Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 2

 

D- ThỜI gian xuẤt gia hỌc ÐẠo

 

Từ năm 29 tuổi đến năm 35 tuổi.

 

 1- Ra đi (năm -595) 

Năm  595 trước tây lịch, thái-tử Siddhattha được 29 tuổi[1]. Công chúa Yasodhara vừa hạ sanh hoàng nam duy nhất là Rahula[2] được bảy ngày. Sau bữa tiệc linh-đình mừng cháu nội đích tôn của vua chào đời, đêm đã quá khuya, mọi người đều mỏi-mệt. Vua trời Ðế-Thích là Sakka Indra[3] dùng thần lực làm cho tất cả quan quân và thế-nữ ngủ say mê, nằm ngổn-ngang khắp mọi nơi. Riêng thái-tử cảm thấy băn-khoăn không ngủ được, tự nghĩ nên nhân cơ-hội có một không hai nầy để ra đi. Ngài im lặng đứng nhìn công-chúa Yasodhara và Rahula lần cuối cùng để từ-giã. Hai mẹ con nằm bên nhau tạo nên một hình-ảnh ấm-cúng chan-hòa tình thương thiêng-liêng, cao-cả, ngây-thơ, nồng-nàn, êm-dịu làm thái-tử xúc-động, chùn chân. Thái-tử chợt nhớ đến sông mê, bể khổ vô bờ-bến của chúng sinh phải chịu trong vô lượng kiếp, ngài liền bước vội ra ngoài gọi Channa:

- Channa, ngươi mau dắt ngựa Kanthaka đến đây cho ta.

- Thưa thái-tử, bây giờ đã quá nửa đêm, ngài dùng ngựa để làm gì?

- Thời đã tới, ta đi xuất gia tầm đạo, ngươi chớ cản ta, không được trái ý ta.

Channa run sợ, lén dắt ngựa tới. Thái-tử vừa lên mình ngựa thì trời đất rung chuyển sáu lần. Channa chỉ kịp bám lấy đuôi ngựa thì bốn ông Thiên-vương[4] đã bay xuống cầm bốn chân ngựa bay vút qua thành, tới chỗ đạo-sĩ Bhargava (Bạt-Già hay Bạt-ca-bà) tu khổ hạnh thì đáp xuống. Ðêm đó rạng ngày mồng 8 tháng 2[5] năm Bính Dần (-595), thái-tử Siddhattha và Channa thấy mình đang ở bên kia bờ sông Anoma[6], cách thành Kapilavastu 36 dậm (58 km) về hướng tây nam[7], gần làng Anupiya, thuộc xứ Malla. Thái-tử rút gươm cắt tóc vừa phát nguyện: " Tôi cắt bỏ mớ tóc này để phát nguyện đoạn hết phiền-não và tập-chướng ". Vua Trời Ðế-Thích (Ðao Lợi) là Sakka Indra liền đưa vạt áo hứng tóc của ngài rồi bay về thiên cung xây tháp cúng dường. Thái-tử lại thầm nghĩ: "Còn tấm áo bào này ta cũng phải thay đổi mới thành tướng xuất gia". Sakka Indra biết ý liền hóa làm người đi săn, tay cầm cung tên, mình mặc áo cà-sa vàng đi tới. Thái-tử nhìn thấy hỏi rằng:

- Tại sao ông mặc áo của người tu-hành mà đi làm việc giết hại như vậy?

- Thưa ngài, tôi mặc áo này để cho mấy con hươu nhìn thấy không bỏ chạy. Nhờ vậy tôi mới săn được nhiều.

- Ông mặc áo thầy tu mà làm việc sát hại thật không nên. Còn tôi muốn xuất gia cầu giải-thoát mà chưa có áo tu-sĩ. Vậy ông nên đổi áo với tôi đi.

Sakka Indra thành kính cởi áo cà-sa dâng thái-tử. Thái-tử cũng cởi áo bào đổi cho. Thái-tử hoan-hỷ mặc áo cà-sa xong[8], uy dung tự nhiên cải biến, thầm nghĩ: "Từ đây ta thật có hình tướng xuất gia ".

Trước khi từ-giã[9], thái-tử ôn-tồn nói với Channa: "Này Channa, ta thấy người thế gian, thân tuy xa nhau mà khi tâm hợp nhau thì tâm họ vẫn theo nhau. Cũng có người thân tuy gần nhau mà tâm không hợp nhau thì tâm họ vẫn xa cách nhau. Ta lìa bỏ cung điện ngai vàng chỉ có một mình ngươi theo ta tới đây. Ta sẽ ở lại nơi nhàn vắng nầy tầm đạo, còn ngươi hãy mang các trang-phục của ta về dâng lên Phụ-vương và tâu rằng: Tâu Bệ-hạ, đối với các sự tôn-vinh, quyền-thế và lạc-thú ở đời, Thái-tử không nghĩ đến, không mong muốn, cũng không cầu sinh lên các cõi trời để hưởng năm món dục-lạc, và cũng không phải bất hiếu, giận-hờn, mà chính vì thấy chúng-sinh lầm đường lạc nẻo, không biết con đường chính, chìm nổi trong vòng sinh tử luân hồi, nên Thái-tử nguyện xuất gia để tìm phương-pháp giải-cứu cho họ. Cúi xin Bệ-hạ chớ buồn vì Thái-tử. Nếu Phụ-vương nói ta còn ít tuổi, chưa nên xuất gia, thì ngươi tâu rằng: Tâu Bệ-hạ, mạng người vô-thường không có hạn-định tuổi, có ai là người chắc đến già mới chết. Ngươi thưa với dì ta rằng: Người ta sinh ra ở đời, ân-ái có ngày biệt-ly, ta vì muốn đoạn-trừ những mối đau-khổ đó nên đi xuất gia học đạo, xin bà đừng thương nhớ làm chi mà sinh sầu khổ. Ngươi cũng nên nói với các công-chúa rằng ta muốn phá bỏ cái màn vô-minh, nguyện thành ngôi chánh-giác rồi sẽ trở về đưa dắt mọi người lên đường giải-thoát."

Channa nghe xong bái chào thái-tử, nước mắt đầm-đìa, lên ngựa trở về thành.

Channa về đến hoàng cung; hoàng-hậu Pajapati, công-chúa Yasodhara và hai bà phi Gopika và Migaranika, cùng các thế-nữ nhìn thấy Channa về mà không thấy thái-tử đều lo-lắng hỏi:

- Thái-tử bây giờ ở đâu?

- Thưa hoàng-hậu, thái-tử đã lìa bỏ năm món dục-lạc để cầu đạo giải-thoát. Hiện ngài đang ở nơi sơn lâm, mặc áo cà-sa, cắt bỏ râu tóc, thành người xuất gia. Xin hoàng-hậu hoan-hỷ!

- Ta có phụ gì ngươi, hoàng-hậu nói, sao ngươi lại dám để thái-tử ở một mình nơi sơn lâm lạnh-lẽo đầy ác thú, độc trùng, lấy gì bảo-đảm tánh-mạng cho thái-tử?

- Thưa bà, thái-tử bắt con trở về trình bà những món trang-phục này và xin bà cứ an tâm, đừng lo buồn gì, chẳng bao lâu thái-tử đắc quả chánh-giác sẽ trở về.

- Nhà ngươi vô cớ làm hại ta, công chúa Yasodhara nói, ngươi còn trở về đây làm chi nữa?

- Thưa bà, thái-tử vượt thành xuất gia là do sức thần-thông của chư thiên làm cho mọi người ngủ say, rồi bốn ông Thiên-vương xuống nắm bốn chân ngựa bay lên trời mà đi, chứ con đây chỉ là kẻ theo hầu mà thôi. Xin bà tha-thứ. Nhưng mà hay lắm, quý lắm! Khi thái-tử bay qua thành tự nhiên có hào-quang sáng chói cả trời đất. Thật là kỳ lạ!

Về đến hoàng cung, ngựa Kanthaka vô cùng buồn bã, bỏ ăn mấy ngày rồi ngã lăn ra chết, vãng sanh lên cung trời Ðao-lợi (Tavatimsa).

 

Thái-tử Siddhattha, bây giờ đã trở thành sa-môn Gotama, ở lại bờ sông Anoma bảy ngày, vui thú tĩnh-tọa giữa cảnh u-tịch của núi rừng, gần thành phố Anupiya của xứ Malla. Nơi đây vị tân sa-môn có dịp quan-sát lối tu khổ-hạnh của nhóm ông Bhargava (Bạt-Già). Các ông đạo-sĩ khổ-hạnh nầy che thân hoặc bằng lá, hoặc bằng cỏ, hoặc bằng vỏ cây kết lại; khi ăn thì dùng các thứ cây, cỏ, hoa,quả, có ông ăn mỗi ngày một bữa, hoặc hai ngày, ba ngày một bữa; có ông thờ thần nước, thần lửa, có ông thờ mặt trời, mặt trăng; có ông đứng một chân suốt ngày, có ông đưa hai tay lên trời suốt ngày, có ông nằm trên chông gai, hoặc nằm gần bên đống lửa, hoặc ở mé nước. Sa-môn Gotama (Cồ-Ðàm) hỏi:

- Các ông tu khổ hạnh như vầy để cầu điều gì?

- Chúng tôi mong sau khi chết sẽ được sanh lên các cõi trời hưởng phước.

- Ðược sanh lên các cõi trời, sa-môn Gotama nói, tuy vui thú thật, nhưng khi hết phước cũng lại bị đọa-lạc, sinh tử luân hồi trong sáu đường[10]; kết cuộc cũng bị khổ trong sanh tử luân hồi. Tôi muốn tìm cách tu nào để trừ hết cái căn-bản khổ đó.

Thảo-luận đến tối cũng không ai tìm được phương-pháp nào hay. Sa-môn Gotama bèn xin từ giã để tiếp-tục con đường tầm đạo. Ông Bhargava thấy sa-môn Gotama có tướng tốt và chí lớn liền bảo:

- Này đạo-hữu, cách đây khoảng 120 dặm về hướng đông nam, ở gần thủ đô Vesali của xứ Vajji (Bạt-kỳ), có một vị đạo-sư rất nổi tiếng, đạo-đức sâu-rộng, tài học cao minh, tên là Alara-Kalama (A-la-la Ca-lam)[11] có đến 300 đệ-tử. Vậy đạo-hữu nên đến đó đàm-luận thử xem.

Sa-môn Gotama cám ơn ông Bhargava rồi lên đường tìm đến đạo-sư Alara-Kalama.

 

Vua Suddhodana sau khi hay tin thái-tử vượt thành xuất gia thì đêm ngày thương nhớ, lòng dạ héo-hon. Ngài triệu-tập quần-thần đàm luận rồi sai quan Thái-sư cầm đầu một nhóm văn-thần đi mời thái-tử về hoàng cung. Trong nhóm đó có năm vương-tôn dòng Sakya[12] là các ông Kondanna (Kiều-trần-như), Bhaddiya (Bạt-đề), Dasabala-Kassapa (Thập-lực-Ca-diếp) còn gọi là Vappa (Bà-sư-ba), Mahanama-Kulika (Ma-ha-nam Câu-lỵ), Assaji (Át-bệ, A-xà-du). Phái đoàn đến khu rừng bên bờ sông Anoma, gặp đạo-sĩ Bhargava, hỏi rằng:

- Thưa đạo-sĩ, thái-tử Siddhattha rời thành đi xuất gia có tới đây không?

- Thưa quý ngài, có một đồng-tử tới đây đàm đạo cùng chúng tôi, nhưng hiện giờ có lẽ đang ở nơi vị đạo-sư Alara-Kalama gần thủ đô Vesali của xứ Vajji.

Phái-đoàn liền từ giã đạo sĩ Bhargava và tiếp tục đi đến Vesali, tìm đến đạo tràng Alara-Kalama. Ðến nơi thấy thái-tử mặc áo sa-môn, liền quỳ xuống thưa rằng:

- Kính thưa thái-tử, Ðại-vương tuy đã biết ý thái-tử muốn xuất gia học đạo từ lâu, nhưng ngài vẫn ngày đêm mong nhớ, tinh-thần dã-dượi, thân-thể hao mòn. Xin thái-tử hãy mau trở về hoàng cung, Ðại-vương sẽ dành riêng một nơi yên-tĩnh để thái-tử an tâm tu học, cứ gì phải ở nơi sơn lâm vắng-vẻ mới được.

- Tôi sao không biết nỗi khổ tâm và thâm tình của Phụ-vương. Chính vì muốn giải-quyết tận gốc-rễ các nỗi khổ triền-miên đó của chúng sinh mà tôi phải  đi xuất gia tầm đạo. Vả lại bây giờ Phụ-vương tôi đã có cháu nội là Rahula ở bên cạnh để an ủi và nối nghiệp sau này. Xin quý vị hãy trở về tâu cùng Phụ-vương, khi giải-quyết xong cái khổ nói trên của chúng sinh tôi sẽ trở về.

Thấy thái-tử đã có đầy đủ tướng xuất gia lại một lòng khẳng-khái không lay chuyển, nhóm năm anh em ông Kondanna tình nguyện ở lại bảo-vệ thái-tử, để quan Thái-sư trở về tâu lại với vua.

 

2- Vị đạo-sư thứ nhất: Alara-Kalama[13]

 

Khi sa-môn Gotama vừa gặp đạo-sư Alara-Kalama liền đảnh-lễ và nói:

- Thưa đạo-sư, xin đạo-sư cho con thọ giáo và sống đời phạm-hạnh thiêng-liêng dưới sự hướng-dẫn của đạo-sư.

