.
Hoà Thượng DUY LỰC Khai thị
CUỐI CÙNG TẠI HOA KỲ
TT. Thích Đồng Thường Biên Tập Thành Văn Tự
Mục Lục
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Hỏi:
 Sư Phụ giảng lại tứ tướng?
Đáp:
 - Bạch Thế Tôn! Nếu giác tâm này bản tánh trong sạch, vì sao bị ô nhiễm, khiến những chúng sanh mê muội chẳng thể ngộ nhập? Xin Như Lai vì chúng con khai thị pháp tánh, để làm đạo nhãn cho tương lai, khiến cho đại chúng trong hội này và chúng sanh đời mạt pháp dễ được ngộ nhập.
Ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát nói xong, 5 vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh 3 lần như vậy.
 Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tịnh Chư Nghiệp chướng Bồ Tát rằng:
- Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát và chúng sanh thời mạt pháp, hỏi Như Lai về những phương tiện như thế. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
 Khi ấy Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng nghe.
 - Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vọng chấp thật có 4 tướng: Ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, nhận lầm 4 tướng điên đảo là thật thể của mình, do đó liền sanh 2 cảnh yêu ghét, vậy nơi thể hư vọng lại chấp thêm một lớp hư vọng nữa. 2 thứ vọng nương nhau sanh ra vọng nghiệp, vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có luân hồi.
Kẻ nhàm chán luân hồi  lại liền thấy có Niết Bàn, do sự chấp thật ngã tướng này nên chẳng thể ngộ nhập được bản giác trong sạch. Chẳng phải bản giác chống cự với những kẻ năng nhập, vì có kẻ năng nhập (ngã tướng) thì chẳng phải bản giác vậy.
 Cho nên, động niệm và dứt niệm đều là mê muội. Tại sao? Vì có bổn khởi vô minh đã làm chủ cho mình từ vô thỉ rất khó đoạn trừ, phải có huệ nhãn mới trừ được. Vì tất cả chúng sanh, sanh ra chẳng có huệ nhãn, hiện tiền các tánh thân tâm đều là vô minh, vô minh chẳng thể tự dứt vô minh, cũng như người có sinh mạng, sinh mạng chẳng thể tự dứt sinh mạng vậy.
 Vậy ngươi nên biết, có người yêu ta tùy thuận với ta thì tâm sanh hoan hỉ, người chẳng tùy thuận thì liền sanh oán ghét. Có tâm  yêu ghét để nuôi dưỡng vô minh, làm cho vô minh tương tục mãi, nên cầu đạo chẳng thể thành tựu.
 Thiện nam tử! Thế nào là ngã tướng? Những chúng sanh tu hành, tâm biết có sở chứng đều thuộc về ngã tướng.
 Thiện nam tử! Ví như có người cơ thể điều hòa thư thái, tay chân thư giãn, bỗng quên mất thân ta, vì ăn uống thất thường sanh bệnh hoạn, nhờ thầy thuốc châm cứu thấy đau mới biết có ta còn đây, cho nên người chấp có sở chứng mới hiện ra ngã tướng.
 Thiện nam tử! Nếu tâm liễu tri rốt ráo biết có sở chứng, dù chứng đến thanh tịnh Niết Bàn của Như Lai đều thuộc về ngã tướng.
 Thiện nam tử! Thế nào là nhơn tướng? Như những chúng sanh tâm có sở chứng, cho kẻ năng chứng là ta, nay tiến thêm một bậc, ngộ biết chứng chẳng phải là ta, ngộ này siêu việt tất cả chứng, nhưng còn giữ tâm ngộ tức là nhơn tướng.
 Thiện nam tử! Những tâm biết có năng sở đều thuộc về ngã, tâm dù chỉ còn chút năng ngộ để chứng lý cùng tột của Niết Bàn đều gọi là nhơn tướng.
 Thiện nam tử! Thế nào là chúng sanh tướng? Chỗ này là những chúng sanh có tâm biết năng chứng năng ngộ đều chẳng thể biết.
 Thiện nam tử! Ví như có người nói rằng: “Ta là chúng sanh”, thì biết kẻ nói chúng sanh kia chẳng phải ta cũng chẳng phải ngươi. Sao nói chẳng phải ta? Vì “ta là chúng sanh” thì chẳng phải ta, sao nói chẳng phải ngươi? Vì nói “ta là chúng sanh” thì chẳng phải ngươi cũng chẳng phải ta vậy.
Lược giải:
Nói “ta là chúng sanh” vì chúng sanh là nhiều người nhiều loài. Nay nói “ta” chỉ có một mình ta, như thế thì chúng sanh chẳng phải “ta”; nói ngươi cũng vậy, nghĩa là chỉ có một mình ngươi chẳng phải nhiều chúng sanh, nên nói “ta là chúng sanh” thì chẳng phải “ngươi” cũng chẳng phải “ta” vậy. (lược giải hết).                                                                            
 Thiện nam tử! Nếu những chúng sanh có tâm biết năng chứng năng ngộ đều là Ngã tướng, Nhơn tướng. Nay tiến thêm một bậc, liễu tri chỗ này là Ngã tướng, Nhơn tướng chẳng thể đến, nhưng còn có sở liễu tri, biết có năng chứng năng ngộ để lìa, nên gọi là Chúng sanh tướng.
 Thiện nam tử! Thế nào là Thọ mạng tướng? Những chúng sanh tiến thêm một bậc nữa, tâm quán chiếu sáng tỏ chiếu soi tâm liễu tri cũng bất khả đắc, chỉ còn một giác thể trong sạch; giác thể này tất cả nghiệp trí trong luân hồi đều chẳng thể tự thấy được, cũng như con mắt chẳng tự thấy mắt, tất cả tịch diệt. Vì trụ nơi tịch diệt thì mạng căn chưa dứt, nên gọi là Thọ mạng tướng.
 Thiện nam tử! Nếu tâm chiếu soi thấy tất cả người giác tri và cấu bẩn của trần lao. Có năng giác sở giác là chẳng lìa được trần lao. Ví như nước canh làm băng tan, nước canh là năng tan, băng là sở tan; khi băng đã tan thì nước canh và băng đều thành nước, năng tan (nước canh) sở tan (băng) đều diệt, nếu còn có kẻ biết băng tan thì còn cái năng biết, cái biết đó là ngã. Nói “còn Thọ mạng tướng” thì nghĩa cũng như vậy.
 Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp chẳng rõ 4 tướng không thật, dù trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ hạnh tu hành, chỉ gọi là pháp hữu vi, rốt cuộc chẳng thể thành tựu tất cả Thánh quả (pháp vô vi), cho nên gọi là “chánh pháp trong đời mạt pháp”. Tại sao? Vì lầm nhận tất cả ngã tướng cho là tướng Niết Bàn; cho có chứng có ngộ mới gọi là thành tựu.
Cũng như có người nhận giặc làm con thì tài sản nhà họ chẳng thể thành tựu. Tại sao? Như có người luyến ái ngã, cũng luyến ái Niết Bàn, đè nén gốc luyến ái ngã trở thành tướng Niết Bàn; có người chán ngã, cũng chán sanh tử, chẳng biết gốc luyến ái ấy mới thật là chơn sanh tử vậy. Nay có tâm nhàm chán sanh tử, nên gọi là chẳng giải thoát.
 Tại sao biết được pháp ấy chẳng giải thoát?
 Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp tu tập Bồ Đề, cho sự chứng của mình tự trong sạch, chứng được chút ít cho là đủ, chưa dứt sạch cội gốc của ngã tướng nên chẳng giải thoát. Nếu có người tán thán pháp mình thì liền sanh tâm hoan hỉ, muốn cứu độ họ; nếu phỉ báng pháp sở đắùc của mình thì liền sanh tâm sân hận. Vậy thì biết cái tâm chấp ngã tướng rất kiên cố, tiềm ẩn trong tạng thức, gặp ngoại cảnh kích thích thì phát khởi hiện hành nơi các căn, mãi chẳng gián đoạn.
 Thiện nam tử! Người tu hành vì chẳng dứt sạch ngã tướng nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch.
 Thiện nam tử! Nếu biết ngã tướng vốn không, chẳng có bản ngã để cho họ tán thán và phỉ báng; nay thấy “có ta thuyết pháp” thì ngã tướng chưa dứt, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng đều cũng như thế.
 Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp vì chưa dứt ngã tướng, cho sự thuyết pháp là “do ta thuyết”, nên pháp của họ thuyết là cái bệnh của ngã tướng, chẳng phải thuyết cái pháp của Niết Bàn vậy, cho nên gọi là kẻ đáng thương xót! Dù siêng năng tinh tấn, chỉ tăng thêm các pháp bệnh, nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch.
 Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp vì chẳng thấu rõ 4 tướng kể trên, chấp chỗ hành và kiến giải của Như Lai cho là kiến giải của mình, vì chẳng phải do tự mình tu chứng, nên rốt cuộc chẳng thể thành tựu. Hoặc có chúng sanh chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thấy người hơn ta thì sanh ganh tỵ, ấy là do chúng sanh chưa dứt ngã kiến, nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch.
 Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp muốn tu thành đạo, chớ nên sanh tâm cầu ngộ; người sanh tâm cầu ngộ thì muốn học rộng nghe nhiều để hiểu thêm giáo lý, vậy chỉ thêm đa văn tăng trưởng ngã kiến, chẳng phải người chơn tu.
Người chơn tu chỉ nên tinh tấn hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh: Niết Bàn chưa đắc khiến cho đắc, phiền não chưa dứt khiến cho dứt. Những tâm tham, sân, si, mạn, siểm khúc, ganh tỵ đối cảnh chẳng sanh, ân ái giữa mình và người tất cả đều tịch diệt, Phật nói người ấy sẽ dần dần thành tựu Thánh quả. Nương theo nhân địa này tu hành để cầu thiện trí thức thì chẳng đọa tà kiến, nếu có sở cầu khác với nhân địa phát tâm kể trên, lại sanh lòng yêu ghét thì chẳng thể ngộ nhập biển giác trong sạch.
Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
 Tịnh Nghiệp Chướng nên biết,
 Tất cả những chúng sanh,
 Đều do chấp ngã tướng,
 Luân hồi từ vô thỉ.
 Chưa dứt sạch bốn tướng,
 Chẳng được thành Bồ Đề.
 Yêu ghét sanh nơi tâm,
 Siểm khúc giữ trong niệm.
 Cho nên bị mê muội,
 Chẳng thể vào giác thành.
 Nếu muốn về cõi Phật,
 Phải bỏ tham sân si,
 Tâm chẳng luyến ái pháp
(pháp Niết Bàn),
 Dần dần được thành tựu.
 Thân ta vốn chẳng có,
 Yêu ghét do đâu sanh?
 Cầu thầy bạn chánh tu,
 Thì chẳng đọa tà kiến.
 Nếu tâm cầu pháp khác,
 Rốt cuộc chẳng thành tựu.
 

 “Ta đã chứng Niết Bàn” thì Thiền tông gọi là mạng căn chưa dứt, cũng còn ngã tướng. Trong kinh Viên Giác diễn tả: “Ngã, Nhân, chúng sanh, thọ mạng”, còn kinh Kim Cang nói: “Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”. Vì nhận lầm 4 tướng này, nên tu hành không dứt được ngã kiến. 
Hỏi:
 Bạn bè biết con tu rồi đến hỏi con. Vậy con phải nói làm sao?
Đáp:
 Người ta hỏi cái gì, mình thật biết thì nói biết, còn không biết thì nói không biết.
 - Nhưng cái biết của mình sai thì sao?
 - Nếu mình sợ sai thì mình nói là không biết.
 - Nhưng nhiều khi tưởng mình đúng thì sao?
 - Nếu có tưởng là không phải rồi, tại không có đúng sai. Tương đối có đúng có sai là nhị. Nếu mình cho lời Phật Thích Ca thuyết đúng hay không đúng đều sai. Tại sao? Vì lời thuyết pháp của Phật Thích Ca muốn lìa tương đối, tức là muốn lìa đúng với sai. Nếu nói Phật Thích Ca thuyết pháp là phỉ báng Phật. Phật Thích Ca thuyết pháp không phải đúng sai. 
Hỏi:
 Bây giờ mình khởi niệm đều là tương đối có phải không?
Đáp:
 Không phải, nếu mình không có trước tưởng thì không lọt vào tương đối, tức là chỉ có thế lưu bố tưởng mà không có trước tưởng. Như bậc Thánh nói có hay nói không có cũng được, vì không chấp có là thật có, không chấp không là thật không, chỉ là tùy theo thế gian gọi là thế lưu bố tưởng.
Cho nên, chúng sanh nói con trâu thì bậc Thánh cũng nói con trâu, chúng sanh nói con ngựa thì bậc Thánh cũng nói con ngựa (kinh Đại Niết bàn).
- Con vẫn hiểu điều đó, nhưng thực hành sao không được?
- Tại còn có ngã chấp nên mới khó, chưa dứt sạch cội nguồn của ngã. Nếu chưa ra khỏi luân hồi, còn dùng tri kiến luân hồi muốn tìm Viên Giác thì tánh Viên Giác cũng bị luân hồi.
Hỏi:
 Có người giải thích “sắc bất dị không, không bất dị sắc”, rằng: Sắc chẳng phải từ không mà có, phải từ duyên mà ra gọi là “sắc bất dị không”; khi sắc hết duyên thì trở lại cái không gọi là “không bất dị sắc”. Giải thích như vậy thì như thế nào?
Đáp:
 Họ giải thích như vậy là cho nhân duyên thật. Bài kệ của ngài Long Thọ nói:
  Các pháp chẳng tự sanh,
  Cũng chẳng từ tha sanh.
  Chẳng cộng chẳng vô nhân,
  Cho nên nói vô sanh.
 Vì nó không phải tự sanh, cũng không phải tha sanh, tại tha cũng là tự, cũng không phải tha và tự cộng sanh, cũng không phải không có nhân sanh (vô nhân sanh). Như cây đào sanh ra cây đào, cây lý sanh ra cây lý, chứ không phải vô nhân mà sanh được! Đủ thứ nghĩa sanh đều không được, nên mới gọi là vô sanh.
 Tại sao nói là các pháp chẳng tự sanh? Vì phải có duyên mới có sanh khởi. Còn nói chẳng từ tha sanh là mỗi cái duyên chẳng có tự tánh. Chẳng cộng sanh thì tự với tha còn không có thì lấy gì để mà cộng? Chẳng vô nhân là như bây giờ muốn giác ngộ thì phải tu mới giác ngộ được, chứ đâu phải mình không tu mà được giác ngộ!
 Từ ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), lục nhập (là lục căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), thập nhị xứ là lục căn đối lục trần (lục trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), thập bát giới là lục căn đối với lục trần sanh ra lục thức (lục thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), cho đến thất đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức) đều muốn giảng rõ ý này.
 Nếu ngộ biết không có cái gì sanh khởi, gọi là vô sanh, người chứng quả gọi là chứng vô sanh pháp nhẫn thì giống như con mắt sáng tỏ không thấy hư không có hoa đốm. Nếu con mắt bị bệnh thì thấy hư không có hoa đốm, như bây giờ mình thấy cái này cái kia giống như mắt thấy hoa đốm trong hư không.
 Chân thật hư không đâu có hoa đốm, tại con mắt bệnh rồi mới thấy có hoa đốm, tức là bỏ cái thật mà lại thấy cái vọng nên mới thấy hoa đốm. Tuy thấy có hoa đốm nhưng không có bản thể của hoa đốm, chỉ là cái ảo tượng, nó không phải từ chỗ nào đến! Vì con mắt bệnh mới thấy.
Nếu con mắt hết bệnh thì không thấy hoa đốm trong hư không. Con mắt hết bệnh thì hoa đốm tự mất, đâu cần phải bỏ hoa đốm!
- Như vậy hoa đốm này có phải là cái duyên không?
- Cái duyên là con mắt bệnh mới thấy hoa đốm, nếu con mắt không bệnh thì không thấy có hoa đốm. Nếu truy cứu hoa đốm từ nhân duyên sanh thì không đúng! Vì nó vốn không có, chuyện không có làm sao là nhân duyên sanh được? Nếu nói là tự sanh cũng không được, tại do con mắt bệnh  chứ đâu phải tự nhiên sanh.
Bởi vậy, không phải từ hư không ra và cũng không phải từ con mắt ra. Đã rõ ràng không phải là nhân duyên sanh. Nhưng giảng nhân duyên sanh là sai lầm.
Nếu quả tự nhiên có, lúc thấy hoa đốm thì con mắt không có bệnh mới phải! Nhưng tại do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm, con mắt không bệnh thấy hư không sáng tỏ không có hoa đốm, nên không phải tự sanh.
Hoa đốm không phải từ hư không ra và cũng không phải từ con mắt ra thì không phải là nhân duyên, không phải tự sanh thì không phải tự nhiên, nên Phật phủ nhận là không phải nhân duyên và không phải tự nhiên, là sự thật chứng tỏ như vậy.
Nếu hoa đốm như vậy thì ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới đều như thế.
