DÒNG PHÁP QUÁN THẾ ÂM

 Ngọc Nữ (ghi chép)

--- o0o ---

Phần 01


1. Mừng ngày Phật Đản
2. Luận về tiền
3. Hội họa
4. Bồ Tát giới
5. Cúng dường
 

---o0o---

 

MỪNG NGÀY PHẬT ÐẢN

 

Hằng năm, vào tháng 4 là con lại hân hoan náo nức chờ ngày kỹ niệm Phật giáng thế. Con mong chóng đến ngày Phật đản để tưởng niệm Đức Thế Tôn–vị Thầy của tất cả chúng sinh biết mến mùi Đạo pháp–vị cha lành của tất cả chúng sanh còn đắm chìm trong sinh tử.

 Con phải quán về ngày Phật đản như thế nào, để hiểu đại nhân duyên nhập thế của Ðức Phật Thích Ca. Trước khi Ðức Thích Ca thị hiện có giả thân Thái tử Sĩ Ðạt Đa, chân lý vẫn có, vẫn sáng tỏ, nhưng thiếu duyên lành, nên số chúng sanh tầm Phật Đạo, không bao nhiêu người đến được bến giác ngộ.  

Vì thế, Như Lai tạm mượn giả thân, cùng chúng sanh đồng sự, để chỉ bày con đường giải thoát từ chính nơi con đang ở, đang đứng, chớ không phải một giải pháp viễn vông, một con đường bắt đầu từ nơi khác.

 Ðó là duyên lành lớn nhất của chúng sanh được thấy vũng bùn mình đang ở và hoa sen mà mình có thể thành. Nương theo duyên lành ấy là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là tâm quy chứ không phải tướng. Tâm đã quy y Tam Bảo thì hành tướng quy y sẽ đến. Bằng giả danh bảo rằng: Tâm đã quy y thì không cần tướng quy y. Những kẻ ấy chấp tướng là thật có nên chỉ thiên hướng về tâm, cũng là một tướng khác của Ngã. Còn những người chỉ có hành tướng quy y mà tâm thì không biết Phật, con hãy khoan bàn luận Phật pháp với họ.

 Con tưởng nhớ Đức Thích Ca Như Lai như tưởng nhớ một người đã mất, thật là một sai lầm không sao nói hết. Thân Phật vẫn có đây, trong mỗi lời Ngài dạy, trong mỗi chiếc y mà con thấy, trong tâm của mỗi hành giả chân thành. Thân Phật không đâu khác ngoài tâm của con, tâm xa Phật thì chỉ có y là có Phật, Người đắp y thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì chỉ có lời nói, chỉ có văn tự, chỉ có Phật pháp là có Phật, còn người nói thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì dù ở gần vẫn không thấy Phật, với những kẻ ấy Như Lai là người đã khuất nên không còn Chánh pháp, không có ai phân định chánh tà, không có nhân quả, báo ứng.  

Phật không có sinh rồi diệt, Phật đã thị hiện cho mắt trần nhìn thấy để chúng sanh biết rằng những chân lý mà nhục nhãn không thể thấy mới là bất diệt.

 Hiện tại Thích Ca Như Lai vẫn đang thuyết pháp, sao mắt con không nhìn thấy? Sao tâm con không cảm được? Cho nên ngày Phật đản là ngày kỹ niệm dành cho chúng sanh chứ không phải dâng Phật, con hãy hiểu như thế này mới thật là biết mừng ngày Phật đản.  

Con mừng ngày Phật đản là ngày Phật có trong tâm con–Ngày con phát tâm theo Đức Phật vượt bể khổ trần gian. Ðó mới chính thật là ngày Phật đản.

 Ngày Phật đản là ngày Chư Thỉên, Hộ pháp chư Phật, Bồ Tát 10 phương thế giới lớn tiếng ngợi khen sự không thể nghĩ bàn của đức Thích Ca Văn Phật–thị hiện vào đường sanh tử để độ chúng sanh ở thế giới Ta Bà đi đến quả Phật vị.

 Chư Địa Thần cũng phát tâm hộ trợ cho chúng sanh nào quyết tu Phật Đạo. Cho nên đó cũng là ngày trời đất giao hòa, chúng sanh chịu quả báo trong Ðịa ngục cũng được hào quang thánh đức của Như Lai soi tới, nên phát tâm Bồ Ðề đông không kể xiết: gọi là ngày Ðịa ngục mở cửa. Cũng vì thế, Ðịa ngục đã hết đối với các chúng sanh ấy.

 Trong bầu không khí của ngày hội đó, con hãy lập ngày hội của con, con hãy cho mình một ngày hoàn toàn là của mình gạt bỏ tất cả quá khứ, ngày hôm qua, gạt bỏ ngày mai và toan tính về tương lai khỏi tâm trí, chỉ có hiện tại chỉ có ngày hôm nay, chỉ có Như Lai và con trong suốt ngày Phật đản thì mới thật nếm được pháp vị của ngày Phật đản.

 Thời gian chỉ là chướng ngại khi tâm con còn chướng ngại–Tâm không chướng ngại thì quá khứ không có nghĩa đã mất, vị lai không có nghĩa chưa đến. Nên ngày lễ kỹ niệm Đức Thích Ca hôm nay không mảy may kém 2610 năm về trước về mặt thực tế cũng như về nghĩa vui mừng. Và tương lai cũng không vì thời gian xa hơn mà thánh lễ càng xa Đức Phật, như mẹ tán thán công đức vô lượng vô biên của Như Lai, từ bi vô lượng vô biên của Như Lai. Trong ngày Khánh đản, Chư Phật 10 phương cũng đồng ngợi khen như thế. Nên con có đón ngày ấy với tâm trạng nào thì ngày ấy vẫn là ngày vui, là ngày vĩnh viễn đã tự tách rời khỏi quá khứ đi mãi trong thời gian, hiện hữu mãi trong thời gian.

 Khi con đến chùa, cùng chư Phật tử đãnh lễ Như Lai, thì phải thấy con đã lập đạo tràng nơi tâm, đã thờ Phật nơi tâm, đã xây ngôi chùa bất hoạt bằng tam quy, ngũ giới nơi tâm để phụng thờ Ðức Phật. Và con đến chùa để thỉnh Phật lên đài tôn nghiêm tại thế, chứ không phải đến chùa rồi mới tìm Phật.