-  Hãy ở lại đây với ta, hỡi anh bạn trẻ, cách dạy của ta nhằm giúp người thông-minh sớm nhận thức được giáo-lý cao siêu bằng trí-tuệ trực-giác của chính mình, và thực hiện cuộc sống trong sự chứng-ngộ đó. Người tu phải diệt trừ chấp thân là ngã, đến khi thành tựu thì thần thức rời khỏi thân như chim sổ lồng, mặc tình bay lượn tự do trong tam giới, đó là giải thoát.

- Thưa đạo-sư, giáo-lý cao siêu mà đạo-sư đã nhận-thức bằng trí-tuệ trực-giác phải được thực hành như thế nào và kết quả như thế nào?

Ðạo-sư Alara-Kalama liền giải-thích cho sa-môn Gotama biết cách tu-tập và các cảnh-giới chứng-ngộ theo thứ lớp như sau:

 

1- Không tham sống sợ chết, không ham muốn danh lợi tài sản thế gian, nhàm chán các thú vui thế tục, sẵn sàng vui vẻ lìa bỏ tất cả thì đắc Sơ-thiền, đạt Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa (được tâm ly trần bất nhiễm). Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Phạm-chúng-thiên (Brahma-parisajja), Phạm-phụ-thiên (Brahma-purohita), Ðại-phạm-thiên (Mahabrahma). Người đắc sơ thiền ví như thau nước đục (tâm) để yên lâu ngày, cặn cáu (phiền não) lắng xuống được 8/10, thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ; nhưng khi nước bị quấy động, cặn cáu lại nổi trở lên.

2- Xa lìa các thú vui thế-tục, chuyên vui trong thiền-định thì đắc Nhị-thiền, đạt Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa (được tâm định). Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Thiểu-quang-thiên (Parittabha), Vô-lượng-quang-thiên (Appamanabha), Quang-âm-thiên (Abhassara). Người đắc nhị thiền ví như thau nước đục để yên lâu ngày, cặn cáu lắng hết xuống đáy thau, nước trở nên trong suốt, tâm được nhẹ nhàng, định tỉnh, sáng suốt; nhưng khi nước bị quấy động, cặn cáu lại nổi trở lên.

3- Năm căn[14] thanh tịnh. Không còn cảm thọ buồn vui trước ngoại cảnh, tâm luôn luôn an lạc trong chánh niệm thì đắc Tam-thiền, đạt Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa (được năm căn thanh tịnh). Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Thiểu-tịnh-thiên (Parittasubha), Vô-lượng-tịnh-thiên (Appamanasubha), Biến-tịnh-thiên (Subhakinha). Người đắc tam thiền ví như thau nước đục được lắng trong, tất cả cặn cáu đều lắng xuống đáy thau và được vớt bỏ ra ngoài hết 8/10.

4- Sáu căn[15] thanh tịnh. Không còn ý thức phân biệt, không còn cố chấp đúng sai, phải quấy, hay dở, tốt xấu, mê ngộ, chánh tà. Tâm luôn-luôn an lạc, thanh-tịnh, siêu-thoát, không ngăn-ngại thì đắc Tứ-thiền, đạt Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa (được ý căn thanh tịnh). Sau khi mạng chung, có thể sanh đến các cõi trời Quảng-Quả thiên (Vehapphala), Vô-Tưởng thiên (Asanna), Vô-Phiền thiên (Aviha), Vô-Nhiệt thiên (Atapa), Thiện-Kiến thiên (Sudassana), Thiện-Hiện thiên (Sudassa), Sắc-Cứu-Cánh thiên (Akanittha). Người đắc tứ thiền ví như thau nước hoàn toàn trong trẻo tinh khiết, không còn một chút cặn cáu. Nước có thể bị quấy động, nhưng vẫn trong trẻo, không bị vẩn đục.

5- Thực-hành thiền-định, hòa mình với vạn vật vô biên. Cảm thấy thân mình và vạn vật đồng một thể tánh, đồng hòa tan trong cõi hư-vô không biên-giới, thì đắc Không-Vô-Biên-Xứ (Akasanantya-yatana), được thân không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô-sắc thứ nhứt. Người đắc Không Vô Biên Xứ ví như nước đã bốc thành hơi, không còn trông thấy, nhưng có thể đong lại thành mây, thành mưa. Người đắc Không-Vô-Biên-Xứ có thể được Thần-Túc-Thông.

6- Thực-hành thiền-định, không còn thấy mình có thân, chỉ còn cái tâm-thức vô-biên, bình đẳng với chúng sanh muôn loài không khác, thì đắc Thức-Vô-Biên-Xứ(Vijnanantya-yatana), được thức không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô-sắc thứ hai. Người đắc Thức Vô Biên Xứ ví như nước đã bốc thành hơi thật nhẹ, không thể đong lại thành mây, thành mưa nữa. Người đắc Thức-Vô-Biên-Xứ có thể được Thiên-Nhản-Thông, Thiên-Nhĩ-Thông và Tha-Tâm-Thông.

7- Thực-hành thiền-định đến khi chứng-ngộ các pháp đều không, không có gì là của mình (Vô-sở-hữu), không có gì để chứng đắc (Vô-sở-đắc), không có gì cần thiết (Vô-sở-dụng), thì đắc Vô-Sở-Hữu-Xứ (Akincanna-yatana), được pháp không. Sau khi mạng chung, có thể sanh vào cõi trời Vô-sắc thứ ba. Ðó là cõi trời cao nhứt mà tôi đã chứng-ngộ. Ngoài ra không còn gì nữa. Người đắc Vô Sở Hữu Xứ ví như nước đã bốc thành hơi thật nhẹ, vượt ra ngoài bầu khí quyển, chỉ còn một chút tánh ướt. Người đắc Vô-Sở-Hữu-Xứ có thể biết được một số kiếp trước của mình.

 

Sa-môn Gotama theo lời chỉ-dẫn đó tu-tập vài ngày cũng chứng-ngộ cảnh-giới Vô-Sở-Hữu-Xứ. Nhưng ngài cũng thất vọng vì chưa thấu-triệt được chơn-lý tối-thượng mà ngài mong-ước. Ðạo-sư Alara-Kalama lấy làm hoan-hỷ thấy đệ-tử lỗi-lạc của mình thành công mau chóng, khen rằng:

- Này đạo-hữu, tôi thật vô cùng hoan-hỷ được có một người bạn đồng tu đáng kính như đạo-hữu. Giáo-lý mà tôi đã chứng-ngộ bằng tuệ-giác và đã tuyên-bố thành-đạt, thì nay đạo-hữu cũng đã chứng-ngộ như tôi. Vậy đạo-hữu hãy ở lại đây với tôi, chúng ta hãy cùng nhau hợp sức dẫn-dắt nhóm đạo-sĩ này.

- Thưa đạo-sư, tâm lìa khỏi thân vẫn còn ngã chấp, tức còn sanh tử luân hồi. Con tự thấy cần phải tu tiến thêm nữa vì tâm con chưa hoàn-toàn vắng-lặng, cội-gốc sanh tử chưa dứt trừ, cảnh-giới niết-bàn chưa chứng-ngộ, chơn-lý vô thượng chưa thông đạt. Con xin từ giã đạo-sư để tiếp-tục lên đường tầm đạo.

 

3- Vị đạo-sư thứ nhì: Uddaka-Ramaputta[16]

 

Ông Kondanna khuyên sa-môn Gotama nên đến gặp thầy cũ của ông là đạo-sư Uddaka Ramaputta[17] (Uất-Ðầu Lam-Phất) ở gần thành Rajagriha[18] (Vương-Xá), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Thành Rajagriha, còn gọi là Rajagaha, cách Vesali khoảng 160 km về hướng nam. Sa-môn Gotama cùng với năm anh em ông Kondanna đi mười ngày đường đến gặp đạo-sư Uddaka Ramaputta. Lúc bấy giờ đạo-sư đã 75 tuổi và có 700 đệ-tử, 300 tu học tại chỗ và 400 ở các địa-điểm khác. Ðạo-sư giảng:

- Thông-thường người ta hay chấp nơi hình-tướng của muôn sự muôn vật, hoặc chấp rằng các sự vật đều không có hình tướng, như vậy đều là lầm-lạc cả. Nên cần suy-xét cho chính-chắn, chỉ lãnh thọ cái thể nhiệm-mầu (l' essence, cái tinh-thể, chơn như) của muôn sự muôn vật mà thôi. Như vậy mới tránh khỏi mọi vọng chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tâm không còn nghĩ tưởng (được tưởng không), đặng quả giải-thoát cao nhứt, không còn đau khổ nữa, và sanh về cõi trời Phi-tưởng phi-phi-tưởng".

Sa-môn Gotama nhập định vài ngày đã chứng được định Phi-tưởng phi-phi-tưởng (N'eva-sanna-nasanna-yatana), không còn tri-thức cũng không phải không còn tri-thức, tâm-thức trở nên tế-nhị đến đỗi không thể nói là có hay không có tâm-thức. Ví như nước đã rã ra thành oxy và hydro, không phải nước nhưng cũng có thể là nước. Ðược tin nầy đạo-sư Uddaka Ramaputta rất lấy làm vui-vẻ nói:

- Này đạo-hữu Gotama, tôi vô cùng hoan-hỷ được có một người bạn đồng tu tài đức đáng tôn-kính như đạo-hữu. Những gì tôi đã hiểu-biết và chứng-ngộ thì nay đạo-hữu cũng đã hiểu-biết và chứng-ngộ. Vậy thì đạo-hữu hãy ở lại đây để dẫn-dắt nhóm đạo-sĩ này hộ tôi, vì tôi nay đã quá già rồi, không còn ở thế-gian này bao lâu nữa.

- Thưa đạo-sư, con thấy trong cảnh-giới Phi-tưởng Phi-phi-tưởng vẫn còn các hành nghiệp vi-tế làm nhân cho tám cái khổ vi-tế sau đây:

1- Tâm còn sanh niệm, đó là sanh khổ.

2- Niệm niệm nối tiếp nhau, đó là già khổ.

3- Ðộng niệm chưa dứt, định-lực chưa vững, đó là bệnh khổ.

4- Ðịnh-lực còn có thể bị thối chuyển, đó là tử khổ.

5- Còn nhớ nhung, đó là ái biệt ly khổ.

6- Còn có điều không vừa ý, đó là oán tắng hội khổ.

7- Có khi cầu định chẳng đặng vì có sự cản trở, đó là cầu bất đắc khổ.

8- Thọ, tưởng, hành, thức chưa hoàn-toàn dứt, đó là ấm xí thạnh khổ.

Con cầu đạo vô thượng, mong dứt trừ tận gốc rễ mọi hình-thức đau khổ. Chí nguyện chưa thành, nên con xin phép đạo-sư được tiếp-tục lên đường tầm đạo.

- Này đạo-hữu Gotama, đạo-sư Uddaka Ramaputta nói, chí nguyện cao-cả của đạo-hữu thật đáng thán-phục, vậy khi đạo-hữu thành công xin hãy nhớ đến tôi trước.

Tình cờ vua Seniya Bimbisara đến thăm đạo-sư Uddaka Ramaputta, thấy vậy liền đến đảnh lễ sa-môn Gotama và đề nghị chia cho ngài phân nửa giang sơn nếu ngài chịu ở lại Magadha. Sau khi sa-môn Gotama từ chối, nhà vua yêu-cầu sa-môn sau khi thành công nhớ trở lại thành Vương-xá độ ngài.

 

4- Sáu năm tu khổ-hạnh tại Uruvela

 

(từ năm 595 đến năm 589 trước tây lịch )

 

Sa-môn Gotama thấy rằng không còn ai khác giỏi hơn để ngài có thể nương tựa, đã đến lúc ngài phải tự tu tự chứng để đạt sở nguyện. Ngài bèn cùng với 5 người bạn đạo là Kondanna (Kiều-Trần-Như), Bhaddiya (Bạt-Ðề), Vappa còn gọi là Dasabala-Kassapa (Thập-Lực Ca-Diếp), Mahanama-Kulika (Ma-Ha-Nam Câu-Lỵ) và Assaji (Át-Bệ) từ giã đạo sư Uddaka Ramaputta,  đến khổ-hạnh-lâm (tapovana, dukkharakrya) tại làng Uruvela, gần thành phố Gaya, cách Vương-xá khoảng 30 km về phía đông-nam, để chuyên tu khổ hạnh. Vào thời bấy giờ, cho đến nay vẫn còn, ở Ấn-độ, có nhiều đạo-sĩ tin-tưởng mãnh-liệt rằng lối tu khắc-khe ép xác, khổ hạnh có thể khắc phục và thanh-lọc thân tâm, diệt trừ tất cả dục vọng, và đưa đến giải-thoát cùng tột. Dĩ nhiên sa-môn Gotama quyết định trắc-nghiệm pháp môn này.