Hỏi:
 Sao nói là nhận giặc làm con?
Đáp:
 Kinh Lăng Nghiêm nói: “Không phải con mắt thấy, chỉ là tác dụng như cây đèn để chiếu soi, sự thấy là tánh thấy còn gọi là kiến tinh”. Nhưng bây giờ ai cũng cho sự thấy là con mắt, thành ra họ hiểu lầm mà tin theo con mắt.
 Phật muốn chứng tỏ sự thấy không phải là con mắt: Trong kinh Lăng Nghiêm có A Nan là đại diện đương cơ trong đại chúng để hỏi Phật, Phật nói với A Nan tức là nói với đại chúng.
 Phật dùng cái tay để thí dụ: Ta có cánh tay mới làm nên nắm tay, A Nan có con mắt mới thấy được Như Lai, hai việc này có giống nhau không?
 A Nan đáp: Giống nhau.
 Phật nói: Không giống. Tại sao? Ta có cánh tay mới làm ra nắm tay được. Nếu không có cánh tay thì nắm tay làm sao có? Người không có con mắt vẫn còn thấy được.
 A Nan nói: Người không có con mắt làm sao thấy?
 Phật bảo: Ngươi đi hỏi người không có con mắt, trước mắt có thấy gì không? Người ấy sẽ trả lời: Trước mắt sẽ thấy đen tối.
 A Nan nói: Thấy trước mắt đen tối, sao gọi là thấy?
 Phật muốn giải thích “thấy đen tối vẫn là thấy” thì phải thí dụ thêm. Một người không có con mắt ở trong phòng đen tối không có ánh sáng gì cả, có phải thấy trước mắt đen tối phải không?
 A Nan đáp: Phải, thấy đen tối.
 Phật nói: Vậy người có con mắt thấy trước mắt đen tối và người không có con mắt thấy trước mắt đen tối, hai thứ đen tối này có khác nhau không?
 A Nan đáp: Không khác.
 Phật hỏi tiếp: Vậy người không có con mắt, thình lình được con mắt sáng thấy đồ vật sắc tướng trước mắt, phải là con mắt thấy không?
 A Nan đáp: Phải, con mắt thấy.
 Phật hỏi tiếp: Người có con mắt ở trong phòng đen tối, thình lình đốt đèn lên thấy rõ đồ vật sắc tướng trước mắt, có phải đèn thấy không?
 A nan trả lời không được. Cây đèn là hiển hiện sắc tướng để chiếu soi như lục căn vậy. Năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) chỉ tác dụng như cây đèn, chứ không phải kẻ thấy, kẻ thấy là tánh thấy. Thấy là nhãn thức mà không phải nhãn căn, nhãn căn chỉ là chiếu soi như cây đèn.
 Sáng với tối là hai pháp sanh diệt, lúc sáng thì không thấy tối, lúc tối thì không thấy sáng. Nếu thấy tối là không thấy thì thấy sáng cũng là không thấy. Vì lúc sáng thì không thấy tối cho là không thấy, lúc tối thì không thấy sáng cũng cho là không thấy. Nói thấy thì hai cái đều thấy, thấy sáng cũng là thấy, thấy tối cũng là thấy. Tại sao thấy tối mà nói là không thấy? Còn thấy sáng cho là thấy! Đó là mâu thuẩn.
 Như người có mắt mà không nhờ cây đèn để chiếu soi thì không thấy. Như muốn thấy trái dưa phải nhờ nhãn căn chiếu soi, rồi mới hiện ra hình tướng của trái dưa thì tánh thấy mới thấy được. Nếu không chiếu soi thì chỉ thấy đen tối, như người có con mắt ở trong phòng tối không có đèn chiếu soi thì chỉ thấy đen tối, đâu phải không thấy!
 Nhĩ căn là chiếu soi âm thanh, rồi nhĩ thức mới phân biệt là âm thanh gì, như nhĩ căn nghe âm thanh không biết tiếng gì? Chỉ biết có tiếng, còn nhĩ thức phân biệt rõ ràng biết là tiếng già, tiếng trẻ, tiếng đàn ông, tiếng đàn bà,… lục căn đều vậy.
 Ý căn chỉ là suy nghĩ không phân biệt có tác dụng chiếu soi pháp trần, còn ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) thì chiếu soi tiền trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc), còn ý thức là qua sự tư duy mới phân biệt được cái này chánh, cái kia tà, cái này hợp lý, cái kia không hợp lý,…
 Cho nên, căn với thức khác nhau. Mình không biết tin theo lục căn thì sai lầm, cho sự thấy là con mắt, cho sự nghe là lỗ tai, cho sự hiểu biết là ý căn, nhưng sự thật là không phải. Do đó mới nói “nhận giặc làm con” là vậy.
 Bây giờ khoa học chỉ biết hệ thống thần kinh, tại hệ thống thần kinh là vật chất đều có thể dùng kính hiển vi thấy được. Thức là thể tinh thần không phải vật chất thì không thể thấy được, Phật pháp gọi là tâm pháp, còn vật chất gọi là sắc pháp.
Nên nhà khoa học nhờ cảm giác của lục căn để phán đoán hiện tượng của vũ trụ, những cảm giác được thì họ nhìn nhận là có, còn những cái họ cảm giác không được thì phủ nhận là không có, nhưng thật tế thì không phải vậy.
Hỏi:
 Chúng con không đủ lòng tin tự tâm. Như vậy có thể dùng định huệ song tu được không?
Đáp:
 Định huệ song tu là thiền quán chiếu của Đại thừa. Như tông Thiên Thai Chỉ Quán thiền: Chỉ là định, quán là huệ; trong định có huệ, trong huệ có định, định huệ không phải hai. Tông Thiên Thai vì muốn giải thích nên mới nói là chỉ với quán gồm có tam chỉ tam quán.
 Quán cũng giúp cho chỉ, chỉ cũng giúp cho quán, tam quán của tông Thiên Thai là không, giả, trung. Như ban đầu quán tất cả hiện tượng là giả, vì nó biến đổi hoài không cố định. Nhưng quán mãi thấy giả là thật giả thì không thể sanh lại nữa, cho nên thấy giả cũng không phải thật giả.
Rồi lại quán không, quán mãi thì không cũng không phải thật không, vì không với giả là tương đối, nếu thật không thì không sanh ra hiện tượng giả, có hiện tượng giả thì không phải thật không.
Vậy giả cũng không phải thật, không cũng không phải thật thì quán ở chính giữa gọi là quán trung. Nhưng không với giả là hai đầu, không có hai đầu làm sao có chính giữa (trung), thành ra phát ra nghi vấn tức là khởi lên nghi tình giống như Thiền tông.
Thể chơn chỉ là cao nhất của tam chỉ, thể là thể cứu cũng như tham cứu, chơn là chơn tâm, chơn như Phật tánh. Ban đầu của tam chỉ là hệ duyên chỉ, hệ là dây buột, thường thường người ta quán buột ở dưới rún (đơn điền), có người buột ở tâm,… tốt nhất buột ở rún.
Rồi đến tùy duyên chỉ, đến thể chơn chỉ. Nhưng qua các thứ quán đều không phải thì tự nhiên phát nghi là thể chơn chỉ, tức là không phải không, không phải giả, không phải trung. Vậy là cái gì? Thì giống như tham Tổ Sư thiền.
Chỉ là định, quán là huệ thì đồng thời. Chữ “Thiền” dịch là tịnh lự, tịnh tức là định, lự tức quán cũng là huệ. Cho nên định và huệ hợp lại gọi là thiền (có người giải thích như vậy).
Hỏi:
Có phải định và huệ ví như ánh sáng với bóng tối, ánh sáng đến đâu thì bóng tối tan rã đến đó, chúng nó không thể là hai?
Đáp:
 Cái đó là quán, như bộ óc mình ham tìm hiểu, giống như con khỉ nhảy qua nhảy lại, không bao giờ ngưng, nên ban đầu cần buột nó lại một chỗ gọi là chỉ (định), nhưng biết không có chỗ để cho mình tham luyến thì nó mới ngưng được nên cần phải quán, quán đến chỗ thực tế là không  có cái gì để cho mình nắm bắt.
 Có người tâm hoạt động thì không được tịnh, nếu tịnh thì tâm không hoạt động. Nhưng cái này thì tịnh và lự một lượt, nên mới gọi là thiền, rồi người ta gọi là định huệ song tu.
Hỏi:
 Có phải quán là đã khởi niệm?
Đáp:
 Quán là khởi niệm, nhưng quán thì giúp cho tịnh, như chỉ quán thiền của tông Thiên Thai, tịnh cũng giúp cho quán, hai cái giúp đỡ nhau nhưng hai cái đồng thời, không phải có trước sau, nên gọi là thiền giáo môn.