 Nếu con và tất cả Phật tử đồng thỉnh Phật trụ thế rồi đồng tâm ấy làm nên một vị Phật duy nhất không có tướng phân biệt. Sự đồng tâm ấy là thế giới đại đồng là Phật tánh và sự đồng tâm ấy chính là Phật vậy.

 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật.

 Ðệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài, chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai, mừng đại nhân duyên Phật chuyển pháp luân.  

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật.

Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài, chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện đồng tâm với vô lượng chúng sanh trong quá khứ, hiện tại, vị lai, tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai vì chúng con đã chuyển Pháp luân.

 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật.

 Đệ tử ngày hôm nay ngồi dướỉ Phật đài, chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai, báo đáp thâm ân Ngài đã chỉ con đường diệt khổ.  

Lễ Phật phải lễ bằng tướng và bằng tâm như thế mới thật là kính lễ. Con hãy vui mừng làm theo để trọn hưởng được khí lành ngày Phật đản.


 

LUẬN VỀ TIỀN

 

Cũng như mọi người không tu kia, con thường bị tiền bạc chi phối tâm tưởng. Nên chẳng phải khi phát tâm tu là đã sạch mọi nghiệp, đó chỉ mới là giai đoạn bắt đầu, nhìn thấy tội của mình, bắt đầu hành trình về cõi vô sanh.

 Tiền bạc đồng nghĩa với địa vị, danh vọng và mọi thứ làm nên cuộc đời. Còn thấy cần tiền là còn thích mọi thứ ấy. Với tâm vọng động như thế, dù con có bố thí tiền cho kẻ khác, cũng chẳng có lợi thật cho họ, cũng chẳng ích gì cho con. Con đi ngoài phố, chợt thấy một người hành khất bên vệ đường. Ðộng lòng trắc ẩn, con cúi xuống đặt một số tiền vào bàn tay chìa ra ấy, rồi bước đi lòng thật nhẹ. Nhưng con có biết đâu, con đã là nguyên nhân của bao nhiêu ray rứt đổ thêm xuống người hành khất đó.

 Con thường chỉ nhìn kẻ hành khất như những kẻ đã mất hết tình cảm của con người, chỉ có mối quan hệ xin–nhận của bố thí với phần còn lại của nhân loại, trong đó có con. Nhưng có thật là con đã “cho” một cái gì đó cho người xin chưa? Khi con đến với họ là mang theo tất cả ưu đãi của số phận để chỉ cho có một ít tiền. Họ khổ biết dường nào khi nhìn thấy con lành mạnh, áo quần sạch sẽ, tự do đi lại mọi nơi mà không ai xua đuổi, trái lại, và còn có chốn để trở về trong buổi tối. Con không muốn thấy sự thật này, vì điều đó khiến con bất nhẫn, không thể an nhiên thụ hưởng. Rồi viện lẽ: “mình cũng khổ, ai cũng khổ, dù ở trong hoàn cảnh xã hội nào”. Và lấy nỗi khổ của con làm tấm khiên. Con đã có vũ khí tự vệ, chống lại sự thông cảm với những hoàn cảnh cũng khổ ấy. Vì sao? Vì con sợ. Con không muốn nhớ sự bấp bênh của vật chất, không dám nghĩ: “Có thể một ngày nào...” Vì làm sao có thể thấu rõ nghiệp quả của mình? Bố thí mà không có tâm Xã thì không phải là bố thí. Có tâm Xã dù không có gì để thí, vẫn hiện hạnh bố thí. Tiền bạc ở ngoài thì thành tướng phân chia đẳng cấp, ở trong con thì là gì? Là tâm chấp, thủ, là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tướng. Chấp huyễn là thật là của mình. Chấp có người khác ta, chấp có cuộc đời, có tướng xấu tốt, hay dỡ, chấp sự biến dịch của đất, nước, gió, lửa có thật tánh.

 Phật dạy: “Chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Phật cũng dồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh.

 Phật tánh không có số lượng, cao thấp, không có phân chia, nên không phải có kẻ có người không, kẻ nhiều người ít và bất cứ chúng sanh nào tu cũng quyết định sẽ thành Phật, tức Chân tánh hiển lộ khắp Tam Thiên Ðại Thiên Thế Giới. Con không thấy Chân tánh của mình không có thọ mạng ngắn ngủi, xoay vần theo có không của vật chất, hoại diệt từng thời, chuyên nắm bắt ảo giác mà tưởng lầm thật thể. Làm sao thật được khi tiền bạc quyết định sự vui thích của con, chỉ tùy thuộc phúc lành đã tạo được, phúc hết thì tiền tài cũng hết. Và song song với việc lành đã tạo được cũng có quả báo của việc làm không hay, chưa gây dựng được, nên khi thọ hưởng tiền tài cũng không hoàn toàn hạnh phúc. Ðuổi theo ảo giác này là hy sinh thiên thu cho những tờ giấy vô nghĩa, cho một giấc mộng. Chấp thọ giả nên tưởng đến kiếp sống này, cố vun bón cho tròn đầy theo nghĩa ngũ dục, rồi bỏ thân. Kiếp sau lại cũng thế, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ, bình an. Và chẳng thể nào thoát được vòng lẩn quẩn của luân hồi quả báo.

 Con tưởng rằng, những vật chất, tiện nghi mà con thấy là có thật sao? Ðó chỉ là những hạt bụi kết hợp thành vật thể theo tâm của con: Tâm chấp ngã, nhân, thành tánh ganh đua, hiện tướng xe cộ, đẹp xấu, tốc độ nhanh, chậm..., cũng là Ðịa ngục mà không biết. Chết chóc, đau khổ, vì những miếng mồi này, của vô minh không phải là ít, hiện tượng áo quần đẹp xấu, đắt giá... cũng gây đau khổ như Ðịa ngục; đồ dùng vặt vãnh, cho chí đến quyền lực cao nhất cũng chỉ có được những hạt bụi, chứ không có gì khác. Sự trọng vọng do đồng tiền mang đến không dành cho Bản ngã một người nào, mà dành cho tất cả mọi bản ngã nói chung. Bất cứ chúng sanh nào, với những điều kiện vật chất như thế, đều được ưu đãi như thế: đó là Nghiệp. Con đã thấy có những người, chỉ vừa thoát kiếp súc sanh, nhân dạng chưa thuần, bản tánh lục súc hãy còn, do nghiệp báo được giàu sang thì Danh mà vật chất mang đến có bền không? Có thật sẵn dành cho kẻ ấy không? Nếu thật có một giá trị nào đó, tại sao tiền bạc ấy không trang trí cho bãn ngã ấy một tính tình, ngôn ngữ, tư cách, sắc thái dễ coi dễ mến như bạc tiền của họ? Lại còn những cách tiêu xài sang trọng, đài các, hay những đồ vật làm đẹp người có nó, thực chất là gì? Nếu có những tướng ấy, vẻ đẹp đẽ, đài các mới xuất hiện thì vẻ đẹp là của đồ vật, chứ đâu ở chúng sanh, đâu ở con người. Nhưng không có lẽ vật vô thức lại làm sinh động loài hữu tình? Còn nếu vẻ thù thắng đã có sẵn trong tâm thì đâu cần nhờ vật bên ngoài mới hiển lộ. Như Lai còn không cần có tướng Phật để làm Phật, tại sao con cứ cần giả tướng?