Ngài đến một hang đá hẻo lánh ở lưng chừng núi Dungsiri, bắt đầu một cuộc tranh-đấu quyết-liệt để khắc-phục thân xác, với niềm hy-vọng rằng một khi đã làm chủ được mọi nhu-cầu phức-tạp và phiền-toái của thân thì tâm sẽ được giải-phóng khỏi sự thống-trị của vật-chất để đạt đến mức độ giải-thoát cao-siêu. Ngài cố-gắng đến mức cùng tột của lối tu khổ-hạnh. Chỉ ăn lá, rễ cây, vài hột mè, hột đậu mỗi ngày, ngủ rất ít, suốt ngày ngồi thiền hoặc đi kinh-hành. Thân hình ngài chỉ còn da bọc xương, cái rốn gần đụng xương sống. Về sau đức Phật đã kể lại trong kinh Majjhima Nikaya (Trung Bộ) số 36, cảnh ngài tu khổ-hạnh như sau:

"Lúc ấy tư-tưởng sau đây phát sanh đến tôi: Hay là ta thử cắn chặt răng lại, cong đầu lưỡi ép sát vào vòm hàm trên, và dùng tư-tưởng thiện đè bẹp, chế-ngự và tiêu-diệt tư-tưởng xấu. Thế rồi tôi cắn chặt răng lại, cong đầu lưỡi ép sát vào vòm hàm trên, và cố-gắng đè-bẹp, chế-ngự, tiêu-diệt tư-tưởng xấu bằng những tư-tưởng tốt. Lúc tôi tranh-đấu như vậy thì mồ-hôi từ trong nách tôi chảy tuôn ra. Như một người mạnh đè đầu đè cổ một người yếu xuống, ấn mạnh xuống, bắt phải thần phục, tôi cũng tranh-đấu như vậy để hàng-phục những tư-tưởng bất thiện. Nghị-lực tôi thật mạnh-mẽ và bất khuất. Tinh-thần tôi thật vững-vàng không lay-động. Nhưng thân tôi mòn mỏi không còn chịu đựng nổi sự cố-gắng kiên-trì đè nặng lên nó. Mặc dù những cảm-giác đau-đớn đó phát sanh trong thân tôi, nó không ảnh-hưởng đến tâm tôi chút nào."

"Rồi tôi tự nghĩ: Hay là ta hãy tham-thiền về sự nín thở một lần nữa! Rồi tôi kiểm-soát chặt-chẽ sự hít vào và thở ra bằng miệng, bằng lỗ mũi, bằng lỗ tai. Và khi tôi nín thở thì đầu tôi đau bưng lên khủng-khiếp. Cũng như có một lực-sĩ siết chặt đầu tôi bằng một sợi dây da cứng. Tuy nhiên nghị-lực tôi vẫn mạnh, Những cảm-giác đau-đớn đó không ảnh-hưởng gì đến tâm tôi."

"Rồi tôi tự nghĩ: Hay là ta hãy tham-thiền về sự nín thở một lần nữa! Rồi tôi nín thở bằng miệng, bằng lỗ mũi, bằng lỗ tai. Khi tôi kiểm-soát hơi thở như thế thì một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua bụng tôi. Cũng như có một tên đồ-tể thiện-nghệ hay mới tập-sự đang dùng dao bén rạch bụng tôi. Tuy nhiên nghị-lực tôi vẫn mạnh. Cảm-giác đau-đớn như thế không hề ảnh-hưởng gì đến tâm tôi."

"Một lần nữa, tôi lại tự nghĩ: Hay là ta lại tham-thiền về sự nín thở một lần nữa! Rồi tôi kiểm-soát hơi thở ra thở vào bằng miệng, bằng lỗ mũi và bằng lỗ tai. Khi tôi nín thở thì một hơi nóng kinh-khủng thiêu đốt thân tôi. Cũng như có hai người lực-sĩ đang nắm chặt tay chân tôi đặt lên một đống than cháy đỏ cho đến khi thân tôi bị thiêu rụi. Dù vậy nghị-lực tôi vẫn mạnh. Cảm-giác đau-đớn như thế không hề ảnh-hưởng đến tâm tôi."

"Lúc bấy giờ có những vị thiên-thần thấy tôi như vậy thì nói với nhau rằng: Ðạo-sĩ khổ-hạnh Gotama đã chết. Vài vị khác nói: Ðạo-sĩ khổ-hạnh Gotama chưa chết, nhưng đang chết dần. Trong khi vài vị khác nói: Ðạo-sĩ khổ-hạnh Gotama chưa chết, cũng không phải đang chết dần vì ngài là một vị A-la-hán. Ðây chỉ là lối sống của một vị A-la-hán."

"Rồi tôi tự nghĩ: Hay ta thử hành pháp tuyệt thực hoàn-toàn! Lúc bấy giờ có những vị thiên-thần đến gần tôi và nói: Thưa ngài, ngài không nên hành pháp tuyệt thực hoàn-toàn. Nếu ngài làm như vậy, chúng tôi sẽ rót thiên-tinh-thể bổ-dưỡng vào thân ngài qua các lỗ chân lông để nuôi sống ngài. Tôi nghĩ: Nếu ta nói ta hành pháp tuyệt thực mà các thiên-thần lại rót thiên-tinh-thể bổ-dưỡng vào thân qua các lỗ chân lông để nuôi sống ta, té ra ta gian-dối. Thôi ta không cần phải tuyệt thực."

"Rồi tôi lại nghĩ: Hay ta chỉ thọ thực mỗi ngày một bụm nước đậu hoặc rau cỏ!

Khi tôi chỉ dùng thật ít vật thực đặc hoặc lỏng như thế thì thân tôi trở nên gầy khô như những cọng sậy ghép lại với nhau. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng chân con lạc-đà. Xương sống tôi như một xâu chuỗi dựng đứng lên và cong vào. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Tròng mắt tôi chẳng khác nào hình ảnh những ngôi sao dưới đáy giếng sâu. Da đầu tôi rụng tóc, nhăn nheo như một trái mướp phơi khô. Khi muốn rờ da bụng thì tay tôi đụng nhằm xương sống. Khi muốn rờ xương sống thì tay tôi đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống. Lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện thì tôi luống-cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ tay chân cho thân mình tôi sống lại. Than ôi, lúc đập như thế, lông trên mình tôi lả-tả rơi xuống đất vì đã chết gốc. Những người thấy tôi như vậy thì nói: Ðạo-sĩ Gotama da đen. Có người lại nói: Ðạo-sĩ Gotama da không phải đen mà xanh. Có người lại nói: Ðạo-sĩ Gotama không đen, không xanh mà nâu sậm. Màu da sáng sủa của tôi trở nên tàn-tệ đến như thế vì thiếu vật thực."

"Rồi tôi tự nghĩ: Dù các đạo-sĩ khổ-hạnh hay Bà-la-môn trong quá khứ đã chịu đựng những cảm-giác nhức-nhối, đau-đớn, xót-xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dù các đạo-sĩ khổ-hạnh hay Bà-la-môn trong tương-lai sẽ chịu đựng những cảm-giác nhức-nhối, đau-đớn, xót-xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn. Tuy nhiên, dù đã trải qua bao nhiêu khắc-khổ, khó-khăn, đau-đớn, tôi vẫn chưa đạt được sự giác-ngộ tối thượng về nội tâm vượt lên trên trạng-thái con người. Hay là còn con đường nào khác dẫn đến sự Chứng-Ngộ tối thượng?"

Thấy sa-môn Gotama đã gần kề cái chết mà chưa đạt được chí nguyện, Ma-Vương liền hiện đến gần ngài và nói:

"Này đạo-sĩ gầy còm, thân hình tiều-tụy! Giờ chết đã gần kề. Thân thể ngươi đã chết mòn gần hết, chỉ còn lại một phần ngàn. Nhưng hãy sống, hỡi đạo-sĩ, đời sống rất tốt đẹp. Có sống mới tạo được phước. Hãy sống độc thân và năng cúng tế thần lửa, ngươi sẽ tạo được nhiều phước báo. Ép mình sống đời khổ-hạnh như thế này để làm gì? Con đường kiên-trì nỗ lực quả thật kham-khổ, khó-khăn, không phải dễ thành-tựu".

Sa-môn Gotama đáp:

"Này Ma-Vương xấu-xa, quỉ-quyệt, thân quyến của tội-lỗi và lười-biếng. Ngươi chỉ đến đây vì lợi ích riêng của ngươi. Ta tu hành với niềm tin vững-chắc, với sự kiểm-soát thân tâm chặt-chẽ, với sự tinh-tấn và trí-huệ. Ta đã quyết tâm như vậy, sao ngươi còn muốn lung-lạc ta? Máu cạn thì mật khô, thịt cũng hao mòn. Thịt ta càng hao mòn thì tâm ta càng thanh-tịnh. Tâm ta càng thanh-tịnh thì càng an-trụ, càng sáng-suốt, định-lực càng vững-chắc. Thể-xác càng đau-đớn thì tâm càng xa lìa tham ái. Chừng ấy ta biết rõ thế nào là sự trong sạch của một chúng sanh.

"Tham vọng là đạo binh số một của ngươi. Ðạo binh thứ nhì là bất mãn, thứ ba là thèm khát, thứ tư là ái dục, thứ năm là hôn trầm, thứ sáu là sợ hãi, thứ bảy là hoài nghi, thứ tám là giả dối, ngu si, thứ chín là lợi-lộc, khen tặng, vinh-dự, thứ mười là tự cao và khinh người.

"Này Ma-Vương, đó là quân đội của ngươi, đó là khách luôn luôn ẩn náo bên trong hạng người xấu-xa quỉ-quái như ngươi. Người hèn nhát yếu đuối thì không thắng nổi, nhưng ai đã chế ngự được đạo binh ấy là tìm được hạnh-phúc.

"Ta cột trên ngọn cờ của ta chùm cỏ Munja[19]. Sống đời hèn nhát trên thế-gian này thật là nhục nhã! Ta thà chết trên chiến-trường còn hơn sống mà thất-bại!"[20]

Nghe đến đây Ma-Vương lộ vẻ thất vọng, chán nãn, buồn rầu, bỏ đi.

 

Gần 6 năm tu khổ hạnh, sức lực sa-môn Gotama càng ngày càng suy yếu, thân thể gầy còm do sự nhịn ăn, thức đêm, thức ngày. Có khi ngài bị ngất xỉu trong lúc ngồi thiền dưới cội cây hoặc lúc đang đi kinh hành. Hiện nay còn có một động đá ở lưng chừng núi Dungsiri, vùng Uruvela, cách Bodh-Gaya khoảng 5 km về hướngđông bắc, kỷ niệm nơi ngài tu khổ hạnh. Trước động đá hiện có một ngôi chùa Tây-Tạng.

Một hôm, đang ngồi thiền cạnh bờ sông Nairanjana (Ni-liên-thiền), sa-môn Gotama bỗng nghe tiếng một giáo-sư âm-nhạc đang dạy học-trò trên một chiếc thuyền đi ngang qua: "Con nên nhớ, lên dây đàn phải vừa đúng độ căng, tiếng đàn mới thanh-tao. Nếu dây dùng quá thì tiếng đàn mềm nhũng điếc câm, nếu dây căng quá thì dây phải đứt  ". Ðang lúc thân-thể suy-tàn cùng-cực, sa-môn Gotama bừng ngộ pháp tu trung đạo.

 

E- ÐỨc PhẬt thÀnh ÐẠo

Năm 29 tuổi (-595) thái tử Siddhattha rời bỏ hoàng cung, đến bờ sông Anoma thuộc làng Anupiya, xứ Malla, tham vấn ông Bhargava đang tu khổ hạnh; kế đến một làng gần thủ đô Vesali, xứ Vajji (Bạt-Kỳ), học với vị đạo sư thứ nhất là Alara-Kalama, đạt đến bậc thiền Vô Sở Hữu Xứ. Rồi ngài lại đến Rajagriha (Vương Xá), thủ đô xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), học với vị đạo sư thứ hai là Uddaka-Ramaputta về bậc thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Chỉ độ vài ngày đã học hết sở học của thầy. Nhưng chưa được thỏa mãn với trình độ chứng ngộ đó, ngài đến làng Uruvela bên bờ sông Nairanjana chuyên tu khổ hạnh trong 6 năm nữa. Sau đó ngài lại bỏ lối tu khổ hạnh để lập ra pháp tu trung đạo, và 49 ngày sau, ngài thành đạo dưới cội cây Bồ-đề.

 

1- Chọn lối tu trung-đạo

 

Năm 589 trước tây lịch, Sa-môn GOTAMA được 35 tuổi, trong lúc thân thể suy nhược cùng cực, ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh chỉ giúp người tu diệt trừ các dục vọng, làm chủ các đòi hỏi của thân xác; nhưng với thân thể suy yếu, tâm thức không thể đạt đến giác ngộ hoàn-toàn. Từ chỗ ngồi, ngài loạng choạng đứng lên, cử động và nắn bóp tay chân cho đở tê, râu tóc và quần áo mục nát trên thân ngài rơi lả tả xuống đất. Ngài tìm đến một bãi tha ma gần đó lượm một bộ y phục, xuống sông giặt giũ, tắm rửa, rồi mặc vào, đi lần vào xóm khất thực. . .

Từ nay ngài áp dụng lối tu trung đạo, không quá hành xác cũng không quá buông lung, chỉ ăn uống vừa đủ cho có sức khoẻ để giữ cho tinh thần được sáng suốt. Ngài bắt đầu phân định giờ giấc tham thiền, khất thực, độ ngọ, kinh hành, nghỉ-ngơi, nhưng vẫn giữ "tam thường bất túc" nghĩa là ba thứ ăn, ngủ và nghỉ không được quá đầy đủ mà phải hơi thiếu. Năm anh em ông Kondanna thấy vậy cho rằng ngài đã thối chí ngã lòng trong việc tu-tập, quay về đời sống lợi-dưỡng, nên cùng nhau rời ngài đi đến vườn nai (Lộc uyển) tại làng Isipatana, hiện nay là Sarnath, cách Gaya khoảng 204 km về hướng tây tây-bắc tiếp tục tu khổ hạnh. Thành phố Sarnath cách thành phố lớn Varanasi (tên cũ là  Benares) 10 km về hướng bắc.

