A Nan, A Nan truyền cho Thương Na Hòa Tu, từ Tổ từ Tổ truyền xuống đến Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc làm Sơ Tổ, rồi truyền cho Nhị Tổ là Huệ Khả, Tam Tổ là Tăng Xán, Tứ Tổ là Đạo Tín, Ngũ Tổ là Hoằng Nhẫn, Lục Tổ là Huệ Năng.

Lục Tổ là người không biết chữ, mà nổi tiếng khắp thế giới; sức dụng của các Tổ biết chữ không bằng. Pháp Bảo Đàn Kinh được dịch ra truyền khắp thế giới.

Các chùa tu Tịnh Độ nhưng lại thờ Tổ Đạt Ma (Tổ Thiền tông). Không những Phật pháp có thiền, tà ma ngoại đạo cũng đều có thiền. Không biết bà nói tu thiền gì? Còn tôi hoằng dương Tổ Sư thiền, do các Tổ sư từ đời từ đời truyền xuống.

Chỉ có Tổ Sư thiền mới gọi là Thiền tông, còn các thiền khác không gọi là Thiền tông. Tịnh Độ tông cũng có thiền, Thiên Thai tông có chỉ quán thiền, Hiền Thủ tông có pháp giới quán thiền, Duy Thức tông có duy thức quán thiền; mỗi tông mỗi phái đều có thiền riêng biệt của tông phái đó.

Nhưng các thiền kia đều dùng cái biết để tu, gọi là Như Lai thiền; dùng không biết để tu, gọi là Tổ Sư thiền. Tổ Sư thiền rất giản dị chỉ hỏi câu thoại và nhìn thoại đầu.

Tôi hỏi cô: Khi chưa có trời đất cô là cái gì? 

Không biết.

Không biết là đúng rồi, hỏi câu thoại là kích thích niệm không hiểu không biết; khán thoại đầu là nhìn chỗ niệm không biết, muốn xem chỗ không biết là gì; tuy nói chỗ không biết nhưng không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn, nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết, Thiền tông gọi là nghi tình.

Chỉ cần hỏi và nhìn song song để giữ nghi tình được kéo dài, đưa hành giả đến thoại đầu; sẽ được kiến tánh thành Phật, khi ấy chỗ nào cũng biết và lúc nào cũng biết. Cái biết bộ óc không cùng khắp thời gian thì ngủ mê, chết giấc, thật chết đều không biết. Cái biết Phật tánh thì ngủ mê, chết giấc, thật chết đều biết.

Chỗ nào cũng biết gọi là cùng khắp không gian, lúc nào cũng biết là cùng khắp thời gian. Đó là sức dụng của tâm và sức dụng tâm cô cũng đầy đủ tất cả.

Tôi hỏi cô: Tin có Phật tánh không?
Có.
Phật tánh có thể giảm bớt không?
Con không biết được.

Nếu Phật tánh giảm bớt thì không được gọi là Phật tánh, vì Phật tánh vĩnh viễn không sanh diệt; nếu Phật tánh giảm bớt thì có ngày phải  hết nên bị sanh diệt, nên thành Phật cũng vô dụng. Tin mình có Phật tánh thì phải biết Phật tánh không thể giảm bớt. Phật tánh không gián đoạn, nếu gián đoạn cũng bị sanh diệt.

Cho nên, kiến tánh là lìa khỏi luân hồi, Phật tánh không thể giảm bớt thì năng lực mọi người bằng Phật Thích Ca. Nếu năng lực kém hơn Phật một chút thì có giảm bớt.
Muốn ngộ chỉ có hỏi và nhìn, hỏi câu thoại để kích thích một niệm không biết; nhìn chỗ không biết là để kéo dài niệm không biết, rồi sẽ đưa đến thoại đầu; từ thoại đầu tiến thêm một bước là lìa khỏi ý thức, luôn cả không biết cũng tan rã. Lúc ấy, biết và không biết của bộ óc đều sạch hết, thì biết Phật tánh hiện lên khắp không gian thời gian.

Thực hành như hỏi câu thoại “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Cảm thấy không biết, rồi nhìn chỗ không biết; hỏi và nhìn song song, không có trước sau; hỏi không gián đoạn, nhìn cũng không gián đoạn; hỏi không phải dùng miệng hỏi, dùng tâm hỏi thầm; nhìn không phải dùng mắt nhìn, mà dùng tâm nhìn thầm.