 Còn cần tiền vì tiện nghi do tiền mang đến thì ít, mà chính ra vì muốn hơn kẻ khác thì nhiều. Ðó là ngã. Có ngã vì sợ cô đơn. Sợ kẻ đồng loại đẩy mình ra khỏi vòng quay của họ. Sợ bị khinh thường cũng chính là tướng Ngã. Thực chất của tiền cũng chính là Ngã. Thực chất của Ngã là vô minh. Thực chất của vô minh là sợ hãi. Sự sợ hãi sinh điên đảo vọng tưởng. Chính sợ hãi đưa con người tìm cảm thông nơi kẻ khác bằng phương tiện này hay phương tiện nọ mà phương tiện dễ nhất thường là tiền tài. Ðó cũng là yếu đuối nằm trong tánh chúng sanh. Khắc phục được sự yếu đuối này chính là tinh tấn. Tinh tấn tu thì sợ hãi tiêu tan, sự cô đơn không còn nghĩa cô đơn mà trở thành tự tại. Thì chính thân này là kho báu nương phương tiện đó mà tu, còn cần gì đến những huyễn tướng sinh ra từ huyễn hoặc là tiền tài sinh ra từ giả thân có thọ mạng ngắn ngủi? Cho nên nghĩ như con vẫn thường nghĩ, không phải là Tâm Bố Thí “muốn có tiền để làm phương tiện Bố Thí”. Tâm đã chẳng không có gì không là của mình mà gọi là thí? Thí tiền cho người nghèo–theo kiểu của con–là phân biệt Bố Thí. Có gì là giải thoát? có gì là không? Phải nghĩ đến thí tài cho người giàu hơn con nữa kìa, mới gọi là Bình đẳng Bố thí. Mới thật không chấp vào tiền mà Bố Thí, không chấp Bố Thí mà hành Bố Thí, đó mới là không còn Ngã mà hành Bố Thí, đó chính thật Bố Thí.

 Hiểu như thế, thì thấy giàu nghèo, chẳng qua do sự phân biệt của từng người, không do một tiêu chuẩn bất di bất dịch. Thế thì trí phân biệt của chúng sanh về giàu nghèo cũng không thoát khỏi kiến chấp của mình. Nên tất cả kho báu mà con có thể tưởng tượng được ở thế gian, thù thắng nhất ở thế gian, tuyệt đối với mắt nhìn của con, cũng không thể nào sánh với các cõi trời, huống chi các cõi Phật là nơi không có tướng nên sự hạn lượng không có. A Di Ðà Phật quốc là nơi phước báu của Ðức A Di Ðà Như Lai hiển lộ thành tướng. Không phải vàng là vàng của thế gian uế tạp vì là nhân, vì là kết quả của bao mối tương tranh, mà là tánh của Vàng, tức sự tinh khiết, sự tuyệt đối viên mãn làm đẹp mắt người nhìn, vẫn không khiến Tham Si nổi dậy, trái lại càng sinh kính mến công đức tu hành. Tánh thật của Vàng, Ngọc hiện thành cung điện. Có một thứ Vàng Ngọc nào không khiến Tham Si nổi dậy. Ðó cũng chính là Vàng Ngọc của Phật.

 Con đã thấy có ai dùng tiền xóa bỏ được địa ngục chưa? Địa ngục cũng chính là các nỗi khổ tâm của chính người đó. Như con chẳng hạn, có đồng tiền nào cột mãi tuổi 30 lại với con, không già theo năm tháng? Tất cả những xảo thuật hiện có và sẽ phát minh cũng không thể nào thay đổi được thời gian, không thể nào mua được thời gian.

 Con vẫn thường nghĩ: “Nếu có tiền nhiều thì việc đã khác”, mỗi khi có việc chẳng thuận lòng. Nghĩ như thế, vì cho rằng tiền có thể giải quyết mọi việc. Con đừng nên nghĩ thế. Việc gì xảy đến cho con cũng đều do nghiệp của các tiền kiếp, xấu tốt hãy khoan luận bàn trên tướng.

 Như một người bệnh ngặt nghèo, không tiền thang thuốc. Họ không thấy khổ đau của mình là kết quả của các việc làm đời trước. Từ khổ nạn ấy mà tu càng chóng tiêu tan nghiệp quả, lại than trách cái nghèo của mình, cho rằng bệnh còn vì không có tiền, thì thật là sai lầm. Nếu người ấy giàu có, nghiệp bệnh vẫn theo bằng cách biểu hiện thành một bệnh nan y mà tiền nào cũng không mua được thuốc. Ðừng qui cho tiền bạc một trách nhiệm cũng như một lợi ích nào, vì bản thân nó chẳng có, muôn sự là do Tâm.

 Rốt lại tiền cũng chỉ là Ngũ uẩn, cũng là Căn, cũng là đắm theo cảm giác của thân. Ðể trị các mê đắm của Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý ấy là THIỀN ÐỊNH. Không một cảm giác nào có thể sánh với trạng thái tọa Thiền Nhập Ðịnh. Tiền bạc chỉ có thể mang đến sự vui thích hạn chế theo khả năng cạn cợt của các căn, còn Thiền Ðịnh là một sự bùng vỡ, tuôn trào của hạnh phúc khôn nguôi, của An Lạc.  

Thiền Ðịnh mở từ khớp xương, từ sớ thịt, từ lỗ chân sớ lông, từ tạng phủ trong người, từ nơi bí mật nhất của não bộ, tóm lại từ tất cả những gì gọi là thân của con, những cửa ngõ đưa con vào bể Cực Tịnh, Cực lạc, thân tâm không còn tướng.