Sa-môn Gotama, trong sáu năm tu khổ hạnh, rất nhờ sự giúp-đỡ tận tình của năm anh em ông Kondanna về tinh-thần cũng như vật-chất. Bây giờ còn lại một mình, trong cảnh cô-đơn, ngài phải tự giải-quyết những vấn-đề phức-tạp, khó-khăn, từ lớn đến nhỏ, nhưng ngài không nản chí ngã lòng. Ngài thường đến bờ sông Nairanjana (Ni-liên-thiền, hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala[21] đang dắt bò xuống sông tắm. Hai cô thấy sa-môn Gotama y-phục tả-tơi, thân-thể gầy yếu, nhưng nét mặt trang-nghiêm, hiền-lành, thanh-thoát, đang ngồi thiền định, thì sanh lòng kính mến liền lựa một con bò cái thật tốt, tắm rửa cho nó sạch-sẽ rồi tự tay vắt lấy sữa, nấu chín, tới nơi thành kính quỳ gối dâng lên. Sa-môn Gotama nhận sữa rồi chú nguyện rằng:

- Tôi vì lòng độ sinh nên dùng món ăn này, nguyện được khí lực khoẻ mạnh; người dâng cúng đời đời được thức ăn ngon, thân thể hùng tráng, được tâm từ, bi, hỷ, xả, an-lạc, không tật bệnh, sống lâu, giàu bền, trí-tuệ đầy đủ.

Chú nguyện xong, ăn rồi, ngài cảm thấy thân-thể khoẻ-mạnh, khí-lực sung-túc. Ngài thầm nghĩ rằng: "Sáu năm khổ hạnh, áo rách tả-tơi,vậy ta nên đổi tấm áo phẩn-tảo[22] này". Sa-môn Gotama đi lần xuống sông Nairanjana giặt áo, tắm rửa vừa xong thì có vị trời Tịnh-cư dâng áo cà-sa cúng-dường. Sa-môn Gotama bỏ áo phẩn-tảo, mặc áo cà-sa rồi từ-từ đi tới mé rừng, tìm một cội cây mát-mẻ để ngồi thiền-định. Thông-thường ngài nằm nghỉ từ canh ba đến canh năm dưới một cội cây. Khi sao mai vừa ló dạng, ngài thức dậy, xuống sông rửa mặt rồi tìm nơi ngồi thiền-định. Ðến giờ tỵ ngài đi khất thực trong xóm làng gần đó. Sau khi độ ngọ xong, ngài đi kinh-hành,  xuống sông tắm, rồi lại tìm nơi mát-mẻ ngồi thiền-định.

 

2- Ðêm thành đạo [23] (năm -589)

 

Ðến ngày thứ 49 kể từ lúc năm anh em ông Kondanna bỏ đi, trong lúc ngài đang ngồi thiền định dưới gốc cây cổ-thụ Ajapala[24] (cách cây Bồ-đề độ 100m về hướng đông, hiện nay có dựng bảng kỷ-niệm gần cổng vào Bồ-Ðề Ðạo-Tràng), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata, con ông xã trưởng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn vị Thần đã giúp người chị toại nguyện theo lời khấn vái cầu con trước đây; thấy sa-môn Gotama tướng mạo trang nghiêm tươi sáng đang tĩnh-tọa, hai nàng tưởng là vị Thần hiện ra nhận lễ vật nên hai nàng đặt bát cháo sữa bằng vàng trước mặt sa-môn Gotama, cung-kính đảnh-lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa[25], sa-môn Gotama thấy cơ thể khoẻ mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà chỉ đi kinh-hành trong chốc lát rồi xuống sông Nairanjana tắm. Ngài nhận thấy thân mình hôm nay trở nên vô cùng tươi sáng, đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, da màu vàng ròng rực-rỡ. Ngài vô cùng phấn-khởi, sau khi rửa bát xong, ngài để cái bát bằng vàng trên dòng nước và nguyện rằng: "Nếu hôm nay ta được chứng quả thành Phật, thì nguyện cho cái bát nầy nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông ". Quả nhiên cái bát nổi phêu trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông 80 sải tay, đến khi gặp phải một xoáy nước mạnh thì chìm xuống đáy sông. Sa-môn Gotama hăng-hái đi trở lên bờ, đến cây Pippala[26] (ficus religiosa, cây Bồ-đề) to lớn, cành lá sum-sê. Nơi đây rất thích-hợp cho việc thiền-định, vừa có bóng mát, vừa khoảng-khoát sáng-sủa, có rừng cây phía sau lưng, có con sông chảy ngang trước mặt với bãi cát vàng rộng lớn, phong cảnh thật thanh-nhàn. Ðến trước cội cây, ngài thầm nghĩ: "Dưới cội cây nầy, làm thế nào có một tòa ngồi cho yên-tĩnh trang-nghiêm ". Bỗng thấy một em bé gánh cỏ đi ngang qua đó, Sa-môn Gotama gọi lại hỏi xin một mớ cỏ để làm tòa ngồi. Em bé vui-vẻ và cung-kính dâng ngài sáu bó cỏ sắc (kusha) mềm-mại như lông cổ chim công, mùi thơm ngào-ngạt. Ngài cám ơn và hỏi:

- Cháu tên gì? Năm nay cháu mấy tuổi?

- Thưa ông, cháu tên Sotthiya Svastika (Cát-Tường). Năm nay cháu được 9 tuổi. Mà ông xin cỏ để làm gì? Bộ ông có nuôi trâu bò hả?

- Không phải, tôi đã xuất gia đi tu, đâu có nuôi trâu bò gì. Tôi chỉ xin cỏ để chêm ngồi cho êm và thẳng lưng để có thể ngồi lâu được. Tôi chỉ mong được giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sinh khỏi mọi đau khổ ở đời.

- Thưa ông, bộ ngồi lâu trên đống cỏ thì sẽ được giác ngộ thành Phật hả?

- Không phải vậy đâu cháu. Ngồi kiết già, lưng thẳng đứng chỉ là phương tiện giúp cho sự thực hành Chỉ Quán chóng đạt đến Ðịnh Huệ. Nhưng muốn giác ngộ thành Phật còn phải thực hành đầy đủ các hạnh Từ Bi Hỷ Xả nữa mới được. Nếu cháu muốn học thì khi cháu lớn lên và tôi đã thành đạo rồi, tôi sẽ dạy cho. Hôm nay, tôi vì chúng sinh đau khổ, nguyện ngồi dưới gốc cây này cho đến khi chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nếu chưa toại nguyện thì dù tan xương nát thịt quyết không đứng lên.[27]

Nói rồi, ngài xấp cỏ thành tọa-cụ và bồ-đoàn[28], ngồi kiết-già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cúi xuống nhìn về hướng đông, phía bờ sông Nairanjana. Tức thì thế-giới chấn-động sáu lần, làm rung-chuyển cả trời đất. Trên không trung từng đàn chim vui mừng bay liệng, trong cành lá đủ giọng hót thánh-thót líu-lo, tám bộ chúng trời rồng[29] mang hương hoa đến múa hát và hòa tấu nhạc khúc cúng dường.

Bồ-tát Gotama ngồi trên tòa cỏ, đầy đủ thế lực hùng mạnh như sư-tử; trí-tuệ sáng-suốt như vừng thái-dương. Ngài bắt đầu thực-hành các pháp thiền-định (Jhana, Dhyana) theo thứ lớp từ thấp lên cao như sau:

1 - Quán niệm hơi thở (anapana-sati) để thanh-lọc và ổn-định thân tâm.

2 - Khởi tâm lìa ái dục và vọng tưởng bằng cách quán Tứ Niệm Xứ, nhập Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, an trụ sơ thiền. (Không tham sống sợ chết, không ham muốn danh lợi tài sản thế gian, không đắm nhiễm các thú vui thế tục, sẵn sàng vui vẻ lìa bỏ tất cả)

3 - Xuất sơ thiền, bỏ quán chiếu. Giữ tâm an lạc tập trung vào một điểm, nhập Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, an trụ nhị thiền. (Xa lìa các thú vui thế tục, chuyên vui trong thiền định)

4 - Xuất nhị thiền, bỏ cái vui thiền định. Giữ tâm an nhiên, bình đẳng trước mọi cảm thọ khổ vui, nhập Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa, an trụ tam thiền. (Năm căn thanh tịnh, không đắm nhiễm năm trần)

5 - Xuất tam thiền, lìa tất cả cảm thọ khổ vui. Giữ tâm an lạc, thanh tịnh, bình đẳng trước ngoại cảnh, nhập Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa, an trụ tứ thiền. (Sáu căn thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần)

6 - Xuất tứ thiền. Quán thân mình hòa tan vào cõi hư-vô không biên-giới để nhập Không-Vô-Biên-Xứ định (Akasanantya-yatana). An trụ Thân Không.

7 - Xuất Không Vô Biên Xứ định. Quán thân mình không còn, chỉ còn cái tâm-thức vô-biên mà thôi để nhập Thức-Vô-Biên-Xứ định (Vijnanantya-yatana). An trụ Thức Không.

8 - Xuất Thức Vô Biên Xứ định. Quán tất cả sự vật đều hoàn-toàn trống không, vô-sở-hữu, vô-sở-đắc, vô-sở-dụng, để nhập Vô-Sở-Hữu-Xứ định (Akincanna-yatana). An trụ Pháp Không.

9 - Xuất Vô Sở Hữu Xứ định. Quán thân, tâm mình và toàn thể vạn vật đều trống không, không còn gì để nghĩ tưởng, để nhập Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-Xứ định (N'evasanna-nasanna-yatana). An trụ Tưởng Không

10 - Rồi nhân lúc tinh-thần sảng-khoái, định lực kiên-cố, chí cả quyết thành, ngài được tri-giác khai thông, nhập Ðại-định, cảm thấy năm uẩn[30] đều không, mười tám giới[31] chẳng có, ngã-chấp tiêu-tan, được Ngã Không, đi vào Diệt-Thọ-Tưởng định (Nirodha-samapatti), chứng được Phương Quảng thần-thông du-hý, Thủ-Lăng-Nghiêm định, đầy đủ đức tướng trang-nghiêm, đảnh phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương Phật quốc, khiến cho trời, người vui-vẻ, địa-ngục sáng choang, Ma-vương kinh-sợ.

Bấy giờ từ giữa hai lông mày, Bồ-tát phóng ra một đại đạo hào-quang, chiếu tới cung-điện của Ma-vương[32], làm át mất ánh sáng trên thiên-cung (Tha-hóa-tự-tại thiên). Ma-vương biết Bồ-tát  sắp thành đạo Bồ-đề, triệu tập tất cả họ hàng, thiên ma, thiên binh, thiên tướng đến, dạy rằng:

- Hiện nay có một người dòng Sakya sắp thành đạo vô thượng tại Gaya ở cõi Diêm-phù-đề. Chúng ta phải mau đem binh tướng đến nơi, phá-hoại cho bằng được, nếu không thì cung-điện của chúng ta sẽ sụp-đổ, uy-thế và quyền-lợi của chúng ta sẽ lần hồi mất hết.

- Kính lạy Phụ-vương, con của Ma-vương là Thương-Chủ thưa, xin Phụ-vương chớ đem lòng thù oán với Bồ-tát Gotama, mà làm những điều ác nghịch với ngài, con e cha hối không kịp, xin cha hãy nghĩ lại.

- Chà! Con còn nhỏ, chưa từng biết sức thần-thông biến-hóa của cha, con đừng xen vào quyết-định của cha.

- Thưa cha, chẳng phải con không biết thần-thông uy-lực của cha, trái lại chính cha chưa rõ thần-thông, phúc-đức, oai-lực rộng lớn của Bồ-tát Gotama. Nếu cha không tin, lúc đến nơi cha sẽ biết.

- Thôi đi! Ðừng nói nữa! Cha là Vị Trời tối cao ở cõi Dục này. Tất cả đều phải chết dưới uy lực của cha. Ái dục, tham lam, giận tức, si mê là vũ khí sắc bén của cha, không ai tránh khỏi. Con hãy xem đây.

Nói rồi Ma vương Ba-Tuần liền điều-động bốn đạo thiên binh, thiên tướng, quyết đến nơi tiêu diệt vị sa-môn sắp thành đạo. Hằng ngàn binh tướng, đầu trâu mặt ngựa, kỳ hình dị tướng, gầm thét vang trời, nổi mưa giông, sấm sét, ngập lụt, bắn tên lửa tới tấp như mưa. Nhưng Bồ-tát Gotama vẫn ngồi yên bất động, không vật gì chạm được đến mình Bồ-tát. Ngài nói:

- Này Ma Ba-Tuần, kiếp trước ngươi đã từng làm chủ một ngôi chùa, thọ tám giới, mỗi ngày cúng một bát cơm cho một vị Bích-Chi-Phật. Nhân phúc đức ấy nên được sanh về cõi trời Tha-Hóa-Tự-Tại làm Ðại Ma-vương. Còn ta đã từng cúng-dường vô lượng chư Phật trong vô số kiếp, công đức không thể nghĩ bàn, thì ngươi làm sao hại ta được. Thôi, ngươi hãy đi đi, nếu còn ngoan-cố, mất hết phước báo, sẽ bị đọa trong ba đường ác[33].