Hỏi:
Có phải giới luật đều trong công phu?

Đáp:
Khi thọ giới phải giữ giới của mình thọ. Giữ giới có 3 cấp:
Giới phổ thông là mỗi nửa tháng bố tát có tụng giới, trước khi tụng giới  có kiểm thảo. Tăng chúng họp mặt lại cử một người làm chủ tịch hỏi: “Nửa tháng nay có ai phạm giới không? Nếu có thì ra trước đại chúng phát lồ sám hối”.
Vì sám hối là diệt tội, hỏi 3 lần chẳng ai lên tiếng thì biết mọi người đều giữ giới thanh tịnh, nên bắt đầu tụng giới. Nếu mình biết người bạn phạm giới không ra chúng sám hối, phải ra chúng cử tội người đó. Mình không cử tội người đó, sau này người khác phát giác thì mình và bạn mình đều cùng một tội.
Như phạm ba la di là bị địa ngục 9  triệu năm, người che dấu cũng phải bị địa ngục 9 triệu năm. Ngày xưa truyền giới của các giới đều trong ngày bố tát. Ngày tự tứ là mỗi Tăng chúng ra trước đại chúng tự kiểm thảo và hỏi “ai có thấy, nghe, nghi tôi phạm giới không? Nếu các vị biết thì xin ra chúng cử tội tôi”.
Thiền giới là mình ở trong thiền định thì không phạm giới. Trong ngày đêm 24 giờ nếu có giây phút không thiền định thì có thể giây phút đó phạm giới.
Đạo cộng giới là đã đắc đạo thì tự nhiên không phạm giới.
Bất cứ pháp môn nào cũng lấy giới làm căn bản, tu thiền cũng phải giữ giới, vì mình không thể thiền định luôn 24/24.

Hỏi:
Tại sao Sư Phụ chỉ đưa ra 5 câu thoại đầu để tham?

Đáp:
5 câu thoại đầu này là của chư Tổ, tôi chỉ chọn 5 câu để tham; nhưng câu thoại đầu rất nhiều, nếu tự mình có cái nghi thì tốt hơn.
Có thắc mắc, tại sao con có mặt ở cõi Ta Bà và chết đi về đâu?
Nếu tự mình thắc mắc như vậy thì tự nghi việc ấy tốt hơn.
Vậy ông trời ở đâu sanh?
Phật đã nói tất cả là vô thỉ, tức là không có bắt đầu làm sao có tạo thiên lập địa? Cho nên, người chứng quả ngộ pháp vô sanh. Các nhà khoa học có đề ra 2 câu hỏi: Vũ trụ có bắt đầu chăng? Và con gà có trước hay trứng gà có trước? 
Đều không giải quyết được. Tại sao? Vì con gà có trước không được, vì không có trứng gà thì không thể ấp ra con gà. Trứng gà có trước cũng không được, tại không có con gà thì không đẻ ra trứng gà. Cho nên, Phật nói không có bắt đầu.
Nhà khoa học tìm bắt đầu của vũ trụ, theo Phật gọi là si mê; vì không có bắt đầu, mà tìm sự bắt đầu. Như bây giờ cô có cái nghi đó là kiếp trước đã tham thiền, cũng là con cháu của Thiền tông, nếu tham thiền mau kết quả.
Kinh Pháp Hoa nói: “Người nữ có 5 thứ chướng ngại”, nhưng sự thật không phải vậy. Chính kinh Pháp hoa nói: “Long nữ 8 tuổi thành Phật” và tôi có đề ra cô họ Trịnh 13 tuổi, cô họ Tô 15 tuổi đều kiến tánh. 

Hỏi:
Thế nào là tà ma ngoại đạo thiền?

Đáp:
Thiền tà ma ngoại đạo là còn chấp ta, nên họ không bao giờ giải thoát được. Có nghi về cái ta thì dễ phá chấp cái ta, như nghi: Tại sao thành lập cái ta?
Tham Tổ Sư thiền có còn thiền Tịnh Độ nữa không?
Thiền Tịnh Độ là không tin tự tâm, Tịnh độ có 16 pháp thiền quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ là còn chấp thật. Tham Tổ Sư thiền là phá chấp thật.
Đã biết thân cô là cha mẹ sanh, nhưng không thành lập cái ta được. Cho nên, mới nghi làm sao có ta? Tịnh Độ đã chấp cái ta thì không thể tham Tổ Sư thiền. Đến khi họ vãng sanh Tây Phương nhờ Phật A Di Đà dạy tham thiền, vì bây giờ không tin Tổ Sư thiền.