 Thương những người nghèo khó, không trụ tướng nghèo mà thương. Bố thí tiền cho kẻ khác, không trụ tướng Bố Thí, cũng không trụ vào tiền. Nhìn những người nghèo sinh thương xót, là dụng tâm bất bình đẳng đối với chúng sinh. Con thương người nghèo, sẽ sinh ghét người giàu có. Và từ tâm mình bất bình đẳng, thấy mọi sự đều là bất công. Không ít kẻ trách Trời Ðất Thánh Thần cho đến ta, cũng vì thế. Con phải quán sát đúng như thật thì mới có giải pháp hợp lý nhất mà giúp đở. Tất cả chúng sanh đều khổ. Không nhìn tướng giàu nghèo, chỉ nhìn thấy nỗi khổ chung của chúng sanh mà bình đẳng thương cảm.

 Cho nên thí tiền cho người nghèo vì họ cho đó là khổ, và con cảm thương tâm trạng khổ ấy, chứ không vì cảnh nghèo là đáng thương. Ðó là sự thương hại, mà thương hại là một tình cảm rất giả dối, hạ phẩm giá của người ấy như là một sinh vật thấp hơn con. Con nên biết 49 năm Thế Tôn tại thế thuyết pháp là 49 năm không nhà, không vật thực độ thân tiên liệu cho ngày mai. Tướng ấy thực có hay không thực có? Nếu thực có sao gọi Như Lai là thân Phước Điền của chúng sanh?

 Vã lại khi Bố Thí cũng không nơi đâu có thể trụ tâm, trụ tướng được mà tự cho “mình Bố thí cho kẻ khác”. Tiền ấy khi ở trên tay con thì còn là của con, khi ở trên tay người kia, là của họ. Có gì còn là của con mà gọi là thí? Nếu nói: “Ðã là, đã cho” thì nói về quá khứ, thế thì tiền ấy cũng có quá khứ không phải của con. Ngay khi cho cũng không nói là cho được. Vì thời gian đâu có Ngừng. Ðang: chỉ có một nghĩa tương đối. Như Phật thuyết: “Này Tỳ Kheo, ngay chính ông bây giờ cũng đang sinh, đang già, đang chết” chỉ rõ sự hoại diệt không dừng của tướng. Thì làm sao con lại dám nói “Có bố thí” cho ai? Ở nơi không Trụ mà hành Bố Thí thì mới là Chân Bố Thí.

 Việc kẻ khinh người trọng mà con hay qui tội cho Tiền là suy nghĩ sai lầm. Gặp kẻ khinh thường vì chấp tiền thì con giận kẻ ấy, giận số phận, giận cả Mẹ vì cầu mãi mà chưa cho Tiền, nhưng khi bị cướp chú ý, bị mất trộm, bị gạt tiền thì con chỉ giận trộm cướp không giận Tiền của mình biến con thành mồi của họ; không có thì đòi hỏi, khi có và bị nguy hiểm vì tiền cũng không nhận thấy bản tánh của Tiền không tốt, không xấu là còn chấp trước. Bản tánh của tiền bạc cũng như vạn vật là Không.

 Có một đời sống không tiền bạc, vàng ngọc, châu báu nào giúp con đến được là đời sống vĩnh cữu của chân không thường trụ, không ở trong thân, không ở nơi đâu nhất định, mà vẫn có thể phương tiện hiện trong thân, hiện thành tướng. Một đòi sống bao trùm cả vũ trụ, đưa con dạo chơi trong không gian, thời gian, cho con đủ các hình tướng, ở ngoài tất cả mọi suy lường của con.

 Con có mơ bay giữa đám mây bay, bay đến các vì sao con vẫn thấy hằng đêm trên bầu trời, bằng thân mà con đang tạm có? Với thân này, dù có dùng thần lực của Mẹ mang con đặt giữa các đám mây, con cũng chỉ có cảm giác buốt lạnh và không nhìn thấy gì, vì mắt sẽ bị lóa thì làm sao còn thích thú? Với thân này ta mang con đến các vì sao con cũng chẳng thấy thích thú nào khác ngoài cảm giáe nóng lạnh, ngộp hay khó thở, hoặc có khắc phục được cũng không mang lại cho con thích thú, vì cảm quan của con không giống với các thế giới ấy. Một đôi mắt có thể cho con thấy tất cả mọi sự diễn ra trên mặt đất, cùng lúc cho con thấy sự di chuyển của các vì sao, một thân có thể đến với mọi loài, cảm theo cảm quan của loài nào cũng được, giúp con đi từ mặt đất đến nơi xa, một thân thật to lớn để con có thể nhìn mỗi ngôi sao là một quả cầu xinh xắn, có thể bước trên các vì sao như đi trên gạch lát đường, một thân vô bệnh, trường thọ... thân như thế mới đem lại thích thú khi thực hiện những giấc mơ. Và thân ấy là thân Vô Tướng. Đời Sống thật ấy cho con một thân Vô Tướng, biến hoá không ngăn ngại, hành sự không ngăn ngại, gọi là PHÁP THÂN.

 Tiền không thể làm gì được, con hãy để nó sang một bên. Hãy mong cầu thân Vô Tướng. Mong cầu nơi đâu? Trở lại BẢN TÂM dứt bặt mong cầu thì sẽ thấy.

 Con hãy làm theo.


HỘI HỌA

 

Con được Mẹ họa tâm, quên được cái Ta của con thì vào được Tâm mẹ họa, tức Tâm mẹ truyền cho.  

Hội họa là tướng của cái mỹ, quan sát cái mỹ như thế nào thì bức họa tả như thế ấy. Nếu con không quan sát mỹ, mà để cái đẹp thân hóa hiện thành họa phẩm, thì con sẽ thấy tất cả vũ trụ này là cái Đẹp toàn diện, vì tất cả vũ trụ tuân theo một qui luật hài hòa, cân đối tuyệt vời. Con biết chăng? Từng hạt bụi, cũng có chỗ đứng của nó, cũng có số phận, cũng có bắt đầu và chấm dứt hay nói khác đi cũng không có bắt dầu hiện diện và không cả diệt vong. Thế thì con vẽ gì đây? Vẽ các sự vật thật có hay không thật có?.