- Này đạo sĩ Gotama, đừng khoác lác, chính nhờ những công đức tối thượng mà ta mới được làm Chúa Tể cõi Dục này. Tất cả mọi người ở thế gian đều biết. Còn ngươi chỉ là một đạo sĩ quèn, ngồi một mình dưới gốc cây, thì có công đức gì? Ai làm chứng cho ngươi?

- Này Ma Ba-Tuần, đại địa này là bà mẹ vô tư của muôn loài chúng sanh sẽ làm chứng cho ta.

Vừa nói Bồ-tát Gotama vừa dũi tay phải chấm đầu ngón tay xuống đất. Ðại địa bỗng chấn động sáu cách, tiếng đại hồng chung trong các đền thờ xung quanh ngân lên vang dội, một vùng đất lớn trườc mặt Bồ-tát nứt ra, vị Ðại Ðịa thần Sthavara nhô nửa người lên khỏi mặt đất với đầy món trang sức quý báu trên mình, cung kính đảnh lễ trước Bồ-tát và nói:

- Kính thưa Ðại Bồ-tát, con xin làm chứng về vô lượng công đức không thể nghĩ bàn của Bồ-tát trong quá khứ.

Nói xong, Ðịa thần trợn mắt nhìn Ma Vương, rồi rút mình xuống đất; mặt đất liền lại như cũ. Binh tướng của Ma-vương bỏ chạy tán loạn. Ma-vương vừa hoảng sợ vừa hổ thẹn vội rút binh về. Khi ấy con của Ma-vương là Thương-Chủ hiện đến trước mặt Bồ-tát Gotama, đảnh lễ sát đất và sám-hối rằng:

- Kính lạy Bồ-tát! Xin ngài từ bi hỷ xả, nhận lòng thành kính sám-hối của con, tha-thứ cho cha con là kẻ phàm ngu đã trót phạm tội não loạn Bồ-tát. Chúng con xin cầu nguyện Bồ-tát chóng thành đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Nhưng Ma Vương chưa chịu thua, quyết dùng độc kế cuối cùng. Vừa về đến thiên cung, liền gọi ba cô con gái đến bảo:

- Các con hãy hóa-trang và ăn mặc cho thật đẹp, xuống cõi Diêm-phù-đề, gặp sa-môn dòng Sakya đang ngồi nhập định dưới cội cây pippala gần thành-phố Gaya, ra tài múa hát, trêu chọc, khêu gợi dục tình, khiến cho hắn mất hết thần-thông, không thể thành đạo vô thượng có hại cho chúng ta.

Ba cô gái tên là Tanha (Ái Dục), Arati (Bất Mãn) và Raga (Tham Vọng) nghe theo lời cha, hóa ra ba nàng tiên tuyệt đẹp, hình dung yểu-điệu, nhan-sắc xinh tươi, cùng nhau đi đến chỗ Bồ-tát Gotama đang ngồi, giả đem hương hoa cúng dường, rồi múa hát, lần lần tìm cách gợi chuyện, trêu chọc, tỏ tình, quyến rủ. Nhưng Bồ-tát vẫn ngồi an-nhiên bất động, tâm trí bền vững như núi Tu-di. Ba cô thấy thế, ngạc-nhiên, đến trước mặt Bồ-tát xem ngài còn sống hay đã chết. Bồ-tát bảo rằng:

- Các ngươi đã trồng căn lành nhiều đời, nay được làm thiên-nữ, hưởng phước báo nơi cõi trời, sao không nhớ thân này là vô thường, có ngày hoại diệt, còn có thái-độ vô lễ đối với ta? Thân hình tuy đẹp mà tâm bất chính có khác chi cái túi da  đựng đồ nhơ bẩn, lại đây làm chi, hãy đi đi, ta không dùng.

Nói rồi ngài đưa tay lên chỉ mặt, tự nhiên ba cô tiên biến dạng thành ba bà lão da nhăn, tóc bạc, lưng còng, loạng-choạng đứng không vững. Ba cô hoảng sợ lật-đật bỏ chạy về thiên cung trình lại với Ma-Vương Ba-Tuần.

 

Vua trời Ðại-phạm (Brahma), vua trời Ðao-lợi (Sakka Indra, Thích-Ðề-Hoàn-Nhơn hay Ðế-Thích) và vô số các vị trời đứng đầy cả hư-không, nhìn thấy Bồ-tát Gotama hàng-phục Ma-Vương, ai nấy đều vui mừng, đồng thanh tán-thán:

- Hay lắm! Hay lắm! Chưa từng có! Chưa từng có! Bồ-tát Gotama giờ đây đắc đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác!

Các vị trời vui mừng, tung hoa, rắc hương, tấu nhạc cúng dường.

 

Sau khi hàng-phục Ma-Vương xong, Bồ-tát Gotama tiếp-tục nhập Diệt-Thọ-Tưởng định và bắt đầu cuộc chiến thắng vẻ-vang trong trận giặc cuối cùng hết sức tế-nhị và khó-khăn gồm ba giai-đoạn:

1- Tận diệt các vi-tế phiền-não (Kammavasa) còn ẩn náo trong tâm làm nghiệp nhân cho sanh tử luân hồi (Samsara). Ðến canh một đêm đó ngài toàn thắng trận giặc nầy và chứng Túc-Mạng-Minh (Pubbe-nivasanussati-nana): Ngài biết rõ tất cả các tiền kiếp của ngài, ở thời-đại nào, tên gì, sanh trưởng trong gia-đình nào, giai-cấp nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, chết cách nào, rồi tái sanh vào cảnh nào, vân vân ...

2- Tận diệt các vi-tế vô-minh (Avidyasava). Ðến canh ba ngài toàn thắng trận giặc nầy và chứng Thiên-Nhãn-Minh (Cutupapata-nana): Ngài biết rõ tất cả sự biến chuyển của vạn vật qua các giai-đoạn thành, trụ, hoại, không; và biết rõ chúng sanh ở thời-đại nào, tên gì, sanh trưởng trong gia-đình nào, giai-cấp nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết cách nào, rồi tái sanh vào cảnh nào, vân vân ... Ngài biết rõ tất cả nhân duyên nghiệp báo của chúng sanh, từ đó suy ra luật Nhân-Quả Luân-Hồi.

3- Tìm ra phương cách giúp chúng sinh chấm dứt phiền-não và vô-minh, đạt đến giác-ngộ hoàn-toàn, thoát ra khỏi vòng sanh-tử luân-hồi. Ðến canh năm, sao mai vừa ló dạng, vào ngày mồng tám tháng chạp âm lịch[34] năm Nhâm Thân (đầu năm -589), ngài chứng Lậu-Tận-Minh (Asavakkhaya-nana): Do đã biết rõ tất cả các tiền kiếp của chính bản thân mình và của mỗi chúng sinh, nên ngài nhận thấy rõ-ràng đâu là khổ, đâu là nguyên-nhân của khổ, đâu là hạnh-phúc chân-thật vĩnh-cửu, và làm thế nào để đạt được hạnh-phúc chân-thật vĩnh-cửu đó. Ngài đã tìm ra Tứ-Diệu-Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo).

Ðức Phật liền đọc lên bài kệ[35] đầu tiên sau khi thành đạo như sau:

Lang-thang bao kiếp luân-hồi,

Tìm hoài chẳng gặp kẻ xây cất nhà[36].

 Tử sanh phiền-não thật mà!

Này ông thợ chánh, ta đà thấy ông[37].

Chớ hòng xây cất, đừng mong,

Sườn nhà[38] sụp nát, đòn dông[39] không còn.

Như-Lai đạo quả đã tròn,

Ái-dục dứt sạch, chẳng còn ngã nhơn. (Kinh Pháp-Cú, bài 153 và 154)

 

Bồ-tát Gotama đã trở thành bậc toàn thiện toàn giác (accariya manussa), là bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác (anuttara samma sambodhi), là đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Sakyamuni Buddha). Ngài là bậc duy nhứt trong các cõi trời và cõi thế-gian có đầy-đủ mười đức-hiệu sau đây:

1- Như-lai = Thân tâm bất động, không dời đổi.

2- Ứng cúng = Xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường của trời và người.

3- Chánh biến tri = Trí-tuệ thông suốt. Hiểu biết tất cả đúng như thật.

4- Minh hạnh túc = Ðầy đủ các hạnh cao-thượng.

5- Thiện thệ = Ðã làm đủ các hạnh nguyện cao-thượng.

6- Thế-gian giải = Biết giải-thích tất cả mọi sự việc ở thế-gian.

7- Vô thượng sĩ = Không còn ai cao quí hơn.

8- Ðiều-ngự trượng-phu = Có đầy đủ khả năng điều-phục, chế-ngự và ủng-hộ chúng sanh thoát mê, đạt ngộ.

9- Thiên nhơn sư = Là bậc thầy của các cõi trời và cõi người.

10-  Phật Thế-tôn = Là bậc sáng-suốt, giác-ngộ hoàn-toàn.

 

3- Tuần-lễ đầu tiên sau khi thành đạo

 

Ðức Phật ngồi không cử-động dưới tàng cây Bồ-đề để chứng nghiệm Hạnh-Phúc Giải-Thoát (Vimutti-sukha). Trong đêm cuối tuần ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên[40] (Paticca-samuppada). Nhân và Duyên là nguyên-nhân chánh và các nguyên-nhân phụ làm phát sanh sự sống. Ví-dụ: Sở-dĩ có cây xoài mọc lên là vì có nguyên-nhân chánh là hột xoài, và các nguyên-nhân phụ là đất, nước, ánh sáng, không-khí, khí-hậu ... thích-hợp cho sự phát triển của hột xoài thành cây xoài. Mười hai nhân duyên là 12 yếu-tố chánh làm nhân và duyên cho nhau để phát sanh hiện-tượng sanh tử luân hồi của chúng sanh. Muốn chấm-dứt dòng sanh tử luân hồi đó thì phải dứt trừ một trong 12 yếu tố đó, và phải biết yếu tố nào dễ trừ nhứt đối với mình. Các yếu tố dễ trừ nhứt là Ái, Thủ và Vô-minh. Dứt trừ Ái-dục là chận đứng không cho 6 căn duyên theo 6 trần. Dứt trừ Thủ là thật hành hạnh bố-thí. Dứt trừ Vô-minh là phải học giáo-lý và thiền quán để biết rõ thân tâm  và vạn vật đều vô thường, vô ngã; để biết rõ Chơn-tâm, Phật-tánh của mình mới thật là thường, lạc, ngã, tịnh.

Vào canh một đêm đó, Ðức Phật bắt đầu suy luận theo chiều sanh khởi (anuloma) như sau: Khi cái này có thì cái kia có, khi cái này phát sanh thì cái kia phát sanh.

Do Vô Minh[41] (Avijja) phát sanh, nên Hành (Samkhara) phát sanh.

Do Hành[42] phát sanh,  nên Thức (Vinnana) phát sanh.

Do Thức[43] phát sanh,   nên Danh (Nama) và Sắc (Rupa) phát sanh.

Do Danh và Sắc[44] phát sanh, nên Sáu Căn (Salayatana) phát sanh.

Do Sáu Căn[45] phát sanh, nên Xúc (Phassa) phát sanh.

Do Xúc[46] phát sanh, nên Thọ (Vedana) phát sanh.

Do Thọ[47] phát sanh, nên Ái (Tanha) phát sanh.

Do Ái[48] phát sanh,   nên Thủ (Upadana) phát sanh.

Do Thủ[49] phát sanh, nên Hữu (Bhava) phát sanh.

Do Hữu[50] phát sanh, nên Sanh (Jati) phát sanh.

Do Sanh[51] phát sanh,nên Bệnh, Lão và Tử (Jara-marana),

Phiền-não, Ðau-khổ phát sanh.

Toàn khối đau-khổ trong cuộc sống hiện tại đã phát sanh như thế.

Rồi Ðức Phật nói bài kệ[52] sau đây:

Khi các thực-tại hiển bày,

Thánh-nhơn thiền-định, rõ ngay ngọn ngành.

Nhân nào quả nấy đành-rành,

Các duyên phò-trợ phát sanh luân-hồi. (Trích trong Vinaya-pitaka)

 

Khoảng canh ba đêm đó, Ðức Phật suy-luận theo chiều hoại-diệt (patiloma) như sau: Khi cái này không còn thì cái kia cũng không còn, khi cái này diệt thì cái kia cũng diệt.

Khi hết Vô-minh thì Hành chấm dứt.

Khi hết Hành thì Thức chấm dứt.

Khi hết Thức  thì Danh và Sắc chấm dứt.

Khi hết Danh và Sắc  thì Sáu Căn chấm dứt.

Khi hết Sáu Căn thì Xúc chấm dứt.

Khi hết Xúc thì Thọ chấm dứt.

Khi hết Thọ thì Ái chấm dứt.

Khi hết Ái thì Thủ chấm dứt.

Khi hết Thủ thì Hữu chấm dứt.

Khi hết Hữu thì Sanh chấm dứt.

Khi hết Sanh  thì Bệnh, Lão, Tử, Phiền-não, Ðau-khổ chấm dứt.

Toàn khối đau-khổ trong cuộc sống hiện-tại có thể được chấm dứt như thế.

Rồi Ðức Phật nói bài kệ sau đây:

Khi các thực-tại hiển bày,

Thánh-nhơn thiền-định, rõ ngay ngọn ngành.