Hỏi:
Nếu tu chưa đến kiến tánh, gặp nhiều chướng ngại bị sanh tử thì như thế nào?

Đáp:
Cô đã có cái nghi về ta, nhưng qua 30 năm gặp những người chấp thật nói phải nhờ tha lực; nhưng đến nay gặp tôi mới biết cô có căn cơ tham thiền. Khi chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến. Cho nên, kiếp này tham thiền chưa kiến tánh rồi chết thì kiếp sau tiếp tục tham.

Hỏi:
Vọng tưởng nổi lên liền buông, có phải không còn vọng chăng?

Đáp:
Vọng tưởng nổi lên mặc kệ, đừng biết tới; không có vọng tưởng cũng không biết, vì nghi tình là không biết. Biết có nghi tình không phải tham thiền, có vọng tưởng cứ hỏi và nhìn (giữ cái không biết được kéo dài) thì vọng tưởng tự mất. Đừng có tâm buông vọng tưởng hay dẹp vọng tưởng.

Hỏi:
Người tu đã đạt đạo, khi bỏ xác thì thần thức đi về đâu?

Đáp:
Không có đi về đâu, nếu có về đâu thì không cùng khắp không gian. Vì khắp không gian chỉ khởi lên một niệm là đến, mà ánh sáng đi có thể 1.000 năm mới đến. Còn chấp tâm nên không cùng khắp, chánh pháp là phá ngã chấp. Đường Lối Tực Hành Tham Tổ Sư Thiền có điều thứ nhất là “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” để phá ngã chấp.

Hỏi:
Người tu Tịnh Độ, nếu chưa được nhất tâm, khi bỏ xác có được hạ phẩm hạ sanh và đới nghiệp vãng sanh không? 

Đáp: 
Tu Tịnh Độ phải đúng tông chỉ Tịnh Độ thì mới được vãng sanh. Nếu không đúng tông chỉ Tịnh Độ có xê xích một sợi tóc cũng không được vãng sanh. Ví dụ tổng đài là cái nguyện của Phật A Di Đà, radio nhỏ là cái nguyện của mình. Nếu mình vặn đúng tần số của tổng đài thì máy radio sẽ nhận được tổng đài phát ra, nếu vặn xê xích một chút thì không tương ưng với tổng đài.
Cái nguyện mình cũng vậy, khế hợp với nguyện Phật A Di Đà thì mới tương ưng được vãng sanh. Nếu xê xích một chút thì không được tương ưng nên không được vãng sanh. 

Hỏi:
Yếu chỉ của Giáo môn như thế nào? 

Đáp:
Yếu chỉ của Giáo môn có ghi trong kinh chia ra làm tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát). Cách tu của Giáo môn là tụng kinh và quán tưởng (tùy duyên quán tưởng). Lúc tụng kinh là tu, chứ không tụng suông; tụng đến đâu quán tưởng đến đó.
Ngài Đế Nhàn của tông Thiên Thai (Pháp Hoa tông). Quán Tông tự của tông Thiên Thai ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Tăng chúng ở chùa đều phải có ba thời kinh, mỗi thời 2 giờ. Nếu chúng tăng tụng không đủ 2 giờ thì ngài quở làm biếng.
Theo kinh giáo thực hành thì chứng quả từng cấp bậc như: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng (50 cấp), đếûn Đẳng Giác và Diệu Giác (tổng cộng là 52 cấp). 

Hỏi:
Các việc ác đừng làm, 
Các điều thiện nên làm,
Để ý mình trong sạch,
Ấy là lời Phật dạy.
Có phải tu theo Giáo môn không?