 Nếu thật có, thời nhận định của mọi người về một vật đều giống nhau, nếu không thật có thì lẽ ra không một ai có nhận biết. Vậy khi con vẽ thế giới là con họa tâm của mình đó, mà Tâm ấy thì huyễn vô cùng. Như thế, phải lấy gì để nhìn thế giới? Lấy Tánh không, mà nhìn. Và Tánh không chẳng cần phải luyện tập mới có, đó là Bản Tánh của muôn vật.

 Một con ong không nhìn thấy vẻ đẹp của Bướm, bướm không nhìn thấy vẻ đẹp của hoa như con vẫn tưởng với thành kiến của loài người, hoa chỉ là thức ăn... Và chính con, con đâu nhìn thấy vẻ đẹp của côn trùng... Con mang ảo tưởng về thân người của mình, tận đáy lòng vẫn chưa chấp nhận sự thật, là không có gì khác nhau giữa con và một con kiến, con mèo, cây cỏ... chỉ có sự khác biệt về nghiệp quả, mà nghiệp quả thì không thường hằng. Chưa chấp nhận–đó là Ngã đấy. Mà Ngã là bất bình đẳng. Con có cái nhìn buộc tội mọi người, đó là bất bình đẳng. Con có ưa thích riêng–đó là bất bình đẳng. Thế thì làm sao thấy được vẻ đẹp thật mà họa?

 Bất bình đẳng là căn bệnh tàn phá vũ trụ. Ta thương vi sinh vật “đục khoét” những cơ thể lành mạnh đồng với một người nói pháp.

 Vi sinh vật ấy không “nghiến răng gậm nhấm sức khỏe con người”. Ðó là những chúng sanh nghiệp cảm quá nặng hoá sanh trong loài ấy, phải sống trong môi trường ấy, hoàn toàn vô tội về nơi ở của mình, chúng không có ý chọn nôi. Nếu chúng cảm được cái khốn cùng của kiếp sống ấy, chúng sẽ tu. Và chính Phật, cùng chư Đại Bồ Tát dùng Viên âm độ chúng, nên gọi là y vương.

 Cũng vì thế, trị lành bệnh muôn loài. Cả chấy, rận... cũng thế, khi phát tâm tu, nghiệp dứt, chúng không còn bị đọa trong kiếp ấy, được hóa sanh vào một thân tướng khác, không còn phải sống bằng máu.

 Ðiều ấy con phải hiểu, giải thích cho con vì sao có người phát tâm tu thì gặp hiểm nạn. Phát tâm là một việc rất kinh khủng–đó là sức mạnh thu nhiếp thời gian. Sức mạnh vượt qua sinh tử–thu bao nhiêu kiếp vào làm một–sức mạnh của người lội ngược dòng–sức mạnh của người chiến đấu vơi chính mình–sức mạnh của thiên nhiên. Ðó là cái năng lực phi thường biến chúng sanh thành Phật.

 Cho nên, vẽ là phương pháp hữu vi, tả chỉ, lột được sự thật ấy cái bản chất, cái hình dáng thật ấy của mọi vật, thay vì uốn nắn giả tưởng thêm theo ý mình.

 Con có thấy: “Tình yêu làm người ta rạng rỡ” như con người vẫn tả không? Đó là vì khi thương yêu ai thật sự, con người quên mình, chỉ nghĩ đến làm điều tốt đẹp cho nhau. Tóm lại, đó là biến tướng của Từ bi, hỉ, xã, qua cửa ngõ ái dục. Ðiều đó cho con rõ cái đẹp không nằm ở kích thước.

 Trong cách nhìn người khác, con thường chỉ nhìn với nhục nhãn, chỉ thấy họ tiếp cận với mình trên một mặt phẳng; tâm trạng của người ta lúc ấy, rồi sinh buồn vui, lo sợ... đó là chấp huyễn. Hãy nghĩ vô lượng kiép về trước, người kia trong hoàn cảnh này, sẽ xử trí với con ra sao? Và còn vô lượng kiếp về sau?

 Cả con cũng thế, vô lượng kiếp về trước hay vô lượng kiếp về sau thì con phản ứng như thế nào với hoàn cảnh trên?

 Mọi vật biến hiện vô chừng, tâm chúng sanh trôi nổi theo nghiệp duyên không thể nào quyết định thật tướng nơi cảnh ấy. Khi con nhìn một sự vật, chẳng phải chỉ là mắt con nhìn thấy, mà là thức, là sở tri là ngã kiến đã huân tập từ hằng vô số kiếp nhìn sự vật ấy. Từ vô số kiếp đã tích tụ vô số kiến chấp, hóa nên tất cả những phân biệt: đây tốt kia xấu, đây đen đó trắng, giàu nghèo, thọ yểu, khinh trọng... Bỏ hết những kiến chấp này đi ngược lại vô thuỷ về trước, con tất thấy chỉ có ánh sáng vô cùng, không ngằn mé: con người đã bỏ chiếc bóng của mình.

 Con ngườì là nguồn sáng rực rỡ mà không tự thấy, đi tìm ánh sáng bên ngoài để nhìn mình chỉ chồng chất những màn đêm làm mờ đi ánh quang minh của tự thân–màu mà con vẫn gọi là đen đó, chẳng phải màu đen. Ðó là một tập hợp ánh sáng màu cầu vòng, nổi bật riêng sấc đen trên các màu khác. Con đường mà con vẫn đi qua, đó chẳng phải con đường. Ðó là chiếc cầu vòng mà con vì chấp vào thân tứ đại chỉ thấy là đất đá màu đen. Và người xấu con chỉ thấy họ trong hiện kiếp, kiếp quá khứ là kẻ bị ức hiếp, và kiếp vị lai bị nghiệp quả, thì tướng xấu ở đây là đâu? Quan sát như thế mới nên vẽ. Quan sát như thế mới nên quan sát.

 Thế nào là Quán Tự Tại? Là ở nơi không hai lập cái thấy. Thế nào là không hai? Không có ta và vật, không đây và đó, không khoảng cách, không phân biệt, không chướng ngại, hoàn toàn tự do, nên không gì là không biết, không gì là không thấy, không đâu là không đến được và không thấy biết tất cả những cái không trên, đó là Tự Tại.

 Bố cục bức tranh: Tâm điểm ở 2/3 hoặc 1/3 khổ giấy, khổ vải màu sắc: chọn màu gần thiên nhiên, hoặc màu mà con thấy bức thiết như một nhu cầu. Ðừng dùng lý luận bẻ méo sự vật, đảo lộn màu sắc, rồi theo đó mà vẽ: như thế gọi là giả dối.