Nhân diệt, quả phải tan-tành,

Các duyên chẳng thuận, quả sanh đàng nào? (Trích trong Vinaya-pitaka)

 

Ðến canh năm, sáng hôm sau, Ðức Phật suy-luận theo hai chiều sanh-khởi và hoại-diệt như sau: Khi cái này có thì cái kia có, khi cái này phát sanh thì cái kia phát sanh. Khi cái này không có thì cái kia không có, khi cái này diệt thì cái kia cũng diệt[53].

Khi Vô-minh phát sanh thì Hành phát sanh, vân vân. Và như thế toàn khối đau-khổ luân-hồi phát sanh.

Khi Vô-minh diệt thì Hành cũng diệt, vân vân. Và như thế toàn khối đau-khổ luân-hồi cũng phải chấm dứt.

Rồi Ðức Thế-Tôn nói bài kệ sau đây:

Khi các thực-tại hiển bày,

Thánh-nhơn thiền-định, rõ ngay ngọn ngành.

Ma-Vương binh tướng tan-tành,

Chân-lý chiếu sáng, chúng sanh an hòa. (Trích trong Vinaya-pitaka)

 

4- Tuần-lễ thứ hai sau khi thành đạo

 

Ðức Phật trải qua tuần-lễ thứ hai một cách bình-thản, ngài đứng cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng đông, chăm-chú nhìn cây Bồ-đề trọn một tuần không nháy mắt, hồi tưởng lại cuộc trường kỳ chiến đãu cam go, gian khổ, với tự thân, tự tâm, trong vô lượng kiếp, cho đến ngày nay thành đạo dưới cội Bồ-đề, để rút tỉa kinh nghiệm hầu tìm ra một Con Ðường ngắn hơn và dễ dàng hơn cho chúng sanh sau này. Hiện nay nơi đây còn có tháp kỷ-niệm do vua Asoka dựng lên, tên là Animesalocana Cetiya.

Noi theo gương lành cao quí ấy, và để tưởng nhớ công ơn Ðức Phật, hàng tín-đồ đến ngày nay vẫn còn tôn kính các cây Bồ-đề ở Bodhgaya, Sarnath, Lumbini, Jetavana, Anuradhapura (Sri-Lanka), Châu-Ðốc (Việt-Nam).

Cây Bồ-đề tại Jetavana (vườn Cấp-Cô-Ðộc) được trồng do ý kiến của ngài Ananda, được Phật chấp thuận, và ông Cấp-Cô-Ðộc thực hiện bằng cách lấy hột của một trái chín của cây Ðại-Bồ-Ðề về trồng gần cổng vào tinh xá, lúc Phật thường trú nơi đây, để các tín đồ từ xa đến viếng Phật, rủi gặp lúc Phật đi vắng, có thể lễ bái cây Bồ-đề này cũng như lễ bái Phật.

Cây Bồ-Ðề hiện nay tại Lumbini cũng đã có từ lúc Phật còn tại thế.

Vào thế-kỷ thứ ba trước tây lịch, ni sư Sanghamitta, con vua Asoka, chiết một nhánh phía nam của cây Ðại-Bồ-Ðề, đem qua Sri-Lanka (Tích-Lan) trồng tại thủ đô Anuradhapura, đến nay vẫn còn tươi tốt sum-sê.

Cây Bồ-đề tại Bodhgaya và tại Sarnath, Ấn-độ, hiện nay cũng đều là cây con chiết nhánh từ cây Bồ-đề tại Anuradhapura ở Sri-Lanka.

Một cây con của cây Bồ-đề tại Bodhgaya ngày nay được Ðại-đức Jina Rajadasa, hội-trưởng hội Thông-Thiên-Học Quốc-tế tại Ấn-độ, tặng Việt-Nam vào năm 1952, được trồng tại trung tâm thị-xã Châu-Ðốc, miền tây Nam-Việt. Các hội viên hội Bồ-Ðề Ðạo-Tràng thường tụng niệm tại đây mỗi buổi chiều tối. Ngoài ra các chùa lớn tại Việt-Nam như chùa Trấn-Quốc ở Hà-nội, chùa Từ-đàm ở Huế, chùa Xá-lợi ở Sài-gòn đều có trồng một cây Bồ-đề thật uy-nghiêm. 

1- Cây Ðại-Bồ-Ðề (lúc Phật thành đạo) sanh ra:

2- Cây Bồ-đề Ananda tại Jetevana lúc Phật thường trú tại đây

3- Cây Bồ-đề tại Anuradhapura (Sri-Lanka) sanh ra:

4- Cây Bồ-đề tại Sarnath

5- Cây Bồ-đề Ananda tại Jetavana hiện nay

6- Cây Bồ-đề tại Bodhgaya hiện nay sanh ra:

7- Cây Bồ-đề tại Châu-Ðốc (Việt-Nam).

 

 

5- Tuần-lễ thứ ba sau khi thành đạo

 

Vì Ðức Phật vẫn còn ở quanh-quẩn bên cội Bồ-đề, nên chư thiên lúc bấy giờ còn nghi-ngờ không biết ngài đã đắc quả Phật chưa. Ðức Phật đọc được tư-tưởng ấy, ngài dùng oai-lực thần-thông tạo một "đường kinh-hành quí báu" (Ratana Cankamana, đường kinh-hành bằng ngọc), và đi tới đi lui trên đường kinh-hành này suốt tuần lễ thứ ba. Dưới mỗi bước chân Phật có một hoa sen nở ra đỡ lấy không cho chân chạm đất. Con đường này hiện nay được xây bằng gạch lên cao khỏi mặt đất độ một thước, nằm song song với cạnh phía bắc tháp Ðại Giác. Trên mặt đường có đúc 18 hoa sen bằng xi-măng, tượng trưng cho 18 bước chân của đức Phật.

Theo Phật-giáo đại thừa thì trong ba tuần lễ đầu (21 ngày) sau khi thành Phật, ngài hiện thân đức Tỳ-Lô-Giá-Na (Vairocana Buddha) thuyết kinh Hoa-Nghiêm[54] (Avatamsaka sutra) cho vô số đại Bồ-tát, các Vua trời và các vị Thần đã thọ giáo với Ðức Phật Tỳ-Lô-Giá-Na từ vô lượng kiếp. Nguyên tên kinh là "Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh". Nội dung kinh này đứng trên cảnh-giới bất-tư-nghì giải-thoát của chư Phật để mô tả toàn thể pháp-giới tánh, còn gọi là vô-ngại pháp-giới. Ðức Phật có ý nói kinh đốn giáo đại thừa này cho các vị đã có nhiều căn lành trước, để các vị này lần hồi truyền-bá lại cho các vị thấp hơn, cho đến khắp cả pháp giới chúng sinh.

 

6- Tuần-lễ thứ tư sau khi thành đạo

 

Ðức Phật ngự trong "bảo cung"[55] (Ratana-ghara, cái phòng bằng ngọc) để suy-niệm về những điểm phức-tạp của Tạng Luận (Abhidhamma, giáo-lý cao-siêu, vi diệu pháp). Kinh sách ghi nhận rằng khi ngài suy-tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan (Patthana), quyển khái-luận thứ bảy của tạng Luận, tâm và thân ngài trở nên hoàn-toàn tinh-khiết và do đó phát ra một vừng hào-quang sáu màu, hiện nay là sáu màu của lá cờ Phật-Giáo Thế-Giới. Năm màu đầu là: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Màu thứ sáu là tổng-hợp năm màu đầu. Bảo Cung hiện nay ở cạnh phía bắc tháp Ðại Giác.

 

 

7- Tuần-lễ thứ năm sau khi thành đạo

 

Ðức Phật trở lại ngồi dưới cội cây Ajapala, nơi ngài đã nhận bát cháo sữa của hai chị em nàng Sujata, để tiếp-tục chứng nghiệm hạnh-phúc giải-thoát (Vimutti-sukha). Trong lúc Ðức Phật ngồi tham thiền thì ý nghĩ sau đây phát sanh:

- Quả thật là đau buồn nếu sống mà không có ai để ta lễ bái và tỏ lòng tôn kính. Hay là ta hãy sống gần một vị đạo-sĩ hay một vị bà-la-môn nào để tôn kính và sùng bái?

Có lẽ ta nên sống gần một vị đạo-sĩ khác hay một vị bà-la-môn để tôn kính và lễ bái vị ấy hầu nâng cao giới-đức (silakkhanda) đến chỗ toàn-thiện? Nhưng ta không thấy ai có giới-đức hơn ta để ta cộng tác, tôn kính, lễ bái, kể cả chư Thiên, Ma-vương hay Phạm-thiên ở các cõi trời, cũng như các đạo-sĩ hay Bà-la-môn ở cõi người.

 Có lẽ ta nên sống gần một vị đạo-sĩ khác hay một vị Bà-la-môn để tôn kính và lễ bái hầu nâng cao định lực (samadhikkhanda) đến chỗ toàn thiện? Nhưng ta không thấy trên thế-gian này có vị đạo-sĩ hay Bà-la-môn nào có định lực hơn ta để ta cộng tác, tôn kính và lễ bái.

 Có lẽ ta nên sống gần một vị đạo-sĩ khác hay một vị Bà-la-môn để tôn kính và lễ bái hầu nâng cao trí-tuệ (pannakkhanda) đến chỗ toàn thiện? Nhưng ta không thấy trên thế-gian này có vị đạo-sĩ hay Bà-la-môn nào có trí-tuệ hơn ta để ta cộng tác, tôn kính và lễ bái.

 Có lẽ ta nên sống gần một vị đạo-sĩ khác hay một vị Bà-la-môn để tôn kính và lễ bái hầu nâng cao mức độ giải-thoát (vimuttikkhanda) đến chỗ toàn thiện? Nhưng ta không thấy trên thế-gian này có vị đạo-sĩ hay Bà-la-môn nào có mức độ giải-thoát hơn ta để ta cộng tác, tôn kính và lễ bái.

 Hay là ta nên sống trong sự tôn kính và lễ bái chính cái Giáo-Pháp mà ta đã chứng-ngộ?

Lúc bấy giờ vị Phạm-thiên Sahampati, hiểu được ý Phật, liền từ cõi trời Phạm-thiên (Brahma) hiện đến trước mặt Phật, nhanh như một lực-sĩ duỗi thẳng cánh tay hay co tay vào. Và, đắp y lên vai trái, quỳ gối phải xuống đất, chấp tay lễ Phật và bạch rằng:

- Bạch đức Thế-tôn, quả thật như vậy, những bậc Ứng-Cúng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, trong quá-khứ đều tôn-kính và sùng-bái chính Giáo-Pháp này. Những bậc Ứng-Cúng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, trong tương-lai cũng sẽ tôn-kính và sùng-bái chính Giáo-Pháp này. Thế nên, bạch đức Thế-tôn, ngài là bậc Ứng-Cúng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, trong đời hiện tại, cũng nên tôn-kính và sùng-bái chính cái Giáo-Pháp này.

Bạch đức Thế-tôn, các bậc Chánh Biến Tri trong quá-khứ, vị-lai và hiện-tại, đã, sẽ và đang cứu-giúp chúng sanh thoát khổ, đều tôn-kính Giáo-Pháp cao-thượng này. Ðó là đặc tánh chung của chư Phật.

Vậy, ai muốn được lợi ích và tinh-tấn, dĩ nhiên cũng nên tôn-kính Giáo Pháp cao-thượng này, và luôn luôn nhớ đến lời vàng của chư Phật.

Vị Phạm-thiên Sahampati bạch xong, cung kính đảnh-lễ Phật, đi nhiễu một vòng xung quanh ngài rồi biến mất.

Vì chư Tăng cũng có những đặc tánh và chí-hướng cao-thượng nên cũng được Ðức Phật tôn-kính[56].

 Vào cuối tuần thứ năm, khi ngài xuất định, có một vị Bà-la-môn đến gần, chào thân-thiện rồi hỏi:

- Thưa Tôn-giả Gotama, đứng trên phương diện nào ta trở thành một thánh nhơn (Brahmana), và những điều-kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhơn?

Ðức Phật đáp bằng bài kệ sau đây:

Thánh nhơn tật xấu chẳng còn,

Chẳng còn ngã-mạn, chẳng còn nhiễm dơ.

Sáu căn thanh-tịnh như tờ,

Sở học rốt ráo, sống đời thanh cao.

Dù đi bất cứ nơi nào,

An-nhiên, tự-tại, chẳng lo sợ gì.  (Kinh Udana, Tự-Thuyết)

 

8- Tuần-lễ thứ sáu sau khi thành đạo [57]

 

Ðức Phật rời cây Ajapala đến cây Mucalinda[58], và ngồi thiền định tại đây một tuần-lễ nữa để chứng nghiệm hạnh-phúc giải-thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to đổ xuống. Mây kéo tới đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Lúc ấy Rắn thần Mucalinda từ trong hang chun ra, lấy mình quấn bảy vòng xung quanh Ðức Phật, và phùng mang lớn ra che trên đầu ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động tới thân ngài. Ðến cuối ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh, Mucalinda tháo mình trở ra, rồi biến thành một thanh niên đứng chấp tay trước mặt Phật. Ðức Phật đọc bài kệ khen ngợi và khuyên nhủ Mucalinda như sau:

Hạnh-phúc thay sống đời ẩn-dật,

Có bao nhiêu cũng đủ ấm no.

Hạnh-phúc thay sống trong thiền-định,

Ðược thấy, nghe Chơn-lý nhiệm-mầu.

Hạnh-phúc thay kẻ có tâm lành,

Sống đơn-sơ, lợi-ích chúng sanh.