Đáp:
Không những Giáo môn mà Thiền môn cũng vậy. Phật gần nhập Niết Bàn, A Nan hỏi Phật: Sau khi Phật nhập Niết Bàn, chúng con biết y chỉ với ai để làm thầy?
Phật trả lời: Phải lấy giới luật làm thầy.
Tổng quát của giới luật là “các việc ác đừng làm, các điều thiện nên làm”. Các việc ác đừng làm là chỉ trì, các điều thiện nên làm tác trì. Nếu chia ra giới luật gồm có: Tỳ kheo là 250 giới, Tỳ Kheo Ni là 348 giới, Sa Di và Sa Di Ni là 10 giới, giới Bồ Tát xuất gia có 10 giới trọng và 48 giới khinh, Bồ Tát tại gia có 6 giới trọng và 28 giới khinh. 
Tăng đoàn có nhiều Pháp, Phật đối với giới luật rất tỉ mỉ. Bây giờ thọ giới ở Việt Nam chỉ có 3 ngày, ở Trung Quốc 53 ngày rồi học giới Đường 3 năm (học giới luật). 

Hỏi:
Thế nào là tự tâm được trong sạch?

Đáp:
Không có thiện ác là trong sạch, như Lục Tổ nói: “Có niệm, niệm là tà; không niệm, niệm là chánh. Tà chánh đều quét sạch, trong sạch đến cùng tột”. Nếu còn chánh niệm thì đối với tà niệm, tức là còn ôm cái niệm cũng chưa sạch đến cùng tột. Cho nên tà chánh đều quét sạch.
Ngoài Giáo môn còn có con đường nào khác không?
Ngoài Giáo môn còn có Tối thượng thừa là bất lập văn tự. Tất cả các ngữ lục như: Bá Trượng Ngữ Lục, Đại Huệ Ngữ Lục, Truyền Tâm Pháp Yếu, Pháp Bảo Đàn, Công Án Phật Thích Ca và Tổ Đạt Ma,…
Người ta chỉ biết “niêm hoa thị chúng” của Phật Thích Ca, còn các công án khác không biết, tôi soạn ra từ trong kinh điển. Các Tổ sau này đều y theo niêm hoa thị chúng, mỗi mỗi có kiến lập; nhưng không trái với niêm hoa thị chúng.
Con thấy mấy cái ấy chưa ra khỏi văn tự phải không?
Lục Tổ nói: “Bất lập văn tự, chứ không phải phế bỏ văn tự”, tức là không chấp vào văn tự. Hai chữ “Bất lập” cũng là văn tự vậy!

Hỏi:
Xin sư phụ khai thị công án: Ăn một chén cháo cũng kiến tánh?

Đáp:
Không phải ăn một chén cháo mà được kiến tánh. Theo giới luật thì Sa Di trở lên phải trì ngọ. Ngài Lai Quả thấy cái nào có chướng ngại tham thiền thì ngài bỏ, cái nào có giúp ích cho tham thiền tuy không đúng giới luật nhưng ngài vẫn thực hành. Vì tọa hương và bào hương (chạy nhanh) thêm thời tiết lạnh nên buổi chiều ngài cho chúng Tăng ăn cháo để có sức tham thiền.
Trì ngọ giúp cho tu, nhưng ngài lai Quả không trì ngọ cũng giúp cho tu; mục đích cho tu để thành tựu, chứ không mỗi ngày ăn một chén cháo là tu! Phật pháp không có việc cố định (bất định pháp). Nếu ở miền nhiệt đới tu hành trì ngọ là tốt. 

Hỏi:
Chỉ là việc hôm nay che khuất mặt bổn lai là như thế nào?

Đáp:
Việc ngày nay là hỏi và nhìn, sẽ đưa đến mặt bổn lai.

Hỏi:
Xin sư phụ khai thị công án của Hương Nghiêm?

Đáp:
Ngài Hương Nghiêm thông minh lanh lợi hiểu rất nhiều kinh sách. Nhưng ỷ lại thông minh của mình nên không được kiến tánh, bạn đồng tham nhiều người kiến tánh. Ngài Bá Trượng là thầy của Hương Nghiêm đã tịch, Quy Sơn là sư huynh đệ kiến tánh hỏi Hương Nghiêm: Tất cả trong kinh sách ông đều biết, vậy có biết mặt mũi bổn lai của ông như thế nào không?
Hương Nghiêm xem lại kinh sách, nhưng khôg thấy để trả lời; tự thấy hổ thẹn, đem kinh sách đốt hết. Rồi hỏi Quy Sơn: Xin trả lời cho tôi?
Quy Sơn nói: Nếu tôi nói trắng ra sau này ông sẽ chửi mắng tôi.
Hương Nghiêm hỏi nhiều lần nhưng Quy Sơn không nói, rồi Hương Nghiêm từ giã mọi người đến quốc sư Huệ Trung cuốc đất trồng trọt sống qua ngày. Một hôm lượm miểng ngói liệng ra trúng cây tre phát ra tiếng “cốc” thì ông liền ngộ, mới biết lòng từ bi của Quy Sơn không nói trắng ra để cho ông được ngộ. Nếu Quy Sơn nói thì ông không được ngộ.
Cho nên, Hương Nghiêm hướng về Quy Sơn đảnh lễ và nói: Ân của thầy rất lớn.