Hỏi:
 Kinh nghiệm mình hiểu và mình tìm hiểu có khác nhau không?
Đáp:
 Tìm hiểu là tìm hoài, càng tìm càng xa. Công án Pháp Nhãn: Thiền tông có 5 phái (Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng). Tổ đầu tiên của tông Pháp Nhãn là Văn Ích Thiền Sư được ngộ đạo cao nhất trong các huynh đệ, nên ông dẫn đầu đi tham học.
  Ngày xưa người kiến tánh rồi vẫn còn đi tham học thì mới đủ cái dụng. Ông đi ngang Thiền Sư Quế Thanh, gặp tuyết rơi nhiều, nên ghé lại nơi này để tránh tuyết. Khi vào thiền hội cùng đàm chuyện với Thiền sư Quế Thanh, nói đến “trời đất với ta cùng một nguồn gốc” của Triệu Luận.
- Quế Thanh hỏi: Trời đất với Thượng tọa đồng hay khác?
- Văn Ích đáp: Đồng.
- Quế Thanh không nói mà chỉ đưa 2 ngón tay (nhị).
- Các người đi cùng Văn Ích trả lời: Khác.
- Quế Thanh cũng không nói mà chỉ đưa 2 ngón tay.
Bây giờ người ta tưởng đồng là một, phải hai cái trở lên mới gọi là đồng, như trái này đồng với trái kia, nên đồng cũng là nhị, khác cũng là nhị. Quế Thanh biết những người này chưa kiến tánh, nhưng cũng có công phu nhiều, như trái cây gần chín mùi.
 Khi tuyết hết rơi, Văn Ích và những người đi cùng từ giả đi tiếp, đi ra ngoài cửa gặp một tảng đá.
- Quế Thanh hỏi: Bình thường Thượng tọa cho là vạn pháp duy tâm. Vậy tảng đá này ở trong tâm hay ở ngoài tâm?
- Văn Ích đáp: Ở trong tâm.
- Quế thanh cười và nói: Sao Thượng tọa đi hành cước lại để tảng đá trong tâm vậy?
- Văn Ích mắc cở không đi hành cước, trở vô xin ở lại. Mỗi ngày trình kiến giải đều bị Quế Thanh lắc đầu. Trải qua một tháng, Văn Ích nói: Không còn lý gì để trình (lúc đó công phu đã chín mùi).
- Quế Thanh nói: Nếu nói Phật pháp thì sẵn sàng.
- Văn Ích liền ngộ triệt để, rồi nối pháp của Quế Thanh thành tông sư của một tông Pháp Nhãn.
Hỏi:
Bây giờ, người ta tu rồi được cái gì?
Đáp:
 Bây giờ, người ta tu là để tìm hiểu, nên càng tìm càng xa, lại giải thích từng chữ danh từ; giải thích chừng nào thì nghĩa kinh càng xa, họ xem Phật pháp như văn học.
 - Căn cơ người tu học còn thấp thì sao khỏi giải thích?
 - Không phải, họ giải thích cái ý chứ không phải cái chữ! Kinh Lăng Già nói: “Pháp lìa văn tự”, kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm có lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Cho nên, phải phù hợp với ý của Phật, nếu y văn giải nghĩa tam thế Phật oan, vì ý của Phật thì không phải vậy.
Như Phật nói có thì ý của Phật không phải có, tại có là công cụ để phá chấp không; lúc Phật nói không thì ý của Phật không nói không là dùng công cụ không để phá chấp có.
Những người y văn giải nghĩa nghe Phật nói có cho là chân lý, nghe Phật nói không cho không là chân lý thì nghịch ý Phật. Như giải thích thế nào là chơn không? Thế nào là diệu hữu? Tự cho là lý giải cao, nhưng giải thích rõ chừng nào thì xa với ý Phật chừng nấy.
Hỏi:
 Lục Tổ khi ngộ đạo rồi ẩn trong đám thợ săn 15 năm để dứt trừ tập khí, sao không thấy Lục Tổ tu pháp môn nào?
Đáp:
 Ngài Lai Quả nói trong Tham Thiền Phổ Thuyết: “Dứt trừ tập khí (bảo nhậm) là tự động lìa tập khí, chứ không phải cần dùng công phu”.
 Tập khí là do cảm giác của bộ não, tôi nói vắn tắt “cho là” thì tập khí con người khi gặp cảnh tự nhiên “cho là”, như cho là cái này tốt, cho là cái này xấu,… mà lấy ý mình để xen vào, tức là ở trong thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng.
Người dứt tập khí thì đối cảnh không khởi ý cho là phải hay không phải, như thị phi, tốt xấu,… đều không khởi ý niệm. Ban đầu có muốn khởi, nhưng không cần đè nén, chỉ cần bảo nhậm được cái ngộ là hư không trống rỗng thì gặp cái nào cũng tan rã.
Trong kinh Viên giác nói: “Băng gặp nước canh nóng thì băng sẽ tan”, canh là năng tan, băng là sở tan, nếu băng tan rồi tất cả đều thành nước, đó không phải băng và cũng không phải canh, tức là năng sở đều mất hết. Còn biết canh là năng, băng là sở thì cũng bị dính mắc.
Vậy, kiến lập tri kiến đúng sai là căn bản của vô minh, mặc dầu có tri kiến nhưng không thấy có tri kiến; thấy giống mù, nghe như điếc nên không bị dính mắc, gọi là bảo nhậm thì tập khí tự động dứt.
Có người hỏi Thiền Sư: Thế nào con mắt ứng dụng mà không thiếu gì?
Thiền Sư trả lời: Giống như một người mù.
Thấy của người mù cũng như không thấy thì sự thấy được cùng khắp. Nếu nổi lên một niệm bị niệm đó làm chướng ngại, nên cái biết không cùng khắp, không có niệm ngại thì cái biết mới cùng khắp.
Hỏi:
 Ngoài pháp môn Tổ Sư thiền còn có pháp môn nào để giúp người ta bỏ cái ngã không?
Đáp:
 Nếu có bỏ thì đã chấp thật có rồi, chỉ cần ngộ là hư không trống rỗng, không có cái gì để bỏ và không có cái gì để lấy, không có người lấy cũng không có người bỏ.
 - Có phải thực tế đều do cái ngã không?
 - Phải rồi, tất cả đều do cái ngã, thành ra chấp ngã nặng chừng nào thì chướng ngại nhiều chừng nấy, nên Phật pháp chỉ là phá cái chấp thôi.
Hỏi:
Vì tập khí nhiều nên họ không tin tự tâm, không thể tham Tổ Sư thiền đúng, có cách nào giúp cho họ bỏ được cái ngã?
Đáp:
 Nếu như vậy thì không được, đã không tin tự tâm làm sao tập khí dứt được? Có người cho là chuyển thức thành trí, mà thức thì dùng năng lượng vật chất, còn trí là dùng năng lượng phi vật chất. Aáy là phương tiện.
Nếu thật chuyển thức thành trí tức là ngộ triệt để rồi, đã ngộ rồi thì ai chuyển ai? Có cái gì để chuyển? Hư không vô sở hữu làm sao có chuyển? Vì có cái ta nên mới có sự chuyển. Cái chuyển chỉ là danh ngôn, nếu không bị chuyển dính mắc mới gọi là đại định.
Hỏi:
 Vừa rồi thầy có nói “vô kiến”, vậy có đồng với “vô niệm” hay đồng “Bát Nhã tam muội” của Lục Tổ không?
Đáp:
 Vô Tướng Tụng của Lục Tổ nói: “Vô niệm niệm là chánh, hữu niệm niệm là tà”, nhưng chánh với tà còn tương đối, nên tiếp theo: “Hữu vô đều quét sạch” thì phá được tương đối, vì có tương đối thì còn nhị.
 Vừa rồi tôi giảng, Pháp Nhãn Thiền Sư lúc chưa kiến tánh, ông tưởng mình đã kiến tánh, nên có nói ra là nhị, như muốn trình kiến giải. Cũng có người muốn trình kiến giải cho tôi, tôi cũng tận sức giúp đỡ người đó, vì cứu người đó cũng là cứu Phật giáo.
Nếu người đó có bị phát điên ói máu  thì người ta nói “vì người đó học Tổ Sư thiền nên mới bị như vậy” thì Tổ Sư thiền đâu còn gì nữa? Tôi nói với người đó “hãy xem 50 thứ ma ngũ ấm, mỗi ngày phải xem 20 lần, nếu không, ông tu đến bậc cao, nó sẽ phát điên ói máu”. Vì người đó cũng có khổ công thích tu. Nếu người không có khổ công thích tu thì không thể phát điên ói máu.