 Các bức họa Phật và Bồ Tát, Chư Thiên đừng vẽ bóng: Dùng màu nước pha nhạt hoặc vẽ nét. Ánh sáng ở tự thân chiếu ra. Trong cõi ánh sáng không cùng, màu sắc phản chiếu ánh sáng, ánh sáng phản chiếu ánh sáng không thể có bóng. Hội họa là phản chiếu ánh sáng của các sự vật chúng sanh... Hội họa là dùng màu sắc thuyết pháp, là đưa thế giới bên Trên về gần. Con hãy dùng Hội họa mà cúng dường chư Phật.


 

BỒ TÁT GIỚI

 

Tại sao con lại sợ chữ Bồ Tát giới? Ðó là sợ Bồ Tát hay sợ Giới? nếu sợ Bồ Tát thì con sợ Từ, Bi, Hỉ, Xã, sợ mở cửa lòng mình, cố giữ lấy cái Tôi mà không thấy điều vô lý của người giữ gìn một tài sản đã mất hết tự bao giờ. Bồ tát là hạ mình, con sợ hạ mình sao? Bồ Tát là làm tôi của mọi chúng sanh mà tâm thật bình an. Bồ tát là thường vui đừng từ chối niềm vui ấy. Bồ Tát là đôi mắt, đẫm lệ mà nụ cười trên môi. Bồ Tát là trái tim nức nở nhịp khổ trần gian. Bồ Tát là đi qua cuộc đời mà không để lại vết tích của mình. Bồ Tát là vui buồn, theo nỗi vui buồn của tất cả chúng sanh. Bồ Tát là ôm tất cả vũ trụ vào lòng mà an ủi. Bồ Tát trông chúng sanh như người mẹ trông con, ngày đêm không chợp mắt. Chớ sợ Bồ Tát. Con đang vui, hãy tưởng đến Bồ Tát, Ngài sẽ khiến con thêm vui. Con đau khổ, hãy tưởng đến Bồ Tát, Ngài sẽ mang gánh khổ đau thế cho con. Con sợ hãi, con cô đơn, hãy cầu cứu các Ngài. Bồ Tát sẽ xua tan ngay ảo ảnh đó. Tại sao, khi thương người này, con phải ghét người khác? Bồ Tát thương con và kẻ thù của con đồng như nhau, không một kẻ nào đáng bị bỏ rơi.

 Giới không phải để thọ. Giới là phát ra không thể khác hơn thì thành Giới. Sự vô lượng thì giới vô lượng. Giới là sức mạnh bên trong bẻ gãy mọi tướng để ra ngoài. Cho nên chẳng phải chỉ có năm, mười, hai trăm, ba trăm... giới, mà là TÂM ĐỊA GIỚI. Nơi Tâm là đất sinh trưởng giới như mặt đất là nơi cây trái sinh trưởng. Giới không là buộc, Giới là hằng thể. Tội lỗi không nhân thì Giới cũng không sanh. Tội lỗi không tướng, thì Giới cũng không tướng. Và không có ý thức về tội thì chẳng nên sợ Giới.

 Giới là chiếc cầu để qua sông. Người đại lực giả sử không qua sông bằng cầu lại tự bơi qua mà vẫn đến thì hành động ấy vẫn là Giới, vẫn là qua cầu. Ðại Bồ Tát thị hiện phá giới để độ kẻ cang cường là thế.  

Giới không thể đếm được vì Giới là Tâm–Tâm an thì Giới nào là chẳng thuận? Tâm bất an thì Giới nào lại chắng sợ? Bỏ cái chấp trước vào tướng Giới, thì mới có Giới.

 Thọ Bồ Tát Giới là thọ vô lượng ân đức của chúng sanh để trang nghiêm cõi Phật. Thọ Bồ Tát Giớì là thọ lãnh pháp thân:Thể tánh bình đẳng biến khắp đại thiên thế giới. Bao trùm tất cả chúng sanh. Thọ Bồ Tát giới là lãnh thọ chiếc chìa khoá mở kho pháp bảo, tha hồ lựa chọn và tiếp nhận tùy thích.

 Giới là định tâm. Khi con còn sợ hãi, là sự phá giơi còn rình rập. Không còn sợ hãi thì Giới là những giọt cam lồ rót trên đường đến giải thoát. Giá dụ, trước một hoàn cảnh, một con người khiến con sợ hãi, con liền niệm Phật. Tại sao niệm Phật lại được tiêu tan sợ hải? Khi con niệm Phật là con niệm giác Tánh của con và của kẻ ấy, giác tánh, Phật tánh đó là viên dung, đâu có ta và người, đâu có thời gian, đâu có không gian, đâu có phân cách, đâu có thù hằn, đâu có thể xô ngã hay tận diệt. Chính trong lúc ấy, không có nhân thì quả cũng không, sợ hãi không có thì nguy hiểm cũng không đến. Nên chí thành niệm Phật được tiêu tan tai ách là thế.

 Niệm danh một vị Phật trong lúc nguy nan, được Phật phương tiện chỉ cho thấy tánh viên giác ngay lúc ấy, nên gọi là thí vô úy. Thấy Phật tánh ấy thì muôn vạn sự thế gian có tướng nên có hoại, chỉ là một trò đùa nghịch, chỉ đáng một nụ cười nhẹ mà thôi. Như thế giữ gì lại là có Giới? Không giữ gì lại là phá giới?

 Như Lai dạo biển đại tịch diệt là dạo chơi trong biển Giới. Không thọ Bồ Tát Giới thì Giới đó cũng đã có sẵn trong con, dù con có muốn thấy hay không. Con có thể nào chưa bao giờ nhỏ một giọt nước mắt trên thân phận mình? Chưa bao giờ khóc cho nỗi khổ của người mình thương? Chưa bao giờ thấy kẻ mình ghét cũng không hoàn toàn hạnh phúc? Đau khổ không có tướng nhất định, thiên hình vạn trạng, đau khổ không phân biệt loài giống, tuổi tác, giới tính, đau khổ đến với mọi chúng sanh, và nơi đâu có khổ đau thì nơi đó có Bồ Tất. Không chấp trước vào tướng người thọ khổ, không qui định cho nỗi khổ một chủ thể, thì Bi tâm tràn lan khắp mọi nơi có tiếng kêu than, đó là Bồ Tát giới.