Hỏi:
Con thấy Sư Phụ có tình cảm riêng với thầy vừa rồi, thấy không công bằng; ông ấy chỉ hỏi câu “chỉ việc hôm nay che khuất mặt bổn lai”, nhưng Sư Phụ lại nói “hỏi và nhìn”. Nên con thấy có cái gì đó?

Đáp:
Bây giờ, dẫu cho ngươi muốn ăn gậy cũng chưa đủ tư cách. Vì ông cứ dùng ý thức để phân biệt nên chưa hiểu được. Như Hương Nghiêm nói: Nhờ thầy không nói, nên con có việc ngày hôm nay.

Hỏi:
Làm sao để phát khởi nghi tình mạnh?

Đáp:
Hỏi là kích thích một niệm không hiểu không biết, như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Cảm thấy không hiểu không biết; khán thoại đầu là nhìn chỗ không biết, muốn xem chỗ không biết đó là gì; chỗ không biết là không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn; nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết, Thiền tông gọi là nghi tình. Hỏi và nhìn song song đưa hành giả đến thoại đầu, sẽ kiến tánh thành Phật.
Những người có nhìn thấy cái gì là sai lầm, không bao giờ kiến tánh. Cho nên, phải tự tham tự ngộ mới được, chứ dùng bộ óc để tìm hiểu là không đúng.

Hỏi:
Thế nào đại nghi là đại ngộ?

Đáp:
Không có tư tưởng chấp thật là đại nghi, còn có chút chấp thật là tiểu nghi.

Hỏi:
Sau khi Hương Nghiêm ngộ thì trình kệ như thế nào?

Đáp:
Khi Hương Nghiêm ngộ rồi, truyền đến Qui Sơn biết; Qui Sơn nói với Ngưỡng Sơn: Hương Nghiêm đã ngộ.
Ngưỡng Sơn nói: Chưa chắc!
Hương Nghiêm có làm bài kệ:
Năm xưa nghèo chưa phải là nghèo,
Năm nay nghèo mới thật là nghèo.
Năm xưa nghèo còn đất cắm dùi, 
Năm nay nghèo, dùi, đất chẳng có.
Ngưỡng Sơn nói: Theo bài kệ này thì cho Hương Nghiêm ngộ Như Lai thiền, chứ Tổ Sư thiền  thì chưa phải.
Rồi Ngưỡng Sơn hỏi Hương Nghiêm: Nghe nói sư đệ ngộ rồi, có gì để chứng tỏ?
Hương nghiêm làm bài kệ khác:
Ta có một cơ nháy mắt nhìn y,
Nếu mà chưa ngộ đừng gọi Sa Di.
Ngưỡng Sơn nói: Cung hỷ! Mừng cho sư đệ ngộ Tổ Sư thiền.
Bài kệ trước có thể dùng cho ý thức để giải thích, bài kệ sau không thể dùng ý thức để giải, tức là không có nghĩa lý.

Hỏi:
Tại sao con mới ban đầu gặp Sư Phụ khai thị biết tu, nhưng về sau nghe Sư Phụ khai thị nhiều lại không biết tu?

Đáp:
Vì cứ muốn biết muốn hiểu thì trái với Tổ Sư thiền là chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết. Tất cả hoạt động phân biệt của ý thức đều chấm dứt, cuối cùng chỉ còn nghi tình là không hiểu không biết. 
Sát na lìa khỏi ý thức thì không hiểu không biết cũng tan rã, lúc đó biết và không biết đều sạch hết thì biết của trí Bát Nhã hiện lên khắp không gian thời gian; tức là không chỗ nào không biết và không lúc nào không biết.
Bây giờ, muốn dùng ý thức để lãnh hội thì đối với sự kiến tánh càng xa.