Hỏi:
 Trường hợp như người đó thì chướng ngại cái gì?
Đáp:
 Chướng ngại của người đó là cái ta, vì có cái ta thuyết pháp mới nói “tôi thuyết pháp thì người ta dễ hiểu, còn người khác thuyết pháp mà người ta không hiểu”. Người đó gởi thư cho tôi nói: “Khổ công tu 8 năm, lúc ngồi tu được quên thân”.
Khi ấy tôi chưa gặp mặt, tôi gởi thư trả lời: “Dặn y hãy coi 50 thứ ma ngũ ấm trong kinh Lăng nghiêm”, sau này gặp y, tôi cũng bảo y coi cái đó. Lần sau nữa, tôi khuyên y coi 50 thứ ma ngũ ấm phải 100 lần chứ 99 lần cũng chưa được, rồi không biết y có coi hay không! Nhưng cứ chấp cái ngã lớn quá mới có tham sân si.
Hỏi:
 Tác dụng đọc 50 thứ ma ngũ ấm để là gì?
Đáp:
 Đọc 50 thứ ma ngũ ấm là để ý mình có lọt vào những cảnh giới đó không? Nếu thấy mình có chứng có đắc thì rất nguy hiểm. Phật dạên A Nan luôn nhắc nhở người đời sau: “Tu hành không được để lọt vào 50 thứ ma ngũ ấm”.
Hỏi:
 Thế nào là niệm Phật mới đúng theo bản ý của Lục Tổ Huệ Năng?
Đáp:
 Phật Thích Ca dạy 84.000 pháp môn mà pháp môn nào đều cũng có thiền để tu. Không có thiền thì không có tu, nên 3 cấp tu của Tịnh Độ là thiền. Nhưng người tu theo Tịnh Độ không biết, nếu có biết cũng không chịu nhìn nhận.
* Ba cách tu của Tịnh Độ:
1- Thật tướng niệm Phật gần giống như Tổ Sư thiền, tức là khỏi cần vãng sanh, nghĩa là Tâm tịnh thì Phật độ tịnh.
2- Quán Vô Lượng Thọ: Có 16 pháp thiền quán là thiền của Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ không theo kinh Tịnh Độ và cũng không theo Tổ Tịnh Độ dạy, cứ tự mình bày đặt bậy bạ!
3- Trì danh niệm Phật: Mục đích đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là thiền định.
Ba cách tu đều là thiền, nhưng lại họ không nhìn nhận là thiền, rồi lại bài xích thiền. Pháp môn của mình tu là thiền, trong kinh của Tịnh Độ cũng có dạy. Kinh Đại A Di Đà nói: “Khi vãng sanh cực lạc rồi Phật A Di Đà dạy tham thiền” giống như Tổ Sư thiền là từ nghi đến ngộ. Không có nghi thì không có ngộ, nghi là nhân, ngộ là quả. Pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều như vậy.
Tổ Ấn Quang là Tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ giải thích “tín, nguyện, hạnh” của tông chỉ  Tịnh Độ rất kỹ, có đường lối thực hành rõ ràng. Có số người tự cho mình tu Tịnh Độ mà không biết tông chỉ Tịnh Độ, thế nào là tín, nguyện, hạnh? Họ cứ nói bậy bạ!
Họ không theo lời Tổ dạy mà bày đặt tụng kinh gõ mõ cho là tu Tịnh Độ. Họ niệm Phật đâu phải suốt ngày niệm, lúc nhiễu Phật thì họ mới niệm! Dẫu cho suốt ngày niệm Phật chưa phải là Tịnh Độ, vì chưa thực hành tín, nguyện, hạnh.
Hỏi:
 Thế nào là Tịnh Độ?
Đáp:
 Tịnh là trong sạch, Quốc Độ trong sạch gọi là Tịnh Độ, còn gọi là cực lạc nghĩa là vui không có khổ, nếu người sanh cõi Tịnh Độ thì có vui mà không có khổ. Như tiểu kinh A Di Đà nói: “Ở trên Tịnh Độ có gió thổi chim kêu giống như âm nhạc làm cho mình thích tu”, như ở cõi Ta Bà mình ham tiền vậy, cuối cùng rồi cũng thành Phật.
Hỏi:
 Nếu định nghĩa như vậy, có phải còn chấp thật không?
Đáp:
 Tịnh Độ còn chấp thật, nên mới độ người hạ căn, rồi qua Tịnh Độ nhờ Phật A Di Đà dạy phá chấp thật, chứ bây giờ họ không tin được.
Hỏi:
 Cái gì khiến cho không có lòng tin?
Đáp:
 Không có lòng tin là phát xuất từ  có cái ngã. Cho có chứng đắc mới thành tựu, tức là có sở đắc đều là cái ngã. Nếu cho ta thuyết pháp là thuyết cái ngã, không phải thuyết pháp Niết Bàn. Cho nên, có siêng năng tu tập chẳng có ích lợi gì! Nếu không phá cái ngã thì tu thành tà ma ngoại đạo.
Hỏi:
 Ngũ gia tông phái còn truyền thừa không?
Đáp:
 Lâm Tế, Tào Động ở Trung Quốc vẫn còn, Pháp Nhãn ở Đại Hàn cũng còn. Pháp Nhãn, Vân Môn, Quy Ngưỡng ở Trung Quốc đều tuyệt truyền. Lâm Tế, Tào Động ở Nhật là giải công án, không phải tham công án, tức là họ không bao giờ ngộ được. Giải thích công án là đóng bít cửa ngộ, vì không còn nghi nữa.
Họ dùng bộ não đi tìm hiểu đáp án của công án để giải thích, họ không biết tác dụng công án là để cho người ta ngộ, chứ không phải để cho người ta hiểu! Tại họ làm cho người trí thức được thỏa mãn sự tìm hiểu, người trí thức tưởng là mình không giải thích được, còn Thiền Sư giải thích thì hay hơn mình.
Hỏi:
 Tham Tổ Sư thiền mà không khởi được cái nghi thì làm sao?
Đáp:
 Họ phải giữ cái “không biết”, vì họ ngược lại. Theo Tổ Sư thiền là dùng cái không biết của bộ não để chấm dứt các biết của bộ não (tìm hiểu biết, suy nghĩ, ghi nhớ biết), 3 cái biết này chấm dứt thì đến thoại đầu. Họ không những không chịu chấm dứt, lại tìm hiểu nghi tình, cho có nghi tình đắc được, nghi tình lớn, nghi tình nhỏ,… đó là dùng cái biết, chứ không phải dùng cái không biết để chấm dứt, tức là che khuất thêm, đâu có dẹp che khuất!
 Mục đích của câu thoại đầu là kích thích lên niệm không biết, chứ không phải để cho người tham thiền tìm hiểu đáp án của câu thoại đầu. Bây giờ nhiều người muốn tìm hiểu đáp án của câu thoại đầu, thành ra giống như thiền của Nhật Bản, thiền của Đại Hàn là tìm đáp án của công án.
 Muôn ngàn câu thoại và công án là chỉ có mục đích kích thích lên niệm không biết, khán là nhìn chỗ không hiểu không biết, chỗ không hiểu không biết thì không có chỗ, không có chỗ thì không có mục tiêu để nhìn, nên nhìn mãi cũng không thấy gì vẫn còn không biết, hỏi và nhìn đi song song để giữ cái không biết đó gọi là nghi tình. Biết mình nghi tức là không có nghi, không biết mới là nghi tình.
Hỏi:
 Cư sĩ phạm giới tà dâm, tức là tự động phạm những giới còn lại có phải vậy  không?
Đáp:
 Cư sĩ thì khác với người xuất gia, Sa Di và Tỳ Kheo cũng khác, như Tỳ Kheo phạm giới dâm thì bị tử hình (ba la di), Sa Di thì bị đột kiết la (tội cấp thứ 5), nhưng tội cấp thứ 5 cũng bị hai, ba trăm ngàn năm địa ngục, còn phạm ba la di phải bị 9 triệu năm địa ngục, kiếp này bị tử hình, tức là bị mất Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, muốn được Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni thì phải kiếp sau.
 Tội ba la di cũng có thể sám hối diệt tội, nhưng tội chết không thể sám hối được, chỉ là giữ được Sa Di, tức là Tỳ Kheo không còn. Sau khi phạm nửa tiếng liền báo với Tăng đoàn xin sám hối. Rồi Tăng đoàn mới cử 20 vị để làm pháp yết ma sám hối, người xin sám hối phải săn sóc 20 vị này nửa tháng, như giặt đồ, quét nhà, nấu cơm,… qua nửa tháng thì 20 vị đồng ý cho sám hối mới được sám hối.