Hạnh-phúc thay sống không ràng buộc,

Vượt lên trên dục vọng sáu căn.

Nhưng hạnh-phúc cao hơn tất cả,

Là xa lià chấp ngã, chấp ta.[59]

 

9- Tuần-lễ thứ bảy sau khi thành đạo

 

Ðức Phật từ cội cây Mucalinda bước sang cội cây Rajayatana và ở đó chứng nghiệm hạnh-phúc giải-thoát.

Cuối tuần thứ bảy, ngài đi từ cội cây Rajayatana trở lại cội cây Ajapala. Trong lúc ngồi thiền-định, những tư-tưởng sau đây phát sanh:

- Giáo-pháp mà Như-Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận-thức, khó lãnh-hội, vắng-lặng, cao siêu, không nằm trong phạm-vi lý luận, rất tế-nhị, chỉ có bậc hiền thánh mới thấu hiểu. Chúng sanh còn trong vòng tham-ái dục-lạc vật-chất khó hiểu nổi lý "Mười Hai Nhân Duyên" (hay lý Duyên Khởi). Và Niết-bàn là trạng-thái chấm dứt các điều-kiện sanh khởi, hết dục vọng, không còn tham ái, không còn ràng buộc, cũng không phải là một đề-tài dễ lãnh hội. Nếu Như-Lai truyền dạy Giáo-pháp ấy thì kẻ khác sẽ không hiểu được. Thật hoài công! Phí công vô ích!

Như-Lai đã khó-khăn lắm mới chứng ngộ được Giáo-pháp (Dhamma). Không cần phải phổ-biến ngay bây giờ. Người còn mang nặng tham ái và sân hận không dễ gì thấu triệt. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, không thấy được Giáo-pháp, vì bị tham ái bao phủ như đám mây đen kịch. Giáo-pháp đi ngược dòng đời, sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và rất tế-nhị.

Nghĩ như vậy, Ðức phật chưa quyết định truyền-bá Giáo-pháp. Nhân dịp ấy, Ma Vương (Mara) liền hiện đến, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi đến trước Phật quỳ xuống đảnh lễ và nói:

- Bạch Thế Tôn, chúng sanh ở thế gian này rất ngu muội và ngang ngược, bao nhiêu vị Phật ra đời trước đây đều không độ được chúng. Xin Thế Tôn đừng phí công vô ích. Xin đức Thế Tôn hãy nhập Ðại Bát-niết-bàn vô sanh bất diệt ngay từ bây giờ để tận hưởng hạnh phúc giải thoát.

- Này Ma Ba-Tuần, Như Lai đã vì đại nguyện cứu khổ chúng sanh nên mới xuất hiện ở thế gian này. Như Lai chỉ nhập Ðại Bát-niết-bàn sau khi đã thành lập Giáo Ðoàn Khất Sĩ với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo và đã truyền đạt đầy đủ Giáo Pháp Cao Thượng cho các vị Tỳ-kheo để tiếp nối nhau chỉ dạy lại cho chúng sanh. Thôi! ngươi hãy đi đi, đừng quấy rầy ta vô ích.

Ma-Vương buồn giận lui ra, cầm gậy vạch một đường dài trên mặt đất làm đường ranh giới tượng trưng giữa mình và đức Phật, rồi rút lui.

Vị Phạm-thiên Sahampati vội hiện đến trước Phật, đi nhiễu ba vòng xung quanh Phật, rồi quỳ xuống bạch Phật như sau:

- Bạch đức Thế-tôn, cầu xin ngài hãy truyền dạy Giáo-pháp của Phật! Có những chúng sanh bị ít nhiều cát bụi vướng trong mắt, nếu không được nghe Giáo-pháp của Phật sẽ bị trầm-luân sa-đọa. Nhưng họ cũng có thể ngộ được chơn-lý.

Thuở xưa ở xứ Magadha có phát sanh một Giáo-pháp không toàn hảo, do người còn trần-tục nghĩ ra. Nay xin đức Thế-tôn hoan-hỷ mở rộng cửa Vô Sanh Bất Tử, cho chúng sanh được nghe Giáo-pháp giải thoát của đấng Trọn Lành. Bậc Toàn Giác, Toàn Trí đứng trên đỉnh tối cao của lâu đài Pháp-bảo, cũng như người đứng trên ngọn núi đá cao nhìn xuống, thấy rõ-ràng từng người ở vòng quanh phía dưới. Xin đấng Hoàn-Toàn Hạnh-Phúc hãy nhìn xuống chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ sanh tử!

Xin Ngài hãy cương-quyết lên, vị anh-hùng, vị chiến thắng, vị lãnh-đạo, vị cứu thế, xin Ngài hãy truyền-bá Giáo-pháp khắp thế-gian. Chắc-chắn sẽ có nhiều người lãnh-hội được.

- Này Sahampati, Như-Lai nghĩ rằng người còn tham ái và sân-hận không dễ gì hiểu nổi Giáo-pháp của Như-Lai. Người tham ái bị chìm đắm trong đêm tối, không thể thấy được Chân-lý. Vì Chân-lý trái ngược với tham ái nên thành ra sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và rất tế-nhị. Vì thế nên Như-Lai chưa quyết định truyền-bá Giáo-pháp.

Vị Phạm-thiên Sahampati thỉnh Ðức Phật lần thứ hai, Ðức Phật cũng trả lời như trước. Khi vị Phạm-thiên cung thỉnh lần thứ ba, đức Thế-tôn dùng Phật-nhãn quán-sát thế-gian. Ngài nhận thấy rằng có kẻ ít người nhiều cát bụi trong mắt, người thông-minh sáng-suốt, kẻ mù-mịt tối-tăm, bẩm tánh người này tốt, người kia xấu, có chúng sanh khó dạy, cũng có chúng sanh dễ dạy, và có một số ít khác nhận thức được hiểm-họa của tội-lỗi và đời sống. Cũng như trong hồ sen, có sen xanh, đỏ, trắng, vàng lẫn-lộn. Có cây sanh dưới nước, lớn lên dưới nước, và sống suốt đời dưới nước; có cây sanh dưới nước, lớn lên trong nước, và sống trưởng thành trên mặt nước; có cây sanh dưới nước, lớn lên trong nước, và sống trưởng thành nhô lên khỏi mặt nước, không vướng chút bùn nhơ. Sau khi quán-sát xong ba hạng chúng sanh, hạ, trung và thượng, Ðức Phật tuyên-bố với vị Phạm-thiên rằng:

- Này Sahampati, cửa Vô Sanh đã rộng mở, để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin[60]. Này Sahampati, vì nhận thấy chúng sanh còn quá thấp kém nên trước đây Như-Lai chưa quyết định truyền dạy Giáo-pháp vô thượng.

Vị Phạm-thiên Sahampati vô cùng mừng rỡ đã thỉnh cầu được Ðức Phật hoằng dương Chánh-pháp, liền đảnh lễ tạ ơn ngài, đi nhiễu quanh ngài, rồi rút lui.[61]

 

10- Hai thiện-tín đầu tiên

 

Sau 49 ngày an vui thiền định, không ăn uống, kể từ lúc ăn bát cháo sữa của hai cô Sujata, hôm nay, trong lúc Ðức Phật ngồi dưới cội cây Rajayatana,có hai thương-gia người Miến-điện tên Tapussa và Bhallika từ Ukkala (hiện nay là Orissa) đến, đi ngang qua gần đó. Có một vị trời, vốn là bà con kiếp trước với hai thương-gia, đến mách bảo rằng:

- Này hai ông, đức Thế-Tôn vừa đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang ngồi dưới cội cây Rajayatana đàng kia. Hai ông nên đến đó cúng dường bột rang và mật ong[62], sẽ được an vui và hạnh-phúc lâu dài.

Hai thương-gia vui mừng, sửa-soạn bột rang và mật ong rồi đến trước Phật cung kính đảnh lễ, cầu Phật nhận lãnh hai món cúng dường khiêm-tốn này để hai ông được an vui hạnh-phúc lâu dài. Ðức Phật, không còn bát khất thực nữa[63], nghĩ rằng:

- Các đấng Như-Lai không bao giờ đưa tay thọ nhận vật thực. Làm sao ta nhận hai món bột rang và mật ong này?

Lúc ấy bốn vị Thiên-vương[64] đoán biết ý nghĩ của Phật, liền từ bốn phương bay đến dâng lên Ðức Phật bốn cái bát bằng vàng; Ðức Phật không nhận. Bốn vị liền dâng lên bốn cái bát bằng bạc; Ðức Phật không nhận. Bốn vị liền dâng lên bốn cái bát bằng ngọc; Ðức Phật cũng không nhận. Bốn vị sực nhớ đến chư Phật đời trước thường dùng bát bằng đá, liền dâng lên bốn cái bát bằng đá và đồng thưa rằng:

- Bạch đức Thế-tôn, xin ngài hãy nhận bột rang và mật ong trong cái chén đá này.

Ðể cho bốn vị Thiên-vương đều hài lòng, Ðức Phật để cái chén thứ nhất vào lòng bàn tay trái, tay phải cầm cái chén thứ hai để chồng lên chén thứ nhất rồi ấn xuống làm hai cái nhập lại làm một, rồi đến cái chén thứ ba và thứ tư cũng được nhập vào như thế.. Cuối cùng bốn cái chén đá được nhập lại làm một nhưng vẫn còn dấu vết của bốn miệng chén[65]. Ðức Phật đưa chén ra nhận vật thực. Sau khi thọ thực xong, ngài bảo hai vị thương-gia Tapussa và Bhallika như sau:

- Này hai ông, nếu hai ông muốn được phúc báo lâu dài thì nên quy-y Phật bảo, quy-y Pháp bảo và thọ trì năm giới.

Hai vị thương gia liền quỳ xuống đảnh lễ ngài và bạch rằng:

- Bạch đức Thế-tôn, xin ngài cho phép chúng con được quy-y Phật và quy-y Pháp, thọ trì năm giới, và xin ngài thu nhận chúng con vào hàng thiện-tín (upasaka) của ngài từ nay cho đến hết cuộc đời của chúng con.

Ðó là hai thiện-tín đầu tiên đã quy-y Nhị Bảo (Phật và Pháp, chưa có Tăng). Sau khi đã được Ðức Phật ban pháp quy-y và truyền năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối), và trước khi từ giã ngài để trở về quê ở Miến-Ðiện, hai vị thương-gia xin ngài ít vật lưu niệm để luôn luôn tưởng nhớ đến ngài. Ðức Phật tặng cho hai vị một ít tóc và móng tay và bảo rằng:

- Hằng ngày các ông trông thấy những vật này cũng như trông thấy Như-Lai vậy.

Hai vị cung kính nhận lãnh, lạy tạ rồi mang về Miến-Ðiện xây tháp thờ. Hiện nay bảo vật này vẫn còn được giữ-gìn cẩn-thận trong bảo tháp của chùa Swedagon tại thủ-đô Rangoon (Ngưỡng-Quang). 



[1] Siddhatta xuất gia vào năm 29 tuổi, theo Digha-nikaya 16: Maha-Parinibbana-sutta.

[2] Theo kinh Pháp Hoa Huyền Tán 1, phần cuối (Ðại 34, 671 hạ), thì đức Phật có 3 người con trai là Sunakkhatta (Thiện-Tinh), Upavana (Ưu-Bà-Ma-Na) và Rahula (La-Hầu-La). Hai người đầu, lớn tuổi hơn Rahula, là con của các thứ phi. Theo kinh Ðại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Ca-Diếp Bồ-tát, trang 344, thì Sunakkhatta xuất gia theo làm thị giả cho Phật, tu đến tứ thiền, nhưng sau lại tin theo bạn ác, thành nhứt-xiển-đề, bị đọa địa ngục một kiếp; Upavana (Ưu-Bà-Ma-Na) cũng xuất gia, có lúc làm thị giả cho Phật và đã có mặt bên Phật suốt 3 tháng sau cùng cho đến lúc Phật nhập niết-bàn.

Rahula (La-Hầu-La) có nghĩa là một trở ngại. Khi hay tin Yasodhara vừa sanh được một hoàng nam, Siddhattha buộc miệng thốt lên: "Lại thêm một trở ngại". Lại có tài liệu cho rằng Rahula sinh ra nhằm lúc Rahulâsura (La-hầu-la A-tu-la) đưa tay che mặt trăng để đánh nhau với trời Ðế-Thích. Rahula có nghĩa là "chướng nguyệt", che mặt trăng. Rahulâsura là Vua A-tu-la trụ ở thành Quang Minh, tầng đất thứ nhất dưới đáy biển.

[3] Sakka Indra là vua trời Ðế Thích, còn gọi là trời Ðao Lợi (Tavatimsa).

[4] Tứ Thiên vương (Catum-maha-rajika-deva) gồm có Trì Quốc Thiên vương ở phía đông, Tăng Trưởng Thiên vương ở phía nam, Quảng Mục Thiên vương ở phía tây, Ða Văn Thiên vương ở phía bắc của một thế giới. Ở giữa thế giới có núi Tu-di (Sumeru), chung quanh núi Tu-di có 8 lớp núi và 8 lớp biển.

[5] Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 55, thì là ngày trăng tròn tháng Uttarasatha (tháng 6-7 dl).

[6] Theo ông Cunningham thì Anoma hiện nay là sông Aumi thuộc quận Gorakhpur; nhưng theo ông Carlleyle thì Anoma hiện nay là sông Kudawa-Nadi thuộc quận Basti.