Hỏi:
Tâm niệm lực là gì?

Đáp:
Tâm mà cô tin có sức mạnh gọi là tâm niệm lực. Nếu phát huy được tâm niệm lực, có thể một niệm thì quả đất này biến thành bụi; có sức mạnh nữa thì luôn cả mặt trăng mặt trời cũng biến thành bụi, có sức mạnh luôn cả vũ trụ cũng biến thành bụi. Đó là tâm niệm lực phát huy đến cùng tột.

Hỏi:
Những người phát huy được tâm niệm lực, vậy có tu Tổ Sư thiền không?

Đáp:
Hàm linh sâu bọ đều có tâm niệm lực, chó, mèo, chuột,… đều có tâm niệm lực, nhưng của nó yếu. Cây cỏ cũng có tâm niệm lực, bất quá sức yếu; không phải tu Tổ Sư thiền mới có!
Những người ở phương Tây có tu không mà có sức đó?
Những người đó có thiền định, nhưng không phải tu Tổ Sư thiền.
Như vậy có kiến tánh chưa?
Tu Tổ Sư thiền mới được kiến tánh, những người đó chưa kiến tánh; họ có thể có thần thông, cho đến con chồn cũng có thần thông.
Vậy Sư Phụ cho tài liệu Tâm Niệm Lực để làm gì?
Để tăng cường niềm tin tự tâm cho những người còn mê tín, giảm bớt tư tưởng mê tín. Những người tin tự tâm rồi không cần tài liệu ấy.

Hỏi:
Tâm con được lắng động, vậy có coi là được tự do tự tại không?

Đáp:
Tâm được thanh thanh tịnh tịnh, theo Tổ Sư thiền là chướng ngại. Nếu dùng cái biết để biết thanh tịnh là chướng ngại, tức là dùng tịch lặng làm sở tri; không có sở tri  cũng bị chướng ngại, vì còn tương đối là tri và bất tri để đối đãi. Không phải là vô duyên tri không có đối đãi.
Nếu tham thiền không dùng nghi tình, mà dùng cái biết để biết tịch lặng thì không phải tham thiền, tức nghịch tham thiền.

Hỏi:
Làm thế nào hành giả tham thiền không lọt vào chỗ thanh thanh tịnh tịnh?

Đáp:
Người chấp vào thanh tịnh thì lọt vào, nếu không chấp làm sao lọt vào! Chưa đến thanh tịnh thì không thể lọt vào. Chấp Phật thì lọt vào Phật, chấp Bồ Tát thì lọt vào Bồ Tát; chấp cái gì thì lọt vào cái đó.

Hỏi:
Tham thiền thì thích, nhưng pháp lý không thích. Vậy có được không?

Đáp:
Tu Tổ Sư thiền không có pháp lý, quét sạch tất cả pháp lý; không còn pháp lý thì đúng với bản tâm trống rỗng vô sở hữu.
Có vị nói cần phải học Phật pháp mới tu được, vậy thế nào?
Đó là Giáo môn, còn đây là Thiền môn; Thiền môn ở ngoài Giáo môn, Giáo môn phải có văn tự, Thiền môn bất lập văn tự.
Khi con hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” vừa dứt câu, nhưng không biết câu sau là gì, đang thiền thỉnh thoảng lại có đếm  một, hai, ba, bốn. Tại sao như vậy?
Vì thói quen nhiều đời.

Hỏi:
Con có ý niệm để thành Phật, rồi hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” hỏi liên tiếp. Vậy như thế nào?

Đáp:
Như vậy, không có miên mật, cách một hồi rồi lại hỏi thì có kẽ hở và trước tiên có ý niệm thành Phật là không đúng. Thoại đầu là không có ý niệm nào hết, nếu khởi lên ý niệm thì không phải thoại đầu.
Ngoài nghi tình là không hiểu không biết thì không được khởi một ý niệm nào khác. Tuy nghi tình cũng là một ý niệm, nhưng ý niệm không biết của bộ óc để tự động quét sạch những ý niệm khác; không để ý niệm khác nổi lên, như chấm dứt tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết.
Hỏi phải khít khít mới miên mật, hỏi và nhìn không gián đoạn. Dẫu cho nhìn miên mật mà cách hỏi không miên mật cũng không được.