 Nếu một người trong 20 vị không đồng ý cho sám hối  thì yết ma không được thành tựu, vì yết ma của nhà Phật thì phải có sự đồng ý 100%.
 - Cư sĩ phạm giới tà dâm, rồi 4 giới kia phạm luôn là không đúng, vì cư sĩ thì khác. Cư sĩ phạm giới tà dâm cũng không bị tội địa ngục. Cư sĩ phạm ngũ giới thì sám hối với người có thọ ngũ giới, tự nói là: “Tôi phạm như vậy… xin ông (bà) chứng minh cho, sau này tôi không dám phạm nữa” thì diệt được tội phá giới.
 Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni cũng khác, Tỳ Kheo có 4 tội ba la di phải bị tử hình, còn Tỳ Kheo Ni có 8 tội ba la di phải bị tử hình, Tỳ Kheo có 250 giới, Tỳ Kheo Ni có 348 giới.
Hỏi:
 Người cư sĩ phạm giới tà dâm thì phải làm sao?
Đáp:
 Phải sám hối mới diệt được tội phá giới.
 - Sám hối với Phật phải không?
 - Sám hối trước bàn thờ Phật không có kết quả. Tại sao? Vì đâu có ai thấy để chứng minh! Đối với nhà Phật thì phải sám hối với người, có người đó chứng minh, sau đó không dám phạm nữa, tại sợ người đó biết.
 Như Sa Di phạm giới phải sám hối với người có thọ giới Sa Di, những tội nhẹ của Tỳ Kheo cũng vậy, nhưng các tội khác của Tỳ Kheo muốn sám hối lại khó hơn. Tội của người xuất gia muốn sám hối phải qua sự yết ma, yết ma lớn nhất là 20 người, thấp là 10 người, 4 người, tùy theo trường hợp. Yết ma sám hối của nhà Phật có khoảng 2 trăm thứ.
Hỏi:
 Các vị Tu Sĩ tông Tịnh Độ gặp nhau chào là: “A Di Đà Phật” thì các vị Thiền tông gặp nhau làm sao?
Đáp:
 Đó không phải vậy! Gặp nhau vấn tín (xá) tức là chào nhau, như  người tại gia muốn đảnh lễ người xuất gia, nhưng người xuất gia đang ăn cơm hay đang làm việc gì thì không đảnh lễ được, nên phải vấn tín.
Hỏi:
 Vấn tín có phải tùy theo mỗi địa phương của mỗi nước khác nhau không?
Đáp:
 Thuộc về giá giới mới khác được, tánh giới (sát, đạo, dâm, vọng) thì không thể khác. Như phong tục tập quán ở Ấn Độ, Tu Sĩ không được làm ruộng, mà đi khất thực; còn phong tục tập quán ở Trung Quốc, Tu Sĩ đi khất thực thì người ta coi như con sâu ăn gạo, không có ích lợi cho xã hội, nên Tu Sĩ phải trồng trọt để ăn thì người ta mới khen. Cho nên, Tu Sĩ ở Trung Quốc trồng trọt là giữ giới, ở Ấn Độ trồng trọt là phạm giới. Đó là tùy theo phong tục tập quán của mỗi địa phương.
 Tại sao Phật lại chế ra như vậy? Phật muốn bất cứ nước nào, địa phương nào đều hoan nghinh Tu Sĩ Phật giáo, như vậy mới hoằng pháp khắp thế giới được, nên những giá giới tùy theo truyền thống phong tục địa phương mà thay đổi.
Hỏi:
 Thế nào là khai, giá, trì, phạm?
Đáp:
 Khai là những giới mình làm có phạm, nhưng vì trị bệnh hay có hoàn cảnh khác, mình công khai trước mọi người làm việc đó thì không phạm.
Giá là che, tức là che miệng của thế gian đừng phê bình công kích Tu Sĩ Phật giáo. Nếu người thế gian công kích phê bình Tu Sĩ Phật giáo, làm sao Tu Sĩ hoằng pháp? Cho nên, Phật mới chế giá giới tùy theo tập quán phong tục của mỗi địa phương. Trì là giữ giới, phạm là phạm giới. 
Hỏi:
 Như vậy có phải mỗi giới riêng biệt nhau không?
Đáp:
 Tánh giới (sát, đạo, dâm, vọng) thì Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni bằng nhau. Đại vọng ngữ khác với tiểu vọng ngữ, đại vọng ngữ là chưa chứng mà nói đã chứng, chưa đắc quả mà nói đã đắc quả, đó là tội ba la di. Tiểu vọng ngữ là như nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
 Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phạm tánh giới là tử hình (mất Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni) tức là bằng tử hình của người thế gian, muốn có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thì phải kiếp sau thọ lại, chứ kiếp này không được.
Hỏi:
 Sư Phụ nói đại vọng ngữ là chưa chứng mà nói đã chứng, có hai loại: Loại thứ nhất là họ gạt người ta, tự mình biết chưa chứng mà nói đã chứng; còn loại thứ hai là họ tu chưa chứng mà tưởng mình đã chứng. Như vậy loại thứ hai có coi là đại vọng ngữ không?
Đáp:
 Trong giới luật nhà Phật phạm đại vọng cũng là vọng ngữ. Những người nhập ma phát điên vì họ có ý đó mới phát điên nói ra vậy, nếu họ không có ý đó thì không thể nói ra vậy. Cho nên theo giới luật nhà Phật những việc đó đều là tội ba la di. 
- Có phải tu sai là phát điên không?
- Phải, nếu không phá ngã chấp mà tu đến mức cao rồi sẽ phát điên. Nên Phật thường nhắc nhở trong 50 thứ ma ngũ ấm và cũng dặn A Nan nên nhắc nhở chúng sanh đời sau.
Vì không phá ngã chấp nên tu sẽ thành tà ma ngoại đạo. Vì vậy chánh pháp là phải phá ngã chấp. Kinh Viên Giác nói: “Cho mình có thuyết pháp, có chứng có ngộ đều là cái ngã”.

Hỏi:
 Vọng tưởng hết có phải vào định chưa?
Đáp:
 Đó là tà định, không phải chánh định; chánh định còn gọi là tam muội, không có tương đối.
 - Làm sao để cho người ta hiểu?
 - Phật đã nói rất kỹ, nhưng người đó không hiểu là do người đó, chứ không phải do Phật!
Hỏi:
 Thế nào là chánh định?
Đáp:
 Lục Tổ nói: “Hữu niệm niệm là tà, vô niệm niệm là chánh”, nhưng chánh tà còn tương đối, nên câu tiếp theo: “Chánh tà đều quét sạch, mới trong sạch đến cùng tột”, tức là chánh và tà không còn.
 - Có phải kiến tánh rồi mới được chánh định không?
 - Mục đích là đến chỗ đó.
 - Trước đó còn tịnh là còn trong tương đối phải không?
 - Phải rồi, tức là còn cái ngã.
Hỏi:
 Sư Phụ có dạy: “Hỏi và nhìn, 2 cái song song tiến hành”, nhưng Sư Phụ không có nói cách ngồi hay tư thế; như các trường phái thiền khác có dạy: “Nếu ngồi đúng thì giúp cho mình tịnh”. Như vậy như thế nào?
Đáp:
 Lục Tổ nói trong Pháp Bảo Đàn: “Tọa là tâm tọa, chứ không phải thân tọa”, vì người ta chấp cái thân. Lục Tổ nói: Ngồi lâu trói thân có ích lợi gì!
Và nói:
 Lúc sống ngồi chẳng nằm,
 Khi chết nằm chẳng ngồi.
 Vốn là đống xương thúi,
 Đâu thể lập công phu?
Vì thân sau này biến thành tro biến thành đất, còn tu là tu cái tâm tồn tại vĩnh viễn không có liên quan với cái thân ngồi, cho nên ngồi là cái tâm, chứ không phải là cái thân.
Hỏi:
 Những người sơ cơ mới tu thì thân tâm của họ còn xáo động, nếu ngồi thì có thể giúp cho họ được tịnh bước đầu. Vậy có nên tập như vậy không?
Đáp:
 Như vậy không nên. Tại sao? Vì tánh con người lúc tịnh dễ nhập, động khó nhập. Như tịnh thì 3 tháng vô cửa, còn động 3 năm mới vô cửa; như vậy động nhập được phải khó hơn tịnh 10 lần. Nhưng tịnh 3 tháng vô cửa mà 300 năm không thể kiến tánh, còn động 3 năm vô cửa thì 4 năm có thể kiến tánh, như thế lại nhanh hơn.