 Chúng sanh chấp ngã thì Tứ vô lượng Tâm: Từ - Bi - Hỉ - Xã có tướng ngã. Bồ Tát không có ngã thì Tứ vô lượng tâm không bị ngăn che, tự tại nương theo chỗ sở cầu của vô lượng chúng sanh trong quá khứ, hiện tại, vị lai mà hiện tướng.

 Bồ Tát thị hiện vào nơi bất tịnh để độ kẻ tham dục, thì Giới ở đâu? Giới chính là tâm Từ vậy.

 Không nên chống lại đau khổ khi nó đến, mà hãy tiếp nhận bình thường như tiếp một người thân. Con chống lại đau khổ là chống lại sức mạnh của Nghiệp mà không ai chống nỗi Nghiệp đâu! Chỉ có đối thoại với đau khổ mới hoá giải được nó. Đau khổ là mình, nhưng mình không phải là đau khổ: thu nạp được đau khổ chỉ có lòng Từ vô lượng.

 Không nghĩ đến nỗi khổ của mình, cảm nỗi khổ cũa kẻ khác: đó là Bi tâm.  

Lập các phương tiện để biến sự cảm thương thành lực nội tại là Giới. Không có lực này thì thương kẻ khác chỉ là thương suông mà thôi, không thể có lợi ích cho ai.

 Bấy nhiêu việc, thco sỡ nguyện thành tựu, tự tánh phát điều thường vui là Hỉ.

 Chẳng vì mình cầu lợi ích cho chúng sanh, hành trình theo Phật không mòn mõi, không động mà vẫn động theo nỗi khổ chúng sinh là Xã.

 Có Giới thì mới có thể Ðịnh Tâm, có Ðịnh thì mới có Huệ, tuy là ba nhưng thật tánh chính là Không, tức là Một. Từ căn bản này sự tu tập các Pháp giải thoát không bị chướng ngại, Nên con hãy xin thọ Giới. Con và người bạn đời của con dù thương yêu nhau đến mấy, tình yêu đó cũng không che chở các con khỏi tất cả những đau khổ của cuộc đời, mà chính tình yêu ấy cũng là đau khổ. Biến ái dục ấy thành tình anh em mới là thương yêu nhau thật sự: giúp người mình thương thoát khỏi luân hồi. Hy sinh cả cuộc đời cho nhau, hy sinh mạng sống cho nhau, cũng không thay đổi được kiếp người là thọ khổ. Tuyệt đỉnh của hạnh phúc là gặp nhau trong cõi sống không cùng, không còn chia ly bởi sinh tử, không còn phải tìm nhau qua các kiếp.

 Con hãy xin thọ Giới.

 

CÚNG DƯỜNG

 

Cúng dường! Biết bao cung kính, biết bao thương mến, biết bao nỗi niềm trong mỗi sự cúng dường: Có khi do một thôi thúc của thiện tánh, con mang lễ vật cúng dường Phật Tổ. Cũng có lúc vì mong cầu một điều gì đó, con cúng dường; hoặc vì thói quen, hoặc vì “ai cũng làm thế”, hoặc vì muốn đền đáp một “cái ân” mà con cúng dường Phật. Trong tất cả các tâm ấy, ý nghĩa thật sự của cúng dường nằm ở đâu?

 Khi Phật bảo: “Hãy mang hương hoa thanh tịnh đến lễ bái cúng dường các Ðức Phật” thì đó là Tâm con thanh tịnh hay lễ vật thanh tịnh? Nếu tâm thật tịnh thì lễ vật thật tịnh, nếu tâm không chuyên nhất, thì lễ vật cũng không thể là tịnh vật. Khi Như Lai nói “Cúng dường” là bảo con “Hãy Xã”. Hãy quên đi những “Của tôi”, “Thuộc về tôi”, “Cho tôi” để tự cởi dần trói buộc, vì gom về cho mình là “Tâm Thủ”, mà Thủ là tự trói mình. Khi con nghĩ chọn những thức thật tịnh để cúng dường là tâm con đang Ðịnh mà không tự biết: Không có một niệm về Ngã, không có tạp niệm nào ngoài sự thật của lúc này. Con đang chọn hoa tươi nhất, hương thơm nhất, quả ngon nhất để dâng Phật. Con thấy hoa, thấy hương, thấy quả, mà không thấy cái thấy ấy, không biết cái tâm đã khiến con hành động. Ðó chính là đang sống với vô biên trong khoảnh khắc. Sống với vô biên là sống với chư Phật, vì thế mà Như Lai mới dạy “Hãy cúng dường...”.

 Con lễ bái và cúng dường chư Phật có lợi lớn cho con. Vì sao? Vì điều đó làm tăng trưởng Tín căn, đẩy lùi Ngã mạn. Khi con lễ, đó là dấu hiệu của khuất phục, không phải Phật hay Bồ Tát đã khuất phục con, mà là kiêu căng, ngã mạn, kiến chấp đã bị sự khiêm cung của con khuất phục. Cho nên, cúng dường Phật chính là Đạo. Cúng dường thân mạng là bỏ tướng nhân, thọ–giả. Cúng dường tài sản là diệt bỏ tâm tham–Còn cách cúng dường nào cho chư Phật quý hơn tất cả các thứ trên, cúng dường thứ nào để được giải thoát? Ðó là cúng dường thức nào có thể khiến con và tất cả chúng sinh thoát khổ, thoát sinh, lão, bịnh, tử–thoát khỏi luân hồi? Thức cúng dường có thể đáp đền được hồng ân của Phật, thức cúng dường chư Phật đúng sở nguyện của ngài là mang lại vô tận đến cho người dân cúng. Ðó chính là Pháp cúng dường. Pháp cúng dường là Tu Tâm Pháp, là hành Bồ Tát đạo, theo chân Phật làm lợi ích cho mọi người, trong chỗ hành không còn tâm vọng, hồi hướng tất cả công đức về chư Phật, đó chính là thật nghĩa của Pháp cúng dường. Dâng chư Phật không phải những hiện vật kết thành bởi: đất, nước, gió, lửa, nên có hoại diệt, nên không toàn thiện–mà là dâng Pháp là thứ không thể hoại diệt, trường cữu, bất biến, tồn tại mãi với thời gian, là Ngọc của chúng sinh, kết tinh bởi một cuộc đời tịnh hạnh. Khi con cúng dường chư Phật tại thế, Ngài còn không thật có thọ các vật ấy, chỉ vì thương chúng sinh mà có giả thân, nên nuôi dưỡng giả thân cũng vì lợi ích chúng sinh, huống nữa là khi đã nhập niết Bàn. Nên cúng dường Phật là dâng tấm lòng thành, chứ Phật đâu dụng những thức cúng dường ấy làm “vật sở hữu” của Phật và có Tâm nào quý hơn Tâm của một người tu, tại sao không cúng dường Tâm ấy cho Phật? Và tâm tu là pháp tướng.