Hỏi:
Nhớ lại từ ngày con xuất gia có phát nhiều tâm: Phát tâm xuất gia, phát tâm học thiền gặp được Sư Phụ. Sau này, có những tâm ô nhiễm, bây giờ học được những gì Sư Phụ dạy và được thọ dụng. Con thấy có cái gì khởi ra, xin Sư Phụ khai thị?

Đáp:
Đó là tập khí lâu đời thành thói quen bám chặt trong tâm, nếu muốn gở ra cũng rất khó;  chỉ một cách là công phu miên mật, thì tập khí ấy tẩy sạch dần dần; nhưng tẩy sạch là tự động tẩy, không có ý muốn tẩy.
Một sát na có thể có muôn ngàn ý niệm. Các nhà bác học dùng tâm niệm lực phát hiện được cuộc đời mấy mươi năm hiện trong một sát na, rất nhanh cũng là rất chậm; rất nhanh chỉ có một sát na.
Như cuộc đời từ nhỏ đến lớn có những buồn vui yêu ghét, tiếp xúc muôn triệu ngàn người đều trong một sát na; mỗi mỗi phát hiện rõ ràng, nên nói rất chậm. Chứng tỏ sức của tâm khắp không gian thời gian, tức là siêu việt không gian thời gian.

Hỏi:
Thích bình thường xấu xa, sao chỉ một thứ?

Đáp:
Vì tâm trống rỗng vô sở hữu thì không có nhiều thứ, nếu có một thứ cũng không được; vì có kiến lập sở hữu. Một thứ tức là đồng (nhị), nhị mới có khác. Cái này đồng với cái kia, gọi là một thứ. Hương bảng này dài và hương bảng kia ngắn là khác. Phải có 2 cái trở lên mới có đồng có khác. Bản tâm bất nhị nên không có đồng có khác.
Biết lời sư Phụ dạy là do một tâm và con thích bậy cũng từ tâm đó ra, không biết tại sao?
Nếu thí dụ cái này với cái kia là nhị.

Hỏi:
Thế nào là nhìn thoại đầu?

Đáp:
Tham thoại đầu là hỏi câu thoại để kích thích một niệm không hiểu không biết, nhìn chỗ không biết; nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn, cũng nhìn không thấy gì vẫn còn không biết; Thiền tông gọi là nghi tình, đưa hành giả đến thoại đầu sẽ kiến tánh.
Nhưng hỏi không phải dùng miệng hỏi, dùng tâm hỏi thầm; nhìn không phải dùng mắt nhìn, mà dùng tâm nhìn thầm. Hỏi và nhìn song song, nhìn chỗ mênh mông chẳng có gì mới đúng. Nếu nhìn thấy cái gì là không đúng. Cho nên, người ta nói “tôi nhìn không được”, vậy thì đã nhìn được rồi. 
Tại sao? Vì có nhìn nên thấy nhìn không được, cứ tưởng có cái gì để nhìn! Nhìn không thấy gì vẫn nhìn, tức là chỗ không biết thì nhìn mãi cũng không biết. Cho đến kiến tánh thì tất cả đều biết.

Hỏi:
Hành giả luôn luôn an trú trong cái nghi, đến kiến tánh thì nghi mới giải quyết. Do đó, tham dường như niệm phải không?