 Tại sao? Vì chấp tịnh lúc ngồi mới có, khi đứng dậy thì hết. Đâu có thể mình không ăn cơm và không làm việc sao? Ngài Lai Quả nói: “Động cũng không động đến tôi, tịnh cũng không tịnh đến tôi”, do tâm định nên động tịnh không bị ảnh hưởng, nên mau kiến tánh.
 Cho nên, tịnh dễ nhập nhưng lâu kiến tánh, còn động khó nhập nhưng mau kiến tánh là vậy.
Hỏi:
 Hỏi và nhìn, con thấy không có chỗ nào để tập trung. Như vậy có đúng không?
Đáp:
 Không có chỗ để tập trung mới đúng. Vì tâm như hư không vô sở hữu thì không có chỗ, nếu có chỗ thì không cùng khắp không gian tức là không phải trống rỗng. Nên gọi là tánh không cũng là giải thoát. Tại không có chỗ để trói buộc thì sẵn giải thoát, chứ không bị trói rồi mở trói mới giải thoát.
Hỏi:
 Các pháp môn khác càng tập thì đầu óc càng tập trung, còn tham Tổ Sư thiền càng tham thì đầu óc không thấy tập trung phải không?
Đáp:
 Phải rồi, vì ít phí sức chừng nào tốt chừng nấy, Tổ Sư thiền là như vậy, không cho tập trung, không cho cố gắng.
 - Có phải trong khi như vậy có một khoảng trống?
 - Phải rồi, có cái trống rỗng không thấy gì, không hiểu gì là đúng. Vì trống rỗng nên gọi là vô sở trụ, nếu có sở trụ làm mất hoạt bát vạn năng tự tánh.
 - Như vậy lâu ngày mình có mất hết khả năng tập trung không?
 - Tập trung làm gì? Tập trung là chướng ngại sự tham thiền.
 - Như mình làm việc gì hay học hỏi cần phải tập trung thì sao?
 - Cái tập trung đó là thói quen của bộ não, khi mình đến mức độ đó rồi khỏi cần tập trung, mình cũng làm việc được vậy! Mà làm việc còn nhanh hơn gấp bội. Như cô thợ may, lúc chưa tham thiền phải tập trung, một ngày may được một bộ, sau này đang tham thiền không có tập trung mà may được hai bộ, đường chỉ ngay thẳng hơn. Nhưng không biết tại sao?
 Có cuốn sách viết, họ cũng biết có lực trường khắp không gian và có nhà chuyên môn để thí nghiệm.
 Như hư không vô sở hữu thì không có, nhưng cái dụng rõ ràng. Bất cứ cái gì, mặt trời, mặt trăng, đất đai, nhà cửa, cây cối,… đều cũng nhờ vô sở hữu này dung nạp và ứng dụng. Mình đang nói chuyện cũng phải nhờ không gian vô sở hữu mới nói chuyện được. Mình thấy nhau cũng phải nhờ không gian vô sở hữu này mới nhìn thấy nhau được.
Vậy cái dụng rõ ràng là do vô sở hữu nên mới dùng, vô sở hữu nên mới dung nạp. Vô sở hữu thì không có cái gì để cho mình thấy nghe được. Bản thể tìm không ra, nhưng cái dụng thì trước mắt. Nên người Tây phương do cái dụng đó, họ dần dần sẽ phát hiện được những phát minh mới.
 Trong Vũ Trụ Quan Thế Kỷ 21, tôi gọi là từ trường, người ta gọi là lực trường. Lực là cái sức cũng gọi là năng lượng.
Có nhiều người chưa tham Tổ Sư thiền, tại kiếp trước họ cũng có năng lượng đó, lúc bộ não ngưng hoạt động thì họ làm việc sáng suốt hơn. Các nhà khoa học tạo ra những cái máy tân tiến cũng có thể làm cho người ta tin cái  năng lực đó.
Hỏi:
 Trước khi làm lễ xuất gia thầy có giảng “xuất gia là giải thoát sanh tử, chứ không phải làm những công việc của thế gian”. Lễ xuất gia ở chỗ khác, họ có làm như vậy không?
Đáp:
 Năm giới người cư sĩ, 4 giới (sát, đạo, dâm, vọng) là căn bản. Nếu họ giữ được hoàn toàn thì liễu thoát sanh tử. 5 giới của cư sĩ, 10 giới của Sa Di, Sa Di Ni, 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni đều 4 giới này làm căn bản.
 Nhưng người cư sĩ phải ứng phó cuộc sống thì có chướng ngại nhiều, nên Phật lập phương tiện làm hạnh xuất gia một ngày một đêm tu Bát Quan Trai, Bát Quan Trai chỉ có 9 giới trong 10 giới của Sa Di (trừ giới không cầm tiền bạc).
 Những người thọ giới Bồ Tát, Phật còn bắt buộc phải một tháng có 6 ngày đêm Bát Quan Trai để tập dần dần cho quen.
Hỏi:
 Người Bồ Tát tại gia có bao nhiêu giới?
Đáp:
 Người cư sĩ thọ Bồ Tát tại gia gồm có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Bồ Tát xuất gia có 10 giới trọng và 48 giới khinh. Bao nhiêu tuổi đều cũng được thọ Bồ Tát giới.
Hỏi:
 Xuất gia là trên cầu Phật đạo, dưới là độ thoát chúng sanh. Vậy như thế nào?
Đáp:
 Như vậy là lẽ tự nhiên, vì liễu thoát sanh tử thì đâu có sanh tử để liễu thoát? Là ngộ vốn không có sanh tử, tức là ngộ pháp vô sanh. Thành Phật thì tự nhiên sẽ độ chúng sanh, nhưng không có năng độ và sở độ (không còn có ta).
 Bây giờ, ở nơi nhân địa thì còn chấp sanh tử, nên vì có sanh tử để liễu thoát; khi đã ngộ thì biết không có sanh tử, nên gọi là liễu thoát sanh tử. Cho nên Tịnh Độ cũng nói: “Hoa khai kiến Phật, ngộ vô sanh”.
Hỏi:
 Chân lý của vũ trụ này là chỉ có một, nhưng tâm hiểu chân lý và tâm ngộ chân lý. Vậy hai cái khác nhau như thế nào?
Đáp:
  Phật giáo không kiến lập chân lý, Phật giáo khác hơn các tôn giáo khác, vì tất cả tôn giáo khác đều có kiến lập chân lý. Tại sao? Không phải Phật giáo không có chân lý, tại chân lý đã sẵn có tức là chân tâm. Nếu kiến lập chân lý thì giống như trên đầu mọc thêm cái đầu. Nhưng cái đầu này đủ dùng, nếu thêm một cái đầu nữa thì làm chướng ngại cái đầu có sẵn, phải mời bác sĩ cắt bỏ mới được.
 Tâm hiểu biết là hoạt động của bộ não che khuất cái biết của chơn tâm; cái biết của bộ não là cái biết tương đối, cái biết chơn tâm là bất nhị không có tương đối. Có người hỏi: Tham  Tổ Sư thiền là dùng cái không biết để tu, tu đến thoại đầu thì sắp kiến tánh, sắp kiến tánh thì sắp biết phải không?
 Tôi nói: Không phải, không được nói là sắp biết.
 Người ấy hỏi: Không được sắp biết thì giống như gỗ đá không biết gì sao?
 Tôi nói: Không phải vậy, cái biết chơn tâm không bao giờ ngưng, nếu ngưng rồi biết lại thì nói là sắp biết được. Nhưng người ấy cũng chưa hiểu, tôi thay đổi câu hỏi là: “Trời gần sáng rồi, mặt trời sắp chiếu, vậy có được không?” Không được. Mặt trời không thể nói là sắp chiếu. Tại sao? Mặt trời đâu có ngưng chiếu! Mặt trời ngưng chiếu thì nói sắp chiếu được, mặt trời không phải đến sáng rồi mới chiếu.
 Chơn tâm của mình cũng vậy, nó đâu có ngưng biết hồi nào? Mà nói sắp biết! Bây giờ cái biết chơn tâm không hiện ra là bị che khuất, cũng như không thấy mặt trời là bị mây đen che khuất. Cho nên, Phật dạy thiền là để dẹp các thứ che khuất (biết và không biết của bộ não), nhưng những thiền ấy dẹp các che khuất có sâu cạn khác nhau.
 Như thiền của Tiểu thừa là Ngũ Đình Tâm quán (5 thứ thiền quán) đình chỉ hoạt động của tâm (bộ não). Bây giờ phần nhiều người ta tu Sổ Tức quán và Bất Tịnh quán, còn 3 thứ quán kia (Nhân Duyên quán, Từ Bi quán, Lục Thức quán) không thấy ai tu. Năm thứ thiền này là muốn tiêu diệt lục căn, vì lục căn tiếp xúc lục trần sanh ra phiền não.