[7] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 78. Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 61 thì là hướng đông.

[8] Nơi đây về sau có tháp kỷ niệm tên Kashayagrahana shrine, theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 57.

[9] Nơi Siddhattha từ giả Channa và Kanthaka về sau có đền kỷ niệm tên Chandaka-nivartana hay Kanthaka-nivattana shrine, xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 55-56.

[10] Sáu đường hay lục đạo luân hồi ở cõi dục là trời, a-tu-la, người, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

[11] Ông Alara-Kalama tu hạnh xuất gia theo phái Samkhya (Tăng-khứ, Số luận) đã đắc ngũ thông,  đạt đến bậc thiền Vô-sở-hữu xứ.

[12] Thường gọi chung là Năm Anh Em Kiều-Trần-Như. Năm vị nầy đều là bà con bên nội hoặc bên ngoại của Siddhattha. Riêng ông Kondanna đã từng thọ giáo với đạo-sư Uddaka Ramaputta (Uất-đầu-lam) và là vị Bà-la-môn trẻ tuổi nhất trong nhóm sáu vị được vua mời đến xem tướng cho thái-tử lúc mới sanh. Trong hội Pháp-Hoa đức Phật có thọ-ký cho ông Kondanna sẽ thành Phật  hiệu là Samantaprabhasa (Phổ-Minh). Bốn người bạn của ông Kondanna là con của bốn trong năm vị Bà-la-môn lớn tuổi đã xem bói cho thái tử lúc mới sanh.

[13] Xem Majjhima-nikaya 26, 36, 85, 100; Trung A-Hàm 204; Tạp A-Hàm 110; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1421.

[14] Năm căn = mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

[15] Sáu căn = mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (bộ óc).

[16] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 190, 1421; Majjhima-nikaya 4, 26, 36, 85; Khuddaka-nikaya / Sutta-nipata / Maha-vagga / Pabbajja-sutta.

[17] Ông Uddaka Ramaputta (Uất-đầu-lam-phất) là con và đệ tử của ông Rama. Ông được cha truyền đạo theo phái Yoga, tu theo ngoại-định (kasina). Ông là vị đạo-sư giỏi nhứt toàn xứ Ấn-độ thời bấy giờ. Trong kinh có chép rằng khi ông vừa đắc định Phi-Tưởng Phi-Phi-Tưởng và ngũ thông, ông bay tới đền vua Bimbisara; vua mừng rỡ, đảnh lễ dưới chân ông và cúng dường trọng-thể. Vua căn-dặn hoàng-hậu Videhi: "Như ta đi khỏi mà Tiên-nhơn tới thì khanh nên lễ kính và cúng-dường cũng như ta vậy". Một hôm ông Uddaka Ramaputta đến trong lúc vua Bimbisara vắng mặt, hoàng-hậu Videhi vâng lệnh vua lễ-bái dưới chân, Tiên-nhơn trong thấy sanh lòng tưởng quấy, liền mất hết thần-thông, phải đi bộ trở về. Có lúc ông ngồi nhập định trên núi bị chim thú kêu la quấy rầy; ông bỏ xuống gần mé nước tọa thiền bị cá tôm làm rối; trong lúc tâm-thần bất định, ông lở lời nguyện làm con Phi-ly (chồn bay) để trên giết bầy chim, dưới giết đoàn cá. Sau đó ông tự ăn-năn, lâu lắm mới đắc lại Phi-Tưởng Phi-Phi-Tưởng định. Khi đức Phật thành đạo thì ông đã thác sanh về cõi trời Vô-sắc Phi-Tưởng Phi-Phi-Tưởng. Ðức Phật nói sau khi hưởng hết phước báo cõi trời ông sẽ bị đọa làm giống chồn bay theo lời đã lỡ nguyện trong khi buồn giận. (Xem Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn-Trung-Còn, chữ Uất-đầu-lam-phất ).

[18] Rajagriha hay Rajagaha (Vương-xá) hiện nay là thành-phố Rajgir thuộc Tiểu-bang BIHAR.

[19] Thời bấy giờ trước khi ra trận, chiến-sĩ cột trên ngọn giáo của mình chùm cỏ Munja tỏ rằng không bao giờ lùi bước trước quân thù.

[20] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 72-73.

[21] Xem Buddhacarita-sutta.

[22] Áo phẩn tảo (pamsu-kula) là áo cà-sa may bằng vải rách lượm trong đống rác.

[23] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 187, 190; Majjhima-nikaya 26, 36; Lalitavistara; Buddhacarita; Samyutta-nikaya; Dhammapada 153-154; Udana I.1-3.

[24] Một loại cây sung ở Ấn-độ: Banyan tree, Figuier d'Inde, cây dừng.

[25] Sau khi ăn xong bát cháo sữa này, Ðức  Phật  nhịn ăn luôn 49 ngày liền.

[26] Cây Pippala (Tất-bát-la) còn có tên khác là Assattha (Bát-đa) vì trái của cây này tên là Pippala, còn bông của nó tên là Assattha. Ðây là một loại cây đa, tên khoa học là Ficus religiosa. Sau khi Phật thành đạo, người ta đặt tên cây là Bodhi (Bồ-đề) có nghĩa là cây Giác-ngộ.

[27] Ðoạn đối thoại này phỏng theo kinh Lalitavistara. Xem The Life of The Buddha, A. Foucher, trang 107.

[28] Tọa-cụ là tấm thảm vuông trải xuống đất để ngồi cho sạch-sẽ. Bồ-đoàn là cái gối tròn để lót ngồi cho thẳng lưng.

[29] Thiên long bát bộ gồm có Trời (Deva), Rồng (Naga), Dạ-xoa (Yaksa), A-tu-la (Asura), Ca-lầu-la (Garuda) còn gọi là Kim-sí-điểu, Càn-thát-bà (Gandharva) chuyên hòa tấu nhạc, Khẩn-na-la (Kimnara) chuyên múa hát và đánh trống, Ma-hầu-la-già (Mahoraga) đầu người mình rắn chuyên thổi sáo.

[30] Năm uẩn hay năm ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Là 5 yếu-tố cấu tạo thành con người.

[31] Mười tám giới là: 6 căn, 6 trần và 6 thức. Có nghĩa là tất cả pháp giới.

[32] Ma Vương (Mara) là vua cõi trời Tha-hóa-tự-tại (Paranimmitavasavatti), cõi trời cao nhất ở cõi Dục. Theo tiếng Pali mara là chết, Mara là thần Chết hay Ma Vương. Ma Vương là vị thần có ảnh hưởng rất lớn ở cõi Dục vì tất cả sự vật nơi đây đều chịu định luật vô thường, tức phải chết, và tất cả sinh hoạt nơi đây đều do động cơ tham sân si thúc đẩy. Người nào còn tham sân si là còn phải thần phục Ma Vương, dưới quyền điều khiển của Ma Vương.

[33] Ba đường ác: địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

[34] Theo Phật giáo nguyên thuỷ, đức Phật giáng sanh, thành đạo và nhập niết bàn đều nhằm ngày trăng tròn tháng vesak (tháng 4-5 dương lịch).

[35] Xem Kinh Pháp-Cú 153-154; The Life of Buddha as Legend and History, trang 75.

[36] Tìm xem do đâu mà có thân để tạo nghiệp.

[37] Người thợ xây nhà chính là ái-dục và chấp ngã.

[38] Sườn nhà là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến ...

[39] Ðòn dông nhà là vô minh.

[40] Xem Samyutta-nikaya /Nidana-vagga / Paticca-samuppada-sutta.

[41] Vô-minh là quên, không biết CHƠN-TÂM của mình. Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật dạy "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn". Nghĩa là: Từ "tánh biết" không có chủ-thể và đối-tượng mà lập ra cái "biết" có chủ-thể và đối-tượng, rồi 6 căn vướng mắc vào 6 trần sanh ra chê khen thương ghét, đó chính là gốc của "vô minh". Do vô minh nên thấy có đối-đãi, phân biệt. Do vô minh nên vạn vật vô thường mà ta cho là thường, vô ngã mà ta cho là có ngã; dục lạc ở thế gian là khổ mà ta cho là vui. Do vô minh nên quên hết các kiếp trước, không biết nhân quả luân hồi. Tiếng Pali ‘avijja-paccaya samkhara’ có nghĩa là ‘vô-minh duyên-sanh ra hành’.

[42] Hành là thay-đổi, biến-chuyển, di-động; là ý nghĩ, hành động hay lời nói tạo nghiệp.

[43] Thức là cái biết do sự phân-biệt tốt, xấu, hay, dở, phải, quấy ... Sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức. Thức là động lực đi thọ sanh.

[44] Danh là vật vô hình, chỉ có tên, không có tướng, là tâm thức, là thọ, tưởng, hành và thức;  Sắc là vật hữu hình, là cơ thể.

[45] Sáu căn là mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, bộ óc (mano).

[46] Xúc là sự tiếp-xúc giữa căn và trần, ví-dụ như nhãn-căn và sắc-trần.

[47] Thọ là cảm-giác dễ-chịu, khó-chịu, trung-tính, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.

[48] Ái là ưa thích, muốn có làm của riêng mình. Là dục vọng, khao khát, ham muốn, là động cơ tạo nghiệp

[49] Thủ là giữ làm của riêng mình, là tâm vướng mắc vào một vật, một quan niệm hay một chủ thuyết gì.

[50] Hữu là sở-hữu, là của mình, cũng có nghĩa là nghiệp do mình tạo ra (kamma-bhava).

[51] Sanh là hiện-hữu, hiện sinh, có mạng sống.

[52] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 76.

[53] Nguyên văn: "Imasmim sati, idam hoti; imasmim asati, idam na hoti." Có nghĩa là: Khi cái này như vầy thì có cái kia; khi cái này không phải như vầy thì không có cái kia.

[54] Có bài tụng của Thiên-Thai tông như sau:  " Hoa-Nghiêm tối sơ tam thất nhựt, (21 ngày)

    " A-Hàm thập nhị, Phương-Ðẳng bát, (20 năm)

    " Nhị thập nhị niên Bát-Nhã đàm,(22 năm)

    " Pháp-Hoa, Niết-Bàn, cộng bát niên. (8năm)

[55] Gọi như vậy vì lúc ấy Ðức Phật suy niệm về phần rất quí báu của tạng Luận (Abhidhamma). 

[56] Ðức Phật thuyết bài pháp này tại tinh xá Jetavana ở thủ đô Sravasti. Ngài muốn chứng tỏ lòng tôn-kính của ngài đối với Tăng-già để khuyên bà Maha Pajapati Gotami nên cúng dường chư Tăng bộ y mà bà đã ra công may để cúng dường Ðức Phật.

[57] Có thuyết cho rằng trong tuần lễ này đức Phật thuyết pháp tại Long Cung.

[58] Hiện nay, tại Bodhgaya, về hướng đông-nam, có một hồ sen lớn, giữa hồ có tượng Rắn thần đang che mưa gió cho Ðức Phật, và có bảng ghi kỷ-niệm. Trước hồ có trụ đá của vua Asoka.

[59] Nguyên văn bài kệ: "Sukho viveko tuthassa sutadhammassa passato

   "Abyapajjham sukham loke panabhutesu samyamo

   "Sukha viragata loke kamanam samatikkamo

   "Asmimanassa yo vinayo etam ve paramam sukham.

(Udana-sutta, kinh Tự-Thuyết).

[60] Nguyên văn: Aparuta tesam amatassa dvara-ye sotavanta pamuncantu saddham.

[61] Xem Majjhima-nikaya 26: Ariyapariyesana-sutta; Lalitavistara.

[62] Bột rang và mật ong là lương-thực mà du-khách Ấn thời bấy giờ thường mang theo mình để ăn dọc đường.

[63] Bình bát của Phật đã chìm xuống đáy sông Nairanjana lúc Phật tắm lần cuối trước khi thành đạo.

[64] Tứ Thiên Vương = Catum-maha-rajika.

[65] Theo The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 132-133: Ngài Pháp-Hiển, thế kỷ thứ 5, còn thấy cái bát đặc biệt này của Phật được thờ trong một ngôi chùa ở Pesawar; nhưng khi ngài Huyền-Trang, thế kỷ thứ 7, đến Pesawar thì ngôi chùa này đã đổ nát và cái bát của Phật cũng mất tích.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

hành Tinh Dấu BÃÆn Tinh thần Thiền Tông Li CHÙA tu廙i 普提本無 tự lá Ÿ hỏi tap tenh lam nguoi muc dich cuoc doi la g i dạo Ăn chay ti nh Mẹ lòng từ NhÃƒÆ su khao khat tim cau giac ngo cua nu gioi xin chao cac vi phap su biệt bẠvạn đừng Chua hay CÃn Giç húy Sơ lược tiểu sư Tổ Huệ Đăng hạnh doanh mot 五痛五燒意思 Quan hệ thầy trò trong kinh luật Phật tu và nghiệp Phát luu y ve giac ngu doi voi nguoi cao tuoi nen cung tat nien nhu the nao Bớt nóng với trà và salad hoa Phật giáo ДГІ udumbara vài suy nghĩ về vấn đề cầu an và cầu chùa hải ấn nÁn Suc stress quảng qua viet bên 無量義經 nghe thuat song tinh thuc ma nguoi phat tu can 泰卦 hoa thuong thich hue phap トO 抢罡 Giổ 18 trung am bardo tai sinh bổ giå Ai nam mo cau sam hoi bo tat 真言宗金毘羅権現法要