Đáp:
Không phải! Niệm Phật không có nghi, vì đã biết sẵn. Tham thiền có cái không hiểu tức là có nghi. Nếu chỉ hỏi thì có thể biến thành niệm, hỏi và nhìn thì không thể biến thành niệm. An trú và không an trú đều không biết, vì đó là sản phẩm của bộ óc. Hỏi và nhìn song song để giữ thắc mắc không hiểu. Mục đích tham thiền là dẹp hết sản phẩm của bộ óc, không cho bộ óc hoạt động.
Tại sao nghi tình được rốt ráo hơn niệm?
Vì nghi là nhân, có nghi mới có ngộ; không nghi thì không ngộ, tức là không nhân thì không quả. Pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều như vậy. Pháp thế gian nghi là dùng bộ óc tìm hiểu, cuối cùng ngộ được giá trị việc thế gian; xuất thế gian nghi là không cho bộ óc tìm hiểu, muốn dẹp tìm hiểu của bộ óc.
Theo sự hiểu biết bình thường thấy trái bôm trên cây rớt xuống, đâu thể rơi lên! Do tư tưởng của mình cho trên đầu là phía trên, dưới chân là phía dưới. Thật tế không phải trên cũng không phải dưới, vì quả đất tròn. Như mình ở đây cho là trên, bên Mỹ cho là dưới; nếu cho bên Mỹ là trên, bên này là dưới.
Nói có 4 phương là đông, tây, nam, bắc; nhưng thật tế không có 4 phương. Tại sao? Như cắm cây nêu, người đứng bên đông cho bên kia cây nêu là hướng tây và ngược lại; nam bắc, trên dưới cũng vậy. Nếu đem 4 phương có nhất định để tranh cải thì không đúng. Nhưng theo thói quen của bộ óc phải có đông, tây, nam, bắc, trên, dưới.
Cho nên, Newton nghi trái bôm rớt xuống, mà không rơi lên? Vì không có trên dưới, nên ông phát minh được hấp dẫn lực của trái đất; từ đó ông phát minh được hấp dẫn lực vạn hữu. Tất cả vật chất đều có hấp dẫn lực, nhà khoa học gọi là từ trường (sức hút nam châm).

Hỏi:
Có phải tu niệm không tích cực bằng tham thoại đầu?

Đáp:
Đừng biết tới mấy cái đó! Cứ hỏi và nhìn, không được giải thích so sánh. Nếu vậy thành chướng ngại, vì nghi tình là không hiểu không biết. Không được dùng 2 chữ “cho là”, cho là có lý hay cho là vô lý thì không đúng; có cho là tức biết, chứ không phải không biết.

Đáp:
Tham thiền là gì?

Đáp:
Tham Tổ Sư thiền là dùng cái không biết để tu, Như Lai thiền là dùng cái biết để tu. Ví dụ cây viết là ý thức, 5 thức trước là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Hàng ngày mình đang dùng ý thức là tìm hiểu biết, suy nghĩ biết, ghi nhớ biết để ứng phó cuộc sống.
Tham thiền cũng dùng ý thức, trên đầu cây viết là thoại đầu; dưới đầu cây viết là thoại vỉ. Ý thức gồm có 2 mặt: Biết và không biết. Mặt biết là tu Như Lai thiền, như Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. Dùng mặt không biết là tu Tổ Sư thiền, chỉ có Tổ Sư thiền mới gọi là Thiền tông. Các pháp môn khác đều có thiền, nhưng không gọi là Thiền tông.
Thiền tông gọi không biết là nghi tình, tức là tình trạng của khối nghi. Muốn khởi lên khối nghi, phải làm sao? Phải mượn câu thoại, như “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” cảm thấy không hiểu không biết; khán là nhìn chỗ không hiểu không biết, muốn xem chỗ không biết là gì; nhưng chỗ không biết thì không có chỗ, nên không có mục tiêu để nhìn; nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết, Thiền tông gọi là nghi tình; đưa hành giả đến thoại đầu, sẽ được kiến tánh thành Phật.
 
 

 
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chung Quà tặng của bầu trời bởi dạo Phỏng Kem cận chua linh son dong thuyen Lễ Vu lan và tưởng niệm cố chùa tây thiên di đà 01 loi gioi thieu cua duc dalai lama BẠnên niệm a di đà hay a mi đà dù má Ÿ đản huy Ăn chay giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến Cỏ cõng Cảnh báo nguy cơ tim mạch qua đánh năm albert hóa thân của lạt ma yeshe Món chay ngày mùng 1 Bún lứt xào nghệ Ngôi nhà bên sông cテウ ça khong nen dat tre em vao duong cung Nhớ khói quê nhà khong the do loi cho mot nguoi tham luan tai dai hoi dai bieu phat giao toan quoc học cách gieo nhân lành để cuộc sống Gặp gỡ Giáo sư người Mỹ gốc Việt Mâm ngũ quả ngày xuân Tránh những bệnh khi trời nắng nóng việt an chay de khong sat sanh va tranh qua bao Huyền thoại hoa ngô đồng ngay cả con cá cũng không biết ngậm mạng テ khẩu neo bởi vì đâu mà bất hiếu Thấy Phật Dược Sư bằng tâm chùa kim dung sテΠæ Tức Ẩm thực phần 5 Tung kinh Phật đản nhớ Phật Húy thoã t Xét