Nhưng lục căn đối với lục trần là vật chất, ngài Nguyệt Khê nói theo triết học là Duy Vật luận; tiến thêm 1 bước là Trung thừa biết đoạn dứt lục căn không được, vì lục căn hoạt động là do nhất niệm vô minh, niệm đây cứ khởi hoài từ niệm này qua niệm kia, chứ không phải có quan hệ với lục trần, nên nói là Duy Tâm luận. Tức là Trung thừa phải đoạn dứt niệm vô minh.
Đến Đại thừa biết hai thừa trên chưa đúng hoàn toàn, tức là Tiểu thừa là phá ngã chấp, Trung thừa là phá pháp chấp, Đại thừa là phá ngã chấp pháp chấp thì chấp vào không gọi là không chấp, cho tất cả đều không, nên Đại thừa thì tâm với vật hợp một.
Tổ Sư thiền còn gọi là Tối Thượng thừa không phải tâm với một hợp một, mà là phi tâm phi vật.
- Vô thừa là sao?
- Vô thừa là không có thừa nào khác, không phải Trung thừa, Đại thừa, cho nên Tối thượng thừa cũng gọi là Phi thừa. Vì thừa này không có thuộc về tam thừa.
Hỏi:
 Sư Phụ thường dạy không được cầu ở nơi Phật Thánh, còn các chỗ khác thì dạy hãy cầu nơi Phật Thánh. Tu Tổ Sư thiền thì không có cầu, mà chỉ hỏi và nhìn. Như vậy như thế nào?
Đáp:
 Cầu cho nhanh ngộ cũng không được, tu là muốn giác ngộ đúng như nghĩa chữ “Phật”. Tu mục đích muốn ngộ, tại sao không được cầu ngộ? Người tu liễu thoát sanh tử thì đâu có thể nào đi cầu cho Bồ Tát phù hộ? Đó là cái ngã vì cá nhân. Nếu có cầu ngộ để độ chúng sanh cũng không được.
Hỏi:
 Khi tham thiền gặp cảnh ngoài còn thấy sợ, muốn cầu Quán Thế Aâm phù hộ. Vậy có được không?
Đáp:
 Như vậy tin tự tâm chưa đầy đủ, nên mới có sự cầu. Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền có điều thứ nhất là: “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Có cầu mà tu đến cao nên ma của 50 thứ ma ngũ ấm mới nhập được. Như mình muốn cầu Bồ Tát và Phật thì ma hiện ra Bồ Tát và Phật.
Hỏi:
 Khi mình gặp chuyện gì nhưng không cầu mà ở trước bàn thờ Phật lễ Phật, tụng kinh để cho tâm nghĩ đến Phật và biết mình có chơn tâm bằng Phật làm cho mình đầy đủ niềm tin thêm. Vậy có được không?
Đáp:
 Không phải là phải lễ Phật hay bắt buộc lễ Phật, trong Thiền tông có công án: Một Sa Di gặp Hoàng Bá (kiến tánh triệt để) lễ Phật, Sa Di nói: Đó là tượng đất tượng gỗ mà lạy làm chi?
Hoàng Bá muốn phá chấp Sa Di, nói: Vì tôi kính Phật nên phải lễ.
 Sa Di nói: Tượng Phật tượng gỗ mà!
 Hoàng Bá liền bạt tai Sa Di và nói: Tôi phải lạy như vậy mới phải.
 Sa Di đó sau này làm vua, ông không vì bạt tai mà trả thù, lại còn phong Hoàng Bá là “Đoạn Tế Thiền Sư”.

 Đệ tử của Hoàng Bá là Lâm tế, Viện chủ hỏi: Lễ Phật trước hay lễ Tổ trước?
 Lâm Tế biết Viện chủ chấp nên nói: Phật và Tổ  cũng không lễ.
Nhưng thực tế không phải là lễ hay không lễ, tức là tùy bệnh cho thuốc. Cho nên, lời của chư Phật chư Tổ là để phá chấp của chúng sanh, vì phá chấp mới ngộ đạo được, đến khi ngộ cũng không được chấp cái ngộ.
Hỏi:
 Nếu tham Tổ Sư thiền mà chấp vào chỗ không cầu thì sao?
Đáp:
 Nếu không cầu thì cũng còn chấp vì lọt vào một bên, chấp cầu và không cầu là tương đối.
 Hoàng Bá và Lâm Tế là hai thầy trò, bây giờ tất cả con cháu của Tổ Sư thiền phần nhiều do Lâm Tế truyền xuống. Nhưng một người thì lễ Phật, còn một người thì không lễ Phật, đâu phải là nghịch nhau! Hai vị đều cùng  một mục đích.
 Nếu tham thiền đúng thì không có dính líu đến với vô sở cầu, khi tâm mình có sở cầu thì đó là cái ngã.  Cho nên kinh Viên Giác là phá sạch cái ngã đó. Nhiều người đã đọc kinh Viên Giác, nhưng họ không để ý, cứ theo thói quen thành kiến đã sẵn.
Hỏi:
 Tin tự tâm chỉ có công phu mới có, chứ đâu khao khát mới có được phải không?
Đáp:
 Tôi hỏi Cư sĩ: Ông có tin ông có Phật tánh không?
 Cư Sĩ đáp: Tin.
 Tôi hỏi: Phật tánh có giảm bớt được không?
 Cư Sĩ đáp: Không.
 Tôi hỏi: Phật tánh có gián đoạn được không?
 Cư Sĩ đáp: Không.
Tôi nói Phật tánh của ông không có giảm bớt thì Phật tánh của ông và Phật tánh của Phật Thích Ca bằng nhau, Phật Thích Ca có thần thông, trí huệ bao nhiêu thì ông cũng có bao nhiêu đó, không có kém hơn của Phật Thích Ca một chút nào cả. Nếu kém hơn Phật Thích Ca một chút thì có thể giảm bớt. Cư sĩ đó cũng biết rồi, nhưng lại không tin tự tâm.
Phật tánh không thể gián đoạn thì ông cũng là Phật, nếu không phải tức là gián đoạn. Nhiều người biết mình có Phật tánh nhưng không tin, nếu tin theo cái biết của mình thì đã đầy đủ.
- Làm sao mình từ cái biết không tin đi đến cái tin?
- Tại tin theo bộ não thành thói quen, tức là cha mẹ sanh ra mình đã dạy tin theo bộ não, vô trường thầy cô giáo cũng dạy mình như vậy, cho đến ra xã hội cũng dạy mình vậy, nhà khoa học, triết học đều dạy mình vậy.
Nhà khoa học ở Luân Đôn danh tiếng khắp thế giới, hiện nay là giáo sư dạy toán mà lại nghịch lý với toán; định lý của toán là không có con số cực nhỏ tức là không có con số bắt đầu, mà ông còn lại tìm sự bắt đầu của vũ trụ và sanh mạng, rõ ràng là nghịch với định lý của toán! Vì tin bộ não quá rồi quên định lý toán.  Cho nên, Phật nói là tập khí dã từ lâu đời, bây giờ gọi là cơ nhân.
Ông người Mỹ hỏi: Mình dạy bắt đầu từ nhỏ có được không?
Tôi nói: Được, nhưng cũng chưa chắc được. Tại sao? Vì cái cơ nhân truyền từ cha mẹ, cái cơ nhân đó đã sẵn có. Nên Lục Tổ đã kiến tánh triệt để mà còn trải qua 15 năm để dứt tập khí. Vậy tập khí không dễ gì mà dứt.
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

dÑi se xu ly van de tinh cam trong dao phat nói dối CHÙA Thá Ÿ phat giao đau Chọn rau an Vấn kinh cau sieu Tung ảo to su quang 4 Ly tuong so nhung dieu tre can duoc day tu nho Thích Vận động BÃn An trú bây giờ nghĩa ấn Trường gay rà thiç bởi vì đâu mà bất hiếu thay đổi tâm thái để thay đổi cuộc nhan hoc xuất thế gian Bồ và ç Thuyền xuân hạnh phúc và phước đức trong thiền kinh sam nguoi dong tinh co duoc xuat gia khong Đậu hủ kho rau răm Thuyền xuân vo thuong Vesak thiêng liêng Và Vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ đột để 8217 knock out chương xii về trí bân và giải hàn sám hối Mít kho sả ớt món chay quê vai tro cua gia dinh trong viec dat duoc hoa binh Ä Ã phat tu tre nhan giai thuong vi cong dong sanh tam vo tru