 Con thấy có gì quý hơn một người có thể nói với mọi người rằng: “Thưa anh, chị... tôi đã nhận chân được đau khổ. Tôi đã chiến đấu với kẻ thù trong một trận một mất một còn và đã thắng. Chiến thắng đau khổ nên tôi không còn sợ sệt, vững chãi bước đi trên con đường Vô Ngã, vĩnh viễn bỏ lại sau lưng bóng đêm của chết chóc và tái sinh. Đau khổ không còn mang hình dáng của hận thù và giận dữ, từng giây bóp nghẹn trái tim tôi, điều khiển tôi như con rối trong chiến tranh của Ngã mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn là tôi. Ðau khổ không còn mang hình dáng của Tài Sắc, dẫn tôi vào đấu trường của Tham Lam và mê đắm. Đau khổ không còn mang hình dáng của Vô tư lự, để độc ác có thể len vào khống chế tôi... Ðau khổ đã ngã gục dưới chân tôi. Không còn bị xiềng xích bởi hận thù trói buộc nên tôi thương cả kẻ thù tôi, không còn một xích xiềng nào của tánh chúng sanh trói buộc tôi được nữa, nên tôi là một người Tự Do. Hãy nghe tôi, đau khổ sẽ không còn là hình ảnh của nước mắt, vì mặt trái của Ðau khổ chính là Hạnh phúc. Ði xuyên qua đau khổ như đi xuyên qua một trận bão, sẽ đến bến bình an một cách không ngờ. Làm được như thế, và giúp mọi người làm được như thế, kẻ ấy không trụ tâm vào việc đã làm mà dâng tất cả cho chư Phật, gọi là hồi hướng hay cúng dường chư Phật. Thế đó, chính là cách cúng dường cao quý nhất, tuyệt đối, gọi là Pháp cúng dường.

 Con còn phải hiểu Pháp cúng dường là lòng tri ân sâu xa, sự kính ngưỡng vô cùng đối với chư Phật, thể hiện bằng hành động dâng cả cuộc đời cho Ngài: lòng tin không chỗ trụ nên không điều kiện, không giới hạn vào Giáo pháp của Ngài và dùng tất cả các kiếp sống bây giờ và mai sau để hành thâm Giáo pháp ấy. Như thế mới là chân thật cúng dường.

 Phát tâm cúng dường pháp chính là Phát Bồ Ðề Tâm. Phát Bồ Ðề Tâm là đại nguyện không để Tam Bảo có cơ hoại diệt, là tu giải thoát mà không lìa chúng sanh, là sinh trong Phật pháp, là con Phật.

 Khi con lập nguyện là đã trở thành con Phật, nên quãng đời trước kia như một chiếc áo cũ được ném trả lại cho cuộc đời. Con nhìn lại sẽ thấy xa lạ với con của ngày trước, cái mà con vẫn tưởng là bản ngã thật của mình đã rơi xuống, những cá tính làm nên “con người của con” trở thành thừa thãi và có phần nào kệch cỡm cũng rơi xuống, để lộ một cái gì không tên, sáng chói, tinh khiết vô cùng của nguyên sơ tạm gọi là Chân Ngã; đó chính là Thánh Thai. Nguyện lực đầy dủ thì Chân Ngã hiển lộ, gọi là Phật tánh, nguyện lực chưa đầy đủ thì Chân Ngã chỉ lóe sáng rồi bị che lấp. Tinh thần siêng năng hành đạo là nuôi dưỡng Thánh thai. Ðến ngày công hạnh đầy đủ, pháp thân tức Thánh thai xưa kia hiện đủ trong thân, thân nay trở thành Hóa thân. Vì công hạnh viên mãn, quả báo viên mãn nên báo thân là thân Phật. Ba thân hiện đủ tướng là giải thoát là quả vị vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là Phật, Thế Tôn, Thiên nhân sư.

 Cho nên Phát Bồ Ðề Tâm là nguyện rất lớn. Nơi đâu có người phát Bồ Đề Tâm là nơi ấy có chấn động–Thiên Long vì chúng sanh và vì vị Phật tương lai mà ủng hộ người đó. Đừng sợ không đủ sức làm tròn lời nguyện, chỉ sợ tâm buông lung mà không quyết chí đi đến nơi. Chính khi phát nguyện là đã nói lên một Thần chú bí mật, một Ðại thần chú có công năng dẹp trừ tất cả ma oán, chuyển bánh xe của Nghiệp quả thành bánh xe của Pháp, một Vô Thượng chú, biến người nói trở thành người không đối thủ.

 Như thế, cách cúng dường cao quý nhất là Pháp cúng dường. Ðã phát nguyện thực hiện Pháp cúng dường thì con hãy vui mừng, an nhiên hành đạo chớ khởi tâm thối lui.

--- o0o ---

Mục lục | Phần 01 | Phần 02 | Phần 03 | Phần 04 | Phần 05

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ト妥 ý nghĩa của tứ chánh cần mà ŠBóng Nước có cồn ï¾ va chu ng ta đê n trâ n gian na y đê la m 雙手合十擺在胸口位置 phat giao CÒn Giới sam Các thực phẩm giảm cân giàu trien Thần chỉ có phật pháp mới ngăn được tội Để tránh nguy cơ con bị tự kỷ Miến dong và rau đậu xào chay Ä Æ từ kinh nghiem song quy bau theo tinh than dao phat テ cà y Một số nghi lễ trong Phật giáo Khái cá có biết đau tổ chua tianning Cách chăm sóc da tiếp da tốt cho Phật giáo chua phuoc long chua buu phuoc mÛi Xác trà túi lọc có nhiều công dụng hay duy nga doc ton 6 công dụng tuyệt vời của cây học cách gieo nhân lành để cuộc sống nhung chiu duoc thong kho moi co the truong thanh Thức ăn nào giúp tạo cảm giác no con người toàn diện thờ cúng cha mẹ hay ông bà quá vãng đức phật a Mùng Những nhận xét thú vị Gương sáng cho đời sau thanh gandhi Ăn uống như thế nào để kéo dài dieu uoc sao bang